8/8/10

Phan Huy Đường - Phải điên điên mới mắc dịch

Phải điên điên mới mắc dịch

Phan Huy Đường



Dịch văn là chơi trò vô tăm tích. Phải điên điên mới mắc dịch.

Thế nào cũng có ngày ăn đòn. Độc giả chê là lẽ thường. Nguyên tác còn bị chê huống chi bản dịch. Đòn nặng nề nhất thường tới từ "đồng nghiệp". Dường như đây là một đặc sản Việt Nam. Ở Pháp ít khi thấy. Đòn đau đỏ nhất có khi tới từ tác giả. Ngoài những Borges, Umberto Eco… có mấy khi có tác giả hài lòng với bản dịch tác phẩm của mình? Văn mình hay đến thế, tại sao dịch ra tiếng nước ngoài lại không gây tiếng vang xứng đáng? Chắc chắn vì bản dịch tồi! André Gide dịch Dostoïevski, Baudelaire dịch Allan Poe còn bị chê cơ mà… Đó là chưa kể đòn đánh hôi.

Dịch giả phải điên đậm mới mong đợi được khen. Sách hay, thiên hạ bàn về tác phẩm và tác giả, có mấy ai quan tâm tới dịch giả? Đáng đời! Dịch giả lâu lâu được hưởng lây chút tiếng thơm là mãn nguyện lắm rồi. Đố ai nhớ tên hai dịch giả trác tuyệt của Borges qua tiếng Pháp, tiếng Anh…

Ai muốn kiếm ăn nhờ nghề này, nên đắn đo kĩ! Chẳng mấy ai sống được với nghề bấp bênh, tiền còm, rắc rối, căng thẳng này.

Có lẽ vì thế, ở Pháp, chẳng mấy ai chọn nó làm nghề nuôi thân. Vào oép ATLF, Hội dịch thuật văn chương Pháp, thì thấy. Tất nhiên, không phải mọi dịch giả đều vào hội. Nhưng nó là tổ chức tiêu biểu nhất ở Pháp trong lĩnh vực này. Chỉ có 534 hội viên thôi.

Trên 534 người, chỉ 31% dùng nghề này làm nguồn thu nhập duy nhất. Tôi từng quen một số. Phần lớn là phụ nữ! Lớn tuổi, trên 50, có người đã về hưu. Có gia cảnh ổn định thoải mái, không thực sự cần thu nhập này để sống, dịch văn vì yêu văn chương thay vì yêu chuyện khác.

Số còn lại, phải kiếm ăn thêm nơi khác, trong giảng dạy, xuất bản… 1/3 hội viên sống bằng nghề chính khác, thỉnh thoảng mới nổi hứng dịch văn.

Họ dịch tiếng nào qua tiếng Pháp nhiều nhất?



Tiếng
%

Anh-Mỹ
52

Đức
16

Tây Ban Nha
8

Ý
6

Tổng cộng
82

Các tiếng còn lại
18




Bình thường, con người không điên. Tuy vẫn có, ít thôi. Nhưng lâu lâu hâm hâm một tí, điên điên một tí, ai chẳng đã từng? Trong các hình thái điên, phổ biến nhất, khùng nhất là… yêu. Lâu lâu, ai chẳng… thèm yêu! Có thể vì thế, những dịch giả tôi từng quen thường là kẻ… si tình.

Si ai? Rất dễ trả lời cho rất ít dịch giả: cơ bản, họ chỉ dịch một tác giả thôi, tác giả họ mê. Nhưng tác giả được nhà xuất bản Pháp đăng toàn tập xuyên qua kế hoạch 10-20 năm rất… hiếm. Thế thì tìm tác giả VN để mình si mê một vài chục năm chẳng dễ tí nào, than ôi!

Đành hạ thấp cơn thèm yêu vậy: yêu cái gì? Yêu một tác phẩm. Thế là có vấn đề… thủy chung. Yêu liền tù tì nhiều tác giả khác nhau, gọi là chung thủy sao được? Nhưng thôi, yêu kiểu này cũng chẳng chết ai, chẳng đến nỗi nào. Miễn sao chung thủy với tác phẩm là được. Thế mới chết chứ!

Chung thủy với tác phẩm là chung thủy với cái gì?

Trước khi dịch, phải đọc. Cùng hoàn cảnh, cùng lúc, ba độc giả đọc cùng một tiểu thuyết, trong đầu họ hình thành ba tác phẩm… khác nhau. Tác phẩm không có hình thái tồn tại nào khác ngoài… ba tác phẩm ấy, trừ khi ta coi tập giấy lem nhem mực mới là tác phẩm đích thực. Khốn nỗi, đưa sách tiếng Việt cho người mù chữ hay không biết tiếng Việt, sẽ chẳng có tác phẩm nào hiện-thực trong nhân giới cả. Người ấy không vứt hay bỏ xó quyển sách thì dùng nó để phục vụ một nhu cầu tầm thường nào đó của cuộc sống. Văn chương ca ngợi Sự Sống chưa chắc là văn chương ca ngợi văn chương.

Bi đát hơn, ta đọc một quyển sách văn chương ở hai thời điểm khác nhau trong đời ta thì ngay ở ta đã hình thành hai tác phẩm… khác nhau! Ai đã đọc Le petit prince trong tuổi thơ, cứ thử đọc lại lúc về già thì biết. Đọc Tam Quốc Chí cũng vậy.

Cuối cùng, kinh hoàng hơn cả, nếu ta đọc đi đọc lại một tiểu thuyết ba lần liền tù tì, trong đầu ta sẽ hình thành ba tác phẩm hao hao giống nhau, nhưng vẫn khác nhau!

Tác phẩm nào, trong tất cả tác phẩm trên, đích thực là tác phẩm "của" tác giả? Ta thủy chung với tác phẩm nào đây? Lựa chọn thế nào đi nữa, cũng sẽ ăn đòn, hè hè… Đã phải ăn đòn, ăn đòn cho đáng: dịch tác phẩm ở chính mình khi mình hạ bút, vừa tỉnh vừa say, lạnh lùng mê man, hoàn toàn ý thức và miên man khắc khoải trước từng chữ từng câu. Như hành văn, đọc văn là một nghệ thuật và muốn dịch văn thành văn cũng phải biết viết chính mình! cái mình hình thành khi gặp người khác xuyên qua ngôn ngữ chung của người Việt và riêng của người ấy, cái mình văn-chương, cái mình mình nhất!

Chính tính chất hàm hồ, nhập nhằng của chữ nghĩa cho phép ngôn ngữ có lúc biến thành văn, thành nghệ thuật: đa tầng, đa nghĩa, đa ý, đa cảm, đa dâm, đa… tình. Tình tính tang, tang tính tình, mình ơi mình, mình mình ơi… Tóm lại: dada[1]. Hè hè… Mỗi độc giả yêu tác phẩm với bản thể của chính mình, chẳng ai yêu giống ai cả. Vì thế hành văn kinh điển rõ ràng mạch lạc với người đời mà vẫn thành văn, cực khó! Phải cỡ Gide, Saint-Exupéry, Camus hay Sartre mới viết được! Tuy vậy, không nên tưởng rằng khéo lợi dụng tính nhập nhằng của ngôn-ngữ, viết gì cũng thành văn! Nhà văn khác thợ chữ ở đó. Muốn hành văn, phải có tâm. Và tâm ấy phải có điều gì đáng biến thành lời, thành ngôn ngữ của người đời.

Vì thế, muốn dịch văn, phải biết liều, phải biết yêu. Liều, khối người biết liều. Còn yêu, ai chẳng biết! Cho nên, ai cũng có thể dịch văn, không cần cả đống bằng cấp trong lĩnh vực văn chương, tuy có một vài cũng tốt thôi vì trước khi làm nghệ thuật, học được chút tay nghề không nhất thiết tai hại, không nhất thiết biến thành thợ chữ. Nhưng yêu tất cả và bất cứ gì, yêu tràng giang đại hải, còn gì là thủy với chung, đặc biệt là thủy chung với chính mình? Khả năng yêu vốn tràn lan ở mọi người, trong cả không gian lẫn thời gian, không đồng nhất với khả năng biết yêu rất giới hạn ở từng người.

Riêng với tôi, muốn dịch văn thành văn, chí ít phải biết yêu ba điều.

1) Biết yêu hai ngôn ngữ mình dùng để cảm nhận, sống, yêu và tư-duy thế-giới.

Yêu tận sự khác biệt giữa chúng! Ngôn ngữ là hình-thái quan-hệ tổng hợp toàn diện, sâu sắc, riêng tư, thầm kín nhất giữa người với thế-giới trong cả ba chiều kích của nó: vật-giới, sinh-giới (không giới hạn ở "thú giới" như khi người Việt nói về thú vật, thú tính; nó gom cả sinh-vật mà chính ta là) và văn hoá, thế giới tinh thần ở người khác và ở chính mình. Không yêu tiếng Việt và tiếng Pháp như nhau, như mình, khó mà dịch văn thành văn.

2) Biết yêu chính văn bản mình dịch.

Dịch văn là dịch một văn bản nhất định, không dịch cảm xúc, suy diễn miên man của chính mình khi mình đọc văn, dù những điều ấy thế nào cũng ảnh hưởng tới bản dịch.

Trong văn bản, chí ít cũng có một phần có thể dịch chính xác, khách quan: quan-hệ giữa người với vật-giới. Khi tác giả viết "bàn màu trắng", ta chẳng thể dịch thành "ghế màu đen". Dĩ nhiên, "bàn màu trắng" thể hiện quan-hệ tổng hợp giữa người với vật-giới. Cái bàn là một vật-thể có thực. Xuyên qua nhãn quan của tác giả, nó có thể có hình thù, màu sắc. Nhãn quan ấy là một hình-thái quan-hệ giữa một loại sinh-vật với thế giới vật-chất[2]. Quan-hệ ấy hiện-thực-hoá bằng ngôn-từ, biến thành khái-niệm. Khái-niệm ấy, ta có thể hiểu vì những ngôn-từ trên biểu đạt ý-chung[3] của người đời: đối với người Việt thôi, "tự nó" có cùng một ý nghĩa trong đầu ta và trong đầu người khác, ai không biết, mở từ điển ra xem. Con người có thể hiểu nhau nhờ những ý-chung đó. Nhưng ai cũng biết, tác phẩm chỉ có ý-chung thôi khó lòng thành văn. Ngay ở mức đơn giản ấy, xem kĩ một tí, ý-chung kia trừu tượng, nghèo nàn, méo mó, như mọi khái-niệm. Đọc câu văn trên, chẳng ai hình dung được cái bàn tác giả đề cập tới, thực tế nó thế nào! Cao thấp bao nhiêu, bề rộng bề ngang ra sao, v.v. Nó không là cái bàn thực, khách quan. Viết cả nghìn trang, chưa chắc tả cạn được bất cứ cái bàn nào trong đời thực. Cứ xem B. Russell bàn về kiến thức của ta về một cái bàn thì thấy[4]! Cái bàn ở đây là một vật thể ảo. Tác giả đã gạt bỏ hết những thuộc tính của cái bàn thực ngoài một thuộc tính : trắng. "Bàn màu trắng" là kết quả của lựa chọn. Nó thể hiện một quan-hệ nhất định, giới hạn của tác giả với vật-giới thực xuyên qua thế giới ảo của văn chương. Vì sao tác giả lựa chọn quan-hệ ấy? Tình cờ hay cố ý? Bản thân câu văn trên không cho phép ta biết được. Nếu tác giả cố ý, ta có thể tìm hiểu ý đồ đó, nhưng ở nơi khác, qua những câu văn khác. Có thể tác giả không cố ý, đã lựa chọn theo bản năng, tiềm thức. Ta vẫn có thể phát hiện điều ấy qua những câu văn khác ở nơi khác trong văn bản. Toàn bộ văn bản cần thiết cho ta cảm và hiểu một câu văn. Dịch văn chính là "dịch" quan-hệ tổng hợp ấy của tác giả với thế-giới xuyên qua ngôn-ngữ. Chính vì nó thể hiện bằng ngôn-ngữ, ta có khả năng tiếp cận, cảm nhận, hiểu nó phần nào.

Ngoài quan-hệ với vật-giới, tác phẩm thường có quan-hệ nhục-cảm với sinh-giới, trong đó có quan-hệ nhục-cảm giữa những sinh-vật người. Cuối cùng, có quan-hệ lý-trí và giá-trị giữa người với người. Toàn bộ những quan-hệ ấy đều… chủ quan. Đương nhiên, khi tác giả viết "đau", chẳng ai hiểu và dịch thành "sướng". Nhưng tác giả đau hay sướng thế nào khi hạ bút, chẳng ai có thể biết được. Những thứ ấy không thể truyền cho nhau xuyên qua định nghĩa của ngôn-từ trong từ điển. Nhưng vẫn có thể cảm được, yêu được xuyên qua cách viết của tác giả, xuyên qua văn phong trong văn bản. Quan-hệ chưa thể nên lời ấy giữa tác giả với độc giả gọi là quan-hệ văn-chương, khi ta may mắn được đọc một tác phẩm văn chương đích thực. Quan-hệ ấy tiềm tàng ngay trong văn bản. Văn bản là nền tảng có thực cho phép ta thiết lập quan-hệ ấy với tác giả. Vì nó là tiếng Việt và ta là người Việt, quan-hệ ấy khả thi. Vì tiếng Việt vừa là của mọi người Việt, vừa là ngôn-ngữ riêng của tác giả, vừa là ngôn-ngữ cá-biệt của chính ta, một không-thời gian lạ lùng có khả năng hình thành: văn-chương, sự gặp gỡ giữa hai cá-nhân vừa biệt-lập vừa đồng-thể vì có chung một ngôn-ngữ ngay ở mình, từ đáy lòng tới trí não, gợn cả thịt da.

3) Biết yêu chính mình. Biết "tự ái"!

Rõ chán! Tôi vốn không yêu chính mình, ít tự ái tới mức tội nghiệp. Có lẽ vì thế văn chương văn gừng của tôi thường khiến độc giả khó chịu, dội ra. Năm thì mười hoạ, cũng như ai, tôi cũng thèm được yêu chút đỉnh để có thể yêu chính mình tí ti xuyên qua tình yêu của người khác đối với mình. Đường ngắn nhất từ tim anh tới tim anh đi qua tim em[5] mà… Nhưng chẳng mấy khi được toại nguyện, hè hè…

Một hôm, một nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam cho tôi biết: trong triết cổ Trung Quốc, khái niệm "tự ái" không có nghĩa xấu của nó hôm nay. Nó nghĩa là yêu chính mình, yêu chất người ở mình[6], yêu nhân cách của mình, không cho phép bất cứ ai xúc phạm nhân cách ấy vì nó là điều quý báu nhất ở ta, khiến ta hơn thú vật. Tôi chợt hiểu: muốn hành văn, muốn dịch văn, chí ít phải biết yêu chính mình, yêu một phần người đời ở mình, phần đáng yêu thôi. Điều khiến mình khác thú vật, tôi biết từ lâu, chính là khả năng tư-duy bằng ngôn-ngữ. Ngôn-ngữ đó không do ta tạo ra, nó do người đời từ xa xưa tới hôm nay ban tặng cho ta, nó là người khác ở ta, "Ta là tha nhân" mà[7]! Nó là nhân tính của ta. Không có nó, ta không thể nên người. Chỉ có nó thôi, ta không thể trở thành chính ta. Ở nó, có tất cả thiện-ác, hay-dở, đẹp-xấu, trí tuệ và sự ngu ngốc, mệnh danh: tôi. Do người khác nhào nặn mà hình thành. Còn cái tôi cá biệt, không ai nhào nặn được, và do đó chưa thành lời được, chính tôi phải đưa nó vào nhân giới, phải biến nó thành lời, thành cái tôi của mọi người. Văn-chương chính là thể thống nhất mâu thuẫn của hai cái tôi ấy: ta đã trở thành chính mình nhờ tha nhân, nhưng ta chỉ có thể trở thành chính ta khi ta dám phủ nhận chính mình do tha nhân nặn ra, sáng tạo chính ta trong nhân giới, và ta chỉ thành công được nhờ ưng thuận tự do của… tha nhân. Nó mà ngáp dài, gấp sách lại, tác phẩm "của ta" toi mạng ngay! Vì thế có nhiều thi sĩ, văn sĩ hiên ngang tuyên bố: tôi làm thơ, viết văn cho chính tôi thôi, không quan tâm tới ai khác, thế mà vẫn tìm cách đăng! Và khi không đăng được, lại… cay đời! Ôi, chính tôi cũng đang cay đời đây! Hè hè… Tất nhiên, quá nhiều thứ không đáng đăng mà vẫn được đăng, thậm chí ăn khách hết xảy! Kinh tế thị trường toàn cầu hoá mà! Hoà nhập thế giới hiện đại mà! Bộc phá văn chương Ziao Chỉ mà!

Rất sớm, tôi đã biết ghét, ghét cay ghét đắng người đời ở tôi. Than ôi, trong quá nhiều năm, tôi không biết yêu nó. Chỉ thỉnh thoảng khi đọc văn, tôi mới thoáng mủi lòng. Và chỉ từ khi dịch văn tôi mới hiểu: chúng ta có thể cảm, hiểu và yêu nhau vì chúng ta có một thế giới ngôn-ngữ chung cho phép chúng ta, nếu muốn, có được một cuộc gặp gỡ riêng: văn-chương. Cuộc gặp gỡ ấy chỉ khả thi vì chúng ta đều yêu một điều gì trong thế-giới chung ấy và, trên cơ sở ấy, mang lại cho điều chung ấy và cho nhau một sắc thái cá biệt: chính ta. Biết yêu chính mình là biết yêu người khác ở mình, biết mở lòng mình cho người khác nhập vào để, khi may mắn, được gặp, được yêu một người khác và, qua đó, yêu chính mình trong kích thước cá biệt của mình… hơn! Hè hè… Văn-chương là nghệ-thuật bằng ngôn-từ ở đó. Nó là kích thước không thể thiếu được ở con người, là khát khao của mọi người dù thô bạo nhất. Dịch văn cũng vậy. Khi ta yêu một tác phẩm đến mức ta đem nó khoe với bạn, ta bắt đầu dịch nó rồi. Nếu ta khoe với bạn ngoại quốc, ta thực thụ dịch nó ở mức sơ sài. Chắp bút viết nó để đăng, gọi là dịch văn.

Có lẽ vì thế, trước khi hạ bút dịch một tác phẩm, tôi phải đọc nó ít nhất ba lần. Nó mà dài gần 1000 trang thì… hè hè.

Lần đầu.

Thoải mái. Tha hồ rung cảm, tưởng tượng, suy diễn. Tùy tiện. Thế mới thích. Nếu không cảm nhận được điều gì thiết thân với chính mình, dù người đời khen tác phẩm trác tuyệt, dù tôi cũng thấy hay, tôi không đọc lại. Thú thực, tôi rất ít khi đọc một tác phẩm hai lần, tuy có tác phẩm tôi đọc đi đọc lại hơn chục lần. Với trí nhớ tồi tệ của tôi, nhiều tác phẩm tôi từng đọc coi như chưa hề ở tôi. Không có nghĩa nó dở, chỉ nghĩa là tôi không có khả năng cảm nhận nó, thế thôi.

Lần đầu đọc văn, tôi đọc với tâm, không đọc với trí. Tâm là quái gì? Không có định nghĩa chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. "Tâm ở đâu mà điểm?", hè hè… Với tôi, đó là con người toàn diện của tôi, với toàn bộ quá trình hình thành tôi, từ cảm xúc, tình cảm, ý thức mơ hồ của tuổi thơ, hãi hùng có, âu yếm có, tuyệt vọng có, tin tưởng cũng có, tuy ít ít thôi, kiến thức học được sau này ở nhà trường, sách vở, và nghiệm-sinh học được ở trường đời, dẫn tới con người hôm nay gọi là tôi, với kiến thức đúng và sai, nghiệm-sinh hay và tồi, phương pháp suy luận "hè hè" của nó, với khát khao yêu, được yêu bất tận của nó. Đó là tâm của tôi. Đọc văn, khi tâm khựng lại, tôi không đọc tiếp ngay, có khi không đọc tiếp nữa.

Lần thứ hai.

Mệt nhọc. Tôi đọc với trí càng lạnh lùng càng tốt. Tôi đọc để hiểu. Hiểu những gì khả dĩ hiểu được. Không chỉ hiểu ý-chung riêng lẻ, cấu vài từ vài câu đắc ý vì khác thường ra để suy ngẫm. Còn muốn hiểu mò những gì vượt những ý-chung tuy không thể độc lập với chúng. Ý-chung là nền tảng cho phép con người hiểu nhau, hiểu người khác muốn nói gì. Một ý-chung riêng lẻ có thể không nói "hết ý" của tác giả. Nhiều ý-chung gom lại, xuôi về cùng một ý tưởng có thể giúp ta hiểu tác giả hơn. Điều ấy gọi là suy diễn, dĩ nhiên chủ quan, suy diễn mà, nhưng có cơ sở văn bản. Nói chung, đã đọc văn, phải suy diễn. Có người suy diễn tuỳ tiện theo bản năng cảm tính niềm tin thành kiến ngẫu hứng tự ái tự kiêu của mình, có người suy diễn dựa theo văn bản của tác giả, "nói có sách, mách có chứng". Khi đọc văn, tuy rất hiếm, có lúc tôi cho phép mình suy diễn tùm lum. Thi thoảng mình cũng cần mơ mơ màng màng đốt thời giờ chứ! Khi dịch văn, tôi buộc tôi suy diễn theo văn bản.

Thí dụ, trong truyện ngắn Sông nước đời thường của Nguyễn Quang Thân, câu văn sau, tự nó có nghĩa, người Việt bình thường ai cũng hiểu như nhau:

Chưa ngủ được với chị, em ân hận suốt một đời.

Nó thể hiện uất ức của con thú biết nói nhưng yếu ớt, sợ sệt, không tranh giành được con cái, đành để con đực khỏe hơn nó nhảy ngay trước mặt nó, hay nó thể hiện nỗi đau yêu toàn diện của con người? Có thể suy diễn trong cả hai hướng. Tùy tâm người đọc. Tâm tôi khiến tôi hiểu câu ấy trong nghĩa: yêu toàn diện. Trí tôi lại cho phép tôi dựa vào văn bản mà yên… tâm. Vì truyện ngắn này, trong tổng thể, rất nhân bản. Vì người đàn bà khiến thằng đàn ông thốt lên câu ấy là người đàn bà ngay thẳng, sòng phẳng, quật cường, hiên ngang, thà chết tự do còn hơn cúi đầu ép xác sống đời nô lệ. Thằng Đến muốn được ngủ với người đàn bà ấy chứ không phải ngủ với bất cứ ai, ở đời nay có khó gì, vì thế mà phải "ân hận suốt một đời" khi không được cho! Vì tôi lỡ yêu tiểu thuyết Ngoài khơi miền đất hứa của Nguyễn Quang Thân như tiểu thuyết hay nhất về tình bạn, nam-nam, nữ-nữ, nữ-nam, trong văn chương hiện đại Việt Nam.

Lần thứ ba.

Để trầm mình trong bầu không khí mà văn bản tạo ở tôi, sau khi tôi đã sảng khoái vô lối, đã tìm hiểu khắt khe, đã "biết hết". Để yêu. Có ý thức! Với tôi, nhu cầu dịch văn là nhu cầu yêu có ý thức. Yêu người khác ở mình, yêu chính mình, mong chính mình sẽ trở thành một phần mình ở người khác nữa, không khát khao chiếm hữu mà khát vọng chia sẻ. Với mọi người ở đời, trong một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ. Thế thôi. Không có nhu cầu ấy, tôi không dịch văn của bất cứ ai, nhất là của tôi. Đó không là phương tiện sinh nhai của tôi, không là giấc mơ danh vọng (hão) của tôi. Càng không là hoài bão "là nhà văn" của tôi: khi cần, tôi viết chính mình với những văn phong của chính mình, tuỳ đề tài, tiếng Pháp cũng như tiếng Việt.

Sau khi đọc lần thứ ba, hoặc tôi còn nhu cầu dịch hoặc tôi không có nhu cầu ấy nữa. Nếu còn nhu cầu dịch, tôi biết rõ tôi dịch điều gì từ văn bản nào ở tôi, tuy không thể biết trước tôi sẽ thể hiện nó thế nào, sẽ dịch ra sao từng câu từng chữ.

Người Pháp không coi dịch văn như kỹ thuật, kiến thức. Họ coi hành động ấy như hành động sáng tác nghệ thuật, coi dịch giả như một tác giả[8] và lập ra luật lệ tương xứng. Họ có lý. Một nửa thôi. Đúng, khi ta hạ bút dịch văn, ta không biết trước ta sẽ dịch từng câu từng chữ như thế nào, ta sẽ phải sáng tác. Nhưng ta không thể sáng tác tùy hứng như nhà văn! Ta chỉ là dịch giả thôi, ta phải dịch một văn bản nhất định! Khi hạ bút, ta biết trước tất cả, toàn cục và chi tiết, và những điều ta biết trước đều của người khác, không là của ta: cốt truyện, nhân vật, tình tiết, khúc văn khiến ta rung động, câu văn khiến ta đắc ý. Chính vì thế ta có thể dịch được bầu không khí văn bản khơi ở ta. Khi hạ bút dịch một câu văn, ta dễ dàng hà hứa đưa đẩy, hà hứa theo một câu văn ta đã dịch hàng chục trang trước đó, đưa đẩy một câu văn khác mà ta chỉ sẽ dịch hàng trang, thậm chí hàng chục hàng trăm trang sau đó. Khi cần, ta trở lại từng câu văn, sửa, "biên tập", để đạt mục đích cuối cùng của ta: tái tạo trong tiếng nước khác bầu không khí tác phẩm tạo ở ta. Điều này không khác nghệ thuật hành văn của tác giả lắm, ngoài chuyện này: ta thấy trước hết trong khi tác giả có khi chỉ phát hiện lúc biên tập lại chính mình vì có khi tác giả không thực sự biết trước mình sẽ sáng tác những gì như thế nào. Nghệ thuật hành văn không hẳn là kỹ thuật viết đề án văn chương văn học! Cũng chẳng chỉ là chuyện mài câu giũa chữ. Trong lúc dịch văn, như tác giả, ta phải biên tập lại chính mình, nhưng ta chỉ nên làm chuyện ấy trong khuôn khổ của văn bản. Văn bản ấy do người khác tạo ra. Tác giả có toàn quyền xô đẩy, thay đổi, chuyển hướng nó khi đang hành văn, khi nó chưa thành văn bản. Thậm chí, tác giả có quyền làm điều ấy nhân dịp tái bản tác phẩm. Ta thì không: tác phẩm ta dịch là văn bản này, thế thôi.

Yêu, chỉ một người đàn bà thôi, trong đời sống thường ngày, đã ngấm đòn nhừ tử, ngác ngơ khờ người, ai cũng đã từng nghiệm sinh. Thế mà muốn dịch văn, toàn chuyện hão, lại phải yêu những ba điều! và phải yêu đến ba lần! Khiếp thật! Đúng là phải điên điên mới mắc dịch! Hè hè…



09/2007

© Copyright Phan Huy Đường

dịch giả nghiệp dư

nhà văn dư nghiệp





--------------------------------------------------------------------------------

[1] Một học phái, văn phái của Tây Âu, đầu thế kỷ 20.

[2] Trong cùng hoàn cảnh, con cú chẳng thấy gì hết vì mắt nó mù trong ánh sáng. Trong bóng đêm, chắc chắn nó nhìn thấy một cái gì vì khi bay qua nó biết tránh né, không dập mình vào vật thể ấy. Nhưng trời mới biết được điều nó thấy có hình thù nào, màu sắc nào.

[3] Lieu commun.

[4] The problems of Philosophy, Bertrand Russell, Opus, Oxford University Press

[5] Le plus court chemin de mon cœur à mon cœur passe par ton cœur. Chẳng còn nhớ là của ai nữa, xin lỗi và mừng cho tác giả: ngôn ngữ của riêng bạn đã biến thành tiếng nói của người đời! Như thơ Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương ấy mà…

[6] Có tác giả chỉ biết yêu chất thú ở con người thôi. Có vị còn thăng hoa bản năng ấy thành tình yêu Sự Sống tuy, ngay hôm nay, chẳng ai định nghĩa được Sự Sống là gì. Họ đã làm chuyện ấy bằng ngôn-ngữ, vốn không có trong thú giới, nghĩa là: ở một vài thời điểm trong một nền văn hoá, một số giá trị của người xưa để lại không cần thiết cho một cuộc đời văn minh phóng khoáng nữa, chỉ dồn nén con người một cách vô lý, tàn nhẫn và vô ích thôi, nên dẹp! Giá trị của các tác phẩm ấy đáng quan tâm và giới hạn ở đó. Muốn viết thành văn chẳng dễ tí nào. Chí ít phải có văn hoá đầy mình, chưa nói tới tài năng dị biệt. Cứ coi văn dâm để đời của thiên hạ tứ xứ thì thấy: ở Pháp, trong suốt thế kỷ 20, đếm chưa hết đầu ngón tay! Toàn là của đại văn hào, nhà văn lơ mơ, đi chỗ khác chơi! Muốn nhại họ để bộc phá văn chương Việt Nam cũng không nhại nổi!

Một khi ta đã được hay đã tự giải phóng khỏi những cũi quá khứ không cần thiết nữa ấy (và ngày nay, thanh niên nó làm tràn, cả đêm lẫn ngày, chẳng cần xin phép ai, kể cả bố mẹ, kể cả nhà văn!) ta sống với nhau như thế nào đây? Tranh nhau con đực, con cái, nhảy nhau loạn xạ tới kiệt tinh? Cần quái gì văn chương nghệ thuật mới làm được? Mài câu giũa chữ giỏi đến mấy cũng chỉ đến thế thôi.

[7] "Je est un autre". Rimbaud. PHĐ nhấn mạnh. Câu văn này độc đáo, lạ lùng và sâu sắc ở "lỗi" văn phạm này. Thuở ấy, Hàn Lâm Viện Tây mà biết, nó uýnh Rimbaud chết tươi! Rimbaud đã xô đẩy văn phạm Pháp, đột ngột biến cái tôi ngông nghênh chủ thể tư duy của Descartes thành cái tôi vật thể của người đời ngay trong thâm tâm của chính tôi, khiến tôi phải nhìn chính mình một cách hoàn toàn mới, hoàn toàn xa lạ. Tuy Sartre chưa hề bàn tới nó, sau khi đọc L'Être et le Néant, Thực-thể và Hư-vô, ta hiểu nó đau đớn, sâu sắc, sáng giá đền thế nào trong văn hoá Tây Âu… Hèn chi thiên hạ bàn tới bàn lui cả thế kỷ mà chưa cạn ý!

[8] auteur

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét