28/6/07

Thánh hiền ta đời xưa chưa hề có tư tưởng dân chủ -Phan Khôi

Phan Khôi
Thánh hiền ta đời xưa chưa hề có tư tưởng dân chủ

Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu

Vài lời của người sưu tầm: Bài báo dưới đây của Phan Khôi, tôi sưu tầm và lưu giữ riêng đã 6-7 năm nay; để đưa tới bạn đọc dưới dạng sách in, hẳn phải chờ dăm năm nữa. Nhận thấy bài này thuộc số những bài cần được biết rộng càng sớm càng hay, tôi rút nó từ bộ sưu tập đang chuẩn bị ra giới thiệu với những ai quan tâm.
Lại Nguyên Ân



Mình chưa hề biết và chưa hề làm được cái việc kia, đến chừng thấy có người nói ra hay làm ra cái việc ấy rồi, thì lại kiếm điều tỏ ra mình đã có biết đến để khoe cái giỏi của mình mà kỳ tình là để che cái dở của mình: ấy là một cái thông bịnh của người An Nam và cũng là một cái đặc tánh của người An Nam.

Ba người cùng ở chung một nhà hay đi đánh cá ngựa. Hôm vừa rồi hai người đi đánh và thua vì con Phi Long ăn nhứt mà họ không ngờ. Khi về thuật chuyện lại, người thứ ba ở nhà la rầy bạn mình và tắc lưỡi nói: “Phải chi có tôi đi thì tôi đã đánh con Phi Long vì tôi biết nó hay lâu rồi”.

Nhắc lại hồi người Pháp mới đặt đường dây thép ở xứ ta, nhiều người cho họ là làm láo, chớ có lẽ nào giăng sợi dây như thế mà lại thông tin cho nhau được? Đến chừng thấy thật quả thông tin được thì cũng những người ấy lại nhún trề mà nói rằng: “Cái đó có lấy gì làm tài? Bầy trẻ chăn trâu ta cũng làm được: chúng dùng hai cái ống tre có bịt da một đầu, trong đó mắc một sợi dây tơ thật dài, rồi mỗi đứa cầm một cái ống mà nói chuyện cùng nhau từ cánh đồng nầy sang cánh đồng kia. Dây thép của Tây chẳng qua cũng làm theo cách đó”.

Những cái ví dụ như thế kể ra còn nhiều lắm. Bất kỳ lúc nào, chỗ nào, chuyện gì, hầu hết đều tìm thấy được cái thông bịnh và cái đặc tánh ấy của con Rồng cháu Tiên chúng ta.

Những câu khoe khoang một cách vô liêu [1] ấy thật là vô giá trị, chỉ làm cho kẻ thức giả nghe mà khinh thì có chớ không ai trọng. Vì những câu ấy đối với việc làm thì không có ích lợi chút nào hết, mà đối với chơn lý thì sai xa.

Nói ngay vào đề. Từ ngày học thuyết Âu châu tràn sang phương Đông ta, cái thuyết dân chủ của họ ban đầu làm cho người mình kinh quái mà sau thì xưng tụng. Đây không nói nó là dở là hay, chỉ thấy một phần đông khuynh hướng cái thuyết ấy đã làm dịp cho có kẻ tìm cách khoe khoang rồi, tức là họ nói: Thánh hiền phương Đông ta đời xưa cũng đã có tư tưởng dân chủ vậy.

Ai nói như vậy, cái bổn ý của họ không gì khác hơn là để tỏ ra tư tưởng người phương Đông cũng chẳng kém gì người phương Tây, nhưng thực sự có phải vậy không, thì trong khi nói, họ không kể đến.

Theo thực sự thì các nước phương Đông nầy từ xưa chưa hề có cái chế độ dân chủ vì chưa hề có cái tư tưởng dân chủ để mở đường. Bây giờ cái thuyết dân chủ ở bên Tây truyền sang, bổn phận người phương Đông là phải xét đoán nó, xem nó hay thì theo, nó dở thì đừng theo, lọ phải chưng chỗ tổ tiên mình cũng nghĩ được như họ ra làm chi cho thừa!

Nếu phương Đông ta có một cái học thuyết về chánh trị cho vững vàng thì trong khi cái thuyết dân chủ truyền sang, ta đã phản đối nó ngay, vì nó trái với phong tục chế độ của ta lắm. Nhưng mà không, cái nước tổ văn hoá phương Đông là nước Tàu kia đã theo mà thiệt hành dân chủ rồi, thế đủ biết người ta nhìn nó là hay vậy. [2] Nhìn cái thuyết dân chủ là hay và theo nó, nhưng trong khi theo đó thấy như mình mất thể diện, cho nên lại kiếm cách mà khoe khoang. Sự khoe khoang ấy tôi cho là vô liêu, vì khoe khoang mà có ý buồn, có ý tiêu cực.

Mới rồi trên báo Đuốc Nhà Nam [3] có một bài của cụ Phan Sào Nam, nói thầy Mạnh Tử đã xướng ra chủ nghĩa bình dân và cái thuyết tam quyền phân lập, chính cũng là một lối khoe khoang vô liêu ấy. Cụ Sào Nam là người hào kiệt thật, nhưng vốn nhà cựu học mà lại đã già, cụ cũng phải có ít nhiều tư tưởng hủ bại như người khác; bởi vậy tôi viết bài nầy không cốt để phản đối cụ, chẳng qua nhơn đó tỏ ra một vài sự thật cùng độc giả.

Cụ Sào Nam lấy một chương trong sách Mạnh Tử, chương nói về sự Cổ Tẩu sát nhân mà bảo rằng đó là cái tinh thần của thuyết tam quyền phân lập, thật là viển vông quá, không chắc vào đâu cả. Đến như cho Mạnh Tử là ông tổ chủ nghĩa bình dân hay dân chủ thì cái đó nhiều người nói rồi, chớ không phải một mình cụ bắt đầu. Nhưng, theo tôi thì cả thánh hiền bên Tàu đời xưa chẳng có một người nào có tư tưởng bình dân hay dân chủ hết, chớ đừng nói Mạnh Tử.

Hết thảy thánh hiền đời xưa đều chưa biết đến cái nghĩa dân chủ vì ai nấy đều nhìn nhận rằng phải có vua mới được, mà vua thì cầm cả mọi quyền, chỉ có Trời trong tư tưởng người ta là ở trên vua và kiềm chế được vua mà thôi. Chính ông Mạnh Tử cũng nghĩ như thế thì sao gọi được là có tư tưởng dân chủ?

Mạnh Tử nói: “Dân là quý, xã tắc thứ đó, vua là khinh”. Nhưng phải biết rằng nói như thế chỉ là để cho vua phải quý dân mà thôi, chớ cả sách Mạnh Tử chẳng hề có một chữ nào chỉ nghĩa là dân có quyền; dân đã không có quyền thì còn làm chủ trong nước được ư?

Khi điều trần việc chánh trị cùng các vua chư hầu, Mạnh Tử hay nói “bảo dân” và “mục dân”. “Bảo dân”, thế là coi dân như con nít mà “giữ” nó; “mục dân”, thế là coi dân như trâu dê mà “chăn” nó. Trong ý Mạnh Tử cho dân là cội gốc của nước; cho được giữ nước, vua phải quý dân mà giữ nó chăn nó, thế thôi. Một điều tỏ ra tư tưởng Mạnh Tử có tấn bộ hơn kẻ khác là ông bảo: Khi vua làm hại dân thì thì dân có thể không nhìn là vua mình nữa mà được phép phản đối vua, tức là “cách mạng”. Nhưng cuộc cách mạng trong ý Mạnh Tử không giống cuộc cách mạng đã xảy ra như ở nước Pháp hay nước Nga. Cuộc cách mạng của Mạnh Tử không do ở toàn dân mà phải có một người đứng đầu, tức là như vua Thang vua Võ. Rốt cuộc lại, Thang, Võ lại làm vua nữa. Thế chẳng qua là vua cách cái mạng của vua chớ không phải dân cách cái mạng của vua. Chỗ đó thấy rõ ra là tư tưởng Mạnh Tử khác với tư tưởng bọn J. J. Rousseau rất xa. Tôi nhận cho là hai thứ tư tưởng chớ không phải cùng một thứ.

Rất đỗi như Mạnh Tử, người ta cho là về chánh trị có tư tưởng bạo hơn ai hết mà còn như thế, huống nữa là các ông thánh hiền khác. Cho nên không đợi xét xem đâu nữa mà cứ quyết đoán rằng cả thánh hiền bên Tàu đời xưa chưa hề có tư tưởng dân chủ, cũng không đến nỗi trật đâu.

Có người thấy Nghiêu, Thuấn không truyền hiền, rồi mạo nhận rằng đó cũng là một cái chế độ dân quốc: ngôi tổng thống phải bầu cử mà không được truyền cho con. Nhưng trong khi nói đó, họ quên Nghiêu, Thuấn vốn là ông vua “giàu có bốn biển” (phú hữu tứ hải, tức là lấy thiên hạ làm của riêng) và cầm cả mọi quyền, chỉ có một điều kiện mà bao nhiêu điều kiện cốt yếu nhứt lại không có, thì sao kể được là chế độ một nước dân chủ?

Trong các thánh hiền, ta không tìm thấy được cái óc dân chủ, vậy thì ta thử tìm đến người phản đối với các thánh hiền ấy xem nào. Có ông Lão Tử khinh cả Nghiêu, Thuấn, muốn dứt bỏ cả các bậc thánh trí, nhưng tư tưởng của ông cũng không phải là dân chủ. Cứ theo Đạo đức kinh của ông, có người cho Lão Tử giống như là phái vô chánh phủ, thế thì lại trật qua đường khác rồi.

Một vị chơn nho cận thời đây, ở về cuối Minh đầu Thanh, ông Hoàng Tông Hy [4] , là người phản đối cái chế độ quân chủ chuyên chế dữ lắm. Nhưng tư tưởng ông cũng không bạo hơn được Mạnh Tử. Trong sách Minh di đãi phỏng của ông, những bài “Nguyên quân”, “Nguyên thần” tuy có kể tội cái chế độ quân chủ chuyên chế, mà rốt lại ông cũng không tìm ra được cái chế độ khác để thay nó, chỉ vạch ra cái bổn ý lập vua là thế nào, như đặt thêm một bổn chương trình mới cho quân chủ mà thôi. Ông Hoàng Tông Hy cũng cứ lẩn quẩn trong phạm vi lập quân như các thánh hiền đời trước, ông không tìm ra phương pháp gì để hạn chế quân quyền như cái thuyết quân chủ lập hiến bên Tây, hòng nói chi đến dân chủ?

Nói tóm lại, dân chủ nghĩa là chủ quyền của một nước nắm trong tay toàn dân nước ấy, toàn dân cử ra những người thay mặt cho mình để làm mọi việc trong nước, binh vực quyền lợi cho mình: đó là cái chế độ thi hành trong các nước dân chủ bên Âu-Mỹ ngày nay. Cái chế độ ấy có quả là hay không, và họ thi hành có đúng như thế không, đây không luận tới; chỉ nói quyết rằng chẳng những cái chế độ ấy từ xưa phương Đông không có mà cho đến cái đầu óc nghĩ ra chế độ ấy cũng không có nữa.

Trước phải có tư tưởng dân chủ rồi nhơn đó mới nghĩ ra cái cách phân lập các quyền được. Nay cái trước đã không có mà cụ Phan cho rằng đã có cái sau thì thật khó mà tin. Cả nước Tàu từ xưa ai cũng bảo rằng phải có vua, nước mới khỏi loạn, mà ông vua phải cầm cả mọi quyền thống trị trong nước, thì còn mong gì nghĩ tới sự tam quyền phân lập, vì trong khi thiệt hành bốn chữ ấy phải đem những quyền ấy mà “chia” cho những người vốn ở dưới quyền của vua?

Sự khoe khoang vô liêu nầy có hại, là vì nó làm cho người mình sanh ra lòng kiêu căng trong khi mọi sự phải đi học kẻ khác. Một lời vô ích mà hữu hại, tôi không muốn cho ai nói, cũng như một việc việc vô ích mà hữu hại, tôi không muốn cho ai làm.



[1]vô liêu 無 聊: không có thú vị gì = sầu muộn (theo Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển); buồn tẻ (theo Trần Văn Kiệm: Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Đà Nẵng 2004)
[2]Nói “nước Tàu theo và thiệt hành dân chủ” ở đây hẳn là nói Trung Hoa dưới chế độ Trung Hoa Dân quốc, đương thời xuất hiện bài báo này.
[3]Đuốc Nhà Nam: nhật báo, xuất bản tại Sài Gòn từ 1928, đình bản 1937, có lúc được coi là tiếng nói của Đảng Lập hiến Nam kỳ
[4]Hoàng Tông Hy (1609-95) nhà tư tưởng Trung Hoa cuối Minh đầu Thanh
Nguồn: Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, số 270 (13 Décembre 1934)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét