Bùi Giáng
Đi vào cõi thơ
(Chế Lan Viên, Nguyễn Trãi, Nguyên Sa, Đỗ Long Vân, Nhất Hạnh, Trần Trọng Kim, Chu Mạnh Trinh, Thanh Tâm Tuyền, Thế Phong, J. Leiba, Bùi Như Sơn, Phạm Quang Bình, Nhượng Tống, Dương Minh Loan)
Chế Lan Viên
Một tinh thần quân bình sáng suốt, lại cứ nói mãi chuyện điên. Yêu đời vô lượng lại nói toàn là chuyện yêu ma.
Làm sao không than khóc yêu ma một phen đã yêu đời quá nặng, và cõi đời đang bị phá vỡ tràn lan?
Người Chàm đã diệt vong, cũng như người Troyens đã diệt vong, người da đỏ đã diệt vong.
Người người kẻ kẻ mọi mọi da da đã diệt vong, và tiếp tục xô ùa nhau vào diệt vong. Thì kẻ yêu đời chỉ còn biết gọi: - Thần chết ạ, lại gần đây đối mặt! Trao bàn tay cho ta nắm bên miền…
Nguyễn Trãi
Nghĩ tới Nguyễn Trãi, không còn can đảm đâu viết nên một lời gì cả. Nguyễn Du đã vì Nguyễn Trãi mà dựng một tòa tân thanh lặng lẽ. Thy sỹ đời sau cũng vì Nguyễn Trãi mà tiếp tục làm thơ không lời. Thảm kịch nhà Nguyễn Trãi dựng lên nước mắt mọi người toàn khối bất công oan nghiệt con người phải nai lưng ra gánh vác.
Còn đâu chỗ để nêu ra vấn đề Chiến Tranh hay Hòa Bình?
Chiến tranh cũng thế!
Hòa bình cũng thôi…
Chắc chi dâu biển nỗi đời
Mà đem non nước làm lời non sông…
Nguyên Sa
Có lẽ ông Nguyên Sa nhãn giới rộng rãi, nhìn xuôi ngược quá tỏ rõ ngọn ngành dâu biển, nên lời thơ của ông trở thành nửa thực, nửa rỡn, nửa thâm thiết, nửa hững hờ. Và có một sức quyến rũ khác hẳn mọi lối thơ xưa nay.
Cả thơ, cả văn của ông, đều có như là một loại thần dược của thiên nhiên trao gửi cho trần gian bối rối. Kẻ chán đời quá độ, nên đọc thơ ông. Ấy là để nhận chân một mối thong dong tự tại của kẻ thượng đạt, mặc dù kẻ thượng đạt kia trong cuộc sống vẫn có thể lầm lỗi nhiều ít.
Đỗ Long Vân
Đỗ Long Vân không làm thơ, nhưng lại là kẻ có tâm hồn thơ sâu đậm thâm thiết rộng rãi hơn bất cứ kẻ thi sĩ nào.
Trường hợp ông cũng như trường hợp Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… mang tâm hồn thi sĩ dấn mình vào cuộc biên khảo ngậm ngùi.
Nhất Hạnh
Nhất Hạnh có nguồn thơ chứa chan. Chúng ta không hiểu vì lẽ gì nguồn thơ đó lại không đủ sức ngăn cản ông, khiến ông hì hục hiện đại hóa Phật Giáo Uyên Nguyên.
Trường hợp Nhất Hạnh là trường hợp một thi sỹ thiên tài bị vướng phải cạm bẫy của triết học Tây Phương.
Nhưng riêng gì Thượng Tọa Nhất Hạnh lâm vào trường hợp bi thiết đó? Còn nhiều kẻ khác. Và ngay cả một thiên tài Nhượng Tống cũng không thoát khỏi ma lực của tinh thần khoa học đời nay.
Trần Trọng Kim
Trần Trọng Kim cũng là một thiên tài thi sỹ. Ông dịch thơ Đường không đạt tới cái độ tài hoa của Tản Đà, nhưng trong mạch ngầm lại thâm hậu hơn Tản Đà.
Tản Đà bị tẩu hỏa nhập ma. Trần Trọng Kim lại là người duy nhất trong thế kỷ này, giữ vững được tâm hồn trong niềm tịch nhiên bất động giữa mọi phong ba.
Tản Đà chú giải Truyện Kiều một cách thô thiển lệch lạc quá. Trái lại Trần Trọng Kim có những ghi chú hoằng đại âm thầm.
Chu Mạnh Trinh
Bài “Tựa” Truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh viết bằng Hán ngữ, quả thật đầy đủ thâm hậu và thừa dư tài hoa để xô Hán ngữ uyên nguyên đi thêm một bước đặc biệt.
Lời cổ kính mà tân kỳ. Bằng một cánh phấp phới, ông bay vút một cơn. Lý Bạch phải sững sờ. Trái lại, “Chinh Phụ Ngâm Khúc” bằng Hán ngữ của Đặng Trần Côn, ắt chẳng khiến một thiên tài Trung Hoa nào chịu sửng sốt.
Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền như một vị tướng lãnh gan lì, sử dụng một loại võ công chỉ riêng một mình ông đạt tới quai nhai cảnh giới.
Mọi kẻ về sau học tập võ công ấy đều thất bại.
Công lực thâm hậu, Thanh Tâm Tuyền lại còn trẻ quá, do đó, ông bước đi trên trận địa một cách quá ngang nhiên, chả bao giờ ông bận tâm tới những môn võ công khác của những đối thủ, bất kể chúng là thiên tài hay là chẳng.
Thế Phong
Thế Phong hùng hậu ngang tàng, bướng bỉnh, khó tính. Bài thơ đi ào ào, lúc chan hoà tâm sự, lúc cộc lốc phiêu nhiên.
Thơ cảm động vô cùng, mà cũng lắm phen khiến người ta cười bật ra tiếng.
Thơ ông Thế Phong là chỗ kết tụ của một tâm hồn tế nhị khôn hàn và một nỗi gàn bướng không tả. Ông làm giàu cho thi ca hiện đại không phải ít.
J. Leiba
Trong J. Leiba có một Từ Hải thời xưa yêu Thúy Kiều, lại có một Đạo sỹ giũ áo tơ tình, đi theo cánh hạc, mà vẫn ngoảnh đầu nhìn mãi phồn hoa thơ mộng ở phía sau.
Đúng là một loại Thanh Tùng Tử chịu chơi:
Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá
Lệ lòng mong cạn chốn am Không
Cửa thiền một đóng, duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng
Nói thì có vẻ như dứt khoát lắm. Đắc đạo lắm. Nhưng thử hỏi: - Một loại Từ Hải mà đi tu, thì tu sao trót? Làm sao gột rửa cho xong trong máu me mình, cái hình ảnh em Thúy một phen kia.
Con dẫu trần tâm đã sạch rồi
Lòng từ vương một chút thương ai
Một câu thơ như thế quả là thừa sức xô ùa hết thảy mọi thi ca kim cổ đông tây đi mất hết.
Con dẫu trần tâm đã sạch rồi
Lòng từ vương một chút thương ai
Thương ai? Thương bằng lòng từ? Vương một chút?
Một chút kia mang toàn khối tình và tự và đạo và tôi và giáo và lý và phù sinh hư ảo trên trang hải phiêu bồng.
J. Leiba ắt đã có diễm phúc gặp một người yêu dịu dàng. Người yêu có lẽ mệnh bạc? Nhưng vì thuở nàng còn tồn tại bình sinh, chàng vì cớ gì đã đi xa nàng như thế? - Quyết lòng dứt áo ra đi? Thanh gươm yên ngựa lên đường ruổi rong?
Chúng ta chẳng rõ gì hết về J. Leiba. Ông chỉ gửi lại trong thơ mấy lời chân thành bi thiết nhất của một can tràng hy hữu như một niềm bí mật ngàn xưa…
Đã thế thì tôi đi cứ đi
Ta cùng hồng kiếp có vương gì
Một cười trả lại người thiên hạ
Cả tấm thân này lẫn mộng kia
… Đâu đấy mồ thu tiếng dế than
Lòng ta xao xuyến ngựa lên đàng
Hồ ly mấy bóng lan bờ cỏ
Đêm tối tìm về ngủ mả hoang.
Bùi Như Sơn
Ông không làm thơ nhiều, vì tính ông ham chơi chẳng thiết chi chuyện thơ thẩn.
Thỉnh thoảng ông gieo vài vần ghẹo ông Nguyễn Du. Đọc phải bật cười ra tiếng.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng quên nhau
Trở về chân lệch gót sau
Trâm đầu lọt giữa tư trào hoang mang
Gia đình ông xưa kia bị thảm họa vì kháng chiến. Mấy mươi người chỉ còn sống sót dăm ba. Thuở bấy giờ ông chỉ là một thằng bé mười một tuổi đầu. Từ đó, đối với ông đoạn trường nhân gian là chuyện cố kỳ nhiên. Chả phải nhọc lòng nghĩ tới nữa.
Một trái bom rơi trúng miệng hầm
Đã đành sự thể lạnh căm căm
Một mình ra đứng đầu khe núi
Quên mất thân mình một với trăm
Bài thơ nào của ông cũng chỉ có bốn câu. Cưới vợ, ông cũng chỉ tặng vợ có bốn câu. Hỏng thi, ông cũng chỉ có bốn câu vịnh cuộc:
Lăn lóc trường thi một trận rồi
Rụng rơi từ một tới hai nơi
Ra người thiên hạ cười chi thế
Tớ chẳng vui lòng cuộc chịu chơi
Nhớ lại thuở nhỏ đi câu cá ở bờ khe, ông viết:
Cá đi nguồn suối xa rồi
Buông câu tuổi dại mộng ngồi phồn hoa
Tình đi như gió giang hà
Nằm nghe giấc ngủ chan hòa tử sinh
Ông trao tôi một xấp giấy gồm hai chục bài. Mỗi bài bốn câu. Ông bảo:
“Các hạ chậm chậm mà đọc. Tháng sau ta sẽ trao thêm cho nhà ngươi một bài bốn câu nữa cho đủ bộ.”
Phạm Quang Bình
Phạm Quang Bình mười sáu tuổi. Nhưng vẻ mặt trông như đứa bé mới lên năm. Phạm Quang Bình là em ruột Phạm Đình Liên, một nhân vật phong nhã tài hoa đủ điệu, nhưng lại chẳng hề làm thơ, chỉ vùi đầu đọc truyện vũ hiệp quanh năm.
Phạm Quang Bình trái lại. Có năng khiếu đặc biệt phi thường toán học mà lại thích làm thơ.
Mẹ cha vất vả quanh năm
Con làm thơ mộng như tằm ăn dâu
Mai sau con sẽ bạc đầu
Mẹ cha đừng có đau sầu vì con
Đúng là một hồn thơ thanh bạch phỉ phong.
Học hành chữ nghĩa bao dong
Thương thầy nhớ bạn còn mong yêu người
Người đi lặng bóng chân trời
Quê hương phố hội còn nơi tâm tình
Đêm nay bài vở rập rình
Mùi hương phảng phất tiền trình cuối năm
Tôi chắc học sinh nào cũng phải vừa lòng với tâm sự đó của bạn thiếu niên. Nghĩ cũng lạ. Thơ vốn hồn nhiên như thế mà sao người ta cứ chạy tìm thơ ở đâu đâu.
Phố chiều tà áo thướt tha
Chân đi đếm nhịp tuổi già hơn tên
Mẹ cha chờ đợi xui nên
Cơn chiều chuộng bỗng về bên mơ màng.
Tuổi trẻ vốn làm thơ tươi sáng như thế nếu không bị những gò bó chương trình cản lối.
Tựu trường mở lớp học ra
Chị em ghé hội hè hoa thanh bình
Tháng năm đoản lộ trường đình
Dĩ nhiên mộng tưởng còn trình diện kia
Chợ chiều vang bóng về khuya
Sầu dâng lãng đãng về chia tâm hồn
Lan hương hai chị hao mòn
Nửa lo học tập nửa còn lo thi
Chúng tôi mong ngày sau sẽ còn được đọc những bài thơ như thế của đầu xanh.
Nhượng Tống
Bản dịch “Tây Sương Ký” của Nhượng Tống thật là phi phàm.
Xin trích ra đây vài đoạn hiu hắt:
Non xanh chẳng nể nang nhau
Rừng xanh thôi cũng ra mầu khẩy trêu
Mịt mùng sương bạc khói chiều
Người đi ta biết trông theo lối nào
Lên xe mà dạ xôn xao
Về sao chậm chạp đi sao vội vàng
Tà tà bóng ác xuyên ngang
Nào nghe người nói trên đường cái quan
Mông mênh đồng lúa xanh rờn
Còn nghe ngựa thét trên làn gió thu
Phong cảnh cùng tâm hồn người Trung Hoa ngày xưa hiện ra như thế. Chẳng rõ có còn làm nao nao những cô gái Ba Tàu Chợ Lớn ngày nay chăng?
Trông nhau nào thấy nhau đâu
Non xanh bốn mặt đẫm màu tà dương
Ngủ đâu đêm vắng dặm trường
Chiêm bao hồ dễ biết đường tìm nhau
Nào khi gắn bó hôm xưa
Đêm qua cách mặt bây giờ chia tay
Mùi tương tư nếm đã bao ngày
Ai hay ly biệt lại cay gấp mười
Cuốn Mái Tây còn tràn lan những hàng châu ngọc không thể nào đếm xiết… Nhưng cố nhiên không thể nào tham lam bóc lột đem kê khai ra đây. Hãy để yên cho các cô gái Chợ Lớn tự tìm lấy mà mà đeo vào khắp mình mẫy hình hài của các cô.
Bản dịch “Nam Hoa Kinh” của Nhượng Tống cũng tuyệt diệu. Vài nhầm lẫn nho nhỏ, không đáng kể bao nhiêu.
Dương Minh Loan
Và mùa thu lại trở về rồi đó
(“Hồng Cúc”)
Bài thơ này tôi tình cờ đọc được trên báo. Tưởng như một kỳ ngộ. Tôi đã quá quen với những vẻ đẹp tiền chiến, hậu chiến, siêu thực, tự do. Tôi muốn gặp một vẻ đẹp khác, thật sự phiêu nhiên tự do phóng nhiệm mơ hồ. Thì bài thơ này của ông Dương Minh Loan quả là đáp ứng.
Và mùa thu đã trở về rồi đó
Trên núi cao có từng đám sa mù
Đùng một cái, Dương Minh Loan đẩy chúng ta đối diện với một sự trạng quen thuộc mà bất ngờ của mùa thu. Xa hẳn thu Huy Cận, thu Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính. Xa hẳn mọi kỹ thuật nề nếp phỉ phong.
Trên núi cao có từng đám sa mù
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có
Đúng là tuyệt diệu thật.
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có
Làm sao có được? Một phen trên núi có từng đám sa mù hồn nhiên như thế? Tôi hờ hững trước cái “có” hờ hững tuyệt diệu kia.
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có
Chưa có? Nghĩa là rồi sẽ có cho sau. Có lúc nào? Lúc được cái gì xác định? Ấy là cái một lần mộng du.
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có
Cánh hoa nào đang đợi lần mộng du
Chờ tới lúc lần mộng du được thành tựu viên dung cho một cành hoa nào kia viên mãn, thì khi đó, sẽ có cũng không muộn gì.
Và mùa thu lại trở về rồi đó
Trên núi cao có từng đám sa mù
Tôi hờ hững tưởng tên mình chưa có
Cánh hoa nào đang đợi lần mộng du
Nếu như tôi không hờ hững, nếu như tôi có o bế o bồng một hoài vọng gì được xác định rõ trong một cuộc tạm biệt, nếu tôi có mang tên Thúc Sinh, Thúy Kiều chẳng hạn, thì ắt màu quan san sẽ làm lệch mất cái tố chất nguyên thủy sơ khai của thu đi, và làm cho cuộc mộng du sẽ loay hoay thắc mắc như một vầng trăng ai xẻ làm đôi, làm ba, làm bốn, vân vân.
Tại đây, trái lại, mọi sự còn trinh nguyên – mà trinh nguyên theo nghĩa của hồi sinh tái tạo. Tái tạo theo nghĩa tự tái tạo bản thân thể mình, cho kịp với cái đà thơ ngây tuần hoàn biến hóa của vạn vật tư lự mùa thu. Tư lự một cách rất mực thi ca sáng lập, chứ không tư lự theo lối cằn cỗi suy tư gớm guốc quỷ nhà ma. Đó là điều bốn câu tiếp muốn nói một cách đơn giản ra:
Từng dấu chân in hình lên rêu đá
Từng suy tư làm đen nghĩa tương lai
Có lại đây xem nỗi buồn man trá
Hình ảnh này máu đỏ vẫn chưa phai
Có những nỗi buồn man trá, cũng có những lối suy tư kềnh càng lố bịch, vì bao giờ cũng thấy mình trang nghiêm và do đó mà dày xéo mọi thứ hồn nhiên máu đỏ.
Nhưng lời thơ nói lên sự đó một cách thong dong bát ngát hơn nhiều.
Kỷ niệm ấy trôi theo cơn nước lũ
Tôi bâng khuâng nhìn ngày tháng khô dần
Khóc thương mình hồn đau như có nụ
Rồi trở về cô độc giữa thanh xuân
Hồn đau như có nụ? Nụ ấy sẽ nở ra hoa gì? Sẽ phủ hết một vườn thanh xuân? Khóc thương mình hồn đau như có nụ? Chắc là nụ đoạn trường chẳng lẽ? Ông Nguyễn Du bảo đích thị nụ hoa đoạn trường. Ông Dương Minh Loan lại mỉm cười lắc đầu, không chịu xác định. Ông nói nửa vời, mà ráo riết. Ông lửng lơ mà đi tới cùng. Ông nói sự cô độc mà nghe như thong dong đi du xuân ngó bướm.
Khóc thương mình hồn đau như có nụ
Rồi trở về cô độc giữa thanh xuân
Cái giọng nói riêng biệt đó là cốt cách của những kẻ có trăm năm đạo hạnh đầy đủ để đốn ngộ thượng thừa. Mối buồn biến chất, tình yêu biến dạng thăng hoa:
Với vòng tay người lần theo ngày tháng
Người xóa nhòa dòng lệ ướt trên mi
Tôi nằm xuống nhìn tình tôi biến dạng
Đem loài chim buồn vỗ cánh bay đi
Loài chim buồn bay đi một cách cũng thong dong thơ mộng. Lúc tôi nằm xuống nhìn tôi biến dạng. Nằm xuống? Nghĩa là không lao xao nữa. Tôi nằm xuống là vào cõi tịch nhiên bất động. Là đáo bỉ ngạn như lai.
-------------------------------------------------------------------------------
Nguồn: Ca Dao xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1969. An Tiêm tái bản lần thứ nhất tại Paris năm 1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét