Thế Uyên
Đoạn đường chiến binh
(Đoản văn)
Đoạn đường chiến binh là tên gọi một khoảng đường dài từ bốn trăm đến một ngàn thước trong các quân trường. Người tân binh phải chạy từ đầu đến chót con đường này, lúc chui dưới kẽm gai, lúc bò dưới địa đạo, lúc leo lên cầu cao, khi chạy qua cầu khỉ, lộn nhào qua cửa sổ. Một người khỏe hết sức ngoài đời, khi đến chặng chót của đoạn đường chiến binh, cũng mồ hôi chảy thấm tới giầy và thở hắt.
Người viết trong nhiều năm gần đây ôm ấp tham vọng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết thật dày, phác hoạ bối cảnh sẽ là tất cả những chặng khổ đau của dân tộc Việt Nam trong mấy chục năm nay. Nhưng dĩ nhiên là chưa viết được chương nào cả vì chính người viết cũng còn đang từng chặng, từng bước mà vượt qua đoạn đường chiến binh của chính mình. Bởi thế, người viết cũng rất buồn khi, đáng lẽ phải đưa ra một trường giang tác phẩm, lại chỉ gửi tới những người đọc những ghi chú riêng tư trong cuộc đời mình. Nếu có một hy vọng an ủi nào, đó là kỳ vọng người đọc sẽ tìm thấy qua đoạn đường chiến binh chẳng ra gì của người viết vài nét chính phác lược của đoạn đường chiến binh dân tộc Việt Nam đang băng qua – không biết đã tới chặng nào.
Người viết
Mục lục
Những tháng ngày qua
Đoạn đường cát lở
Đi tìm một niềm tin đã mất
Thay lời vào đề cho tập thơ Chu Vương Miện
Ông thầy tội nghiệp…
Thực tại và văn chương
Người chứng mệt mỏi: Phạm Duy
Kẻ thuộc bài: Miên Đức Thắng
Cuộc hành trình làm người Việt Nam qua Trịnh Công Sơn
Tình ca ranh giới sống – chết
Những căn nhà của tôi
Cánh chim sẻ trong vườn
Thất bại một cuộc cách mạng
Người cách mạng là người bảo thủ
Vẫn tháng ngày qua
Những tháng ngày qua…
Mỗi một người đều cần có một quê hương để trở về vào tuổi già hay vào những thời kỳ mệt mỏi hay chán nản trong đời. Các con người quốc tế hay những kẻ bốn biển là nhà, thực ra cũng vẫn có một quê hương – dù một quê hương quan niệm khác thường. Giả thử trong vài thế kỷ nữa, con người ngao du dễ dàng trong vũ trụ, thì vẫn sẽ còn còn trái đất làm nơi muốn trở về sau cùng… Bởi thế, ai mất quê hương thực sự của mình, đều phải tạo ra quê hương mới bằng cách này hay thế khác.
Rời miền Bắc sau 1954, tôi mất tới hai quê một lúc: quê nội và quê ngoại. Và cũng như nhiều người khác, tôi vô tình tạo ra một phần và mẹ tôi tạo ra một phần khác một quê hương tạm thời là Đà Lạt. Mỗi lần mỏi mệt, buồn rầu hay chán nản vì làm việc quá nhiều, vì thất tình hay vì một lần nữa lý tưởng lùi xa vời tầm sức nhỏ bé của mình, tôi đều trở về nơi này. Những đồi thông thanh tao bất tận, những lũng nhỏ im vắng, những làn sương mù mùa mưa đã từng làm say mê tâm hồn thiếu thời, bao giờ cũng mang lại cho tôi cảm giác yên ổn và được vỗ về. Cuối năm Âm lịch năm nay, tôi mong muốn trở về thành phố đó hơn bao giờ hết, cần đồi thông ngàn đời cũng như cần những di tích những kỷ niệm của gần mười năm đầy tháng ngày qua trở lại bao phủ, êm đềm và buông thả. Bởi vì những năm đi lính và những năm thất bại mới đây trên con đường đã chọn lựa đã làm thấm mệt, và nhất là bởi vì mẹ tôi đã chọn lựa đã làm thấm mệt, và nhất là bởi vì mẹ tôi đã dứt khoát chọn nơi cư ngụ là thành phố miền núi ấy từ mấy năm nay. Mẹ tôi đã già – như vậy kể như tôi đã tạm có một quê hương mới: không cần đợi tới các cháu chắt, ngay các con tôi trong tương lai chúng có thể tuyên bố với bạn bè là: “Tết năm nay tụi tôi về quê ăn Tết với bà…”. Vậy dĩ nhiên Thi và tôi năm nay hai đứa chuẩn bị chuyến về quê ăn Tết Mậu Thân rất cẩn thận, đan trước từng chiếc áo len, mua sẵn vé máy bay từ đầu tháng Chạp, viết thư cho người anh còn tại ngũ nơi xa và đứa em trai mới giải ngũ nhưng lập nghiệp cũng một nơi xa, hẹn cùng về ăn Tết với mẹ. Cẩn thận hơn, tôi còn biên thư dặn mẹ tôi hoãn ngày gói bánh chưng lại đợi ngày các con cháu về.
Vào cuối năm các đường bay, cũng như các chuyến xe đò, dầy đặc những người đi một mình, hai mình hay bồng bế con cháu về quê. Dậy sớm từ lúc mới hết giới nghiêm mà xế chiều phi cơ mới đáp xuống phi trường Liên Khương, tôi không hề bực bội bởi vì những khung cảnh quen thuộc đã hiện ra. Con đường lên đèo dài dặc mà không hề sốt ruột như nhiều lần bao năm trước, tôi từ nơi dạy trẻ về thăm Thi khi nàng còn là sinh viên ngày ngày đi học ở một viện đại học nhiều hoa nhất. Lý do thật giản dị: lần này tôi không còn đi một mình. Chiến tranh vẫn có đấy, đang tiếp diễn khủng khiếp, nhưng ốc đảo vẫn còn đó ít nhất cho những kẻ đang dắt nhau về quê mẹ cuối năm.
Mỗi người thường thiết tha với một góc cạnh, một người hay hình bóng một người ở quê nhà. Đối với người này là một bờ tre phủ cành lá xuống mối tình đầu hay ao bèo xanh ngắt, đối với người khác là một góc thềm gạch cũ có một viên gạch long che giấu một hố nhỏ nơi chứa đựng kho tàng báu vật của trẻ thơ… Đà Lạt, quê hương mới của hai đứa tôi còn mới quá, không có những thứ di tích ấy. Chỉ có những tục lệ, ước lệ xây dựng trên quá khứ tình yêu, nhưng bấy nhiêu cũng là tạm đủ. Hai đứa đến uống cà phê Tùng vào tối đầu tiên như bao lần đã làm, nhấm nháp chất lỏng đắng, vơ vẩn nhìn khung cảnh gần như không đổi từ những ngày xưa khi hai kẻ mới là hai tình nhân thường ngồi thật khuya, đến giờ quán đóng cửa mới ôm nhau ra về, leo qua sườn một quả đồi cỏ thấp để rồi lên cao giữa sương mù dầy đặc, đặt môi lên nhau chờ đợi cho nóng dần lên trong chiếc hôn như muốn kéo dài cho tới sáng. Ngày hôm sau, ăn phở điểm tâm, vẫn theo tục lệ hai đứa đến uống cà phê tại quán Domino tồi tàn sau lưng một dãy nhà, ngồi lẫn lộn trên ghế dài với những người lái xe, những người lính và nhiều loại khác nữa… Thú vị và thoải mái, có lúc đưa ly lên từng hớp nhỏ cà phê nóng, tôi nghĩ hơi tiếu lâm và rất tiểu tư sản rằng ít nhất chống Cộng cũng có lý do: để bảo vệ cái cuộc sống có thể hôn người yêu trong sương mù, nghe thổi sáo trong lũng thông, ăn sáng vào lúc mặt trời ngang con sào và nằm lơ đãng ven hồ chẳng làm gì cả hay chỉ để mân mê một cọng cỏ… Đã có đôi chút kinh nghiệm sống với những-người-bên-kia, tôi biết chắc chắn rằng những điều trên không thể có và không được phép có trong bất cứ một chế độ cộng sản nào.
Từ những năm đã lâu vào tận quá khứ miền Bắc, mẹ tôi vẫn có lệ bắt đầu nấu bánh vào lúc xế trưa và thời khắc được tính toán như thế nào để vào nửa đêm những chiếc bánh nhỏ đầu tiên đã chín, bóc ra ăn khói bốc nghi ngút. Năm nay cũng thế. Căn nhà tôn mẹ tôi thuê ở đầu một lũng nghèo có tên chẳng thơ mộng chút nào là Hố Bò, đồ đạc chẳng có gì ngoài những chiếc nệm nhỏ nhiều màu vải bọc khá đẹp lấy từ những quần áo chăn nệm nước-bạn-Hoa-Kỳ bán xôn ngoài chợ. Một chiếc lọ sứt khá đẹp chẳng biết mẹ tội “sưu tầm” ở đâu cắm một cành đào đầy hoa đang nở. Mẹ tôi quả vẫn có tài biến chế và lần này vượt bực bằng cách tạo vẻ Tết thực sự thanh bình bằng những phương tiện thanh bạch cho các con cháu từ các nơi xa về. Đêm đến và sương xuống, lửa chụm thật to không phải mong bánh chóng chín mà để đỡ lạnh, mọi người cùng nhau nói chuyện không cần đề tài, cắn hạt dưa tí tách như than nổ. Vào lúc nào đó tôi thoáng buồn khi nghĩ vào một năm nào đen tối trong tương lai, mẹ tôi về lòng đất và tục lệ nấu bánh chưng sẽ chẳng còn. Các em gái tôi cũng như Thi, không người nào học được nghệ thuật ấy và dù sau này tôi có mua được cả tạ bánh mứt, Tết cũng chẳng còn hương vị cũ. Không phải chỉ vì lúc ấy mẹ tôi đã qua đời mà vì sẽ biết nấu bánh vào đâu trong thành phố mỗi ngày một theo nếp sinh hoạt của bên kia đại dương… Lấy chiếc gậy dài cời than hồng, tôi thoáng thấy rằng có lẽ ở cao ốc chọc trời, ăn bánh kẹo thật ngon của Tây phương, ở phòng có máy lạnh cũng chẳng thú vị gì so với hương vị xưa cũ của xã hội Việt Nam với dưa chua, thịt đông, pháo và bánh chưng đang sôi sùng sục trong nồi. Nghĩ xa thêm tôi tự hỏi về sau con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào đây? Nếu chỉ như một anh chàng Mỹ-thuộc-địa hay con kiến lao-động-anh-hùng-vô-sản thì thật đáng buồn và vô nghĩa cho những nỗ lực cách mạng hay cải tạo xã hội bây giờ. Thật chưa bao giờ tôi thấy tương quan mật thiết giữa sự sinh tạo văn hoá mới và cách mạng xã hội bằng lúc này, trước nồi bánh chưng nước bên trong sôi ầm ì trên bếp lửa giữa sườn đồi. Và tôi tự nhủ trong cuốn sách đang viết về những vấn đề căn bản của cách mạng, trong phần dự phóng cho xã hội mới, sẽ không được quên vấn đề tạo dựng một khung cảnh nhân bản cho cuộc sống bằng cách tân tạo hay phục hồi một số tục lệ cổ truyền. Nếu một danh nhân nào đó đã nói con người ta không phải chỉ sống bằng bánh mì thì tôi, một anh chàng da vàng mũi tẹt nhược tiểu ngồi canh nồi bánh cho mẹ vào một đêm cuối năm Âm lịch muốn bổ túc thêm vào: con người không phải chỉ sống bằng bánh mì mà còn bằng cách thế, hình dáng và nơi chốn tạo dựng của các bánh mì nữa. Người Nhật quả thật đã phạm một lầm lỗi trọng đại trên đường canh tân và kỹ nghệ hoá của họ khi họ bỏ không ăn Tết theo cổ truyền.
Những ngày trước Tết, trung tâm Đà Lạt đông đảo khác thường, ngày cũng như đêm. Đến sáng, hàng hoá, bánh mứt, hoa lá tràn đầy… Và tôi được chứng kiến cảnh chắc chưa bao giờ có ở Đà Lạt từ khi thành lập thành phố: cảnh binh phải chỉ đường cho từng đợt người và xe đi như ở một ngã tư Sài Gòn. Nhưng tại nơi đây hơn cái đô thành lúc nhúc đầy bụi ở điểm không hề có du đãng cao bồi phá phách hay làm truyện gai mắt. Những hành động quá trớn nhất vẫn chỉ là đốt pháo ném tung nổ trên đầu mọi người – tôi không làm bởi vì đã quá già cho trò đó, đốt pháo bông cây sáng lòe tứ phía – tôi có làm bởi vì yêu cái khoảnh khắc hư ảo và ngắn ngủi của thứ hoa ánh sáng ấy, hay mua chùm bóng cột dây pháo vào dưới rồi thả lên cao, pháo nổ dần lên tới bóng và bóng nổ đốp trên không gian – tôi muốn làm nhưng không làm bởi vì quá tốn tiền. Nhưng không sao bởi vì đứng nhìn người khác thả cũng được, vào những đêm thế này chia sẻ nỗi vui với kẻ khác không khó khăn gì… Nhưng đêm khuya trên con đường dốc ngoằn ngoèo với chiếc xe scooter cũ nổ vang và lọc xọc như một thiết vận xa về già, tôi ý thức rõ rệt sự mong manh của các nỗi vui ấy – một sự đe doạ mơ hồ bay lượn đâu đây trên đầu tất cả những người dân đang vui Tết, những kẻ bình an trong các ốc đảo thành phố. Tôi nhớ lại những lời quảng cáo cho Thái độ số trước về chủ đề kinh tế: Hãy tìm đọc… để hiểu tại sao dân Việt năm nay ăn Tết phong phú như vậy… để hiểu đó là bữa tiệc thịnh soạn của kẻ chịu tử hình trước khi lên đoạn đầu đài. Dĩ nhiên đó là truyện quảng cáo nhưng chúng đủ phản chiến, nguỵ hoà, chủ bại, thiếu chiến tranh chính trị để người bạn chủ bút một báo của quân đội phải đăng nhỏ xíu lẫn vào các mục linh tinh rao vặt… Nguyên nhân của những lời quảng cáo đó thật không có gì bí hiểm hay tiên tri: với tình trạng như hiện tại diễn biến mỗi ngày một tồi tệ hơn, thật không khó gì mà không tiên đoán được rằng Tết sang năm sẽ khó còn được như năm nay… Hay nói một cách khác bi thảm hơn, sự sụp đổ hay tan rã của một xã hội sắp bước vào thời kỳ sau cùng.
Có những sụp đổ tan vỡ rất chậm chạp kéo dài trong thời gian tương tự sự mục nát dần của một căn nhà cổ, những người sống bên trong khó ý thức được. Chỉ nhìn thấy rêu xanh gạch vỡ nhiều hơn một chút, nghe tiếng cánh cửa cót két hơn một chút… Có những sụp đổ khác ồn ào ngoạn mục hơn, người ở trong cũng như người ở ngoài đều nhìn thấy rõ để có thể tìm cách chống đỡ hay xô cho chóng sập hơn. Sự sụp đổ của xã hội miền Nam mang cả hai cách thế ấy.
Dĩ nhiên tôi không tiếc thương gì cái xã hội mục nát thối tha ấy và đã góp nỗ lực nhỏ bé của mình đẩy cho nó chóng sập hơn để xây dựng lại cho tốt đẹp hơn. Có những người khác cũng đang làm điều đó nhưng với sức mạnh vô kể và trên một kích thước lớn lao hơn nhiều. Trước hết là những người cộng sản đang vung tay bạo động đập nát tất cả – tôi không chống sự đập nát này nhưng tôi chống cách thế họ đập: họ đốt luôn tất cả, và tôi hoàn toàn không đồng ý với họ về cái mô hình xã hội mới họ dự trù. Nhìn trở lại chế độ Bắc Việt, thấy công bình xã hội hơn, đường sá sạch sẽ hơn, hiện năng sản xuất cao hơn… nhưng tất cả ở trong một bầu khí lạnh lùng, không hương hoa không trăng sao, không có chất ẩm quyến rũ của cuộc đời… Tất cả dựa trên một căn bản, kiểu mẫu nhập cảng từ Tây phương tới: máy móc, chính xác, hiệu năng. Con người có vẻ trở nên giống như một con mối hay một con kiến. Tổ mối tổ kiến quả có sạch sẽ, xã hội mối và kiến quả có tổ chức có công bình có sự làm việc theo khả năng hưởng thụ theo nhu cầu, nhưng quả thật tôi không ham thứ đời sống ấy.
Nhưng tôi không tiếc thương gì cái xã hội mục nát thối tha hiện nay và đã góp nỗ lực nhỏ bé của mình đẩy cho nó chóng sập để xây dựng lại cho tốt đẹp hơn. Những người cộng sản cũng đã làm, như đã trình bày – nhưng không phải chỉ có những người cộng sản mới làm công việc ấy. Còn có người Hoa Kỳ cũng đang góp phần đáng kể trong việc tiếp tay làm chóng đổ căn nhà… và góp bằng cách thế ồn ào hơn, sặc sỡ hơn, lộ liễu hơn… Nếu tôi không chấp nhận sự đập nát của người cộng sản, tôi cũng không chống sự tiếp tay của người Hoa Kỳ – nhưng tôi tự hỏi mô hình xã hội mới nước-bạn-đồng-minh-vĩ-đại này định mang lại cho chúng ta là như thế nào đây.
Đã nhiều khi thật hết sức khách quan, tôi xét lại các đóng góp của người Hoa Kỳ cho Việt Nam hiện tại và tương lai, thấy chẳng có gì. Chẳng có gì ngoài võ khí đủ loại, ngoài snack-bar, cao ốc, mini jupe áo montagut, quần jean… Nếu không phải là người có đọc sách báo và hiểu phần nào nước Mỹ, nếu tôi chỉ là người nông dân hay tiều phu ở đồng ruộng xa hay sườn núi khuất nẻo trở về đây, chắc tôi dám có thể kết luận rằng dân tộc Hoa Kỳ chẳng có văn hoá nghệ thuật, văn hoá văn minh gì cả – trừ phi gọi các vũ khí tràn ngập lãnh thổ Việt, các snack-bar cùng điếm, quần áo khiêu dâm… là văn hoá hay văn minh Hoa Kỳ.
Sau khi cố đô Huế bị tàn phá, tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố sẽ xây dựng lại hộ. Nước Mỹ thừa tiền làm được, nhưng xây dựng lại như thế nào đây? Đường sá thẳng thước thợ đèn xanh đèn đỏ chạy dọc các cao ốc, ăng ten tua tủa? Nếu quả dự án là như thế thì chỉ còn việc đặt một tên Mỹ cho cố đô nữa là xong việc xây cất một thành phố trong… một tiểu bang Mỹ. Hay sẽ căn cứ vào các đồ bản còn lưu trữ mà xây là từng bức tường thành, từng cửa thành nội bằng bê tông cốt sắt như người Nhật đã làm với các kiến trúc cổ bị phá hủy hay quá hư nát vì chiến tranh? Như thế có vẻ được hơn một bực nhưng có ai làm lại được thực sự quá khứ bao giờ – dù quá khứ đây chỉ là một cố đô tan nát. Xây dựng lại như thế chỉ là một thứ giả trá nguỵ tạo chỉ có thể làm hài lòng du khách ngoại quốc mà thôi. Nếu tôi ở vị trí nguyên thủ Hoa Kỳ, tôi sẽ im lặng trước biến cố đau buồn này, im lặng để chia sẻ nỗi buồn của một dân tộc bạn, hay ít nhất cũng để tôn kính nỗi bi thảm của một dân tộc đang suy tư về cái giá đã phải trả cho cuộc chiến tranh này.
Các cuộc tấn công vào tiểu khu Tuyên Đức đã xảy ra nhưng mẹ tôi không tản cư dù nhà ở gần vị trí quân sự ấy. Một phần vì tính trầm tĩnh của bà, một phần vì lũ lính cựu đông đảo trong nhà là bọn chúng tôi và các con rể đều cả quyết rằng vị trí căn nhà ở một chỗ trũng khoét vào sườn đồi như thế, tên bay đạn lạc khó tới. Ở cùng Thi tại một chỗ khác, khi nghe tin các trận đánh xảy ra, nỗi lo ngại lớn nhất về căn nhà đó là e các người-bên-kia vào ăn hết bánh chưng mà thôi… Đêm cuối cùng ở Đà Lạt, tôi và Thi sang ở với bà để tiện đường tới Air Việt Nam. Thung lũng Hố Bò chưa trở lại bình thường, lính nằm phục rải rác, chó cắn liên tục. Đêm khuya tất cả đã ngủ, mẹ tôi pha trà uống và hỏi tôi về những chuyện đã làm và sẽ làm. Vào một lúc nào đó, mẹ tội đặt câu hỏi: Đã không đồng ý với cả cộng sản và Hoa Kỳ như thế, vậy cái xã hội mới ấy sẽ như thế nào?
Câu hỏi làm tôi khá lúng túng vì chưa định hình được cho rõ rệt các dự phóng của mình. Nhưng rồi cũng trả lời được, miêu tả được – một cách khá rườm rà. Bà mẹ tôi nghe, gật đầu, thế thôi… Làm tôi có cảm tưởng mình bé hẳn lại: đã bao lần trong ấu thời và thiếu thời, tôi đã trình bày những dự định to lớn (đối với tuổi tác lúc đó): đi xa vào vùng núi thẳm danh lam thắng cảnh, lẻn vào vùng kháng chiến để coi cho biết chế độ bên kia hay gia nhập đảng phái…, lần nào bà cũng có thái độ như thế. Một bộc lộ lo ngại và tin cậy, một chấp nhận bao dung dù hiểu hay không điều các con định làm.
Sau cùng, để chấm dứt vấn đề, tôi hứa sẽ trình bày rõ hơn qua cuốn biên khảo đang viết dở dang chương đầu. Nhưng lời hứa này làm nhớ tới một câu nói tránh của tôi khi bà hỏi về chuyện tái ngũ: tôi đã nói là chưa chắc… Thực ra, nghe giọng điệu đài phát thanh, tôi đã biết chắc lần này hai anh em rời căn nhà của mẹ, chỉ là để mặc lại những bộ quần áo trận cũ kỹ bạc mầu cất trong một hộc tủ. Và trong vài tháng nữa tất cả con trai con rể, trừ một kẻ đã là thương phế binh, sẽ mỗi đứa một phương – cho tới ngày nào chưa ai biết. Căn nhà tôn nhỏ nằm trong góc sườn đồi của lũng nghèo này của mẹ, sẽ còn lâu lắm mới có lũ con cháu vừa chạy vừa la vừa tuột dốc chạy vào. Và Tết sang năm, chắc chắn vào một ngày nào cuối tháng Chạp, người mẹ già sẽ tiếp tục bắc bếp nấu bánh chưng như thường để gửi cho các đứa con rải rác khắp nước – đã có năm đứa con Tết ở xa tận cùng cao nguyên, vẫn nhận được bánh mẹ gửi như thường. Nghĩ tới hình ảnh đó, tôi thật buồn khi từ giữa bà sáng sớm hôm sau và đột nhiên tôi nói thật lần này về cầm chắc đi lính lại – và bao nhiêu lần từ hồi nhỏ, tôi khuyên bà cứ yên tâm vì tử vi tôi rất tốt! Chẳng biết mẹ có tin bao giờ ở thứ lời bảo đảm đó không, nhưng chưa bao giờ bà khóc vào những lúc như sáng nay, trong một thời gian ngắn tiễn hai con một rể trở lại guồng máy chiến tranh đang ầm ì dữ tợn hơn bao giờ hết.
Lên tới mặt lộ cao, nhìn xuống căn nhà người mẹ khiêm tốn sau vài cây thông già, tôi thấy đã để lại nơi này nhiều dở dang. Mấy ngày hôm trước đây, tôi còn cùng các em đứng ngoài sân chỉ trỏ từ phía mà trù tính mua một miếng đất nhỏ, chung nhau làm một căn nhà gỗ cho mẹ. Một căn nhà chưa làm đã bị chiến tranh tiêu hủy rồi! Như tập sách tôi đang viết dở về vấn đề cách mạng, như một vài nỗ lực nhỏ bé đang xúc tiến thuận lợi…
Trong những ngày kế đó ở Sài Gòn, tôi cố gắng chống lại những hậu quả của những chiến trận vừa qua bằng cách duy trì vài nỗ lực nhỏ bé đã hình thành. Nhưng một sự kiện hiển nhiên xuất hiện: tôi cần phải được ở lại một đơn vị thuộc Sài Gòn mới hy vọng tiếp tục… Kinh nghiệm bản thân cho biết nếu phải túi quân trang vác vai ra đi một đường cung kiếm điêu linh nơi xa thì đừng hy vọng làm được gì khác hơn là viết thư tán vợ và thư tình cho bồ. Lo tới việc này, tôi mới chợt nhận rõ nếu trong xã hội, tôi là đứa con nổi loạn đáng nghi cần phải coi chừng và kiềm chế, thì đối với quân đội tôi chỉ là kẻ cùng đinh lạ mặt. Tôi kiểm điểm lại xa gần, chỉ thấy có một người bạn đang giữ một chức vụ cao trong binh chủng. Tới thăm, người bạn cho biết với quy tắc của thứ binh chủng ưu tú này và cấp bậc tôi có khi tái ngũ, thì chỉ có thể vác AR 15 ra đường mòn Hồ Chí Minh… Tôi cám ơn và trở về bởi vì hai năm thành phố chiến đấu bằng ngòi bút, thể xác đã già nua đi nhiều, võ nghệ binh thư xao xác, không còn đủ sức đủ tài mà đi tiếu ngạo giang hồ như thế. Như vậy chỉ còn một việc là chuẩn bị vào guồng máy với tư cách cùng đinh lạ mặt như xưa, như bao đồng đội khác để guồng máy chiến tranh tuỳ nghi định đoạt.
Trong khi chờ đợi tới ngày giầy cỏ gươm cùn ra đi, tôi yên tâm trở lại với bè bạn tiếp tục làm việc – dù chiến trận vừa qua đã phá hủy nhiều thứ, chẳng còn gì hơn là việc duy trì tờ đặc san. Và nhiều lúc ngồi trong quán uống cà phê nhìn khói thuốc bay trên đầu bè bạn, tôi thấy rằng mình chưa phải là người quốc gia đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng như nhiều người đã lầm tưởng… Tôi còn có thể tiếp tục mơ ước tới một xã hội mới, một nước Việt Nam mới trong đó không có những loài mối kiến hay những con lang sói, một quốc gia sau này cho phép khi chiến tranh kết liễu, lũ con trai của mẹ tôi có thể trở về, bỏ súng bỏ bút xúm nhau lại cưa gỗ rừng mà đóng cho mẹ tôi tóc bạc như sương mù một căn nhà gỗ nằm ở sườn đồi vắng hay đầu một lũng nghèo – tất cả như thế nào để các con cháu sau này có được thực sự một quê hương để trở về.
1 tháng 3 năm 1968
Đoạn đường cát lở
Trong khi phải chờ đợi ngày phải giầy cỏ gươm cùn ra đi lần nữa, tôi lôi chiếc rương sắt mà không một kẻ đi lính đã hơn một lần thuyên chuyển đi xa nào lại không có, lục tìm lại các quân trang còn giữ từ lần đi lính trước. Những bộ quân phục bạc mầu còn nguyên nếp là cứng lẫn với mùa ẩm mốc của một mùa mưa mới qua, những bộ quần áo ngày giải ngũ tôi nhất định không cho ai, từ những người lính trong đơn vị cho đến những người bạn còn nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh. Giữ chúng không phải vì lưu luyến những giọt mồ hôi, những dấu tích của một thời kỳ đã qua – tôi không đa cảm tới mức như thế. Giữ lại đây bởi vì tôi rất ghét phải mặc những bộ đồ quân nhu cấp phát rộng thùng thình, mặc vào có cảm tưởng như mình là một anh chàng pạc-ti-dăng, hình ảnh tủi nhục của một thời kỳ tủi nhục. Giữ lại vì tôi tin rằng quân đội không thể cho tôi giã từ vũ khí dễ dàng: qua kinh nghiệm của Duy Lam và của những người bạn bây giờ thường đeo ít ra một hoa mai trắng, tôi biết rằng ở phần đất này, kẻ nào đã lỡ khoác lên một lần quân phục, thì có quyền hy vọng “chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”. Hơn nữa, đọc lịch sử, nghiên cứu đôi chút về địa lý chính trị và địa lý chiến lược của Việt Nam, tôi được biết rằng cái thường được gọi là “dân tộc Việt Nam hiếu hoà” ấy chỉ là một huyền thoại lớn. Từ khi lập quốc đến giờ, có thời kỳ nào dân tộc này được ngừng cuộc chiến đấu để sinh tồn đâu – và mỗi khi có ngừng, mỗi lần từ vua cho tới sĩ phu trọng văn khinh võ, là y như nạn mất nước đã gần kề. Dân tộc Việt quả thực chưa bao giờ hiếu hoà: thời kỳ nào không có ngoại xâm từ phương Bắc tới, thì chúng ta tây tiến nam tiến, không tây tiến nam tiến thì quay ra đánh lẫn nhau. Bởi thế, tôi quả có lý khi giải ngũ lần trước, đã cố giữ lại những bộ quần áo trận cũ nhưng đã được sửa cho đúng với thân hình.
Chiếc hoa mai vàng duy nhất cũ rỉ còn lại tháo từ nắp túi đeo lưng mốc meo ra đã được gắn lên một ngực áo để trên cùng ngăn quần áo trong tủ, bông mai biểu tượng cho một cấp bậc chỉ huy tuy nhỏ bé nhưng ghi lại một đôi phút tự hào của một kẻ lên lon trong rừng. Mọi chuẩn bị cho một đường cung kiếm điêu linh mới đến đây là xong, tôi trở lại cùng bạn bè cắm cúi lựa bài, sửa bản vẽ cho đặc san thứ ba, nỗ lực duy nhất còn được phép làm. Những buổi sáng cùng vài người bạn bàn về tương lai tờ tạp chí nhỏ bé ấy sau khi tôi ra đi một đường lính tráng, đã qua đi rất mau trong những phút vui khá mỏng manh – bởi vì tôi đã lờ mờ ý thức rằng chế độ chẳng còn cho phép những người cầm bút như tôi lên tiếng nhiều hơn nữa. Và vào một buổi sáng đẹp trời, đặc san đã lên khuôn quá nửa, một văn thư từ bộ thẩm quyền gửi tới cho biết phải đình bản ngay, một văn thư dưới có ghi chú gửi phó bản cho cơ quan an ninh để “tường”. Trong khi chuyển văn thư ấy cho ban biên tập, cũng để “tường” và để “tri hành”, tôi lẳng lặng gọi thêm cho mỗi người một ly cà phê rồi đứng dậy ra cửa quán mua thêm một bao thuốc lá.
Gọi thêm một ly cà phê, mua thêm một bao thuốc lá để ngó nhau, ngó cái xã hội đang chìm dần trong thối nát, trong chờ đợi tháng ngày qua… Một buổi sáng, tôi nhận được thư của một đồng đội cũ, xưa anh làm đại đội trưởng thì tôi phụ tá, cho biết đã lên ba hoa mai và coi đại đội thám kích của sư đoàn cũ. Đọc những hàng chữ ngoằn ngoèo quen biết, những hình ảnh của rừng của cây của đồng hoang xuất hiện trở lại. Đằng nào cũng đi lính, tại sao lại không trở lại đơn vị cũ với vùng chiến trường quen thuộc và ưa thích – tôi rất ghét lội sình, không thích nghe muỗi thổi sáo và đỉa lội như bánh canh nên dù đã mài khá nhiều gót giầy ở bảy đơn vị khác nhau, chưa bao giờ tôi để cho thượng cấp cho nam tiến quá Sài Gòn. Đằng nào cũng chiến đấu, cũng có thể đi ngủ với giun dế, thì sao không đổ mồ hôi trên đồi cỏ cao nguyên, trên bãi cát khô cháy núi cằn, để rồi nếu có phải gục xuống, thì biết đâu mắt chẳng ghi được cành phong lan hay một mỏm núi nào như hình ảnh chót.
Ít nhất còn có thể chọn cho mình một đơn vị và một thứ chiến trường… Một buổi sáng nữa tôi dậy sớm, nhét đầy giấy tờ quân vụ vào một túi, túi kia để giành chỗ cho bao thuốc lá đen, tôi rời đô thành đi tìm đơn vị cũ trình diện. Tới bến xe tỉnh lỵ, vừa bước xuống xe lô, một chiếc Honda đã ghé sát và chủ nhân mời tôi muốn đi đâu thì đi. Thoạt tiên tôi khước từ vì quá quen với hình ảnh những người chở mướn cho các quân nhân nước bạn đồng minh vĩ đại: Lính tráng đi tái ngũ đây, sức mấy mà nhờ xe anh! Chủ xe, còn rất trẻ vẻ mặt sáng sủa, cười trả lời: Em là học sinh mà, nhà cháy tiêu nên đi chở đỡ. Anh cứ lên đi, thông cảm mà… Tôi bèn thông cảm. Một học sinh nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân và một lính cựu già, làm sao thiếu được tình thông cảm! Con đường đưa tới đơn vị xưa hai bên là đồng hoang cỏ bụi, bây giờ đã thay đổi hẳn làm tôi ngỡ ngàng. Không phải là thay đổi kiểu sông kia rầy đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai đã làm buồn một nhà thơ họ Trần. Con đường đã mở rộng gấp đôi và nát bấy, bụi cát bay phủ đỏ hai bên nhà cửa san sát, nhưng không phải nhà để ở mà là nhà thiên hạ nay thường gọi là “biểu tượng của văn minh Hoa Kỳ”: các snack-bar. Hết quán này đến quán khác chạy dài cho tới khu gia binh sát kẽm gai doanh trại, làm tôi có lúc tự hỏi có phải đương đi nhầm đường tới một đơn vị Hoa Kỳ hay không.
Xe phải đỗ ngoài xa, tôi đi bộ vào doanh trại trên đường cát lở ngập quá nửa giầy. Trình giấy tại điếm canh xong, tôi quanh quẩn quanh mấy người lính gác, hút thuốc chờ đợi lệnh cho vào. Không biết làm gì dưới làn nắng buổi trưa chói chang trên cát bụi bám đầy tất cả, cho đến tận đỉnh mũ sắt của người lính gác, tôi lắng nghe họ nói để rồi vào một lúc nào đó biết rằng trong những ngày chiến cuộc cam go vừa qua, có một đơn vị đóng bên này sông Đồng Nai đã chiến đấu với bụng đói dài để rồi cố vấn vĩ đại phải động lòng từ bi xin thượng cấp, dĩ nhiên của cố vấn, ít thực phẩm. Nhưng đói vẫn cứ đói bởi vì đường từ thủ đô miền Nam sang đây quá khó nên đã có lúc xe thực phẩm đi lạc lộ trình để rồi trút hàng xuống một địa điểm không hề được chấm toạ độ trong bất cứ một phóng đồ hành quân nào. Một câu chuyện như thế là thường quá, chẳng còn làm ai ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là nỗi ngạc nhiên đáng thương của mấy người lính kia mà thôi.
Con đường từ cổng trại vào vẫn còn nhiều bóng cây râm mát, dãy nhà dài xưa có lần được mang quân về nghỉ, tôi đã treo võng giữa hai cột, nằm uống chai bia mà cảm thấy thế là hạnh phúc và bình an dưới thế gian, vẫn còn nguyên vẹn nhưng mỗi góc cạnh đều cũ đi một chút, tường loang lở thêm dưới lớp vôi mới quét lại vàng hoe. Viên đại uý tổng quản trị tiếp tôi theo “nghi lễ” dành cho chiến hữu trở về, nghĩa là giản dị, vui vẻ và ngay thẳng – nói một cách khác là không hề phát ngôn như một dân chiến tranh chính trị. Ông cho tôi biết người bạn cũ của tôi đã đi tiểu đoàn phó xa. Như vậy, tôi chỉ còn có vùng rừng cao su và đồng hoang ngoài kia là quen cũ ở xứ này. Nhưng đã đặt ngập chân vào con đường cát lở, tôi chẳng muốn trở về suông nên hỏi có thể phục vụ tại bộ tư lệnh sư đoàn không. Viên đại uý đưa một lý do nào đó để trả lời không rồi mỉm cười. Dù làm lính mới có bốn năm quân vụ ít ỏi, tôi cũng đã hiểu được quân ta thường xuyên chuyển và bổ nhậm căn cứ trên những tiêu chuẩn gì. Sau cùng tôi ngỏ ý xin được về trung đoàn cũ, tiểu đoàn cũ để nhận một đại đội, dù ý thức rằng đơn vị cũ kể như mới bởi vì ai chưa chết thì cũng không còn ở đó. Làm sao tôi còn bạn cũ ở một đơn vị đã rời xa quá lâu, một đơn vị đã bị bôi tên trên một lần trong đó có một lần ở đồn điền M… Lời xin đặc ân này đương nhiên được thoả mãn trăm phần trăm, nhưng tôi đột nhiên chán ngán, không biết vì chợt nhìn thấy bụi bám đầy giầy hay vì cái nóng buổi trưa từ trên mái tôn xuống, nên xin hoãn làm thủ tục tái ngũ tới tuần sau, hạn chót. Viên đại uý cười dặn: Anh nhớ 18 giờ một phút ngày này tuần sau tôi hết thẩm quyền nhận. Sau đó anh phải trình diện ở quân trấn, phiền phức lắm. Tôi mỉm cười đáp lễ và hứa 18 giờ kém một phút ngày này tuần sau sẽ có mặt bởi vì vốn có huyết hải thâm cừu với lũ rệp ở trại nhập ngũ số 3.
Tôi ra về, đi qua con đường khá mát của doanh trại, qua đám lính canh đã từng băn khoăn về lũ thực phẩm đi lạc lộ trình, qua con đường cát lở lún sâu dưới giầy, mắt nhíu lại dưới nắng và bụi cuồn cuộn từ một chiếc xe vừa tung lên cao làm mờ nhạt một thời gian ánh nắng. Một thiếu phụ mặc áo dài chắc sáng nay ra đi là trắng, còn bây giờ là hồng loang lổ bụi phủ, chặn tôi lại để hỏi thăm về một đơn vị. Người con gái quá trẻ, như một nữ sinh mới quẳng cặp sách vào ngăn tủ chưa lâu để làm chinh phụ tập sự. Tôi trả lời những gì tôi biết, nghĩa là gần như chẳng biết gì rồi quay người nhìn theo hình dáng tà áo bay lập lờ sau lớp bụi vừa dầy đặc thêm sau một đoàn GMC. Chắc mấy năm trước đây, Thi cũng đã đi tìm tôi như thế, vất vả và lạc lõng.
Buổi tối ở Sài Gòn, tôi kể lại Thi nghe mọi việc trong ngày giữa một ngụm cà phê và một làn khói thuốc cùng một vài đoạn nhạc từ máy phát thanh dưới chân. Nhạc bỗng ngừng và một thông cáo được đọc lên cho biết tất cả giáo chức cựu quân nhân như tôi phải về trình diện gấp Bộ Giáo dục để phụ trách huấn luyện quân sự học đường. Tôi nghe biết mà không buồn không vui: không vui vì biết kiếp lính thành phố sẽ là như thế nào và hiện chẳng còn công việc gì đòi hỏi tôi phải ở lại thành phố này, cái thành phố nổi danh vì điếm và rác rưởi đủ loại. Nhưng cũng không buồn bởi vì khi cúi nhìn đôi giầy còn đầy bụi mang từ con đường cát lở về, tôi âm thầm tự kiếm trong mình một lý do để bộ quân phục bạc trắng kia có được một ý nghĩ, chứa đựng được một lý tưởng để cho những giọt mồ hôi sẽ đổ ra sau này thấm được vào trong một niềm an ủi.
Đi tìm một niềm tin đã mất
Tấm ny lông đã trải ra phẳng phiu trên gạch, túi đeo lưng đã để gọn một góc, tôi mở bi đông uống một ngụm dài chấm dứt công việc chuẩn bị cho chỗ ngủ qua đêm. Không còn thiếu gì cả, khẩu carbine đã dựng trên vách tường với kẹp đạn lau chùi sạch sẽ theo đúng tiêu chuẩn quân trường. Nhưng ánh sáng xanh hắt từ phía bên kia sang không phải là ánh trăng dãi lạnh lùng của miền tiền tuyến mà là ánh đèn néon từ Phủ Thủ tướng, và thềm gạch cao tôi sẽ ngủ đêm nay không phải là đầu hè một căn nhà của miền xôi đậu mà là thềm hiên của trường Đại học Văn khoa… Guồng máy chiến tranh lần này đã quay theo chiều hướng khá an bình: tôi đã được tấn phong đầy đủ làm người lính thành phố lo việc huấn luyện quân sự nhập môn cho sinh viên của trường đại học xưa kia tôi đã có lần mài chưa kịp mòn hết đũng một chiếc quần mẹ may. Hàng rào kẽm gai có đó, súng đạn có đó, có nằm đất có trực có ứng chiến có mồ hôi đổ ra giữa trưa nắng, nhưng ánh đèn néon đều đặn từ Phủ Thủ tướng đồ sộ tiếp tục chiếu sáng như nhắc nhở êm ái chan hoà chữ Thọ viết khá đậm nét trên khuôn mặt những thầy trò tái ngũ trên thềm hiên.
Vào khuya, các tiếng cười nói đã im vắng dần, ánh hoả châu thả vùng ven biên đã đưa ánh sáng ốm yếu vào đầy cái doanh trại bất đắc dĩ của những người lính bất đắc dĩ này, tôi vẫn chưa ngủ được. Không ngủ được bởi vì sau vài tuần làm lính trở lại, đã quen thuộc với sinh hoạt mới, tôi bắt buộc phải trở lại đối diện với một băn khoăn day dứt lúc ẩn lúc hiện kể từ buổi sáng lạnh và sương mù, từ giã căn nhà người mẹ an bình và khiêm tốn sau vài cây thông già: vì căn cớ gì tôi trở lại với quân ngũ, vì lý tưởng vì niềm tin nào đây tôi chấp nhận chiến đấu…
Tôi đã thi hành nhiệm kỳ quân dịch thông thường của một công dân khá chu đáo để lương tâm thanh thản nhường chỗ cho những kẻ chưa đi, và gần đây tôi đã có cơ hội thuận lợi để làm vô hiệu hoá lệnh tái ngũ bằng cách nhận một “chức quan nhỏ” tại một cơ quan dân sự để được đương nhiên xếp vào thành phần chuyên viên hay trí thức “tối cần thiết cho sự tồn vong của quốc gia”. Nhưng tôi đã để mặc guồng máy chiến tranh đưa đi một lần nữa. Tại sao vậy trong khi tôi biết tôi chẳng hề là anh hùng hay ham được tuyên dương là anh hùng trước hàng quân hay trên báo Tiền Tuyến. Tại sao tôi lại đặt vấn đề, lại có một băn khoăn như vậy trong khi chính vào lúc này, tôi vẫn không tin tưởng một chút nào ở cái thiên-đàng-dưới-thế của những người cộng sản.
Mấy năm trước đây làm thầy đồ trẻ tha phương cầu thực ở thị trấn buồn-muôn-thuở vì buồn-muôn-thuở ấy, khi tiếp nhận giấy gọi đi lính, tôi đã thấy háo hức trong lòng. Và thấy có một niềm tin trong tâm hồn ngay cả khi nằm trên ván của trại nhập ngũ đầy rệp, ngay cả khi một đêm trong quân trường ngái ngủ theo anh em ra ngồi bệt ở vũ đình trường để nghe một thượng cấp giải thích về vụ đàn áp vây chùa bắt sư, mà lo lắng tự hỏi những thân nhân bạn bè của mình ai còn ai mất ai đã tù đầy.
Niềm tin tưởng cũ ấy của tôi đâu, nỗi háo hức được cầm súng chiến đấu xưa kia nay đã phiêu bạt phương nào?
Nếu người xưa đã nhận định chính xác rằng chuyện con giết cha bầy tôi giết vua không phải một sớm một chiều mà phát sinh, thì hẳn trong năm năm gần đây, trên nhiều đoạn đường chiến binh đã trải qua, tôi không những đã để lại những giọt mồ hôi thấm vào vải cái quần rơi trên cát khô trên cỏ úa, mà còn để lại rải rác mỗi quãng một vài mảnh vụn vỡ của một niềm tin tưởng cũ. Nói như thế không có nghĩa là tôi đã thay đổi tận căn bản lập trường chính trị đã có, tôi vẫn còn là người chống cộng. Nhưng bao lần khó nhọc leo qua một chướng ngại vật hay khổ đau bò dưới những lớp kẽm gai khống chế, tôi đã cảm thấy dần dần từng chút một, như từng giọt nước mắt của những người mẹ người vợ mất con mất chồng, cái lý tưởng thường được gọi là “chống cộng” dần dà không còn sinh lực tạo hăng hái phấn khởi cầm súng – ít nhất là cho cá nhân riêng tôi.
Bất quá thứ “chống cộng chủ nghĩa loại cổ điển” ấy chỉ còn đủ thoả mãn cho phần lý trí, còn tự tình tự, tự thâm tâm, đã xuất hiện một đòi hỏi gay gắt một lý do một lý tưởng không mang ảnh hưởng cộng sản cũng chẳng chịu khống chế bởi tư bản, một lý tưởng dân tộc có thể làm cho tôi sẵn lòng đổ máu, què một chân cụt một tay hay chôn vùi trong lòng đất quá sớm trước hạn kỳ thông thường của kiếp người. Tôi còn chống cộng như thứ chống-cộng-kiểu-cổ-điển đã có từ bao năm ấy không đủ làm tôi trao trả đơn vị sinh viên cho học đường để tình nguyện ra tiền tuyến một lần nữa. Tôi vẫn còn chống cộng, nhưng chống cộng kiểu như đã có không đủ làm tôi hy sinh tất cả thân thể cho chiến tranh này. Không có gì nhỏ bé hơn một kiếp người nhưng cũng chẳng có gì có thể thay thế nổi cho một kiếp người. Bởi thế, người ta chỉ có thể hy sinh thân mình cho cái gì người ta yêu tha thiết mà thôi. Và hẳn những người còn thiên lương và lương tri ở miền Nam này đều đã nhận thấy rằng xã hội như-trong-hiện-trạng khó lòng tạo ra nổi thứ tình yêu tha thiết ấy. Con người có thể yêu say mê một cô gái hư nhưng đẹp như ngàn hoa trong vườn ngự uyển, con người có thể yêu thâm trầm quyến luyến một cô gái không nhan sắc nhưng ngoan hiền phúc hậu như cánh đồng lúa chín. Nhưng ít ai có thể yêu, ngoài các đấng tối cao chăng, một cô gái điếm về già chua ngoa đanh đá mụn nhọt lở loét cùng mình – còn nói gì tới việc hy sinh tới tận mạng sống để bảo vệ nữa.
*
Đêm đã vào trong khuya hơn nữa, gió thổi một cơn theo dọc hàng hiên dài, lay động tấm bảng xanh ghi thời khoá biểu của một giảng khoá rất an bình. Bên kia con lộ lớn sáng nhạt, người lính gác dinh Thủ tướng vừa bật diêm châm một điếu thuốc cho phiên canh sắp mãn. Tôi cũng lấy thuốc ra châm hút, tì cằm lên lan can sắt lạnh, tẩn mẩn tìm kiếm những lý do đã đưa tới sự hiện diện của mình nơi đây, trong bộ quân phục cũ kỹ này.
Trước hết có lẽ là vị tự ái làm đàn ông. Sinh ra làm con trai trong thời loạn lạc, chẳng làm vương làm tướng gì thì thôi, chứ không thể làm dân trốn lính, dân sợ cảnh sát và sợ còi, lui lủi như gián ngày giữa thành phố có ông đi qua có bà đi lại đông đảo. Lý do thứ hai là vì căn cứ vào lịch sử Việt, căn cứ vào kinh nghiệm thông thường của loài người, tôi nghĩ rằng muốn trở thành người hữu ích cho đất nước thời loạn, thì chẳng “kinh luân khởi tâm thượng binh giáp tàng hung trung” được như anh hùng hào kiệt đời xưa, ít nhất cũng phải đi lính một thời gian cho biết thêm ít võ cho bớt tính văn nhược… Lý do thứ ba là vì, lý do thứ tư là vì… càng vào khuya trong đêm, lưỡi càng cay thêm vì khói thuốc, tôi càng tìm thấy thêm nhiều lý do.
Nhưng lưỡi càng cay thêm vì khói thuốc, đêm càng khuya tôi lại càng thấy những lý do lả tả rơi rụng như những hạt bụi đang phủ đầy bàn ghế trong giảng đường phía sau. Để rồi vào một thời khắc nào đó, có thể vì bên kia con lộ lớn, người lính mới đổi phiên canh bật lửa châm thuốc hút, có thể vì một vùng trời phía xa hoả châu lơ lửng nhiều hơn, có thể vì tiếng bi đông khua động trong tay một đồng đội thức giấc uống nước trong đêm, tôi chợt hiểu hay tin rằng mình hiểu lý do thầm kín chưa dám thú nhận đã thúc đẩy tôi tới hoàn cảnh này. Có lẽ cũng là vậy. Có thể không phải chỉ là vậy. Tôi lẳng lặng mặc quân phục đã bạc cả mầu xanh không một trốn tránh nhưng cũng không một háo hức hăng hái tin tưởng, thực ra chỉ vì đã từ bao năm tôi ước ao làm được một cái gì cho đồng bào cho đất nước. Và tới giờ phút này, tôi chưa đóng góp được chi đáng kể. Bởi thế, chẳng biết làm gì khác hơn – trong hoàn cảnh cá nhân hiện tại – là tìm một chia sẻ với cái thân phận khốn khổ của những đồng bào khốn khổ bằng cách chịu nhận kiếp lính, một kiếp cùng đinh không thua kém bất cứ ai về phần khốn khó trên phần đất này.
Thay lời vào đề cho tập thơ Chu Vương Miện [1]
Lũ học trò đã thôi nhìn khối khói đen ngùn ngụt bốc lên từ phía phi trường để cúi xuống vở chăm chú làm bài luận mới ra đề. Không gian im lặng làm tôi có thể nghe thấy cả tiếng chim sẻ lẫn vào nỗi băn khoăn bắt nguồn từ một vài sự kiện nhỏ nhặt: tôi đã vừa la vài học sinh về tội OK Salem những người lính Hoa Kỳ trên xe đậu dọc hông trường, và vừa mới phạt một học sinh khác về tội gian lận điểm.
Câu chuyện thật ra chẳng có gì đáng nói, tầm thường như đám cỏ úa ngoài sân. Nhưng tự dưng, đối với tôi vào lúc này, truyện đó đặt ra một vấn đề mới: tôi có hợp lý không khi tôi giáo dục lũ trẻ như vậy?
Tôi cấm học sinh ăn xin ăn mày bánh kẹo thuốc lá người ngoại quốc, như thế có đúng không? Tôi dạy chúng phải cư xử ngay thẳng, như thế có đúng không?
Nhiệm vụ của một người thầy là trang bị, là chuẩn bị cho những đứa trẻ đầy đủ khả năng và tư cách để gia nhập xã hội người lớn sau này… La, phạt học sinh như tôi vừa đã làm, có là thực hiện đúng nhiệm vụ của tôi trên chiếc bục cao này hay không? Hay tôi thực ra chỉ đang làm công việc tạo huyền thoại về một thế giới không có thực, một thế giới mà lũ trẻ ngồi trong lớp này khi lớn lên làm người sẽ chỉ hồi tưởng với rất nhiều chua xót và thất vọng của một kẻ bị lừa?
Tôi cấm chúng ăn xin ăn mày người ngoại quốc để làm gì? Để chúng lớn lên nghèo và đói, để chúng lớn lên bị chê là ngu là dại là đồ bỏ trong lòng một xã hội giầu có thịnh vượng vì đi xin người ngoại quốc…
Tôi cấm chúng gian lận, tôi dạy chúng ngay thẳng để làm gì? Để chúng lớn lên nghèo và đói, để chúng làm quan bị cách chức vì không chịu gia nhập các tổ hợp tham nhũng, để chúng bị đàn áp đoạ đày trong một xã hội giàu có thịnh vượng chỉ tới với những kẻ nào ít lương tâm và nhiều gian dối nhất…
Nhiệm vụ của ông thầy là trang bị, là chuẩn bị cho những đứa trẻ đầy đủ khả năng và tư cách để gia nhập xã hội người lớn sau này… La, phạt học sinh như tôi vừa đã làm, có là thực hiện đúng nhiệm vụ của tôi trên chiếc bục cao này hay không?
Nỗi băn khoăn này của tôi là nỗi băn khoăn chung của chúng ta, những người đang ở tuổi trưởng thành lúc này. Chúng ta đang làm gì đây, dạy gì đây cho thế hệ sau? Hay thực ra chỉ còn một niềm chua xót của Chu Vương Miện khi nói với vợ chưa cưới:
em sẽ sinh cho đất nước việt nam những đứa con trai những đứa con gái, lớn lên như lửa thổi, đứa con đầu lòng đương nhiên là gái lớn lên làm điếm cho người ngoại quốc để kiếm tiền nuôi cả gia đình
đứa con thứ hai là con trai đi ăn cắp ngoài bến xe đò du thử du thực sống đầu đường xó chợ – những đứa sau thì mong em đừng sinh chúng nó làm người mà em sinh ra trâu-bò-lừa ngựa để kéo cày kéo xe cho người ngoại quốc, làm cu ly vác thuê đầu đường cuối phố, tối về nhai cỏ nằm ngoan em sẽ đẻ cho anh toàn những đứa con không phổi không tim giống như gỗ đá, không biết thế nào là hèn là nhục – không biết thế nào là tổ quốc giống nòi màu da xứ sở
Đến nỗi thế rồi chăng, đất nước chúng ta, dòng giống chúng ta đã đến thế rồi hay sao…
Đêm cuối cùng là lính, tôi trực tại căn nhà nhỏ ngay sát nghĩa trang quân đội viễn chinh Pháp – đêm trực chót trong cuộc lính tầm thường hơn bốn năm, và cũng là một đêm mưa kéo dài. Tôi ngẩn ngơ nhìn những thập tự giá trắng lúc ẩn lúc hiện dưới ánh đèn các đoàn xe tải quân mà tự hỏi như thế.
Tôi đã không tìm thấy câu trả lời, tôi đã nhìn làn khói thuốc trong mưa, nhìn những thập tự trắng khi rõ khi mờ mà nghĩ tới những đứa học trò mồ côi con lính, nghĩ tới cha chúng nó cũng nằm dưới mưa trong một nghĩa trang đầy bóng tối. Tôi nghĩ tới lũ học trò, tôi nghĩ tới cha chúng những đồng đội đã chết của tôi, nhưng đã không tìm được câu trả lời.
Sáng ngày hôm sau vác túi quân trang đi trả, trời nắng gắt làm đổ mồ hôi khi mở cuốn sổ tuỳ thân nhìn quân số, nhìn chứng chỉ giải ngũ… Trời nắng như dữ dội hơn khi tôi bước chân ra khỏi doanh trại, giơ tay chào người lính gác lần cuối cùng của khoảng đời làm lính bình thường, tôi thoáng nhận ra con đường của mình, con đường của chúng ta, của những người trưởng thành…
Đừng ai đặt tên cho con đường ấy, hay muốn gọi tên nó là gì cũng được bởi vì dù thế nào nó cũng chỉ dẫn tới một ngày nào đó, nếu còn sống, chúng ta sẽ không phải gọi lớn, kêu lớn lên như lời thơ trong hiện tại của Chu Vương Miện:
bốn phía xương mù bốn phía mìn chông
anh làm sao mà nhìn em, anh làm sao mà nhìn các con của việt nam quằn quại, của việt nam máu lửa, của việt nam đầy xương khô
anh sẽ nói gì – anh sẽ nói gì – hay chỉ sẽ im lặng như bình vôi già nua câm nín hay sẽ mỉm cười
héo hắt trên môi.
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Viết trong lần giải ngũ thứ nhất.
Nguồn: Lá Bối in lần thứ nhất năm 1971, Sài Gòn – Việt Nam. Giấy phép số 3792 BTT/PHN ngày 9 tháng 9 năm 1970.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét