28/6/07

Cơn mê kiêu ngạo hơn nữa thế kỷ - Nguyễn Dình Chính

12.1.2007
Nguyễn Đình Chính
Cơn mê kiêu ngạo hơn nữa thế kỷ - Thư trả lời nhà văn Nhật Tiến

Bài “Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn”, ghi lời nhà văn Nguyễn Đình Chính trả lời phỏng vấn của talawas, đang gây nhiều dư luận. Với cuộc trao đổi giữa hai nhà văn Nhật Tiến và Nguyễn Đình Chính xung quanh một số nội dung của bài phỏng vấn này, lần đầu tiên một tác giả trong nước và một tác giả ngoài nước công khai đối thoại về những vấn đề rất nhạy cảm và cần tiếp tục thảo luận của đời sống văn học và chính trị Việt Nam.
talawas

Ngày 4 tháng 1 năm 2007 tôi nhận được thư của anh gửi về từ California. Cám ơn anh đã đọc bài phỏng vấn “Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn” trên talawas ngày 3 tháng 1 năm 2007, và đã không ngại ngần gửi cho tôi những ý kiến chia sẻ và hết sức tâm đắc, cùng những băn khoăn của anh.

Hôm nay, trên talawas, tôi muốn xin phép được trao đổi lại 2 điều anh muốn trao đổi với tôi qua thư của anh, bởi vì nó đã vượt ra khỏi những vấn đề thư tín riêng tư của tôi và anh, hai nhà văn, hai thế hệ, hai số phận khác nhau.


1. Vấn đề vụ Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 và vụ văn nghệ đổi mới năm 1990

Hai phong trào văn nghệ: vụ Nhân văn-Giai phẩm diễn ra ở miền Bắc Việt Nam và vụ văn nghệ đổi mới trên toàn cõi Việt Nam, mấy chục năm qua được xếp vào loại nhạy cảm. Nó đã xẩy ra và nó đã được thu xếp, lau chùi sạch sẽ bằng lí luận học thuật và bằng các biện pháp tổ chức, hành chính. Tuy nhiên dư âm và di chứng của nó cho đến bây giờ vẫn âm ỉ, đau đớn, hành hạ cái tinh thần văn nghệ Việt Nam và nó đã trở thành một màn sương mù bức bối phủ trùm lên dư luận của toàn xã hội. (Dù nó có đáng được như thế hay không thì, đó vẫn là một thực tế không thể chối cãi được.) Tại sao lại như vậy? Theo thiển nghĩ của tôi (vẫn nghĩ theo cái kiểu ngồi lê mách lẻo thôi) là bởi vì có quá nhiều sự can thiệp và lợi dụng thô bỉ. Và cũng có quá nhiều sự dối trá, quá nhiều những âm mưu hèn hạ trong và ngoài văn nghệ vò xé hai vụ này. Ðây là hai cơn sốt vỡ da cần thiết, có tác dụng làm trưởng thành cái thân thể văn nghệ Việt Nam, hay ngược lại, là hai cơn sốt báo trước những căn bệnh ung thư quái ác có tính huỷ hoại cái thân thể văn nghệ Việt Nam? Câu hỏi đó cho đến nay vẫn chưa có được một trả lời minh bạch. Anh và tôi, hai nhà văn nhỏ nhoi, nhẹ dạ và đầy cảm tính, lại hầu như vô duyên đứng bên ngoài, chưa được vinh dự lây nhiễm hai cơn sốt này; chúng ta lại không có những nguồn thông tin đáng tin cậy, vì vậy, cả anh và tôi đều không có khả năng đối thoại, trao đổi cặn kẽ tới thấu đáo vấn đề mà anh muốn trao đổi. Chao ơi! Thưa nhà văn Nhật Tiến, không hiểu sao, lúc này đây, cái đầu thế nào ấy của tôi bỗng nhiên lại phân tâm vẩn vơ nghĩ tới một ngày nào không xa, anh và tôi ngồi trong một quán cà phê rất Pháp ở Hà Nội và thú vị, thanh thản nói chuyện tào lao văn chương. Chúng ta cùng nâng những ly cà phê Ban Mê ngon tới mức trên cả tuyệt vời, trong khi đó, có những kẻ mà một thời đã từng là những cán bộ, những nhà văn cán bộ trung kiên của Ðảng Cộng sản, ở một xó xỉnh nào đó đang lầm lũi cúi đầu nuốt dần những giọt đắng của lương tâm đang lặng lẽ tra vấn hắn.


Anh cũng có nhắc tới di cảo của nhà văn Nguyễn Ðình Thi, và trách nhiệm đối với các thế hệ sau. Xin trao đổi với anh: Nguyễn Đình Thi vừa là một nhà chính trị, một triết gia, một nghệ sĩ đa tài. Con người ông chứa đựng cả một khối mâu thuẫn lớn. Cái khối mâu thuẫn đó bao gồm không chỉ là mâu thuẫn tất yếu xẩy giữa ba con người chính trị, triết gia, nghệ sĩ. Nguyễn Ðình Thi còn phải chịu đựng từng khối mâu thuẫn đơn lẻ của một nhà chính trị, một triết gia, một nghệ sĩ vò xé ông trong quá trình những con người riêng biệt đó trưởng thành dần lên trong tâm hồn, trong cuộc đời ông. Ðiều đó đã thể hiện ra phần nào trong di cảo của ông. Tôi có thể nói với anh rằng, di cảo của Nguyễn Đình Thi có 3 phần. Phần thứ nhất, ông đau đớn khi những người cộng sản Việt Nam giành được chính quyền nhưng tổ chức mô hình nhà nước, xã hội lại chủ yếu khuôn theo mô hình của một nước cộng sản khác, mà cái mô hình đó đã không thoát hẳn ra khỏi mô hình tổ chức nhà nước của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phong kiến và cả chủ nghĩa phát-xít. Theo tôi, đó là con người triết gia của Nguyễn Đình Thi. Phần thứ hai trong di cảo nói về con người Việt Nam, về văn hoá Việt Nam đã lớn lên trong suốt nửa thế kỉ qua. Phần này được thể hiện qua tâm hồn trong trẻo, mơ mộng và có phần ngây thơ khờ dại của người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi. Và phần cuối cùng nói về phong trào Nhân văn-Giai phẩm 1956 và văn nghệ đổi mới 1990. Riêng về vấn đề này, Nguyễn Đình Thi nhìn bằng con mắt lạnh lùng, không khoan nhượng của một nhà chính trị, một cán bộ lãnh đạo văn nghệ trung thành của Ðảng Cộng sản. Tôi e rằng anh sẽ thất vọng. Năm cuối đời, trong một buổi mít-tinh long trọng của Uỷ ban Toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Đình Thi đã ôm một bó hoa thắm tươi lên sân khấu tặng Tố Hữu rồi hai người ôm hôn nhau. Những ai từng chứng kiến mối bất đồng sâu sắc suốt nửa thế kỉ qua của hai nhân vật này thì cho đó là một hành động đóng kịch của cả hai người. Nhưng đọc di cảo của anh Thi, tôi vô cùng khâm phục. Ðó là một cử chỉ văn hoá có pha tạp chút ít tố chất chính trị rất thật lòng của cả hai người. Và họ thật đúng là hai nhân vật lớn, xứng đáng đứng đầu cai trị nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất này suốt nửa thế kỷ qua. Tất cả những ai trong bộ máy tổ chức văn nghệ XHCN hơn 50 năm qua manh mún ước mơ muốn soái ngôi họ đều là ngu xuẩn.

Thưa nhà văn Nhật Tiến,

Về trách nhiệm đối với các thế hệ sau, tôi nghĩ thế hệ chúng ta không hề có đủ tư cách được trao một trách nhiệm minh giải nào cả, khi mà cái thế hệ oái ăm của chúng ta chính là thủ phạm đã tương ra một đống những cái đó. Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng. Và cách hay nhất bây giờ là hãy rủ nhau ba lô du lịch bụi. May ra cảnh đất trời cây cỏ hồn nhiên trên thế giới này sẽ dạy cho chúng ta thêm một điều gì hay hớm, đặng kéo dài thêm phần nào những năm tháng đang chầm chậm già nua tàn tạ của chúng ta.

Nhân đây, tôi cũng muốn kính thưa tới các thế sau là các bạn đừng nên tin cậy vào bất cứ một ai, kể cả những di cảo, những hồ sơ... đã công bố hoặc còn dấm dúi cất giấu ở đâu đó. Ðã có một thế hệ cũng rất thông minh, cũng rất hiếu học, cũng rất mơ mộng nhưng luôn tự lừa dối mình và thay đổi lòng tin như thay áo mùa hè, chỉ vì đã đánh mất một điều đơn giản là không chịu suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, mà chỉ thích a dua đua nhau nghĩ theo cái đầu của người khác. Một tấm gương soi đắng cay. Hãy tự mình đi săn lùng sự thật. Sự thật ở khắp nơi và ở ngay trong những suy nghĩ độc lập của mình. Nhưng hãy coi chừng, hãy cảnh giác, bởi bên dưới mỗi sự thật của những năm tháng mà chúng tôi đã sống qua, đã để lại, bao giờ cũng ẩn giấu rất nhiều điếu dối trá. Và ngược lại.


2. Về thái độ của các nhà văn trong đời sống sáng tác hiện nay

Vấn đề này thật thú vị và gần gũi. Tôi thích thú.

Trước hết, tôi rất muốn anh cũng nghĩ rằng bao nhiêu năm qua, chúng tôi đã bị ảo tưởng về sứ mệnh của nhà văn, cũng như chúng tôi đã bị ảo tưởng về sứ mệnh của văn nghệ. Chính căn bệnh ảo tưởng đó đã xô đẩy văn nghệ Việt Nam rơi vào một cơn hôn mê kiêu ngạo ròng rã hơn nửa thế kỷ. Cơn hôn mê ấy đã đẻ ra sự độc tài tập thể rất thô bạo, chỉ chấp nhận một và duy nhất chỉ một trường phái văn học nghệ thuật lạ hoắc của phương Tây ngoại lai, xa lạ với truyền thống làm văn nghệ ôn hoà, độ lượng và mơ mộng của ông bà tổ tiên chúng ta. Cơn hôn mê ấy đã làm lãng phí và ở một khía cạnh nào đó đã làm băng hoại những tài năng văn học của không ít các nhà văn chúng tôi. Cơn hôn mê ấy đã đặc biệt nuôi dưỡng một số kẻ bất tài đầy những tâm địa hẹp hòi, ác độc, đã phù tá cho họ lên ngôi, hoành hành một thời mà giờ đây hầu hết họ, những con người đó, đã may mắn, an toàn chạy thoát hoặc, sắp chạy thoát cả về cõi chết. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ không nhắc tên những kẻ đó. Nhưng tình cảm đau thương của văn nghệ Việt Nam thì không bao giờ quên tên những đứa con hư đó.

Là một nhà văn viết trong chể độ Việt Nam Cộng hoà đã tiêu vong hơn 30 năm nay, và giờ đây anh lại đang sống tha hương (dù là có quốc tịch Hoa Kỳ) giữa một rừng mũi lõ (tôi bỗng chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Hồi Thủ), anh tự nhận mình là ngây thơ và anh càng ngây thơ đáng yêu hơn khi chịu nhận thà ngây thơ còn hơn là mắc phải sai lầm. Về phẩm chất Phẫn Nộ (phẩm chất hay là thuộc tính?) của nhà văn, tôi rất muốn được trao đổi với anh trong một dịp được tiếp anh ở Hà Nội. Ðây là một phạm trù cũ rích, luộm thuộm và rất riêng biệt của văn nghệ. Chúng ta có cần lôi ra đây làm mất hứng của người đọc talawas không nhỉ?). Tôi rất muốn anh có thời gian suy nghĩ lại để, trước tiên hãy cứ chạy thoát ra khỏi cái luận điểm văn nghệ là bất phục tùng, là phản kháng của ông Tây, tác giả Khung cửa hẹp. Thú thật là, tôi chỉ thích trao đổi với tâm hồn và trí tuệ riêng của một nhà văn Nhật Tiến tài năng, đã mang đầy ắp trên vai hơn bẩy mươi năm những niềm vui và vô vàn khổ đau của cuộc đời này.

Trời Hà Nội mấy hôm nay lạnh giá lạ thường. Và tôi thì đã bắt đầu buồn ngủ. Thưa nhà văn Nhật Tiến, cho đến lúc này tôi vẫn vô cùng kiên định cái lập trường: Thời buổi bây giờ thì nhà văn nên đứng ra ngoài lề xã hội, ngậm miệng ăn tiền, ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì mới là nhà văn lớn, mới là nhà văn khôn ngoan, biết điều. Nói nhiều là ngu. Càng nói càng dại.

Còn băn khoăn gì nữa, anh có nhận ra không, anh và tôi đang nghiễm nhiên một kẻ trở thành ngây thơ, còn một thằng đã trở thành ngu dại. Ôi chao là sự thật. Anh có tin là như vậy không?

© 2007 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét