Martin Heidegger
Về yếu tính của chân lý
Trần Công Tiến dịch
1 2
7. Bất chân lý như là lầm lạc
Khi nội hữu, con người quay về đặc tính thông dụng tiếp cận nhất của hiện vật. Nhưng con người chỉ nội hữu như là đã xuất-hữu rồi, trong khi thực ra nó lấy hiện vật làm kích thước tiêu chuẩn. Nhưng trong việc lấy kích thước tiêu chuẩn của nó, con người quay đi khỏi huyền nhiệm. Sự quay về với hiện vật và sự quay đi một cách xuất-hữu khỏi huyền nhiệm tương thuộc lẫn nhau. Chúng là một và đồng nhất. Tuy nhiên quay về với và quay đi khỏi đó đi theo một quay-đi và quay-lại đặc biệt trong hiện-hữu-thể. Sự vận chuyển của con người khỏi huyền nhiệm để tới cái thông dụng, rồi từ cái thông dụng này tới cái thông dụng khác, rồi tới cái thông dụng tiếp cận nhất và vẫn phớt bỏ huyền nhiệm, sự vận chuyển đó là lầm đường lạc lối.
Con người lầm (đường) lạc (lối). Con người không đi trong lầm lạc vào một lúc nào đó. Con người chỉ luôn luôn đi trong lầm lạc vì con người nội-hữu khi xuất-hữu và như thế đã đứng trong lầm lạc rồi. Lầm (đường) lạc (lối) mà con người trải qua không phải là một cái gì mà có thể nói ở bên cạnh con người như một cái hố mà con người thỉnh thoảng ngã vào, nhưng lầm lạc thuộc về tổ chức nội tại của hiện-hữu-thể mà con người lịch sử đã dấn mình vào. Lầm lạc trong không gian trò chơi của sự xoay trở trong đó sự xuất-hữu nội-hữu luôn lại quên lãng mình và đo lầm lúc xoay xoay trở trở. Sự che giấu hiện vật trong toàn thể – hiện vật này ẩn giấu – ngự trị trong sự khai mở hiện vật đặc thù và sự khai mở này trở thành, xét như là sự quên lãng sự che giấu đó, lầm lạc.
Lầm lạc là nghịch-yếu tính cốt yếu của yếu tính uyên nguyên của chân lý. Lầm lạc khai mở dành cho mọi đối kháng với chân lý cốt yếu. Lầm lạc là nơi cư ngụ ngỏ cửa và nền tảng của lầm lỗi. Lầm lỗi không phải là một khuyết điểm cá biệt nào đó, nhưng là vương quốc của lịch sử của những lộn xộn lẫn lộn đủ cách của lầm lạc.
Mọi cử chỉ, tương ứng với khai thế (sự đứng-khai-mở-ra) của nó và mối tương quan của nó với hiện vật trong toàn thể, có cách thể lầm lạc của nó. Lầm lỗi trải ra từ những khuyết điểm thông thường nhất như dùng lầm, nhìn lầm và tính lầm cho đến lạc hướng và quá đà trong các thái độ và những quyết định chính yếu. Tuy nhiên cái mà người ta theo thói quen và ngay cả theo các học thuyết triết học gọi là lầm lỗi, tức là sự bất thích đáng của phán đoán và sự sai lầm của tri thức, cái đó chỉ là một cách thể của lầm lạc và vì thé là cách thể lầm lạc hời hợt nhất. Lầm lạc, trong đó một nhân loại lịch sử phải di động để cho con đường của nó có thể sai lạc, kết hợp một cách cốt yếu với khai tính của hiện-hữu-thể. Lầm lạc chế ngự con người vì nó đưa con người đi lầm đường lạc hướng. Nhưng, với tư cách đưa-đi-lầm-đường-lạc-hướng, lầm lạc đồng thời góp phần vào việc tạo dựng khả tính – một khả tính mà con người có thể rút ra từ xuất-hữu – không để bị dẫn đi lầm đường lạc lối, một khi mà con người kinh nghiệm được chính lầm lạc và không còn ngộ nhận huyền nhiệm của hiện-hữu-thể.
Vì xuất–hữu–nội–hữu của con người di động trong lầm lạc và vì lầm lạc, với tư cách đưa-đi-lầm-đường-lạc-hướng, luôn luôn ép buộc một cách nào đó và, nhờ sự ép buộc này, làm chủ huyền nhiệm, dù đó là một huyền nhiệm bị lãng quên, cho nên con người, trong xuất-hữu của hiện-hữu-thể của nó, chịu khuất phục sự thống trị của huyền nhiệm và sự ép buộc của lầm lạc cùng một lúc. Lầm lạc và huyền nhiệm lưu giữ con người ở trong khốn khổ của bức bách. Yếu tính trọn vẹn và hàm chứa bất yếu tính riêng tư nhất của nó của chân lý lưu giữ hiện-hữu-thể, trong khốn khổ nhờ sự quay đi quay lại thường trực này. Hiện-hữu-thể là sự quay trong khốn khổ. Từ và chỉ từ hiện-hữu-thể của con người nảy sinh sự khai lộ nỗi khẩn thiết và tiếp theo đó sự có thể đạt vào cái không thể tránh được.
Sự khai lộ của hiện vật như là thế đồng thời trong chính nó là sự che giấu hiện vật trong toàn thể. Lầm lạc ngự trị trong “đồng thời” của khai lộ và che giấu. Sự che giấu cái ẩn giấu và lầm lạc thuộc về yếu tính uyên nguyên của chân lý. Tự do, được hiểu từ xuất-hữu nội-hữu của hiện-hữu-thể, là yếu tính của chân lý (theo nghĩa sự thích đáng của sự hiện trình (sự đặt ra trước mặt)) chỉ vì chính tự do bắt nguồn từ yếu tính uyên nguyên của chân lý, từ sự ngự trị của huyền nhiệm trong lầm lạc. Sự “để cho” hiện vật “là” được hoàn thành trong cử chỉ đứng-khai-mở-ra. Nhưng sự “để cho” hiện vật xét như là thế trong toàn thể “là” xảy ra một cách trung thực chỉ khi nó thỉnh thoảng được đảm nhận trong yếu tính uyên nguyên của nó. Khi đó sự quyết-tâm (-và-hết–khoá–kín)–quy–huyền–nhiệm đang trên đường đi trong sự lầm lạc xét như là thế. Khi đó câu hỏi về yếu tính của chân lý được đặt ra một cách căn nguyên hơn. Khi đó nền tảng của sự kết bện của yếu tính của chân lý với chân lý của yếu tính khai mở ra. Nhìn vào huyền nhiệm từ lầm lạc là tra vấn câu hỏi độc nhất: Hiện vật như là thế trong toàn thể là gì? Sự tra vấn này suy tư câu hỏi về hữu thể của hiện vật – một câu hỏi lạ lùng trong yếu tính của nó và vì thế chưa ai làm chủ được tính cách đa nghĩa của nó. Tư tưởng về hữu thể, mà từ đó sự tra vấn như thế bắt nguồn một cách uyên nguyên, được quan niệm từ thời Platon như là “triết học” và về sau mang danh “siêu hình học” (siêu vật lý học).
8. Vấn đề chân lý và triết học
Chính trong tư tưởng về hiện thể, sự giải phóng – một giải phóng xây dựng lịch sử – con người về với xuất-hữu được nói lên. Lời nói trước hết không phải là sự “diễn tả” một ý kiến, nhưng luôn đã là tiết điệu bảo vệ chân lý của hiện vật trong toàn thể. Bao nhiêu người lắng nghe lời nói này, điều đó không quan trọng. Những kẻ mà có thể nghe thấy lời nói đó quyết định chỗ đứng của con người trong lịch sử. Tuy nhiên vào chính khoảnh khắc (lịch sử) của thế giới – lúc mà khởi nguyên của triết học được hoàn thành – bắt đầu sự ngự trị rõ ràng của trí năng thông thường (nguỵ biện phái).
Trí năng thông thường dựa vào tính-cách-hiển-nhiên-không-cần-đặt-câu-hỏi của hiện vật và cho rằng mọi tra vấn của tư tưởng xâm phạm tới trí năng lành mạnh (lương tri) của con người và tính dễ cảm bất hạnh của nó.
Nhưng điều mà trí năng lành mạnh lượng giá và lượng giá một cách hoàn toàn đúng trong lãnh vực của nó không đụng chạm gì tới yếu tính của triết học, một yếu tính mà chỉ có thể được xác định chiếu theo chân lý căn nguyên của hiện vật như là thế trong toàn thể. Nhưng vì yếu tính trọn vẹn của chân lý bao hàm bất yếu tính và trước hết ngự trị dưới hình thức của sự che giấu, cho nên triết học, xét như là sự tra xét về chân lý này, trong chính nó phân chia lưỡng diện rồi. Tư tưởng của triết học là xự buông-xả-thanh-thản của sự mềm dịu mà không ưng chịu tình-trạng-ẩn-giấu của hiện vật trong toàn thể. Tư tưởng của triết học đồng thời là sự quyết-tâm (và-hết-khoá-kín) của sức nghiêm xác, một quyết tâm không phá vỡ sự che giấu, nhưng cước bách yếu tính nguyên vẹn của sự che giấu đi vào trong lãnh-vực-khai-mở của sự lý hội và như thế đi vào trong chân lý riêng tư của mình.
Trong sự nghiêm xác mềm dị và sự mềm dịu nghiêm xác của sự “để cho” hiện vật như là thế trong toàn thể “là”, triết học trở thành một tra vấn mà không những chỉ gắn bó vào hiện vật, mà còn không thể dung nạp một quyết định do quềyn thế ngoại tại nào. Kant đã linh cảm thấy nỗi quẫn bách nội tại nhất của tư tưởng; vì ông nói về triết học: “Ở đây bây giờ chúng ta nhìn thấy triết học thực sự được đặt trong một tình thế khó khăn: một vị thế phải vững chắc, chẳng gắn bó h ay dựa vào một cái gì đó ở trên trời hay dưới đất. Triết học cần phải bày tỏ sự thuần tuý của mình trong vai trò kẻ gìn giữ luật lệ của chính mình, không phải trong vai trò truyền lệnh sứ của những lề luật mà một quan năng bẩm sinh hay một bản chất giám hộ nào đó không ai biết gợi lên cho nó…” (Grundlegung der Metaphysik der Sitten. Werke. Akademieausgabe IV, 425).
Khi giải thích yếu tính của triết học như thế, Kant – người mà tác phẩm giới thiệu giai đoạn cuối cùng của siêu hình học Tây phương – nhìn vào một lãnh vực mà ông, phù hợp với lập trường siêu hình học của ông – một lập trường được xây dựng trên chủ thể tính – chỉ có thể lĩnh hội từ chủ thể tính này và phải lĩnh hội như là sự giữ gìn luật lệ riêng của mình. Tuy nhiên cái nhìn của Kant vào yếu tính của mục đích triết học cũng rộng đủ để phản bác mọi nô lệ hoá tư tưởng triết học; hình thức nô lệ hoá bất lực nhất ẩn nấp trong lời thoái thác bằng cách vẫn chấp nhận triết học đóng vai trò “diễn tả” “văn hoá” (Spengler) và trang điểm cho một nhân loại lao tác.
Tuy nhiên việc xét xem triết học hoàn thành yếu tính chính yếu uyên nguyên của nó như là “kẻ gìn giữ luật lệ riêng của mình” hay triết học không được lưu giữ và xác định đóng nhiệm vụ kẻ gìn giữ đó bởi chân lý của cái mà từ đó các luật lệ là các luật lệ, việc đó được quyết định từ uyên nguyên tính – chính trong uyên nguyên tính yếu tính căn nguyên của chân lý trở nên cốt yếu đối với sự tra vấn của tư tưởng.
Bài cảo luận này dẫn câu hỏi về yếu tính của chân lý vượt qua khuôn khổ của những giới hạn thông thường của ý niệm cốt yếu quen thuộc và giúp vào việc phản tỉnh xem câu hỏi về yếu tính của chân lý có phải đồng thời và trước nhất phải là câu hỏi về chân lý của yếu tính không. Nhưng trong ý nghĩa “yếu tính” triết học suy tư về hiện thể. Khi dẫn đưa khả tính nội tại của thích đáng tính của một phát biểu về với tự do xuất-hữu của sự để-cho-là hiểu như là nền tảng của sự thích đáng đó, khi đặt khởi nguyên cốt yếu của nền tảng này vào trong sự che giấu lầm lạc, chúng ta muốn cho thấy rằng yếu tính của chân lý không phải là cái “tổng quát” trống rỗng của một tổng quát tính “trừu tượng”, nhưng là cái độc nhất ẩn giấu của lịch sử duy nhất của sự khai mở “ý nghĩa” của cái mà chúng ta gọi là hữu thể và từ lâu có thói quen suy tư như là hiện vật trong toàn thể.
9. Ghi chú
Câu hỏi về yếu tính của hiện thể nảy sinh từ câu hỏi về chân lý của yếu tính. Câu hỏi đó trước nhất hiểu yếu tính trong ý nghĩa của thể tính (quidditas) hay thực thể tính (realitas), và hiểu chân lý như là một đặc tính của tri thức. Câu hỏi về chân lý của yếu tính hiểu yếu tính như một động từ và suy tư trong chữ này, khi vẫn còn ở trong lòng của sự hiện trình của siêu hình học, hiện thể như là sự khác biệt đang ngự trị của hiện thể và hiện vật. Chân lý nhắm nói đến sự che-giấu-trong-khi-soi-sáng mà được hiểu như là đường nét nền tảng của hữu thể. Câu hỏi về yếu tính của chân lý tìm thấy câu trả lời của nó trong câu nói: yếu tính của chân lý là chân lý của yếu tính. Khi câu nói được cắt nghĩa, người ta dễ dàng thấy rằng nó không chỉ đảo lộn một sự kết hợp các chữ và muốn khơi dậy dáng vẻ của nghịch lý. Chủ từ của câu nói, trong trường hợp người ta vẫn còn được phép sử dụng phạm trù văn phạm đáng buồn đó, là yếu tính của chân lý. Sự che-giấu-trong-khi-soi-sáng là, nghĩa là “để thể hiện ra”, sự tương đồng giữa tri thức và hiện vật. Câu nói có tính cách biện chứng. Nó không hề là một câu nói hiểu trong ý nghĩa một phát biểu. Câu trả lời cho câu hỏi về yếu tính của chân lý là lời nói nói lên một khúc quẹo trong lòng lịch sử của hữu thể. Vì sự che-giấu-trong-khi-soi-sáng thuộc về hữu thể, hữu thể xuất hiện ra vào lúc khởi nguyên trong áng sáng của sự rút lui mà che giấu. Tên gọi của sự soi sáng này là alêtheia.
Bài thuyết trình Về yếu tính của chân lý, theo dự phóng nguyên thủy, đáng ra phải đã được bổ túc cho đầy đủ bằng một bài Về chân lý của yếu tính. Bài này đã không có được vì những lý do mà bây giờ đã được cho biết trong bức thư Về nhân bản chủ nghĩa.
Câu hỏi quan trọng (Hữu thể và thời gian, 1927) về ý nghĩa, nghĩa là (Hữu thể và thời gian, tr. 151) về lãnh vực của dự phóng, nghĩa là về khai tính, nghĩa là về chân lý của hữu thể và không chỉ của hiện vật, đã không được khai triển với chủ ý. Tư tưởng xem ra vẫn ở trong con đường của siêu hình học, tuy thế đã hoàn thành trong những bước đi quyết định của nó – những bước đi mà dẫn từ chân lý hiểu như sự thích đáng tới tự do xuất-hữu và từ tự do này tới chân lý hiểu như sự che giấu và lầm lạc – một thay đổi trong sự tra vấn, thay đổi mà thuộc về (nằm trong) sự vượt qua siêu hình học. Tư tưởng được gắng thử trong bài thuyết trình đạt đến cùng điểm trong kinh nghiệm cốt yếu rằng một gần gũi với chân lý của hữu thể được chuẩn bị cho con người lịch sử chỉ từ hiện-hữu-thể mà trong đó con người dấn thân vào. Không những chỉ mọi loại nhân thẻ học và tất cả chủ thể tính của con người xét như chủ thể bị, giống như trong Hữu thể và thời gian, bỏ rơi và chân lý của hữu thể được theo đuổi như là nền tảng của một lập trường lịch sử mới mẻ, nhưng thêm vào đó bước đường của bài thuyết trình còn quyết định suy tư từ nền tảng khác này (từ hiện-hữu-thể). Những bước đi của sự tra vấn trong chính nó là con đường của một tư tưởng mà, thay vì đưa lại những hiện trình và những ý niệm, từ kinh nghiệm và tự chứng nghiệm như là sự thay đổi của mối tương quan với hữu thể.
*
Phụ lục - Tự vựng
I. Đức-Việt
Aneigung: sự thích nghi hoá, tư hữu hoá.
Sich angleichen: tương đồng.
Angleichung: sự tương đồng.
Anthropologie: nhân thể học.
Anwesendes: cái hiện diện.
Aussage: phát biểu.
Aussechen: dáng diện.
Dasein, Da-sein: hiện hữu thể.
Echt: đích thực.
Einstimmigkeit: sự phù hợp.
Ek-sistent: xuất-hữu.
Ek-sistenz: (sự) xuất-hữu.
Entbergen, Entbergung: sự làm hết ẩn giấu, sự khai lộ [1]
Entborgenheit: sự hết ẩn giấu, sự không ẩn giấu, sự khai lộ [2]
Entgegenstehendes: cái đứng-đối-diện.
Entgegenstehenlassen: để – cho – đứng – đối – diện.
Entschlossen: đã được quyết định (hết bị khoá lại).
Entschlossenheit: sự quyết tâm (và hết bị khoá lại).
Erkenntnis: tri thức.
Erlebnis: cái đã sống.
Ermoeglichung: sự khả thể hoá.
Existenz: hiện hữu.
Existenziell: hiện sinh.
Fragwürdiges: cái khả vấn.
Freiheit: (sự) tự do.
Freisein: hữu-tự-do.
Gangbares: cái thông dụng.
Gefüge: tiết điệu.
Gefuchl: tình cảm.
Gegenstand: đối tượng.
Geheimnis: huyền nhiệm.
Gelassenheit: sự buông-xả-thanh-thản.
Gestimmheit: cảm thái.
Inner: nội tại.
In-sistieren: nội-hữu.
Insistierent: nội hữu.
Irre: lầm lạc.
Irren: lầm (đường) lạc (lối).
Irrtum: lầm lỗi.
Mass: tiêu chuẩn, kích thước tiêu chuẩn.
Möglichkeit: khả tính.
Nichtübereinstimmen: sự bất hoà hợp.
Not: sự khốn khổ.
Nötigung: sự bức bách.
Objektivität: khách quan tính.
Offenbares: cái khai-mở-ra.
Offenbarkeit: tình-trạng-khai-mở.
Offenes: lãnh-vực-khai-mở.
Offenheit: khai tính.
Offenständig: đứng khai mở.
Offenständigkeit: sự đứng – khai – mở, khai thế.
Sich richten: thích đáng với, phù hợp.
Richtigkeit: sự thích đáng.
Sache: sự vật.
Seindes: hiện vật.
Sein: hữu thể.
Seinlassen: (sự) để-cho-là.
Selbst: tự ngã.
Selbstverständlichkeit: sự hiển nhiên, tính cách hiển nhiên (tính cách tự hiểu được).
Subjektivität: chủ quan tính, chủ thể tính.
Ständiges: cái bền vững.
Stimmen: đúng, hợp.
Stimmendes: cái gây cảm hứng.
Stimmung: cảm trạng.
Übereinkommen: sự hoà hợp.
Übereinstimmen: tương đồng.
Übereinstimmung: sự tương đồng.
Un-entborgenheit: sự không-hết-ẩn-giấu.
Unmöglichkeit: bất khả tính.
Unrichtigkeit: sự không thích đáng.
Unverborgenheit: sự không-ẩn-giấu.
Unwahrheit: bất chân lý.
Un-wahrheit: bất-chân lý.
Unwesen: bất yếu tính.
Unwirkliches: cái bất thực hữu.
Verbergen: sự che giấu.
Verbergung: sự che giấu.
Verborgenes: cái ẩn giấu.
Verborgenheit: sự ẩn giấu.
Verhalten: cử chỉ.
Verhältnis: sự tương giao.
Vernunft: lý trí.
Verstand: trí năng.
Gemeiner Verstand: trí năng thông thường.
Gesunder Verstand: trí năng lành mạnh, lương tri.
Verständlichkeit: tình trạng hiểu biết.
Vorgabe: tặng phẩm tiền cấp.
Vorgeben: sự tiền cấp.
Vorhanden: bản hữu.
Vorhandensein: hữu-bản-hữu.
Wahr: chân thật.
Wahres: cái chân thật.
Wahrheit: chân lý.
Wahrsein: chân hữu.
Wesen: yếu tính.
Wirklich: thực hữu.
Wirkliches: cái thực hữu, thực thể.
Wirklichkeit: thực hữu tính.
Wisse : sự biết.
II. Việt - Đức
ẩn giấu (cái): Verborgenes.
ẩn giấu (sự): Verborgenheit.
bản hữu: vorhanden.
bất chân lý: Unwahrheit.
bất-chân lý: Un-wahrheit.
bất hoà hợp (sự): Nichtübereinstimmen.
bất khả tính: Unmöglichkeit.
bất thực hữu (cái): Ständiges.
bất yếu tính: Unwesen.
bền vững (cái): Ständiges.
biết (sự): Wissen.
buông-xả-thanh-thản: Gelassenheit.
bức bách (sự): Nötigung.
cảm thái: Gestimmheit.
cảm trạng: Stimmung.
chân hữu: Wahrsein.
chân lý: Wahrheit.
chân thật: wahr.
che giấu (sự): Verbergen, Verbergung.
chủ quan tính: Subjektivität.
chủ thể tính: Subjektivität.
cử chỉ: Verhalten.
dáng điệu: Aussehen.
đã sống (cái): Erlebnis.
để-cho-đứng-đối-diện: Entgegenstehenlassen.
để-cho-là (sự): Seinlassen.
đích thực: echt.
đối tượng: Gegenstand.
đúng, hợp: stimmen.
đứng-đối-diện (cái): Entgegenstehendes.
đứng-khai-mở: offenständig.
đứng-khai-mở (sự): Offenständigkeit.
gây cảm hứng (cái): Stimmendes.
hết-ẩn-giấu (sự): Entborgenheit.
hiển nhiên (sự, tính cách): Selbstverständigkeit.
hiện diện (cái): Anwesendes.
hiện hữu: Existenz.
hiện-hữu-thể: Dasein, Da-sein.
hiện sinh: existenziell.
hiện vật: Seiendes.
hoà hợp (sự): Übereinkommen.
huyền nhiệm: Geheimnis.
hữu-bản-hữu: Vorhandensein.
hữu thể: Sein.
hữu-tự-do: Freisein.
khả thể hoá (sự): Ermöglichung.
khả tính: Möglichkeit.
khả vấn (cái): Fragwürdiges.
khách quan tính: Objektivität.
khai lộ (sự): Entbergen, Entbergung, Entborgenheit.
khai-mở-ra (cái): Offenbares.
khai thế: Offenständigkeit.
khai tính: Offenheit.
khốn khổ (sự): Not.
không-hết-ẩn-giấu (sự): Un-entborgenheit.
kích thước tiêu chuẩn: Mass.
không thích đáng (sự): Unrichtigkeit.
làm hết ẩn giấu (sự): Entbergen, Enbergung.
lầm (đường) lạc (lối): irren.
lầm lạc: Irre.
lầm lỗi: Irrtum.
lãnh-vực-khai-mở: Offenes.
lương tri: gesunder Verstand.
lý trí: Vernunft.
nhân thể học: Anthropologie.
nội hữu: insistierent.
nội-hữu: in-sistieren.
nội tại: inner.
phát biểu: Aussage.
phù hợp: sich richten.
phù hợp (sự): Einstimmigkeit.
quyết định (sự): Entschossenheit.
tặng phẩm tiền cấp: Vorgabe.
tiền cấp (sự): Vorgeben.
thích đáng: sich richten.
thích đáng (sự): Richtigkeit.
thích nghi hoá: Aneigung.
thông dụng (cái): Gangbares.
thực hữu: wirklich.
thực hữu (cái): Wirkliches.
thực hữu tính: Wirklichkeit.
tiêu chuẩn: Mass.
tiết điệu: Gefüge.
tình trạng hiểu biết: Verständlichkeit.
tình-trạng-khai-mở: Offenbarkeit.
trí năng: Verstand.
trí năng thông thường: gemeiner Verstand.
trí năng lành mạnh: gesunder Verstand.
tri thức: Erkenntnis.
tự do (sự): Freiheit.
tư hữu hoá: Aneigung.
tự ngã: Selbst.
tương đồng: sich angleichen.
tương đồng (sự): Angleichung, Übereinstimmung.
tương giao (sự): Verhältnis.
xuất-hữu: ek-sistent, ek-sistieren.
xuất-hữu (sự): Ek-sistenz.
yếu tính: Wesen.
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Nghĩa năng động.
[2]Nghĩa thụ động.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức Vom Wesen der Wahrheit. Ca Dao xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn 1975. Giấy phép số 163/75/BDVCH/PBCHNT/ALP.TP cấp ngày 20/01/1975, in tại Việt Hương ấn quán, 34 Đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn. Ấn hành: 1500 quyển. Phát hành ngày 12/3/1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét