Nguyễn Đức Sơn
Cái chuồng khỉ
(tập truyện ngắn)
1 2
Mục lục
* Ngồi chung một chuyến xe
* Thức giấc
* Xin dừng lại nơi đây
* Hai thiếu niên
* Chiếc cù lao
* Cái chuồng khỉ
Ngồi chung một chuyến xe
Chiếc xe rồ máy mãi ở Ngã ba chú Ía nhưng không nhúc nhích được một tấc nào. Khói xăng nhớt bay mù cả lên. Viên tài xế cứ nhìn qua nhìn lại, dòm trước dòm sau rồi thở dài. Chẳng có một bóng ma nào có vẻ muốn đi xe. "Chạy đi thôi ông", tôi muốn hối hả như vậy, vì tôi nóng lòng quá. Nhưng trên xe chỉ mới có vỏn vẹn hai người. Hai thanh niên: tôi và một anh chàng trạc hai mươi bốn hai mươi lăm. Chúng tôi ngồi đối diện nhau không phải để giữ cân bằng cho chiếc xe Lam vốn sơ sài và mong manh. Hai thể xác chúng tôi đem cộng lại chắc chắn không quá tám mươi ký lô. Trọng lượng này không thể làm lệch chiếc xe nổi. Tôi nóng lòng muốn xe chạy mau. Từ lâu tôi chưa giải quyết một lần sự dồn nén thân xác. Bởi tôi không đủ can đảm đến những nơi nhớp nhúa, bình dân. "Nó sẽ ăn sâu vào tận linh hồn các anh. Các anh hãy ráng dành một khoảng chi phí lớn nhất của các anh để giải quyết vấn đề tối trọng đại của đời người đó. Không thể hà tiện để đi vào những hẻm lao động, những xóm lê dương tối tăm mà ở đó tâm hồn các anh sẽ chết đi vì sẽ gặp phải bao nhiêu thực tại không thể giải quyết nổi". Tôi không thể nào quên được ý nghĩa câu nói của một vị giáo sư dạy tôi ở lớp đệ nhất, cách đây năm năm. Thế nhưng bây giờ tôi lại vác mặt đến cái xóm này. Cũng như tôi đã nhiều lần đến đây vì thất thế. Lần cuối cùng tôi đến đây đã được gần một tháng. Trong khoảng gần một tháng đó, tôi kiệt quệ, phương tiện để đến những cái xóm tương tự như vậy. Thanh niên ngồi đối diện với tôi cũng có ý không muốn nói chuyện với tôi. Mà chính tôi cũng tỏ thái độ này trước đối với hắn. Có một cái gì ngăn cách hoàn toàn những thanh niên không cùng một hoàn cảnh trí thức nào đó với nhau. Nhưng thật ra đó không phải là lý do phân biệt chúng tôi. Bởi tôi có biết hắn trước kia. Và tôi tin hắn cũng biết tôi trong dịp nào đó khi chúng tôi tình cờ cùng đến thăm một người bạn mà cả hai chúng tôi đều quen biết. Ít ra chắc chắn chúng tôi đã có dịp bắt tay nhau rồi. Thế nhưng bây giờ chúng tôi phải làm lạ nhau. Hoàn cảnh tạo ra sự xa lạ đó. Tôi học Khoa học. Hắn học Sư phạm. Tôi biết chắc chắn hắn học Sư phạm nhưng không biết hắn học ban gì và năm thứ mấy. Ít ra cũng phải năm thứ hai. Nhưng ban gì thì khó mà đoán. Hắn có thể học Sử Địa, hắn có thể sinh viên đại học Sư phạm ban Sử Địa. Cứ dòm mặt hắn thì biết. Tôi cũng chắc chắn hắn có thể học Việt Hán, cứ nhìn mặt hắn thì biết. Tôi cũng biết chắc chắn hắn có vẻ học Anh hay Pháp văn hay cũng có thể học Triết, cứ dòm cái mặt hắn thì thấy rõ ngay. Đó, hắn thuộc cái mẫu thanh niên như vậy. Như thậm tối cực đại đa số nhân loại. Họ kiếm cho mình một cái nghề bảo đảm đến vừa tầm tay một cách trước nhất. Hắn vào đại học Sư phạm để dạy dỗ là phải. Có điều chắc chắn hắn cũng không có năng khiếu giáo dục gì. Hắn học Sư phạm để bảo đảm mấy chục năm còn lại của đời hắn, mấy chục năm mà hắn hy vọng sẽ bình yên, sống đời an cư lạc nghiệp ở một trường trung học công lập tại một tỉnh lớn nhỏ nào đó, vậy thôi. Tôi muốn khóc cho cuộc đời của hắn, dù là khóc một cách thật giả dối. Đôi khi hắn có giương mắt nhìn tôi rồi làm bộ như tình cờ nhìn phía khác. Tôi cũng có thái độ như thế đối với hắn. Tôi muốn nhìn thẳng vào ý thức hắn, để tin chắc rằng mình không nhận xét thiếu sót hay sai lầm.
Xe vẫn chưa chuyển bánh. Trời âm u, dầu dầu. Sắp mưa, nhưng không mưa nổi. Tôi đuối sức muốn giục viên tài xế nhưng nghĩ tội nghiệp nên thôi. Hơn nữa tôi cũng muốn thách thức với hắn. Tôi cũng biết hắn cũng thách thức đối với tôi để xem kẻ nào chiến bại: cả hai chúng tôi đều hối hả đi và đều muốn thúc bác tài.
Bác tài nhìn lại đàng sau một lần cuối cùng, nhấn ga, rồi lại nhìn lại đàng sau một lần… cuối cùng nữa, rồi một lần… cuối cùng nữa. Bây giờ xe mới chạy. Đi được một chặng đường, bốn hành khách lại kêu xe. Một cô nữ y tá, một chuẩn úy, một trung sĩ và một người lính thượng cô đơn đứng một mình. Cô y tá được mọi người nhường chỗ cho leo lên trước. Hai chúng tôi đều ngồi yên giữa băng. Không ai thụt vô hay thụt ra. Cô y tá lưỡng lự một phút rồi đến ngồi sát bên hắn. Hắn nhìn tôi với một vẻ đắc thắng, thách đố mơ hồ. Tôi biết tôi thua hắn về phương diện này. Thế là tôi được dịp đối diện với cô. Đoạn đường buồn tẻ nên tôi giết thời giờ bằng cách quan sát cô ta. Khuôn mặt trái xoan, đẹp trung bình. Hai bàn tay hơi thô xấu. Song chắc chắn là chúng đã cứu chữa và thoa dịu không biết bao nhiêu vết thương trên thịt và trong những tâm hồn trung bình chiếm tối cực đại dân số trên trái đất này. Tên chuẩn úy và tên trung sĩ không ngớt nói chuyện với cô ta. Người lính thượng cô đơn buồn bã ngồi bên tôi. Tôi biết anh chàng thèm được nói chuyện lắm. Tôi cũng muốn nói vài câu cho vui nhưng không biết nói gì nên thôi.
Tên chuẩn úy xuống ngay Trung tâm Tiếp huyết. Tên trung sĩ và cô y tá đến Bệnh viện Cộng Hòa. Bây giờ tôi mới chú ý thấy cô y tá đi cẳng chữ bát, một điều thật bất hạnh đối với đàn bà. Viên trung sĩ có vẻ ốm, cao, hơi khòm. Tôi đoán chắc cũng là một y tá và y tá đã hành nghề kinh niên.
"Hai vợ chồng đó!" Bất thần người lính thượng nói với tôi như vậy.
"À", tôi chỉ biết trả lời như vậy kèm theo một cái cười thiện cảm.
"Tôi biết họ lâu lắm, hồi ở Kontum".
"À, ông quen với họ, ông có ở Kontum?"
"Tôi ở Kontum mà".
Một chiếc máy bay trực thăng đột nhiên hiện ra giữa bầu trời. Nắng lên khá cao chiếu sáng cả một khối nhôm sáng quắc. Rồi tiếp theo hai, ba khối nhôm khác từ xa cũng hiện về đáp xuống bãi đất dành riêng trong khu bệnh viện với những dãy nhà sơn những dấu thập trắng to trên nguyên cả hai mái, ngừa bên kia có thể tấn công lầm bằng phi cơ.
"Đánh ở đâu lớn lắm", người lính thượng nói với tôi và với thanh niên ngồi đối diện với tôi như vậy.
"Sao ông biết?" Tôi hỏi.
"Tôi mới về mà, tôi có đánh mà!"
"À…"
Xe ngừng để kiếm thêm khách. Viên tài xế lại nhìn trước, nhìn sau, nhìn qua, nhìn lại trong thiểu não.
"Thông Tây Hội đi! Ai đi Thông Tây Hội đi!"
Vẫn không có thêm một mống hành khách nào.
"Các ông đi Xóm Mới chứ?" Viên tài xế vừa nói vừa mỉm cười, mắt nhìn về những tên ma cô, đàn ông, đàn bà và cả con nít đang lăng xăng vẫy tay mời khách.
"Ở đây đông lắm không tốt. Lên Xóm Mới tốt hơn".
Tôi đồng ý với viên tài xế mà không biết trả lời ra sao.
Đi được một chặng đường, qua khỏi khu vực Bệnh viện Cộng Hòa thì người lính thượng xuống. Ông ta vào Đại đội Sửa chữa X. Trên xe lại vỏn vẹn còn lại hai mống: tôi và hắn, một sinh viên Đại học Sư phạm ban Việt, Anh, Pháp, Toán Lý Hóa hay Sử Địa gì đó mà tôi không biết rõ mà cũng chẳng cần biết rõ để làm gì.
Không khí cô đơn ghẻ lạnh và nhạt nhẽo bao trùm lấy hai người. Chúng tôi thỉnh thoảng nhìn nhau để rồi nhìn đi chỗ khác. Tôi ngồi bên trái nên mắt hướng về những thành lũy có bọc dây kẽm gai rối chằng chịt như tóc một me Tây hay me Mỹ già mà tôi gặp nhan nhản từ hơn hai mươi năm nay trong những xóm làng và đô thị đang ngất ngư, thoi thóp. Trên những bức vách cách khoảng đều nhau người ta thấy những hình sọ người vẽ bằng sơn trắng ở dưới có bắt tréo hình hai cái xương dài. Tôi chưa bao giờ biết hai cái xương bắt tréo trong cái biểu tượng chết chóc này là xương quai hàm, xương quai sanh hay xương cánh tay. Thế nhưng tôi rúng động khi thấy những hình ảnh này tại những thành lũy quân sự. Cần phải nói thêm là gần những hình vẽ sọ người đó luôn luôn có kèm theo bên phải hay bên trái một chữ MÌN. Chữ viết có vẻ cẩn thận, bình tĩnh, đều tay và rất lạnh. Tôi cũng được biết những hình vẻ này có ngày tháng khá lâu. Hình như ba bốn năm trước đây tôi cũng đã trông thấy chúng. Không biết trong khoảng thời gian tôi không có dịp đi qua đây (khi có tiền thì tôi phải đến những nơi thật sang trọng để ở đó, lạy trời, tôi còn thấy đàn bà với một vài tính chất còn sót lại cuối cùng của nó), gió, mưa, nắng, bão có xóa mờ những hình sọ người với hai que xương bắt tréo cùng chữ MÌN đó không, để người ta phải cho sơn phết lên một lớp mới nữa không. Nhưng không biết vì sao tôi tin là không và cũng không biết vì sao tôi tin người lính thợ vẽ tác giả của chúng đã chết, chết một cách bình tĩnh và rất lạnh.
Một chiếc xe nhà binh phóng mình chạy ngang qua. Chiếc xe lam hơi nép mình bên đường. Người lính tài xế chiếc cam nhông chỉ cần lái lệch một chút là chúng tôi tan nát xương thịt. Tôi nghĩ đến những khuôn mặt hết sức trẻ trung như chúng tôi mang chức sĩ quan trừ bị đang ngồi lên chiếc xe nhà binh rộng lớn đó. Không hiểu vì sao tôi đoán đó phải là một xe chở những sĩ quan trừ bị Thủ Đức và phải là các sĩ quan thuộc khóa sau cùng. Mà đúng vậy, một lúc sau, chiếc xe cam nhông khác cũng ồ ạt phóng qua, trên xe cũng chở đầy nhóc những sinh viên trừ bị Thủ Đức với loại đồng phục làm cho tôi phát tởm. Một sinh viên sĩ quan ngồi ở sau cùng trông thấy thanh niên ngồi ở trên băng đối diện với tôi kêu lớn:
"Tánh, Tánh ơi!"
Thanh niên ngồi đối diện với tôi giật nẩy mình – đúng hắn tên là Tánh – vội vã chồm ra phía trước nhìn đằng sau chiếc xe cam nhông, nhận xét rất nhanh và réo lớn:
"Lân, Lân, Lân ơi!"
Tôi không còn nghe thấy tiếng gì nữa. Tôi không còn trông thấy chi nữa ngoài những tàng bụi mù bay tạt vào xe chúng tôi. Tên sinh viên Sư phạm nói chỏng, buông lơi:
"Khóa 15".
Một chiếc xe quân cảnh ở đâu về từ từ đi ngược chiều chúng tôi.
"Đã bố ráp xong rồi đó, các anh đừng lo". Viên tài xế nói vọng với chúng tôi một cách tự nhiên như vậy. Thì ra hắn biết chắc chắn một trăm phần trăm mục đích của chúng tôi về chuyến đi từ Saigon ra ngoại ô này.
Tự nhiên và đồng thời với nhau chúng tôi đều móc bóp ra kiểm điểm lại những giấy tờ cần thiết và khẩn yếu. Tôi thấy hắn cũng có những giấy tờ rất giống tôi: một giấy căn cước, một thẻ trưng binh, một giấy hợp lệ tình trạng quân dịch, không biết giả hay thật, một thẻ sinh viên. Tự nhiên hắn nhìn đi nơi khác. Tôi cũng nhìn đi nơi khác. Một tình cảm hèn hạ ở đâu về xâm chiếm tâm hồn chúng tôi. Những thứ giấy tờ đó đủ bảo đảm về mặt pháp lý khi chúng tôi bị bắt quả tang đang giải quyết sinh lý chăng? Chắc chắn là không. Vậy chúng tôi kiểm điểm để làm gì? Một bản năng tự vệ xui khiến, thúc đẩy chúng tôi ư?
Viên tài xế thỉnh thoảng cứ nhìn về phía chúng tôi khi xe qua những nơi có những tấm bản nhỏ đề những chữ in khá sắc sảo: Khu cấm quân nhân. Một vài người lính mệt mỏi lừ đừ từ những khu đó bước ra.
Mấy tên ma cô ma cạo vẫn đứng vẫy vẫy chúng tôi. Chợt xe dừng.
Tên tài xế đã ra mặt nói:
"Tôi biết một nơi hay lắm. Người ta mới mà!" "Mới" cái khỉ mẹ gì! Chúng tôi đâu có dễ bị lừa vì những lời đối gạt hết sức trẻ con của mấy tay ma cô ma cạo đó. Té ra viên tài xế chiếc xe Lam của chúng tôi cũng là một tên ma cô hay rước mối chia tiền với những tên ma cô kia.
Tôi hỏi:
"Thế ông có biết Sáu Nhỏ ở đây không?"
"Nó vừa bị bắt hai ngày nay", tên tài xế đáp.
Tôi biết hắn chẳng biết mẹ gì Sáu Nhỏ cả. Có lẽ hắn không thuộc vào cái ổ nuôi các tay em có chứa Sáu Nhỏ ở đây. Tôi hỏi vặn:
"Ông biết Sáu Nhỏ nào?"
"Sáu Nhỏ mười bảy tuổi người Vĩnh Long có đứa em mười lăm tuổi ở nhà mụ Hạng bán xôi".
Đến đây tôi biết hắn đã biết rõ Sáu Nhỏ thật sự.
Tôi hối hả:
"Hãy tìm cho tôi đứa em đi".
"Cũng bị bắt mới vừa thả về đó. Để xem…"
Tôi thích nhất Sáu Nhỏ dù cái tên hết sức quê. Sáu Nhỏ đúng mười bảy tuổi thật sự chứ không phải mười bảy tuổi trong lời nói của những chị em ta lúc nào cũng "em mới mười bảy tuổi". Sáu Nhỏ có vẻ buồn và ngây thơ. Đã nhiều lần gặp Sáu Nhỏ, "đi" với Sáu Nhỏ, tôi thường tưởng tượng đến một đứa con gái tinh sạch mặc dù cái mùi hôi, khai của giường chiếu và không khí xung quanh. Nếu Sáu Nhỏ mặc áo đàng hoàng đi ngoài phố, không ai có thể ngờ Sáu Nhỏ đang sống bằng một nghề bi thương nhất trong xã hội ngàn năm thiếu hụt và bất toàn của loài người. Tôi có những cử chỉ âu yếm tưởng như Sáu Nhỏ là người yêu chính thức của tôi khi nó nằm buông xuống mỉm cười. Cái cười không nhuốm vẻ bi thiết, mỉa mai, thỏa mãn, chịu đựng. Cái cười lạ lùng. Cái cười làm cho tôi se thắt cả tâm hồn và thấy mình thật khốn nạn. Tôi không nhớ tôi đã nói gì với Sáu Nhỏ (hay những Sáu Nhỏ khác) trong lúc đó. Chỉ biết chắc chắn tôi có hỏi một câu này:
"Em bị với ai lần đầu tiên?"
Tôi dùng chữ "bị" chỉ một trạng thái thụ động, cưỡng bức để thế với danh từ chuyên môn dùng ở đây là chữ "đi". Và mỗi lần hỏi như vậy đầu óc tôi quay cuồng, cảm thấy một thực tại đau đớn không thể cứu chữa nỗi trong xã hội loài người. Tôi muốn la hét lên. Tôi muốn truy tầm cho ra tên thủ phạm đầu tiên. Tôi muốn giết tên đàn ông có lẽ là thương gia giàu sụ nào đó đã bỏ ra mấy chục ngàn để giết cả xác lẫn hồn một đứa con gái mười bảy tuổi đó. Thế nhưng nếu tôi là người đàn ông đầu tiên gặp Sáu Nhỏ, thú thật, tôi cũng đã là tên phạm tội trọng đại nhất trần gian đó mà thôi.
Tôi nghĩ ngợi nhiều về Sáu Nhỏ. Tôi nghĩ ngợi về đứa em, đứa em mười lăm tuổi cũng làm cái nghề bi thống như chị. Tôi ít khi dám "đi" với đứa em. Nó còn quá non. Như thịt một con gà con hay một con bê quá nhỏ. Nó cũng chưa có đủ những cử chỉ yêu đương, dù là yêu với khách. Tôi không biết trong cái lần đầu tiên, lần thứ nhì và lần thứ ba bị một con quỷ đàn ông như tôi hãm hiếp nó phản ứng ra sao. Và nếu nó chấp nhận, nó có cái cảm giác đúng như cảm giác những đứa con gái khác lần đầu tiên ngủ với đàn ông không. Mười lăm tuổi, điều kiện sinh lý đã phát triển đầy đủ chưa? Tôi chỉ thấy nó quá mỏng, quá mềm, quá non, chắc chắn sẽ khô héo, xanh xao, vàng vọt, yếu rũ như một tàu lá chuối non chặt vứt ra giữa nắng hạ. Đôi lúc tôi cảm thấy khi nằm với nó như nằm với một con sâu con tuy đôi lúc tôi vẫn thấy một khía cạnh thỏa mãn ma quỷ ngây ngất hơn khi nằm với Sáu Nhỏ.
Những chiếc trực thăng bay đảo nhiều hướng trên vòm trời cao. Những khối nhôm hiện ra sáng quắc khi gần hạ thấp xuống. Tôi nghĩ đến những thương binh đã ngu ngơ bắn phá hết sức mình trên chiến địa. Tôi nghĩ đến những thanh niên cùng lứa với tôi đã lần lượt vào Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức trong những khóa gần đây.
Hơn nửa giờ sau tôi lại gặp Tánh – người thanh niên độc nhất đã ngồi cùng chuyến xe lam đi với tôi hồi nãy – đang hối hả đi đến xe buýt của Công quản đang đậu ở bến Thông Tây Hội. Chắn hắn cũng đổ xuống đây từ một chiếc xe lam nào đó ở khoảng Xóm Mới về như tôi. Xe đã đông hành khách mặc dù chưa đến giờ chạy. Hắn bước lên ngồi ở chiếc ghế đệm cuối cùng còn bỏ trống. Tôi ném một cái nhìn rất nhanh nhưng kỹ càng từ đầu xe đến cuối xe. Không thấy còn chỗ nào trống nữa, đã mệt mỏi sẵn tôi đành ngồi xuống sát bên hắn. Chiếc xe buýt của Nha Công quản Chuyên chở ít khi được rộng và thoải mái như hôm nay. Tôi thử xét đến nghề nghiệp của những người ngồi trên xe. Ba nữ y tá. Một lính thủy. Độ năm bảy tên lính nhảy dù. Tất cả mồ hôi nhễ nhại hình như mới dự trận về. Còn tất cả đều là kẻ buôn thúng bán bưng, nét mặt đăm chiêu lo nghĩ.
Tôi nhìn hắn. Hắn nhìn tôi. Không ai nói gì với ai. Tôi châm thuốc hút để tránh suy nghĩ. Tôi mời hắn. Hắn cũng móc thuốc ra hút, chậm rãi và từ tốn hơn tôi. Tôi chú ý thấy đó là thuốc Cotab. Tôi thì Ruby. Hắn loay hoay mãi nhưng không tìm thấy diêm. Có lẽ hắn đánh rơi trên chiếc giường hôi hám hay chỗ rửa ráy tạm bợ nào rồi.
Hắn làm vẻ tự nhiên xin mồi thuốc của tôi. Tôi giữ lịch sự tối thiểu và vui vẻ.
Khi xe trở lại con đường dẫn về thủ đô Saigon, tôi thấy mắt hắn lơ đãng nhìn về phía vách tường dài có những hình sọ người với hai xương bắt tréo cùng chữ MÌN một bên. Hắn nhép mép, thở một hơi thuốc dài rồi nhìn sang hướng khác. Chắc hắn cũng thấy những hình ảnh đó nhiều lần rồi. Và không ai bảo ai chúng tôi đều mồi thêm thuốc khi xe ngừng trước một nghĩa địa Trung Hoa cũ kỹ khá rộng. Xe mắc kẹt vì một đám tang đang diễn hành vào đó. Tôi nhìn đến những dãy mộ vuông, cao, thẳng tắp. Hình như đó chỉ là những mộ chôn hài cốt thôi. Nghĩa địa thì có bao giờ vui. Chúng tôi và những người trên xe đều hướng mắt về phía đó. Một chiếc trực thăng quay cánh tè tè hiện ra trên bầu trời nắng chói và tiến về phía bệnh viện. Tôi hút dồn dập và thở ra từng cơn gấp. Hắn cũng hút giống tôi. Và lần đầu tiên, khi thấy tôi vò bao thuốc Ruby quăng ra cửa xe, hắn ân cần rút cao một điếu Cotab trong bao ra đưa cho tôi.
"Mời anh".
Rồi chúng tôi cứ ngồi yên như thế cho đến khi xe chạy về thành phố, nơi tôi vạn bất đắc dĩ phải trốn tuổi thanh niên từ bao năm nay bằng cách quyết định mua giấy tờ hoãn dịch giả mạo để an táng cái khoảng thời gian chứa chan sinh lực đó trong một nghĩa địa không có mộ phần.
Thức giấc
Bác sĩ còn nghe thấy tiếng sóng gầm ngoài khơi xa. Âm vọng đều đều, buồn nản. Với cái áo ấm choàng sơ trên vai, ông theo lối đi rải san hô ra đến bờ nước. Giờ này ắt hẳn mọi người đều an giấc, kể cả người vợ và mấy đứa con thân yêu còn ít tuổi của bác sĩ. Cô nữ y tá có phiên trực đêm nay có lẽ lười biếng nằm đọc tiểu thuyết hay thơ tình không hay biết gì về việc riêng của bác sĩ. Đôi giày của bác sĩ chạm trên đá cuội và san hô nghe lạo xạo, tiếng động gãy và thanh. Bất giác bác sĩ như nghe lại một điệu trong một tấu khúc diễn tả bước chân vang trên sỏi của một đôi tình nhân trong đêm khuya. Ông tưởng tượng đến mái tóc người con gái đang ngã vào vai anh con trai dìu nhau đi, dìu nhau đi. Chỉ có những đêm như đêm nay bác sĩ mới cảm thấu được cái ma lực của âm nhạc. Ông cũng nhận biết con gái mình say mê nhạc bởi nó đã bắt được cái giây phút thiêng liêng vi diệu kia. "Thật đáng quý hóa!", bác sĩ nói một mình. Người chồng của Mai – con gái bác sĩ cũng say mê nhạc như Mai. Anh ta chỉ trạc bằng tuổi Đức – con trai lớn của bác sĩ – nhưng cao lớn hơn nhiều. Anh chỉ biết có âm nhạc và bất kể mọi thứ trên đời. Vậy mà từ lâu bác sĩ đã khinh thường anh ta. Khinh thường đến ra mặt. Cho nên không đời nào Ngạc – tên anh chàng – muốn về cái miền thành phố này, mặc dù ở đây anh có nhiều chỗ quen thuộc và nhất là nhiều kỷ niệm, mà kỷ niệm sâu xa nhất là những ngày đầu tiên đến với Mai và nói chuyện âm nhạc với Đức. Bác sĩ đã viết cho Mai đại ý không nhìn nhận con gái nữa. Mai vẫn liều sống chung với Ngạc, không phải vì nàng đã hiến thân cho Ngạc mà bởi Mai không thể sống xa Ngạc, thế thôi. Mai bán lần hồi tất cả nhẫn, xuyến, đồng hồ để hai người có phương tiện sống chung với nhau. Mai thuộc loại con gái bất cần đời và khinh thường tất cả. Mai không cần biết mình đã hành động theo tình cảm hay lý trí. Nàng chỉ hành động theo lý tưởng. Chỉ hơi phiền Ngạc. Anh chàng có thái độ lạ lùng với xã hội trước đời sống: anh không thèm thi cử gì hết và bất cần làm việc gì hết. Bước chân vào đại học chỉ có mấy ngày, anh tự ý rút lui, không tỏ vẻ khinh khi hay hờn giận chi hết. Việc đó xảy ra cách đây đã hơn ba năm. Cuối cùng, túng thế, Ngạc vào làm tạm ở Usom. Hai người tặn tiện ăn tiêu và sau ba năm họ đã tậu được một cây piano. Họ thuê một căn nhà khá sang ở một building. Tất cả thì giờ rỗi họ đều dành cho việc nghiên cứu âm nhạc và chơi đàn. Để vấn đề tài chính khỏi đe dọa, Mai còn bỏ một ít thì giờ dịch bất cứ thứ gì mà các báo – nhất là các báo phụ nữ – cần đăng. Từ cuộc đời bán mạng của một Brigitte Bardot đến cuộc đời xả thân của một Albert Schweitzer, từ nghệ thuật làm dáng của đàn bà cho đến cách nấu ăn Đông Tây kim cổ – những tài liệu đầy dẫy trong các báo Anh, Pháp – Mai không từ bỏ thứ nào. Dĩ nhiên là Mai đã ký tên người dịch hay sưu tầm hàng chục thứ tên. Nhiều khi Mai mỉm cười một mình với cuộc sống ngoại hạng đó. Nhiều lúc đầu tháng có nhiều tiền họ dẫn nhau đến những hiệu cơm sang trọng. Nhưng cũng có lúc cạn túi, họ phải ăn toàn bánh mì với chuối hay cả đến bánh mì khô. Cuộc sống đó cả hai người đều không muốn ai biết đến. Họ ngại nhất là những con mắt tò mò tọc mạch của người quen biết – trừ bạn bè – có thể làm thương tổn đến hạnh phúc kia. Song Mai vẫn còn nuôi một ước vọng. Nhiều lúc Mai gửi thư về mẹ để gián tiếp khuất phục người cha để đạt ước vọng đó. Đó là một ngôi nhà, nhỏ thôi, nhưng bằng đá cất theo kiểu nàng thích. Nhà hầu như chỉ có một căn phòng nhưng khá cao khỏi mặt nước, trên một ghềnh đá dòm ra biển. Mai gián tiếp hứa với cha là sẽ không làm phiền cha bất cứ điều gì nữa. Lâu lâu Mai sẽ về đó một mình hay cùng chồng hay một người bạn gái hay trai – trong bất cứ khoảng thời gian nào. Sáng, chiều, đêm hoặc giữa khuya. Nàng sẽ đi vòng theo lối mòn sau lưng bệnh viện mà vào đó. Nàng sẽ không đi qua phòng làm việc của mẹ nàng hay của các em. Nghĩa là Mai không muốn quấy rầy ai hết. Nàng tưởng tượng trong đêm khuya, lúc biển lặng hoàn toàn hay sóng gầm xô cao lên, nàng sẽ một mình hay cùng một người bạn đi ra đó ngồi bên đàn lắng nghe niềm bí mật ngàn đời của vũ trụ. Tưởng tượng thôi Mai cũng thấy lạnh người vì cảm khoái. Nàng hết sức bày tỏ với mẹ. Mẹ thì thương con nhưng làm sao hiểu nổi. Còn người cha – vị bác sĩ kia – thì tức tối khi đọc xong những cái thư kia. "Hỏng, hỏng! Lãng mạn! Hay là nó điên, nó điên thực mà!".
Đêm nay một mình giữa trời biển bao la, bác sĩ nhớ hết lại những lời mắng mỏ kia. Bác sĩ tự hỏi: "Ta điên hay con Mai ta điên?". Để rồi tự trả lời: "Chẳng lẽ cả hai cùng điên". Bác sĩ phân vân lắm. Ông đi từng bước ngắn, cúi đầu suy nghĩ. Bác sĩ như luyến tiếc, như ân hận một thời nào xa xăm. Bác sĩ lẩm bẩm: "Phải chi còn trẻ, khi còn trẻ… đã muộn rồi chăng?". Ông nhìn ra đại dương đen thẳm. Sóng vẫn vỗ đều đều buồn nản. Từ đáy biển vang lên những âm vọng xa xôi. Nhìn lại khoảng đường đã đi qua, ông bùi ngùi muốn khóc. Ông nhìn lên trời cao. Những vì sao nhấp nháy lưa thưa tự bao giờ. Một vài cái thỉnh thoảng đổi ngôi bay xẹt qua bằng một nửa vòng cung rộng thật huyền ảo. Bao nhiêu thế đại đã đi qua và hằng hằng thế đại cũng sẽ đi qua, tất cả đều tắt biến nhanh như những vì sao kia. Bác sĩ cảm thấy cái bé bỏng, cái mong manh và tự nhiên bác sĩ cảm thấy một nguồn ân hận mênh mông trùm xuống tâm hồn. Ông đã bỏ qua tuổi trẻ một cách oan uổng.
Khi mà những người bạn cùng lớp đã sống hết cho tuổi trẻ của mình thì bác sĩ lại giam nó trong căn phòng kín vây quanh bởi những chồng sách dày cộm. Hồi đó, những lần ở trường về hoặc những lần đang nằm trong căn phòng dĩ vãng kia bắt gặp tấm thiệp mời của bạn bè nhân một ngày vui có mở bal, chàng sinh viên trường thuộc kia thản nhiên cầm lấy, thảng hoặc mới liếc nhanh qua một cái rồi nghiêm nghị xé bỏ đi. Bạn bè lần hồi chán bỏ đi mất hết. Tuổi trẻ bác sĩ khô như đá vì ông chỉ nhìn con đường trước mặt. Nhưng con đường đó sẽ dẫn bác sĩ đến đâu? Người khách bộ hành kia chừng đã mỏi mệt rồi. Nhìn ngút về quá khứ, bác sĩ chỉ thấy bóng mình mù lấp. "Ôi thanh xuân! Ôi thanh xuân!", bác sĩ nói một mình và nằm dài trên cát. Ông bỗng nhiên nghĩ đến đứa con trai lớn: Đức. Người cha già đó đã có ý nghĩ lạ lùng. Ông ân hận. Ông nhận thấy tội lỗi đã bắt buộc đứa con trai và cả đứa con gái đi đúng con đường mà nhiều lúc nản lòng ông tin nó không dẫn đến đâu cả trước đau khổ xác thân thật ra chưa giảm thiểu được chút nào qua bao nhiêu thế kỷ trước nỗ lực phi thường của y khoa. Người ta đã từng gần như tiêu diệt được một vài căn bệnh này thì một vài căn bệnh khác lại xuất hiện trầm trọng hơn. Hình như có một cái luật bù trừ rất bất nhân muôn đời trong trời đất. Cũng có lẽ một phần vì mơ màng cảm thấy điều này mà một Lỗ Tấn và một Somerset Maugham đã bỏ nghề mổ xẻ đi làm kỹ sư tâm hồn chăng? Nhiều lúc vì tự ái – và chính cũng vì tự lừa mình – ông không muốn nhận lấy điều đó. Một khi đã lựa chọn một con đường đã đi rồi thì tốt hơn hết là không nên lưỡng lự: cứ cắm đầu đi dù đã mơ hồ cảm thấy ở ngút đầu đường kia chỉ có toàn ảo ảnh. Vả lại, trên con đường đang đi, cứ cố gắng đi cho hết sức, luôn luôn lục lạo tìm kiếm hết mình thì ít ra cũng hưởng được những nỗi vui nhỏ dọc đường. Có điều bây giờ bác sĩ cảm thấy cần giải phóng mình tức khắc, giải phóng cho mình và cho cả đứa con thân yêu: Đức. Mỗi người sinh ra không ai giống ai. Ngay đến cha mẹ và con cái cũng vậy. Có thể giống nhau về hình xác, đức hạnh, nhưng còn một phần cao hơn là tâm hồn và khí chất thì không. Bắt buộc người khác đi theo con đường riêng của mình thì thật là ích kỷ. Bao năm qua bác sĩ đã cố ý bóp nắn đứa con trai và cả đứa con gái cho đúng mẫu người ông đã nghĩ, nghĩa là phải tiếp tục con đường của ông, sẽ hình thành một lý tưởng ông đã thấy hiện lên trong trí tưởng. Bây giờ nhất định ông phải giải phóng nó. Còn cái bệnh viện do ông làm giám đốc và sở hữu chủ, trước khi chết ông sẽ bán đứt lại cho bất cứ một bác sĩ nào khác. Tiền đó một phần ông sẽ phân phát cho một cơ quan từ thiện nào đó, một phần sẽ dành cho các con còn nhỏ tuổi và một phần sẽ dành cho Mai và Đức.
Còn công việc bác sĩ đã tìm kiếm từ khi mới ra trường – dạo mới hai mươi sáu tuổi – cho đến bây giờ, ông sẽ ghi lại rõ ràng những công thức cho bất cứ kẻ nào đến sau có thể khám phá và tìm kiếm kỹ càng hơn để đi đến thành công.
Bác sĩ đã đặc biệt chú ý, lưu tâm đến bệnh cùi.
Mấy mươi năm không đi đến đâu, bây giờ bác sĩ nản chí lắm. Bao nhiêu cuốn sổ tay ghi những phương thức, những tên các thứ dược liệu hiếm hoi, bao nhiêu chai lọ, nhiều lúc nổi khùng bác sĩ muốn vứt ra biển hết. Bác sĩ cảm thấy nguồn sinh lực trong người đã bắt đầu giảm hẳn cường độ và cạn đi. Những nếp da tay đã nhăn rúm. Còn những móng thì cứng và dầy lên. Có những lúc ngồi trong phòng thí nghiệm một mình, cởi phăng áo quần đi, bác sĩ đến trước một tấm gương lớn quan sát. Cử chỉ dị tặc đó gợi ông nhớ lại hồi niên thiếu, lúc nhà vắng, anh con trai đó cũng đã làm như vậy. Nhắm mắt một cái, mấy chục năm đã kéo nhau đi qua. Bác sĩ đã hiểu gì về ông, về con người? Bác sĩ nghĩ nếu bây giờ ông thình lình chết đi vì một nguyên nhân nào đó, chắc khoảng thời gian sống trên mặt đất này của bác sĩ thật phí phạm. Trong những đêm ân ái cùng vợ bác sĩ vẫn thấy một sự ngăn cách bao trùm. Ông luôn luôn cô đơn. Điều đó do ảnh hưởng một phần bởi cái nếp quen của chức nghiệp. Phần này người vợ chắc cũng cảm được. Nhưng còn một phần nữa tham dự vào cái xa lạ kia thì chính bác sĩ cũng không thể nào hiểu nổi. Và nếu bây giờ bác sĩ chết đi, người vợ cũng không đời nào hiểu gì ở ông. Cả Mai và Đức cũng thế. Mỗi người chết đi mang hết theo cả sự xa lạ, niềm đơn độc riêng tư của mình. Và những người còn sống, những người thân yêu kia thì không cần ai tìm biết làm gì. Họ đã nói chuyện với nhau về những lần chung sống, về những kỷ niệm vui buồn, về những mộng ước xa xôi, nhưng họ làm gì bắt gặp được nguyên vẹn bản thể của nhau.
Bác sĩ đứng lên, đi đi lại lại trên bờ cát. Những vảy cá trôi dạtt vào bờ sáng nhấp nháy vì dát đầy lân tinh. Bác sĩ lẩm bẩm: "Ta điên mất rồi chăng?". Rồi bác sĩ giơ hai bàn tay lên trong đêm đen. "Ôi hai bàn tay này, hai bàn tay đã từng mổ xẻ, khám nghiệm không biết bao nhiêu cơ thể, đã giết chết không biết bao nhiêu vi trùng công phá những cơ quan hiểm hóc trong bao nhiêu con bệnh, bàn tay đã múc ra không biết bao nhiêu viên đạn mắc trong xương thịt của những người thương binh, bàn tay đã rút ra và nâng lên không biết bao nhiêu đứa trẻ ngo ngoe khóc chào một thế giới mới lạ mà không ai biết chúng đã từ đâu đến… Bàn tay này... Bàn tay này… mọi người đều nghĩ nó hữu dụng lắm… nhưng riêng ta… giờ phút này… ôi ta không hiểu gì ta cả".
Bác sĩ nhìn ngắm từng ngón. Bác sĩ vẫn quen thuộc với bàn tay của mình lắm. Vẫn những ngón hơi mập, nhưng móng hơi dài, tầm thường. Bác sĩ ngắm mãi để thấy chúng lạ lùng. Như khi đọc mãi liên tiếp một danh từ nào đó để thấy nó lại mất nghĩa, trở thành lạc lõng, bơ vơ. Té ra suốt đời tận tụy làm việc, trừ những giây phút sảng khoái mà con người đã mệnh danh là tình nhân loại, một thứ đạo đức rộng mở có sức thu hút rất mạnh, vô hình và từ đàng xa, từ trên cao. Bác sĩ vẫn không hiểu gì hết. Nhiều lần bác sĩ nhắm nghiền mắt lại. Bác sĩ vẫn sợ những giây phút đố lắm. Bác sĩ bỗng có một cử chỉ vô thức: bức một sợi tóc trắng cầm chơi.
Bây giờ gió ngoài khơi thổi vào từng luồng mạnh. Đêm nay sắp có bão chăng? Thời tiết mấy hôm rồi vẫn thay đổi thất thường. Bác sĩ bỗng cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ đến vùng quê hương biển mặn nơi đây, nơi mà cả một dòng họ đã sống và đã phụng sự một nghề nhân đạo: nghề thuốc. Bác sĩ bỗng băn khoăn: hình như trong hơi gió có tiếng nói thì thầm… thì thầm… nhỏ to… như trong một tấu khúc diễn tả niềm yên lặng đời đời của biển cả. Bác sĩ tự nhiên nhớ đến Mai và Đức và cái say mê lạ lùng của hai đứa con. Ông trở vào bệnh viện với ý nghĩ giải phóng lâng lâng trong đầu khi nghe cô ý tá trực đêm nay ấm ứ trong miệng một đoạn nhạc nổi tiếng mà ông biết là của Ngạc, thằng con rể ông chưa một lần thấy mặt. Như hơi lạnh thiên thu ở vùng biển già cỗi từ muôn đời này.
Xin dừng lại nơi đây
"Có nên lấy cái vé cao nhất không? Sao lại không? Nhưng ô kìa xao mình keo bẩn thế?" Trương chần chừ, do dự, chỉ mong muốn một sự tình cờ nào đến giải quyết. Trương thấy khó chịu với chính mình khi biết mình không dứt khoát nổi những việc cỏn con trong đời sống. Nhưng đây có phải là một việc cỏn con không? Trương liếc nhanh về phía đứa con gái bây giờ đang dồn với chàng vào khoảng giữa lòng chuyến xe buýt Gia Định – Chợ Lớn. "Sao mình keo bẩn thế? Có thể nào mình bần tiện đến mức đó không?". Trương nghĩ như vậy nhưng không trả lời. Thì cho cao tay lắm giá cái vé lớn nhất cũng chỉ có năm hay sáu đồng thôi. Mà cái vé Trương vẫn lấy thường nhật mỗi trưa dạy học ở Bình Dương về Bà Chiểu để đi đoạn đường chuyến buýt đặc biệt này giá đã hai đồng (có mang mấy chữ Bà Chiểu – Chợ Trương Minh Giảng) rồi. Trương không thể keo bẩn một cách kỳ cục như vậy.
"Đi đâu?" Người bán vé đã đến chỗ chàng đứng.
Chàng tính nói: "Vé tối đa" như bao nhiêu lần phiêu lưu khác khi bắt gặp một dáng dấp hay hay nào đó trên cùng chuyến bút. Nhưng rồi chàng lại do dự.
"Đi đâu?" Người bán vé giục giã.
"Thì cứ mua mẹ nó cái vé tối đa đi rồi mình muốn xuống đâu thì xuống, sao lại tiếc mấy đồng bạc". Trong phút chốc chàng đã tự trách như vậy. Nhưng cơn đau đầu gần như kinh niên lại tấn công Trương. Chung quanh đầu Trương như có một khối vật nào thoạt đè nặng, thoạt giở lên. Cơn nóng lạnh, hâm hấp mồ hôi đã phát ra lúc 9 giờ 30 sáng khi chàng vừa phụ trách xong hai giờ Anh văn lớp đệ tứ để tiếp đến lớp đệ nhị. Khoảng gần ba mươi cây số trên chiếc xe đò có chỗ dựa khá êm cùng với gió mát làm Trương quên hẳn cơn nhức đầu. Bây giờ nó lại tái phát. Hay đúng hơn nó tái phát từ lúc chàng đứng đợi buýt ở trạm xe Bà Chiểu, leo lên một chiếc xe cũ rích máy nổ rầm rầm đứng yên một chỗ. Và chính nó có khi cũng bay đi một cách lạ lùng khi Trương chú ý đến đứa con gái. "Có thể nào làm đẹp một đứa con gái không?". Trương vẫn thường nghĩ vậy khi trông thấy những đứa con gái có một sắc đẹp, một dáng dấp hay hay nào đó nhưng chàng biết chắc chắn sẽ thất vọng nếu hoàn cảnh may mắn cho chàng đi thêm một đoạn đường ngắn nữa thôi. Chàng không tin ở ý chí, tài năng, ở tâm hồn chàng. Chàng không tin ở khả năng của chúng để biến tạo một đứa con gái nếu đứa con gái đó đã không có mầm mống thích nghi. Rồi tất cả – trừ những hình bóng hư ảo xa xôi – sẽ trở về cái tầm thường, lì, lợm, ngu, ngốc, u mê của đời sống một người đàn bà. Tưởng tượng đến những đứa bạn gái cùng lớp cùng trường hồi trung học, mấy năm ở Văn Khoa hay những đứa con gái lạ lùng khác rải rác trong bao nhiêu cảnh sắc ngược nhau, chống nhau của cuộc đời, tưởng tượng đến những dáng dấp chàng đã từng mê đắm, chàng đã thất vọng khi tình cờ gặp lại họ. Thôi nhé em, một hột cát nhỏ trong bãi biển hồn anh. Thôi nhé em, anh chỉ lấy đúng cái vé hai đồng như thường nhật mỗi ngày anh có đi dạy học ở Bình Dương về Bà Chiểu để đón buýt về hiệu cơm Trung Hoa trước trạm Chợ Trương Minh Giảng, ăn tạm một cái gì đó trước khi lại đón một chuyến khác từ Saigon chạy về đưa anh lên một khoảng đường xa hơn một chút nữa, nơi có gian phòng cô quạnh của anh. Thôi nhé. Nhưng Trương không thể không liếc mắt nhìn xem đứa con gái đã mua vé nào. Ông bán vé đã xé rất nhanh và dúi vào tay đứa con gái mà không thối lại gì hết khiến chàng không đoán được đứa con gái đưa cho ông ta mấy đồng bạc chì.
Nắng gắt rất tỏa ra khắp nơi và hắt vào xe. Thôi nhé em, anh rất mệt rồi. Đến trạm chợ Trương Minh Giảng là trạm cuối cùng anh có thể đi chung với em, nhìn em. Và sau đó nếu em không xuống, anh bỏ cuộc. Anh phải bỏ cuộc càng sớm càng tốt vì trước sau gì anh cũng biết anh bỏ cuộc như mai kia anh sẽ bỏ cuộc đời này vậy. Nhưng còn cái tên thanh niên kia. Vâng, còn một thanh niên tự nhiên đứng vào cái thế địch thủ của Trương. Bây giờ Trương mới chú ý nhiều đến hắn. Hồi ở trạm Bà Chiểu, hắn cũng ngồi cùng chuyến xe với đứa con gái nếu Trương nhớ không lầm. Và có lẽ họ là hai trong số hành khách đến sớm nhất nên mới có cái may mắn ngồi cùng dãy ghế trên, gần cửa xe. Rồi được một chốc, một chốc thôi, khi Trương cũng bước lên chuyến ấy thì có một nhân viên công quản trong trạm cho biết chiếc xe bị hư, không thể chạy được. Chính lúc ấy Trương mới nghe đứa con gái cười và nói một chút với thiếu phụ bên cạnh: "Lại phải dời xe nữa". Như vậy là thiếu nữ đã đợi xe khá lâu trước chàng nhưng hai chiếc đều hư và chiếc trước đã bị kéo đi đâu đó. Giọng miền Nam làm Trương thất vọng phần nào. Rồi đứa con gái xuống xe. Dáng hơi thấp hơn Trương một chút và rất vừa tầm. Toàn thể thân hình tỏa ra một mùi băng tuyết kỳ ảo với dáng dấp đang quyến rũ nhất thời của một thiếu nữ. Tên thanh niên thì không thể địch nỗi Trương tuy hắn cũng có vẻ nhanh nhẹn và lịch sự. Hắn cầm một đĩa nhạc nhỏ 33 tours, có lẽ thuộc nhạc kích động Mỹ. Trương đoán điều ấy qua cách trình bày bản nhạc dù không bao giờ chàng nhìn rõ mấy chữ Mỹ khá to trên đó. Tên thanh niên đó bám sát vào đứa con gái mà chắc chắn hắn cũng nhận ra một dáng dấp đặc biệt vô cùng.
Lúc có chuyến buýt đến thay, cả ba đều cố giữ thế. Cả ba đều để cho tất cả hành khách lên xe rồi mới từ tốn lên sau. Nhưng Trương còn làm cao hơn. Chàng bước lên cửa sau trong khi hắn đi theo đứa con gái bước lên cửa trước. Tuy nhiên lúc lên xe rồi thì Trương và đứa con gái như cùng hẹn nhau lọt vào giữa lòng xe. Mãi lúc sau tên thanh niên mới từ từ làm như vô tình tiến lại gần, với một tay cầm đĩa nhạc đụng đến nóc mui xe. Trương thấy mình hách hơn, với chiếc cravate bằng nylon đen nhỏ thắt trên chiếc áo nylfrance rất trắng. Trương nghĩ đến khuôn mặt cô hồn và trời đánh của mình thật ra có ẩn chứa một cái gì rất cha chú. Trương biết mình có thế hơn nhưng chàng cũng không thể khinh địch.
"Hắn có thể… với ý định như mình không?". Trương tự hỏi khi xe băng qua đường Cách Mạng, nghĩa là đi được gần một nửa đường Trương Tấn Bửu. Lúc này, qua một vài trạm nhỏ, hành khách xuống khá nhiều mà số hành khách mới lên không có bao nhiêu. Xe bắt đầu thưa thớt. Không thể đứng gần nhau sợ dị, cả ba đều không hẹn mà cùng một lúc từ từ nới rộng ra nhưng vẫn canh chừng nhau. Lúc này Trương mới tức tối. Sao lúc đầu không mua cái vé cao nhất. Bây giờ chẳng lẽ mua thêm vé. Như thế thì chắc chắn tên thanh niên kia đoán biết ý định của Trương. Không. Thôi nhé em. Anh chỉ có thể đuổi theo em đến trạm chợ Trương Minh Giảng là trạm cuối cùng. Nếu em xuống trên khoảng đường đó, rất có thể anh xuống theo em, đi ngang qua nhà em, dù phải đi qua bao nhiêu con hẻm nhầy nhụa đầy xú khí dưới trời nắng lửa. Còn nếu em đi xa hơn, anh bỏ cuộc. Anh không đủ sức theo em khi mà phía trước chỉ toàn ảo giác.
Xe bắt đầu thưa. Một trong băng ghế bắt đầu trống. Cả ba không ai ngồi xuống, cả tên thanh niên, đứa con gái và Trương. Chỗ trống ở gần Trương nhất. Và người còn lại – một ni cô – có vẻ muốn ngồi khép lại dành chỗ cho Trương. Cử chỉ vừa làm cho Trương vừa vui vừa buồn. Chàng nhìn ni cô. Khoảng gần hai mươi lăm. Đẹp nghiêm nghị nhưng chắc chắn còn tha thiết một cái gì khác trên đời này ngoài đời sống là lý tưởng tu đạo. Một chút gì đó có thể trong nắng, trên mây, trên dáng dấp rất yêu đời của những đứa con gái nhỏ, trên mái tóc hớt gần trọc của một thanh niên xông xáo, lăn lộn và vật vã như Trương. Một chút gì đó, một chút thôi, nhưng chắc không bao giờ tắt được. Trương muốn ngồi xuống ngay bên cạnh ni cô, ngồi bên cạnh một chút gì đó. Nhưng không hiểu sao thấy bất ổn. Rồi Trương thấy mình lại có lỗi khi không chịu ngồi xuống. Sau cùng chàng nghĩ kỹ nếu ngồi xuống sẽ gặp khó khăn nếu chàng muốn đuổi theo đứa con gái xuống một trạm nào đó thình lình.
"Ngồi vô đi, ngồi vô đi, còn một lô trống kìa!"
Người bán vé đi trở qua chỗ ba người đứng để ra phía sau thu tiền mấy cái vé mới. Ông ta nói như vậy khi đi ngang qua ba người, nói một cách vu vơ, không chỉ định một người nào rõ ràng cả.
"Trạm cuối Trương Tấn Bửu đây. Ai xuống xuống đi!"
Ông kiểm soát vé nói thay lời nhân viên bán vé.
Trương bắt đầu hồi hộp nhẹ nhàng. Thình lình tên thanh niên đưa mắt nhìn thẳng vào người đứa con gái, nhìn khắp nơi, đậu lại rất lâu ở thân người, nơi kết tụ cái dáng dấp uyển chuyển, băng tuyết kỳ ảo. Rồi hắn xoay đi thật nhanh nhảy xuống cửa trước khi xe đã chuyển bánh được vài thước.
"Hắn đã đầu hàng. Không ngờ hắn bỏ cuộc sớm thế". Trương nói một mình, không còn thích thú. "Nhưng biết đâu hắn khôn ngoan". Trương lại trầm tư.
Đây là trạm chót trước khi đến trạm Trương Minh Giảng. Nghĩ vậy tức khắc Trương đau khổ. Sau hồi nãy không lấy mẹ nó cái vé tối đa? Có thể nào đứa con gái sắp xuống? Và nếu vậy thì có lẽ định mệnh đã sắp đặt rồi.
Xe bắt đầu quẹo khúc quanh qua Trương Minh Giảng. Vậy là hết. Trạm kia rồi. Chợ kia rồi. Hết. Hết. Nhưng tại sao chịu hết?
Giây phút nhìn chừng đứa con gái, Trương thấy hy vọng của chàng đã chấm dứt vì đứa con gái không chịu nhúc nhích hay có cử chỉ muốn xê dịch nhỏ nào trên xe chứng tỏ mình sắp xuống.
Hết rồi phải không em? Chặn đường này là hết rồi phải không em? Cám ơn rất nhiều đã có ý đứng lại rất gần anh. Cám ơn rất nhiều đã thỉnh thoảng nhìn anh bằng đôi mắt anh không đời nào quên được.
Trương vội vã nhìn thật kỹ đứa con gái một sách sỗ sàng cho thật đã nư. Chàng hoảng hốt trước dáng dấp quyến rũ chưa từng thấy. Có một chút gì hơi quê mùa. Chiếc áo lót cũng vậy. May cái đăng-ten hơi thô. Qua làn áo lụa mỏng chàng đã thấy hết. Không có mùi dầu thơm nào mà chỉ có mùi mồ hôi kỳ ảo. Có một cái gì dơ dơ trong toàn thể thân hình như bắp chuối, như con rắn. Có một nét gì tầm thường trong cách ăn mặc. Nhưng đó chính là tuyệt đỉnh cái đẹp của đứa con gái này. Và có lẽ bất cứ cái đẹp tuyệt đỉnh nào cũng có lẩn khuất đâu đó một cái gì thiếu hụt, bất toàn không thể luận giải nổi. Như những bức họa và bài thơ siêu đẳng. Và cũng như trái đất này nữa chăng?
Một luồng gió thổi vào. Đứa con gái vội khoác hờ tà áo che sát chiếc mông no tròn mà chắc chắn thần thánh cũng sẽ chết giấc nếu chịu nhe răng cắn vào đó một chút thôi (rồi nhả ra ngay). Đường viền chiếc quần cánh cộm lên. Trương đoán chiếc quần cánh đó may bằng tay, hơi rộng một chút, bằng một thứ vải gì phải dày hơn khá nhiều thứ vải mỏng thường được may quần áo lót cho đàn bà con gái nên mới thấy có một sắc độ như vậy. Bây giờ mấy cuốn sách và vở cũng được thay tay cầm. Trương để ý thấy cái gáy của quyển sách Anh văn. Trong nghề, chàng đoán ngay đó phải là cuốn Let’s learn English cuốn một. Và nếu không có trường hợp bất thường đứa con gái chỉ học khoảng đệ thất, đệ lục thôi. Có lẽ sợ biết mình học hơi thấp và muộn, đứa con gái dấu quyển Anh văn kia vào trong. "Nếu hắn đang học đệ nhất hay đang là sinh viên chắc chắn yếu tố này sẽ giết mất cái đẹp kỳ ảo trong toàn thể thân hình hắn trưa nay". Trương nghĩ vậy và chàng chỉ muốn xuống ngay với đứa con gái, đi bất cứ nơi nào trưa nay trong y nguyên áo quần và dáng dấp và mùi hôi và đăng-ten hơi nhà quê dù chàng mệt nhừ vì đường xa. Đừng thay đổi gì hết, dù chiếc áo trắng mà chàng thường ao ước để thế cho chiếc áo dài lụa hơi cũ kia. Không thay đổi, không thể thay đổi một chút nào cả. Chàng ao ước được nắm tay đứa con gái kia đi suốt đời này. Không nghĩ ngợi gì hơn, không thay đổi gì hơn.
"Có nên mua thêm vé không?"
Trương suýt bật thành tiếng nói. Bỗng chàng chú ý đến mấy ngón tay của đứa con gái vuốt hờ mái tóc. Mấy ngón tay có vẻ hơi thô chứ không thon như chàng tưởng. Nhưng biết đâu đó là một trong những yếu tố làm cho tăng thêm cái dáng đẹp tuyệt vời của đứa con gái. Chàng muốn giữ cả những ngón tay đó.
Trương nói thật nhỏ với nhân viên bán vé:
"Ông cho thêm một cái vé".
"Đi đến đâu? Sao hồi nãy không mua luôn?"
Ông bán vé cười ranh mãnh nói lại một lần nữa.
"Đi đến đâu?"
"À, tôi đi… chỗ nào cũng được".
Trương ấp úng. Trương rất tức bực vì không ngờ mình thiếu tự chủ như thế. Đứa con gái làm một dáng điệu rất đẹp: nàng ngẩng đầu một chút ra phía sau làm tóc lung linh và lòa xòa. Trời ơi, giống… vô cùng. Và một hình bóng thất vọng trong quá khứ hay trong trời đất tượng hình rõ ràng trong ký ức Trương. Chàng nhắm mắt lại cho hình bóng kia tan đi nhưng nó lại càng hiện rõ hơn. Thôi em nhé, anh xuống ngay nơi trạm sắp đến. Anh xuống ngay nơi đây. Anh phải dừng lại khoảng đường này. Không phải anh bị con ma quá khứ hay con ma trời đất ám ảnh làm anh có những hành động mê cuồng tai hại. Ôi, những hình bóng dĩ vãng – những đứa con gái tuyệt vọng cho đời anh – đang bủa vây anh. Nhưng em hiểu vì sao anh tuyệt vọng? Không phải vì lý do anh thất bại đâu. Nhưng chính những đứa con gái đó mới là hiện thân của buổi tối, của tuyệt vọng cho anh và anh vùng vẫy tấn công để biết rõ niềm tuyệt vọng tất hữu của đời anh, con gái. Và anh nghĩ không thế nào làm đẹp một đứa con gái cả, thật vậy em ạ. Nhưng anh vẫn xao xuyến vô cùng khi đứng trước dáng dấp đẹp lạ lùng của em mà anh đã chết điếng khi còn đợi ở trạm Bà Chiểu. Anh tưởng không thể sống nổi và không nên sống nữa khi gặp những dáng dấp như em. Anh nhìn rõ khuôn mặt em: mũi hơi cao nhưng tất cả thì không có gì đặc biệt. Anh lên nhìn kỹ chân em: đôi guốc hơi quê mùa, những ngón chân thì thấp và hơi ngắn, mấy cái móng chênh lệch, và một ngón cái đã bị hư móng. Nếu chỉ nhìn riêng chân em chẳng hạn, anh sẽ chán nản, nhất định. Nhưng tại sao phải phân tích khốn cùng như vậy. Tại sao lại cứ phải nghe em nói tiếng gì để biết người Nam hay người Bắc, Mán hay Mường? Tại sao phải dò đến nhà em, tại sao phải tìm biết một cách cẩn thận và ngu xuẩn ngọn ngành của em. Anh chợt nhìn thấy nắng bên ngoài đẹp vô biên. Nắng rực sáng tưng bừng. Anh quên đi đây là Saigon với đời sống thúc đẩy, xô bồ chỉ làm anh phát điên. Anh quên đi đây là Saigon, nơi anh phải mỏi mắt mới tìm được một chút thiên nhiên, một chút màu xanh của cây cối, một chút hoa, một chút nước trong của dòng suối nhân tạo, một chút hoa một chút cỏ mà anh thèm khát. Từ đó anh bỗng hiểu rằng nơi nào trên mặt đất này cũng có thể đẹp. Đó là hy vọng lớn nhất và cũng là tuyệt vọng lớn nhất của anh khi gặp em, khi gặp các em, con gái. Anh cũng hiểu rằng đứa con gái sẽ theo anh suốt đời đó có thể đẹp và thông minh hơn em nhưng cũng có thể thua em nhiều lắm. Anh tin điều anh nghi ngờ lắm. Nhiều lúc Trương nghĩ chỉ cần có một bức thư nào đó, chàng sẽ hiến dâng với cái nghĩa linh thiêng nhất của một đứa con trai từ lâu độc thân và cho rằng chỉ có lối sống như vậy mới lý tưởng, mới mong hưởng thụ bao nhiêu biến ảo dù không đi đến đâu hết.
"Mà cần gì phải đi đến đâu!"
Trương nói nhỏ một mình như vậy. Những vì sao xa vắng kia có đi đến đâu không mà vẫn đẹp. Trái đất này có quay đến đâu không mà vẫn quyến rũ Trương. Thôi để anh cứ đi hết khoảng đường em đi. Thế nào cũng qua đại lộ Trần Quốc Toản phải không? Và anh sẽ nhìn em thật kỹ tấm thân băng tuyết lạ lùng của em mà thỉnh thoảng anh vẫn bắt gặp trên đời hiện thân nơi bao nhiêu đứa con gái khác, để khi ngoảnh mặt lại thì em đã xuống một trạm nào rồi. Vâng, để anh đi tiếp cho hết khoảng đường em đi. Nhưng như thế cũng có nghĩa là anh dừng lại nơi đây, xin dừng lại nơi đây, trạm chợ Trương Minh Giảng. Rồi anh cũng bỏ cuộc như tên thanh niên kia tôi, nhưng anh bỏ cuộc một cách đau đớn hơn, hạnh phúc hơn, quằn quại hơn, tuyệt diệu hơn vì anh đã đọ mặt với hư vô lạnh lẽo đời đời ngay giữa trưa nắng lửa hừng hực này rồi.
Hai thiếu niên
Đến lượt tôi, đáng lẽ nếu tôi có hai mươi đồng thì tôi sẽ móc ra cùng với thẻ căn cước đưa cho nhân viên cảnh sát làm việc ở bàn giấy, lấy cái biên nhận đỏ đỏ xanh xanh gì đó, rồi đi ra phía ngoài đưa cho một nhân viên khác để lấy cái xe đạp, làm bộ dẫn đi chừng hơn trăm thước và rồi nhảy phóc lên yên đạp về nhà sau khi ném cái nhìn nhỏ nhỏ nhưng ý tứ lại đàng sau. Vâng, đáng lẽ tôi chỉ nên im lặng làm thế trước những tình cảnh vụn vặt trong đời sống xã hội nó làm phiền nhiễu mình không ít, vì biết lỗi dù sao cũng ở mình hoặc ý thức sự phí phạm vô ích trong bất cứ hành động cử chỉ chống trả nào. Chứ nếu thế xe đạp lại mà ra về không thì hoặc có thể mất xe hoặc sẽ bị tốn kém phiền phức sau đó lắm. Tôi nhìn đám đông cục cựa, quo que xung quanh tôi, lẫn lộn với tôi, ở trong tôi. Tôi có cảm tưởng khó chịu như vậy dù tôi là tên thợ sửa xe đạp hầu như luôn luôn sống gần đám đông và nhờ đám đông. Đám đông nổi lên xẹp xuống, phình lên, lép lại tùy theo con số bù trừ của những người mới được vào và những người đã nộp phạt trở ra. Đám đông rù rì rủ rỉ làm tôi thấy nóng ran ngực. Đám đông toát ra một mùi hôi hâm hẩm, tanh tanh, nhiều lúc inh ỉnh. Mùi hôi loãng ra, đặc lại tùy theo trương độ của gió từ bến tàu Saigon thổi vòng qua đây. Tôi liếc đồng hồ tay của ông cảnh sát trưởng – tôi đoán thế – đang đi lên xuống từ phòng trong ra phòng ngoài và thỉnh thoảng bước xuống đường nhìn những nhân viên cấp dưới làm phận sự mà kết quả của sự thi hành đã tạo ra đám đông và mang tôi vào đây. Khoảng 11 giờ đêm. Tôi nhìn quanh, nhìn thẳng, hy vọng sẽ thấy một tà áo dài thướt tha, một chiếc áo len hay một chiếc áo choàng quý phái rủi ro cũng bị mời vào đây. Tôi nhìn quanh, chờ đợi. Tôi biết, dù hoàn cảnh riêng đã mất đi mấy lúc gần đây, Saigon vẫn sống thực ở một khía cạnh nào đó và đêm khuya khoảng giờ này. Và một tà áo nào đó có thể thoát ra từ một rạp xi-nê lớn nào gần đây, như rạp Rex chẳng hạn, cỡi lên trên một chiếc gắn máy bị cháy bóng, băng ngang con đường Tự Do ở góc phòng thông tin, chạy thêm mười thước nữa, là chắc chắn phải trở vào đây với tôi. Tôi chờ mãi. Bây giờ đã gần 11 giờ 30. Đám đông vẫn động đậy, quo que mà thể khối không thêm không bớt ở một con số rõ ràng trông thấy. Nó giống nước sình ở một khoảng ao bùn: nó cũng hảy đi được một ít nhưng đồng thời cũng nhận được nước ở chỗ cao hơn chảy xuống nên nó chưa khô được. Vâng, đám đông lềnh lềnh, lỏng lỏng, lệt xệt. Nó giống như một thứ cháo khoai nhà nghèo đã bắt đầu có mùi thiu. Nếu cùng đường thì cũng phải ăn chứ sao. Cho nên tôi chờ một thứ gì thướt tha, dịu mát để át được phần nào mùi hôi đám đông xuất ra. Tôi chờ đợi.
Tôi ra phía ngoài, nhìn xa về phía đường Nguyễn Huệ. Người và xe cộ ở trong đó tương đối rộn hơn. Tôi nhìn gần. Tòa nhà Quốc Hội hơi tối vì thắp ít đèn. Hai cái nhà hàng thuộc loại nhất nhì ở Saigon nằm hai bên cũng không tỏa ra bao nhiêu ánh sáng. Ông cảnh sát trưởng vẫn đi đi lại lại, tình cảm hài lòng hiện lên mặt. Nhân viên cảnh sát có phận sự chận bắt cũng lộ vẻ sung sướng. Ông giống một người câu cá đang giựt một hơi liên tiếp mấy chục con cá đủ loại và không muốn làm sẩy con nào. Ông không đứng sát đường. Ông đứng tụt vào lề để những con mồi dễ lọt bẫy hơn. Tôi nhớ lời ông nói với tôi một cách dịu dàng vì thỏa mãn khi chận xe tôi: "Dừng lại đi, dừng lại đi, sao lại đi xe không đèn". Tôi đã không nói lời nào bởi biết lỗi ở tôi và tôi cũng biết thực sự tôi đã gây cho ông một nỗi hài lòng không thể chối cái.
"Cậu kia, đứng làm gì lâu vậy?"
Tôi nghĩ người ta đang gọi tôi và tôi đang đứng lơ ngơ trong vòng rào nhìn ra ngoài. Tôi thản nhiên quay lại về phía tiếng nói, không phản ứng gì hết về lời nói không được lịch sự của một nhân viên cảnh sát nào đó. Nhưng không phải họ gọi tôi. Tôi thấy ông trưởng bót ngánh này đang đăm đăm mắt nhìn về phía một anh chàng đáng tuổi em tôi đã bị bắt và đang đứng gần trụ sở bót, nơi một toán cảnh sát đang chận bắt xe đi không đèn. Tôi biết hắn đi học một lớp khuya nào đó. Nhìn hắn, tôi có cảm tình và tin ở tính hạnh hắn. Hắn quay lại trả lời:
"Tôi đi xe không đèn là lỗi ở tôi. Hiện giờ tôi chưa có tiền phạt đó cũng là lỗi ở tôi. Nhưng ông cấm tôi đứng chờ một người bạn đi ngang đây để mượn tiền nộp phạt lấy chiếc xe về hay sao?"
Bây giờ đám đông xao động. Ông trưởng bót ngánh cũng chạy đến can thiệp và nói với thiếu niên:
"Xin mời ông về ngay".
"Tôi về nhà bằng gì khi các ông giữ xe tôi?"
"Vậy thì xin ông cảm phiền ngủ lại đây mai tính, tôi nói lời cuối".
Tôi nhìn thấy rõ cái cử chỉ bực bội của tên thiếu niên và hành động sắp bung ra. Tôi lo ngại cho hắn. Hắn có thể dại dột. Ở vào khoảng tuổi hắn tôi cũng có những cử chỉ anh hùng rơm như hắn. Tôi muốn gọi hắn lại một chỗ nào trống, nói nhỏ vào tai hắn:
"Cậu đừng nóng nảy".
Tôi định thực hiện. Nhưng sực nhớ đến hoàn cảnh không tốt đẹp của mình tôi lại thôi.
Tôi đi đi lại lại không biết gì cả. Nhiều lúc tôi sống vô tri như vậy và lấy làm khổ sở lắm. Đám đông vẫn lao nhao như khi tôi mới bắt đầu bước chân vào bót ngánh này.
Một lúc sau, chán quá, tôi bỏ ra phía trước. Ý nghĩ dại dột xuất hiện qua óc tôi: thừa lúc mọi người không chú ý, giả vờ như đã đóng tiền phạt rồi, cứ bình tĩnh ra ngoài, thong thả dẫn xe đi. Rồi đến một ngã tư nào gần nhất, cắm đầu chạy. Vâng, cắm đầu chạy như tôi đã từng cắm đầu chạy trong những trường hợp và những hoàn cảnh khác sau khi giở một trò lưu manh nào và biết chắc chắn không sớm thì muộn người ta cũng khám phá ra. Tôi muốn nói thẳng vào tai thiếu niên:
"Cậu ạ. Cậu dại dột lắm. Cậu hãy nghe tôi. Cậu dừng nhiều lời trong trường hợp này. Vô ích lắm".
Tôi bước xuống thềm. Ngó trước ngó sau. Bình tĩnh. Khôn ngoan. Trân tráo. Bởi tôi đã định cắm đầu mà chạy.
Vào lúc đó, tôi thấy thiếu niên gặp một người bạn cũng đi xe đạp đi học về qua đó và cũng bị mời về bót:
"Ê Lộc? Sao mầy ngu vậy?"
"E Ngạn? Sao mày… khôn vậy?"
Hai thiếu niên đối đáp nhau làm mọi người không nín cười được. Đứa này cho đứa kia ngu, đứa kia cho đứa nọ khôn một cách mỉa mai.
Rốt cuộc hai đứa đều ngu.
Đứa thứ nhất, tên là Lộc. Đứa mới vào tên là Ngạn.
Ngạn hỏi Lộc:
"Mày ơi, tao chỉ còn có mười lăm đồng".
"Ấy, được rồi, tao còn đúng năm đồng". Lộc đáp.
"Thì ra chỉ đủ tiền phạt cho một đứa được lấy xe về".
"Tao hay mày?"
"Mày hay tao?"
"Thôi đánh tù tì đi!"
Căn nhà bị bắt còn lại trong bót có dịp cười òa lên. Không đứa nào chịu nhường cho đứa nào hết.
Hỡi Lộc, hỡi Ngạn thân yêu, sao các cậu dại vậy? Các cậu nên đốt hết sách vở đi. Tôi không hân hạnh được biết thật ra các cậu có chơi thân với nhau không. Nhưng tôi đoán chắc dù sao các cậu cũng là bạn với nhau. Mà đã là bạn với nhau sao các cậu còn dại dột làm trò cười giữa thiên hạ như vậy? Sao các cậu không tính một nước khác? Vâng, sao không tính với nhau một nước khác?
Lúc đó, tôi sực nhớ ra một trong hai thiếu niên: Lộc. Phải, tôi nhớ thiếu niên này vẫn thường đi ngang nhà tôi, hay đúng ra cái quán sửa xe đạp của tôi. Hắn đi học rất đúng giờ giấc.
Mỗi sáng khi thấy hắn vừa đạp xe đi qua là chỉ một chốc nữa thôi, đã nghe đồng hồ quả lắc bên cạnh gõ bảy tiếng. Tôi nhớ có lần hắn đã đem xe đạp nhờ tôi vá hộ. Bữa đó tôi túng tiền quá nên tôi thừa lúc nó ngó lơ, đâm thêm hai lỗ nữa. Vá xong, đáng lẽ lấy đúng chín đồng là giá tối đa cho ba lỗ, tôi làm bộ ơn nghĩa anh em nghèo với nhau tính có tám đồng. Không hiểu hắn đọc được gì trong mắt tôi mà khi đưa tiền sòng phẳng xong cho tôi, hắn nói một câu cuối cùng khi đạp xe ra khỏi quán:
"Tao tin mày sẽ cùn mạt về cái hành động bất lương của mày. Sao mày không đem gai hay đinh nhỏ rắc ở ngoài đường gần quán mày để dễ bề làm ăn hơn? Ồ, tao biết hết. Có điều tao không thèm nói đó thôi".
Tôi nhìn rõ mặt hắn. Và bây giờ tôi nhớ mặt hắn lại rõ ràng. Tôi biết tôi nhớ không lầm lộn ai được. Nhưng tôi tin chắc hắn đã quên tôi vì tôi biết khuôn mặt tôi không có gì đặc biệt để người ta nhớ lâu. Nhưng tôi cũng thừa biết nếu tôi tạo hoàn cảnh gần gũi quá thì người ta cũng dễ dàng nhớ lại như thường.
Cho nên, thú thật, tôi cảm thấy run, run khi đứng trước mặt hắn. Vậy mà tôi còn có ý nghĩ mượn cả hai đứa cho đủ số tiền hai chục đồng kia nộp phạt cho phần tôi lấy xe ra về trước khi xin thề danh dự sau khi thoát khỏi cái bót này sẽ tìm cách chạy đâu cho ra bốn chục đồng để đem đến cứu hai chúng nó ngay đêm nay.
Tôi xê lại gần Lộc và Ngạn và ngỏ lời. Ngạn nói:
"Được lắm, nhưng bồ phải để một cái gì lại làm tin. Chứ khi ra khỏi bót, bồ phóng mạng về nhà nằm luôn thì tụi em út này đâu có chịu. Mà tôi xem tướng bồ ẩu lắm, tuy cái bề ngoài làm bộ nghiêm trang".
Tôi nói:
"Tôi miễn thề danh dự với hai cậu. Tôi đưa cho hai cậu cái kiểm tra trưng binh và thẻ căn cước của tôi để làm tin. Giữ kỹ chứ không tôi bỏ đời đó".
Tôi tưởng dự tính thành tựu. Nhưng vừa lúc đó ông trưởng bót chạy đến can thiệp ngay:
"Đã vào đây, không ai được giữ giấy tờ của ai hết".
Tôi biết Lộc và Ngạn còn "đánh tù tì ra cái gì ra cái này" nhiều lần nữa nhưng rốt cuộc không ngã ngũ ra sao hết.
Tôi thì vì biết cách cắm đầu mà chạy không xuôi nên đành ở lại.
12 giờ khuya. Tất cả mọi người đã ra về bằng cách này hay cách khác. Chúng tôi ba đứa bị tạm giữ ở một phòng trống. Bây giờ đã muộn dù một đứa bằng lòng hy sinh tiền cho đứa kia thoát ra. Bởi phòng giấy đã ngưng làm việc.
Lộc nói với Ngạn:
"Tao nghĩ nếu được ra thì ra hết, nếu ở lại thì ở lại hết, hợp lý chứ?"
"Hợp lý cái khỉ khô gì!" Ngạn đáp.
"Thế sao mày không chịu đưa mười lăm đồng cho tao để tao đủ hai chục đồng, lấy xe tao ra về, rồi tao sẽ liệu cho mày sau?"
"Tin mày sao được?"
"Mày không tin tao sao?"
"Tin cái khỉ mốc gì!"
"Phải. Để bây giờ ngồi đây chịu trận cả hai".
Tôi ngáp dài, hậm hực và ngao ngán:
"Thôi ngủ đi, mai hãy hay. Đụ mẹ anh cũng buồn ngủ quá mạng rồi các em ạ!"
Tôi gục đầu trong xó tường hôi hám mơ mơ màng màng với ý nghĩ tự trách chua chát rằng, thật ra chỉ có những kẻ cùng chung số phận và hoàn cảnh mới thường làm hại nhau dễ dàng mà thôi.
Nguồn: Cái chuồng khỉ của Nguyễn Đức Sơn do An Tiêm xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, tháng 7-1969, tác giả giữ bản quyền. In 3.000 quyển và 40 bản đặc biệt dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. K.D. số 2.110 BTT/NHK/PNGT cấp ngày 21-5-1969.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét