Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch
Henry Miller
Đề tài tối thượng: Giải thoát
Giới thiệu
Henry Miller coi thường văn chương nhưng ông hết sức ca ngợi một thứ “Bồ Tát nghệ sĩ” (Bodhisattva-artiste) [1]
Thế nào là một Bồ Tát? - Bồ Tát là người không những tự giải thoát nhưng còn khôn khéo tìm cách tạo và làm nẩy chổi những mầm mống tiềm ẩn của cây Bồ Đề nơi những kẻ khác. [2] Vậy một Bồ Tát nghệ sĩ là một người đã giải thoát và tìm cách giải thoát người khác bằng phương tiện nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa ấy, Henry Miller chính là một Bồ Tát - nghệ sĩ. Henry Miller đã giải thoát cho biết bao người khỏi sự ám ảnh của thân xác, khỏi tiền bạc, danh vọng, sợ hãi và tuyệt vọng. Ông tự đã gỡ mình ra khỏi những bóng ma quá khứ, khỏi những trách nhiệm hời hợt, khỏi những ràng buộc giả tạo, khỏi những ám ảnh tội lỗi, khỏi những khả thể tiềm tàng trong con người và giải giáp, hân hoan chìm đắm vào lòng đời, hân hưởng tất cả những hương sắc trần gian.
Người giải thoát là người an nhiên tự tại, vô úy.
“Tôi không sợ hãi gì cả.”
(I fear nothing) [3]
Có gì mà phải sợ hãi? Chúng ta chỉ sợ hãi khi còn một cái ngã tranh chấp với những cái ngã khác, thù địch bới thế giới, đối nghịch với cuộc đời. Với Henry Miller,“Sự tranh chấp đã qua“ (The fight is over).“Tôi thực sự không còn tranh chấp với thế giới. Tôi chấp nhận thế giới, trong ý nghĩa tối hậu của danh từ”, (I really have no fight any longer with the world. I accept the world in the ultimate sense) [4]
Có gì mà phải sợ hãi? Chúng ta chỉ sợ khi chúng ta có một cái gì để có thể mất. Đằng này, tôi có gì đâu? “Tôi không tiền không bạc, không nguồn tài lợi, không có cả một chút hy vọng nào”.(I have no money, no resources, no hopes.) [5] Chẳng lẽ lại khoe: “Người ta hơn tớ cái phong lưu, Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo” thì chướng chết. Nhưng quả thực, tôi cũng phải có cái gì chứ! Vâng, tôi là một nghệ sĩ, tôi có tất cả những gì mà tôi không muốn, tôi có tất cả những gì mà người khác không thèm. Tôi có bơ vơ, cô đơn côi, có nhục nhã, ngu tối và một nỗi sầu to lớn. Có ai muốn không tôi cho đây!
“tôi là người sung sướng nhất sống trên đời.”
(I am the happiest man alive.) [6]
Tôi là một người sung sướng nhất sống trên đời bởi “trong lòng tôi không chút nghi ngại nào.” (I have no inner doubts about things. [7] “Suốt đời tôi, tôi chỉ có một vấn đề nghiêm trọng, vì tôi đến tuổi trưởng thành: đó là THỰC PHẨM. Và tôi rất sung sướng vì chỉ có vậy mà thôi.“(I have only had one serious problem all my life, you know, since I came of age: Food. And I am very glad it was only that.) [8] Tôi không cần một thứ gì khác. Tôi không thao thức, không tìm kiếm. “Tôi thấy Fraenkel, bạn tôi, lê lết đi kiếm và chẳng bao giờ tìm thấy. Cả Lowenfels, luôn luôn sục sạo tìm kiếm (always seeking, seeking). Họ khiến tôi buồn cười. Tôi cảm thấy thương hại họ.” [9] Có gì đâu mà phải khắc khoải, thao thức? Chỉ cần một giấc ngủ no đầy là đâu lại vào đấy cả… (just a good sleep puts thing right again). [10]
“Tôi không thích điều gì tốt lành hơn.”
(I’d like nothing better.) [11]
Đó là điều vô cùng quan trọng. Tôi không đả kích, không cổ võ. Tôi không muốn dựng lên một lý thuyết này để chống lại lý thuyết kia. Tất cả mọi vấn đề nghiêm trọng trên thế giới chỉ là những vấn đề cá nhân, có thể giải quyết từ nơi cá nhân. Tôi không muốn xây dựng lại trần gian, tôi không muốn cải tạo con người. Tôi biết rằng dù có một ngàn cuộc cách mạng xẩy ra, thế giới cũng vẫn vậy; dù một ngàn Chúa cứu thế thì cũng vẫn thế, con người, ồ cái con người! Còn thế giới? “Tôi đã nuốt thế giới vào trong tôi.” (I’ve got the world inside me) [12] . Tôi không có điều gì bất mãn với thế giới. Tôi cũng chẳng có điều gì chờ đợi ở cuộc đời. “Tôi là một người thực sự mãn nguyện, thực sự sung sướng điều hắn đang làm và không làm điều gì khác. “(I am a man who is really content, really happy to be doing what he’s doing and not doing something else.) [13]
Tôi không thắc mắc về mình và con người mình. “Hiểu gì chứ, tôi không mắc cỡ, không vụng về, cũng chẳng có những điều khó khăn đó. Tôi chỉ bằng lòng nơi tôi đang ỏ và con người hiện tại của tôi.“ (Understand, I am not timid, nor awkward nor any of those difficult things. But I am content where I am and how I am.) [14]
Bây giờ tôi ăn uống, ngủ nghê mỗi ngày một chút và do đó đời “hoàn toàn hoàn toàn diệu hồng.” – (and so things are quite quite rosy.) [15]
Ông khuyên bạn ông:
“Đừng lo lắng về tiền bạc!” (don’t worry about the money.) [16]
“Người ta thực sự cần rất ít.” (One needs so little really.) [17]
[18] “Không cần sách vở!” (No books!) [19] Tôi có thể sống đến ngày tận cùng của đời tôi mà không cần giở một cuốn sách nào khác.
“Đừng băn khoăn về văn chương.”
(Don’t worry about literature.)
Nếu chúng ta có thể làm được việc gì khác thay vì văn chương hãy làm việc gì khác ấy.
“Hãy viết với một nụ cười, dầu cho điều ta biết kinh khủng hay bi thảm. “(Write with a smile, even when it’s horrible or tragic.) [20]
Chúng ta chỉ tôn sùng người nghệ sĩ của cuộc đời the “artist of life” người giúp chúng ta sống “Cuộc Đời Toàn Diện” (“La Vie Intégrale”) một cuộc đời hân hoan sung sướng.
Sau đây là những người đã khơi mở dòng đời, khiến ta khao khát cuộc đời. Họ khuyến khích ta ý thức rằng ta có tất cả tự do trong ta, rằng ta chẳng nên can dự vào vận mệnh thế giới mà chỉ nên giải quyết vấn đề cá nhân của chúng ta. Đó là vấn đề giải thoát, vấn đề duy nhất trực thiết và khẩn thiết. Cho một nhà văn, như một con người, giữa lòng đời.
*
Nơi những ảnh hưởng đặc biệt bắt đầu là tại mép bờ tuổi chớm thành nhân, nghĩa là từ khi lần đầu tiên tôi mơ ước rằng chính tôi nữa một ngày kia cũng sẽ có thể trở thành “một nhà văn”. Vậy thì những tên tuổi kế tiếp theo đây có thể coi như tên tuổi của những tác giả ảnh hưởng tôi như một con người và như một nhà văn, hai kẻ càng ngày càng trở nên bất khả ly cách theo đà thời gian. Từ lúc tuổi chớm lớn khôn trên toàn thể hành vi nổi loạn của tôi, hay là được điều động bởi sự kiện rằng tôi nghĩ về chính tôi, thoạt đầu tiên một cách tiềm thế, sau đó một cách phôi thai và cuối cùng một cách minh bạch như một nhà văn. Và như thế, nếu trí nhớ của tôi trung thành với tôi, đây là dòng dõi huyết thống tôi: Boccaccio, Petronius, Rabelais, Whitman, Emerson, Thoreau, Maeterlinck, Romain Rolland, Plotinius, Heraclitus, Nietzsche, Dostoievsky (và những văn gia Nga đầu thế kỷ mười chín khác), những kịch tác gia Hy Lạp cổ điển, những kịch tác gia thời Elizabeth (gồm cả Shakespeare), Theodore Dreiser, Knut Hamsun, D.H. Lawrence, James Joyce, Thomas Mann, Élie Faure, Oswald Spengler, Marcel Proust, Van Gogh, trường Dada và Siêu Thực, Balzac, Lewis Carroll, Nijinsky, Rimbaud, Blaise Cendrars, Jean Giono, Céline, tất cả những điều tôi đọc về Thiền, tất cả những điều tôi đọc về Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Tạng, Á rập, Phi châu, và dĩ nhiên Kinh Thánh, người viết nó và đặc biệt những người soạn bản dịch triều Vua James bởi chính ngôn ngữ của Kinh Thánh hơn là “thông điệp” của nó mà trước hết tôi thâu lượm và không bao giờ tôi rũ bỏ.
Đâu là những đề tài khiến tôi tìm kiếm những tác giả tôi yêu, đã cho phép tôi bị ảnh hưởng, đã tạo thành bút pháp tôi, cá tính tôi, cách vào đời của tôi? Nói rộng đây: chính lòng yêu đời, sự theo đuổi chân lý, minh triết và hiểu biết, huyền nhiệm, khả năng của ngôn ngữ, thái cổ và vinh quang của con người, vĩnh cửu, mục đích của cuộc sống, nhất thể của tất cả mọi sự, sự tự-giải thoát, tình huynh đệ con người, ý nghĩa của tình yêu, sự liên hệ của cái giống với tình yêu, sự thụ hưởng cái giống, sự khôi hài, những sự kỳ dị và quái gở trong mọi khía cạnh của đời, du lịch, phiêu lưu, khám phá, tiên tri, pháp thuật (ảo thuật và ma thuật), nghệ thuật, trò giải trí, những lời xưng tội, những sự phát lộ, chủ trương thần bí, những sự bất đồng của đức tin và sự thờ phụng, sự kỳ diệu trong mọi lãnh vực và dưới mọi khía cạnh, vì “chỉ có sự kỳ diệu và chỉ có sự kỳ diệu mà thôi.”
Tôi có bỏ ra ngoài một đề mục nào không? Xin bạn cứ tự tiện điền vào! Tôi đã và hãy còn đang quan tâm tới mọi sự. Ngay cả chính trị - khi nhìn từ “điểu khảm.” [21] Nhưng sự phấn đấu của con người để giải phóng mình nghĩa là, để giải thoát mình khỏi ngục tù của chính sự cấu tạo mình, đó là đề tài tối thượng đối với tôi. Có lẽ, đó là lý do tại sao tôi thất bại không hoàn toàn là “nhà văn”. Có lẽ đó là lý do tại sao, trong tác phẩm của tôi, tôi lại dành nhiều chỗ cho kinh nghiệm thuần túy của cuộc đời. Cũng có lẽ, dầu những nhà phê bình thường thất bại không thể nhận thấy, rằng đó là lý do tại sao tôi bị lôi cuốn một cách mãnh liệt về phía những người khôn ngoan, những người đã cảm nghiệm cuộc đời – nghệ sĩ, những nhân vật tôn giáo, những kẻ mở đường khai lối, những kẻ canh tân và những kẻ đạp phá thánh tượng đủ mọi loại. Và có lẽ - tại sao không nói lên điều này? – đó là lý do tại sao tôi rất ít kính trọng văn chương, rất ít coi trọng những tác giả được tín phục, rất ít tán dương những nhà cách mạng lâm thời. Đối với tôi những nhà cách mạng đích thực duy nhất là những kẻ khích động và kích động, những yếu nhân như Jesus, Lão Tử, Đức Phật Cồ đàm, Akhnaton, Ramakrishna, Krishnamurti. Tiêu chuẩn tôi dùng là cuộc đời: Những người đó đứng như thế nào trong tương quan với cuộc đời. Có lẽ chẳng phải vì họ đã thành công trong việc lật đổ một chính phủ, một trật tự xã hội, một nghi thức tôn giáo, một qui tắc luân lý, một hệ thống giáo dục, một bạo lực kinh tế. Đúng hơn, họ đã ảnh hưởng đến chính cuộc đời như thế nào? Vì chưng điều phân biệt những con người tôi có trong tâm trí là họ không cưỡng bách con người tuân theo quyền uy họ: trái lại, họ tìm cách phá hủy quyền uy. Cứu cánh và mục đích của họ là mở tung với cuộc đời, là khiến con người khao khát cuộc đời, là xiển dương cuộc đời – và là qui chiếu tất cả mọi vấn đề trở lại cuộc đời. Họ khuyến khích con người nhận thức rằng hắn có tất tự do trong chính hắn, rằng hắn không nên can dự vào với vận mệnh của thế giới (đó không phải là vấn đề của hắn) nhưng giải quyết vấn đề cá nhân của mình hắn, đó là vấn về giải thoát, chứ không phải là vấn đề gì khác.
[1]Cf. Remember to remember.
[2]Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật của Edward Conze, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản, 1969, tr. 221.
[3]Thư gửi Lawrence Durrell, ngày 20 tháng giêng 1937.
[4]Thư gửi Lawrence Durrell, ngày 20 tháng giêng 1937
[5]Tropic of Cancer, A Black Cat Book. P.1.
[6]Tropic of Cancer, A Black Cat Book. P.1.
[7]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[8]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[9]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[10]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[11]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[12]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[13]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[14]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[15]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[16]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[17]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[18]Thư cho Lawrence Durrell ngày 5 tháng 4 1937s
[19]Thư cho Durrell ngày tháng hai 1937
[20]Thư cho Durrell ngày tháng hai 1937.
[21]“the perspective of the bird”, N.H.H
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét