Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Xuân Quý Tỵ 2013
Trong một thế giới lão hóa, nước Mỹ vẫn còn
quá trẻ....
Dân số quân bình và sẽ tăng là khi đáy hình
tháp - của tuổi trẻ - rộng hơn thân và đỉnh tháp
Trong 10 năm tới, Hoa Kỳ sẽ còn gặp khá
nhiều vấn đề! Mở đầu Giai Phẩm Xuân với kết luận như vậy thì quả là khó nuốt như
bánh chưng bị hấy. Nhưng biết đâu chừng, đây là chuyện tiền hung hậu cát? Theo
thông lệ từ đã lâu, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh vẫn viết bài mở đầu cho
Xuân Việt Báo. Ông mới từ giã chúng ta trong năm qua. Bài này của chủ biên
Nguyễn-Xuân Nghĩa nhắc đến tên ông như một lời tưởng niệm - và cũng mở ra một
cách nhìn về tương lai theo tinh thần lạc quan của ông....
Già Nua và Mắc Nợ - Vấn Đề của Nhà
Giàu
Hoa Kỳ gặp nhiều vấn đề vì là
xứ tiên tiến trong các quốc gia đã công nghiệp hóa và giàu có nhất địa cầu.
Nghĩa là bài toán của Hoa Kỳ cũng là nan đề chung của các nước đã phát triển.
Trước hết là chuyện nợ nần, tai
họa chung của các nước công nghiệp hoá.
Tổng số nợ của công quyền, tư
nhân và doanh nghiệp (ngoài lãnh vực tài chánh) đã tăng vọt từ 1980 đến 2010.
Trong ba chục năm, nợ của doanh nghiệp tăng gấp ba, của chính quyền tăng gấp bốn
và của các hộ gia đình tăng gấp sáu. Vì vậy, quy luật có vay có trả đã vận hành
và giải thích những khó khăn kinh tế của năm năm vừa qua, từ 2007 đến nay. Nhưng
từ đó đến nay, mới chỉ có ba quốc gia trong khối kinh tế này đã chịu khó trả nợ.
Hoa Kỳ là một, dù trả chưa đủ.
Thứ hai là những khoản nợ không
thể trả. Đó là nợ người già.
Đà gia tăng dân số của nhân
loại đã giảm trong khi tuổi thọ nói chung lại kéo dài khiến lớp người ở tuổi lao
động phải cưu mang một thành phần cao niên đông đảo chưa từng thấy. Giới cao
niên này từng là trung niên và đóng góp vào mọi loại quỹ hưu bổng và y tế cho
tuổi già. Nhưng quỹ đó không đủ trang trải cho nhu cầu của họ và sẽ vỡ nợ. Hoa
Kỳ cũng gặp loại vấn đề lão hóa dân số và có thể bị lủng quỹ hưu bổng, dù chưa
nguy ngập như Nhật Bản hay nhiều xứ Âu Châu.
Khi mắc nợ quá nhiều - mức hiểm
nguy là nợ tới 90% sản lượng kinh tế - các quốc gia đều khó xoay trở, mà nợ của
khu vực công quyền càng cao thì càng khó. Tiêu chuẩn đo lường là tỷ lệ công chi,
chi tiêu của khu vực công, hay mức bội chi ngân sách, chi nhiều hơn thu. Các
nước đã phát triển đều gặp loại vấn đề này, Hoa Kỳ cũng vậy, dù chưa là đại gia
đội bảng. Năm năm vừa qua là năm năm xoay trở về chánh sách và bị ách tắc về
chính trị, nhưng thực tế thì tư nhân Mỹ đã bấm bụng trả nợ và tạo dựng lại nền
móng khác.
Nhưng cùng nạn mắc nợ và dân số
lão hóa, các nước tiên tiến đều gặp bài toán tăng trưởng thấp và năng suất sút
giảm. Hoa Kỳ đang bước vào chu kỳ đó, dù chưa thê thảm như Nhật Bản hay nhiều xứ
Âu Châu. Nôm na là sản lượng kinh tế mà tăng được 2% một năm là mừng! Khi kinh
tế chỉ tăng có 2% thì thị trường đầu tư khó đạt doanh lợi 6% hay 10% như đã từng
thấy. Đầu tư là nhịn ăn ngày nay để ăn no và ngon hơn sau này. Nếu sau này lại
chẳng được như vậy thì tương lai khó khá. Kiếm tiền đâu ra và đánh thuế những ai
nữa để trả nợ? Bài toán ấy khiến người ta bi quan về tương lai của nước
Mỹ....
Khi nói đến Hoa Kỳ, Nhật Bản
hay Âu Châu, và nạn mắc nợ với dân số bị lão hóa, người ta có thể nghĩ đến một
cường quốc đang lên là Trung Quốc. Các nước dân chủ mới bị ách tắc chính trị vì
lòng dân bất định trước những vấn đề quá phức tạp, chứ một nước độc tài độc đảng
và đông dân nhất như Trung Quốc thì chỉ cần lãnh đạo quyết định là cả nước đều
phải xoay....
Mật độ dân số Trung Quốc -
những khoảng trống hoang vu đến rợn người *
Sự thật lại đơn giản hơn nhiều,
vì quy vào hai con số của Trung Quốc, 160 và 124.
Trung Quốc có 160 triệu "dân
công", người phải tha phương cầu thực – và không có hộ khẩu – để kiếm việc làm ở
nơi khác. Một yếu tố bất ổn vì 160 triệu là dân số vĩ đại bằng phân nửa dân số Hoa Kỳ,
trên một diện tích lãnh thổ tương tự như của Mỹ với mật độ cao gấp sáu. Trung
Quốc cũng có 160 triệu người dân thuộc loại cao niên trên sáu chục, mà không có
mạng lưới an sinh, hưu bổng hay y tế như các nước công nghiệp hoá. Và Trung Quốc
có 160 triệu dân trong loại gia đình chỉ có một con. Nhân khẩu cũng là một bài
toán.
Bài toán ấy được quy vào con số
kia: 124.
Một người đi làm phải nuôi phụ
mẫu hai người và bốn ông bà của hai họ nội ngoại. Tỷ số lệ thuộc làm lạnh mình,
vì vậy ta mới có thành ngữ là "dân Tầu chưa giàu đã già". Mà nhà nước cũng mắc
nợ, nhiều ít ra sao, xấu tốt thế nào thì chính lãnh đạo còn không biết! Cứ như
chuyện... Hà Nội. Chúng ta loáng thoáng thấy ra bức tranh u ám của tương lai.
Nếu lại so sánh mức khác biệt
cao thấp giữa các nước thì thế giới sẽ là một trường cạnh tranh kịch liệt. Chiến
tranh cũng là một khía cạnh khác của cạnh tranh.
Khi nhân loại gặp một hiện
tượng chung về dân số hay nhân khẩu như vậy, ta có thể nói đến bài toán văn hóa
của phát triển, loại bài toán của trường kỳ và sẽ có hậu quả bất ngờ trong lâu
dài. Đã là bất ngờ thì xin miễn đoán....
Một người lừng danh đã quy bài
toán đó vào... phụ nữ!
***
* Chức năng phụ nữ là đây? Phụ nữ Hồi giáo
tại Afghanistan vẫn bị kiểm soát và đàn áp.
Chứ không "đồi trụy" như mấy cô gái tóc
vàng của Tây phương! *
Miệng Túi Càn Khôn Khép Lại Rồi
Sau khi tiến hành vụ khủng bố
9-11, biến cố chấn động toàn cầu trong năm đầu của Thế kỷ 21, kẻ chủ mưu là
Osama bin Laden đã gửi lá "Thư Ngỏ Cho Hoa Kỳ" vào năm 2002, với đoạn văn rất
lạ: "Chúng bay là một quốc gia đã khai
thác phụ nữ như sản phẩm tiêu thụ và khí cụ quảng cáo, để chiêu dụ khách hàng.
Chúng bay bắt phụ nữ phục vụ hành khách, du khách và khách lạ để gia tăng lợi
nhuận. Sau đó bay còn dám nói là muốn giải phóng phụ nữ!"
Đâu đó hình như có sự hiểu
lầm....
Tổ chức khủng bố al-Qaeda đề
cao đặc tính truyền thống của gia đình và chức năng thiêng liêng của phụ nữ là
sinh sản. Họ thâu tóm vấn đề văn hóa của nhân loại vào đơn vị cốt lõi là gia
đình. Tình dục là đẻ đái. Phụ nữ mà theo đuổi việc khác là đáng bị ném đá. Hoa
Kỳ có tội vì diễn giải khác về nữ quyền.
Không chỉ có khủng bố al-Qaeda,
khuynh hướng trọng căn – fundamentalist hay intégriste theo tiếng
Pháp - của nhiều tôn giáo khác cũng đề cao gia đình và phụ nữ trong vai trò này:
"Bất hiếu hữu tam".... Nhưng thực tế là phụ nữ ở mọi nơi đã đòi hỏi điều khác.
Phân nửa nhân loại đã nghĩ khác
mà đa số lại chậm hiểu và chưa nhìn ra.
Thuần về sinh lý, phụ nữ có thể
thụ thai và hoàn thành nhiệm vụ sinh sản để truyền chủng ở lớp tuổi từ 14 đến
44. Xin tạm lấy con số này cho dễ nhớ! Trong mấy ngàn năm, tuổi thọ của họ không
kéo dài đến tuổi "biệt kinh kỳ" và trong đời còn chôn cất nhiều đứa con sơ sinh
yểu tử vì những giới hạn của dưỡng sinh và y tế.
Tính trung bình thì mỗi người
phải có 2,1 đứa con, dân số của cộng đồng mới khỏi giảm. Phụ nữ đã được giáo dục
ngay từ tiềm thức là phải... đẻ dư. Cho nên sau cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật
với những cải tiến về dưỡng sinh và y tế, thiên hạ có lúc đã lo sợ nạn nhân mãn.
Thế giới sẽ khủng hoảng vì không nuôi nổi số miệng ăn gia tăng quá mạnh.
Ngày nay, sự thể lại trái
ngược.
Năm 1970, trung bình một phụ nữ
có 4,5 đứa con. Ba chục năm sau, "sản lượng" trung bình ấy chỉ còn là 2,7. Riêng
tại Nhật Bản hay Âu Châu thì còn thấp hơn nữa. Thấp hơn con số thần diệu là 2,1.
Dân số nhân loại đang giảm và giảm mạnh nhất là tại các nước tiên tiến, theo sau
là các nước đang phát triển cũng muốn vươn lên hàng tiên tiến.... Trong khi ấy,
phụ nữ làm gì?
* Trăm năm trước, 1913, phụ
nữ Mỹ biểu tình đòi quyền đi bầu - Nay họ đòi quyền phá thai *
Xin hãy tò mò tìm hiểu về một
đời của phụ nữ hiện đại....
Để có một đứa con, trung bình
họ mất gấp đôi thời gian chín tháng 10 ngày của sinh lý học, vì sau khi mang
thai, đi biển mồ côi một mình, họ còn phải bú mớm nâng niu, nên mất 18 tháng,
một năm rưỡi. Với số con lý tưởng là đẻ hai đứa cách nhau ba năm, họ mất tổng
cộng ba năm bận rộn và khó làm được việc gì khác. Nghĩa là 10% của thời khoảng
có thể sinh nở, từ 14 đến 44 tuổi.
Trước đây, khi tuổi thọ trung
bình còn là ba chục thì chức năng sinh đẻ là việc làm "toàn thời", duy nhất đáng
kể dưới con mắt của Osama bin Laden. Ngày nay, với tuổi thọ trung bình là gần
tám chục thì việc ấy hết là chuyện chính. Phụ nữ làm gì với khoảng thời gian còn
lại?
Họ đi học, đi làm và đi chơi.
Nhiều khi chơi rất bạo, lập gia đình rất trễ và khép lại cái túi càn khôn của
dân số trong khi kiến thức được nâng cao mở rộng cũng giúp cho việc giáo dưỡng,
nuôi con và giáo dục, phẩm nhiều hơn lượng.
Chúng ta gọi đó là sự tiến hóa
vì không ai có thể bắt phụ nữ trùm chăn bịt mặt ngồi nhà đẻ con được nữa.
Hoa Kỳ bị khủng bố vu cáo và
đánh oan vì một trào lưu chung của nhân loại. Và thế giới Hồi giáo sẽ đổi thay
khi phụ nữ thay đổi nếp sống. Việc giải phóng nữ quyền sẽ khiến khủng bố thất
nghiệp và ta hiểu vì sao trận chiến với khủng bố không chỉ có máy bay không
người lái.
Nhưng còn bài toán kinh tế của
hiện tượng giảm sút dân số lao động? Câu trả lời như một kết luận là tự do, tôn
giáo và di dân. Là sự quân bình chừng mực trong xã hội đa nguyên.
***
Hãy Yêu Nhau Đi....
Trước bài toán dân số bị lão
hóa, các nhà kinh tế nói đến giải pháp dùng lao động hay di dân xứ khác. Người
ưa thích khoa học giả tưởng thì đã nói đến giải pháp robots, "người tự điều".
Là nước tiên tiến có dân số bị
lão hóa nặng nhất, Nhật Bản đã áp dụng giải pháp kinh tế là tìm nơi đông dân mà
đầu tư. Nơi chọn lựa là Hoa lục, là các tỉnh duyên hải của Trung Quốc. Mâu thuẫn
năm qua về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu ngư đài đã đảo lộn tính toán
này, với hậu quả lâu dài về chiến lược kinh tế lẫn an ninh cho cả khu vực Đông
Á....
Giải pháp kia là "người tự
điều", đã được Nhật Bản, Ấn Độ lẫn Nam Hàn thúc đẩy.
Ngay trong lãnh vực này, Hoa Kỳ
vẫn là quốc gia tiên tiến nhất. Và những tiến bộ về thuật lý xuất phát từ lãnh
vực quốc phòng lẫn kinh doanh, đã mở ra nhiều chân trời khác.... Hoa Kỳ có một
xã hội sùng đạo mà đồng thời vẫn tin vào sức mạnh của khoa học nên có những bước
tiến vượt bậc về thuật lý (technology). Doanh nghiệp Mỹ thường xuyên đổi mới,
cạnh tranh và đào thải nhau trong một môi trường văn hoá và kỹ thuật đa nguyên
đầy những mâu thuẫn.
Chính những mâu thuẫn đó, trên
doanh trường, chính trường và trong đời sống, mới là đặc tính của một siêu cường
không hề có mặc cảm khi thản nhiên nói về nhu cầu lãnh đạo thế giới!
Khi ấy ta mới nhìn lại sức mạnh
của một quốc gia.
Sức mạnh ấy tùy thuộc vào ba
loại yếu tổ cổ điển, là đất đai hay địa dư, tư bản hay tài nguyên, và dân số hay
năng suất. Kiến thức về tổ chức và trình độ thuật lý cùng giáo dục là những đóng
góp cho năng suất để với một dân số lao động nhất định người ta có thể đạt sản
lượng cao hơn.
Hoa Kỳ được ưu đãi nhất thế
giới về địa dư. Với đất đai vuông vức đầy sông ngòi thuận tiện cho chuyển vận
nhiều hơn Trung Quốc gần gấp tư và với diện tích khả canh gần gấp đôi, nước Mỹ
có thể nuôi một dân số đông gấp ba hiện nay.
Tại Hoa Kỳ, đà gia tăng dân số
có giảm chút đỉnh mà vẫn có sức tăng cao cao nhất và trẻ nhất (trung bình là 37
tuổi) trong các nước công nghiệp hoá. Từ vài năm qua, khi tỷ lệ sinh nở vừa chạm
mức tối thiểu là 2,1 thì dân Mỹ lập tức báo động về nguy cơ sút giảm dân số và
nạn lão hóa. Thật ra, dân số Trung Quốc mới sớm bị lão hóa do chính sách mỗi hộ
một con, và mươi năm nữa thôi, ưu thế dân số trẻ hơn (34 tuổi) so với Mỹ sẽ kết
thúc. Không đông dân bằng Ấn Độ mà cũng chẳng trẻ hơn Hoa Kỳ, đấy là bài toán
của Trung Quốc, với dân số sẽ giảm kể từ năm 2020 trở đi.
Sở dĩ Hoa Kỳ có dân số trẻ và
vẫn còn tăng vì là nước mới, khác với Âu Châu, mà lại rộng rãi tiếp nhận di dân,
khác với Nhật Bản. Đây là thành phần đông con và có dân số trẻ hơn - trẻ mới dám
làm lại cuộc đời ở xứ khác – và thực tế là họ được hội nhập để trong khoảng thời
gian là hơn 40 năm hoạt động sau khi nhập cư, họ tiếp tục đóng góp lợi tức và
thuế khóa cho nước Mỹ.
Vì hiện tượng di dân nhập lậu,
nói chung di dân lại hưởng phúc lợi về hưu bổng thấp hơn, vì là quyền lợi chỉ
cho dành cho người đã có quốc tịch! Đây là một khía cạnh phũ phàng của nước Mỹ
bị gọi là đểu cáng.
Sau cùng, người ta chú ý quá
nhiều đến phụ nữ độc thân hay người không muốn có con - một phần vì sự ồn ào của
họ - chứ xã hội Mỹ cũng còn nhiều người thuộc khuynh hướng bảo thủ.
Đề cao thượng đế, hôn nhân và
gia đình, thành phần này vẫn duy trì đơn vị căn bản của xã hội là gia đình, vẫn
lạc quan sinh con và chu toàn trách nhiệm về giáo dục cho con cái. Đấy cũng là
một sức mạnh lặng lẽ của nước Mỹ nếu ta sánh với nhiều nước gọi là văn minh tiên
tiến khác. Những cuộc tranh luận về quyền phá thai hay hôn nhân đồng tính không
thể khỏa lấp sự thể thâm sâu này.
Bênh vực nữ quyền mà vẫn giữ
sinh suất rất cao trong các nước công nghiệp hóa là một nghịch lý của nước Mỹ đa
diện và có nhiều xu hướng cân bằng lẫn nhau. Phải chăng đấy cũng là một khía
cạnh của nền văn minh, và sự trường cửu?
Cho nên, đầu năm mà nói rằng
"hãy yêu nhau đi" thì cũng là lời chúc phải đạo - về dân số học....
Câu Chuyện Trăm Năm
Những người yêu nhau thường hẹn
hò chuyện trăm năm. Những người lãnh đạo cũng vậy, trong khi chân trời của các
chính trị gia thì thu hẹp vào cuộc bầu cử sắp tới....
Vào năm 1913, ngẫu nhiên là năm
sinh của vua Bảo Đại dưới tên Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, ít ai có thể tin là nhà
Nguyễn do Gia Long thành lập từ 1802 lại tiêu vong sau 13 đời vua và dân số Việt
Nam từ gần 20 triệu sẽ mấp mé 90 triệu vào năm 2013... Cũng vậy, vào năm 1913,
ít ai có thể tin được nếu nghe nói rằng Hoa Kỳ sẽ khai chiến với Nhật Bản, can
thiệp vào Chiến Tranh Cao Ly, lật đổ Chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, đổ quân
vào Việt Nam rồi tháo chạy vào năm 1973...
Trăm năm về trước, khi nền cộng
hòa đầu tiên được Tôn Dật Tiên thành lập tại Trung Quốc, có ai tin là sẽ có ngày
Hoa Kỳ giải vây cho Trung Quốc cộng sản năm 1972 rồi bốn chục năm sau, là ngày
nay, chế độ Trung Quốc cộng sản ấy đòi vượt mặt Hoa Kỳ để chế ngự biển Đông hay
không?
Trong khoảng thời gian rất dài
của bốn thế hệ nối tiếp, rất nhiều biến cố bất ngờ có thể xảy ra và dẫn đến hậu
quả bất lường. Nhưng đà tăng giảm dân số và sự tiến bộ về thuật lý không là loại
biến cố bất ngờ mà vẫn hàng ngày xảy ra, và chậm rãi thay đổi tương quan của thế
giới. Nếu theo dõi những chuyển động ấy trong trường kỳ thì ta thấy Hoa Kỳ đã là
quốc gia giàu nhất thế giới từ năm 1830, đã vượt Đế quốc Anh về quân sự từ năm
1913 và trở thành siêu cường toàn cầu trong cả trăm năm.
Những lúng túng của Hoa Kỳ hay
hung hăng của Trung Quốc ngày nay cần được đặt vào bối cảnh trăm năm đó....Nếu
thấy trước được phần nào, may ra ta sẽ tránh được cảnh tang thương - thương
hải biến vi tang điền.