6/7/07

Trần Đức Thảo - Nỗ lực phát triển tự do dân chủ

Trần Đức Thảo

Nỗ lực phát triển tự do dân chủ

Trước hết, chúng ta phải nhận định rõ ý nghĩa và nội dung của phong trào tự do dân chủ đương phát triển trong nhân dân. Căn bản nó là phong trào quốc tế, do Đại hội Đảng XX của Đảng Cộng sản Liên Xô phát động, và đương lan tràn rầm rộ trên khắp thế giới. Nó xuất phát từ những thắng lợi lớn lao của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và trên thế giới, do những thắng lợi ấy mà phương pháp lãnh đạo hẹp hòi, sùng bái cá nhân theo kiểu Stalin đã trở thành một cản trở nghiêm trọng cho sự phát triển của xã hội Liên Xô và của phong trào hoà bình thế giới. Đánh đổ cái cản trở ấy là một nhiệm vụ cấp bách để tiến lên chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, củng cố và mở rộng hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Nhân dân Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu bè phái, sùng bái cá nhân, chính là thực hiện đường lối cách mạng của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, do Đảng Lao động Việt Nam truyền đạt.

Xét đến tình hình trong nước phong trào tự do dân chủ cũng có ý nghĩa trọng đại. Sau khi chúng ta đã đánh bại đế quốc và hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, chính bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân là những di tích của chế độ cũ trong tổ chức mới. Đấu tranh chống những bệnh ấy là nhiệm vụ của nhân dân và đường lối của Đảng, một trọng tâm công tác để đẩy mạnh công cuộc kiến thiết kinh tế và văn hoá, nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, trong phong trào có thể có những sai lầm cá nhân, những lời lẽ lệch lạc với sự lãnh đạo của Đảng, những khuyết điển ấy nhất điịnh được sửa chữa, nhưng đấy chỉ (...) [1] xét về căn bản và toàn bộ, phong trào hiện tại chống quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân là một phong trào cách mạng của toàn dân, do giai cấp và đảng công nhân lãnh đạo: nó giải phóng sức sản xuất, chỉnh đốn tổ chức, đẩy mạnh sự tiến triển của xã hội Việt Nam lên chủ nghĩa xã hội, gắn liền nhân dân Việt Nam với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Đã làm một nhiệm vụ cách mạng, sẽ có địch lợi dụng xuyên tạc. Không có gì địch đã lợi dụng xuyên tạc bằng Cải cách Ruộng đất. Không có công tác nào đã phạm phải sai lầm đau xót như công tác ấy. Ngay từ đầu chúng ta đã biết rằng chúng ta sẽ có sai lầm, rằng địch sẽ lợi dụng xuyện tạc, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm tiến hành, vì đấy là nhiệm vụ cách mạng. Trong phong trào tự do dân chủ bây giờ không thể nào có sai lầm nghiêm trọng đến thế, vì nó chỉ tiến hành bằng lời nói, bằng giấy viết, nó không phạm đến cơ thể. Mà nếu địch có thể tìm cách lợi dụng một vài chi tiết, thì về căn bản nó sẽ bị một gánh đòn rất nặng, có thể là quyết định, vì căn bản tuyên truyền của địch là kêu rằng chúng ta không có dân chủ, mà chính chúng ta lại chứng minh bằng sự việc rằng chúng ta có dân chủ rõ ràng. Không phải vì một vài vấn đề vụn vặt mà chúng ta lại bỏ cái căn bản, và không vì thấy cây mà không trông thấy rừng.

Có anh em lo rằng với tự do dân chủ được phát triển, giai cấp tư sản sẽ “ngóc đầu” lên. Chính như thế là đánh lạc vấn đề. Từ ngày hoà bình trở lại, chúng ta mở rộng phạm vi kinh doanh tư sản, chúng ta hô hào họ đầu tư; như thế họ cũng đã được thoả mãn một phần (...) để làm gì khác. Những người có vấn đề phê bình là những người lao động trí óc và lao động chân tay, phục vụ nhân dân và trung thành với Đảng, nhưng chưa được điều kiện để phát huy khả năng và phục vụ có kết quả, thậm chí còn bị kìm hãm, chà đạp bởi những phần tử quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân. Cái tự do mà họ muốn phát triển nhất định không phải là cái tự do tư sản của xã hội cũ, tự do của một thiểu số đi bóc lột đa số. Cái tự do mà họ muốn phát triển là tự do của toàn dân phê bình lãnh đạo, vì lãnh đạo chính là lãnh đạo của mình, mà có phê bình thì mới xây dựng được một tổ chức hợp lý, bảo đảm những điều kiện cần thiết để mọi công tác được kết quả tốt, để mỗi công dân được góp phần vào nhiệm vụ chung. Cái tự do ấy là quyền của người công dân, nó được hoàn toàn công nhận và bảo đảm trong chế độ ta. Đảng và Chính phủ luôn luôn kêu gọi nhân dân xây dựng lãnh đạo. Nhưng vì chúng ta hay rụt rè, thậm chí còn sao nhãng, thiếu tin tưởng, nên công tác phê bình chưa được thường xuyên đầy đủ. Chúng ta còn thiếu tác phong thảo luận rộng rãi, đặt mọi vấn đề trước quần chúng. Đấy là một di tích của lề lối làm việc cũ, một biểu hiện của tư tưởng xa quần chúng, xa nhân dân. Chúng ta phải nỗ lực mở rộng dân chủ, phát triển phê bình trong nhân dân. Đảng đã chỉ đường vạch lối, nhưng không thể làm thay: Tự do không phải là cái gì có thể ban ơn.

Trong nhiệm vụ thực hiện phương châm của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, hưởng ứng phong trào phát triển tự do dân chủ trong những nước dân chủ nhân dân anh em, người trí thức Việt Nam có phần trách nhiệm quan trọng. Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân.

Đấy phải phân biệt nội dung và hình thức tự do. Về phần nội dung thì chế độ ta căn bản và thực sự là tự do. Chúng ta đã đánh đổ đế quốc và phong kiến ở miền Bắc, mà dù có còn phương thức bóc lột tư sản, thì với chính quyền nhân dân, với sự lãnh đạo của giai cấp và đảng công nhân, cái căn bản đã có và bảo đảm cho tương lai. Nhất định chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, thực hiện tự do hoàn toàn.

Nhưng về hình thức thì còn nhiều thiếu sót, mà đấy là vấn đề nghiêm trọng, vì chính hình thức tự do bảo đảm sự đóng góp đầy đủ của mỗi công dân vào nhiệm vụ chung. Có hình thức tự do thì mới thực hiện được quy tắc lãnh đạo tập thể, mới giải phóng đầy đủ lực lượng sáng tạo của quần chúng, phát huy sáng kiến ở cơ sở kinh tế và văn hoá. Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bóc trần những kết quả tai hại của tác phong lãnh đạo vi phạm hình thức tự do. Tuy cái tệ sùng bái cá nhân không thể nào làm mất cái nội dung dân chủ thực sự và tính chất ưu việt của xã hội Liên Xô, trong ấy không còn chế độ người bóc lột người, nhưng vì trong một thời gian hình thức tự do không được đảm bảo, sự phát triển của xã hội Liên Xô đã bị cản trở nghiêm trọng. Riêng trong công tác văn hoá, một số bộ phận nghiên cứu sáng tác như bộ phận khoa học xã hội, theo báo cáo của đồng chí Mi-cai-an, đã bị hầu như tê liệt. Hình thức tự do không phải “chỉ là hình thức”! Nó ảnh hưởng sâu sắc đến thực tế xã hội, dù không có thay đổi cái nội dung căn bản.

Ở nước ta, Cải cách Ruộng đất đã hoàn thành ở miền Bắc, bây giờ là lúc chuyển lên chủ nghĩa xã hội: Không có con đường nào khác, mà không tiến thì lùi. Điều kiện chủ yếu để tiến là xây dựng nhanh chóng cơ sở vật chất và văn hoá cần thiết cho phương thức sản xuất tập thể. Từ hai năm hoà bình đã được lập lại, công cuộc kiến thiết bị cản trở nghiêm trọng, hầu như hết cả các ngành, bởi những phần tử quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân. Phát triển hình thức tự do (tự do báo chí, ngôn luận, hội họp, hiệp đoàn v.v...) là một công tác trọng tâm để giải phóng lực lượng sáng tạo của nhân dân, khai thác và làm nổi bật cái nội dung dân chủ phong phú mà chúng ta đã đạt được. Trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, đấy cũng là một yếu tố quan trọng để mở rộng mặt trận tổ quốc, tranh thủ sự đồng tình của những tầng lớp rộng rãi ở miền Nam và trên thế giới.

Hình thức tự do là tự do cá nhân. Dưói chế độ cũ, căn bản nó là mơ mộng duy tâm, làm khí cụ tinh thần cho giai cấp tư sản đi bóc lột nhân công. Nhưng trong xã hội ta nó đã biến chất và trở thành giá trị chân chính. Cá nhân phục tùng tập thể, nhưng tập thể cũng phải có cá nhân xây dựng và hình thức tự do trong phạm vi pháp lý nhân dân là điều kiện để mỗi cá nhân góp phần thực sự xây dựng tập thể. Xét đến tình hình thế giới mới đây, lý tưởng tự do cá nhân lại là lý tưởng của những ngày tiến tới, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản bây giờ đương bắt đầu trở thành một thực tế lịch sử ở Liên Xô. Phát triển tự do cá nhân hoàn toàn, đấy sẽ là mục tiêu càng ngày càng cụ thể với thực tiễn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, trong ấy sẽ không còn phân biệt giai cấp, nhà nước sẽ tự tiêu, mỗi cá nhân sẽ tự do xây dựng sở trường của mình, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Chủ nghĩa xã hội hoàn thành ở Liên Xô đã giải phóng con người trong tập thể sản xuất. Trong xã hội cộng sản mỗi người sẽ được giải phóng với cá tính bản thân.

Bước tiến của xã hội ta chưa đi đến đấy nhưng cách mạng ta là một bộ phận trong phong trào thế giới và tính chất chung của phong trào thế giới là do bộ phận cao nhất của nó quy định. Tư tưởng cách mạng, dù có ở một nước lạc hậu vẫn phải là tư tưởng tiến bộ nhất trên thế giới. Chúng ta đã làm cách mạng tư sản dân chủ với tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại, nhưng mang nặng những bệnh của giai đoạn Stalin: quan liêu, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân. Theo đòi hỏi của sự phát triển của sức sản xuất và công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô đã lên án nghiêm khắc cái tệ sùng bái cá nhân, đặt chủ trương đường lối giải phóng tư tưởng bảo đảm pháp lý xã hội chủ nghĩa, triệt để dân chủ hoá tổ chức. Những nghị quyết lịch sử của Đại hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước dân chủ nhân dân anh em và phong trào công nhân và nhân dân thế giới. Nước ta không thể nào đứng riêng: chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gột rửa những nết xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Những chỗ ba chấm trong ngoặc đơn là những chữ thiếu, do bản gốc bị thủng, không khôi phục được (talawas).
Nguồn: Báo Nhân văn số 3, ra ngày 15-10-1956. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét