Văn
Hoài niệm Nhất Linh (3)
Vũ Bằng
Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”
Hình như sự thể đó đã thành ra công lệ. Cái công lệ ấy là phàm viết hồi ký, để tưởng nhớ một người bạn đã khuất, người viết chỉ nhắc đến những cái hay, cái đẹp của bạn chớ ít dám nghĩ đến chuyện phanh phui cái dở hay cái kém của bạn mình ra. Thiết tưởng đó là một lẽ thường. Ngày xưa, có người hỏi Đức Khổng: “Nếu chẳng may người sinh ra ngài phạm tội nặng, phải tố cáo thì ngài có tố cáo cha không?”. Đức Khổng, không cần suy nghĩ, trả lời: “Không. Tôi tố cáo người khác chớ không tố cáo người sinh đẻ ra tôi”.
Tưởng nhớ đến một người bạn thân mà giấu cái dở, cái kém của bạn đi, cũng là một điều hợp tình hợp lý, không nên chê trách. Viết hồi ký các anh em văn bút, hoặc đương ở xa, hoặc là đã mất, tôi vẫn quan niệm như thế; nhưng ở trường hợp Nguyễn Tường Tam, tôi muốn thành thực hơn thường lệ, đối với chính anh Tam và ngay cả chính với tôi, bởi vì một lẽ dễ hiểu: Nguyễn Tường Tam là một người đặt sự thành thật lên trên hết và sinh thời không tha thứ cho bất cứ một cái gì đậy điệm, giấu giếm hay phết sơn ra ngoài để lấy sự hào nhoáng mà làm mờ mắt người ta, cho người ta không lưu ý đến sự thối tha ở bên trong.
Không thể nói đến là trắng, bảo trắng là đen
Thực tình, tôi không phải là bạn thân của Nguyễn Tường Tam. Sinh vào cùng một thời, làm cùng một nghề văn chương báo chí, tôi chỉ có dịp gặp Nguyễn Tường Tam tại báo Ngày nay, Phong hoá và trong những buổi họp mặt lúc phát động phong trào “Nhà ánh sáng”, rồi sau này, tại trụ sở báo Việt Nam của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Ngũ Xã và trong các buổi họp với cụ Nguyễn Hải Thần – lúc ấy tôi làm báo cho quân đội Lư Hán sang Việt Nam tiếp thu quân đội Nhật hoàng thua trận… Nếu muốn tỏ ra thành thật với bạn đọc, với chính tôi và với anh hồn của người đã khuất, tôi phải nói thẳng ra rằng tôi không có cảm tình đặc biệt với Nguyễn Tường Tam. Lý do? Tôi không thể nào giải thích được. Mà điều tôi có thể chắc chắn là chính Nguyễn Tường Tam cũng không có cảm tình đặc biệt với tôi.
Nhưng nếu chỉ có như thế thời không có gì đặc biệt. Đặc biệt là mặc dầu biết là người ta không có cảm tình với mình, phần đông chúng ta vẫn thường, vì vấn đề giao tế, làm như không biết và cứ cư xử như thường. Nếu gặp những người “chính trị cao” thì càng như thế lại càng làm ra mặt vồn vã, thân mật để rồi sau này có cơ hội thì lợi dụng được người bạn ấy để hướng vào những mục tiêu của mình đã định. Có lẽ chính vì tiêu chuẩn đó mà những nhà làm chính trị chủ trương không giết kẻ địch của mình, có khi, trái lại, lại nuôi dưỡng nữa.
Nguyễn Tường Tam không thế: anh là một cây thành thật, không thể giả dối, không thể đóng trò, yêu thì yêu ra mặt và ghét ai thì cũng ghét ra mặt, chớ không thể ghét mà bảo là yêu, thấy đen mà nói là trắng, thấy cây trò, cây chẩu mà bảo là vàng tâm. Sau này, tiếp xúc nhiều hơn với Nguyễn Tường Tam – nhất là từ sau khi Nhật tới đây rồi thất trận – và nhân có dịp “khai luận” về Tam, tôi thấy rằng anh thành thật một cách ghê gớm như thế, không phải hoàn toàn vì thiên bẩm, nhưng vì một lẽ khác: anh tự tin quá nơi mình. Nguyễn Tường Tam cho mình có tài, có học mà lại có đạo đức thì “thiên hạ phải dùng đến mình”, chẳng sợ ai hết, chẳng phải lèo lá với ai hết, chẳng phải màu mè gì hết.
Đó là một cái hay hay là cái dở? Tôi không dám tìm một câu kết luận, cũng như đã có một lần ngồi nói chuyện với Tam, anh ngỏ ý rằng cả Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh cũng tầm thường như nhau, anh em hỏi tôi nghĩ thế nào, tôi cũng phải tránh né mà không dám đưa ra ý kiến gì về Tam.
Một bức thư không tiền khoáng hậu
Riêng tôi, ngay từ lúc Tam còn dạy học Trường Thăng Long của ông Nguyễn Văn Tòng, ở đầu đường Hàng Cót (Hà Nội), tôi đã có lúc ngờ Tam không có một bộ óc bình thường lắm. Đó là lúc Tam chưa làm báo, mới viết dăm ba truyện ngắn thâu thập vào một cuốn sách in trên giấy bản, bìa bằng giấy “lịnh”, đóng kiểu sách chữ nho bằng lề, lấy tên là Người quay tơ. Bìa cho chính Nguyễn Tường Tam trình bày lấy: ở trên đầu trang bìa, phía tay mặt, trong một khung chữ điền vẽ một cô con gái quay tơ. Văn chương giản dị và trong sáng một cách kỳ lạ. Ai cũng tưởng là một nhà văn viết nên những câu văn như thế thì tâm hồn rất êm ả, bình thản và giản dị; nhưng nếu ai có dịp tiếp xúc với Tam ngay từ hồi đó đều phải nhận “văn của anh không giống như người”. Anh không khiêm nhường như các nhân vật trong truyện, trái lại, nuôi rất nhiều cao vọng – có khi gần như hợm hĩnh và thỉnh thoảng “trong một lúc nổi cơn” anh lại tỏ ra chướng ách, khó chịu và dễ làm cho người ta bực tức.
Tôi còn nhớ một lần có một thiếu phụ, vợ bạn anh, và một người bạn thân khác gặp anh trong một buổi trình bày sách báo ở nhà Khai trí Tiến đức. Vì xã giao, (lúc ấy anh mới ở Pháp về) người bạn trai chạy lại bắt tay anh và nói:
"Tôi nghe thấy anh có nhiều cây thế quý lắm, và có hai ba kiểu phong lan mới ở Nhật gởi về, phải không?"
Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời bạn thân mà như trả lời một người lạ hỏi thăm đường đi Cẩm Giàng:
"Không biết. Phong lan ở Nhật thì sang Nhật mà hỏi người Nhật xem."
Rồi quay lại chào thiếu phụ, vợ một người bạn khác, một cách rất lạnh lùng “Bác có mạnh khoẻ không?”, thế rồi đi luôn.
Ngay hồi đó, có nhiều người bạn quả quyết là trí óc Tam đã không bình thường rồi, nhưng tôi và mấy người bạn văn của tôi nhất định cho thế là “không được”. Vì thế, sau này, lúc Nguyễn Tường Tam làm Phong hoá, Ngày nay, mà bọn chúng tôi làm Việt nữ, Tương lai, Vịt đực, không một lúc nào hai phe “đi” được với nhau. Vì những chuyện rất không đâu, chúng tôi cũng sanh sự với nhóm Ngày nay, Phong hoá. Đến đây, tôi phải thú thật một điều mà đến tận bây giờ tôi vãn không biết là phải hay trái, là hay hay dở. Lúc ấy, làm báo, chúng tôi nêu một phương châm nhất định là tất cả cái gì của nhóm khác, dù tốt, dù đẹp đến chừng nào, chúng tôi đều thẳng tay phủ nhận, đừng nói là những phe, nhóm chống đối với mình thì nhất định không thể nào thương được, phải đả kích gia rít, cho đối phương không thể cất đầu lên được – kiểu như chủ trương của Cộng sản, bất cứ cái gì của Thế giới Tự do cũng đều phải bác bỏ hết, bất cứ đề nghị gì của Đồng minh cũng đều phải gạt bỏ, không thương tiếc.
Hai nhóm đả kích nhau tơi bời, hết ngày này sang tháng khác. Chúng tôi có một cái lợi là trong bọn chúng tôi có một vài tay nhà báo lão thành, nhiều kinh nghiệm về “nghề chửi” nên dù nhóm Ngày nay có lãnh đạo “chửi” Tứ Ly (tức Hoàng Đạo, tức Nguyễn Tường Long, em ruột Nguyễn Tường Tam), nhóm Nguyễn Tường Tam cũng không thể nào cãi lại. Ấy là chưa nói chúng tôi lại còn nghiên cứu chiến thuật, chiến lược chửi, kéo bè kéo cánh với mấy tờ báo khác (trong đó có tờ Le Travail của Tiến, Phú lúc ấy ra mặt Cộng sản đệ tam quốc tế). Đã vậy, chẳng may cho nhóm Phong hoá lúc ấy lại xảy ra một chuyện không hay, liên quan đến Nguyễn Tường Tam ở Vĩnh Yên, nên chúng tôi càng được thể… Do mấy nguyên nhân đó, một sự kiện ít thấy trong làng báo đã diễn ra: chính Nguyễn Tường Tam đã đích thân viết một bức thư bằng tay đến cho báo Tương lai của chúng tôi, yêu cầu chúng tôi “vì tình đồng nghiệp ngưng mọi cuộc đả kích lại để cùng sống với nhau trong hoà khí”.
Mấy nhà văn mà Nguyễn Tường Tam ghét nhất là ai?
Ngay lúc nhận được thư, có mấy anh em không chịu ngưng bút chiến, muốn tiến tới nữa, nhưng sau nhiều cuộc thảo luận chúng tôi kết luận nên tỏ ra “thông cảm”. Vì thế cuộc bút chiến cắt ngang và từ đó đến khi tan rã báo Ngày nay, Phong hoá chúng tôi không bao giờ trở lại vấn đề chửi nữa.
Riêng tôi, tôi không dám tỏ bày ý kiến gì hết, nhưng trong thâm tâm, tôi quý mến Nguyễn Tường Tam từ đó vì tôi thấy rằng cử chỉ của Tam có vẻ “người lớn” mà “giải quyết vấn đề” như kiểu anh, thật là hay. Nhưng một số bạn hữu khác của tôi không nghĩ thế và chê “Nguyễn Tường Tam hiền lành quá” và tỏ ra rất non tay trong nghề. Theo ý các anh này thì viết một bức thư “cầu hoà” như thế tức là mặc nhiên nhận các tội lỗi mà đối phương đã buộc cho mình, do đó không phải chỉ hại nhất thời mà còn có hại cho cả tương lai nghề báo của mình sau này nữa.
Dẫu sao, việc đó rồi cũng qua đi. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, việc đó không bao giờ qua đi được. Là vì Nguyễn Tường Tam là một người nguyên tắc: yêu rất yêu, ghét thì rất ghét, khác hẳn Khái Hưng là một anh “xuề xoà”, “thế nào xong thôi”, gần như “ba phải”. Vụ “Tương lai – Phong hoá” còn để lại tàn tích trong đầu óc Nguyễn Tường Tam còn lâu: anh “hoà” với bọn chúng tôi nhưng không bao giờ kết liên lại với tất cả bọn chúng tôi, và nếu có nhà văn, nhà báo nào mà anh ghét nhất có lẽ là Vũ Trọng Phụng và tôi. Không biết anh suy tưởng thế nào mà anh nhìn Vũ Trọng Phụng thấy hoá ra là “một anh chàng nguy hiểm”, còn tôi thì cố nhiên từ lâu anh đã liệt vào hàng “lưu manh” rồi, bởi vì lần đó không phải là lần đầu tiên tôi có chuyện lôi thôi, gây gổ với nhóm Ngày nay, Phong hoá, nhưng ngay từ lúc báo Rạng đông của Nghiêm Xuân Huyến ra đời, do Trúc Đình làm chủ bút và tôi là tổng thư ký, số nào cũng đả kích bọn Nguyễn Tường Tam là “tiểu tư sản” và lôi vụ Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, em ruột của Nguyễn Tường Tam hút thuốc phiện ở nhà Quý xứ Nghệ ra nói “dai như chão rách”.
Nguyễn Tường Tam ghét ai đều có cái đặc điểm đặc biệt là không muốn nói với người ấy, không muốn nhìn người ấy. Bởi vậy có nhiều phen sau này chúng tôi đến toà soạn báo Phong hoá ở đường Hàng Bún, anh có mặt ở nhà mà lẩn mặt đi lên gác, không chịu tiếp. Tôi không bao giờ buồn anh bởi vì tôi cũng tự biết thân mình, không có điểm gì khả dĩ làm cho người ta thương được; lại nữa, tôi cũng tự biết chính mình là một tên lưu manh, tội lỗi ngập trời, bị Nguyễn Tường Tam khinh ghét, cũng là hợp lý, không có cách gì minh xác hay tự bào chữa được. Nhưng tôi nói thực là trong đời tôi, vốn ít ngạc nhiên, tôi đã ngạc nhiên hết sức lúc nghe thấy Nguyễn Tường Tam làm Ngoại trưởng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Một phen tiếp xúc với Việt Minh
Tôi ngạc nhiên không phải vì thấy Nguyễn Tường Tam làm chính trị. Từ lúc Nhật thua, Việt Minh xâm nhập Hà Nội để hoạt động chính trị và quân sự, đa số anh em gia nhập hàng ngũ kháng Nhật diệt Pháp, tôi đã biết Nguyễn Tường Tam, sau khi Đặng Văn Hình như và Trương Anh Tự bị giết, đã tiếp xúc mấy lần với Việt Minh nhưng không xong bề nào. Nguyên nhân là vì Nguyễn Tường Tam kiên trì với lý tưởng của mình, không chịu theo cương lĩnh của Mặt trận, tự cho mình là “độc lập”, cứ đòi hoạt động theo ý của mình; thêm nữa lại cho rằng là một nhân vật, một lãnh tụ “không kém Hồ Chí Minh hay Nguyễn Hải Thần”, đòi Việt Minh phải đãi ngộ xứng đáng nên không được anh em kháng chiến chấp nhận vào chính phủ lúc ấy manh nha thành lập.
Đến khi đội quân Lư Hán vào Hà Nội tiếp thu, giải giới quân đội Nhật, tôi làm tờ Trung Việt tân văn, tờ báo chính thức của đoàn Lam Y – cũng như đảng Hắc Long của Nhật – Nguyễn Hải Thần và Lư Hán bàn đưa tôi lên thủ một vai trò trong chính phủ Liên hiệp hay giữ một ghế trong Quốc hội, tôi gặp Nguyễn Tường Tam lần nữa ở Hàng Bông và tôi còn nhớ đó là một buổi chiều, hai đứa chúng tôi cùng xem một bức hình lớn chụp Hồ Chí Minh ôm lấy Nguyễn Hải Thần, nước mắt ròng ròng.
Nguyễn Tường Tam không nói gì với tôi hết, nhưng mấy hôm sau thì các báo loan tin Nguyễn Tường Tam giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ. Tôi ngạc nhiên chính là vì nghe thấy Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại giao. Lúc đó, tôi đặt hai giả thuyết: một là Nguyễn Tường Tam là một nhà ngoại giao lành nghề mà giữ bí mật tuyệt đối nên tôi không biết; hai là Việt Minh giỏi quá, đã đưa Nguyễn Tường Tam vào chức vụ đó để “đốt cháy” Nguyễn Tường Tam. Chỉ một ít lâu sau, thực tế cho tôi thấy hết cả sự thực phũ phàng: không cứ Bộ Ngoại giao chẳng làm được trò trống gì với Việt Minh, mà tất cả các đảng tham gia chính phủ liên hiệp đều bị “đi đoong” hết. Nguyễn Tường Tam, với nguyên tắc sống trắng phải ra trắng, đen phải ra đen, yêu nói là yêu, ghét nói là ghét, đã bị thất vọng vì không được đặt vào đúng chỗ: anh không sinh để làm ngoại giao, hơn thế, anh không phải sinh để làm chính trị, mặc dầu anh yêu nước như ai.
Chỗ đứng của Tam là làng văn
Rất có thể tôi lầm, nhưng cho tới lúc viết những dòng này, tôi vẫn yên trí Nguyễn Tường Tam chỉ là một nhà văn, và chỉ là một nhà văn thôi. Nguyễn Tường Tam là một nhà khoa học, một hoạ sĩ, một nhạc sĩ, một nhà văn, một nhà phóng sự, một nhà báo, nhưng cái “mạnh” của anh vẫn là nghề văn. Cái tài thổi saxophone của anh, cũng như tài đánh đàn thập lục của Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, chỉ là một cái tài hoa phụ và tôi lại nói thêm rằng: Nguyễn Tường Tam, có cái tài làm cho báo Phong hoá chạy một thời không hẳn đã là một nhà báo sành sõi và lão luyện.
Theo tôi – và tôi nhắc lại rằng đây là ý kiến mọn của tôi – cái tài làm cho Phong hoá, Ngày nay chạy một thời, một phần lớn là do Hoàng Đạo, tức Tứ Ly Nguyễn Tường Long. Thêm nữa, Nguyễn Tường Tam, đứng về phương diện nhà báo, không tỏ ra là một người tháo vát, có thể viết được nhiều đề mục. Phải nhận là anh có sáng kiến về các đề tài, về những vấn đề cần viết và nên viết, nhưng theo các cộng tác viên kế cận nhất của anh hiện nay còn sống, như Trọng Lang Trần Tán Cửu, thì chính làm tờ báo hoạt kê trào phúng mà Nguyễn Tường Tam không viết được hoạt kê. Đến lúc ra mặt chống Việt Minh, làm báo Việt Nam ở Ngũ Xã, anh có viết một ít bài tham luận, chính trị, như “Việt Nam phải có một đạo binh mạnh”… nhưng tựu trung không có gì nổi bật lắm về tư tưởng hay chính trị.
Nói như thế, không phải để hạ thấp danh tiếng của Nguyễn Tường Tam, nhưng chính là để đề cao một đức tính căn bản của anh là chân thành yêu nước, thực thà có một, không mưu thuật, không ma đầu, lúc nào cũng tin tưởng là ai cũng tốt và cũng chân thật như mình. Mà làm chính trị và làm báo thì chỉ có đức tính ấy, không thể nào đủ được. Có lẽ một phần lớn vì thế, anh đã bị đau buồn khi nhận một chức vị trong chính phủ liên hiệp đầu tiên của Việt Nam làm cho anh phải trôi nổi sang Tàu, nhai một khối đau buồn uất hận vô tuyệt kỳ và cũng chính vì thế mà bịnh ưu uất của anh nặng thêm lên.
Bịt mũi lại uống rượu
Trong thời kỳ này, tôi ít được tin tức của anh, nhưng theo lời những bạn hữu trong Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Dân chính, tức là đảng do chính anh thành lập, thời kỳ anh ở Tàu không có mấy ngày yên vui, đầy đủ.
Nguyễn Tường Tam người gầy, hơi cao, đi đứng khoan thai, từ tốn; thoạt trông ai cũng tưởng anh là một người nhàn nhã, phong lưu. Thực ra, anh không phải là một người sung sướng, nhàn nhã như người ta vẫn tưởng, nhưng là một người “đa bất mãn hoài”, nuôi cao vọng mà không đạt được phần nào; thêm nữa lại mang một thứ bệnh thần kinh (neurasthénie) luôn luôn ở trong người nên ngày vui tương đối ít. Nhưng anh là một người cương quyết và có ý chí. Trước khi có biến thiên làm đảo lộn nước ta, Nguyễn Tường Tam sống một cuộc đời “chân chỉ” không rượu chè, không thuốc sái, không trai gsai, không cờ bạc, nhưng sau những thất bại chán chường trên trường chính trị, Nguyễn Tường Tam đam mê chè rượu.
Nói là đam mê, có lẽ không đúng. Muốn cho đúng, phải nói rằng đầu óc anh suy yếu đi, ý chí do đó kém sút nên Nguyễn Tường Tam đã phải dùng rượu để giết cái buồn “thiên vạn cổ”. Bây giờ những người bạn từng lưu vong với anh ở đất Tàu, hiện nay còn sống, kể chuyện rằng trong thời kỳ ấy có khi anh nằm lì mười ngày, nửa tháng, không buồn trò chuyện với ai, mà cũng chẳng bước đi đâu hết. Sự đau khổ nhất đời anh là không ngủ được, do đó anh phải dùng rượu để uống cho say, hoạ may say quá thì đỡ nghĩ xa nghĩ gần, mà chính là cũng để mong rằng say quá, say mèm đi thì ngủ được. Vì tính toán như thế, anh mới bắt đầu uống rượu và bắt đầu uống là uống nhiều ngay. Anh em thân của Tam cho biết lúc ở Tàu, trời lạnh, Tam thường mua từng bát ô tô rượu để uống, nhưng vì rượu nhiều quá, mà lại nặng nên anh phải bịt mũi, nhắm mắt lại để uống như đàn bà, con trẻ sợ thuốc Bắc mà cứ phải nhắm mắt, bịt mũi lại để uống cho xong chuyện…
Nguyễn Tường Tam bắt đầu ghiền rượu và hút nhiều thuốc lá đen từ đó, nhưng cũng từ đó bệnh neurasthénie của anh nặng hơn lên. Đến lúc vào Nam, bệnh của anh đã vào thời kỳ nặng, mặc dù anh vẫn đi lại, viết lách như thường. Bởi vì anh có những phút sáng suốt nhưng thường một ngày, có nhiều lúc đã nói năng lẫn lộn một cách nặng gấp mười, gấp hai mươi lần nằm thổi saxophone ở một cái đồn điền nọ tại Vĩnh Yên. Chính trong thời kỳ “tái xuất giang hồ” làng báo ở miền Nam, có người đã thấy Nguyễn Tường Tam lúc như si, như dại. Người ta thuật rằng có một lần có anh bạn rất thân tìm anh để báo cho anh biết một người thân của anh mới qua đời. Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời: “Chết bỏ!” rồi nằm nhìn lên xà nhà, mở mắt trừng trừng, không nói năng gì thêm nữa.
Truyện “Săn vịt” và chuyện “Le Horla”
Có nhiều người lấy làm lạ sao bệnh Nguyễn Tường Tam kéo dài trong nhiều năm như thế mà anh vẫn viết lách như thường và sản xuất được nhiều tác phẩm văn chương đánh dấu một thời kỳ văn học phồn thịnh ở nước ta. Hỏi như thế, nhiều người không trả lời được. Tôi cũng không hiểu, nhưng có nhiều khi suy nghĩ đến “trường hợp Nguyễn Tường Tam”, tôi lại sực nhớ đến cuốn Le Horla của Guy de Maupassant cực tả lúc nhà văn này lâm vào thời kỳ điên nặng, bất cứ lúc thức hay lúc ngủ, lúc mở mắt hay nhắm mắt, thấy hiện ra những ám ảnh, những hình bóng dị kỳ làm cho ông ta sống trong một thế giới lạ lùng ma quái, mở mắt mà nói chuyện với những người trong thế giới lạ lùng kia nhưng chính tai mình nghe thấy và ngay lúc ấy biết là mình nói mớ – mà không thể nào tự ngăn cản không cho mình nói.
Các nhà viết văn học sử Pháp cho là Maupassant bị một thứ bệnh tình làm hại đến thần kinh, thêm vào đó, Maupassant lại rượu chè bê bối và mất ngủ. Tôi không biết bệnh của Nguyễn Tường Tam có điểm nào và có một vài nguyên nhân nào giống bệnh của Guy de Maupassant không, nhưng tôi thấy có một điểm hai nhà văn này giống nhau: cuốn Le Horla không phải là cuốn truyện chót của Guy de Maupassant. Nói một cách khác, Guy de Maupassant bị si mê rồi, nhưng cứ viết, mà viết không lẫn lộn, trái lại, lại có những phút xuất thần, văn chương biến hoá, hay một cách cực kỳ quái ác.
Đối với Nguyễn Tường Tam, tôi cũng thấy anh lúc vào Nam đã viết một thứ Le Horla, Guy de Maupassant tả nhiều về những ám ảnh của mình, còn trong truyện “Săn vịt” thì Nguyễn Tường Tam đặt nặng vấn đề trạng thái tinh thần của một người nuôi nhiều giấc mơ đẹp, tính nhiều chuyện cao xa, nhưng vì bị dồn ép quá nên lòng khô héo đi, chết dần đi. Thế rồi có một hôm người ấy gặp một người đàn bà đẹp đúng như ước vọng của mình: anh ta liều và tưởng chừng như có thể làm mọi điều càn dỡ… Nhưng nghĩ là một chuyện mà thực hành lại là chuyện khác. Nếu phải Thạch Lam viết chuyện này, ta có thể yên trí là người săn vịt sẽ liều… để cho thoả mộng ước mơ, nhưng Nguyễn Tường Tam thì khác: đến lúc quyết định, anh vẫn cố kìm hãm lòng ước muốn và cứ kìm hãm cả đời như thế thì khỏi phải nói, bệnh ưu uất của anh đưa anh đến đâu không phải là chuyện lạ.
Nguyễn Tường Tam, một nhà văn không may mắn
Bây giờ, đôi khi ngồi nhớ đến Nguyễn Tường Tam, tôi ưa nghĩ rằng anh chiếm được một địa vị cao cả trong văn học sử Việt Nam có lẽ cũng vì những sự kềm ép đó, bệnh hoạn đó, bất mãn đó. Bởi vì, dưới mắt tôi, Nguyễn Tường Tam, dưới cái bề ngoài lịch sự, đàng hoàng, nhàn nhã, chỉ là một người chung thân bất mãn: bất mãn trên cương vị con người, bất mãn trên lĩnh vực chính trị, bất mãn vì yêu, bất mãn vì tình cảm gia đình mà có lúc anh đã than là “ước muốn không có cái nào thành tựu”.
Như trên kia đã nói, anh là một người đa tài, đa cảm, nhưng tựu trung đến lúc hai tay buông xuôi thì xét ra cũng chẳng được đắc ý điểm nào. Duy có một điểm, mặc dù không được anh thừa nhận, nhưng được đa số anh em chịu là đúng, đó là anh đã thành công một cách vẻ vang trong ngành tiểu thuyết. Dù đứng về phía nào cũng vậy, dù mang màu sắc chính trị nào cũng thế, không ai phủ nhận cái tài viết tiểu thuyết của Nguyễn Tường Tam và đều phải nhận, trên lĩnh vực tiểu thuyết, kể cả truyện dài, truyện ngắn, truyện vừa, Nguyễn Tường Tam là một tên tuổi đánh dấu một giai đoạn phồn thịnh của loại tiểu thuyết dành cho giai cấp tiểu tư sản – một giai cấp lưng chừng, bất mãn với chế độ thực dân thống trị nhưng không được nhiều thông cảm của giai cấp vô sản, bần cùng – mặc dầu lãnh tụ của nhóm Phong hoá, Ngày nay là Tứ Ly Nguyễn Tường Long đã tìm các cách để giành lấy tình cảm của những đồng bào sống ở nơi “bùn lầy nước đọng”.
Mặc dù vậy, Nguyễn Tường Tam vẫn được coi là một nhà tiểu thuyết sâu sắc, cảm hoá được nhiều người nhất, bất kể ở giai tầng xã hội nào. Riêng tôi, tôi yêu văn anh và mến phục anh từ lúc đọc Người quay tơ, trong đó có chuyện người nông phu mất đất cho điền chủ, chiều chiều đứng ở dưới này trông lên nói thầm “Ấy chó ông chủ, ấy đèn ông chủ”. Sau này, còn nhiều truyện ngắn kchs của Nguyễn Tường Tam chiếm được cảm tình của tôi, như chuyện cô gái diên muốn tận hưởng cuộc đời..., nhưng sâu sắc và làm cho tôi cảm động thiết tha nhất, ấy là truyện “Nhặt lá bàng” và sau này là truyện “Săn vịt” đăng trên Văn hoá ngày nay.
Đặc biệt của văn Nguyễn Tường Tam, theo tôi, là sự trong sáng (pureté), gọn gàng. Văn của Thạch Lam Nguyễn Tường Lân cũng có đặc điểm ấy, nhưng nếu tôi được phép ví von một chút, tôi sẽ ví văn của Thạc Lam với một trinh nữ trời cho đẹp, còn văn Nguyễn Tường Tam thì như một thiếu phụ đa tình đau khổ nhiều hơn nhưng hiểu biết hơn, mà lòng cũng “lắng” xuống sâu hơn.
Trông thì kiểu cách, nhưng sống đơn giản lạ
Cũng như người thiếu phụ đau khổ nhiều mà lòng “lắng” xuống nhiều, Nguyễn Tường Tam không giới ý nhiều đến ngoại cảnh – kể cả về vật chất lẫn tâm tình. Dưới cái bề ngoài lịch sự, đi đứng đàng hoàng, nhiều người tưởng anh là một người cầu kỳ, khó tính, nhưng theo chỗ biết của riêng tôi, anh sống đơn giản hết sức, gần như không thèm lưu ý đến ngoại cảnh làm gì.
Có nhiều đêm, ngồi vò võ trên gác toà báo Ngày nay ở đầu đường Hàng Bún, người ta thấy anh mặc một cái sơ-mi rách từ vai đến giữa lưng – mà mặc như thế luôn mấy ngày. Riêng Trọng Lang Trần Tán Cửu kể lại rằng anh đi một đôi giày rất tàng, đã bạc cả màu; Cửu hỏi thì anh đáp: “Ba năm rồi không đánh kem! Mà đánh làm gì vì mấy ngày nó lại dơ như thường!”.
Nguyễn Tường Tam sống gần như vô tình với mọi người, nhưng anh mê say nghề một cách kỳ lạ, có lẽ ít nhà văn nhà báo say mê với nghề đến thế. Mỗi khi viết một truyện ngắn, truyện dài, anh suy nghĩ lao tâm khổ trí, nhưng đến lúc truyện thành hình ở trong óc rồi, anh vẫn chưa bằng lòng, anh đem ra trình bày với anh em trong nhà, hội ý rất cẩn thận để suốt đời nhiều lần nữa rồi mới viết. Cũng như tất cả các nhà văn viết tiểu thuyết đăng báo, anh không viết cuốn nào một lúc, nhưng viết từng kỳ để đăng, hết kỳ nào viết tiếp kỳ ấy – nhưng Nguyễn Tường Tam viết mà đã có sẵn dàn bài rồi, chứ không như Vũ Trọng Phụng viết đến đâu lại xoay câu chuyện đến đó, tuỳ theo cảm hứng; hay như Lê Văn Trương viết một hơi hết một truyện dài nhưng viết từng tập, tuỳ theo cảm hứng rồi đem những tập ấy chập lại với nhau thành truyện. Có sẵn dàn bài rồi, Nguyễn Tường Tam viết tương đối dễ dàng hơn Khái Hưng. Có một lần nhìn vào một bản thảo của Khái Hưng, người ta thấy anh viết ở đầu trang một chữ “Gia đình”, ở cuối trang một chữ “người con gái đẹp” và ở giữa trang một dòng: “Trời ơi, biết viết gì đây, hở Trời?”.
Nguyễn Tường Tam không có những phút thất vọng một cách ồn ào như thế. Tương đối anh kín đáo hơn và trầm tĩnh hơn. Chưa biết viết gì thì anh ôm đầu, cắn bút, không nói không năng, nhưng đã mở đầu được rồi thì anh viết quên chết, viết say sưa quên cả trời hửng sáng lúc nào không biết. Lúc bắt đầu làm tờ Ngày nay loại đẹp, chuyên về điều tra phóng sự, do Nguyễn Tường Cẩm làm chủ nhiệm, người ta đã từng thấy Nguyễn Tường Tam thức thâu đêm để ma-két, cắt hình này dán vào hình kia làm “photo montage”. Nhưng báo không mấy chạy, Nguyễn Tường Tam lại một phen lao tâm khố trí tìm kiếm cách cứu tờ báo. Nguyễn Tường Lân thay Nguyễn Tường Cẩm chỉ huy tờ Ngày nay. Nhưng lần này cũng không may mắn hơn lần trước: Ngày nay phải tạm đình bản để sau này ra với một thể tài khác, bình dân hơn và cũng phổ cập hơn. Có thể nói Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long là “linh hồn của nhóm Ngày nay”, nhưng người lèo lái cho các báo Ngày nay, Phong hoá và Tự Lực Văn Đoàn sống và phồn thịnh, người ấy chính là Nguyễn Tường Tam vậy.
Tin ở mình, nhưng cũng tin ở số tử vi
Nguyễn Tường Tam là một người hành động, một người làm việc cần cù, tin ở tài mình, ở khả năng mình, tin ở cố gắng của mình. Chính một phần vì thế mà anh đã thành công trong việc xây dựng Tự Lực Văn Đoàn, nhưng Nguyễn Tường Tam, nhà khoa học, có khi lại không tin hoàn toàn nơi óc khoa học và tổ chức khoa học của anh.
Nhưng không như Nguyễn Tường Long hay Võ Đức Diên đi theo thầy Ngô Hùng Diễn để học về tướng số (Nguyễn Tường Long học tướng số được ngót ba năm thì bị bắt), Nguyễn Tường Tam mỗi khi có công việc gì khó giải quyết, bị thắc mắc trong lòng, thường hay nhờ các anh em tướng số xem giùm “xem ra thế nào”.
Bây giờ các bạn còn sống của anh thường hay nhắc đến một bữa cơm có mặt Võ Đức Diên, Trần Tán Cửu và Nguyễn Tường Tam, cả ba cùng tuổi Bính Ngọ (năm nay 65 tuổi âm lịch) nhờ một người bạn quen xem tướng số. Nhà tướng số nói rằng tuổi đó, mà sinh vào những ngày giờ nói trên, chết không mấy an nhàn, có khi lại gặp những sự hiểm nghèo ghê gớm. Chính vì thế, cần “sửa tướng”, và cũng vì thế nên lúc nào Võ Đức Diên cũng mặc quần áo đen, cạo đầu trọc. Nhà tướng số khuyên Trần Tán Cửu (Trọng Lang) để râu, Trọng Lang cũng theo răm rắp, để râu ria xồm xoàm, che cả mồm cả mũi “để tránh tai nạn”, thêm vào đó lại đeo kính trắng, gọng cũng trắng luôn. Còn Nguyễn Tường Tam thì nhà tướng số khuyên nên để râu và suốt đời một vài thứ khác nữa, nhưng dường như Tam chỉ “nghe theo” có một nửa – nghĩa là để tí ti râu và chỉ để râu thôi – nên về sau này nhà tướng số nghe thấy tin anh dùng độc dược quyên sinh cứ vỗ đùi đen đét than trời “Nếu mà nghe tôi thì đâu đến nông nỗi này!”.
Chẳng biết nhà tướng số đại tài khi tuyên bố như thế thì có thành thật với chính lòng mình không, chớ riêng các bạn thì tuy không nói ra miệng nhưng hầu hết đều có ấn tượng Tam sẽ không được an nhàn, êm ả khi chung cục. Là vì Nguyễn Tường Tam đã bị sai lệch về thần kinh, sau này lại uống rượu nhiều quá độ, ai cũng sợ có một ngày nào đó anh bị trúng phong mà khuỵu xuống một cách bất kỳ, bất đắc. Thêm vào đó, các tay nhậu nhẹt lại có kinh nghiệm này: phàm những người uống rượu nhiều mà nói nhiều, chỉ ba hoa tợn chớ ít khi có những cử chỉ, hành vi đáng tiếc hay ghê gớm; trái lại, những người uống nhiều mà cứ lì ra không nói thường hay có những quyết định khác thường, đáng sợ và vô phương cứu vãn.
Nhưng mà thôi, bây giờ nắp ván thiên đã đậy lại rồi, phân tích gì về cái chết của anh và bàn luận đến mấy đi nữa về cách chết cũng là vô ích. Chỉ biết rằng Nguyễn Tường Tam lúc sống đã làm “nổi đình đám” trong làng báo; đến lúc về già, cái chết của anh đã gây sôi nổi trong làng văn bút một cách rất thấm thía, sâu xa. Nguyễn Tường Tam đã bỏ các bè bạn ra đi một cách khác thường. Ngồi tính đốt ngón tay thì trước anh và cho đến bây giờ, chưa có văn nhân, ký giả nào đã gây một “xúc động tâm lý” gớm ghê như thế trong lúc từ biệt cõi đời đau khổ này, Nguyễn Tường Tam quả là một “cây lì” đã biết nghiên cứu và chọn lọc cách chết để chống lại độc tài áp bức.
Nếu có gặp Stefan Zweig trên Thiên đường…
Tội nghiệp, cả một cuộc đời bất mãn, đến già vẫn bất mãn như thường, Nguyễn Tường Tam tuy vậy cũng đã có một cái may lúc chết: anh đã thi hành được đúng yêu mến của mình và ở dưới suối vàng gặp Stefan Zweig, chắc anh cũng phải vui cười mà bắt tay nhà văn Đức này và cả hai cùng cả cười vì lẽ “anh hùng tương ngộ”.
Stefan Zweig, tác giả nhiều truyện nổi tiếng như Thư cho người không quen biết, Tình thương nguy hiểm, Người bán sách cũ, Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong đời một người đàn bà… là một nhà văn Do Thái sinh đẻ và lớn lên ở Đức. Chẳng may cho ông là lúc văn tính của ông được sáng chói trên trời Âu thì Hitler nổi lên mắc vào cổ nước Đức cái vàm phát-xít, độc tài, tàn sát người Do Thái.
Stefan Zweig và Nguyễn Tường Tam có điểm này giống nhau: trước hành động vô nhân đạo, cả hai cùng đứng lên chống đối. Nhưng Stefan Zweig chống đối mà bỏ đi ra nước ngoài, còn Nguyễn Tường Tam thì nhất định không chịu rời bỏ quê hương đất nước.
Thế rồi cả hai cùng áp dụng một cái chết thụ động nhưng oanh liệt ngang nhau: Stefan Zweig cùng vợ đi một con tàu sang chơi Nam Mỹ và ở ngay trên tàu, hai vợ chồng ông cầm hai cây súng bắn vào đầu tự tử. Nguyễn Tường Tam, đến khi chết, vẫn không quên cá tính dân tộc: lúc sống đã trầm lặng thì lúc chết cũng trầm lặng luôn. Anh đã dùng độc dược pha vào rượu mạnh để uống và đã đi nhẹ nhàng, êm ái như đi ngủ, sau khi viết lại một bức thế lên án chế độ Ngô gia với những câu cũng nhẹ nhàng, êm ái như thế nhưng làm cho cả nước xấu xa anh và uất hận Ngô gia gấp trăm vạn lần.
Nguyễn Tường Tam, nhà văn đa bất mãn hoài, riêng một lần này, có lẽ đã được toại ý vì đã thăng trên một điểm chính trị chống bạo tàn, áp bức.
Không có vụ này, cái tên Nguyễn Tường Tam cũng đã đi vào văn học sử, nhưng có thêm vụ này, văn học sử Việt Nam lại càng nổi bật hơn vì đời nào, thế hệ nào những nhà văn, “những con người bị đời coi là không thực tế, những con người bị bạc đãi, những con người bị xã hội quên lãng, coi thường” cũng biết cách sống cho nhân dân, chết vì nhân dân, mà không hề than thở cho ai biết.
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sự: 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyễn Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). Thư từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thư ký toà soạn). Giao thiệp trực tiếp ông Gia Tuấn (phụ tá thư ký toà soạn). In tại nhà in riêng của báo Văn. Quản lý: cô Nguyễn Thị Tuấn. Giá 280đ. [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ một vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét