Đoàn Tiểu Long
Muốn phê phán Marx thì phải đọc Marx
Trong một bài viết mới đây, tác giả Phong Uyên có đề xuất bỏ môn chính trị Mác-Lê ra khỏi chương trình bắt buộc ở các trường đại học Việt Nam, thay vào đó tạo lập một phân khoa chính trị theo đúng nghĩa của nó, dành cho sinh viên muốn chuyên về ngành này. Đề xuất đó rất đáng được chia sẻ, không phải vì học thuyết Mác-Lê là món vô bổ, chán ngắt, thầy không muốn dạy trò không muốn học. Cái chính là việc dạy tràn lan chủ nghĩa Marx đòi hỏi phải sơ lược hoá, dẫn đến tầm thường hoá, tư tưởng của Marx, và đó là cách tốt nhất để phản Marx một cách đại trà, đúng như viện sĩ D. Rosenberg (Liên Xô) đã cảnh báo từ đầu những năm 30 thế kỷ trước.
Do hiểu biết quá sơ sài nên nhiều người tưởng rằng “té ra học thuyết Marx cũng chỉ có thế, chẳng ghê gớm gì lắm”, và trong họ bỗng nảy ra cái ảo tưởng rằng có thể phê phán, thậm chí lật đổ toàn bộ hệ thống tư tưởng của Marx một cách dễ ợt! Cứ nhớ lại phong trào “nhà nhà phê Marx, người người phê Marx” hồi trước Đại hội Đảng X mà xem!
Trên talawas cũng có một số vị tham gia phê Marx, như Trần Thiên Ý với bài “Nhân đọc Báo cáo chính trị của Đảng, nói đôi điều cùng Đông La”, và mới nhất là Hà Sĩ Phu với “Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội”. Điểm chung là hai vị này đều hiểu rất sai lạc về học thuyết Marx, kể cả những điều sơ đẳng nhất, nhưng lại muốn lật đổ Marx. Ta hãy thử điểm qua một vài ý.
1. Trong bài nói trên, Trần Thiên Ý phê phán quan điểm duy vật lịch sử của Marx, trong khi không hề hiểu cụm từ đó có nghĩa gì, hay nói đúng hơn, hiểu sai hoàn toàn.
Trần Thiên Ý viết: “Platon, triết gia và nhà tư tưởng nổi tiếng thời cổ Hy Lạp, cho rằng quá trình phát triển xã hội loài người là một quá trình lịch sử được quyết định bởi những yếu tố nằm ngoài ý muốn, ngoài ảnh hưởng của con người mà ông gọi là quy luật của Chúa. Nghiên cứu sự phát triển xã hội cũng có nghĩa là phát hiện cái quy luật lịch sử ấy, dự đoán tương lai đồng thời chỉ ra lực lượng nào sẽ lãnh đạo xã hội. Phương pháp nghiên cứu xã hội này gọi là phương pháp luận lịch sử. Hàng loạt nhà triết học, tư tưởng sau Platon đều tự đặt cho mình nhiệm vụ tiên đoán lịch sử. Trong số đó có Hegel và tiêu biểu là Karl Marx đã phát triển tư tưởng của Platon trở thành cái mà chúng ta đã được nghe nói đến rất nhiều: Chủ nghĩa duy vật lịch sử.”
Tiếp đó Trần Thiên Ý đập tan tành quan điểm duy vật lịch sử của Marx như sau:
Cái mà Marx coi là quy luật, thì thực ra không phải quy luật, vì chúng không mang các đặc tính của quy luật là: 1) lặp đi lặp lại không thay đổi trong thời gian vô định và không có khởi đầu, không có kết thúc; 2) không mang tính đúng hay sai, chỉ có thể tồn tại hay không tồn tại quy luật mà thôi và 3) không thể thay đổi quy luật. Quy luật nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Trần Thiên Ý chỉ ra sai lầm cơ bản của Marx là “khi áp dụng tri thức trong khoa học tự nhiên vào nghiên cứu xã hội, Marx đã gán cho những quá trình xã hội có biểu hiện tuần hoàn trong khoảng thời gian giới hạn những đặc tính của quy luật tự nhiên với những tính chất không thay đổi trong thời gian vô hạn”.
Ta thấy gì từ lý lẽ trên đây của Trần Thiên Ý?
Thứ nhất, Trần Thiên Ý có cách định nghĩa “quy luật” khá lạ đời. Như thế, một trinh sát công an sẽ rất đau đầu khi được giao nhiệm vụ theo dõi “quy luật” đi lại của đối tượng, bởi quy luật này hoàn toàn do đối tượng quyết định, và thường là chỉ diễn ra trong một thời gian không đến nỗi vô tận! Học Trần Thiên Ý, đồng chí ấy sẽ nói: báo cáo, không phát hiện ra quy luật nào hết! Nhưng thôi, đó là chuyện nhỏ như con thỏ.
Thứ hai, và cái này mới quan trọng: những điều Trần Thiên Ý viết chẳng liên quan gì đến quan điểm duy vật lịch sử của Marx hết. Bởi những người có quan điểm duy tâm, phi lịch sử cũng hoàn toàn có thể nói rằng lịch sử phát triển theo các quy luật nào đó!
Người ta thường hay ghép quan điểm duy vật với quan điểm lịch sử thành duy vật lịch sử, trong khi lẽ ra nên tách bạch chúng. Duy vật là gì thì dường như ai cũng biết, đó là quan điểm tồn tại quyết định ý thức – Das Sein bestimmt das Bewusstsein -, rằng không phải ý chí của con người quy định, chi phối sự tồn tại của họ, mà trái lại, chính sự tồn tại mới quyết định, chi phối ý chí con người. Rằng có thể giải thích các quan niệm và tư tưởng của mỗi thời đại bằng những điều kiện sinh hoạt kinh tế của thời đại ấy, và bằng những quan hệ xã hội và chính trị bắt nguồn từ những điều kiện ấy... Đây là nói một cách ngắn gọn cho nhanh, chứ để trình bày hết cái nội dung của nó thì phải mất hàng trăm trang giấy. Quan điểm duy vật xuyên suốt các tác phẩm của Marx và Engels.
Còn thế nào là quan điểm lịch sử? Nó không hề có nghĩa là coi lịch sử phát triển theo những quy luật nhất định, thậm chí cũng không phải là nghiên cứu lịch sử (đúng ra là: các khoa học lịch sử, là cách Marx gọi các môn khoa học xã hội) dưới nhãn quan duy vật. Mà là: ở mỗi giai đoạn nhất định, trong những điều kiện nhất định, thì có những quy luật, phạm trù nhất định, tương ứng với giai đoạn đó. Nói cách khác, có những phạm trù, quy luật chỉ phát sinh, phát triển và tiêu vong ở một giai đoạn nhất định của lịch sử, trong những điều kiện nhất định, chứ không phải ở đâu cũng có, lúc nào cũng có. Ví dụ, “giá trị”, “tư bản”, “hàng hoá” là những phạm trù lịch sử, trong khi “lao động”, “sản xuất” là những phạm trù vĩnh viễn. Quy luật giá trị, giá trị thặng dư là những quy luật mang tính lịch sử… Về điểm đặc sắc này của Marx, giáo sư I. Kaufman đã viết, và được Marx dẫn lại trong lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai quyển 1 bộ Tư bản như sau:
“Người ta có thể nói rằng… những quy luật chung của đời sống kinh tế chỉ là một, dù chúng được áp dụng vào hiện tại hay quá khứ thì cũng thế. Đó chính là điều mà Marx phủ nhận. Theo Marx thì không có những quy luật trừu tượng như thế… mà trái lại, mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó… Một khi cuộc sống đã vượt qua một thời kỳ phát triển nhất định và bước sang giai đoạn khác thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối… tương tự như những hiện tượng trong lĩnh vực sinh học… Các nhà kinh tế học cũ không hiểu được bản chất của các quy luật kinh tế khi họ so sánh chúng với các quy luật vật lý và hoá học… ” (Tư bản, quyển 1, tập 1, tr. 37, NXB Sự Thật, 1976).
Do có quan điểm lịch sử nên khi xem xét bất kỳ hiện tượng gì trước hết Marx đều tìm hiểu xem cái đó mang tính lịch sử hay vĩnh viễn, và nếu mang tính lịch sử thì đâu là những “tính quy định lịch sử” của nó, nghĩa là xét xem nó phát sinh, phát triển và tiêu vong trong những điều kiện nào. Chính những phạm trù, quy luật mang tính lịch sử quyết định tính đặc thù của mỗi giai đoạn lịch sử. Marx là chúa ghét những cái gì chung chung, trừu tượng, kiểu như nền sản xuất chung chung, sự bóc lột chung chung, sự công bằng chung chung… Marx không nghiên cứu sản xuất nói chung, mà là sản xuất tư bản chủ nghĩa. Marx cũng không phấn đấu đạt tới công bằng xã hội chung chung, mà đấu tranh cho một trật tự xã hội mới, trong đó sẽ có kiểu công bằng mới và đủ thứ khác nữa tương ứng với trật tự xã hội đó…
Nói thế thôi, chứ Marx hiểu rất rõ mối quan hệ giữa cái chung và cái đặc thù. Marx chỉ cằn nhằn khi thấy người ta chỉ thấy cái chung mà không thấy cái đặc thù, tưởng rằng cái gì cũng mang tính vĩnh viễn.
Trần Thiên Ý đã hiểu sai về quan điểm duy vật lịch sử của Marx, thì còn nói chi đến chuyện phê phán?
Ngay chúng ta đây, khi nói rằng tính cách của người Việt có nguồn gốc từ phương thức sản xuất, sinh hoạt tiểu nông, và hiện giờ khi nhận thấy những thay đổi trong đạo đức xã hội, cả tích cực lẫn tiêu cực, và cho rằng đó là hệ quả của quá trình chuyển nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường, thì chúng ta đang áp dụng cái gì, nếu không phải là quan điểm duy vật lịch sử của Marx?
2. Về bộ Tư bản thì Trần Thiên Ý nghiêm khắc phê bình như sau: “Không như Marx tiên đoán, ngày nay giai cấp vô sản không những không bị bần cùng hoá mà còn trở thành có tài sản, được tham gia làm chủ tư liệu sản xuất thông qua việc làm chủ cổ phiếu. Giới chủ ngày nay không chỉ là chủ vốn mà còn là nhà sản xuất – kinh doanh, phải quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm của mình, nghĩa là quan tâm đến người tiêu thụ. Người tiêu thụ ở đây lại chính là người lao động. Mối quan hệ sản xuất này rõ ràng khác xa với mối quan hệ mà Marx mô tả trong Tư bản luận.”
Chỉ với việc nắm giữ một chút cổ phiếu, trong khi vẫn tiếp tục làm thuê vì chẳng có gì để bán ngoài sức lao động của mình, mà đã tưởng trở thành nhà tư bản thì quả thật ngây thơ! Nhưng cái đó còn chưa buồn cười bằng khẳng định tiếp theo của Trần Thiên Ý, rằng giới chủ ngày nay không chỉ làm chủ vốn mà còn là nhà sản xuất kinh doanh, phải quan tâm đến người tiêu thụ…, là điều mà Marx không biết!
Xin hỏi khẽ để không ai nghe thấy, Trần Thiên Ý đã bao giờ đọc Tư bản chưa vậy?
Mặc dù Marx phân biệt rất rõ nhà tư bản sở hữu (sở hữu tư bản) với nhà tư bản chức năng (sử dụng tư bản, tức là điều hành kinh doanh), nhưng trong suốt hàng trăm trang đầu tiên của bộ Tư bản Marx luôn xem xét nhà tư bản với hai tư cách cùng một lúc: vừa là chủ sở hữu tư bản, vừa là người điều hành sản xuất. Marx phân tích tỷ mỷ cách nhà tư bản tổ chức sản xuất như thế nào, hiện thực hoá giá trị và giá trị thặng dư thông qua trao đổi ra sao... Chỉ đến khi nghiên cứu tư bản sinh lợi tức Marx mới tách riêng tư bản sở hữu ra khỏi tư bản chức năng.
Trần Thiên Ý cũng không ngờ rằng Marx đã viết: đối với nhà tư bản thì, ngoại trừ số người lao động mà hắn thuê mướn, quần chúng lao động là một quần chúng người tiêu dùng (Bản thảo 1857 – 1858). Không có tiêu dùng thì không thể phát triển sản xuất, vì thế nâng cao tiền lương thực tế của giai cấp lao động là điều kiện để tăng giá trị thặng dư tương đối. Chỉ khi đó sản xuất giá trị thặng dư tương đối mới không có giới hạn, và trở thành cơ sở phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (Tư bản, quyển I).
Vậy mà Trần Thiên Ý bảo: Marx chẳng biết gì hết, cứ phải nhắc hoài!
3. Tiếp đó, Trần Thiên Ý phê phán quan niệm của Marx về nhà nước (nhà nước chỉ là công cụ đàn áp của giai cấp thống trị), và cho rằng sau khi Marx viết Tư bản một thời gian ngắn thì nhà nước đã thay đổi hoàn toàn theo hướng mà Marx không thể tiên đoán được, tức là: Nhà nước là một tổ chức của xã hội để đảm bảo các quyền cá nhân, phẩm giá con người. Luận điểm này na ná như luận điểm của Mai Thái Lĩnh trong “Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong” – một âm mưu đánh đổ Marx khác.
Về sự phiến diện của quan điểm kiểu này, Trần Hải Hạc trong bài “Chủ nghĩa Marx, Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột” đã phân tích:
“Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx chỉ rõ: do mâu thuẫn giữa những lợi ích riêng và những lợi ích chung, nhà nước là một hình thái xã hội tách rời và độc lập với các lợi ích riêng, đứng ngoài và đứng trên xã hội dân sự tư sản; đồng thời, bởi vì đây là xã hội có phân hoá giai cấp, nên nhà nước hiện đại là hình thái qua đó giai cấp thống trị áp đặt lợi ích của nó như là lợi ích chung, cho nên lợi ích chung đó là hão huyền. Từ đó, một định nghĩa về nhà nước hiện đại nhất thiết phải nắm lấy cả nội dung lẫn hình thức của nó: về nội dung, đó là nhà nước mang tính giai cấp, nó là cái qua đó giai cấp tư sản xác lập ách thống trị và tiến hành quá trình bóc lột; về hình thức, nhà nước hiện đại là một hình thái độc lập và đứng trên các giai cấp, nó là nhà nước của công dân tự do và bình đẳng, một nhà nước đại biểu mang tính dân chủ. Sẽ không xác đáng khi định nghĩa phạm trù nhà nước trong chủ nghĩa tư bản như là quan hệ thống trị giai cấp chung chung, bởi đó là một nhà nước giai cấp có một hình thái đặc thù – hình thái nhà nước công dân, còn quan hệ thống trị giai cấp mang hình thái đặc thù – hình thái dân chủ. Chính cái hình thái dân chủ này đã che lấp quan hệ thống trị của giai cấp tư sản. Gán cho Marx một lý thuyết về nhà nước duy công cụ (nhà nước chỉ là công cụ của giai cấp thống trị) là một cách hiểu phiến diện, chỉ thấy nội dung giai cấp của nhà nước tư sản mà không kể đến hình thức biểu hiện dân chủ của nó”.
4. Lẽ ra đã không có bài viết này nếu không có sự xuất hiện của Hà Sĩ Phu trên talawas, với kiểu phê phán Marx một cách hời hợt, vô lối còn hơn cả Trần Thiên Ý. Trước đây người ta đã biết đến quan điểm của Hà Sĩ Phu đối với học thuyết Marx qua loạt bài “Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “Đôi điều suy nghĩ của một công dân”, “Chia tay ý thức hệ”. Giờ lại đến bài “Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội”. Xin nói ngay: loạt bài mà Hà Sĩ Phu rất tự hào đó chỉ chứng tỏ một điều duy nhất, là ông hầu như không hiểu gì về học thuyết Marx.
Học thuyết Marx là cả một hệ thống tư tưởng, triết học thâm sâu, nhưng Hà Sĩ Phu lại thích tấn công bằng những lời lẽ “nôm na, đơn giản, dễ hiểu”, rất giống kiểu “dân vận” của các đối thủ của ông. Một điểm nữa là Hà Sĩ Phu rất ngại trích dẫn, toàn nói theo kiểu khơi khơi, chắc ông cho rằng tầm chương trích cú là trò vớ vẩn, mất thì giờ. Để “dân vận”, hù những ai không hiểu biết thì có thể được, nhưng để tranh luận học thuật nghiêm túc thì đó là một kiểu cách không thể chấp nhận.
Khi muốn phê phán một học thuyết nào đó, thiết nghĩ trước hết cần phải trình bày lại học thuyết đó, tốt nhất là như thể chính đối tượng bị phê phán đang trình bày học thuyết của mình. Điều tối thiểu này giúp người đọc biết được liệu người phê phán đã đọc, đã thực sự hiểu thấu đáo học thuyết của người kia hay chưa. Sau đó mới có thể đi vào phê phán. Có thể lấy các bài của Trần Hải Hạc như “Học thuyết Marx, đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột”, “Khái niệm bóc lột: từ học thuyết Marx sang học thuyết Tân cổ điển”, “Đọc lại học thuyết trọng nông”, hay loạt bài của Lữ Phương phê phán Marx, làm kiểu mẫu cho phong cách làm việc nghiêm túc. Nhưng muốn thế thì trước tiên phải đọc toàn bộ các trước tác của Marx, và không chỉ một lần, để có thể hiểu được Marx nghĩ gì, điều mà qua những gì Hà Sĩ Phu viết người ta thấy nghi ngờ. Rất có thể Hà Sĩ Phu vốn có định kiến với “chủ nghĩa Mác-Lênin” nên không hơi đâu bỏ công đọc làm gì!
Xin đưa ra vài dẫn chứng, ví dụ như đoạn Hà Sĩ Phu phê phán học thuyết giá trị thặng dư trong “Đôi điều suy nghĩ của một công dân”. Cũng như Trần Thiên Ý, Hà Sĩ Phu nghiêm khắc cảnh cáo Marx về tội không biết:
Rằng sản xuất công nghiệp cần sự tham gia của rất nhiều thành tố : tiền vốn, nguyên liệu, máy móc, người quản lý, qui trình kỹ thuật, công nhân đứng máy, lao động phụ giản đơn... Đây là sự hợp tác đa phương chứ không phải song phương. Cách đơn giản hoá để qui về song phương là gượng ép.
Rằng trong sản xuất công nghiệp thì sản xuất và tiêu thụ gắn với nhau một cách hữu cơ, nếu tách rời ra thì tính sao được lỗ lãi, nói chi đến sản xuất mở rộng hay không mở rộng, mà mỗi thành viên trong sản xuất đồng thời cũng là thành viên trong tiêu dùng. Chưa thấy mối tương hỗ này nên Mác đã dựa trên thực tế lúc đó mà tách tiêu dùng ra khỏi sản xuất, thậm chí còn đối lập nó.
Ai đã đọc Tư bản hẳn phải trố mắt! Trời ơi, Marx, một người sống ở Anh, nơi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cả trăm năm, đã có thị trường chứng khoán với đủ các trò đầu cơ, người đã bỏ ra 25 năm nghiên cứu mọi khía cạnh của nền kinh tế, vậy mà không biết những điều đến trẻ con cũng biết đó, để cho Hoàng Sĩ Phu, một người sống trong nền kinh tế thị trường mới ra đời được dăm năm và chẳng biết gì về kinh tế học phải dạy bảo!
Hà Sĩ Phu dĩ nhiên không hiểu phương pháp nghiên cứu “đi từ trừu tượng đến cụ thể” của Marx, nên mới cả gan cho rằng Marx cưỡng ép quan hệ đa phương thành song phương. Khi nghiên cứu quá trình sản xuất của tư bản, thoạt tiên Marx xuất phát ở cấp độ trừu tượng nhất: chỉ có 2 nhân vật đối lập nhau là người lao động và nhà tư bản. Marx tạm thời gạt bỏ các yếu tố khác. Sau khi viết độ vài trăm trang, Marx mới dần dần đi vào “cụ thể”, nghĩa là nghiên cứu bản thân quá trình này dưới hình thái hiện thực của nó, bao gồm đủ thứ thành tố như Hà Sĩ Phu kể lể. Ví dụ: chương “Máy móc và đại công nghiệp” (Tư bản, quyển 1), chương “Tiết kiệm trong việc sử dụng tư bản bất biến” (Tư bản, quyển 3) nghiên cứu vai trò của máy móc, quy trình kỹ thuật…
Hà Sĩ Phu chắc không biết đến khái niệm “người lao động tập thể” của Marx, khi Marx xem xét vấn đề hợp tác lao động. Trong nhà máy, công ty, mỗi người lao động (từ bảo vệ, công nhân, kỹ sư, kế toán… cho đến giám đốc) chỉ tham gia một công đoạn, hoạt động như những khí quan của một người lao động tập thể duy nhất. Nhờ đó lao động cá nhân của họ biến thành lao động tập thể, mang tính xã hội, tạo nên cái “lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá và giá trị”. Chỗ nào trong Tư bản nói rằng chỉ có lao động cơ bắp của người công nhân mới tạo ra giá trị? Rất nhiều người đã ngộ nhận về điều này, thường xuyên đem cái cách hiểu sai lạc đó ra để phản bác Marx, rõ ràng là hậu quả của việc dạy và học kinh tế chính trị Mác-Lênin đây mà!
Hà Sĩ Phu lẫn lộn giữa tiêu thụ (việc bán hàng hoá) với tiêu dùng (việc sử dụng hàng hoá cho mục đích cá nhân). Không một nhà kinh tế nào quên việc tiêu thụ hết. Kinh tế chính trị học luôn nghiên cứu 3 quá trình: sản xuất, lưu thông, phân phối. Riêng tiêu dùng thì lại không thuộc phạm vi nghiên cứu của nó, vì ở đây không có các quan hệ sản xuất, những quan hệ này chấm dứt cùng với việc tiêu thụ, tức bán hàng. Tuy nhiên Marx không hề quên vai trò của tiêu dùng đối với phát triển sản xuất, như ở trên đã cho thấy. Ta còn biết, nhà tư bản chỉ quan tâm tới tiêu thụ, không quan tâm tới việc hàng của hắn được tiêu dùng thế nào. Hắn mong nhất là người tiêu dùng mua hàng của hắn về rồi… vứt xó! Thế mới là tiêu dùng chứ! Không tin, ngó thử vào kho quần áo, giày dép, mỹ phẩm của chị em phụ nữ mà xem!
Tiếp theo, Hà Sĩ Phu viết: “Điều phức tạp thứ ba là cơ sở để tính giá trị lao động”. Đây là một câu vô nghĩa hoàn toàn đối với người đã đọc Tư bản. Marx tốn bao công sức để chứng minh rằng lao động không có giá trị, vì lao động chính là thước đo giá trị. Nếu Hà Sĩ Phu muốn nói đến cái giá trị do lao động tạo ra, thì Marx cũng đã chỉ rõ: nhà tư bản không trả công cho lao động, hay cho thành quả lao động, mà cho giá trị của sức lao động.
Nhưng ngây ngô nhất là đoạn Hà Sĩ Phu so sánh việc coi lao động sống là nguồn duy nhất tạo ra giá trị giống với việc coi trong chiếc ti vi thì chiếc công tắc tắt mở là cái quan trọng hơn cả, vì không có nó thì ti vi không hoạt động! Chỉ Hà Sĩ Phu mới có thể nghĩ như thế!
Phạm trù “giá trị” biểu thị mối quan hệ người-người, là phạm trù quan trọng nhất trong khoa kinh tế chính trị, đó cũng là phần khó đọc nhất trong Tư bản. Nhiều người chỉ nghe loáng thoáng “lao động sống là nguồn tạo ra giá trị”, đã tưởng rằng thế là nắm được quy luật giá trị. Họ không buồn đọc xem Marx nghiên cứu phạm trù đó tỷ mỷ như thế nào, phân tích, phê phán các trường phái khác ra sao, nhưng đã vội lên tiếng phản bác Marx bằng những lập luận rất trẻ con, cũ rích. Hà Sĩ Phu là một trong số đó.
Do hiểu rất lơ mơ phạm trù “giá trị” nên Hà Sĩ Phu mới lầm tưởng máy móc có thể tạo ra giá trị nhiều hơn giá trị của bản thân nó, qua cái ví dụ: hết thời gian khấu hao thì máy phục vụ không công, nghĩa là tạo ra giá trị. Chắc là Hà Sĩ Phu quen thấy những cỗ máy dùng hàng chục năm ở Việt Nam thời bao cấp, nơi các quy luật kinh tế thị trường… không hoạt động! Marx xem xét khấu hao thực sự, nghĩa là hết thời gian khấu hao thì cái máy cũng vứt, làm gì có chuyện máy chạy lâu hơn thời gian khấu hao (Tư bản, quyển 1, chương VI). Cố đại tu để chạy thì cũng được đấy, nhưng là ngu ngốc về mặt kinh tế. Trong thực tế máy móc lại thường không kịp khấu hao hết, vì bên cạnh hao mòn vật chất còn có thêm hao mòn vô hình, đặc biệt trong thời đại hiện nay, nghĩa là phải vứt máy đi khi còn đang tốt vì như thế có lợi hơn về mặt kinh tế. Ai tiếc rẻ cố dùng máy cũ sẽ biết mùi ngay – chi phí lao động cá biệt lúc đó cao hơn chi phí lao động xã hội trung bình đã giảm đi nhờ áp dụng công nghệ mới. Đừng tưởng bở dùng máy hết khấu hao là ăn không!
Dĩ nhiên trong các trường hợp cá biệt, khi có công nghệ mới, độc quyền, thì người chủ hoặc giảm được giá thành, hoặc bán được hàng cao hơn giá trị trung bình, thu được lợi nhuận siêu ngạch cao hơn tỷ suất lợi nhuận chung, nhờ đó mau chóng thu hồi vốn đầu tư. Nhưng đó hoàn toàn không phải là máy móc tạo ra giá trị như Hà Sĩ Phu lầm tưởng, bởi chỉ cần những người khác cũng áp dụng công nghệ mới là lợi nhuận siêu ngạch đi tong. A. Smith đã viết rồi, chứ chẳng cần chờ đến Marx. Và Marx cũng đã phân tích điều này hết sức tỷ mỷ trong Tư bản, xin mời Hà Sĩ Phu chịu khó xem lại.
(Nhân tiện, về chuyện khấu hao máy móc, ở Việt Nam người ta rất hay đưa ra 2 điều trái ngược hẳn nhau để lý giải cùng 1 hiện tượng là hàng nội địa có giá thành cao hơn hàng nước ngoài:
Lý do thứ nhất là máy móc của ta quá lạc hậu, đã dùng hàng chục năm, còn nước ngoài thì hiện đại.
Lý do thứ hai là máy móc của ta mới mua, trong khi máy của nước ngoài thì đã hết khấu hao từ lâu!)
Hà Sĩ Phu còn phát hiện ra: khi tính tiền công mà nhà tư bản phải trả cho công nhân, Mác đã không tính đến cái giá mà người công nhân phải trả cho nhà tư bản vì điều này: năng lực lao động sẽ không là cái gì hết, nếu không bán được nó.
Hà Sĩ Phu chắc chắn là người bảo vệ nhiệt thành nhất cho tư bản!
Dĩ nhiên Marx biết thừa năng lực lao động sẽ không là cái gì hết nếu không bán được. Nhưng khi phân tích, ở cấp độ trừu tượng, Marx giả định là nhà tư bản và người công nhân mua bán sức lao động (nói đúng hơn là quyền chỉ huy sức lao động) theo đúng giá trị trao đổi của sức lao động, rất sòng phẳng, có hợp đồng đàng hoàng. Hai người đối lập nhau với tư cách ngang nhau: người mua và người bán. Người này không việc gì phải trả thêm cho người kia chỉ vì người kia chịu mua (hoặc bán) cho mình. Chỉ sau đó, khi nghiên cứu tiền công dưới hình thái hiện thực của nó, Marx mới chỉ rõ rằng tiền công phụ thuộc vào cuộc đấu tranh quyết liệt, dai dẳng giữa lao động và tư bản. Nói chung, như Marx viết ngay từ năm 1844, trong cuộc đấu tranh đó tư bản luôn chiếm thượng phong. Nhà tư bản không có công nhân, có thể sống lâu hơn người công nhân không có nhà tư bản. Nếu công nhân bị thua thiệt, thì đó là vì địa vị kinh tế của họ kém hơn tư bản nên phải bán sức lao động rẻ hơn giá trị, nhưng điều đó không có nghĩa công nhân phải đương nhiên nộp cống cho nhà tư bản như Hà Sĩ Phu nói! Giai cấp lao động không được buông xuôi, mà cần kết thành một khối và có hành động chính trị chung trong cuộc đấu tranh đó.
Thực ra, những ai đã đọc Tư bản đều biết rằng tất cả những điều Hà Sĩ Phu viết và tưởng là hết sức mới mẻ, sáng tạo, té ra đã có tuổi đời chừng… hai trăm năm, từng được Marx liệt vào loại “kinh tế học tầm thường” (để phân biệt với kinh tế học thực thụ của A. Smith, D. Ricardo…). Chúng cho thấy hai khả năng:
a. Hoặc là Hà Sĩ Phu chưa từng đọc bộ Tư bản và các nghiên cứu kinh tế khác của Marx, và kiến thức có được chỉ là nhờ thu lượm một cách hết sức hời hợt từ mấy cuốn giáo trình kinh tế chính trị, vốn cũng đã rất sơ sài rồi.
b. Hoặc là có đọc Marx nhưng vì IQ hơi bị thấp nên ngay cả những điều Marx viết rất rõ ràng cũng không hiểu, không thấy.
Vì Hà Sĩ Phu luôn tự nhận mình là trí thức, rất thích nói về trí tuệ, nên ta bỏ qua phương án 2. Nhưng kiểu gì thì người đọc cũng phải kính phục sự liều lĩnh của Hà Sĩ Phu khi phát biểu văng mạng như thế.
5. Trong “Chia tay ý thức hệ”, phong cách phê phán à la Hà Sĩ Phu như thế này:
Hỏi: Tại sao nói chủ nghĩa duy vật lịch sử mang tính duy tâm và siêu hình?
Đáp: Nói cách khác: chủ nghĩa duy vật lịch sử Mácxít đã chống lại tinh thần duy vật biện chứng, Cái nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử Mácxít đối với con người và xã hội luôn cắt rời, cực đoan và phiến diện. Ví dụ:
"Con người" có thuộc tính cá nhân và thuộc tính xã hội thì về lý luận Mác-Lê để cho "con người xã hội" nuốt chửng mất "con người cá nhân".#
Đảng Cộng sản, cũng như “con người”, đều có mặt phải mặt trái, mặt thiện mặt ác, thì Mác-Lê chỉ thấy mặt thiện. Trong khi đó xã hội "tư bản" cũng có hai mặt thì Mác-Lê chỉ thấy mặt ác, mặt trái của nó.
Nhà nước bao giờ cũng có hai mặt công ích và tư lợi, nhưng Mác-Lê chỉ nhìn thấy bản chất tư lợi xấu của Nhà nước nên phấn đấu làm tiêu vong Nhà nước, kết quả là cái Nhà nước quá độ mà các ông tạo ra lại quá nhiều tính tư lợi mà không ai làm tiêu vong nó được
Sở hữu tư nhân hay sở hữu tập thể đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, nhưng Mác Lê chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của tư hữu và chỉ nhìn thấy mặt tích cực của công hữu, nên phá tư hữu, lập công hữu.
Sự "chiếm hữu" trong xã hội như cái sào huyệt mafia gồm hai buồng: chiếm hữu tư liệu sản xuất và chiếm hữu quyền lực. Nhưng Mác Lê chỉ nhìn thấy một kẻ thù là chiếm hữu tư liệu sản xuất , bèn nống cái quyền lực lên để dùng nó diệt cái chiếm hữu tư liệu sản xuất. Ai ngờ cái chiếm hữu quyền lực còn tai ác gấp vạn lần.
Vấn đề "giá trị thặng dư" cũng vậy. Cũng có 2 mặt: phát triển kinh tế và tạo nguy cơ mất công bằng. Nhưng Mác-Lê chỉ nhìn thấy mặt "bóc lột" của giá trị thặng dư mà không thấy mặt tích cực và hợp lý của nó.
Vân vân…
Chẳng cần giải thích duy vật lịch sử là gì, cứ khơi khơi như thế thôi, không cần dẫn chứng, phân tích dài dòng gì hết, vậy là đánh đổ Marx. Nếu tin lời Hà Sĩ Phu thì Marx đúng là người cực kỳ phiến diện, thiển cận, đến độ cái gì cũng chỉ thấy một mặt!
Trong bài “Tư tưởng và dân trí…” Hà Sĩ Phu tiếp tục phong cách đó.
“Chủ nghĩa ấy chẳng qua là một quy trình thiết kế, áp đặt và điều khiển xã hội, coi xã hội loài người sinh động cũng chỉ như một cỗ máy công nghiệp để mình vận hành. Người điều hành cứ bấm đốt ngón tay, xem “kế hoạch 5 năm” lần thứ nhất thì làm gì, lần thứ hai thì làm gì, sau mấy “kế hoạch 5 năm” thì vào chủ nghĩa cộng sản… Ý muốn điều khiển xã hội răm rắp như điều khiển một cỗ máy chẳng qua là một thứ bệnh công nghiệp, một thứ mốt công nghiệp, một bệnh ấu trĩ xuất hiện thuở cách mạng công nghiệp đang bắt đầu thịnh hành (cái ấu trĩ bao giờ cũng cực đoan!). Chủ nghĩa kỹ trị cực đoan đã hoá thân nhuần nhuyễn thành triết học và đạo đức, đó chính là thực chất của chủ nghĩa Mác về xây dựng và điều khiển xã hội.”
Không có một dẫn chứng nào hết để người đọc tin rằng Marx đúng là một designer suốt đời cặm cụi thiết kế cỗ máy xã hội tương lai!
Phong cách phê bình này thấy rất quen thì phải!
Có cần chỉ cho Hà Sĩ Phu thấy rằng Marx và Engels chúa ghét cái trò ngồi vẽ ra các mô hình chi tiết xã hội tương lai không? Có cần nhắc lại lời của Engels rằng người ta đã trách móc hai ông chỉ biết chăm chăm mổ xẻ cái xã hội hiện tồn mà không dọn ra cái thực đơn cho bàn ăn tương lai không? Có cần nhắc lại rằng Marx là người mà phép biện chứng và duy vật đã ngấm vào xương tuỷ, thể hiện trên từng trang viết, trong từng hành động không? Rằng Marx đã đưa ra hàng núi tài liệu, sự kiện trong mọi lĩnh vực, để củng cố cho quan điểm của mình không?
Không, chắc là không, vì Hà Sĩ Phu đã nói là không nên mất thời giờ cho những kiến thức tầm abc như thế!
6. Hà Sĩ Phu chê Marx siêu hình, phiến diện khi nghiên cứu xã hội. Chắc Hà Sĩ Phu không biết rằng nếu Tôn Ngộ Không có cặp mắt lửa con người vàng, có thể nhìn thấy yêu quái dưới mọi lốt, thì Marx có cặp mắt biện chứng, nhìn đâu cũng thấy ma. Marx rất khoái nghiên cứu ma.
Marx không nghiên cứu vật, mà nghiên cứu sự vận động của các quan hệ nội tại của nó. Nhìn vào bất kỳ một vật, một hiện tượng nào, Marx cũng thấy vô số con ma trong đó – chính là những quan hệ nội tại kia. Chúng vô hình với mắt người thường, nên đích thị là ma. Lũ ma này toàn cặp đôi với nhau, thường một ma nam một ma nữ. Chúng chí chóe với nhau suốt, nhưng rồi vẫn cứ cặp kè, thế mới quái.
Chẳng hạn, khi nhìn một hàng hoá, người bình thường thấy gì? Chẳng thấy gì hơn ngoài một sản phẩm của lao động, có hình dáng, tính năng, giá cả nào đó, chấm hết. Còn Marx thấy gì?
Marx thấy một lũ ma, cặp kè từng đôi:
Ma giá trị cặp bồ với ma giá trị sử dụng. Nhìn kỹ hơn, Marx phát hiện ra cặp ma này thực ra chỉ là cái lốt, che giấu hai con ma khác: ma lao động trừu tượng và ma lao động cụ thể. Lại có hai con ma khác lởn vởn xung quanh: ma lao động giản đơn và lao động phức tạp.
Con ma giá trị té ra rất quái. Nó lắc mình một cái, biến thành con ma giá trị trao đổi. Lắc mình cái nữa, biến thành ma giá cả, khoác cái áo may bằng tiền trông rất mốt.
Nhìn kỹ hơn nữa, Marx lại thấy trong lòng con ma giá trị kia có mấy cặp ma khác đang thậm thà thậm thụt. Đó là ma hình thái tương đối của giá trị đang ôm eo ma hình thái ngang giá. Một cặp khác là ma tư bản khả biến và tư bản bất biến đang hôn hôn hít hít, ui chao, không phải hôn, mà là tư bản bất biến đang hút máu tư bản khả biến, kinh quá! Một cặp nữa là tư bản cố định và tư bản lưu động đang vật tay xem thằng nào khỏe hơn (hai ma này té ra là gay, nhưng rất chịu khó tập thể hình).
Lại có một con ma giá trị thặng dư thập thò trong lòng con ma giá trị. Nheo mắt lại, Marx nhìn thấy trong con ma giá trị thặng dư này một cặp khác, là ma lợi nhuận và ma lợi tức, hai ma này đánh nhau túi bụi để giành nhau chỗ rộng hơn trong lòng con ma giá trị thặng dư kia.
Lũ ma này rất hiếu động, nghịch tinh nghịch quái, chạy loạn hết cả lên, nhìn hoa cả mắt. Marx thò tay túm một cặp ra, cho vào dưới kính hiển vi, soi soi xét xét. Soi chán thì thả chúng ra, tóm một cặp khác. Thỉnh thoảng Marx lại niệm thần chú cho tất cả lờ đờ như quay chậm, để nhìn cho rõ bức tranh toàn cục...
Phương pháp biện chứng của Marx là thế đấy. Nếu Marx phiến diện như Hà Sĩ Phu nói, thì bộ Tư bản chỉ dày độ chục trang chứ mấy!
7. Khi Marx trả lời con gái: Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với cha cả - là Marx muốn nói ông không phải thần thánh sống trên mây, mà chỉ là một con người sống trên mặt đất như mọi người khác. Hà Sĩ Phu lại mỉa mai rằng Marx nói “biết hết mọi thứ về con người” nhưng thực ra chả hiểu kỹ con người lắm đâu, nhất là cái mặt bất thiện ấy!
Khi Hà Sĩ Phu cười nhạo tuyên bố của Lênin: “Dân chủ vô sản dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản”, vị tất ông đã hiểu được ý nghĩa sâu xa của phạm trù dân chủ trong học thuyết Marx. Vị tất ông đã hiểu vì sao khi nói về dân chủ, Lênin không dùng các định nghĩa hời hợt thường thấy, vốn chỉ dựa trên biểu hiện bề ngoài của phạm trù dân chủ, kiểu như: dân chủ là chế độ trong đó người dân được quyền trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia điều hành đất nước, hay: dân chủ là để cho dân được mở miệng nói…, mà nhấn mạnh: dân chủ là một hình thái nhà nước đặc thù, xuất hiện trong những điều kiện nhất định. Chính là Lênin muốn đi sâu vào cái bản chất, cái tính quy định lịch sử của phạm trù dân chủ, như Trần Hải Hạc đã phân tích rất sâu sắc cũng trong bài viết nói trên. Hà Sĩ Phu chỉ định dựa vào hiện thực ở các nước mang danh XHCN để cười nhạo Lênin sao? Cái cười nhạo đó bất quá chỉ là cái cười của kẻ “hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi” (hạng tầm thường nghe đạo thì cười hô hố). Cười hô hố là phải thôi, vì: “Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo” (không cười hô hố, sao gọi là đạo. Đạo đâu có dễ hiểu thế!) (Lão tử, Đạo đức kinh).
8. Theo thông tin mới nhất, nhiều khả năng cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin mà Hà Sĩ Phu ra sức đấm đá đó, chỉ là sản phẩm của “trí tuệ” của chính Hà Sĩ Phu. Nghĩa là ông đấm đá chính bản thân mình.
Thiển nghĩ, Hà Sĩ Phu đã nhầm khi hạ thấp việc phê phán chủ nghĩa Marx, vốn đòi hỏi bản lĩnh cực kỳ cao cường, xuống ngang tầm với việc chỉ trích chế độ, vốn là một việc tương đối dễ dàng vì đối tượng phê phán không có gì cao siêu. Hà Sĩ Phu tưởng rằng kiến thức abc của mình về học thuyết Marx cũng chính là học thuyết Marx, thế mới chết!
Khi phê phán Dühring, Engels từng phải thốt lên: Nếu Hegel không chết từ lâu rồi thì Hegel sẽ tự treo cổ mà chết! Ở đây cũng thế: Nếu Marx chưa chết thì nhất định cũng tự cắn lưỡi mà chết!
Nếu Hà Sĩ Phu muốn phê phán hay tranh luận về Marx, thì trước hết xin ông hãy đi đọc Marx cái đã, rồi sẽ nói chuyện sau!
9. Đoạn kết
Nếu chỉ bằng vào những kiến thức nông cạn, những lý lẽ hời hợt mà có thể đánh đổ được học thuyết của Marx một cách dễ dàng đến thế, thì học thuyết Marx lẽ ra phải chết từ khi vừa ra đời mới phải. Phải thế nào thì cụ Marx mới sống dai thế chứ (lâu lâu lại có một chú nhảy ra đòi chôn Marx, như nhà nghiên cứu Phan Huy Đường nhận xét). Phải thế nào thì thính giả đài BBC mới chọn Marx là triết gia vĩ đại nhất của mọi dân tộc trong mọi thời đại chứ, khiến anh chàng Simon Montefiore tức điên lên viết bài “Quái vật mang tên Karl Marx” – một bài rất vớ vẩn. Phải thế nào thì Marx mới hấp dẫn được hàng trăm triệu con người trên khắp thế giới từ cả trăm năm qua, khiến cho anh Đỗ Kh. rất lấy làm ngạc nhiên chứ!
Những người mới chỉ hiểu một cách hết sức lơ mơ, sai lạc về học thuyết Marx, thậm chí chưa từng biết bộ Tư bản dày mỏng ra sao, nhưng lại rất tự tin phê phán Marx, thì phần lớn lý lẽ của họ dựa trên những ngộ nhận mà nhiều người đã chỉ ra, tiêu biểu như bài viết của Nguyễn Hoài Vân: “Những ngộ nhận về học thuyết Marx” – một bài viết rất hay. Đọc bài đó, có lẽ những ai đang có ý định phê phán Marx sẽ nghĩ lại chăng!
Nhưng nói gì thì nói, không thể tiếp tục tình trạng dạy và học chủ nghĩa Marx một cách tràn lan như hiện nay được nữa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét