Tư-duy tự-do
I. Những quan-hệ cơ-bản của con người với thế-giới
3. Sự-sống, quan-hệ giữa người với sinh-giới
Một thực-thể không có-thực-thể
Trong những lĩnh-vực kiến-thức, sự-sống là lĩnh-vực âm u nhất, dùng ngôn-từ mê hoặc mãnh liệt nhất lý-trí của con người. Trong những tạp chí phổ biến kiến-thức khoa-học người ta dám bàn về sự-sống của vũ trụ và các hành tinh mà không rùng mình[1]. Thật nực cười. Vũ trụ và các hành tinh vận-động thế nào đi nữa cũng không bao giờ vận-động dưới hình-thái sinh-tính. Có rất nhiều từ trong tiếng Pháp có thể dùng cả cho sự-sống lẫn tinh-thần, thậm chí vật-chất. Từ « sức-mạnh[2] » chẳng hạn. Nó đã từng lan tràn trong ngôn-ngữ vật-lý. Người ta đã phải phát-triển khoa-học vật-lý trong hàng thế kỷ mới tạo được cho nó nghĩa chính xác, kỹ thuật mà nó có hiện nay. Tuy vậy, khi nói tới sức-mạnh của một con người, người ta phải thêm ngay từ « vật-lý[3] » để phân biệt nó với « sức-mạnh luân-lý[4] » và người ta không biết để vào đâu « sức-mạnh thần-kinh[5] » của một chàng quán quân quần vợt. Ta có thể tìm thấy vô số thí dụ về sự ô nhiễm của khái-niệm ấy trong tác-phẩm triết-học, khoa-học nhân-văn hay khoa-học giả tưởng như trong phim Chàng Jedi trở lại. Trong phim đó, có « một cái gì » là đủ thứ chuyện : tốc độ và sự sắc bén của một lưỡi kiếm, sức sống mãnh liệt của một sinh-vật, sức-mạnh vô tận của tinh-thần. Cái đó gọi là Sức-Mạnh.
Ta linh-cảm sự khác biệt giữa sinh-vật và thực-thể phi-sinh-tính. Nhưng ta không biết sự-sống là cái gì. Có thể ngày nào đó ta sẽ biết. Có thể đánh cuộc ngay rằng ngày ấy ngôn-ngữ ta dùng để tư-duy sẽ bớt rác rưởi hẳn. Loài người sẽ sáng-tạo, như cho vật-chất, từ-ngữ và cách nói về những hiện-tượng sinh-tính hoàn toàn không có tính ma-quái hay tôn-giáo. Ngược lại ngôn-ngữ họ dùng để nói tới tinh-thần sẽ không còn từ ám chỉ những phẩm-chất đặc-thù của sự-sống, thí dụ như : sức sống mãnh liệt của một tư-duy !
Mỗi lần ta bàn về sự-sống hay tinh-thần, ngôn-ngữ của ta đẩy ta vào sự nhập nhằng rối rắm của ngôn-từ. Có thể rất thơ. Không có gì tai hại nếu ta muốn làm thơ hay hành văn. Nhưng quả là một thảm hoạ khi ta muốn lý-luận, muốn hiểu.
Với tiếng Pháp, ta không có luôn cả khả-năng đặt câu hỏi một cách đúng đắn về đề tài này. Ta buộc phải nói lóng. « Sự-sống là gì ? » Không là gì cả. Sự-sống không là một thực-thể. Sự-sống gồm có những cái gì ? Chẳng cái gì cả. Sự-sống không là một vật-thể cấu tạo bằng những vật-thể khác. Ta mổ xẻ một sinh-vật tới đâu đi nữa, ta không bao giờ tìm được một vật-thể, một chất-thể[6], một thứ gì mà ta có thể nói rằng : sự-sống là cái này. Và khi con người chết đi, ai có thể nói cơ-thể nó đã mất đi cái gì mà người ta coi rằng nó đã chết ? Tuy vậy, ta biết khi một người đang chết thì nó còn sống. Khi nó hết chết, người ta sẽ nói nó đã chết. Lúc đó, nó chỉ còn là một vật-thể, nó tồn-tại, nó không sống.
Quan-hệ giữa sự-sống với vật-chất
Không ai nói được sự-sống tự nó là gì. Lý do đơn giản : sự-sống không là một cái gì cả. Thể-từ[7] sự-sống không ám chỉ một chất-thể, một vật-thể, một thực-thể tự nó là nó. « Sự » sống ám chỉ một tập hợp vận-động, một quá-trình. Dĩ nhiên, không hề có sinh-vật phi-vật-chất và cũng chẳng có vật-thể nào không luôn luôn bị rung động bởi đủ thứ vận-động ngay trong bản thân nó. Tính vật-chất của cơ-thể, cấu trúc của nó, những vận-động vật-lý trong bản thân nó không là nhân-tố đặc-thù của sự-sống. Ta có thể tìm thấy chúng trong mọi vật-thể ta có khả-năng quan sát trong vũ trụ : những khối vật-chất có cấu trúc, có vận-động nội-tại, và vận-động trong thế-giới. Cho vui, ta có thể nói rằng sinh-vật là một hệ thống vật-chất siêu-tất-yếu[8] và gọi sự siêu-tất-yếu ấy là Sự-sống. Chẳng giúp ta tiến một li trong sự hiểu-biết sự-sống. Sự siêu-tất-yếu kia giống hệt hồn-lửa[9] hay hơi thở của Thượng-đế thổi vào thể-xác đất bùn của Adam.
Ta không thể bàn về sự-sống một cách hữu-lý với khái-niệm thực-thể và những phạm-trù gắn liền với nó. Làm thế là tự giam mình trong một cơn lốc từ-ngữ mơ hồ, nhập nhằng, không có nội-dung. Tính đặc-thù của sự-sống không là tính vật-chất hay những vận-động vật-chất trong sinh-vật, mà là hình-thái đặc biệt của những sự vận-động đó khi ta coi chúng như một tổng-thể, một quá-trình duy-nhất. Không phải tình cờ người đời nói một cách trực-cảm về những hình-thái của sự-sống. Nói thế rồi, vẫn còn phải định-nghĩa.
Một cơ-thể sống luôn luôn quan-hệ với môi-trường. Nó hít vào, thở ra, ăn, ỉa. Nó trao đổi vật-chất, năng-lượng với môi-trường. Phải chăng những quan-hệ đó là tính đặc-thù của sự-sống ? Mọi thực-thể có trong vũ trụ đều có những quan-hệ vật-lý ấy. Một hòn sỏi cũng quan-hệ với vũ trụ, đặc biệt với hành tinh Quả đất. Nhờ hấp-lực của Quả đất, nó không lạc mình trong « sự im-lặng vĩnh-cửu của những không-gian vô tận » khiến triết gia của hình-học đam-mê hãi hùng[10]. Nó không ngừng trao đổi vật-chất và năng-lượng với môi-trường. Trong bản thân nó, ở mức hạt nhân, nó bị vô số vận-động rung động nó. Nó tự-sưởi-ấm, tự-nguội-đi[11] và, tùy cấu trúc hoá học của nó, nó « tự » thay đổi qua sự tiếp cận với những nguyên tố có trong không khí. Điều gì cấm cản ta nói tới đời sống của một hòn sỏi ? Cứ theo đà ấy, ta có thể gán cho nó một linh-hồn. Tại sao không ? Nhưng ta linh-cảm rằng nó không là một sinh-vật. Sự linh-cảm ấy từ đâu ra ? Nó chỉ có thể có từ cảm-nhận ta có ở chính ta hay từ những gì ta quan sát được trong thế-giới.
Ta có thể cảm-nhận những gì ở chính ta ? Nóng, lạnh, đau đớn, khoái lạc. Mọi thứ, trừ sự-sống. Thật nghịch đời. Chẳng bao giờ ta cảm-thấy ta sống hay ta chết tuy trong từng khắc ta sống và ta chết. Không chết hoàn toàn vì thiên hạ sẽ biết liền. Cảm-giác sống thầm kín, ta chỉ cảm-nhận sau khi thoát khỏi nguy cơ chết, khi ta la lên : « Ôi, tôi thấy như sống lại ». Thế cũng đủ rõ mọi chuyện. Bất kể ta vừa thoát khỏi nguy cơ chết nào, ta chưa hề ngưng sống. Nếu không, ta sẽ chẳng bao giờ có dịp thở phào như thế, chẳng thể cảm-thấy ta sống lại. Khi ta nói : « Tôi cảm-thấy được sống ! » ta biểu-đạt một sự khoan khoái ta chưa hề cảm-thấy trước đó, nhưng trong thực tế từ khi ta ra đời ta chưa hề ngưng sống, chưa hề ngưng cảm-nhận đủ thứ chuyện ngoài sự-sống.
Ta thấy gì trong thế-giới ? Những vật-thể năng-động và, trong những hình-thái vận-động có thể thấy được, có một số hình-thái vận-động ta gọi là sống.
Điều cho phép ta phân biệt vận-động-sống với những vận-động khác là hình-thái vận-động của nó.
Mọi vận-động vật-chất cuối cùng đều dẫn tới « phá hủy » những vật-thể tương-tác. Sẽ có ngày chúng hết là gì chúng là. Quan-hệ mà một hòn sỏi có với không khí, mưa, gió sẽ có ngày biến nó thành cát bụi. Song song, không khí, gió và nước mưa cũng thay đổi trong cơ cấu của chúng. « Là cát bụi, ngươi sẽ trở-về cát bụi. » Lời đó nói lên một sự-thật phổ-cập về quan-hệ giữa vật-chất với vật-chất. Nó quyến rũ, ám ảnh, bi ai, định-mệnh vì, qua một mẹo sử dụng ngôn-ngữ, nó quy con người về chiều-kích vật-chất của nó. Con người đã là vật-chất, nó tất-yếu trở thành cát bụi. Vật-chất đã không thể hủy hoại được, nó có thể tìm thấy sự Vĩnh-cửu ngay trong chiều-kích ấy ! Chẳng ai thèm loại Vĩnh-cửu ấy. Con người muốn tồn-tại trong nghĩa khác. Trước nhất trong nghĩa sinh-vật. Chiều-kích đó được lén lút đưa vào trong câu văn bằng động-từ trở-về. Vật-chất không bao giờ quay trở-về. Nó tự-vận-động và sự vận-động đó không-thể-đảo-ngược[12]. Trong không-thời-gian vật-lý, mọi sự xảy ra một lần thôi, chẳng bao giờ trở-lại. Đó là điều kiện để ta có thể nói tới lịch-sử của vũ trụ. Chính trong thế-giới sống mới có một hình-thái trở-về-chính-mình, lát nữa ta sẽ bàn. Động-từ trở-về mập mờ đưa sự-sống vào câu văn. Cuối cùng, từ « ngươi » đưa chủ-thể-tư-duy vào đó. Câu văn ấy không là gì khác hơn một trao đổi giữa hai tinh-thần. Thi vị của nó bắt nguồn từ mâu thuẫn không nên lời mà nó lưu trữ : câu văn vừa đề cập tới con người trong cả ba chiều-kích của nó, vừa buộc nó chỉ được là một vật-thể. Dĩ nhiên, nó không chấp nhận. Nó chẳng thể nào phủ-nhận thân phận vật-chất của mình. Những chiều-kích còn lại đã bị ém mất trong câu văn[13], nó chỉ còn cách gửi chúng ở một nơi ngoài thế-giới vật-chất để cứu vớt chúng, một « nơi nào đó » nó có thể trở-lại-chính-mình với tư cách một sinh-vật và tiếp tục tư-duy với tư cách tinh-thần. Cái « nơi nào đó » ngoài không-gian và thời-gian, chính là Chúa, Đấng-không-tên.
Vĩnh-cửu trở-về-mình trong lòng thời-gian không-thể-đảo-ngược
Thoạt nhìn thì sinh-vật tự-vận-động, không ngừng trao đổi vật-chất và năng-lượng với môi-trường. Làm như thế, nó khẳng-định tính vật-chất của nó. Nhưng, xuyên qua những trao đổi ấy, nó thực-hiện một quá-trình ta chỉ có thể thấy trong sinh-vật. Những trao đổi ấy cho phép nó tự-tái-tạo, trở thành « chính-mình », một sinh-vật, tóm lại, cho phép nó tiếp tục sống. Khi những trao đổi ấy bị cản trở, nó có nguy cơ chết. Khi những trao đổi đó chấm dứt, nó chết. Ta dễ dàng quan sát điều ấy ở đồng loại, ở nhiều con thú : chúng ăn để sống và, sau khi tiêu hoá thức ăn, chúng đào thải khỏi cơ-thể những nguyên tố không hữu dụng cho sự-sống. Nếu những trao đổi đó (ăn, uống, thở...) không thể tái diễn thì sinh-vật phải chết. Trong quá-trình này có hai hình-thái vận-động. Một mặt, có những vận-động vật-chất tuân theo quy-luật vật-lý và hoá-học, và dẫn tới hủy hoại những vật-thể tương-tác. Mặt khác những vận-động ấy, nhìn dưới góc độ một quá-trình duy-nhất, dẫn tới một hiện-tượng không hề có trong thế-giới thuần vật-chất : tái-thiết chính nó. Vận-động vật-chất phá hủy những vật-thể quan-hệ với nhau xuyên qua sự vận-động đó. Vận-động-sống vốn bảo thủ, tái sản-xuất chính-mình. Nói theo tiếng lóng biện-chứng, quá-trình đó tự-hiện-thực dưới hai hình-thái vận-động, vận-động-vật-chất và vận-động-sống. Một lần nữa, ta lại mắc bẫy ngôn-ngữ của ta : không có hai sự vận-động khác nhau. Sự vận-động « thứ hai » không thể có ngoài sự vận-động « thứ nhất ». Khi nó tự-hiện-thực, ta không tài nào nói được nó khác sự vận-động đầu ở cái gì. Điều ấy có nghĩa ta không biết qua đâu một tập hợp vận-động vật-chất tự-hiện-thực thành một vận-động-sống. Chính giới hạn này của kiến-thức khiến tư-duy triết-học cần thiết : triết-lý mở rộng chân trời kiến-thức từ sự dốt-nát, điều ấy cấm nó nói hươu nói vượn về những điều đã rơi vào lĩnh-vực kiến-thức thực-chứng. Triết gia có lý khi đặt câu hỏi đối với niềm-tin về một sự-thật vĩnh-cửu, phi-thời-gian, phi-văn-hoá, phi-lịch-sử. Nhưng nó không nên gieo ý rằng quy-luật hấp-lực-phổ-quát sai, rằng chỉ cần lựa-chọn một kiến-thức xã-hội-tính khác thì ta có thể nhảy từ tầng ba Tháp Eiffel xuống đất mà không bị nguy cơ vỡ mặt. Trong hiện-tượng ta gọi là sự-sống, chỉ có một quá-trình. Nhưng ta có khả-năng quan sát quá-trình ấy dưới hai bộ mặt khác nhau : những vận-động vật-chất mà ta biết rõ, có thể quan sát, đo đếm, và một quá-trình tổng-hợp có thể quan sát nhưng không đo đếm được, quá-trình cho phép một thực-thể lại-trở-thành chính-mình, như nó là nó do quan-hệ của nó với thế-giới khiến nó thay đổi[14]. Điều đó có nghĩa là cảm-nhận của ta vừa có tính phân-tích vừa có tính tổng-hợp, vừa chi tiết vừa toàn bộ : ta cảm-nhận cùng lúc nhiều sự vận-động vật-lý và một vận-động sinh-tính. Ta cảm-nhận một sinh-vật tự-di-động trong không-gian và thời-gian, vểnh tai, vẫy đuôi, sủa. Ngôn-ngữ của con người hồn-nhiên biểu-đạt điều ấy. Ta nói ta ve-vuốt một người đàn bà tuy bàn tay ta chỉ ve-vuốt được một bầu vú. Chính vì xuyên qua một quan-hệ vật-chất ta ý-thức rằng ta đang quan-hệ với « hai thực-thể », thực-thể vật-chất của một bầu vú và « thực-thể » sống của một người đàn bà. Xuyên qua động tác, ta ve-vuốt toàn bộ « thực-thể » sống và ta không thể làm được điều đó nếu ta không tự-ve-vuốt[15] qua nó, không hoàn toàn tan mình trong hành-động ve-vuốt của ta. Trong nghĩa đó, ta « là » sự ve-vuốt, ta là ve-vuốt[16]. Người đàn bà ta ve-vuốt cũng phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa ma sát ít nhiều ram ráp của một bàn tay với ve-vuốt ngộp tình-dục của người đàn ông. Hành-động ve-vuốt, một quan-hệ giữa sự-sống với sự-sống không thể tự-hiện-thực được nếu không có sự tương-tác cùng chiều-kích. Sống đổi lấy sống. Dĩ nhiên, trong tiếng Pháp ta có thể nói rằng ta ve-vuốt cái ghế bành mà không ai cười ngất. Thiên hạ hiểu ngay là hai ve-vuốt kia khác nhau. Một cách nhân-bản hơn, đáng lẽ ta phải nói ta tự-ve-vuốt vào ghế bành[17]. Dù nó mượt như tơ, ta chỉ cảm-nhận được quan-hệ giữa sinh-vật với vật-chất : cái ghế bành không biết tự-ve-vuốt với ta. Điều đó chỉ có thể xảy ra giữa những sinh-vật. Thiên hạ cũng nói rằng hai người, đàn bà và đàn ông, tự-ve-vuốt[18] nhau, ve-vuốt lẫn nhau.
Engels là một trong những người đầu tiên làm nổi bật tính đặc-thù của hình-thái vận-động-sống :
« Sự-sống là hình-thái tồn-tại của những cơ-thể cấu tạo bằng anbimun, và hình-thái tồn-tại đó cơ-bản thể-hiện qua sự tái-thiết liên tục, do chính chúng, cơ cấu hoá-học của chúng[19]. »
« Như thế, sự-sống, hình-thái tồn-tại của những cơ-thể cấu tạo bằng anbimun, biểu-hiện trước nhất như sau : sinh-vật luôn luôn vừa là chính-mình vừa là khác mình[20]. »
Hình-thái tồn-tại ấy, hình-thái vận-động ấy có hai nét đặc-thù :
Tự nó, hình-thái vận-động ấy có ý-hướng[21]. Sinh-vật tìm kiếm những sự trao đổi đó. Nó không mặc nhiên chịu đựng những quan-hệ đó như một hòn sỏi nơi ngã tư đường. Nó tìm cách ăn, uống, giao cấu. Tự nó, hình-thái vận-động ấy có chọn-lọc. Sinh-vật không tìm cách trao đổi bất kể gì với môi-trường. Nó tìm cách ăn những gì thích hợp với nó. Loài ăn cỏ kiếm cỏ kiếm lá để ăn. Loài ăn thịt kiếm thịt để ăn. Con người, loài ăn tạp, ăn đủ mọi thứ kể cả đồng loại. Nhưng không vì thế họ sẽ ăn bất cứ gì. Họ ăn những gì họ có khả-năng tiêu hoá.
Sinh-vật có ý-hướng, có chọn-lọc và bảo thủ[22]. Nó tìm kiếm những trao đổi cho phép nó thành nó trở-lại, tránh những trao đổi có nguy cơ bẻ gẫy dứt điểm quá-trình trở-về-mình ấy. Với tư cách sinh-vật nó trở thành cái gì nó đã là, nó là cái gì nó trở thành. Vì nó chính là sự vận-động ấy, nó không thể thấy hay cảm sự vận-động ấy. Nó sống mà không bao giờ tự cảm-thấy sống. Hiện-tại của nó vĩnh-cửu và sự vĩnh-cửu ấy là vĩnh-cửu-trở-về-mình.
Qua đâu sự-sống nhôi lên trong thế-giới, ta không biết gì một cách khoa-học : biết được có nghĩa là giải thích được qua đâu một tập hợp vận-động vật-lý trong một vật-thể khiến nó tự-tạo-nhu-cầu tìm kiếm một số trao đổi với môi-trường và, qua đó, tự-tái-tạo mình, tự-mình làm ra mình. Hiểu điều đó có nghĩa là hiểu qua đâu sự-sống sinh nở từ vật-chất. Ta chỉ biết điều ấy khi nào ta tạo được một tế bào sống với vật-chất đơn thuần.
Ngược lại, ta bắt đầu có khả-năng quan sát những quá-trình dẫn tới tính chọn-lọc của những vận-động-sống.
Nhờ Darwin, ta linh-cảm rằng con người là kết quả của một quá-trình lịch-sử lâu dài chịu sự chi phối của « sự chọn-lọc tự-nhiên[23] ». Nhờ Mendel, ta biết rằng « sự di-truyền » là một nhân-tố quyết định sự tái-sinh những cá-thể trong một loài sinh-vật. Với ngành sinh-học hiện-đại, ta bắt đầu thấy rõ hơn, ta có thể gán cho những khái-niệm ấy một nội-dung cụ-thể, có thể xác minh được[24].
Ngày nay, ta biết rằng tính đặc thù của mỗi loài sinh-vật được quy định bởi chương-trình-gien hay hệ-thống-gien của nó. Đó là hai sợi ADN cuốn nhau theo hình xoắn ốc, có trong mọi tế bào của cơ-thể[25]. Sợi ADN đó biểu-hiện dưới dạng một chuỗi dài gồm bốn tế bào hạt nhân[26] gọi là G,C,A,T.
Người ta có lý do để tin rằng bốn tế bào đó là bộ chữ cái của chương-trình-gien. Sự « kết-hợp tuần tự của chúng » cho phép cấu tạo những từ. Những từ nối đuôi nhau thành chuỗi cấu tạo ra một chương-trình điều khiển quá-trình cấu tạo những loại protein, nhân-tố cơ-bản của sinh-giới và, từ đó, một cách gián tiếp, những loại tế bào khác nhau của cơ-thể, của những cơ quan trong thể-xác... Đối với độc giả bị ý-niệm chương-trình này làm bối rối, ta liều so sánh nó với một hiện-tượng tương tự. Để điều khiển một người khác làm một điều gì, ta nói với nó bằng cách tuần tự phát những âm tiết của tiếng Pháp. « Sự phối hợp tuần tự » những âm tiết đó cấu tạo ra từ, những từ nối đuôi nhau đúng theo văn phạm Pháp tạo ra câu nói có ý-nghĩa với người nghe ta. Thuyết-trình của ta là chương-trình làm việc của người ấy. Như mọi so sánh với một hiện-tượng tương tự, so sánh này khập khiễng. Con người không hiểu lời nói của đồng loại như một cơ-thể « hiểu » chương-trình-gien của nó hay như một máy tính điện tử. Máy tính máy-móc « thực-hiện » thao tác do người lập trình quyết định trước. Sinh-vật thực-hiện chương-trình-gien của mình « bằng cách » tự-thích-nghi với môi-trường. Còn đối với con người và những thuyết-trình nó bô bô về mọi sự và chẳng về cái gì hết, quyển sách này sẽ cố nêu lên.
Chương-trình-gien của một loài sinh-vật tồn-tại dưới một dạng đại khái như nhau trong từng sinh-thể. Những cá-thể thuộc cùng loài sinh-vật đại khái giống nhau, tuy không có hai cá-thể y-hệt như nhau trong sinh-giới. Mặt khác, chương trình đó tương-đối ổn định và được truyền lại qua tế bào chủng hệ, từ đời này qua đời sau và điều ấy giải thích sự di-truyền trong sinh-giới. Nhưng chương-trình ấy chỉ tương-đối ổn định thôi. Những thay đổi vi mô do tình cờ thỉnh thoảng dẫn tới sự hình thành một loài sinh-vật mới có khả-năng sống tiếp hay không. Ta kiểm chứng điều ấy khi ta thay đổi chương-trình-gien của những con thú để tạo ra những con « quái vật ảo[27] ». Khi tình cờ quá-trình ấy tạo một loài sinh-vật đặc biệt thích-ứng với môi-trường và những thay đổi của môi-trường, nhất là nhân những tai biến đột ngột về khí hậu, loài sinh-vật ấy có nhiều khả-năng sống-sót và tự nhân lên hơn loài sinh-vật khác. Người ta gọi sự-kiện đó là « sự chọn-lọc tự-nhiên ». Nó không dính dáng gì với đấu tranh để giành sống giữa các loài sinh-vật. Voi khổng lồ thời thượng cổ có vẻ được trang bị tốt để sống-sót. Chúng đột nhiên biến mất trong khi loài chuột tỏ ra có khả-năng sống-sót tới ngày nay.
Hình-thái chung của một sinh-vật do chương-trình-gien của cả loài quyết định. Nhưng hình-thái riêng của nó là kết quả của một quá-trình phát-triển từ bào thai tới con vật trưởng thành. Quá-trình ấy chịu sự chi phối của quan-hệ giữa nó với môi-trường, lịch-sử cá-biệt của nó. Và điều ấy có thể đi rất xa : đi tới cả sự hình thành hay không những khả-năng cảm-nhận. Bộ óc con người được cấu tạo với những nguyên liệu tầm thường : carbon, hydro, oxy, chất đạm, lưu huỳnh, phốtpho... Quan-hệ giữa những nguyên liệu ấy được thành lập đúng theo quy-luật vật-lý hay hoá-học. Bộ óc của ta phi thường ở cấu trúc phức tạp của nó, cách nó tự-cấu-thành, tính lịch-sử của nó. Bộ óc của con người có khoảng 100 tỷ nơron. Những nơron đó nối với nhau một cách ít nhiều ổn định để tạo những cấu-trúc-nơron thực-hiện những chức-năng khác nhau của sự-sống, đặc biệt là chức-năng cảm-nhận : nhìn và nhận diện hình-thù, màu sắc, nghe âm-thanh... Trên lý-thuyết có thể có tới một triệu tỷ mạch nối nơron trong mỗi bộ óc[28].
Trong những phát minh mới đây của ngành sinh-học, có ba điều đáng chú ý cho đề tài của ta.
1. Quá-trình hình thành cấu trúc của bộ óc không hoàn toàn lệ-thuộc chương-trình-gien.
Có khi sự hình thành những cấu-trúc-nơron đòi hỏi một quá-trình trao đổi giữa con người với môi-trường, và sự ổn định chúng lại đòi hỏi những trao đổi đó lặp đi lặp lại. Một đứa bé chào đời với bệnh đục thể kính[29], qua một tuổi nào đó, vĩnh-viễn mất khả-năng nhìn-thấy. Ta có thể mổ mắt nó để chữa. Con mắt lành lặn, hệ-thần-kinh hoạt động tốt, nhưng những cấu-trúc-nơron chuyên dụng cho chức-năng nhìn đã không kịp thời hình thành trong quá-trình phát-triển của bộ óc ở tuổi thơ và hình như lúc đó đã quá muộn để chúng có thể tự-hình-thành. Người đó đã « trở thành » mù tại óc. Dường như hành-động nhìn khiến cho những cấu-trúc-nơron hình thành trong bộ óc và sự lặp đi lặp lại hành-động ấy củng cố chúng. Một khi đã hình thành và được củng cố, những cấu-trúc-nơron kia trở thành trung tâm của một chức-năng thần-kinh. Kích thích vật-lý từ thế-giới bên ngoài tác-động vào con ngươi sẽ tạo ra luồng tín-hiệu thần-kinh. Luồng tín-hiệu ấy sẽ vận-động đại khái theo những hệ-thần-kinh cũ và tái-sinh đại khái quá-trình vận-động cũ trong óc. Sự trở-lại của quá-trình vận-động đó, sự hồi-tỉnh của quá-khứ có thể là cơ sở của khả-năng nhớ đặc-thù của sinh-giới. Những cấu-trúc-nơron làm nền tảng cho hiện-tượng ấy là vật-thể và quan-hệ giữa những nhân-tố cấu thành chúng là quan-hệ hoá-học, vật-lý. Trong một nghĩa nào đó, đó là « dấu vết » vật-chất của một hiện-tượng mà ta gọi là nhìn-thấy. Nhưng đó không chỉ là dấu vết chết. Dưới ảnh hưởng của những luồng kích thích tương tự, chúng hồi-sinh, tạo lại những vận-động đã khiến chúng hình thành. Trong nghĩa đó chúng lưu lại ký-ức của một sự vận-động và, trong một số điều kiện nào đó, chúng tự-tái-tạo sự vận-động đó. Ta bày tỏ điều đó khi ta nói theo bản-năng : đánh thức hay tái-sinh một kỷ-niệm[30].
2. Sự vận-động song song của những cấu-trúc nơron.
Những cấu-trúc nơron vận-động song song với nhau. Con người đang nhìn một xe vận tải không chờ phát hiện xong hình thù, màu sắc của nó để nghe-thấy tiếng gầm của bộ máy và ngửi-thấy những mùi tuôn ra từ ống khói của nó. Cảm-nhận của con người vừa có tính phân-tích vừa có tính tổng-hợp : nó thấy, nghe và ngửi, một cách riêng biệt nhưng cùng lúc những khía cạnh khác nhau của hiện-tượng. Cảm-nhận của nó vừa chi tiết, vừa tổng-hợp. Nó vừa là hình ảnh, âm-thanh, mùi, thậm chí vị. Điều ấy gọi là sự nghiệm-sinh của một con người.
3. Tính độc-lập tương-đối của sự vận-hành của bộ óc đối với thế-giới bên ngoài.
Những cấu-trúc-nơron có quan-hệ trực tiếp hay gián tiếp với nhau. Bất kể luồng kích thích xuất phát từ đâu tới để tác-động vào một cấu-trúc-nơron nào đó của một hệ thống nơron, hệ thống ấy có khả-năng tự-rung-chuyển để tái-sinh nghiệm-sinh của con người. Do số lượng hầu như vô tận của những nối kết khả-thi giữa những nơron, ký-ức kia có thể tự-phong-phú-hoá với những nghiệm-sinh khác chẳng dính dáng gì với kinh-nghiệm thực của con người. Dường như không có gì cấm cản một cấu-trúc-nơron « ghi-nhớ » vị của cái bánh mađơlen ta từng hưởng trong tuổi thơ, khi ta còn viết tiếng Pháp với đầy rẫy lỗi chính tả và văn phạm[31], tự nối liền với những cấu-trúc-nơron đã được cấu tạo qua quá-trình học-tập tiếng Pháp và, đặc biệt, tiếng Pháp văn-chương[32]. Có người, hễ nghe-thấy một âm-thanh là nhìn-thấy[33] một màu sắc. Người đời gọi họ là « người-có-thiên-nhãn[34] ». Đáng lẽ người ta phải nói : người nghe-là-thấy, do lịch-sử cá-biệt của một sinh-vật trong khuôn khổ của một nền văn-hoá. Trong một nền văn-hoá khác, họ sẽ là kẻ nửa điếc. Để tin điều ấy, chỉ cần biết rằng người Việt có 18 cách viết chữ « A » và gần 18 cách phát âm nó. Trong ngôn-ngữ ấy « A đen » chỉ là bóng của một cái bóng thể-hiện qua 18 sắc mờ, giới hạn của một cá-thể. Qua số quan-hệ nội-tại khả-thi quá lớn của nó, bộ óc có nhiều quan-hệ với chính-mình hơn là quan-hệ với thế-giới bên ngoài. Những quan-hệ đó tự-hình-thành như thế nào, ta không biết. Có tác giả nêu giả-thuyết rằng một số lớn cấu-trúc-nơron được dùng để phối hợp cấu-trúc-nơron khác, thậm chí để ghi-nhớ bản thân sự phối hợp ấy. Nếu giả-thuyết này đúng, khi vì những lý do ta chưa hiểu rõ, những cấu-trúc-nơron cấp cao tự-phát-động, chúng đánh thức những cấu-trúc-nơron bình thường chỉ chuyển động dưới sự kích thích từ thế-giới tới, và bộ óc tự-nhớ-lại[35], tái-tạo ở ta một nghiệm-sinh : đôi khi chỉ nhớ lại một chuyện buồn xa xưa mà ta ứa lệ. Chuyện ấy đã lún sâu vào quá-khứ, nhưng nỗi buồn và nước mắt là hiện-tại của ta. Ở ta, quá-khứ và hiện-tại là một như thế. Với tương-lai cũng vậy. Bạn chỉ cần nghĩ tới buổi hẹn hò ướt át sắp tới với người yêu, bạn sẽ nghiệm-sinh tức-khắc điều ấy. Tương-lai chỉ có thể trở-thành tương-lai của một quá khứ khi nó thống-nhất với quá-khứ ở hiện-tại của một sinh-thể có khả-năng nhớ, khả-năng quên, có khả-năng thèm, khả-năng muốn. Tiếng Việt không chia thì của động-từ. Do đó nó thiếu tính khoa-học, thừa tính nhân-văn.
Theo một số của tập san Science et Avenir, người Nhật là người đầu tiên thiết kế một hệ thống máy-móc cho phép con người điều khiển máy tính bằng tư-duy. Nguyên tắc nền tảng để làm việc đó như sau. Người ta biết trụ sở của lời nói nằm ở đâu trong vỏ não. Người ta biết một số quan-hệ vật-lý và hoá-học giữa những cấu-trúc-nơron đó với những cấu-trúc thần-kinh có chức-năng điều khiển cơ bắp của lưỡi, môi... Người ta nêu giả-thuyết rằng con người khi nghĩ « A » trong đầu thì đồng thời bắt đầu khiến cơ-thể mình nhúc nhích để phát âm « A ». Người ta gài một số « mũi kim ghi nhận tín-hiệu » vào đầu và cơ-thể của con người, yêu cầu nó nghĩ « A » và người ta ghi nhận những chuyển động li ti trong óc và hệ-thần-kinh của nó. Nếu toàn bộ những sự vận-động ấy chụm lại một cách đáng tin cậy, người ta kết luận rằng nó vừa nghĩ « A », người ta biểu-đạt chữ « A » trên màn ảnh của máy tính đang được dùng để theo rõi những tín-hiệu thu-nhập được từ cơ-thể của con người kia. Dường như cuộc thử-nghiệm này đạt kết quả xác chứng. Nếu đúng vậy, nhà thơ không vô-lý khi đề cập tới xác-thịt của ngôn-từ[36].
Qua điều trên, sự-sống là một quá-trình, một hình-thái tồn-tại, một hình-thái vận-động có tính đặc-thù sau : nó tự-tái-tạo qua quan-hệ của nó với môi-trường. Sống, ở mỗi thời điểm, là tái-sinh trong sinh-giới bằng cách tái-lập có chọn-lọc những quan-hệ của mình với thế-giới, là trở thành lại chính-mình xuyên qua những trao đổi đó. Điều đó đòi hỏi một hình-thái « ý-thức về mình » cho phép sinh-vật phân biệt cái gì là mình với cái gì không là mình. Phải nói rõ, mình ở đây không là bộ phận này hay bộ phận nọ của một cơ-thể sống, không là toàn bộ cơ-thể ấy trong chiều-kích vật-chất, mà là sự vận-động-sống với tư cách một hình-thái vận-động triệt để khác sự vận-động đơn thuần vật-chất. Ta có thể kiểm-nghiệm điều ấy ở mức một tế bào trong cơ-thể của con người xuyên qua phản ứng của nó để loại trừ những vật-thể nó coi là dị-vật, cũng như ở mức toàn bộ một sinh-thể. Ta có thể cụt tay cụt chân mà vẫn tiếp tục sống. Trong trường hợp ấy, ta khôn ngoan nói : dù sao cũng đã thoát chết. Hình-thái vận-động này không chỉ có ý-hướng, nó còn có chọn-lọc[37]. Nó cho phép sinh-vật phân biệt giữa những quan-hệ nó có thể có với thế-giới, quan-hệ nào thuận, nghịch hay phiếm-định, không có ảnh hưởng, đối với sự tái-sinh chính nó. Sống là liên tục lựa-chọn tái-sinh vào sinh-giới qua sự lựa-chọn những quan-hệ của mình với thế-giới. Tôi gọi lý do của sự lựa-chọn đó là giá-trị của những quan-hệ-sống, hay, để phân biệt chúng với những giá-trị tinh-thần, là phẩm-chất[38]. Trong tiếng Pháp, người ta hồn-nhiên dùng tính-từ để nêu danh chúng. Sinh-giới là thế-giới của phẩm-chất. Ở đó có quan-hệ ngon hay dở, hữu-ích hay có hại, khó chịu hay khoan khoái... Phẩm-chất hình thành xuyên qua quá-trình chọn-lọc của các giác-quan, xuyên qua cảm-giác, tính-nhạy-cảm của ta. Đó là thế-giới của sự trong-suốt hay bóng-tối[39], của im-lặng và của âm-thanh, của nóng và lạnh... Nó đầy màu sắc, âm-thanh, mùi, vị, nhục-cảm khác nhau, trong khi trong thế-giới vật-lý chỉ có làn sóng với độ dài nhất định, khối-lượng, năng-lượng. Chắc độc giả đã hiểu rằng những danh-từ trên như sự trong-suốt, sự im-lặng, màu sắc, mùi, vị... không ám chỉ một chất-thể hay vật-thể nào. Chúng ám chỉ những hình-thái quan-hệ giữa một sinh-vật với thế-giới vật-chất đã bị tiếng Pháp vật-thể-hoá bằng cách nêu quan-hệ nhục-cảm dưới dạng danh-từ. Những hình-thái quan-hệ đó tự-hiện-thực trên cơ sở quan-hệ vật-chất, vật-lý, hoá-học... là những hình-thái của sự vận-động-sống, những hình-thái của sự-sống[40], những phẩm-chất.
Tôn trọng sự-sống
Sinh-vật còn có một thuộc-tính khác khiến chúng khác những vật-thể : khả-năng tái-tạo ngoài chúng những sinh-thể như chúng, khả-năng sinh đẻ. Có lẽ đặc-tính ấy là nền tảng của giá-trị tôn-trọng-sự-sống. Đa số loài súc-vật đều tôn trọng sự-sống. Thú-vật ít khi tiêu diệt đồng loại. Nhiều loại thú còn tránh ăn thịt đồng loại. Con chó, do bản-năng, không ăn thịt chó. Tôn trọng sự-sống một cách bản-năng còn tự-hiện-thực trong phạm vi vượt đồng loại. Bình thường, con thú giết để ăn và ngừng giết khi đã no bụng. Trong sinh-giới, chỉ người mới biết giết vì một điều gì ngoài nhu-cầu ăn. Nó cũng là sinh-vật duy nhất coi tôn-trọng-sự-sống như một giá-trị luân-lý điều khiển hành-động của nó. Với tư cách giá-trị, tôn trọng sự-sống không thuộc sinh-giới vì trong đó mọi con thú đều thực-hiện nó một cách bản-năng. Giá-trị ấy thuộc thế-giới văn-hoá, thuộc nhân-giới.
« Ngươi sẽ không giết người ! » Giới-luật lừng danh ấy đã vang vọng qua những thế kỷ, còn ám ảnh màn ảnh, văn-chương, luân-lý của ta. Nó chưa từng ngăn cản Dân của Chúa[41] tiêu diệt kẻ thù mà không gợn chút ân hận trong lòng. Sự-sống ở đây chỉ là sự-sống của người cùng bộ lạc. Từ khi xuất-hiện trên quả đất, con người chưa hề ngừng giết và càng ngày càng giết thạo, giết đại trà. Mỗi ngày, ta giết hàng triệu con gà ít nhiều cúm, con cừu ít nhiều run rẩy, con bò cái ít nhiều điên. Để ăn. Ta giết, chẳng phân vân gì cả, hàng tỷ sâu bọ để bảo vệ mùa màng. Thỉnh thoảng ta giết hàng triệu đồng loại. Quan-hệ giữa sinh-vật, đúng như định-nghĩa, là quan-hệ cầm-thú, có người gọi là đấu tranh để giành nhau sống. Với sự xuất-hiện của những con người đầu tiên, quan-hệ bộ lạc hình thành, chẳng hơn quan-hệ bầy đàn của thú là bao. Nói gì thì nói, ngay khi sắp chết đói, chó sói không thịt nhau. Con người, ai cũng biết, có khả-năng ăn thịt người. Tuy vậy, trong mọi nền văn-hoá, tôn trọng sự-sống đều được coi như một giá-trị cơ-bản của mọi nền văn-minh. Tu sĩ Phật giáo tôn trọng mọi hình-thái của sự-sống ít nhất là ở mức súc-vật[42]. Tôn trọng sự-sống một cách bản-năng đó thấm nhuần ngôn-ngữ của ta đến nỗi ta không phân biệt nổi nó với những quan-hệ thuần-nhân-tính. Tuy quan-hệ giữa người với người đòi hỏi quan-hệ sống, chúng không đơn thuần là quan-hệ-sống và, do đó, khiến người khác sinh-vật khác. Một số rất lớn từ-ngữ ta dùng để tư-duy vừa liên-hệ tới những quá-trình sinh-tính vừa liên-hệ tới những giá-trị đặc-thù của những « thực-thể » văn-hoá. Linh-hồn cũng như màu sắc có thể đẹp hay xấu. Sự trong-suốt, sự lờ mờ, sự dịu dàng, sự cứng nhắc, sự trìu mến... có thể biểu-đạt cảm-giác cũng như giá-trị lý-trí hay luân-lý của con người. Rất nhiều khi ngôn-ngữ của ta cấm ta suy-luận rõ ràng, riêng biệt về quan-hệ-sống và quan-hệ-tinh-thần. Khó khăn phân biệt chúng khiến ta khó lòng tìm hiểu quan-hệ giữa chúng. Đã tới lúc ta nên dựa vào những phát minh phi thường của ngành sinh-học, quét sạch khỏi ngôn-ngữ của ta về sinh-giới những gì không thuộc về nó. Công việc khổng lồ này đòi hỏi công lao của nhiều thế hệ. Chưa thực-hiện xong, ta khó lòng vươn mình ra khỏi thú-giới, khó lòng suy-luận một cách mạch lạc chiều-kích tinh-thần của con người.
« Mày chỉ là cuộc đời mày thôi[43] ! » Câu văn đó ám ảnh ta vì nó mâu thuẫn, tự hủy. Vừa đọc xong ta cảm-thấy liền. Ta trực-cảm rằng sự-sống không là một cái gì, rằng khi ta chết là chết tốt. Mặt khác, ta cảm-thấy lờ mờ rằng tinh-thần không thể chỉ quy về sự-sống. Khi nhốt tinh-thần, mày, vào sự-sống, khi đóng khuôn sự-sống vào Thực-thể, là, tác giả thôi thúc ta nổi loạn : hắn khước từ nhân-tính của ta. Câu đó không là triết-lý nữa, là văn-chương, loại thượng thặng.
Với tư cách sinh-vật, con người tự-hiện-thực qua hai quan-hệ ngoại-tại và nội-tại. Trong bản thân nó, nó thực-hiện quan-hệ giữa vật-chất với vật-chất và quan-hệ giữa vật-chất với sự-sống. Với thế-giới bên ngoài nó cũng làm như vậy. Nó quan-hệ với vật-giới và sinh-giới mà nó là một bộ phận. Với sinh-giới quan-hệ đó biểu-hiện dưới hai bộ mặt. Một là quan-hệ với những sinh-vật khác, cây cỏ hay thú-vật để sống vì nó cần ăn. Hai là quan-hệ với đồng loại để sinh đẻ. Ta thấy hai bộ mặt ấy của quan-hệ giữa người với thế-giới ngay trong ngôn-ngữ của ta, thường dưới một dạng nhập nhằng khiến nhà thơ, nhà văn, thậm chí triết gia mê hồn. Ta có thể diễn thuyết liên miên về độ rắn[44] của một hòn sỏi, một miếng thịt bò, một quả tim. Phải cần nhiều thời-gian, sự phát-triển, thay đổi phong phú liên tục của kiến-thức và, qua đó, ngôn-ngữ, con người mới phân biệt mạch lạc được những lĩnh-vực đó trong ngôn-ngữ thường ngày của mình. Nếu ta còn có thể nói rằng miếng thịt bò mềm mại, phải điên như nhà thơ mới có thể gợi lên sự mềm mại của một hòn sỏi[45]. Ngày nay nói tới « sự » trìu mến[46] của phong cảnh, ta còn có thể không thấy lố bịch. Nhưng ca ngợi « sự » trìu mến của một đùi cừu quay đã bắt đầu chối tai[47].
Trong tư cách sinh-vật con người không khác con thú. Nó cũng chẳng phải loại thú duy nhất « biết » tự-sát[48]. Xưa kia, có nhà văn nổi danh vì đã tuyên bố : so sánh người với thú-vật là sỉ nhục thú-vật. Đúng vậy, có khi con người giết người tuy không cần-thiết, có khi nó tra tấn người để làm vui. Nói như thế, nhà văn của ta đánh giá con người theo « quan-điểm » của thú-vật. Chàng không biết rằng thú-vật không có « quan-điểm ». Chàng quên rằng con người, khác thú-vật ở đó, là sinh-vật duy nhất biết nuôi dưỡng kỷ-niệm về người đã chết, biết giết người vì những lý do khác hơn là sự-sống-còn : với tư cách người, nó có một điều gì quý giá hơn cả sự-sống của chính nó và, khi cần-thiết, nó chấp nhận giết người hay chấp nhận chết để bảo vệ điều ấy, để đảm bảo cho điều ấy tồn-tại vượt qua sự-sống-còn của chính-mình. Điều ấy là văn-hoá[49]. Ở đây cũng thế, tiếng Pháp nhập nhằng : từ sống-sót[50] có hai nghĩa. Một mặt nó có nghĩa là thoát chết để bắt đầu trở-lại một quy trình sống như trước. Mặt khác, nó có nghĩa « sống » vượt qua cái chết : nó sẽ sống-sót qua tác-phẩm của nó hay tác-phẩm của nó sẽ sống-sót sau khi nó chết. Tác-phẩm của một con người có thể sống-sót sau khi nó chết khi tác-phẩm ấy tái-sinh trong đời người khác. Nó có khả-năng ấy vì con người là một thực-thể văn-hoá. Nó nên-người bằng cách tái-sinh trong nó văn-hoá của người xưa. Nhân-tính của nó sống-sót sau khi nó chết vì nó đã truyền lại cho con cái, người đời, thế hệ tương-lai. Địa ngục, chính là tha-nhân[51], trong một số hoàn cảnh. Nhưng tha-nhân cũng là thiên đường duy nhất có-thực trên quả đất này, là hình-thái vĩnh-cửu duy nhất con người có thể có được. Tôn trọng sự-sống là một giá-trị trong quan-hệ giữa người với người xuyên qua quan-hệ chung của họ với sinh-giới. Nội-dung của nó có tính lịch-sử. Nó phát triển từ từ xuyên qua những quan-hệ xã-hội, từ bầy đàn tới bộ lạc, bộ tộc, gia đình, dân tộc, nhân-loại và, ngày nay, với ý-thức sinh-thái, tới toàn bộ tự-nhiên.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] La vie de l’univers, la vie des étoiles. Science et Avenir.
[2] force.
[3] physique. Force physique.
[4] Force morale.
[5] Force mentale.
[6] Substance.
[7] Substantif. Danh-từ hay một cụm từ có chức-năng thay thế danh-từ trong cú pháp. Thường dùng để ám chỉ một cái gì.
[8] Surdéterminé. Xin lỗi độc giả. Khái-niệm triết hiện-đại ở Pháp. Ý thế này. Có những hiện-tượng là kết quả của nhiều lý-do, không thể quy về một hay vài lý-do, và cũng không thể giải thích được như sự kết-hợp (vật-lý) của tất cả những lý-do sinh ra nó. Tóm lại, không hiểu được ! Từ đó tán tới tán lui về chủ-nghĩa hay lý-thuyết phức-tạp (complexité). Liên quan tới thuyết-quyết-định (déterminisme) trong triết-lý kinh điển, thậm chí tới quan-hệ giữa tổng-thể (le Tout) và những bộ phận cấu thành nó (les Parties). Dịch như thế cho dễ hiểu mà vẫn sát nội dung.
[9] phlogistique. Niềm-tin hoang đường trong thời Trung cổ Âu châu.
[10] Pascal, câu văn trứ danh : Le silence éternel de ces espaces infinis m'effraie. Nói tới văn Pascal, người ta thường gán tính chất : géométrie passionnée.
[11] Se réchauffer, se refroidir. Những tự-động-từ này cho thấy, qua ngôn-ngữ của ta, ta hồn-nhiên theo thuyết vật-linh. Một hòn sỏi không tự-sưởi-ấm. Những trao đổi năng-lượng giữa nó (Giời ơi ! giữa hòn sỏi) và không khí xung quanh khiến (lại chủ-nghĩa vật-linh) nó đạt một nhiệt độ nào đó. Thế thôi. Mặt trái của thái-độ duy-vật-linh ấy là sự-vật-thể-hoá những quá-trình sống và tư-duy trong ngôn-ngữ của ta. Thường thường, khi ta dùng một tự-động-từ để đề cập tới sự vận-động của một vật-thể, ta lén lút gán cho nó một ý-hướng chỉ có trong sinh-giới. Về mặt khái-niệm, câu vật-chất tự-vận-động đúng hay, nói như Engels, không có vật-chất phi-vận-động. Nhưng mọi sự vận-động cụ-thể đều là một quan-hệ giữa ít nhất hai vật-thể. Khi ta nói rằng cái xe tự-tiến-tới, ta nói ngầm rằng nó tiến tới so với ta vì ta cũng là một vật-thể của thế-giới. Trong lĩnh-vực này, từ « tự » có nghĩa là tất cả những gì có-thực đều năng-động nghĩa là đều có-thực trong quan-hệ với cái gì khác. Tất cả những điều trên chỉ có giá-trị trong tiếng Pháp.
[12] Irréversible. Thời-gian vật-lý không chảy ngược dòng. Một sự-kiện đã xẩy ra không thể xoá bỏ được. Không ai có thể lùi lại trong thời gian để « làm lại » cuộc đời.
[13] Trước khi xuất-hiện, « ngươi » đã bị quy thành các bụi mất rồi.
[14] Tel qu'en Lui-même enfin l'Éternité le change. Một câu thơ nổi tiếng của Mallarmé.
Như Vĩnh-cửu cuối cùng cũng thay đổi nó khiến nó trở thành Chính-mình. Trong câu thơ rất đẹp này, những thuộc-tính của vật-thể (là mình như Chính-mình) hoà lộn với những phẩm-chất của sự-sống (thay đổi) và những giá-trị của một nền văn-hoá (Sự-vĩnh-cửu), ở trong bản thân một con người (nó). Chính sự nhập nhằng đó khiến câu văn nên thơ và có vẻ rất triết. Trong một nghĩa nào đó, tinh-thần đã « vĩnh-cửu » rồi. Ngày nào những cộng đồng người còn tồn-tại thì nó còn tồn-tại. Không có gì sống dai hơn những ý-chung như Chính-mình, Vĩnh-cửu, Thời-gian không-thể-đảo-ngược, Sự tái-diễn-vĩnh-cửu, v.v. Chính vì thế, bàn tới tinh-thần vĩnh-cửu khiến ta chán ngắt trong khi đó khơi ra một cuộc sống vĩnh-cửu liền đánh thức ở ta những ảo mộng. Một bí quyết của thi ca uyên bác là pha trộn nhập nhằng thuộc-tính của vật-chất với phẩm-chất của sự-sống và những giá-trị của một nền văn-hoá. Sự nhập nhằng đó sống nhờ tính nhập nhằng của ngôn-ngữ biểu-hiện giới hạn kiến-thức của ta. Chính vì thế, thay vì thấy chướng, ta lại bị quyến rũ. Câu thơ trên tóm tắt hoàn-hảo một khía cạnh thần-bí của văn-hoá Pháp : nó vừa có tính tự-tại của một ấn phẩm, vừa lưu chứa trong nó niềm-tin vào sự vĩnh-cửu, một niềm-tin sẽ tái-sinh mỗi khi có người đọc nó (và ao ước được như vậy). Đó là sự vĩnh-cửu dưới dạng duy nhất mà con người có thể thực-hiện được, sự vĩnh-cửu khả-tử (mortelle) của một nền văn-hoá. Một người tư-duy biện-chứng sẽ viết : Như nhân-loại cuối cùng cũng tự thay đổi để trở thành chính-mình. Không thơ bằng, nhưng đáng quan tâm hơn.
[15] se caresser, không có nghĩa là thủ dâm !
[16] thật khó nghe ! Caressant là tính từ như dịu dàng chẳng hạn. Tính từ thường dùng để ám chỉ những thuộc-tính sinh-tính, qualités de la vie.
[17] trong tiếng Pháp, quả nhiên người ta có thể nói : je me caresse au fauteuil.
[18] Se caresser có hai nghĩa : ve-vuốt lẫn nhau, tự ve-vuốt mình.
[19] Anti-Dühring, Engels, Éditions Sociales, 1973, tr. 113. Tôi nhấn mạnh.
[20] Anti-Dühring, Engels, Éditions Sociales, 1973, tr. 114.
[21] « do chính chúng ». Intentionnalité, khái-niệm trong hiện-tượng-luận của Husserl. Trong quan-điểm của tôi, định nghĩa hơi khác : nó không là tính đặc-thù của nhân-giới, nó đúng cho toàn bộ sinh-giới.
[22] Có nhiều tác giả thích ca ngợi Sự-sống, thích đề cao tính mới mẻ tuyệt-đối của sự-sống, đối-lập với thế-giới vật-chất và thế-giới tinh-thần mà họ cho rằng là khô cứng. Họ lẫn lộn sinh-vật với quan-hệ của nó với thế-giới. Những quan-hệ giữa sinh-vật với thế-giới vật-chất thay đổi liên tục vì thế-giới ấy vận-động không ngừng, thay đổi không ngừng. Ngược lại, xuyên qua những quan-hệ ấy, sinh-vật cố gắng tái tạo lại chính-mình như cũ, cố gắng ít bị biến-đổi nhất ! Không phải ngẫu nhiên mà một trong những đam-mê dai dẳng nhất của con người chính là được là chính-mình. Sinh-vật không ngừng thay đổi thiên-nhiên, tạo và duy trì ở đó một trật tự phù hợp với nhu-cầu của nó. Nó lập tổ, xây nhà để mỗi mùa, mỗi đêm nó có thể ngủ trong... cùng điều kiện. Như thế, ta hiểu tại sao những đảng chính-trị bảo thủ đồng thời là những đảng thường ồ ạt đề cao những « giá-trị » của sự-sống : chủng tộc, huyết thống, v.v.
[23] Sélection naturelle.
[24] Bài này không có tham vọng phổ biến khoa-học. Xin mời độc giả tham khảo những sách phổ biến kiến-thức khoa-học xuất sắc mà các nhà khoa-học đã đăng về những vấn đề này. Tôi không muốn khai thác những « sự-thật khoa-học » để bảo vệ những điều tôi trình bày. Thường thường tôi tránh trích dẫn những nhà khoa-học để đảm nhận cách hiểu và những kết luận mà tôi rút ra từ những kiến-thức của họ (để dùng trong một lĩnh-vực không khoa-học), giúp tôi tự tin hơn trong quá-trình tìm kiếm một cơ sở cho một kiểu suy-luận biện-chứng.
[25] Trừ trong những tế bào chủng hệ (cellule germinale) ở đó chỉ còn một sợi.
[26] cellule nucléotique.
[27] Chimère, có hai nghĩa : quái vật và ảo tưởng.
[28] Jean-Pierre Changeux, Université de tous les savoirs, tome I, Éditions Odile Jacob, 2000, trang 48.
[29] cataracte.
[30] ranimer ou raviver un souvenir.
[31] Giời ơi, làm sao có thể khác được !
[32]Ghẹo Marcel Proust tác giả một đoạn văn nổi tiếng về vị bánh ngọt madeleine trong A la recherche du Temps perdu, Đi tìm Thời-gian đánh mất.
[33] Tiếng Việt cũng có khía cạnh bất hủ : phân biệt rõ khả-năng thấy (cảm-nhận bằng giác-quan) của con người với những hình-thái cụ-thể của nó : nghe-thấy, nhìn-thấy… Lại biết liên-hệ khả-năng cảm-nhận đó với khả-năng tư-duy : cảm-thấy mình... Tuyệt !
[34] Les voyants. Ghẹo Rimbaud, tác giả bài thơ nổi tiếng Voyelles trong đó ông gán cho mỗi nguyên âm của tiếng Pháp một màu sắc.
[35] se souvenir.
[36] La chair des mots. Hôm nay, 2004, điều trên đã được xác-thực.
[37] Hai khái-niệm này gắn liền với nhau. Chọn-lọc là hình-thái cụ-thể, hiện-thực của ý-hướng.
[38] Như đã nói ở trên, trong ngôn-ngữ thông dụng của loài người, trong tiếng Pháp cũng như tiếng Việt, có nhiều từ có thể áp dụng nhập nhằng vào sinh-giới hay nhân-giới. Để có thể trình bày mạch lạc tư-duy của mình, tôi dành khái-niệm phẩm-chất cho sinh-giới, với định-nghĩa như trên và dành khái-niệm giá-trị cho nhân-giới (sẽ định-nghĩa sau, khổ quá, không thể định-nghĩa tất cả cùng một lúc được ; vì ngôn-ngữ cũng là vật-thể nên nó chỉ có thể vận-động tuần tự !).
[39] là những phẩm-chất trái ngược đối với con người và con cú.
[40] Formes de vie.
[41] Le peuple de Dieu.
[42] Người Phật tử ăn chay chỉ ăn trái cây, hoa màu, lúa gạo, nhưng đó cũng là những hình-thái của sự-sống.
[43] Tu n’es que ta vie. Sartre. Theo trí-nhớ.
[44] dureté. Tiếng Pháp có thể ứng dụng trong cả ba thế-giới. Tiếng Việt, nghe hơi kỳ : người Việt ý-thức sự tiếp cận thế-giới khác người Pháp, điều ấy thể-hiện rất rõ qua ngôn-ngữ.
[45] La tendresse d’un caillou. Tendre. Ngược nghĩa với dur. Có nhiều nghĩa : mềm, trìu mến.
[46] tendresse.
[47] la tendresse d’un gigot.
[48] Có loài thú « biết » tự-sát. Sẽ không nhắc lại trường hợp ngoại lệ đó nữa khi bàn về vấn đề này. Hệ gien của con người không khác hệ gien của nhiều loài thú-vật bao nhiêu. Loài chuột chia sẻ với loài người 98% gien của nó. Nếu có loài thú có một số ứng-xử hao hao như người, chẳng có gì lạ cả. Trong quyển sách này, ta chỉ bàn tới những khía cạnh khiến người khác thú. Khía cạnh cơ bản nhất là khả năng tư-duy bằng ngôn-ngữ của người đã chết, vừa có khả năng tồn-tại dưới dạng vật-chất ngoài thể-xác của con người vừa có khả năng tái-sinh trong thể-xác của người khác qua quá trình học tập nói. Viết từ « biết » trong ngoặc kép nghĩa là thế.
[49] Và chính văn-hoá cho phép nhà văn của ta gào lên câu ấy !
[50] survivre.
[51] L’enfer, c’est les autres. Sartre, Huis-clos.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét