23.3.2007
Phạm Lưu Vũ
“Lễ” của nước Việt
(Trích Luận ngữ tân thư - phần tiếp theo)
Nghe nói “Lễ” có trước luật pháp. Rồi sau đó, “Lễ” vừa đẻ ra luật pháp, vừa bổ sung cho những chỗ không thể đủ của luật pháp. “Lễ” chính là luật pháp vậy. Lại nghe “Lễ” có sau luật pháp, ấy là muốn nói tới cái lúc con người không cần phải dùng tới luật pháp nữa thì “Lễ” vẫn còn. Thiên hạ đâu đâu cũng chỉ gồm người với người, nước nào cũng thế cả. Vậy mà “Lễ” của mỗi nước lại không giống nhau. Có phải tại “thuỷ thổ” của mỗi nước khác nhau chăng? Ví như cái “Lễ” của nước Việt sau đây. Có thể coi là “độc nhất vô nhị”, thậm chí phải nói là đáng “tự hào” nhất trong thiên hạ vậy...
Mấy dòng trên vẫn cái kiểu “lảm nhảm” của “Lời tựa” trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Tử Cống muốn đầu tư, mở rộng việc kinh doanh buôn bán ở nước Việt, mới thỉnh ý kiến Khổng Tử. Khổng Tử bảo:
“Nếu người nước Việt biết giữ Lễ, thì có thể làm ăn, buôn bán với họ được.”
Bèn sai thầy Tử Hạ sang nước Việt để điều tra xem “Lễ” ở bên đó thế nào. Tử Hạ vâng lời giắt theo một ít bạc rồi khăn gói ra đi. Lặn lội hàng tháng trời mới đến địa giới nước Việt. Đêm đầu tiên ngủ ở khách điếm, Tử Hạ cẩn thận nằm gối đầu lên hành lý. Vậy mà sáng dậy, thấy đầu mình đang gối lên một... bao cỏ, còn gói hành lý thì đã vĩnh biệt thầy từ lúc nào. Tử Hạ bèn gọi chủ khách điếm đến hỏi:
“Nước Việt lắm kẻ trộm thế hay sao?”
Chủ khách điếm tỉnh bơ trả lời:
“Ngài mất một gói hành lý, lớn không hơn cái gối, nặng bất quá vài cân. Chỉ cần nửa tên trộm cũng khuân đi được, huống hồ phải tốn đến một tên. Vậy mà ngài đã vội kết luận rằng nước Việt lắm kẻ trộm? Một người mang danh học trò của Khổng Tử như ngài mà không sợ bị thiên hạ chê là hồ đồ ư?”
Tử Hạ cứng lưỡi, đành ngậm ngùi chịu mất gói hành lý. Đêm hôm sau. Đang ngủ, bỗng có một kẻ bịt mặt lẻn vào tận giường, dí dao lên cổ thầy đòi nộp toàn bộ số bạc trong người. Tử Hạ sợ nguy đến tính mạng, đành móc hết nộp cho nó. Sáng ra, Tử Hạ lại mời chủ khách điếm đến. Rút kinh nghiệm hôm trước, lần này thầy hỏi:
“Nước Việt vẫn còn một tên kẻ cướp hay sao?”
Chủ khách điếm thản nhiên trả lời:
“Ngài chỉ là một anh học trò bạch diện thư sinh, lại dúm dó thất thểu từ nơi xa đến, nom chẳng có gì nổi bật. Chắc cũng không phải hạng phú quý gì. Người nước Việt xưa nay tuy được tiếng là ngửi hơi tiền giỏi nhất thiên hạ. Song chắc gì đã có nhiều kẻ biết ngài giắt theo tiền bạc trong người. Ấy thế mà ngay đêm thứ hai, đã có kẻ cướp mò đến hỏi thăm. Chứng tỏ trước mặt, sau lưng ngài không lúc nào thiếu kẻ cướp. Vậy mà ngài cho rằng cả nước Việt chỉ còn một tên? Trình độ suy luận của ngài nông cạn như thế, không sợ mang tiếng là dài lưng tốn vải ư?”
Tử Hạ ớ người, xấu hổ đến nỗi không nói lại được câu nào. Đành lủi thủi chuồn vội ra khỏi địa giới nước Việt. Rồi thầy vừa đi đường vừa xin ăn, mấy tháng sau mới về tới nước Lỗ, tình cảnh thực thê thảm. Về tới nhà rồi, Tử Hạ đợi mấy hôm sau mới dám vào ra mắt Khổng Tử. Trước tiên thầy tạ lỗi về chuyến đi không thu được kết quả gì, sau đó kể lại chuyện xảy ra, như có ý muốn thanh minh, hy vọng nhận được vài lời an ủi. Không ngờ Khổng Tử nghe xong lại tỏ ra mừng rỡ. Ngài gật gù khen:
“Ta lại thấy chuyến đi của ngươi có kết quả tốt đấy. Kẻ quân tử chớ nghĩ đến chuyện mất của. Việc ấy chứng tỏ người nước Việt rất biết giữ Lễ. Nước Việt quả không hổ là con cháu Ngu Thuấn. Một nước ở xa Trung nguyên như thế, mà vẫn biết giữ Lễ. Điều đó thật đáng tự hào, thật đáng tự hào...”
Tử Hạ tròn mắt kinh ngạc, không hiểu Khổng Tử khen thế là nghĩa làm sao. Thầy có ý hơi bất mãn, không phục. Bèn thắc mắc:
“Kẻ học trò này vừa bị trộm, vừa bị cướp. Lại còn phải dỏng tai nghe gã điếm ấy uốn ba tấc lưỡi, leo lẻo cái lỗ mồm. May còn mang được cái thân thừa về đây, chưa đến nỗi chết đói chết khát dọc đường. Thế mà Phu Tử không thèm động lòng xót thương lấy một tiếng, lại còn khen nước Việt biết giữ “Lễ”? Kẻ ngu này thật chẳng hiểu ra làm sao cả.
Câu nói của Tử Hạ không ngờ làm cho Khổng Tử nổi giận. Ngài bật đứng lên khỏi ghế, trỏ tay mắng:
“Sao mà đầu óc ngươi u tối, lại cố chấp làm vậy. Một nước có lắm kẻ cướp như nước Việt, mà vẫn biết ăn trộm trước, rồi sau đó mới ăn cướp. Phàm xử việc mà không nóng vội, lại có thứ tự, lớp lang như thế, chẳng phải “Lễ” là gì? Giả sử nó làm ngược lại, ăn cướp ngay đêm đầu tiên, thì đến đêm sau, ngươi còn cái gì để cho nó ăn trộm nữa?”
Một đêm cuối tháng giêng năm Đinh Hợi (2007)
*
Lời bàn của Lê Anh Hoài
Đau quá!
Nhưng mà đúng đấy, vừa đúng cái thực trạng của Việt lại vừa đúng cái không khí, thần thái đối xử của xứ văn minh (Trung nguyên) với man di (Việt). Nó biết Việt là “ngoại hạng” rồi nên cần phải có một chuẩn mực riêng mới xét nổi. Tự hào ôi nước Việt!
Cái hay nhất của truyện này là nhân vật chủ quán, nó là nhân vật thuần Việt hay là “Việt xịn.” Nó trâng tráo, ngụy giã, nhưng lại có lối biện luận (mà các bậc túc nho - trừ chính thầy Khổng tử) khó cãi của cái giống “cùn.” Lý không thông nhưng cũng lập lý, tự tin như ai.
Ô hô...
© 2007 talawas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét