Nghiêng tai kỳ diệu
Đặng Đình Túy
Cụm từ lý thú trên đây không do tôi sáng tác ra mà là của nhà thơ Thế Lữ khi viết lời giới thiệu Xuân Diệu. Ca tụng đôi tai Xuân Diệu biết lắng nghe, thật ra Thế Lữ muốn tổng thể hóa mọi giác quan bén nhạy (là nghe, là thấy, là nghích nghích mũi, là sờ, là mó tùm lum tà la) của nhà thơ chứ không đề cập riêng chi thính giác. Thật vậy, chúng ta đọc lại thơ Xuân Diệu, sau bao nhiêu là nước chảy qua cầu mà đồng vọng vẫn còn nguyên vẹn không hao hụt chút nào. Giác quan của ông tưởng như có muôn nghìn sợi ăng-ten li ti chỉ cần chạm nhẹ là chúng ngân nga; hay thử phác họa một hình ảnh khác: tựa những chiếc cốc thủy tinh mỏng manh, trong veo chỉ một hơi gió đủ làm nên vi vút. Nói vậy để đi đến một khẳng quyết: ta cảm nhận sự việc bằng cả năm giác quan cùng lúc chứ không thể nào tách chúng riêng ra, trừ khi bị hoàn cảnh nội tại hay ngoại lai ngăn chận. Hoàn cảnh nội tại: ta rủi ro bị mất đi một giác quan (ông cựu trung tá mù Frank Slate trong phim Mùi đàn bà, Scent of a woman do Al Pacino đóng); hoàn cảnh ngoại lai: tôi không nghe lời rên rỉ của người bạn bị thương giữa tiếng súng chiến trận. Có lần nhân đọc bài viết rất hay của ông giáo sư Cao Huy Thuần (có thể tìm thấy trong cuốn Thế giới quanh ta của tác giả) viết về Trịnh Công Sơn, Đóa hoa vô thường, tôi hứng chí tìm thu bản nhạc này, do Mỹ Tâm hát. Đó là bản trường ca duy nhất mà TCS đả sáng tác. Trường ca trong âm nhạc như cuốn truyện, có nhập đề, có thân bài, có kết luận, có kể lể, có khóc than, có vui sướng, có phẫn hận, nghĩa là có đầu và có đuôi, thí dụ Trường ca Sông Lô của Văn Cao chẳng hạn: “Sông Lô, sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Ai qua…” Nhập đề như vậy, Văn Cao giới thiệu con sông Lô hiền hòa, sinh hoạt êm đềm hai bên bờ của dân chúng, rồi một ngày giặc đến cướp phá, rồi bộ đội ta phá giặc… Từ điệu nhạc êm đềm mọi nhạc khí bỗng cùng một lúc rống lên theo bàn tay dập dồn của ông nhạc trưởng và thính giả biết rằng sắp có chuyện dữ dội chứ không phải chơi đâu. Mà quả như vậy thật! Sau đó thì súng nổ cờ bay và đoàn quân trở về ca khúc khải hoàn: “Trên dòng sông trở về đoàn người, reo mừng vui trên sóng nước biếc. Trôi đầy sông bao đám xác thù” . Hùng ca, phấn khởi ca xong xuôi đâu đấy rồi thì thanh bình ca, nhạc trưởng đưa cánh tay còn lại ra dấu ngừng, những nhạc công tuy mắt chăm chú vào bản nhạc nhưng cũng kịp liếc thấy bàn tay ngăn chận; họ dừng một chút và bàn tay nhạc trưởng trở nên ve vẫy dịu dàng, họ cũng đâm ra dịu dàng theo. Réo rắt réo rắt. Hy vọng reo vui; đời sống thanh bình tái lập: “Mùa xuân tới nước băng qua ngàn nước in ven bờ xanh ươm bóng tre” và “dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi”… như kết luận cho cuốn truyện kể sự tình con sông lịch sử. Văn Cao của thuở đầu kháng chiến sáng tác như vậy. Trịnh Công Sơn thì khác. Ông không kể chuyện đánh giặc, ông kể chuyện tình. Chỉ là những trạng thái của tâm hồn nhưng cũng có đầu có đuôi. Cũng rất mệt cho những nhạc trưởng khi chạy đuổi theo tâm tình họ Trịnh. Đóa hoa vô thường bắt đầu bằng cuộc đi tìm được kể bằng giọng “tâm tình” và “nhịp thong dong” (những chữ in nghiêng trong đoạn này là của TCS): “Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai. Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi. Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối, một bờ môi thơm, một hồn giấy mới” … Nhạc sĩ đặt quá nhiều điều kiện chắc khó tìm, nhất là tìm một hồn giấy mới. Nhưng dù khó như vậy mà nhạc sĩ cũng tìm ra được dễ ợt, nhờ ông“bỗng (tìm) thấy em dưới chân cội nguồn”. Bây giờ thì tất nhiên chúng ta phải “hớn hở đưa tình về” (vẫn là chú thích của TCS). Ở chỗ này nhạc sĩ chú thích trong ngoặc đơn (Bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất). Nên để ý đến từ vô thường của trời đất. Cái tính vô thường ấy nguy hại lắm cho nên chúng ta đâm lo cũng phải. Những người con gái của trần gian này không thể là “của” TCS được vì mới đó mà “gót hồng (em đã) muốn quay về” vì chính ông viết “con sóng biển dâu đã mang tình về chốn cũ” (chốn cũ là chốn nào ?). Ngôn ngữ TCS chúng có mặt chìm, có mặt nổi; mặt nổi thì thấy đó nhưng mặt chìm thì phải chịu khó ngụp lặn mới thấy được. Để diễn tả tâm trạng này, TCS viết một đoạn nhạc không lời với “nhịp dồn dập vừa” rồi sau đó “mênh mông”, để hòa hợp với chút lâng lâng rằng “Ôi áo xưa em là một chút mây phù du đã thoáng qua đời ta”. Lại đặt trong ngoặc đơn lần nữa: (Tình do tâm mà sinh, có khi tình mất mà tâm còn đồng vọng. Đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi) lần này “nhạc mạnh” và “liền nhau” (tôi chưa ý thức được tại sao lại phải mạnh và liền nhau như thế vì xét kỹ, tâm tình người viết đã bớt xao động, chứng cớ là người đã nhận ra “chút mây phù du đã thoáng qua đời ta”, ngay trước khi viết phần không lời kia mà? Còn nếu bảo rằng tâm tình đã dứt khoát được thì lòng ta sẽ bình thản hơn, việc chi phải nhảy vọt như vậy? Hơn nữa những lời tiếp sau vẫn được duy trì qua những ý tưởng nối dài tương tự, rất thiền và rất tự tại ?) và cuối cùng mới êm dịu lại để: “Từ đó ta nằm đau ôi núi cũng như đèo một chút vô thường theo”… Bên Tây phương, người ta rất tôn trọng sự sáng tạo do đó hiếm khi một bản nhạc được nhiều kẻ trình diễn. Chỉ tác giả mới có quyền trình bày tác phẩm mình mà nếu tác giả không tự trình bày thì tác giả sẽ giao cho ai đó nhưng cũng chỉ là một người duy nhất thực hiện. Cẩn thận hơn, bản nhạc sẽ không được trình bày mà thiếu phần hòa âm và phối khí. Lại nhiêu khê lần nữa: kẻ soạn hòa âm một khi đã có công hoàn thành thì dù do ban nhạc nào trình tấu vẫn tôn trọng cách hòa âm phối khí đó. Còn có một từ rất đẹp nhưng nghiêm khắc, nghiêm khắc ở chỗ nó đòi hói người trình bày một nỗ lực sáng tạo. Ca sĩ không chỉ là người có giọng ca tốt, cũng không chỉ là người hát hay, mà là người biết diễn tả tâm tình của tác phẩm, do đó người ta không nói rằng tác phẩm được hát bởi ai đó (chanté par…) mà là diễn đạt bởi ai đó (interprété par…). Ca sĩ không phải là ca sĩ mà là thông ngôn, làm cho thính giả hiểu, thông cảm nội dung, tinh thần của tác phẩm. (TCS có lần đã bất bình về lối hát như trả bài của ca sĩ nọ.) Có những ca nhân thuộc hàng quốc tế, những giọng ca được tôn là giọng ca vàng, những người được gọi là crooner, họ hát hay thật nhưng nếu ta nghe liên tiếp vài chục bản của họ ta sẽ ngấy lên tận cổ. Trong ngành cải lương tôi thường nghe người ta kháo nhau: “đào X mà đóng vai bi thì hết sẩy; kép Y đóng hề thì mình cười đến bể bụng”… ít ra kẻ sành điệu đã nhận ra rằng một người không thể sắm nhiều vai. Nghề xướng ca cũng vậy. Xin kể một chuyện riêng, lẽ ra không nên nói vì nói ra là bày tỏ sự thiên vị ngu si hẹp hòi của mình, nhưng không hiểu tại sao …vẫn nói. Là về bản Giọt nắng bên thềm của Thanh Tùng. Nghe được bản nhạc ý vị, tôi mày mò tìm thu. Tìm được khá nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng cuối cùng phân vân giữa hai chọn lựa: một gào xé kiểu Thanh Lam và một giọng kể nhiều hơn hát của Nguyễn Hưng; cuối cùng tôi chọn Nguyễn Hưng. Tại sao ? –Vì giọng Nguyễn Hưng hơi sống (đối nghịch với chín chứ không đối nghịch với chết) nên gai góc, cay đắng rất thích hợp với tâm sự nhân vật trong nội dung bài hát. Vả, Hưng là đàn ông, tâm sự trong bài là tâm sự đàn ông (không phải cứ thay lời bài hát từ anh ra em là đủ !) vì vậy mà tôi chọn Hưng. Viết những điều này, tôi chợt nghĩ đến Juliette Greco, một tài tử Pháp. Sản phẩm của hậu chiến, J. Greco ảnh hưởng không khí Saint Germain des Prés và chủ nghĩa hiện sinh. Bà nổi tiếng nhờ trình bày những bài hát của Boris Vian (vừa là văn nhân lại vừa là nhạc sĩ), thơ Jacques Prévert (bà cũng đọc thơ nữa) nhưng người ta biết bà nhiều nhất qua cách trình bày bài Déshabillez-moi do Gaby Verlor soạn nhạc và Robert Nyel viết lời, trong đó chất giọng khàn khàn, sống sượng nhưng gợi tình của bà khiến người đàn ông nào khi nghe lần đầu đều cảm thấy nhột nhạt tưởng như bà đang giục mình làm theo lời mời gọi. Gréco có ý thức đặc biệt về vai trò kẻ trình diễn, bà giải thích: “Chúng tôi, kẻ trình diễn, khám phá ra những điều mà bản thân họ (tức là chính tác giả) đã không nhận ra được” (Nous, interprètes, nous trouvons des choses qu’ils n’ont pas entendues, eux-mêmes). Nắm được tinh thần tác phẩm đã là điều đáng kể mà khám phá thêm những cái mà chính tác giả không nhìn ra thì quả là tuyệt vời ! Tôi xin kể tiếp chuyện thu bản trường ca Đóa hoa vô thường: tất nhiên là trên đĩa nhạc người ta không cần nêu tên kẻ đã soạn hòa âm mà tên ca sĩ mới quan trọng(!): Mỹ Tâm. Nhưng xét ra cũng không cần lắm vì tôi tin rằng ông nhạc sĩ soạn hòa âm đã theo đúng y chang lời ghi chú trên bản nhạc của TCS mà không biết uyển chuyển nếu xét đến toàn bộ tinh thần nhạc Trịnh. Đành rằng có một đoạn TCS ghi là nhạc mạnh và liền nhau nhưng tôi không tin là phải mạnh đến độ đó, mạnh như bài hùng ca tiến về Sài gòn đánh đuổi Mỹ Ngụy! Người xưa, khi đọc sách đã đốt trầm hương trong thư phòng. Mục đích là sửa soạn một không khí cho tâm hồn để chào đón tư tưởng tiền nhân; (Xin ghi thêm một ý kiến song song: người Tây phương thường ăn mặc rất chỉnh tề trong hai trường hợp, khi đi ăn và khi đi nghe nhạc. Hãy đặt câu hỏi tại sao) chắc lúc nghe nhạc cũng vậy. Rằng nghe nức tiếng cầm đài/ Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ… Không đạt đến trình độ Chung Tử Kỳ nhưng lẽ ra chúng ta phải ráng chuẩn bị đón nhận những trao gửi của kẻ sáng tạo được chút nào hay chút nấy. Kim Trọng trước khi gạ người đẹp đàn cho nghe chắc cũng sửa soạn trà nước hương trầm. Không khí như vậy ắt tiếng đàn sẽ réo rắt nỉ non thêm. Mọi thái độ ngược lại sẽ chẳng giúp gì cho lỗ tai trâu của chúng ta. Những nhà tâm lý học đã thực hiện một thử nghiệm đáng cho chúng ta suy nghĩ. Họ đưa một tay danh cầm ra trình diễn ở trạm métro vào giờ mọi người đến sở. Đã gọi là danh cầm thì ai cũng biết mặt biết tên. Lại tấu những bản nhạc bất hủ thì ai mà chẳng thích. Thế nhưng việc đó chẳng gặt hái được kết quả nào tốt đẹp. Mọi kẻ ngang qua đều có ném một cái nhìn về phía nhạc sĩ, rồi đi. Có kẻ hơi ngập ngừng dùng dằng nửa ở nửa về nhưng cuối cùng cái viễn ảnh của ông xếp sở hăm dọa đuổi việc vẫn là hình ảnh có sức thuyết phục mạnh hơn. Chỉ còn lại dăm ba kẻ vô công rồi nghề, những anh già hưu trí ngày thừa tháng rỗng hiếu kỳ bu quanh. Mà chưa chắc những lỗ tai đeo máy trợ thính ấy đủ khả năng thưởng thức. Thế có bẽ bàng cho đệ nhất danh cầm không! Ngày nay chúng ta không sống cuộc sống mà chạy đuổi theo nó. Mệt đứt hơi và sau đó, khi xuôi tay -nếu trời đất chúa phật còn chừa cho vài giây phút để ngẫm nghĩ- mới biết rằng mình sống chẳng ra sống (còn chết thì rất là ra chết). Chúng ta không biết hưởng thụ, vì lấy cái phụ làm cái chính, lầm lẫn hết trọi! Lấy thí dụ chuyện sắm dàn máy để nghe nhạc. Làm ra đồng tiền thì mua cái mình thích, nhất là cái mình cho là quan trọng thì cũng tốt thôi. Hình như bây giờ ai cũng cho âm nhạc là quan trọng và ai cũng o bế dàn máy nhạc, nhưng để làm gì? Có mấy kẻ thực sư nghe hay chỉ dùng âm nhạc để làm ồn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét