Henry Miller
Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud
Nguyễn Hữu Hiệu dịch
Phần 2: Khi nào thiên thần hết giống nhau?
Có một đoạn trong Một mùa địa ngục (đoạn mang tên “bất khả”) dường như cho ta manh mối để thấu hiểu bản chất tấn bi kịch đau đớn mà cuộc đời Rimbaud mô tả. Đó là tác phẩm cuối cùng của chàng - vào tuổi mười tám! – có một tầm mức quan trọng nào đó. Tới đây cuộc đời chàng phân gọn hẳn làm đôi, hay nhìn một cách khác, nó tự tựu thành chính nó. Giống như Lucifeer, Rimbaud đã thành công trong việc giải phóng mình ra khỏi Thiên đàng, Thiên đàng tuổi trẻ. Chàng bị chiến bại không phải bởi Thượng đẳng thiên sứ mà bởi chính mẹ chàng, người mà chàng coi là tượng trưng cho uy quyền. Đó là một định mệnh mà chàng đã đồng loã ngay tự buổi ban đầu. Chàng thanh niên lỗi lạc, kẻ có đủ mọi tài năng đó lại khinh bỉ tất cả mọi tài năng của chàng, đột ngột đập vỡ cuộc đời mình thành hai mảnh. Đó là một hành động huy hoàng đồng thời khủng khiếp. Chính Satan cũng không nghĩ ra nổi một hình phạt tàn bạo hơn hình phạt Arthur Rimbaud tự thưởng cho mình với lòng kiêu ngạo và ích kỉ vô địch. Ngay tại ngưỡng cửa của tuổi thành nhân chàng đã chối bỏ kho tàng của chàng (thiên tài sáng tạo) để chiều theo “cái bản năng thầm kín và sức mạnh của cái chết trong chúng ta” mà Amiel đã mô tả một cách tuyệt vời. Cái “hydre intime” đã tàn phá chân dung của tình yêu đến mức độ sau cùng chỉ còn lại ý chí thách đố và bất lực là có thể phân biệt được rõ ràng. Bỏ mọi hy vọng tìm thấy lại chìa khoá mở vào cõi hồn nhiên đã mất của mình, Rimbaud lao đầu xuống địa ngục tối tăm trong đó tinh thần con người đụng tới cực điểm, nơi nói theo ngôn ngữ của Krishana: “Với tự ngã đó tôi xây dựng toàn thể Vũ trụ, và chịu mãi mãi phân ly.”
Đoạn cho thấy chàng ý thức được lối thoát và sự chọn lựa, dù mơ hồ như sau:
“Nếu từ giây phút này trở đi tâm trí tôi luôn tỉnh thức, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ đi tới chân lý, có thể đang nức nở chờ đợi ta với những thiên thần vây quanh chúng ta ngay từ bây giờ!... Nếu tâm trí ta tỉnh thức tới tận bây giờ, có lẽ tôi đã chẳng buông mình theo những bản năng thoái hoá, theo một thời đại bị lãng quên!... Nếu nó luôn luôn tỉnh thức, có lẽ tôi đang dong buồm với trí thức tràn đầy!...”
Cái gì đã che lấp thị kiến chàng và do đó đưa chàng vào tử lộ, điều đó không ai biết được – và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có một người nào biết được. Cuộc đời chàng, với tất cả những dữ kiện chúng ta có trong tay, sẽ mãi mãi bí ẩn như thiên tài của chàng vậy. Điều chúng ta thấy khá rõ ràng là tất cả những gì chàng tiên đoán về chính chàng trong ba năm thần cảm ban cho chàng đều được ứng nghiệm trong những năm phiêu bạt giang hồ khi chàng tự biến mình thành một sa mạc cô liêu. Biết bao lần những chữ sa mạc, chán chường, cuồng nộ, cần lao xuất hiện trong những tác phẩm của chàng! Trong nửa phần đời sau của chàng những chữ này đã đạt đến một ý nghĩa cụ thể tàn khốc. Chàng đã trở thành tất cả những gì chàng tiên đoán, tất cả những gì chàng sợ hãi, tất cả những gì mà chàng điên cuồng chống lại. Cuộc chiến đấu giải phóng chàng khỏi những xiềng xích nhân tạo, vươn lên khỏi những luật lệ, quy tắc, công ước, mê tín con người không đưa chàng tới đâu cả. Chàng trở thành nô lệ cho tính ngông cuồng và ý thích thay đổi của chàng, một hình nhân không biết làm gì hơn là buộc thêm vào mình một vài tội ác vụn vặt cỏn con cho đầy cuốn sổ đoạn trường mình tự hành mình.
Sự kiện chàng đầu hàng ở cuối đường khi thân thể chàng chỉ là “một khúc gỗ bất động” như chàng viết, không phải để khinh thị chế diễu bỏ qua dễ dàng. Rimbaud là con người phản kháng nhập thể. Cần phải nếm trải mọi sa đoạ và nhục nhã, mọi hình thức đoạn trường để đánh gục cái ý chí ương ngạnh đã lầm lạc tự căn đế. Chàng đã hư hỏng, cố chấp ngang tàng – cho đến giây phút cuối cùng. Cho đến khi không còn một chút hy vọng nào. Chàng là một trong những tâm hồn tuyệt vọng nhất đã nảy sinh trên trái đất. Đúng, chàng đã đầu hàng vì kiệt lực – nhưng chỉ sau khi chàng đã đi qua hết mọi nẻo đường lầm lạc. Cuối cùng không còn gì để nâng đỡ lòng kiêu hãnh của chàng lâu hơn nữa, không còn gì để mong chờ nữa ngoại trừ cô em gái yêu thương chàng, không còn gì để làm ngoài việc la hét lên cầu xin lòng từ bi bác ái. Tâm hồn chàng đã chiến bại, chỉ còn có cách bó giáp quy hàng. Ngày xưa lâu lắm rồi chàng viết: “Je esst un autre”. Bây giờ vấn đề “khiến tâm hồn trở nên dị thường theo kiểu những comprachios” đã đi tới giải đáp. Cái tôi khác kia chính là cái tôi thoái vị. Nó đã ngự trị gian lao trong một thời gian dài, nó đã chống cự mọi cuộc công hãm chỉ để sau cùng đổ vỡ và tan loãng vào hư không.
“Tôi nói người ta phải là tiên tri thấu thị… tự khiến mình trở thành một tiên tri thấu thị!” Chàng đã hối thúc như vậy lúc khởi nghiệp. Thế rồi đột nhiên nghiệp dĩ chàng dứt, và chàng chẳng còn hữu ích gì cho văn chương, ngay cả văn chương của chính chàng. Rồi chàng lang thang, sa mạc, gánh nặng của tội llỗi, chán chường, cuồng nộ, cần lao – và ô nhục, cô đơn, đau đớn, phản kháng, thất bại và đầu hàng. Từ sự man rợ của những cảm xúc đối kháng này, từ chiến trường mà chàng tạo nên bằng chính thân xác chàng, vào giây phút cuối cùng bỗng nở ra đoá hoa của đức tin. Các thiên thần phải sung sướng biết bao nhiêu! Chưa bao giờ có một đầu óc nào ngoan cố hơn Hoàng tử Arthur kiêu mạn này! Chúng ta đừng quên sự kiện nhà thơ, kẻ tự hào đã thừa hưởng sự sùng bái ngẫu tượng và lòng ưa chuộng xúc phạm thần thánh của tổ tiên chàng, những người Gaulois, đã từng nổi tiếng trong trường là “tên oắt con cuồng tín dơ dáy”. Đó là một hỗn danh mà chàng chấp nhận một cách kiêu hãnh”. Dù là kẻ vô lại hay cuồng tín, kẻ đào ngũ hay tên nô lệ, thiên sứ hay quỷ sứ, lúc nào chàng cũng ghi nhận sự kiện một cách kiêu hãnh. Nhưng vào giây phút cuối chỉ có vị tu sĩ nghe chàng xưng tội là có thể nói đã rút lui một cách kiêu hãnh. Người ta kể lại chàng đã nói với em gái mình, Isabelle, rằng: “Anh cô có đức tin, cô bé… Hắn có đức tin, và ta chưa từng thấy đức tin nào như vậy”
Đó là đức tin của một trong những tâm hồn tuyệt vọng nhất mãi mãi khao khát cuộc đời. Đó là đức tin phát sinh từ giờ cuối cùng, phút cuối cùng – Nhưng đó vẫn là đức tin. Bởi thế, quan trọng gì đâu việc chàng đối kháng lâu mau, hoặc cang cường hay nhu nhược? chàng không yếu kém trong tinh thần, chàng dũng mãnh oai phong. Chàng chiến đấu tới sức cùng lực kiệt. Và đó là lý do tại sao tên tuổi chàng, như tên tuổi Lucifer, còn mãi mãi lẫy lừng, tại sao chàng sẽ được cả bên này lẫn bên kia tán tụng. Ngay cả kẻ thù cũng tán dương chàng! Chúng ta biết đài kỷ niệm dựng lên cho chàng nơi quê hương, tỉnh Charleville, đã bị người Đức hạ xuống và chở đi trong cuộc xâm lăng vừa qua. Ngày nay đáng ghi nhớ xiết bao, tiên tri xiêt bao, những lời chàng nói như tát nước vào mặt Delahaye, bạn chàng, khi người này đề cập tới sự siêu đẳng vô địch của những kẻ chinh phục Đức quốc. “Bọn xuẩn ngốc sau những hồi kèn trống inh tai nhức óc chúng sẽ lại trở về quê cha đất tổ để ăn xúc xích, tin tưởng rằng mọi sự đã xong, Nhưng hãy chờ một chút. Bây giờ chúng đang võ trang từ đầu tới chân, và mất một thời gian dài để nuốt cái bánh vẽ vinh quang rẻ tiền của những lãnh tụ xảo quyệt chẳng bao giờ chịu buông tha chúng.. Tôi có thể thấy ngay từ bây giờ rằng kỷ luật sắt và sự điên cuồng sẽ cầm tù toàn thể xã hội Đức. Và tất cả chỉ để cuối cùng bị nghiền nát bởi một vài hình thức liên minh liên hiệp nào đó.”
Vâng, chàng có thể được cả hai phía tán dương một cách chính đáng như nhau. Đó là vinh quang của chàng, tôi xin nhắc lại. Nó có nghĩa là chàng ôm ấp bóng tối và ánh sáng. Cái mà chàng bỏ rơi là thế giới chết chóc sống động, thế giới hư nguỵ của văn hoá và văn minh. Chàng gột sạch tâm hồn chàng khỏi mọi cạm bẫy giả tạo nuôi nấng con người hiện đại. “Phải tuyệt đối tân kỳ!” chữ “tuyệt đối” vô cùng quan trọng. Vài câu sau chàng thêm: ”Cuộc chiến đấu của tinh thần cũng tàn bạo như cuộc chiến đấu của con người; nhưng viễn tượng tâm lý là lạc thú của một mình thượng Đế mà thôi. ”Điều chàng muốn ám chỉ là chúng ta đang trải qua một sự tân kỳ giả tạo: chúng ta không có những trận đánh kịch liệt và tàn bạo, không có cuộc chiến oai hùng như các bậc thánh ngày xưa đã phát khởi. các bậc thánh là những người mạnh, chàng nhận định, và những ẩn số là những nghệ sĩ, ngày nay không còn hợp nữa, than ôi! Chỉ có kẻ hiểu ý nghĩa của cám dỗ mới có thể nói như thế. Chỉ có kẻ quý trọng kỷ luật, thứ kỷ luật nhằm nâng cao đời sống tới mức độ nghệ thuật mới có thể ngợi ca những bậc thánh thiện như thế.
Trong một ý nghĩa nào đó, có thể nói trọn cuộc đời Rimbaud là một cuộc hành trình tìm kỷ luật thích nghi, là một thứ kỷ luật có thể cung hiến chàng tự do. Lúc khởi đầu, như một kẻ cải tạo, điều này khá minh bạch, mặc dầu người ta có thể không đồng ý với thứ kỷ luật chàng tự đặt lên mình. Trong phần thứ hai của cuộc đời, khi chàng đoạn tuyệt với xã hội, mục đích của thứ kỷ luật khắc khổ của chàng càng khó hiểu hơn. Phải chăng chỉ vì muốn đạt tới sự thành công thế tục mà chàng chịu đựng mọi khổ cực và thiếu thốn đó chăng? Tôi nghi lắm. Bề ngoài chàng có vẻ không có một mục tiêu nào cao cả hơn bất cứ một tay phiêu lưu có tham vọng nào. Đó là quan điểm của những kẻ kì cục, những kẻ thất bại nhưng lại muốn có một người bạn đồng hành vóc dáng vĩ đại như chàng Rimbaud bí ẩn. Theo tôi thì dường như chàng đang sửa soạn một cuộc Phục sinh. Mặc dầu có thể chính chàng cũng không thấu hiểu ước muốn đó, nhưng hành vi của chàng giống như thái độ của một bậc thánh chiến đấu chống lại bản chất man rợ của mình. Một cách mù quáng, có lẽ vậy, chàng dường như tự sửa soạn để nhận thánh sủng mà chàng đã dại dột và ngu muội khinh bỉ từ chối. Người ta cũng có thể nói rằng chàng đào huyệt chôn mình. Nhưng chắc chắn chàng chẳng bao giờ có cảm tình với ngôi huyệt đó – chàng vốn vô cùng khiếp đảm loài dòi. Với chàng cái chết đã tự hiển hiện một cách quá rõ ràng trong nếp sống Pháp. Hãy nhớ lại những lời nói khủng khiếp của chàng…” lấy tay khẽ nhấc tấm ván thiên, ngồi xuống, chết ngạt. Thế là xong, không còn tuổi già, không còn nguy hiểm; kinh hoàng không có tính chất Pháp. ”Chính sự sợ hãi cái chết sống động này đã khiến chàng lựa chọn cuộc sống gian lao, chàng thà thách đố mọi kinh hoàng hơn là khuất phục giữa dòng. Vậy thì mục tiêu, cứu cánh của cuộc sống tàn bạo nhường ấy là gì? Dĩ nhiên vì một điều, đó là khám phá mọi biến tượng có thể có của cuộc đời. Chàng coi thế giới như một nơi “đầy những cảnh huy hoàng không thể thăm viếng hết trong cuộc đời của muôn ngàn người”. Chàng đòi hỏi một thế giới “trong đó năng lực vô biên của chàng có thể tác động tự do”. Chàng muốn tận dụng những tiềm năng của chàng để tự thể hiện một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, ở tận điểm, tham vọng của chàng là đạt tới biên giới của một thế giới mới mẻ huy hoàng, một thế giới không mang một nét tương đồng nào với thế giới mà chàng đã biết, dù cho có bị dập vùi và kiệt lực.
Thế giới này có thể là một thế giới nào khác thế giới chói lọi của tâm thức không? Không phải linh hồn luôn luôn tự biểu lộ qua ngôn ngữ của tuổi trẻ sao? Có lần ở Abyssinie, Rimbaud viết cho mẹ trong cơn tuyệt vọng: “Chúng ta sống và chết theo những tiêu thức khác hẳn tiêu thức chúng ta có thể phác vẽ ra và chẳng hy vọng bất cứ sự đền bù nào. May mắn cho chúng ta đó là đời sống duy nhất chúng ta phải sống, điều đó quá hiển nhiên”. Không phải lúc nào chàng cũng chắc chắn rằng đó là đời sống duy nhất. Trong Mùa địa ngục của chàng, chàng chẳng tự hỏi có thể có những đời sống khác sao? Chàng e rằng có. Và đó là một trong những điều khiến chàng bị dày vò.Tôi dám quả quyết rằng không một ai biết rõ hơn người thi sĩ trẻ tuổi này rằng mỗi cuộc đời thất bại và hoang phí phải được trả bằng hằng hà sa số cuộc đời vô tận và vô vọng – cho đến khi người ta nhìn thấy ánh sáng và lựa sống theo ánh sáng đó. Vâng, cuộc tranh chấp nội tâm cũng dữ dội và tàn bạo như cuộc tranh đấu chốn sa trường. Thánh nhân biết điều đó nhưng con người thời đại mới nhạo báng điều đó. Địa ngục hiện hữu bất cứ khi nào, bất cứ khi nào người ta nghĩ nó hiện hữu. Nếu bạn tin rằng bạn đang ở trong Địa ngục là tức thì bạn ở trong địa ngục. Và cuộc đời, đối với con người thời hiện đại, đã trở thành địa ngục vĩnh cửu bởi lý do đơn giản là hắn đã mất mọi hy vọng đạt tới Thiên đàng. Chẳng những thế hắn còn không tin ngay cả Thiên đàng do chính hắn tạo ra. Bởi chính quá trình tư tưởng mình hắn tự đày ải hắn xuống địa ngục sâu thẳm của ước vọng tự huỷ kiếu Freud.
Trong “Thư của kẻ tiên tri thấu thị” nổi danh mà Rimbaud viết năm mười bảy tuổi, một tài liệu đã tạo ra những chấn động lớn lao hơn tất cả mọi tác phẩm của các bậc thầy… trong lá thư chứa đựng quy tắc lừng danh cho những thi sĩ tương lai đó, Rimbaud nhấn mạnh rằng, việc theo đuổi kỷ luật đã qui định này gây ra vô số “cực hình khôn tả trong đó hắn (thi nhân) cần vận dụng tất cả sức mạnh siêu nhân của mình”. Trong khi thực hành kỉ luật này, chàng viết tiếp, những thi nhân đi tới chỗ sẽ xuất hiện “như kẻ bệnh hoạn lớn lao, kẻ tội phạm vĩ đại, kẻ bị nguyền rủa vĩ đại – và nhà bác học siêu phàm! – bởi hắn đi tới cái vị tri !” Điều đảm bảo cho phần thưởng vô bờ bến này nằm trong sự kiện đơn giản là “thi nhân đã tôi luyện được tinh thần hắn, một tâm hồn vốn phong phú hơn tất cả mọi người.” Nhưng cái gì sẽ xẩy ra cho thi nhân khi đi tới cái vị tri? “Hắn kết thúc bằng cách đánh mất mọi hiểu biết về những viễn tượng của mình” Rimbaud viết. (Đó là cái đã xẩy ra trong trường hợp chàng.) Như thể tiên cảm được một số phận như vậy, chàng thêm: ”tuy nhiên, hắn đã nhìn thấy chúng? Hãy để hắn chết trong cơn chấn động bởi những điều kì dị và không thể gọi tên hắn đã nhìn thấy. Rồi hãy để những lao công khủng khiếp khác tới kế tiếp hắn; họ sẽ bắt đầu những chân trời mà hắn tắt nghỉ.”
Lời kêu gọi đã gây ra một tác dụng sâu xa trên những thế hệ tương lai này đáng chú ý vì nhiều nguyên do, nhưng chủ yếu bởi nó làm sáng tỏ vai trò chân thực thi sĩ và bản chất đích thực của truyền thống. Thi sĩ có ích lợi gì trừ phi hắn đạt tới một viễn tượng về cuộc đời, trừ phi hắn sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình để chứng thực cho chân lý và vẻ rực rỡ của viễn tượng mình? Đề tài thời thượng là nói về những con người quỷ quái này, như những kẻ theo phong trào lãng mạn, những linh tưởng gia này, nhấn mạnh chủ quan tính của họ và nhìn họ như những xoáy nước tách lìa, những gián đoạn, những nhân vật tạm thời thay thế trong dòng nước lớn của truyền thống, như thể họ là những kẻ điên loạn quay cuồng xung quanh cái trục tự ngã. Không có gì có thể sai lầm hơn. Chính những nhà canh tân này tạo thành những khoen nối trong sợi dây chuyền lớn của văn chương sáng tạo. Quả thật người ta bắt đầu từ những chân trời nơi họ tắt nghỉ - “thủ lợi” như Rimbaud nói – chứ không phải an nhiên toạ thị giữa cảnh tan hoang đổ vỡ và nhặt nhạnh chắp vá những mảnh vụn của bức dư đồ.
Người ta nói rằng năm mười hai tuổi lòng sùng tín của Rimbaud lên cao độ đến nỗi chàng khao khát làm một thánh tử đạo. Ba năm sau, trong bài Soleit et Chair, chàng tuyên bố: ”Xác thịt, cẩm thạch, hoa, vệ nữ, ta đặt niềm tin nơi các ngươi!” Chàng nói về nữ thần Aphrodite “bao phủ vũ trụ bao la bằng tình yêu thể hiện trong nụ cười vô biên”. Và thế giới, chàng nói, sẽ trả lời, sẽ run lên “tựa một cây thất huyền cầm vĩ đại rùng mình trong một cái hôn bát ngát mênh mông”. Ở đây chúng ta thấy chàng trở lại với niềm tin ngẫu tượng giáo và sự hồn nhiên vô nhiễm, vào thời đại vàng son khi đời chàng là “một bữa tiệc linh đình nơi mọi trái tim đều mở tung mọi rượu ngọt đều tuôn trào.” Đó là thời tự thâm cảm, thời khao khát khôn tả cái mới lạ chưa từng biết – “l’ éblovissement de l’ Infini.” Tóm lại thời kì thai nghén, ngắn ngủi nhưng sâu xa, giống như vĩnh phúc tuyệt vời của samadhi (đại định).
Chỉ ba năm sau và vào năm mười tám tuổi, chúng ta thấy chàng đã ở cuối đường sự nghiệp văn chương, viết Ước nguyện tối hậu và di chúc, có thể nói như vậy. Cái Địa ngục mà chàng đã mô tả vô cùng sống động chàng đã cảm nghiệm trong tâm hồn; bây giờ chàng đã bắt đầu sống nó trong xác thịt. Lời lẽ não nề bi thiết làm sao, trong đoạn tên là “Sớm mai” được viết bởi một thanh niên mười tám tuổi! Nó đã bay qua, cái tuổi thanh xuân của chàng, và với nó tất cả tuổi trẻ của trần gian. Quê hương chàng thảm bại và phủ phục trước kẻ thù; mẹ chàng chỉ muốn xua đuổi chàng, một kẻ xa lạ, một quái vật không thể chịu nổi. Chàng đã quá biết thế nào là đói khát, thế nào là cô đơn nhục nhã, xua đuổi khước từ; chàng đã vào tù ra khám, đã chứng kiến Công xã đẫm máu, có lẽ còn tham dự nữa không chừng, đã cảm nghiệm tội lỗi và sa đoạ, đã mất mối tình đầu, đã đoạn giao với anh em văn nghệ, đã khảo cứu toàn thể lãnh vực văn nghệ mới và thấy nó trống rỗng, để đến bây giờ sẵn sàng phó thác tất cả, cả bản thân chàng, cho quỷ dữ. Thế nên, sau này khi nằm trên giường lâm chung nghĩ lại tuổi trẻ lãng phí, hẳn chàng sẽ nghĩ là chàng đã tiêu phí cả cuộc đời, rồi ảo não tự hỏi: ”ngày xưa, ta có chăng một tuổi trẻ hào hoa anh dũng và hoang đường đủ để viết lên những phiến lá nạm vàng: quá may mắn thay! Tội ác nào ta đã gây ra, lỗi lầm nào ta đã phạm phải; để ngày nay phải hứng chịu cảnh thân tàn ma dại này? Bạn là người chủ trương rằng thú vật cũng biết khóc lóc sầu thảm, kẻ bệnh tật tuyệt vọng, kẻ chết có những cơn ác mộng, xin hãy thử kể chuyện suy sụp của tôi và giấc ngủ an bình của tôi. [1] Tôi bây giờ không thể tự biện bạch cho mình hơn kẻ hành khất với bài kinh Pater và Ave Maria liên tục. Tôi không còn biết ăn nói làm sao nữa”.
Chàng đã kết thúc câu chuyện địa ngục của riêng chàng… chàng sắp từ giã. Chỉ còn một đôi lời chia tay phải nói. Một lần nữa hình ảnh sa mạc lại hiện ra – một trong những hình ảnh bền bỉ nhất của chàng. Suối nguồn cảm hứng của chàng đã khô cạn: giống như Lucifer, chàng đã “dùng hết” phần ánh sáng dành cho mình. Chỉ còn lại sự quyến rũ của thế giới bên kia, lời kêu gọi của vực sâu mà để đáp lại chàng tìm thấy bằng chứng rành rành và hoàn bị trong đời sống hình ảnh ghê rợn ám ảnh chàng: sa mạc. Chàng hơi nôn nóng. “Khi nào chúng ta sẽ lên đường?” chàng hỏi. ”Khi nào chúng ta sẽ lên đường… đón chào sự khai sinh nhiệm vụ mới, minh triết mới, sự chạy trốn của bạo chúa và ác quỷ, ngày tàn của mê tín; để sùng bái – như những kẻ thứ nhất – Giáng sinh trên Trần gian?” (những lời lẽ này khiến chúng ta nhớ xiết bao đến những người đồng thời với chàng mà chàng chẳng hề biết tới: Nietzsche!)
Có nhà cách mạng nào đã hô hào con đường bổn phận một cách minh bạch và chua xót hơn thế chăng? Có bậc thánh nào đã dùng chữ giáng sinh theo một ý nghĩa thiêng liêng hơn thế chăng? Đó là ngôn từ của một kẻ phản kháng, chính thế, nhưng không phải của một kẻ vô tín ngưỡng. Đó là một tín đồ ngẫu tượng giáo, nhưng là một tín đồ ngẫu tượng như Virgil. Đó là tiếng nói của vị tiên tri và kẻ lãnh đạo hành động, của tông đồ và đồng thời kẻ được khả thị. Dù có là tu sĩ, kẻ sùng bái ngẫu tượng, mê tín và ngu tối đi nữa, chàng cũng phải tán đồng đại lễ Giáng Sinh này! “Những quân nô lệ, chớ nguyền rủa cuộc đời!” chàng la lên. Hãy chấm dứt khóc lóc, thở than và ép xác. Hãy chấm dứt thái độ ngoan ngoãn phục tòng, những niềm tin trẻ con. Hãy lánh xa những thần tượng giả mạo và những tín ngưỡng khoa học ấu trĩ. Hãy đạp đổ những kẻ độc tài, mị dân và sách động. Chớ nguyền rủa cuộc đời chúng ta hãy tôn thờ cuộc đời! Toàn thể màn hài kịch phụ diễn Cơ đốc giáo chỉ là một sự chối bỏ Thượng đế, một sự từ chối Thánh thần. Tự do hãy còn chưa được mơ tưởng tới. Hãy giải phóng trí não, con tim, xác thịt! Hãy giải phóng linh hồn, để nó có thể ngự trị bình an! Đây là mùa đông của cuộc đời và “Ta hồ nghi mùa đông vì đó là mùa của tiện nghi!” Hãy cho ta Giáng sinh trên Trần gian… đừng cho Cơ đốc giáo. Ta không bao giờ là một tín đồ Cơ đốc giáo, ta không bao giờ thuộc dòng giống các ngươi. Phải, mắt ta khép trước ánh sáng của các ngươi. Ta là một con thú, một tên mọi đen… nhưng ta có thể được cứu rỗi! Các ngươi là những tên mọi đen giả hiệu, hỡi những tên keo bẩn, điên khùng. Ta là một tên mọi đen đích thực và đây là một cuốn sách mọi đen đích thực. Ta nói, chúng ta hãy tạo dựng Giáng sinh trên Trần gian… ngay bây giờ, ngay bây giờ, các ngươi có nghe không? Không phải là bánh vẽ trên trời!
Chàng gào lên như vậy. Đúng là “những suy tưởng phi thời”.
“Được lắm…” chàng dường như thở dài. “Đôi khi ta thấy trên trời những bãi biển mênh mông vô tận bao bọc những quốc gia trắng xoá và vui tươi”. Trong giây lát không có gì ngăn cách giữa chàng và sự xác thực của giấc mơ. Chàng thấy tương lai như sự hiện thực không thể tránh được của ước vọng sâu thẳm của con người. Không có gì ngăn cản được nó tới, ngay cả những tên mọi đen giả hiệu đang nhân danh pháp luật và trật tự thống trị thế giới. Chàng mộng ước tất cả mọi sự đến cùng tận. Tất cả mọi kỷ niệm khủng khiếp không thể diễn tả được đều nhạt nhoà đi. Và với chúng mọi hối tiếc. Tuy nhiên chàng sẽ trả thù “những thân hữu của sự chết” – những kẻ do dự - Dù đi sâu vào hoang vắng, dù ta biến đời ta thành một sa mạc cô liêu, dù cho từ nay không một ai nghe nói đến ta, mỗi và tất cả các ngươi đều phải biết rằng ta sẽ được phép thủ đắc chân lý trong hồn và xác. Các ngươi đã hết sức che đậy sự thật, các ngươi đã cố gắng tàn phá tâm hồn ta, và cuối cúng các ngươi sẽ đập vỡ hình hài ta trên neo móc… Nhưng ta sẽ biết chân lý, thủ đắc nó cho riêng ta trong thân thể này và tâm hồn này…
Đó là phát biểu giận dữ của một kẻ thao thức kiếm tìm, một “thân hữu của Thượng đế” dù chàng khước từ danh hiệu đó.
“Tất cả mọi ngôn ngữ đều là ý tưởng”, Rimbaud nói, ngày của ngôn ngữ đại đồng sẽ tới. Ngôn ngữ này, ngôn ngữ mới lạ hoặc phổ quát sẽ nói trực tiếp từ tâm hồn này đến tâm hồn khác, thâu tóm mọi hương, sắc, thanh âm, nối kết mọi tư tưởng”. Chìa khoá của mọi ngôn ngữ này, khỏi cần phải nói, là biếu tượng mà chỉ kẻ sáng tạo thủ hữu. Đó là mẫu tự tâm hồn, có từ vô thuỷ và sẽ tồn tại đến vô chung. Lấy nó làm phương tiện, thi nhân, chúa tể của trí tưởng tượng và quân vương không thụ phong của thế giới sẽ truyền đạt, giữ liên lạc với thần dân của mình. Chính để thiết lập nhịp cầu này mà chàng trai trẻ Rimbaud đã bỏ cả cuộc đời để thí nghiệm. Và chàng đã thành công xiết bao mặc dù sự chối từ đột ngột và bí ẩn. Từ bên kia mộ sâu, chàng vẫn còn đang thông tri, và càng ngày càng mãnh liệt với thời gian. Chàng càng bí mật bao nhiêu, lý thuyết của chàng càng minh bạch bấy nhiêu. Nghịch lý? Không nghịch lý chút nào hết. Sấm kí nào cũng chỉ có thể trở nên sáng sủa qua thời gian và biến cố. Qua trung gian này người ta nhìn trước và sau với cùng một sự sáng suốt như nhau; thông tri trở thành nghệ thuật thiết lập một sự phối hợp luận lý và hoà điệu giữa dĩ vãng và tương lai vào bất cứ giây phút nào trong thời gian. Bất cứ và mọi vật thể đều có thể tự khiến mình trở nên có hiệu lực, miễn là được chuyển vào dòng lưu chuyển vĩnh cửu – đó là ngôn ngữ của tâm hồn. Trong lãnh vực này không có kẻ vô học cũng như không có những nhà văn pháp học. Chỉ cần mở ngỏ tâm hồn, gạt bỏ mọi thiên kiến đa văn… hay nói cách khác, chịu khải ngộ. Dĩ nhiên việc đó tương đương với sự chuyển hoá. Đó là một phương sách cực đoan và giả định trước một trạng thái tuyệt vọng. Nhưng nếu tất cả mọi biện pháp đều thất bại, như thường lệ không thể tránh khỏi, tại sao không dùng phương sách thái quá đó – của sự chuyển hoá? Sự cứu chuộc chỉ lờ mờ hiện ra ở địa ngục môn. Con người thất bại ở mọi chiều hướng. Mãi mãi và mãi mãi họ phải đi trở lại con đường, xốc vác lại gánh nặng, bắt đầu leo lại ngọn dốc cheo leo hiểm trở hướng về đỉnh cao. Tại sao không chấp nhận sự thách đố của Thần linh và nhượng bộ? Tại sao không đầu hàng và do đó đi vào một cuộc sống mới? Đấng Vô lượng thọ lúc nào cũng đón chờ. Có người gọi ngài là đấng Giác tha, có kẻ gọi là đức Bồ tát, Tế độ…
Điều mà những kẻ bắt chước cũng như những kẻ phỉ báng Rimbaud thất bại không thể nhìn ra chàng cổ võ cho sự thực hành một đường lối sống mới. Chàng không cố gắng xây dựng một trường phái nghệ thuật mới để giải trí những ông thợ xếp chữ nhút nhát yếu đuối – chàng vạch ra sự phối hợp giữa nghệ thuật và cuộc đời, bắc cầu nối kết mọi phân ly, chữa lành vết tử thương. Từ bi bác ái thiêng liêng là chìa khoá của tri thức, chàng nói. Ngay trong phần đầu của Một mùa địa ngục chàng đã viết: ”… Một hôm kia, linh cảm giây phút cuối cùng của đời mình sắp tới, tôi nghĩ đến chuyện tìm lại một lần nữa chiếc chìa khoá dẫn về bữa yến tiệc ngày xưa, nơi tôi hy vọng có thể tìm thấy cơn thèm khát cũ. Từ bi bác ái là chiếc chìa khoá đó.” Và rồi chàng thêm: “nguồn cảm hứng này chứng tỏ rằng tôi đã đang chìm trong mơ mộng!” Mơ mộng trong địa ngục, dĩ nhiên, trong cơn mê ngất lịm không đáy đối với chàng. Chàng kẻ đã “tạo ra mọi dạ hội, mọi chiến thắng, mọi thảm kịch”, lại bó buộc phải chôn vùi trí tưởng tượng huy hoàng trong lúc lu mờ. Chàng, kẻ tự nhận là thuật sĩ, thiên thần, chàng, kẻ đã giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc, mọi liên hệ thế gian, bây giờ lại thấy mình bị lưu đày trở về trần ai, bị bắt buộc phải chấp nhận, ôm ghì thực tại phũ phàng. Nông dân, đó là điều họ có thể bức bách chàng. Trở về quê hương, chàng sẽ bị gạt ra ngoài lề cuộc sống… vậy thì những dối trá nào đây chàng phải dùng để nuôi dưỡng giấc mơ kiêu bạc của chàng? (“Cuối cùng tôi sẽ ước mong được tha thứ vì đã tự nuôi dưỡng mình bằng những ảo tưởng gian dối.”) Nhưng chàng sẽ xin ai tha thứ mới được chứ? Chắc không phải những nỗi dày vò chàng. Không phải thời đại mà chàng đã khước từ. Cũng chẳng phải bà mẹ già lẩn thẩn, kẻ muốn khép chàng vào xiềng xích. Vậy thì ai đây? Chúng ta hãy nói ngay: những bậc tiền bối và những kẻ hậu sinh sẽ kế tiếp chàng tiếp tục cuộc chiến đấu. Chàng không tự biện minh với chúng ta cũng chẳng biện minh với Thượng đế, nhưng với những thế hệ tương lai, những kẻ sẽ giang tay đón chàng khi tất cả chúng ta bước vào những đô thị huy hoàng ngày mai. Họ là truyền nhân “của một chủng tộc xa xôi” mà chàng tùng phục và coi như tổ tiên đích thực của mình. Chàng chỉ bị xa cách họ trong thời gian, nhưng gần gũi trong máu huyết và dáng điệu. Đó là những con người biết ca hát dưới cực hình. Đó là những con người chí khí cao và chàng nối kết với họ không phải bởi những tiền nhân – chàng không tìm thấy một con người trong toàn thể lịch sử nước Pháp – mà bởi tinh thần. Chàng sinh ra trong chân không thì chàng sẽ giao cảm với họ qua chân không. Chúng ta chỉ nghe thấy những dư vang. Chúng ta kinh ngạc trước âm thanh của ngôn ngữ lạ lùng này. Chúng ta chẳng hiểu tí gì về nỗi hân hoan và sự xác thực nâng đỡ cuộc chuyện trò thân mật phi nhân tính đó.
Biết bao tâm hồn đã bị chàng kích động, thay đổi, khuất phục? Chàng đã nhận biết bao lời ca tụng của những người khác biệt nhau về tính khí, hình thức cũng như bản chất như Valéry, Claudel, André Breton. Chàng và họ có điểm gì tương đồng nhau? Không phải thiên tài của chàng vì vào năm chàng mười chín tuổi chàng đã mang thiên tài của chàng chuộc lấy những chủ đích huyền bí. Tất cả mọi hành vi khước từ chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất: đạt tới một mức độ khác (với Rimbaud, nó là sự rơi xuống một mức độ khác.) Chỉ khi người ca sĩ ngừng hát hẳn mới có thể sống ca khúc hắn. Và nếu ca khúc đó là một điệu thách đố? Thì hậu quả của nó sẽ là bạo lực và tai hoạ khôn lường. Nhưng tai hoạ, như Amiel nói, mang lại một sự tu bổ tàn bạo cho quân bình. Và Rimbaud, sinh ra dưới cung Thiên xứng, lại chọn cực đoan với niềm đam mê của một kẻ đi đày.
Cái mời gọi luôn luôn là cây thần trượng vô hình hay một vài vì sao diễm ảo, và thế là minh triết cố cựu, pháp thuật ngàn xưa tan biến hết. Cái chết và sự hoá thân là bài ca muôn thuở. Một số người lựa chọn cái chết, hoặc hình thức, thân thể, minh triết hay tâm hồn, một cách trực tiếp, một vài kẻ lại gần nó một cách quanh co quỷ quái. Một số người gia tăng thảm kịch của họ bằng cách biến mất khỏi mặt đất, không để lại một đầu mối, một dấu tích nào; có kẻ còn biến cuộc đời thành một cảnh tượng hứng thú hơn cả những lời thú tội, đó là tác phẩm của họ. Rimbaud đã kéo dài cái chết của chàng một cách phiền muộn. Chàng trải qua những đổ nát khắp xung quanh chàng khiến không ai có thể nhận ra cái tính chất hoàn toàn vô ích của sự chạy trốn của chàng. Bất cứ nơi nào ngoài thế giới này! Đó là tiếng kêu của nhũng kẻ mà cuộc đời không còn bất cứ một ý nghĩa nào. Rimbaud đã khám phá ra thế giới đích thực khi chàng còn là một đứa trẻ; chàng cố gắng công bố thế giới đó khi chàng là một thanh niên; chàng phản bội thế giới đó khi chàng là một người lớn. Bị cấm đoán đi đến thế giới tình yêu, mọi tài năng thiên phú của chàng đều trở thành vô dụng. Địa ngục của chàng chưa xuống đủ sâu, chàng thiêu sống ngoài phòng tiền đình. Như chúng ta biết, nó ngắn ngủi quá, cái mùa địa ngục đó, bởi phần còn lại của cuộc đời chàng trở thành một lò luyện tội. Chàng không đủ can đảm lặn xuống đáy sâu chăng? Chúng ta không biết được. Chúng ta chỉ biết chàng khước từ kho tàng của chàng như thể nó là một gánh nặng ngàn cân. Nhưng tội lỗi dầy vò chàng là cái không ai thoát khỏi, ngay cả những người sinh ra trong ánh sáng. Sự thất bại của chàng có vẻ dị kỳ, dầu chính nó đưa chàng đến chiến thắng. Nhưng không phải Rimbaud đã chiến thắng mà chính là tinh thần bất khuất trong chàng. Như Hugo đã nói: ”Thiên thần là danh từ duy nhất trong ngôn ngữ không thề bị hao mòn”.
“Sáng tạo bắt đầu với sự phân ly đau đớn khỏi Thượng đế và sự sáng tạo của một ý chí độc lập để cuối cùng sự phân ly này có thể bị vượt qua tiến tới một hợp nhất cao viễn hơn sự hợp nhất khởi đầu của tiến trình”.
Vào năm mười chín tuổi, đúng nửa đời chàng, Rimbaud tắt thở. ”Nàng thơ của chàng chết bên cạnh chàng, giữa những giấc mộng bị tàn sát ngổn ngang”, một nhà viết tiểu sử chàng viết. Tuy nhiên chàng là một thần đồng, người trong ba năm gây cho người ta cảm tưởng đã tát cạn tất cả những trường phái nghệ thuật. ”Dường như tất cả mọi thành đạt đều đã chứa đựng sẵn trong con người ông”, Jacques Rivìere viết, về điểm đó Matthew Josephon thêm: ”quả thực văn chương sau Rimbaud đã phải lao đầu vào cuộc chiến đấu để mong thoát khỏi ảnh hưởng ông”. Bởi vì, như lời Josepohon nói, “ông đã khiến thi ca trở nên vô cùng nguy hiểm”. Chính Rimbaud cũng đã tuyên bố trong tác phẩm Địa ngục, rằng chàng ”đã trở thành một vở ca nhạc kịch thần kì”. Ca nhạc kịch hay không, chàng vẫn còn vẻ thần kì – không kém đi chút nào. Cả hai mặt của cuộc đời chàng đều thần kì hoang đường, đó là một điều lạ lùng. Kẻ mơ mộng và con người hành động chàng là cả hai kẻ đó trong cùng một lúc. Như thể cá tính của Shakespeare và Bonaparte được phối hợp vào trong một con người vậy. Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe chính tiếng nói của Rimbaud… ”tôi nhận thấy tất cả mọi người đều bị cuốn hút một cách không thể chống cưỡng được về phía hạnh phúc: hành động không phải là cuộc sống mà chỉ là một cách phung phí sức lực và nhu nhược hoá con người”. Và rồi, như thể để chứng tỏ điều đó chàng lao mình vào cơn lốc loạn cuồng. Chàng đi bộ qua lại khắp Châu Âu, đáp hết con tàu nọ đến con tàu kia để đến những hải cảng xa lạ, quay trở về bệnh tật hay không còn một xu dính túi không biết bao nhiêu lần, chàng làm đúng một ngàn lẻ một nghề, học một tá sinh ngữ hay hơn thế nữa, và thay vì buôn chữ nghiã chàng buôn cà phê, hương liệu, ngà voi, da thú, vàng, súng ống, nô lệ. Du lịch khai phá, học hỏi; giao kết với đủ mọi hạng người, chủng tộc, quốc tịch; và luôn luôn công việc, công việc mà chàng ghê tởm. Nhưng trên tất cả, ennui! Luôn luôn chán chường. Chán chường không nguôi. Nhưng chàng đã hoạt động xiết bao! Kho tàng kinh nghiệm của chàng phong phú xiết bao! Và trống rỗng xiết bao! Những lá thư chàng viết cho mẹ là một bản cáo trạng dài xen lẫn những câu trách móc và kháng kiện, những lời than thở, khẩn cầu và những lời khẩn nguyện. Thật là một kẻ bị nguyền rủa! Cuối cùng chàng trở thành ”kẻ bất lực vĩ đại”.
Đâu là ý nghĩa của cuộc chạy trốn, lời than thở không cùng và sự tự hành hạ này? Đúng xiết bao, rằng hành động không phải là cuộc đời! vậy thì cuộc đời ở đâu? Và thế nào là thực tại đích thực? Hiển nhiên nó không phải là thực tại phũ phàng của lao khổ hay nay đây mai đó, cuộc vật lộn bẩn thỉu để tranh cướp của cải này?
Trong cuốn Thần cảm, được viết ở London u hoài, chàng đã báo hiệu: Je suis réellement d’outre- tombe, et pas de commission!”. Đó là biểu hiện nhà thơ. Bây giờ chàng biết nó như một sự kiện. Người nhạc sĩ đã tìm thấy gì như một âm điệu tình yêu như chàng diễn tả, đã đánh mất âm điệu đó. Chàng đã đánh mất âm điệu lẫn cây đàn. Sau khi đã đóng tất cả các cánh cửa, kể cả cửa bằng hữu, sau khi đã đốt cháy tất cả mọi cây cầu sau lưng chàng, chàng sẽ không bao giờ đặt chân vào lãnh vực tình yêu nữa. Duy chỉ có lại những nỗi niềm cô đơn vời vợi trong bóng của cây thiện ác đã vùi sâu, nơi trong bài Matinée d’ivresse của chàng nẩy ra câu hoài cảm này: “afin que nous ramenions notre trè pur amour”. Chàng muốn tự cứu chuộc trong hình thức tự do mà không bao giờ nhận thức được rằng nó chỉ đến qua buông xả, qua chấp nhận. “Tout homme” bậc thầy Baudelaire của chàng nói, “qui n’accepte pas les conditions de savie vend son âme.” [2] Với Rimbaud, sáng tạo và kinh nghiệm hầu như đồng thời; chàng chỉ cần một chút tối thiểu kinh nghiêm là đủ tạo nên âm nhạc. Là một thần đồng chàng gần gũi với nhạc sĩ hay nhà toán học hơn là con người tài tử văn chương. Chàng sinh ra với một kí ức vô cùng mẫn nhuệ. Chàng không gặt hái sự sáng tạo bằng mồ hôi trán – sự sáng tạo đã có ở đó, tiềm ẩn, chỉ chờ đợi sự tiếp xúc đầu tiên với thực tại thô nhám là trỗi dậy ngay. Chính phiền não là cái chàng phải đào luyện chứ không phải là tài năng thiên phú của bậc thầy. Như chúng ta đã biết chàng phải mất công chờ đợi lâu.
Chàng sinh ra là một hạt mầm và chàng mãi mãi là một hạt mầm. Đó là ý nghĩa đen tối bủa vây chàng. Trong chàng là ánh sáng, một ánh sáng huy hoàng nhưng ánh sáng đó chỉ phát huy khi chàng tàn lụi. Chàng đến từ bên kia mộ phần, truyền nhân của một chủng tộc xa xăm, mang lại một tinh thần mới và một ý thức mới. Không phải chàng đã nói: ”je pense” là sai; người ta phải nói ”on me pense” đó sao? Và chẳng phải chàng là người đã bảo: ”thiên tài là tình yêu và tương lai?” Tất cả những điều chàng nói liên quan đến cái Tôi của thiên tài đều sáng suốt và khải ngộ. Câu sau đây tôi thấy có ý nghĩa nhất:…”thân thể chàng là sự phóng thể của điều chúng ta mơ ước; sự tan tác của một ân sủng bị ngăn trở bởi một bạo lực mới”
Xin đừng kết tội tôi đã đọc Rimbaud quá kỹ. Rimbaud muốn nói tất cả những gì chàng viết ”theo nghĩa đen và theo mọi nghĩa” như có lần chàng đã giải thích cho mẹ và em gái. Chính thế, lúc đó chàng đề cập tới tác phẩm Một mùa địa ngục. Tuy nhiên…. Với chàng cũng như với Blake và Jacob Boehme: tất cả những gì họ thốt ra đều trung thực, trực nghĩa và hứng cảm. Họ an trụ trong Tưởng tượng, mộng của họ là thực tại mà chúng ta sẽ phải cảm nghiệm. ”Nếu tôi đọc chính tôi”, Boehme nói, ”là tôi đọc thánh kinh của Thượng đế, và các bạn, những người anh em của tôi, các bạn là mẫu tự mà tôi đọc trong tôi, vì tâm trí và ý chí tôi tìm thấy các bạn trong tôi. Tôi thành tâm ước mong các bạn cũng sẽ tìm thấy tôi”. Câu nói này đã nói lên bài kinh cầu thầm lặng mà Rimbaud không ngừng gửi đi từ sa mạc hoang liêu mà chàng tạo ra cho chính chàng. Lòng kiêu hãnh tốt lành của thiên tài nằm trong ý chí hắn, cái nhìn cần phải đập vỡ. niềm bí ẩn của giải thoát nằm trong sự thực hành hạnh nguyện từ ái. Từ bi bác ái là chìa khoá, và Rimbaud đã mơ mộng khi chàng ý thức điều đó, nhưng giấc mơ là thực tại và thực tại này chỉ biểu lộ lần nữa khi chàng nằm trên giường lâm chung, khi từ ái trở thành cô em gái dịu dàng dìu chàng sang bên kia thế giới, tan nát nhưng được cứu rỗi.
Suốt trong ”Đêm địa ngục”, khi chàng nhận thức được rằng chàng là tên nô lệ của lễ rửa tội của mình, chàng đã kêu lên: ”Ôi cha mẹ, các người tạo ra niềm bất hạnh của tôi và của chính các người nữa”. Trong đêm tối của linh hồn, trong đó chàng tự tuyên xưng là pháp sư của ảo tượng và tự phụ đang vén lên mọi màn bí ẩn, chàng đã khước từ tất cả những gì ràng buộc chàng với thời đại hay mảnh đất chàng đã sinh ra. Chàng khẳng định: ”Tôi đã sẵn sàng trở thành hoàn hảo”. Và chàng hoàn hảo thực theo một ý nghĩa nào đó. Chàng đã sửa soạn lễ thụ pháp của chính chàng, thoát cuộc thử thách khủng khiếp và rồi lại rơi ngã vào đêm tối trong đó chàng đã sinh ra. Chàng đã nhận thấy rằng có một chân trời bên kia vòm trời nghệ thuật, chàng đã đặt chân lên ngưỡng cửa, nhưng rồi không biết vì kinh hoàng hay sợ điên cuồng chàng đã tháo lui. Sự chuẩn bị cho một đời sống mới của chàng hoặc hãy còn thiếu sót hoặc lầm lộn. Hầu hết những bình luận gia đều cho rằng tại lý do sau, dầu cả hai lý do đều đúng. Người ta đã quá chú trọng câu này: ”Sự phá huỷ lâu dài, rộng lớn, hợp lý tất cả mọi giác quan”. Người ta nói quá nhiều đến những trác táng thiếu thời, đến cuộc sống ”Bohémiene” của chàng. Người ta đã quên rằng đó là một phản ứng vô cùng bình thường đối với một thanh niên tài không đợi tuổi, tâm trí đầy ý tưởng đã trốn chạy không khí gia đình ngột ngạt không chịu nổi ở tỉnh lẻ. Là một nhân vật hiếm có, chàng hẳn phải là một kẻ bất bình thường nếu chàng không khuất phục những lời mời gọi mãnh liệt của một kinh thành như Paris. Nếu chàng có đam mê quá độ thì có thể nói đó chỉ là một cuộc chích ngừa có phản ứng. Thời gian ở Paris và London cũng chẳng lâu gì, không đủ để huỷ hoại một thanh niên cường tráng gốc nông dân. Đối với một kẻ phản kháng lại tất cả thì quả thực đó là một kinh nghiệm bổ ích. Chẳng phải con đường dẫn tới thiên đàng sẽ đi qua địa ngục sao? Muốn được cứu rỗi người ta bắt buộc phải nhiễm lầy tội lỗi. Người ta phải nếm trải tất cả tội trọng cũng như tội khinh. Người ta phải tìm kiếm cái chết với tất cả khao khát, không từ chối một độc tố nào, không khước từ một kinh nghiệm nào dù đê hạ hay nhơ nhớp. Người ta phải đi đến tận cùng sức mình, ý thức rằng mình là một kẻ nô lệ - trong mọi lãnh vực – ngõ hầu ao ước giả thoát. Cái ý chí lầm lạc, tiêu cực được cha mẹ nuôi dưỡng tán trợ cần phải bị khuất phục trước khi nó trở nên tích cực và tâm lẫn trí vẹn toàn. Cha (trong mọi y trang) phải bị truất phế để con có thể trị vì. Cha là Thổ linh thần [3] về mọi phương diện. Cha là một người phân chia công việc cứng rắn, chữ chết của luật, dấu cấm kỵ. Người ta tẩy xoá dấu vết, trở nên điên loạn, đầy sức mạnh giả tạo và kiêu căng điên cuồng. Và rồi người ta đổ vỡ, và cái tôi không phải là tôi đầu hàng. Nhưng Rimbaud không đổ vỡ. Chàng không truất phế cha, chàng tự đồng hoá với Ngài. Chàng làm vậy vì kiêu căng, vì quyền hạn cũng như vì tính thái quá, sự dông dài, vô trách nhiệm của chàng. Chàng đi quá sang cực đoan bên kia, trở thành chính kẻ thù mà chàng ghét. Tóm lại chàng thoái vị trở thành một vị thần lang thang đi tìm vương quốc của mình. ”Tự thiến mình chẳng phải là cách chắc chắn nhất để hành hạ mình hay sao?” (đây là một trong nhiều câu hỏi chàng đặt ra trong cơn hấp hối). Và đó chính là điều chàng làm. Chàng tự thiến mình bằng cách khước từ vai trò chàng được lựa chọn. Có thể rằng trong Rimbaud ý nghĩa của tội lỗi đã bị hao mòn?
Ghê gớm thay cuộc tranh đấu tranh thủ quyền năng, của cải, an ninh, chàng phát khởi trong giai đoạn “hoạt động” của đời chàng! Chẳng lẽ chàng không nhận thức được kho tàng phong phú nào chàng thủ đắc, quyền năng ghê gớm nào chàng nắm trong tay, sự an ninh hoàn toàn nào chàng biết khi chàng chỉ đơn thuần là một thi sĩ sao? (Tôi mong muốn tôi có thể nói rằng chàng tự phát lộ mình là thi sĩ của hành động nữa, nhưng mà những tai biến rải rác trong phần sau của cuộc đời chàng chẳng bao giờ phát triển thành những truyện ngẫu nhiên có lợi cho con người hành động cả). Không, có một sự mù quáng bất khả thăm dò, và sự mù quáng của Rimbaud thuộc loại này. Một lời nguyền rủa đã đặt lên chàng. Chẳng những chàng mất ý niệm về chiều hướng mà chàng còn mất cả cảm quan nữa. Tất cả mọi sự đều sai nhịp. Chàng thay đổi danh tính hoàn toàn đến nỗi giá chàng có gặp chàng đi qua đường chàng cũng chẳng thể nhận ra mình. Có lẽ đó là cách tuyệt vọng cuối cùng của sự điên cuồng lừa dối – trở nên vô cùng khang kiện tinh thần để người ta không tự biết mình điên loạn. Rimbaud không bao giờ mất sự tiếp xúc với thực tại: ngược lại, chàng ôm ấp nó như một tên yêu quỷ. Mục đích chàng là làm bỏ rơi bản chất chân thật của chân thân chàng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chàng chán chường muốn chết. Chàng không thể sống nổi với mình, Vì tự ngã đó đã bị tịch thu. Về phương diện này người ta nhớ một của Lautréamont: “Tôi tiếp tục sống như nham thạch! Ở khởi điểm cũng như tận điểm của đời sống, thiên thần ngừng giống nhau: đã xa xôi biết chừng nào kể từ ngày tôi ngừng giống tôi!”
Người ta có cảm tưởng rằng ở Abyssinie chàng còn cắt cả bộ phận trí nhớ đi nữa. Nhưng về cuối đời, khi chàng đã trở thành “kẻ bệnh hoạn bất lực vĩ đại”, khi cùng với sự hoà hợp của tay, chàng cuốn sợi dây của những giấc mơ bị nén chặt thì những kỷ niệm quá khứ trào vọt lên. Đáng thương cho chúng ta biết bao khi không ghi lại được cái ngôn ngữ lạ lùng mà chàng lảm nhảm trên giường bệnh, chân đã bị cưa đi, một cái bướu vĩ đại mọc càng ngày càng lớn ở đùi, những mầm mống ung thư khả nghi lưu chuyển trên khắp người chàng như những kẻ cướp giật. Mộng tưởng và ảo ảnh tranh đua nhau trong một tẩu khúc [4] bất tận và không có một thính giả nào ngoài cô em gái tận tuỵ, người ngày đêm cầu nguyện cho linh hồn chàng. Bây giờ những giấc mơ chàng mộng tưởng và những giấc mơ chàng sống lẫn lộn với nhau; tinh thần cuối cùng thoát khỏi xiềng xích, lại trỗi điệu lên.
Cô em chàng cố gắng cho chúng ta một mối hồ nghi về những hoà khúc không ghi lại này. Nếu tôi nhớ rõ, cô nhấn mạnh về thiên tính của những hoà khúc ấy. Chúng không phải là thơ cũng không phải là ánh sáng khải ngộ như chúng ta được khuyến khích tin tưởng. Chúng là tất cả cộng thêm một cái gì, có lẽ, giống như cái mà Beethoven cho chúng ta trong những tứ tấu khúc cuối cùng. Chàng không đánh mất nét tài hoa của bậc thầy; trái lại, với sự gần kề của cái chết, chàng còn thiên tài hơn cả khi chàng còn đang ở tuổi thanh xuân. Bây giờ chàng là những tẩu khúc, những nhạc cú không ồn ào, chát chúa tuy đầy ánh sáng khải ngộ mà thuộc về phần tinh hoa và tinh tuý thu lượm trong cuộc chiến đấu với ác quỷ khắc khổ nhất, đó là Đời sống. Kinh nghiệm và óc tưởng tượng bây giờ hoà hợp để hình thành một ca khúc. Ca khúc đó là một tặng phẩm chứ không phải là một lời nguyền rủa hay trù ếm. Nó không còn là âm nhạc của chàng, thi ca của chàng nữa. Tự ngã đã bị đánh bật rễ, bài hát và nhạc cụ trở thành một. Đó là lễ vật của chàng đặt lên bàn thờ của lòng ngạo mạn bị truất phế. Đó là sự bội giáo. Sáng tạo không còn là kiêu căng, thách đố hay tự cao tự đại mà là trò chơi. Bây giờ chàng có thể chơi đùa trên giường lâm chung như chàng có thể cầu nguyện vì công việc như một kẻ chịu khổ đau của chàng đã kết thúc. Sóng thuyền của chàng cuối cùng đã gãy đôi, chàng bắt đầu ra khơi. Có lẽ trong những giây phút cuối cùng này chàng hiểu rõ mục đích đích thực của cần lao con người, rằng nó là nô lệ khi nối kết với một cứu cánh mù quáng hay vị kỉ và hân hoan khi nó được thực hiện nhằm phục vụ nhân quần.
Không có niềm hân hoan nào giống như niềm hân hoan của kẻ sáng tạo, vì sáng tạo không có mục đích nào khác ngoài sáng tạo. ”Chúng ta hãy tập luyện cho khéo léo những ngón tay, nghĩa là tất cả những tiếp điểm của chúng ta với ngoại giới” ngày xưa có lần chàng đã hối thúc như vậy. Theo một ý nghĩa tương tự, Thượng đế tinh luyện những ngón tay của Ngài – khi Ngài nâng con người lên bình diện sáng tạo. Sự rung động của sáng tạo được cảm qua khắp tạo vật. mọi hình thức, mọi cấp bậc vật thể từ thiên thần tới sâu bọ, đều tranh đấu để cảm thông với những chủng loại ở trên và dưới. Không nỗ lực nào mất mát, không âm nhạc nào không được nghe. Nhưng trong tất cả mọi sự lạm dụng sức mạnh, không phải chỉ một mình Thượng đế bị tổn thương mà chính sự Sáng tạo cũng bị ngừng lại và Giáng sinh trên Trần gian bị trì hoãn lâu hơn nữa.
“Ah! Je n’aurai plus d’envie:
Il s’et chargé de ma via.
Salut à lui chaque fois
Que chante le coq gaulois”
Tôi chuyển vị những câu song đối này một cách phóng túng trong cùng tinh thần mà ngày xưa có lần tôi đã sai lầm dịch chữ “il” là Dieu. Tôi không thể ngăn cản mình tin tưởng rằng sự lôi cuốn không thể tránh khỏi về phía le bonheur mà Rimbaud nói có nghĩa là niềm hân hoan tìm thấy Thượng đế. Alors - “salut à Lui chaque que fois que…”
Tôi tự hỏi tại sao tôi lại ngưỡng mộ Rimbaud trên tất cả những nhà văn khác? Tôi không tôn sùng tuổi trẻ cũng chẳng dối mình tin rằng chàng vĩ đại như những nhà văn khác mà tôi có thể kể tên ra. Nhưng có một cái gì trong chàng khiến tôi xúc động mà không tác phẩm của người nào làm được. Và tôi đến với chàng qua lớp sương mù của một ngôn ngữ mà tôi chẳng bao giờ chế phục được! Quả thế, chẳng cần phải đợi đến lúc tôi cố gắng một cách điên cuồng dịch chàng tôi mới bắt đầu thẩm định được đúng đắn sức mạnh và vẻ đẹp của câu văn chàng đâu. Trong Rimbaud tôi nhìn thấy chính tôi như trong một tấm gương soi. Không có điều gì chàng nói, lại xa lạ với tôi, dầu ngông cuồng phi lý hay khó hiểu đi chăng nữa. Muốn hiểu người ta phải hàng phục, và tôi nhớ một cách rõ ràng tôi đã hàng phục ngay buổi đầu tiên tôi đọc lướt qua tác phẩm chàng. Ngày hôm đó, cách đây hơn mười năm, tôi chỉ đọc vài hàng và run như một phiến lá, tôi gạt cuốn sách đi. Lúc đó và ngay cả ngày nay, tôi có cảm tưởng rằng chàng đã nói tất cả cho thời đại chúng ta. Như thể chàng đã cất một cái lều trên khoảng không. Chàng là nhà văn duy nhất mà tôi đọc đi đọc lại không chán và sự thích thú không suy giảm, luôn luôn khám phá ra một và điều mới lạ trong chàng, luôn luôn xúc động sâu xa bởi sự tinh khiết của chàng. Bất cứ điều gì tôi nói về chàng bao giờ cũng sẽ chỉ là tả thực, không gì hơn là một toan tính lại gần – hay hơn nữa một apercu. Chàng là một nhà văn mà thiên tài khiến tôi ganh tỵ; tất cả những nhà văn khác, dù vĩ đại đến đâu cũng chẳng bao giờ khơi dậy nổi lòng ghen ghét đố kị của tôi. Và chàng chấm dứt văn nghiệp năm mười chín tuổi! Nếu tôi đọc Rimbaud lúc trai trẻ e rằng tôi sẽ chẳng bao giờ viết một dòng. May mắn thay đôi khi sự ngu muội của chúng ta!
Cho đến khi tôi lướt qua Rimbaud, chính Dostoievsky là người ngự trị tối cao. Theo một chính nghĩa nào đó, cũng như Đức Phật, ông bao giờ cũng sẽ thân ái với tôi hơn đấng Christ. Dostoievsky đến từ đáy thẳm sâu, ở đó vô lượng thời gian và trồi lên như một con người toàn diện. Tôi thích con người toàn diện. Và nếu tôi phải sống chỉ một lần thôi trên trái đất này, thì lúc đó tôi thích được biết nó như Địa ngục, Lò luyện tội và Thiên đàng, tất cả trong một. Rimbaud đã cảm nghiệm một cõi Thiên đàng, song nó quá xanh non. Song le, bởi kinh nghiệm đó, chàng có thể cho chúng ta một hình ảnh linh động hơn về Địa ngục. Cuộc đời đàn ông của chàng, dầu chẳng bao giờ chàng là một người đàn ông trưởng thành, là một Lò luyện tội. Nhưng đó là số phận của phần lớn nghệ sĩ. Điều tôi vô cùng quan tâm nơi Rimbaud là viễn tượng Thiên đàng tìm thấy lại, Thiên Đàng kiếm được của chàng. Viễn cảnh này, dĩ nhiên, là một cái gì tách biệt với vẻ rực rỡ và kỳ diệu của ngôn ngữ chàng, điều tôi coi là vô song. Điều khiến tôi thất vọng là cuộc đời chàng, nó mâu thuẫn xiết bao với viễn tượng của chàng. Bất cứ khi nào đọc cuộc đời chàng, tôi đều cảm thấy rằng chính tôi nữa cũng thất bại, rằng tất cả mọi người chúng ta đều thất bại.
Vậy thì tại sao bây giờ tôi ngưỡng mộ chàng trên tất cả nhà văn khác? Bởi tại sự thất bại của chàng có tính cách vô cùng giáo huấn? Bởi tại sự thất bại của chàng đã kháng cự cho đến giây phút cuối cùng? Tôi công nhận, tôi yêu tất cả những người được gọi là phản kháng và thất bại. Tôi yêu họ bởi họ rất người rất “phàm phu quá phàm phu” chúng ta biết rằng Thượng đế yêu họ trên tất cả những người khác. Tại sao? Bởi tại họ là một mảnh đất thí nghiệm của tinh thần? Bởi tại họ là những kẻ bị hy sinh? Thượng đế hoan hỷ xiết bao khi đứa con hoang trở về. Đó là sự phát minh của con người hay của Thượng đế? Tôi tin rằng nơi đây con người và Thượng đế nhìn thẳng vào đáy mắt nhau. Con người đi lên, Thượng đế đi xuống; đôi khi tay người và Thượng đế đụng chạm nhau.
Khi tôi hồ nghi như tôi yêu ai hơn ai, những kẻ đối kháng hay những kẻ đầu hàng, thì tôi biết ngay rằng họ giống nhau và là một. Có một điều chắc chắn, là Thượng đế không muốn chúng ta đến với Ngài trong sự hồn nhiên trong trắng. Chúng ta phải biết tội lỗi và điều xấu, chúng ta phải lạc lõng khỏi đường ngay hư mất, trở nên ương ngạnh và tuyệt vọng: Chúng ta phải kháng cự chừng nào chúng ta còn đủ sức mạnh để kháng cự, hầu cho sự đầu hàng được hoàn toàn và đê hạ. Đặc ân của chúng ta, những tinh thần tự do, là tuyển chọn cho Thượng đế với mắt mở rộng, với âm hồn tràn đầy, với ước vọng trĩu nặng hơn mọi ước vọng. Kẻ ngây thơ vô tội! Thượng đế chẳng có ích gì cho hắn. Hắn là kẻ ”chơi đùa ở Thiên đàng tới thiên thu” Trở nên càng ngày càng ý thức hơn, càng ngày thai nghén nặng nề hơn với hiểu biết, trở nên càng ngày càng chồng chầt nặng trĩu hơn với tội lỗi – đó là đặc ân cúa con người. Không một người nào thoát khỏi tội lỗi, tới bất cứ bình diện nào con người đạt tới, hắn cũng bị bủa vây bởi những trách nhiệm mới, tội lỗi mới. Nhằm huỷ hoại sự trong trắng vô tội của con người. Thượng đế chuyển hoán hắn vào con đường tiềm thế. Qua lý trí và ý trí Ngài cho hắn quyền lựa chọn. và con người trong sự hiểu biết của hắn bao giờ cũng chọn Thượng đế.
Tôi nói lại giây lát về sự sửa soạn một cuộc sống mới của Rimbaud dĩ nhiên có nghĩa là diễn tiến cuộc sống tâm linh vậy. Tôi muốn nói thêm một chút về điều đó, thêm rằng không những sự sửa soạn này thiếu sót và sai lầm mà chàng c̣n là nạn nhân của một sự ngộ nhận trầm trọng về tính chất của vai tṛ chàng. Nếu chàng biết một không khí tâm linh khác, cuộc đời chàng hẳn phải quay sang một hướng khác. Nếu chàng có dịp giao tiếp với một bậc thầy hẳn chàng chẳng bao giờ tự khiến mình trở thành một kẻ tuẫn đạo. Chàng đã sẵn sàng cho một thứ phiêu lưu hoàn toàn khác hẳn thứ phiêu lưu chàng đã trải qua. Và theo một ý nghĩa khác, chàng không sẵn sàng, bởi vì, theo phương ngôn, khi đệ tử sửa soạn sẵn sàng, đấng đạo sư đã có ở đó tự bao giờ rối. Điều khó khăn, là chàng công nhận “ni Maitre, ni Dieu”. [5] Chàng đang cần giúp đỡ khủng khiếp, nhưng lòng kiêu ngạo của chàng lớn quá. Tốt hơn tự hạ mình, tốt hơn cúi mình, chàng lại giao mình cho bầy chó. Chàng chỉ có thể giữ mình nguyên vẹn bằng cách khước từ ý hướng của chàng không những là một cống vật cho sự tinh khiết của chàng mà còn là một sự lên án của thời đại. Tôi nghĩ tới Boehme, một người thợ vá giày, người có thể nói chẳng có một ngôn ngữ nào, thế mà đào luyện được một ngôn ngữ riêng cho mình, và với ngôn ngữ đó, làm bối rối những kẻ không được khải ngộ, truyền đạt thông điệp của mình tới toàn thể thế giới. Dĩ nhiên người ta có thể nói rằng bằng cách im tiếng đột ngột, Rimbaud cũng đã thành công trong việc truyền đạt cảm thông, nhưng đó không phải là chủ ý của chàng. Chàng khinh bỉ thế giới muốn hoan hô chàng, chàng khước từ không cho tác phẩm của chàng có một giá trị nào. Nhưng việc đó chỉ có một ý nghĩa duy nhất – là chàng muốn được đánh giá theo pháp định! Nếu người ta muốn đi sâu hơn vào hành động khước từ này, thì lúc đó người ta có thể so sánh sự khước từ của chàng với sự khước từ của đấng Christ. Và có thể nói rằng chàng chọn khổ hình hầu cho nó một ý nghĩa vĩnh viễn bền lâu. Nhưng Rimbaud lựa chọn một cách vô thức. Chính những kẻ cần chàng, những kẻ chàng khinh bỉ, đã gán cho tác phẩm và cuộc đời chàng một ý nghĩa. Rimbaud phủi tay, chàng không sửa soạn nhận lãnh trách nhiệm những lời nói của chàng, vì biết rằng chàng chẳng thể được chấp nhận theo giá pháp định.
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Tôi viết nghiêng
[2]“Kẻ nào không chấp nhận thân phận mình thì phải bán rẻ tâm hồn mình.” G. c. D
[3]Saturnian: - a) Thuộc về Thổ Tinh, thần canh nông, trong thần thoại La Mã – b) Thịnh vượng, hoà bình – G. c. D.
[4]fugue – G. c. D.
[5]“Không sư phụ, không Thượng đế” – G. c. D.
Nguồn: Henry Miller, The Time of the Assassins - A Study of Rimbaud, New Directions 1955. Bản Việt ngữ của Nguyễn Hữu Hiệu: Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud. Hồng Hà, 1970.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét