Tạp chí Văn
Số đặc biệt tưởng niệm Nguyễn Du
Mục lục
Lời ngỏ
Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê - Lấy ngữ pháp để giải thích Truyện Kiều
Nguyễn Xuân Chữ - Tấc lòng cố quốc tha hương
Vũ Hoàng Chương - Tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Du
Nguyễn Văn Xuân - Vài điều nghĩ về, triết lý trong Truyện Kiều
Quách Tấn - Thơ chữ Hán của Nguyễn Du
Huỳnh Phan Anh - Đoạn trường tân thanh trên đường tìm kiếm người đọc
Nguyễn Quốc Trụ - Nguyễn Du giữa chúng ta
Lời ngỏ
Mặc dầu một năm qua, Đặc san Văn – Nghiên cứu và Phê bình Văn học chỉ ra có bốn số và tuy chưa đóng góp được công trình đáng kể nào, toàn Ban Biên tập cùng các cộng tác viên, đã cố gắng tạo cho tờ báo một phong thái chững chạc, một đường lối không rập khuôn theo một tờ báo nào khác, và cũng đã ít nhiều cung cấp cho bạn đọc một vài món ăn tinh thần bổ ích cho việc mở mang kiến văn và học thức. Không dám lấy đó làm kiêu, nhưng đủ lấy đó làm vui, chúng tôi cảm thấy vững tâm hơn khi theo đuổi một công cuộc quá nhiều khó khăn mà vô cùng bạc bẽo.
Trong Lời mở đăng trên tập I, chúng tôi đã tha thiết kêu gọi sự hợp tác, sự ủng hộ của các văn hữu cùng bạn đọc để Đặc san Văn sẽ có thể xuất bản mỗi hai tháng hay mỗi tháng một kỳ.
Mong ước ấy nay đã thành sự thật: kể từ tháng 11 năm 1967, Đặc san Văn sẽ được ấn hành mỗi tháng một tập.
Vẫn trung thành với đường lối cũ, chúng tôi cũng không quên mở thêm nhiều mục mới để nội dung tờ báo càng ngày càng thêm phong phú và bổ ích.
Với tầm hoạt động rộng rãi hơn trước, chúng tôi hy vọng sẽ được đón nhận nhiều sự cộng tác quý báu, không những của các tác giả đã nổi tiếng trên văn đàn, mà còn của những cây bút mới, đặc biệt là những cây bút trẻ. Đào sâu vốn văn hoá dân tộc, giới thiệu những tư trào mới trong văn học thế giới, chắc chắn đó không phải là việc của một người, một nhóm, mà là công trình chung đòi hỏi sự đóng góp, sự nỗ lực của tất cả những ai hằng tha thiết với văn hoá vậy…
Chúng tôi cũng hy vọng toàn thể bạn đọc sẽ tiếp tục ủng hộ nguyệt san Văn, vì chắc chắn là chúng tôi sẽ không thể duy trì được mức độ hoạt động đều đặn nếu thiếu sự ủng hộ quý báu đó.
Đông Hồ
Một điểm Phật tính trong Truyện Kiều
Xưa nay, nói đến văn chương Việt Nam, mọi nhà phê bình, toàn thể, đều bằng lòng công nhận Truyện Kiều là áng văn kiệt tác. Giữa rằng văn học, tác phẩm như một ngọn cô phong độc tú. Chẳng những trên phương diện văn học nghệ thuật, trên phương diện nhân sinh xã hội, mà trên phương diện triết lý nói chung, Phật giáo nói riêng, cũng cho chúng ta thấy tác giả. Tố Như Nguyễn Tiên Điền, quả thật là một nhà thơ thiên tài bách luyện.
Xưa nay, mọi người đều biết Truyện Kiều là một chuyện phong tình. Nhân vật chủ động trong truyện là một cô gái trăng hoa. Nhưng điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là Nguyễn Du đã xây dựng tác phẩm của mình trên triết lý giản dị, trên tín ngưỡng phổ thông của Phật giáo. Đành rằng cốt các chuyện là sẵn của Thanh Tâm Tài Nhân đời Minh, nhưng yếu tố chính phải là có ngòi bút sâu sắc tài tình của nhà thơ Hà Tĩnh. Vả các truyện Nôm của ta như Hoa tiên, Nhị độ mai, Phan Trần, Lâm Tuyền kỳ ngộ v.v… chuyện nào không là cốt truyện Tàu, nhưng vì tác giả các truyện đó không sánh kịp Tố Như mà Truyện Kiều vượt bậc.
Nhưng mà thôi, vấn đề đó không thuộc vào câu chuyện hôm nay. Ở đây, chúng ta trở lại để tìm thưởng thức mùi thiền và mùi đạo, đã phảng phất từ cảnh Vườn Lãm Thùy lan truyền cho đến dòng nước Tiền Đường. Chúng ta không cần bàn rộng đến thuyết nhân quả, đến nghiệp “Karma” của nhà Phật, mà Nguyễn Du đã áp dụng, chứng minh trong truyện, đúng hay là không đúng. Mà chỉ biết rằng nhân vật chính của tác giả là nàng Thuý Kiều đã sống trong nếp tin tưởng đó. Bất kỳ lúc nào, nàng Kiều cũng thấy mình bị bao vây bằng một vòng lưới túc khiên nghiệt chướng, không thoát được; rồi lại, cũng nhờ dựa vào nhân quả nghiệp duyên mà sống, sống nổi, mặc dầu sống trong kiếp yên hoa luân lạc, do tổ chức xấu xa của xã hội gây nên.
Nàng Kiều không phải sống với Kim Trọng, không phải sống với Thúc Sinh, cũng không phải sống với Từ Hải, mà thực sự thì nàng đã sống với hai nhân vật do học thuyết nhà Phật tạo nên. Một là hồn ma Đạm Tiên, hai là sư bà Giác Duyên. Đời nàng Kiều, cứ y như hễ gặp lúc khó khăn, không giải quyết được, thì có hai nhân vật đó xuất hiện, vẽ nẻo chỉ đường, vạch cho một lối thoát.
Hồn ma Đạm Tiên đã xuất hiện ba lần trong đời nàng Kiều:
Một lần, buổi chiều ngày Thanh minh, bắt đầu đến để trước bạ tên nàng vào sổ đoạn trường:
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa.
Lần thứ hai, đến để ngăn, không cho nàng chết, khi liều mạng với Tú Bà, bắt nàng phải sống mà trả cho hết tiền căn nghiệp báo:
Rĩ rằng: nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao.
Và một lần thứ ba, đến để giữ sổ cho nàng:
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thơ phải đón mà trả nhau.
Còn sư bà Giác Duyên, cũng ba lần đến với nàng:
Một lần, cho nàng nương náu ở Chiêu Ẩn Am khi nàng lỡ bước sẩy lời.
Lần thứ hai, ở doanh trại tướng quân Từ Hải, để chứng kiến kết quả của ân của oán, và cũng để thông báo trước lời tiền định của Tam Hợp Đạo cô.
Rồi lần thứ ba đến cứu vớt nàng ra khỏi trầm luân sông nước Tiền Đường, để cho nạn xưa trút sạch.
Những việc trên đó, ai mà không biết, cần chi phải kể lể dài dòng. Đành vậy, nhưng mà có nhắc lại, có nêu lên từng tình sự, từng chi tiết, mới thấy cả một thiên tình sử thi vị của Nguyễn Du lúc nào cũng chứa chan thiền vị.
Tôi không võ đoán và cũng không lập dị đâu. Ngay bắt đầu, chỗ hội Đạp Thanh, trong tiết Thanh minh, để dọn cho việc Thuý Kiều tiếp xúc với hồn ma Đạm Tiên, tác giả đã bắt nhân vật của mình nhìn thấy cảnh vật chung quanh khác với mắt nhìn của khác du xuân “đố lá tìm hoa”. Trong cảnh “cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm” mà lại xen vào đó cảnh “rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Trong cảnh nhộn nhịp tưng bừng “dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm” mà lại xen vào đó cảnh “sè sè nấm đất bên đường vắng tanh hương khói”. Tiếp theo là cảnh chiều tà bóng xế, ám khí nặng nề:
Kiều rằng: “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách còn là tinh anh.
Đã hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ”.
Một lời nói chửa kịp thưa,
Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay.
Ào ào đổ lộc rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều.
Đè chừng ngọn cỏ lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành,.
Mặt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: Này thật tin thành chẳng xa,
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em”.
Đọc đoạn văn vừa trích dẫn, có phải y như chúng ta đang nghe thấy cảnh u ám bi thu, thê lương thảm đạm của ngày lễ Vu Lan:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não lòng thay cảnh chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc giếng ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa.
Lòng nào lòng chẳng xót xa,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ, tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh.
Thương thay thập loại chủng sinh,
Phách đơn hồn chiếc linh đinh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Phận mồ côi lần lữa đêm đen.
Còn chi ai khó ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.
Mấy câu trong bài văn “Chiêu hồn” của tác giả Đoạn trường tân thanh dẫn ra trên đó, đã có khác gì nhau với đoạn văn trước mả Đạm Tiên.
Bắt đầu Truyện Kiều, trong những điểm văn chương và tâm lý mâu thuẫn đó, chúng ta đã thấy có mùi thiền mùi đạo rồi.
Rồi thì từ đó về sau, hãy còn bao nhiêu lần nữa, chúng ta thử theo bước thi sĩ Tố Như đi vãng cảnh chùa chiền.
Văn Truyện Kiều thật là đột ngột. Đang giữa tiết tháng Ba thanh minh quang đãng, bỗng có cảnh tháng Bảy sương sa cỏ áy sụt sùi; ngay trong cảnh vườn nhà họ Hoạn ác nghiệt, đanh đá chua ngoa, bỗng xuất hiện cảnh bác ái từ bi của Quan âm các:
Sẵn Quan âm các vườn ta,
Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa,
Có cổ thụ có sơn hồ,
Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.
Tuy biết rằng đó cũng là một cách Hoạn Thư giam lỏng nàng Kiều, bắt nàng và Thúc Sinh phải thường trực chịu đựng trong cảnh:
Gác kinh viện sách đôi nơi,
Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
Nhưng mà thực sự, Hoạn Thư đa đưa tay tế độ và trong thâm tâm đã mở cho nàng Kiều một đường phương tiện:
Nghìn xưa âu cũng thế này
Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa
Tiểu thư rằng ý trong tờ
Rắp đem mạng bạc nương nhờ cửa không.
Cho nên, mặc dầu tiếng là bị giam cầm đó, mà cảnh ngục tù êm đềm mát mẻ biết chừng nào. Ngoài phong cảnh thực hiện, “có cổ thụ có sơn hồ”, Hoạn Thư đã lo liệu thực là chu đáo:
Tâng tâng trời mới bình minh,
Hương hoa ngũ cúng sắm sanh lễ thường
Đưa nàng đến trước Phật đường
Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia
Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền
Sớm khuya tính đủ dầu đèn,
Xuân Thu cắt sẵn hai tên hương trà.
Giữ chùa chép kinh, trong cảnh thảnh thơi thanh nhàn đó, lại có thêm cả hai cô tiểu Xuân Thu hầu hạ hương trà khuya sớm, thì dầu trong cảnh “quan phòng then nhặt khoá mau” nữa, ai mà không muốn tu cho trót, huống chi là nàng Kiều đang giữa lúc chán chường:
Nàng từ lánh gót vườn hoa
Đường gần vườn tía đường xa bụi hồng.
Nhân duyên đâu lại còn mong,
Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi.
Phật tiền thảm lấp sầu vùi.
Ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hương.
Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
Tất chúng ta lấy làm lạ, tại sao mà Hoạn Thư con gái quan Thượng Thư Lại Bọ đương thời, sẵn sàng mọi quyền hành sanh sát trong tay, lại phải chịu khó phục vụ người tình địch của mình, chu tất ân cần đến như vậy. Thật là khác hẳn với tâm địa hiểm sâu và hành vi cay nghiệt của tiểu thư trước kia, hồi mới bắt được Thuý Kiều, Hoạn Thư đã nhất quyết hành hạ cho đến nước:
Làm cho, cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
Trước cho bõ ghét những người
Sau cho để một trò cười về sau
Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
Chắc có người nghĩ rằng phải tạo nên ngoại cảnh ở Quan âm các đó mới đánh bẫy được chàng Thúc và cô Kiều, cho hai đàng đều không lưu tâm e ngại, mà lấp lửng thừa ưa.
Để đến một hôm, tiểu thư thử vắng nhà quả nhiên cả Thúc Lang và Trạc Tuyền đều mắc vào bẫy đã giương:
Tiểu thư phải buổi vấn an lại nhà
tức thì:
Thừa cơ, Sinh mới lẻn ra
Xăm xăm đến chốn vườn hoa với nàng
v.v…
Tôi thì nghĩ khác. Hoạn Thư bấy giờ đã nguôi cơn ghen tức. Chẳng những cơn ghen tức đến lúc đó mới nguôi, mà chắc rằng đã nguôi từ khi:
Giọt rồng canh đã điểm ba
Tiểu thư nhìn mặt đường đà cam tâm
Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm
Vui này đã bỏ đau ngầm xưa nay
Và cũng động lòng trắc ẩn từ khi:
Cúi đầu quỳ trước sân hoa
Thân cung nàng mới dâng qua một tờ
Diện tiên trình với tiểu thơ
Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình
Liền tay trao lại Thúc Sinh
Rằng: tài nên trọn mà tình nên thương
Vì chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Bể trần chìm nổi thuyền quyên
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời.
Thì việc Hoạn Thư hậu đãi Thuý Kiều ở Quan âm các là do mối từ tâm, do Phật tính vốn sẵn có của lòng người. Điều này, suy luận của tôi, đã có chứng minh:
Sau khi nghe hai đàng kể lể:
Rành rành kẽ tóc chân tơ
Mấy lời nghe biết đã dư tỏ tường
Bao nhiêu đoạn khổ tình thương
Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than.
Cho đến khi “chán tai nàng mới rẽ hoa bước vào”. Dẫu biết rằng:
Dối quanh Sinh mới liệu lời
Tìm hoa quá bước xem người chép kinh
Mà tiểu thư vẫn cười nói ngọt ngào. Đó là tiểu thư cười nói ngọt ngào thẳng thắn. Cũng như tiểu thư đã thẳng thắn thưởng thức tài nghệ của nàng Kiều:
Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,
So vào thiếp Lan đình nào thua.
Tiếc thay lưu lạc giang hồ
Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài”.
Chúng ta sẽ thấy hành động phát xuất do Phật tính xui nên đó, là Hoạn Thư đã gây một cái nhân rất tốt cho mình.
Chúng ta xem đến hồi báo ân báo oán. Giữa cảnh:
Quân trung gươm lớn giáo dài,
Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi.
Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,
Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.
Chắc chắn rằng, bao nhiêu nỗi oán hờn oan khốc, bao nhiêu nỗi đau đớn e chề mà nàng Kiều chịu đựng trong mười mấy năm trời đều đổ trút tất cả lên đầu một người:
Dưới cờ gươm tuốt nắp ra
Chánh danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.
Chỉ nghe một tiếng chào của nàng Kiều, cũng đủ đoán được nỗi căm hờn tức tối dâng lên trong lòng nàng:
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
“Tiểu thư cũng có bây giờ ở đây!”.
Tiếng chào đó quả là tiếng phán quyết cuối cùng rồi. “Bây giờ ở đây!” Trời ơi! Nghe mà khiếp đảm kinh hồn. Trước khi tuyên án, nàng Kiều cũng đã tỏ cho Thúc Sinh biết trước số phận của vợ chàng để cho chàng khỏi trách:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”.
“Trả nghĩa” cho “mưu sâu”. Thiệt là ghê gớm. Tánh mạng của Hoạn Thư lúc đó, thật không còn có cách nào đảm bảo cho an toàn, sau bao nhiêu lời nghiến răng tuyên bố đó.
Ấy thế mà, khi nghe Hoạn Thư nhắc đến câu:
“Nghĩ cho khi Các chép kinh”
thì tức khắc:
Truyền quân lịnh xuống trường tiền tha ngay!
Thật là có ai dám ngờ, bản án của Hoạn Thư được xử nhẹ nhõm dễ dàng, khoan hồng đến như thế. Chúng ta độc giả vừa mới nín hơi hồi hộp mà nghe lời kết tội của Ma Vương, thì liền đó, lại được thở ra khoan khoái nhẹ nhàng mà nghe lời tuyên án vô lượng từ bi của Đức Phật.
Chúng ta đã thấy chưa. Cái nhân lành mà Hoạn Thư gieo ở Quan âm các, là để cho tiểu thư hái được cái quả tốt ở viên môn lúc bấy giờ.
Đó là điểm Phật tính trong Truyện Kiều mà Tố Như Nguyễn Tiên Điền đã khéo giấu giếm chúng ta, bằng một tài nghệ lão luyện, một kỹ thuật phi thường. Bắt đầu từ mối thắt:
Trộm nghe kẻ lớn trong nhà
Ở vào khuôn phép nói ra mối giường
cho đến mối gỡ:
Đã lòng tri quá thì nên
Truyền quân lịnh xuống trướng tiền tha ngay.
Chúng ta mới thấy được dụng công kỳ diệu, trí ý thâm trầm của tay Thần Thơ trác tuyệt.
Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê
Lấy ngữ pháp để giải thích Truyện Kiều [1]
Người Việt Nam, hễ biết đọc, thì ai cũng đọc qua Truyện Kiều của Nguyễn Du, không biết đọc, cũng học truyền khẩu một vài đoạn để mà ngâm nga tiêu khiển. Nhưng hiểu nổi Truyện Kiều, hiểu từng câu từng chữ, dễ có mấy người! Truyện Kiều khó hiểu, không phải chỉ vì tác giả dùng nhiều điển cố, dịch nhiều từ ngữ Hán không thông dụng trong Việt ngữ [2] ; Truyện Kiều khó hiểu còn vì cách cấu tạo câu khác hẳn cú pháp thông thường [3] .
Vẫn biết rằng thi gia không bắt buộc phải theo cú pháp thông thường như khi ta nói hay viết văn xuôi. Thi ca cần có nhạc điệu, phải theo âm luật; số tiếng mỗi câu lại có hạn nhất định, nên thi gia tha hồ dùng phép đảo ngữ và phép lược ngữ. Tuy nhiên, ít ai dùng hai phép ấy nhiều như Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Đọc Truyện Kiều, đại đa số chỉ hiểu được đại ý, ít người hiểu được chính xác để có thể theo ngữ pháp mà phân tích từng câu từng đoạn trong truyện. Tất nhiên là muốn phân tích thì phải đặt lại những tiếng đảo trí theo thứ tự thông thường, và phải thêm vào những ý bị lược đi. Cái khó là ở đấy, cái khó là biết những tiếng nào đảo trí, những ý nào bị lược. Các sách có chú thích Truyện Kiều, chỉ chú thích về điển cố và từ ngữ, chứ chưa có sách nào chú thích về cú pháp.
Chúng ta hãy lấy mấy câu mở đầu trong Truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Mấy câu ấy, ai cũng cho là dễ, ai cũng tưởng là mình hiểu. Thế mà sự thực thì lại khác, rất nhiều người chỉ hiểu được đại ý, chứ không hiểu được chính xác. Ấy cũng là vì không nhận định ra những tiếng đảo trí và những ý bị lược.
Trong sáu câu thơ trên, đáng chú ý nhất là câu thứ nhất và câu thứ tư.
Câu thứ nhất, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đã chú giải rõ ràng là lấy ở câu “Bách niên cảnh nhi ngã do vi nhân”, có nghĩa là “trong một cõi trăm năm mà ta vẫn là người”, tức là “trong cuộc đời người” (Sách đã dẫn, trang 55). Như vậy thì trong câu thơ “Trăm năm trong cõi người ta”, tác giả đảo trí từ kết trăm năm. Đặt lại theo thứ tự thông thường thì câu thơ ấy đổi ra: “Trong cõi trăm năm (của) người ta”, nghĩa là “trong đời người” hay gọn hơn nữa là “ở đời”.
Từ kết trăm năm đặt lên đầu câu, không phải là chủ đề để nhấn mạnh vào ý ấy [4] , mà chỉ vì luật bằng trắc trong phép làm thơ lục bát. Theo thi luật này thì trong câu lục tiếng thứ ta bấy giờ cũng là tiếng trắc, tiếng thứ nhì phần nhiều là tiếng bằng [5] . Vì thế mà viết “Trong cõi trăm năm người ta” tiếng thứ tư là bằng, tiếng thứ nhì là trắc, như vậy là sai luật. Vả lại, đọc lên, cũng thấy nhạc điệu không bằng “Trăm năm trong cõi người ta”. Tóm lại, tác giả phải đặt trăm năm lên đầu câu trước trong cõi, chỉ vì âm luật, chứ không phải có ý nhấn mạnh vào ý “trăm năm”.
Nay ta đọc những bản dịch ra Pháp văn, đều thấy dịch giả đặt ý “trăm năm” lên đầu câu, dường như có ý nhấn mạnh:
Nguyễn Văn Vĩnh [6] : “Cent années, dans cette limite de notre vie humaine”.
Réne Crayssac [7] : “Cent ans – le maximum d’une humaine existence!”.
M. R. [8] : “Cent ans, à peine, bornent notre eistance”.
Xuân Phúc và Xuân Việt [9] : “En cent ans, dans ces limites de l’humaine carrière”.
Câu thơ “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” rất nhiều người hiểu là “những điều trông thấy làm ta đau đớn lòng”, kể cả những dịch giả trên kia, nên đã dịch ra:
Nguyễn Văn Vĩnh: “Les choses que j’ai vues m’ont fait souffrir (ont endolori mon coeur)”.
Réne Crayssac: “Ce que l’observateur peut bien voir ne saurait qu’endolorir son coeur”.
M.R.: “Que de spectacles à briser mon coeur”.
Xuân Phúc và Xuân Việt: “Que de spectacles à frapper douloureusement le coeur!”.
Hiểu và dịch như trên thì từ kết những điều trông thấy là chủ từ của trạng từ đau đớn, trạng từ này là trạng từ trỏ tác động (verbe d’action), chứ không còn là trạng từ trỏ trạng thái tĩnh (verbe d’état) nữa, và phải coi là trong câu thơ lược có tiếng làm [10] .
Giá trong câu thơ không có tiếng mà thì ta có thể hiểu như trên được. Chính vì có tiếng mà, nên ta phải hiểu khác đi, nghĩa là không thể coi như lược tiếng làm, vì Việt ngữ không nói: “Những điều trông thấy mà làm đau đớn lòng”.
Theo chúng tôi, căn cứ vào cách dùng tiếng mà trong Việt ngữ [11] , ta có thể hiểu câu thơ theo hai lối sau:
Hoặc “Vì những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Hoặc “Trông thấy những điều xảy ra mà đau đớn lòng”.
Tiếng mà là trợ từ có công dụng phân cách hai ý có quan hệ nhân quả, bất luận là quan hệ về ý tứ hay quan hệ về cú pháp [12] , khi nào ý nguyên nhân đặt trước ý kết quả. Trong câu thơ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, ý “những điều trông thấy” là nguyên nhân, ý “đau đớn lòng” là kết quả.
Hiểu theo lối thứ nhất (a), thì trong câu thơ lược tiếng vì (vì… mà): hai ý nhân quả có quan hệ chính thuộc về cú pháp, và tiếng vì là quan hệ từ nguyên nhân.
Hiểu theo lối thứ hai (b), thì hai ý nhân quả chỉ có quan hệ về ý tứ. Về phương diện cú pháp, hai ý “những điều trông thấy” và “đau đớn lòng”, không ý nào phụ thuộc ý nào; hai ý đẳng lập với nhau. Hiểu theo lối thứ nhất, chỉ lược có tiếng vì; nhưng hiểu theo lối thứ nhì, thì không những đảo trí từ kết những điều, mà còn lược ý “xảy ra”. Tại sao lại phải coi là có lược ý “xảy ra”? Theo ngữ pháp Việt Nam, tiếng những dùng làm lượng từ trỏ phức số (pluriel), chỉ đi với thể từ [13] có thêm bổ từ, chứ không thể đi với thể từ không có bổ từ [14] . Vì thế mà nói “những điều trông thấy” thì được (trông thấy là bổ từ của điều); nhưng không thể nói “trông thấy những điều”, (điều không có bổ từ), mà phải nói “trông thấy những điều xảy ra”, “trông thấy những điều ấy”, “trông thấy những điều vui”, “trông thấy những điều buồn” v.v… (xảy ra hay ấy, hay vui, buồn đều dùng làm bổ từ cho điều).
Tuy rằng có thể nói “những điều trông thấy”, mà theo lối (a) phải thêm tiếng vì, là tại “vì những điều trông thấy mà ta đau đớn lòng” là một câu đơn “phrase simple”; trong câu đơn ấy tổ hợp những điều trông thấy là từ kết dùng làm bổ từ nguyên nhân. Và bắt buộc phải có quan hệ từ nguyên nhân vì. Còn theo lối (b), không có quan hệ từ nguyên nhân, câu “(Ta) trông thấy những điều (xảy ra) // mà (ta) đau đớn lòng” là câu phức (phrase composée) có hai cú đẳng lập (proposition indépendantens) về cú pháp, mặc dầu về ý tứ hai cú [15] có quan hệ nhân quả.
Trong sáu câu thơ đầu Truyện Kiều ta đã kể trên, câu thơ thứ hai “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” không có gì phải chú ý. Câu thơ thứ ba “Trải qua một cuộc bể dâu” là một cú lược chủ từ, nhưng phép lược này rất phổ thông trong lời nói thông thường [16] . Trong câu thứ tư, “đau đớn lòng” cũng lược ý chủ từ.
Câu thơ thứ sáu “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” có đảo trí từ kết má hồng: “Trời xanh quen thói đánh ghen (với) má hồng”.
Câu thơ thứ năm “Lạ gì bỉ sắc tư phong” là một cú lược chủ từ, nhưng đáng chú ý hơn là tứ kết lạ gì diễn tả ý phủ định mà không dùng phó từ phủ định: lạ gì = không lạ gì.
Lối nói, diễn tả ý phủ định mà không dùng tiếng phủ định, là do một tư thức (figure de pensée), môn tu từ học gọi là hư vấn (interrogation apparente), mà ra. Hư vấn là phép nói, đặt ra câu hỏi, mà thực ra không phải là để đợi trả lời. Tỉ dụ, ca dao có câu “Trong đầm gì đẹp bằng sen?”, hình thức là câu hỏi đấy, mà thực ra diễn tả bằng hư vấn mạnh hơn lối diễn tả thường, có dùng tiếng phủ định. Do đấy mà câu phủ định hàm thêm ý bất định (trong câu có cùng tiếng bất định như ai, gì, chi, nào, đâu, sao, bao…) hay ý bất khả năng, rất hay lược tiếng phủ định [17] . Phép hư vấn hay dùng nhiều trong Truyện Kiều, ta hãy dẫn ra vài tỉ dụ:
Một dây một buộc, ai giằng cho ra. 1288 [18]
(ai = không ai)
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình. 1542
(tốt chi = không tốt chi)
Mặt nào trông thấy nhau đây. 2531
(mặt nào = không còn mặt nào)
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà. 1783
(biết đâu = không biết đâu)
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân. 750
(kể làm sao xiết = không kể làm sao xiết)
Biết bao công mướn của thuê. 2827
(biết bao = không biết bao)
Dẫu thay mái tóc, dám dời lòng tơ. 552
(dám = không dám)
*
Dùng phép đảo ngữ, Nguyễn Du rất hay đặt thuật từ trước chủ từ [19] . Dưới đây là một số tỉ dụ trích ở mấy trang đầu trong Truyện Kiều:
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. 42
Gần xa nô nức yến anh. 45
Dập dìu tài tử giai nhân. 47
Sè sè nấm đất bên đường. 57
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. 58
Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh. 64
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. 66
Say chân theo một vài thằng con con. 138
Ngổn ngang trăm mối bên lòng. 183
Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng. 239
Vắng nhà, được buổi hôm nay. 387
Câu đầu, đặt theo dùng vị trí từ tiếng, đổi ra: “Một vài bông hoa điểm trắng cành lê…”. Câu cuối thông thường nói: “Được buổi hôm nay nhà vắng”.
Trong câu thơ dưới đây:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần. 17
Không những đảo trí thuật từ, mà còn lược trạng từ là tiếng chính trong thuật từ. Ta hiểu câu thơ trên là “Cốt cách như mai, tinh thần như tuyết”, cũng như Nguyễn Du đã viết trong một câu thơ khác:
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. 638
Nói đến lược ý trạng từ chính trong thuật từ, chúng tôi muốn dẫn thêm hai tỉ dụ:
Ngày xuân con én đưa thoi. 39
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh. 72
Câu trên, ta hiểu là “Ngày xuân đi nhanh như con én đưa thoi”, và câu dưới là “Dấu chân xe ngựa có có (hay: đã phủ) rêu lờ mờ xanh” [20] . Có chỗ, tác giả Truyện Kiều đã lược ý trạng từ chính trong thuật từ, còn lược ý cả chủ từ, như:
Làn thu thủy, nét xuân sơn. 25
ta hiểu là “Mắt như làn thu thủy, lông mày như nét xuân sơn” (dịch Nhỡ như thu thủy, mi tự xuân sơn) [21] . Nguyễn Du dùng rất nhiều điển cố, dịch rất nhiều thành ngữ của Trung Hoa, cho nên không căn cứ vào xuất xứ, rất khó phân tích một số lớn câu thơ trong Truyện Kiều. Một tỉ dụ nữa là câu:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành. 27
Dịch đại ý câu Hán văn “Nhất cố khuynh nhân thành, tài cố khuynh nhân quốc” [22] .
*
Hiện nay, tại các trường, lấy Truyện Kiều làm đề tài giảng văn, giáo sư chỉ giảng về điển cố, về từ ngữ, giảng bút pháp của tác giả, cùng là triết lý trong truyện. Nêu giảng thêm về cú pháp, cho học sinh và sinh viên hiểu được chính xác hơn, không những sẽ gây được hứng thú trong lớp, mà học sinh và sinh viên sẽ biết thêm cái tế nhị của tiếng Việt [23] .
Đầu bài này, chúng tôi đã viết rằng chưa có cuốn sách nào chú thích Truyện Kiều về cú pháp. Thực ra, một công trình như vậy, không phải là việc của một hai người có thể làm nổi, mà cần có một tập thể chừng mươi người cùng nhau hội họp luôn luôn để trao đổi ý kiến thì mới mong có kết quả được.
Dù làm tập thể, công việc cũng rất khó khăn, vì trong truyện có nhiều câu ngay về đại ý ta cũng chỉ hiểu lờ mờ thôi. Không hiểu được đích xác, không phải chỉ vì có nhiều tiếng đảo trí, có nhiều ý bị lược, như chúng tôi đã nói ở trên, mà chính vì có nhiều từ ngữ thông dụng về thời Nguyễn Du mà hiện nay không còn dùng nữa, nên ta chỉ có thể đoán được nghĩa mà thôi.
Lại còn nhiều tiếng hiện còn thông dụng, mà Nguyễn Du dùng theo nghĩa khác hẳn nghĩa ta hiểu ngày nay. Dưới đây, chúng tôi dẫn hai tỉ dụ, một về tiếng sao; một về tiếng nhau.
Khi nàng Kiều đắc thế, báo ân trả oán, ra lệnh:
Thề sao thì lại cứ sao gia hình. 2388
Sao có nghĩa là “thế nào”, cũng như vậy có nghĩa là “thế ấy”. Sao và vậy là hai tiếng hô ứng, và ngày nay thì ta nói: “Thề sao thì cứ vậy mà gia hình”. Chẳng lẽ về thời Nguyễn Du tiếng sao có nghĩa là “vậy”?
Tỉ dụ thứ hai là tiếng nhau. Hiện nay, ta hiểu tiếng nhau hàm ý giao hỗ, hay là trỏ nhiều người, nhiều vật cùng làm một việc, cùng có một tính chất, như “Chúng nó đánh nhau”, - “Hai cái xe đụng nhau”, - “Hai người đẹp như nhau”, - “Hai cái nhà cao bằng nhau”. Ngoài nghĩa trên, nhau còn dùng để trỏ chính người nói, tỉ dụ:
Nào thầy, nào bạn đi đâu tá,
Bỏ chết nhau đây, chẳng giúp cùng.
(Khuyết danh)
Cái khó theo nhau mãi thế thôi,
Có ai hay chỉ một mình tôi.
(Từ Diễn Đồng)
Nó bỏ nhau đi lúc vắng nhà. (Nguyễn Thiện Kế)
Trong Truyện Kiều, ta cũng thấy dùng tiếng nhau theo nghĩa vừa dẫn trên. Như khi Kiều tiễn chân Thúc Sinh về quê, nói:
Thương nhau, xin nhớ lời nhau. 1515
thì cả hai tiếng nhau đều trỏ Kiều. Kiều bảo Thúc Sinh: “Chàng thương tôi, xin nhớ lời tôi”, và lời nhau là lời Kiều căn dặn Thúc Sinh về nhà nên “nói sòng cho mình” với Hoạn Thư. Lại như khi Đạm Tiên lần thứ nhất báo mộng cho Kiều, nói:
Hàn gia ở mái tây thiên, 195-198
Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu.
Mấy lòng hạ cố đến nhau,
Mấy lời từ ném chấu gieo vàng.
thì tiếng nhau cũng trỏ có một mình Đạm Tiên.
Nhưng, trong Truyện Kiều, có chỗ Nguyễn Du dùng tiếng nhau, không khỏi làm cho ta bỡ ngỡ; như khi Giác Duyên thuật lại việc cứu nàng Kiều, có đoạn:
Khi nàng gieo ngọc trầm châu, 2987-2989
Đón nhau, tôi đã gặp nhau, rước về;
Cùng nhau nương cửa Bồ Đề…
Tiếng nhau thứ ba trỏ cả Giác Duyên lẫn Kiều (hai người cùng nhau nương cửa Bồ Đề), đúng như nghĩa thứ nhất ở trên (hai người cùng làm việc gì). Nhưng hai tiếng nhau trên (đón nhau, gặp nhau), không trỏ Giác Duyên và Kiều, cũng không trỏ một mình Giác Duyên và Thuý Kiều, cũng không trỏ một mình Giác Duyên là người thuật chuyện (theo nghĩa thứ hai), mà trỏ một mình nàng Kiều là đệ tam nhân. Hiện nay, chúng tôi chưa tìm thấy cách dùng tiếng nhau như vậy trong sách khác.
Công việc dù khó khăn, mà người yêu Truyện Kiều, nói chung là yêu tiếng Việt, không phải là hiếm. Cho nên chúng tôi vẫn dám mong, chẳng sớm thì muộn, thế nào cũng có nhiều nhà thiện chí đứng ra làm công việc chúng tôi rất mong đợi.
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Bài này đã dịch ra Pháp văn, đăng trong đặc san số 59, 1966, của Trường Bác cổ Viễn đông (École Française d’Extrême Orient), xuất bản để kỷ niệm đệ nhị bách chu niên ngày sinh nhật tác giả Truyện Kiều. Nay chúng tôi sửa lại và thêm một vài đoạn cống hiến độc giả Văn.
[2]Tỉ dụ trong hai câu thơ này:
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.
Những ngữ: chén hà, dải là, bình gương, dịch ở hà bôi, la đái, kinh bình (x. Truyện Thuý Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo và chú thích, Tân Việt, Sài Gòn, in lần thứ tư, tr. 82).
[3]Cú pháp, xin hiểu theo nghĩa là phép xếp đặt tiếng lẻ để cấu tạo thành câu nói, tương đương với tiếng Pháp syntaxe.
[4]Về quan niệm “chủ đề”, xem Trương Văn Chính và Nguyễn Hiến Lê, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Đại học Huế, 1963, từ tr. 529 (ở dưới sẽ viết tắt là KLVNPVN). Chúng tôi xin dẫn một tỉ dụ. Nói “Tôi gửi thư rồi”, đó là câu nói thường, không có chủ đề. Nhưng, nói “Thư, tôi gửi rồi”, thì tiếng thư giữ chức vụ chủ đề trong câu, trước chủ từ là tôi.
Đọc cả câu: “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, thì thấy không có lý gì để nhấn mạnh vào ý “trăm năm”.
Từ kết = groupe de mots, KLNPVN, tr. 190.
[5]Trần Trọng Kim, Việt Nam văn phạm, in lần thứ 7, Tân Việt, Sài Gòn, tr. 164.
[6]Nguyễn Văn Vĩnh, Traduction en français avec notes et commentaires du Kiều de Nguyễn Du (Grand poème populaire Vietnamien), Vĩnh Bảo – Hoành Sơn, Sài Gòn, 1951.
[7]Réné Crayssac, Kim Vân Kiều, le célèbre poème annamite de Nguyễn Du, traduit en vers Français, Lê Văn Tân, Hà Nội, 1926.
[8]M. R., Kim Vân Kiều, nouvelle traduction Française, Ed. Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1944.
[9]Xuân Phúc et Xuân Việt, Kim Vân Kiều traduit du Vietnamien, Connaissance de l’Orient, Collection UNESCO d’oeuvres représentatives, Galimard, Paris, 1961.
[10]Trạng từ: x. KLNPVN từ trang 156. Tiếng làm dùng để đổi trạng từ tĩnh thành trạng từ tác động, x. KLNPVN, trang 415, 421.
[11]KLNPVN, từ trang 608.
[12]Quan hệ về ý tứ và quan hệ về cú pháp: KLNPVN, tr. 484.
[13]Thể từ (substantif), các sác ngữ pháp cũ gọi là danh từ: KLNPVN, từ tr. 153.
[14]KLNPVN, tr. 348.
[15]Xem KLNPVN, tr. 479 vì sao chúng tôi dùng cú mà không dùng mệnh đề để dịch tiếng proposition.
[16]KLNPVN, từ tr. 509.
[17]Cũng xem: Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình, Tiếng đâu trong Truyện Kiều, số đặc biệt Văn, kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du, số 43, 1-10-1965. – Bài này cũng đã dịch ra Pháp văn, và đăng trong đặc san dẫn trên của Trường Bác cổ Viễn đông (xem lời chú 1).
[18]Số thứ tự trong các câu thơ theo Truyện Thuý Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim.
[19]Chủ từ và thuật từ: KLNPVN từ tr. 495. – Chủ từ và thuật từ thường là từ kết gồm tiếng chính và các gia từ; như trong câu “Các bọn thượng lưu xứ Ai Cập đời bấy giờ / lãng phí sinh mệnh kẻ lao động một cách rất dữ quá” (Phạm Quỳnh), từ kết các bọn…bấy giờ là chủ từ, và từ kết lãng phí… dữ quá là thuật từ.
[20]Chúng tôi thảo luận với nhiều bạn, có người muốn hiểu câu thơ “Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh”, là “Ở trên dấu xe ngựa rêu đã lờ mờ xanh”, tức là coi có đảo trí tiếng đã. Chúng tôi không đồng ý, nhưng cũng viết ra đây để rộng đường dư luận.
[21]Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 56.
[22]Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 57
[23]Chúng tôi đã thử giảng như vậy trong một buổi học thì thấy kết quả mỹ mãn.
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tứ tam cá nguyệt 1967, tập 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét