Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
Rainer Maria Rilke
Thư cho một thi sĩ trẻ tuổi
“Aber alles, was vielleicht einmal vielen möglich sein wird, kann der Einsame jetzt schon vorbereiten und bauen mit seinen Händen, die weniger irren. Darum, lieber Herr, lieben Sie Ihre Einsamkeit, und tragen Sie den Schmerz, den sie Ihnen verursacht, mit schön klingender Klage.’’
“Nhưng tất cả những gì một mai có thể trở thành khả thể cho bao người, thì ngay từ bây giờ kẻ Cô Đơn đã có thể đổ nền xây móng bằng hai hàn tay hắn, hai bàn tay rất ít sai lầm. Bởi vậy, ông thân mến, hãy yêu thương nỗi Cô đơn và hãy chịu đựng nỗi Khổ Đau do nó gây ra với lời ai ca diễm lệ.”
(Briefe an einen jungen Dichter)
Giới thiệu
1.
Rainer Maria Rilke chào đời ngày 4 tháng Chạp tại Prague.
Từ năm 1886 tới năm 1890: Rilke theo học trường Thiếu Sinh quân ở Saintpolten, rồi trường võ bị Militär–Oberrealschule. Năm 1891, sức khỏe yếu kém, ông bỏ trường võ bị, theo học trường thương mại ở Linz. Năm 1895: Phân Khoa Triết Đại Học Prague. Năm 1896, Luật Khoa.
Năm 1899, du lịch qua Nga với Lou-Andreas-Salomé. Gặp Tolstoi. 1901 lập gia đình với Clara Westhoff, từ năm 1905 đến 1906 làm việc với Rodin ở Pháp. Sau đó là những năm xê dịch không ngừng cho tới chết: 1906-1907: Bỉ, Đức, Áo, Tiệp Khắc, Ý. 1908: Pháp. 1910: Rome, Venise, Paris, 1911: Algérie, Tunisie, Ai Cập. 1912-1913: Tây Ban Nha. 1914: Paris, Leipzig, Munich, Berlin. 1915-1916: bị động viên sau đó được giải ngũ vì lý do sức khỏe. 1919: Thụy Sĩ. 1920: Locarno, Bâle, Venise, Berne, Zurich, Genève, Bâle. 1921: Paris. Tháng Bẩy: ẩn dật tại lâu đài Muzot.
Rilke từ trần ngày 29 tháng Chạp năm 1926 tại dưỡng đường ở Valmont, Lausane.
2.
Rilke là kẻ suốt đời lầm lũi đi tìm hoang vắng tịch liêu.
Đó là một khuôn mặt trầm tư, một tâm hồn nghiêng mãi xuống lòng đời. Một cách vô cùng tin tưởng, kiên trì, khoan hóa và rộng mở. Một cách tuyệt đối không thắc mắc, không hối thúc, không dò hỏi. Một cách tuyệt đối lặng lẽ, tuyệt đối trầm lặng đón chờ cái Vô Ngôn. Vô Danh. Vô Hình Vô Ảnh của UYÊN NGUYÊN KHƠI MỞ - das Offene.
Chúng ta là những con ong vô hình. Chúng ta say sưa hút mật của hữu hình để tích chứa trong bọng ong vàng óng của Vô Hình.
Chỉ có cái dừng mới dừng được cái dừng của vạn vật và nước lặng thì sáng. Rilke và Trang Tử gặp nhau ở cõi tiêu dao lồng lộng và đồng thời lắng đọng.
3.
“Sáng tạo” và “cô đơn” là hai khai ngữ của Rilke.
Sáng tạo không phải chỉ là một hành động của con người. Đó chính là sự biểu lộ của dòng đời. Đó chính là sự khơi mở dòng đời.
“Sáng tạo (schaffen) có nghĩa là múc nước ở nguồn (schöpfen). Và múc nước ở nguồn là nhận chịu cái câm lặng và cưu mang nó như đã chịu nhận từ thuở ban đầu. Và như thuở ban đầu hồn nhiên, thơ dại [1] .
Sáng tạo là mở ra cái mở phơi, là lắng chìm với các chìm lắng, và là sống với tất cả cái sống: làm một với Thiên Nhiên. Muốn thế kẻ sáng tạo phải trong sáng, trầm tĩnh, đơn giản, kiên nhẫn, nguyên vẹn – nghĩa là phải cô đơn vậy.
Cô Đơn, nỗi cô đơn nội tâm mênh mang”
(Einsamkeit, grosse innere Einsamkeit) đó là điều duy nhất cần thiết.
Cô đơn, như đứa trẻ cô đơn, khi người lớn đi tới đi lui, bận túi bụi với những công việc dường như lớn lao đối với trẻ con, và quan trọng chỉ vì người lớn vướng mắc vào và đứa trẻ không hiểu ất giáp gì.
Cô đơn, như thiếu phụ mang thai cô đơn, khi phải bảo vệ thai nhi trứng nước và một mình phải đương đầu với một cuộc phiêu lưu sinh tử mà không ai giúp được mình mảy may.
Cô đơn là điều kiện của cảm hứng.
Cô đơn là chất liệu của cảm hứng.
Cô đơn chính là cảm hứng. Tất cả mọi tác phẩm vĩ đại đều được sáng tạo dưới bóng dáng uy nghi của cô đơn. Tất cả mọi tôi luyện đều là một giai đoạn ẩn tu khép kín trong liêu vắng.
Vì cô đơn là điều kiện thiết yếu để tập trung tinh thần, một cơ hội để nung nấu nghị lực, một dịp may để thu nhiếp trọn vẹn con người mình. Là một lần nhìn rõ mình, một lần can đảm chấp nhận thân phận người để vượt qua mãi mãi. Là một nền tảng vững chắc để xây dựng, một khởi điểm rõ rệt cho một cuộc hành trình, không phải về với hữu hạn mà về với vô biên, một cuộc chạy đua, không phải với Tử Thần thù nghịch mà là cùng với nỗi chết thân yêu, không phải trước sự chứng kiến của mọi người. Nhưng dưới những vì sao bất diệt.
Chúng ta cô đơn vô tả. Chúng ta cô đơn khôn tả xiết: đó là một sự kiện căn bản của thân phận con người, một sự thật thật hơn gỗ đá và chắc chắn hơn cái chết.
Cô đơn là khí hậu tự nhiên của con người. Đó là số phận của tất cả những tâm hồn siêu đẳng. Vĩ đại có nghĩa là bị ngộ nhận, bị xua đuổi, bị chà đạp. Vĩ đại có nghĩa là cô đơn. Là những kẻ sáng tạo, chúng ta phải sống thuận hòa với cô đơn như cá với nước.
Cô đơn là quê hương của chúng ta. Chúng ta phải trung thành với cô đơn như kẻ vong quốc lưu đầy luyến nhớ cố hương.
Cô đơn là đức hạnh của ta. Chúng ta phải kiêu hãnh vì cô đơn như một vương tử mất ngôi trong chế độ dân chủ bảo trì ngọc tỷ.
Cô đơn là mái nhà yên ấm của ta. Chúng ta phải ôm ấp cô đơn như người tình ấp ủ người tình.
Cô đơn là tình ta. Chúng ta phải trìu mến cô đơn như kẻ tình nhân nâng niu mối tình thiêng liêng. Mối tình đầu tiên, mối tình cuối cùng.
Ôi cô đơn! hãy trở về! cuộc sống sáng tạo của chúng ta bắt đầu từ đây. Nghĩa là từ khi chúng ta khẳng định như Rilke rằng: “Chúng ta là nỗi cô đơn.” (Wir sind einsam.) [2]
Những bài thơ của Rilke là những lời ru vọng về từ cô đơn, khuyến dụ cô đơn, vỗ về cô đơn.
Thi ca Rilke chính là khúc Ngợi Ca Cô Đơn (Dithyrambe de la Solitude) như tư tưởng Nietzsche.
Ôi cô đơn! Mi là tổ quốc của ta; cô đơn! Giọng nói với ta sao mà hân hoan và dịu dàng làm vậy.
Chúng ta không hỏi han nhau điều gì, chúng ta không than thở với nhau điều gì, thong dong chúng ta cùng nhau vượt qua những cánh cửa mở rộng.
Bởi vì tất cả đều rộng mở và sáng lóa nơi mi; và thời khắc nữa, cũng trôi đi bằng những bước thầm rất nhẹ (…)
Nơi đây phát hiện cho ta yếu tính và sự biểu lộ của tất cả những cái gì hiện hữu.
(Also sprach Zarathustra)
Đi sâu vào bản chất của cô đơn chúng ta sẽ thấy cô đơn là một điều kiện của Cách vật và Vật Hóa. Vì cô đơn là gì nếu không phải là khép lại với nhân sự (choses humaines) và mở ra với sự vật - tại - thể (chose en - soi)? [3] . Khi đã hiểu thế nào là Vật thể chúng ta sẽ hiểu thế nào là Hiện thể. Khi đã hiểu thế nào là Hiện thể, chúng ta hiểu thế nào là Toàn thể. Và khi đã hiểu thế nào là toàn thể, chúng ta sẽ hiểu thế nào là Nhất thể. Khi đã hiểu thế nào là Nhất thể, chúng ta sẽ hiểu thế nào là Linh thể.
Vạn vật như rừng rậm tối mù, nhưng nơi đây, trong cô đơn, trong một nơi linh thánh (in a holy place) tất cả đều mở ra, đều sáng lòa cho chúng ta. “Nơi đây phát hiện cho ta, yếu tính và sự biểu lộ của tất cả những gì hiện hữu” (Nietzsche) vì tại nơi đây “Chúng ta đứng trước niềm bí nhiệm của thế giới nơi Hiện thể đi vào Hiển thể và Nhất thể đi vào Phức thể . (We stand before the secret of the world where Being passes into Appearance and Unity into Variety – Emerson, “The Poet”).
Tất cả những gì tách ra khỏi Toàn thể đều xấu xa, tất cả những gì ly khai khỏi Linh thể đầu tầm thường, nên thi sĩ, kẻ tái-kết sự vật vào thiên nhiên và Toàn thể (the poet who re-attaches thíng to nature and the Whole) chính là kẻ sửa chữa sự suy đồi của sự vật [4] , kẻ vớt sự vật lên tại nguồn và gọi tên sự vật theo giấy khai sinh. Hắn chỉ có thể thể thực hiện được công trình đó bằng cách “buông thả mình theo bản chất của sự vật” với niềm tin tưởng rằng bên trên năng lực mà hắn thủ đắc và ý thức được còn có một sức mạnh vô biên liên tục ào ạt trôi chảy trên hắn như một đại dương mà hắn chỉ thể hoà nhập bằng cách khơi dòng từ nơi hắn rồi cởi bỏ tất cả mọi y phục, khôi giáp, mở tung những cánh cửa nhân loại, liều lĩnh lăn xuống dòng.
Nhập lưu!
Bằng cách khuất mình chịu nhận sức mạnh siêu nhiên dìu dặt thổi qua các vật thể, bằng cách can đảm chịu đựng tất cả mọi vết thương của một sinh vật nhậy cảm không có vỏ, bằng cách chịu đựng mọi nhục nhằn như một kẻ cô đơn, bằng cách kiên trì như một trái cây phơi mình hứng nắng gió mưa bão qua các mùa, hắn mới có thể nhập được vào đời sống vũ trụ. Lúc đó lời nói của hắn sẽ là sấm sét, tư tưởng của hắn sẽ là luật lệ, ngôn ngữ của hắn sẽ phổ quát dễ hiểu như cỏ cây muông thú. Và tác phẩm của hắn sẽ là những cơn mưa nguồn đưa hắn ra khơi.
“Đây là khúc hoài cảm; ngụ cư trên sóng nước và chẳng bao giờ có chỗ trú ẩn trong thời gian;
Và đây là những ước vọng; chuyện trò thầm thì về giờ phút âm thầm thường nhật với ngàn thu.”
Thi sĩ, kẻ không cửa không nhà, kẻ vô sở trú (cet être sans abri) trong thời gian và không gian, khước từ mọi yên ổn, lầm lũi một mình đi theo dấu vết của những thần thánh đã biệt vô tăm tích hướng về UYÊN NGUYÊN KHƠI MỞ, chờ đợi một cách thành kính, trong đêm tối phong ba bão táp, ánh sáng chói lòa của Linh thể.
*
Thư cho một thi sĩ trẻ tuổi
Ông hỏi tôi, thơ ông có được không. Ông hỏi tôi. Ông đã hỏi những người khác trước đó. Ông đã gửi những bài thơ ấy tới các tạp chí. Ông so sánh thơ ông với những bài thơ khác và ông bối rối khi một vài chủ bút khước từ những cố gắng của ông. Bây giờ (vì ông đã cho phép tôi khuyên ông) tôi xin ông hãy chấm dứt tất cả những việc đó. Ông đang hướng ngoại, và đó là điều trên tất cả mọi điều từ nay ông không nên làm nữa. Không một ai có thể khuyên nhủ hay giúp đỡ ông, không một ai. Chỉ có một con đường duy nhất. Đi sâu vào con người ông. Tìm lý do bắt buộc ông phải viết; tìm xem nó có cắm rễ vào những nơi sâu kín của tâm hồn ông không, hãy tự thú nhận với mình xem ông có chết khi bị cấm viết hay không? Nhất là điều này: hãy tự hỏi ông vào những giờ phút tĩnh lặng nhất của đêm: ta có bắt buộc phải viết không? Hãy đào xới trong ông cho ra một câu trả lời là khẳng định, nếu ông có thể đối đầu với một câu“Ta phải viết” mãnh liệt và đơn giản, lúc ấy hãy xây dựng đời ông theo nhu cầu ấy; cuộc đời ông ngay cả trong những giờ phút lạnh lùng hờ hững và ăn xổi ở thì vô nghĩa nhất cũng phải thở thành dấu hiệu và chứng tích của sự thôi thúc này. Rồi ông hãy lại gần Thiên Nhiên. Rồi hãy cố gắng nói, như con người đầu tiên trên trái đất, điều ông thấy và cảm nghiệm, yêu và mất. Đừng làm thơ tình; trước hết hãy tránh những đề tài quá dễ dãi và thông thường đó; đó là những đề tài khó nhất, vì cần phải vận dụng một sức mạnh mãnh liệt và viên mãn để tạo nên một cái gì độc đáo của riêng mình nơi truyền thống vững chắc, đôi khi tuyệt luân đã cống hiến hàng rừng. Bởi thế hãy tránh những đề tài thông thường đó và hãy tìm những đề tài mà đời sống hàng ngày đem lại cho ông; hãy mô tả nỗi ưu sầu và ước vọng của ông, những ý nghĩ thoáng qua và niềm tin vào một vẻ đẹp nào đó – hãy mô tả tất cả những điều đó với một tấm lòng chân thành thân mật, trầm tĩnh và khiêm tốn và hãy dùng những sự vật xung quanh ông, những hình ảnh của giấc mơ ông, những vật của những kỷ niệm ông, để tự diễn tả mình. Nếu đời sống thường nhật của ông có vẻ nghèo nàn, đừng lên án nó; hãy lên án chính mình chưa đủ thi sĩ để vời gọi những sự phong phú của đời; vì đối với kẻ sáng tạo không có sự nghèo khó và không có nơi nào nghèo nàn, lãnh đạm cả và ngay cả khi ông ở trong nhà tù, tường vách bưng bít không để lọt một âm thanh nào đến với giác quan ông - phải chăng lúc đó ông vẫn còn tuổi thơ, của cải quí báu, vương giả, kho tàng kỷ niệm? Hãy hướng tâm trí ông về nơi đó; hãy cố gắng vớt lên những cảm giác chìm đắm của quá khứ ăm ắp bao la đó; cá tính ông sẽ vững mạnh, nỗi cô đơn của ông sẽ trải rộng ra và sẽ trở thành một chốn ẩn trú âm u mà những tiếng động ồn ào của những kẻ khác sẽ thẩm qua rất cách xa, - Và nếu từ cuộc trở về nội tâm nầy, từ cuộc lặn lội sâu vào thế giới riêng tư này những vần thơ đến, thì lúc đó ông sẽ không nghĩ tới chuyện hỏi những vần thơ đó có hay không. Ông cũng chẳng quan tâm tới việc gọi các tạp chí để ý tới những công trình này; bởi ông hân hưởng nhìn thấy ở đó vật sở hữu tự nhiên thân yêu, một mảnh và một tiếng nói của cuộc đời ông. Một tác phẩm nghệ thuật hay khi nó phát xuất từ một nhu cầu. Sự thẩm định nằm ngay trong chính bản chất của khởi nguyên nó; không có sự thẩm định nào khác. Bởi thế, ông thân mến, tôi không biết khuyên ông điều gì ngoài điều này: đi sâu vào lòng mình, thăm dò những chiều sâu nơi bắt nguồn cuộc sống của ông: tại suối nguồn đó, ông sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ông có phải sáng tạo hay không. Hãy đón nhận âm vang của nó không tra tấn sục sạo bên trong. Có thể từ đó ông được vời gọi trở thành người nghệ sĩ. Vậy thì hãy mang lấy mệnh, chịu lấy nghiệp, với sức nặng và sự vĩ đại của nó mà không bao giờ hỏi phần thưởng nào có thể đến từ bên ngoài. Bởi kẻ sáng tạo phải là cả một vũ trụ cho riêng mình và tìm thấy tất cả mọi sự trong mình và trong phần thiên nhiên đó mà hắn đã luyến lưu kết hợp vào.
Nhưng có thể sau cuộc đi sâu vào lòng mình và vào nỗi cô đơn sâu thẳm ông sẽ từ bỏ ý định trở thành thi sĩ; như tôi đã nói, chỉ cần cảm thấy mình có thể sống không cần viết là đủ buộc mình không được viết. Nhưng dù vậy, cuộc đi sâu vào lòng mình mà tôi yêu cầu ông thực hiện không phải là uổng công vô ích đâu. Cuộc đời ông trong mọi trường hợp đều tìm thấy từ đó những nẻo đường, và mong sao cho những nẻo đường đó tốt lành, giầu sang và rộng rãi. Tôi cầu chúc cho ông nhiều hơn tôi có thể nói.
Tôi còn phải nói gì với ông nữa đây? Tất cả mọi sự, đối với tôi, dường như đều có tầm quan trọng của chúng; và sau cùng tôi chỉ muốn khuyên ông tiếp tục trưởng thành một cách trầm lặng và trang nghiêm qua suốt cuộc tăng trưởng của ông; ông không được khuấy động sự tiến triển của ông một cách tàn bạo hơn nữa bằng cách hướng ra bên ngoài và chờ đợi từ bên ngoài những lời giải đáp cho những câu hỏi mà chỉ tình cảm sâu kín nhất của ông trong giờ phút tĩnh lặng nhất mới có thể mang lại cho ông…
Tác phẩm nghệ thuật là một niềm cô đơn vô hạn và không có gì tệ hại đối với những tác phẩm nghệ thuật cho bằng phê bình. Duy chỉ có tình yêu mới có thể lãnh hội, bảo tồn, công bình với chúng – Hãy luôn luôn cho tình cảm của ông có lý khi nó chống lại những phân tách, đúc kết, giới thiệu đó. Dù ông có sai lầm đi chăng nữa thì sự trưởng thành tự nhiên của đời sống nội tâm của ông cũng sẽ dẫn dắt ông một cách thong dong, với thời gian, tới một trạng thái khác của nhận thức. Hãy để cho những phán đoán của ông sự phát triển riêng tư, lặng lẽ. Đừng chống đối nó, bởi, như tất cả mọi tiến triển, nó phải phát xuất từ đáy sâu con người ông và không thể bị bức bách hay thôi thúc. Cưu mang cho đến hạn kỳ rồi mãn nguyệt khai hoa: tất cả là ở đó. Ông phải để mỗi ấn tượng, mỗi mầm mống tình cảm chín muồi trong ông, trong bóng tối, trong vô ngôn, trong vô thức, những cõi niềm khép kín đối với trí tuệ. Hãy chờ đợi với lòng khiêm cung và kiên nhẫn giờ khai sinh của một hào quang mới: như thế mới là nghệ sĩ; trong lãnh hội cũng như trong sáng tạo.
Ở đây thời gian không phải là tiêu chuẩn đo lường, một năm không đáng kể gì, và mười năm không có nghĩa lý gì cả, là nghệ sĩ có nghĩa là không tính toán và không đếm, là nẩy nở như cây cối, không hối thúc nhựa của mình và tin tưởng hứng chịu những cơn gió lớn của mùa xuân mà không sợ rằng hạ kia không đến. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng nó chỉ đến với kẻ biết chờ đợi, lắng đọng và mở rộng như thể họ có cả thiên thu trước mặt. Tôi học hỏi điều này hàng ngày, học hỏi dưới vô vàn nỗi đau khổ mà tôi vẫn thầm cảm tạ: Kiên Nhẫn là tất cả!
Ông Kappus thân mến: tôi đã để bức thư của ông rất lâu không có hồi âm, không phải là vì tôi đã quên nó – trái lại: đó là một trong những lá thư người ta luôn luôn đọc lại khi tìm thấy trong chồng thư cũ, và tôi đã tìm thấy ông rất gần kề qua lá thư này. Đó là thứ thư viết vào ngày mồng hai tháng năm, chắc ông còn nhớ. Bây giờ, khi đọc lại bức thư đó, trong niềm tĩnh lặng mênh mông của vùng xa xôi này, tôi xúc động bởi mối ưu tư đẹp đẽ của ông về cuộc đời, xúc động hơn cả khi còn ở Paris, nơi tất cả đều huyên náo và tắt lịm một cách khác hẳn bởi tiếng động quá ồn ào làm mọi sự chấn động. Nơi đây, nơi một vùng quê bao la trải ra xung quanh tôi, trên đó gió từ biển lướt qua, nơi đây tôi cảm thấy trong thâm sâu của chúng, những câu hỏi và tình cảm của ông có đời sống riêng, không ai có thể trả lời được: do đó những bậc trác tuyệt nhất cũng nhầm lẫn trong chữ nghĩa của họ khi họ đòi hỏi chúng biểu thị những cái vô cùng tế nhị và đôi khi ngay cả cái không thể diễn tả được. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng ông sẽ không phải chịu chờ đợi trong bằn bặt không giải đáp nếu ông bám sát sự vật, tương tự những sự vật mà mắt tôi hiện đang hồi phục lại. Nếu ông gắn bó với thiên nhiên, với cái nhỏ bé mà gần như ít người lưu ý, và những cái, do sự lưu tâm đó có thể đột nhiên trở nên vĩ đại và vô lượng; nếu ông có lòng yêu dấu những cái nhỏ nhoi tầm thường và nếu ông khiêm tốn như kẻ tôi đòi, tìm cách thu phục lòng tin cậy của cái có vẻ nghèo nàn, thì lúc đó mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn, liên kết hơn và một cách nào đó hòa hợp với ông hơn, có thể không ở trong trí thức ông, trí thức đầy ải cái kỳ diệu ra đằng sau, nhưng trong tâm thức sâu thẳm nhất của ông, ở trong tỉnh thức và nhận thức. Ông hãy còn trẻ quá, nên trước mọi khởi đầu, tôi hết sức ân cần xin ông, ông thân mến, hãy kiên nhẫn với tất cả những gì chưa giải đáp trong lòng ông và hãy cố gắng yêu chính những câu hỏi như những căn phòng khóa kín và những cuốn cách viết bằng ngoại ngữ rất xa lạ. Đừng tìm kiếm những câu câu trả lời bây giờ, những câu trả lời không thể tới với ông bởi ông chưa thể sống được chúng. Và vấn đề là phải sống tất cả mọi sự. Bây giờ hãy uống những câu hỏi. Có thể, dần dần, ngoài sự chú ý của ông, vào một ngày xa xôi nào đó, ông sẽ sống trong câu trả lời. Có thể ông mang trong ông khả năng tác tạo và hình thành như một lối sống đặc biệt hạnh phúc và thanh khiết, hãy luyện mình thích hợp với khả năng ấy, nhưng hãy đón nhận tất cả những gì xẩy đến với lòng tìn cậy chân thành, và nếu sự việc đến chỉ từ ý chí của ông, từ một vài như cầu của con người sâu thẳm nhất của ông, hãy nhận lãnh nó và đừng ghét bỏ điều gì cả. Dục tính là một điều khó khăn, thực tế. Nhưng chính khó khăn là cái chúng ta phải cưu mang; hầu như tất cả những gì quan trọng đều khó khăn và tất cả đều quan trọng. Nếu ông nhận thức được điều đó và đạt tới tự ông, từ bản chất và đường lối của riêng ông, từ kinh nghiệm và tuổi thơ với sức mạnh của riêng ông, để tựa thành một tương giao với tình dục hoàn toàn của riêng ông (chứ không phải bị ảnh hưởng bị ước lệ và tập quán) thì lúc đó ông khỏi cần phải sợ mất mình và trở nên không xứng đáng với sở hữu thể quí báu tuyệt vời của ông nữa.
Khoái cảm nhục thể là một kinh nghiệm của đời sống lạc quan không khác thị giác thuần túy hay vị giác thuần túy mà một trái cây tươi đẹp đến dưới đầy đầu lưỡi ta; đó là một kinh nghiệm vĩ đại, không cùng, hiến dâng cho chúng ta, một sự hiểu biết về thế giới, sự tràn đầy và huy hoàng của tất cả mọi sự hiểu biết. Và không phải sự chấp nhận nó của chúng ta xấu xa; điều xấu xa là đa số lạm dụng và phung phí kinh nghiệm này và dùng nó như một kích thích trong những lúc mệt mỏi của cuộc đời họ và như một trò giải trí thay vì như một cuộc tập trung hướng về những khoảnh khắc xuất thần. Người ta thường làm ngay cả việc ăn uống nữa thành một cái gì khác hẳn: sự cần thiết một đằng, sự thừa thãi một nẻo, đã làm lu mờ sự phân minh của nhu cầu này, và tất cả những nhu cầu sâu thẳm, giản đơn mà trong đó đời sống tự đổi mới cũng trở thành cùn nhụt một cách tượng tự như vậy. Nhưng cá nhân có thể làm sáng tỏ những nhu cầu ấy cho chính mình và sống chúng một cách minh bạch (và nếu không phải cá nhân, kẻ quá phụ thuộc thì ít nhất là kẻ cô đơn ). Kẻ cô đơn có thể nhớ rằng tất cả mọi vẻ đẹp trong cỏ cây muông thú là một hình thức bền bỉ của tình yêu và khát vọng, và hắn có thể thấy muông thú, như hắn thấy cỏ cây, kiên nhẫn và ngoan ngoãn giao hợp, sinh sôi nẩy nở và tăng trưởng, không phải vì mê luyến xác thịt cũng không phải vì đau đớn thể chất mà là vì cúi đầu tuân theo những nhu cầu cao viễn hơn đau khổ và khoái lạc, và mãnh liệt hơn ý chí và sự kháng cự. Ôi, ước gì con người có thể cưu mang niềm bí ẩn này, niềm bí ẩn mà thế giới đầy ắp, ngay cả nơi những sự vật nhỏ bé nhất, cưu mang một cách khiêm tốn cho chính mình và gánh vác nó, chịu đựng nó, một cách nghiêm trọng hơn và cảm thấy nó khó khăn một cách kinh khủng biết nhường nào thay vì coi nó một cách khinh xuất nhẹ dạ. Ước gì hắn có thể cung kính hơn đối với sự phong phú của hắn, sự phong phú này là một, mặc dù nó có có thể là tinh thần hay vật chất; bởi sự sáng tạo tinh thần cũng phát xuất từ vật chất, đồng một bản chất với nó và chỉ như sự lặp lại khoái cảm thể chất một cách dịu dàng hơn, xuất thần hơn và trường cửu hơn thôi. “Cảm thức mình là kẻ sáng tạo, có thể sinh sản, tạo tác” không là gì cả nếu không có sự chuẩn nhận và thể hiện vĩ đại thường trực trên thế giới, không là gì cả nếu không có sự phù hợp muôn ngàn lối nơi sự vật và thú vật – và sự hân hưởng khả tính đó đẹp đẽ và phong phú vô tả chỉ bởi nó chứa đầy những kỷ niệm thừa kế về thai nghén và sinh đẻ của muôn triệu người. Trong một tư tưởng Sáng Tạo một ngàn đêm ân ái lãng quên phục sinh và làm chan hòa tư tưởng ấy với vẻ siêu phàm và xuất thần ngây ngất…
Có lẽ nam tính và nữ tính gần gũi nhau nhiều hơn người ta tưởng: và sự hồi sinh lớn lao của thế giới chắc chắn bắt nguồn từ điều này: người đàn ông và người đàn bà, một khi thoát khỏi mọi sự sai lầm, mọi khó khăn, sẽ không còn tìm nhau như những đối thể, mà là như anh em, như thân quyến và sẽ kết hợp như những con người để, trang trọng và kiên nhẫn, cùng nhau gánh vác gánh nặng của xác thịt khó khăn mà cả hai đã được phó thác.
Nhưng tất cả những gì một mai có thể trở thành khả thể cho bao người thì ngay từ bây giờ kẻ cô đơn đã có thể đổ nền xây móng bằng hai bàn tay hắn, bàn tay rất ít sai lầm. Bởi vậy, ông thân mến, hãy yêu thương nỗi Cô Đơn và hãy chịu đựng nỗi khổ đau do nó gây ra với lời ai ca diễm lệ…
Thật là điều tốt lành khi ông đã chấp nhận một chức nghiệp khiến ông độc lập và trao ông hoàn toàn trở lại cho chính ông, trong mọi ý nghĩa [5] . Hãy nhẫn nại chờ xem đời sống nội tâm sâu thẳm nhất của ông có cảm thấy bực bội trong khuôn khổ nghề nghiệp của ông không. Tôi cho rằng nghiệp kiếm cung này rất khó khăn và đầy bức bách, nặng trĩu công thức, không chừa một chỗ nào cho cá tính cả. Nhưng nỗi cô đơn của ông, ngay cả trong những hoàn cảnh ngang trái này, cũng vẫn sẽ là nơi nương tựa và là quê hương ông, và cũng chính từ nỗi cô đơn này mà ông sẽ tìm thấy cả những con đường ông sẽ đi…
Hầu như tất cả mọi người đều trải qua những giờ phút mà họ sẵn sàng đổi lấy bất cứ một cuộc giao thiệp nào, dù tầm thường và thô thiển thế nào đi chăng nữa, đổi lấy cái bề ngoài hòa hợp hời hợt với bất cứ kẻ nào chợt đến, dù là kẻ không xứng đáng nhất. Nhưng có lẽ những giờ phút đó chính là những giờ phút mà nỗi cô đơn lớn rộng và sự lớn dậy của nó gây đau đớn như sự lớn dậy của trẻ thơ, và buồn như buổi trước xuân về. Ông không nên chộn rộn. Chỉ có một điều duy nhất cần thiết: Cô đơn, nỗi cô đơn nội tâm mênh mang. Đi sâu vào trong tâm hồn và không gặp gỡ bất cứ người nào trong nhiều giờ đằng đẵng, - đó là điều người ta phải đạt tới…
Ông thân mến, xin ông hãy nghĩ tới thế giới mà ông mang trong ông, và muốn gọi tư tưởng này là gì cũng được; dù nó gợi lại tuổi thơ của ông hãy ao ước hướng về tương lai – thì ông cũng hãy chăm chú chú ý tới điều khởi lên trong ông và đặt nó lên trên tất cả những gì quan sát xung quanh ông. Điều đến trong bản thể sâu kín nhất của ông xứng đáng tất cả tình yêu của ông; một cách nào đó ông phải chuyên cần phục vụ nó và đừng mất quá nhiều thì giờ và quá nhiều nghị lực để soi sáng thái độ của ông đối với kẻ khác. Hơn nữa, ai bảo ông phải ôm đồm việc đó chứ? – Tôi biết nghề nghiệp ông cực nhọc và trái nghịch với ông, tôi đoán trước được những lời than thở của ông và biết chắc rằng chúng sẽ đến. Bây giờ những lời than thở ấy đã đến rồi, tôi không thể trấn an ông được, tôi chỉ có thể khuyên ông hãy thử nghĩ xem chẳng phải tất cả mọi nghề nghiệp đều không giống như vậy sao, nghĩa là đầy yêu sách, đầy thù nghịch chống lại cá thể, nhiễm đầy oán ghét của những kẻ thấy mình câm lặng và gắt gỏng trước một bổn phận vô vị. Hoàn cảnh mà bây giờ ông đang phải sống không hẳn là đầy công thức, thành kiến và lỗi lầm hơn tất cả những hoàn cảnh khác đâu, và nếu có kẻ nào bề ngoài có vẻ tự do thong dong hơn thì cũng vẫn chưa có kẻ nào có những kích thích tự chúng rộng rãi và bao la và giao tiếp với những thực tại vĩ đại và tạo nên cuộc sống đích thực. Chỉ có cá thể, kẻ cô đơn, giống như một vật đặt dưới những lề luật sâu thẳm, và khi hắn bước ra trước buổi rạng đông mới bừng lên hay nhìn vào buổi hoàng hôn đang phủ xuống đầy biến cố này và nếu hắn linh cảm điều đang thành tựu trong đó thì lúc đó tất cả mọi thân phận đều rớt ra khỏi hắn như rớt ra khỏi một người chết mặc dầu lúc đó hắn đang đứng giữa lòng đời chân thật. Điều mà bây giờ ông đang nếm trải như một sĩ quan, ông Kappus thân mến, là điều ông chắc chắn ông sẽ phải nếm trải trong bất cứ nghề nghiệp vững chãi nào; và dầu ngoài tất cả mọi địa vị ông chỉ tìm một vài giao tiếp nhẹ nhàng và độc lập với xã hội, ông cũng vẫn không thoát khỏi cảm giác câu thúc này. - Bất cứ ở đâu cũng vậy; nhưng đó không phải là lý do để sợ hãi hay buồn rầu; nếu không có sự chung hợp giữa ông và những kẻ khác, hãy cố gắng lại gần sự vật, sự vật không bao giờ bỏ rơi ông; đêm còn kia và còn những cơn gió lướt qua cành và qua những cánh đồng; trong thế giới sự vật và thú vật tất cả hãy còn đầy cơ ngẫu trong đó ông có thể tham dự; và trẻ em hãy còn nguyên vẻ thơ ngây như vậy. – Và nếu ông hồi tưởng lại tuổi thơ của ông, ông sẽ lại sống giữa chúng, giữa những đứa trẻ trơ trọi, và những người lớn không là gì cả, và phẩm cách họ chẳng có một chút giá trị nào.
Và nếu ông cảm thấy kinh hoàng và bứt rứt khi khơi lại tuổi thơ của ông trong tất cả sự đơn giản và lặng lẽ của nó, bởi ông không còn có thể tin vào Linh Thể hiện ra trên mỗi bước chân, lúc ấy, hỡi ông Kappus thân mến, ông hãy tự hỏi có phải chăng ông đã thực sự mất Linh Thể. Đúng hơn phải chăng ông chưa bao giờ có Linh Thể? Thực ra thì khi nào ông mới có Linh Thể? Ông có tin rằng đứa trẻ thơ có thể ôm Linh Thể trong hai cánh tay nó, Linh Thể mà người lớn phải mang với biết bao khổ cực và trọng lực đè bẹp người già? Ông có tin rằng kẻ đã có Linh Thể có thể đánh mất Linh Thể như thể người ta đánh mất một hòn sỏi! Sao ông không nghĩ rằng kẻ nào đã có Linh Thể chỉ là kẻ dễ mất mình vì Linh Thể? – Nhưng nếu ông chỉ nhận thấy rằng Linh Thể không hiện hữu trong tuổi thơ ông cũng như không có trước ông, nếu ông linh cảm thấy rằng đấng Christ đã bị lừa bởi tình thương của Ngài cũng như Mahommet bởi lòng kiêu ngạo, nếu ông cảm thấy kinh hoàng ngay trong giây phút mà chúng ta nói về Linh Thể cảm thấy rằng Linh Thể không hiện hữu thế thì làm thế nào ông thiếu Linh Thể cũng như thiếu quá khứ, vì Linh Thể chưa từng hiện hữu và tại sao lại tìm kiếm Linh Thể như thể ông đã đánh mất vậy?
Tại sao lại không nghĩ rằng Linh Thể là Đấng Sẽ Đến, kẻ từ vĩnh cửu phải đến, kẻ chính là Tương Lai, trái chín muồi của một cây mà chúng ta là những phiến lá? Cái gì đã ngăn ông trù liệu sự đến của Linh Thể trong vòng biến dịch và sống cuộc đời ông như một trong những ngày đau đớn và đẹp một vẻ đẹp phi phàm của thai nghén? Ông không thấy rằng tất cả những gì đến luôn luôn là một sự bắt đầu của Linh Thể sao? Ôi biết bao vẻ kiều diễm trong tất cả những gì khởi đầu! Tựa những con ong chúng ta kiến tạo Linh Thể bằng cái dịu dàng nhất của mỗi sự vật. Cái nhỏ bé nhất, mờ khuất nhất đến từ tình yêu đều là chất liệu để chúng ta phác họa Linh Thể. Chúng ta bắt đầu phác họa Linh Thể trong công việc, trong sự nghỉ ngơi tiếp sau đó, trong im lặng, trong trào hân hoan nội tâm ngắn ngủi. Chúng ta bắt đầu phác họa Linh Thể trong tất cả những gì chúng ta làm một mình, không có sự trợ giúp, không có sự tham gia của những kẻ khác. Chúng ta sẽ không biết Linh Thể trong cuộc đời của chúng ta, cũng như tổ tiên chúng ta không thể biết chúng ta trong cuộc đời họ vậy. Tuy nhiên cổ nhân vẫn sống trong chúng ta, trong chiều sâu của những khuynh hướng chúng ta, trong nhịp đập của máu ta, họ đè nặng lên định mệnh chúng ta, họ là cử chỉ dâng lên từ đáy sâu thời gian.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không thể hy vọng một ngày kia được sống trong lòng Linh Thể, bên ngoài tất cả mọi giới hạn?
Hãy cử hành lễ Giáng Sinh, ông Kappus thân mến, trong cảm thức kính tín này, Để bắt đầu trong tâm hồn ông, phải chăng Linh Thể cũng sẽ cần niềm kinh hoàng của ông trước cuộc đời? Những ngày lao đao hiện tại có lẽ là thời gian mà tất cả những gì trong ông đều làm việc phục vụ cho Linh Thể. Ngày xưa, khi còn thơ dại, ông đã phục vụ cho Linh Thể, đến hụt hơi. Ông hãy kiên nhẫn và đầy thiện chí và hãy nghĩ rằng, điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm là đừng làm gì cản trở sự giáng sinh của Linh Thể cũng như trái đất không cản trở mùa xuân khi mùa xuân tới.
Hãy hân hoan và tin tưởng.
Đừng để phiền muộn trong cảnh cô đơn của ông vì cảm thấy những ý nghĩ nhất thời muốn đạp bỏ cô đơn để bước ra. Những ý hướng này cũng phải giúp ông nếu ông dùng chúng trong sự điềm tĩnh và trầm tư như một dụng cụ để trải rộng nỗi cô đơn của ông tới một xứ miền phong phú và bao la hơn. Người ta thường có những giải đáp dễ dãi (ước lệ) với tất cả mọi sự. Tuy nhiên rõ ràng là chúng ta phải trì giữ sự khó khăn. Tất cả những cái đang sống đều nương tựa vào cái khó khăn. Mỗi sinh vật phát tiển và tự vệ tùy theo thể cách của mình và rút tỉa tự chính mình dạng thức độc đáo của đặc hữu của riêng mình, với bất cứ giá nào và chống lại bất cứ chướng ngại nào. Chúng ta biết được bao nhiêu, nhưng chúng ta phải cầm chắc sự khó khăn, đó là một sự xác thực mà chúng ta không được quyền từ bỏ. Cô đơn là một điều tốt lành, bởi sự cô đơn là một điều khó khăn; nếu một sự việc nào đó khó khăn thì đó là một lý do thêm nữa để chúng ta phải làm.
Yêu đương cũng là điều tốt lành, vì tình yêu khó khăn. Tình yêu của một con người đối với một con người có lẽ đó là thử thách khó khăn nhất đối với mỗi chúng ta. Đó là bằng chứng tối cao của chúng ta, công việc tối cao mà tất cả những công việc khác chỉ là những chuẩn bị.
Chớ tưởng rằng tình yêu vĩ đại mà ông biết khi ông trai trẻ trôi vào quên lãng: chẳng phải tình yêu ấy đã gieo nơi ông những khát vọng phong phú và mãnh liệt, những dự định mà chỉ đến cả ngày nay ông hãy còn đang sống đó sao? Tôi tin tưởng rằng sở dĩ tình yêu đó đã sống còn một cách mạnh mẽ như thế trong hoài niệm ông là bởi vì nó là dịp đầu tiên cho ông được cô đơn nơi cùng thẳm của tâm hồn, nỗ lực đầu tiên và mãnh liệt mà ông đã thử trong đời ông…
Tôi tin rằng hầu như tất cả mọi nỗi ưu sầu của chúng ta đều là những giây phút căng thẳng mà chúng ta cảm thấy tê liệt bởi chúng ta không còn cảm thấy mình sống nữa. Bởi chúng ta trơ trọi với kẻ xa lạ đã thâm nhập vào trong chúng ta ấy: bởi tất cả sự vật thân mật và quen thuộc đều bị lấy mất đi trong giây lát, bởi chúng ta đứng giữa một chuyển đoạn nên chúng ta không thể đứng yên. Chính vì lý do đó mà nỗi ưu sầu cũng phải đi qua: sự vật mới trong chúng ta, đã len vào lòng chúng ta, đã đi vào gian phòng sâu kín nhất và đã không còn trong tâm hồn chúng ta, nó đã hòa vào máu chúng ta và như vậy chúng ta không còn biết cái gì xẩy ra nữa. Người ta đã dễ dàng khiến chúng ta tin tưởng rằng không có gì xẩy ra cả. Song le, đúng là chúng ta đã chuyển hóa như một chốn ngụ cư đã chuyển hóa bởi sự có mặt của một tân khách. Chúng ta không thể nói rằng ai đến, có lẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được. Nhưng nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng tương lai đã đi vào chúng ta theo kiểu đó để tự chuyến hóa trong chúng ta rất lâu trước khi nó xẩy ra. Và đó là lý do tại sao cô đơn và chuyên chú là điều vô cùng quan trọng khi người ta buồn rầu: bởi giây phút khởi đầu có vẻ đầy biến cố lúc tương lai đặt chân vào trong chúng ta vô cùng gần gũi cuộc sống hơn là khoảnh khắc ồn ào và ngẫu nhiên xẩy đến với chúng ta như thể nó đến từ bên ngoài. Chúng ta càng lặng lẽ, kiên nhẫn và mở lòng ra bao nhiêu khi chúng ta ưu sầu thì cái mới lạ đi vào chúng ta càng sâu xa và càng vững vàng bấy nhiêu, chúng ta càng khiến nó trở thành thành phần của chúng ta một cách hữu hiệu bấy nhiêu, nó càng trở thành định mệnh của chúng ta nhiều hơn bấy nhiêu và một ngày kia khi nó “xẩy ra” (nghĩa là bước mạnh bạo ra khỏi chúng ta để đến với thế giới) thì trong thâm tâm chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi và thân mật với nó hơn bấy nhiêu. Và đó là điều cần thiết. Điều cần thiết – và cũng chính là đích điểm mà sự trưởng thành của chúng ta dần dần hướng tới là không có gì xa lạ xẩy đến cho chúng ta duy cái lâu nay đã thuộc về chúng ta. Chúng ta đã phải đổi lại rất nhiều quan niệm về vận hành chúng ta sẽ dần dần còn phải học nhận thức rằng cái mà chúng gọi là định mệnh phát xuất từ bên trong con người chứ không phải từ bên ngoài con người. Chỉ vì nhiều người không thu nhiếp được định mệnh họ trong bản thân mình trong khi nó đang sống trong họ mà họ không nhận thức được rằng định mệnh phát xuất từ nơi họ; nó quá xa lạ với họ đến nỗi, trong sự ngỡ ngàng sợ hãi của họ, họ nghĩ rằng nó phải đi vào trong họ vào chính lúc đó, bởi họ quả quyết thề chưa từng gặp cơ sự gì tương tự như vậy trong họ trước kia. Cũng như từ lâu người ta nhầm lẫn về sự vận hành của cái Đang Xẩy Ra. Tương lai đứng yên, ông Kappus thân mến, nhưng chúng ta di động hoài trong không gian vô biên.
Thế thì định mệnh không khó khăn với chúng ta sao được?
Và nếu chúng ta trở lại nỗi cô đơn càng ngày chúng ta còn thấy rõ rằng, trong thâm sâu của nó, nỗi cô đơn chẳng phải là cái chúng ta có thể tùy ý muốn lấy hay bỏ đi. Chúng ta là nỗi cô đơn. Quả thực chúng ta có thể lừa dối và làm như thể có không có vậy. Chỉ có thế. Nhưng tốt hơn chúng ta nên nhận thức rằng chúng ta cô đơn, vâng, và bắt đầu từ chân lý này. Tất nhiên chúng ta sẽ bị quay cuồng choáng váng; bởi tất cả những cứ điểm trên đó nhỡn mục chúng ta thường dừng nghỉ đều bị lấy đi khỏi chúng ta, chẳng còn gì gần gũi nữa, và tất cả những cái xa cách đều xa cách đến vô biên. Chỉ có người nào gần như bất thình lình bị lôi ra khỏi phòng riêng hắn và bị đặt lên đỉnh rặng núi cao thì mới có cảm giác tương tự như vậy; một nỗi bất an vô song, một sự buông thả cho một cái gì vô danh gần như sẽ hủy hoại hắn. Hắn sẽ cảm tưởng mình đang rơi hay bị quăng vào thinh không hoặc nổ tung thành muôn ngàn mảnh: tâm trí hắn phải bịa đặt trí trá biết chứng nào để khôi phục lại và giải thích trạng thái của cảm quan hắn! Đối với kẻ nào trở nên cô đơn cũng vậy, tất cả mọi khoảng cách, tất cả mọi kích thước đều thay đổi; phần lớn những thay đổi này đều xẩy ra đột ngột, và rồi, như đối với người ở chót vót trên đỉnh núi, biết bao hình ảnh dị thường và cảm giác quái gở dâng lên trong hắn dường như vượt ra ngoài tất cả mọi chịu đựng. Nhưng chúng ta cũng cần phải cảm nghiệm điều đó nữa. Chúng ta phải đảm đương cuộc Hiện Sinh của chúng ta bằng bất cứ cách nào càng rộng rãi bao nhiêu càng hay bấy nhiêu; tất cả mọi sự, ngay cả cái chưa từng nghe thấy bao giờ có thể cũng phải bao gồm trong đó nữa. Tựu trung, lòng can đảm duy nhất đòi hỏi chúng ta là: phải có can đảm đối diện với cái dị thường nhất, cái kỳ diệu nhất và cái bất khả giải minh nhất mà chúng ta có thể gặp phải nhân loại hèn nhát trong ý hướng đó đã gây ra cho cuộc đời không biết bao nhiêu là thiệt hại: cái kinh nghiệm được gọi là “tinh thần thế giới”, sự chết, tất cả những điều này vô cùng quan thiết với chúng ta, đã bị sự phòng vệ thường nhật xô giạt ra khỏi đời sống đến nỗi những quan năng giúp chúng ta thâu nhận chúng đều bị muội lược đi. Chưa nói chi tới Linh Thể. Nhưng sự sợ hãi đối với cái bất khả giải minh chẳng những bần cùng hóa cuộc hiện sinh của cá thể mà mối tương giao giữa một con người với một kẻ khác cũng bị co thắt bởi nó, như thể mối tương giao ấy đã bị nhấc ra khỏi lòng sông của những khả tính vô hạn và đặt xuống một nơi an toàn trên bờ, nơi không có sự việc gì xẩy ra. Bởi chẳng những một mình sự ù lì chịu trách nhiệm đối với những tương giao giữa con người về sự tẻ nhạt không tả xiết và lập đi lập lại không đổi mới chán chường; mà cả sự e dè trước bất cái mới lạ, kinh nghiệm bất khả tiên liệu mà con người nghĩ mình không đủ sức đương đầu cũng phải chịu trách nhiệm nữa. Chỉ có kẻ nào sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự, kẻ không loại trừ bất cứ sự việc gì, ngay cả cái bí ẩn nhất, mới sống được với người khác như một cái gì sống động và mới khai thác cạn nguồn cuộc hiện hữu của mình. Vì nếu chúng ta nghĩ về cuộc hiện hữu này như một căn phòng lớn hay nhỏ, thì chúng ta sẽ thấy rõ rằng phần đông mọi người chỉ học biết có một xó của căn phòng của họ thôi, một chỗ bên cửa sổ, một sàn ván trên đó họ đi tới đi lui. Do đó họ có được một chút an ổn nào, Nhưng tuy nhiên chính sự bất an nguy hiểm lại có tính chất người hơn cả. nó khiến những tù nhân trong truyện của Poe sờ mó được hình thù ngục tối khủng khiếp của họ và không cảm thấy xa lạ với sự kinh hoàng vô tả của nơi họ ở. Song le chúng ta không phải là tù nhân. Không có cạm bẫy nào giương ra xung quanh chúng ta, không có gì đe dọa hay khiến chúng ta phải lo âu. Chúng ta được đặt trong cuộc sống như trong một yếu tố thích hợp với chúng ta nhất và trên cả sự kiện này, qua muôn ngàn năm thích ứng chúng ta đã trở nên giống hệt đời sống đến nỗi, khi chúng ta giữ mình tĩnh lặng, bằng một sự bắt chước diễm phúc, chúng ta khó mà phân biệt được mình với tất cả những gì xung quanh chúng ta. Chúng ta không có lý do gì để nghi kỵ thế giới, vì nó đâu có nghịch lại ta. Nếu nó có những sự khủng khiếp thì đó là sự khủng khiếp của chúng ta, nếu nó có những vực thẳm, thì những vực thẳm này thuộc về chúng ta, nếu có những hiểm họa dàn ra bên chúng ta, thì chúng ta phải cố mà yêu những hiểm hoạ ấy. Và nếu chúng ta xếp đặt cuộc đời chúng ta theo nguyên tắc khuyên nhủ chúng ta rằng chúng ta phải ôm ghì sự khó khăn thì lúc đó cái hiện nay có vẻ thù nghịch nhất sẽ trở thành cái chúng ta tin cậy nhất và thấy trung thành nhất với chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể quên những thần thoại cổ xưa mà người ta thấy ở khởi thủy lịch sử của tất cả mọi dân tộc những thần thoại về những con rồng khủng khiếp vào giây phút tối hậu đã biến thành những nàng công chúa đang chờ đợi để nhìn thấy chúng ta đẹp và kiêu hùng một lần. Có lẽ tất cả những gì khủng khiếp trong tự thể thâm sâu đều là một cái gì bơ vơ không nơi nương tựa đang cần chúng ta trợ giúp.
Vậy, ông Kappus thân mến, ông không nên sợ hãi khi nỗi buồn sầu dâng lên trong ông, dầu cho nó là một nỗi buồn lớn hơn tất cả những nỗi buồn mà ông đã trải qua. Khi một nỗi xao xuyến đi qua, như bóng tối hay ánh sáng của mây nổi, trên bàn tay và trên công việc ông làm, thì ông phải nghĩ rằng có một cái gì đang hình thành trong ông, rằng cuộc đời không quên ông, rằng cuộc đời giữ ông trong tay của đời và sẽ không bao giờ bỏ rơi ông. Tại sao ông lại muốn loại ra khỏi cuộc đời ông những khổ đau, lo âu, những ưu sầu trĩu nặng mà ông không biết công việc mà những trạng thái này đang tác thành trong ông? Tại sao ông lại tự hành hạ ông với câu hỏi: tất cả những điều đó từ đâu đến, tất cả những điều đó sẽ đi đến đâu? – Ông đã biết rõ rằng ông là cuộc cách mạng và không muốn gì cho ông ngoài thay đổi mà. Nếu một vài trạng thái nào đó trong ông có vẻ bệnh hoạn, hãy tự nhủ rằng bệnh hoạn là một cách cho cơ thể xua đuổi cái gì trái ngược với nó. Vậy ông phải giúp bệnh tật này tiếp tục lộ trình của nó. Đó là cách duy nhất cho cơ thể dễ tự vệ và tăng trưởng. Biết bao sự việc đang tác thành trong ông trong giây phút đó! Hãy kiên nhẫn như một bệnh nhân và tin tưởng như một người đang lành bệnh: có thể ông là một trong hai kẻ đó. Hơn thế nữa: ông còn là thầy thuốc và ông phải tin cậy nơi ông. Nhưng trong tất cả mọi bệnh tật đều có những ngày thầy thuốc cũng không biết làm gì hơn là chờ đợi. Và nếu ông là thầy thuốc cho chính ông, thì đây là việc ông phải làm trên tất cả mọi việc.
Đừng quan sát ông nhiều quá. Tránh đừng rút ra từ cái đang xẩy ra trong ông những kết luận hấp tấp: hãy cứ để kệ nó làm. Nếu không ông sẽ đi đến chỗ khiển trách (tôi muốn nói về phương diện luân lý) quá khứ của ông hiện đang góp một phần vào tất cả những gì đang tình cờ xẩy đến với ông hôm nay… Nói chung, chúng ta phải dè dặt về cách dùng chữ và thường khi chỉ nguyên một danh từ tội lỗi cũng đủ làm tan vỡ một cuộc đời chứ không phải chính sự việc vô danh kia đáp ứng với một nhu cầu và tìm thấy dễ dàng chỗ đứng trong đời sống. Sự tiêu dùng sức lực đối với ông có vẻ quá đáng vì ông quá đề cao sự chiến thắng. Sự việc “to tát” mà ông đã làm không nằm trong sự chiến thắng dầu rằng cảm thức mà ông có về một cuộc chiến thắng đúng. Sự việc to tát là ông đã thay thế nổi một sự dối trá bằng cái chân thành và chân thật…
Bây giờ nói về những tình cảm thanh khiết là những tình cảm mà chúng ta tập trung toàn thể con người chúng ta và nâng cao chúng ta, không thanh khiết là những tình cảm chỉ đáp ứng một phần chúng ta và do đó làm ta méo mó.
Sự hoài nghi cũng có thể trở thành một điều tốt nếu ông huấn luyện nó, nó phải thành một dụng cụ của nhận thức và lựa chọn. Hãy hỏi nó khi nó muốn dìm một điều gì tại sao nó thấy điều đó xấu. Đòi nó những chứng cứ. Ông sẽ thấy nó lúng túng và bối rối và có thể nó sẽ kháng cự. Nhưng ông đừng chịu thua. Một ngày kia kẻ phá hoại này sẽ trở thành một trong những người thợ giỏi nhất của ông, có thể là người thông minh nhất trong số những kẻ làm việc để kiến tạo đời ông không biết chừng (…)
Tôi luôn luôn nghĩ đến ông trong những ngày lễ vừa qua và tưởng tượng thấy ông sống rất trầm lặng trong đồn binh heo hút giữa núi rừng hoang vu trùng điệp mà trên đó cuồng phong dầy vò xối xả như muốn ăn tươi nuốt sống.
Sự trầm lặng phải mênh mông mới chứa nổi âm thanh và chuyển động như vậy và khi nghĩ rằng thêm vào đó còn có sự hiện diện của đại dương xa như âm ba thân mật nhất của một cuộc hòa khúc tiền sử, lúc đó người ta chỉ có thể ước mong ông buông thả mình cho nỗi cô liêu huy hoàng tráng lệ đó với lòng kiên nhẫn và tin tưởng không có gì có thể cướp được nỗi cô liêu ấy ra khỏi cuộc đời ông nữa, nó sẽ lặng lẽ tác động một cách liên tục và hữu hiệu như một sức mạnh vô danh trên tất cả những gì ông sống và làm, như máu huyết của tổ tiên chúng ta trong chúng ta hòa hợp với máu chúng ta để làm thành một cái gì độc nhất vô nhị không lặp lại mà chúng ta biểu lộ ở mỗi khúc quanh của đời sống chúng ta.
Vâng, tôi vui lòng được biết ông trong cuộc sống vững chãi với quân giai, quân phục, công vụ kia với tất cả những thực tế giới hạn sờ kia trong khuôn khổ nghề nghiệp ông chỉ huy một toán quân ít ỏi đơn lẻ như thế mà vẫn giữ được tính chất trang nghiêm, thiết yếu không còn là trò chơi và sự tiêu phí thì giờ của binh nghiệp nữa, đó là chức vụ tỉnh thức không những không trái nghịch với cá tính mà còn làm nó vững mạnh nữa. Một cách sống thách thức chúng ta và dựng lên những chướng ngại xa xa cho những việc vĩ đại của cuộc đời – đó là điều cần thiết.
Nghệ thuật nữa, đó cũng chỉ là một cách sống, và người ta có thể sửa soạn cho lối sống đó mà không biết trong khi sống nó bằng cách này hay cách khác; trong tất cả những gì đáp ứng với thực tại người ta gần nghệ thuật hơn những nghề nghiệp không căn cứ chút nào vào đời sống, những nghề nghiệp tự nhận là nghệ sĩ, trong khi bắt chước nghệ thuật, lại chối bỏ và xúc phạm nó. Báo chí cũng vậy, hầu như tất cả ngành phê bình, ba phần tư của cái người gọi hay muốn gọi là văn nghệ. Nói tóm lại, tôi vui mừng thấy ông tránh những nẻo đường này và cô đơn và can trường trong thực tế gian nan thô bạo. Mong rằng năm tới sẽ lưu giữ ông và giúp ông mạnh tiến trên con đường đó.
Thân ái. Bạn ông mãi mãi.
R. M. Rilke
[1]Heidegger, Chemins qui ne mènent nulle part, Gallimard. 1962. p. 243.
[2]Briefe an einen jungen Dichter, 12 August 1904, z.41.
[3]cf. Chamfort, Pensées, Maximeset Mnecdotes : “Trong cô đơn người ta hạnh phúc hơn trong thế giới. Điều đó chẳng phải do vì trong cô đơn người ta nghĩ tới những sự vật và vì trong thế giới người ta bắt buộc phải nghĩ tới những con người sao?”
[4]Emerson, “The Poet”.
[5]Ông Kappus lúc ấy là một sĩ quan trong quân đội – N. H. H
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.
30/6/07
“Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? -Christopher E. Goscha
13.2.2007
Christopher E. Goscha
“Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945–1950)
Ðông Hiến dịch
1 2
Lời toà soạn: Số đầu tiên của Tạp chí Việt học (Journal of Vietnamese Studies), số mùa Thu năm 2006, do Mariam Beevi Lam và Peter Zinoman đồng chủ biên, đã ra mắt độc giả và o tháng 11 vừa rồi. Chủ trương của tạp chí là “khuyến khích và xuất bản những nghiên cứu chưa công bố về lịch sử, chính trị, văn hoá và xã hội Việt Nam. Tạp chí cũng sẽ nhận in các nghiên cứu về những đề tài quan trọng liên quan đến Việt Nam, chẳng hạn như về cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hoặc về lịch sử chính trị, văn hoá và xã hội của Cuộc chiến [ở] Việt Nam, những đề tài vẫn thường bị tách khỏi lĩnh vực nghiên cứu khu vực. Sự phát triển của ngành Việt Nam học đã bị ảnh hưởng vì sự chia cách giữa các ngành chuyên môn này, và một trong những nhiệm vụ quan trọng của tạp chí là làm một cây cầu nối những chia cách giả tạo ngăn cách các ngành đó. Tạp chí cũng hoan nghênh những nghiên cứu có tính sáng tạo về mặt lý thuyết hoặc về những đề tài vốn ít được quan tâm đến trong ngành Việt Nam học: Dục tính và giới tính (sexuality and gender), văn học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử trí thức, văn hoá học, trình diễn học, đô thị học, truyền thông học (media studies), môi trường học và các ngành nghiên cứu về chính trị và kinh tế chính trị. Ðôi khi tạp chí cũng sẽ chọn dịch và đăng các tài liệu, các thư tịch gốc hoặc các văn bản văn học có giá trị học thuật hoặc được quan tâm đặc biệt.” [Thư chủ biên, Tạp chí Việt học, Số 1, mùa Thu 2006: trang 1]. talawas xin giới thiệu một vài bài viết đã đăng trên số đầu.
Christopher Goscha là Phó Giáo sư (Assistant Professor), Khoa Sử, Trường Đại học Québec, Montréal. Tác giả xin cảm ơn ông Benoît de Tréglodé đã nhiệt tình chia sẻ những tài liệu thu thập được từ văn khố nước Nga. Tác giả cũng muốn cảm ơn ông David Marr, bà Julie Phạm, bà Sophie Quinn-Judge, và bà Judy Stowe đã đóng góp những ý kiến quý giá, giúp biên tập và chỉnh lý bài viết này.
Tóm tắt
Bài viết này lập luận rằng nền ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cận kề thất bại hơn chúng ta từng nghĩ. Trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1950, những người cộng sản Việt Nam đã gặp khó khăn chồng chất trong khi hội nhập phong trào cộng sản quốc tế. Hơn ai hết, chính Stalin đã nghi ngại Hồ Chí Minh, người mà ông ta cho là không đáng tin vì đã “giải tán” Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1945. Bài viết này kết luận rằng, nhờ có sức ép của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Stalin mới đồng ý công nhận VNDCCH. Nếu không có sự kiện này, những người cộng sản Việt Nam sẽ chịu thế cô lập gần như hoàn toàn ngay vào thời điểm sống còn của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Năm 2004, Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử [1] . Hiển nhiên mọi người đều biết rằng vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thắng một trận chiến lịch sử trước Đoàn quân Viễn chinh Pháp tại một thung lũng hẻo lánh ở vùng Tây bắc Việt Nam. Với sự trợ giúp của cộng sản Trung Quốc, vào năm 1950, quân đội Việt Nam đã xây dựng, trang bị và điều động được 6 sư đoàn để đối đầu trong cuộc chiến với người Pháp. Nếu như chiến thắng của người Nhật tại Tsushima vào năm 1905 đã đánh dấu chiến thắng đầu tiên của “dân da vàng” trước một lực lượng “Tây trắng” trong thế kỷ 20, năm 1954 người Việt đã chứng tỏ “thuộc địa” có thể chiến thắng được “thực dân” trong một trận chiến dàn quân đối mặt. Kể từ đó, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã trở thành biểu tượng, tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, cho sự tàn lụi của chủ nghĩa thực dân Âu Châu và sức mạnh của các nước thuộc địa nhằm khôi phục lại tên quốc gia của mình trên bản đồ thế giới.
Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, năm 1954 không vẻ vang như vậy. Dù đã giành được thắng lợi quân sự tại Điện Biên, phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở Geneva chỉ giành được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Vì sao vậy? Lý do thứ nhất, quân đội Việt Nam đã thắng một trận lớn, nhưng chưa hẳn đã thắng cả cuộc chiến. Như Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh đã phân tích lý do Việt Nam phải thoả hiệp vào tháng 7 năm đó: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho chúng ta. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa dẫn đến xoay chuyển toàn diện về cán cân lực lượng đôi bên” [2] Những cuộc giao tranh nặng nề liên tiếp trong 2 năm 1953 và 1954 có vẻ như đã gây một số tổn thất nhất định; quân đội cũng cần phải dưỡng sức. Lý do thứ hai, tình hình tương quan lực lượng quốc tế không thuận lợi cho một chiến thắng trọn vẹn về mọi mặt cho Việt Nam với tư cách là một quốc gia. Trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam đã đi đến nhất trí với đối tác phía Liên Xô và Trung Quốc rằng một thoả thuận ở Geneva là để nhằm ngăn không cho Mỹ thế chân Pháp. Thực vậy, những nhà ngoại giao Việt Nam hiển nhiên đã ký hiệp ước dưới sức ép từ phía Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, như kết quả nghiên cứu mới đây bắt đầu cho thấy [3] , Việt Nam không hẳn đã bị các đồng chí Trung Quốc “bán đứng” như nhiều người đã kết luận, sau khi Việt Nam và Trung Quốc trở nên thù địch với nhau vào năm 1979 [4] .
Để tránh đúc lại quá khứ theo khuôn hiện tại, bài viết này xin trở lại với thời điểm khởi đầu, với nội dung trọng tâm là chính sách đối ngoại của đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 9 năm 1945 – khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) ra đời, tới tháng 1 năm 1950, khi Bắc Kinh và Mát-xcơ-va trao tư cách ngoại giao quốc tế cho nhà nước này bằng việc công nhận chính thức về mặt ngoại giao. Điểm thứ hai, thay vì tập trung vào những chiến thắng hùng tráng, bài viết này đề cập đến những nguyên nhân thất bại. Trong giai đoạn từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 1 năm 1950, cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ sát sườn là bị loại ra khỏi cộng đồng quốc tế cộng sản vào thời điểm then chốt trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nếu chú trọng nghiên cứu những thất bại có thể lý giải được, thay vì những chiến thắng tất yếu, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều điều về nguồn gốc chính sách ngoại giao của cộng sản Việt Nam và sự hội nhập đầy khó khăn của họ vào hệ thống quốc tế nói chung và khối cộng sản nói riêng. Một điều trớ trêu là, chính đảng Cộng sản Trung Quốc - chứ không phải Liên Xô – đã cứu Việt Nam khỏi tình trạng gần như trắng tay về ngoại giao vào năm 1950. Mối liên hệ Việt – Trung này xem ra có lý, nhưng chỉ khi chúng ta phân tích từ điểm khởi đầu chứ không nên suy luận là sự kiện năm 1979 là hậu quả của những nguyên nhân đã hình thành từ năm 1950. Không phải như vậy.
Quyết định “Giải tán Đảng” năm 1945 và dư âm của nó trong khối Cộng sản
Trung tâm của sự khủng hoảng về ngoại giao của cộng sản Việt Nam trong giai đoạn sơ khởi là quyết định tự giải tán Đảng Cộng sản Đông dương (ĐCSĐD) vào tháng 11 năm 1945 và vai trò chủ đạo của Hồ Chí Minh trong việc đưa ra quyết định trên. Oái oăm thay, trong khi những người chống cộng và phản đối ông Hồ không tin là đảng đó đã giải thể (và họ hoàn toàn đúng – chưa từng có chuyện như vậy), thì những lãnh tụ của phong trào quốc tế cộng sản lại không chắc là ĐCSĐD còn tồn tại hay đã giải thể. Một vài vị đã bắt đầu thắc mắc về nghị lực cách mạng của chính bản thân Hồ Chí Minh: Một người theo chủ nghĩa quốc tế có khi nào lại giải thể đảng, và ai lại làm thế mà không hỏi ý kiến các đồng chí lãnh đạo phong trào cộng sản trước đã? Những nghi vấn tương tự về Hồ Chí Minh không phải lúc đó mới phát sinh. Năm 1930, Trần Phú, đương kim Tổng Bí thư đảng, một người có đầu óc rất nặng về tư tưởng quốc tế chủ nghĩa đã chỉ trích Hồ Chí Minh về thiên hướng dân tộc chủ nghĩa của ông ta [5] . Thực ra, trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh biết cách trình ra hai khuôn mặt với dân chúng trong nước và trước quốc tế: một dân tộc chủ nghĩa, một quốc tế chủ nghĩa, tuỳ theo nhu cầu của hoàn cảnh từng lúc. Chúng ta biết được tính cách dân tộc chủ nghĩa của ông đã gây khó chịu cho những người chống cộng đến thế nào. Đối với họ, ông không phải là người ái quốc. Đằng sau huyền thoại “Cha già dân tộc” là một nhà cộng sản quốc tế chủ nghĩa thâm căn cố đế, vô tình và tàn nhẫn [6] . Tuy nhiên, đối với nhiều tín đồ cộng sản Việt Nam trẻ tuổi và nhiệt tâm, Hồ Chí Minh không phải là một nhà quốc tế chủ nghĩa chân chính, mà chỉ đơn thuần là một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Cùng với sự giải thể ĐCSĐD năm 1945, những mối nghi ngờ về phẩm chất quốc tế chủ nghĩa của Hồ Chí Minh lại nổi lên, cả trong nội bộ đảng và thế giới cộng sản bên ngoài.
Vậy nguyên nhân do đâu Hồ Chí Minh lại có một động thái đầy kịch tính như vậy vào năm 1945? Một đáp số hiển nhiên là để duy trì sự tồn tại về mặt chính trị. Bất chấp mọi nỗ lực che giấu bản chất cộng sản của VNDCCH, chính phủ và mặt trận dân tộc của nó, Việt Minh, thực chất là do ĐCSĐD điều hành. [7] Và cho đến thời điểm đó, rất nhiều người đã biết điều này; sự chi phối của đảng cộng sản đã gây rất nhiều bức xúc cho những nhà dân tộc phi cộng sản, nhiều người trong số đó không lạ gì các nhà lãnh đạo cộng sản và đã đoạn tuyệt với họ từ thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, khi còn ở Hoa Nam. Trở lại Bắc Việt vào cuối năm 1945, các đảng dân tộc phi cộng sản như Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) xúc tiến phong trào tuyên truyền và chiến dịch báo chí chống cộng và miêu tả Hồ Chí Minh như một nhân vật cộng sản sẵn sàng bán đứng nước Việt cho Pháp. (Chủ nghĩa cộng sản cũng gây mối lo ngại cho chính phủ Quốc dân Đảng Trung Quốc). Theo nghị quyết Potsdam, quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng (THQDĐ) đã bắt đầu đổ bộ vào miền bắc Đông Dương từ tháng 9 năm 1945. Trong khi quân đội THQDĐ đang triển khai ở miền Bắc Việt Nam, các đảng phái phi cộng sản Việt Nam dựa thế Trung Quốc để mạnh tay hơn trong cuộc đối đầu với những người cộng sản. Mức độ căng thẳng tăng nhanh. Các tờ báo đối lập công khai thoá mạ lẫn nhau. Các vụ bắt cóc, ám sát diễn ra ngày một nhiều.
Phải hy sinh cái gì đó để thoát hiểm. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1945, Nguyễn Hải Thần, người lãnh đạo Đồng Minh Hội, yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh phải từ chức ngay lập tức, cởi bỏ “sự độc tài độc đảng” và thành lập một chính phủ mới, một bước tiến hướng đến phá bỏ sự kiểm soát của đảng cộng sản. Tối hậu thư của ông Hải Thần cần có sự chuẩn y của Tướng Lư Hán, tổng chỉ huy đội quân Trung Hoa đang đóng trên đất Việt, trước ngày vị tướng này sắp về lại Trung Hoa. Có thông tin cho rằng Nguyễn Hải Thần đã tuyên bố với phía Trung Quốc rằng ông ta sẽ phủ nhận mọi trách nhiệm trong trường hợp có xung đột xảy ra giữa Việt Minh và các đảng phái phi cộng sản khác nếu Hồ Chí Minh không chấp nhận tối hậu thư. [8] ĐCSĐD có lý do để lo ngại rằng phía Trung Quốc sẽ ủng hộ kế hoạch của Nguyễn Hải Thần. Vào thời điểm cuối năm 1945, lực lượng QDĐ hẳn sẽ không gặp mấy khó khăn nếu muốn đánh bại quân đội VNDCCH. Một mặt vẫn nỗ lực không mệt mỏi nhằm lấy lòng các sĩ quan “Hoa quân nhập Việt”, trong tính toán, Hồ Chí Minh không bao giờ loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính có sự hậu thuẫn của Trung Quốc.
Chính trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh và ít nhất là một phần trong ban lãnh đạo đảng cộng sản đang đóng tại Hà Nội vào thời điểm đó đã đưa ra quyết định phi thường là giải tán ĐCSĐD vào ngày 11 tháng 11 năm 1945. Có mặt tại thời điểm đó, Hoàng Văn Hoan sau này có phát biểu rằng nguyên nhân quan trọng nhất để đi đến quyết định nói trên là nhằm lấy lòng tướng Lư Hán, người vốn lâu nay đã không tin tưởng cộng sản Việt Nam. Nếu quả đúng như vậy, thì Hồ Chí Minh đã giải tán ĐCSĐD để duy trì quyền lực của nhà nước VNDCCH. Việc ĐCSĐD tự giải tán đã làm cho “tình hình bớt căng thẳng” và rõ ràng đã giúp cho đảng cộng sản câu thêm thời gian. [9] Đảng vẫn tồn tại trong bí mật, và bị cấm không được nhắc đến trong bất kỳ một văn thư giao dịch nào, kể cả ở cấp cơ sở thấp nhất (tuy việc này có khó khăn hơn ở miền Nam). [10] Cựu đảng viên của cố ĐCSĐD, thay vì tiếp tục sinh hoạt đảng, giờ được mời tham gia vào một nhóm “Nghiên cứu Mác-xít” mới được hình thành thế chỗ [11] . Tờ báo của ĐCSĐD, Cờ Giải Phóng, bị đóng cửa, hay đúng hơn là đã hoá thân thành 1 tờ báo mới, tờ Sự Thật.
Vào tháng 8 năm 1948, tại kỳ đại hội cán bộ chính trị lần thứ 5, Lê Đức Thọ, một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đảng cộng sản lúc bấy giờ, đã nêu trong diễn văn của mình rằng, sau khi đảng “tự giải tán” vào năm 1945, “nhiều đồng chí vẫn có đầu óc chia rẽ, và (đã) đưa ra đề xuất khôi phục đảng trở lại hoạt động công khai”. Một số người đã chỉ trích rằng việc nguỵ trang ĐCSĐD trên thực tế đã làm tổn hại đến uy tín của đảng. Lê Đức Thọ giải thích rằng biện pháp này là cần thiết, xét theo 2 nguyên nhân chính. Về đối ngoại, biện pháp này được đưa ra nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của các quốc gia chống cộng, những nước hẳn sẽ can thiệp sâu hơn vào nội tình Việt Nam nếu thấy đảng vẫn ra mặt cầm quyền. Về đối nội, việc “giải tán” đảng là cần thiết để có thể duy trì sự ủng hộ của các tầng lớp tư sản, địa chủ và công giáo trong cuộc chiến chống Pháp. Khi các điều kiện bên trong và bên ngoài cho phép, đảng sẽ lập tức ra công khai. [12]
Xin nhắc lại, trong khi các sĩ quan tình báo Pháp cười nhạo vào màn “tự giải tán” của ĐCSĐD, thì nhiều nhà lãnh đạo các đảng cộng sản nước ngoài vẫn phân vân không hiểu có phải các đồng chí Việt Nam đã đánh mất ý chí cách mạng của mình không. Trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản - ngoại trừ hai trường hợp ngoại lệ của Mỹ và Nam Tư – không có một đảng cộng sản nào từng tự nguyện giải tán. Quyết định này đã gieo rắc nghi kỵ, dẫn đến bất hoà ngay trong nội bộ ĐCSĐD như chúng ta sẽ cùng xem xét sau đây. [13] Điều này cũng làm nảy sinh những sự nghi ngờ trong đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc và Liên Xô về thực chất màu cờ ý thức hệ của những người cộng sản Việt Nam và cá nhân ông Hồ. Riêng một sự kiện đơn lẻ này— từ khi được khởi xướng và sau này bị đào xới lại dưới tay nhiều nhân vật khác nhau trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của những năm cuối thập kỷ 40—cũng đủ gây nên nhiều tác động quan trọng cho quá trình hội nhập của Việt Nam vào phong trào cộng sản quốc tế, cho đến tháng 1 năm 1950.
Quan hệ đầy trắc trở của ĐCS Đông Dương với ĐCS Pháp và ĐCS Liên Xô
Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, những người cộng sản Việt Nam đã gần như bị tách biệt hoàn toàn với phong trào cộng sản quốc tế. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều này. Cơ quan đầu não của đảng cộng sản Trung Quốc còn đang phải chui lủi ở vùng Diên An hẻo lánh, trước khi rút lên trú ẩn ở Mãn Châu, tận trên mạn Bắc xa xôi. Đúng là đã có diễn ra những cuộc tiếp xúc với các phái đoàn địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Nam, nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã khiến cho việc duy trì liên lạc trở nên khó khăn. Liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp (ĐCSP) ngày càng thưa hơn sau khi chiến tranh lan rộng ở châu Âu. Liên Xô cũng đang tham chiến, và trong năm 1943, Stalin đã giải tán Quốc tế Cộng sản. Khi nhà nước VNDCCH ra đời vào tháng 9 năm 1945, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam dường như mất liên lạc hoàn toàn với các đảng cộng sản anh em chủ chốt, quan trọng nhất là bộ ba ĐCS Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Tất nhiên, những người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh, nhưng không có sự dẫn dắt từ trên. Sự tàn phá của chiến tranh khiến cho việc liên thông quốc tế và mô hình liên lạc quốc tế cộng sản khó thực hiện được.
Ðã có nhiều bài viết chi tiết về vai trò của Mỹ đối với VNDCCH tại thời điểm này (tuy vậy, tôi cũng sẽ trở lại vấn đề này, vì nó có liên quan tới chính sách ngoại giao của Việt Nam vào năm 1949). Ở đây, điều làm chúng ta quan tâm là bằng cách nào mà đảng cộng sản đã tiến tới khôi phục được quan hệ, trên lập trường quốc tế chủ nghĩa với ĐCSLX, ĐCSP và ĐCSTQ vì đó là một nội dung quan trọng trong nỗ lực bảo toàn nền độc lập trên mặt trận ngoại giao và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hồ Chí Minh không bỏ phí giây phút nào. Ông ta viết một bức thư cho Stalin, thông báo về sự ra đời của nhà nước Việt Nam và cuộc chiến giành lại độc lập từ tay người Pháp. Trong một bức thư khác, ông Hồ đã yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra nghị sự trước Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tất cả các bức thư này đều không được hồi âm; cũng như Truman (ông này cũng không phúc đáp thư của Hồ Chí Minh), Stalin không hề trả lời. Khi yêu cầu của Hồ Chí Minh được chuyển đến bàn làm việc của S.P. Kozyrev, phụ trách Khối Âu châu của Bộ Ngoại giao Liên Xô tại Mát-xcơ-va, ông này đã bút phê ngắn gọn: “Không trả lời” [14] Ngày 28 tháng 8 năm 1945, A.E. Bogomolov, khi đó đang làm Đại sứ Liên Xô tại Paris, đã viết cho cấp trên của ông ta rằng, có lẽ không nên hỗ trợ việc gây dựng lại chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Theo Bogomolov, vấn đề Đông Dương có thể giải quyết bằng cách đặt Đông Dương dưới một cơ chế đồng minh giám hộ, một sự ám chỉ lộ liễu tới ý tưởng của Tổng thống Franklin Roosevelt. Tuy nhiên, đề xuất này không thuận tai với những người coi thế cuộc châu Âu là mối quan tâm ưu tiên hơn. Stalin chắc sẽ không đi nước cờ đòi độc lập cho Việt Nam để chuốc lấy nguy cơ phải hy sinh một số quyền lợi của Liên Xô trên đất Pháp. Và trên thực tế, Bogomolov đã nhận được chỉ thị theo hướng này. [15]
Nhà nước VNDCCH, dù phải hay không phải của những người cộng sản, cũng không giành được vị trí đáng quan tâm đối với Mát-xcơ-va tại thời điểm sau Thế chiến II. Ngược lại, nước Pháp, nơi đảng cộng sản là một lực lượng quan trọng ở chính trường quốc gia, mới thật sự là một ưu tiên. [16] Đúng là Mát-xcơ-va có khuyên người Pháp không nên khôi phục lại thuộc địa kiểu cũ ở Đông Dương, nhưng họ chỉ dừng ở đó mà thôi. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Tướng Georges Catroux vào tháng 1 năm 1947 ở Mát-xcơ-va, trong khi chiến sự tại Hà Nội đang leo thang và Hồ Chí Minh đã di chuyển chính phủ lên miền sơn cước phía Bắc, V. Molotov nói rằng “ông hy vọng rằng Pháp và Việt Nam có thể đạt được một thoả thuận khiến cho cả đôi bên đều hài lòng,” và không dẫn đến việc tái thiết “một chế độ cai trị thực dân” [17] . Liên Xô đã không làm gì hơn ngoài những phát ngôn trên; đương nhiên là họ không đưa vấn đề Việt Nam ra bàn nghị sự LHQ vào lúc này. Vào đầu năm 1947, phe bảo thủ Pháp đã cảm ơn phe cộng sản và Liên Xô vì đã không can thiệp vào cuộc chiến ở Đông Dương. Đó là một mắt xích hé lộ, như Bernard Fall chỉ ra sau này. [18] Phía Liên Xô không hề thúc ép Pháp trên bình diện ngoại giao, cho tới mãi tận tháng 1 năm 1950, và thậm chí ngay cả lúc đó, thái độ của họ rõ ràng là rất miễn cưỡng.
Tuy nhiên, phải khẳng định đã từng có những cuộc tiếp xúc giữa VNDCCH và Liên Xô. Trong một bài báo dựa trên những tư liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao Liên Xô cũ, Benoît de Tréglodé đã chỉ cho chúng ta thấy các đại diện của Việt Nam ở Thái Lan đã gặp gỡ định kỳ các nhà ngoại giao Liên Xô trong thành phần phái đoàn được thành lập ở đó vào tháng 3 năm 1948. [19] Tuy nhiên, như De Tréglodé đã đề cập, dù phái đoàn Liên Xô có trợ giúp tài chính cho phái đoàn VNDCCH ở Băng-Cốc, không thể suy luận rằng họ chọn phương án đối đầu với người Pháp ở Đông Dương. [20] Lá thư của một cán bộ Việt Nam gửi từ thủ đô Thái Lan cho một đồng nghiệp ở Mát-xcơ-va, dù ngày gửi tận tháng 11 năm 1950, vẫn cho biết “quan hệ của chúng ta với Đoàn Liên Xô không mang lại một kết quả nào hữu ích hay hữu hiệu.” [21]
Có một hướng khác nữa là Paris. Năm 1946, trước khi Hồ Chí Minh rời Pháp (sau nỗ lực đàm phán nhằm tháo bỏ ách thực dân cho Việt Nam một cách hoà bình), ông đã cử Hoàng Minh Giám và Trần Ngọc Danh lãnh đạo “Phái đoàn Thường trực VNDCCH.” Lý lịch của cả hai người đều khiến họ trở thành sự lựa chọn xứng đáng. Hoàng Minh Giám là một trí thức Tây học, có tư tưởng tự do và là một trong số ít người Việt có chân trong Đảng Công nhân Quốc tế, Chi nhánh tại Pháp (Section Française de l’Internationale Ouvrière) từ thời thuộc địa. Chắc hẳn ông ta được chọn để thu hút các đảng viên Xã hội Pháp đang tranh cãi về vấn đề Đông Dương lúc đó. Trần Ngọc Danh là em trai Trần Phú, tổng bí thư, đồng thời là một trong những người sáng lập ra ĐCSĐD. Trần Ngọc Danh từng được hưởng nền giáo dục của Pháp ở thuộc địa Đông Dương trước khi theo học trường cách mạng tại Mát-xcơ-va. Ông nói tiếng Pháp trôi chảy và hiển nhiên cũng biết chút ít tiếng Nga. Ông ta bị bắt sau khi trở về Đông Nam Á vào đầu thập kỷ 30 và bị giam giữ trong nhà tù thực dân Pháp hơn mười năm cho đến khi được trả tự do vào năm 1945, và lập tức trở thành uỷ viên Trung ương ĐCSĐD. [22]
Cũng giống như anh trai, Trần Ngọc Danh luôn tự coi mình là một người cộng sản có hạng, đồng thời là một người theo quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành. Khó mà tìm ra được lý do khác để ông Hồ chỉ định ông ta lãnh đạo phái đoàn VNDCCH ở Paris ngoài mục đích xây dựng lại quan hệ với các nhà cộng sản Pháp và Liên Xô trên đất Pháp cũng như ở Âu châu. Đáng tiếc là, cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm hiểu được thông tin chắc chắn về các cuộc tiếp xúc của Trần Ngọc Danh với phía Pháp và Liên Xô trên đất Paris. Tin tức tình báo Mỹ năm 1947 có ghi nhận rằng, đại sứ Liên Xô tại Paris, ông Bogomolov, có tiếp một đại diện VNDCCH vào ngày 22 tháng 11 năm 1946. Cuộc tiếp xúc này đã mở ra khả năng cho phía Việt Nam gặp gỡ thường xuyên hơn với Cục trưởng Cục thông tin Liên Xô phụ trách vấn đề Việt Nam. [23]
Vừa phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện chống Pháp, lại không đạt được cam kết hỗ trợ cụ thể của Mỹ, đảng cộng sản thấy cần phải khởi động lại nền ngoại giao cộng sản và tái thiết quan hệ với khối cộng sản. [24] Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Trước tình thế miền Nam Trung Hoa còn đang ở trong tay THQDĐ mãi tới giữa năm 1949 và Cơ quan Ngoại giao Liên Xô tới tận tháng 3 năm 1948 mới bắt đầu hoạt động ở Băng-Cốc, chỉ còn lại châu Âu là con đường khả thi nhất để liên lạc với Mát-xcơ-va. Vào tháng 9 năm 1947, VNDCCH cử một đặc sứ, Phạm Ngọc Thạch, để xúc tiến liên lạc với ĐCSP và Liên Xô. Theo Phạm Ngọc Thạch, Bộ Chính trị đảng cộng sản cử ông đi trước hết là để liên hệ với giới lãnh đạo ĐCSP. Chúng ta biết được ông là đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, tức là của Hồ Chí Minh. [25] Phạm Ngọc Thạch không nói rõ nội dung ông ta được giao nhiệm vụ bàn bạc những gì với ĐCSP, nhưng ai cũng có thể hình dung được một trong những điểm quan trọng trong bản nghị sự của ông ta sẽ là thất bại của ĐCSP trong việc phản đối cuộc chiến ở Đông Dương. [26] Sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo ĐCSP, Jacques Duclos và Maurice Thorez, Phạm Ngọc Thạch đi sang Bern, để gặp đặc sứ Liên Xô tại Thuỵ Sĩ, ông Koulajenkov. Tại cuộc gặp vào tháng 9 năm đó, Phạm Ngọc Thạch đã trình bày với phía Liên Xô nhận định về cuộc chiến tranh Pháp-Việt và tình hình cuộc cách mạng ở Đông Nam Á và tóm tắt các vấn đề cộng sản ở Việt Nam. Đáng lưu ý là Phạm Ngọc Thạch đã nhắc đi nhắc lại rằng ĐCSĐD là “một lực lượng rất mạnh ở trong nước, dù đã tuyên bố giải tán vào năm 1945.” Quyết định giải tán đảng được đưa ra là, theo giải thích của ông, để tránh gây nghi ngờ cho phía Mỹ. Ông ta tuyên bố rằng đảng cộng sản hiện có khoảng một trăm ngàn đảng viên các cấp và chi phối, thông qua mặt trận dân tộc, nhiều đoàn thể và tổ chức quần chúng. Trước mắt, nhiệm vụ chính của đảng là kháng chiến chống Pháp giành độc lập. [27]
Chuyển sang các vấn đề khu vực và quốc tế, Phạm Ngọc Thạch giải thích rằng, trong thời điểm hiện tại, người Mỹ tỏ ra khá trung lập, thậm chí đôi khi nghiêng về phía VNDCCH trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Ông ta thông báo cho đồng nhiệm phía Liên Xô về những lần đã gặp gỡ trực tiếp với phái đoàn Mỹ tại Băng Cốc. Chiến lược của Mỹ, theo ông, là muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực Đông Nam Á bằng cách đưa hàng hoá vào tràn ngập khu vực, đồng thời tạo ấn tượng là họ ủng hộ phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Có lẽ, trong khi đang cố gây ấn tượng với Koulajenkov về nhu cầu có sự hỗ trợ của Liên Xô, Phạm Ngọc Thạch đã giải thích rằng người Mỹ đang sẵn lòng “ủng hộ phong trào kháng chiến (của Việt Nam) tuy nhiên, không phải bằng biện pháp gây sức ép lên phía Pháp.” Thông điệp mà ông đưa ra rất rõ ràng: Chính sách của Mỹ là nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Á đồng thời làm suy yếu phong trào cộng sản quốc tế. [28]
Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo vắn tắt về tình hình cách mạng ở Đông Nam Á và vai trò tiên phong của Việt Nam trên mặt trận đó. Phạm Ngọc Thạch đã từng gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng sản ở Malaysia, và nhận xét rằng đảng cộng sản ở đó rất mạnh và năng động. Dù chưa từng tới Indonesia, ông cũng trình bày rằng chính phủ ở đó rất “tiến bộ”. Phạm Ngọc Thạch nói với Koulajenkov rằng Việt Nam đã dự định tổ chức một hội nghị các đảng cộng sản Đông Nam Á vào năm 1947 để xây dựng một đường lối chung đối với phương Tây, nhưng không thực hiện được vì cuộc chiến tranh Đông Dương đã nổ ra. Về cuộc gặp của mình với ĐCSP, Phạm Ngọc Thạch tránh đề cập đến và chỉ nói rằng “Duclos có nói với ông ta rằng Việt Nam phải làm tất cả những gì có thể trong cuộc kháng chiến giành độc lập, nhưng ĐCSP đã không làm gì để ngăn không cho cuộc chiến này nổ ra.” [29] Những màn ngoại giao dạo đầu của nhà nước VNDHCH với các nước châu Á phi cộng sản cũng chẳng mang lại kết quả gì khả quan hơn. Thủ tướng Ấn Ðộ Nehru có hứa sẽ “ủng hộ về mặt tinh thần,” nhưng từ chối thực hiện các việc cụ thể hơn. Nehru thậm chí còn không chấp thuận đề nghị của Phạm Ngọc Thạch về việc đưa chương trình Việt Nam ra trước LHQ (mặc dù ông ta có ủng hộ cho chương trình của Indonesia).
Tóm lại, nền ngoại giao Việt Nam thời kỳ hậu thuộc địa năm 1947 có rất nhiều điều để bàn, chỉ thiếu thành công. Điều đó giải thích vì sao Phạm Ngọc Thạch muốn sử dụng chuyến đi châu Âu của mình để cố gắng mở ra một kênh liên lạc với chính quyền Xô-viết. Ông ta nói với Koulachenkov rằng Duclos và Thorez đã hứa chuyển lời tới các đồng chí Liên Xô, thông qua Đại sứ quán tại Paris, về nguyện vọng của ông muốn được đi thăm Liên Xô để trao đổi về tình hình Đông Nam Á. Koulachenkov không hứa gì. [30] Như chúng ta sẽ xét ở phần sau, phía Liên Xô ỉm luôn việc này đi.
Tất nhiên, cuộc tiếp xúc này cần phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước. Xét tình hình trong nước, nhà nước VNDCCH đang ở thế bị tấn công. Kể từ khi cuộc chiến lan rộng trên phạm vi toàn quốc vào cuối năm 1946, quân Pháp đã tìm cách cắt đứt mọi liên hệ về ngoại giao và quân sự của VNDCCH với khu vực và thế giới. Vào mùa thu năm 1947, trong khi Phạm Ngọc Thạch đang gặp gỡ đối tác Liên Xô ở Thuỵ Sĩ, lính dù Pháp mở cuộc tấn công trứ danh tại tỉnh Bắc Kạn và thiếu chút nữa đã bắt được cơ quan đầu não của chính phủ VNDCCH. Trên bình diện quốc tế, chuyến đi của Phạm Ngọc Thạch trùng vào thời điểm Andrei Jdanov có bài diễn thuyết nổi tiếng về thế giới đã phân cực thành hai phe đối lập, một phía là cộng sản do Liên Xô và Stalin đứng đầu, phía bên kia là tư sản và đế quốc do Mỹ cầm đầu. Cũng chính vào thời điểm này, Văn phòng Thông tin Quốc tế các Đảng cộng sản (Cominform) được ra đời để chỉ đạo và điều hành phong trào cộng sản quốc tế. [31]
Tháng 12 năm 1947, Phạm Ngọc Thạch gửi một bộ tài liệu cho phía Liên Xô trong nỗ lực giành được sự hỗ trợ của họ. Trong bản “Báo cáo về tình hình Đảng cộng sản ở Việt Nam” của mình, ông viết rằng mặc dù ĐCSP chưa làm được gì đáng kể cho ĐCSĐD vì tình hình chính trị tại nước Pháp, ông hoan nghênh việc thành lập Văn phòng Thông tin quốc tế (Cominform) và rằng “báo cáo của Jdanov đã làm sáng tỏ tình hình thế giới và góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em.” Phạm Ngọc Thạch nhắc lại về điều kiện cách mạng thuận lợi ở Đông Nam Á và nhấn mạnh ĐCSĐD và Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò lãnh đạo để đưa các đảng cộng sản trong khu vực thành một khối. [32] Trong khi Phạm Ngọc Thạch lạc quan vì Văn phòng Thông tin quốc tế đã có nhắc đến cuộc kháng chiến chống thực dân của Việt Nam và Indonesia, ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang cần sự hỗ trợ cụ thể, và tức thời. Thực vậy, đi kèm với bản báo cáo của ông gửi phía Liên Xô là một loạt các yêu cầu viện trợ quân sự và kinh tế, trong đó có cả yêu cầu viện trợ ngoại tệ mạnh (tốt hơn hết là đô-la Mỹ), yêu cầu về chuyên gia quân sự để cộng tác với cán bộ của VNDCCH, tăng cường tuyên truyền quốc tế có lợi cho Việt Nam, và triển khai một chiến lược ngoại giao nhằm đưa Việt Nam tham gia LHQ, khi các “đảng anh em” thấy có thời cơ thích hợp. [33] Ngày càng bị cô lập hơn ở trong nước và quốc tế, VNDCCH hiển nhiên cần sự trợ giúp của Liên Xô như trời hạn mong mưa:
“Tóm lại, chúng tôi yêu cầu các đồng chí Xô-Viết quan tâm hơn đến Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam hoàn toàn đơn độc trong cuộc kháng chiến. Báo cáo của đồng chí Jdanov có đề cập đến Việt Nam cho phép chúng tôi hy vọng các đồng chí Liên Xô đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc trên đất nước chúng tôi, đồng thời cũng là cửa ngõ của Đông Nam Á. Thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Việt Nam và Indonesia sẽ thể hiện sức mạnh của thành trì chống đế quốc ở châu Á. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có đảng cộng sản nắm được thực quyền.” [34]
Mát-xcơ-va không nhìn nhận vấn đề như vậy. [35] Phạm Ngọc Thạch trở lại châu Á tay trắng, cuối cùng về lại Bắc Việt vào mùa thu năm 1948. [36] Để thực hiện sứ mạng ngoại giao thay cho ông, ĐCSĐD đã cử một trong những nhân vật quan trọng của mình, Hoàng Văn Hoan, một cán bộ cao cấp của đảng và một người thân cận của Hồ Chí Minh từ những năm 1920. Giỏi tiếng Trung, ông đã từng được bố trí tham gia hệ thống QDĐ, ĐCSTQ và ĐCSĐD trải dài từ Nam Trung Hoa tới Đông Bắc Thái Lan. Hoàng Văn Hoan vượt sông Mê-kông vào Thái Lan khoảng giữa năm 1948 và điều hành tất cả mọi hoạt động ngoại giao của đảng và chính phủ với tư cách là người lãnh đạo một cơ quan tuyệt mật và đầy uy quyền: Ban Cán Sự Hải Ngoại. [37]
Vậy, tại thời điểm này, tín hiệu đánh tiếng của VNDCCH được hệ thống ra-đa ngoại giao của Mát-xcơ-va tiếp nhận ra sao? Tôi nghĩ là rất yếu. Ta chỉ cần xem xét mức độ quan tâm mà Mát-xcơ-va đã dành cho chính phủ Cộng hoà Indonesia non trẻ ở Đông Nam Á cùng thời kỳ này thì thấy rõ ngay. Từ những năm 1945 đến 1948, chính sách ngoại giao của Liên Xô ngày càng thiên về ủng hộ cuộc kháng chiến của Indonesia chống lại Hà Lan hơn cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Đương nhiên, ở thời điểm cuối năm 1945, Liên bang Xô Viết đã rất thận trọng khi hồi đáp những thăm hỏi ban đầu của nước Cộng hoà Indonesia mới thành lập. Chủ tịch Soekarno, cũng như Hồ Chí Minh, không bao giờ nhận được hồi âm cho bức điện ông đã gửi phía Liên Xô từ tháng 11 năm 1945. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi khi các bên bắt đầu cảm nhận được về Chiến tranh Lạnh. Đơn cử như, đầu năm 1946, Liên Xô phát biểu có lợi cho Indonesia tại Hội Đồng Bảo An LHQ để đối lại hành xử của Tây phương về I-ran. Tất nhiên, Stalin có nhiều quyền lợi ở Pháp hơn ở Hà Lan; điều này giúp giải thích vì sao Mát-xcơ-va chấp nhận ý tưởng tiến tới, dù thận trọng, công nhận Cộng hoà Indonesia. Hướng đi này càng được ủng hộ, khi ông Amir Sjarifuddin, một người thiên tả, lên lãnh đạo một chính phủ mới ở Indonesia vào năm 1947. Đầu năm 1948, Liên Xô công nhận thực tế (de facto) và thiết lập ngoại giao cấp lãnh sự với Cộng hoà Indonesia. [38]
Dù người Việt Nam biết rất rõ rằng Pháp có một vị trí quan trọng hơn Hà Lan trong chính sách đối ngoại của Liên Xô về Âu châu, cũng như ý thức đầy đủ được vị trí nhỏ bé của mình trong chiến lược tổng thể của Liên Xô, họ vẫn thất vọng sâu sắc trước sự im hơi lặng tiếng của Liên Xô đối với Việt Nam khi so sánh với Indonesia. Lê Văn Hiến, một lãnh đạo cao cấp của đảng kiêm bộ trưởng tài chính VNDCCH lúc bấy giờ, đã thể hiện điều này rất rõ trong nhật ký về cảm giác “sốc” của mình khi ông biết tin Liên Xô đã công nhận thực tế Cộng hoà Indonesia. [39] Chắc hẳn có khá nhiều người Việt nghĩ rằng, nếu Liên Xô công nhận VNDCCH vào tháng 5 năm 1948, dù chỉ ở cấp lãnh sự, thì Việt Nam hẳn đã có một vũ khí đáng kể để chiến đấu với người Pháp trên mặt trận ngoại giao. Hẳn cũng phải có nhiều nhà lãnh đạo cộng sản trong đảng tự hỏi, làm sao Stalin có thể không đoái hoài tới Việt Nam, những nhà quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành đã đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng Đông Nam Á từ năm 1930? Cuối cùng, có hai người cộng sản Việt Nam—Lê Hy và Trần Ngọc Danh—quyết định tự mình hành động. Như De Tréglodé đã ghi nhận, những động thái ngoại giao tự phát của hai ông này hướng tới Liên Xô chỉ khẳng định thêm tình trạng tuyệt vọng của nền ngoại giao Việt Nam đương thời. Những chuyến đi của họ còn cho thấy tình thế bị cô lập khá rõ của VNDCCH/ĐCSĐD với thế giới cộng sản.
Ngoại giao “tự tung tự tác” của Việt Nam
Chuyến xuất dương của Lê Hy
Thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Pháp, Lê Hy đến Băng-Cốc vào cuối năm 1945 để quảng bá sự nghiệp của Việt Nam với khu vực và thế giới. Ông ta giúp thành lập và điều hành phòng thông tin VNDHCH ở đó từ năm 1945 đến năm 1948, và thường xuyên gặp gỡ với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại đó. Đầu tháng 8 năm 1948, ngay sau khi ĐCS Nam Tư vừa bị khai trừ khỏi Quốc tế Cộng sản, Lê Hy lên đường sang Thượng Hải cùng với một người cộng sản Úc, Alexander Brotherton. [40] Ở đó, ông ta đã gặp đại diện lãnh sự Liên Xô, một ông Sergiev nào đó. Nhờ có sự giúp đỡ của ông này và của Serge Niemchine, trưởng phòng lãnh sự Liên Xô ở Băng-cốc, Lê Hy xin được giấy tờ cần thiết để dừng chân tại Mát-xcơ-va trước khi đến điểm cuối của hành trình, Pra-ha. Ở đó, ông ta được chính phủ uỷ quyền thành lập một văn phòng thông tin.
Lê Hy tới Mát-xcơ-va ngày 30 tháng 8 năm 1948, và không tiếp tục lên đường tới Pra-ha ngay. Ngược lại, ông đã cố gắng thiết lập quan hệ trực tiếp với chính quyền Xô-viết, hy vọng sẽ xin được viện trợ về tài chính và quân sự cho VNDCCH. [41] Lê Hy nhờ Liên Xô thông báo cho VNDCCH về sự kiện ông ta tới Mát-xcơ-va thông qua đoàn ngoại giao Băng Cốc. Ông thông báo với một đại diện Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô rằng ông đã được ĐCSĐD uỷ quyền không chính thức để đàm phán về viện trợ quân sự và tài chính có thể được từ phía Liên Xô. Tuy nhiên, ông ta không có bất cứ một tờ giấy giới thiệu hay uỷ nhiệm thư chính thức nào do ĐCSĐD hoặc nhà nước VNDCCH cấp, trừ một thực tế là ông đã từng làm việc trong đoàn đại diện chính phủ ở Băng Cốc. Theo ghi chép của phía Liên Xô về buổi làm việc, Lê Hy đã cố tổ chức “những cuộc họp sơ bộ” nhân danh nhà nước Việt Nam. Theo biên bản phía Liên Xô ghi lại, ông ta giải thích như sau: “Giờ đây chính phủ Việt Nam nhận thấy nếu không có bàn bạc sơ bộ thì việc thảo luận trực tiếp với Liên Xô về vấn đề viện trợ sẽ không có tác dụng. Chính vì vậy chúng tôi đã đặt ra câu hỏi một cách không chính thức để xem khả năng Liên Xô có thể giúp Việt Nam những gì, dưới bất kỳ hình thức nào.” Sau đó ông nói tiếp, “Nếu [VN] không thể biết được ý kiến từ chính phủ Liên Xô, điều này có thể thực hiện qua sự trung gian của ĐCS Liên Xô.” [42]
Đại diện Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô đã thông báo với đại diện VNDCCH ở Băng Cốc, ông Nguyễn Đức Quỳ, về chuyến thăm của Lê Hy tới Mát-xcơ-va và chuyển yêu cầu của ông ta, muốn xin chỉ thị về các nội dung cần trao đổi với phía Liên Xô trong các “buổi làm việc” này. Theo Niemchine, Nguyễn Đức Quỳ tỏ vẻ rất ngạc nhiên và phát biểu rằng mình không hề biết gì về mục tiêu của chuyến “công du” này. Nguyễn Đức Quỳ khẳng định với đồng nghiệp của mình rằng sẽ báo cáo việc này ngay lập tức với chính phủ Việt Nam. [43] Ngày mùng 5 tháng 9, Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng chính phủ mình muốn triệu hồi Lê Hy từ Mát-xcơ-va. [44]
Tuy nhiên, nhu cầu tiếp xúc với Liên Xô và xin được viện trợ hiển nhiên là rất thực tế. Trong hai tối ngày 19 và 20 tháng 9, Nguyễn Đức Quỳ liên lạc với Niemchine về nhu cầu gấp rút của ĐCSĐD cần lập quan hệ với ĐCSLX. Nguyễn Đức Quỳ giải thích rằng, ở Bern, Phạm Ngọc Thạch đã chuyển một lá thư của Hồ Chí Minh cho phía Liên Xô, xin viện trợ và đề nghị Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra trước LHQ. Rõ ràng là Mát-xcơ-va chưa hề đáp lại. Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng Đảng vừa cử ông Hoàng Văn Hoan (bí danh: Phóng, hoặc Thái Lương Nam) đi Mát-xcơ-va để xúc tiến bàn thảo về các vấn đề đó. [45] Đáng lưu ý, trong buổi gặp này, Nguyễn Đức Quỳ nhắc lại với đồng nghiệp phía Liên Xô rằng “Đảng chúng tôi nắm toàn bộ sinh mệnh nền Cộng hoà [VN].” [46] Trở lại câu hỏi trước mắt, Nguyễn Đức Quỳ công nhận Lê Hy đã được uỷ quyền mở một văn phòng thông tin tại Đông Âu, nhưng cũng tuyên bố rằng ông ta không phải là đại diện chính thức do ĐCSĐD cử đi đàm phán với Liên Xô về vấn đề viện trợ quân sự. Hoàng Văn Hoan mới là người sẽ thực hiện việc này. [47]
Trong lúc đó, Lê Hy trở nên bức bối, bất bình trước sự im lặng từ phía đảng trong khi ông đã đánh tiếng xin chỉ thị. Trong một văn thư gửi các cán bộ Vụ Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Liên Xô, Lê Hy bắt đầu bộc lộ con người thật và tính không chuyên của mình. Ngày 20 tháng 9 năm 1948, ông ta viết bằng tiếng Pháp, tự nhận rằng chính mình đã gỡ thế bí cho Đảng trong việc liên hệ với Liên Xô thông qua chuyến đi tới Mát-xcơ-va và mở ra những cuộc bàn bạc giữa hai bên. Khi Đảng chỉ bàn bạc trong lúc cần phải hành động, chính ông, Lê Hy, đã làm việc cần phải làm. Hãy xem cách ông ta nêu yêu cầu với phía Liên Xô:
“Đương nhiên với sự giúp đỡ của các đồng chí, công việc của tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều (dù không được như vậy, tôi cũng vẫn tiếp tục làm, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều) [. . .] Thật là không may nếu ý kiến của tôi không được tiếp nhận. Như thế sẽ là một điều đáng tiếc, nhưng tôi còn biết làm gì hơn? Tôi đã tự vấn xem mình có làm gì có hại cho đảng của mình không? Thời gian sẽ phán quyết điều này. Thành thật mà nói, tôi không được sự chấp thuận tuyệt đối của Nguyễn Đức Quỳ trước khi xuất phát [từ Băng cốc], vì theo ý ông ta, chúng tôi phải chờ Trung ương Đảng họp [ở Việt Nam] và đưa ra quyết định [trước khi tiến hành công việc này], có nghĩa là phải chờ thêm một tháng nữa, trong khi tình hình ở Xiêm đang xấu đi từng ngày. Nên tôi đã tự mình quyết định khởi hành sớm. Tôi sẽ tự kiểm điểm trước cấp uỷ phụ trách về hành vi vi phạm kỷ luật này, nhưng tôi tự nghĩ, dù phải trả giá bằng sự hy sinh như vậy, tôi cũng quyết phải đẩy mạnh tiến bộ trong công việc của Đảng. Tôi hy vọng các đồng chí hiểu được tình thế nan giải của tôi.” [48]
Nguyễn Đức Quỳ yêu cầu đồng nghiệp phía Liên Xô coi cuộc tiếp xúc này [của Lê Hy] là vô hiệu và nhắc nhở Lê Hy rằng ông ta đang tự ý hành động và phải trở về nước ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không cản trở Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng Lê Hy đã được chính phủ yêu cầu tìm hiểu khả năng gửi 50 cán bộ Việt Nam đi tập huấn tại Liên Xô! Niemchine báo lại với Nguyễn Đức Quỳ rằng Hoàng Văn Hoan sẽ phải tới Mát-xcơ-va để thảo luận về những vấn đề như thế. [49] Một lần khác, Nguyễn Đức Quỳ và Hoàng Văn Hoan thậm chí còn đề nghị Niemchine giúp đỡ họ về tài chính ở Thái Lan. Việc này khiến Niemchine khó chịu, và ông ta đã nhanh chóng chấm dứt cuộc trao đổi này. [50]
Chuyến công du của Trần Ngọc Danh
Lê Hy không phải là đảng viên duy nhất cố bắt tay với Liên Xô dù không được uỷ quyền. Một khủng hoảng ngoại giao nữa đã xảy ra với Việt Nam vào năm 1949, khi Trần Ngọc Danh đơn phương giải tán đoàn ngoại giao Việt Nam ở Pháp, mà ông đã lãnh đạo từ tháng 11 năm 1946. Bị cảnh sát theo dõi, ông ta liền thu xếp hành lý và chạy sang Pra-ha, nhờ vào sự giúp đỡ của lãnh đạo ĐCS Pháp là ông Jacques Duclos. [51] Nhưng cũng giống như Lê Hy, Trần Ngọc Danh có một kế hoạch khác khi đã đặt chân đến Đông Âu. Trên thực tế, ông này gây ra tác hại lớn hơn nhiều cho nền ngoại giao cộng sản Việt Nam vốn đã nghiêng ngả. Ông ta muốn liên hệ với ĐCSLX để thông báo với các đồng chí lãnh đạo Xô-Viết về sự lạc hướng tư tưởng của Đảng mình và của cá nhân Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân chính xác của sự thay tâm đổi tính này thật khó xác định. Quyết định khai trừ Ti-tô ra khỏi Quốc tế Cộng sản rõ ràng đã tác động đến ông ta, có thể đã mở ra cho ông ta một cơ hội phát biểu lại những ý kiến phê bình của anh trai mình đối với xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa trong đảng. Cũng giống như Trần Phú, Trần Ngọc Danh đánh giá Hồ Chí Minh là thiếu bản lĩnh quốc tế chủ nghĩa và tin rằng quyết định giải tán đảng vào năm 1945 là bằng chứng rõ ràng cho nhận định trên. Dưới đây là phần quan trọng trong nội dung bức thư ông ta gửi ĐCSLX vào tháng 10 năm 1949, đúng lúc ĐCS Trung Quốc đang giành được quyền lực, Stalin bị ám ảnh về vụ Ti-tô, và đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị bình thường hoá quan hệ với hai đảng “anh cả”:
“1. Theo nhận xét của QTCS, giờ đây tôi hoàn toàn phản đối đường lối chính trị cơ hội của đảng mình kể từ khi công khai giải tán (ngày 11 tháng 11 năm 1945) theo quyết định của Trung ương ĐCSĐD.
Việc tự giải tán, trái với ý nguyện đã được bày tỏ nhiều [lần] của các đồng chí của chúng ta chỉ có thể xảy ra do sự can thiệp tích cực của đồng chí Hồ Chí Minh, đương kim chủ tịch nước VNDCCH. Vai trò của đồng chí Hồ Chí Minh đương nhiên là rất quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, những người luôn coi đồng chí ấy là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và người đi đầu trong phong trào dân chủ. Sự tin tưởng này còn được củng cố hơn nữa do các đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn nhìn nhận đồng chí ấy là một cựu Ủy viên Đông phương Bộ, thuộc Ban chấp hành QTCS, hay nói theo một thuật ngữ Việt Nam, “Đó là một con người của Quốc tế.” Và chính sách thụ động hiện đang được áp dụng rõ ràng có ảnh hưởng từ lý thuyết đồng chí ấy đã khởi xướng từ năm 1931 trong Đại Hội Tours.
2. Khi dịch những tài liệu này, tôi đã đi ngược lại quyết định của lãnh đạo đảng ngăn tôi không nên làm như vậy. [. . .]
4. Với nhận thức chắc chắn rằng sự thay đổi nghiêm trọng về đường lối của đảng mình sẽ gây tổn hại đến phong trào cộng sản và sự phát triển của cuộc Cách mạng tại Việt Nam, dù biết rằng mỗi hành động của mình bị coi là nông nổi, nóng vội và vô kỷ luật, có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, tôi tự nhận trách nhiệm phải báo cáo cho các đồng chí về tình trạng thực tế của đảng mình.” [52]
Ông ta kết thúc bằng lời cam kết trung thành với Stalin: “Nay tôi xin long trọng tuyên thệ ‘luôn trung thành với ngọn cờ của Stalin và Lê-nin’.” Đáng lưu ý là, Trần Ngọc Danh đã yêu cầu phía chủ nhà Tiệp Khắc chuyển thư và tài liệu của ông tới Trung ương ĐCS Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Ông ta cũng gửi bản dịch và bản nhận xét về các văn kiện của ĐCSĐD, vạch ra những sai lầm của đảng mình. Trong một lá thư khác, ông giải thích về hành động của mình, kèm theo một tiểu sử vắn tắt. [53]
Trần Ngọc Danh cũng gửi một “nghiên cứu” tương tự về ĐCSĐD tới Mát-xcơ-va, và được chuyển tới tay Pavel Fedorovich Iudin trong Bộ Ngoại giao. Văn bản này đề ngày 10 tháng 1 năm 1950. Hiển nhiên là tài liệu này rất giống, nếu không nói chúng chính là các văn bản ông ta đã nhắc đến trong hai lá thư ngày 11 và 12 tháng 10 (năm 1949 - ND). Trong các văn bản này, Trần Ngọc Danh chỉ trích Hồ Chí Minh và xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa trong đảng. Theo cách ông ta phân tích cho các đồng chí Liên Xô: “Vào thời điểm tự giải tán, ĐCSĐD đã bị các thành phần tiểu tư sản dân tộc lũng đoạn, vốn sau nhiều thời kỳ nằm im, luôn giữ tư tưởng ly khai, từ bỏ và thiếu lòng tin vào lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản. Yếu tố gây bất ổn định lớn nhất là chính cá nhân Hồ Chí Minh. Để hiểu về điều này, chỉ cần các đồng chí xem lại đường lối của ĐCSĐD đưa ra năm 1941, tức là, đúng thời điểm ông Hồ bắt đầu tham gia trực tiếp vào vũ đài chính trị Đông Dương. [54] ”
Trong bản dịch tài liệu nội bộ đảng, Trần Ngọc Danh liên tiếp trích dẫn lời của Hồ Chí Minh và một số ít hơn, của Trường Chinh, để giải thích tại sao ông Hồ lại là một người dân tộc chủ nghĩa và có tư tưởng trung lập, và tại sao Trường Chinh rõ ràng đã không duy trì được đường lối cách mạng đúng đắn cho đảng. Cũng giống như anh trai mình trước đây, Trần Ngọc Danh nhìn nhận Hồ Chí Minh như một nhà quốc tế chủ nghĩa không chân chính, một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Trần Ngọc Danh kết luận rằng tất cả những điều này thể hiện “một sự lệch lạc, đi ngược với chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, Stalin-nít, nên đã khiến ông ta [Hồ Chí Minh] trở thành người chống đảng và thù nghịch với Liên Xô.” Đối với Trần Ngọc Danh, ĐCSĐD nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng đã từ bỏ “chủ nghĩa quốc tế vô sản” và “lý thuyết Mác-xít về giai cấp và đấu tranh giai cấp.” Trần Ngọc Danh, đương nhiên, là nhà cộng sản chân chính trung thành với Stalin. [55]
Sự kiện này xảy ra vào đúng lúc tồi tệ nhất cho Hồ Chí Minh: ông đang trên đường đến Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận ngoại giao Xô-Trung và cho Việt Nam hội nhập vào thế giới cộng sản. Dù chúng ta không biết liệu Hồ Chí Minh đã được thông báo về những việc làm của Trần Ngọc Danh hay chưa, chúng ta có thể đoán rằng ông đã cảm thấy đến lúc ông phải đích thân lên đường, trước tình hình suy thoái về ngoại giao của đảng kể từ năm 1945 và những nguy cơ sát sườn. Những nỗ lực ngoại giao ngoài luồng của Trần Ngọc Danh và Lê Hy cũng giúp ta hiểu rõ hơn nguyên nhân Hồ Chí Minh gặp phải thái độ lạnh nhạt của Stalin vào tháng 1 năm 1950. Dù hành động của họ không phải là nguồn gốc của mọi nguyên nhân, như chúng ta sẽ thấy, rõ ràng Trần Ngọc Danh và Lê Hy đã làm ảnh hưởng xấu đến đường lối đối ngoại của Việt Nam rất nhiều đúng vào thời điểm mà ĐCSTQ lên nắm quyền.
Hoàng Văn Hoan trực tiếp đến Pra-ha để ngăn chặn hai kênh phát sóng ngoài luồng này. [56] Ông báo cáo với ĐCS Tiệp Khắc rằng cả hai người này đều đang gặp rắc rối nghiêm trọng vì đã tự tiện hành động trái thẩm quyền; rằng họ đã bị triệu hồi và không được coi là đại diện chính thức của chính phủ hoặc của đảng. Hồ Chí Minh đã trực tiếp yêu cầu Trần Ngọc Danh phải ngay lập tức trở về Việt Nam. [57] Kết cục, Lê Hy bị khai trừ khỏi đảng vì đã tự tiện đi Tây Âu và có những mối quan hệ mờ ám trong công tác. [58] Ông ta bị buộc tội đã nói xấu một vị lãnh đạo, không thấy nêu tên trong quyết định kỷ luật (nhiều khả năng là một cách đề cập gián tiếp đến Hồ Chí Minh) và chê bai đường lối của đảng. Điều này đã “tạo nên những sự chia rẽ ngoài ý muốn trong nội bộ Đảng.” [59] Đảng khai trừ Trần Ngọc Danh vì ông ta đã giải tán đoàn đại biểu VNDCCH ở Paris mà không có lệnh trên, đồng thời đã mắc rất nhiều lỗi lầm giống như Lê Hy trong thời gian ở Đông Âu. Trung ương Đảng giải thích như sau: “Cùng với Lê Hi [Hy], [Trần Ngọc Danh] đã phê phán, một cách thiếu cơ sở và dẫn chứng nghiêm túc, những hoạt động của Đảng và của Trung ương. Đồng chí đã vô tình gây bất đồng trong các cấp uỷ Đảng và tạo chia cách khiến Đảng và Chính phủ bị xa rời các chính đảng khác có xu hướng ủng hộ chúng ta, cũng như các lực lượng có cảm tình mà Đảng và Chính phủ cần tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ.” [60]
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là, hai ông này mãi tới giữa năm 1950 mới bị khai trừ, tức là rất lâu sau khi mắc lỗi và Việt Nam đã được Mát-xcơ-va công nhận ngoại giao. Liệu có phải vì đảng muốn chờ cho họ trở về trong nước rồi mới kỷ luật? Hay Hồ Chí Minh ngại không muốn kỷ luật họ trước khi có cơ hội trực tiếp sang Mát-xcơ-va và giành được sự tin tưởng tuyệt đối của Stalin đối với cá nhân ông? [61] Điều này có thể giải thích tại sao Hồ Chí Minh, trong chuyến đi Mát-xcơ-va vào đầu năm 1950 lại quyết tâm đem về một chữ ký và một bức ảnh của Stalin đến như vậy. Đó sẽ là những bằng chứng để ông có thể chứng minh tư cách quốc tế chủ nghĩa của mình, và loại bỏ mọi nghi ngờ trong chính ĐCSĐD về khả năng lãnh đạo của ông. Trong khi sự kiện Stalin bí mật thu hồi lại tờ báo có chữ ký của mình trong hành lý của ông Hồ trước khi ông ta lên đường về Việt Nam được rất nhiều người biết, thì có một khía cạnh ít được biết đến hơn là sự ngỡ ngàng (tôi rất muốn dùng từ “đau xót”) của Hồ Chí Minh khi biết có ai đó đã lấy trộm tờ báo đó, và suy ra rằng “người lấy đó” chắc hẳn phải hành động theo lệnh của “một người nào đó” rất quan trọng. [62]
Chúng ta biết chắc chắn là quyết định “giải tán” ĐCSĐD vào tháng 11 năm 1945 đã gây nên rất nhiều rắc rối không lường trước được trong quan hệ của Việt Nam với thế giới cộng sản. Ít nhất, điều này cũng trở thành vũ khí cho những người chống lại ông Hồ sử dụng để công kích ông ta. Đơn cử như, trước khi rời Pra-ha vào tháng 5 năm 1950, Trần Ngọc Danh nói với những người bảo vệ ông ta rằng ông đã có những bất đồng sâu sắc với “người đứng đầu của Đảng, nhất là về tính chất bất hợp pháp của đảng.” [63] Và hậu quả của điều này là Hồ Chí Minh bị buộc phải giải quyết mối bất đồng này trong nội bộ đảng. Phát biểu trước Đại hội Đảng II, vào đầu năm 1951— một kỳ đại hội hết sức quan trọng, đã chính thức gắn chủ nghĩa cộng sản Việt Nam vào khối cộng sản quốc tế chủ nghĩa— Hồ Chí Minh giải thích rằng, dù việc “giải tán” ĐCSĐD có gây những “thắc mắc” trong giới lãnh đạo cộng sản, đảng vẫn luôn tồn tại trong bí mật và “vẫn lãnh đạo nhà nước và nhân dân.” Hồ Chí Minh dường như, qua bài phát biểu này, đang tự biện minh khi lý giải thêm rằng “chúng ta có thể thấy sự việc Đảng tuyên bố tự giải tán (thực tế là rút vào bí mật) là đúng đắn.” [64] Dù những lời giải thích này có ngắn gọn và xác đáng đến mấy, có thể thấy Hồ Chí Minh đã buộc phải đề cập đến vấn đề đó.
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]. Các tài liệu tiếng Nga trích dẫn trong bài này do một biên dịch viên người Nga dịch từ tiếng Nga sang tiếng Pháp cho Benoît de Tréglodé. Tréglodé đã công bố những nghiên cứu hết sức quan trọng về quan hệ giữa VNDCCH với Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1945 đến 1950, dưới nhan đề Héros et révolution au Việt Nam (1948–1964) [Những anh hùng với cuộc cách mạng ở Việt Nam (1948–1964)] (Paris: Editions L’Harmattan, 2001); “Premiers contacts entre le Vietnam et l’Union soviétique (1947–1948) [Những tiếp xúc ban đầu giữa Việt Nam và Liên Xô (1947–1948],” Approches-Asie, no. 16 (1999): 125–135; and “Les relations entre le Việt Minh, Moscou et Pékin à travers les documents (1950–1954) [Quan hệ giữa Việt Minh và Bắc Kinh, xét trên văn bản (1950–1954)],” Revue historique des Armées, no. 4 (2000): 55–62. Tôi thu thập được những tài liệu từ các văn khố của Cộng hoà Séc, Pháp và Mỹ trong các đợt nghiên cứu cá nhân.
[2]. Bộ Ngoại Giao [Ministry of Foreign Affairs], Đấu tranh ngoại giao trong Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân (1945–1954) [Diplomatic Struggle during the People’s Democratic National Revolution], vol. 2 (n.p.: Bộ Ngoại giao, n.d., lời mở đầu, ghi năm 1976), 93–94.
[3]. Xem bài tham luận tại Hội thảo quốc tế Đánh giá lại Hội nghị Geneva năm 1954: Các bằng chứng qua văn bản lưu trữ mới, tổ chức tại Trung tâm Woodrow Wilson/Dự án Lịch sử Thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngày 17&18 tháng 2, Washington, D.C.
[4]. Các loại “Sách trắng” và sách “Sự thật” của Việt Nam và Trung Quốc đã “ăn miếng trả miếng” nhau xung quanh vấn đề ai đã bán đứng ai trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt-Trung.
[5]. Về câu hỏi này, xem Sophie Quinn-Judge, Hồ Chí Minh: Những năm tháng không được biết đến 1919–1941 (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 2002).
[6]. Ví dụ, trong cuốn Hồ Chí Minh: L’homme et son héritage [Hồ Chí Minh: Cuộc đời và di sản] (Paris: Đường Mới/La Nouvelle Voie, 1990).
[7]. Tuy nhiên, sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với phong trào kháng chiến không hề đơn nhất và thuần chất, nhất là trước năm 1950 ở miền Nam và đối với cộng đồng tôn giáo ở miền Trung. Xem thêm cuốn “Lực lượng quần chúng trong Quân đội Việt Nam: Tướng Nguyễn Bình với cuộc chiến ở miền Nam,” trong Naissance d’un Etat-Parti: Le Việt Nam depuis 1945, eds. Christopher E. Goscha and Benoît de Tréglodé (Paris: Les Indes Savantes, 2004), 226–353.
[8]. “Situation Politique à la fin du mois d’octobre [1945],” pp. 20–21, dossier Bilan Situation Politique, box 157, file grouping Conseiller Politique, Centre des Archives d’Outre-Mer (CAOM). Xem thêm Tôn Thất Thiên, Chính sách ngoại giao của ĐCS ở Việt Nam (Washington, D.C.: Crane Russak, 1989), 118.
[9]. Hoàng Vǎn Hoan, Giọt nước trong biển cả (Hồi ký cách mạng) [A Drop in the Ocean (Revolutionary Memoirs)] (Beijing: Tin Việt Nam, 1986), 266–267.
[10]. Xem: Đảng Cộng Sản Đông Dương, Khu Ủy Miền Đông, so. 254/K, ‘Trích chỉ thị Trung Ương nhận được ngày 20/9/1948, ký tên Khương, ghi ngày 6/10//1948, ký tên Khương, file PCI, box 10H4204, Service Historique de l’Armée de Terre (SHAT); và tài liệu đảng trước năm 1951 trong hộp 10H4205, SHAT.
[11]. “Mặt trận Việt Minh với việc Đảng Cộng Sản Đông Dương tự ý giải tán,” Cưú Quốc, số 90 (13/11/1945): 1; “Chung quanh việc Đảng Cộng Sản Đông Dương tự ý giải tán,” Cứu Quốc, số 93 (16/11/1945): 2.
[12]. “Báo cáo tại Hội nghị cán bộ Trung Ương lần thứ V từ ngày 8 đến ngày 16 tháng 8 nǎm 1948 do đồng chí Lê Đức Thọ đọc,” Đảng Cộng Sản Việt Nam, Vǎn Kiện Ðảng, Toàn Tập, 40 tập (Hà Nội: Ban Chính Trị Quốc Gia, 1989–2005), 9:316–317.
[13]. Trong một bức điện đề tháng 12/1946 từ Quảng Ngãi, Lê Duẩn hỏi lãnh đạo “ĐCSĐD” tên gọi hiện tại của “đảng” là gì. Bức điện được giải mã cho thấy người gửi là Lê Duẩn, ngày 12/12/1946, trong hồ sơ Haut Commissariat de France en Indochine (HCFIC), Bureau Fédéral de la Documentation, no. 885/D6/TS, “Note au sujet du rôle des communistes dans la lutte actuelle en Indochine,” 2/9/1947, annex IV, vol. 165, file grouping Indochine, Asie-Océanie, Ministère des Affaires étrangères (MAE). Tôi chưa gặp một bằng chứng nào cho thấy Trường Chinh phản đối quyết định này. Đây là câu hỏi quan trọng, nhưng chỉ có thể được giải đáp khi văn khố Việt Nam được công bố, cho phép chúng ta hiểu được một cách chính xác đảng đã “tự giải tán” như thế nào, những ai đã phản đối lại quyết định này, vì lý do gì và vào thời điểm nào.
[14]. I.B. Bukharkin, “Kremli và Hồ Chí Minh,” Xưa và Nay, no. 55 (September 1998): 4–5. Hồ Chí Minh viết tiếp một bức thư thứ hai gửi Stalin vào tháng 1/1946.
[15]. Bukharkin, “Kremli và Hồ Chí Minh,” 4.
[16]. Phía Việt Nam thừa nhận điều này với Harold R. Isaacs; xem cuốn Không có hoà bình cho châu Á (1947; Cambridge, MA: MIT Press, 1967) của Isaacs, 170–175. Xem thêm Thái Quang Trung, “Staline et les révolutions nationales [Stalin and National Revolutions],” Revue Française de Sciences Politiques (October 1980): 996–1000.
[17]. “Entrevue avec Molotov sur l’Indochine,” Mát-xcơ-va, ngày 15/1/1947, ký Catroux, dossier 1352, box 153, file grouping Nouveau Fonds, Indochine, CAOM.
[18]. Bernard Fall, Hai nước Việt Nam: Phân tích về Chính trị và Quân sự (Lanham, MD: Frederick A Praeger, 1967), 196.
[19]. De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[20]. Các bức thư được phát hiện và phiên bản lại trong “Aide mémoire sur le rôle joué par l’ambassade de l’URSS à Bangkok auprès des organisations du Việt Minh,” in Haut Commissaire de France en Indochine, Conseiller Diplomatique, no. 1893, 11/4//1950, dossier 802-5, box 145, file grouping Etats Associés, MAE.
[21]. Xem bức tư viết tay của “Nguyễn Ðức à Bangkok à Trường Hồng Vǎn, à Moscou,” đề ngày 14/11/1950, trong Direction des Services de Sécurité (DSS), số 9005/C/SG-1, “Note pour M. le Haut Commissaire,” 5/12/1950, dossier Soutien aérien, box C835, Service Historique de l’Armée de l’Air, France (SHAA).
[22]. Ðịnh Phú Xuân, “Hồ Sơ Hồ Chí Minh [The Hồ Chí Minh File],” Quê Mẹ, no. 109, (April–May 1990): 53n1; Hoàng Vǎn Hoan, Giọt nước trong biển cả, 319; Bà Thái Thị Liên (quả phụ ông Trần Ngọc Danh), tác giả trực tiếp phỏng vấn trên điện thoại ngày 17/6/2001, Montreal; “Note biographique de Trần Ngọc Danh,” vol. 161, file grouping Indochine, Asie-Océanie, MAE.
[23]. Nhóm Tình báo Trung ương, “Tổ kiểm soát nguồn, SO, gửi ông Jack Neal, Phân ban Hoạt động Đối ngoại,” ngày 17/2/1947, 851G.00B/2-1747, National Archives and Records Administration (NARA). Nếu quả thật là sự tiếp xúc giữa đôi bên tại Paris là không đáng kể, thì điều đó chỉ củng cố thêm nhận định cho rằng Liên Xô không quan tâm đến Việt Nam vào thời điểm Thế Chiến II mới bùng nổ.
[24]. Mark Bradley, “Một cơ hội trên trời rơi xuống: Sáng kiến năm 1947 của Hoa kỳ và VNDCCH” trong cuốn Chiến tranh Việt Nam: Các quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ, eds. Jane Werner and Luu Doan Huynh (London: M.E. Sharpe, 1993), 3–23.
[25]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov,” no. 9288, ghi ngày 16/9/1947, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Conversation de l’envoyé spécial adjoint de l’URSS en Suisse avec l’adjoint du secrétaire d’Etat des Ministres de la République démocratique du Vietnam sur la situation dans le pays et dans le Parti communiste, Centre russe de Conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne. Tài liệu dịch từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, do Benoît de Tréglodé thu thập. De Tréglodé cũng bàn về chuyến công du này trong cuốn “Premiers contacts entre le Vietnam et l’Union soviétique,” của mình, trang 125–135.
[26]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135. Tại sao lại chọn Phạm Ngọc Thạch—chứ không phải Trần Ngọc Danh—cho chuyến đi năm 1947 vẫn là câu hỏi khó trả lời. Ông Thạch không phải là đảng viên kỳ cựu, mới gia nhập đảng đầu những năm 1940. Còn ông Trần Ngọc Danh, có đầy đủ phẩm chất cần thiết. Ông ta đã từng là lãnh đạo cao cấp trong ĐCSĐD, đã từng có thời gian ở tù, là em trai cố TBT Trần Phú. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thạch có điều kiện gần gũi ông Hồ với tư cách bác sỹ riêng. Có thể sự tin cẩn của ông Hồ Chí Minh có một vai trò quyết định trong sự lựa chọn nhân sự cho chuyến đi này.
[27]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[28]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[29]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[30]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[31]. “Cominform” là chữ viết tắt theo tiếng Nga của cụm từ “Văn phòng Thông tin của các Đảng Cộng sản.” được ra đời vào tháng 9/1947 dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSLX và Stalin.
[32]. “De T. Chouklin à Pouklov: Compte-rendu sur la situation du Parti au Vietnam,” ghi ngày 15/12/1947, no. 619, document 4, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Centre russe de conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne.
[33]. Việt Nam rút lại đơn tham gia LHQ vào ngày 22/11/1948. Văn bản do Trần Ngọc Danh soạn thảo và ký với chức danh trưởng đoàn đại diện chính phủ VNDCCH tại Pháp.
[34]. “De T. Chouklin à Pouklov: Compte-rendu sur la situation du Parti au Vietnam,” ngày 15/12/1947, no. 619, document 4, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Centre russe de conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne.
[35]. Xem Ilya Gaiduk, “Chiến lược của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và viễn cảnh Cách mạng ở khu vực Nam và Đông Nam Á,” trong Liên kết sử liệu: Chiến tranh Lạnh và Phong trào giải phóng thuộc địa ở châu Á (1945–1962), đồng tác giả Christopher E. Goscha và Christian Ostermann (Stanford, CA: Stanford University Press, sắp xuất bản).
[36]. Phạm Ngọc Thạch đã đến Việt Bắc khoảng đầu tháng 6/1948. Lê Vǎn Hiến, Nhật ký của một bộ trưởng, 2 vols. (Ðà Nẵng: Ðà Nẵng, 1995), 1:371.
[37]. Về các yếu tố quyết định trong chính sách đối ngoại của ĐCSĐD, xem thêm luận án tiến sỹ của tôi: “Lê contexte asiatique de la guerre franco-vietnamienne: Réseaux, relations et économie [The Asian Context of the Franco-Vietnamese War: Networks, Relations and Economy]” (PhD dissertation, Ecole Pratique des Hautes Etudes/Sorbonne, 2001), Section Asie du Sud-Est.
[38]. Xem L.M. Efimova, “Những bằng chứng mới về sự hình thành quan hệ ngoại giao Xô viết-Indonesian (1949–1953),” Indonesia and the Malay World 29, no. 85 (2001): 218–222; và “Tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Cộng hoà, 1947–48,” của cùng một tác giả, Indonesia and the Malay World 26, no. 76 (1998): 184–194.
[39]. Lê Văn Hiến, Nhật ký, 1:360, ghi chép ngày 28/5/1948.
[40]. Theo tin tình báo Pháp, năm 1947 Brotherton có mặt ở Băng-cốc, làm việc cho tờ Vietnam News Service dưới bút danh Vǎn Tân (tờ Vietnam News Service do Lê Hy biên tập) Ông ta phụ trách “Văn phòng Thông tin Quốc tế III của Đoàn Ngoại giao Liên Xô ở Băng cốc.” Ông ta rời Băng cốc tháng 7/1948 để đi Thượng Hải. Theo tin này, Brotherton được uỷ nhiệm gặp gỡ ĐCSĐD, ĐCSTQ và các phong trào dân tộc khác ở Đông Nam Á. Etat-Major, 2ème Bureau, Section étrangère, “Note d’information concernant les trafics et trafiquants au Siam,” June 27, 1950, box C838, SHAA. Brotherton về lại Singapore tháng 9/1948, và hình như ông ta vẫn giữ liên lạc với Phạm Ngọc Thạch, điều này xác nhận vai trò thiết lập quan hệ với Liên Xô của ông Thạch. Hoàng Vǎn Hoan có nói tới việc này trong hồi ký.
[41]. Muốn biết thêm chi tiết, xem De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[42]. “Au sujet d’une conversation de Bachitov avec l’adjoint du chef du Bureau d’Information vietnamien à Bangkok, Lê Hy,” trích nhật ký của Bachitov, tài liệu số 433, ngày 31/8/ 1948, dossier 032-ext, Đông Nam Á, tháng 9/1948, Lưu trữ của Bộ Ngoại giao, Mát-xcơ-va, Nga (AMFA).
[43]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Usatchov et Nguyễn Ðức Quỳ à Bangkok,” 6/9/1948, tài liệu số 609, 10/9/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[44]. “Enregistrement de la conversation entre camarade Usatchov et Nguyễn Ðức Quỳ,” 15/9/1948, số 615, 21/9/ 1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[45]. Trần Ngọc Danh thông báo với phía Tiệp Khắc rằng Hoàng Vǎn Hoan dùng bí danh “Phóng” và “Thái Lương Nam.” “Lettre de Trần Ngọc Danh à Geminder,” ngày 16/12/1949, fond 100/3, volume 207, Vietnam, Lưu trữ của Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp khắc, Praha (ACCCPC).
[46]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Niemchine et Nguyễn Ðức Quỳ,” ngày dated September 20/9/1948, tài liệu số 617, September 21/9/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[47]. Như trên đã dẫn.
[48]. “Lettre de Lê Hy au camarade Bachitov, Koslov et Rebanet sur la situation au Vietnam et sur les relations avec l’URSS,” Mát-xcơ-va, ngày September 20/9/1948, tài liệu số 497, 20/9/1948, dosser 113-ext, Đông Nam Á, tháng 8–12/1948, AMFA. Xem thêm De Tréglodé, “Premiers contacts, 125–135.
[49]. “Enregistrement de la conversation entre camarade Niemchine et Nguyễn Ðức Quỳ,” 30/9/1948, tài liệu số 602, ngày 3/10/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[50]. “Enregistrement de la conversation entre le comarade Niemchine et Nguyễn Ðức Quỳ,” 1/11/1948, tài liệu 685, ngày 4/11/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[51]. “Jacques Duclos à Geminder,” ngày 16/7/1949, fonds 100/3, vol. 207, Vietnam, ACCCPC.
[52]. “Lettre de Trần Ngọc Danh, membre suppléant du Comité central du Parti communiste indochinois aux camarades du Comité central du Parti communiste (bolchévik) de l’URSS,” Praha, số 7/TND, ngày 12/10/1949, fonds 100/3, volume 207, Vietnam, ACCCPC (tôi nhấn mạnh). Bà Thái Thị Liên, quả phụ ông Danh, xác nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tôi ngày 17/6/2001. Theo trí nhớ của bà, ông Trần Ngọc Danh có phê bình lập trường của Hồ Chí Minh và chất vấn “Đồng chí có phải là người Bôn-sê-vích hay không?”
[53]. République Démocratique du Vietnam, no. 6/TND [Trần Ngọc Danh?], Prague, “Lettre à l’attention du camarade Geminder,” ngày 11/10/1949, ký Trần Ngọc Danh, fonds 100/3, vol. 207, Vietnam, ACCCPC.
[54]. “Lettre/étude de Trần Ngọc Danh à camarade Youdine, écrite à Prague,” ngày 10/1/1950,” dossier no. 425 (4384–4473), Trung ương ĐCSLX, Mát-xcơ-va, Nga (CCCPSU).
[55]. Ibid.
[56]. Thật khó mà tin được rằng các chuyến đi của Lê Hy và Trần Ngọc Danh không liên quan gì đến nhau. Hoàng Vǎn Hoan viết rằng Lê Hy “chịu ảnh hưởng của tư tưởng Trần Ngọc Danh” và giải thích rằng hai người này cùng phản đối sự chậm chạp của ĐCSĐD trong việc triển khai đường lối xã hội cấp tiến.
[57]. “Lettre à Papez,” không ký, không đề ngày, fonds 100/3, vol. 207, Vietnam, ACCCPC.
[58]. Hiển nhiên điều này ám chỉ tới quan hệ của Lê Hy với Alexander Brotherton, đảng viên ĐCS Úc, trong chuyến đi tới Mát-xcơ-va và Pra-ha.
[59]. Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, “Nhận xét của Trung Ương về đồng chí Lê-Hi [The Central Committee’s View of Comrade Lê Hy],” no. 72 SK/, gửi vào miền Nam, đánh số 199 SS Xứ, T/L Thường Vụ Xứ uỷ, Chánh Vǎn Phòng, ngày 23/11/1950, ký FAN [Phan] Triểm, dossier 65, box 10H549, SHAT, được bà Thái Thị Liên xác nhận khá chắc trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 17/6/ 2001.
[60]. Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, “Trung Ương gửi các khu [From the Central Committee to All Zones],” số 71/KS, công văn đến miền Nam số 198/SL XU, T/L Thường Vụ Xứ uỷ, Chánh Vǎn Phòng, ghi ngày 23/11/1950, dossier 65, box 10H549, SHAT (tôi nhấn mạnh). Ngày 4/1/1951, Hoàng Vǎn Hoan thông báo riêng với phía Tiệp rằng Trần Ngọc Danh đã bị khai trừ khỏi đảng sau khi về tới Việt Nam. Hoàng Văn Hoan nói với Geminder lý do ông ta bị khai trừ do đã tự ý giải tán đoàn đại biểu VNDCCH ở Pháp, đã tuyển dụng một nhân viên Sở Mật thám Pháp, và vô kỷ luật. “Hoàng Vǎn Hoan à Geminder,” 4/1//1951, fond 100/3, volume 207, Vietnam, ACCCPC.
[61]. Cảm ơn bà Sophie Quinn-Judge đã nêu điểm này với tác giả.
[62]. “Lettre du camarade N. Pshinoviev (Ambassadeur à Pékin) à camarade Machentov,” ngày 2/4/1950, tài liệu số 36671, ở dossier no. 425, CCCPSU. Trong khi ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh có nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng tờ tạp chí có ảnh của Stalin và các lãnh đạo cao cấp khác của ĐCSLX cần phải được trả lại cho mình. Theo lời đại sứ Liên Xô, Hồ Chí Minh thực sự bị giằn vặt vì mất cuốn tạp chí và đã nhiều lần hỏi đi hỏi lại “làm sao chuyện đó lại có thể xảy ra giữa các đồng chí cộng sản tốt”. Tôi không biết cuốn tạp chí sau đó có được trả lại cho Hồ Chí Minh hay không.
[63]. “Lettre de Trần Ngọc Danh à Geminder,” ngày 6/5/1950.
[64]. Hồ Chí Minh, Báo cáo chính trị đọc tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất tháng 2 1951 [The Political Report Read at the First All Country Congress of Representatives in February 1951] (Ban Chấp Hành Trung Ương Xuất Bản, 1951), 21. Tài liệu này có thể tham khảo tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.
Nguồn: Bản gốc tiếng Anh đăng trong
Journal of Vietnamese studies , Berkeley 11.2006
Compiled by THD. SG-VN
Christopher E. Goscha
“Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945–1950)
Ðông Hiến dịch
1 2
Lời toà soạn: Số đầu tiên của Tạp chí Việt học (Journal of Vietnamese Studies), số mùa Thu năm 2006, do Mariam Beevi Lam và Peter Zinoman đồng chủ biên, đã ra mắt độc giả và o tháng 11 vừa rồi. Chủ trương của tạp chí là “khuyến khích và xuất bản những nghiên cứu chưa công bố về lịch sử, chính trị, văn hoá và xã hội Việt Nam. Tạp chí cũng sẽ nhận in các nghiên cứu về những đề tài quan trọng liên quan đến Việt Nam, chẳng hạn như về cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hoặc về lịch sử chính trị, văn hoá và xã hội của Cuộc chiến [ở] Việt Nam, những đề tài vẫn thường bị tách khỏi lĩnh vực nghiên cứu khu vực. Sự phát triển của ngành Việt Nam học đã bị ảnh hưởng vì sự chia cách giữa các ngành chuyên môn này, và một trong những nhiệm vụ quan trọng của tạp chí là làm một cây cầu nối những chia cách giả tạo ngăn cách các ngành đó. Tạp chí cũng hoan nghênh những nghiên cứu có tính sáng tạo về mặt lý thuyết hoặc về những đề tài vốn ít được quan tâm đến trong ngành Việt Nam học: Dục tính và giới tính (sexuality and gender), văn học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử trí thức, văn hoá học, trình diễn học, đô thị học, truyền thông học (media studies), môi trường học và các ngành nghiên cứu về chính trị và kinh tế chính trị. Ðôi khi tạp chí cũng sẽ chọn dịch và đăng các tài liệu, các thư tịch gốc hoặc các văn bản văn học có giá trị học thuật hoặc được quan tâm đặc biệt.” [Thư chủ biên, Tạp chí Việt học, Số 1, mùa Thu 2006: trang 1]. talawas xin giới thiệu một vài bài viết đã đăng trên số đầu.
Christopher Goscha là Phó Giáo sư (Assistant Professor), Khoa Sử, Trường Đại học Québec, Montréal. Tác giả xin cảm ơn ông Benoît de Tréglodé đã nhiệt tình chia sẻ những tài liệu thu thập được từ văn khố nước Nga. Tác giả cũng muốn cảm ơn ông David Marr, bà Julie Phạm, bà Sophie Quinn-Judge, và bà Judy Stowe đã đóng góp những ý kiến quý giá, giúp biên tập và chỉnh lý bài viết này.
Tóm tắt
Bài viết này lập luận rằng nền ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cận kề thất bại hơn chúng ta từng nghĩ. Trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1950, những người cộng sản Việt Nam đã gặp khó khăn chồng chất trong khi hội nhập phong trào cộng sản quốc tế. Hơn ai hết, chính Stalin đã nghi ngại Hồ Chí Minh, người mà ông ta cho là không đáng tin vì đã “giải tán” Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1945. Bài viết này kết luận rằng, nhờ có sức ép của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Stalin mới đồng ý công nhận VNDCCH. Nếu không có sự kiện này, những người cộng sản Việt Nam sẽ chịu thế cô lập gần như hoàn toàn ngay vào thời điểm sống còn của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Năm 2004, Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử [1] . Hiển nhiên mọi người đều biết rằng vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thắng một trận chiến lịch sử trước Đoàn quân Viễn chinh Pháp tại một thung lũng hẻo lánh ở vùng Tây bắc Việt Nam. Với sự trợ giúp của cộng sản Trung Quốc, vào năm 1950, quân đội Việt Nam đã xây dựng, trang bị và điều động được 6 sư đoàn để đối đầu trong cuộc chiến với người Pháp. Nếu như chiến thắng của người Nhật tại Tsushima vào năm 1905 đã đánh dấu chiến thắng đầu tiên của “dân da vàng” trước một lực lượng “Tây trắng” trong thế kỷ 20, năm 1954 người Việt đã chứng tỏ “thuộc địa” có thể chiến thắng được “thực dân” trong một trận chiến dàn quân đối mặt. Kể từ đó, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã trở thành biểu tượng, tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, cho sự tàn lụi của chủ nghĩa thực dân Âu Châu và sức mạnh của các nước thuộc địa nhằm khôi phục lại tên quốc gia của mình trên bản đồ thế giới.
Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, năm 1954 không vẻ vang như vậy. Dù đã giành được thắng lợi quân sự tại Điện Biên, phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở Geneva chỉ giành được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Vì sao vậy? Lý do thứ nhất, quân đội Việt Nam đã thắng một trận lớn, nhưng chưa hẳn đã thắng cả cuộc chiến. Như Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh đã phân tích lý do Việt Nam phải thoả hiệp vào tháng 7 năm đó: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho chúng ta. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa dẫn đến xoay chuyển toàn diện về cán cân lực lượng đôi bên” [2] Những cuộc giao tranh nặng nề liên tiếp trong 2 năm 1953 và 1954 có vẻ như đã gây một số tổn thất nhất định; quân đội cũng cần phải dưỡng sức. Lý do thứ hai, tình hình tương quan lực lượng quốc tế không thuận lợi cho một chiến thắng trọn vẹn về mọi mặt cho Việt Nam với tư cách là một quốc gia. Trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam đã đi đến nhất trí với đối tác phía Liên Xô và Trung Quốc rằng một thoả thuận ở Geneva là để nhằm ngăn không cho Mỹ thế chân Pháp. Thực vậy, những nhà ngoại giao Việt Nam hiển nhiên đã ký hiệp ước dưới sức ép từ phía Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, như kết quả nghiên cứu mới đây bắt đầu cho thấy [3] , Việt Nam không hẳn đã bị các đồng chí Trung Quốc “bán đứng” như nhiều người đã kết luận, sau khi Việt Nam và Trung Quốc trở nên thù địch với nhau vào năm 1979 [4] .
Để tránh đúc lại quá khứ theo khuôn hiện tại, bài viết này xin trở lại với thời điểm khởi đầu, với nội dung trọng tâm là chính sách đối ngoại của đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 9 năm 1945 – khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) ra đời, tới tháng 1 năm 1950, khi Bắc Kinh và Mát-xcơ-va trao tư cách ngoại giao quốc tế cho nhà nước này bằng việc công nhận chính thức về mặt ngoại giao. Điểm thứ hai, thay vì tập trung vào những chiến thắng hùng tráng, bài viết này đề cập đến những nguyên nhân thất bại. Trong giai đoạn từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 1 năm 1950, cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ sát sườn là bị loại ra khỏi cộng đồng quốc tế cộng sản vào thời điểm then chốt trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nếu chú trọng nghiên cứu những thất bại có thể lý giải được, thay vì những chiến thắng tất yếu, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều điều về nguồn gốc chính sách ngoại giao của cộng sản Việt Nam và sự hội nhập đầy khó khăn của họ vào hệ thống quốc tế nói chung và khối cộng sản nói riêng. Một điều trớ trêu là, chính đảng Cộng sản Trung Quốc - chứ không phải Liên Xô – đã cứu Việt Nam khỏi tình trạng gần như trắng tay về ngoại giao vào năm 1950. Mối liên hệ Việt – Trung này xem ra có lý, nhưng chỉ khi chúng ta phân tích từ điểm khởi đầu chứ không nên suy luận là sự kiện năm 1979 là hậu quả của những nguyên nhân đã hình thành từ năm 1950. Không phải như vậy.
Quyết định “Giải tán Đảng” năm 1945 và dư âm của nó trong khối Cộng sản
Trung tâm của sự khủng hoảng về ngoại giao của cộng sản Việt Nam trong giai đoạn sơ khởi là quyết định tự giải tán Đảng Cộng sản Đông dương (ĐCSĐD) vào tháng 11 năm 1945 và vai trò chủ đạo của Hồ Chí Minh trong việc đưa ra quyết định trên. Oái oăm thay, trong khi những người chống cộng và phản đối ông Hồ không tin là đảng đó đã giải thể (và họ hoàn toàn đúng – chưa từng có chuyện như vậy), thì những lãnh tụ của phong trào quốc tế cộng sản lại không chắc là ĐCSĐD còn tồn tại hay đã giải thể. Một vài vị đã bắt đầu thắc mắc về nghị lực cách mạng của chính bản thân Hồ Chí Minh: Một người theo chủ nghĩa quốc tế có khi nào lại giải thể đảng, và ai lại làm thế mà không hỏi ý kiến các đồng chí lãnh đạo phong trào cộng sản trước đã? Những nghi vấn tương tự về Hồ Chí Minh không phải lúc đó mới phát sinh. Năm 1930, Trần Phú, đương kim Tổng Bí thư đảng, một người có đầu óc rất nặng về tư tưởng quốc tế chủ nghĩa đã chỉ trích Hồ Chí Minh về thiên hướng dân tộc chủ nghĩa của ông ta [5] . Thực ra, trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh biết cách trình ra hai khuôn mặt với dân chúng trong nước và trước quốc tế: một dân tộc chủ nghĩa, một quốc tế chủ nghĩa, tuỳ theo nhu cầu của hoàn cảnh từng lúc. Chúng ta biết được tính cách dân tộc chủ nghĩa của ông đã gây khó chịu cho những người chống cộng đến thế nào. Đối với họ, ông không phải là người ái quốc. Đằng sau huyền thoại “Cha già dân tộc” là một nhà cộng sản quốc tế chủ nghĩa thâm căn cố đế, vô tình và tàn nhẫn [6] . Tuy nhiên, đối với nhiều tín đồ cộng sản Việt Nam trẻ tuổi và nhiệt tâm, Hồ Chí Minh không phải là một nhà quốc tế chủ nghĩa chân chính, mà chỉ đơn thuần là một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Cùng với sự giải thể ĐCSĐD năm 1945, những mối nghi ngờ về phẩm chất quốc tế chủ nghĩa của Hồ Chí Minh lại nổi lên, cả trong nội bộ đảng và thế giới cộng sản bên ngoài.
Vậy nguyên nhân do đâu Hồ Chí Minh lại có một động thái đầy kịch tính như vậy vào năm 1945? Một đáp số hiển nhiên là để duy trì sự tồn tại về mặt chính trị. Bất chấp mọi nỗ lực che giấu bản chất cộng sản của VNDCCH, chính phủ và mặt trận dân tộc của nó, Việt Minh, thực chất là do ĐCSĐD điều hành. [7] Và cho đến thời điểm đó, rất nhiều người đã biết điều này; sự chi phối của đảng cộng sản đã gây rất nhiều bức xúc cho những nhà dân tộc phi cộng sản, nhiều người trong số đó không lạ gì các nhà lãnh đạo cộng sản và đã đoạn tuyệt với họ từ thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, khi còn ở Hoa Nam. Trở lại Bắc Việt vào cuối năm 1945, các đảng dân tộc phi cộng sản như Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) xúc tiến phong trào tuyên truyền và chiến dịch báo chí chống cộng và miêu tả Hồ Chí Minh như một nhân vật cộng sản sẵn sàng bán đứng nước Việt cho Pháp. (Chủ nghĩa cộng sản cũng gây mối lo ngại cho chính phủ Quốc dân Đảng Trung Quốc). Theo nghị quyết Potsdam, quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng (THQDĐ) đã bắt đầu đổ bộ vào miền bắc Đông Dương từ tháng 9 năm 1945. Trong khi quân đội THQDĐ đang triển khai ở miền Bắc Việt Nam, các đảng phái phi cộng sản Việt Nam dựa thế Trung Quốc để mạnh tay hơn trong cuộc đối đầu với những người cộng sản. Mức độ căng thẳng tăng nhanh. Các tờ báo đối lập công khai thoá mạ lẫn nhau. Các vụ bắt cóc, ám sát diễn ra ngày một nhiều.
Phải hy sinh cái gì đó để thoát hiểm. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1945, Nguyễn Hải Thần, người lãnh đạo Đồng Minh Hội, yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh phải từ chức ngay lập tức, cởi bỏ “sự độc tài độc đảng” và thành lập một chính phủ mới, một bước tiến hướng đến phá bỏ sự kiểm soát của đảng cộng sản. Tối hậu thư của ông Hải Thần cần có sự chuẩn y của Tướng Lư Hán, tổng chỉ huy đội quân Trung Hoa đang đóng trên đất Việt, trước ngày vị tướng này sắp về lại Trung Hoa. Có thông tin cho rằng Nguyễn Hải Thần đã tuyên bố với phía Trung Quốc rằng ông ta sẽ phủ nhận mọi trách nhiệm trong trường hợp có xung đột xảy ra giữa Việt Minh và các đảng phái phi cộng sản khác nếu Hồ Chí Minh không chấp nhận tối hậu thư. [8] ĐCSĐD có lý do để lo ngại rằng phía Trung Quốc sẽ ủng hộ kế hoạch của Nguyễn Hải Thần. Vào thời điểm cuối năm 1945, lực lượng QDĐ hẳn sẽ không gặp mấy khó khăn nếu muốn đánh bại quân đội VNDCCH. Một mặt vẫn nỗ lực không mệt mỏi nhằm lấy lòng các sĩ quan “Hoa quân nhập Việt”, trong tính toán, Hồ Chí Minh không bao giờ loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính có sự hậu thuẫn của Trung Quốc.
Chính trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh và ít nhất là một phần trong ban lãnh đạo đảng cộng sản đang đóng tại Hà Nội vào thời điểm đó đã đưa ra quyết định phi thường là giải tán ĐCSĐD vào ngày 11 tháng 11 năm 1945. Có mặt tại thời điểm đó, Hoàng Văn Hoan sau này có phát biểu rằng nguyên nhân quan trọng nhất để đi đến quyết định nói trên là nhằm lấy lòng tướng Lư Hán, người vốn lâu nay đã không tin tưởng cộng sản Việt Nam. Nếu quả đúng như vậy, thì Hồ Chí Minh đã giải tán ĐCSĐD để duy trì quyền lực của nhà nước VNDCCH. Việc ĐCSĐD tự giải tán đã làm cho “tình hình bớt căng thẳng” và rõ ràng đã giúp cho đảng cộng sản câu thêm thời gian. [9] Đảng vẫn tồn tại trong bí mật, và bị cấm không được nhắc đến trong bất kỳ một văn thư giao dịch nào, kể cả ở cấp cơ sở thấp nhất (tuy việc này có khó khăn hơn ở miền Nam). [10] Cựu đảng viên của cố ĐCSĐD, thay vì tiếp tục sinh hoạt đảng, giờ được mời tham gia vào một nhóm “Nghiên cứu Mác-xít” mới được hình thành thế chỗ [11] . Tờ báo của ĐCSĐD, Cờ Giải Phóng, bị đóng cửa, hay đúng hơn là đã hoá thân thành 1 tờ báo mới, tờ Sự Thật.
Vào tháng 8 năm 1948, tại kỳ đại hội cán bộ chính trị lần thứ 5, Lê Đức Thọ, một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đảng cộng sản lúc bấy giờ, đã nêu trong diễn văn của mình rằng, sau khi đảng “tự giải tán” vào năm 1945, “nhiều đồng chí vẫn có đầu óc chia rẽ, và (đã) đưa ra đề xuất khôi phục đảng trở lại hoạt động công khai”. Một số người đã chỉ trích rằng việc nguỵ trang ĐCSĐD trên thực tế đã làm tổn hại đến uy tín của đảng. Lê Đức Thọ giải thích rằng biện pháp này là cần thiết, xét theo 2 nguyên nhân chính. Về đối ngoại, biện pháp này được đưa ra nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của các quốc gia chống cộng, những nước hẳn sẽ can thiệp sâu hơn vào nội tình Việt Nam nếu thấy đảng vẫn ra mặt cầm quyền. Về đối nội, việc “giải tán” đảng là cần thiết để có thể duy trì sự ủng hộ của các tầng lớp tư sản, địa chủ và công giáo trong cuộc chiến chống Pháp. Khi các điều kiện bên trong và bên ngoài cho phép, đảng sẽ lập tức ra công khai. [12]
Xin nhắc lại, trong khi các sĩ quan tình báo Pháp cười nhạo vào màn “tự giải tán” của ĐCSĐD, thì nhiều nhà lãnh đạo các đảng cộng sản nước ngoài vẫn phân vân không hiểu có phải các đồng chí Việt Nam đã đánh mất ý chí cách mạng của mình không. Trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản - ngoại trừ hai trường hợp ngoại lệ của Mỹ và Nam Tư – không có một đảng cộng sản nào từng tự nguyện giải tán. Quyết định này đã gieo rắc nghi kỵ, dẫn đến bất hoà ngay trong nội bộ ĐCSĐD như chúng ta sẽ cùng xem xét sau đây. [13] Điều này cũng làm nảy sinh những sự nghi ngờ trong đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc và Liên Xô về thực chất màu cờ ý thức hệ của những người cộng sản Việt Nam và cá nhân ông Hồ. Riêng một sự kiện đơn lẻ này— từ khi được khởi xướng và sau này bị đào xới lại dưới tay nhiều nhân vật khác nhau trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của những năm cuối thập kỷ 40—cũng đủ gây nên nhiều tác động quan trọng cho quá trình hội nhập của Việt Nam vào phong trào cộng sản quốc tế, cho đến tháng 1 năm 1950.
Quan hệ đầy trắc trở của ĐCS Đông Dương với ĐCS Pháp và ĐCS Liên Xô
Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, những người cộng sản Việt Nam đã gần như bị tách biệt hoàn toàn với phong trào cộng sản quốc tế. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều này. Cơ quan đầu não của đảng cộng sản Trung Quốc còn đang phải chui lủi ở vùng Diên An hẻo lánh, trước khi rút lên trú ẩn ở Mãn Châu, tận trên mạn Bắc xa xôi. Đúng là đã có diễn ra những cuộc tiếp xúc với các phái đoàn địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Nam, nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã khiến cho việc duy trì liên lạc trở nên khó khăn. Liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp (ĐCSP) ngày càng thưa hơn sau khi chiến tranh lan rộng ở châu Âu. Liên Xô cũng đang tham chiến, và trong năm 1943, Stalin đã giải tán Quốc tế Cộng sản. Khi nhà nước VNDCCH ra đời vào tháng 9 năm 1945, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam dường như mất liên lạc hoàn toàn với các đảng cộng sản anh em chủ chốt, quan trọng nhất là bộ ba ĐCS Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Tất nhiên, những người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh, nhưng không có sự dẫn dắt từ trên. Sự tàn phá của chiến tranh khiến cho việc liên thông quốc tế và mô hình liên lạc quốc tế cộng sản khó thực hiện được.
Ðã có nhiều bài viết chi tiết về vai trò của Mỹ đối với VNDCCH tại thời điểm này (tuy vậy, tôi cũng sẽ trở lại vấn đề này, vì nó có liên quan tới chính sách ngoại giao của Việt Nam vào năm 1949). Ở đây, điều làm chúng ta quan tâm là bằng cách nào mà đảng cộng sản đã tiến tới khôi phục được quan hệ, trên lập trường quốc tế chủ nghĩa với ĐCSLX, ĐCSP và ĐCSTQ vì đó là một nội dung quan trọng trong nỗ lực bảo toàn nền độc lập trên mặt trận ngoại giao và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hồ Chí Minh không bỏ phí giây phút nào. Ông ta viết một bức thư cho Stalin, thông báo về sự ra đời của nhà nước Việt Nam và cuộc chiến giành lại độc lập từ tay người Pháp. Trong một bức thư khác, ông Hồ đã yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra nghị sự trước Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tất cả các bức thư này đều không được hồi âm; cũng như Truman (ông này cũng không phúc đáp thư của Hồ Chí Minh), Stalin không hề trả lời. Khi yêu cầu của Hồ Chí Minh được chuyển đến bàn làm việc của S.P. Kozyrev, phụ trách Khối Âu châu của Bộ Ngoại giao Liên Xô tại Mát-xcơ-va, ông này đã bút phê ngắn gọn: “Không trả lời” [14] Ngày 28 tháng 8 năm 1945, A.E. Bogomolov, khi đó đang làm Đại sứ Liên Xô tại Paris, đã viết cho cấp trên của ông ta rằng, có lẽ không nên hỗ trợ việc gây dựng lại chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Theo Bogomolov, vấn đề Đông Dương có thể giải quyết bằng cách đặt Đông Dương dưới một cơ chế đồng minh giám hộ, một sự ám chỉ lộ liễu tới ý tưởng của Tổng thống Franklin Roosevelt. Tuy nhiên, đề xuất này không thuận tai với những người coi thế cuộc châu Âu là mối quan tâm ưu tiên hơn. Stalin chắc sẽ không đi nước cờ đòi độc lập cho Việt Nam để chuốc lấy nguy cơ phải hy sinh một số quyền lợi của Liên Xô trên đất Pháp. Và trên thực tế, Bogomolov đã nhận được chỉ thị theo hướng này. [15]
Nhà nước VNDCCH, dù phải hay không phải của những người cộng sản, cũng không giành được vị trí đáng quan tâm đối với Mát-xcơ-va tại thời điểm sau Thế chiến II. Ngược lại, nước Pháp, nơi đảng cộng sản là một lực lượng quan trọng ở chính trường quốc gia, mới thật sự là một ưu tiên. [16] Đúng là Mát-xcơ-va có khuyên người Pháp không nên khôi phục lại thuộc địa kiểu cũ ở Đông Dương, nhưng họ chỉ dừng ở đó mà thôi. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Tướng Georges Catroux vào tháng 1 năm 1947 ở Mát-xcơ-va, trong khi chiến sự tại Hà Nội đang leo thang và Hồ Chí Minh đã di chuyển chính phủ lên miền sơn cước phía Bắc, V. Molotov nói rằng “ông hy vọng rằng Pháp và Việt Nam có thể đạt được một thoả thuận khiến cho cả đôi bên đều hài lòng,” và không dẫn đến việc tái thiết “một chế độ cai trị thực dân” [17] . Liên Xô đã không làm gì hơn ngoài những phát ngôn trên; đương nhiên là họ không đưa vấn đề Việt Nam ra bàn nghị sự LHQ vào lúc này. Vào đầu năm 1947, phe bảo thủ Pháp đã cảm ơn phe cộng sản và Liên Xô vì đã không can thiệp vào cuộc chiến ở Đông Dương. Đó là một mắt xích hé lộ, như Bernard Fall chỉ ra sau này. [18] Phía Liên Xô không hề thúc ép Pháp trên bình diện ngoại giao, cho tới mãi tận tháng 1 năm 1950, và thậm chí ngay cả lúc đó, thái độ của họ rõ ràng là rất miễn cưỡng.
Tuy nhiên, phải khẳng định đã từng có những cuộc tiếp xúc giữa VNDCCH và Liên Xô. Trong một bài báo dựa trên những tư liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao Liên Xô cũ, Benoît de Tréglodé đã chỉ cho chúng ta thấy các đại diện của Việt Nam ở Thái Lan đã gặp gỡ định kỳ các nhà ngoại giao Liên Xô trong thành phần phái đoàn được thành lập ở đó vào tháng 3 năm 1948. [19] Tuy nhiên, như De Tréglodé đã đề cập, dù phái đoàn Liên Xô có trợ giúp tài chính cho phái đoàn VNDCCH ở Băng-Cốc, không thể suy luận rằng họ chọn phương án đối đầu với người Pháp ở Đông Dương. [20] Lá thư của một cán bộ Việt Nam gửi từ thủ đô Thái Lan cho một đồng nghiệp ở Mát-xcơ-va, dù ngày gửi tận tháng 11 năm 1950, vẫn cho biết “quan hệ của chúng ta với Đoàn Liên Xô không mang lại một kết quả nào hữu ích hay hữu hiệu.” [21]
Có một hướng khác nữa là Paris. Năm 1946, trước khi Hồ Chí Minh rời Pháp (sau nỗ lực đàm phán nhằm tháo bỏ ách thực dân cho Việt Nam một cách hoà bình), ông đã cử Hoàng Minh Giám và Trần Ngọc Danh lãnh đạo “Phái đoàn Thường trực VNDCCH.” Lý lịch của cả hai người đều khiến họ trở thành sự lựa chọn xứng đáng. Hoàng Minh Giám là một trí thức Tây học, có tư tưởng tự do và là một trong số ít người Việt có chân trong Đảng Công nhân Quốc tế, Chi nhánh tại Pháp (Section Française de l’Internationale Ouvrière) từ thời thuộc địa. Chắc hẳn ông ta được chọn để thu hút các đảng viên Xã hội Pháp đang tranh cãi về vấn đề Đông Dương lúc đó. Trần Ngọc Danh là em trai Trần Phú, tổng bí thư, đồng thời là một trong những người sáng lập ra ĐCSĐD. Trần Ngọc Danh từng được hưởng nền giáo dục của Pháp ở thuộc địa Đông Dương trước khi theo học trường cách mạng tại Mát-xcơ-va. Ông nói tiếng Pháp trôi chảy và hiển nhiên cũng biết chút ít tiếng Nga. Ông ta bị bắt sau khi trở về Đông Nam Á vào đầu thập kỷ 30 và bị giam giữ trong nhà tù thực dân Pháp hơn mười năm cho đến khi được trả tự do vào năm 1945, và lập tức trở thành uỷ viên Trung ương ĐCSĐD. [22]
Cũng giống như anh trai, Trần Ngọc Danh luôn tự coi mình là một người cộng sản có hạng, đồng thời là một người theo quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành. Khó mà tìm ra được lý do khác để ông Hồ chỉ định ông ta lãnh đạo phái đoàn VNDCCH ở Paris ngoài mục đích xây dựng lại quan hệ với các nhà cộng sản Pháp và Liên Xô trên đất Pháp cũng như ở Âu châu. Đáng tiếc là, cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm hiểu được thông tin chắc chắn về các cuộc tiếp xúc của Trần Ngọc Danh với phía Pháp và Liên Xô trên đất Paris. Tin tức tình báo Mỹ năm 1947 có ghi nhận rằng, đại sứ Liên Xô tại Paris, ông Bogomolov, có tiếp một đại diện VNDCCH vào ngày 22 tháng 11 năm 1946. Cuộc tiếp xúc này đã mở ra khả năng cho phía Việt Nam gặp gỡ thường xuyên hơn với Cục trưởng Cục thông tin Liên Xô phụ trách vấn đề Việt Nam. [23]
Vừa phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện chống Pháp, lại không đạt được cam kết hỗ trợ cụ thể của Mỹ, đảng cộng sản thấy cần phải khởi động lại nền ngoại giao cộng sản và tái thiết quan hệ với khối cộng sản. [24] Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Trước tình thế miền Nam Trung Hoa còn đang ở trong tay THQDĐ mãi tới giữa năm 1949 và Cơ quan Ngoại giao Liên Xô tới tận tháng 3 năm 1948 mới bắt đầu hoạt động ở Băng-Cốc, chỉ còn lại châu Âu là con đường khả thi nhất để liên lạc với Mát-xcơ-va. Vào tháng 9 năm 1947, VNDCCH cử một đặc sứ, Phạm Ngọc Thạch, để xúc tiến liên lạc với ĐCSP và Liên Xô. Theo Phạm Ngọc Thạch, Bộ Chính trị đảng cộng sản cử ông đi trước hết là để liên hệ với giới lãnh đạo ĐCSP. Chúng ta biết được ông là đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, tức là của Hồ Chí Minh. [25] Phạm Ngọc Thạch không nói rõ nội dung ông ta được giao nhiệm vụ bàn bạc những gì với ĐCSP, nhưng ai cũng có thể hình dung được một trong những điểm quan trọng trong bản nghị sự của ông ta sẽ là thất bại của ĐCSP trong việc phản đối cuộc chiến ở Đông Dương. [26] Sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo ĐCSP, Jacques Duclos và Maurice Thorez, Phạm Ngọc Thạch đi sang Bern, để gặp đặc sứ Liên Xô tại Thuỵ Sĩ, ông Koulajenkov. Tại cuộc gặp vào tháng 9 năm đó, Phạm Ngọc Thạch đã trình bày với phía Liên Xô nhận định về cuộc chiến tranh Pháp-Việt và tình hình cuộc cách mạng ở Đông Nam Á và tóm tắt các vấn đề cộng sản ở Việt Nam. Đáng lưu ý là Phạm Ngọc Thạch đã nhắc đi nhắc lại rằng ĐCSĐD là “một lực lượng rất mạnh ở trong nước, dù đã tuyên bố giải tán vào năm 1945.” Quyết định giải tán đảng được đưa ra là, theo giải thích của ông, để tránh gây nghi ngờ cho phía Mỹ. Ông ta tuyên bố rằng đảng cộng sản hiện có khoảng một trăm ngàn đảng viên các cấp và chi phối, thông qua mặt trận dân tộc, nhiều đoàn thể và tổ chức quần chúng. Trước mắt, nhiệm vụ chính của đảng là kháng chiến chống Pháp giành độc lập. [27]
Chuyển sang các vấn đề khu vực và quốc tế, Phạm Ngọc Thạch giải thích rằng, trong thời điểm hiện tại, người Mỹ tỏ ra khá trung lập, thậm chí đôi khi nghiêng về phía VNDCCH trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Ông ta thông báo cho đồng nhiệm phía Liên Xô về những lần đã gặp gỡ trực tiếp với phái đoàn Mỹ tại Băng Cốc. Chiến lược của Mỹ, theo ông, là muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực Đông Nam Á bằng cách đưa hàng hoá vào tràn ngập khu vực, đồng thời tạo ấn tượng là họ ủng hộ phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Có lẽ, trong khi đang cố gây ấn tượng với Koulajenkov về nhu cầu có sự hỗ trợ của Liên Xô, Phạm Ngọc Thạch đã giải thích rằng người Mỹ đang sẵn lòng “ủng hộ phong trào kháng chiến (của Việt Nam) tuy nhiên, không phải bằng biện pháp gây sức ép lên phía Pháp.” Thông điệp mà ông đưa ra rất rõ ràng: Chính sách của Mỹ là nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Á đồng thời làm suy yếu phong trào cộng sản quốc tế. [28]
Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo vắn tắt về tình hình cách mạng ở Đông Nam Á và vai trò tiên phong của Việt Nam trên mặt trận đó. Phạm Ngọc Thạch đã từng gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng sản ở Malaysia, và nhận xét rằng đảng cộng sản ở đó rất mạnh và năng động. Dù chưa từng tới Indonesia, ông cũng trình bày rằng chính phủ ở đó rất “tiến bộ”. Phạm Ngọc Thạch nói với Koulajenkov rằng Việt Nam đã dự định tổ chức một hội nghị các đảng cộng sản Đông Nam Á vào năm 1947 để xây dựng một đường lối chung đối với phương Tây, nhưng không thực hiện được vì cuộc chiến tranh Đông Dương đã nổ ra. Về cuộc gặp của mình với ĐCSP, Phạm Ngọc Thạch tránh đề cập đến và chỉ nói rằng “Duclos có nói với ông ta rằng Việt Nam phải làm tất cả những gì có thể trong cuộc kháng chiến giành độc lập, nhưng ĐCSP đã không làm gì để ngăn không cho cuộc chiến này nổ ra.” [29] Những màn ngoại giao dạo đầu của nhà nước VNDHCH với các nước châu Á phi cộng sản cũng chẳng mang lại kết quả gì khả quan hơn. Thủ tướng Ấn Ðộ Nehru có hứa sẽ “ủng hộ về mặt tinh thần,” nhưng từ chối thực hiện các việc cụ thể hơn. Nehru thậm chí còn không chấp thuận đề nghị của Phạm Ngọc Thạch về việc đưa chương trình Việt Nam ra trước LHQ (mặc dù ông ta có ủng hộ cho chương trình của Indonesia).
Tóm lại, nền ngoại giao Việt Nam thời kỳ hậu thuộc địa năm 1947 có rất nhiều điều để bàn, chỉ thiếu thành công. Điều đó giải thích vì sao Phạm Ngọc Thạch muốn sử dụng chuyến đi châu Âu của mình để cố gắng mở ra một kênh liên lạc với chính quyền Xô-viết. Ông ta nói với Koulachenkov rằng Duclos và Thorez đã hứa chuyển lời tới các đồng chí Liên Xô, thông qua Đại sứ quán tại Paris, về nguyện vọng của ông muốn được đi thăm Liên Xô để trao đổi về tình hình Đông Nam Á. Koulachenkov không hứa gì. [30] Như chúng ta sẽ xét ở phần sau, phía Liên Xô ỉm luôn việc này đi.
Tất nhiên, cuộc tiếp xúc này cần phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước. Xét tình hình trong nước, nhà nước VNDCCH đang ở thế bị tấn công. Kể từ khi cuộc chiến lan rộng trên phạm vi toàn quốc vào cuối năm 1946, quân Pháp đã tìm cách cắt đứt mọi liên hệ về ngoại giao và quân sự của VNDCCH với khu vực và thế giới. Vào mùa thu năm 1947, trong khi Phạm Ngọc Thạch đang gặp gỡ đối tác Liên Xô ở Thuỵ Sĩ, lính dù Pháp mở cuộc tấn công trứ danh tại tỉnh Bắc Kạn và thiếu chút nữa đã bắt được cơ quan đầu não của chính phủ VNDCCH. Trên bình diện quốc tế, chuyến đi của Phạm Ngọc Thạch trùng vào thời điểm Andrei Jdanov có bài diễn thuyết nổi tiếng về thế giới đã phân cực thành hai phe đối lập, một phía là cộng sản do Liên Xô và Stalin đứng đầu, phía bên kia là tư sản và đế quốc do Mỹ cầm đầu. Cũng chính vào thời điểm này, Văn phòng Thông tin Quốc tế các Đảng cộng sản (Cominform) được ra đời để chỉ đạo và điều hành phong trào cộng sản quốc tế. [31]
Tháng 12 năm 1947, Phạm Ngọc Thạch gửi một bộ tài liệu cho phía Liên Xô trong nỗ lực giành được sự hỗ trợ của họ. Trong bản “Báo cáo về tình hình Đảng cộng sản ở Việt Nam” của mình, ông viết rằng mặc dù ĐCSP chưa làm được gì đáng kể cho ĐCSĐD vì tình hình chính trị tại nước Pháp, ông hoan nghênh việc thành lập Văn phòng Thông tin quốc tế (Cominform) và rằng “báo cáo của Jdanov đã làm sáng tỏ tình hình thế giới và góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em.” Phạm Ngọc Thạch nhắc lại về điều kiện cách mạng thuận lợi ở Đông Nam Á và nhấn mạnh ĐCSĐD và Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò lãnh đạo để đưa các đảng cộng sản trong khu vực thành một khối. [32] Trong khi Phạm Ngọc Thạch lạc quan vì Văn phòng Thông tin quốc tế đã có nhắc đến cuộc kháng chiến chống thực dân của Việt Nam và Indonesia, ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang cần sự hỗ trợ cụ thể, và tức thời. Thực vậy, đi kèm với bản báo cáo của ông gửi phía Liên Xô là một loạt các yêu cầu viện trợ quân sự và kinh tế, trong đó có cả yêu cầu viện trợ ngoại tệ mạnh (tốt hơn hết là đô-la Mỹ), yêu cầu về chuyên gia quân sự để cộng tác với cán bộ của VNDCCH, tăng cường tuyên truyền quốc tế có lợi cho Việt Nam, và triển khai một chiến lược ngoại giao nhằm đưa Việt Nam tham gia LHQ, khi các “đảng anh em” thấy có thời cơ thích hợp. [33] Ngày càng bị cô lập hơn ở trong nước và quốc tế, VNDCCH hiển nhiên cần sự trợ giúp của Liên Xô như trời hạn mong mưa:
“Tóm lại, chúng tôi yêu cầu các đồng chí Xô-Viết quan tâm hơn đến Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam hoàn toàn đơn độc trong cuộc kháng chiến. Báo cáo của đồng chí Jdanov có đề cập đến Việt Nam cho phép chúng tôi hy vọng các đồng chí Liên Xô đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc trên đất nước chúng tôi, đồng thời cũng là cửa ngõ của Đông Nam Á. Thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Việt Nam và Indonesia sẽ thể hiện sức mạnh của thành trì chống đế quốc ở châu Á. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có đảng cộng sản nắm được thực quyền.” [34]
Mát-xcơ-va không nhìn nhận vấn đề như vậy. [35] Phạm Ngọc Thạch trở lại châu Á tay trắng, cuối cùng về lại Bắc Việt vào mùa thu năm 1948. [36] Để thực hiện sứ mạng ngoại giao thay cho ông, ĐCSĐD đã cử một trong những nhân vật quan trọng của mình, Hoàng Văn Hoan, một cán bộ cao cấp của đảng và một người thân cận của Hồ Chí Minh từ những năm 1920. Giỏi tiếng Trung, ông đã từng được bố trí tham gia hệ thống QDĐ, ĐCSTQ và ĐCSĐD trải dài từ Nam Trung Hoa tới Đông Bắc Thái Lan. Hoàng Văn Hoan vượt sông Mê-kông vào Thái Lan khoảng giữa năm 1948 và điều hành tất cả mọi hoạt động ngoại giao của đảng và chính phủ với tư cách là người lãnh đạo một cơ quan tuyệt mật và đầy uy quyền: Ban Cán Sự Hải Ngoại. [37]
Vậy, tại thời điểm này, tín hiệu đánh tiếng của VNDCCH được hệ thống ra-đa ngoại giao của Mát-xcơ-va tiếp nhận ra sao? Tôi nghĩ là rất yếu. Ta chỉ cần xem xét mức độ quan tâm mà Mát-xcơ-va đã dành cho chính phủ Cộng hoà Indonesia non trẻ ở Đông Nam Á cùng thời kỳ này thì thấy rõ ngay. Từ những năm 1945 đến 1948, chính sách ngoại giao của Liên Xô ngày càng thiên về ủng hộ cuộc kháng chiến của Indonesia chống lại Hà Lan hơn cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Đương nhiên, ở thời điểm cuối năm 1945, Liên bang Xô Viết đã rất thận trọng khi hồi đáp những thăm hỏi ban đầu của nước Cộng hoà Indonesia mới thành lập. Chủ tịch Soekarno, cũng như Hồ Chí Minh, không bao giờ nhận được hồi âm cho bức điện ông đã gửi phía Liên Xô từ tháng 11 năm 1945. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi khi các bên bắt đầu cảm nhận được về Chiến tranh Lạnh. Đơn cử như, đầu năm 1946, Liên Xô phát biểu có lợi cho Indonesia tại Hội Đồng Bảo An LHQ để đối lại hành xử của Tây phương về I-ran. Tất nhiên, Stalin có nhiều quyền lợi ở Pháp hơn ở Hà Lan; điều này giúp giải thích vì sao Mát-xcơ-va chấp nhận ý tưởng tiến tới, dù thận trọng, công nhận Cộng hoà Indonesia. Hướng đi này càng được ủng hộ, khi ông Amir Sjarifuddin, một người thiên tả, lên lãnh đạo một chính phủ mới ở Indonesia vào năm 1947. Đầu năm 1948, Liên Xô công nhận thực tế (de facto) và thiết lập ngoại giao cấp lãnh sự với Cộng hoà Indonesia. [38]
Dù người Việt Nam biết rất rõ rằng Pháp có một vị trí quan trọng hơn Hà Lan trong chính sách đối ngoại của Liên Xô về Âu châu, cũng như ý thức đầy đủ được vị trí nhỏ bé của mình trong chiến lược tổng thể của Liên Xô, họ vẫn thất vọng sâu sắc trước sự im hơi lặng tiếng của Liên Xô đối với Việt Nam khi so sánh với Indonesia. Lê Văn Hiến, một lãnh đạo cao cấp của đảng kiêm bộ trưởng tài chính VNDCCH lúc bấy giờ, đã thể hiện điều này rất rõ trong nhật ký về cảm giác “sốc” của mình khi ông biết tin Liên Xô đã công nhận thực tế Cộng hoà Indonesia. [39] Chắc hẳn có khá nhiều người Việt nghĩ rằng, nếu Liên Xô công nhận VNDCCH vào tháng 5 năm 1948, dù chỉ ở cấp lãnh sự, thì Việt Nam hẳn đã có một vũ khí đáng kể để chiến đấu với người Pháp trên mặt trận ngoại giao. Hẳn cũng phải có nhiều nhà lãnh đạo cộng sản trong đảng tự hỏi, làm sao Stalin có thể không đoái hoài tới Việt Nam, những nhà quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành đã đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng Đông Nam Á từ năm 1930? Cuối cùng, có hai người cộng sản Việt Nam—Lê Hy và Trần Ngọc Danh—quyết định tự mình hành động. Như De Tréglodé đã ghi nhận, những động thái ngoại giao tự phát của hai ông này hướng tới Liên Xô chỉ khẳng định thêm tình trạng tuyệt vọng của nền ngoại giao Việt Nam đương thời. Những chuyến đi của họ còn cho thấy tình thế bị cô lập khá rõ của VNDCCH/ĐCSĐD với thế giới cộng sản.
Ngoại giao “tự tung tự tác” của Việt Nam
Chuyến xuất dương của Lê Hy
Thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Pháp, Lê Hy đến Băng-Cốc vào cuối năm 1945 để quảng bá sự nghiệp của Việt Nam với khu vực và thế giới. Ông ta giúp thành lập và điều hành phòng thông tin VNDHCH ở đó từ năm 1945 đến năm 1948, và thường xuyên gặp gỡ với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại đó. Đầu tháng 8 năm 1948, ngay sau khi ĐCS Nam Tư vừa bị khai trừ khỏi Quốc tế Cộng sản, Lê Hy lên đường sang Thượng Hải cùng với một người cộng sản Úc, Alexander Brotherton. [40] Ở đó, ông ta đã gặp đại diện lãnh sự Liên Xô, một ông Sergiev nào đó. Nhờ có sự giúp đỡ của ông này và của Serge Niemchine, trưởng phòng lãnh sự Liên Xô ở Băng-cốc, Lê Hy xin được giấy tờ cần thiết để dừng chân tại Mát-xcơ-va trước khi đến điểm cuối của hành trình, Pra-ha. Ở đó, ông ta được chính phủ uỷ quyền thành lập một văn phòng thông tin.
Lê Hy tới Mát-xcơ-va ngày 30 tháng 8 năm 1948, và không tiếp tục lên đường tới Pra-ha ngay. Ngược lại, ông đã cố gắng thiết lập quan hệ trực tiếp với chính quyền Xô-viết, hy vọng sẽ xin được viện trợ về tài chính và quân sự cho VNDCCH. [41] Lê Hy nhờ Liên Xô thông báo cho VNDCCH về sự kiện ông ta tới Mát-xcơ-va thông qua đoàn ngoại giao Băng Cốc. Ông thông báo với một đại diện Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô rằng ông đã được ĐCSĐD uỷ quyền không chính thức để đàm phán về viện trợ quân sự và tài chính có thể được từ phía Liên Xô. Tuy nhiên, ông ta không có bất cứ một tờ giấy giới thiệu hay uỷ nhiệm thư chính thức nào do ĐCSĐD hoặc nhà nước VNDCCH cấp, trừ một thực tế là ông đã từng làm việc trong đoàn đại diện chính phủ ở Băng Cốc. Theo ghi chép của phía Liên Xô về buổi làm việc, Lê Hy đã cố tổ chức “những cuộc họp sơ bộ” nhân danh nhà nước Việt Nam. Theo biên bản phía Liên Xô ghi lại, ông ta giải thích như sau: “Giờ đây chính phủ Việt Nam nhận thấy nếu không có bàn bạc sơ bộ thì việc thảo luận trực tiếp với Liên Xô về vấn đề viện trợ sẽ không có tác dụng. Chính vì vậy chúng tôi đã đặt ra câu hỏi một cách không chính thức để xem khả năng Liên Xô có thể giúp Việt Nam những gì, dưới bất kỳ hình thức nào.” Sau đó ông nói tiếp, “Nếu [VN] không thể biết được ý kiến từ chính phủ Liên Xô, điều này có thể thực hiện qua sự trung gian của ĐCS Liên Xô.” [42]
Đại diện Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô đã thông báo với đại diện VNDCCH ở Băng Cốc, ông Nguyễn Đức Quỳ, về chuyến thăm của Lê Hy tới Mát-xcơ-va và chuyển yêu cầu của ông ta, muốn xin chỉ thị về các nội dung cần trao đổi với phía Liên Xô trong các “buổi làm việc” này. Theo Niemchine, Nguyễn Đức Quỳ tỏ vẻ rất ngạc nhiên và phát biểu rằng mình không hề biết gì về mục tiêu của chuyến “công du” này. Nguyễn Đức Quỳ khẳng định với đồng nghiệp của mình rằng sẽ báo cáo việc này ngay lập tức với chính phủ Việt Nam. [43] Ngày mùng 5 tháng 9, Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng chính phủ mình muốn triệu hồi Lê Hy từ Mát-xcơ-va. [44]
Tuy nhiên, nhu cầu tiếp xúc với Liên Xô và xin được viện trợ hiển nhiên là rất thực tế. Trong hai tối ngày 19 và 20 tháng 9, Nguyễn Đức Quỳ liên lạc với Niemchine về nhu cầu gấp rút của ĐCSĐD cần lập quan hệ với ĐCSLX. Nguyễn Đức Quỳ giải thích rằng, ở Bern, Phạm Ngọc Thạch đã chuyển một lá thư của Hồ Chí Minh cho phía Liên Xô, xin viện trợ và đề nghị Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra trước LHQ. Rõ ràng là Mát-xcơ-va chưa hề đáp lại. Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng Đảng vừa cử ông Hoàng Văn Hoan (bí danh: Phóng, hoặc Thái Lương Nam) đi Mát-xcơ-va để xúc tiến bàn thảo về các vấn đề đó. [45] Đáng lưu ý, trong buổi gặp này, Nguyễn Đức Quỳ nhắc lại với đồng nghiệp phía Liên Xô rằng “Đảng chúng tôi nắm toàn bộ sinh mệnh nền Cộng hoà [VN].” [46] Trở lại câu hỏi trước mắt, Nguyễn Đức Quỳ công nhận Lê Hy đã được uỷ quyền mở một văn phòng thông tin tại Đông Âu, nhưng cũng tuyên bố rằng ông ta không phải là đại diện chính thức do ĐCSĐD cử đi đàm phán với Liên Xô về vấn đề viện trợ quân sự. Hoàng Văn Hoan mới là người sẽ thực hiện việc này. [47]
Trong lúc đó, Lê Hy trở nên bức bối, bất bình trước sự im lặng từ phía đảng trong khi ông đã đánh tiếng xin chỉ thị. Trong một văn thư gửi các cán bộ Vụ Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Liên Xô, Lê Hy bắt đầu bộc lộ con người thật và tính không chuyên của mình. Ngày 20 tháng 9 năm 1948, ông ta viết bằng tiếng Pháp, tự nhận rằng chính mình đã gỡ thế bí cho Đảng trong việc liên hệ với Liên Xô thông qua chuyến đi tới Mát-xcơ-va và mở ra những cuộc bàn bạc giữa hai bên. Khi Đảng chỉ bàn bạc trong lúc cần phải hành động, chính ông, Lê Hy, đã làm việc cần phải làm. Hãy xem cách ông ta nêu yêu cầu với phía Liên Xô:
“Đương nhiên với sự giúp đỡ của các đồng chí, công việc của tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều (dù không được như vậy, tôi cũng vẫn tiếp tục làm, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều) [. . .] Thật là không may nếu ý kiến của tôi không được tiếp nhận. Như thế sẽ là một điều đáng tiếc, nhưng tôi còn biết làm gì hơn? Tôi đã tự vấn xem mình có làm gì có hại cho đảng của mình không? Thời gian sẽ phán quyết điều này. Thành thật mà nói, tôi không được sự chấp thuận tuyệt đối của Nguyễn Đức Quỳ trước khi xuất phát [từ Băng cốc], vì theo ý ông ta, chúng tôi phải chờ Trung ương Đảng họp [ở Việt Nam] và đưa ra quyết định [trước khi tiến hành công việc này], có nghĩa là phải chờ thêm một tháng nữa, trong khi tình hình ở Xiêm đang xấu đi từng ngày. Nên tôi đã tự mình quyết định khởi hành sớm. Tôi sẽ tự kiểm điểm trước cấp uỷ phụ trách về hành vi vi phạm kỷ luật này, nhưng tôi tự nghĩ, dù phải trả giá bằng sự hy sinh như vậy, tôi cũng quyết phải đẩy mạnh tiến bộ trong công việc của Đảng. Tôi hy vọng các đồng chí hiểu được tình thế nan giải của tôi.” [48]
Nguyễn Đức Quỳ yêu cầu đồng nghiệp phía Liên Xô coi cuộc tiếp xúc này [của Lê Hy] là vô hiệu và nhắc nhở Lê Hy rằng ông ta đang tự ý hành động và phải trở về nước ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không cản trở Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng Lê Hy đã được chính phủ yêu cầu tìm hiểu khả năng gửi 50 cán bộ Việt Nam đi tập huấn tại Liên Xô! Niemchine báo lại với Nguyễn Đức Quỳ rằng Hoàng Văn Hoan sẽ phải tới Mát-xcơ-va để thảo luận về những vấn đề như thế. [49] Một lần khác, Nguyễn Đức Quỳ và Hoàng Văn Hoan thậm chí còn đề nghị Niemchine giúp đỡ họ về tài chính ở Thái Lan. Việc này khiến Niemchine khó chịu, và ông ta đã nhanh chóng chấm dứt cuộc trao đổi này. [50]
Chuyến công du của Trần Ngọc Danh
Lê Hy không phải là đảng viên duy nhất cố bắt tay với Liên Xô dù không được uỷ quyền. Một khủng hoảng ngoại giao nữa đã xảy ra với Việt Nam vào năm 1949, khi Trần Ngọc Danh đơn phương giải tán đoàn ngoại giao Việt Nam ở Pháp, mà ông đã lãnh đạo từ tháng 11 năm 1946. Bị cảnh sát theo dõi, ông ta liền thu xếp hành lý và chạy sang Pra-ha, nhờ vào sự giúp đỡ của lãnh đạo ĐCS Pháp là ông Jacques Duclos. [51] Nhưng cũng giống như Lê Hy, Trần Ngọc Danh có một kế hoạch khác khi đã đặt chân đến Đông Âu. Trên thực tế, ông này gây ra tác hại lớn hơn nhiều cho nền ngoại giao cộng sản Việt Nam vốn đã nghiêng ngả. Ông ta muốn liên hệ với ĐCSLX để thông báo với các đồng chí lãnh đạo Xô-Viết về sự lạc hướng tư tưởng của Đảng mình và của cá nhân Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân chính xác của sự thay tâm đổi tính này thật khó xác định. Quyết định khai trừ Ti-tô ra khỏi Quốc tế Cộng sản rõ ràng đã tác động đến ông ta, có thể đã mở ra cho ông ta một cơ hội phát biểu lại những ý kiến phê bình của anh trai mình đối với xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa trong đảng. Cũng giống như Trần Phú, Trần Ngọc Danh đánh giá Hồ Chí Minh là thiếu bản lĩnh quốc tế chủ nghĩa và tin rằng quyết định giải tán đảng vào năm 1945 là bằng chứng rõ ràng cho nhận định trên. Dưới đây là phần quan trọng trong nội dung bức thư ông ta gửi ĐCSLX vào tháng 10 năm 1949, đúng lúc ĐCS Trung Quốc đang giành được quyền lực, Stalin bị ám ảnh về vụ Ti-tô, và đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị bình thường hoá quan hệ với hai đảng “anh cả”:
“1. Theo nhận xét của QTCS, giờ đây tôi hoàn toàn phản đối đường lối chính trị cơ hội của đảng mình kể từ khi công khai giải tán (ngày 11 tháng 11 năm 1945) theo quyết định của Trung ương ĐCSĐD.
Việc tự giải tán, trái với ý nguyện đã được bày tỏ nhiều [lần] của các đồng chí của chúng ta chỉ có thể xảy ra do sự can thiệp tích cực của đồng chí Hồ Chí Minh, đương kim chủ tịch nước VNDCCH. Vai trò của đồng chí Hồ Chí Minh đương nhiên là rất quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, những người luôn coi đồng chí ấy là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và người đi đầu trong phong trào dân chủ. Sự tin tưởng này còn được củng cố hơn nữa do các đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn nhìn nhận đồng chí ấy là một cựu Ủy viên Đông phương Bộ, thuộc Ban chấp hành QTCS, hay nói theo một thuật ngữ Việt Nam, “Đó là một con người của Quốc tế.” Và chính sách thụ động hiện đang được áp dụng rõ ràng có ảnh hưởng từ lý thuyết đồng chí ấy đã khởi xướng từ năm 1931 trong Đại Hội Tours.
2. Khi dịch những tài liệu này, tôi đã đi ngược lại quyết định của lãnh đạo đảng ngăn tôi không nên làm như vậy. [. . .]
4. Với nhận thức chắc chắn rằng sự thay đổi nghiêm trọng về đường lối của đảng mình sẽ gây tổn hại đến phong trào cộng sản và sự phát triển của cuộc Cách mạng tại Việt Nam, dù biết rằng mỗi hành động của mình bị coi là nông nổi, nóng vội và vô kỷ luật, có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, tôi tự nhận trách nhiệm phải báo cáo cho các đồng chí về tình trạng thực tế của đảng mình.” [52]
Ông ta kết thúc bằng lời cam kết trung thành với Stalin: “Nay tôi xin long trọng tuyên thệ ‘luôn trung thành với ngọn cờ của Stalin và Lê-nin’.” Đáng lưu ý là, Trần Ngọc Danh đã yêu cầu phía chủ nhà Tiệp Khắc chuyển thư và tài liệu của ông tới Trung ương ĐCS Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Ông ta cũng gửi bản dịch và bản nhận xét về các văn kiện của ĐCSĐD, vạch ra những sai lầm của đảng mình. Trong một lá thư khác, ông giải thích về hành động của mình, kèm theo một tiểu sử vắn tắt. [53]
Trần Ngọc Danh cũng gửi một “nghiên cứu” tương tự về ĐCSĐD tới Mát-xcơ-va, và được chuyển tới tay Pavel Fedorovich Iudin trong Bộ Ngoại giao. Văn bản này đề ngày 10 tháng 1 năm 1950. Hiển nhiên là tài liệu này rất giống, nếu không nói chúng chính là các văn bản ông ta đã nhắc đến trong hai lá thư ngày 11 và 12 tháng 10 (năm 1949 - ND). Trong các văn bản này, Trần Ngọc Danh chỉ trích Hồ Chí Minh và xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa trong đảng. Theo cách ông ta phân tích cho các đồng chí Liên Xô: “Vào thời điểm tự giải tán, ĐCSĐD đã bị các thành phần tiểu tư sản dân tộc lũng đoạn, vốn sau nhiều thời kỳ nằm im, luôn giữ tư tưởng ly khai, từ bỏ và thiếu lòng tin vào lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản. Yếu tố gây bất ổn định lớn nhất là chính cá nhân Hồ Chí Minh. Để hiểu về điều này, chỉ cần các đồng chí xem lại đường lối của ĐCSĐD đưa ra năm 1941, tức là, đúng thời điểm ông Hồ bắt đầu tham gia trực tiếp vào vũ đài chính trị Đông Dương. [54] ”
Trong bản dịch tài liệu nội bộ đảng, Trần Ngọc Danh liên tiếp trích dẫn lời của Hồ Chí Minh và một số ít hơn, của Trường Chinh, để giải thích tại sao ông Hồ lại là một người dân tộc chủ nghĩa và có tư tưởng trung lập, và tại sao Trường Chinh rõ ràng đã không duy trì được đường lối cách mạng đúng đắn cho đảng. Cũng giống như anh trai mình trước đây, Trần Ngọc Danh nhìn nhận Hồ Chí Minh như một nhà quốc tế chủ nghĩa không chân chính, một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Trần Ngọc Danh kết luận rằng tất cả những điều này thể hiện “một sự lệch lạc, đi ngược với chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, Stalin-nít, nên đã khiến ông ta [Hồ Chí Minh] trở thành người chống đảng và thù nghịch với Liên Xô.” Đối với Trần Ngọc Danh, ĐCSĐD nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng đã từ bỏ “chủ nghĩa quốc tế vô sản” và “lý thuyết Mác-xít về giai cấp và đấu tranh giai cấp.” Trần Ngọc Danh, đương nhiên, là nhà cộng sản chân chính trung thành với Stalin. [55]
Sự kiện này xảy ra vào đúng lúc tồi tệ nhất cho Hồ Chí Minh: ông đang trên đường đến Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận ngoại giao Xô-Trung và cho Việt Nam hội nhập vào thế giới cộng sản. Dù chúng ta không biết liệu Hồ Chí Minh đã được thông báo về những việc làm của Trần Ngọc Danh hay chưa, chúng ta có thể đoán rằng ông đã cảm thấy đến lúc ông phải đích thân lên đường, trước tình hình suy thoái về ngoại giao của đảng kể từ năm 1945 và những nguy cơ sát sườn. Những nỗ lực ngoại giao ngoài luồng của Trần Ngọc Danh và Lê Hy cũng giúp ta hiểu rõ hơn nguyên nhân Hồ Chí Minh gặp phải thái độ lạnh nhạt của Stalin vào tháng 1 năm 1950. Dù hành động của họ không phải là nguồn gốc của mọi nguyên nhân, như chúng ta sẽ thấy, rõ ràng Trần Ngọc Danh và Lê Hy đã làm ảnh hưởng xấu đến đường lối đối ngoại của Việt Nam rất nhiều đúng vào thời điểm mà ĐCSTQ lên nắm quyền.
Hoàng Văn Hoan trực tiếp đến Pra-ha để ngăn chặn hai kênh phát sóng ngoài luồng này. [56] Ông báo cáo với ĐCS Tiệp Khắc rằng cả hai người này đều đang gặp rắc rối nghiêm trọng vì đã tự tiện hành động trái thẩm quyền; rằng họ đã bị triệu hồi và không được coi là đại diện chính thức của chính phủ hoặc của đảng. Hồ Chí Minh đã trực tiếp yêu cầu Trần Ngọc Danh phải ngay lập tức trở về Việt Nam. [57] Kết cục, Lê Hy bị khai trừ khỏi đảng vì đã tự tiện đi Tây Âu và có những mối quan hệ mờ ám trong công tác. [58] Ông ta bị buộc tội đã nói xấu một vị lãnh đạo, không thấy nêu tên trong quyết định kỷ luật (nhiều khả năng là một cách đề cập gián tiếp đến Hồ Chí Minh) và chê bai đường lối của đảng. Điều này đã “tạo nên những sự chia rẽ ngoài ý muốn trong nội bộ Đảng.” [59] Đảng khai trừ Trần Ngọc Danh vì ông ta đã giải tán đoàn đại biểu VNDCCH ở Paris mà không có lệnh trên, đồng thời đã mắc rất nhiều lỗi lầm giống như Lê Hy trong thời gian ở Đông Âu. Trung ương Đảng giải thích như sau: “Cùng với Lê Hi [Hy], [Trần Ngọc Danh] đã phê phán, một cách thiếu cơ sở và dẫn chứng nghiêm túc, những hoạt động của Đảng và của Trung ương. Đồng chí đã vô tình gây bất đồng trong các cấp uỷ Đảng và tạo chia cách khiến Đảng và Chính phủ bị xa rời các chính đảng khác có xu hướng ủng hộ chúng ta, cũng như các lực lượng có cảm tình mà Đảng và Chính phủ cần tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ.” [60]
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là, hai ông này mãi tới giữa năm 1950 mới bị khai trừ, tức là rất lâu sau khi mắc lỗi và Việt Nam đã được Mát-xcơ-va công nhận ngoại giao. Liệu có phải vì đảng muốn chờ cho họ trở về trong nước rồi mới kỷ luật? Hay Hồ Chí Minh ngại không muốn kỷ luật họ trước khi có cơ hội trực tiếp sang Mát-xcơ-va và giành được sự tin tưởng tuyệt đối của Stalin đối với cá nhân ông? [61] Điều này có thể giải thích tại sao Hồ Chí Minh, trong chuyến đi Mát-xcơ-va vào đầu năm 1950 lại quyết tâm đem về một chữ ký và một bức ảnh của Stalin đến như vậy. Đó sẽ là những bằng chứng để ông có thể chứng minh tư cách quốc tế chủ nghĩa của mình, và loại bỏ mọi nghi ngờ trong chính ĐCSĐD về khả năng lãnh đạo của ông. Trong khi sự kiện Stalin bí mật thu hồi lại tờ báo có chữ ký của mình trong hành lý của ông Hồ trước khi ông ta lên đường về Việt Nam được rất nhiều người biết, thì có một khía cạnh ít được biết đến hơn là sự ngỡ ngàng (tôi rất muốn dùng từ “đau xót”) của Hồ Chí Minh khi biết có ai đó đã lấy trộm tờ báo đó, và suy ra rằng “người lấy đó” chắc hẳn phải hành động theo lệnh của “một người nào đó” rất quan trọng. [62]
Chúng ta biết chắc chắn là quyết định “giải tán” ĐCSĐD vào tháng 11 năm 1945 đã gây nên rất nhiều rắc rối không lường trước được trong quan hệ của Việt Nam với thế giới cộng sản. Ít nhất, điều này cũng trở thành vũ khí cho những người chống lại ông Hồ sử dụng để công kích ông ta. Đơn cử như, trước khi rời Pra-ha vào tháng 5 năm 1950, Trần Ngọc Danh nói với những người bảo vệ ông ta rằng ông đã có những bất đồng sâu sắc với “người đứng đầu của Đảng, nhất là về tính chất bất hợp pháp của đảng.” [63] Và hậu quả của điều này là Hồ Chí Minh bị buộc phải giải quyết mối bất đồng này trong nội bộ đảng. Phát biểu trước Đại hội Đảng II, vào đầu năm 1951— một kỳ đại hội hết sức quan trọng, đã chính thức gắn chủ nghĩa cộng sản Việt Nam vào khối cộng sản quốc tế chủ nghĩa— Hồ Chí Minh giải thích rằng, dù việc “giải tán” ĐCSĐD có gây những “thắc mắc” trong giới lãnh đạo cộng sản, đảng vẫn luôn tồn tại trong bí mật và “vẫn lãnh đạo nhà nước và nhân dân.” Hồ Chí Minh dường như, qua bài phát biểu này, đang tự biện minh khi lý giải thêm rằng “chúng ta có thể thấy sự việc Đảng tuyên bố tự giải tán (thực tế là rút vào bí mật) là đúng đắn.” [64] Dù những lời giải thích này có ngắn gọn và xác đáng đến mấy, có thể thấy Hồ Chí Minh đã buộc phải đề cập đến vấn đề đó.
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]. Các tài liệu tiếng Nga trích dẫn trong bài này do một biên dịch viên người Nga dịch từ tiếng Nga sang tiếng Pháp cho Benoît de Tréglodé. Tréglodé đã công bố những nghiên cứu hết sức quan trọng về quan hệ giữa VNDCCH với Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1945 đến 1950, dưới nhan đề Héros et révolution au Việt Nam (1948–1964) [Những anh hùng với cuộc cách mạng ở Việt Nam (1948–1964)] (Paris: Editions L’Harmattan, 2001); “Premiers contacts entre le Vietnam et l’Union soviétique (1947–1948) [Những tiếp xúc ban đầu giữa Việt Nam và Liên Xô (1947–1948],” Approches-Asie, no. 16 (1999): 125–135; and “Les relations entre le Việt Minh, Moscou et Pékin à travers les documents (1950–1954) [Quan hệ giữa Việt Minh và Bắc Kinh, xét trên văn bản (1950–1954)],” Revue historique des Armées, no. 4 (2000): 55–62. Tôi thu thập được những tài liệu từ các văn khố của Cộng hoà Séc, Pháp và Mỹ trong các đợt nghiên cứu cá nhân.
[2]. Bộ Ngoại Giao [Ministry of Foreign Affairs], Đấu tranh ngoại giao trong Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân (1945–1954) [Diplomatic Struggle during the People’s Democratic National Revolution], vol. 2 (n.p.: Bộ Ngoại giao, n.d., lời mở đầu, ghi năm 1976), 93–94.
[3]. Xem bài tham luận tại Hội thảo quốc tế Đánh giá lại Hội nghị Geneva năm 1954: Các bằng chứng qua văn bản lưu trữ mới, tổ chức tại Trung tâm Woodrow Wilson/Dự án Lịch sử Thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngày 17&18 tháng 2, Washington, D.C.
[4]. Các loại “Sách trắng” và sách “Sự thật” của Việt Nam và Trung Quốc đã “ăn miếng trả miếng” nhau xung quanh vấn đề ai đã bán đứng ai trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt-Trung.
[5]. Về câu hỏi này, xem Sophie Quinn-Judge, Hồ Chí Minh: Những năm tháng không được biết đến 1919–1941 (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 2002).
[6]. Ví dụ, trong cuốn Hồ Chí Minh: L’homme et son héritage [Hồ Chí Minh: Cuộc đời và di sản] (Paris: Đường Mới/La Nouvelle Voie, 1990).
[7]. Tuy nhiên, sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với phong trào kháng chiến không hề đơn nhất và thuần chất, nhất là trước năm 1950 ở miền Nam và đối với cộng đồng tôn giáo ở miền Trung. Xem thêm cuốn “Lực lượng quần chúng trong Quân đội Việt Nam: Tướng Nguyễn Bình với cuộc chiến ở miền Nam,” trong Naissance d’un Etat-Parti: Le Việt Nam depuis 1945, eds. Christopher E. Goscha and Benoît de Tréglodé (Paris: Les Indes Savantes, 2004), 226–353.
[8]. “Situation Politique à la fin du mois d’octobre [1945],” pp. 20–21, dossier Bilan Situation Politique, box 157, file grouping Conseiller Politique, Centre des Archives d’Outre-Mer (CAOM). Xem thêm Tôn Thất Thiên, Chính sách ngoại giao của ĐCS ở Việt Nam (Washington, D.C.: Crane Russak, 1989), 118.
[9]. Hoàng Vǎn Hoan, Giọt nước trong biển cả (Hồi ký cách mạng) [A Drop in the Ocean (Revolutionary Memoirs)] (Beijing: Tin Việt Nam, 1986), 266–267.
[10]. Xem: Đảng Cộng Sản Đông Dương, Khu Ủy Miền Đông, so. 254/K, ‘Trích chỉ thị Trung Ương nhận được ngày 20/9/1948, ký tên Khương, ghi ngày 6/10//1948, ký tên Khương, file PCI, box 10H4204, Service Historique de l’Armée de Terre (SHAT); và tài liệu đảng trước năm 1951 trong hộp 10H4205, SHAT.
[11]. “Mặt trận Việt Minh với việc Đảng Cộng Sản Đông Dương tự ý giải tán,” Cưú Quốc, số 90 (13/11/1945): 1; “Chung quanh việc Đảng Cộng Sản Đông Dương tự ý giải tán,” Cứu Quốc, số 93 (16/11/1945): 2.
[12]. “Báo cáo tại Hội nghị cán bộ Trung Ương lần thứ V từ ngày 8 đến ngày 16 tháng 8 nǎm 1948 do đồng chí Lê Đức Thọ đọc,” Đảng Cộng Sản Việt Nam, Vǎn Kiện Ðảng, Toàn Tập, 40 tập (Hà Nội: Ban Chính Trị Quốc Gia, 1989–2005), 9:316–317.
[13]. Trong một bức điện đề tháng 12/1946 từ Quảng Ngãi, Lê Duẩn hỏi lãnh đạo “ĐCSĐD” tên gọi hiện tại của “đảng” là gì. Bức điện được giải mã cho thấy người gửi là Lê Duẩn, ngày 12/12/1946, trong hồ sơ Haut Commissariat de France en Indochine (HCFIC), Bureau Fédéral de la Documentation, no. 885/D6/TS, “Note au sujet du rôle des communistes dans la lutte actuelle en Indochine,” 2/9/1947, annex IV, vol. 165, file grouping Indochine, Asie-Océanie, Ministère des Affaires étrangères (MAE). Tôi chưa gặp một bằng chứng nào cho thấy Trường Chinh phản đối quyết định này. Đây là câu hỏi quan trọng, nhưng chỉ có thể được giải đáp khi văn khố Việt Nam được công bố, cho phép chúng ta hiểu được một cách chính xác đảng đã “tự giải tán” như thế nào, những ai đã phản đối lại quyết định này, vì lý do gì và vào thời điểm nào.
[14]. I.B. Bukharkin, “Kremli và Hồ Chí Minh,” Xưa và Nay, no. 55 (September 1998): 4–5. Hồ Chí Minh viết tiếp một bức thư thứ hai gửi Stalin vào tháng 1/1946.
[15]. Bukharkin, “Kremli và Hồ Chí Minh,” 4.
[16]. Phía Việt Nam thừa nhận điều này với Harold R. Isaacs; xem cuốn Không có hoà bình cho châu Á (1947; Cambridge, MA: MIT Press, 1967) của Isaacs, 170–175. Xem thêm Thái Quang Trung, “Staline et les révolutions nationales [Stalin and National Revolutions],” Revue Française de Sciences Politiques (October 1980): 996–1000.
[17]. “Entrevue avec Molotov sur l’Indochine,” Mát-xcơ-va, ngày 15/1/1947, ký Catroux, dossier 1352, box 153, file grouping Nouveau Fonds, Indochine, CAOM.
[18]. Bernard Fall, Hai nước Việt Nam: Phân tích về Chính trị và Quân sự (Lanham, MD: Frederick A Praeger, 1967), 196.
[19]. De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[20]. Các bức thư được phát hiện và phiên bản lại trong “Aide mémoire sur le rôle joué par l’ambassade de l’URSS à Bangkok auprès des organisations du Việt Minh,” in Haut Commissaire de France en Indochine, Conseiller Diplomatique, no. 1893, 11/4//1950, dossier 802-5, box 145, file grouping Etats Associés, MAE.
[21]. Xem bức tư viết tay của “Nguyễn Ðức à Bangkok à Trường Hồng Vǎn, à Moscou,” đề ngày 14/11/1950, trong Direction des Services de Sécurité (DSS), số 9005/C/SG-1, “Note pour M. le Haut Commissaire,” 5/12/1950, dossier Soutien aérien, box C835, Service Historique de l’Armée de l’Air, France (SHAA).
[22]. Ðịnh Phú Xuân, “Hồ Sơ Hồ Chí Minh [The Hồ Chí Minh File],” Quê Mẹ, no. 109, (April–May 1990): 53n1; Hoàng Vǎn Hoan, Giọt nước trong biển cả, 319; Bà Thái Thị Liên (quả phụ ông Trần Ngọc Danh), tác giả trực tiếp phỏng vấn trên điện thoại ngày 17/6/2001, Montreal; “Note biographique de Trần Ngọc Danh,” vol. 161, file grouping Indochine, Asie-Océanie, MAE.
[23]. Nhóm Tình báo Trung ương, “Tổ kiểm soát nguồn, SO, gửi ông Jack Neal, Phân ban Hoạt động Đối ngoại,” ngày 17/2/1947, 851G.00B/2-1747, National Archives and Records Administration (NARA). Nếu quả thật là sự tiếp xúc giữa đôi bên tại Paris là không đáng kể, thì điều đó chỉ củng cố thêm nhận định cho rằng Liên Xô không quan tâm đến Việt Nam vào thời điểm Thế Chiến II mới bùng nổ.
[24]. Mark Bradley, “Một cơ hội trên trời rơi xuống: Sáng kiến năm 1947 của Hoa kỳ và VNDCCH” trong cuốn Chiến tranh Việt Nam: Các quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ, eds. Jane Werner and Luu Doan Huynh (London: M.E. Sharpe, 1993), 3–23.
[25]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov,” no. 9288, ghi ngày 16/9/1947, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Conversation de l’envoyé spécial adjoint de l’URSS en Suisse avec l’adjoint du secrétaire d’Etat des Ministres de la République démocratique du Vietnam sur la situation dans le pays et dans le Parti communiste, Centre russe de Conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne. Tài liệu dịch từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, do Benoît de Tréglodé thu thập. De Tréglodé cũng bàn về chuyến công du này trong cuốn “Premiers contacts entre le Vietnam et l’Union soviétique,” của mình, trang 125–135.
[26]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135. Tại sao lại chọn Phạm Ngọc Thạch—chứ không phải Trần Ngọc Danh—cho chuyến đi năm 1947 vẫn là câu hỏi khó trả lời. Ông Thạch không phải là đảng viên kỳ cựu, mới gia nhập đảng đầu những năm 1940. Còn ông Trần Ngọc Danh, có đầy đủ phẩm chất cần thiết. Ông ta đã từng là lãnh đạo cao cấp trong ĐCSĐD, đã từng có thời gian ở tù, là em trai cố TBT Trần Phú. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thạch có điều kiện gần gũi ông Hồ với tư cách bác sỹ riêng. Có thể sự tin cẩn của ông Hồ Chí Minh có một vai trò quyết định trong sự lựa chọn nhân sự cho chuyến đi này.
[27]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[28]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[29]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[30]. “Journal de l’envoyé spécial de l’URSS en Suisse, M. Koulajenkov”; De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[31]. “Cominform” là chữ viết tắt theo tiếng Nga của cụm từ “Văn phòng Thông tin của các Đảng Cộng sản.” được ra đời vào tháng 9/1947 dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSLX và Stalin.
[32]. “De T. Chouklin à Pouklov: Compte-rendu sur la situation du Parti au Vietnam,” ghi ngày 15/12/1947, no. 619, document 4, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Centre russe de conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne.
[33]. Việt Nam rút lại đơn tham gia LHQ vào ngày 22/11/1948. Văn bản do Trần Ngọc Danh soạn thảo và ký với chức danh trưởng đoàn đại diện chính phủ VNDCCH tại Pháp.
[34]. “De T. Chouklin à Pouklov: Compte-rendu sur la situation du Parti au Vietnam,” ngày 15/12/1947, no. 619, document 4, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Centre russe de conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne.
[35]. Xem Ilya Gaiduk, “Chiến lược của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và viễn cảnh Cách mạng ở khu vực Nam và Đông Nam Á,” trong Liên kết sử liệu: Chiến tranh Lạnh và Phong trào giải phóng thuộc địa ở châu Á (1945–1962), đồng tác giả Christopher E. Goscha và Christian Ostermann (Stanford, CA: Stanford University Press, sắp xuất bản).
[36]. Phạm Ngọc Thạch đã đến Việt Bắc khoảng đầu tháng 6/1948. Lê Vǎn Hiến, Nhật ký của một bộ trưởng, 2 vols. (Ðà Nẵng: Ðà Nẵng, 1995), 1:371.
[37]. Về các yếu tố quyết định trong chính sách đối ngoại của ĐCSĐD, xem thêm luận án tiến sỹ của tôi: “Lê contexte asiatique de la guerre franco-vietnamienne: Réseaux, relations et économie [The Asian Context of the Franco-Vietnamese War: Networks, Relations and Economy]” (PhD dissertation, Ecole Pratique des Hautes Etudes/Sorbonne, 2001), Section Asie du Sud-Est.
[38]. Xem L.M. Efimova, “Những bằng chứng mới về sự hình thành quan hệ ngoại giao Xô viết-Indonesian (1949–1953),” Indonesia and the Malay World 29, no. 85 (2001): 218–222; và “Tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Cộng hoà, 1947–48,” của cùng một tác giả, Indonesia and the Malay World 26, no. 76 (1998): 184–194.
[39]. Lê Văn Hiến, Nhật ký, 1:360, ghi chép ngày 28/5/1948.
[40]. Theo tin tình báo Pháp, năm 1947 Brotherton có mặt ở Băng-cốc, làm việc cho tờ Vietnam News Service dưới bút danh Vǎn Tân (tờ Vietnam News Service do Lê Hy biên tập) Ông ta phụ trách “Văn phòng Thông tin Quốc tế III của Đoàn Ngoại giao Liên Xô ở Băng cốc.” Ông ta rời Băng cốc tháng 7/1948 để đi Thượng Hải. Theo tin này, Brotherton được uỷ nhiệm gặp gỡ ĐCSĐD, ĐCSTQ và các phong trào dân tộc khác ở Đông Nam Á. Etat-Major, 2ème Bureau, Section étrangère, “Note d’information concernant les trafics et trafiquants au Siam,” June 27, 1950, box C838, SHAA. Brotherton về lại Singapore tháng 9/1948, và hình như ông ta vẫn giữ liên lạc với Phạm Ngọc Thạch, điều này xác nhận vai trò thiết lập quan hệ với Liên Xô của ông Thạch. Hoàng Vǎn Hoan có nói tới việc này trong hồi ký.
[41]. Muốn biết thêm chi tiết, xem De Tréglodé, “Premiers contacts,” 125–135.
[42]. “Au sujet d’une conversation de Bachitov avec l’adjoint du chef du Bureau d’Information vietnamien à Bangkok, Lê Hy,” trích nhật ký của Bachitov, tài liệu số 433, ngày 31/8/ 1948, dossier 032-ext, Đông Nam Á, tháng 9/1948, Lưu trữ của Bộ Ngoại giao, Mát-xcơ-va, Nga (AMFA).
[43]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Usatchov et Nguyễn Ðức Quỳ à Bangkok,” 6/9/1948, tài liệu số 609, 10/9/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[44]. “Enregistrement de la conversation entre camarade Usatchov et Nguyễn Ðức Quỳ,” 15/9/1948, số 615, 21/9/ 1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[45]. Trần Ngọc Danh thông báo với phía Tiệp Khắc rằng Hoàng Vǎn Hoan dùng bí danh “Phóng” và “Thái Lương Nam.” “Lettre de Trần Ngọc Danh à Geminder,” ngày 16/12/1949, fond 100/3, volume 207, Vietnam, Lưu trữ của Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp khắc, Praha (ACCCPC).
[46]. “Enregistrement de la conversation entre le camarade Niemchine et Nguyễn Ðức Quỳ,” ngày dated September 20/9/1948, tài liệu số 617, September 21/9/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[47]. Như trên đã dẫn.
[48]. “Lettre de Lê Hy au camarade Bachitov, Koslov et Rebanet sur la situation au Vietnam et sur les relations avec l’URSS,” Mát-xcơ-va, ngày September 20/9/1948, tài liệu số 497, 20/9/1948, dosser 113-ext, Đông Nam Á, tháng 8–12/1948, AMFA. Xem thêm De Tréglodé, “Premiers contacts, 125–135.
[49]. “Enregistrement de la conversation entre camarade Niemchine et Nguyễn Ðức Quỳ,” 30/9/1948, tài liệu số 602, ngày 3/10/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[50]. “Enregistrement de la conversation entre le comarade Niemchine et Nguyễn Ðức Quỳ,” 1/11/1948, tài liệu 685, ngày 4/11/1948, dossier 033-ext, Đông Nam Á, tháng 6–12/1948, AMFA.
[51]. “Jacques Duclos à Geminder,” ngày 16/7/1949, fonds 100/3, vol. 207, Vietnam, ACCCPC.
[52]. “Lettre de Trần Ngọc Danh, membre suppléant du Comité central du Parti communiste indochinois aux camarades du Comité central du Parti communiste (bolchévik) de l’URSS,” Praha, số 7/TND, ngày 12/10/1949, fonds 100/3, volume 207, Vietnam, ACCCPC (tôi nhấn mạnh). Bà Thái Thị Liên, quả phụ ông Danh, xác nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tôi ngày 17/6/2001. Theo trí nhớ của bà, ông Trần Ngọc Danh có phê bình lập trường của Hồ Chí Minh và chất vấn “Đồng chí có phải là người Bôn-sê-vích hay không?”
[53]. République Démocratique du Vietnam, no. 6/TND [Trần Ngọc Danh?], Prague, “Lettre à l’attention du camarade Geminder,” ngày 11/10/1949, ký Trần Ngọc Danh, fonds 100/3, vol. 207, Vietnam, ACCCPC.
[54]. “Lettre/étude de Trần Ngọc Danh à camarade Youdine, écrite à Prague,” ngày 10/1/1950,” dossier no. 425 (4384–4473), Trung ương ĐCSLX, Mát-xcơ-va, Nga (CCCPSU).
[55]. Ibid.
[56]. Thật khó mà tin được rằng các chuyến đi của Lê Hy và Trần Ngọc Danh không liên quan gì đến nhau. Hoàng Vǎn Hoan viết rằng Lê Hy “chịu ảnh hưởng của tư tưởng Trần Ngọc Danh” và giải thích rằng hai người này cùng phản đối sự chậm chạp của ĐCSĐD trong việc triển khai đường lối xã hội cấp tiến.
[57]. “Lettre à Papez,” không ký, không đề ngày, fonds 100/3, vol. 207, Vietnam, ACCCPC.
[58]. Hiển nhiên điều này ám chỉ tới quan hệ của Lê Hy với Alexander Brotherton, đảng viên ĐCS Úc, trong chuyến đi tới Mát-xcơ-va và Pra-ha.
[59]. Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, “Nhận xét của Trung Ương về đồng chí Lê-Hi [The Central Committee’s View of Comrade Lê Hy],” no. 72 SK/, gửi vào miền Nam, đánh số 199 SS Xứ, T/L Thường Vụ Xứ uỷ, Chánh Vǎn Phòng, ngày 23/11/1950, ký FAN [Phan] Triểm, dossier 65, box 10H549, SHAT, được bà Thái Thị Liên xác nhận khá chắc trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 17/6/ 2001.
[60]. Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, “Trung Ương gửi các khu [From the Central Committee to All Zones],” số 71/KS, công văn đến miền Nam số 198/SL XU, T/L Thường Vụ Xứ uỷ, Chánh Vǎn Phòng, ghi ngày 23/11/1950, dossier 65, box 10H549, SHAT (tôi nhấn mạnh). Ngày 4/1/1951, Hoàng Vǎn Hoan thông báo riêng với phía Tiệp rằng Trần Ngọc Danh đã bị khai trừ khỏi đảng sau khi về tới Việt Nam. Hoàng Văn Hoan nói với Geminder lý do ông ta bị khai trừ do đã tự ý giải tán đoàn đại biểu VNDCCH ở Pháp, đã tuyển dụng một nhân viên Sở Mật thám Pháp, và vô kỷ luật. “Hoàng Vǎn Hoan à Geminder,” 4/1//1951, fond 100/3, volume 207, Vietnam, ACCCPC.
[61]. Cảm ơn bà Sophie Quinn-Judge đã nêu điểm này với tác giả.
[62]. “Lettre du camarade N. Pshinoviev (Ambassadeur à Pékin) à camarade Machentov,” ngày 2/4/1950, tài liệu số 36671, ở dossier no. 425, CCCPSU. Trong khi ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh có nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng tờ tạp chí có ảnh của Stalin và các lãnh đạo cao cấp khác của ĐCSLX cần phải được trả lại cho mình. Theo lời đại sứ Liên Xô, Hồ Chí Minh thực sự bị giằn vặt vì mất cuốn tạp chí và đã nhiều lần hỏi đi hỏi lại “làm sao chuyện đó lại có thể xảy ra giữa các đồng chí cộng sản tốt”. Tôi không biết cuốn tạp chí sau đó có được trả lại cho Hồ Chí Minh hay không.
[63]. “Lettre de Trần Ngọc Danh à Geminder,” ngày 6/5/1950.
[64]. Hồ Chí Minh, Báo cáo chính trị đọc tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất tháng 2 1951 [The Political Report Read at the First All Country Congress of Representatives in February 1951] (Ban Chấp Hành Trung Ương Xuất Bản, 1951), 21. Tài liệu này có thể tham khảo tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.
Nguồn: Bản gốc tiếng Anh đăng trong
Journal of Vietnamese studies , Berkeley 11.2006
Compiled by THD. SG-VN
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)