Linh Vũ
Kitsch và toàn trị
Trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, Milan Kundera có nhắc tới truyện Bay trên tổ chim cúc cu của Kent Kesey. Câu chuyện diễn ra ở một trại điên, nơi các bệnh nhân chịu đựng sự cai trị tàn nhẫn và xúc phạm nhân phẩm của mụ y tá trưởng. Khi nhân vật chính trong truyện tìm được cách giải phóng cho những người này thì ban đầu họ tỏ ra vui sướng. Nhưng chẳng mấy chốc, thái độ vui sướng ấy chuyển thành nỗi sợ hãi đối với tự do trong một thế giới mà họ không biết và không hiểu. Họ chọn cách ở lại với sự an toàn, nỗi sợ hãi và cả sự ty tiện được biết trước thay vì tự do và những trắc trở của nó. Kundera so sánh những bệnh nhân này với người dân của nước Nga, những người dường như lựa chọn chấp nhận trong hơn 70 năm chế độ toàn trị và cảnh sát "của mình" - một chế độ mà chính người Nga tự mỉa mai là "họ giả vờ trả lương cho chúng tôi và chúng tôi giả vờ làm việc” - hơn là tự do. Tất nhiên, lỗi không hoàn toàn là ở những người dân này. Nhiều kẻ trước khi vào trại điên vẫn hoàn toàn bình thường, còn người “tỉnh táo” và mạnh mẽ nhất trong trại điên của Kesey phải nhận lấy một kết cục bi thảm, bị biến thành một cái xác chết vật vờ sống thực vật.
Trong bộ phim The Shawshank Redemption cũng có chuyện kể những người tù được ra khỏi tù sợ hãi vì thế giới bên ngoài xa lạ và nằng nặc xin ở lại trong tù. Một người trong số đó cuối cùng đã phải tự treo cổ sau khi được trả tự do.
Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi những người cộng sản tỏ ra rất thích câu nói của Marx "Tự do là nhận thức được sự tất yếu", diễn đạt nôm na thì “tự do” là biết được vùng vẫy đến đâu trong sợi dây trói "tất yếu". Tất nhiên, kẻ nào vùng vẫy mạnh quá, hoặc quá ngây thơ không nhận ra dây trói hoặc ngược lại, gọi đích danh nó là sợi dây trói thì chẳng sớm thì muộn, sẽ không còn cơ hội được hưởng "tự do" rồi! Hay nói theo kiểu chính trị viên, anh không xứng đáng được hưởng tự do vì anh không biết quý trọng tự do mà anh có được nhờ công ơn của abc.
Sự giả dối, suy cho cùng vừa là hệ quả vừa là bạn song hành của sự hèn nhát và nỗi mặc cảm mà thôi. Nó sinh ra từ hèn nhát và mặc cảm và tồn tại để che giấu cho chúng. Hay sử dụng một định nghĩa từ của Kundera, thì nó là một sản phẩm kitsch tồi tệ nhất mà đến lượt mình, sẽ đẻ ra vô số những cái kitsch khác, những thứ giả nghệ thuật, giả cảm xúc, giả nhân văn, phục vụ cho những thói quen ăn sáng [1] .
Một chủ đề quan trọng mà Kafka đề cập tới là tội lỗi tưởng tượng. Một buổi sáng đẹp trời hay xấu trời nào đó, nhân vật Joseph K. trong tác phẩm Vụ án của Kafka tỉnh dậy và bị kết tội. Và anh ta cứ hoài hơi đi loanh quanh tìm cho ra tội lỗi của mình như để xác nhận sự thống nhất và hợp lý của thế giới mà anh ta đang sống. Anh thuê luật sư, đến toà án, diễn thuyết trước cử toạ, tìm cách xin giảm tội nhưng tuyệt nhiên không nghĩ hay tìm cách chứng minh là mình vô tội. Việc phủ nhận tội đó dường như là một cái gì đó vượt ra khỏi khả năng nhận thức của anh ta, vì nó đe doạ tính hợp lý của thế giới mà anh ta đang sống và coi mình là một thành phần. Ở đây, có thể nói là dường như kẻ bị kết tội đồng cảm và đồng loã với tên đao phủ. Trong tiểu thuyết Lâu đài, người cha nàng Amalia van xin Lâu đài hãy tuyên bố tội lỗi của nàng đi. Tuy ẩn ý của Kafka phức tạp và có thể có nhiều diễn giải trong các môi trường khác nhau, nhưng dường như có nhiều sự tương đồng hơn giữa những Joseph K., Amalia, nhân viên đạc điền K. với thân phận của những người sống trong các xã hội toàn trị, nơi cá nhân không tồn tại, con người chỉ là một cái mắt xích trong một bộ máy khổng lồ và người ta ít xa lạ với những thứ khá quái gở như "tự phê bình", "kiểm điểm".
Nếu như Kafka nói tới tội lỗi mặc định của mỗi cá nhân thì Orwell nhắc tới sự lãng quên trong một xã hội phi cá nhân, nơi những ký ức bị nhào lặn và xuyên tạc. Lịch sử trở thành một công cụ của chính trị. Và khi người ta đánh mất lịch sử, khi ký ức không còn tồn tại nữa thì tất cả các cá nhân sẽ giống hệt nhau, tất cả các nền văn minh sẽ đều cùng một khuôn và mọi lời nói dối sẽ trở thành chân lý, hay nói chính xác hơn là người ta sẽ không còn hoài công tìm cách phân biệt lời nói dối với sự thật làm gì nữa. Hay hiểu như Descartes thì con người hiện đại sẽ chết đi vì lúc đó không còn có chuyện "tôi suy nghĩ là tôi tồn tại" nữa. Chính vì thế sự phản kháng của Winston trong tác phẩm 1984 của Orwell không phải bằng cách cố gắng căm ghét Big Brother hay bằng những hành động truỵ lạc và bất tuân lệnh nho nhỏ như người tình Julia của anh. Winston tìm đến quá khứ, coi đó là điểm níu duy nhất để giữ lấy nhân cách và nhân tính.
K. của Kafka vẫn còn là một con người cá thể với những mục đích và ý nghĩ của riêng mình (tuy rằng anh luôn phải làm tình với vợ chưa cưới trước sự chứng kiến của hai gã giúp việc) nhưng tới George Orwell, con người cá nhân và sự riêng tư đã bị hoàn toàn triệt tiêu. Các nhân vật của Orwell cũng luôn cảm thấy có tội nhưng không chỉ có vậy, họ còn bị tước đoạt đi cảm xúc thật và suy nghĩ của riêng mình bằng những bài luyện tập kiểu Hai phút Căm ghét mỗi ngày và màn hình theo dõi ở mọi nơi, mọi lúc. Họ bị bắt buộc phải có cách nghĩ nước đôi (doublethink - từ sáng tạo của Orwell) để tồn tại. Một ví dụ về cách nghĩ nước đôi mà người ta dễ mắc phải: một mặt tôi thấy việc đưa và nhận hối lộ là xấu, một mặt tôi thấy nó là hợp lý và tôi vẫn làm việc đó mà không một chút hổ thẹn và không thấy là nó xấu vì "tất cả đều làm thế".
Điều đáng sợ của một xã hội như vậy là gì? Là việc tất cả đều giả vờ: chúng tôi giả vờ làm việc và họ giả vờ trả lương. Đảng giả vờ là đại diện cho giai cấp vô sản và chúng tôi giả vờ là chúng tôi tin điều đó. Giống như thể một tấn hài kịch. Nhưng trong một tấn hài kịch trên sân khấu thì cả khán giả và diễn viên đều cười. Trong tấn hài kịch-cuộc sống này thì người ta không được phép cười và sự giả vờ đó cũng được coi (tất nhiên là theo một cách giả vờ) như điều thiêng liêng. Họ vẫn có thể dung thứ cho sự tồn tại của bạn nếu bạn căm ghét hay hờn dỗi họ (thậm chí bạn còn có thể trở thành một celebrity [2] trong một chừng mực nào đó) nhưng họ sẽ không để cho bạn cười cợt vào mũi họ, nói với họ là họ đang "diễn". Nói cách khác, bạn sẽ bị bắt buộc phải đóng vai diễn viên và cùng diễn với họ chứ không được phép làm khán giả.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm văn học "cười cợt" đích thực ở nước Nga chỉ dừng lại ở Bulgakov từ những năm 30. Và ở Việt Nam thì nền văn học "cười cợt" ấy cũng chấm dứt ở Vũ Trọng Phụng. Những nhà trào phúng không có chỗ trong một xã hội phi cá tính. Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ đều phải khoác một bộ mặt nghiêm túc nhất khi đi theo cách mạng. Và người Việt Nam đành phải cười cùng một nhà văn sống ở một nước tư sản là Azit Nesil. Ngay cả trong 20 năm gần đây, trong khi có rất nhiều chua cay, hờn giận, buồn tủi, đau thương tuôn trào trên các trang viết thì cũng không có người viết nào biết cười cợt cả, có chăng chỉ Nguyễn Việt Hà là tiến gần nhất tới một nụ cười. Thế mà sao cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng bảo dân mình cái gì cũng cười được. Nhưng mà cũng đúng, vì cái gì cũng cười được nên không hiểu được ý nghĩa và sức mạnh của nụ cười và sự hài hước, nhất là hài hước đen - cái mà người Việt luôn thiếu.
Trong chương The Grand Inquisitor (tạm dịch Đại quan toà dị giáo) ở cuốn Anh em nhà Kazamazov của Dostoievski, viên Đại quan toà dị giáo biện minh cho hành vi thiêu sống những kẻ dị giáo và sẵn sàng đóng đinh cả chính Chúa Jesus một lần nữa nếu Người sống lại là vì hạnh phúc của đám dân đen - những kẻ ngu dốt, luôn sợ hãi tự do và việc phải lựa chọn. Theo y, nếu đặt đám dân này phải lựa chọn giữa hạnh phúc trong ngu dốt và tự do thì bọn chúng luôn chọn hạnh phúc và hy sinh tự do, chúng chỉ cần đến bánh mỳ chứ không cần tri thức. Vì thế, những kẻ có trí tuệ và thương xót con người như y phải gánh chịu trách nhiệm lựa chọn cho dân chúng để rồi phải chấp nhận những đau khổ và hệ luỵ của công việc này.
Lời biện minh ấy có giả dối không? Không hoàn toàn là giả dối vì hình như y thực sự tin tưởng vào điều đó. Nhưng lý giải theo Orwell thì đó là doublethink. Y tin thế vì y muốn tin thế (một cách vừa có ý thức vừa không có ý thức). Hay theo Kundera thì đó là kitsch, là những mỹ từ được đặt ra để tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Những cái kitsch ấy tồn tại như những nếp gấp trong vỏ não mà người ta thường trượt vào để có thể cảm thấy yên tâm chứ không phải xuất phát từ sự lựa chọn có ý thức. Orwell có câu trả lời khác về mục đích thực sự của bọn chúng qua lời một “viên quan toà dị giáo khác” của ông "chúng tôi muốn quyền lực chỉ vì quyền lực". Không vì hạnh phúc của dân chúng? Không vì sự thoả mãn của bản thân? Nghe tưởng nghịch lý nhưng chẳng phải Nietzsche từng coi ý chí quyền lực là động cơ của loài người đó sao. Chính vì thế mà những người cộng sản ghét Nietzsche. Không phải vì tư tưởng của Nietzsche đã phần nào góp phần cho sự ra đời của chủ nghĩa Quốc xã như họ vẫn nói. Mà vì cũng như Dostoievski, cũng như Orwell, Nietzsche đã bóc trần trụi sự hào nhoáng của những mỹ từ mà họ đang "giả vờ". Có Hoàng đế nào lại thích thú khi một đứa trẻ kêu lên là "Hoàng đế cởi truồng". Nhưng để có thể kêu lên được như thế thì lại phải là trẻ con! Mà những đứa trẻ thực sự trong một xã hội giả dối, nơi những cái kitsch trở thành chuẩn mực, tiếc thay, lại quá ít.
© 2006 talawas
[1]Kundera dành nhiều trang trong cuốn Nhẹ kiếp khôn kham (The Unbearable Lightness of Being) để luận về chữ Kitsch. Trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, Kundera có hẳn một mục từ để bàn về chữ này. Xin trích một đoạn “Trong bản dịch ra tiếng Pháp của thiên tiểu luận nổi tiếng của Herman Broch, từ “Kitsch” được dịch là nghệ thuật tầm tầm. Một phản nghĩa, bởi vì Broch chứng minh rằng Kitsch là cái khác với một tác phẩm chỉ đơn giản là thị hiếu tồi. Có thái độ Kitsch. Cách ứng xử Kitsch. Nhu cầu Kitsch của con người-Kitsch (Kitschmensch): đấy là nhu cầu tự nhìn mình trong tấm gương dối trá làm đẹp người lên và tự nhận ra mình trong đó với một sự thoả mãn đầy xúc động.” (Nghệ thuật tiểu thuyết - bản dịch của Nguyên Ngọc 2001).
[2]Người nổi tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét