19/7/10

Nguyễn Đình Toàn - Ngày tháng (2)

Nguyễn Đình Toàn
Ngày tháng


Trưa thứ Bảy, mười hai giờ rưỡi hết giờ làm, tôi xếp dọn hồ sơ cho vào ngăn kéo khóa lại, xem nào, hôm nay tôi không mang áo mưa, không mang dù, vậy thì không có gì để quên, câu chuyện nói với người bạn Hoa Kỳ hình như phải đợi đến giây phút trầm trầm lắng lắng một mình này tôi mới cảm thấy hết ý nghĩa của nó. Người tùy phái ra về cuối cùng đã xuống đến lưng cầu thang, tôi nghe rõ tiếng chân bác ta bước lệt xệt trên bực đá, bây giờ đến lượt tôi, buổi trưa nắng gắt, tiếng máy xe nhiều loại nổ lẫn lộn vang từ nhà để xe phía sau sở chạy qua sân đằng trước ra đường, tôi có cảm giác kỳ lạ như đã bị xúc phạm, nhưng không hẳn là như thế, nắng chói mắt, một sự buồn nản nào bắt đầu cùng với các khớp xương đầu gối, hai khuỷu tay và hai bả vai mỏi thấy rõ, tôi thử cử động hai tay tựa một người tê liệt, làm gì đến nỗi thế, những tàn cây xanh tươi như không còn làm nổi bóng mát, mà thật thế, mặt nhựa bốc khói và ở chỗ vỉa hè, nơi tôi đứng đợi Vinh, có những vết xe hằn trên nhựa chảy, mặt trời giữa trưa chiếu thẳng trên các đỉnh cây thu gọn bóng dưới gốc, gió chỉ là hơi nóng vận chuyển thổi vào mặt rất khó chịu. Nắng đè nặng trên đầu, đeo kính râm còn không thể nhìn mà không phải nheo mắt, đứng chừng năm phút sờ lên tóc thấy nóng bỏng, phải kiếm một chỗ nào có mái hiên đứng vậy, nhưng quanh sở chẳng có một nhà nào có hàng hiên, đi xa sợ Vinh đến không gặp, mọi người trong sở đã đi ra gần hết, loay hoay một lúc tôi đứng vào trong chiếc chòi gỗ của người cảnh binh gác cổng, dẫu sao đứng đó chỉ có hơi nóng chứ không phải đội nắng, hoa cả mắt, xe cộ ở các khu phố dưới dồn lên kẹt cứng ngoài đường, một tai nạn ở đầu ngã tư càng làm xe kẹt lại nhiều hơn nữa, tiếng còi cảnh sát thổi ré, còi xe hơi inh ỏi, đi đâu mà vội thế, người ta đang chết ở đầu phố mà, mấy người đàn ông ngồi trong một chiếc xe ngó tôi cười, chắc họ cười cách trú nắng kỳ cục của tôi. Thế rồi đoàn xe cũng rút được hết. Tôi ngó qua cái lỗ thủng khoét ở vách bên cạnh nhìn ra ngã tư nơi vừa xảy ra tai nạn, không biết nạn nhân đã được mang đi chưa, có thể chẳng có ai chết, chẳng có ai bị thương cũng nên. Vinh tới, bấm còi và tôi chạy ra, anh mở sẵn cửa xe cho tôi lên, chạy qua ngã tư tôi nhìn xuống mặt đường còn thấy một vũng máu đã tím đen, vết bánh xe chạy qua chạy lại đã dính đi gần hết. Tôi nói, vừa có tai nạn ở đây. Còn máu anh này. Vinh chặc lưỡi, hất hàm ra đằng trước, có vẻ anh muốn bảo tôi nhìn làm gì. Mồ hôi rịn trên trán và cổ, tôi phải lấy khăn tay chùi hai ba lần, mặc dù xe chạy nhanh nên có gió mát, trong đầu tôi hằn rõ vũng máu vừa nhìn cùng những vết nhựa ướt đen nhánh nhăn nheo theo các khía lốp xe ở mặt đường chỗ tôi vừa đứng chờ Vinh. Chúng tôi tới ăn cơm ở một tiệm cơm Tây bình dân. Vinh uống rượu vang và tôi uống nước ngọt. Bữa ăn chẳng có gì ngon lành nhưng tôi cũng ăn đủ ba món. Cá rán. Đậu xanh. Và lưỡi bò sốt cay. Tôi có cảm tưởng bị sa sút thật sự. Giá chồng tôi không bị chết, có lẽ chưa bao giờ có bữa ăn như tôi đang ăn với Vinh đây, cũng chẳng bao giờ có bữa ăn như sáng nay, chẳng bao giờ tôi có thể nghe một người nhất thiết hỏi cưới mình, đề nghị lấy mình một cách thẳng băng như bất cứ một việc nào khác thế, tôi biết rằng tôi chẳng còn gì ở quanh mình, tôi đã trơ trụi, tôi dấu Vinh không nói lại với anh điều người Mỹ đã nói với tôi buổi sáng. Em ăn tráng miệng bằng đu đủ hay chuối? Đu đủ. Và anh kêu cho em một tách trà nữa. Tôi kín đáo nhìn ngó những người ăn trong tiệm. Tôi cũng chẳng hiểu họ sống như thế nào, gia đình ra sao, để mỗi bữa đều đến ăn ở tiệm thế này, chắc cũng có những người chỉ ăn một bữa chơi, nhưng phần đông hẳn như chúng tôi, các quán ăn là nơi ăn thường trực. Không có cái thú cũng chẳng có cái bực mình phải tự sửa soạn bữa ăn, tự lau rửa lấy chén bát, không tạo ra được một kỷ niệm, một sự thân yêu nào với những vật dụng thường ngày, điều ấy nghĩ cho cùng cũng chẳng sao, dĩ nhiên chỉ thiếu đi một tí, một tí thôi, cái sức nặng giữ mình dính liền với mặt đất. Ngày ra khỏi căn cứ của chồng tôi, tôi đã bán cho hết những đồ dùng cũ, chén bát, giường tủ, bàn ghế, tôi muốn thanh toán với quá khứ? Tôi không biết, tôi thấy người nhẹ tênh, và tôi muốn tôi còn được nhẹ hơn nữa, nhưng quá khứ cũng như tuổi không thể tách ra khỏi mình, nó chồng chất đâu đó trong hư không nhưng không thiếu một giây, một phút trong mình, tôi không thể bỏ những gì thuộc về đời tôi, không có sức hút của những vật nhỏ bé đó người mình sẽ nhẹ tênh một cách thảm hại, tôi đã chỉ làm cho tôi thêm thảm hại, tiều tụy mà thôi, thảm hại, tiều tụy đối với chính tôi.

Chúng tôi trở về building, nhìn đồng hồ tay đã hơn một giờ. Tôi vặn quạt số lớn, khóa cửa, cởi bỏ quần áo, ngủ trưa. Mấy ngọn đèn xanh đỏ ở ngã tư đường, cháy lên và tắt đi, vũng máu đã khô đen, vết nhựa chảy, tất cả mấy thứ đó nhấp nháy trong đầu tôi, tôi tự nhủ phải cố ngủ đi một tí, khói thuốc lá của Vinh làm tôi thèm, chúng tôi hút thuốc, tôi xoay mặt vào tường, Vinh lăn trở ra, tôi nói, ngủ đi anh, trưa mệt chết. Nhưng không khi nào Vinh ngừng lại đâu, tôi biết, tôi không hưởng ứng nhưng cũng không phản đối, tôi cũng nghĩ, cái việc đó thích thú nhất chính là lúc mình tỉnh táo nhất, nếu không chỉ có giây phút cuối cùng, cái giây phút gay gắt sau cùng là đáng kể. Những tiếng động dưới phố nghe như vọng từ một vực thẳm, tôi nhắm mắt tập trung sự bình tĩnh, nhưng dầu sao vẫn nghe tim đập nhanh hơn lúc thường, ngọn đèn xanh đã tắt bây giờ đến ngọn đèn đỏ, đến con phố lướt qua, mặt nhựa trôi tuột dưới những bánh xe, sự vuốt xe nhẹ nhàng nuôi từng chút cảm giác cho lớn dần, rồi thoát ra như mạch nước, tôi giữ cứng thân thể không cho chuyển động, và trong một giây mặt mũi bỗng tối sầm, một chút hư không nhòa nhạt làm run rẩy hết chân tay nâng thân thể lên rất cao, rồi thả xuống, lắng chìm từng cơn, lửng lơ giữa ý thức bắt đầu thấy lại.

Vinh ngủ thiếp ngay trên người tôi, tôi phải dùng sức đẩy anh xuống bên cạnh, sự mệt nhọc và cáu kỉnh làm tôi muốn la lên thành tiếng, nhưng tôi đã nằm im, nằm im như con vật chịu thua, cả người bải hoải, nhưng đầu óc sáng suốt, một sự sáng suốt rỗng không, hai thái dương nổi gân máu, tôi có cảm tưởng sự sáng suốt đang reo thành hơi trong óc. Vinh ngủ như chết. Tôi hé mắt nhìn anh.

Căn phòng sáng thứ ánh sáng nhờ của nắng hắt qua những khe cửa đóng kín, mặt Vinh xanh nhợt, chiếc quạt máy quay vù vù trên đầu, cái không khí, cái hình ảnh ấy hình như tôi đã sống, tôi nhìn thấy bao lần rồi, tôi đã sống như kẻ lặp lại đời sống của chính mình, lặp lại nhưng không làm được một việc gì giống, không giống như một cách lặp lại mãi đời sống của mình, người ta có thể chết sau cuộc giao tình thứ nhất và không thiệt hại không mất mát gì hết, hoặc là người ta đã được tất cả hoặc người ta đã mất hết sau giây phút đó. Máu chảy rất mạnh trong hai động mạch ở thái dương, tôi chặn mạnh hai ngón tay hai bên tự nghe mạch mình, tôi chẳng hiểu được gì dù nó có chạy mạnh gấp đôi hay gấp ba như thế, nhưng tôi vẫn tự làm bộ nghe ngóng mình, hình như tôi đã sống và nghe ngóng đời sống của mình một cách tương tự. Người ta nói rằng đàn bà không có con thì không thành đàn bà được, thiếu điều kiện để trở thành đàn bà, tôi không có con (có làm gì?) tôi không phải đàn bà, vậy tôi là cái giống gì đây? Thành phố không còn một tiếng động nào, có lẽ tại tôi đã ngủ, chỉ còn nghe tiếng Vinh thở, tiếng sơn tróc trên các cánh cửa sổ vì nắng, không, vẫn còn tiếng một chiếc xe hơi nào qua bên dưới building, ngọn đèn xanh, cơn buồn bây giờ như những cặn bụi đã lắng xuống đáy thân thể, ngọn đèn đỏ và vũng máu, lướt qua, lẫn dần vào trong những đám khói đùn lên mù mịt.



*


Vinh lại bỏ đi với các công việc của anh. Tôi lại sống những ngày một mình, buổi sáng đi làm, trưa ăn tiệm, trở về nhà ngủ, có bữa vào rạp hát bóng xem suất trưa, ngủ vài phút, gọi là giấc ngủ trưa trong máy lạnh, hết suất hát vừa đúng giờ làm việc buổi chiều, tan sở đi lang thang hay mua đồ khô về ăn, tôi uống nhiều cà phê và hút thuốc lá mỗi ngày thêm mãi.

Một buổi trưa cả building ồn lên vì có người tự tử chết đã sình thối, anh ta là một giáo sư triết (không biết có phần nào giống người bạn thân mến thời con gái của tôi?) – anh chết như một con chuột cống, chết trên giường nhưng trương phình như người chết đuối, da mặt, bụng và cổ nứt nở, nước vàng chảy thành vũng, không ai còn có thể nhận diện, cũng chẳng có người thân nào đến nhận, cảnh sát được báo tin và người ta đã đến điều tra về cái chết của anh (hình như sau đó một kịch tác gia đã đưa cái chết của anh ta vào kịch, và giải thích như là anh ấy đã chết để minh chứng cho một sự thật) cái xác được mang đi. Suốt mấy đêm sau đó, tôi sợ không ngủ được, đêm phải để đèn, lúc nào tôi cũng tưởng như có người sắp gõ vào cửa phòng mình, tôi chờ đợi hồi hộp và dĩ nhiên là chẳng có ai hết, sự chờ đợi vì thế càng kéo dài, hộp thuốc ngủ lại được dùng đến, tôi uống thuốc để ngủ và lúc thức dậy uống cà phê để chống lại thuốc ngủ. Trong một lúc trí óc đục mù vì giấc ngủ chưa đi hết và cà phê kích thích như thế, tôi nghe tiếng động ngoài cửa thật, tôi không còn nhớ mình còn chờ đợi tiếng gõ đó không, tôi cũng quên tôi sợ người chết, nhưng khi tôi mở cửa thấy một cái xác mặt mũi nhăn nheo đổ vào người tôi, tôi chỉ còn kịp la lên một tiếng thất thanh, tiếng la của tôi làm cả mấy từng lầu hoảng sợ, người ta mở cửa chạy ầm ầm lên, và cái xác, cái người vừa ngã vào tôi hình như cũng bị tiếng thét làm cho tỉnh dậy, hắn lắp bắp xin lỗi, run lẩy bẩy đi lùi trở ra, lúc ấy tôi mới nhận ra đó là người đàn bà Pháp già ở từng dưới, bà ta cùng ở một số phòng với tôi nhưng ở từng dưới vì say rượu nên đã đi nhầm lên đây, và định mở cửa phòng tôi, sự ồn ào của mọi người vừa chạy tới hỏi thăm nhau làm bà ta thêm hoảng, bà lùi lũi đi như chạy xuống dưới nhà. Người ta hỏi tôi chi vậy, chi vậy? Tôi chỉ theo người đàn bà già và nói bà ta say rượu nhầm phòng và làm tôi sợ. Mọi người cười ầm và cũng nhân dịp đó tôi đã làm quen với một vài người ở chung quanh, tôi đã nhìn thấy người ta đánh bạc sau một cánh cửa vừa được khép lại, tôi đã gặp một cô gái bỏ nhà đến ở với tình nhân trong căn phòng đối diện với phòng tôi, cô ta còn sợ sệt hết cả mọi người, sợ sệt ngay cuộc liều thân của mình, những ngày sau hôm xảy ra vụ lầm lẫn tức cười đó, cô thỉnh thoảng sang chơi với tôi nói chuyện và thú thật những điều đó. Cô nói không biết ba má em tìm kiếm em ra sao? Chắc ông bà rầu lắm. Cô còn trẻ, chưa đến hai mươi tuổi, đẹp và khá khỏe mạnh, tóc hớt ngắn kiểu con trai nhưng có dáng hiền lành của con nhà tử tế. Tôi mời cô uống trà mỗi buổi tối, những hôm chồng cô không về, chồng cô, cái tên gọi ấy cũng là một điều phiền nhiễu, vì thực ra có phải thế không chứ, nhưng dầu sao thì đó cũng là chuyện của cô ta. Cô hỏi tôi chị ở một mình sao? Tôi cười với cô và gật đầu. Tôi cũng nói tôi vừa bị góa. Cô cho biết cô đang học năm thứ hai tại trường sư phạm thì có thai và phải bỏ học, tới đây thuê nhà ở, nhưng cái thai sau đó bị hư, chồng cô đang học thuốc, còn hai năm nữa mới ra trường, để có tiền cho hai người tiêu dùng, buổi tối anh phải đi dạy học, cô sợ uống cà phê nhưng pha cà phê rất khéo, bởi khi còn ở nhà vẫn phải pha cho ông cụ, sự quấn quít của cô đối với tôi nhiều lúc làm tôi bực mình, nhưng cũng có những buổi tối được nói chuyện bá láp với cô cũng đỡ buồn, cô cũng mang người chồng sang giới thiệu với tôi, họ mời tôi đi ăn một bữa, tôi cũng mời lại họ ăn một bữa, nhưng tôi không thể nào làm thân được với họ, có một cái gì giả giả trong cuộc tình này, nhưng cả hai đều làm ngơ như không biết, có thể họ không biết thật cũng nên, nhiều buổi tối trở về nhà khuya, nhìn suốt cái hành lang vắng vẻ mờ mờ trong ánh sáng của ngọn đèn vàng ở cầu thang cuối hành lang, đi qua cửa phòng cô bé, tôi muốn gõ cửa phòng cô nhưng không làm việc này, và tôi trở về phòng mình với sự thích thú ngấm ngầm được thảnh thơi một mình, thật là buồn khi nghĩ chẳng bao giờ thấy mình được giơ tay gõ lên một cánh cửa nào dù vừa gõ vừa khóc, hay hồi hộp, hay dửng dưng chờ đợi, nhưng cũng thật là nhẹ thân khi có thể đi qua những cánh cửa mà không buộc lòng phải gõ lên đó. Người ta đã quét vôi sơn phết lại căn phòng người giáo sư tự tử và hình như đã có người đến thuê ở. Nghĩ đến ngày nào có người đến tìm anh, gõ cửa, thấy người lạ ra mở cửa và cho biết anh đã chết, người đến tìm anh là mẹ, là em, là người tình của anh nếu thế có lẽ sẽ khóc, rồi sẽ đi xuống cầu thang và sẽ cũng biến mất như anh chẳng còn bao giờ trở lại đây nữa. Lý do nào đã khiến anh ta chết? Lý do nào đủ để cho người khác sống?

Nhưng không có một người nào đến kiếm anh hết, có thể nào lại có người không có đến một người thân thích. Người đến building tìm người quen lại là người bạn Hoa Kỳ, đến tìm tôi. Cái này thì tệ quá đi mất. Một người Hoa Kỳ đến tìm một người đàn bà ở một mình trong building như ở đây là chuyện chẳng có gì lạ, nhưng chính cái sự không có gì lạ ấy, tự nó đã đủ ý nghĩa quá rồi. Ông ta đến thăm tôi và mang theo một gói quà lớn, một chiếc máy vô tuyến truyền hình và nói để biếu tôi xem cho đỡ buồn, vì ông nghe nói Việt Nam vừa thiết lập được một đài truyền hình. Sự việc ông ta đến tìm tôi ở đây, khiến tôi choáng váng, trong mấy phút đầu tiên gặp ông gần như tôi không nói được một tiếng nào. Dần dần tôi lấy lại được bình tĩnh và tôi nghĩ tôi phải nói thẳng với ông để ông hiểu rằng, việc ông xin cưới tôi, bữa ông mời tôi đi ăn sáng, tôi trả lời như thế là rõ ràng, tôi không thể nào nhận lời ông được. Nhưng có lẽ ông không muốn tin như thế, ông không tin người ta có thể từ chối tiền bạc, nghĩa là từ chối một đời sống an nhàn sung sướng, ông còn theo đuổi tức là ông muốn được giải thích, có lẽ ông còn nghĩ rằng, nếu ông biến được tôi thành cái bia thì thế nào cũng có lúc ông bắn trúng. Có lẽ tôi phải nói cho ông ta hiểu rõ một lần, dứt khoát, là có những việc tự nó đối với mình đã là một cái gì ở ngoài mình chẳng cần đến sự xét lại, tôi rất cảm ơn lòng tốt của ông đối với tôi nhưng cư xử với tôi như thế này, quả thật ông đã đặt tôi vào sự khó khăn. Tôi cũng nói là tôi không thể nào đi qua một bức tường. Mặt ông ta thoáng vẻ bất bình, ông nói, có thật bà thấy giữa bà và cái màu da trắng của tôi có một sự cách biệt khủng khiếp đến như thế không? Tôi nói, điều tôi vừa nói với ông không có nghĩa đơn giản như thế, sự xa lạ chỉ xảy ra, khi tôi phải nhìn ông qua vai trò ông muốn tôi đóng mà thôi. Bởi vì mỗi người sinh ra đều có một giới hạn nào đó để sống, hắn không thể vượt qua giới hạn ấy mà không trở thành hư không. Chợt nhận ra mình được đưa tới chỗ chỉ cần một hành động có thể hư không hóa cả đời mình hắn không thể không sợ. Tôi nói, và những tiếng nói thoát khỏi tôi như một cơn bàng hoàng và thốt nhiên tôi cũng nhận ra được một điều, nếu phải nói và tự nghe lấy tiếng nói của mình, người ta không thể không cảm thấy cái chết ẩn trong đó, cái vận chết chuyển trong ruột gan, trong trí óc bằng phẳng của tôi và đang thoát ra khỏi cửa miệng. Đến một lúc tôi nhận ra chân tay tôi run rẩy và tôi không làm sao giữ lại ngay được. Dường như ông ta cũng nhận ra sự bối rối, tê điếng của tôi, nên tôi thấy ông lắp bắp tìm lời xin lỗi. Tôi cũng cảm thấy có một chút gì quá đáng trong thái độ của mình, nhưng tôi biết làm sao. Sự việc nếu muốn sửa chữa phải được chữa lại ngay từ đầu, nghĩa là đáng lẽ không nên xảy ra cái việc ông ta đến đây. Lúc ông ta ra về rồi, tôi gần như rơi hẳn vào tình trạng vô thức, tôi tự cảm thấy yếu đuối, đến độ hoảng hốt, tôi đóng chặt cửa và leo lên ngồi thu mình trên góc giường, một lát tôi nghe lưng áo cọ trên mặt tường khe khẽ, tôi thở như thở cái thoi thóp của buổi chiều đang rút đi ngoài cửa sổ, cho mãi đến lúc ấy tôi mới nghe tiếng những người ở building, chơi vũ cầu dưới sân, tiếng những trái cầu bị quất dội trên những sợi dây căng của mặt vợt, và tôi cũng biết ra sự xúc động thái quá của mình. Nhưng có một phần nào đó trong cái phần dễ dãi của đời sống tôi đã bị mất đi, tựa tôi đã bị rút đi một ít không khí trong cái bầu khí tôi đang thở, nhưng thực ra có phải như thế không chứ, tôi nhìn chiếc máy còn để nguyên trong hộp trên mặt bàn, tôi sẽ nói thế nào với Vinh về chuyện này, dĩ nhiên có thể tôi chẳng cần nói gì với anh, nhưng tôi phải nói thế nào với chính tôi, có thể đó mới là sự khó khăn. Tôi vẽ lại trong trí cái sân vũ cầu sâu hút bên dưới, tưởng lại những đường sơn trắng của nó, ông ta đã bắt tôi tự trả lời cho tôi một vài điều gì đó mới có thể sống yên ổn được, tôi chợt thấy cái bắp thịt dưới bụng chân bỗng nhiên giật giật từng hồi như bị chuột rút, tôi co chân, kéo quần bóp chỗ đau và nhìn xuống chân mình, nhìn rõ từng vết chân lông trên mặt da trắng nhởn của mình, thấy khô cổ, tôi nuốt nước miếng và muốn đứng dậy thay quần áo xuống phố nhưng tôi biết là tôi sẽ không làm việc đó, vì tôi không biết xuống phố làm gì, tôi đi lại tủ lạnh lấy nước uống, trở lại giường, ra ghế ngồi, tôi vẫn không quyết định nổi sẽ xuống phố hay ở lại nhà, và tôi cứ quanh quẩn như thế hết cả buổi chiều.

Sớm hôm sau tôi đến sở và được nghe người ta nói về sự dò hỏi của người bạn Hoa Kỳ về tôi, đúng như tôi đã phỏng đoán, ông ta không tin rằng tôi có thể chịu đựng được mãi cảnh sống hiện tại của tôi, không biết ông ta đã biết, đã hiểu hay đã tưởng tượng tôi sống như thế nào và ông cho là tôi không thể sống như thế được, ông cũng không tin rằng tôi có thể từ chối tất cả những gì ông sẽ đem tới cho tôi. Có thể tôi đã bị trúng phát đạn đầu tiên của ông rồi, tôi đã bị trúng đạn ngay trong lúc tôi còn nghĩ rằng không khi nào tôi chịu như thế. Vậy thì tôi phải làm thế nào sống được đời tôi, chói lọi như một tia nắng, dù cũ kỹ và bình thường, cũ kỹ như một người đàn bà. Tôi viết cho Vinh một lá thư nói về những ngày cuối năm sắp đến, tôi sẽ cố gắng tìm một căn nhà ngoài phố, mua được càng tốt, không thì thuê tạm, ra khỏi đời sống công cộng ở cái building này, và chúng tôi sẽ ăn với nhau một cái Tết dưới một mái nhà riêng. Nhưng cuối cùng tôi xé bỏ lá thư, tôi không muốn nói trước với Vinh, bởi vì nghĩ cho cùng anh cũng chẳng phải là chồng hay người yêu của tôi, có lẽ chúng tôi có yêu nhau, hay ít hơn có lẽ tôi yêu anh, nhưng nếu yêu nhau chỉ là cách tập cho nhau có thể sống được với nhau, thì cũng chẳng cần hiểu rõ những điều đó làm gì, tôi hãy cứ đi tìm một căn nhà, dọn đồ đạc tới, bữa nào Vinh về tôi sẽ đưa anh lại, nếu chúng tôi có thể ở được với nhau chúng tôi sẽ ở với nhau. Nghĩ thế tôi thấy đời sống thật vừa giản dị và thảm thiết đến muốn khóc. Nó cũng giản dị và thảm thiết như cái chết của chồng tôi sắp đến ngày giỗ cuối vậy.



*


Dự định tìm thuê một căn nhà rồi tôi cũng bỏ dở như lá thư tôi định gửi cho Vinh, nghĩ đến lúc phải dọn nhà mang theo những đồ đạc lủng củng tôi bỗng cảm thấy ngại, hơn thế nữa, thấy sợ, chỗ ở nào rồi cũng đến thế mà thôi, ngày đi làm, đêm về ngủ, vẫn những bữa ăn một mình, những ngày nghĩ quanh quẩn trong phòng không biết đi đâu hay la cà cho đến lúc mệt nhoài mới trở về, nằm xuống giường như nằm xuống để chết, mùi thơm xà bông quen thuộc trên tấm vải trải giường làm thức dậy nỗi mong nhớ bải hoải, Tết Vinh không về, như thế là đến gần ba tháng anh không về, những ngày ướt sũng vì mưa lại bắt đầu, không, có lẽ chỉ là những trận mưa trái mùa, buổi chiều bỗng rét, đêm trong bóng tối của căn phòng, tôi pha những ấm trà nóng rót ủ trong tay những chiếc tách như những hòn than không lửa, thân thể ủ ê, tôi khoan khoái thở những hơi thở lười biếng, ngày thêm u ám, người ta đổ rác cả ra công viên, đường phố bị đào xới để đặt lại cống rãnh và ống dẫn nước, mưa xuống làm cho lầy lội, bẩn thỉu, quán nước cũ ngày nào đã được sửa lại, tấm lưới sắt che kín bên ngoài một lớp kín ngăn hết mọi tiếng động, cũng che không cho thấy mấy tổ chim én dưới thành cửa sổ dãy lầu bên kia đường, trở lại ngồi bên những chiếc bàn mới không tìm thấy những thú vui nhỏ bé xưa, tôi phải quên đi mọi thói quen cũ, tình cờ đọc trên một tờ báo bài thơ của một người nào đề tặng chồng tôi, người ta còn tìm ra được những kỷ niệm với anh trong khi tôi đã mất hết, mưa đem đến những buổi chiều mau tối, nhìn qua những chiếc song sắt và mấy tấm kính mờ hơi nước tôi không còn thể phân biệt được lũ chim én và bầy dơi, chúng bay lượn chập choạng trong bóng đêm rớt xuống đột ngột, quán lắp máy lạnh, quá lạnh trong những buổi chiều mưa như thế này, tôi nhớ Vinh và hình như cả nỗi nhớ ấy có lúc cũng trở nên lạnh lẽo, những tờ báo mua buổi chiều nhiều bữa đọc hết tôi chẳng nhớ được một tin tức nào, tôi sợ cả chỗ ngồi trong quán nước, nhưng vẫn trở lại mỗi ngày, vì không biết làm gì, và khi ngồi vào đó tôi càng thấy tôi không biết làm gì, cho hết đời mình, tôi uống những tách trà lớn và trở về phòng tiếp tục uống những tách khác, nhiều đêm ruột gan cồn cào làm tăng thêm chứng mất ngủ, tôi bắt đầu sợ khi nhìn thấy những hộp thuốc ngủ cứ vơi dần, lượng thuốc dùng đã phải tăng mới thấy hiệu nghiệm, sợ nhưng tôi vẫn phải tiếp tục uống để ngủ, như tiếp tục trở lại ngồi trong quán nước mỗi chiều, bởi nếu không ngủ được còn sợ hơn nữa, nằm trong giường nhìn ra ngoài cửa sổ thấy một mảnh trời nhợt nhạt, lúc nào cũng tưởng như đang rạng sáng, nếu đúng vào hôm đang rạng sáng thật, tôi thấy giá lạnh khắp người vì khiếp hãi, bản năng kêu gọi phải ngủ đi chứ, ngủ đi không thì chết mất, tôi trở dậy đóng cửa sổ, kéo màn che cho tối đen để mong cố ru mình ngủ, lúc ấy tôi mới cảm thấy người ngầy ngật, đứng dậy đi mà muốn ngã, tôi đứng bên cửa sổ nhìn xuống chiếc sân đánh vũ cầu bên dưới, ở dưới sâu đó mặt xi măng cũng trắng nhờ nhờ như bầu trời, rồi cả cái sân bên dưới đó bỗng nổi dềnh lên trước mặt, cái vệt sơn trắng đập thẳng vào trán tôi như một thanh sắt, khiến tôi tối tăm mặt mũi, lúc ấy tôi mới nhận ra không phải tôi chỉ mệt không mà tôi đang muốn xỉu nữa, tôi lảo đảo trở lại giường, ngã xuống, tôi không chịu nổi những đêm thức trắng, những bữa như thế đến thật là khổ, tôi thèm ngủ đến cay sè cả mắt, nhưng tôi biết giá có được nằm xuống, cũng vẫn phải nhờ đến những viên thuốc mới có thể ngủ được, và cứ như vậy người tôi bần thần suốt cả buổi làm.

Mấy người bạn ở sở khuyên tôi nên đi bác sĩ, họ nghĩ có lẽ tôi có thai, nhưng tôi nói không có đâu. Một chứng bệnh ngày còn con gái đã khiến tôi không còn sinh nở được nữa. Thật tình mà nói tôi cũng không muốn có con. Nhưng mỗi lần nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy vang lên trong tiềm thức lời nhắc nhở, không có con thì không phải là đàn bà. Tôi là một người đàn bà không phải đàn bà. Một người bạn gái trong sở cũng nói với tôi, chị muốn sống độc thân, và vì thế chị tin cần có một cuộc thay đổi về sinh lý, vì việc đó giúp cho người đàn bà có thể sống độc thân. Tôi không hiểu rõ chị ấy muốn nói gì. Dù thế nào tôi vẫn nghĩ rằng giá chị đừng có đứa con chị đã có thì vẫn hơn, ít nhất đời sống đối với chị cũng dễ dàng hơn. Người bạn Hoa Kỳ một buổi sáng tới sở, gặp tôi, ông kêu lên, trời ơi, sao bà xanh quá thế. Tôi nói, tôi bị mất ngủ và do đó hơi mệt. Ông nhắc tôi những tên thuốc tôi có thể dùng để bồi bổ lại sức khỏe. Tôi nói cám ơn ông và bảo mấy năm nay tôi bị như thế hoài, nhưng rồi có lúc tự nó sẽ khỏi, không cần phải chữa. Ông ta nhìn tôi cười bảo, nếu bà cứ chữa bệnh một cách bậy bạ như vậy, có ngày thần chết sẽ đến thay vì khỏi bệnh. Tôi cũng cười bảo ông, tôi sẽ không để nó trở về tay không đâu. Tôi cũng hỏi ông có để ý đến nhiều khu phố một số cây đã bị chặt đi không? Ông lắc đầu nói, tiếc quá, nếu các phố ở Việt Nam mà đem chặt hết cây đi thì chẳng còn gì là thành phố Việt Nam nữa. Tôi cười nói đùa với ông, tôi cam đoan với ông là dù người ta có chặt hết cây, Việt Nam vẫn là Việt Nam, không có gì thay đổi cả. Ông cười bảo, bà lạc quan khiếp nhỉ. Tôi nói, chứ không phải là ông bị huyễn hoặc bởi chứng lãng mạn của ông hả. Có gì đáng gọi là lạc quan trong những điều tôi vừa nói với ông đâu. Ông ta kể lại những ngày còn ở trại của ông bên Hoa Kỳ mỗi buổi sáng ông cưỡi ngựa băng qua các cánh đồng cỏ, ngựa chạy mau đến nỗi ông chỉ còn thấy con ngựa của ông chạy trên một màu xanh. Tôi nói không lẽ mới sáng dậy ông đã uống rượu rồi à. Ông nói, ở Hoa Kỳ chỉ có hai thứ whisky nâu và trắng. Vả lại, ông tiếp, với cái dạ dày đau của tôi, nếu uống rượu vào lúc đó, chỉ còn cách kiếm một cái gốc cây nào mà ngồi thôi.

Tôi ngồi thừ người, bỏ ngang câu chuyện với ông, có khi ông ta ra về lúc nào tôi cũng không hay, mặc dù hình như chúng tôi có chào nhau, tôi còn nhớ hai con mắt xanh trong của ông mở lớn nhìn tôi, có một chút lo lắng âu yếm, nhưng cái màu xanh của đám cỏ con ngựa của ông chạy qua, ông nói đến, tôi có thể hiểu được, màu xanh của mắt ông thì không, cái nhìn ấy đẩy tôi tới vị trí tận cùng của mình, tôi vươn vai thở mạnh một hơi, tưởng như mình sắp thở ra khói ở hai lỗ mũi, cũng có bữa tôi ngồi nói chuyện với ông rất lâu dưới câu lạc bộ của sở, tôi nói để đỡ thấy mình gay gắt đối với chính mình, và đối với ông, một sự gay gắt ngấm ngầm như cơn sốt dưới da buổi chiều, tôi nói với ông ta về chuyện sinh hoạt đắt đỏ, về đạo Quaker bên nước ông và về giọng hát của những người da đen, tôi nói, có cái gì trong giọng hát của họ để ai nghe cũng có thể biết ngay đó là một người da đen. Ông cười bảo, có lẽ tại cách phát âm của họ. Tôi nói, đã hẳn như vậy nhưng cũng còn có một cái gì khác nữa. Ông ta nói, bên Hoa Kỳ có những người da đen giữ những địa vị quan trọng trong xã hội, có những ca sĩ da đen nổi tiếng mà chắc bà cũng biết rồi và có những người da đen mà trí khôn của họ ở cả hai bàn chân. Tôi hỏi, ông định nói gì mà khó hiểu quá vậy. Thực ra, ông tiếp, có nhiều lúc tôi cũng có cảm tưởng hệt như bà, trong giọng hát của họ có một cái gì khác lạ thật, nên khi nghe họ hát Thánh ca tôi tưởng như là chỉ có họ mới nói được đến tai Thượng Đế, tuy nhiên màu da của họ thật quả là một điều đáng nghi ngờ. Tại sao thế? Có lẽ vì sự bất công đó mà trong giọng hát của họ có cái khác lạ mà người ta thường nói đến đó chăng, có lẽ cũng vì thế họ cần nói với một Đấng cao hơn là cái nhân loại trên mặt đất không mấy bằng phẳng này. Ông ta làm tôi buồn cười, tôi nói, có lẽ ông thuộc số những người da trắng không bị cái màu da của mình làm cho chói mắt. Ông cũng cười bảo, tôi là một người Hoa Kỳ, tôi có thể bảo đảm với bà điều đó, một người Hoa Kỳ chính cống, chỉ có thế thôi. Tôi pha trò với ông, một người Hoa Kỳ đau dạ dày nữa chứ. Ông lắc đầu và vẫn cười bảo, không, đau dạ dày không phải là chứng bệnh của Hiệp Chủng Quốc, cả điều này nữa tôi cũng xin đảm bảo với bà, đó chỉ là của cải của riêng tôi cũng như cái trại chăn nuôi của tôi thôi. Tôi nói, khiếp thật, lúc nào nói chuyện tôi cũng thấy ông nhắc tới cái trại của ông. Thế mà đã có lúc tôi nghe người ta bảo, người Hoa Kỳ chỉ có nhà chứ không có quê. Ông nhìn tôi cười bảo, còn đi được tại sao lại ngồi lại để chờ mọc rêu với quá khứ? Nếu cất được quá khứ một chỗ mà rong chơi như ông kể cũng thích thật, tôi nói. Chúng tôi cùng cười với nhau và tôi chợt nghe xót xa trong lòng. Ông ta nói, tôi tự hỏi không biết bà muốn gì đây, quá khứ hay tương lai, bà không muốn thay đổi gì, trong khi hình như tất cả đã thay đổi mất rồi. Tôi cười hỏi ông, theo ông thì tôi có thể ước muốn điều gì trong tất cả những điều ông nói đó? Tôi thấy ông ta có vẻ lắng nghe câu nói của tôi, rồi sau một giây im lặng, ông nói, gặp bà tức là tôi đã gặp sự thất vọng của tôi rồi. Tôi nói, không đâu, nếu có thì tôi chính là niềm thất vọng của tôi chứ không phải của ông đâu. Tôi cũng nói, chẳng biết hy vọng gì mà vẫn phải tiếp tục sống quả là một việc khó. Ông uống cạn tách cà phê của mình và bảo, tôi sợ những điều bà vừa nói đều do chứng mất ngủ làm ra cả. Tôi cười bảo ông, như thế thì tôi lại phải uống thêm thuốc ngủ để khỏi nói bậy. Ông ta ra về, và tôi biết ông nghĩ tôi là một con bệnh. Chắc thế. Chắc tôi là một con bệnh thật. Những buổi nói chuyện lăng nhăng tương tự rồi thế nào cũng đem tới cho tôi những giây phút ân hận, đáng lẽ tôi không nên nói gì cá, không nói gì thì hơn. Cô bạn sinh viên ở cùng building đã đỡ tôi ở đầu cầu thang vì leo lên được hết bốn từng lầu thì tôi thấy tối tăm cả mặt mũi và khuỵu ngay xuống, hôm đó thang máy bị hư, cô dìu tôi về phòng lấy dầu thoa bóp cho tôi, cô hỏi, chị không sao chứ? Tôi nói, leo mấy cái thang mệt quá. Chồng cô mang cho tôi mấy hộp thuốc bổ có sẵn ở nhà, anh nói, chị phải uống đi mới được, độ này tôi thấy chị xanh quá. Họ cũng hỏi thăm tôi về Vinh, sao lâu không thấy anh ấy về. Tô nói, tôi cũng không biết, nhưng chắc tại anh ấy bận việc. Cô gái nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Có lẽ cô nghĩ Vinh không còn muốn về với tôi nữa. Sự thật cũng có thể như thế. Nhưng nếu sự thật có như thế thì đó cũng là điều tôi biết rồi. Bởi sự gần gũi của chúng tôi đã được giao ước bằng chính cuộc chia tay chẳng cần phải nói trước này. Hay đúng hơn chúng tôi đã chẳng hứa hẹn gì với nhau hết. Tôi bóp hai bàn tay mình lại với nhau thấy mặt da khô héo. Mùi dầu cô bạn xoa giùm trên hai thái dương, trên cổ và gáy tạt vào mũi, mùi thơm long não làm the the hai mí mắt, có một lúc tôi bàng hoàng tưởng như mình đã bị ốm thật sự từ bao giờ, tôi đã già như mẹ tôi ngày nào trùm kín tấm chăn sực nức mùi dầu, tôi dập dềnh chân tay tựa trôi trên mặt nước của con sông đầy sa mù tôi vẫn nhìn mỗi chiều ở xa ngoài cửa sổ, có lúc tôi tưởng như tôi đang nằm trong chiếc giường của một nhà hộ sinh nào, tôi ngã xuống, tôi đứng lên, tôi leo thang, tôi mệt lả, tôi tươi tỉnh cười nói, tôi đứng ngó xuống cái vực thẳm dưới sân, tôi nghe những tiếng đập lùng bùng trong tai, mỗi lúc một lớn, buốt nhói tận óc, tôi lấy tay bưng kín hai tai vừa khóc vừa gọi Vinh, tôi cảm thấy tôi cần được che chở như đứa con tôi sinh ra hay ai đã sinh ra trên tấm khăn trải giường loang từng vết máu, tôi tưởng tượng và tôi biết là tôi tưởng tượng, tôi nghe hai vợ chồng người bạn bàn tính mang tôi đi nhà thương, tôi vội nói, đừng, tôi không làm sao đâu, đừng mang tôi đi làm gì, tôi sợ nhà thương lắm, tiếng người chồng bảo, không sao đâu, bà ấy yếu tim, bị mệt nên nó làm ngột ngạt một chút vậy thôi, cứ để bà ấy nằm nghỉ một lát sẽ hết, em kê gối lên đầu cho bà ấy nằm dốc cao lên một tí, tôi duỗi thẳng chân tay và thấy dễ chịu thật sự, tôi nhỏm dậy bảo với họ, tôi thấy khá rồi, xin cám ơn anh chị, người chồng nói, chị cứ nằm cho đỡ mệt ngồi dậy làm gì, nhưng phòng thì chật, tôi thấy khó mà nằm khi có những người lạ nhìn mình, nhưng tôi cũng biết là tôi chưa ngồi dậy được, cũng may hai người ý tứ cáo lui sau khi bảo tôi cố nằm im mà nghỉ, người chồng bảo mụ vợ mở giùm tôi một cánh cửa sổ cho thoáng gió và họ trở về phòng họ, sau khi đóng cửa phòng cho tôi. Còn lại một mình trong phòng tôi nhắm mắt lấy lại sự tỉnh táo, tôi nghe rõ tim tôi đập thình thịch dưới áo, một sự xa lạ nào đó vừa trút khỏi tôi cùng với cơn ngất, mồ hôi bắt đầu rịn ra khắp người, chân tay bải hoải, tôi chẳng còn muốn cử động, cơn mỏi buồn thấy rõ trên mỗi khớp xương, tôi nhìn xuống giường, nhìn xuống mặt vải trắng bên cạnh mình vừa bị xô đi, tôi có cảm tưởng như là tôi vừa xích người cho một người nào nằm xuống đó, cái chỗ vẫn còn đây, và cảm tưởng này làm tôi ghê gai khắp cả người, tôi đã nằm chung giường với cái chết, có lẽ như thế, tôi đã nhìn thấy sự trống trải của đời mình, tôi đã nhìn thấy một dấu tích không còn dấu tích nào, tôi đã nằm với sự mất tăm của mình, một lần như thế, đôi ba lần như thế, là hết cuộc đời. Tôi trở dậy, lần vào phòng rửa mặt, thay quần áo, tôi sợ, tôi nhìn thấy bóng tối trong gương, tôi không bật đèn và hai quầng mắt tôi trong bóng tối nhờ nhờ sâu hoắm như hai cái hố, mặt mũi tôi chạng vạng, tôi sờ thấy hai cái xương gồ phía trên ngực, tôi gầy đi quá thật, tôi không dám nhìn thẳng bóng mình trong cái khuôn kính âm thầm đó, cái màu nước bạc làm sáng lên cái bóng tối ở sâu tít bên trong, tôi lau bỏ hết lớp phấn son, tôi nhợt nhạt trên cái mảnh tường thủng đó, tôi chải lại đầu, ngồi xuống đi tiểu, kéo nước xối, vặn nước rửa tay, nhấc cái nút cao su cho nước chảy xuống ống dẫn, nước reo òng ọc, tôi ngó sâu vào khuôn mặt mình trên tấm kiếng, khuôn mặt bỗng nhô ra áp sát với khuôn mặt bên ngoài không có gì thay đổi, tôi nhận ra tôi một cách dễ dàng, với đôi vết nhăn nhỏ dưới hai quầng mắt, tôi xanh lướt trên tấm gương như một mặt nước, ảo tưởng lại sắp lấn át trí óc, tôi mỉm cười và nhìn bóng mình mỉm cười trong gương, tôi thấy môi tôi tím lại vì cơn ngất vừa rồi, tôi xối nước ra chiếc khăn bông và chà trên mặt cho da lấy lại sắc máu. Lúc tôi trở ra ngoài phòng thì trời đã tối. Những con chim sẻ đã bay về ngủ trên cây ngọc lan khu vườn bên cạnh, chúng yên lặng bay vờn chung quanh ngọn cây và chỉ còn là những chấm đen di chuyển, tôi nhận ra chúng vì đã nhìn thấy nhiều lần chứ không còn trông rõ gì nữa. Tôi lại phải bỏ một bữa ăn chiều. Giờ này làm sao xuống phố, xuống phố một mình, sau khi đã mệt lả. Tôi cũng thấy đói. Nhưng tôi biết nếu không ăn còn mệt hơn nữa. Tôi đun nước pha một ly sữa nóng, lấy bánh khô ra ăn, tôi ăn mò mẫm trong bóng tối vì sợ bật đèn, sợ phải trông thấy chân tay mình, nhất là những ngón tay với mặt da khô se, tuổi già đã bắt đầu, cũng có thể đó cũng chỉ là một ngày đau ốm, trống trải, ngoài ba mươi tuổi, hình như mới chỉ là lúc người ta bắt đầu đời mình, tôi đã bắt đầu đời tôi vào lúc hình như nó đang bắt đầu hết, ngoài ba mươi tuổi tôi đã phải sống những ngày sống thêm, nhớ có lần Vinh bảo, biết đâu đời người lại không chỉ đáng kể ở những điều ân hận, tôi bảo, ừ anh cứ giỡn đùa hoài đi, em thì lúc nào cũng tưởng mình là một đám khói vậy, em muốn thử làm cho anh cay mắt hơn một lần xem sao, những câu đùa giỡn ấy bây giờ như chiếc mái bên kia đường chảy xuôi, chảy xuôi xuống hết, dưới chân tường mặt đất sâu và cũng tối rầm như mảnh trời bên trên, nó đã chảy xuôi xuống hết, nhưng nơi nó chảy và rớt xuống vẫn còn đó, thực ra có còn gì ở cả hai nơi đó, còn gì trong em dù tai em đã nghe những lời anh nói, em còn nhớ, nhưng có còn chăng những lời anh nói, tôi đã rớt xuống như một giọt mưa chảy từ trên nóc lầu cao xuống cái vực sâu bên dưới, tôi như giọt sương mặc trên đầu ngọn lá, tôi đã tưởng tượng ra đời sống tôi hay tôi đã sống xa cách hẳn với tưởng tượng của mình, tôi sống mù mịt như đêm, sáng sủa như ngày, tôi kiếm ra chữ nghĩa để chỉ rõ đời tôi, cho tôi, nhưng chữ nghĩa đã mang đời tôi ra khỏi tôi, chữ cũng đánh rơi nghĩa ra khi nó như giọt nước rớt khỏi đầu ngọn lá, chữ nghĩa biểu thị đời sống đồng thời nó từ chối điều nó biểu thị, bởi chữ nghĩa chỉ có thể là chữ nghĩa, chúng ta yêu nhau nghĩa là chúng ta không thể yêu nhau, bởi tình yêu không phải là dấu hiệu nối liền mà tách rời chúng ta ra khỏi nhau, yêu nhau là muốn lấp đầy cái khoảng cách đó, và muốn lấp đầy cái khoảng cách đó thì là một cách nhìn nhận sự hiện hữu của nó, có lẽ em đã lây bệnh chữ nghĩa của anh, còn có căn bệnh nào thảm hại hơn, cứ nhìn những sợi râu lởm chởm của anh, cứ nhìn hai mắt anh lúc anh ngồi ăn, lúc anh uống nước, lúc anh đợi em trong quán hàng với ly nước trước mặt, nhìn anh cười, nghe anh nói, sung sướng với sự vồ vập của anh, em hiểu ra điều đó, em phải hiểu ra điều đó, em nói một mình, em nghĩ một mình là lúc em hiểu anh, em hiểu anh bằng cái chết của một người em đã quên nhưng vẫn còn nhớ, mùa thu với những trận mưa khuya rì rào trên mái ngói, những buổi sáng sương mù, bãi cỏ bên kia bờ sông xanh thẫm lại, mặt nước đứng im những khi không còn ánh sáng chiếu rọi, một lần trong buổi sáng và một lần trong buổi chiều, đêm nghe tiếng động cơ máy bay rồi dữ dội bay qua nóc building và từ phi trường, tiếng động tưởng còn lại rất lâu trong ngực, ánh lửa vàng của những trái sáng soi lọt vào trong phòng từ các khe cửa sổ, nhiều đêm tôi thức dậy đứng nhìn chúng cháy hết trái này đến trái khác, mỗi trái để lại một vệt khói trắng trên nền mây đen, những hôm có gió lớn những hòn lửa lảo đảo, tiếng gió hút ù ù bên tai, thổi tới cái lạnh lẽo và hiu quạnh của cả vùng trời rộng nhìn thấy bên ngoài đó, đêm mênh mông và nhìn chỗ nào cũng như vực thẳm, tôi nhớ những buổi sáng ngủ muộn trong căn phòng của căn cứ ngày chồng tôi còn sống, đêm với tôi lúc ấy là những đêm an bình, mặc dù tôi biết rằng, mặt trận ngày nào tai họa cũng có thể đến, và nó đã đến, những sớm thức dậy sửa soạn quần áo, cà phê cho anh ra phi trường, tình yêu được thụ hưởng không giờ giấc, đột ngột như những hạt nước nóng nhỏ trên tay, trước giờ anh ra khỏi nhà, sau phút anh trở lại, lúc mặt trời chói chang giữa trưa nắng gắt, những buổi sáng trời còn dày đặc sương mù, mặt đất ẩm đen ngó thấy lúc đứng lên chân tay run rẩy tưởng không thể đứng vững (nhưng đó cũng là những lúc tôi đã đứng được chắc chắn nhất trong đời tôi), bên ngoài cửa sổ con đường dẫn vào sân bay tráng nhựa trắng như những dòng nước đứng chia khắp ngả trong căn cứ, có bữa anh lo lắng cho tôi khô ráo rồi mới đi, có bữa anh bỏ mặc tôi ẩm ướt như thế, mở cửa, vội vã đội mũ lên đầu mở máy xe chạy ào ào vào phi đạo, căn nhà vắng chỉ còn lại một mình tôi, hạnh phúc như còn đầy ắp, tôi lười biếng trở dậy đi xuống phòng rửa mặt rồi trở lên tắt đèn, nằm xuống giường, đó là lúc tôi có thể nghe tiếng máy bay của anh cất cánh bay qua trên nóc, đêm còn đen tôi trở mình hay nằm im ngó bóng tối quanh nhà, đêm vẫn còn nhưng tôi nghe dưới da mình đang chất đầy nắng, giấc ngủ sau đó là những giấc ngủ không mộng mị và thường tôi chỉ thức dậy lúc mặt trời đã gắt, ngày sáng choang, những cành thông đen cháy trong phi trường tưởng đều được trang một lớp men bạc làm chói mắt, trời xanh cao như những cảm giác đã tan loãng mờ nhạt hết, không khí và trí óc đều trong suốt, đó là những giờ phút nghỉ ngơi thật sự, bây giờ chính sự nhàn rỗi làm cho tôi mệt nhọc, tôi ngủ vào những lúc nên thức và thức vào những lúc nên ngủ, ngủ và thức những tiếng đó rọi vào thái dương như nhịp đập của một trái lắc trong một quả chuông, một quả chuông tự bưng kín lấy tiếng kêu, chỉ còn vang động âm thầm, tôi mong nhớ Vinh, sợ hãi mình và tủi thân đến muốn khóc. Chỉ có một lần đáng khóc thì tôi đã khóc rồi. Khóc cái ngày đã khóc đó là nguyên cớ không đủ làm ra nước mắt.

Một người lạ cầm đến tận phòng cho tôi một mảnh giấy nhỏ của Vinh, anh đã chui xuống một hầm tàu định trốn ra ngoại quốc và đã bị bắt giữ, người ta đã gửi trả anh từ một hải cảng nào đó, người lạ đưa mảnh giấy cho tôi lặng lẽ cúi chào và đi liền về phía cầu thang, ông ta không nói một lời nào khác ngoài những câu ngắn ngủi đủ để cho tôi hiểu là Vinh nhờ ông ta cầm đến, ông ta mặc bộ âu phục màu nâu hơi nhàu nát, đầu đội mũ dạ, chính cái mũ của ông ta làm tôi nghẹn ngào, ông ta đi ra phía cầu thang, cầm cái mũ đội lên đầu, mở cửa thang máy bước vào, đóng cửa, giơ tay bấm nút điện, người ông ta theo chiếc thang tụt dần xuống dưới nhà, hai cái chân, đến cái bụng, rồi cái mũ, tôi định chạy theo ông ta nhưng ra đến thang máy thì đã thấy ở dưới đang có người đi lên, tôi chạy lại phía dãy cửa hành lang nhìn xuống mặt đường, chỉ kịp trông thấy người lạ bước lên xe, trông thấy cái mũ của ông ta khuất vào trong xe và chiếc xe chạy liền ngay khi cánh cửa được đóng lại, tôi chưa kịp hỏi thăm ông điều gì, có lẽ ông ta cũng chẳng biết gì hơn những điều đã nói với tôi, nhưng tôi cũng cảm thấy bực bội khó chịu vì đã không hỏi được ông ta một điều gì.

Tôi xin giấy vào thăm Vinh trong nhà giam. Anh gầy và xanh, râu mọc lởm chởm. Tiếng anh buồn bã mặc dù gặp tôi anh nói chuyện và cười không ngừng. Tôi hỏi anh phải làm sao bây giờ. Anh nói, gửi thuốc lá và một ít tiền vào cho anh. Những việc khác anh đã nhờ người ta lo hộ cả. Anh cũng nói, ở trong này thèm đủ thứ cà phê, thuốc lá, nước tắm và em nữa. Trông mọi người được tới đây thăm người bị giữ đều thảm hại. Họ cười nói, khóc và nhìn nhau. Tôi hỏi Vinh có việc gì quan trọng không? Vinh nói, cũng lết bết mất ít lâu, chắc thế. Em không quên vào thăm anh chứ? Tôi lấy tiền đưa cho Vinh và hai bao thuốc lá mua sẵn. Anh nói, tối nay tha hồ hút. Tôi hỏi Vinh sao mấy tháng anh không về. Anh nói, anh bận. Người ta bóc bánh cho các tù nhân ăn, mùi lá luộc chín bay đầy trong căn phòng nhỏ. Trông em không được khỏe, Vinh nhìn tôi nói. Tôi bảo, em bị mất ngủ, và thấy nghẹn ở ngực. Những lời nói đùa bỡn của Vinh bỗng làm tôi xót xa, có một sự xa cách mênh mông giữa chúng tôi. Tôi có thể bỏ quên anh, cũng như cuộc bỏ đi của anh, không có sự giận hờn hay đáng trách nào. Buổi trưa nắng phà hơi trên mái tôn không khí căn phòng càng trở nên ngột ngạt, mồ hôi chảy ròng trong ngực và trên cổ, Vinh bảo tôi, em đừng lo, anh sẽ cố gắng thu xếp vụ này, chắc không lâu đâu. Tôi nói, trời nóng quá, ở trong này anh ăn ngủ ra làm sao? Anh cười, đúng giờ giấc và không kể ngồi nằm hay đứng. Mặt anh nhem nhuốc, và lúc này tôi mới nhận ra đất cát bám đầy trên quần áo, chân tay và cổ anh, những ngấn đất đen ướt đọng mồ hôi, hai con mắt thâm quầng, một sự mỏi mệt buồn nản mỗi lúc càng như hiện rõ, trên hai môi anh khô se, trên những chiếc răng cửa vàng ám, trên nụ cười làm bộ thản nhiên, có lẽ Vinh cười hồn nhiên thật, nhưng như thế cũng không bớt vẻ thảm đạm, mọi sự đều nhớp nháp và hình như đã bị sa xuống quá thấp, có một cái gì đang cần được lấy lên, giờ viếng thăm đã hết, một người lính vào giục các thân nhân ra về, Vinh cầm tay tôi bảo, tuần tới rảnh thì vào với anh, tôi bặm môi giữ cho nước mắt khỏi chảy ra, anh đứng dậy và cúi xuống hôn phớt trên môi tôi, nhưng làm như một cử chỉ không phải thế, trước mắt những người khác, hẳn thế, tôi lấy kính ra đeo lên mắt, tuần tới em sẽ vào, Vinh dặn, mua sẵn cho anh một hộp dao cạo để hôm nào về anh còn cạo râu, tôi nói thôi em về. Ngoài sân nắng chói mắt làm nhớ tới những buổi trưa tan sở, nhớ tới bữa Vinh đón tôi lúc tôi đứng trú nắng trong cái chòi gác của người cảnh sát buổi trưa có người bị xe cán, khi xe Vinh chạy qua tôi còn nhìn thấy vết máu trên mặt nhựa, tôi đi trên những lối đi trải đá lổn nhổn đầy hơi nóng ra đường, xe cộ qua lại làm tôi thấy lại đời sống bình thường, và mãi tới lúc nhận ra được sự bình thường này, tôi mới thật sự nhận ra cái sự bất bình thường Vinh đang chịu ở trong kia. Tôi đi bộ một quãng xa ra ngã tư mới đứng lại chờ xe gọi và bảo chạy về building. Buổi chiều tôi cũng xuống phố, đến tiệm ăn cơm, lần lữa ngồi mãi không dám về, tôi sợ, tôi sợ thấy mình sẽ trở về phòng làm đủ những cử chỉ đã biết trước, lên thang, mở cửa, thay quần áo, rửa mặt mũi, đi ngủ (bao nhiêu lần tôi đã nghĩ như thế, bao nhiêu lần tôi đã làm như thế?). Một sự lạnh lẽo dường như toát ra từ trong các ống xương làm tôi rùng mình. Tôi không nhớ mình đã về nhà lúc nào, nhưng chắc là tôi đã trở về, đã sống qua buổi chiều như một ngày đã chết. Tôi bắt đầu nhận ra tôi sợ sống. Ngày tháng mù mịt như những cánh cửa che bớt sự lo sợ, tôi sống thì hình như già quá mà chết thì trẻ quá, sự sống và cái chết nhiều khi đã không còn phân biệt được, tôi đi phố mua những đồ dùng lặt vặt cho Vinh và chờ đợi ngày anh trở về, chưa thấy anh về tôi tìm cách vào thăm anh trong trại giam. Những bữa ăn sáng một mình trong tiệm là những giờ phút thú vị ngắn ngủi của tôi, mặt trời sáng trên những từng lầu cao phía xa, ô kính của cửa tiệm vừa được lau rửa sạch sẽ, mùi cà phê ngát thơm, sớm mai trong suốt nhìn thấy rõ trong khu phố nhỏ, khoảng trời nhìn nghiêng bị cắt bởi hai dãy nhà trông như một con đường bằng mây, những con chim én bay những vòng cuối cùng trên các cột ăng ten trước khi chui vào tổ trốn nắng, tôi đã tìm ra quán hàng mới ngồi trông ra một dãy phố hẹp giống như những khu phố trong tranh của Utrillo, ngày bắt đầu cùng với những đứa trẻ đứng trên các cửa sổ lầu cao ngó xuống đường, ngày cũng đánh thức đời sống.



*


Vụ lôi thôi của anh Vinh cũng kéo dài gần năm tháng mới giải quyết xong, tôi mua sẵn dao cạo, xà bông cho anh, cầm những lưỡi dao trong tay, tôi không thể không có cảm tưởng tôi đã cứa cổ người đã chết, tôi đón Vinh ở cửa trại giam, buổi sáng trời trong, nắng chưa lên, những hàng cây vừa đổi lộc sau mùa mưa trông tươi nõn, Vinh còn bạc nhược hơn cả lúc anh còn bị giữ trong đó, anh hỏi, em mua đủ thứ cần dùng cho anh rồi chứ, tôi mỉm cười với anh và gật đầu, anh giục, thôi đón xe về đi em, anh nắm bàn tay tôi lúc qua đường, một sự dửng dưng bỗng làm tôi chua xót. Ngồi trên xe, Vinh hôn tôi, tôi nói, thôi để về nhà anh, hàng phố trong giây phút sáng lên một vẻ rực rỡ khác thường, có lẽ vì xe chạy nhanh và tôi đã nhìn mọi vật qua tấm kính cửa, thành phố như được tráng men của cái chết, cái chết ủ ê trong lòng tôi, đã hẳn như thế, cái chết của những ngày tháng, đứt rời giữa chúng ta, cũng có thể thành phố đang được tráng một lớp men dục vọng, dục vọng làm nên đời sống của thành phố chúng ta đang sống, dục vọng cũng là cái ánh sáng thứ nhất để chúng ta nhận ra cái chết của chính mình, Vinh ngồi ngả người tựa đầu trên thành nệm xe, nhắm mắt, anh mệt lắm à, Vinh khe khẽ lắc đầu, lát sau anh hỏi, em làm gì mấy tháng rồi, tôi nhìn hai mắt anh khép kín, hai con ngươi nổi tròn dưới lớp da mỏng, em có việc gì để làm đâu, anh hỏi, buồn không, tôi nói, sáng nay trời trong quá, Vinh mở mắt nhìn nghiêng tôi qua vai anh, hai mắt anh rỗng không, sự tuyệt vọng hình như bưng kín chúng tôi bằng cái màng trong suốt của nó, có cái gì đáng gọi là tuyệt vọng, đó cũng là ảo tưởng, xe đậu ở building, chúng tôi trả tiền xe rồi đi vào thang máy, lên phòng, Vinh ngồi xuống giường nhìn quanh quất rồi anh kéo tôi vào lòng, kéo tôi nằm lên trên người anh, anh hôn tôi, vuốt ve, tôi nói anh hãy đi tắm đi đã chứ, Vinh không nói gì, anh siết chặt tôi trên người, sự say đắm của Vinh làm tôi cảm động, anh hôn trên đó và anh đã cho tôi cảm tưởng nó là bông hoa của đời tôi, của đời chúng ta, Vinh muốn tôi tắm với anh, tôi gội đầu kỳ cọ cho anh, nước làm cho dục vọng được tươi mát, ướt đẫm, trời trong xanh nhìn thấy sau ô cửa nhỏ, những cành lá đan luồn với nhau, Vinh sát xà bông trên cằm, tôi lắp dao vào cái cạo râu cho anh, tôi chợt nhớ đến một cuốn sách đã đọc, trong đó hình như tác giả đã cho rằng, người ta đi tới sự khôn ngoan cũng khó như đi trên lưỡi dao cạo vậy, ý nghĩ này làm tôi buồn cười, tôi nói lại điều đó với Vinh, Vinh bảo, đi đến sự dốt nát cũng thế, Vinh cạo râu, tôi chà trên lưng anh, những vết móng tay đỏ hằn trên da, anh có đau không, ờ để cho máu anh nó chạy đều lên một chút, ít lâu nay coi bộ nó lười quá, anh ở trong đó ít lâu nữa thì người anh chỉ còn có ghét không thôi, mấy giờ rồi em, không biết nhưng chắc độ hơn mười giờ, Vinh lấy khăn lau người, anh lau cho tôi, anh quỳ xuống hôn tôi âu yếm, chúng tôi trở ra giường, có lẽ đó là cách lấy lại những ngày tháng đã mất, còn gì đáng kể?

Vinh ở lì trong nhà một tuần, anh ngủ những lúc tôi đi làm và thường những lúc tôi trở về đều thấy anh nằm hay ngồi trên giường tựa lưng vào tường hút thuốc, tôi mua đồ ăn về và chúng tôi làm những bữa ăn bằng những thức ăn đã được làm sẵn chỉ việc nấu chín, giò, chim, thịt bò, đồ hộp, rau sống, tôi trở về phòng với nỗi sung sướng và hấp tấp, nhiều buổi về muộn, Vinh lười không bật đèn, bước vào phòng, đóng cửa lại, tôi chỉ nhìn thấy điếu thuốc của anh cháy đỏ lờ mờ, Vinh ngồi duỗi dài trên giường, những lúc đó anh làm tôi sợ, sao anh không xuống phố chơi cho đỡ buồn, Vinh nói, anh muốn nghỉ, tôi kể cho anh nghe những món đồ ăn đã mua, bật đèn, làm cơm, tôi cũng mua rượu và mỗi tối chúng tôi đều uống, rượu làm cho tình ái trở nên gay gắt hơn và cũng vì thế quyến rũ hơn, một tuần lễ gần như tôi đã sống thường trực trong sự bàng hoàng, cơn bàng hoàng đã được dìm xuống sâu trong cơ thể, khắp người tựa có hàng ngàn con sâu đất âm u thắp lên chất sáng, chứng mất ngủ đã được những cơn mỏi mệt làm cho thiếp đi, tôi đã ngủ những giấc ngủ của người chết, ý thức mỗi ngày một tan loãng, đôi lúc đã trở nên mù mịt, những cơn thức giấc ngắn giữa khuya hay về sáng chỉ đủ để tôi nghe sức sống trở lại chầm chậm dưới da trước khi chìm lẫn vào giấc ngủ khác, ngày đêm nghe tiếng của chiếc đồng hồ để bàn gõ lách cách, tôi nhận ra sự hấp tấp của tôi những buổi sáng trở dậy đi làm, buổi trưa trở về, có một cái gì thúc đẩy, run rủi cũng khiến tôi muốn chạy trốn không muốn chạm mặt với ai, muốn khép kín mình trong căn phòng tối, ánh sáng từ khung cửa sổ thỉnh thoảng Vinh mở ra soi sáng căn phòng chính tôi nhìn cũng lạ, mùa mưa lại trở về với những trận mưa lác đác không giờ giấc, sự im lặng; và tiếng máy đồng hồ chạy là dấu hiệu của sự sống trong căn phòng. Tôi cũng chẳng muốn hỏi Vinh xem anh có muốn đi làm trở lại sau những ngày nghỉ không, dĩ nhiên anh sẽ đi làm trở lại, điều ấy có gì quan hệ đâu, cũng có thể anh sẽ đi biệt tăm như những ngày anh đã bị giam giữ, tôi cũng chẳng hiểu anh nghĩ gì, muốn gì, Vinh cũng chẳng hề thắc mắc về điều ấy, đối với tôi, đó là cá tính của anh, cá tính của Vinh là không có cá tính, có lẽ chẳng ai có cá tính cả, cá tính chỉ là những lá cờ, chưa bao giờ tôi thấy Vinh chiều chuộng tôi như thế, anh để ý từng mỗi xúc động của tôi, anh cố đem đến cho tôi những phút khoái lạc nồng nàn nhất, chậm chạp và cháy bén như lửa, một thứ lửa bỏng dịu dàng làm tôi sợ, bởi chính nó đã cho tôi cảm tưởng sự sống tràn lấn ra ngoài thân thể, đồng thời nó cũng làm cho tôi nhận ra tôi vô biên, da thịt là biên giới rõ ràng nhất nhưng cũng là biên giới mù mịt nhất.

Vinh đi làm trở lại như thường lệ, buổi trưa anh ít về, buổi chiều anh đón tôi ở sở, chúng tôi đi ăn ở các tiệm ăn quen, nhìn những bát đĩa, khăn ăn tôi không thể không nhớ đến những bữa đã ngồi ăn một mình, bây giờ có Vinh ngồi trước mặt tôi vẫn thấy như tôi còn có thể nhìn thấy tôi ngồi ăn một mình như thế, những buổi trưa tôi trở về phòng một mình ngủ vùi hay nhắm mắt không được, lo lắng đến giờ đi làm, vội vàng thay quần áo, xuống thang, kêu xe, đến sở, làm việc trong sự nóng nảy, bồn chồn hay không nghĩ ngợi gì, tan sở tới quán nước ngồi với Vinh, những tách trà không hương vị uống lúc không khát, những thức ăn làm sẵn hay đồ khô mua đầy trong chiếc túi giấy có dây xách, những buổi chiều xem chiếu bóng xuất khuya, một ngày có tám tiếng trong đó có lúc phải dùng đến tiếng ngoại quốc là dấu hiệu một đời sống tạm bợ, tôi chỉ nhận ra đời sống của tôi bằng những dấu hiệu. Cũng có lần tôi định nói với Vinh về sự buồn nản này, nhưng nghĩ cho cùng anh làm gì cho tôi hơn được, tra hỏi về những cái đó có thể chỉ làm rỗng thêm ý nghĩa của đời sống, đòi Vinh phải lấy tôi đó có phải là một đòi hỏi quá đáng không, chúng tôi lấy nhau sẽ thay đổi được gì, sẽ có những gì khác với đời sống chúng tôi đang sống? Vinh ngủ li bì. Anh thèm ngủ đến nỗi trở nên chậm chạp, hạnh phúc của chúng tôi tạo ra với nhau là thứ hạnh phúc ngắn ngủi, thiển cận. Mùa mưa bắt đầu đổ xuống những trận mưa đều đặn buổi chiều, đêm khuya trời lạnh, ngủ phải đóng cửa sổ, hôm nào Vinh không về tôi tiếp tục các cuộc lang thang trên hè phố, ngồi trong quán nước, ngủ ngày nghỉ việc, những ngày lặn ngụp với Vinh trong tình ái đã biến thành cơn mê dài, vài tiếng trẻ chơi đùa dưới sân chơi vũ cầu buổi sáng làm cho bàng hoàng, những tiếng cười nói đó như những cánh cửa mở vào đời sống mà mỗi ngày tôi tự thấy mình càng khuất xa, tôi có dự phần trong đó hay chỉ đứng từ phía bên kia ngó vào, tia nắng le lói nhìn thấy trong một ngày mưa có khi còn buồn hơn cả một ngày mưa, tôi đứng trên gác cao ngó xuống sự di chuyển của thành phố, tiếng vó ngựa khua lốc cốc trên mặt nhựa lúc đêm khuya, những tàn cây, những mái ngói, những giọng chuông nhà thờ đều nghe và nhìn thấy như nổi lềnh bềnh trong mưa, con sông no nước, bãi cỏ một ngày bỗng như rừng che kín hết các khoảng đất trống, những ngọn cây xanh đặc lại, và đêm đêm những vì sao gần như chiếu không qua nổi màn hơi nước, thoi thóp trong chốc lát rồi mất hút dưới vòm trời đen, chuyển động trước khi mưa, cây ngọc lan bên khu vườn trước cửa lá như dày hẳn lên. Người bạn Hoa Kỳ gởi tặng tôi một chiếc áo đi mưa thật đẹp, khi gặp lại ông ta, tôi chưa kịp nói gì, ông đã nói trước, xin bà đừng nghi ngờ rằng tôi định mua chuộc lòng bà, hãy coi đó như một bó hoa, đáng lẽ tôi phải gởi tới biếu bà mỗi ngày, nhưng tôi gởi bông hoa đó để hy vọng là nó sẽ lâu tàn hơn, tôi bảo, ông nói như thế nghĩa là ông không muốn tôi nói thêm một điều gì về chuyện đó nữa, ông cười nhìn tôi tiếp, bởi vì bà hay nghĩ xa mà tôi thì ít khi đón được hết ý nghĩ của bà, tôi nói, thành thật mà nói tôi không thể không cảm động trước cảm tình của ông, nhưng nếu tôi không nói ra điều gì thì không được, ông ta vẫn cười bảo, vậy bà hãy nói bà vui lòng đi, tôi nói cám ơn ông lắm, tôi xin nhận bông hoa của ông, nhưng ông cũng đừng tặng hoa cho tôi làm gì nữa, tôi lấy giọng đùa bỡn nói tiếp, xin cho tôi còn được một bàn tay trống, ông đừng lấp đầy cả, tôi sẽ không còn tay nào để lựa chọn, xứ sở này không xa, chính bà đã làm cho tôi cảm thấy tôi xa lạ với mảnh đất này, ông ta nói, tôi bảo, nào có gì đáng để cho ông ao ước đâu, ông có thể bay một chuyến ở trên cao và nhìn khắp cả, bà định đánh lạc tôi tới tận chốn nào đây, tôi chỉ muốn ông nhìn lại sự bình thường của chúng tôi và giúp tôi giữ vững được sự bình thường đó, có lẽ bà chẳng cần đến sự giúp đỡ của tôi, tôi mong ông không nói câu ấy vì giận hay vì lý do nào khác, tôi không muốn gì hơn là đừng làm sai lạc đời mình quá, ông ta nói, hẳn bà phải có một tiêu chuẩn nào chứ, tôi đã nói rồi, đó là sự bình thường, tôi cũng chẳng ngờ là tôi đã đi trên chiếc dây đó, tôi sợ bà đang chóng mặt chăng, có thể, nhưng tôi biết làm sao bây giờ, ông ta nói, kẻ đu dây nào cũng tự chọn lấy nghề đu dây cả, tôi nói, ông nghĩ thế thật sao, bà thử coi còn cách giải thích nào khác, tôi vẫn luôn nghĩ rằng lý do người ta tìm thấy bao giờ cũng ít hơn những lý do chưa thấy, ông ta bảo, tôi sợ đó là sự phiền muộn không cần thiết, bởi thế tôi đã nói với ông tôi chỉ ao ước sự bình thường, vì đặt ra vấn đề này không thể không nói đến vấn đề khác. Ông ta cười dịu dàng với tôi và giọng trở nên vui, tôi đã muốn mời bà tới một mảnh đất bằng phẳng hơn để không còn điều gì phải đặt ra nữa, bà có thể đến đó với tư cách một người khách chẳng cần phải đến cùng với nỗi mong ước của tôi, tôi cũng cười hỏi lại ông, có bao giờ ông nghĩ rằng đó là sợi dây khó đi nhất ông muốn tôi thử thách không, ông ta hỏi, thế còn bà có bao giờ nghĩ rằng có những người nói điều gì cũng đáng nghi cả, những người khác lại không thể, tôi nói, về điều này chắc là tôi có thể đồng ý với ông, cho bớt gay gắt phải không, ông tiếp, vâng, nếu ông thấy câu nói của tôi đáng nghi ngờ, tôi nói.



*


Lễ Giáng sinh đến với những ngày trời đột nhiên lạnh, bão biển thổi vào thành phố những trận mưa lớn, mưa đã hết nhưng cái lạnh vẫn còn lại, buổi sáng dậy đi làm phải mặc áo len,

(60 dòng bị bỏ ở đoạn này)

nhưng vì lười biếng, vì già, có thể như thế, hãy tìm cách vui với cuộc đời trước mặt, nhưng đứng trước một cái quán bán thiệp Giáng sinh giăng đầy những sợi dây kim tuyến, những hình ảnh giả, cô bạn ở cùng building nói với tôi cô sợ, cô xanh lướt dưới chăn sau ngày hư thai, đời sống như thế thì phải sợ chứ, những cơn mơ tưởng, những tiếng nói nghe thấy mỗi ngày trút sạch thêm những ý nghĩa của đời sống, như những hàng cây mùa đông rụng hết lá.

Sau những ngày mưa, thành phố quang đãng người ta bắt đầu bày bán những cây giáng sinh trên lề đường Nguyễn Huệ, chợ trời họp dọc theo đường Lê Lợi là dấu hiệu những ngày sắp Tết, đêm Giáng sinh lệnh giới nghiêm được bãi bỏ cùng với hai mươi tư giờ ngưng bắn, Vinh được nghỉ, chúng tôi lại tiếp tục cuộc vui chơi, đi chợ mua sắm những đồ dùng vặt vãnh, đi nhảy, đi ăn, vui trong cái buồn rầu, đêm không nghe tiếng súng bỗng có một vẻ lẹ, (thảm như vậy sao anh?), trời lạnh làm cho sương thêm nhiều, những giây phút tưởng như mọi sự đều ngừng hẳn lại, không sống không chết, Vinh bế tôi trên lòng, anh chọc cho tôi cười, giây phút hạnh phúc của đời người hình như lại chính là những giây phút chúng ta cảm thấy đần độn nhất, Vinh nói, có lẽ chúng mình phải kiếm một chỗ ở khác thật đấy, nằm chiếc giường một người chật quá, anh muốn ăn gì chiều nay em mua, nem chua à, thôi để hôm nào anh đi Huế anh mua về, nem chua Huế mới ngon, em may chiếc áo vàng này đi, hàng này may áo ngó cũng được đó, những đêm thức giấc giữa khuya bốn bề im vắng, trời lạnh, tôi phải trở dậy đóng cửa sổ (tôi đã làm việc ấy bao nhiêu lần?), tôi đã chết hay tôi đang sống lại, chiếc sân đánh vũ cầu sâu thẳm bên dưới nhìn thấy qua ánh trăng nhợt nhạt có một vẻ ma quái dị thường, câu nói của Vinh có lúc tôi tưởng như đã trở thành tiếng kêu gọi âm thầm vang lên từ cái mặt xi măng trắng mờ, đó không phải là sự quyến rũ nữa, mà nó như một định mệnh hứng đợi lạnh lùng bên dưới đó, dù anh hay em có nhảy xuống hay không, nghe tiếng tôi đi lại Vinh thức dậy hỏi, em không ngủ được sao, em đóng cửa cho đỡ lạnh, trời sương nhiều quá anh, Vinh tung chăn lùng bùng gọi tôi trở lại giường, anh nói, người em lạnh ngắt, em vừa đứng nhìn xuống cái sân bên dưới, anh có nhớ có lần anh nói với em trông cái chiều sâu ấy có một vẻ quyến rũ riêng không, em sợ câu nói đó, thôi vớ vẩn ngủ đi, mấy tháng anh bị giữ có khi cả tuần em không nhìn xuống đó, suốt ngày em đóng kín cửa, nhưng cũng có đêm nhớ anh em ra đứng đó, có lẽ cứ nuôi mãi ý định tự tử thì thế nào cũng có lúc người ta tự tử, phải không anh, Vinh vuốt ve tôi, đó là một cách nói không phải cách chết, sự im vắng của đêm khuya nghe thấy trong từng hơi gió rì rào, nghe thấy trong tiếng máy xe tuần hành chạy qua dưới phố, Vinh giục thôi ngủ đi em, trên tay anh tôi ngửi thấy mùi của thân thể tôi, một nỗi xót xa bùi ngùi bỗng làm tôi muốn khóc, có bao nhiêu ngày tháng tôi đã sống với chồng tôi như thế, bây giờ anh đã tắt hẳn ở trong tôi, như bóng đêm vây quanh bốn phía, tôi nghĩ đến những cây thông cháy đen trong nghĩa trang nơi anh yên nghỉ (có thật như thế chăng?), những đêm vắng, những mùa rét buốt, những ngày mưa gió, những giờ lẻ loi cô độc, sự không thể nói không thể nghe, những cái đó chính là những hình bóng lờ mờ của cái chết, hình như tôi đã bị treo lửng lơ giữa hy vọng và tuyệt vọng, không phải sự can đảm đã làm cho chúng ta có thể tiếp tục sống mà là sự ù lì. Đêm Giáng sinh Vinh rủ tôi đi chơi, chúng tôi đi lang thang ngoài phố đến gần sáng, trong một đêm mọi con đường bỗng trở nên nhộn nhịp quá đáng, xe cộ đi lại rầm rầm, đến ba giờ đêm tôi bảo Vinh, thôi cho em về, em chóng mặt quá, cuộc vui đã mỏi, mọi người đều có vẻ trên đường về phóng xe như bay, những cành thông héo được xếp đống bên lề đường, trời lạnh và sương trắng xóa trên các lối đi, trong công viên lúc đó trông như có một đám khói. Vinh chạy xe chậm chậm, khu nhà thờ sáng rực dưới những dây đèn, chúng tôi trở về building, mấy người vũ nữ cũng trở về vào lúc đó cùng với sự yên lặng mở khóa cửa bước vào, đóng lại, đời sống có thể chỉ là một cuộc chơi dấu kín như vậy, dù mệt Vinh vẫn yêu tôi, sau đó chúng tôi ngủ vùi như chết.

Buổi sáng dậy muộn, Vinh sửa soạn nước pha cà phê, anh đánh thức tôi, mùi cà phê thơm ngát buổi sáng vẫn làm tôi thích, Vinh pha sẵn cho tôi một tách, anh cầm vào tận giường cho tôi, anh nói uống đi rồi chốc hãy đánh răng, tôi nói em còn ngái ngủ, tôi cuốn kín tấm chăn mỏng trên người, anh luồn tay vào trong chăn bóp nhẹ trên người tôi, tôi cầm tách cà phê uống từng ngụm nhỏ, Vinh cúi hôn nhẹ tôi trên tai và trên má, đó cũng là lúc anh báo cho tôi biết tin anh đã nhận được giấy gọi nhập ngũ, tôi tiếp tục uống nốt cà phê, không nói gì với anh, nhưng hình như tôi hiểu câu nói của Vinh có một ý nghĩa nào đó, sao bây giờ anh mới nói với em, còn mấy ngày nữa, em có muốn đi chơi xa với anh không, đi Cap, tôi nói, thôi em không được khỏe, thốt nhiên tôi thấy nước mắt muốn chảy ra, có gì đâu mà em buồn, không có gì thật, không có gì, không có gì hết, cả những tiếng ấy và chính những thế giới ấy làm em muốn khóc, Vinh hôn tôi và tôi có cảm tưởng chân tay rũ rượi không còn ngồi được nữa, hai khuỷu tay tôi chống trên giường bỗng run lẩy bẩy, có lẽ là tác động của cà phê sau một đêm không ngủ, tôi nằm lại xuống giường, Vinh hôn tôi âu yếm trên trán, trên môi, trên mắt, anh siết chặt tôi, lúc ấy tôi không còn muốn hưởng thụ nữa nhưng tôi để mặc Vinh, hai cánh tay tôi run đến nỗi tôi phải níu chặt lấy anh, sự mỏi mệt làm cho bải hoải và không thể chấm dứt nhanh chóng, tôi nhắm nghiền mắt và còn thấy đầu óc lao đao, có lẽ chúng ta không còn cách giải trí nào khác thật, em yêu anh, em yêu anh, yêu anh, yêu anh, em muốn sống, Vinh ghé sát tai tôi, em muốn nữa không, tôi gật đầu, còn gì đáng kể nữa, tôi không còn đủ sức để nuôi dè đời sống, nó có thể vỡ tan, chấm dứt như thế nào cũng được, không có gì đáng hy vọng cũng không có gì đáng tuyệt vọng.

Lúc tôi trở dậy được để lo tắm rửa đi ăn thì đã giữa trưa, tôi phải thoa vội lớp phấn trên mặt vì da tôi xanh một cách dễ sợ, tôi nói với Vinh, em mệt quá, tôi cũng bắt đầu nhận ra tuổi già của mình trên hai quầng mắt sâu đen, đó là nhan sắc cuối cùng của tôi, chúng tôi tới tiệm ăn cơm, sau đó chúng tôi ra phố và tôi đi tìm mua cho Vinh những thứ vật dụng lặt vặt để anh mang vào quân trường, tôi nhớ mãi khuôn mặt mình nhìn thấy trong gương, với tuổi này tôi sẽ chờ đợi cái gì đây, tôi mua quần áo lót, khăn tay, thuốc lá, dao cạo cho Vinh, và cầm hộp dao trong tay lần này, tôi nghĩ đến lúc cầm đứng lưỡi dao cứa lên những đường gân máu trên cổ tay, đó cũng là cách tưởng tượng tốt nhất, tôi mải mua đồ, mải nghĩ, đến một lúc tôi chỉ còn thấy một mình tôi đi trên những phiến gạch vuông của một hè đường có bóng cây cao, có nắng chói lóa, chỉ còn một mình tôi, Vinh đã biến mất.

Nguồn: Ngày tháng. Truyện dài của Nguyễn Đình Toàn. An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, ngoài những bản thường còn in thêm 20 bản trên giấy quý dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. In tại Đăng Quang, 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Giấy phép số 755 BTT/NT/NHK/QN ngày 27.4.1968.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét