30/7/10

Kiệt Tấn - Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa (3)

Kiệt Tấn
Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa

"Je comprenais la Nausée, je la possédais"
Sartre

"Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng"
Bát nhã Tâm kinh

Dẫn nhập

Trước khi khai triển bài 2, tưởng cần nhắc lại hai điểm chính đã được phân tích và lý luận ở bài 1/ Phần một:

Thứ nhứt: Theo Sartre: "Hữu thể là sự hiện diện thuần tuý, không nguyên do và không lý do." Theo quan điểm người viết: "Khi sự vật có đó thì nó là một điều hiển nhiên: nó có nguyên do và lý do để có đó. Tuyên bố nó không có nguyên do và lý do để hiện hữu là hàm hồ và độc đoán."

Thứ hai: Theo Sartre: "Ngay từ trong yếu tính của mình, hữu thể là phi lý." Theo quan điểm người viết: "Ý nghĩa và phi lý là hai ý niệm do con người nguỵ tạo ra. Trong Trời Đất, vạn pháp vốn nó như vậy, không có nghĩa, cũng chẳng vô nghĩa."

HAI: Ngẫu nhiên - Tất định / Nhân duyên - Nhân quả

Trước hết, xin nhắc lại trích đoạn của Jean Vioulac (JV) diễn giải các quan niệm của Sartre: "Hữu thể là sự hiện diện thuần tuý (...), không nguyên do và không lý do. Sartre định nghĩa cái tính chất căn bản đó của hữu thể là "ngẫu nhiên" (...) đối chọi với ý niệm "tất định": Ngẫu nhiên là tất cả những gì cũng có thể khác hơn cái nó đang là, tất cả những gì có thể không hiện hữu, và cũng không có lý do gì để hiện hữu. Như vậy, ngay từ trong yếu tính của mình, hữu thể là phi lý."


1. Khoa học nói gì về ngẫu nhiên?

Những cuộc tranh cãi về "ngẫu nhiên" và "tất định" chẳng phải là mới mẻ gì trong nhiều lãnh vực khác nhau: khoa học, triết lý, tâm lý, đạo đức, thần học... Để mở đầu, xin bàn luận trong lãnh vực cụ thể, lãnh vực khoa học, cho nó dễ hiểu. Chẳng hạn các quy luật vật lý, nó có tính cách tất định: nguyên do nầy thì kết quả nầy, nguyên do kia thì kết quả kia, không có gì phải bàn cãi. Rờ điện thì điện giựt. Nếu muốn cãi thì cứ rờ thử đi, ắt biết. Tuy nhiên, một kết quả hay một hiện tượng thường có nhiều nguyên do khác nhau phát xuất từ nhiều nguồn gốc khác nhau, bởi vậy cho nên mới rắc rối cuộc đời. Bàn rộng ra thì nó vô cùng. Vì vậy chỉ xin tóm tắt các quan niệm khoa học gần đây nhứt.

Mở đầu trong toán học, có quan niệm về "xác xuất" (probabilités), đại khái là tính trong bao nhiêu lần thì một hiện tượng có cơ hội xảy ra. Chẳng hạn như lái xe chạy được 100.000 km thì có một tai nạn giao thông. Cho tới một bữa đẹp trời nọ, tai nạn bất thần xảy ra. Vì vậy ta có cảm tưởng là nó ngẫu nhiên. Nhưng theo toán học thì nó tất định - tất định theo cái nghĩa "xác xuất".

Chưa hết. Có khi ngẫu nhiên và tất định trộn lộn lẫn nhau nên không thể dứt khoát được. Chẳng hạn, một chuyến xe lửa thường nhựt chạy từ Sài Gòn ra Hà Nội. Điểm phát xuất và điểm đến là tất định. Đường rầy là tất định. Nếu vẫn là chiếc xe lửa đó thì nó tất định. Thế nhưng, hành khách trên xe thì không tất định: nó ngẫu nhiên. Hàng hoá chuyên chở cũng ngẫu nhiên. Nếu xảy ra tai nạn thì tai nạn đó là ngẫu nhiên (nhưng nếu tính theo xác xuất thì nó tất định). Vì vậy, thường khi tiến trình (processus) thì tất định, còn điều kiện thì lại ngẫu nhiên. Tương tự, thai nhi phát triển trong bụng mẹ cũng vậy. Tiến trình phát triển của thai nhi từ một tế bào cho tới đứa trẻ sơ sinh thì tất định. Nhưng điều kiện phát triển của thai nhi trong tử cung thì ngẫu nhiên.


2. Còn tất định thì sao?

Sự phê phán và xếp loại "ngẫu nhiên" hoặc "tất định" tuỳ thuộc vào phương pháp khảo sát và cách diễn giải các dữ kiện. Phương pháp khảo sát có thể là chi tiết hay tổng thể, nhìn xa hay nhìn gần, nhìn cỡ lớn hay nhìn cỡ nhỏ, dụng cụ khảo sát, đo lường, áp dụng khảo sát ngay trong đời thực hay trong phòng thí nghiệm... Việc diễn giải các dữ kiện thường khi lại tuỳ thuộc vào nhãn quan của tác giả: chủ quan hay khách quan, vô tư hay có thành kiến... Lắm lúc trong đầu ta muốn tìm cái gì thì ta sẽ thấy ngay cái đó trong đám dữ kiện loạn xà ngầu. Chẳng hạn như sự sáng tạo của vũ trụ và trái đất: Phe khoa học thì giải thích bằng "Big Bang" và Thuyết tiến hoá (Evolutionnisme), nghĩa là "ngẫu nhiên". Phe Thiên Chúa thì giải thích bằng Thuyết Sáng Tạo (Créationnisme), chủ trương mọi thứ đều do Đấng Sáng Tạo quyết định và tạo tác hết cả. Nó có tính cách "tất định". Mỗi phe đều có lối giải thích và chứng minh riêng của mình. Vì vậy chuyện tranh cãi giữa hai phe "ngẫu nhiên" và "tất định" nó lê thê như là chuyện dài "Nhân Dân Tự Vệ". Đôi lúc nó trở thành hý luận, "chả za nàm thao" cả! Thì thôi, "Bất khả tư nghì", không thể nghĩ bàn được vậy.

Tuy nhiên, nói chung, theo sự quan sát, hiểu biết và tính toán của mình thì hiện nay các khoa học gia nhận thấy rằng chính "ngẫu nhiên" đã chỉ đạo đời sống trên trái đất này và chi phối sự tiến hoá của nó. Một thí dụ: sự chào đời của đứa nhỏ. Trước hết, thí dụ như trong đời sống lứa đôi, cứ 5 năm thì có một đứa nhỏ chào đời. Tính ra có khoảng 60 cái trứng của mẹ và khoảng 100 đến 500 triệu con tinh trùng của cha (tùy theo trên bảo mà dưới nó có nghe hay không) được cung cấp trong thời gian 5 năm này. Cái xác xuất (cơ may) để cho con tinh trùng đó gặp gỡ cái trứng đó để tạo ra đứa nhỏ đó thì nó rất là... phiêu lưu (văn nghệ)! Bởi lẽ đó mà sự thụ thai có tính cách ngẫu nhiên, ngay cả trong trường hợp có sự can thiệp để chọn lựa của con người.


3. Homo "phe ta"

Còn như sự xuất hiện trên địa cầu của giống người hiện đại, homo sapiens, nó cũng có tính cách ngẫu nhiên. Những biến cố xảy ra trên trái đất (động đất, núi lửa, băng tuyết...), điều kiện thời tiết (hạn hán, giông bão...), số lượng thực phẩm kiếm được (rau củ, hoa quả, thú mồi...). Tất cả đều không được định trước, nghĩa là không tất định (trừ phi là theo tín ngưỡng tôn giáo). Nói tóm, thay vì giống homo sapiens, trong những hoàn cảnh khác và điều kiện khác, có thể là giống homo sẽ không bao giờ xuất hiện. Hoặc nếu có đi nữa, thì sẽ là giống homo xyz nào đó sẽ chiếm ưu thế chớ chẳng phải "phe ta". Chẳng hạn như giống homo néandertalensis, cũng một thời nhưng thông minh hơn "phe ta". Thế nhưng, không rõ vì lý do nào đó mà đã tuyệt chủng. Nhường chỗ cho phe ta thừa thắng xông lên và trở thành bạo chúa. Rồi tha hồ mà "quậy" và làm ô nhiễm trái đất như hiện nay. Than ôi! Nếu có một cái giống "homo biết điều" nào đó thắng thế thì dân lành sẽ đỡ khổ biết mấy!

Cho đến sự xuất hiện của muôn loài cũng có tính cách ngẫu nhiên. Đời sống trên trái đất tiến hoá theo hai mô thức: tiệm tiến (từ từ), và đột biến (mutations). Nếu giữ nguyên di sản ADN thì giống nào sinh ra y chang giống nấy. Nhưng đôi khi trong lúc di truyền, ADN bị sao chép sai - giống như làm photocopy mà không được giống hịch như bản chánh. Vì ADN bị sao chép sai nên một giống khác xuất hiện. Và cứ thế... cứ thế... cuối cùng đưa tới tình trạng đa dạng (biodiversité) của đời sống (cho nó đỡ buồn!) như hiện nay. Cái sự kiện "sao chép sai" có tính cách ngẫu nhiên. Khoa học chưa giải thích được minh bạch vì sao. Đại khái, khoa học quan niệm: "Ngẫu nhiên là những gì không thể định trước được". Tuy nhiên, có một điều mà khoa khảo cổ biết chắc là giống primates, tổ tiên chung của giống khỉ và giống người homo đã xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 10 triệu năm. Loài primates sinh ra giống khỉ trước. Sau đó, cách đây khoảng 5 triệu năm, khi sao chép ADN của mình, một loài khỉ vụng về (chimpanzé?) đã lơ đễnh không sao y bản chánh, bởi vậy nên giống người homo mới xuất hiện: ADN của con khỉ chimpanzé và "con khỉ homo" giống nhau tới mức 98%, khoa di truyền đã phân tích kỹ và xác nhận như vậy. Khi biết được điều nầy, con khỉ có "đỉnh cao trí tuệ" (như Hitler chẳng hạn) chắc sẽ giận run cả người. Có biết đâu giống khỉ chimpanzé cũng đang hối hận ngày đêm vì đang bị con cháu mình săn đuổi và diệt chủng khắp nơi trên trái đất. Một gương báo hiếu kỳ lạ, không có trong bộ "Nhị thập tứ hiếu" của Ba Tàu. Đức Khổng Tử mà biết được chắc sẽ buồn năm phút. Ngài sẽ ngửng mặt lên trời khóc ba tiếng cười ba tiếng mà than rằng: "Di hầu nan! Di hầu nan!" "Làm khỉ khó lắm thay! Làm khỉ khó lắm thay!" Tới Hầu VươngTề Thiên đã từng đánh Trời cũng phải khỏ thiết bảng lên đầu mà khóc thét! Mới biết "ham vui một phút, để hận muôn đời!".


4. Khi triết học định nghĩa ngẫu nhiên

Trở lại cái quan niệm của Sartre về hiện hữu và "ngẫu nhiên". Theo Sartre, "Sự hiện diện của hữu thể có tính cách ngẫu nhiên: Hữu thể không có nguyên do, và cũng không có lý do gì để hiện hữu. Hữu thể là phi lý". (Xem trích đoạn dẫn đầu của Bài 1). Nhắc lại cái ý niệm của triết học về "ngẫu nhiên" (theo JV): "Ngẫu nhiên là tất cả những gì cũng có thể khác hơn cái nó đang là, tất cả những gì có thể không hiện hữu, và cũng không có lý do gì để hiện hữu." (Bắt đầu rắc rối cuộc đời! Lần sau xin đại ca làm ơn làm phước "thuyết pháp" giùm cho thiệt là "bình thường... sát mặt đất" cho đàn em nó nhờ. Một cách bình dân: "Muốn nói gì thì nói phứt mẹ nó đi! Bộ hổng được sao? Ở đó mà tả chân tả cẳng hoa lá cành! Ở đó mà "xuyên lá cành trăng lên lều vải"..."

Ý niệm triết học về "ngẫu nhiên" gồm 3 mệnh đề. Thử tìm hiểu từng mệnh đề một cho nó dễ nuốt. Trước hết, sở dĩ có cái vấn đề "ngẫu nhiên" và "phi lý" là do bởi anh chàng Roquentin, một buổi sáng nọ, lần xần bước vô công viên, ngồi lên cái băng ghế (phải gió), và dùng ý thức chiếu rọi cái rễ cây (mắc dịch). Rồi buồn nôn! Vì vậy, nên khảo sát cái trường hợp này (case study!) cho nó cụ thể và dễ thấm nhập (triết học).


5. Rắc rối cuộc đời

Mệnh đề một: "Ngẫu nhiên là tất cả những gì cũng có thể khác hơn cái nó đang là". Hai chữ "có thể" hàm ngụ một giả thuyết, nghĩa là có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Một cách cụ thể, "khác hơn cái nó đang là" có thể diễn đạt như sau: "Thay vì là cái rễ cây, cũng có thể là một cái gì khác hơn là cái rễ cây, một cục đá chẳng hạn". (Nhưng chỉ là có thể thôi chớ cũng chưa chắc, quả thiệt là rắc rối hết cỡ nói!). Tuy nhiên, nói "có thể" là nói cái chuyện trước đó, trước khi cái rễ cây xuất hiện. Một khi nó có đó rồi, một khi nó đang là cái rễ cây, thì không còn có thể nào là một cái gì khác hơn được nữa. Khác hơn làm sao được mà khác? Chẳng lẽ cái rễ cây rùng mình biến thành cục đá (như Tôn Ngộ Không?) Cái ý niệm triết học về "ngẫu nhiên" chỗ nầy có hơi khó hiểu. Hay là ý muốn nói: "Không thể tiên đoán được cái vật sẽ xuất hiện ngay tại chỗ đó là cái rễ cây"? Như vậy, cũng có thể hiểu: "Ngẫu nhiên là tất cả những gì không thể tiên đoán trước được". Chẳng hạn như lúc mở một gói quà sinh nhựt (Ô! Surprise!): Món quà có thể là cái rễ cây, nhưng cũng có thể là cục đá! Tuy nhiên, cho dù là cục đá, hay là cái rễ cây, hoặc là "rong rêu sỏi đá" gì đi chăng nữa thì cũng đều là rất là đáng ngạc nhiên trong một bữa sinh nhựt. "Chơi cái kiểu gì mà kỳ dzậy đại ca? Làm cho em nhỏ thất dzọng wá chời!"


6. Ô surprise!

Mệnh đề thứ hai: "Ngẫu nhiên là tất cả những gì có thể không hiện hữu". Cái nầy thì hơi khó đa! Vì hiện hữu thì còn biết được nó là cái gì (là cái rễ cây chẳng hạn), chớ "tất cả những cái có thể không hiện hữu" thì nó minh mông thiên địa, rộng dài mút chỉ cà tha, biết nói làm sao được mà nói (giống như nói tràng giang đại hải về những cái chuyện "không hiện hữu" như sừng thỏ lông rùa, cẳng xoài chưn rắn, cánh khỉ vảy heo, rễ mù cây điếc...) Nói cho tới sáng, nói từ năm này sang năm khác cũng không hết được những chuyện "không hiện hữu". Hơn nữa, chẳng những "không hiện hữu" mà lại còn là "có thể". (Có hiện hữu hay không hiện hữu thì nói phứt mẹ nó đi cho người ta nhờ!) Lại phải tả chưn tả cẳng một cách cụ thể: Mở gói quà sinh nhựt ra (Ô! Surprise!). Thay vì còn có được cái rễ cây (an ủi), đằng này (có thể) không có một cái gì hết ráo! Ngay tới một cục đá (chọi chim) cũng không có. Surprise totale! Ngạc nhiên toàn diện! Bật ngửa! ("Làm sao em biết cục đá không đau?" "Đau bỏ mẹ chớ ở đó mà không đau!").


7. Cũng tại cái định nghĩa

Mệnh đề thứ ba: "Ngẫu nhiên là (cũng) không có lý do gì để hiện hữu"! Xin nhấn mạnh đây chỉ là một định nghĩa. Thường khi định nghĩa phát xuất từ chủ quan, không có giải thích. Vì vậy định nghĩa nào cũng có tính cách giản lược và độc đoán. Định nghĩa như vừa nói đương nhiên tước đoạt quyền hiện hữu của sự vật. Ở đây, Sartre đã dùng định nghĩa của mình như một cái tiểu xảo (astuce) trong lập luận nhằm đi tới cái điều mà mình muốn chứng minh, mà mình muốn kết luận: "Hữu thể là phi lý, ngay từ trong yếu tính của nó".

Thoạt tiên, theo Sartre, đặc tính căn bản của hữu thể là "ngẫu nhiên". Kế đến, dựa trên cái định nghĩa của mình ("ngẫu nhiên" là không có lý do gì để hiện hữu), Sartre suy ra: "Hữu thể không có ý nghĩa, hữu thể vô nghĩa" (vì lẽ nó "ngẫu nhiên" nên nó không có lý do gì để có đó. Nó có đó là vô nghĩa! Lô gíc?). Rồi từ cái vòng "vô nghĩa" này mà đi tới cái kết luận "phi lý" chỉ có một bước. "Tự biên tự diễn" một cách ngoạn mục. Lô gíc không chê vào đâu được. Lẽ ra không cần phải kết luận như vậy. Nó quá thừa!

Tuy nhiên, nếu phản bác và chỉ cho thấy cái định nghĩa "Ngẫu nhiên là không có lý do hiện hữu" tự nó quả thiệt là ngớ ngẩn và sai bét thì cái kết luận "Hữu thể là phi lý" nó cũng ngớ ngẩn và sai bét như vậy thôi.

Sự vật có đó. Nhưng Sartre tuyên bố: "Nó có đó một cách ngẫu nhiên. Do đó nó không có lý do để hiện hữu. Vậy nó phi lý". Giả thử như sau khi ta tuyên bố nó "không có lý do để hiện hữu", bỗng nhiên sự vật xét lại và đâm ra hổ thẹn, bèn bẽn lẽn rón rén rút lui rồi biến mất, không thèm hiện hữu nữa. Một cách nào đó: hiện hữu là phi lý, không hiện hữu là có lý (có ý nghĩa). Cái rễ cây hiện hữu là phi lý. Cái rễ cây không hiện hữu là có ý nghĩa. Nhưng "cái gì" có ý nghĩa? Cái rễ cây biến mất rồi, làm sao "nó" nhận cái ý nghĩa cho được? Nhưng mà bàn chơi cho vui vậy thôi. Vì nếu tất cả mọi hữu thể đều không có "lý do hiện hữu", và nếu theo đúng cái logique đó, tất cả mọi hữu thể đều không hiện hữu, kể cả Sartre, thì đâu còn có gì, và cũng đâu còn có ai để mà nói mà bàn cái khỉ mốc gì nữa. Và bàn để ai nghe? Chẳng lẽ nói chuyện với "đầu gối"? Mà khi đó cũng chẳng còn cái "đầu gối" để mà trò chuyện, vân vân… Xin thỉnh ý các bậc cao kiến. Thôi thôi! Đừng có hý luận nữa. Nhảm!

Cái vấn đề "không có lý do hiện hữu" đã được bàn cãi sâu rộng trong bài 1/ Phần Một. Vấn đề này và ý niệm "ngẫu nhiên" cũng đã được phân tích và lý luận nhân cuộc thám hiểm của Christophe Colomb đi tìm Ấn Độ, mà kết quả lại là khám phá ra Châu Mỹ.

Theo Sartre, "ngẫu nhiên" (contingence) là một đặc tánh (caractéristique) căn bản của hữu thể, cái đặc tánh "không có lý do để hiện hữu". Cái đặc tánh này thuộc về bản chất (nature) của hữu thể. Trong khi đó, theo cách giải thích và cách hiểu của khoa học thì "ngẫu nhiên" chỉ là "cách thức" vận hành (mode opératoire) của sự việc đưa tới một kết quả: "Hữu thể có đó. Nó hiện hữu". Hỏi: "Nó có đó như thế nào?" Đáp: "Nó có đó một cách ngẫu nhiên, không thể đoán trước được". Nhưng "không thể đoán trước được" không có nghĩa là "không có nguyên do và không có lý do".


8. Chàng và nàng: “Love story”

Trở lại các ví dụ ban đầu về “ngẫu nhiên” và “tất định”. Chẳng hạn sự kết thai của hài nhi. Một cách cụ thể, cái nguyên do: chàng và nàng (hoặc theo Lão Tử: âm và dương). Lý do: có thể hôm đó, nhân dịp sinh nhựt hôn lễ, chàng tặng cho nàng một chiếc nhẫn ngọc thạch. Nàng cảm động nên “thưởng” công cho chàng đã lặn suối trèo non, vất vả làm overtime để gom được món tiền lớn mua chiếc nhẫn quý. Rồi lần đó, trong bóng đêm, con tinh trùng đó đã đột nhập cái trứng đó, kết thai thành đứa nhỏ đó. Sự kiện này, theo khoa học, nó có tính cách “ngẫu nhiên”, không thể đoán trước được. Tuy ngẫu nhiên, nhưng mà nó có nguyên do và lý do của nó như đã phân tích. Có điều là ta không thể đoán trước được, thế thôi. Theo Sartre, sự kết thai đã đưa tới sự hiện hữu của đứa nhỏ. Nhưng sự hiện hữu của đứa nhỏ tự bản chất nó là “ngẫu nhiên”, vì thế nó không có lý do gì để hiện hữu (theo định nghĩa). Tuy nhiên, một điều rất hiển nhiên, không thể nào phủ nhận được (ngoại trừ dùng ngụy biện hay “tiểu xảo”): Đứa nhỏ có đó. Nhưng Sartre nhứt định là nó không có lý do để có đó. Sartre từ chối, Sartre tước đoạt quyền hiện hữu của nó. Tại sao? Tại cái “định nghĩa”. Như vậy, quan niệm và định nghĩa của Sartre về “ngẫu nhiên” như vừa nói có hợp lý lắm chăng? Hay là nó có tính cách hàm hồ và độc đoán, mang nặng cảm tính. Hoặc nói xa hơn nữa, nó có dụng ý: đi tới kết luận “Hữu thể là phi lý”. Như vậy, ngẫu nhiên, và hệ quả của nó là phi lý, đã sai lầm ngay từ trong định nghĩa. Như ta thấy, mặc dù đều là “ngẫu nhiên”, nhưng khoa học và triết học đã đi tới hai cách diễn giải và hai cách nhận định hoàn toàn khác biệt nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch. Theo khoa học: ngẫu nhiên là không đoán trước được, nhưng nó có nguyên do và có lý do để xảy ra, nó có lý do để có đó, nó có lý do để hiện hữu. Theo triết học/ Sartre: ngẫu nhiên là không có lý do để hiện hữu, tại vì đó là cái định nghĩa. Tuy nhiên, chớ nên quên rằng phủ nhận hiện hữu cũng mặc nhiên là đã công nhận hiện hữu: Hiện hữu phải có đó rồi thì sau đó mới có thể phủ nhận nó được. Bởi lẽ đó, “phủ nhận hiện hữu” là một việc làm hết sức lẩm cẩm, cũng giống như “con kiến mà kiện củ khoai”!


9. Một thuở bạo chúa lên ngôi

Tương tự, thử phân tích sự “lên ngôi” của homo sapiens, thay vì homo néandertalensis. Một trong những giả thuyết: Góc lệch so với trục quay đã khiến cho trái đất vận chuyển khác hơn khi trước so với mặt trời. Vì lẽ đó, đột nhiên vùng cư ngụ của homo néandertalensis nhận ánh sáng mặt trời ít hơn, trở thành lạnh hơn, và do đó thực phẩm trở nên khan hiếm hơn. Trong khi đó, vùng cư ngụ của homo sapiens trở nên ấm áp hơn vì nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Do đó cây cỏ mọc lên nhiều hơn, rừng rú trở nên rộng lớn hơn, thú mồi sinh sản nhiều hơn, homo sapiens chiếm được ưu thế. Thêm nữa, homo néandertalensis có “văn hoá” và hiền lành hơn. Trong khi đó, homo sapiens thô lậu hơn và hiếu chiến hơn (chằn hơn). Cũng bởi những lý do đó mà homo sapiens đã tiêu diệt homo néandertalensis và “lên ngôi” (Than ôi! để tha hồ mà “quậy”!).

Xin lập lại lý luận cho trường hợp của homo sapiens. Theo khoa học, sự xuất hiện và lên ngôi của homo sapiens có tính cách ngẫu nhiên, không đoán trước được, nhưng nó có nguyên do và lý do để xảy ra như vậy: nó có lý do để có đó, nó có lý do để hiện hữu. Nếu ông cứ nhứt định đặt câu hỏi nhớn: “Nó có đó để làm gì?” thì đó là vấn đề của ông. Thứ đến, phải để cho nó hiện hữu và sống cuộc đời của nó. Phải để cho nó thực hiện những gì mà nó dự tính, thì sau đó mới biết được nó có đó để làm gì, mới biết được cái lý do hiện hữu của nó. Khi đặt câu hỏi nhớn là ông đã đặt cái cày trước con trâu. Và khi tuyên bố ngay từ đầu: “Nó không có lý do để hiện hữu” là ông đã tước đoạt cái quyền sống của nó, ông đã ngăn cản ngay từ đầu, không cho nó chứng minh cái lý do hiện hữu của nó trên đời. Một cách ngớ ngẩn và độc đoán! Theo Sartre thì sự xuất hiện và lên ngôi của homo sapiens cũng có tính cách ngẫu nhiên, nhưng lại không có lý do để hiện hữu, bởi tại cái định nghĩa của “ngẫu nhiên” là “không có lý do để hiện hữu”. Homo sapiens không có lý do gì để hiện hữu. Nó phi lý! Homo sapiens không có lý do gì để lên ngôi. Lên ngôi là phi lý! Homo sapiens hiện hữu “ẩu”! Homo sapiens lên ngôi “ẩu”! Một cách nào đó, là tuyên bố: “Homo sapiens có đó là trái phép (phép gì? ai cho?). Homo sapiens không có quyền lên ngôi (quyền gì? ai cho?)”. Tất cả đều là “ẩu tả”. “Khi không” thằng homo sapiens nó hiện hữu. “Khi không” thằng homo sapiens nó lên ngôi, không có nguyên do, không có lý do gì hết ráo! Đả đảo! Đả đảo! Mời bạo chúa xuống ngôi và biến mất lập tức! Hoan hô cách mạng hiện sinh! Đảng phi lý muôn năm!


10. Rồi gió lạnh gặp hơi nước...

Quan niệm về ngẫu nhiên và tất định của khoa học và triết học (Sartre) đã đưa tới hai cách giải thích và nhận định rất khác biệt nhau về sự xuất hiện và sự hiện hữu của sự vật. Nhưng giáo lý đạo Phật quan niệm về vấn đề này ra sao?

Đại để, đạo Phật có hai thuyết Nhân Duyên và Nhân Quả để giải thích các hiện tượng trong Trời Đất. Nó có tính cách định luật, như những định luật vật lý chẳng hạn. Nhân như là nguyên nhân. Duyên như là cơ duyên. Quả như là hệ quả (hoặc kết quả). Sự diễn giải của người viết về đạo Phật có tính cách thô thiển, nhằm chuyển đạt một cách giản dị các ý chính tới những độc giả “bình thường”, chưa có dịp làm quen với Phật học. Vì vậy sẽ có những sơ hở không tránh được.

Để cho lập luận được dễ hiểu, không gì bằng những ẩn dụ cụ thể. Giả dụ như hơi nước là nhân, khí lạnh là duyên. Nhân gặp duyên kết thành mưa, là quả: hiện tượng mưa xuất hiện. Rồi nhân mưa gặp duyên cực lạnh khiến cho hiện tượng tuyết (quả) xuất hiện. Nếu khi đó có duyên gió lớn thổi tới, sẽ làm xuất hiện quả bão tuyết. Đại khái là như vậy. Nó có vẻ “tất định”. Nhưng Phật giáo không dùng từ ngữ “tất định”, và cũng không dùng “ngẫu nhiên” để mô tả sự vận hành của vạn pháp. Mà chỉ dùng Nhân Duyên và Nhân Quả.

Như vậy, đối với nhãn quan của Phật giáo, không có pháp nào là không có nguyên nhân (nhân), và không có lý do (duyên) của nó. Pháp nào cũng có lý do để có đó. Không có pháp nào là phi lý. Đồng quan niệm với khoa học, nhưng đối nghịch với triết học Sartre, vốn quan niệm “ngẫu nhiên” và “phi lý” về sự hiện hữu của sự vật. Nhưng luật Nhân Quả không chỉ áp dụng trong lãnh vực vật chất. Nó áp dụng cho cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, nói chung. Nó được thể hiện qua các câu ngạn ngữ như: “Gieo gió thì gặt bão”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, vân vân... Khi ta làm một hành động tốt thì ta tạo nghiệp tốt, sau này ta sẽ được hưởng lộc tốt. Nếu ta làm một việc ác thì ta tạo nghiệp xấu, sau này ta sẽ gánh chịu hậu quả xấu. Đại khái là như vậy.


11. Bão tố thổi tới từ cánh bướm...

Nhưng trong đời sống và trong Trời Đất, mọi chuyện không xảy ra giản dị như vậy. Không phải chỉ nhân này, duyên này thì là quả này. Nhân kia, duyên kia thì là quả kia. Hầu hết mọi hiện tượng đều có rất nhiều nhân và nhiều duyên khác nhau. Chẳng hạn như mưa xuất hiện do hơi nước gặp lạnh. Nhưng hơi nước được tạo ra bởi nước biển, sức nóng mặt trời, mây bay, gió thổi đưa đẩy tới địa điểm mưa. Hơi lạnh lại do khí quyển trên cao, hàn nhiệt đến từ không gian, từ địa cực, rồi lại mây bay gió thổi... Do đó, khó lòng mà xác định được tất cả các nhân và tất cả các duyên của một hiện tượng. Hơn nữa, khi nhân tạo ra quả, thì quả này đến lượt mình lại trở thành nhân cho quả kế tiếp, rồi cứ thế mà tiếp tục. Có khi quả trở lại tác động lên cái nhân đã sinh ra nó. Thí dụ như con người làm ô nhiễm môi sinh. Môi sinh ô nhiễm trở lại tác hại trên con người, nhưng đồng thời cũng tác hại trên những kẻ vô can, cỏ cây, thảo mộc, và luôn cả những thế hệ kế tiếp. Khi bị tác hại thì nạn nhân sẽ có phản ứng, và do đó lại gieo nhân, lại tạo quả... Nói ra thì nó vô cùng. Bởi lẽ đó, khó lòng mà xác định được đâu là nhân, đâu là duyên, đâu là quả trong một dây chuyền hiện tượng.

Tuy nhiên, trong đạo Phật lại có thêm một thuyết nữa, đó là Thuyết Tương Tuỳ (interdépendance). Theo thuyết này thì tất cả mọi pháp, muôn vật, muôn loài trong Trời Đất đều tương tác, ảnh hưởng và tuỳ thuận lẫn nhau. Một pháp ảnh hưởng trên vạn pháp. Và ngược lại, vạn pháp cũng ảnh hưởng trên một pháp. Chẳng hạn như trong lòng đại dương, tất cả thực vật, san hô, thảo mộc, rong rêu, tôm cá, sò ốc... đều tuỳ thuộc lẫn nhau và nương tựa lẫn nhau để mà sống. Giống này nuôi giống kia, tạo thành một dây chuyền thực phẩm. Con nhỏ nuôi con lớn. Khi con lớn chết đi thì thân xác nó lại nuôi con nhỏ. Một thí dụ khác: Con người làm nóng địa cầu, khiến cho băng tảng địa cực tan chảy. Sự kiện này ảnh hưởng đến khí hậu và địa dư trái đất. Con người và muôn loài thực vật động vật bị thay đổi môi sinh, có thể đi đến tuyệt chủng. Hiện nay, con người đã ý thức được sự tương tuỳ của mọi loài và mọi hiện tượng, nhưng liệu có đủ sáng suốt, đủ trí huệ (sagesse) để mà sống hoà hợp với thiên nhiên chăng?

Thế giới này giống như là một màng nhện vĩ đại, mà mỗi điểm trên mạng lưới là một pháp. Một điểm rung động thì tất cả mạng lưới cũng rung động theo nhiều ít tuỳ theo xa hay gần. Cũng trong nhãn quan này, khoa học có Thuyết Hỗn Mang (théorie du chaos), chủ trương rằng “tất cả” ảnh hưởng trên “tất cả”, “tất cả” đều tương tác lẫn nhau. Do đó không thể ước tính được hết hệ quả của một tác động nào đó. Vì vậy mà sinh ra hỗn mang. Một hệ quả điển hình trong thuyết này: Cái đập cánh của một con bướm ở trời Đông có thể tạo ra một trận cuồng phong ở trời Tây. Đó là để diễn tả cái tác động dây chuyền của nhân và quả. Và khoa học đã chứng minh được điều đó (than ôi! Một cách thê thảm!): Bom nguyên tử! Khởi đầu chỉ có một nguyên tử uranium bị con người dùng kỹ thuật để xé ra (fission). Rồi tiếp theo là phản ứng dây chuyền: nguyên tử bị xé đến lượt mình xé hai nguyên tử khác. Rồi hai xé bốn, bốn xé tám... đi tới một vụ nổ nguyên tử tàn độc! Ai nấy đều đã rõ, xin miễn bàn.


12. Cửu Long trôi mãi một dòng...

Sở dĩ có sự khó khăn tới mức “không thể” nào xác định được đâu là nhân, đâu là duyên, đâu là quả là do bởi cái tâm chia chẻ, cái tâm phân biệt của ta. Khởi đầu, tất cả chỉ là Một theo trật tự thiên nhiên của Trời Đất. Con người cho đó là hỗn mang. Để khép Trời Đất vào trật tự của mình cho trí tuệ dễ nhận hiểu, con người phân biệt, chia cắt, đặt tên cho sự vật đã bị mình chia cắt. Do đó mà giả danh xuất hiện. Và cái trật tự của con người dựa trên giả danh đó, chính nó là hỗn mang. Đây chỉ là nhận định của người viết. Nó không nhất thiết phản ảnh vũ trụ quan của Phật giáo.

Một khi cái Một đã bị chia chẻ rồi thì các pháp xuất hiện, có cái nầy khác với cái kia, rồi từ đó mà phát xuất vấn đề “đâu là nhân, đâu là duyên, đâu là quả” và “cái nào sinh ra cái nào”? Vũ trụ là một dòng biến dịch liên tục, vô thủy vô chung, không bao giờ ngừng nghỉ. Không có cái gì sinh ra cái gì hết và cũng không có cái gì bị diệt đi. Vũ trụ không ngừng biến đổi. Vạn pháp trong vũ trụ đều vô thường. Giác quan ta không đủ nhạy cảm để ghi nhận những thay đổi trong từng sát na, vì vậy ta có cảm tưởng các pháp đều cố định: có cái nhà, có cái cột đèn, có cái bàn, có cái ghế, có cái ta... tất cả dường như bất biến. Giả thử như ta trân trối ngó mình trong gương giây này qua giây khác, phút này qua phút khác, giờ này qua giờ khác, ta sẽ không thấy mình từ từ già đi chút nào. Tuy nhiên, nếu có một người bạn tình cờ gặp lại ta sau 10 năm, bạn ta chắc chắn sẽ thốt kêu: “Ồ! Sao bây giờ mầy đổi khác quá!” Nghĩa là già hơn, mập hơn, ốm hơn, khỏe mạnh hơn, bết bát hơn...

Lúc từng lúc, ta nhìn ngó quanh ta và ghi nhận (một cách lơ đãng). Sự ghi nhận đó cũng giống như là “ảnh chụp có liền” (kiểu polaroide) trước một cảnh vật, nó chỉ “đúng cho lúc đó”, nó như là một bằng chứng để làm kỷ niệm sau này. Trong đời sống hằng ngày, trí tuệ của ta, ý thức của ta cũng hoạt động như là một cái máy chụp ảnh “lấy liền” vậy thôi. Nó không ngừng bám chặt vào những giả tướng mà nó đinh ninh là không thay đổi. Bởi lẽ đó, khi ta mở miệng nói về một điều gì đó thì trên lý thuyết, nó đã sai rồi. Vì trong khi ta nói, cái điều đó hoặc cái vật đó đã biến đổi thành một cái gì khác, một vật gì khác, dù sự biến đổi rất là tiểu ly.

Nói về bất sinh bất diệt, lấy thí dụ như nước của con sông Cửu Long. Trên dòng Cửu Long, nước của khúc sông Tây Tạng không sinh ra nước của khúc sông Trung Quốc, nước sông Trung Quốc không sinh ra nước sông Ai Lao, nước sông Ai Lao không sinh ra nước sông Cao Miên, nước sông Cao Miên không sinh ra nước sông Việt Nam. Không thể nói nước khúc sông này sinh ra nước khúc sông kia, mà chỉ có thể nói nước khúc sông này biến đổi thành nước khúc sông kia. Rồi sông Cửu Long đổ ra chín cửa biển Thái Bình. Nước biển bốc hơi. Gió đẩy hơi nước, gặp lạnh thành mưa, mưa xuống núi cao Tây Tạng, từ đó phát nguồn sông Cửu Long. Rồi cứ thế mà luân lưu. Như vậy, không có cái gì sinh ra cái gì hết. Và cũng chẳng có cái gì bị mất đi. Chỉ có sự biến dịch của các hiện tượng.

Nói nhân, nói duyên, nói quả là dựa trên cái nhìn phân biệt của thế gian, là dựa trên cái giả danh mà nói. Chớ trong Trời Đất làm gì có sông nào mang tên gì và chảy qua một quốc gia nào đó mang một cái tên chi chi đó. Mọi tên sông, mọi tên quốc gia đều là do con người đặt ra. Do đó đều là giả danh. Một khi đã lột bỏ cái giả danh rồi muốn nói nhân quả, mới biết nói ra làm sao?


13. Khi mặt nạ đã rớt...

Đại dương cũng vậy. Lấy cái trí phân biệt mà ngó thì thấy có xao động không ngừng, có sóng lớn sóng nhỏ, chỗ cao, chỗ thấp, có khói sóng, có bụi nước... Nhưng nếu nhìn đại dương như là Một, không có những cái giả danh tách biệt đang xao động kia, thì thử hỏi làm sao biết được, làm sao nói được giọt nước nào xô đẩy giọt nước nào? Đâu là nhân? Đâu là quả? Tuy nhiên luận là luận như vậy thôi, chớ trong đời sống thường nhựt, không có phân biệt thì không thể sống chung với nhau được. Thí dụ như một bữa nọ, vì không phân biệt, ta bèn cầm nhầm bàn tay ngọc ngà của cô vợ đẹp thằng hàng xóm! Phân biệt, nhưng ý thức rằng sự phân biệt này chỉ có tính cách giả tạo, tạm bợ. Và nhờ đó mà bớt đi được phần nào mê lầm. Ta không còn chấp chặt khư khư là mỗi pháp đều có tướng riêng, đều có tánh riêng. Và TA cũng có một cái “Ngã” bự xộn riêng biệt mà ta bám chặt, binh vực và bảo vệ chết bỏ. Mới biết vì sao trong thế giới con người cứ chiến tranh triền miên: rớ tới cái Ngã của TA là phải bước qua xác chết của TA. Hoặc như bạo chúa, thổi cái Ngã của TA phình lớn đè lên mọi người và bắt mọi người phải sụp lạy cái “Ngã mạn” của mình.

Vạn pháp đều có “tướng không”, và vạn pháp đều vô thường. Hiểu được như vậy thì tránh đi phần nào những hành động tạo ra khổ đau cho người khác, và cho ngay cả chính mình. Do mê lầm và cuồng tín.


14. Ý chính

Tóm lược các ý chính trong phần Hai:

Khoa học và Phật giáo đồng quan điểm là mọi vật, mọi hiện tượng đều có nguyên do và lý do để xuất hiện và hiện hữu của nó.
Định nghĩa: “ngẫu nhiên là không có lý do hiện hữu”, và hệ quả của nó: “hữu thể là phi lý” đã sai lầm ngay từ trong định nghĩa.
Tuyên bố: “Hữu thể là phi lý. Hữu thể không có lý do để hiện hữu” là cướp đoạt ngay từ đầu quyền hiện hữu và quyền sống của hữu thể. Là ngăn cản không cho nó chứng minh cái lý do hiện hữu của nó qua đời sống mà chỉ một mình nó mới có thể thực hiện được.
Trong vũ trụ, tất cả mọi pháp đều tương tuỳ lẫn nhau.
Vũ trụ là một dòng biến dịch vô thuỷ vô chung. Không có cái gì sinh ra cái gì hết, và cũng không có cái gì bị diệt đi: Bất sinh bất diệt là tánh của vạn pháp.
Tất cả vũ trụ là “Toàn Thể” không phân biệt. Con người phân biệt, chia cắt và đặt những cái tên giả cho sự vật. Và cái thế giới dựa trên giả danh đó, chính nó là hỗn mang.
Một khi lột bỏ cái giả danh rồi thì không thể nói nhân nói duyên, nói nhân nói quả. Nói nhân duyên, nói nhân quả là còn ở trong vòng đối đãi, nhị nguyên.
(Đón đọc bài 3: “Être en soi” – “Être pour soi” / Ý thức - Sắc không - Tướng không – Tánh không)

Bagnolet, ngoại ô Paris, tháng Năm 2008
Nguồn: Tạp chí Tân văn, số 14, tháng 9/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét