28/3/14

Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc”


Phạm Chí Dũng/RFA - HR. 4254: Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc”

Thứ Năm, ngày 27 tháng 3 năm 2014



Dân biểu Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện. - AP
Năm 2014, người Mỹ đối ngoại kiên định hơn so với thái độ không mấy bền vững vào những năm trước. Ngay sau khi đệ trình Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam với số hiệu HR. 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 14/3/2014, dân biểu Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện - bắt đầu một cuộc vận động không thể nói là vô vọng cho dự luật này. Thậm chí, thông tin bên lề còn cho biết xác suất để Hạ viện Hoa Kỳ thông qua HR. 4254 là rất cao.


HR. 1897: Nước “triệt buộc” đầu tiên

“Lộ trình Miến Điện” đang tái hiện những nút thắt cùng uy lực bọc đồng lẫn bọc đường của nó: từ lên án vi phạm nhân quyền đến chế tài những chủ thể sinh đẻ các vi phạm đó. Những tin tức lạnh lùng cho biết vào năm 2011, Mỹ và phương Tây đã phải tiến hành chế tài về nhập cảnh và phong tỏa tài sản đến 5.000 nhân vật chính khách, quân đội và công an ở Miến Điện - một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh đàn áp dân chúng và đối lập thật khó có thuốc chữa tại quốc gia đã từng dìm trong bể máu cuộc “cách mạng áo cà sa”.

Trên bàn cờ tương quan chính trị Mỹ - Việt hơn hai năm sau, thế “triệt buộc” đầu tiên thuộc về Dự luật nhân quyền Việt Nam - mang mã số HR. 1897, được Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua vào đầu tháng 8/2013 với tỷ lệ phiếu hoàn toàn áp đảo.

Điều có vẻ trái khoáy là HR. 1897 lại là khế ước đầu tiên hướng đến việc thực hiện “cơ chế hợp tác đối tác toàn diện” mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được qua cuộc gặp quá ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2013 với người đồng nhiệm ở bên kia bán cầu là Barak Obama.

Vào thời điểm đó và chỉ mới 3 tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được âm thầm nối lại tại Hà Nội, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn tiến triển đến mức chính quyền cho bắt một hơi ba blogger - những người chỉ thể hiện khẩu khí chống lại sự can thiệp của Trung Quốc và hành động mạo muội “xếp hạng lãnh đạo”. Cũng vào giữa năm 2013, hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền đã không giải quyết được một vấn đề kinh tế - xã hội thực chất nào, ngoài việc bổ sung hai ủy viên Bộ chính trị mà từ đó đã sinh ra vô số dư luận về câu chuyện kèn cựa phe phái. Và ngay cả xu hướng mang tính phe nhóm “ngả về phương Tây” cũng chỉ mới chập chững…

Ngay lập tức, câu trả lời đến từ Washington vào tháng 7/2013: không mấy quan tâm và có thể chẳng cần đến sự diễn giải của phái đoàn ông Sang về điều được xem là “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người”, người Mỹ hẳn chưa nhận ra hiện thực được gọi là “thành tâm chính trị” thể hiện rõ nét trong Bộ chính trị Việt Nam và các cấp thừa hành địa phương, và do vậy Washington tự cho mình quyền đẩy Hà Nội vào tình thế đánh đố nhiều hơn là gợi mở.

Với sự chất vấn đầy trắc trở của cái tương lai như thế, một thất vọng được lượng hóa rõ nhất là phái đoàn Việt Nam đã không thể có cơ hội tiếp cận bằng chính xúc giác của họ trong chuyến đi Washington. Từ TPP đến “đối tác chiến lược” và vũ khí sát thương, tất cả đều không hé lộ một triển vọng nhanh chóng nào. Thậm chí cho tới nay, tất cả vẫn còn nằm trên giấy theo đúng tinh thần bản “ghi nhớ” giữa hai nguyên thủ quốc gia. Cũng hơn hai chục vòng đàm phán đã trôi vào dĩ vãng nhưng vẫn chưa làm cho giới quan chức và các nhóm lợi ích ở Hà Nội ngộ ra một quy trình kết thúc có hậu nào của TPP ở thì hiện tại.

Cú đồng thuận gần như tuyệt đối của Hạ viện Mỹ đối với Dự luật nhân quyền Việt Nam chỉ ít ngày sau cuộc gặp Obama - Sang và trước thời hạn quy định hẳn mới chỉ là lời đánh đố mở màn. Hà Nội cần và ngay lập tức phải hiểu rằng họ đang ở vào năm 2013 chứ không còn là năm 2006 - thời điểm mà Nhà nước Việt Nam được “giải thoát” khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), để chuẩn bị cho cuộc tiến chiếm bàn tiệc WTO với tư cách là thành viên thứ 150.

Nhưng bản thân Hoa Kỳ cũng cần được giải thoát khỏi những tín điều cố hữu và kém thực tế. Bài học cốt tủy mà người Mỹ có lẽ đã không ít lần xào lại là kể từ khi không còn nằm trong danh sách CPC vào năm 2006, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại trở nên “tự do” đến mức mà giới quan sát phương Tây phải yêu cầu chính quyền Mỹ đóng luôn cánh cửa quan hệ với Hà Nội.

“Triệt buộc” thứ hai mang tên “HR. 4254”

Áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chính phủ Việt Nam “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” là tinh thần sắt son trong bản Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam mà những nghị sĩ cứng rắn như Ed Royce đang tiếp bước “Lộ trình Miến Điện”.

Theo thông cáo của dân biểu Ed Royce, HR. 4254 là một dự luật lưỡng đảng, nhắm mục tiêu vào những quan chức chính phủ, công an và những người khác vi phạm nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.

Cụ thể, những cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ.

Thực ra dự thảo đầu tiên của HR. 4254 đã xuất hiện trong Quốc hội Hoa Kỳ cách đây đúng một năm, vào tháng 3/2013, tức hai tháng sau chuyến “hành hương” của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Vatican. Khi đó và trong bầu không khí bị xem là “thụt lùi sâu sắc” về nhân quyền, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu:

“Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ”.

Và “Sau không quá 90 ngày từ ngày ban hành Đạo luật này, Tổng thống sẽ đệ trình lên những Ủy ban quốc hội thích hợp danh sách của các cá nhân, là công dân Việt Nam, mà Tổng thống xác định là dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền chống lại nhân dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ, bất kể việc những vụ vi phạm đó có xảy ra ở Việt Nam hay không… Danh sách được quy định trong đoạn (1) sẽ được công khai cho công chúng và được đăng trên các trang web của Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao”.

Không phải và chẳng bao giờ tự do là món quà trên trời rơi xuống. Cũng không hẳn chuyện đổ tiền sẽ làm nguội lạnh những cái đầu tham lam lẫn sắt máu. Dĩ nhiên Miến Điện được như ngày nay là nhờ cú đi roi song hành với tiến trình xóa nợ quốc gia.

Luật chơi của người Mỹ

Sau 39 năm từ thời điểm 1975, giai cấp cầm quyền ở Việt Nam đã lập kỷ lục về nợ công quốc gia: ít nhất 95% GDP, nếu không nói là còn hơn thế. Con số này là một trời một vực so với số báo cáo chỉ khoảng 55% GDP của Chính phủ. Mỗi đầu nông dân phải gánh đến ít nhất 1.500 USD tiền nợ, trong lúc vai và lưng họ đã oằn tím bởi hàng trăm thứ thuế cùng thói vô cảm của các “đày tớ”.

Nhưng vấn đề trầm trọng hơn nhiều là trong một xã hội có đến ít nhất 20% dân số lâm vào tình cảnh nghèo khổ - gấp 3 lần số báo cáo, nền kinh tế rơi vào cảnh suy sụp và thảm hại đến mức “không biết lấy tiền đâu để trả nợ nước ngoài” - như trần tình hiếm hoi của một quan chức nhà nước. Với đà như thế này, tình thế quá nan y chắc chắn sẽ đẩy đất nước đến hố bĩ cực, và sẽ chẳng hề kinh ngạc nếu nó dẫn đến vô số cơn động loạn xã hội khiến cho chân đứng chính thể có thể vụn vỡ vào bất cứ thời điểm nào.

Phải chăng đó là thế “tự triệt buộc” của giới lãnh đạo đương thời Việt Nam kéo theo các tầng lớp dân chúng khốn khổ của họ?

Còn với người Mỹ, một lần vội vàng là thêm một sai lầm. Giờ đây, dường như cách chơi bài của người Mỹ là kiểu cách với điếu xì gà trên miệng cùng những vòng khói tỏa ra từ lỗ mũi thâm sâu của người Trung Hoa. Bầu không khí ấy có vẻ không hứa hẹn một viễn cảnh được phác ra sớm sủa, mà có lẽ sẽ kéo dài theo một quy luật được sàng lọc từ dĩ vãng: độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội.

Thời gian đầu tiên của năm 2014  đang chứng kiến thái độ kiên định hơn của không chỉ khối nghị sĩ đảng Cộng hòa. Ngay cả Tổng thống Obama và ngoại trưởng của ông cũng chợt mạnh mẽ hẳn lên đối với bản Phúc trình nhân quyền Việt Nam năm 2013 và những điều kiện đặt lên bàn đàm phán TPP.

Cũng bất chấp mối đe dọa có thể xảy ra cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai, lần đầu tiên chính quyền Obama dám áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga và Ukraine. Ngay sau đó, cơ quan công tố Thụy Sĩ đã làm việc hết sức khẩn trương: hàng loạt ngân hàng ở quốc gia này, nơi cất giấy tài sản của thế giới quan chức đen đúa, đang bị bóc trần từng mảng lớn.

Lẽ nào tương lai của “một bộ phận không nhỏ” giới quan chức, công an Việt Nam cùng vợ con họ, những người đã có đủ thời gian để khiến Tổ quốc bị loang máu ngoại tệ sang tận Úc, Mỹ, Anh, Canada hay các nước Bắc Âu, những người nồng nàn tình yêu Tổ quốc đến mức sẵn sàng nhảy lên máy bay ra ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào xảy ra “biến cố”, cũng tự khép mình vào thế “triệt buộc” mất trắng tổ quốc như triều đại vừa lâm chung ở Ukraine?

Phạm Chí Dũng, TP.HCM 27-03-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét