Nguyễn Đức Sơn
Cái chuồng khỉ
(Tập truyện ngắn)
Chiếc cù lao
Nắm chặt cái thư mỏng trong tay, Lan biết chắc chắn cái việc nàng lo từ hai ngày nay đã bất thành một cách thảm hại. Lan muốn cắn lưỡi tự vẫn. Nàng cảm thấy nhục nhằn không phải chỉ lần này. Nàng còn mơ hồ trông thấy nó ở trước mắt trong một tương lai vô hạn. Nàng bước vội khỏi nhà Nga, phóng nhanh lên chiếc xe Vélo cũng mượn của Thư, người bạn gái không thân lắm ở gần cư xá nữ sinh viên đường Trần Quý Cáp. Lan tưởng tượng hành động và bộ điệu của nàng lúc đó phải giống con trai, những đứa con trai hư hỏng thường dẫn Vélo đi cả ngày. Lan chỉ muốn được òa lên khóc. Nhưng nước mắt chỉ rươm rướm ứa ra. Và Lan dằn lòng được ngay. Lan khó nhọc đạp Vélo ra khỏi hẻm. Thỉnh thoảng nàng phải đứng xuống dắt vì nàng đã mệt nhoài. Con hẻm ở đường Phan Đình Phùng này khá dài. Đất đá lại gồ ghề dễ vấp. "Mẹ ơi", Lan chỉ có thể kêu lên những tiếng nhỏ trong miệng như vậy. Đôi lúc nghe một tiếng động xào xạo sau lưng, Lan giật mình tưởng như có người nào đi sát sau nàng, đã nghe được tiếng than của nàng, đã đọc thấy qua dáng dấp kia của nàng cả một công việc nhục nhằn. Khoảng đường này thường ồn ào luôn, bây giờ trở nên im vắng. Có lẽ tại những đợt mưa mới vừa rải qua và không khí ui ui khiến không ai muốn ra đường. Một vài chiếc tắc-xi chạy vụt qua để lại một ít bụi cát và khói xăng. Ra đến đầu hẻm, Lan nghe rõ tiếng gọi từ một tiệm chạp phô bên trái: "Thưa cô…!", Lan hiểu ngay. Đó là tiếng nói của một anh sửa xe đạp và xe gắn máy đang mơi gọi. Anh ta tưởng Lan đãng trí và cầm chắc một mối lợi nhỏ trong tay. Lan muốn giả lơ. Nhưng vì gần quá, Lan chỉ giơ tay vẫy nhẹ từ chối. Anh sửa xe chắc hẳn tin rằng xe của Lan không hư hỏng gì cả. Chỉ tại người chủ của nó thích dẫn bộ cho khỏe người. Mà thật ra xe đó cũng không hư hỏng gì cả tuy nó quá cũ. Chỉ tại hết xăng. Buổi xế khi đến đại học xá mượn, người bạn đã cho biết điều đó. "Không hề gì", Lan nói như thế làm cho người bạn tưởng đâu Lan sẽ đổ xăng ở một trạm Shell nào đó gần nhất đại học xá. Thực ra Lan chỉ dẫn bộ từ đó đến nhà Nga. Nàng dẫn như vậy đến hai lần rồi. Vòng thứ nhất Lan dẫn theo lối khu cư xá công chức ở đường Phan Thanh Giản. Lần đó Lan đã không gặp Nga. Vòng thứ nhì, muốn tránh những cặp mắt soi bói, nàng dẫn vào từ một đường hẻm ở Phan Đình Phùng. Cả hai lối đều dẫn đến nhà Nga. Bây giờ Lan đã mệt nhoài. Hơi đất sau trận mưa nhỏ hắt lên làm Lan khó chịu. Lan nhảy mũi một cái nhẹ. Cơn nhảy mũi muốn tiếp diễn nhưng lại không đủ sức. Mỗi lần như vậy Lan bực tức và lo lắng. "Mẹ ơi", Lan lại kêu nhỏ nhiều lần trong miệng. Lan muốn đi mau về nhà trọ. Nhưng nàng không thể leo lên Vélo đạp đỡ. Như vậy đối với một đứa con gái chướng lắm. Hơn nữa Lan thấy bứt rứt trong người. Lan tính nhẩm. Lại sắp có kinh. Phải, hôm nay hay mai thôi. Đúng kỳ rồi. Trời bỗng nhiên nâng cao rồi lại sa sầm xuống. Lan đưa một tay rờ ở ngực và trán. Nàng muốn chết. Nàng chỉ muốn chết giữa lúc này. Cả thân người và đầu óc choáng váng. Nàng lại đói từ ba hôm nay. Nàng không hiểu người ta sẽ có những ý nghĩ gì về nàng khi biết rõ sự thực đó. Tưởng tượng một đứa con gái, một sinh viên – vâng, Lan đang học năm thứ hai trường Luật – chết vì đói ở giữa Saigon, chắc không ai muốn tin, nhất là khi đứa con gái đó đẹp. "Vô lý, không thể được, không thể được". Lan nói một mình. Lan nghĩ đến những đứa bạn: Chẳng hạn Thư, con bạn học Văn khoa cho nàng mượn Vélo. Nó sẽ nghĩ gì khi chuyện kia xảy ra. Mồ hôi đã bắt đầu tươm ra và thấm cả áo, nhễ nhại trên trán và tóc. Đầu óc Lan nóng bừng. Một chiếc xe Hoa Kỳ vùn vụn lướt qua. Lan tưởng tượng mình đã đâm đầu từ lúc trước và chiếc xe đã cán nát người nàng. Lan tưởng tượng mình đã chết. Nàng không sợ chi hết. Như vậy là mọi việc xong xuôi. Nàng đã nhẹ nhàng êm ả. Đến một khúc đường gần một quán ăn, Lan suýt vấp ngã. Nàng chăm chú đến một chiếc xe bánh mì thịt của một người Trung Hoa đang đậu dưới mái hiên. Những trái ớt treo thành chùm đỏ lói. Những khúc dồi căng bóng khêu gợi. Lan như đánh hơi được mùi thơm của thịt và bánh mì. Trong một phút ý thức, Lan quay mặt đi chỗ khác, cảm thấy xấu hổ hiện lên mặt. Lan tưởng tượng có ai dòm thấy và biết được sự thèm muốn sơ đẳng đó. Trời, có thể nào một nữ sinh viên như Lan mà bây giờ, tại đây, đang khát khao một chút bánh mì thịt? Những đứa bạn con trai và con gái hiện đang ngồi trong lớp nếu biết được việc đó chúng sẽ nghĩ ra sao. Có lẽ có nhiều đứa bỏ học cỡi Vélo, Vespa hay lái xe hơi đến đậu một chỗ nào gần đó để nhìn cái hiện tượng quái dị kia. "Lan ơi, bao nhiêu năm nay mày đã làm gì, mày đã suy nghĩ chưa, mày sống trong ảo mộng, mày đuổi bắt cái gì, để đến bây giờ mày đứng trước ngõ cụt?", Lan nói nhỏ cho riêng mình nàng nghe. Câu nói không thành tiếng. Giờ phút này, Lan mới thấy mình thua sút hẳn các bạn, kể cả những đứa Lan khinh ra mặt. Con Hoa, con Thu là hai đứa học dốt nhất lớp mà bây giờ cũng có một đời sống đàng hoàng. Hai đứa đó bắt ngang con đường học vấn khi mới đỗ trung học. Chúng vào Quốc gia Sư phạm, đã ra trường từ mấy năm nay. Lãnh lương một tháng gần năm ngàn. Con Hoa chịu khó học thêm nên đã đỗ xong phần hai, đang dự định chồng tiền phí tổn lại cho chính phủ để ghi tên học Dược khoa. Con Hằng không đẹp lắm sau khi đỗ phần một đã lấy chồng và an phận. Còn những đứa khác, có đứa trước kia cũng chỉ có một hoàn cảnh sống tạm đủ như Lan bây giờ cũng khá hết. Một vài đứa học Văn khoa, một vài đứa học Khoa học, một vài đứa vào Đại học Sư phạm, một ít đứa khác đã đi ngoại quốc. Tất cả đều có một chân đứng trong đời sống. "Tụi con gái biết khôn và thực tế sớm nên không thể có đứa nào hỏng chân thình lình như những đứa con trai mặt cứ ngó lên trời và chạy theo ảo ảnh", Lan nhớ lại câu nói của một người bạn trai mà nàng cho là đúng. Lan thấy tất cả các bạn của nàng đều như vậy. Và đó là điểm khác biệt của Lan đối với chúng. Nên nhiều lúc Lan thấy mình như con trai, đúng như lời một người bạn trai cùng lớp hiện đang viết văn, không ưa nàng lắm, nhưng có những nhận xét thành thật: "Chị thuộc vào hạng gái cao cấp và hạng này, tôi không nịnh chị đâu, rất hiếm hoi. Nhưng nếu chị bằng lòng làm hạng con gái đó, chị sẽ…" Mãi đến bây giờ Lan mới hiểu được những phẩm từ có thể lấp kín câu nói của người bạn kia, câu nói lỡ dở vì ái ngại, cái ái ngại luôn luôn có nơi một đứa con trai khi nói trước mặt một đứa con gái những nhận xét thật tình chua xót về đối tượng đó. Lan nhận thấy tất cả những đứa bạn nàng hình như đứa nào cũng có một cái gì chống đỡ như cả một gia đình, một người mẹ, một người anh, một người bác, một người thân thuộc, một công sở, một việc làm gì đó. Nàng chưa thấy một đứa nào thình lình có thể rơi vào chỗ túng thiếu như Lan. Nhưng tại sao trời không sinh nàng làm con trai, chúng nó xoay xở rất tài tình. Lan từng trông thấy tận mắt một sinh viên Văn khoa lãnh báo đi bán suốt một tháng để có tiền ăn tiện tặn cho hai tháng. Bọn họ xông xáo rất giỏi, khinh thường tất cả. Nhưng Lan, dầu sao Lan cũng là con gái. Bất giác Lan thở mạnh. Mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cả người. Mưa lại bắt đầu rơi ở đằng xa. Mây ở phía đó đen lại như khói mù bay lên từ một nhà máy điện. Lan rùng mình như có một luồng gió lạnh lẻn vào xương sống. Chốc chốc Lan ớn lạnh. Nàng mong có một chút dầu Khuynh diệp hay Nhị thiên đường để làm át hơi đất. Lan dắt xe đến gần một sạp báo thì chân nàng cũng vừa khuỵu xuống. Lan nghĩ nếu bây giờ đang đi trên một chiếc cầu, nàng sẽ ngó trước ngó sau thừa cơ hội vắng người nhảy bổ xuống sông sâu. Ùm! Lan tưởng tượng tiếng nước một con sông nào đó sẽ xáo động lên khi thân thể nàng rơi xuống. Rồi sẽ không còn gì nữa. Và mặt nước sẽ trở nên bình lặng xuôi dòng như cũ. Lan chúi cả tâm hồn vào ý nghĩ đen tối kia. Có lúc nàng chậc chậc mấy tiếng nhỏ trong miệng như người đang mê. "Không thể được", bất giác nàng nói lên thành tiếng. Cả một cái dĩ vãng tranh đấu cho bản thân kéo dài đến hôm nay, bây giờ nàng bị quật ngã hay sao. Lan rướn người về phía trước. Nàng có cảm tưởng sức mạnh trong người nàng trôi đi đâu hết. Cơ hồ nàng dẫn Vélo không nổi. Nàng tiếc hối không chịu mang xe đạp của chính nàng đi. Chiếc xe đầm tuy cũ và lỗi thời nhưng trông thanh lịch như mọi người vẫn nói. Nhưng việc thất bại rồi nàng mới nghĩ đến việc đó. Thật ra chiếc Vélo dễ gây ấn tượng hơn, dù chỉ là một chiếc Vélo cũ và hư máy. Không những nó có sức làm tăng lên sự mạnh dạn của nàng khi vào nhà Nga, ngồi trước mặt Nga, trước người chồng Nga, trước đứa tớ gái và cả trước đứa con nhỏ hai ba tuổi của Nga, mà nó còn giúp nàng phương tiện đi đỡ mệt. Ai ngờ xe hết xăng. Đến bây giờ thì Lan không còn lấy một đồng ở nhà, trong rương, trong tủ sách, trên giường. Lan tủi hổ quá chừng. Người ta không thể tưởng tượng một đứa con gái không có tiền sẵn trong tay, nhất là khi đó là một đứa con gái lớn, một sinh viên, nghĩa là một người dù sao cũng có địa vị đáng kể nào, và nhất là khi đứa con gái đó sống một mình. Lan bắt đầu đói thật sự từ nửa tháng nay, sau khi người chủ gia đình một nhà có mấy đứa con giao nàng dạy kèm từ hai năm nay thình lình từ chối. Ngày được tin sét đánh đó, nàng chạy về nhà òa khóc. Nàng cũng không trách ai. Người chủ kia buôn bán giàu có nhưng không hiểu vì lý do gì bại sản thình lình. Vậy mà từ lâu Lan cứ tưởng đó là một điểm tựa bền vững nhất của nàng. Nàng chịu đựng một tuần. Nàng định đi cầm cái đồng hồ, món độc nhất có thể bán được. Nhưng đó là của người bạn cho nên cũng không có biên lai nên hơi chướng. Mà đồng hồ cũng quá cũ, dù có can đảm đi bán cũng không được bao nhiêu. Nàng gởi liều hai lá thư cầu cứu. Một cho ông chú làm tiểu công chức ở Dalat và một cho mẹ ở Phú Yên. Nhưng nàng không nhận được hồi âm. Điều ấy không có gì lạ vì người mẹ và cả người chú quá nghèo, túng bấn luôn. Bây giờ Lan đã đậu xe sát bên một sạp báo bỏ trống. Nàng thở từng cơn nhẹ, ngắn, dồn dập. Đầu nàng bắt đầu nặng, muốn gục xuống. Lan cố gắng lắm mới giữ được thăng bằng. Nàng giơ một tay lên sờ trán. Từ nãy giờ Lan quên đi cái thư. Bây giờ nàng hồi hộp. Nàng cố nuôi một hy vọng dù là mong manh. Biết đâu chẳng có tờ giấy 200 đồng ép vào trong đó. Thứ giấy trăm này vốn đã mỏng, hễ cũ thì mềm nhũn, có thể nằm giữa cái tờ giấy học trò xếp đôi và cái bì thư một lớp thông dụng – thứ hết sức thô xấu – là không gây được ấn tượng khác lạ nào cho người cầm thư. Nhưng tại sao phong bì lại để mở và Ngân – chồng Nga – có vẻ ái ngại khi trao cho Lan? Cách đây được một tuần, túng quá Lan có ghé đến Nga hỏi vay vài trăm bạc. Hôm ấy nhà Nga có khách nên Lan khôn khéo viết vào bìa một cuốn sách cầm theo đưa cho Nga xem "Chị cho vay 200 đồng vì khẩn thiết, khéo léo đừng để bất cứ ai biết, nhất là… Cám ơn lắm". Nga đã viết trả lời vào sách đó cho Lan biết ngày không có chồng nàng ở nhà để Lan đến thì dễ dàng hơn. Trưa nay, đúng hẹn, Lan đến lần thứ nhất không gặp Nga. Lần thứ nhìn nàng nhận được thư Nga trả lời do Ngân trao lại. Lan đã biết việc bất thành. Vậy mà bây giờ bỗng nhiên nàng lại hy vọng. Không nghĩ ngợi hay chờ đợi gì nữa. Lan kéo nhanh lá thư ra. Không có gì cả. Trên miếng giấy học trò kia chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: "Lan mến. Việc nhờ Nga giúp vì vội quá không tính toán được. Thật đáng tiếc. Thân. Nga". Lan thật hoàn toàn thất vọng. Nàng không ngờ Nga đối đãi quá tệ bạc như vậy. "Dù sao vẫn còn một chút gì chứ, Nga ơi!". Lan kêu lên một tiếng nhỏ tuyệt vọng. Nàng gục đầu xuống tay lái, đứng nép vào mái hiên để tránh những giọt mưa lưa thưa bắt đầu bay vào. Mây mù giăng bốn phía. Trời đã ngả sang chiều. Lan tưởng tượng đến căn phòng trọ vô giác, trống lặng mà lát nữa đây nàng sẽ giam thân trong đó. Nàng nghĩ đến chồng sách khô khan. Nàng nghĩ đến chai nước uống đã cạn từ hơn một ngày nay và ở đáy đã đóng một lớp bợn vàng. Chút nữa đây Lan sẽ về đó, gõ cửa phòng bên cạnh xin cô ý tá trẻ độc thân sống ở đó một ít nước sôi, nàng sẽ pha ít trà thật đậm để uống cho tỉnh táo rồi nghĩ đến những cách làm ra tiền. Lan nghĩ đến Hạnh – tên cô y tá – và cuộc đời không vướng bận chút lo âu. Hạnh sống để hưởng thụ. Hạnh làm ở bệnh viện Chợ Rẫy không có lương bao nhiêu nhưng nàng vẫn ăn diện xài phí nhờ nàng sống bằng nghề khác vào ban đêm, nhiều khi cả ban ngày. Lan thường cảm thông và hiểu được hạng người sa chân phải làm cái nghề đau đớn. Nhưng trường hợp Hạnh thì khác. Hình như trời sinh ra Hạnh để làm thứ nghề đó. Cái nghề tối cần thiết nhưng thường bị khinh miệt. Hạnh ở sát phòng với Lan, phân cách bởi một tấm vách carton. Chiếc giường Lan lại kề sát giường Hạnh ở bức vách ngăn đó nên nhiều đêm Lan nghe rõ cả tiếng đàn ông nói chuyện bên kia. Cả tiếng cười đú đởn và tiếng nói thô tục nhất. Có hôm Lan nghe: "Này em Hạnh, cái cô bên kia làm nghề gì mà yên lặng thế?". Tiếng Hạnh đáp nhỏ: "Sống một mình, đi dạy học". "Chắc nghèo?". "Không mua nổi một cái lò điện và một cái bình tích thủy nên thỉnh thoảng vẫn qua em xin nước". "Trông xinh và hay đấy chứ, sao lại sống một mình như vậy nhỉ?". "Thỉnh thoảng vẫn có một hai cậu đến thăm, đi Vespa hay xe hơi cẩn thận". "Hay là…" "Anh muốn nói hay là cô đó cũng… như em và mấy chàng thanh niên kia cũng như anh?" "Chắc hẳn!" "Anh lầm, cô ấy là sinh viên, học luật!" "Học luật cũng phải cần tiền chứ, biết đâu, này em, tìm cách ướm thử… Bao nhiêu cũng được… Sinh viên mà!". Lan như còn nghe rõ mồn một lời nói trắng trợn, ngổ ngáo của người đàn ông đang tung bạc ra mua thịt người bên kia phòng nàng. Nàng phát rùng mình. Nàng tưởng tượng bây giờ nàng đã về đến căn phòng cô đơn kia. Và cuộc đời khổ nhọc từ bao năm qua. "Tại sao chị lại chọn nơi ở như thế này, chị không xin vào đại học xá, hay một người quen nào khác? Sống một mình nguy lắm, lỡ đêm hôm trúng gió trúng máy khổ lắm!". Một người bạn gái đã ái ngại nói với Lan những lời chân thành đó. "Tại sao, tôi cũng chẳng hiểu tại sao". Lan tính trả lời như thế mỗi lần gặp những câu hỏi ái ngại tương tự như vậy. Nhưng thấy câu trả lời không có nghĩa và có thể gây nghi ngờ gì đó cho người nghe nên Lan tìm cách nói những cái lợi rất gần. Như không muốn ai làm phiền đến mình, tránh được những cặp mắt soi bói. Có thể ăn bánh mì với đường và uống nước lã hàng tháng ở trong đó mà không ai biết được để thương hại hoặc khinh bỉ. Lan chỉ có thể đưa ra những lý lẽ tương tự như vậy. Còn lý lẽ sâu xa thì chính Lan, Lan cũng không hiểu nỗi. "Chị thuộc vào hạng con gái cao cấp và hạng này… rất hiếm hoi". Lan như nghe lại cả câu nói người bạn trai viết văn và vốn có những nhận xét tinh tế về mọi người. Nhưng thực ra chính Lan cũng không thể hiểu được nàng. "Mày muốn gì, Lan ơi!". Rất nhiều khi Lan nói lên một mình trong đêm khuya vắng như vậy và nàng thấy hậm hực nơi ngực, muốn bỏ đi đâu mất. Chốc nữa đây, về nhà, Lan phải làm gì? Có lẽ nàng phải thu xếp một ít sách để ngày mai đem đến những gian hàng bán sách cũ gạ bán kiếm một ít tiền. Lan thường đi vào buổi trưa khi mọi người đã bắt đầu ngủ và cái hè phố Lê Lợi bấy giờ tương đối vắng người. Lan bực nhất là những gian hàng bán sách đó cứ sát vào nhau và gần như lúc nào cũng có một hai người đứng dòm ngó. "Tôi muốn để lại một tí sách cũ", thu hết can đảm, Lan mới bật nói được một câu như vậy. Nàng nhìn qua nhìn lại, ngại có một người nào quen biết chứng kiến cái cảnh mua bán kia. Vậy mà có một lần Hạnh – cô ý tá sát ở bên phòng – và một thanh niên ăn chơi đi với Hạnh đã trông thấy. Lúc đó Lan bối rối muốn độn thổ. Nàng không coi Hạnh và thanh niên kia vào đâu. Nhưng chúng ở sát bên nhà phiền lắm. Vậy là họ đã đoán được thực trạng của Lan. Cho nên mới có chuyện láo xược, ngổ ngáo xảy ra. Đó là một bức thư không biết của ai quăng vào phòng Lan mới đây cách độ một tuần. "…Nếu cô thuận, mỗi lần trông thấy cánh cửa trái hé mở và có ánh đèn chiếu sáng trong đêm, tôi sẽ tìm đến cô. Cô là một sinh viên. Tôi muốn ôm người có học thức với bất cứ giá nào. Mỗi đêm khoảng 12 giờ tôi thường từ Chợ Lớn lái xe về ngang qua đây…" Lan đã bao lần rùng mình khi đọc lại trong trí những đoạn trong bức thơ của kẻ lạ mặt kia. Có lẽ là của một thương gia vốn thường đi với Hạnh. Chắc là hắn đã biết rành rẽ về nỗi túng khó của Lan qua lời Hạnh. Lan không hiểu sao nàng gặp chuyện khốn nạn như vậy. "Có thể nào không, mình có chống cự nỗi hai bàn tay và dục vọng thú vật vũ bão của nó không?" Lan nói thầm. "Đêm nay, có thể lắm, hãy tìm cách cho hắn chết tức tốc khi vừa ôm lấy mình. Bằng cách nào đây? Một nhát dao. Dám không Lan? Và việc gì xảy ra khi nhà chức trách phát giác. Và Lan, Lan ơi, những bạn bè, những đứa con trai con gái sẽ nghĩ gì về mày?" Lan rùng mình liên tiếp mấy cái. "Đứa con gái giết người sau khi đoạt một số tiền đáng kể của một tên thương gia. Chuyện đó kinh dị lắm không? Có quái gở lắm không? Và thằng đàn ông khao khát xác thịt kia, con thú no đủ muốn chồm lên đòi hỏi cái chó đẻ. Được rồi, nó đáng chết lắm". Nghĩ đến đó Lan thấy tối tăm mặt mày. Bây giờ Lan đã dẫn xe đến đường Lê Văn Duyệt. Trời u ám nhưng không mưa được. Những đợt gió bất thường ở đâu lùa đến làm Lan ớn lạnh. Nếu không gượng giỏi, Lan đã gục ngã giữa đường nhiều lần rồi. Đèn đường đã bắt đầu thắp sáng. Xe cộ qua lại ồn ào, gây những tiếng động và quốc tịch làm nàng muốn ọe. Nàng nghĩ đến Nga. Giờ này chắc hắn ngồi vào mâm cơm với chồng. Cái hạnh phúc tầm thường đó bây giờ Lan thấy cần thiết. "Phải rồi, tụi nó khôn ngoan hơn mình hết. Chỉ có mình là một đứa con gái ngốc. Mày tìm kiếm gì trong bao năm nay, Lan, Lan? Có lẽ một đời mày sẽ chỉ bơ vơ như chiều nay", Lan vừa nghĩ đến đây thì đèn công lộ ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp cũng vừa bật đỏ. Xe máy, xe gắn máy, xích lô, xe hơi, những bộ hành thình lình bị dồn lại để chờ đèn xanh. Khói xăng, tiếng động cơ làm Lan ngạt thở. Phải qua một ngã tư ồn ào náo động này và một ngã tư khác tương đối êm lặng hơn mới đến lại Đại học xá. Dù sao Lan cũng phải trả xe và phải về. Lan ngẫm nghĩ: "Nhưng về đâu Lan ơi!". Căn phòng thuê 300 đồng một tháng kia có phải là nơi trở về của nàng không, dù chỉ là tạm thời trong vài tháng, một hai năm? Khu Phú Nhuận nằm bên con sông nhỏ có thả rau muống hiện ra trước mắt Lan, nơi nàng tạm trú từ mấy năm qua. Lan như trông thấy những ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng yếu ớt của từng gia đình phần đông nghèo hoặc dư dả chút đỉnh. Giờ này chắc hẳn những chủ gia đình đạp xích-lô, đi tắc-xi, làm thợ, công chức hạng nhỏ đã trở về ăn cơm. Cả cô y tá Hạnh chắc cũng trở về nằm nhà đọc sách báo phim ảnh lăng nhăng chi đó, mở radio nghe nhạc ngoại quốc, hoặc đang đú đởn với một thanh niên nào đó. Bỗng Lan kêu lên một tiếng thất vọng: "Thôi rồi, hôm nay thứ sáu, đúng là phiên trực của Hạnh ở bệnh viện". Hạnh sẽ không về suốt đêm nay. Căn phòng của Hạnh sẽ tối đen và im vắng. Cả cái dãy nhà này cũng sẽ im vắng. Mụ chủ nhà sống một mình đêm đêm vẫn vào sâu trong xóm đánh bạc, những canh bạc nhỏ thôi vì mụ cũng không phải là hạng khá giả và dân xóm đều nghèo. Mụ chủ sống cô độc và đánh bạc hẳn là một thú vui hay ít ra cũng đủ mãnh lực tạo thành một thứ giải trí lấp được những khoảng trống buồn chán đời người đối với mụ. Lan cảm thấy cô đơn. Và cô đơn cứ nới rộng ra và trùm lấp xuống tâm hồn nàng. Lan bỗng ao ước sự có mặt của Hạnh đêm nay ở căn phòng bên cạnh này, không phải để Lan có thể qua xin một ít nước sôi để pha trà, không phải thế đâu. "Không phải thế đâu", Lan tự nói và lắc đầu để nghĩ tiếp liên tưởng của nàng. Chưa lúc nào Lan thấy nàng tầm thường như vậy. "Có lẽ rồi mình cũng như bọn họ hết, không sớm thì muộn", Lan muốn khóc. Nàng lại nghĩ đến Thu, đứa bạn học Quốc gia Sư phạm, đã ra trường từ lâu, đang dạy một trường tiểu học ở miệt Phú Nhuận này và đã có chồng. Nhà Thu trái đường với nhà Lan. Nhưng Lan ít khi đến chơi không phải vì lý do đó mà vì nhiều lý do khác. Bây giờ nàng có thể đi ngang đó, làm bộ đi đâu chơi về bị ốm thình lình. Chắc hẳn Thu sẽ săn sóc Lan, lấy thuốc cho Lan uống và biết đâu sẽ pha cho nàng một ly sữa. Nhà Thu đủ cả tiện nghi và đủ cả thức ăn. Nhưng lâu lắm rồi, có lẽ gần nửa năm nay, vì lý do này hay lý do khác, Lan không có dịp đến chơi. Bây giờ Lan đến sao, đến để nhận một ơn nghĩa, để làm phiền người ta, dù sự làm phiền không đáng kể. "Lan ơi, Lan ơi, bây giờ mày đã rõ mày chưa, đứa con gái hai mươi bốn tuổi rồi. Trời ơi, hai mươi bốn tuổi rồi. Mày đã làm gì, nghĩ gì? Mày thua lỗ tất cả. Lan, Lan, Lan ơi". Sự thật thì Lan đã hai mươi bốn tuổi. Và mặc dù thường xuyên suy nghĩ và sống khó khăn, Lan trông vẫn đẹp và trẻ lắm, như đứa con gái hai mươi là nhiều. Bởi vậy nàng thường tự cho nàng "trẻ sau tuổi" để mỉa mai những đứa bạn gái luống tuổi mà tự dối gạt mình "già trước tuổi" như người ta vẫn thường nói. "Lan ơi, Lan ơi", nàng kêu lên những tiếng nhỏ, gần như từ vô thức. "Đêm nay, đêm mai, và những ngày sắp tới, và hết cuộc đời, đứa con gái này sẽ ở một mình trong những phòng trọ kia chăng? Lan ơi, Lan ơi, sao mày không tìm một mái nhà, dù là một mái nhà thuê lợp ngói tầm thường như nhà Nga?". Lan nghĩ đến những thanh niên có địa vị xã hội đã theo nàng từ mấy năm nay. Một Huyên mới xong cái tiến sĩ văn chương. Một Tùy mới xong cái kỹ sư điện. Một Nghĩa có một đồn điền trà mới lập ở vùng gần Djiring. Tại sao, tại sao Lan không chui vào đó, vào những cánh tay và những tâm hồn kia để có một nơi che chở cho thể xác lẫn tinh thần? Lan tưởng tượng nếu tình cờ gặp bất cứ một Huyên, một Tùy, một Nghĩa nào trong tình cảnh này, chắc nàng sẽ sung sướng lắm. "Bất cứ đứa con gái nào muốn ôm một thứ mộng ước nào, trước hết dù muốn dù không cũng phải ôm chặt một thằng đàn ông như ôm cây cột đã". Lan nhớ lại câu nói của Nga khi Nga đi lấy chồng. Lan nhớ câu nói đó đã làm Thanh – bạn thân của Nga và của Lan cả buổi thiếu thời – phật ý. Và cũng từ giai đoạn đó, bộ ba Thanh, Lan và Nga không còn gì liên lạc với nhau. Thanh đi tách hẳn một con đường riêng lạ. Thanh đã vào tu dòng Áo Trắng sau khi đỗ tú tài II. Thanh được một giáo sư linh mục đưa vào. Thanh không còn tham dự gì vào đời sống nữa. Cả Nga cũng vậy. Lan không biết thực ra trong thâm tâm Thanh đã có những ý nghĩ lạ lùng gì. Lan chỉ có cảm tưởng cả hai đều đầu hàng cuộc sống. Đó cũng là một lý do xui Lan ghi tên học luật, dù có sự cản ngăn của bạn bè, và dù thật ra Lan chỉ muốn học văn chương và triết. "Chị thuộc vào hạng gái cao cấp… và đây chính là chỗ chết của Lan, Lan, Lan ơi". Lan mường tượng lại tiếng nói của người bạn trai và mấy chữ do chính nàng thêm vào. Nàng lúi húi đi mau qua một ngã tư cuối cùng trước khi đến nhà Thư ở gần Đại học xá trả xe cho bạn. Từ xa, Lan đã nhìn thấy ánh điện sáng trưng của phòng học trên lầu. Lan nghĩ đến lũ bạn bây giờ chắc đã bắt đầu học bài. Nàng giật mình khi nhớ lại đã bỏ học cả ngày nay, may mà không có giờ thực tập. Lan không biết tụi bạn đang nghĩ ngợi gì. Có điều chắc chắn là họ có một mái nhà để che chở dù mái nhà này khác hẳn mái nhà của Nga, của Thu. "Không phải, không phải nhưng ít ra…". Nàng bỏ ý nghĩ khi chân vấp phải một cục gỗ dùng làm cái bệ của anh sửa xe đạp nào đó đã bỏ về. Nàng thấy đau nhói và muốn bật khóc thành tiếng. Dù sao cũng phải trả xe, mượn đứa bạn một đồng bạc lẻ, đón chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày về Phú Nhuận. Nàng giơ tay lên sờ trán vì cơn sốt đã bắt đầu tấn công. Một chuyến xe buýt ồn ào chạy ngang qua. Lan có cảm tưởng mình đã đi ngay chuyến buýt đó, nàng đang ngồi trên xe và không biết xe sẽ đưa nàng đi đến đâu. Ý tưởng kỳ quặc đó làm cho Lan rùng mình bật khóc thành tiếng. Và tiếng khóc đánh bạt Lan ra khỏi sự bắt đầu của một cơn mê ngắn mà ở đó nàng đang bềnh bồng trôi đến một cù lao cô đơn. "Mẹ ơi!" Lan không biết là mình đã chới với kêu lên trong giấc mơ hay ngoài thực tại nữa.
Cái chuồng khỉ
Qua khỏi một ngân hàng ngoại quốc ở đường Bến Chương Dương, tôi chỉ tay cho tài xế trực thẳng ra đường Hàm Nghi mà không hỏi ý Mộc Linh. Tôi hơi rùng mình nghĩ có lẽ đây là một trong những lần cuối cùng tôi đi chơi với Mộc Linh. Tôi xúc động và hơi bối rối cũng như mới hôm qua, Chúa nhật, khi tôi dẫn Linh đi xem lễ ở nhà thờ Đức Bà với tôi cho vui vì không biết phải làm gì. Mộc Linh cũng xúc động và hơi bối rối như tôi. Song trong đôi mắt nàng tôi đã đọc thấy một tình cảm kiêu hãnh tưởng như tôi đang đau đớn lắm tuy nàng thừa biết tôi không yêu nàng một cách đắm đuối. Tình cảm sâu đậm này tôi chỉ dành cho một người yêu tôi chưa hề và chắc chắn không bao giờ giáp mặt và hình ảnh nàng chỉ hiện lên trong sương khói như thực như không. Vậy thì Mộc Linh lầm rồi em ạ. Tôi có nhiều người yêu nay đã có chồng và một gia đình xum xuê mỗi lần gặp tôi ngoài phố cũng có cái dáng điệu kiêu hãnh như Mộc Linh khi họ hơi nghiêng đầu chào tôi một cách thật lịch sự và quý phái. Tại sao lại kiêu hãnh, thách đố? Kiêu hãnh và thách đố cái chi? Về những sinh vật biết nói đang được bế trên tay mình, trên tay người vú, hay đang được chở trên chiếc xe nôi bằng sắt Tây cao, sang? Hay muốn cho tôi mặc nghì khi tôi đã tạo ra một số sinh vật biết nói như vậy tôi đã trải qua những giờ phút sung sướng đến cực điểm bên cạnh một người đàn ông khác và khi nhìn anh tôi có tức chết không? Có, có chứ. Tôi có tức đến cực điểm như khi tôi nhìn một đôi vợ chồng trẻ bất xứng mà người vợ có phảng phất một vẻ đẹp nào đó làm tôi thích. Những lúc đó tôi thường có những cử chỉ vô tri vô giác để cố quên đi ý nghĩ chắc chắn triệu phần triệu là thiếu phụ trẻ đang đứng trước mặt tôi kia đã có những giờ phút sung sướng cực điểm với một người đàn ông không phải là tôi. Chỉ thế thôi. Tôi cũng có những hành động và cử chỉ tối thậm vô lý nữa mà tôi không nhớ hết. Nhưng cứ tin rằng nếu trong dĩ vãng một, hai, ba, hay năm, sáu năm về trước nếu tôi có điều kiện sống chung với một, hai, ba hay năm, sáu người tôi đã yêu thật tình hay lạng quạng và hiện đã có gia thất rất ư đàng hoàng đó, tôi sẽ chạy trốn hoặc tự sát. Nhiều lúc nhìn một trong số con gái đã thành đàn bà đó, tôi tưởng tượng hết sức mạnh tôi là người đàn ông đã bao năm chung sống với họ để thấy chán ngán cực điểm. Tôi không hiểu vì sao hồi đó tôi có thể yêu những đứa con gái tầm thường từ dáng dấp đến tâm hồn như vậy. Tôi mừng thầm, mừng lắm vì biết trí óc và tâm hồn mình đang còn chạy, còn lăn, còn mở ra. Còn những đứa con gái kia chỉ là những vũng nước tù đọng, ung thúi. Mộc Linh cũng chỉ là một giọt nước tù đọng sắp thành hình. Tôi quen với Mộc Linh khi nàng không phải là một giọt nước tù đọng, hay đúng hơn khi tôi chưa nghĩ đến điều ấy. Tôi thấy Mộc Linh còn chạy, còn lăn, còn mở ra gần được như tôi. Ôi, tôi khoái biết bao nhiêu những cái còn chạy, còn lăn, còn mở ra cho đến khi hủy diệt mà không cần biết có đến đích hay không – mà cái đích của mỗi đời người thì tôi chưa hình thành trong trí hay quan niệm được bao giờ. Như những đợt sóng biển chẳng hạn. Ào ào chạy từ ngoài khơi lùa vào bãi cát hay ghềnh đá đập nát thân trên đó. Mộc Linh, em chỉ là một giọt nước tù đọng dù tôi không muốn tin như thế, chắc cũng bởi một phần vì mặc cảm Linh học hơn tôi xa quá và Linh lại hơn tôi đến gần ba tuổi.
"Chúng mình ra bến tàu đi. Có một chỗ ngồi được đó anh. Buổi sáng nơi đó vắng người tiện hơn". Mộc Linh nói với tôi khi tắc-xi chạy đến đại lộ Hàm Nghi, khoảng Chợ Trời, chỗ có bán nhiều cây kiểng và lan rừng.
Tôi nhìn đồng hồ tắc-xi thấy kim mới chỉ bốn đồng rưỡi, dưới giá tối thiểu, nên một lần nữa, không hỏi ý Mộc Linh, tôi chỉ tay cho tài xế chạy thẳng một chút nữa cho đến đúng khoảng Chợ Trời có bày bán nhiều cầm thú: yến, bạch yến, hoàng yến, cu, cu cườm, cu biển, cu đất, cu rừng, cu nhà, mèo, mèo mả, mèo đồng, mèo tam thể, mèo tam khoanh, mèo tứ đốm, mang, cheo, sóc, cuốc, cá sấu, le le, bìm bịp… và chó, ôi đủ thứ chó, chó phóc nhỏ bằng nắm tay, chó bẹc-giê to gần bằng con ngựa, chó lông xù mặt mũi nhăn nhó như hà bá, chó của chú Sam, chó Mỹ, chó Hoa Kỳ, chó Hiệp Chủng Quốc, chó Anh, chó Pháp, chó Đức, và phần nhiều toàn chó Việt Nam chính cống hay lai căng.
"Đến xem Chợ Trời, ở khoảng này hay lắm".
"Có gì ở đó hở anh?"
"Để giải trí vậy thôi. Rồi một tí sẽ vào Vườn Bách Thú. Hôm nay sáng thứ Hai, thời gian độc nhất cho chúng ta có thể đến đó chơi mà ít gặp những người nhà quê hay những người có tiền và học thức thuộc loại đó đi đứng khắp nơi làm mình phải bực trí vì phải trông thấy cách ăn mặc diêm dúa, thô kệch, phải nghe họ xì xào nhỏ to khắp nơi".
Thật ra tôi rất ít có dịp đến nơi này. Sở thú đối với tôi không phải nơi giải trí mà trái lại, Sở Thú, sự thất bại của tôi và của nhân loại. Tôi chỉ đến đó đôi ba lần trong những lần thất nghiệp trầm trọng. Và mỗi lần hiện diện ở đó, tôi sống trong một trạng thái dồn nén, oi bức, ngạt thở muốn chết, nhất là khi phải nhìn cái cảnh một con sư tử già nằm thoi thóp trên một diện tích xi măng ngục tù, nóng rang, với mấy đống thịt ôi, phải nhìn cái cảnh một con chim ưng to lớn từ một cánh rừng lạnh nào trên cao nguyên bị mang về còng cẳng nhốt và coi như phải bỏ xác tại đây.
Có những trưa chán ngán, đôi khi tôi cũng chui vào Sở thú để có thì giờ suy ngẫm một thoáng tư tưởng rút ra từ đất đá của cuộc đời được nung đúc lâu ngày hay chập chờn bay trong mây gió. Đó là những lần tương đối tôi thấy Thảo cầm viên này tương đối dễ chịu hơn những lần tôi mò đến vì thất nghiệp, miệng đắng, lưỡi và họng khô hóc. Tôi thường đi vòng quanh cái chuồng khỉ lớn nhất chứa hàng mấy chục con để chọc phá như một đứa trẻ thất học, du côn, không thèm biết đến những cái bản yết thị nhỏ bằng gỗ treo quanh những song sắt: "Cầm thú là của chung. Cấm cho ăn và chọc phá". Tôi thường móc một ít bánh mì khô queo trong túi ra dụ một con đến gần tát cho một cái nên thân, xong chạy quanh chỗ khác dụ một con khác nữa… Tôi vốn ác cảm với loài thú này dù đôi khi cũng thấy thương chúng vô hạn. Cái ranh mãnh, tinh khôn của chúng chỉ là những cái vặt vãnh, xỏ lá, tiểu ti. Nên có lần tôi bị một con bự bằng một đứa con nít năm sáu tuổi, cụt đuôi, đít dát đỏ hai miếng láng o một cách gớm ghiếc trả thù. Nó cho tôi đi qua, núp ở trên cao bật còi tưới thẳng xuống. Tôi biết việc gì ngay nên không dại gì ngẩng đầu lên để hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tôi lách qua một bên. Tôi mới bị ướt chút áo và mé đầu chứ chưa bị vào miệng. Thế rồi, đắc thắng, nó nhăn răng, khọt khọt mấy tiếng rồi chuyển lẹ lên chỗ cao hơn. Tôi tức cành hông nhưng nghĩ lại – tôi so sánh có kỳ không? – tôi thấy thân phận tôi hơn nó nhiều quá nên cũng làm bộ cao thượng. Tôi cố gắng tỏ ra một tình cảm độ lượng, khoan hồng mà thật ra chỉ để xoa dịu lòng bực tức của tôi. Mà tôi hơn con khỉ nhiều thật. Thứ nhất bởi tôi là người mà nó chỉ là thú. Thứ nhì, tôi đang sống một cách tương đối tự do mà nó thì bị nhốt, cái con khỉ cụt đuôi, đít dát hai miệng da mỏng láng đỏ tươi thật gớm ghiếc ấy. Thế nhưng tôi lại hết sức bực tức khi thấy nó không hiểu biết chút gì về cái thân phận cầm thú và cái hoàn cảnh tù ngục đó. Một lần khác, sau đó khoảng một tuần, tôi có dịp trở lại Sở thú. Nhớ đến con vật, tôi lại dụ nó ra cho ăn và tát cho một cái chí tử. Tôi tát không nhầm đâu. Đúng cái con khỉ đực đã đái xuống đầu tôi hôm nào. Tôi thấy tôi tiểu nhân nhưng tôi mãn nguyện. Ở trên cái cõi đời này nhiều lúc được làm tiểu nhân cũng thú vị lắm chứ. Tôi chỉ hơi hối hận khi thấy con vật hoàn toàn không có khí giới chống trả đó nhìn trừng tôi một hồi lâu rồi ôm đầu chạy như thể bị vỡ óc. Nó đi lạng chạng suýt lọt xuống hồ nước khá to giữa chuồng. Tôi nghĩ nó có thể chết vì cú đánh vũ phu, vô nhân đạo như trời giáng của một người thù khá dai là tôi. Tôi nghĩ nó có thể chết. Mặc. Cái con vật xỏ lá, ti tiểu ấy. Thế rồi có một lần nữa tôi lại mò vào Sở thú và đến thăm chuồng khỉ. Bẵng đi một thời gian khoảng hai tháng – bởi tôi dại gì chịu thất nghiệp lâu mà không chịu chạy chọt một vài áp phe bậy bậy gì đó để sống mà cứ vác mặt đến Sở thú hoài! – tôi hầu như hoàn toàn quên chuyện cũ. Tôi đang đứng dáo dác nhìn cả chục con khỉ nhỏ to đi, đứng, chuyền, cho con bú, bắt chí hay âu yếm nhau – (chúng cóc biết thuần phong mỹ tục nên an nhiên làm cả việc sinh lý giữa thanh thiên bạch nhật dưới mắt mọi người). Tôi đang mơ mộng bậy bạ thì xè xè, tôi sực nhớ lại chuyện cũ. Và nhanh như chớp giật, tôi né sang một bên theo lệnh gọi rất nhạy bén của hệ thống thần kinh truyền lệnh rất kịp thời xuống điều kiện bản năng. Xe lệ quá một bên, tôi nhìn thẳng lên trên. Chánh hẩu nó rồi. Tôi thấy đúng cái con khỉ đột cụt đuôi đít có dát hai miệng đỏ đang mở mắt thau láu, lúc thì nhăn răng sít rịt, lúc thì chu miệng khọt khọt và gật gù cái đầu ra vẻ khoái chí lắm. Nhưng hụt rồi con ạ. Tôi nhìn kỹ mới biết mình đã đứng ngay chỗ cũ, chỗ mà khoảng hai tháng trước đây con vật đã có dịp chơi xỏ lá tôi và thắng tôi keo đầu một cách đáng kể. Keo này thì hỏng rồi. Vậy mà còn khọt khọt đắc thắng cái nỗi chi, hở con? Tôi tưởng nó ấm ức lắm vì quá khó có cơ hội bày lại keo khác. Nhưng con vật khốn khổ đó cứ nhìn tôi chằm chặp ra vẻ đã thỏa mãn thực sự. Nó ngu quá. Tôi phải tìm cách chỉ cho nó thấy đầu tôi và áo tôi lần này không hề trúng lấy một nửa giọt nước đái của nó. Nhưng nó không thể nào hiểu nỗi mà cứ khọt khọt hoài. Chính điều đó đã làm cho tôi tức bực vì không còn cách chi thanh minh với nó, với những con khỉ khác, với cây cối và hồ nước vô tri rằng tôi không hề bị một chút thiệt hại nào trong trận phản pháo trả đũa này. Tôi còn giận tôi đã thiếu trí nhớ, thiếu cái chất tiểu nhân thật mạnh để thù thật dai một cái gì trên đời sống quá ư ngắn ngủi này. Không phải nói vậy là tôi gián tiếp khen tôi quân tử Tàu phần nào đâu. Cuộc đời vốn cụt không đầy một gang. Tất cả đều tan biến. Nghĩa gì đâu. Nhưng rất nhiều khi cần phải tiểu nhân, phải trả thù, phải múa rối, để sống, thế thôi. Tôi đang tìm cách trả thù con vật thì nó lại giáng cho tôi một đòn tâm lý nặng nề. Nó nhảy lên thanh sắt cao ở từng lưới phía trên, vừa ngó xuống phía dưới tôi vừa làm tình với con khỉ cái lớn hơn nó một chút. Tôi cũng nhớ không lầm mụ khỉ cái thường đi cặp với con khỉ đột cụt đuôi này và thù luôn cả vợ chồng chúng (vợ chồng một loại động vật trên bậc thang tiến hóa được xếp vào hạng nhìn nhưng còn thua quá xa loài người). Tôi bực tức. Quả thực tôi đã coi chúng như một kẻ thù ngang hàng và xứng đáng với tôi. Tôi biết tôi bần tiện nhưng tôi không muốn thoát ra cái tính đê hạ đó. Thường thường được sống bần tiện cũng thú vị lắm chứ, dù tôi là giáo dân mà tinh thần của Sách Thánh vẫn khuyên tôi không được trả thù y như bên Phật giáo và tôi là một người Công giáo thuộc hạng libéral ít ra cũng phải nhất Saigon (mà sự lui tới của tôi ở nhà thờ chỉ còn mang ý nghĩa gần như một tập quán xã hội, thế thôi). Tôi bực tức quá. Tôi liền nghĩ đến hoàn cảnh và thân phận tôi từ một tháng nay. Tôi không có dịp chung chạ với đàn bà. Tôi không đủ tiền để lo cho cái miệng trên của tôi thì lấy đâu có chút gì đem nuôi cái miệng dưới của những đứa con gái đàn bà làm cái nghề khốn khổ nhất trong trời đất.
Tôi thù con vật ghê gớm. Nhìn chu vi hình tròn của cái chuồng trên ba mươi thước, tôi trèo đứng lên bờ gạch đã muốn lở, hai tay nắm chặt vào hai song sắt đã hoen rỉ, ngước mắt nhìn lên. Tôi nghĩ nếu có ai quen biết chụp được một cái hình tôi với phụ cảnh đúng hệt và đầy đủ như vậy tôi sẽ mắc cỡ phần nào. Tôi nhìn lên, nhìn lên. Tôi ganh và ghen thực sự với con vật. Tôi tức trào máu nhưng tôi cứ nhìn lên. Và càng nhìn lên tôi càng tức trào máu. Nhưng ma quỷ đã xúi tôi nhìn lên không chớp mắt dù bụng đói lép xẹp. Nhiều lúc sống với ma quỷ của lòng mình cũng thú vị thật. Hai con vật rề rà thật lâu mà chưa chịu buông nhau vì có lẽ chưa đụng cái mức khoái cảm quỷ thần. Tôi nhìn lên, nhìn lên. Chỉ khi nào thật mỏi mắt mỏi cổ tôi mới chịu nhìn xuống một chút để lấy lại hơi sức. Tôi bẻ gập cái đầu xuống ngực thành một góc nhỏ tối đa để bù trừ phần nào với lúc ngẩng đầu lên. Tôi tiết kiệm từng giây phút không quan sát được chúng. Tôi rất ngại cái giây khắc cực thú của chúng chẳng may xảy ra trong khoảng cái thời gian tôi gục đầu xuống để bớt mỏi thì thật hoài công. Tôi nhìn lên, nhìn lên. Rồi lại quá mỏi nên nhìn xuống. Tôi bắt gặp ở bên kia lưới sắt một đôi vợ chồng trẻ thuộc loại đơ đỡ cũng đang nhìn lên hai con khỉ một cách khá chăm chú. Thỉnh thoảng bốn con mắt đó cũng hướng thẳng về phía tôi một cách khá tinh ranh. Tôi sợ gì mà không điều chỉnh hai con ngươi của tôi về phía họ một cách thật soi mói. Nhưng sau đó tôi biết ngay mình xuẩn ngốc khi phản công mà không chịu tri bỉ tri kỷ như vậy. Tôi biết rồi các bồ. Tôi đầu hàng và đầu hàng thực sự các bồ đó. Xin các bồ đừng nhìn tôi nữa. Vâng, tôi biết họ thương hại tôi lắm vì có lẽ họ đoán tôi đang túng thiếu sinh lý một cách trầm trọng. Tôi nhìn lên. Con vật kéo dài cái thời gian giao hợp quá lâu. Tôi có nhiều dịp ở rừng, nhất là rừng thuộc cao nguyên và Tây nguyên và đọc nhiều sách ngoại quốc viết về loại động vật này – loại động vật mà có một vài giống trong số đã được từ nhà đại sinh vật học Darwin cho đến Marx đều hè nhau công nhận một điều nếu kiểm chứng đúng một trăm phần trăm chắc chắn sẽ lật úp và phá tan được nền tảng tôn giáo của tôi – nên tôi biết khá nhiều về chúng. Nhưng tôi tuyệt nhiên chưa rõ cái thời gian ân ái của chúng kéo dài được bao lâu thì đạt đến cực độ và khi đạt đến cực độ rồi thì có còn dính nhau hoài như chó, thì có còn vớt vát được chút đỉnh sung sướng không. Tại sao không một nhà sinh vật học nào chịu quan sát, thí nghiệm và chép lại sự kiện đó? Nó quan trọng lắm chứ, vì chắc chắn không ít thì nhiều nó cũng liên quan đến tâm sinh lý học và đạo đức học của con người lắm chứ. Tôi nhìn lên, nhìn lên. Đôi lúc cảm thấy gớm ghiếc, tởm nhờm. Nhưng tôi cứ nhìn lên. Để xem sao. A, thật quá lâu. Không rõ trung bình loại khỉ đột này có thể sống lâu chừng 50 năm như loại khỉ Chimpanzé hay cũng khá nhiều năm như các loại Gorille và Orang-outang không. A, hai anh chị say đắm quá lâu mà vẫn chưa chịu buông ra. Không hiểu có phải vì chúng đã gặp một trở ngại nào khi hành sự hay thật ra chưa đạt đến phút giây quỷ thần. Dễ chừng có cả tiếng đồng hồ rồi. Tôi nhìn lên, nhìn lên. Tôi nghĩ nếu con vật đó sống chừng 30 năm thôi thì chắc chắn nó đã hưởng được cái nhục cảm gấp mấy lần con người dù cho chúng hoạt động có mùa có tháng chứ không loạn xạ đêm, ngày, mưa, nắng cho con người. Tôi nhớ nhiều lần đang ngồi học, tôi quan sát một loại phù du thật mỏng có cánh xanh lợt, bụng nhỏ còn hơn bụng con muỗi cái nhưng hai lông đuôi trắng tinh nhỏ bằng một phần mười sợi tóc vút ra thật dài. Hai cô cậu cũng biết dính nhau và kéo dài cái việc đó đến gần 30 phút. Sau đó hai con vật bé tí này đã đèo nhau bay đi xa. Không biết khi đậu lại chỗ nào đó chúng có chịu rã nhau hay không. Theo chỗ tôi biết thì loại phù du hạnh phúc này chỉ sống một đời không đầy 24 giờ. Một đời sống kéo dài vỏn vẹn có một ngày mà đã có gần nửa tiếng dành cho khoái lạc! Vậy thì một cách tương đối, tỷ số khoái lạc của chúng hơn con vật đi hai cẳng là chúng ta nhiều quá Épicure ạ! Tôi nhìn lên, nhìn lên. Trên vòm lưới sắt cao kia có mấy tàng cây me Tây lâu năm hay ô môi hay cổ thụ gì đó nữa ngả rợp bóng xuống. Có một thứ cây gì trái xanh đỏ li ti cũng nghiêng xuống một bên. Khung cảnh bên ngoài lưới sắt thật rộng vì tiếp giáp với cả bầu trời, nơi mà từng bầy quạ đen vẫn thường bay về đậu chơi và kêu nhau một cách thật thoải mái. Nhưng tôi nghĩ con khỉ đột kia không bao giờ thoát ra đó được để tự do trèo lên hàng trăm ngọn cây cao chót vót nhìn trời cho đã nư. Tôi nhìn xuống phía dưới vì một cơn gió nhẹ vừa thoảng qua làm thúi om cả lên. Tôi thấy hồ nước hết sức bẩn thỉu và tù đọng. Phân khỉ cùng một số trái cây vô danh ung rữa bài nhoãi khắp nơi. Tôi nhổ nước bọt, nhức đầu. Tôi thấy tù túng, oi bức muốn chết. Tôi thử đếm. Khoảng bốn chục con. Bốn chục con sống trong một không gian nhỏ như thế. Vậy mà chúng vẫn an vui. Chúng đã chịu nhận hoàn cảnh và tình thế đó để sắp đặt cuộc đời đàng hoàng có đủ sinh hoạt vật chất và tinh thần nếu có thể nói như vậy. Tôi nhìn lên, nhìn lên, mặc dù mùi hôi thúi lâu ngày càng về trưa càng bốc lên nồng nặc. Từng cặp, từng cặp chúng đang tỏ tình mà không thèm biết mắc cỡ làm chi cho phiền. Tôi nhìn lên, nhìn lên, đăm đăm. Lửa dục đang đốt cháy và tàn phá cả người tôi trong những ngày thất nghiệp kinh niên ở Saigon này. Tôi nhìn lên, nhìn lên. Trời ơi, chúng làm y hệt như người ta trong phòng riêng đóng cửa đàng hoàng rồi vậy. Trời ơi, trời ơi, làm sao một thằng thanh niên vô gia cư vô nghề nghiệp nhưng xấu dây tốt củ nhịn giải quyết đã quá lâu như tôi mà chịu được khi nhìn hoài những pha cực lạc như thế. Chúng làm như không có ai. Chúng hoàn toàn không có một mảy may ý thức thuần phong mỹ tục (hay rất ý thức một loại luân lý đạo đức nào khác hẳn cái được con người quan niệm?) Chúng làm như một đôi vợ chồng thản nhiên giao hợp trong phòng mà không thèm để ý đến đứa bé ngo ngoe trong nôi hay con mèo nằm lim dim bên cạnh. Tôi nhìn lên, nhìn lên.
"Ê!"
Một nhân viên trật tự vừa thổi tu huýt vừa la một tiếng và nhấn xe đạp về phía tôi khi thấy tôi móc chút bánh mì khô còn sót trong túi ra dụ con khỉ. Có lẽ sáng nay chưa khiển trách được ai và chưa thổi được một hồi tu huýt nào nên bây giờ quá ngứa miệng y thổi một hơi thật khỏe. Tôi biết phận bước xuống đất.
"Không trông thấy yết thị sao?" Y tiếp.
"Vâng". Tôi không biết nói sao đành trả lời vậy.
Thấy nhân viên nọ tuổi cũng trạc bằng tôi và có vẻ dễ chịu, tôi liền chỉ cho y nhìn lên chỗ hai con khỉ đột đang ân ái. Y cũng tức cười và thân mật bảo tôi:
"Nó đa tình và quấy lắm. Có lần nó thoát ra khỏi chuồng".
Nói xong y chỉ cho tôi xem một cái lỗ to bằng cái thúng ở một góc phía trên đỉnh chuồng tạo thành bởi hai mí lưới sắt không hiểu sao bị bung toẹt ra.
"Rồi làm sao bắt nó lại?"
"Nó tự ý mò vô đó chứ. Kìa vợ nó kìa". Y chỉ tôi đúng cái mụ khỉ cái đang ngồi chung với con khỉ đột cụt đuôi đít dát hai miếng đỏ láng bóng ở trên cao kia.
Tôi chưa kịp có khen ngợi với nhân viên nọ thì hai vợ chồng đứng đối diện bên kia mà bốn con mắt đã từng tọc mạch nhìn tôi bây giờ đã xê lại gần chúng tôi. Người chồng hỏi ngay nhân viên:
"Tôi cứ tưởng một khi cu cậu thoát ra khỏi chuồng là dông ngay một nước về rừng cơ chứ".
"Ở đây như rừng rồi còn gì. Nó quen rồi ông ạ". Y đáp cũng thân mật tự nhiên như người hỏi.
Bây giờ người vợ mới xích lại gần người chồng hơn, đưa thay choàng lên vai, làm một cử chỉ yêu đương vụng về, vu vơ, hơi quê mùa. Tôi quan sát rất nhanh. Tôi thấy người chồng thuộc loại đàn ông có kiến thức trung bình như tôi đã đoán lúc đầu. Hắn trạc ba mươi. Cằm tua tủa một ít râu ria. Người vợ, tôi dám chắc điều này, là nếu được sinh trưởng trong một gia đình có khung cảnh trí thức một chút, chắc hẳn giờ đây đã thành một người đàn bà khác hẳn cái người đàn bà đang hiện diện sinh tồn đó, khác hẳn về dáng dấp, cử chỉ, bộ điệu, lời nói, trí óc và tâm hồn. Vậy mà ở trong Sở thú này nếu làm thống kê và lấy tỷ lệ bách phân thì phải đến 100 đôi vợ chồng đến viếng may ra mới có một đôi vợ chồng thuộc thành phần khá như vậy.
Buổi trưa thanh vắng nếu cái máy thâu thanh đĩ thỏa ở một quán nước nằm bên ranh giới Thị Nghè đừng cho xổ ra những bài cải lương, vọng cổ, tân nhạc hay đến cả những bản nhạc thời trang Tây phương quá ư nhất thời, thô lậu, hạ cấp, đại hạ cấp dù chúng được cả quần chúng có học ở Saigon hâm mộ. Chúng tôi có cả thảy bốn người và sau đó, có một em bé bán đậu phộng rang áp đến nằn nì mời mọc và nghe chuyện. Nhân viên Sở thú, một chân đạp lên bàn xe đạp, một chân tựa lên song sắt chuồng khỉ, bắt đầu nói chuyện với hai vợ chồng. Hai vợ chồng cũng nói chuyện với nhau. Tôi tính lảng đến băng đá đánh một giấc ngắn để lấy sức cho một buổi chiều lang thang sắp đến thì được nghe nhân viên kể:
"Nó (con khỉ đực cụt đuôi đít dát hai miếng đỏ) mới về đây có hơn một năm thôi mà đã bế được một bà và hai lứa con rồi đó".
Rồi y chỉ con khỉ con chừng ba bốn tháng còn đang làm nũng ngồi trong lòng mẹ nó, một mụ khỉ cái khác đang ngồi bên mé hồ nước. Hai vợ chồng chăm chú nhìn mẹ con mụ khỉ đột cái này. Xong, lại nhìn lên. Tên nhân viên cũng nhìn lên chỗ cặp khỉ đột đang ân ái:
"Sao lâu quá vậy ông bạn?"
Rồi y bắt đầu nói chuyện với tôi, giọng hơi sỗ sàng. Chắc chắn y cho tôi thuộc hạng cù bơ cù bất. Mặc. Tôi không cần phân minh hoặc tỏ thái độ gì ráo. Khi sống với bất cứ hạng người nào, tôi thường có thái độ và đôi khi ý nghĩ giống họ, để sống. Vì chắc chắn tôi chỉ gặp họ trong một thời gian rất ngắn so với những thời gian thực thụ tôi sống cho tôi và những kẻ tôi thích. Sau một lúc chuyện gẫu, tôi biết nhà y ở đằng kia, bên cạnh một con lạch cạn dưới một tàng cây đa cổ thụ ở ngay trong Sở thú này. Tôi cũng biết bố của y là một trong những người phu cắt cỏ hốt rác, một nhân viên của Thảo cầm viên này. Từng buổi trưa in bóng ngồi đợi vu vơ và thiểu não, tôi đã có dịp quan sát những người này với chiếc xe bồ ệt hoặc xe bò nhỏ của họ và cuộc đời lẩn quẩn, tối tăm. Tôi tin chắc họ đã thuộc lòng vị trí từng gốc cây, từng hòn đá lớn trong vườn bách thú này. Có lần tôi đã quan sát một người phu lớn tuổi đang quấn thuốc lào phì phà hút dưới một gốc cây, cảm thấy ghê lạnh cả một cuộc đời buồn tẻ, tù đọng, úng thúi, tối tăm của họ. Họ ít khi bò ra đến thành phố Saigon chứ đừng nói đi đâu xa hơn. Tôi nghĩ toàn thể khu vườn bách thú này thật ra cũng chỉ là một cái chuồng lớn và người phu kia cũng chỉ là một con thú mất tự do. Có cái điều cái chuồng này dĩ nhiên lớn hơn tất cả những cái chuồng khác ở đây. Nhưng có nghĩa lý gì. Cũng như cái chuồng khỉ ở đây lớn hơn chuồng sư tử, chuồng sư tử lớn hơn chuồng gấu, chuồng gấu lớn hơn chuồng mèo rừng, chuồng mèo rừng lớn hơn chuồng chim, thế thôi. Tôi không hiểu sao họ có thể bằng lòng sống như vậy. Họ còn thấy thú nữa là khác. Nhìn dáng điệu người phu đứng tuổi kia đang phì phào thở thuốc lào, với tất cả tâm hồn và trực giác của tôi, tôi tin chắc lão không đang suy tính gì hết, nhất là suy tính một cuộc đời khác. Tôi nghĩ đến cái triết lý sống của họ - vâng, họ phải có cái triết lý của họ dù muốn dù không - đặt nhiều câu hỏi mà không tìm ra giải đáp. Bây giờ tôi nghĩ đến nhân viên trật tự còn trẻ đang đứng nói chuyện với tôi, và nghĩ đến ngôi nhà của y, đến con vợ y đang hiện diện sinh tồn chui rúc trong căn nhà kia. Tôi rùng mình chán ngán. Tôi so sánh y với con khỉ cụt đuôi kia và thấy chúng giống nhau lắm. Những điểm giống nhau tôi không cần phải kể nữa. Tôi mỉm cười. Ý tưởng cái mỉm cười của tôi là dấu hiệu biểu lộ thiện cảm nên càng hăng nói chuyện. Rồi tôi nghĩ đến thân phận của tôi. Biết đâu, với một ý thức khách quan tôi cũng chỉ là một con thú bị nhốt, một kẻ ở tù như nhân viên nọ, như con khỉ kia. Tôi nghĩ đến những năm dài thất nghiệp quẫn bách ở Saigon để cuối cùng vẫn chịu sống. Nhưng tôi muốn gạt bỏ ý nghĩ đó. Bởi Saigon đối với tôi, trái đất đối với tôi không thể nào là một cái chuồng thú lớn như toàn thể vườn bách thú đối với những con vật như con khỉ kia và nhân viên trật tự nọ. Bởi tôi còn có đời sống tinh thần, tâm hồn và trí óc. Trí óc tôi bùng cháy mỗi ngày.
Tôi còn đang lăn, đang chạy, đang mở ra. Tôi còn đang dự tính dù những dự tính của tôi sẽ tan biến cùng sự hủy diệt của tôi trước mặt hư vô. Dù sao tôi cũng muốn chết trên đường. Tôi chắc chắn sẽ không có một địa điểm, một cái mức ăn thua để về đó chết. Tôi muốn chết cái chết của một người chạy đua trên đường về đích, dù nó cũng không có nghĩa gì hết. Tôi vẫn khát vọng cái đích dù chẳng có một cái đích nào thực thụ tuyệt đối cho tôi ở cõi đời này cả. Tôi thèm một cái đích không có… đích. Tôi chạy, thế thôi.
Còn em, những Mộc Linh yêu dấu, các em có muốn chạy như tôi không? Các em có muốn làm những đợt sóng lớn đập nát thân trên bờ đá không? Tôi nhìn lên, nhìn lên dù con khỉ đực đã chấm dứt trò ân ái của nó. Một chốc tôi nghe tiếng người chồng nói với vợ:
"Em nghĩ thế nào nếu em là một trong những con – xin phép em trước nhé, anh ví dụ thôi – là một trong những con… khỉ sống ở đây, bị giam trong chuồng này?"
"Ơ, ơ… sao lại hỏi kỳ vậy… sao lại ví dụ như thế được nhỉ!"
Tôi muốn xen vào câu chuyện nói thế cho người chồng "Sao cô ngu vậy?". Bây giờ tôi lại chú ý đến người chồng. Tôi chú ý đến khuôn mặt hơi hung ác nhưng phảng phất ánh sáng của trí tuệ, của tâm hồn. Một ít râu ria của hắn rung lên. Hắn bỏ lửng câu hỏi vì biết người vợ không ý thức được thân phận cùng sự hiện diện, sinh tồn như hắn. Hắn thẫn thờ, nhìn quanh quẩn, vô tri. Hắn đang cô đơn. "Thưa ông, tôi muốn thế chỗ của vợ ông để trả lời câu hỏi đó, giá ông cho phép và vui lòng", tôi nhẩm trong óc định nói với người chồng như vậy nhưng rồi lại thôi. Tôi ngại câu chuyện không được tự nhiên. Bởi chưa tạo được không khí. Người đàn ông đó và tôi chắc gì đã có một hoàn cảnh, một thân phận giống nhau. Tôi cũng kiêu ngạo nghĩ rằng trí óc và tâm hồn hắn phải ở dưới xa trí óc và tâm hồn tôi. Và người vợ và nhân viên trật tự kia sẽ cho tôi là điên khi đặt ra những câu hỏi kỳ cục đối với họ. Dù sao bây giờ người chồng vẫn cô đơn. Hắn không ở trên bậc thang tinh thần ngang hàng với vợ hắn. Hắn ở trên cao hơn. Sao có thể lấy nhau và chung sống chung với nhau? Tôi nghĩ người ta có thể vứt bỏ hết tất cả mọi sai lệch giai cấp, giàu nghèo, bằng cấp, tôn giáo, sức khỏe nhưng không thể nào gạt sang một bên điều kiện tâm hồn, để đi đến hôn nhân hay tình bạn thực thụ. Người chồng đang cô đơn. Sao có thể sống chung với người vợ như thế. Hay hắn giỏi chịu đựng cho qua một kiếp! Như vậy thì bi thiết quá! Một ý nghĩ hiện lên trong đầu óc tôi: hay người đàn bà kia chỉ là một tình nhân (tình nhân theo cái biến nghĩa của danh từ thời đại này) hay là một con điếm thực thụ? Và người đàn ông – kẻ lữ hành kia – đang cô đơn nên vớ đại một tha nhân – dĩ nhiên phải giống cái – để nói chuyện, nhìn nhau, thành lập một tương quan phù phiếm nào đó nhưng rất cần yếu cho thực tại? Mà đã vậy thì cóc cần suy tính.
Tạm thời cái gì mà chả được. Như khi tôi yêu một em chiêu đãi ỡm ờ hay một em ca-va dơ dáng và dẫn đi dạo ở một đường phố thanh lịch nhất Saigon hay Dalat. Tôi cóc cần thanh minh. Tôi còn đi chơi với những đứa con gái hư đốn trong trí óc và thúi rữa trong tâm hồn là những con sinh viên Văn khoa. Tôi cóc cần phân bua. (Đời sống vốn quá đày ải và mệt xác từ bản thể rồi. Phân bua mãi thì thà tự sát ngay còn hơn). Nhiều người quen tưởng là vợ chồng. Mặc. Như cái việc làm thư ký của tôi ở Saigon trước kia, cái nghề cùn mằn nhất trên đời đối với tôi. Như cái sự lui tới của tôi ở những chỗ mà đúng lý từ tim ruột của tôi đúng ra tôi phải nhổ nước bọt hay đờm dãi vào đó, vào những đứa con trai, con gái, đàn ông, đàn bà, lại cái vô tri. Vậy mà tôi vẫn làm bộ có ít nhiều hành động, cử chỉ, quan niệm y như họ, để sống. Dĩ nhiên đến một giai đoạn nào đó tôi cần phải phản bội và vong ân làm cái việc cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc với bọn người ngợm mà cứ tưởng mình là trí thức và tiến bộ đó. Vì tôi đang chạy, đang lăn, đang mở ra phải không Mộc Linh? Tôi đang chạy thật nhanh kể cả và nhất là lúc tôi ngồi yên hay nằm lì một chỗ. Điều đó ngàn năm các em không đời nào hiểu thấu đâu Mộc Linh ạ. Tôi có thể làm bất cứ nghề gì, kể cả cái nghề nhân viên trật tự hay chăm nuôi cầm thú hay đến cả cái nghề ở tù – nếu có thể nói như vậy – như con khỉ đột kia, như người chồng nọ. Nhưng chắc chắn trí óc và tâm hồn tôi vẫn ngấm ngầm làm việc trong cõi tiềm thế tận ngày đêm để lăn, để chạy, để cuối cùng đập nát thân vào đá thành bọt bèo hư không. Em có bao giờ nghĩ vậy không hở Mộc Linh? Nếu không, à mà đã hẳn vậy rồi, em còn tìm đến tôi làm gì? Bây giờ em sắp lấy chồng rồi phải không? Một sinh viên Đại học Sư phạm ban Triết học ăn mày phải không? Tên hắn là Phan phải không? Hắn còn ghi tên ở Văn khoa Saigon phải không? Rồi hắn cũng làm bộ bắt chước những thanh niên can đảm nhất của thời đại bỏ trường, khinh giáo sư, chửi hệ thống, định đi ra viết một hai cuốn sách bàn về thi ca, tư tưởng, triết lý lượm mót và ăn cắp từng ngôn từ và ý tưởng ngay của một vài tác giả trẻ tuổi sáng tác mở đường phải không? Tôi thề với Mộc Linh rằng nếu Phan có một nửa giọt máu văn, máu thơ, máu tư tưởng, máu thẩm mỹ, máu công bình chảy trong người, tôi sẽ bị lính xúc ngay. Cái sự từ chối triết gia này triết gia nọ của Phan chỉ là dấu hiệu của một bộ óc thanh niên chật hẹp, ích kỷ. Cái sự chê bai những cây viết trẻ đương thời của hắn chỉ tố cáo thêm sự khiếp nhược của hắn trước lòng ganh ghét sôi sục căn cốt của hắn. Vậy thôi. Vâng, Phan lo cho tương lai lắm phải không? Được lắm. Tôi biết hết. Bởi trước kia Phan là bạn tôi. Trước kia tuy không nói với nhau nhưng cả hai đều mở ra, đều chạy, đều lăn nên mới thân nhau. Nhưng bây giờ thì hết, bởi tôi biết Phan đã đến đích, cái đích của Phan! Tôi không ngờ Phan âm thầm có một cái đích như vậy. Tôi tưởng Phan còn ở trên đường còn lăn, còn chạy, còn mở ra. Tôi lầm. Phan vẫn đóng cửa ở nhà hay vùi đầu và thư viện đọc, nghĩ. Nhưng đối với tôi, đó là những giờ phút vô tri nhất của Phan. Tôi có thật tiểu nhân khi nói về một người chồng sắp cưới của Mộc Linh như vậy không? Và Phan giấu cái vô tri đó dưới cặp mắt kiếng và cái bộ điệu suy tư, người lớn. Tôi đã lầm. Thật ra hắn chỉ là một thằng đại ích kỷ, đại ganh ghét, đại chật hẹp dù bao giờ hắn cũng luôn luôn tỏ vẻ rộng rãi, cấp tiến. Mộc Linh, em cũng không cần biết lý do vì sao tôi quả quyết Phan không còn lăn, còn chạy nữa. Cứ nhìn cái lửa tị hiềm sân hận vô minh đầy cặp mắt Phan thì biết. Mà thôi, em chỉ có thể tìm hiểu một mình thôi, em Mộc Linh thân yêu! Còn tôi, Dự. Trần Văn Dự, bạn thân thuở nào của Phan, Nguyễn Đăng Phan – người yêu sắp cưới của em – không muốn có liên lạc gì với Phan nữa. Hai mùa Giáng sinh rồi tôi có lên Dalat nhưng không đến Phan. Chúng tôi có gặp nhau ở nhà thờ đêm tưng bừng ánh sáng đó nhưng không nói chuyện với nhau, dù có chào nhau, theo thông lệ, để sống và sống dễ dàng hơn. Ngày sinh nhật vừa rồi của tôi – 18 tháng 11 dương lịch – Phan đã quên không nhắc gì đến nữa như mấy năm trước. Chúng tôi cũng không còn dịp tổ chức một cuộc vui chung nào nữa. Mộc Linh, anh rất tự hào thấy mình tiêu diệt được cái lịch sự vô lối khi nói xấu một cách rất thật về chồng em. Em cứ sống với Phan nếu thấy cái đích của Phan cũng là cái đích của em. Tôi quen rất nhiều người nhưng đến một giai đoạn nào đó tôi từ giã tất cả dù muốn dù không. "Thằng Dự nó anormal, nó refoulé, nó toqué, nó cà chớn, nó ba trợn, nó cù lần, nó lạng quạng…". Linh không nghe bạn bè nói về tôi như vậy sao? Và còn biết bao nhiêu phẩm từ xấu xa hơn để tặng tôi.
Tôi chưa muốn đến ghế đá ngồi. Tôi đoán người chồng sẽ hỏi vợ một vài câu lý thú hơn. Một vài câu tôi vẫn thường muốn đặt ra với chính Mộc Linh hay những Linh, những bạn tôi, những Phan ngày xưa, những câu hỏi tận đáy hồn tôi phát ra từ cuộc đời tầm thường như ở tại chợ trời đại lộ Hàm Nghi, chỗ có bán nhiều cầm thú, chó, chim, mèo, chuột, v.v. Nhưng tôi lại thôi vì biết vấn đề không liên quan gì đến Mộc Linh, đến Phan như tôi tưởng. Tôi không muốn cô đơn như người chồng kia đã cô đơn khi đặt câu hỏi với người vợ.
Tôi lại chỉ tay cho tài xế chạy đến vườn bách thú mà không hỏi ý Mộc Linh khi xe đã qua khoảng Chợ Trời. Tôi cũng không đồng ý với Linh ra bến tàu. Buổi sáng ở đó nắng hiu hắt chỉ gây cho tôi không khí chán ngán. Tôi cũng không muốn dừng lại Chợ Trời ở khoảng đường tôi thấy có bán nhiều cầm thú. Tôi ít có dịp đến đây. Tôi chỉ ghé lại thôi. Cũng như tôi chỉ ghé lại cõi đời này vậy. Nghĩ đến đó tôi phát rùng mình. Có điều khác là tôi đã ghé lại Chợ Trời do ý muốn, nghĩa là có ý thức. Còn tôi ghé lại cõi đời này chỉ tại bởi may rủi và vô minh hoàn toàn ngoài ý chí tôi (nếu tôi có ý chí, ý thức tồn tại dưới một hình thức khác không phải nằm trong óc não của tôi bây giờ). Tôi chỉ ghé lại Chợ Trời vào những dịp cần thiết có mặt ở một nơi nào gần khoảng đó và cần phải chờ đợi hoặc việc đang mong chờ đã hỏng. Bởi tôi thích giết thì giờ một cách vô trí bằng cách vào một nhà hàng kêu một cốc cà-phê ngồi nhìn ra xe cộ và người ta ở đường cái. Và, thật ra, cũng bởi tôi ít dịp có tiền sẵn trong túi dù những dịp có tiền lớn không hiếm đối với tôi. Đến Chợ Trời, tôi thình lình sống trong một tình cảm dồn nén, áp bức, đau đớn, tủi hổ, xót xa, căm thù, điên dại (nếu gọi tên cho đúng từng loại tình cảm kia thì chắc tổng số của chúng không kém thua tổng số những con vật bị nhốt ở đây, hay ít ra tổng số cách thức giam giữ chúng: nhốt vào chuồng, cột chân, chặt bớt lông cánh, đập què cẳng, v.v.) đến đây tôi muốn chửi cha nó lên. Tôi muốn đập nát, tàn phá tất cả. Nhưng lý trí tôi mạnh lắm. Nếu nó không kịp thời cản ngăn, chắc chắn tôi sẽ hóa thành điên cho đám đông ngu xuẩn và a dua ngàn đời bu lại chọc phá, chế nhạo và khinh bỉ. Và dĩ nhiên tôi sẽ biến thành một sinh vật ngộ nghĩnh tự trưng bày ở Chợ Trời. Tôi thường cố gắng thản nhiên đi qua đó. Tôi ngó từng lồng chim, lồng chó. Ôi, những con vật bị giam một cách quá tàn nhẫn, khốn nạn, vô nhân đạo. Tôi nghĩ sao chính quyền không kịp thời can thiệp, đặt ra những luật lệ bệnh viện gia súc như ở các nước văn minh để may ra tội ác còn giảm được phần nào. Dù là con vật, ít ra trước khi chết, nó cũng có quyền sống dễ chịu chứ? Tôi vuốt ve từng con chó rừng, mèo rừng, v.v. đang bị nhốt kỹ trong chuồng hay được thả lỏng nhưng chủ chúng – những tay buôn chuyên nghiệp hay tài tử – thừa biết chúng đã bị thương tích nặng và không thể nào đủ sức thoát nổi. Tất cả đều nhừ nhẫn, mệt mỏi, rũ rượi. Một số lớn có vẻ muốn chết nhưng có lẽ chúng không ý thức gì về sự sống chết, về sinh mạng chúng. Chúng sinh ra hoàn toàn ngoài ý muốn của chúng nếu ý muốn kia tồn tại ở một cõi nào khác. Chỉ cần bắt một con chó cái nhốt chung với con chó đực là có một ít chó khác. Những con chó sinh ra một cách vô tri hoàn toàn. Tôi vuốt ve từng con. Đặc biệt có một con chim trắng to bằng con quạ, mỏ quặp đang bị xiềng cả hai chân đặt trên một chiếc lồng sắt cũ. Tôi biết rõ loài chim ưng đó lắm. Nó ở ngay tại Việt Nam chứ không phải ở Pháp, ở Mỹ gì xa xôi như người bán đã quảng cáo. Tôi gặp nó nhiều lần trong những đêm giá buốt một mình lang thang ở một cánh rừng già trên cao nguyên Dalat. Nó từ một ngọn thông cao vỗ cánh trắng xóa. Có lần tôi đã bắt được một con. Nó bị thương ở khoảng rừng nào đó và ngã chết gần chỗ tôi. Tuyệt nhiên chúng không xuất hiện giữa ban ngày. Tôi rất yêu loại chim đêm, nhất là những con to lớn, toàn màu trắng toát và đẹp như thiên thần. Tất cả những con thú ở đây, trừ những con mệt nhừ và sắp chết, đều như nóng lòng chờ đợi, hăm hở một cuộc đời khác, một đời sống của chúng. Nhiều lúc có tiền tôi muốn mua một ít chim bảo người ta mở tung lồng ra cho chúng bay đi hết, như một vài mụ nhà giàu đã thực hiện trong những ngày lễ ở chùa có tính cách xá tội vong nhân như rằm tháng Bảy. Tôi, tôi khinh bỉ những mụ đàn bà này. Hành động bề ngoài có vẻ tốt đẹp đó thực ra chỉ bị thúc đẩy bởi một vụ lợi gần xa, hết sức tầm thường, ăn mày, bỉ ổi, khốn nạn đến cái chỗ rất nên cầm dao thật cùn cứa cổ bà ta giờ này qua giờ khác cho đến lúc đứt lìa ra. Tôi không thực hiện nỗi hành động phóng sinh đó rồi. Tôi biết tôi bất lực khi muốn giải thoát hàng ngàn, hàng triệu con khác cũng đang và sẽ tiếp tục ở trong cảnh tù tội khốn cùng đó. Hãy nghĩ, hãy làm một cái gì một cách tuyệt đối. Nếu không thì thôi. Thà tức đến ói máu rồi tự tử. Tôi chỉ khinh bỉ giống chuột bạch và chuột Tàu. Bị giam cầm rõ ràng như thế, mất tự do rõ ràng như thế, chúng vẫn cứ đùa giỡn, trửng mỡ trên cái đu quay tít cả lên. Thật, loài múa rối. Chúng có vẻ tự mãn, hài lòng về điều kiện và thân phận đó. Tôi có thể nhai xương cái lũ chuột đó mà không gớm miệng. Tôi quá khinh chúng. Chúng nhận hoàn cảnh một cách thụ động đê hèn. Chúng còn tính chuyện sanh con đẻ cái nữa mà không biết nhục. Tôi làm con chuột con đó, lớn lên tôi sẽ cắn chết chuột mẹ và chuột cha tôi liền. Bởi vì chuột mẹ và chuột cha tôi vô ý thức, vứt tôi ra giữa một hoàn cảnh tù ngục mà không biết trang bị cho tôi một thứ khí giới nào để hộ thân và để tấn công. Dù sao tôi cần lặp lại tình cảm căm thù của tôi chưa dồn nén đến tận cùng, vì nếu thế thì tôi đã tự sát lâu rồi. Mỗi lần tôi sống trong tình cảm kia, tôi phải hành động một cách vô tri nào đó để giải thoát. Như buổi sáng nay, tôi cho tắc-xi chạy lung tung để quên đi một vấn đề sắp giải quyết và biết mình bất lực. Tôi đã gặp nhiều vấn đề mà mọi người thường bỏ qua nhưng đối với tôi, tôi hăm hở giải quyết dù để không bao giờ giải quyết được gì cả. Với tôi, nghĩ một cách thiển cận, tự tử là một vấn đề thậm phi lý. Nghĩ một cách xa xa hơn nữa, tự tử vẫn chỉ là một hành động tối thậm phi lý. Nhưng nghĩ cho cùng, tự tử chính là một hành động cao đẹp, viên mãn nhất khi người ta đã suy ngẫm và xác nhận cái bất lực trước tuyệt đối. Bởi tự tử là một hành động quay ngược trở lại bất cứ một thứ định mệnh và số phận nào. Nó cao cường lắm. Dĩ nhiên tôi không đề cập đến những trường hợp tự tử thường tình để tránh một đau khổ đến thình lình hay trong những phút cực kỳ yếu đuối. Tự tử là một hành động siêu đẳng nhất của hoạt động trí tuệ khi đã được suy ngẫm chín chắn. Vậy mà lạ, các linh mục của tôn giáo tôi không bao giờ chịu công nhận tự tử là có thật chứ không nói gì xa hơn dù các cha có đứng trước cái xác treo cổ rành rành trong một phòng khóa kín cửa từ bên trong. Tự tử là hành động của đạo đức nguyên chất nhất. Đó là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Nó làm cho con người rung động toàn cơ thể, trí óc, tâm hồn và rung động thê lương hãi hùng nhất. Một người lấy súng bắn thẳng vào màng tang và chết: hắn đã thắng. Không phải thắng với hắn. Cũng không phải thắng một định mệnh nào. Hắn đã thắng một cái thắng ở trên tất cả những chiến cuộc giữa người với người và giữa người với Thượng Đế nếu có. Nghĩa là hắn đã thắng mình, thắng trời, thắng lung tung, thắng hư không và không thắng gì cả. Hắn đã thắng một cái thắng tối hậu. Tôi sùng thượng hắn. Sùng thượng trên tất cả chúa đảng của tất cả những tôn giáo lớn nhất. Tôi ngả nón và nghiêng mình trước cái chết của một kẻ tự sát ý thức. Hắn là anh hùng, anh hùng trên tất cả những anh hùng của lịch sử nhân loại. Tôi hỏi Mộc Linh đột ngột trên xe:
"Mộc Linh nghĩ sao về một người tự tử?"
"Em ít nghĩ đến". Linh trả lời, giọng dịu ngọt bơ vơ. Tôi đau đớn biết trong một thời gian ngắn nữa thôi tôi sẽ xa cách Linh luôn dù tôi không yêu nàng đắm đuối. Nghĩ đến cái đêm đầu tiên Linh sẽ ngủ với Phan – hay bất cứ một đàn ông nào khác – tôi đau nhói toàn thân. Tôi là một thằng điên hay sao? Sao cứ đứng trước một đôi vợ chồng nào, tôi cũng nghĩ đến cái đêm đầu tiên đứa con gái chịu hiến dâng và tôi tức muốn chết. Nhiều lúc tôi quằn quại khổ sở khi nghĩ đến hàng triệu triệu tỷ tỷ con gái trên đời để sẽ hiến dâng cho những người đàn ông không phải là tôi. Tôi ích kỷ và chỉ mong những đứa con gái đẹp phải chết trinh bạch. Tôi hỏi Linh một lần nữa:
"Em nghĩ sao về một người tự tử?"
"Em ít nghĩ đến, nhưng sao hôm nay anh cứ hỏi như vậy mãi. Không có gì buồn cho anh lắm trong những ngày sắp đến của Linh. Em tin anh cũng nghĩ như vậy. Anh đừng hỏi thế nữa. Hay anh muốn em chết? Anh có biết em đang lo lắng, thắc mắc và nhiều lúc muốn chết không? Tuy không cần phải nói em cũng mong ngày cưới đến. Cho nó xong đi. Cho nó xong đi anh ơi, để may ra em tìm thấy một đời sống nào khác dù em không phản bội anh Phan đâu. Em cũng không mâu thuẫn và giả dối, chắc anh biết".
Ngừng một chốc, Mộc Linh tiếp:
"Anh biết chứ, bất cứ một đứa con gái nào có một chút tâm hồn thôi cũng đau đớn khi nghĩ đến cái giờ phút đó. Và trong giờ phút định đoạt nghiệt ngã đó, nhiều đứa đã sảng sốt và khóc nức nở. Họ biết tất cả đều chấm dứt và một niềm hoài niệm bao la sẽ tràn về xâm chiếm tâm hồn họ, dù họ đã hiến dâng cho người tình lý tưởng (mà làm gì có một người tình nào lý tưởng tuyệt đối đâu! Tất cả đều là tình cờ). Hầu hết đều mong cho nó xong đi. Đó là sự thực, những đứa bạn em đi trước đều công nhận và em cũng đã mơ hồ cảm thấy từ lâu. Rồi đây, anh sẽ là một thành phần trong nguồn hoài niệm của em. Anh biết nếu ở một hoàn cảnh nào khác với những điều kiện khác, em sẽ sống với anh, với anh Dự thân yêu, hơn là với anh Phan. Em tin anh không buồn gì. Bởi chắc chắn anh còn có những Mộc Linh hơn Mộc Linh này nhiều lắm".
Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi với Linh đến vườn bách thú. Buổi sáng thứ hai nên tương đối vắng. Chúng tôi loanh quanh mãi nhưng không tìm thấy một chỗ ngồi thích hợp, lịch sự một chút, nghĩa là có bụi bờ che khuất một chút. Ước gì còn ở Dalat. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát Mộc Linh. Nàng mặc chiếc jupe trắng toát, đẹp lạ lùng. Tôi vẫn thích xa xôi cái màu trắng toát của chiếc jupe. Tôi nghĩ đến những quần áo lót của nàng, chắc còn trắng hơn nữa, còn xanh xao hơn nữa, còn tức tưởi hơn nữa.
Đầu óc tôi nóng bừng lên một ham muốn tột bậc. Giá ở Dalat, trong rừng xa, rừng xa… Chắc chắn tôi sẽ phạm một tội ác lớn nhất thế gian mà Thánh Kinh đã nói. Tôi chỉ dám nghĩ đến đó. Tôi vội đuổi ý nghĩ đó đi. Chúng tôi loanh quanh một tí thì đến chuồng khỉ. Một liên tưởng kéo tôi về thực tại. Hơn hai năm nay rồi, tôi không có dịp đến đây. Song tôi vẫn còn nhớ chuyện con khỉ cụt đuôi đít dát hai miếng đỏ mỏng và láng. Tôi nhớ lắm. Tôi nhớ cả hai vợ chồng du khách đã cùng nói chuyện với tôi và một nhân viên trật tự ở Sở thú. Tôi đi quanh chuồng khỉ, tò mò:
"Anh tìm gì lâu vậy?"
"À, tìm cái này… lâu lắm rồi… không biết nó còn không".
Tôi đang loanh quanh tìm thì gặp nhân viên trật tự mấy năm trước. Lâu quá nhưng tôi vẫn còn nhớ mặt y. Y cũng nhớ lại tôi khi tôi gợi lại chuyện cũ về con khỉ cụt đuôi. Y cho biết nó đã chết. Y không nói nguyên do. Tôi cũng không cần biết. Cũng như khi tôi nghe tin một người bạn gái lấy chồng, tôi không cần hỏi tính danh người chồng kia mà thân thế là nguyên do cái chết của tâm hồn ấu thơ kéo dài của họ. Bởi vô ích. Vì chắc chắn đó phải là một người đàn ông. Và người đàn ông nào cũng biến con gái thành đàn bà được. Và tất cả con gái khi lấy chồng đều bị tử thương cùng một cách như nhau. Và mỗi lần được hung tin một bạn gái hay một em quen phất phơ do liên hệ gần xa nào đi lấy chồng, tôi đau đớn vô biên. Cường độ đau đớn càng mạnh hơn đối với đứa con gái tôi có cảm tình hơn. Ôi, các em yêu dấu, các em biết không, các em đã đi qua mặt địa cầu này một cách bình thản và không bao giờ hiểu được hồn ta. Tôi muốn hỏi chuyện với nhân viên kia một chút nhưng y đã ngậm tu huýt vào miệng thổi một hồi còi mạnh đạp xe về phía một thằng bé đang ngắt trộm mấy cái hoa ở gần nhà kiếng. Tôi nghĩ y giống con khỉ cụt đuôi đít lát đỏ kia lắm. Có điều y không biết khọt khọt kêu như khỉ thôi. Rồi y sẽ chết như con khỉ trong cái vườn bách thú lớn mà y đang đứng ăn và thở này. Và chắc chắn nếu có dịp hay tin y chết tôi cũng sẽ chẳng buồn hỏi han nguyên do: bệnh tật, tai nạn, v.v.
"Em nghĩ thế nào nếu em là một trong những con – đây là ví dụ, đừng có hờn nhé – bị nhốt trong chuồng này?"
Rồi tôi kể sơ qua chuyện con khỉ đực, vợ nó và mấy đứa con của nó.
Mộc Linh lại hỏi:
"Có phải anh muốn nói thái độ của mình trong hoàn cảnh và thân phận đó?"
"Đúng, em sẽ có thái độ gì? Chỉ có hai thái độ thôi. Một là nhận lấy hoàn cảnh, trong cái không gian bé nhỏ và những điều kiện dinh dưỡng thiếu thốn khổ sở kia, để tạo thành một cuộc sống hẳn hoi, coi mình như chắc chắn bị ở tù chung thân trong đó, và nếu cần cứ lập gia đình như con vật kia, nghĩa là cứ chọn, trong những nàng trong đó, một nàng khá nhất, rồi sinh con đẻ cái. Rồi nhảy giỡn… Em nhìn kìa, chuồng cũng rộng rãi chán và vui vẻ đó chứ? Hai là giữ thái độ của một con sư tử hay con chó rừng rầu rĩ đi ra đi vô, hết đứng lại ngồi, dường như suy tính phương tiện tẩu thoát".
"Làm sao tẩu thoát được?"
"Em nói như trẻ con vậy! Cần gì biết điều đó. Cứ cho điều đó có thể đi dù chỉ là những cơ hội ngàn năm một thuở. Như lưới sắt mục mà không ai hay. Và biết đâu cái lần đó không xảy ra trong đời mình? Như nghe nói hồi Cách mạng 1945 khi máy bay thả bom bắn phá, một số lớn súc vật đã trốn được hết chỉ trừ mấy con cá không có cơ hội mà thôi!"
"Nhưng anh hỏi vậy làm chi cho mệt?"
"Bởi sự thật chúng ta cũng chỉ là một sinh vật".
"Nhưng người kia mà. Và chúng ta có hoàn cảnh thân phận khác hẳn. Chúng ta đang ở Saigon, tự do, đến trường, đi xem xi-nê, đi chợ, đi ăn. Rồi mai mốt có dịp đi xuất ngoại. Sao anh hỏi kỳ vậy?"
"Em có nghĩ là anh hơi điên?"
"Em cũng nghi…"
"Ồ, vậy thì em…"
"Thì em tầm thường phải không? Nhưng tại sao em đã yêu anh tha thiết, yêu với mối tình đầu lý tưởng nhất dù em lớn tuổi hơn anh, để đáp lại tình yêu như đã phai lạt, thế mà em vẫn yêu anh. Chẳng lẽ em yêu một người… điên sao? Em tầm thường được sao?"
"Nhưng dù sao em cũng là một mũi kim chích sâu và tâm hồn anh".
"Em chỉ mong có anh dự đám cưới em với Phan".
"Anh cố gắng nhưng anh đang đau đớn và anh nghĩ không thể đóng vai một thanh niên quân tử hay cao thượng để đến đó dù chỉ để ngậm câm cái miệng nâng ly chứ không mở nổi chút miệng chúc tụng chút gì. Mà làm sao em hiểu anh. Anh chỉ là một thanh niên bất lực, một tù nhân giữa vòm trời bal… ồ em hiểu gì không? Em chỉ nên biết khi anh lớn lên anh càng ngày càng ý thức được cuộc đời này và cả địa cầu nữa méo mó, thiếu hụt, bất toàn".
Mộc Linh nhìn tôi, lộ vẻ khó hiểu. Tôi nhìn chầm chập vào người nàng. Màu áo trắng toát. Thịt đỏ hồng và chắc chắn máu đang chảy rần rần ở trong dù Linh đã đến cái tuổi mà sinh lý học cho biết không còn náo nức nữa. Tôi thèm muốn vô biên. Tôi không hiểu sự ràng buộc gia đình mạnh đến đâu để Linh có thể chịu sống với Phan. Nghĩ đến đứa con gái 27 tuổi làm tôi rùng mình. Dù sao tôi cũng tin chắc chắn, ở một chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn, Linh vẫn hằng yêu dấu tôi. Bằng cớ rõ rệt là trước ngày cưới như hôm nay Linh còn tìm đến tôi, dù biết không yêu nàng tha thiết lắm, dù biết tôi đang thất nghiệp và tâm trí tôi bất thường. Một ham muốn mãnh liệt bùng cháy trong óc tôi. Tôi dìm nó xuống. Buổi trưa đó tôi đã thuyết phục được Linh. Chúng tôi đón xe đò đi Dalat. Chúng tôi sẽ đến một cánh rừng cao, lạnh. Thật cao và thật lạnh. Mộc Linh ơi, hay em đã hiểu được ý định của anh và em đồng ý? Phan ơi, tao là Dự đây, tao vẫn nhớ mày là một người bạn khá thân của tao ở một chặng đường. Bây giờ tôi chỉ biết anh như một người đàn ông, như những người đàn ông nào đó trong đám đông… Có lẽ tôi sắp điên đây… Có lẽ. Có lẽ… Và mọi người sẽ không hiểu gì hết, chắc chắn.
Một tuần lễ sau khi Dự và Mộc Linh lên Dalat, Dự đã tự tử. Anh nhảy xuống một cái thác lớn.
Một câu nói đáng ghi lại của Mộc Linh với cuộc sống và cuộc điều tra mà cảnh sát nhất định không đủ trí óc và tâm hồn để hiểu: "Có một số người sinh ra trước và sau gì cũng tự tử. Sở dĩ họ còn sống là tại thuốc độc chưa ngấm vào đủ số lượng đó thôi".
Thư ngỏ gửi các thân hữu xa gần của tạp chí xuất bản Mặt Đất [1]
Cùng các bạn,
Sau bao nhiêu năm dài dằng dặc suy tính nát nước để dựng lên ngay một nền văn nghệ rực rỡ phải có ở miền Nam chỉ tạo ra được ngoài tầm những thế lực xuất bản đang hoạt động, chúng tôi không thể trông chờ một phép lạ hiển linh nào ngoài giải pháp chót rất không anh hùng chút nào: ngửa tay mượn tiền của các bạn. Nếu các bạn tin tưởng một trăm phần trăm khí lực làm việc sôi sục hằng hằng trong chúng tôi, xin các bạn nhắm mắt bấm bụng gửi bưu phiếu có thể có được của các bạn về sớm cho chúng tôi (đề tên Lê Mong, 68 Phạm Phú Quốc, Blao, nhờ chuyển lại ở ngoài bì). Chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn lại các bạn một cách tròn trĩnh và hậu hĩnh dù muốn dù không và trong thời hạn ngắn nhất có thể. Xin các bạn yên tâm không sợ mất vốn: chúng tôi cam chịu nhiều tốn phí để những tác phẩm dịch thuật cũng như sáng tác độc sáng của chúng ta có kỹ thuật ít ra phải bằng An Tiêm và nghệ thuật trình bày phải thật tiến bộ. Không thể dù dừ dụ dự đợi thời thế thêm chút nào nữa, chúng tôi đánh bạo viết mấy dòng đau đớn ít nhiều trên cho các bạn, dù các bạn không thể hưởng ứng chút nào trong thời kỳ quá khó khăn này. Hãy tưởng tượng nếu phụ lòng các bạn chút xíu nào thôi, chúng tôi còn biết làm gì khác hơn ngoài việc độn thổ?
Trân trọng và tha thiết,
Nguyễn Đức Sơn
Chủ trương tạp chí xuất bản Mặt Đất
Cùng một tác giả
Đã in
* Bọt nước (thơ, Mặt Đất, 1965)
* Hoa cô độc (thơ, Mặt Đất, 1965)
* Lời ru (thơ, Mặt Đất, 1966)
* Đêm nguyệt động (thơ, An Tiêm, 1967)
* Cát bụi mệt mỏi (truyện ngắn, An Tiêm, 1968)
* Cái chuồng khỉ (truyện ngắn, An Tiêm, 1969)
Sẽ in
Vọng (thơ), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (thơ), Xóm chuồng ngựa (truyện ngắn), Truyện ngắn (tạp văn), Độc thoại (thơ), Ngồi đợi ngoài hành lang (truyện ngắn), Đám cưới trên hư không (thơ) v.v.
Bìa 4: "Đây là truyện của một bạn trẻ thuộc thế hệ mới. Lời văn trẻ, hơi văn mạnh, cốt truyện bố trí chặt chẽ một cách tài tình, tư tưởng nhiều khi táo bạo đến nỗi làm cho người đọc bất bình […]. Một dấu hiệu của thời đại! Thảm thay! Mà cũng ghê thay!" (Hoàng Minh Tuynh viết riêng cho truyện ngắn "Cái chuồng khỉ" đăng trên Tạp chí Mai số 31 và 32 năm 1963)
[1]Đây là một lá thư rất đặc biệt của Nguyễn Đức Sơn, không phải ở nội dung, không phải ở hình thức, mà từ trong tính khí và cách sống nhiều giai thoại của nhà thơ này, đây lại là một “chìa khoá” để người đọc lật giở ra nhiều câu chuyện khác - talawas.
Nguồn: Cái chuồng khỉ của Nguyễn Đức Sơn do An Tiêm xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, tháng 7-1969, tác giả giữ bản quyền. In 3.000 quyển và 40 bản đặc biệt dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. K.D. số 2.110 BTT/NHK/PNGT cấp ngày 21-5-1969.
( Bản điện tử do Lưu Đức Tiệp thực hiện, talawas biên tập. )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét