25/6/11

Đặng Tiến - Men đá vàng

Men đá vàng


Đặng Tiến
Cập nhật : 07/05/2010


Tiếng hát quan họ, ngoài giá trị tâm cảm, nhất định phải có giá trị phản kháng. Về tâm cảm, Hoàng Cầm sinh ra trong một gia đình quan họ, lớn lên trên quê hương quan họ, tập thơ ca ngợi một khía cạnh đặc sắc trong một vùng văn hoá. Nhưng tiếng hát còn là hình tượng: nó biểu dương cho nền văn nghệ tự do, bình đẳng, độc lập trước chế độ xã hội phong kiến. Thời điểm đầu 1955, Hoàng Cầm đòi quyền độc lập đó, trong một “đề nghị chính sách văn nghệ”2 và tố giác thứ văn chương cung đình



Thơ Hoàng Cầm, Truyền Thống và Hiện Đại (IV)


Men đá vàng




Đặng Tiến



Một lời quan họ bay lên dốc


Năm 1956, Hoàng Cầm sáng tác và in tập thơ Tiếng hát quan họ. Thời gian này, anh phụ trách bài vở cho Giai phẩm Mùa Xuân, đã tìm ra và tự ý cho đăng bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, ngòi thuốc nổ vụ án Nhân văn - Giai phẩm về sau. Trần Dần bị bắt, Hoàng Cầm viết hồi ký Con người Trần Dần để bênh bạn, đăng trên báo Nhân văn số 1 giữa tháng 9.1956. Bài báo khá dài, phản ánh không khí văn nghệ, chính trị thời đó, đã được Georges Boudarel dịch trọn vẹn ra tiếng Pháp1. Sau đó, Hoàng Cầm còn có bài thơ Em bé lên sáu tuổi (1956) và vở kịch thơ Tiếng hát (1957) nổi tiếng vì tính cách phản kháng.

Nhắc lại chuyện cũ để tìm hiểu động cơ của tác giả khi làm tập thơ Tiếng hát quan họ, lấy một chủ đề cũ để làm một tập thơ mới, trong không khí đấu tranh chính trị thời đó. Về hai tập Giai phẩm, Hoàng Cầm đã “tự hào”: “ Tuy chưa phải là những sáng tác xuất sắc, nhưng ít ra nó cũng nêu được một vấn đề gì. Có vấn đề xã hội trong thơ Văn Cao, có vấn đề chống công thức trong thơ Lê Đạt (...) Bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần ít ra nó cũng khác với lối làm thơ một chiều...” 2. Thế còn Hoàng Cầm, người đã có tập thơ in chung với Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần? Tiếng hát quan họ, ngoài giá trị tâm cảm, nhất định phải có giá trị phản kháng.

Về tâm cảm, Hoàng Cầm sinh ra trong một gia đình quan họ, lớn lên trên quê hương quan họ, tập thơ ca ngợi một khía cạnh đặc sắc trong một vùng văn hoá. Nhưng tiếng hát còn là hình tượng: nó biểu dương cho nền văn nghệ tự do, bình đẳng, độc lập trước chế độ xã hội phong kiến. Thời điểm đầu 1955, Hoàng Cầm đòi quyền độc lập đó, trong một “đề nghị chính sách văn nghệ”2 và tố giác thứ văn chương cung đình

Vịnh người đi cày bằng đá
Không nói năng gì sau đuôi trâu

Bên kia sông Đuống, tr. 107

Đây là một khuynh hướng quan trọng trong thơ Hoàng Cầm, chúng tôi chưa đào sâu, không phải là vì không thấy hay né tránh, nhưng vì khuôn khổ và tính cách của bài viết. Tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.

Tiếng hát quan họ nêu lên vai trò, tính cách của văn nghệ trong cuộc sống. Trước hết, nó nhận làm một thành phần nhỏ của cuộc đời:

Chép hết bài ca chưa hiểu hết lòng người
Dựng được bài ca chưa xây dựng cuộc đời

Bên kia sông Đuống, tr. 117

Nhưng nghệ thuật làm cho cuộc sống cao lên, rộng ra và đẹp hơn:

Tiếng hát quan họ
Và trai gái quê tôi trẻ đẹp vô cùng
Nhảy khỏi vòng nia
Nhảy sang vòng nong
Từ hòn đá ném ao vòng tròn rộng mãi
(...) Vòng nhỏ
Vòng to
Đến vòng nào nữa
Chân mây mở rộng từng mùa

Bên kia sông Đuống , tr. 118

Cuộc đời là những vòng tục luỵ, có hình thể quy định như những vòng nong, vòng nia hay vô định và bất tận như khi ta ném hòn đá xuống ao. Nghệ thuật giúp con người nới rộng những vòng nghiệp chướng. Vòng nong, vòng nia là hình ảnh của nông thôn mà nhà thơ đã tích luỹ; động tác nhảy khỏi, nhảy sang nhắc lại cảnh múa sạp của dân tộc Tây Bắc mà Hoàng Cầm đã dày công nghiên cứu và cải biên thành nghệ thuật trình diễn chuyên nghiệp, thời anh chỉ huy Đoàn văn công Tổng cục chính trị. “ Tôi đã nâng số lượng sạp từ 2 lên 8 cây, từ 2 diễn viên gõ sạp lên 8 và từng đoạn luân phiên với diễn viên múa, vào nhảy để 8 anh chị em khác ra ngồi gõ. Sau chiến thắng Na Sản Tây Bắc 1953, tôi lại bổ sung (...) Toàn bộ tiết mục đã trở thành một khúc vũ hội tưng bừng (...) Múa quạt ở vùng xuôi hoà với múa xoè ở Tây Bắc, lượn của Đông Bắc quyện cả với múa nón của Trung Du (...) không nét nào trùng lặp với nét nào, các đường cong, nghiêng, thẳng của hình thể, phải đi đúng khuôn nhịp, không một đường uốn lượn nào được phép trật nửa bước ra ngoài”3.

Nghệ thuật ở đây tạo điều kiện cho con người nhảy khỏi vòng nia, nhảy sang vòng nong của cuộc sống. Quan họ cũng vậy thôi, là một nét đẹp xưa, quyến rũ và mong manh:

Mẹ kể chuyện ngày xưa xa lắm
Tháng tám ao hồ mát lặng
Làng quê còn níu lại hương sen
Hai mươi gái trai
Thả một con thuyền
Song song mười đôi
Mắt nhìn trong mắt
Nón nghiêng tăm tắp
Ngày mai ai chắc được gần ai

Bấy nhiêu con mắt
Cùng hát một câu
Nghe giọng biết người chung thuỷ

Bên kia sông Đuống, tr. 98

Quan họ, trước tiên, là tình bạn. Có gì đẹp bằng tình bạn thuỷ chung? Đôi bạn quan họ không được kết hợp với nhau. Năm mười năm sau khi đi lấy chồng xa, cô gái vẫn nhớ giọng, người gầy như nhánh mai:

Rồi chị Tư tay bồng tay bế
Mỗi năm một lần về quê hương
Đến thăm anh Năm so giọng cũ
Hát hết tuần trăng không hết thương

Bên kia sông Đuống, tr. 103

Đẹp bao nhiêu những con người chung tình với một giọng hát, ngọn gió qua cầu:

Mẹ xưa dối bà, con nay dối mẹ
Tình không dối được nhịp cầu

Bên kia sông Đuống, tr. 100

Làm thơ, rất khó mà nói dối được lâu. Cuộc đời ở đâu, thời nào cũng vậy, đan kết những tranh chấp, bon chen. Tiếng hát quan họ giải thoát: so lời sánh giọng, người hát không nề hà hai chữ được thua:

Hát thi ba mươi sáu giọng bổng trầm
Tìm những anh chàng hát thua
(...) Chúng ta sẽ ướm làm chồng

Ngày hội năm sau
Anh sẽ bắc giàn hoa lý
mời em về ngồi nghỉ
Khi nào em hát thua anh

Bên kia sông Đuống, tr. 99

Nghệ thuật, trong một giây lát nào đó, giải phóng con người nhọc nhằn và nhục nhằn, ra khỏi xã hội phong kiến đen ngòm:

Trai gái trong xã
Rút ống chân khỏi mực đen ngòm
Chạy ra bến sông khoả ánh trăng mát rợi
Tiếng hát cất lên nhuộm mùi hoa bưởi

Bên kia sông Đuống , tr. 109

Câu thơ Hoàng Cầm không hiện thực, không đúng với thực tế quan họ và xã hội. Không ai thoát thân chạy ra bờ sông mà hát. Hát quan họ phải có nơi, có lúc, vào đám, vào hội theo nghi thức, theo lề lối, áo khăn, lời thưa tiếng gửi; làm gì có chuyện hát ào ào chân khoả ánh trăng. Nhưng câu thơ đúng với biểu tượng văn nghệ: nhiệm vụ văn nghệ là giải phóng con người ra khỏi áp bức của những chế độ hay những hoàn cảnh, thực tại éo le. Trong chừng mực nào đó, quan họ giải phóng giai cấp: cô gái quan họ dù có lúc trở thành Ỷ Lan phu nhân hay Bà chúa Chè thì bản thân quan họ vẫn khẳng định “Tiếng hát không biết đi võng đào” và công phá những thành luỹ của phong kiến

Tiếng hát chiều nay đá lắng tai nghe
Muốn cựa mình đổ xuống
Nghiến vụn toà lầu ngất ngưỡng
Xây nên trăm bực gập ghềnh
Để em có đường lên núi tìm anh

Bên kia sông Đuống, tr. 114

Vẫn là cái nhìn lý tưởng hoá. Tách rời ra khỏi xã hội, trong khuôn khổ những hội hè, tiếng hát quan họ giải phóng con người về nhiều mặt – kể cả giai cấp. Những liền anh liền chị là những nông dân hay thị dân nghèo kết nghĩa bằng nghệ thuật, không phân biệt địa vị. Giới khoa bảng, quan lại và tư sản không tham dự vào những sinh hoạt dân dã bình đẳng và phi giai cấp ấy. Người hát kết bạn, luyện giọng, tổ chức, sáng tác, trình diễn, thưởng thức và phê phán, làm thành một xã hội khép, với những lề lối, quy luật, tư duy, rung cảm riêng: quan họ là một ốc đảo giữa xã hội nông nghiệp phong kiến, và tồn tại lâu dài, phần nào, nhờ thoả hiệp. Hoàng Cầm cũng thừa nhận điều đó khi anh tố cáo gay gắt xã hội phong kiến qua cụ tiên chỉ gian xảo và tàn ác.

Văn nghệ quan họ có giá trị nhất định và giới hạn nhất định. Nếu xem thơ Hoàng Cầm là niềm u hoài, vọng lại một nền văn hoá đã vang bóng, thì chúng ta có được nhiều bài thơ hay, giữ lại và truyền đi những tình hay ý đẹp về quê hương, đất nước. Nếu xem Tiếng hát quan họ như một hoài bão, thậm chí một thông điệp văn nghệ, thì chúng ta cần cập nhật hoá nó, bằng nhiều tác phẩm khác. Thời điểm gian nan 1956 tại Hà Nội, Hoàng Cầm làm được những bài thơ như vậy là đầy sĩ khí. Tôi không tiện nói nhiều về khuynh hướng phản kháng trong Tiếng hát quan họ vì không hạp với nội dung bài này. Từ ấy đến gần đây, dù bị cô lập và cấm đoán in ấn, anh vẫn âm thầm sáng tác và tạo được tác phẩm giá trị, làm giàu làm có cho dòng thơ Việt giữa hai bờ truyền thống và hiện đại. Bằng tác phẩm và bằng cả cuộc đời, tác giả Bên kia sông Đuống đã đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng văn nghệ, mãi cho đến lúc “ngọn lửa reo mòn tuổi tác”.

Men đá vàng: những mảnh đời rạn vỡ

Men đá vàng là tập thơ có sắc thái và địa vị riêng biệt trong tác phẩm Hoàng Cầm. Truyện thơ về người thợ gốm Bát Tràng làm năm 1973 in 1988, gồm phần dẫn nhập bằng văn xuôi thi vị, 13 trang và bốn chương thơ tự do, diễn tả tâm tình bốn nhân vật, ba người thợ gốm: cô gái Phong Kiều, người chồng, người cha và một người bạn đục đá. Truyện kể: người chồng mê chơi đi hoang, người vợ chờ mong hoá đá; chồng về hối hận khóc than, nước mắt thấm vào thân đá, bột đá hoà lệ thành men đá vàng, người cha nghệ sĩ tạo hình nung lửa tạo nên men gốm, trên đó cô gái Phong Kiều hồi sinh dưới hình tượng nghệ thuật: “ Từ chiếc bình men rạn nổi hình con phượng muôn màu ngậm mặt trăng nghiêng, cô gái Phong Kiều vươn vai đứng dậy (...) Trong bản tình ca hoà tấu tuyệt diệu của âm thanh, màu sắc, đường nét núi sông cây cỏ, Phong Kiều múa rẻo bàn tay làm hoa mưa hoa nắng. Cụ Hồng Châu đắm nhìn công trình sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam và của chính mình” (tr. 20-21).

Dụng tâm tác giả khá rõ: một mặt ca ngợi nghệ thuật làm gốm lâu đời của quê anh, qua đó, anh nêu lên quá trình gian khổ của lao động nghệ thuật. Mặt khác, anh muốn dựa vào hư cấu đậm màu huyền thoại để thí nghiệm một ngôn ngữ thi ca mới, bằng cú pháp, nhịp điệu và hình ảnh khác lạ. Khi dồn hết tâm can vào việc kiến tạo ngôn ngữ, Hoàng Cầm cũng đã giãi bày nhiều tình cảm riêng tư: Men đá vàng có lẽ là tác phẩm Hoàng Cầm mang nhiều ẩn ức và u uẩn nhất.

Trong việc suy nghĩ, biên khảo về thơ trước đây, trong một thời gian dài, đã xa, tôi có chịu ảnh hưởng nhà bác học Gaston Bachelard, về những mạch thơ tuôn ra từ thể chất, từ không gian, từ tứ tượng trong vũ trụ quan phương Tây: đất, nước, lửa và không khí. Khi đọc thơ Hoàng Cầm về nghề gốm, tự nhiên, tôi nhớ lại Bachelard: gốm là hợp thể giữa đất và nước, thành hình trong ngọn lửa bừng trong không khí. Bachelard lại có những trang tuyệt vời về ngọn lửa tình và lửa dục4 thêm vào những suy nghĩ sâu sắc, độc đáo về thao tác quấy bột, gột hồ, nhào bột dậy men5. Gốm, từ vô thể biến thể thành hình thể, từ chất liệu vô tri hoá thân trong ngọn lửa, trở thành đường nét, màu sắc mang tâm tình, suy tư, mơ ước của con người. Đẹp quá. Tôi mang ngọn lửa trần gian soi vào thi phẩm Men đá vàng.

Tôi cũng có ít hành trang khác. Trong Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm đã có những chùm thơ về ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Lại có chùm thơ về thực vật: Cỏ, Cây, Lá, Quả, về không gian: Gió, Nước, Khói, Sương, chứng tỏ có lúc nào đó, nhà thơ đã suy nghĩ về chất liệu, tư duy từ chất liệu. Trong cội nguồn thi hứng của anh, phải chăng đã có những giấc mơ thành hình từ thể chất, như Bachelard đã nói?

Và khi chọn nghề gốm để biểu trưng cho nghệ thuật, phải chăng lúc đầu – hay trong tiềm năng – Hoàng Cầm muốn tìm về những chất liệu sơ khai và “ ánh lửa sơ sinh” để nhào nặn nên một tác phẩm mới? Nghề gốm Bát Tràng là cơ hội lý tưởng, là truyền thống của quê hương mà anh thuộc lòng ngõ ngách. Nghề gốm đòi hỏi cần lao, kỹ thuật, nghệ thuật và may mắn, vì những thành quả bất ngờ gợi nên cõi huyền bí của thiên nhiên, chiều sâu tạo vật. Hòn đất vươn lên theo ngọn lửa, hoá thân thành chim muông, hoa lá, những rồng chìm phượng nổi, “màu son của đất pha ánh biếc của nước non (...) màu vàng của ngô lúa pha ánh hồng của những rạng đông huyền thoại” (tr. 18). Có cả tình yêu và tình dục bập bùng trong ánh lửa. Cô gái Phong Kiều, hình ảnh hoang tưởng của Nàng Thơ, âu yếm với ba người đàn ông cùng một lúc, cầm tay người chồng đã “ngày đêm canh sức lửa”, kề vai người bạn thợ đá, “ôm cả hai vai anh, run rẩy đặt môi hôn lên vầng trán”, và “đằ m thắm nở nụ cười quyến rũ” (tr .21) với chàng tuổi trẻ ái mộ nàng trên con đường đi tìm tình yêu và nghệ thuật.

Muốn đạt tới kết quả đó, bàn tay thao tác đã tư duy. Trí tuệ có khi chỉ nối dài tư duy của bàn tay. Nhào nặn thể chất, rung cảm bằng thể chất, bàn tay tiếp xúc, khám phá, mơ mộng và sáng tạo ngoài sự tham dự của trí tuệ. Đây là bài học của người thợ gốm “mười ngón tay chai tạc vó ngựa vàng cố lý”.

Một tiểu phẩm thủ công, khi vươn đến nghệ thuật, cũng đòi hỏi tâm huyết:

Xuống đất quánh ngà ngà pha lệ đỏ
Buồng gan hồng thạch
Dạ kim cương
(...) Nghe
lửa réo lò hồng
em níu vai anh mê ly
từng li ti mi li đất chín

Men đá vàng, tr. 32-34

Đến lúc người cha nghệ sĩ tạo hình truyền lệnh:

Men màu đâu ? Lên ngôi!
Men nâu lên
nình nịch vóc lực điền
vuông ngô lúa
tròn ao cá chép
vuông mùa xanh
tròn tiếp mùa vàng
(...) Men rạn lên ngôi
tia máu đan mành che bão táp
Nẻo người đi chằng chịt mấy muôn năm
ngang dọc nước sông Hồng

Men đá vàng , tr. 46-48

Từ chuyện gốm Bát Tràng, Hoàng Cầm đã sa đà vào phong cảnh đất nước quê hương, qua địa lý, lịch sử, cho Văn Lang, Hồng Bàng, lớp lớp cánh cung căng mùa dân tộc hát, tiếng trống đồng Ngọc Lũ vang đến Sao Đẩu Sao Ngưu... Nhưng anh mỗi lúc một xa chủ đề trung tâm, là... cái lò nung gốm.

Truyện người thợ gốm lẽ ra sẽ giản dị là chuyện hai bàn tay tạo tác, đào luyện, nhào nặn, nung đúc một chất liệu dẻo dai, gắn bó, bền chắc keo sơn, thành những đồ sành đồ sứ men ngọc men nâu nổi tiếng từ thời Trần thời Lý. Nhưng người đọc không thấy được sự hình thành của nghệ thuật qua những tác phẩm vững chãi, rắn rỏi với thời gian, mà chỉ thấy sau nhiều đợt hô phong hoán vũ, những chia ly, tan tác, chủ yếu là tâm sự Hoàng Cầm, người cha xa con, người chồng ân hận, người bạn hồi tâm. Những tình cảm đó đáng kính đáng trọng, lời thơ tế nhị hơn những bài tâm sự sau này trong tập Lá diêu bông (1993), nhưng vẫn làm loãng men đá vàng trong chủ đề. Hoàng Cầm yếu đuối, lạc đường vào tâm sự và lỗi hẹn với Đá Vàng; anh làm lỡ cuộc tình bỏng rát giữa lửa hồng và đất mịn.

Điều còn lại trong Men đá vàng sẽ là niềm nhớ mong da diết của người cha:

Thương con đứng thương
để vàng m en gọi ngồi th ương
Con hỡi Phong Kiều về đó
Men màu mơ giọt đỏ đọng lòng tay
rớm máu mẹ cha sinh
Thương con chín thương
đá vàng men gợi mười thương
Con hỡi Phong Kiều về đó

Men đá vàng , tr. 50

Hay bản tình ca tha thiết của người yêu:

Đá hãy lên men
Nổi khúc tiêu bồng cánh nhạn
Em nhớ thương ai
Ta làm mưa đưa trầm ngải
Trải ngàn xanh về hàn đắp hồn đau
Sớm đã da non hồng phấn dậy thì
Em xót thương ai
Ta làm ánh chớp (...)
dìu sợi tóc mai về thềm mai lất phất
Em mong chờ ai
Ta làm rơm ổ
Chiều thu ru lá đỏ ấm vai gầy

Men đá vàng , tr. 60

Men đá vàng mong được hiểu theo nghĩa thứ hai: lớp men nhớ nhung tráng lên kỷ niệm đau thương những cuộc đời tan tác, hơi men đắng cay bốc lên từ cảnh đá nát vàng phai, bình tan gương vỡ. Men đá vàng khô se manh áo tân hôn cuối giường em gửi lại (tr. 39). Tác phẩm là những mảnh tan vỡ của ngôn từ, rạn nứt từ cuộc đời ngang trái.


Đặng Tiến

Noël 1993




1 Georges BOUDAREL, Cent Fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, nxb. Jacques Bertoin, Paris 1991, tr. 26 đến 46.

2 Hoàng Cầm, Con người Trần Dần, Nhân Văn số 1, từ 10 đến 20 tháng 9.1956, Hà Nội, tr. 2 và 4.

3 Hoàng Cầm, Tử Phác với điệu Múa Sạp, Tạp chí Âm nhạc, Hà Nội số 4-1993 Xuân 1993.

4 Gaston BACHELARD, La psychanalyse du feu, Gallimard, Paris 1949, chương 4.

5 Gaston BACHELARD, L’eau et les rêves, Essai sur l’Imagination de la matière, José Corti, Paris 1964, tr. 142-154.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét