19/7/10

Vũ Hoàng Chương - Ta đã làm chi đời ta (6)

Vũ Hoàng Chương
Ta đã làm chi đời ta
Bút ký


.....
Đoản đình trường đình

Yên vị trên phi cơ, Hoàng lơ đãng nhìn xuống cánh đồng mây đang trải rộng, và mênh mông bàng bạc không biết đâu là tận cùng. Chợt nhớ hai câu thơ thất ngôn nào đó, Hoàng cao hứng ngâm vang:


Làm mây ải Nhạn chiều heo hút
Rồi cũng lang thang kiếp độc hành.


Ngâm xong thơ mới nhớ ra được xuất xứ: câu dưới của nữ sĩ Ngân Giang và câu trên của chính Hoàng, nguyên là hai câu liên ngâm ra đời ở Hà Nội, tính đến nay đã vừa đôi-tám-xuân-xanh.

Tuy vậy, bảo là “ngâm vang” thì hơi quá. Vì nếu có tiếng vang thật sự trên chiếc phi cơ tràn đầy hành khách này, hẳn người ngồi đối diện với Hoàng kia đã nghe thấy và đã không ngạc nhiên, cái ngạc nhiên của người tưởng mình đối diện với một gã khùng đầu lắc lư, môi mấp máy chẳng biết có phải đang tự diễn thuyết để tự làm thính giả chăng.

Người ngồi trước mặt Hoàng? Đến lúc này Hoàng mới để ý: một thiếu nữ trang điểm kín đáo và nhan sắc chỉ bình thường, phục sức lại giản dị, quá giản dị là khác. Áo dài màu hồ thủy, chuỗi ngọc trai và chiếc vòng huyền… Có thế thôi! À quên, còn mớ tóc bới cao, chứ không cắt ngắn hoặc buông xõa; mặc dầu có thể là tóc mây được lắm, nhưng không cởi mở, không hấp dẫn bao nhiêu.

“Ông sang Pháp ạ?”

“Thưa cô, tôi đi La Mã; nhưng vì một lý do nào chả biết, Tân Sơn Nhất cho tôi hay rằng chuyến phi cơ này chỉ có nhiệm vụ chở tôi đến Vọng Các thôi; tôi phải xuống đó chờ một chuyến khác”.

“May quá, Yến cũng bị đặt vào trường hợp giống y như trường hợp của ông vậy… À quên, xin lỗi ông, em chưa tự giới thiệu: Em là Yến, nữ y tá…”

Qua mấy câu trao đổi, Hoàng được cô bạn đồng hành cho biết rằng đây là lần đầu tiên cô ra khỏi nước, lại đi một mình… nên lúng túng lắm. Gia tư chỉ bậc trung thôi, và may mắn được học bổng nên mới có cơ hội sang tận kinh đô Ánh Sáng đấy chứ. Điều may mắn nữa là cô có một người chị em thúc bá hiện đang ở kinh đô này, và sẵn sàng cung cấp cho cô nơi ăn chốn ở, chỉ cốt sao đặt được chân xuống đất Pháp là cô yên trí rồi.

“Ông…”

“Cứ gọi tôi là Hoàng cho tiện”.

“Vâng, vâng! Ông Hoàng đã từng xuất ngoại nhiều lần, có phải thế không ạ?”

“Tôi ngại xê dịch lắm nhưng việc bắt buộc phải đi thì đành vậy chứ biết sao, thưa cô!”

“Đành thế; ông vẫn có nhiều kinh nghiệm về xê dịch. Và điều tôi mong mỏi là ông sẽ giúp tôi…”

Giúp Yến? Thì Hoàng đã sẵn sàng. Vả lại, có gì phiền phức lắm đâu. Một vài thủ tục giấy tờ khi xuống Bangkok, một vài trao đổi điện thoại với sứ quán… thế là xong. Hoàng và Yến thong dong về khách sạn bằng xe của hãng hàng không, Hãng A.F. thì phải. Họ có trách nhiệm cung phụng hai khách hàng đặc biệt này cho đến khi một người lên được chiếc phi cơ đi Paris và một người tìm ra được chuyến bay thích hợp để trực chỉ La Mã.

Lẽ dĩ nhiên sự cung phụng, dầu khả ái đến đâu, vẫn chỉ giới hạn ở hai khoản: ăn và ở. Còn như các chuyện lặt vặt khác, như đi dạo phố mua quà kỷ niệm, đi coi múa hát, xem phong cảnh, v.v. thì ai nấy phải tự túc, kể cả cô Yến và ông… Hoàng!

Thế gian cứ thế mà trôi. Không ai nóng lòng sốt ruột, tuy thời tiết ở Bangkok chẳng êm dịu chút nào. Còn nóng hơn cả Sài Gòn nữa!

Cái phiền là ở chỗ Hoàng phải lên phi cơ tiếp tục cuộc hành trình ngay nửa đêm hôm đó; mà Yến thì phải lưu lại Bangkok mãi cho đến năm giờ chiều hôm sau.

Cuộc chia tay nào chẳng buồn? Huống hồ cuộc chia tay này còn đeo theo nó cả một cuộc bàn giao… bất đắc dĩ.

Nguyên nhân là hồi chiều cùng đi dạo phố với Yến, Hoàng đã cao hứng nhắc đến chùa Phật Ngọc và hết sức ca tụng vẻ đẹp huyền bí của nơi này, vẻ đẹp từng gợi cho Hoàng xiết bao thi cảm trong chuyến du ngoạn tám tháng trước đây:


Ôi! Chùa Phật Ngọc mái long lanh
Đất Phật từng gieo hạt Ngọc Lành.
Du tử dâng hồn lên Vọng Các
Gương soi chẳng chút úa màu xanh…


Thế là Yến nhất định đòi thực hiện chuyến hành hương tới ngôi chùa vương giả đó. Nhưng thời gian quá gấp, Hoàng đành phải điện thoại cho một ông bạn tòng sự tại sứ quán để nhờ ông ấy thay thế Hoàng trong cái sứ mạng làm hướng đạo cho “người đẹp”. Chứ biết sao!

Cuộc bàn giao diễn ra – rất tốt đẹp – ngay tại phòng khách lớn của khách sạn lúc tám giờ tối. Hoàng chia tay với Yến lúc mười một giờ, và tới phi trường vào đúng nửa đêm.

Mặc dầu Bangkok là một phi cảng lớn bậc nhất Đông Nam Á, và lúc này – tháng Bảy dương lịch – đang là mùa phiếm du, hành khách đợi các chuyến bay đêm cũng chỉ thưa thớt, khiến cho quang cảnh đột nhiên trở thành hiu hắt tiêu sơ. Gió lạnh như mùa thu Hà Nội. Và tưởng đâu có mưa bụi lất phất, hay mưa phùn dai dẳng từng đợt ly sầu. Không khí bỗng trầm xuống, màu sắc Đường thi tỏa ra, mỗi phút một thêm hư ảo. Hoàng thấy mơ hồ như có ai nhắc khẽ vào tai – hay vào tiềm thức? – mấy câu thơ đời Đường (của ai, không nhớ nữa!):


Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở cơn cô…


Và, đúng như định luật về phản ứng dây chuyền, thơ đã gọi ra thơ… Một viên cuội nhỏ vừa ném xuống mặt ao trầm tư; một vòng tròn nhỏ hiện ra, phút giây sau hàng trăm ngàn chiếc vòng đồng tâm lần lượt hiện hữu, lớn dần, lớn dần… Mấy câu thơ trên đã tự xóa mờ trên cái dốc êm đềm của ký ức Hoàng, để được thay thế bằng những câu khác. Cứ thế… cho đến khi một hình ảnh vút bay ra, tràn ngập cả câu thơ. Và những câu tốt số này ngưng đọng hẳn lại; như phía trước mặt, con dốc không còn nữa, nhường chỗ cho một âm hưởng hay một mùi hương man mác nào.

Hoàng nghe thấy chính mình ngâm lên, sương khói bay theo từng tiếng bằng tiếng trắc; và có lẽ là thơ trong kịch Tây Sương:


Thi ông lão khứ Oanh Oanh tại,
Công tử quy lai Yến Yến mang.


Và ngay tức khắc, Hoàng ngâm luôn bốn câu phỏng dịch, tưởng như mình đã dịch sẵn từ bao giờ:


Vương tôn có lúc hồi hương
Thi nhân có lúc điểm sương mái đầu.
Oanh còn tiếng hót giọt châu
Yến còn ngơ ngác vòng sầu nắng mưa?



*

Thế rồi… lại yên vị trên phi cơ. Lại lơ đãng nhìn xuống… Nhưng chỉ là nhìn xuống cả một rừng đèn sáng rực đủ màu, xa dần như ảo ảnh, nhường chỗ cho đêm tối mênh mang.

Tiếng hót của Oanh cũng chìm theo, vòng sầu của Yến cũng liệng sâu mãi vào tiềm thức để cùng nối lại trong đó giấc trường miên. Vọng Các – một đoản đình bất ngờ – đã chỉ còn là kỷ niệm đối với Hoàng. Cái bóng lớn của thủ đô La Mã bắt đầu lấp ló rồi kia! La Mã, một trường đình có ghi sẵn chứ đâu phải bất ngờ như đoản đình Vọng Các. Theo truyền thuyết Tây phương, thủ đô tráng lệ này phải là điểm tận cùng của mọi con đường; nhưng theo ý Hoàng lại khác hẳn.

Đó là khởi điểm của nhiều con đường, mặc dầu đối chiếu vào trường hợp của Hoàng, khởi điểm đó còn mang tính chất tất yếu và bất khả kháng nữa, chứ có phải Hoàng lựa chọn nó, hoặc tha thiết gì với nó đâu. Thật vậy, Hoàng không xuống La Mã không xong; nghĩa là không thể nào đến được nơi mình định đến, nếu chẳng ghé vào La Mã ít nhất ba hôm, ban ngày thì lo thủ tục nhập cảnh, ban đêm thì ngửa trông vòm sao du mục, tiên đoán một vài chuyện sắp xảy ra, hoặc tiên liệu một vài thái độ thích nghi nào đó.

Ôi, trường đình La Mã, dầu sao ta cũng có chút duyên với mi! Sáu năm trước ta cùng mi sơ ngộ đúng nửa đêm; lần này thì đúng nửa đêm ta dời bỏ Vọng Các, vượt muôn trùng gió mây để cùng mi tái ngộ. Không duyên mà thế sao?

Bởi vậy, ngay từ khi chưa vào tới không phận của Âu châu, Hoàng đã viết được trọn vẹn sáu giòng thơ mở đầu cho bài “Đêm vào La Mã”:


Ai xưa mưa tạnh liền sông,
Ta liền đêm rối phiêu bồng đường bay.
Gió sương đổ hết về đây,
Phi trường La Mã khoác dày áo đêm.
Vòng theo khoảng cách đôi kim
Thời gian buông bắt trái tim giang hồ.
...


Vòng kim thời gian đã vậy; chẳng biết có còn vòng Yến-bay-hoang nào nữa không, hỡi kẻ độc hành mang nặng Nghiệp?

Sài Gòn, tháng Tám dương lịch 1971
(Ghi lại chuyến đi 1965)


Vớt lại trần ai…

Khó mà quên được Tết năm đó, mỗi khi ngồi uống trà một mình. Không bắt buộc phải trà ướp sen. Quý hồ đợt khói trên miệng chén trà có hồn sen là đủ!


Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ… [1]


Năm đó, phải chăng năm Quý Mùi, tây lịch 1943? Hoàng ăn Tết dưới mái gia đình, như thường lệ. Nhưng khác thường lệ ở chỗ ngay từ mồng Hai Tết, Hoàng đã lấy xe lửa di chuyển từ Nam Định lên Hà Nội, và có mặt giữa đám anh em làng Say ròng rã từ chiều mồng Hai cho đến hết tháng Giêng mới rã đám.

Chẳng hiểu vì lý do nào mầu nhiệm, mà Tết năm ấy xem chừng bạn văn của Hoàng, anh nào cũng phong lưu cả. Không dám nói là tiền bạc như nước, nhưng cái khoản chi phối vào tửu quán ca trường thì ai cũng đủ sức chu biện cho ba ngày tròn là ít.

Thoạt tiên chỉ có bốn người, Hoàng cũng ở trong số ấy. Rồi sau bốn ngày, mỗi người lại tìm được ba người khác để tách rời ra khỏi nhóm nguyên thủy. Rồi cứ thế… cứ thế! Mấy chốc mà chẳng bay vèo hết sạch cái “tháng ăn chơi”.

Tuổi Hoàng chưa đến ba mươi; chẳng cần mang kính màu hồng màu biếc, Hoàng cũng thấy cảnh trước mắt toàn hoa nở lá tươi, vừa đẹp vừa say như chén rượu Đào-viên-kết-nghĩa.

Huống hồ từ lâu nay Hoàng đã quyết mang vào thân cái nghiệp của một kẻ làm thơ viết kịch! Nên càng tin rằng cảnh trước mắt kia đang là “cảnh khói”, đúng như câu văn bất hủ của Lý Bạch: “Dương xuân triệu ngã dĩ yên cảnh, Đại khối giả ngã dĩ văn chương”.

Cảnh xuân tại Hà đô mướt dịu như khói, mình được triệu thỉnh đến thưởng thức, không lẽ mình chối từ! Lại được trời đất kia cho vay tạm cái hồn văn trong một kiếp người, đâu lẽ mình để cho khối ngọc bị hoen mờ nơi bùn bụi trên các nẻo lợi danh! Có ngọc quý – dầu chỉ vay tạm trong thời hạn một trăm năm – tất phải đưa nó lên những đỉnh cao nhất của tình cảm để nó có dịp hội tụ được tối đa những tia sáng vạn năng từ đó bùng cháy lên ngọn lửa sáng tạo.

Các bạn văn bạn chơi của Hoàng dĩ nhiên cũng chung một ý nghĩ. Mà không thể sao được, khi bốn chung quanh, thời tiết đang mê hoặc mọi cảm quan, và miền ngoại ô Hà Nội đang biến dần thành giấc mơ những sự thật phũ phàng nhỏ mọn nhất.


Ôi, mùa rét ngọt mưa bay rượu,
Thành gấm thôn hoa mộng nở bừng!...


Hoa thôn với Cẩm thành nào đây mà nghe như trong kịch Tây sương hoặc truyện Liêu trai chí dị? Không! Nơi đây chỉ là một ngã tư, trông lên phía Bắc là đô thành Hà Nội, nhìn xuống phía Nam là nối tiếp nhau từng thôn xóm có lũy tre xanh bao bọc. Còn hai ngả kia thì một dẫn tới ngoại ô Bạch Mai và một đưa bước kẻ du hành qua vùng Láng, vòng sang Cầu Giấy, hồ Lãng Bạc, đường Cổ Ngư. Giống như hai cánh tay mở rộng ôm lấy cố đô Thăng Long. Ngã tư đó, nơi Hoàng họp bạn lúc bấy giờ – tháng Giêng năm Quý Mùi – chính là Ngã tư Sở.

Và câu chuyện phải bắt đầu từ nhà văn họ Lê, tác giả cuốn tiểu thuyết “Cánh sen trong bùn”. Người đã từng nổi danh trên văn đàn cũng như trong cái thế giới đặc biệt của khói men, của xênh phách. Người giữ được tiếng tăm rất lâu, chứng minh được rằng ba chữ “sống để viết” có thể kéo theo chúng cả một định lý đảo: “viết để sống”; và chứng minh rất hùng hồn nữa kia! Người mà tuần báo Phong hóa đã giễu cợt bằng cách gọi đích danh để mắc theo vào một biệt hiệu dễ gây ngộ nhận: “Lê Văn Trương, huênh-hoang-tôn-ông”.

Phải! Cái dáng điệu hùng dũng như sắp “thanh gươm yên ngựa” đến nơi, cái giọng điệu “đao to búa lớn” vang dậy trong câu hỏi ngắn và sắc đi liền theo tiếng gọi như sấm nổ:

“Hoàng Say đại huynh, vi hành đâu đấy? Chẳng phải Lê Văn Trương thì còn ai!”

“Lê tôn ông đó ư? Tiểu đệ đang “lêu têu”, và sẵn sàng nghe lệnh”.

Câu trả lời của Hoàng – có vẻ phường chèo đối với người khác – đã được Trương đón nhận như những lời nghiêm chỉnh nhất của một kẻ đồng điệu, một bạn tri âm. Và Trương quay về phía sau nói như quát:

“Anh em, sửa soạn nghênh tiếp Hoàng đại huynh nghe! Nói với chị Ba rằng chuyện gì cũng phải dẹp đi hết. Nếu cần, đuổi bọn tục khách ra đường! Khách quen cũng đuổi. Nhớ nhé! Bảo rằng lệnh của “anh”.

Lúc này Hoàng mới kịp nhận diện hai người bạn tháp tùng họ Lê. Tưởng ai xa lạ, chẳng hóa ra vẫn Hồng với Hiến, tả hữu mà cũng đồng thời là tâm phúc, là “anh em kết nghĩa vườn đào” với Trương. Nhưng Hoàng chưa kịp chào hỏi thì họ đã quay gót chạy vụt đi như một cơn gió.

Mà… mà… gió lên thật, mới thú chứ! Vì chỉ năm phút sau, hai người “anh em” đã hoàn tất sứ mạng, trở về phụng chỉ rất đàng hoàng.

“Nào, xin mời đại huynh!”

Trương vừa nói vừa kéo mạnh tay Hoàng dắt đi, lại còn ngoái cổ dặn tả hữu:

“Hiến, về báo cho cả bọn nó biết rồi ra ngay. Còn Hồng, đi chu biện gấp. Hôm nay đại yến, phải một “quả cà” mới đủ được, nghe! Thêm một cóng “ngoại thủy” nữa cho đậm. Nhớ chứ?”

Rồi chẳng cần “hướng đạo quan”, Hoàng và Trương – oai vệ như hai bậc đế vương – từ xóm Vĩnh Hồ đổ xuống ngã tư, rồi rẽ tay trái. Lầu hao của Bạch Liên thư thư.

Đêm ấy họ Lê “hùng” lắm. Ăn nhiều, nói lớn, uống cũng khỏe và… mây khói đi về cũng tan tác Vu Sơn…

“Quả cà” do Hồng đem tới mới lợi hại làm sao! Ít khi Hoàng say đến thế. Tự hỏi: Không biết có phải là “cà độc dược” chăng?

Cơn say “lơ mơ” kéo dài qua những cung bậc quen thuộc, đến độ rơi hẳn vào cõi “vô cùng thiên địa” lúc nào chẳng hay…

Kịp đến khi phân biệt nổi nhịp phách “Dựng” líu ríu đổ theo cung đàn tuôn thác lũ xuống ghềnh, và phảng phất nghe như rơi rụng từng hạt châu hiện thành tiếng:


Xa… từ xa kinh khuyết bấy lâu
Tầm dương đất trích ư… ư… gối sầu hôm mai.


Thì mở mắt nhìn ra đã… “đông tây lặng ngắt”. Lê Tôn Ông, nhị vị Hồng, Hiến và cả bọn đã rút lui từ bao giờ.

Hoàng định thần một phút, toan ngồi dậy. Nhưng Bạch Liên đã dồn phách dứt câu, rồi đặt phách xuống, khoát tay cho nghỉ đàn, và thong thả tiến lại, nơi Hoàng cao ngọa…

Khoảng cách giữa hai cái sập gụ trải chiếu hoa chỉ vào khoảng ba thước rưỡi Tây, thế mà Hoàng có cảm giác nó dài như dãy núi nào ở miền Trung nước ta, hay con sông nào ở miền Nam nước Tàu. Mới lạ chứ!

Hẳn là vì Hoàng nằm đối diện với chiếc gương lớn chạy dọc theo bức tường phía bên này. Trong khi, chênh chếch về phía bên kia, Bạch Liên đang hài tơ nhẹ chuyển.

Mắt Hoàng dán vào gương. Như muốn giữ chặt lấy màu da vẻ tóc… Như muốn giữ luôn cả hơi hướng tiết ra từ đàng sau nét son, cả những rung động truyền đi từ chiều sâu khóe hạnh của người đẹp… Con người bao năm trước, tháng trước, tuần trước, Hoàng chỉ thấy đẹp có một vài phần, đáng tin cũng chỉ một vài phần hay ít hơn nữa. Thế mà lúc này, giây phút này, Hoàng bỗng thấy đẹp cả mười, và đáng tin cả trăm ngàn ức triệu…

Giây phút quý báu thật. Lẽ nào không bắt nó ngưng lại, đứng hẳn lại! Nếu dòng thời gian chẳng thuận tình, thì tách nó ra khỏi thời gian. Bằng đủ mọi cách. Đủ mọi cách… Đủ mọi cách…

Và lần này, Hoàng mê đi khá lâu.

Trong cơn mê, hồn Thơ tỉnh táo hơn lúc nào hết. Vì khi thức giấc, đêm đã quá khuya, Hoàng phải khêu lại bấc để ghi vội tám câu lục bát vừa lẻn vào tâm trí như một mùi hương nhẹ thoáng mà lấn át cả “hương nâu”. Ghi vội kẻo sáng mai quên hết mất. Lấy gì tạ lòng ai cho xứng đáng bằng?

Nhưng sáng hôm sau, chờ mãi chẳng thấy Bạch Liên xuất hiện. Các em trong “Lầu hoa” đều không biết rõ “mợ” đi đâu và đến bao giờ mới về. Hoàng đành gửi lại tám câu đó:


Gót sen vừa nở đã tàn
Bóng gương chết lặn âm đàn phai theo
Mùi hương sứ giả bay vèo
Dễ đâu tâm ý cùng gieo ngắn dài
Chông chênh vần lạc phách sai
Lỡ nhau Bông trắng lầm ai Thơ vàng
Ôi, nàng… sen dời lầu trang
Đường tơ ai nối cho chàng say đây.



*

Bẵng đi đến cả tháng. Một hôm bất ngờ dậy sớm, Hoàng ra đứng ngoài bao lơn nhìn xuống lòng đường. Con đường nhỏ hẹp của phố Hàng Đàn, chỗ sắp rẽ ra Hàng Quạt. Chừng chín giờ thì phải. Đường vắng hoe. Chợt thấy một chiếc xe nhà từ miệt Cửa Nam đi tới. Người kéo xe thả chậm bước, chừng như người ngồi xe đang muốn tìm nhà ai. Cứ thế, chiếc xe tiến dần về ngã ba Hàng Quạt. Rồi… xe quay trở lại. Vừa lúc Hoàng nhận ra được Bạch Liên, bệ vệ như một “bà lớn”.

Tiếng Chu Ngọc vang lên sau lưng Hoàng:

“Chết cha! Cậu còn “kẻ râu” ở dưới ấy hả?”

Hoàng chột dạ, toan quay vào. Nhưng không kịp nữa. Bạch Liên đã nhanh mắt trông lên và nhận diện được cả hai gã rồi.

Tuy nhiên, căn gác này Hoàng và Ngọc bày ra bề bộn quá; chỗ thuê để tập kịch ấy mà! Đồ đạc có thứ nào vào với thứ nào đâu! Mời người đẹp lên thì bất tiện quá. Ấm chén cọc cạch, lại chẳng có gói trà nào ra hồn; chẳng lẽ mời khách lầu hoa uống nước theo kiểu dân lao động?

May sao lúc đó Hoàng đã đóng bộ được một nửa [2] . Nghĩa là chỉ cần xỏ giày, thắt cờ-ra-vát nữa là xong. Liền vội vã xuống đường. Ngọc còn dặn với theo:

“Chớ có mời lên đấy!”

Rõ khéo anh chàng Ngọc vô duyên! Đã dễ “người ta” lên cái ổ chuột này đâu mà mời với chẳng mời!

Hoàng nghĩ thế mà đúng. Vì xe dừng phía bên kia đường. Hoàng vượt sang hội diện.

Câu chuyện trao đổi rất nhanh. Vì Bạch Liên vẫn ngồi trên xe chứ không xuống…

Thế rồi xe lại “như bay trong cõi hồng trần” đưa nàng “trở gót trướng hoa”… Phố xá lại vắng ngắt. Hoàng lại vượt qua đường, vào nhà, lên gác. Như không có chuyện gì xảy ra.

Mà… không có chuyện gì thực! Đâu phải Hoàng nói dối ai. Mùa xuân đã sắp ngả màu, thiên hạ đều vô sự. Cả cái sự “diễn kịch” của Ngọc và Hoàng. Ban Kịch Hà Nội vừa tái diễn hai vở Vân Muội (của Hoàng) và Cái tủ chè (của Vũ Trọng Can) ở rạp Hàng Bạc. Thuê căn gác phố Hàng Đàn này là để nghỉ xả hơi, và sửa soạn tập vở mới. Lần này định diễn một vở thoại kịch dài: Lệ chi viên (của Vi Huyền Đắc). Các vai đã phân phối đâu và đấy rồi. Hoàng Cầm sẽ thủ vai vua Lê; Lê Trọng Quỹ vai Nguyễn Trãi, được quá đi chứ! Vai Thị Lộ – cái đinh của vở kịch – thì đã thương lượng với cô Hạc Đình, ái nữ nhà thơ ngụ ngôn họ Bùi, thanh sắc gồm đủ, thế là nhất còn gì! Tuần sau mới bắt đầu tập. Vả lại tập thì tập chứ Hoàng có ăn thua chút nào vào đấy đâu. Diễn viên, không! Đạo diễn, cũng không! Chạy hiệu, cũng không nốt! Thế thì Ngọc lấy quyền gì ngăn trở Hoàng. Người ta muốn đi đâu thì đi chứ. Kể cả đi theo tiếng gọi của… Bạch Liên, nữ chúa Mê Cung. Huống nữa, từ ba hôm nay, Hoàng cứ như người bị ma ám, lúc nào cũng gật gù lẩm nhẩm, ai kéo ra đường thì ra, đưa cơm rượu đến tay thì đỡ lấy ăn, uống, đưa thuốc đến miệng thì hút liên miên; chẳng cần biết mùi vị ra sao nữa. Và nhất là không cần biết ai trả tiền. Hoàng đang “làm thơ” đó! Bài hát Cuồng viết mới được một nửa. Mới đến những câu:

Sao chiều xuống chênh song, hề, còn đau thân thế?
Còn tủi bình sinh, hề, khi gió lên đầy trời?

Ngọc sốt ruột quá. Ra đường đã mất công dẫn đi, lôi đi. Về đến nhà lại khổ cái lỗ tai vì phải nghe từng nhịp bách bộ quanh sân gác. “Thôi, cho ông mãnh xuống núi, càng đỡ mệt. Cũng chẳng đòi theo hắn làm gì!”. Ngọc nghĩ vậy là biết điều quá. Vì theo Hoàng thế nào được lần này!


*

Xuống đến Ngã Tư Sở cuối giờ Tỵ, Bạch Liên chờ đã nóng lòng. Ấy là nàng bảo thế, Hoàng có tin nổi thì cứ tin.

“Có chuyện gì mà triệu thỉnh gấp vậy? Để đến chiều tối không được sao?”

“Chiều tối lại là chuyện khác…”

“Thế còn chuyện này?”

“Cứ thong thả. Hãy lên gác đã nào!

Thì ra Bạch Liên không chịu bốn chữ trong câu thứ hai của bài thơ Hoàng gửi lại hôm tháng Giêng.

“Sao lại “… âm đàn phai theo”? Rất có thể Hoàng định nói những tiếng đàn đáy hòa theo nhịp phách. Nhưng lỡ thiên hạ lầm tưởng đó là tiếng đàn của chính Liên? Mà… đàn của Liên thì… phai… thế nào được! Liên tin rằng nếu Hoàng lắng nghe – để hết tâm hồn mà nghe cơ! – Tất phải nhớ mãi. Bóng gương có thể chết lặng, như lời Hoàng viết, nhưng âm đàn thì chẳng bao giờ phai theo được, nhớ chưa?”

“À, ra thế, hôm nay Liên định “nối đường tơ” cho “chàng say” đó hẳn? Đã hỏi kỹ lại lòng mình, và lòng… người ta… chưa?”

“Làm gì có “người ta” nào vào đấy! Đã bảo chuyện này khác kia mà!”

Lại cái điệp khúc “chuyện này khác!”. Nào thử xem nó khác ở chỗ nào, ranh giới có phải là Dòng-sông-nước-mắt chăng?

Trước hết, căn gác này không phải căn gác Lê Văn Trương đưa Hoàng tới hôm đầu năm. Đây không phải “nhà hát”, mà chính ra là “phòng loan” của Bạch Liên thư thư. Chẳng có trống phách đèn đóm gì cả! Nhưng có khói trầm, có hoa tươi cắm trong bình, có trà mạn sen ngưng thẫm màu trong những chiếc chén cổ, trà đãi “quý khách” do đích thân “bà chủ” pha mời…

Trên tường, một cây nguyệt cầm óng ả đang chờ tay ai với xuống. Khói trầm và khói trà đã như quyện lấy dây tơ, và hồn của con tằm đã muốn bật ra tiếng gọi tri kỷ.

Ánh mắt Hoàng chưa kịp thu về, Bạch Liên đã đứng dậy, trân trọng đỡ cây đàn xuống. Và rồi:


So dần dây Vũ dây Văn…


Khiến cho Hoàng có cảm giác như đang ngồi trên sân khấu, đóng vai trò Kim Trọng nơi Vườn Thúy, lắng nghe khúc Bạc mệnh của Kiều nương.

Hoàng vốn ít khi chịu nghe đàn của ai, mặc dầu ai đó là tay danh cầm thượng thặng. Nhưng lần này Hoàng đã chịu nghe, và nghe thật sự, chứ không phải lơ là chiếu lệ đâu. Vì Hoàng thấy rõ Bạch Liên chỉ đàn cho một mình Hoàng nghe thôi. Lại tha thiết đến độ phải thân hành đi triệu thỉnh để Hoàng chịu đến và chịu “lắng tai” cho. Khác hẳn trường hợp của Thúy Kiều, phải đợi chàng Kim van nài mới phô bày “tiện kỹ”:

Đã lời dạy đến, dạy thì phải vâng.

Cho nên Kim Trọng có thể quên được khúc Bạc mệnh, chứ Hoàng thì không bao giờ quên được tiếng đàn Bạch Liên. Đó là những “âm đàn” chẳng sao “phai” được trong ký ức Hoàng. Nghe chỉ một lần ấy cũng đủ cho bao kiếp trầm luân sau này. Không cần phải nghe lại một lần nào khác nữa.

Bởi thế, khoảng nửa năm sau đó, ở nhà Chu Thị xóm Khâm Thiên, Nguyễn – lúc ấy đang là bác trai của nhà này – đã bị một phen ngạc nhiên không ít. Nguyễn cứ tưởng có Hoàng phải có Bạch Liên; và đã phái người đi mời cho kỳ được, lại yêu cầu mang cả nguyệt cầm theo. Đành rằng cũng nhân dịp đó, Hoàng viết được những câu:


Mơ xanh đắng vị thu già
Sắt vàng chen, ngón tay ngà gió mưa.
Chiều nay gợi nhớ chiều xưa…
Nhưng thật ra cái dáng ngồi:
Lòng hoa nghiêng dáng cầm trăng
Phím dây bừng thức cung Hằng áo xiêm…


của Bạch Liên, Hoàng đã in sâu vào tâm khảm ngay từ buổi trưa hôm nào rồi. Cả những tiếng âm đàn gió mưa. Cả mùi hương sứ giả. Chỉ còn việc nâng niu chúng, đau khổ vì chúng, là chúng kết nụ và nở ra thành Thơ liền. Đâu cần đến Nguyễn và Chu Thị phải mối manh, thúc đẩy!

Thành ra Nguyễn tưởng chiều Hoàng lại suýt nữa bị Hoàng gây sự. Mà cái hận của Hoàng cũng vô nghĩa lắm cơ! Từ buổi “lắng tai Chung kỳ” tại xóm Ngã tư, Hoàng không muốn tiếng đàn của Bạch Liên bị lọt vào thính giác bất cứ ai nữa cả. Huống hồ lại phải tham dự cái cảnh “nghe đàn hội chợ” thì còn ức đến đâu! Nói ra không được càng ức, càng hận.

Nguyễn cứ phải vuốt mãi. Rồi khi tiệc tan, hoàng hôn xuống, Nguyễn rủ Hoàng lên Đông Hưng Viên, sau đó lang thang mãi đến khuya mới tạt qua Tự Hưng Lâu mua chim quay làm thức nhắm. Về đến Khâm Thiên, vừa nửa đêm. Bài thơ “Ý đàn” của Hoàng cũng hoàn tất, tổng cộng hai mươi bốn câu lục bát. Ngâm vang cả gian gác của Chu Thị. Nguyễn gọi một cô em trao cho cái sứ mạng đem bài thơ xuống nhà Bạch Liên tức khắc. Quả là chí tình với nhau! Lúc ấy Hoàng mới thật nguôi hận [3] .

Nguyễn nhìn trong chiếc áo dài trắng, như biểu lộ hết cái tinh thần của những kẻ đa tình mang lấy nghiệp “bác trai’, Hoàng đã bất giác phá lên cười. Và ngâm lớn đoạn kết bài Qua áng hương trà, cũng vừa sáng tác, ngay sau khi Bài hát cuồng thành tựu:


Nâng chén mời anh thưởng vị trà
Đừng quên tan tác mấy đời hoa
Cạn từng hớp nhỏ cho SEN đượm
Vớt lại trần ai một chút ta.


Sài Gòn 1971


Người xưa giờ đâu?

Phi la đới lệ, Tam lư thị cảm nhi vi Tao. Ngưu quỷ sà thần, Trường trảo lang ngâm nhi thành tích.

Câu văn biền ngẫu trên đây của Bồ Tùng Linh, nhiều người đã dịch Nôm, nhưng Tản Đà dịch hay nhất. Thú vị nhất.

“Đai cây áo lá, họ Tam lư ngùi cảm viết văn Tao. Thần rắn ma trâu, cậu Dài móng ngâm nga thành bệnh Nghiện”.

Hay thật! Thú vị thật! Ít ra là “hay”, là “thú” riêng với hai đứa tôi: Thứ lang họ Đinh, và Hoàng lang họ Vũ.

Lý do: Một đứa mang bệnh kinh niên ở con Tỳ, một đứa cũng từ thuở học trò mang bệnh nơi con Tâm, rồi dần dần cả hai cùng tiến vào hành lang ma quái để cùng rước lấy một chứng bệnh chung: bệnh của “Cậu Dài móng”!

Đồng bệnh tương liên, đã hẳn rồi. Nhưng việc đời bối rối quá, gặp nhau rất ít, thật sự vui cười lại càng hiếm. Có thể đếm trên đầu ngón – mà chưa chắc đã sang được bàn tay thứ hai – những lần họ Đinh hoàn toàn cởi mở với bạn.

Thế mà hôm ấy – cũng chẳng nhớ rõ hôm nào, ở ngõ hẻm nào của Sài Gòn – họ Đinh đã cười một trận mê tơi, cười khoái trá, cười thích thú… như vừa đạt được cái điều mong mỏi ngộ nghĩnh nhất đời mình.

Hôm ấy, nhân bàn phiếm về các nhân vật của sông Vị non Côi – thời sông này chưa bị lấp và non kia chưa bị án ngữ bởi con đường sắt cùng Ga Núi Gôi – chủ nhân họ Vũ thao thao bất tuyệt: “Thiên hạ kỳ quá! Họ tưởng đâu làng Vị Xuyên chỉ có ông Tú Xương. Người học rộng hơn chút thì chỉ biết thêm được ông Tam nguyên Trần Hy Tăng là cùng. Danh sĩ Vị Xuyên, trong mắt ngu huynh, còn một người nữa, đáng lẽ thiên hạ phải đặt lên trên cả hai người kia, nếu quả thật không lấy cái chuyện “có tên trong văn học sử” làm vinh – như thiên hạ đời nay! – hoặc lấy cái chuyện “kim bảng đề danh” làm thước tấc khuôn mẫu cho văn tài – như thiên hạ đời trước! – Nói thế, đâu phải ngu huynh ác cảm gì với ông Tú Xương hoặc ông Tam nguyên Trần. Không! Trái lại là khác! Ngu huynh chỉ cốt nhấn mạnh ở điểm: danh sĩ “thần tượng” của ngu huynh chẳng liên quan gì tới văn học sử, mà cũng chẳng hề lưu lại tính danh trên bất cứ một bảng nào – bảng vàng, bảng hổ, hay bảng mai đi nữa!”

Họ Đinh nằm lim dim, vội tán thành ngay, giữa hai đợt khói ngát:

“Đúng! Tại sao cứ hẹp hòi quanh quẩn mãi trong cái vòng mê cờ ấy nhỉ? Đã đành ông Tam nguyên là bậc có khí tiết, ông Tú Xương là tay trào phúng cừ khôi, nhưng thảo dã anh hùng, ta cũng phải kể đến chứ! Thế… thế… “đệ tam nhân” của Vũ là ai nào?”.

“Là cậu Ba, em vợ ông Tam nguyên, vừa nói trên đó!”

“Vậy hả?”

“Mà ông anh rể lừng lẫy tiếng tăm kia lại phải hạ bút viết vào cuốn thơ của ông em vợ mình hàng chục lần những chữ “Hy Tăng bái phục, bái phục” mới là tuyệt chứ!”

“Thử đọc bài trong tập ấy coi! Xem có “bái phục” thật không. Hay chỉ là ông Tam nguyên muốn đẹp ý lão bà nên đã quá lời tâng bốc “cậu nó” đấy?”

Vũ trầm ngâm, không đáp. Rồi chăm chú khêu lại ngọn đèn. Rồi nằm xuống… theo đúng thế nằm “cao ngọa”. Nhiên hậu mới cao ngâm:


Mỗi đam yên xúy bị nhân trào,
Vạn khổ thiên tàn bất khẳng phao,
Tọa áp sàng đầu nga dẫn cảnh,
Phân lại chưởng thượng yến quy sào.
Thủ tiêm đã toái phương thành khối.
Tân địch xuy can thủy hợp dao.
Mao ốc bán thiềm đăng nhất chản.
Kê minh phong vũ thoại cùng giao.


Tiếng ngâm của Vũ chưa dứt, Thứ lang đã phá lên cười, chảy cả nước mắt. Rồi đang nằm ở phía bên kia ngọn đèn bỗng ngồi bật dậy, tự thưởng một chén trà Thiết la hán. Rồi… kéo chiếc điếu lại gần:

“Thú thật đệ chỉ lỗ mỗ về Hán tự thôi, nhưng bài thơ này có “thần” đến cực điểm, cho nên vì lẽ “thần giao” đệ mới “trực cảm” một cách thấm thía đến vậy chứ”.

Rít một hơi thuốc lào xong, họ Đinh lại tiếp:

“Uổng quá! Nếu dịch nôm được mà “ngâm Tao đàn” thì hay biết bao!”.

Vũ từ nãy giờ chưa phát ngôn, vội ngồi nhỏm dậy:

“Có dịch chứ sao không! Nhưng đọc nghe chơi thôi đấy nhé! Chớ có mà “ngâm Tao đàn”. Thơ là Ngọc, đồng ý; nhưng Ngọc này kỵ nhiều thứ lắm, đem ra bày giữa chợ, đâu được!”.

“Ừ thì nghe chơi thôi. Đọc đi!”

“Khoan! Còn điều kiện thứ hai nữa: phải nằm xuống cái đã, rồi hãy ngâm, hãy nghe”.

Và đây, bản dịch nôm của Vũ:


Mặc chúng cười, say vẫn cứ say.
Quản gì trăm đắng với ngàn cay!
Trao tiền, ngỏng cổ cò bên sập!
Vơ thuốc, tung mình én tới mây.
Sái phải hà hơi khô quắt ruột,
Tiêm cho thành điếu mỏi rừ tay.
Nửa thềm mưa gió đèn leo lét
Chuyện vãn canh gà bạn khố dây.


Lại một cơn cười dài, đến rung chuyển cả tinh đẩu… Hoa đèn cũng rung theo, như giễu cuộc “thông cảm” trái thường lệ đó, một cuộc thông cảm ầm ĩ nhất thế gian.

Rồi Đinh nhìn Vũ bắt nọn: “Dịch ‘thơ tri kỷ’ không thể chỉ dịch một bài. Hẳn còn nhiều bài khác mà huynh giấu đệ?”.

“Chịu thầy, chịu thầy! Nhưng chỉ sợ dịch không lột được tinh thần của nguyên tác, thì mang tội thất kinh với tiền nhân. Tâm huyết của người ta mà! Kể cả thơ ngâm vịnh!”

“Thì một bài nữa thôi vậy. Ngâm hoa vịnh nguyệt cũng được đi!”

“À, có bài thơ Vịnh hoa cúc”.

“Hay! Hay lắm! Hoa đèn vừa kết thì hoa cúc đến ngay, đồng khí tương cầu có khác! Nào, ta thử “tái đáo Thiên thai phỏng ngọc…” xem sao! Đâu phải ai cũng xấu số như hai chàng Lưu, Nguyễn!”

“Đành thế rồi. Nhưng bản động chủ xin mời khách hãy “tái cao ngọa” cái đã! Thơ ở đây không có lệ ngồi nghe, ngồi ngâm!

Thời gian lại qua đi, bóng chiều bắt đầu vẽ trứng gà trên vách ván, chủ nhân họ Vũ mới ngâm bài thơ thứ hai.

Thơ rằng:


Khai hướng thu thiên phẩm dị thường
Như hà Đào kinh nhất thời hoang?
Tẫn giao tùng bách cô lăng tuyết
Tòng thử sơn hà chỉ kiến sương.
Nhất khứ đốn giao không Lão phố
Trùng phùng ưng nghĩ hự Trùng dương.
Cận lai tiêu tức tri hà tự;
Đa thiểu tinh thần phó Túy hương.


Và dịch rằng:


Phẩm vượt trời thu đáng tiếc thay
Một phen Đào lệnh để hoa gầy!
Non sông từ đó mờ hơi rét
Tùng bách tha hồ được tiếng hay.
Ngơ ngác Cố viên đời ngóng hão,
Lân la Trùng cửu chuyện cầu may.
Nghe như đã tối nào trăng sáng,
Trút cả hồn thơm cho nước say.


Bài dịch Nôm thứ hai vừa đọc dứt, thì khói xanh cũng tràn ngập gian phòng, xóa luôn cả mấy chục chiếc “trứng gà” trên vách.

Họ Đinh thở dài. Chủ khách cũng im lặng.

Đột nhiên cả hai cùng nhìn nhau, và nhìn về phía ngoài trời đen kịt bóng tối.

Đưa khách ra đầu con ngõ hẻm, Vũ còn đọc thêm hai câu thơ của bậc danh sĩ tiền bối kia, người đáng được sắc phong là “Cậu Dài móng can đảm nhất”. Vâng, chỉ can đảm thôi!

Vì nói đến tâm huyết, khí phách, thì cậu đã có thừa! Con ông Nghè Vị Xuyên mà nghèo nhất tỉnh Nam, thế cũng đủ biết!

Hai câu thơ như sau:


Giang sơn nhập dạ trùng vi chính
Thiên địa phi thu thụ hữu thanh.


Và dưới đây là Vũ tạm dịch:


Sâu bọ nắm quyền, lâu mới sáng;
Cỏ cây khóc hận, cứ gì thu!


Chỉ mười bốn chữ thôi mà như vẽ ra “cái thuở ban đầu Pháp thuộc”, khi mà ông Tam nguyên Vị Xuyên đã thà chết không đi sứ Tây, cũng khi mà ông Tú Vị Xuyên mới chập chững vác lều đến cổng trường thi Nam Định.

Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩ thầm kín của Vũ. Chứ còn Đinh Thứ lang thì đã lê gót ra khỏi ngõ, hồn mộng bay tới tận nơi nào rồi, thời gian và không gian đều bất chấp.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Trích bài "Qua áng hương trà" (trong tập Mây, Hà Nội, 1943).
[2]Trích "Bài hát cuồng" (cũng trong tập Mây).
[3]Trích bài Ý đàn , mãi sau mới in vào tập Hoa đăng (Sài Gòn 1959).
Nguồn: Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký, in tại Sài Gòn ấn quán, 35 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn, Việt Nam. In 5.000 cuốn, xong ngày 20-3-1974 – Nạp bổn tháng 3-1974. Giấy phép PTUDV số 278-74 – KSALP – TP – ngày 21-1-1974. Phát hành: 25-3-1974 – Số đăng ký tại Nhà xuất bản: I-A.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét