8/8/10

Tư-duy tự-do (9) : Thị-trường, phương-trình-hoá con người

Tư-duy tự-do

Phan Huy Đường

III. Những nền tảng của kiến-thức
9. Thị-trường, phương-trình-hoá con người
Khoa-học của một độc-quyền
Trong tất cả các môn khoa-học mệnh danh là nhân-văn hay xã-hội, kinh-tế, đặc biệt kinh-tế thị-trường, ít khoa-học nhất, phi-nhân và phi-xã-hội nhất[1].

Kinh-tế-học cho ta thấy đến mức biếm hoạ giới hạn của tham vọng tạo tính khoa-học cho những môn khoa-học gọi là nhân-văn.

Những bực thầy-cúng trong môn kinh-tế-học dự đoán sai đều đều, thậm chí triệt để, không chỉ trong một chi tiết, không chỉ trong dài hạn. Ta đã chứng kiến điều đó suốt hai mươi năm qua và ngay mới đây. Hôm trước họ ca ngợi những con rồng con cọp Châu Á, con Gấu Nga cải tiến với đức hạnh của kinh-tế thị-trường. Hôm sau, chúng sụm cái rầm ! Mọi điều đều sai, đều sụp đổ, tạo nguy cơ đẩy thế-giới của chúng ta vào hỗn loạn. Rồi thời-gian trôi đi, giờ điểm giờ, ngày theo ngày, sự độ lượng – và, do đó – tính cả tin của ta vẫn còn đó. Một thầy-cúng mới tiến lên và phán... Tức khắc, những chính-trị-gia vươn mình lên dưới tri thức khoa-học của nó để biện minh cho hành-động của chúng và quyên lá phiếu của ta. Cho tới thảm hoạ tiếp theo. Sự dốt-nát của tha-nhân thật béo bổ. Không biết ta nên cười hay khóc. Người ta cũng không thể đổ lỗi vì thiếu phương-tiện. Không môn khoa-học nào lạm dụng phương-pháp, kỹ thuật, công cụ điện tử, thống kê, toán học nhiều như thế để thu nhập dữ liệu, phân-tích, mô hình hoá, trù tính... Ta hãi hùng trước giá-trị bằng số không của thành quả : nó vô tận. Đúng như trong toán : chia bất cứ số nào với số không, kết quả đều là vô tận. Chẳng hề chi. Có biết bao vị thầy-cúng lừng danh một buổi đã vĩnh-viễn trượt vào lãng quên sau một phút huy hoàng phù du và béo bở. Điều đáng ngại là kiến-thức giả này, khoa-học giả này được dùng để áp đặt trên con người một thế-giới-quan ma-thuật và những thể chế hầu như tôn-giáo có quyền-lực chẳng ảo tí nào. Trên cơ sở kiến-thức giả ấy, từ ít nhất hai chục năm nay, « hành-động » quyết định duy nhất mà chính-trị-gia, tả cũng như hữu hoặc ở đâu đâu đó, có khả-năng đề nghị với bàn dân là : thuyết phục sự tin tưởng của những thị-trường tài-chính. Ngây thơ, ta hỏi : thế nghĩa là thuyết phục sự tin tưởng của ai ? Họ tức khắc tống ta trở về sự dốt-nát của ta[2], trở về những niềm-tin bấp bênh xác đáng của các thầy-cúng trong môn khoa-học kinh-tế. Sự bất-lực để xác-định khâu hành-động quyết định trong kinh-tế là điều dễ hiểu trong thế kỷ 19 khi những quyết định kinh-tế cơ-bản phân tán thành hàng tỷ hành-động cá-nhân mỗi ngày và người ta không có phương-tiện để quan sát và xử-lý chúng. Nó không dễ hiểu ở thời đại này. Trong cái mà người ta kín đáo gọi là « những thị-trường tài-chính » sự di chuyển của hầu hết những lượng đôla lớn quyết định sự vận động của các nền kinh tế đều có thể tìm lại được qua dấu vết chúng để lại trong những căn cứ dữ liệu. Những dấu vết ấy dẫn tới một số người khá giới hạn như báo cáo của Liên hiệp quốc về sự phát-triển cho thấy[3]. Điều đó không hề ngăn cản những thầy-cúng và chính-trị-gia của họ thể chế hoá những cá-nhân có quyền lấy những quyết định sẽ quyết định tương-lai của ta mà ta không có quyền có ý-kiến. Kiến-thức lơ mơ (tiên thiên) của các thầy-cúng đó biện minh cho quyền-lực không thể kiểm soát được và « không ai » kiểm soát của họ. Từ cuộc tranh dành quyền-lực âm thầm ấy trong nền dân-chủ kỳ cục của ta, ta chỉ được nghe vọng lại vài dư âm tức cười : bổ nhiệm một chàng Hà Lan làm thủ trưởng Ngân hàng chung của Châu Âu và đồng thời cách chức chàng trước kỳ hạn để nhường chỗ cho một anh Pháp. Khi làm trò khỉ mà không chết cười thì cả Nhà nước lẫn văn-hoá phải lòn chôn những phường lòe bịp[4].

Một khoa-học không có đối tượng khoa-học[5]
Một điều nổi bật ngay khi ta tìm hiểu khoa-học hay những khoa-học kinh-tế : đó là những môn khoa-học không có đối tượng khoa-học.

Trong vật-lý, nhà khoa-học luôn luôn bắt đầu xác-định chính xác đối tượng nghiên cứu của mình, quan-hệ của nó với những vật-thể khác[6], hành-động mà nhà khoa-học định thao-tác vào nó để quan sát phản ứng của nó, tìm hiểu và giải thích chúng để rút ra một kiến-thức. Trên cơ sở đó, nhà khoa-học xác-định những đơn vị đo lường, lập phương-trình, tiến hành thử-nghiệm. Một đơn vị đo lường luôn luôn là hình-thái khái-niệm của một quan-hệ thực. Nó biểu-hiện tính đồng-chất của những vật-thể được đo đếm[7]. Để đo sức nặng của một quyển sách, ta đặt nó trên khay của cái cân, rồi ta đặt trên khay còn lại những quả cân cho tới lúc ta đạt sự cân bằng giữa chúng và tuyên bố : quyển sách nặng 300 gam, nó nặng gấp 300 lần một mẩu kim loại lưu trữ đâu đó trong Điện đo lường. Sức nặng của một vật-thể biểu-hiện trong đầu con người một quan-hệ về lượng giữa những vật-thể xuyên qua một hình-thái quan-hệ nào đó. Nếu ta đặt đối tượng nghiên cứu vào quan-hệ khác với vật-thể khác, ta phải sáng-tạo đơn vị đo lường khác cho phép ta biểu-đạt tính đặc-thù của hình-thái quan-hệ đó. Chỉ mở từ điển Petit Larousse Illustré, xem mục « thước » và mục « gam » ắt thấy. Ta nói kiến-thức khoa-học là khách-quan trong nghĩa này : trước hết nó coi giả-thuyết về sự phản ứng của những vật-thể nó nghiên cứu trong khuôn khổ một quan-hệ do nó lựa-chọn là giả-định. Chỉ sau khi thực-hiện quan-hệ đó và ghi nhận rằng những dự đoán lý-thuyết đã được thực-hiện với một độ chính xác nhất định, nó mới tuyên bố rằng lý-thuyết của nó có giá-trị khoa-học trong khuôn khổ quan-hệ đó với độ chính xác đó.

Kinh-tế gia tự cho mình là khoa-học nhại như khỉ nhà khoa-học bằng cách mượn của nó công cụ và phương-pháp, đặc biệt là toán và thống kê, nhưng lờ đi điều khiến công cụ và phương-pháp ấy có giá-trị : xác-định đối tượng vật-chất được nghiên cứu và những quan-hệ thực qua đó ta nghiên cứu nó, mang lại ý-nghĩa cho những đơn vị đo lường mà ta sáng-tạo để biểu-đạt những quan-hệ ấy. Điều đó khiến cho những ngụy phương-trình mà họ sử dụng chẳng có ý-nghĩa gì cả.

Ta có thể quan sát điều ấy trong sổ kế toán hàng ngày của một doanh nghiệp. Ta bắt gặp một bảng biểu kỳ dị có ba cột. Trong cột đầu, ta thấy có loạn xà ngầu đủ thứ « thực-thể » khác nhau như nhà máy, nước, giấy bản, dịch vụ và con người. Trong những cột bên[8], ta thấy một số tiền bằng Đôla hay Euro... Ở hàng chót, tổng số của những số tiền trên. Thế nghĩa là gì ? Nghĩa là những « vật-thể » trên được xử-lý như thể chúng đồng-chất, là một lượng nào đó của một cái gì có chung ở chúng... Điều đó quả nhiên không bất-khả-thi, nó xảy ra hàng ngày trong xã-hội. Vậy phải nói rõ ràng qua quan-hệ nào con người đồng-chất với máy-móc, thú-vật, nước hay giấy bản, qua quan-hệ nào một người có thể bằng hai người khác về lượng. Những lý-thuyết gia cẩn thận lờ vấn đề đó. Dường như tiền-tệ không là một phát minh của con người. Dường như nó là một thực-thể khách-quan, một sự-kiện tự-nhiên[9]. Không vị nào giải thích được rõ ràng tiền là gì và vì sao nó đã trở thành đơn vị đo lường chung của mọi sự trong vũ trụ. Của những vật-thể, sinh-thể và trí-thể. Chỉ cần mở một quyển sách giáo khoa trong môn kinh-tế-học cũng đủ thấy : kiến-thức « khoa-học » về vấn đề cơ-bản này nghèo nàn đến tội nghiệp. Người ta xào đi xáo lại những ý cũ mèm của Adam Smith, Ricardo và vài vị khác, mắm muối thêm ít ngôn-từ mới[10], thậm chí với những đường cong biểu diễn những phương trình. Trong tiết mục này, tri thức nghèo nàn tới mức, từ khi thời đại của Keynes chấm dứt, người ta không biết làm gì hơn là tái diễn, tân hoá : tân cổ điển, tân tự-do, v.v. Một triệu chứng của thời đại, người ta lải nhải quá-khứ : tư-duy kinh-tế thống-trị đang giãy chết trong một ngõ kẹt không nên lời.

Những lý-thuyết gia không thích lê lết trong vấn đề này. Họ thanh toán nó trong nội một giờ, một chương ngắn để vội vã bước vào những vấn đề nghiêm chỉnh. Điều nghiêm chỉnh là điều người ta có thể hình-thức hoá, nếu được dưới dạng toán thì càng tốt. Khốn thay, mỗi lần dùng dạng toán ấy, đơn vị đo lường ma-quái của mọi sự-vật và của mọi con người, đã chễm chệ tại trận một cách thần-diệu, áp đặt sự thống-trị của nó đối với tư-duy mà không thèm cho một lời giải thích. Những lý-thuyết gia kinh-tế, dù họ coi kinh-tế như một môn khoa-học thuần-khiết dựa trên tính duy-lý của những tác nhân kinh-tế suy luận theo kiểu suy-diễn hay như một môn khoa-học về hành-động dựa trên cách ứng-xử ít nhiều duy-lý của con người tự-thích-nghi với hoàn cảnh bấp bênh, đều suy-luận trên cơ sở của một tiền đề không có định-nghĩa và không thể hiểu được : tiền, thước đo chung của những đối tượng được nghiên cứu, kể cả con người. Sự phương-trình hoá thế-giới của một học phái này hay của học phái đối nghịch đều dựa trên sự đồng thuận đáng ngờ đó[11]. Tiền đề của sự phương-trình hoá ấy là : con người đồng-chất với vật-thể ; nhu-cầu, hành-động, ý-muốn của nó đều có thể quy thành một lượng vật-chất. Điều đó khả-thi vì con người cũng là vật-thể. Nếu nó không là vật-thể, nó không có khả-năng có quan-hệ, kể cả quan-hệ kinh-tế, với bất cứ vật-thể nào hay với người khác. Chính khả-năng ấy, quan-hệ đặc biệt ấy – mà ta phải vạch rõ – mới có thể mang lại cho những thuyết-trình kinh-tế một hình-thái hợp-lý, và chính sự khước từ hay sự bất-lực để diễn tả nó biến những lý-thuyết trên thành kinh kệ. Đáng tiếc thay. Khoa-học kinh-tế, hiểu như thế, ít nhất cũng mang lại cho ta khả-năng hiểu-biết một bộ mặt của con người, bộ mặt nó trương ra khi nó ứng-xử như một vật-thể hay một sinh-thể. Và điều ấy quý. Nhưng mỗi khi nó chui ra khỏi cái cũi đó, và nó buộc phải chui ra vì, dù muốn dù không, nó là người, mọi chuyện đều sụp đổ và những nhà khoa-học buộc phải nói vơ nói vẩn về những đối tượng chẳng khách-quan tí nào : sự tín nhiệm của thị-trường, của người tiêu-thụ, của cử tri, tính lạc-quan hay bi-quan của người đời. Điều ấy không ngăn cản họ đo đếm với thống kê trên cơ sở một đơn vị đo lường không có định-nghĩa tuy nó định-nghĩa mọi vật-thể trong lý-thuyết của họ : tiền. Người ta dám giới thiệu cái ngôn-ngữ ma-thuật ấy là khoa-học và bảo rằng khoa-học ấy sẽ hướng dẫn ta tới thế-giới tuyệt hảo nhất trong mọi thế-giới, sẽ dạy ta ứng-xử hợp-lý !

Không tình cờ. Nhà tư-tưởng kinh-tế duy nhất đã giải thích một cách hiểu được, nhất-quán, tại sao và qua đâu quan-hệ giữa người với người, trong những điều kiện lịch-sử nhất định có thể thể-hiện dưới hình-thái quan-hệ giữa vật với vật, tại sao và qua đâu tiền đã tự-tạo, có thể và đã trở thành thước đo chung của tất cả, là Karl Marx, một nhà tư-tưởng biện-chứng đặc biệt. Vì ông quan-niệm con người như một thực-thể ba-chiều-kích, ông đã cho thấy người ta có thể ép, một cách vô thức nhưng có-thực, quan-hệ của nó với đồng loại vào một chiều-kích duy nhất. Ông đã tạo ra một cách tiếp cận biện-chứng những quan-hệ kinh-tế và đồng thời xác-định giới hạn lịch-sử của chúng[12].

Một khoa-học không có chủ-thể khoa-học
Nghiên cứu con người như vật-thể mà không thèm xác-định, biện bạch cho những quan-hệ đặc biệt cho phép quan sát và xử-lý nó như thế, khoa-học kinh-tế không chỉ là môn khoa-học không có đối tượng khoa-học, nó còn là môn khoa-học không có chủ-thể-tư-duy, không có con người khoa-học. Nó có tính ma-thuật, phi-nhân.

Nhà vật-lý không phi-nhân. Sự-thật mà nó tuyên bố là sự-thật mà một người nói với người khác về quan-hệ giữa những vật-thể. Nhà vật-lý tin vào sự-thật của điều mình tuyên bố. Nó không có tham vọng nào đối với những lĩnh-vực kiến-thức khác, nó vẫn giữ nhân-tính của nó. Những nhân tài lớn nhất trong họ không mặc cảm chút nào về sự dốt-nát của mình trong những lĩnh-vực khác. Einstein thản nhiên tuyên bố : « Điều khó hiểu nhất trong vũ trụ là khả-năng hiểu nó của ta[13]. » Vì hiểu-biết bất cứ gì cũng là quan-hệ giữa người với người, không là quan-hệ về lượng giữa vật-thể với vật-thể. Schrödinger cho rằng tính khách-quan là một giả-thuyết để tiện việc, một mẹo của Tinh-thần để đơn giản hoá vấn đề. Edelman ngạc nhiên rằng sự-thật khoa-học khách-quan chỉ có thể truyền đạt một cách liên-chủ-quan. Chính vì tính khách-quan là một giá-trị nhân-bản về quan-hệ chung của con người với vật-giới. Những nhà khoa-học không cần tới sự tín nhiệm của con người, thậm chí của « những thị-trường tài-chính » để tin tưởng ở sự-thật họ tuyên bố : thử-nghiệm cho phép chứng minh chúng và thử-nghiệm đó có thể được lặp lại. Giá-trị khoa-học của một lý-thuyết kinh-tế là bao nhiêu nếu « những thị-trường tài-chính » không tin ở nó ? Còn những con-người-vật-thể mà nó tìm hiểu, ai lại mất thời giờ hỏi ý-kiến của họ.

Vì con người là một trí-thể, một thực-thể xã-hội, khoa-học kinh-tế nào lấy nó làm vật-thể đối tượng khách-quan của nghiên cứu cùng bản-chất với mọi vật-thể khác xuyên qua thước đo phổ-cập huyền-bí mang danh tiền, chỉ có thể phản-xã-hội. Như ông xếp tư-bản tuyên bố không mảy may áy náy lương tâm rằng nhiệm vụ của ông không là làm việc xã-hội mà là kiếm lời, nhà khoa-học của ta cũng khẳng-định rằng nỗi lo âu của ngài là tìm sự-thật về đối tượng nghiên cứu của ngài chứ không là lạc đường vào những tranh luận ý-thức-hệ của loài người[14]. Nhưng kẹt một nỗi : đối tượng nghiên cứu của nó là một vật-thể có ý-thức, có tư-duy, là một vật-thể ý-thức-hệ, là một con người. Ông xếp doanh nghiệp phục vụ quyền lợi của một số ít người chống lại quyền lợi của một số đông người khác. Ông vẫn là một thực-thể xã-hội, một con người. Hành-động của ông khai triển và phát-triển trong nhân-giới ở một thời điểm lịch-sử. Nó đòi hỏi sự hợp tác và đồng thời chịu đựng sự phản kháng của người khác. Ông phải tính tới. Ông phải chịu trách-nhiệm, hưởng thụ hay trả giá cho hành-động của mình. Ông lĩnh lương lớn kỳ lạ, stock options và biết bao tiền thưởng béo bở, nhưng chính ông là người bị người làm thuê biết ơn hay căm thù, chứ không là những chủ nhân đích thực của tư-bản, đúng theo định-nghĩa chủ vô danh của doanh nghiệp vô-danh-chủ, cũng như không là những kinh-tế gia, thỉnh thoảng, gợi ý cho hành-động của ông[15]. Những người làm thuê không thèm đếm xỉa tới những lý-thuyết gia kinh-tế nọ. Họ có lý. kinh-tế gia tư-sản hoàn toàn vô trách-nhiệm với điều họ tuyên bố nhân danh sự tự phụ có khả-năng đạt kiến-thức khách-quan, kiến-thức khoa-học. Nó diễn thuyết trong Hư-vô của những vật-thể không có-thực. Người ta dùng nó khi nào sự dốt-nát và lòng cả tin của người đời còn gán cho nó một giá-trị. Nó mà mất sự tín nhiệm của thị-trường, nó tan biến ngay trong bóng tối Hư-vô của thư viện[16], trong sự khinh miệt của những kẻ thực sự nắm quyền-lực kinh-tế. Khoa-học của nó là khoa-học ảo, là thi ca (sự tín-nhiệm, sự ham-muốn, nhu-cầu, giá-trị...), triết-lý (Kiến-thức, sự Hiểu-biết, Tự-do, sự Lựa-chọn, Hành-động...) dưới mặt nạ gian trá của Khoa-học (tính Khách-quan, tính Hợp-lý, sự Thích-nghi, toán và thống kê...) Những kẻ quyền-lực dùng họ như dùng những cái áo : họ thay áo tùy tiện. Người sẽ thay thế ông Camdessus[17] để lãnh đạo FMI sẽ chẳng thông thái hay ngu xuẩn hơn ông ấy, người đó sẽ dễ coi hơn. Trong một thời-gian nào đó. Thời-gian mà ta ngây ngô tin cậy những phán đoán của nó. Không phải tình cờ mà đức hạnh đầu tiên của một ông tổng đốc ngân hàng trung ương của một quốc gia, chính là sự im-lặng và khả-năng ăn nói nhập nhằng. Quyền-lực của bóng ma chỉ có tác dụng trong bóng tối. Trong một nghĩa nào đó, ta rất muốn được làm bóng ma ôn hoà no nê trong đại dương đau khổ tàn nhẫn của thế-giới này. Hãy nghe hay đọc lại những thuyết trình độc diễn trên những media của ta từ 20 năm nay, ta dễ dàng thấy liền.


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tôi đề cập tới những ngoan đồ của « tư-tưởng độc-nhất », những tác giả tôn thờ Thị-trường.

[2] và sự dốt-nát của chính họ ! Ngày nay, nghệ-thuật chính-trị thường thu gọn vào sự dọa dẫm ấy. Sau đây, một thí dụ gần nhất (Le Monde, cuối tháng 5-1999). Cách đây hơn 20 năm, một vị đoạt giải Nobel kinh-tế-học, ông Tobin, đề xướng rằng nên lập một khoản thuế trên những giao dịch tài-chính để giảm bớt sự hỗn loạn của thị-trường. Cách đây hơn 2 năm, ứng cử viên Jospin và Đảng Xã-hội ghi thuế đó trong cương lĩnh của mình để ra tranh cử và ông Fabius đã tố cáo điều ấy như một đường lối bông lông không thực tế và cổ hủ (chắc ông Rocard sẽ bảo là cổ lỗ sĩ !). Cách đây vài ngày, ông Fabius lại chủ trương thiết lập thuế đó vì thủ tướng Jospin vừa được bầu đã vứt ngay vào xọt rác. Dường như họ đều là những chính-trị-gia có tinh-thần trách-nhiệm, nắm rõ hồ sơ của những vấn đề, thậm chí là những người có tầm vóc lãnh tụ Nhà nước. Xin thông báo trước cho các chuyên gia kinh-tế : trong địa phương xinh đẹp này của thời toàn cầu hoá, đề xướng một khoản thuế nho nhỏ như ông Tobin sẽ giúp quý vị tồn-tại trong ký-ức của thiên hạ lâu dài hơn tất cả lý-thuyết của quý vị. Đúng thế, ý-kiến này đâu đến nỗi ngu xuẩn. Còn lại, ngày nay ai nhớ tới kiến-thức khoa-học của ông Tobin ?

[3] Tôi không đến nỗi không biết rằng có những hình-thái quyền-lực vô danh. Quyền-lực của một người quản lý một quỹ đầu tư có khi xuất phát từ tính hầu như hoàn toàn vô danh của những thành viên của quỹ đó. Từng người một, không ai có bất cứ quyền-lực nào trên nền kinh-tế quốc gia hay thế-giới. Nhưng trong tư cách tập-thể, họ có thể có một quyền-lực quyết định. Xã-hội-hoá sự bất-lực cá-nhân thành một quyền-lực « tập-thể » không ai kiểm soát được, không bị kiểm soát, hiện lên trong xã-hội của ta dưới bộ mặt vô danh. Nó biểu-hiện sự phi-chính-trị-hoá quan-hệ giữa người với người, sự phi-nhân-hoá con người. Một đặc điểm của thời đại này là nó có khả-năng xác-định nơi và lúc sự phi-nhân-hoá đó xảy ra và, do đó, có khả-năng kết liễu nó. Nhưng điều ấy đòi hỏi dũng cảm chính-trị, một món hàng hiếm trong thời nay. Chưa bao giờ con người có nhiều điều kiện như thế để sống thanh thiên bạch nhật trong lĩnh-vực này, để khiến quan-hệ giữa họ trở thành quan-hệ do họ muốn hay chịu đựng một cách có ý-thức. Sự-kiện họ từ chối làm điều ấy là căn bệnh tiêu biểu của nền văn-minh của ta. Trong những nền văn-minh khác, người ta đã từng hay đang sống sót nhờ cách thần-thánh-hoá sự dốt-nát. Nền văn-minh của ta duy trì sự dốt-nát bằng cách che đi một kiến-thức có trong tầm tay. Giả-dối với chính-mình và thái-độ xinic là dấu ấn đặc-thù của nền văn-hoá thống-trị chúng ta, nền văn-hoá thị-trường.

[4] Đoạn này liên quan tới một đề tài tranh luận ở Pháp và Châu Âu : Ngân hàng chung của Châu Âu. Ngân hàng này quyết định đường lối tiền-tệ cho các nước trong Cộng đồng Châu Âu một cách hoàn toàn độc-lập, tự chủ đối với mọi người, mọi nước. Trong chuyện bổ nhiệm chủ tịch của ngân hàng này, Pháp và Đức bất hoà. Cuối cùng họ đi tới thỏa thuận : bổ nhiệm một anh Hà Lan với điều kiện anh đó sẽ từ chức hai năm sau để nhường ghế cho một anh Pháp. Tục ngữ Pháp có câu : Le ridicule tue, Vô duyên giết [người vô duyên].

[5] Objet d'une science. Trong tiếng Pháp, objet (vật-thể) cùng gốc với objectif (tính khách-quan). Vật-lý có tính khách-quan, tính khoa-học vì đối tượng của nó là những vật-thể. « Dịch » thế này với ý : đối tượng nghiên cứu của các môn « khoa-học » nhân-văn không thể xử-lý được với những phương-pháp khoa-học thông thường.

[6] Đặc biệt có những công cụ quan sát, đo lường.

[7] Toàn bộ vật-giới đồng-chất, xét dưới dạng năng-lượng hay tính vật-chất. Do đó, người ta có thể chuyển đơn-vị-đo-lường cụ-thể này qua đơn-vị-đo-lường cụ-thể khác một cách nhất-quán. Coi Engels, Dialectique de la nature.

[8] mang danh hiệu nợ và có.

[9] Chuyện tức cười, nhất là từ khi người Âu Châu vừa mới đi bầu thuận hay chống tiền Euro.

[10] Ta có thể đọc một phê-phán sắc sảo của hầu hết những luận-điểm được vận dụng ngày nay để giải thích giá-trị của hàng-hoá, ý-nghĩa của đồng tiền trong... Contribution à la critique de l’économie politique và Le Capital của Marx. Đủ nói lý-thuyết về vấn đề cơ-bản này đã thoái hoá đến mức nào.

[11] Sẽ chẳng ai coi trọng học phải nào không thực-hiện sự phương-trình hoá đó.

[12] Độc giả tò mò về vấn đề này có thể tìm thấy tư-tưởng của ông trong Contribution à la critique de l’économie politique và Livre 1er du Capital. Tác-phẩm đầu khó hiểu vì cách trình bày « làm dáng » với tiếng lóng của Hegel. Những đoạn liên quan tới vấn đề này trong tác-phẩm thứ hai, mà tác giả nói là tóm tắt tác-phẩm đầu, đọc rất mệt vì chúng quá cô đọng. Ở đó, ta có thể đọc một chương lý thú về tính thánh-vật của hàng hóa đã từng làm nhiều triết gia, nhà thơ, nhà văn và những hiệp sĩ tư-duy khác của nghệ-thuật và văn-chương say mê. Đúng là đáng đọc vì, trừ khi ta đã mất trí-nhớ hay đã điên, dưới uyển ngữ dịu dàng « kinh-tế thị-trường », ta đang sống dưới chế độ kinh-tế tư-bản và, từ ít lâu nay, nó đang áp đặt quyền bành trướng bất khả xâm phạm của nó.

[13] Do Edelman trích, trong Biologie de la conscience, nxb Odile Jacob, 1992, tr. 261.

[14] Vài chục năm qua, trong văn-hoá thời thượng của Pháp, từ ý-thức-hệ bị coi như một kiểu suy-luận biểu-hiện những niềm-tin ngu ngốc, tai hại. Hannah Harendt, một bực thầy của trào lưu đó, đã định-nghĩa từ ý-thức-hệ như sau : niềm-tin tuyệt-đối (tất nhiên là ngu xuẩn) vào lôgích của một ý-tưởng, la foi absolue en la logique d'une idée. Tín đồ trào lưu này chỉ không biết rằng Marx và Engels là hai người đầu tiên khởi xướng phê-phán đó cả 150 năm rồi : L’idéologie allemande.

[15] Điều này chỉ đúng về mặt lý-thuyết thôi. Trong tình trạng dốt-nát ngày nay và tình thế bất-lực của những cổ thành viên lẻ chiếm đa số trong nhiều doanh nghiệp tư-bản lớn, anh xếp doanh nghiệp thường là anh vô trách-nhiệm nhất : lời hay lỗ, anh cũng thủ lợi to, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Mấy năm vừa qua, có đầy thí dụ lừng danh.

[16] Ngay điều này cũng chẳng có gì đảm bảo cả.

[17] Ông Camdessus, chủ tịch ban quản trị FMI từ 01/1987 đến 02/2000, có biệt tài sau : mỗi lần ông kê đơn trị bệnh kinh-tế và ép các nước chậm tiến vay tiền thực hiện, ông đều khiến những nền kinh-tế ấy sụp đổ và những xã-hội bị ông điều trị khủng hoảng. Le Monde Diplomatique, 01/2005.

Phan Huy Đường

Source : http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét