9/3/14

Thương Chiến Mỹ-Nga


Friday, March 7, 2014

Thương Chiến Mỹ-Nga

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 140306


THEO DAINAMAX TRIBUNE




Trận đấu kinh tế giữa Mỹ và Nga về vụ Ukraine    


* Những người biểu tình ủng hộ Nga tại Crimea *
















Trưa Thứ Năm mùng sáu, Tổng thống Barack Obama xuất hiện trước báo chí để công bố quyết định trừng phạt Liên bang Nga qua một Sắc lệnh Hành pháp. Ngay lập tức, từ Âu Châu, Ngoại trưởng John Kerry khai triển thêm chi tiết về quyết định này. Tiếp theo, Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết đạo luật kết án Liên bang Nga và yêu cầu Hành pháp tăng áp lực về cả chính trị (như trục xuất Nga ra khỏi nhóm G-8) lẫn kinh tế để Moscow phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine và cả bán đảo Crimea hiện đang bị Nga khống chế, với Quốc hội trong tay Nga vừa biểu quyết việc đưa Crimea vào lãnh thổ Nga qua một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là do Nga tổ chức....

Khi trận đấu giữa Tây phương và Liên bang Nga chuyển dần từ lãnh vực ngoại giao và chính trị qua kinh tế, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi kết quả thực tế của biện pháp trừng phạt. Thay vì chạy theo tin tức cứ dồn dập thay đổi từng giờ, chúng ta nên lùi lại để nhìn toàn cảnh của mặt trận kinh tế giữa đôi bên - đúng hơn nữa, mặt trận tay ba, giữa Nga, Âu và Mỹ....


***

Liên bang Nga có nền kinh tế trị giá hơn hai ngàn tỷ Mỹ kim một năm, từ 2.500 đến ba ngàn nếu tính theo tỷ giá mãi lực của đồng bạc (PPP), và có dự trữ ngoại tệ khoảng 650 tỷ đô la. Nền kinh tế nay đang bị suy trầm, với đà tăng trưởng giảm sút từ hơn 3% vào năm 2012 xuống chỉ còn chừng 1,3% năm 2013, và đồng Rúp bị mất giá nặng.

Kinh tế Nga sống nhờ xuất cảng, nhiều nhất là dầu thô và xăng dầu (55% tổng số xuất cảng), kế tiếp là khí đốt (15%), sau đó mới là hàng bán chế (chế biến một phần), hoá chất, máy móc, v.v... mỗi loại đều dưới 10%, thấp nhất là nông sản và hàng công nghiệp. Trong số xuất cảng của Nga, thị trường Liên Âu mua chừng 53%, Đông Âu và Trung Âu mua 12%, còn lại là các thị trường khác  và thấp nhất là thị trường Mỹ, chỉ khoảng 25. Muốn có khả năng xuất cảng đó, Nga cũng phải nhập cảng, nhiều nhất cũng từ Liên Âu, 42%, sau đó là Trung Quốc, chừng 17% và các xứ khác, ít nhất là từ Hoa Kỳ, chưa tới 5%.

Trong quan hệ kinh tế Nga-Mỹ, năm qua Nga bán hơn 20 tỷ đô la hàng hóa cho Mỹ (hơn 19 tỷ là sản phẩm hóa dầu) và mua của Mỹ máy bay dân sự, xe hơi, hoá chất, thịt và nông sản, nhưng cũng chẳng nhiều và không thể chết vì một lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ. Thị trường cổ phiếu Nga có kết giá chừng 870 tỷ đô la mà giới đầu tư Mỹ chỉ nắm có 6%, nếu họ có bán tháo –và bị thiệt – thì cũng chẳng làm thị trường tài chánh của Nga sụp đổ. Ngoài ra, Hoa Kỳ (và các nước Âu Châu) cũng chẳng giữ đồng Rúp trong khối dự trữ ngoại tệ nên chẳng thể bán tiền Nga để đánh sụt đồn bạc. Họ phải tính cách khác.
Chỉ nhìn vào những nét chính này, ta có thể rút tỉa vài kết luận: kinh tế Nga gắn bó với thị trường Liên Âu hơn Hoa Kỳ nên biện pháp trừng phạt, cấm vận hay phong tỏa của Mỹ ít hiệu quả.

Hoặc nếu muốn có tác dụng có thì phải mở ra một phạm vi rộng lớn, với sự hưởng ứng của các nước Âu Châu. Bàn cờ kinh tế Mỹ-Nga vì vậy là bàn cờ tay ba, Mỹ-Âu-Nga, với Âu Châu giữ vị trí bản lề ở giữa.


***

Ngày 26 Tháng Giêng, khi tình hình Ukraine biến động, Phụ tá Ngoại trưởng Victoria Nuland (đặc trách về Âu Châu và đại lục địa Âu-Á, tức là bao trùm lên Liên bang Nga) có cuộc đàm thoại với Đại sứ Mỹ tại Kiev với một lời phát biểu nặng nề được tình báo Nga tung ra hôm mùng sáu Tháng Hai để gây chia rẽ trên trận tuyến Âu-Mỹ. Xin tạm dịch lời phát biểu (F. the EU) cho nhẹ, là "kệ mẹ Liên Âu!"

Đấy có thể là quan điểm chung, và rất thực, của Hoa Kỳ về khả năng tác động của Liên Âu khi các nước Âu Châu không dám làm mạnh để bảo vệ Ukraine. Đấy cũng có thể là lời nói khích, nhằm thúc đẩy các nước Âu Châu lên lưới để gây áp lực với Moscow.

Chẳng suy đoán thêm về sự thể thì người ta cũng thấy là sau đó, các nước Âu Châu có thái độ dứt khoát hơn. Cuối cùng thì ba Ngoại trưởng Ba Lan, Pháp và Đức bay qua Kiev, trực tiếp tham gia cuộc vận động với Chính quyền Viktor Yanukovich và các lãnh tụ biểu tình, với kết quả là Quốc hội Ukraine truất phế Yanukovich và xây dựng một hệ thống lãnh đạo khác từ ngày 22 Tháng Hai. Theo quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin thì đây là "một vụ đảo chánh của bọn cực hữu quá khích " và "vi phạm Hiến pháp 2004 của Ukraine", là lý cớ cho việc Nga can thiệp bằng quân sự tại Crimea. Vụ khủng hoảng quốc tế tại Ukraine bùng nổ hôm 26.

Và trong 10 ngày qua, người ta thấy ra sự rạn nứt trong chiến tuyến Âu-Mỹ.

Vì lệ thuộc vào khí đốt của Nga, Đức không muốn trục xuất Nga ra khỏi nhóm G-8. Pháp vẫn muốn xúc tiến việc bán hộ tống hạm Mistral cho Nga và Ngoại trưởng Laurent Fabius cho biết Pháp vẫn tôn trọng những thoả thuận quân sự với Nga. Còn Thủ tướng Anh không đồng ý với việc truy lùng và cấm đoán nghiệp vụ tài chánh của các tài phiệt Nga ở trong thị trường Anh quốc. Nhiều doanh nghiệp Âu Châu, như BP hay Shell, cũng cho biết là họ không giảm hoạt động với thị trường Nga.

Vì đồng tiền nó liền khúc ruột, ta không thể nói về chuyện đạo lý, mà vẫn có thể nhớ đến một danh ngôn tương truyền là của Lenine: "bọn tư bản sẽ bán cho ta sợi dây để treo cổ chúng!" Nhưng người ta vẫn có thể nêu câu hỏi là cuối cùng thì tại sao nền kinh tế Xô viết lại sụp đổ lên chính nó khiến Liên Xô tan rã?

Bây giờ, hãy tìm hiểu tiếp xem Hoa Kỳ có thể làm gì, với đồng minh Âu Châu và đối thủ là Liên bang Nga?

***

Sự thật kinh tế là biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ về ngoại thương và tài chánh chỉ có kết quả nếu Liên Âu tham dự.

Âu Châu giữ hơn phân nửa ngạch số ngoại thương Âu-Nga và làm chủ ba phần tư tổng số đầu tư trực tiếp từ bên ngoài vào thị trường Nga. Âu Châu cũng tiêu thụ năng lượng của Nga, nguồn tài nguyên đem lại một phần tư sản lượng kinh tế và hơn phân nửa số thu ngân sách. Kinh tế Liên Âu lại chưa ra khỏi vụ khủng hoảng Euro và nạn suy trầm cho nên chẳng ai ở đây lại muốn chết, hay vỡ nợ, vì dân Ukraine. Lời phát biểu của Victoria Nuland có nội dụng sâu rộng hơn ta nghĩ.

Nhưng Hoa Kỳ vẫn có thể dọa già ra quyết định trừng phạt mọi doanh nghiệp làm ăn với Liên bang Nga, dù là của Liên Âu hay Hoa Kỳ. Chưa biết rằng điều ấy có tính chất khả tín và khả thi tới mức nào thì ta đã thất Hạ viện Duma của Nga soạn thảo một dự luật trả đũa: tịch thu tài sản của các doanh nghiệp Âu Châu và Hoa Kỳ nếu có lệnh cấm vận. Lãnh đạo Nga có tin như vậy và hăm trước hay không, ta chẳng biết.

Tuy nhiên, trong màn đấu trí trên bàn cờ kinh tế này, ta không thể quên một quy luật, như người viết đã nhiều lần nhắc tới, "liều thì được, nhu nhược thì thua". Nôm na là không sợ thì sẽ thắng.

Trong tháng qua, biến động tại Ukraine đã gây hốt hoảng cho các thị trường trên thế giới, nhưng với kết quả dội ngược về nước Nga, mỗi ngày, chính quyền Putin phải chi ra hơn 10 tỷ đô la để giữ giá cho đồng Rúp. Mười ngày là trăm tỷ! Và nếu trận chiến kinh tế bùng nổ toàn diện, với Hoa Kỳ và Âu Châu đứng cùng một chiến tuyến, Âu Châu sẽ thiếu khí, nhưng kinh tế Nga bị họa còn nặng hơn nữa.

Giả thuyết Âu-Mỹ cùng thống nhất hành động có xác suất thấp, chưa kể là nhiều doanh nghiệp Mỹ, từ Boeing tới ExxonMobil, sẽ phàn nàn và vận động ngược. Nhưng lãnh đạo Hoa Kỳ, Hành pháp và Lập pháp, vẫn có thể lấy những quyết định không cần tới sự hưởng ứng của các nước Âu Châu đang làm ăn với Liên bang Nga.

Thứ nhất là duyệt lại các hiệp ước quân sự Mỹ-Nga và mở ra một cuộc thi đua võ trang Nga Mỹ. Trong một kỳ khác, chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện này. Thứ hai là rà soát lại chánh sách năng lượng để tác động vào thị trường dầu khí toàn cầu, trong đó có thị trường Âu Châu và Nga. Trận chiến về năng lượng không lập tức có hiệu quả, nhưng nếu được áp dụng thì sẽ thực tế giải giới nước Nga, vì đánh sụt giá dầu thô và khí đốt và giải phóng Âu Châu khỏi sức ép của Nga.

Phần còn lại, và đây mới là vấn đề, Chính quyền Barack Obama có dám nghĩ tới một cuộc chiến rộng lớn và dai dẳng như vậy chăng?

Source : dainamax tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét