8/8/10

Phan Huy Đường - Tư-duy tự-do (2)

Tư-duy tự-do

I. Những quan-hệ cơ-bản của con người với thế-giới

2. Khoa-học, quan-hệ giữa người với vật-giới
Khoa-học mà không ý-thức lương tâm chỉ là sự đồi trụy của linh-hồn[1].

Rabelais

Thế-giới này đến với tôi một lần thôi, nó không đến với tôi dưới hai dạng khác nhau, một dạng thực và một dạng do tôi cảm-nhận. Chủ-thể và khách-thể là một. Ta không thể nói rằng ranh giới giữa chúng đã bị phá vỡ do một lối ứng-xử mới đây trong những ngành khoa-học vật-lý, vì ranh giới đó không có-thực.

Erwin Schrödinger[2]

Trong chương này, ta dùng từ và ý-niệm[3] khoa-học hay khoa-học vật-lý để ám chỉ những môn khoa-học tìm hiểu quan-hệ vật-chất giữa các vật-thể, từ hành tinh đến hạt lượng-tử. Từ đây, ta dùng khái-niệm vật-lý cho tất cả những gì liên quan tới vật-chất.

Một cuộc tranh luận hão
Mới đây, một cuộc tranh luận nổ ra giữa hai nhà vật-lý và một số nhà tư-tưởng mệnh danh hậu hiện-đại[4]. Ta hãy thử xem xét một khía cạnh của cuộc tranh luận ấy. Khoa-học là một sản-phẩm xã-hội-tính[5] hay bản thân nó có một sự-thật khách-quan khiến nó có giá-trị phổ-cập[6] muôn thuở.

Một sự-thật khoa-học, miễn sao ta tôn trọng những điều kiện trong đó nó đã được khẳng-định, đúng cho mọi thời đại, mọi nền văn-minh. Thí dụ quy-luật về sức hút phổ-cập của Newton. Người ta không biết tới nó trước khi Newton công bố nó, nhưng điều ấy không cấm cản các hành tinh vận chuyển theo quy định của nó. Những phát minh khoa-học sau có thể cho phép ta phát-triển nó tinh vi hơn. Nhưng trong một khuôn khổ quan sát và hành-động giới hạn, dưới hình-thái nguyên thủy, nó vẫn đúng, vẫn đảm bảo hiệu quả hành-động. Coi nó như một sản-phẩm đặc-thù của xã-hội Anh hay Âu Châu ở thế kỷ 17 sau Thiên-Chúa quả là có vẻ khiêu khích.

Nhưng ta bàn về điều gì khi ta nói tới khoa-học, kiến-thức khoa-học ?

Người đời thường biết đến khoa-học qua những thành quả của công nghiệp. Chiếc hoả tiễn lao tới sao Hoả là một sản-phẩm công-nghệ. Nhưng nó đã được thiết kế nhờ kiến-thức khoa-học. Đương nhiên ta không có khả-năng hiểu kiến-thức đó. Nhưng ta có thể đánh giá nó qua kết quả mà con người gặt hái khi vận dụng nó. Nếu kiến-thức ấy cho phép dự đoán kết quả của hành-động, nếu ta có thể kiểm soát tính đúng đắn của những dự đoán đó bằng thử-nghiệm, ta coi đó là một giá-trị vững vàng, một sự-thật khoa-học, một sự-thật khách-quan. Ta có lý.

Tuy vậy, kiến-thức kia hiện-thực dưới hình-thái nào ? Dưới hình-thái một văn bản trong một ngôn-ngữ, ngôn-ngữ toán chẳng hạn. Một ngôn-ngữ, bất kể ngôn-ngữ nào, không là một vật-thể sẵn có trong tự-nhiên[7], nó là một sản-phẩm đặc-thù của loài người, nó cơ-bản là một sản-phẩm xã-hội. Trước khi trở thành nhà vật-lý, con người phải học đọc, học viết, học suy-nghĩ trong một ngôn-ngữ chung thông thường, rồi trong một ngôn-ngữ có quy-ước nghiêm khắc hơn. Nhà vật-lý suy-luận xuyên qua một sản-phẩm xã-hội-tính. Thí dụ, ngôn-ngữ toán do người khác sáng chế qua một quá-trình lịch-sử lâu dài. Không chối cãi được, nó là một sản-phẩm xã-hội-tính. Khẳng-định điều đó là xô một cái cửa mở toang. Hơn nữa, để một văn bản viết trong bất cứ ngôn-ngữ nào biểu-hiện một kiến-thức khoa-học, ít nhất nó phải có nghĩa. Nó chỉ có nghĩa nếu có ít nhất một người không là tác giả của nó hiểu nó[8]. Nếu không, nó chỉ là một chuỗi ký-hiệu huyền-bí. Điều ta gọi là khoa-học, kiến-thức hay sự-thật khoa-học, cơ-bản là một quan-hệ nhân-tính, một quan-hệ xã-hội.

Như thế, ta đối mặt với hai luận-điểm hữu-lý, tầm thường như nhau. Tại sao ta không chấp nhận rằng chúng đều đúng cả ? Vì ta không có quan-điểm biện-chứng về sự-thật. Ta không có quan-điểm ấy vì ngay từ bước đầu ta không có quan-điểm biện-chứng về quan-hệ giữa người với vật-chất hay vì ta trình bày nó một cách không biện-chứng và, do đó, lao mình vào một cuộc tranh luận hão.

Một sự-thật khoa-học, trong chừng mực nó biểu-hiện dưới dạng ngôn-ngữ (và nó không thể có hình-thái tồn-tại nào khác) tất-yếu biểu-hiện quan-hệ giữa người với người, tất-yếu là một sản-phẩm xã-hội-tính. Nhưng đó là một quan-hệ nhân-tính giới hạn trong nội dung :

· quan-hệ giữa các vật-thể, điều này, nói một cách lờ mờ, khiến cho nó có tính cách sự-thật khách-quan, sự-thật của vật-thể[9].

· quan-hệ giữa con người với các vật-thể

· quan-hệ giữa người với người liên quan tới hai quan-hệ trên

Khi thiết lập một lý-thuyết khoa-học, một người nói với người khác mình nghĩ gì về quan-hệ giữa những vật-thể mà họ cùng quan sát. Người đối thoại với nhà khoa-học trình bày ý-kiến mình khi bàn cãi về lý-thuyết đó. Qua thử-nghiệm hai vị đo đếm và kiểm soát rằng những điều lý-thuyết cho phép dự đoán đều đúng, họ khẳng-định một sự-thật họ gọi là khách-quan. Thử-nghiệm là tác-động vào vật-thể được nghiên cứu bằng một hành-động-vật-chất. Không ai có thể biết bất cứ điều gì về một hệ vật-chất cô-lập[10]. Để hiểu-biết nó, ta phải tác-động vào nó, dù chỉ bằng một tia sáng đập vào nó để dội vào mắt ta. Ta phải tác-động vào nó bằng một lực, một năng-lượng, một từ trường…, rồi quan sát phản ứng của nó, tưởng tượng những điều đã xảy ra, trình bày chúng trong một ngôn-ngữ nào đó, rồi thử-nghiệm lại để đánh giá giá-trị của giả-thuyết.

Sự hình thành một sự-thật khách-quan đòi hỏi một số điều kiện :

· Vũ trụ vật-chất phải có-thực, bất kể ta nghĩ gì về nó.

· Ta phải có khả-năng tương-tác[11] với nó. Ta chỉ có khả-năng ấy nếu ta là một bộ phận của nó, nếu bản thân ta là một vật-thể.

· Ta phải sáng-tạo giả-thuyết về phản ứng của những vật-thể ta quan sát, ta phải thử-nghiệm, đo đếm, ghi kết quả trong một ngôn-ngữ.

· Lại phải có một người khác có khả-năng đọc và hiểu điều ta đã ghi nhận và, do đó, có khả-năng lặp lại những gì ta đã làm, trong cùng điều kiện, để xác-nhận sự đúng đắn của điều ta tuyên bố.

Để có thể như vậy, lại phải có những điều kiện khác, cơ-bản tùy thuộc sinh-tính và trí-tính của ta. Ít nhất, phải tính tới :

Một : đặt trong cùng điều kiện quan sát, người khác phải cảm-nhận đại khái như ta. Nó không được nhìn-thấy một vòng tròn khi ta nhìn-thấy một mặt vuông, thấy mặt trời mọc khi ta thấy nó lặn. Điều đó đòi hỏi chúng ta giống nhau về mặt sinh-học.

Hai : người ấy có khả-năng hiểu những gì ta nói bằng tiếng Việt hay bằng những phương-trình toán, là chúng ta có một ngôn-ngữ chung cho phép ta hiểu nhau qua những ý-chung[12].

Khi những điều kiện đó hội đủ, ta có thể nói với đồng loại :

« Mày thấy không, nếu ta lấy quả đất làm điểm tựa (hệ-quy-chiếu[13]), ta sẽ thấy mặt trời quay xung quanh quả đất. Nhưng nếu ta ngồi trên mặt trời để quan sát sự vận-động của các hành tinh, ta sẽ thấy quả đất quay xung quanh mặt trời. Cuối cùng, cứ tưởng tượng ta đang ở đâu đó trong không-gian để quan sát hệ thống mặt trời, ta sẽ thấy quả đất và mặt trời nhảy múa xung quanh nhau[14].

- Mày có lý. »

« Sự-thật » về sự vận-động của những hành tinh trong hệ mặt trời đã tùy thuộc vị trí quan sát do người mô tả chúng lựa-chọn, ta nên kết luận rằng xét cho cùng, nó chỉ là một quy-ước giữa con người, một sản-phẩm xã-hội-tính, rằng ba luận-điểm trên có giá-trị như nhau ? Nói thế hơi vội. Khi nói ba luận-điểm trên có giá-trị như nhau, ta phải nói rõ : giá-trị đối với chuyện gì ? Đối với hành-động mà con người muốn tiến hành trong thế-giới. Nếu chỉ là chuyện tổ chức đời sống sà sà trên mặt đất, đúng vậy, ba cách nhìn kia có giá-trị như nhau : chẳng ảnh hưởng gì lên kết quả của đại bộ phận hành-động của ta. Loài người đã ứng-xử như thế hàng nghìn năm trước khi Galilée khẳng-định linh-cảm của Copernic, công bố luận-điểm thứ hai. Họ đâu chết vì thế, họ vẫn sống thoải mái. Phát minh của Galilée cũng chẳng ảnh hưởng lĩnh-vực này bao nhiêu. Cơ-bản người đời vẫn xử sự như thể mặt trời quay xung quanh quả đất. Nhưng nếu là chuyện tống một điếu xì gà ngông nghênh lên không-gian để chinh phục nàng Vệ Nữ xinh đẹp thì ba luận-điểm kia không ngang giá tí nào. Có ít nhất một cái sẽ gẫy ống điếu[15]. Vì, bất kể ta chọn điểm tựa nào, hay để nói như các nhà khoa-học, hệ-quy-chiếu nào, để quan sát và mô tả sự vận-động của chúng, những hành tình kia cóc cần biết, tiếp tục vận-động mà không thèm đếm xỉa gì tới những lựa-chọn hay sản-phẩm xã-hội-tính của ta. Nhà khoa-học nói lên điều ấy – một cách vụng về – khi họ khẳng-định rằng có sự-thật khách-quan, rằng quy-luật vật-lý là sự-thật khách-quan.

Ở đây, ta vấp phải một rối rắm ngôn-ngữ thể-hiện những quan-điểm triết-lý đối-lập nhau và, thường thường, không được trình bày rõ ràng. Phải hiểu « Sự-thật khách-quan » trong nghĩa nào ? Sự-thật của khách-thể, của vật-thể ? Vật-thể không có sự-thật. Nó là nó, tự nó di-động như nó di-động, chấm hết. Điều đúng hay sai ở sự hiểu-biết của ta về sự vận-động ấy, và độ chính xác của sự hiểu-biết ấy tùy thuộc khả-năng hành-động của ta để tác-động vào vật-thể.

Theo quan-điểm biện-chứng, phải hiểu « sự-thật-khách-quan », « khoa-học » trong nghĩa sau : tùy khả-năng hành-động hiện nay của ta để tác-động vào thế-giới, một người trình bày cho đồng loại điều mình biết hay tưởng rằng mình biết về quan-hệ-về-lượng giữa những vật-thể trong thế-giới ấy ; khi thử-nghiệm xác-nhận rằng dự đoán của người ấy đúng, ta có thể tin rằng người ấy nói sự-thật cho đồng loại về những quan-hệ giữa những vật-thể kia, rằng chàng không tán dóc về vấn đề ấy, rằng chàng trình bày một thuyết-trình khoa-học. Những vật-thể cũng như những tương-tác giữa chúng không có tính khoa-học. Chỉ thuyết-trình con người nói về chúng cho người khác mới có tính khoa-học hay không khoa-học. Thế-giới vật-chất tồn-tại và vận-động, không thèm đếm xỉa tới ý nghĩ của ta về nó. Sự vận-động ấy tiến hành theo những quan-hệ về lượng nhất định. Thuyết-trình ta tuyên bố về thế-giới vật-chất và sự vận-động của nó ít nhiều ăn khớp với hiện-thực của nó, hiện-thực của sự vận-động của nó. Trong phạm vi ta có khả-năng phát hiện và đo đếm những quan-hệ ấy, ta có thể đánh giá mức độ ăn khớp giữa thuyết-trình của ta với sự-kiện, điều ấy cấm ta – về mặt luân-lý – nói nhăng nói cuội về chúng. Nếu hành-động hữu-hiệu của ta vào vật-chất khẳng-định sự trùng hợp đó, ta gọi nó là, đánh giá nó là sự-thật-khách-quan hay sự-thật-khoa-học khi ta trình bày nó cho đồng loại cùng hiểu.

Như thế, ta hiểu « khoa-học » như một quá-trình thống-nhất trong nó vật-chất, cảm-nhận vật-chất của một sinh-vật và sự biểu-đạt cảm-nhận ấy qua một ngôn-ngữ, như một quá-trình biện-chứng. Mục tiêu của quá-trình ấy là kiến-thức về những vận-động vật-chất, thì chính hành-động của ta vào vật-chất cho phép ta đánh giá độ chính xác của cảm-nhận của ta, độ xác thật của thuyết-trình ta bày tỏ về chúng. Vì thế, xác-nhận bằng thử-nghiệm là tiêu chuẩn để đánh giá sự-thật của những thuyết-trình có hoài bão đạt giá-trị khoa-học. Vì thế, sự-thật trong những thuyết-trình ấy luôn luôn chỉ có giá-trị trong những điều kiện thử-nghiệm nhất định, đặc biệt là độ chính xác của các công cụ quan sát, đo lường.

Ý-niệm sự-thật chỉ có nghĩa trong sự đối-lập với ý-niệm sai-lầm hay giả-dối. Không thể có sự-thật trong thế-giới vật-chất vì trong thế-giới đó không có sai-lầm và cũng chẳng có giả-dối. Nào đã ai thấy chị Hằng lạc đường và cho mặt trời ăn thịt thỏ nhân những dịp hẹn hò ngắn ngủi giữa « họ » ? Vật-chất tự-vận-động, tự-tạo-hình, tự-biến-dạng, tự-biến-đổi, tự-thu-hút, tự-đẩy-lùi… theo những tỷ số mà ta không biết hay biết với một độ chính xác nào đó, thế thôi. Sự-thật, kể cả sự-thật khách-quan chỉ có thể có trong nhân-giới, thế-giới của ngôn-ngữ, của quan-hệ giữa người với người. Điều ấy không có nghĩa là ta có quyền khẳng-định bất cứ điều gì về những quan-hệ giữa các vật-thể, rằng mọi ý-kiến về chúng đều ngang giá.

Khoa-học là một quan-hệ giữa người với người được xây dựng xuyên qua quan-hệ chung của họ với vật-chất. Nó chỉ tồn-tại trong thế-giới tinh-thần nhưng trong thế-giới ấy nó chỉ liên quan tới quan-hệ-về-lượng giữa vật-chất với vật-chất đúng như con người có thể cảm-nhận nhờ giác-quan hay công cụ quan sát nối dài chúng[16]. Khoa-học là một giá-trị nhân-bản trong quan-hệ giữa người với người mà người ta đặt tên là sự-thật, nhưng đó là một giá-trị giới hạn ở quan-hệ chung của con người với vật-chất. Người đời nêu rõ tính giới hạn ấy bằng cách gọi nó là sự-thật khoa-học. Chính giới hạn ấy khiến sự-thật khoa-học có tính phổ-cập : ở đây, người ta chỉ nói tới quan-hệ-về-lượng giữa những vật-thể. Chúng có thể được đo đếm, xác-nhận hay phủ-nhận. Sự-thật khoa-học chỉ là một giá-trị nhân-bản trong quan-hệ giữa người với người liên quan tới quan-hệ chung của con người với vật-chất. Do đó, đi tìm trong khoa-học giải đáp cho những loại quan-hệ khác là chuyện hão.

Đặt vấn đề khoa-học như ở đoạn đầu chương này dẫn tới một cuộc tranh luận chẳng có khách-thể lẫn chủ-thể, một cuộc tranh luận không có lối thoát. Một cuộc tranh luận hão. Tại sao nó nẩy ra ? Tại sao nó tiếp diễn ? Bởi vì, thuận hay nghịch, các phía tranh luận chỉ minh hoạ hai bộ mặt của một quan-điểm phi-lý.

Sự rạn-nứt-khoa-học-luận do Descartes gây ra
Cuộc tranh luận trên minh hoạ những quan-điểm triết-học ngầm. Ta thử tìm hiểu xem sao.

Con người là một thực-thể ba-chiều-kích. Do đó, nó ứng-xử biện-chứng một cách hồn-nhiên. Vì thế, trong những xã-hội nguyên thủy, tư-duy của con người biểu-đạt một cách biện-chứng nhưng, do sự dốt-nát của nó, dưới hình-thái ma-thuật hay tôn-giáo. Rất lâu, con người không phân biệt rõ ràng được vận-động vật-chất với vận-động sinh-tính hay vận-động trí-tính. Nó linh-cảm sự khác biệt giữa một khối đá và một con thú. Nhưng chỉ cần khối đá kia khạc lửa, nó gán ngay cho khối đá ấy sự-sống, thậm chí một linh-hồn cáu kỉnh, độc ác. Nhiều con thú cũng có mắt, tai, mũi, họng như con người, cũng ứng-xử hao hao như con người trong một số hoàn cảnh. Con người không ngại gán cho chúng một linh-hồn, một tinh-thần. Còn tinh-thần, vì họ không thể trực tiếp quan sát nó, họ tùy tiện xếp nó ở bất cứ đâu, trong ánh mắt con chim điểu, trong « tim » hòn núi lửa hay ở một thực-thể siêu-nhân.

Dường như triết gia Hy Lạp Parménide là người Châu Âu đầu tiên tuyên bố về thế-giới : « Nó là », nó có-thực. Ta muốn nghĩ gì về nó thì nghĩ, nó tồn-tại độc-lập với ta.

Triết gia Pháp Descartes mang lại cho linh-cảm ấy công-thức diễn tả đương đại. Thiên hạ công-bằng quy cho ông vinh dự là người mở đường cho triết-học hiện-đại trong thời đại khoa-học lên ngôi. Descartes phân biệt Thực-thể có không-gian-tính với Thực-thể phi-không-gian-tính. Thực-thể có không-gian-tính là thực-thể có kích-thước trong không-gian. Ngày nay, ta sẽ nói, thực-thể có khối-lượng, năng-lượng…, có những thuộc-tính của vật-chất. Thực-thể phi-không-gian-tính và, do đó, phi-vật-chất, chính là tinh-thần. Khi loại tinh-thần ra khỏi thế-giới, Descartes khiến thế-giới trở thành thế-giới khách-quan[17], thế-giới vật-thể và đặt nền tảng cho một cách tiếp cận khách-quan thế-giới đó, đặt nền tảng cho một sự-thật gắn liền với thế-giới đó, sự-thật khách-quan : thế-giới này là cái gì nó là, vận-động như nó vận-động, điều ta nghĩ về nó không ảnh hưởng vào sự tồn-tại, vận-động của nó.

Sự rạn-nứt này gây ra một số câu hỏi ngay từ thời Descartes. Ở đây, có hai câu hỏi đáng chú ý.

Tinh-thần không thuộc thế-giới vật-chất thì làm sao nó có thể tác-động vào thế-giới vật-chất, đặc biệt như công chúa Élisabeth[18] nhận xét, làm sao nó có thể điều khiển cơ-thể của con người ?

Ngày nay, người ta nối tiếp câu hỏi ấy với câu hỏi sau : tinh-thần phi-vật-chất không có khả-năng tương-tác với vật-chất, làm sao nó có thể hiểu vật-chất ? Tệ hơn nữa, làm sao nó có thể trao đổi thông-tin với một tinh-thần khác ? Chính vì thế Schrödinger cho rằng nguyên-lý khách-quan chỉ là một giả-thuyết tạm dùng cho được việc, thậm chí là một mẹo của lý-trí để đơn giản hoá một vấn đề quá phức tạp[19] !

Như thế, những quy-luật điều khiển quan-hệ của vật-chất với chính nó thuộc thế-giới vật-chất hay thuộc thế-giới tinh-thần ?

Tùy cách trả lời, ta chọn chân đứng trong phe duy-vật hay phe duy-tâm đối-lập với nhau từ thời Descartes tới ngày nay. Nếu những quy-luật ấy thuộc vật-chất, và vật-chất vĩnh-cửu, thì có một sự-thật vĩnh-cửu, độc-lập với văn-hoá của ta. Nếu những quy-luật đó là sản-phẩm tinh-thần, và chắc chắn phải như vậy vì chính tinh-thần phát biểu ra chúng và ngoài sự phát biểu ấy, chúng không tồn-tại ở đâu cả, thì chúng chỉ là những « vật-thể » của tư-duy[20], những sản-phẩm xã-hội-tính.

Bất kể lựa-chọn thế nào, ta vẫn bị nhốt trong thế-giới-quan nhị-nguyên-biệt-lập của Descartes. Ta bị nhốt trong đó vì ta không thể nào suy-luận ngoài một ngôn-ngữ và ngôn-ngữ của ta bị thế-giới-quan đó đô hộ từ mấy thế kỷ nay : quan-điểm ấy nhìn thế-giới dưới hình-thái thực-thể chứ không nhìn nó dưới hình-thái quan-hệ, càng không nhìn nó dưới hình-thái quan-hệ năng-động. Thực-thể có không-gian-tính cũng như thực-thể phi-không-gian-tính đều là thực-thể, đều là « một cái gì ». Vì ta đã định-nghĩa thực-thể thứ hai với tính chất loại trừ thực-thể thứ nhất, hai thực-thể đó buộc phải tồn-tại bên nhau mà không có với nhau một quan-hệ khả dĩ biểu-đạt được. Như thế-giới vật-chất và thế-giới tinh-thần…

Loại tinh-thần khỏi thế-giới vật-chất, Descartes để lại cho ta một gia tài vĩ đại và một nhà tù ma-quái. Trong gia tài ấy, có hai di sản quan trọng. Di sản đầu là quét sạch mọi sự hiện-diện ma-thuật, huyền ảo khỏi thế-giới vật-chất. Nó cho phép ta thực-hiện một cách tiếp cận thế-giới duy-vật-thể, duy-khách-quan[21], lối tiếp cận mà người đời quen miệng gọi là khách-quan hay khoa-học. Cách tiếp cận đó cho phép mở một quá-trình phát-triển phi thường của khoa-học về vật-chất. Hết bị ma quái ám ảnh, thế-giới, trong tính vật-chất của nó, hiện ra như nó là : một tập hợp quan-hệ-về-lượng giữa những vật-thể. Chính vì thế ta có thể đưa nó vào phương-trình toán. Một phương-trình là một quan-hệ-về-lượng giữa những vật-thể, một sự bằng-nhau, một sự đồng-nhất[22] về bản-chất mặc dù những hình-thái khác biệt qua đó ta cảm-nhận chúng. E=Mc2 có nghĩa : ở tốc độ ánh sáng không còn sự khác biệt giữa những cái ta gọi là khối-lượng hay năng-lượng của một « vật-thể ». Bị quy-nạp thành quan-hệ-về-lượng, thế-giới này hoàn toàn không có phẩm-chất[23]. Nó không có màu sắc, mùi vị, âm-thanh, cảm-giác qua da thịt. Kiến-thức thu gọn trong sự hiểu-biết thế-giới này là kiến-thức của con người vô-chất[24].

Di sản thứ hai. Giải-phóng tinh-thần khỏi cơ-thể là giải-phóng nó khỏi hệ-quy-chiếu mang danh Quả đất. Không có không-gian-tính, tinh-thần thoát khỏi không-gian, muốn ở đâu thì ở, trên một xó nào đó của quả đất để thấy mặt trời quay xung quanh quả đất ; ngay tại trung tâm hệ mặt trời để nhìn các hành tinh quay xung quanh mặt trời ; ở bất cứ đâu trong vũ trụ để nhìn-thấy những hành tinh múa xung quanh nhau ; thậm chí ở ngoài vũ trụ để chiêm ngưỡng toàn bộ vũ trụ và tưởng tượng ra thuyết Big Bang đã khai sinh nó.

Khổ thay, đi kèm với món quà đó là một nhà tù ma-quái. Bị tống cổ khỏi vật-chất, tinh-thần mất nơi ở. Bị loại ra ngoài không-gian nó liền bị loại ra khỏi thời-gian. Thực-thể phi-không-gian-tính tất nhiên phải phi-thời-gian-tính. Nơi cư ngụ duy nhất của kẻ lưu vong này chỉ có thể là vương quốc của Chúa hay vương quốc của Hư-vô. Trong nghĩa đó, và chỉ trong nghĩa đó thôi, thế-giới-quan của Descartes là một thế-giới-quan tôn-giáo. Ta không ngạc nhiên khi thấy Descartes tìm cách chứng minh sự hiện-thực của Thượng-đế ngay khi ông tìm cách chứng minh rằng tinh-thần của con người có-thực.

Mấy thế kỷ phát-triển rực rỡ của các môn khoa-học về vật-chất, của nền giáo dục duy-lý hình-thức trong hệ thống đào tạo của ta, sự thống-trị nặng nề của các môn toán và vật-lý trong quá-trình đào tạo và tuyển lựa thành phần ưu tú của xã-hội, ngay cả trong rất nhiều môn « khoa-học » nhân-văn, cuối cùng đã che lấp vấn đề mà sự rạn-nứt-khoa-học-luận của Descartes đặt ra. Ta đã nhiễm thói quen suy-luận trong bốn bức tường của cái nhà tù ma-quái ấy. Người thì nhét sự-thật vào vật-thể, kẻ thì nhét nó vào tinh-thần. Descartes đã cắt cầu giữa hai thế-giới ấy, tranh luận giữa họ biến thành tranh luận giữa những người điếc.

Khoa-học và tư-duy biện-chứng
Đối tượng của khoa-học – toàn bộ quan-hệ-về-lượng giữa những vật-thể – một khi đã được khẳng-định, kiến-thức khoa-học ở con người tự nó là một quá-trình ba-chiều-kích thống-nhất những quan-hệ giữa vật-chất với vật-chất[25], quan-hệ giữa vật-chất-người với sự-sống của chính nó và, qua sự-sống ấy, quan-hệ với tư-duy trong đó có tư-duy hiện tại của thực-thể-tư-duy và tư-duy của những con người trong quá-khứ. Những quá-trình-sống ở đây tự-biểu-hiện như môi-giới cần-thiết giữa vật-chất và tinh-thần.

Nếu quả thật như thế, tại sao suy-luận-biện-chứng, với tư cách một hình-thái suy-luận, một cách tiếp cận và hiểu thế-giới biểu-đạt bằng lời nói, lại chẳng ảnh hưởng bao nhiêu sự phát-triển của khoa-học trong mấy thế kỷ qua ? Tôi nói hơi bị liều. Thôi cứ tạm nói rằng những nhà khoa-học thành danh trong thế kỷ 19 và 20 ít ai nêu suy-luận-biện-chứng như một nguồn cảm-hứng, một khởi điểm xa xôi của những phát minh của họ. Tuy vậy cũng có dăm người và không phải loại xoàng[26].

Lý do : vì suy-luận-biện-chứng không cần thiết khi ta chưa dùng cạn khả-năng hiểu-biết mà thế-giới-quan của Descartes mở ra và Kant hệ-thống-hoá. Dưới một hình-thái hiện-đại hơn, nó vẫn được giảng dạy trong hệ giáo dục của ta. Ngày nào hành-động của ta vào vật-chất vẫn giới hạn trong chuyện thay đổi hình-thái vận-động hay hình-thái tồn-tại của nó, không xô đẩy ý-niệm ta có về nó (nó là nó), lôgích do Descartes khai mở vẫn đủ dùng. Nhưng một khi khả-năng tác-động vào vật-chất của ta khiến ta phải xét lại ý-niệm đó, thế-giới-quan kia không đủ dùng nữa. Ngày nay vật-chất không còn là gì nó là như thuở xưa. Nó tự lộ những bộ mặt hoàn toàn khác nhau tùy cách ta tác-động vào nó. Trong khuôn khổ một số thử-nghiệm, ánh sáng tự-xuất-hiện như một vật-thể. Trong khuôn khổ một thử-nghiệm khác, nó tự-xuất-hiện như một làn sóng. Ta phải đương đầu với một « vật-thể » lạ lùng, hoàn toàn xa lạ với ý-niệm thực-thể trong ngôn-ngữ thường ngày và trong ngôn-ngữ triết[27]. Ta sững sờ phát hiện một thế-giới ta có thể với tới bằng hành-động và những phương-trình toán của ta, nhưng ta không thể đề cập được với ngôn-ngữ của ta.

Ngày nay, người ta tiếp tục chia vật-chất thành hạt ngày càng nhỏ, đặt cho chúng những cái tên (danh-từ, như đối với các vật-thể khác). Nhưng dường như người ta có khuynh hướng định-nghĩa những hạt đó dưới dạng hàm số thay vì dưới dạng thực-thể. Điều ấy nghĩa là gì ? Như Kant, có thể nói : Thực-thể-tự-nó, ta không có khả-năng biết tới[28]. Điều ta có thể biết tới chính là quan-hệ của ta với nó xuyên qua quan-hệ vật-chất ta dùng để tác-động vào nó. Vật-chất, với tư cách đối tượng kiến-thức của một chủ-thể có khả-năng hiểu-biết không là gì khác hơn. Ngoài quan-hệ đó, chẳng nên tán phét điều gì vì chẳng có gì để nói cả. Chính Kant đã từng khuyên ta, một cách rất uyên bác : nên câm miệng trước chuyện không thể biết được. Ta nên nghe theo lời khuyên ấy, không chút ân hận : không có gì để tìm hiểu ở một thực-thể-tự-nó không hề có thực. Thực-thể-tự-nó là một chuỗi âm-thanh không ám chỉ cái gì cả. Ngược lại vật-chất-năng-động là một thực-tế ta đụng phải mỗi lần mà, qua hành-động, ta tác-động vào sự vận-động của nó.

Kiến-thức về quan-hệ năng-động giữa những vật-thể khác hoàn toàn kiến-thức về thực-thể của chúng, một hình-thái hiểu-biết quen thuộc với con người từ nhiều thế kỷ. Ta không thể nói một quan-hệ giữa những vật-thể là gì, ta chỉ có thể mô tả quá trình vận-động của nó một cách ít nhiều chính xác. Danh-từ[29] này không ám chỉ một vật-thể hay một thực-thể, nó ám chỉ quan-hệ năng-động giữa ít nhất hai vật-thể. Quan-hệ đó, ta có thể theo rõi sát đến đâu thì sát, sát một phần tỷ giây nếu ta có phương-tiện thực hiện điều đó, nhưng ta không thể ngồi lên nó. Ta có thể hiểu-biết nó vì chính ta cũng tham gia quan-hệ đó xuyên qua hành-động tác-động vào vật-chất. Cách này hay cách nọ, ta tham gia vào quan-hệ đó. Xưa nay quá trình sáng tạo kiến-thức vẫn như vậy. Để hiểu-biết bất kể một vật-thể nào, ta phải tác-động vào nó, quan sát phản ứng của nó trong không-gian và xuyên qua thời-gian, rút ra những kết luận ta gọi là kiến-thức. Trong thế-giới trung mô, tác-động của ta vào vật-chất thay đổi hình-thái vận-động, cơ-cấu của nó nhưng vẫn để nó tồn-tại dưới một hình-thái vật-thể nào đó. Khi ta hoá-hợp khí oxy với khí hydro, ta tạo ra nước, một vật-thể có hình-thái tồn-tại tương-đối ổn định. Vì thế ta có thể kết-hợp quan-hệ giữa hai vật-thể, một hạt nhân oxy và hai hạt nhân hydro, dưới hình-thái một vật-thể thứ ba, nước và nói nước gồm có những cái gì. Nhưng khi ta quan sát những hạt vật-chất cơ-bản trong một cỗ máy gia tốc thì khác hẳn. Qua tác-động của ta vào vật-chất, có những hạt vật-chất xuất-hiện và biến đi ngay trong quá trình tác-động ấy. Mặc dù người ta gán cho chúng những danh-từ khác nhau chúng không tồn-tại độc lập với những quan-hệ vật-chất đuợc thực hiện trong khuôn khổ của hành-động đó. Càng ngày càng khó nói những hạt vật-chất đó là gì, gồm có những cái gì. Chỉ có thể nói nó vận-động ra sao, có quan-hệ-về-lượng nào với những nguyên tố khác nhau có thể quan sát được trong vũ trụ. Suy-luận về những hạt vật-lý dưới hình-thái hàm số có nghĩa là quan sát quan-hệ thay vì quan sát thực-thể.

Trong quan-hệ của ta với những hành tinh cũng vậy. Einstein đã khiến ý-niệm thời-gian và không-gian khủng hoảng. Xưa nay, ta quen thấy một thế-giới trong đó những vật-thể hiện hình trên một phông không-gian rỗng-tuếch và vận-động trên một phông thời-gian bất động. Trong không gian đó, ta chỉ cần lựa-chọn một điểm, kéo ba cái trục[30] từ đó là có thể định vị mọi vật-thể, đo đếm khoảng cách giữa nó với những vật-thể khác. Ta chỉ cần lựa-chọn một sự-kiện nào đó làm khởi điểm, ngày sinh của Phật, Jésus-Christ hay Mahomet chẳng hạn, là có thể đo đếm thời gian. Đột nhiên ta được dạy rằng không-gian và thời-gian không những là hiện tượng gắn liền, tương-tác với nhau, điều loài người đã linh-cảm từ lâu[31], mà còn là hiện tượng « tương-đối ». Tùy tốc độ riêng của những vật-thể được quan sát và tốc độ của những người quan sát, khoảng cách giữa chúng khác nhau. Trong thế-giới-quan đó, chỉ có tốc độ của ánh sáng là tuyệt-đối[32]. Có lẽ vì ánh sáng là giới hạn của sự cảm-nhận của con người ? Ước lượng thời gian và khoảng cách tùy theo tốc độ di-động của những vật-thể là quan sát quan-hệ thay vì quan sát thực-thể.

Khoa-học đương đại buộc triết gia phải từ bỏ thế-giới của thực-thể để tìm hiểu thế-giới của quan-hệ, phải hy sinh thế-giới-quan phi-biện-chứng để tiếp nhận thế-giới-quan biện-chứng. Ngược lại, chỉ thế-giới-quan biện-chứng mới có thể giải-phóng một số nhà khoa-học khỏi những ảo tưởng của họ : bất kể họ săn bắt « sự-thật » nào trong tự-nhiên, sự-thật ấy chỉ có thể hiện-thực bằng ngôn-ngữ, trong nhân-giới, thế-giới duy nhất có sự-thật, sai-lầm, dối-trá vì đó là nơi hình thành quan-hệ tinh-thần giữa người với người trên cơ sở quan-hệ vật-chất chung của họ với vật-giới.





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Science sans conscience n’est que ruine de l’âme. Conscience có cả hai nghĩa ý-thức và lương tâm.

[2] L’esprit et la matière, Erwin Schrödinger (Nobel vật-lý, một trong những người đặt nền tảng cho lý-thuyết vật-lý năng-lượng), Seuil, 1990, tr. 195.

[3] Notion, ý-tưởng lờ mờ, không có định-nghĩa chính-xác. Ý-niệm khoa-học đã từng có nhiều nghĩa trong lịch-sử. Ta có thể dùng nó cho mọi lĩnh-vực kiến-thức hay dành riêng nó cho một vài lĩnh-vực thôi. Ngày nay, người ta dùng nó để ám chỉ kiến-thức trong những môn rất khác nhau như vật-lý, sinh-học, kinh-tế, xã-hội, lịch-sử, tâm-lý… Cách sử dụng từ-ngữ như thế không vô-tình. Nó phản ánh một sự lựa-chọn triết-học rõ ràng hay lén lút. Ta sẽ bàn sau. Cho tiện việc phát ngôn và để trình bày mạch lạc, ta tùy tiện dùng những từ khoa-học và vật-lý trong nghĩa trên.

[4] Alan Sokal (Mỹ) và Jean Bricmont (Bỉ), hai giáo sư vật-lý, tranh luận với tạp chí hậu-hiện-đại thời thượng Mỹ Social Text và khoảng một chục triết-gia và nhà tư-tưởng thời thượng của Pháp : Gilles Deleuze, Jacques Derrida, Félix Guattari, Luce Irigaray, Jacques Lacan, Bruno Latour, Jean-François Lyotard, Michel Serres, Paul Virilio, Jean Baudrillard, Julia Kristeva. Cuộc tranh luận bắt đầu bằng « trò khỉ » (canular) sau : Alan Sokal cóp nhặt một đống khái-niệm và luận-điểm uyên bác, bí hiểm (dựa vào nhiều lý-thuyết khó hiểu của toán và vật-lý đương đại) mà các nhà tư-tưởng Pháp thời thượng được « phái » hậu-hiện-đại Mỹ ca ngợi, hay nêu danh, trích đăng và bình luận tùm lum, dán chúng lại với nhau thành một thuyết-trình nhại giọng văn kêu, kẻng, uyên bác, khó hiểu của các lý-thuyết gia hậu-hiện-đại Mỹ. Đương nhiên, bài ấy chẳng có ý nghĩa gì cả. Ác hơn, Sokal cố ý nhét vào đó « một đống luận-điểm phi-lý nổ con ngươi » (bourré d’absurdités et d’illogismes flagrants). Sokal gửi bài ấy cho Social Text. Thế mà Social Text đăng ! Lại đăng dưới dạng số đặc biệt để trả lời những phê phán của một số nhà khoa-học đối với trào lưu hậu-hiện-đại Mỹ. Khi Sokal công bố : bài ấy chỉ là một trò nhại giễu cợt (parodie), Social Text đã phải công khai xin lỗi độc giả và các tác giả đã từng đăng công trình « khoa-học » của mình trong Social Text. Cuộc tranh luận ấy trào qua Pháp vì các nhà tư-tưởng hậu-hiện-đại Mỹ thường trích dẫn các nhà tư-tưởng Pháp để biện minh cho lập luận của họ. Do đó, anh Tây động lòng và nhập cuộc. Xem Impostures intellectuelles, Tri-thức bịp bợm, Alan Sokal và Jean Bricmont, Éditions Odile Jacob, Paris, 1997 ; Impostures scientifiques, Khoa-học bịp bợm, nhiều tác giả bị Sokal-Bricmont phê phán, La Découverte, Paris, 1998. Trong quyển Impostures intellectuelles, Sokal và Bricmont mở rộng cuộc tranh luậnvới vài lý thuyết gia khác trong môn khoa-học-luận (Quine, Kuhn, Feyerabend), trong môn xã-hội-học về khoa-học (sociologie des sciences, Barry Barnes, David Bloor) và triết (Henri Bergson, Vladimir Jankélévitch, Maurice Merleau-Ponty). Có nhiều lời giới thiệu dễ hiểu và thí dụ cụ thể về những lý-thuyết vật-lý hiện-đại. Cực kỳ thú vị.

[5] Đương nhiên khoa-học là một sản-phẩm xã-hội như nhà cửa, bàn ghế, xe hơi, bất cứ gì con người làm ra. Tôi dịch như thế không phải để làm dáng uyên bác, mà để nêu ý này : bản-chất của khoa-học là tính xã-hội của nó.

[6] Universel. Trong nghĩa : đối với mọi người, ở bất cứ đâu, trong mọi hoàn cảnh.

[7] Nếu ta hiểu tự-nhiên như toàn bộ những gì có sẵn, không do con người sản-xuất. Trong một nghĩa khác, con người đã là một bộ phận của tự-nhiên thì tất cả những sản-phẩm của nó cũng thuộc tự-nhiên. Trong quyển sách này, ta dùng khái-niệm tự-nhiên hay thiên-nhiên trong nghĩa đầu.

[8] Điểu kiện không đầy đủ.

[9] vật-thể : objet ; khách-quan : objectif. Hai từ objet và objectif cùng gốc. Đủ thấy tư-duy triết-học tùy thuộc ngôn-ngữ đến thế nào. Trong tiếng Pháp, tính khách-quan gắn liền với tính vật-thể.

[10] Système matériel isolé. Hoàn toàn không có quan-hệ nào với bất cứ cái gì. Điều này chỉ có trong trí tưởng tượng thôi vì thế-giới vật-chất là một tổng-thể. Đó là nguyên-lý đầu tiên của mọi kiến-thức khoa-học.

[11] ý : tác-động qua lại.

[12] Hàm y của Schrödinger chắc chắn là một công-thức huyền-bí đối với người đời thường. Nhưng nó cũng chỉ là một ý-chung đối với nhà vật-lý nghiên cứu vật-lý năng-lượng. Trong tiếng Pháp, sens commun và lieu commun. Sens commun có hai nghĩa : ý-nghĩa chung đối với mọi người hay khả-năng hiểu thông thường của con người, ai cũng hiểu được. Lieu commun (còn có nghĩa là cầu tiêu !) : ý tầm thường, ai chẳng biết. Trong cả hai trường hợp, thường bao hàm ý xấu : không sâu sắc, không độc đáo. Thí dụ, một nhà phê bình văn-học chê một tác-phẩm chứa toàn những lieux communs thì chẳng khác gì phán : đáng vứt vào cầu tiêu. Vì những ý-chung này là nhân-tố cơ-bản cho phép ta nên-người nên tôi ghi chú dài dòng như vậy.

[13] Référentiel.

[14] Thí dụ này rút ra từ một đoạn trong quyển sách Au contraire của J. C. Lévy-Leblond, [NRF Essais, 1996, tr. 28] trong đó một nhà vật-lý uyên bác bàn một cách đáng chú ý về ý-niệm sự-thật và nhiều ý-niệm khác. Mặc dù tác giả không coi biện-chứng-pháp vào đâu cả, tôi sẵn sàng đánh giá những luận-điểm của ông như một cách tiệp cận biện-chứng đối với kiến-thức khoa-học.

[15] Casser sa pipe : đập ống điếu, chết, toi mang, toi đời. Se casser la pipe : vỡ mặt, toi mạng. Kiểu nói dung tục của người Pháp.

[16] Ta cũng thiết kế những công cụ quan sát đó sao cho thích hợp với những giác-quan của ta.

[17] Monde objectif. Đối-lập với monde subjectif, thế-giới chủ-quan, thế-giới tinh-thần.

[18] Élisabeth, công chúa vương quốc Bohème. Lettres à Élisabeth, Descartes, Œuvres et Lettres, La Pléiade, tr. 1151 và tr.1157. Trong hai lá thư này, với một linh-tính xuất sắc, Descartes phân biệt ba loại ý-niệm nguyên thủy, mỗi loại ý-niệm thuộc một lĩnh-vực riêng, lĩnh-vực tư-duy, lĩnh-vực vật-chất và lĩnh-vực thống-nhất (union) hai lĩnh-vực trên. Những ý-niệm thuộc lĩnh-vực thống-nhất vật-chất và tinh-thần được « nhận diện một cách rõ ràng bằng những giác-quan ». Descartes công nhận rằng khái-niệm thống nhất vật-thể và tinh-thần là mâu-thuẫn. Trong những văn bản khác, ông nêu bộ óc như nơi thể-hiện sự thống-nhất ấy. Ở thời đại của ông, chẳng thể nào suy-luận xa hơn được. Quả là bực anh tài.

[19] L’esprit et la matière, Erwin Schrödinger, Seuil, 1990, tr. 184.

[20] Objets de pensée. Nói tiếng Việt thấy kì ngay.

[21] matérialiste, objectiviste. Sính vật-chất, sính khách-quan.

[22] Identité. Ở đây, ta đề cập tới những ý-niệm bằng-nhau hay đồng-nhất trong ngôn-ngữ thường ngày hay ngôn-ngữ triết, không đề cập tới những tiên-đề toán học.

[23] Qualité. Sẽ định nghĩa trong chương sau.

[24] Chỉ có thể có trong tiểu thuyết thôi. Vì con người cũng là thực-thể khiến thế-giới này hữu-chất, không thể có con người vô-chất. Ghẹo Robert Musil, tác giả quyển L'homme sans qualité.

[25] quan-hệ giữa vật-thể-người với vật-thể còn lại trong vũ trụ.

[26] Khoa-học và biện-chứng của tự-nhiên, Sciences et dialectiques de la nature. La Dispute, Paris 1998. Nhiều tác giả : L. Sève, Atlan, Tannoudji, v.v. Một cuộc tranh luận giữa một triết gia biện-chứng và nhiều nhà khoa-học trong đó có người thuận có người chống tư-duy biện-chứng. Đặc biệt, ông Tannoudji, Nobel vật-lý, có quan-điểm riêng về suy-luận-biện-chứng.

[27] Trong một cuộc gặp gỡ, Einstein nói với Heisenberg : « Quan sát được một cái gì hay không tùy thuộc lý thuyết mà ông vận dụng. Chính lý thuyết quyết định cái gì có thể quan sát được. » Và Einstein định nghĩa hành-động quan-sát như sau : « Quan sát nghĩa là thiết lập một quan-hệ giữa một hiện tượng và sự thực-hiện hiện-tượng đó qua (hành-động) của ta. »[La grande Unification, Seuil, 1991, tr. 89, tôi nhấn mạnh]

Xin độc giả chớ hãi hùng. Trong lĩnh-vực khoa-học, Einstein không suy-luận duy-tâm đâu. Ý thế này. Tùy anh nghĩ gì về ánh sáng, anh sẽ sử dụng những thiết bị thích-ứng để quan sát nó, khiến cho nó hiện lên dưới hình-thái vật-thể hay hình-thái làn sóng. Thế thôi. Einstein nghi-ngờ sự hiện-thực của làn sóng, có nêu ý rằng đó chỉ là một kỹ thuật biểu-đạt và tính toán.

Ta chỉ có thể biết sự-vật qua quan-hệ của ta với chúng. Nhưng quan-hệ của ta với sự-vật rất đa dạng : ta có năm giác-quan và, với từng giác-quan, ta có thể có nhiều hình-thái quan-hệ khác nhau. Thí dụ, với con mắt, ta có thể vừa thấy hình-thù vừa thấy màu sắc.

[28] Khái-niệm Thực-thể-tự-nó của Kant ám chỉ thực-thể tự nó tồn-tại ngoài cảm-nhận của ta.

[29] Dịch « chính-xác » phải là : sự quan-hệ. Tiếng Việt, nghe chối tai liền ! Tiếng Việt ít duy-lý hình-thức hơn tiếng Pháp nên trong « lý-luận » văn-học rất dễ... thơ.

[30] coordonnées cartésiennes, do Descartes sáng tạo !

[31] coi phân tích những đơn-vị-đo-lường của Karl Marx trong Tư-bản luận

[32] Có lẽ nên thêm một vài hằng lượng khác như hằng lượng của Planck.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét