17/6/11

Krishnamurti - Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian (1 )

Krishnamurti
Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian
Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch

1.

Buổi hôm nay tôi muốn mở đầu câu chuyện là lưu ý các ngài về chỗ quan trọng phi thường của sự tự do. Phần đông chúng ta không muốn tự do. Có thể có gia đình, có những trách nhiệm, có những bổn phận, và cuộc sống của ta đều gồm toàn những điều đó. Những luật lệ xã hội, những phép tắc luân lý đã phủ vây đời sống chúng ta. Chúng ta gánh nặng biết bao khó khăn thường nhật cũng những vấn đề của ta, và nếu có tìm được chút an ủi nào, phương cách nào để tránh được những xung chướng và những khổ não ấy thì ta đã lấy làm tự mãn một cách quá dễ dãi rồi. Phần đông chúng ta không hề muốn được tự do gì cả. Đối với tôi, dù cách nào, lối nào, chiều độ nào đi nữa, dường như một trong những điều cốt yếu của cuộc sống là phải khám phá làm sao cho mình được hoàn toàn tự do, được tự do trọn vẹn. Nhưng có cách nào làm tâm thức con người – đã bị qui định trước quá nặng nề, đã bị trói buộc lệ thuộc quá chặt chẽ vào những công việc hằng ngày, đã bị chất đầu, quá đầy những nỗi sợ hãi xao xuyến, đã quá đỗi hoang mang về tương lai và quá đỗi thuỷ chung như nhứt trong việc cầu an – có thể nào tâm thức như vậy mà phát khởi được nơi chính nó một cuộc chuyển hoá tận căn đế, một cuộc chuyển hoá chỉ có thể phát sinh từ sự tự do triệt để mà thôi chăng?

Tôi thiết tưởng mỗi người trong chúng ta nên lưu tâm thật sự vào vấn đề ấy, ít ra là trong khi nghe những buổi nói chuyện này. Chúng ta phải tìm xem, không phải chỉ ở mặt ngôn từ, mà phải đào sâu ý nghĩa của chúng để nhập sâu vào tự thể mình, tìm xem coi chúng ta thực sự có thể được tự do hay không. Không tự do thì không thể nào thấy rõ được đâu là chân lý và đâu là sai lầm. Không tự do thì cuộc sống không có chiều sâu; không tự do thì chúng ta chịu nô lệ tất cả mọi ảnh hưởng, mọi áp lực xã hội, và vô số những yêu sách thúc bách cứ dồn dập liên miên vào chúng ta.

Trên cương vị cá thể, có thể nào chúng ta thực sự thâm nhập tự thể, có thể nào chúng ta quyết liệt đào sâu tự thể để tìm hiểu xem mỗi người chúng ta có thể thực sự được hoàn toàn tự do toàn triệt chăng? Chỉ có cuộc thay đổi nơi chúng là khi nào chúng ta được tự do thôi, điều ấy vốn dĩ nhiên rồi. Và chúng ta phải thay đổi: không phải thay đổi hời hợt phơn phớt, không phải thay đổi bằng cách ngắt tỉa đôi chút đây đó, mà bằng cách phát dậy một cuộc chuyển hoá tận căn đế ngay trong cơ cấu của tư tưởng và của tâm thần chúng ta. Thế nên tôi thiết tưởng rằng điều tối trọng là nói về sự thay đổi, là thảo luận vấn đề này và tìm xem mỗi người chúng ta có thể thâm nhập được vấn đề này đến mức độ nào.

Các ngài biết tôi hiểu ý nghĩa của sự thay đổi là thế nào chăng? Thay đổi là tư duy một cách hoàn toàn khác hẳn thường lệ, là khai mở một tâm thái trong đó tuyệt chẳng có xao xuyến âu lo trong bất cứ lúc nào, chẳng có mảy may gì xung chướng, chẳng có mảy may gì phấn đấu để chứng đạt chi cả, để cho mình là – hay trở nên – một cái gì đó. Đó là xa lìa dứt khoát mọi sợ hãi. Và để nhận hiểu thế nào là thoát ly mọi sợ hãi, tôi thiết tưởng cần phải nhận hiểu cốt chỉ của những tương giao giữa những sư và những đệ tử như thế nào, và do đó, thấy ra được ý nghĩa của sự tìm học.

Thế thường, chúng ta tìm học bằng cách nghiêm tầm, qua sách vở, qua kinh nghiệm hay bằng cách nhờ một người nào dạy dỗ. Đó là những cách thói thường để ta tìm học. Ta phú thác cho ký ức những gì nên làm và những gì không nên làm, những gì nên suy tưởng và những gì không nên suy tưởng, phải cảm nhận thế nào, phải phản ứng thế nào. Bằng kinh nghiệm, bằng nghiên tầm, bằng phân tích, bằng thí nghiệm, bằng những cuộc phản tỉnh xem xét, chúng ta chứa vựa những trí thức để làm ký ức, rồi ký ức này phản ứng lại những xúc sự và những thiết nguyện, thế rồi ta lấy đó để mở mang sở học của ta. Tiến trình ấy ta đã quen lắm rồi: Nó là cách duy nhất để ta tìm học. Chẳng hạn không biết lái phi cơ, thế là tôi phải học lái. Có người dạy dỗ cho tôi, rồi thu hoạch kinh nghiệm mà ký ức phải gìn giữ, rồi sau đó tôi mới lái được phi cơ. Tiến trình ấy là tiến trình duy nhất mà phần đông chúng ta đều quen biết. Chúng ta tìm học bằng sự nghiên cứu, bằng kinh nghiệm, chúng ta tự học hỏi, rồi những gì học được đem ra phú thác vào ký ức để làm những sở tri và những sở tri này tác động vận dụng ra mỗi khi xúc sự hay mỗi khi ta có việc gì cần phải làm.

Thế mà tôi nghĩ rằng chúng ta có một cách học hoàn toàn khác hẳn và tôi sẽ nói qua cách ấy với các ngài; nhưng để nhận hiểu và để tìm học bằng cách khác hẳn ấy, ta phải hoàn toàn thoát ly khỏi uy lực, nếu không thì ta chỉ được người dạy dỗ cho thôi. Và cứ lặp lại những điều ta đã được nghe dạy. Đó là lý do tại sao điều quan trọng vẫn là phải hiểu bản chất của uy lực. Uy lực gây chướng ngại, không cho ta tìm học – không cho ta tìm học theo nghĩa không chứa nhóm các kiến thức sở tri để làm thành ký ức. Ký ức luôn luôn ứng đáp bằng những khuôn đúc sẵn. Trong ấy chẳng có một mảy may gì là tự do cả. Người nào mang nặng những sở tri, còng lực dưới gánh nặng những gì học được thì không bao giờ được tự do cả. Họ có thể rất đa văn, nhưng cái chứa nhóm sở tri đó lại làm cản trở không cho họ tự do, và do đó, họ không thể học được gì cả.

Chúng ta tích luỹ đủ thứ kiến thức – khoa học, sinh vật học, các kỹ thuật, vân vân – các kiến thức này vốn cần thiết cho sự sống an lạc vật chất của con người. Thế nhưng ta cũng tích luỹ các kiến thức để mà ẩn trú vào đó, để tác động thế nào cho khỏi trục trặc, để luôn luôn hành tác trong vòng giới hạn của các điều ta biết được mà thôi, và nhờ thế để tự cảm thấy mình an toàn. Không bao giờ chúng ta chịu sống trong cái vô định, ta khiếp sợ sự vô định, vì thế ta lại càng chấp chứa những kiến thức của mình nhiều thêm lên. Chính sự chứa nhóm tâm lý này là điều tôi muốn đề cập; chính sự chứa nhóm ấy ngăn ngại mất cả niềm tự do, tự tại.

Vậy hễ bắt đầu tra hỏi tự do là gì, tất ta phải tra hỏi chẳng những về uy lực, mà còn phải tra hỏi về tri thức nữa. Nếu chỉ ưng được người dạy dỗ, nếu chi lo nội việc chứa nhóm những điều các ngài nghe được, đọc được và chứa nhóm những thành quả của kinh nghiệm thì các ngài nghe được, đọc được, và chứa nhóm những thành quả của kinh nghiệm thì các ngài sẽ thấy rằng các ngài không bao giờ được tự do cả, vì các ngài chỉ hành tác trong khuôn khổ của những điều đã biết. Và thực ra, phần đông chúng ta đều như vậy đó. Thế thì ta phải làm sao?

Ta có thể nhận thấy tâm thần và óc não tác dụng ra sao. Óc não là sự thể thuộc về sinh vật, có tính cách tiến hoá, một sản phẩm của cuộc tiến hoá, nó sinh hoạt và tác dụng trong vòng kinh nghiệm bưng bít của chính nó, trong sở tri của nó, trong những ước mong cùng những sợ hãi của nó mà thôi. Nó cứ luôn luôn mải miết lo tự bao bọc và tự bảo vệ không ngừng – và tới một mức độ nào dĩ nhiên nó phải làm như vậy, vì không thế thì nó chóng bị huỷ hoại mất. Nó cần được một mức độ an toàn, vì vậy để cầu an, nó quen thói chứa nhóm đủ mọi thứ cần biết, quen thói tuân hành đủ thứ huấn thị, và quen thói cấu tạo một nếp công thức y cứ để nó sống rập theo, do đó thành ra nó không bao giờ được tự do cả. Nếu tự quan sát óc não mình và cách thức tác dụng của nó ta sẽ nhận thức được cái nếp sống y cứ công thức ấy. Trong ấy tuyệt chẳng có mảy may gì là tự tại hồn nhiên cả.

Thế thì tìm học nghĩa là gì? Có chăng một cách tìm học khác, không tích trữ, không trở thành một hậu trường ký ức hay của sở tri, không cấu tạo những kiểu mẫu để giam cầm tù hãm chúng ta? Có chăng một cách học không tích tụ thành một gánh nặng, không bại hoại tâm thức mà trái lại để cho tâm thức được tự do tự tại? Nếu các ngài có tự hỏi điều ấy, không phải tự hỏi một cách thiển bạc phơn phớt, mà tự hỏi một cách thâm sâu, hẳn các ngài thấy rằng mình phải tìm hiểu tại sao tâm thức lại bám víu vào uy lực. Dù là uy lực của một đạo sư, một vị cứu thế, một quyển sách hay chính kinh nghiệm sở đắc của mình, tại sao tâm thức lại bám víu vào uy lực như vậy?

Uy lực có nhiều hình tướng lắm. Có uy lực của những sách vở, có uy lực của giáo hội, uy lực của lý tưởng, uy lực của kinh nghiệm sở đắc của các ngài, và uy lực của sở tri mà các ngài đã thu thập. Tại sao ta bám víu vào uy lực? Mỗi một kỹ thuật cần phải có những uy lực của nó, việc ấy giản dị và dĩ nhiên. Nhưng đây chúng ta nói là nói về trạng thái tâm lý của tâm thức. Bỏ ra ngoài mọi vấn đề khả năng có tính cách kỹ thuật, tại sao tâm thức lại bám víu vào uy lực trong ý nghĩa tâm lý?

Dĩ nhiên là bởi vì nó sợ sự bất định, sợ nỗi bất an. Nó sợ điều xa lạ, những bất ngờ của ngày mai. Các ngài và tôi, chúng ta có thể nào sống mà không phải chịu một mảy may uy lực nào cả, uy lực hiểu theo ý nghĩa áp chế, xác quyết, tín điều cố chấp, hiếu chiến hung hăng, khao khát muốn thành công, thèm khát danh vọng, mong muốn làm một nhân vật nào đó? Có thể nào chúng ta sống trong thế gian này – vẫn đi làm việc thông thường, vân vân – mà vẫn có được tâm thái hoàn toàn khiêm từ? Điều này rất khó hiểu, phải thế? Nhưng tôi thiết nghĩ chỉ có tâm thái hoàn toàn khiêm tốn ấy – tâm thái luôn luôn chấp nhận rằng mình không biết – thì ta mới có thể tìm học được. Bằng không thì ta cứ vẫn luôn luôn đang làm việc chứa nhóm, và thế là chẳng còn tìm học gì nữa.

Có thể nào ta sống ngày ngày trong tâm trạng ấy không? Các ngài có hiểu câu tôi vừa hỏi đấy không? Chắc chăn tâm thái thực sự tìm học tất nhiên không có một mảy may uy lực nào cả. Mà tâm thái ấy cũng không cần có uy lực nào cả, vì tâm thái ấy vẫn đang miệt mài tìm học, tìm học chẳng những về các sự vật bên ngoài, mà cả về những gì thuộc vào một phe nhóm nào, một xã hội nào, một chủng tộc nào hay một văn hoá nào. Nếu ta cần thường xuyên tìm học như vậy về tất cả mọi sự mà không chứa nhóm chi hết, thì làm sao có được một uy lực gì, một bậc thầy nữa? Làm sao ta có thể làm đệ tử cho bất cứ người nào? Và đó là cách duy nhất để sống: không phải bằng cách tìm học ở sách vở, mà bằng cách dùng lấy ánh sáng soi rọi từ những ý muốn của chính mình, từ những cử động nội tại của tâm niệm, từ bản thể hiện hoạt của mình. Bấy giờ tâm thức mới luôn luôn được tươi nhuận, để nhận thấy mỗi sự vật bằng cái nhìn mới mẻ, chứ không bằng cái nhìn cũ rích phát từ kiến thức, từ kinh nghiệm, từ những gì mình đã học rồi. Nếu ta thực sự hiểu điều ấy cho thâm sâu, thì mọi nỗ lực sẽ dứt bặt, và kẻ đang nói đây không còn chút quan trọng gì nữa hết.

Tâm thái phi thường mà chân lý tỏ lộ, sự bao la của thực tại, không ai có thể ban bố cho ngài được. Nơi đây vốn không có uy lực, không có người hướng đạo. Chính ngài phải tự mình khám phá phát minh nhờ đó đưa được chút ít lương thức vào cuộc hỗn loạn mà ta gọi là cuộc sống. Đó là một cuộc viễn hành ta phải đăng trình hoàn toàn cô đơn không bè không bạn, không vợ không chồng, không sách không vở. Chỉ có thể mở cuộc viễn du ấy khi ta thực sự nhận thấy rằng mình phải hoàn toàn độc hành. Bấy giờ ta đích thị là cô tịch, cô tịch chẳng phải do vì tủi hận cay đắng do vì yếm thế, do vì thất vọng, mà cô tịch vì ta nhận thấy cô tịch là tuyệt đối cần thiết. Chính điều ấy, và chính việc nhận thức điều ấy trao cho ta niềm tự tại khai phóng để ta độc hành. Sách vở, vị cứu rỗi, bậc đạo sư ư? Tất cả những thứ ấy đều là chính ngài. Chính ngài thăm dò thám hiểm tự tâm, ngài phải tìm học chính mình, nói thế không có nghĩa là phải chứa nhóm những tri thức về chính mình, cũng không có nghĩa là lấy đó để quan sát những động niệm của tự tâm ngài đâu. Ngài hiểu chứ?

Để tìm học chính mình, để tự biết chính mình, ngài phải tự quan sát mình một cách tươi tắn ung dung, một cách thoải mái tự tại. Ngài không tìm học chi được về chính mình, nếu ngài chỉ áp dụng những món sở tri, nghĩa là nếu ngài tự xem xét mình thể theo những đều ngài đã học được ở một giáo sư, ở một sách vở, hay ở kinh nghiệm sở đắc của chính mình.

Cái "chính tự thể của ngài" là một thực thể lạ lùng một sự thể phức tạp và sinh hệ linh động vô cùng, hằng hằng biến đổi và tiếp nhận đủ mọi thứ kinh nghiệm. Đó là một cơn xoáy động của một tính lực vĩ đại, và không ai có thể dạy cho ngài một điều gì về nó được, không một ai cả! Đó là điểm thứ nhất mình cần phải nhận thấy. Và khi ta đã nhận thấy, khi thật sự nhận thấy rõ đúng như vậy, tất ta đã thoát ly một gánh nặng này: ta không còn tìm hỏi lời chỉ dạy khuyên lơn về những gì nên làm và hương vị lạ lùng của niềm tự do đã phảng phất hiển nhiên ở đó rồi.

Thế thì tôi phải tự biết tôi, vì khi mà tôi vẫn không tự giác, thì không sao dứt được những xung chướng, không sao dứt được sợ hãi, thất vọng, không sao nhận hiểu được gì về cái chết. Khi ta tự hiểu ta, ta mới hiểu được toàn cả nhân loại, toàn cả những tương giao trong nhân loại. Tự hiểu mình là tìm biết xác thân và những phản ứng của các hệ thần kinh, là nhận thức mỗi một cử động của tâm niệm, là hiểu cái ta gọi là ganh ghét, bạo hành, và nhìn thấy được thế nào là yêu mến, thế nào là tình thương, thế nào là toàn bộ của "bỉ" và "thử".

Tiến trình ấy không cốt ở việc lập thành những nền móng của tri thức: mà tìm học là việc phát sinh trong từng chặp từng chặp một: là cuộc vận dụng để ta tự quan sát chính mình mãi mãi, không hề chê bỏ, không hề phê phán, không hề so lường, chỉ nhìn xem thôi. Hễ vừa chê bo, diễn dịch, hay so lường, là ta đã có một mẫu mực về trí thức, về kinh nghiệm. Mẫu mực này làm chướng ngại việc tìm học.

Cuộc chuyển hoá tận gốc rễ của quan năng tư tưởng chỉ có thể thực hiện là khi ta tự hiểu chính mình, đó là một chuyển hoá, thay đổi cần thiết. Tôi không dùng danh từ "thay đổi" trong ý nghĩa về những ảnh hưởng mà ta lãnh thọ của xã hội, của phong thổ, của kinh nghiệm hay của những hình thức áp lực khác. Các áp lực và các ảnh hưởng chỉ đưa đẩy ta vào một đường hướng nào đó mà thôi. Mà đây tôi muốn nói tới một cuộc thay đổi phát sinh không còn cố gắng, nhờ ta đã hiểu chính mình. Có chỗ khác biệt lớn lao giữa cuộc thay đổi do cưỡng bách phát động, và thay đổi xuất sinh một cách như nhiên, tự nhiên, tự tại.

Nếu các ngài quả thật tỏ ra đôi chút nghiêm nghị - và kể ra, nếu chẳng nghiêm nghị thì ai lại đành chịu đựng bao nhiêu khó nhọc đường xa đến đây tham dự những cuộc nói chuyện giữa cơn nóng bức thế này – thì ba tuần lễ này sẽ đưa cho các ngài một dịp tốt để tìm học, để thật sự quan sát, để thám hiểm thâm sâu. Cố nhiên, các ngài thấy đấy, tôi nghĩ rằng cuộc sống của ta rất là thiển cận. Ta biết rất nhiều điều, ta đã thu hoạch nhiều kinh nghiệm, ta có thể nói năng rất lanh lợi, mà kỳ thực thì ta không có chiều sâu. Ta sống phớt bề ngoài, thế mà ta lại cố gắng cho cuộc sống thiển cận ấy thành một việc rất là nghiêm trọng. Nhưng nơi đây tôi muốn nói cái nghiêm trọng ta không đạt được ở giai tầng thô thiển cái nghiêm trọng sát tận trong những tầng sâu thẳm của bản thể. Thật quả phần đông chúng ta không được tự do tự tại. Tôi nghĩ rằng khi mà chúng ta không thoát ly khỏi các trói buộc, các thói quen, các nhu nhược ở nội tâm, các sợ hãi của ta, thì cuộc sống của ta cứ vẫn mãi hoài vô vị và rỗng tuếch mà thôi. Rồi ta sẽ già và chết đi trong thảm trạng ấy.

Vậy trong ba tuần này, ta hãy tìm xem coi có thể nào ta phá vỡ, xuyên thủng qua cuộc sống thiển cận mà ta đã quá nhiều công phu vun vén và có thể nào đào sâu vào một thực tại nào sâu thẳm hơn nữa chăng. Tiến trình khai quật này không lệ thuộc vào một uy lực nào cả, vì đây không phải chúng ta đến nghe ai chỉ dạy cho ta khai quật cách nào, bởi không một ai chỉ dạy sự đó cho ta được cả. Việc chúng ta tới đây, là cùng nhau tìm học những gì chân thật trong mọi sự đó. Hễ ta thật sự hiểu được thực tại, thì mọi cuộc tầm cầu uy lực tất nhiên chấm dứt. Bấy giờ ta không cần sách vở nào, không đến một giáo hội nào hay một miếu đường nào, ta đã không còn làm đệ tr nữa. Cuộc đời này có một vẻ đẹp vĩ đại, một thực tại hệ thậm thâm vi diệu một tình thương rộng lớn của tự tại tự do mà từ lâu chúng ta không biết gì tới cả, vì chúng ta không được tự do tự tại. Vậy để khởi sự, tôi thiết tưởng rằng sự chú tâm của ta phải đưa ta tra hỏi về cái tự tại tự do ấy, chẳng những bằng sự phân tích ở văn tự, mà phải bằng cách thoát ly văn tự.

Các ngài hãy xem trường hợp trực khởi này: ở đây nóng bức quá, chúng ta đã làm tất cả những gì ta có thể làm để cho trại này được đủ mát mẻ. Chúng ta không thể họp nhau được sớm hơn, vì nhiều người phải đến từ những nơi xa quá. Vậy ta phải chấp nhận sự nóng bức đây là thuộc vào cái bất tiện không sao tránh khỏi. Thì đấy, ta phải tự chế ngự mình – không phải bằng những ép buộc nhận hiểu và tìm học thế nào là sự chế ngự tự kỷ. Ta có thể nhận thức sự nóng bức này và không lấy đấy bực bội, vì chủ đích của chúng ta, vì cuộc truy tầm của chúng ta, là việc mà tôi gọi là tìm học, vốn quan trọng hơn sự nóng bức, hơn sự thiếu tiện nghi về thân xác nhiều lắm. Việc tìm học đòi hỏi một chế ngự tự chủ, tự nó đã là một sự chế ngự, một giới hạn rồi. Nó không hàm một cuộc gạn ép nào cả, một cuộc kiểm soát bề ngoài nào cả. Mà sự thể là thế này: tôi muốn nghe, chẳng những nghe những lời nói thôi, mà còn nghe tất cả những phản ứng do các danh từ đấy khởi nơi tôi; tôi muốn nhận thức mỗi một cử động của tâm niệm tôi, mỗi một tình cảm, mỗi một hành vi. Tự việc ấy đã là một giới hạn vô cùng uyển chuyển.

Thế thì thiết tưởng điều trước nhất các ngài phải phát minh là thấy coi ngài – với tư cách là một con người đang sống trong một văn hoá nào hay trong một tập đoàn nào – quả thật sự ngài có cần được tự do tự tại như ngài cần ăn uống, cần sinh lý, cần sung sướng hay không. Và ngài cũng phải biết coi ngài sẵn sàng thuận hưởng tiến bước là bao xa và bao sâu để ngài được tự do tự tại. Tôi cho đấy là việc duy nhất ta có thể làm ở buổi họp đầu tiên – hay đúng hơn, đấy là việc duy nhất chúng ta có thể làm trong suốt ba tuần lễ này, vì đấy là việc duy nhất ta có thể cùng chia sớt với nhau: việc đó thôi chứ không việc gì khác nữa. Các ngài hiểu chứ? Tất cả những điều khác đều trở thành tình cảm nhẹ dạ, là sủng ái, là xúc động và đó đều là ấu trĩ. Nhưng nếu các ngài và tôi thật sự chúng ta đang truy tầm đang tự hỏi thế nào là tự tại tự do, và thật sự tìm học; tựu trung nếu chúng ta được tự do, thì cả thảy chúng ta đều sẽ được tham dự vào nguồn phong phú của thực tại này.

Như lúc bắt đầu tôi đã nói rồi, ở đây không có kể giáo chủ cũng chẳng có người đệ tử. Cả thảy chúng ta ở đây đều đang tìm học, nhưng không phải tìm học về người đang nói này, cũng không phải tìm học về những kẻ quanh ta. Chính tự tâm mình là cái mà các ngài đang tìm học. Và nếu các ngài là người đang nói, chính ngài là người ngồi bên cạnh ngài. Nếu ngài tự học về mình thì ngài mới có thể thương yêu người ngồi bên cạnh ngài. Bằng chẳng vậy, thì ngài không thể thương yêu gì cả, và tất cả mọi sự rốt lại chỉ là những danh từ. Ngài không thể yêu thương được người ngồi bên cạnh ngài nếu ngài có lòng ganh đua tranh chấp. Toàn cả cơ cấu xã hội chúng ta – về kinh tế, về chính trị, về luân lý, về tôn giáo – căn cứ ở sự ganh đua, tranh chấp, thế mà đồng thời ta lại bảo rằng chúng ta phải yêu thương người thân cận mình. Việc đó thế nào mà có được, vì ở đâu có sự ganh đua, tranh chấp thì ở đấy không sao có được tình thương.

Để nhận hiểu thế nào là tình thương, thế nào là chân lý, thì sự tự tại tự do là điều cần thiết, và không một ai có thể ban bố cho ngài được tự do tự tại. Tự ngài phải khám phá cho chính ngài bằng cả lao lực gian nan kiên trì.


2.

Hôm rồi, khi chúng ta họp mặt tại đây, tôi có nói về việc cần thiết phải có tự do, và tôi không dùng danh từ ấy ở nghĩa tự do bề ngoài hay phiến diện, tại một vài giai tầng của tâm thức, mà nói phải tự do một cách toàn triệt – tự do ngay tận ở gốc rễ của quan năng tư tưởng chúng ta, trong tất cả mọi động tác của chúng ta về mặt thân xác, mặt tâm lý và mặt tâm thần. Sự tự do ngụ hàm việc vong bặt trọn vẹn mọi vấn đề, có phải thế không? Vì khi mà tâm thức được tự do thì nó có thể xem xét và tác động một cách hoàn toàn tỏ suốt, nó có thể trả lại tự thể, không một mảy may gì mâu thuẫn. Theo tôi, cuộc sống đa đoan đầy những vấn đề – dù là vấn đề về kinh tế, xã hội, riêng tư hay công cộng – vốn tổn hại hay bại hoại sự sáng suốt. Và hẳn ta cần phải tỏ ra sáng suốt. Ta cần có cái tâm thức nhận thấy tỏ suốt mỗi vấn đề lúc nó vừa xuất hiện. Cần một tâm thức khả dĩ biết tư tưởng mà không rối loạn, trước nhiễm, một tâm thức có tư chất lưu luyến, yêu thương – lưu luyến và yêu thương ở đây không dính líu chi với tình xúc động và thói đa cảm.

Để được tâm thái tự do ấy – điều này khó hiểu vô cùng và đòi hỏi một công phu quan sát rất tường tận – ta phải có cái tâm thức tịnh định và tịch lặng, một tâm thức tác động vận dụng trọn vẹn, chẳng những ở mặt ngoài, mà tận cả ở trung điểm. Sự tự do này không phải là một sự thể trừu tượng, không phải là lý tưởng. Sự vận hành của tâm thức tự do là một thực tại. Sự vận hành của tâm thức tự do là một thực tại, không mảy may gì liên hệ với những lý tưởng và những sự thể trừu tượng. Sự tự do ấy phát sinh một cách tự nhiên, như nhiên – tuyệt chẳng do cưỡng ép, giới hạn, chế ngự, kiểm soát hay khuyến dụ gì, khi ta hiểu được toàn bộ tiến trình của những vấn đề: hiểu rõ chúng xảy đến thế nào và dứt bặt thế nào. Vì, thực sự, chúng khuấy loạn tâm thức và khi ta trốn tránh chúng, ta vẫn còn mắc phải tổn thương, trói buộc, không tự do. Không giải trừ được mỗi vấn đề vừa khi nó xuất hiện, dù ở một giai tầng nào cũng thế – như về mặt thể xác, tâm lý, xúc cảm – thì tâm thức ấy không thể có tự do, và tất nhiên tư tưởng tri kiến, nhận thức không thể tỏ suốt.

Phần đông con người thường có những vấn đề, nghĩa là có những dao động trong tâm thức, chúng trú tại hình thành ra vì sự ứng đáp của ta đã không đủ sức tương nhập trọn vẹn với một hoàn cảnh bằng toàn thể bản chất của ta, hay do vì ta đã quen thói chấp nhận hoàn cảnh đó và thuận chiều với nó, cứ thế mà khiến cho ta hoá ra hôn trầm. Sở dĩ có vấn đề là vì ta không đối mặt thẳng với mỗi hoàn cảnh và không soi chiếu nó chí tận tột cùng, không phải đợi mai hẹn mốt, mà soi chiếu nó ngay khi nó vừa phát hiện trong mỗi phút mỗi giờ, mỗi ngày.

Mọi vấn đề đều góp phần vào việc huỷ hoại sự tự do. Dù vấn đề trú tại bất luận giai tầng nào ở ý thức hay ở vô thức, nó cũng đều đưa vào đấy một yếu tố mà ta vốn không hiểu được cho trọn vẹn. Khi thì đó là một nỗi khổ đau hay một sự bất an ở thể xác, khi thì đó là cái chết của một người nào, hoặc nữa là sự thiếu hụt bạc tiền, hay có lẽ đó là sự bất lực không tìm ra Thượng đế quả là thực tại hay chỉ là một danh từ không thực chất. Và cũng có khi là những tương giao với người trong đời tư hay giữa đời công, trong cá nhân hay với đoàn thể. Không hiểu được toàn bộ các mối tương giao ấy, là càng dấy sinh thêm những vấn đề gây nên nơi phần đông chúng ta những bệnh tật ở thân và ở tâm có thể tổn hại tâm trí ta. Rồi cưu mang những gánh nặng ấy, ta phải nương nhờ vào bao hình thức thoát ly trốn tránh: chúng ta phượng thờ nhà nước, chúng ta chấp nhận một uy lực nào đó, chúng ta cầu xin một người nào đó để họ giải quyết giùm những nỗi khó khăn của ta, chúng ta buông thả vào việc lải nhải vô ích là tụng đọc kinh kệ, chúng ta rượu chè, chúng ta dâm dật, chúng ta thù ghét, chúng ta đâm ra tủi phận thương thân, vân vân.

Chúng ta đã tạo dựng cả một hệ thống rặt đầy những lối thoát ly trốn tránh – hoặc có tính cách hữu lý hoặc phi lý, hoặc có tính cách tâm loạn hay có vẻ trí thức – có thể khiến ta chấp nhận được hết tất cả mọi vấn đề nhân sinh phát hiện đến, tức là khiến ta cứ thuận chiều theo chúng. Nhưng kỳ thực là chúng dấy sinh bao rối loạn trong tâm ta thành thử tâm ta không hề được tự do bao giờ cả.

Không biết các ngài có cảm thấy một điều cần thiết như tôi – mà cần thiết không phải cần thiết một phần, không phải cần thiết chỉ trong một thời do vì bất ngờ các ngài gặp phải một hoàn cảnh nào đó mà cần thiết tuyệt đối, từ lúc ta suy xét đến đấy tới dĩ chí hết cuộc đời ta – cần thiết chẳng nên đeo mang bất cứ một vấn đề nào cả. Nếu ta nhận thấy sự cần thiết ấy, không phải nhận thấy trong trừu tượng, mà nhận thấy rõ rệt như ta nhận thấy sự cần thiết của món ăn vật uống và của không khí tươi mát, thì sự nhận thức như vậy thành là cái cội nguồn cho các động tác của ta vừa trong tâm thức vừa trong vật lý thường nhật. Cái cần thiết đó phải hiện diện trong mọi việc ta làm, mọi điều ta nghĩ, và mọi điều ta cảm.

Vậy sự thoát ly mọi vấn đề là điều chúng ta quan tâm lưu ý – ít ra là trong buổi họp sáng nay. Có lẽ mai này ta sẽ đề cập bằng một cách khác, nhưng không can hệ chi: chỗ quan trọng là có nhận thấy rằng cái tâm thức xung chướng là cái tâm thức phá hại, vì nó cứ thường xuyên thất thế bại hoại. Sự thất thế bại hoại của tâm thức không phải do ở chỗ già nua tuổi tác – hay ở chỗ niên thiếu trẻ trung – mà bại hoại nảy sinh khi tâm thức bị rối loạn với nhiều xung chướng đích thị là mầm giống của những cơ bại hoại và những cuộc mục nát. Nếu các ngài nhận thấy điều ấy, thì câu hỏi đặt ra tất là như vầy: làm sao giải trừ được trạng thái ấy. Nhưng trước tiên tự mình phải nhận thấy chân lý này: Hễ còn đeo mang một vấn đề thuộc bất cứ loại nào, ở bất cứ giai tầng nào, trong bất cứ thời hạn bao lâu, thì tâm thức không thể có tư tưởng tỏ suốt được, không thể nhận thấy các sự vật đúng y các sự vật, nghĩa là thấy một cách táo bạo, thấy một cách tàn nhẫn, tuyệt không xúc động gì cả, tuyệt không hề tự lấy làm tủi phân thương thân.

Phần đông chúng ta đã quen thói trốn tránh ngay khi một vấn đề vừa xuất hiện, ta thấy rất khó sống cùng với nó, khó quan sát nó thôi, không phải diễn dịch, không phải chê bỏ hay so sánh, không tìm cách biến đổi nó hay chen xen vào đấy bằng cách này hay cách khác. Việc này đòi hỏi một sự chú ý trọn vẹn; nhưng với chúng ta thì có gì nghiêm trọng để cho ta chú tâm trọn vẹn đâu. Chúng ta sống thiển cận và chúng ta dễ tự mãn với những lối ứng đáp dễ dàng, với những phản ứng cấp thời. Ta muốn lãng quên đi các nỗi khó khăn của ta, dẹp nó qua một bên để bắt sang việc khác. Chỉ khi vấn đề đụng chạm ta một cách mật thiết, chẳng hạn như lúc xảy ra một cái chết nào đó hay việc hết nhẵn tiền bạc, hay chỉ khi chồng hoặc vợ bỏ lìa xa lánh mình – chỉ bấy giờ thì vấn đề mới trở thành cơn khủng hoảng. Nhưng ta không hề để cho một khủng hoảng đích thực nào phát sinh được trong đời ta, ta luôn luôn né tránh dẹp bỏ nó bằng những sự giải thích, bằng những danh từ, bằng bao phương thức di biệt để thúc thủ tự vệ.

Chúng ta đã biết thế nào là một vấn đề chứ. Đó là một sự thể mà ta không thâm nhập tận cùng, đến chốn đến nơi. Chưa hiểu được trọn vẹn, tức là sự thể ấy không được tháo gỡ, nó cứ trở đi trở lại mãi mãi và mãi mãi. Muốn hiểu được nó, ta phải cần hiểu được những mâu thuẫn – những mâu thuẫn cực độ, cũng như các mâu thuẫn thường ngày – của bản thể ta: ta nghĩ một đằng và ta làm đi một ngả, ta nói một điều này mà tâm cảm của ta lại khác hẳn đi. Có cái xung đột xảy ra giữa kính trọng và khinh bỉ, giữa tính lỗ mãng và sự lễ độ. Một đằng khi tâm ý hung hăng, ngạo nghễ, mà đằng khác thì lại ra trò khiêm cung. Các ngài hẳn biết vô số những mâu thuẫn của ta, những mâu thuẫn hữu thức hay tiềm tàng, vậy thì chúng phát sinh như thế nào?

…Xin các ngài, như tôi vẫn hay nói xin các ngài đừng nghe người này thôi, mà các ngài hãy nghe cả tâm niệm của chính các ngài nữa; các ngài hãy quan sát sự vận dụng tác hàng các phản ứng của các ngài, các ngài hãy ý thức các ứng đáp của các ngài khi một câu hỏi vừa đặt ra, để các ngài tự hiểu biết chính mình cho chín chắn hơn nữa.

Thế thường, mỗi khi gặp vấn đề, ta muốn biết cách thức gì để giải quyết chúng, cách gì để đối phó chúng, làm sao thắng ngự chúng làm sao rứt bỏ chúng, hay cách gì để giải quyết chúng. Tôi không hề lưu tâm mảy may gì với tất cả những thứ ấy. Đây tôi chỉ muốn biết do đâu mà các vấn đề xuất hiện, vì nếu tôi tìm thấy được gốc rễ của chỉ nội một vấn đề thôi, hiểu được rõ rệt căn nguyên của nó theo đuổi nó chí tận chỗ tột cùng của nó, thì tôi tất hiểu rõ được cả thảy mọi vấn đề. Nếu biết cách xem xét độc nhất một vấn đề nào cho toàn triệt thì tôi sẽ có thể hiểu được mọi vấn đề phát hiện trong tương lai.

Vậy các vấn đề tâm lý xuất hiện cách nào? Ta hãy xem xét chỗ này trước, vì ta biết rằng chúng làm bại hoại mọi hành vi động tác trong cuộc sống. Chỉ khi ta hiểu được và giải trừ chúng ngay trong khoảnh khắc vừa phát hiện mà không ghi nhớ lưu chuyển chúng đến giờ phút kế tiếp hay đến ngày kế tục thì ta mới có thể thu nhận mỗi hoàn cảnh mới mẻ một cách tươi nhuận và sáng suốt. Cuộc sống của ta là một tràng gồm toàn những thách thức xúc sự và những phản hồi ứng đáp, và tất cả chúng ta phải ứng phó mỗi xúc sự một cách trọn vẹn, bằng không thì mỗi khoảnh khắc mới sẽ đem lại cho ta những vấn đề mới khác nữa. Các ngài hiểu chứ? Chỉ một điều đáng để tôi lưu tâm thôi, đó là được tự do, đó là không có những vấn đề – những vấn đề về Thượng đế, về tính dục: không có bất cứ vấn đề về bất cứ điều gì. Nếu Thượng đế trở thành một vấn đề cho tôi, thì Thượng đế không đáng cho tôi phải tìm tòi, vì muốn tìm thấy khám phá coi ra chằng có một cái gì ấy khả dĩ gọi là Thượng đế, một thực thể tối thượng vượt qua sự so lường của tưởng niệm thì tâm thức tôi phải cần được trong suốt, bất nhiễm, chẳng bị một vấn đề nào ngăn ngại cả.

Bỡi lẽ đó nên ngay từ lúc đầu tôi đã nói rằng tự do là một điều cần thiết. Có người bảo với tôi rằng chính Karl Marx – thượng đế của những người cộng sản – cũng có viết rằng con người phải được tự do. Theo tôi, tự do lại là điều tuyệt đối cần thiết – tự do ngay từ đầu, đến giữa, cho đến chỗ cuối cùng – và tự do bị phủ nhận đi nếu tôi đeo mang một vấn đề sang qua ngày mai. Thế có nghĩa là chẳng những tôi phải tìm thấy coi nó xuất hiện như thế nào, mà còn cho biết làm sao xoá bỏ nó trọn vẹn, xoá bỏ như chặt phắt nó đi, cho nó không còn tái diễn, cho nó đừng kéo dài lê thê, cho tôi khỏi nghĩ nhớ tới nó nữa để hòng mai kia mốt nọ tìm thấy giải đáp. Nếu tôi mang chuyển nó sang qua ngày mai, tức đấy là tôi tạo đất cho nó mọc gốc châm rễ, rồi việc cắt tỉa vấn đề lại thành ra là một vấn đề khác nữa. Vậy tôi phải cương quyết tức thời chặt đứt để nó được hoàn toàn dứt bặt.

Các ngài đã thấy rõ sự thể là vậy. Dù vấn đề về vợ con hay về việc thiếu hụt bạc tiền hoặc về Thượng đế, dù bất về vấn đề gì, ta phải tìm xem nó xuất hiện thế nào và làm sao chấm dứt nó tức khắc.

Điều tôi nói đây không vô lý đâu. Tôi đã dẫn giải với các ngài một cách rõ ràng, minh bạch, chỗ cần thiết phải chấm dứt các vấn đề và đừng kéo dài chúng ngày này sang ngày nọ. Các ngài có hỏi chi về mấy điều vừa nói hay chăng?

Hỏi (H): Tôi không hiểu tại sao ngài nói rằng tiền bạc không phải là một vấn đề?

Krishnamurti (K): Tiền bạc là một vấn đề cho nhiều nhiều lắm. Tôi không hề bảo tiền bạc không phải là một vấn đề. Tôi nói vấn đề là một điều mà ta không hiểu được trọn vẹn, dù về tiền bạc, về tính dục, về Thượng đế, về những mối tương giao của ngài với vợ, với một người thù ghét ngài – bất luận về sự việc gì. Nếu tôi mắc bệnh, hay tôi thiếu hụt tiền bạc, thì điều ấy trở thành một vấn đề tâm lý rồi. Có khi những tham muốn tính dục cũng trở thành vấn đề nữa. Đây chúng ta đang xét coi các vấn đề tâm lý xuất hiện thế nào, chứ không xét coi phải xử sự thế nào với mỗi trường hợp đặc biệt. Ngài hiểu đấy chứ? Tuy thế, quả thực là giản dị!

Ngài biết chăng, ở Đông phương có những kẻ lìa bỏ thế gian rồi lê chân từ làng này sang làng khác với một cái bát ăn xin. Những người gọi là giai cấp Bà Là Môn ở Ấn Độ từ bao thế kỷ nay đã lập thành cái phong tục là người nào lìa bỏ thế gian phải được tôn kính, được cho ăn cho mặc. Đối với người ấy, dĩ nhiên tiền bạc không thành là vấn đề rồi. Nhưng đây tôi không bào chữa gì cho cái phong tục ấy đâu! Tôi chỉ muốn dẫn giải rằng phần đông chúng ta vốn có vô số những vấn đề có tính cách tâm lý. Không phải ngài có những vấn đề tâm lý như vậy, chẳng những về tiền bạc, mà cả về việc tình dục hay về Thượng đế, hay về những mối tương giao của ngài với người khác? Chẳng phải ngài không bận tâm lo lắng muốn biết coi ngài có được người này kẻ nọ thương yêu hay không sao? Thí dụ như tôi có ít tiền quá và tôi muốn có nhiều thêm, thì việc ấy trở thành một vấn đề. Tôi lấy đó làm lo phiền và trong tâm tôi dấy sinh xao xuyến, hoặc tôi hoá ra đố kỵ ganh ghét vì ngài có nhiều tiền hơn tôi chẳng hạn. Những điều đó bóp méo nhận thức của ta đi và đó là điều chúng ta đang nói đến. Chúng ta đang tìm xem những khổ tâm đó xuất hiện như thế nào. Thiết tưởng tôi đã nói điều ấy khá rõ ràng rồi – hay ngài muốn tôi nói thêm cho rõ nữa?

Dĩ nhiên, một vấn đề xuất hiện khi nơi tôi có cuộc mâu thuẫn. Nếu không có mâu thuẫn ở một giai tầng nào hết, tất chẳng có vấn đề gì cả. Nếu tôi không có tiền, tôi sẽ làm việc, tôi sẽ đi ăn xin, tôi sẽ vay mượn – tôi sẽ làm một việc gì đó vậy thôi và điều đó sẽ không là một vấn đề.

H: Nhưng nếu ngài không làm được gì cả thì sao?

K: Ngài muốn nói gì: ngài không thể làm gì được hết ấy ư? Nếu ngài có được một kỹ thuật gì hay một tri thức gì có tính cách chuyên môn, thì ngài trở thành thế này hay thế khác. Nếu ngài không làm gì khác được, thì ngài đi gánh đất vậy, cũng xong.

H: Đến độ tuổi nào đó, một người không thể làm việc gì nữa hết.

K: Thì kẻ ấy có tiền bảo kê bảo hiểm cho tuổi già.

H: Không, người đó không có tiền bảo kê nào cả.

K: Thì hắn chết vậy, và không có vấn đề gì nữa. Nhưng vấn đề này không phải là vấn đề của chính bà, thưa bà?

H: Đó không phải là vấn đề của chính tôi.

K: Vậy thì bà nói là nói về một người nào khác, thế thì ta lạc đề rồi. Ở đây, chúng ta nói về chính bà, với tư cách là một con người có những vấn đề, chứ không nói về một người thân thuộc hay một thân hữu nào khác.

H: Người đó không còn ai ngoài tôi để lo cho người. Có thế nào tôi đến nghe ngài và lại cho người ấy khổ sở?

K: Thì bà đừng đến vậy.

H: Nhưng tôi lại muốn đến.

K: Thế thì bà chớ lấy đó làm thành một vấn đề.

H: Có phải ngài bảo rằng tâm thức vốn có thể vượt lên trên một hoàn cảnh rắc rối hay bực dọc, như việc thiếu tiền bạc đây chẳng hạn?

K. Không phải thế. Ngài thấy chăng, ngài đã trả lời trước tôi bằng cách lo tìm giải quyết một vấn đề. Ngài muốn biết coi ngài nên xử sự thế nào với vấn đề, mà tôi thì chưa nói tới việc đó. Tôi chỉ mới đặt vấn đề ra đấy mà thôi, chứ chưa nói đến cách giải quyết nó. Khi ngài nói rằng tâm thức phải vượt lên trên vấn đề hay khi ngài hỏi người bà con hoặc người bạn tuổi già và không có tiền bạc kia phải làm sao, thì ngài có nhận thấy ngài đang làm gì đấy chăng? Ngài chỉ trốn tránh sự kiện hiện thực… Xin đợi cho một phút! Ngài hãy nghe tôi chút đã. Đừng chấp nhận, cũng đừng gạt bỏ điều tôi nói, ngài hãy chỉ nghe thôi. Ngài không chịu nhìn nhận sự kiện hiện thực rằng vấn đề ấy là vấn đề của chính ngài, chứ chẳng phải vấn đề của một người nào khác. Nếu ngài quyết giải quyết nó xong như một con người, ắt ngài sẽ giúp hay không giúp được người kia, tùy trường hợp, cho họ giải quyết vấn đề của họ. Nhưng hễ ngài xen vào các vấn đề khác và tự hỏi mình: "Tôi phải làm gì đây?", thế là ngài tự đặt mình vào một hoàn cảnh vô phương giải đáp, và như vậy, việc ấy dĩ nhiên thành là một mâu thuẫn… Không biết ngài có hiểu tôi rõ hay không.

H: Tôi dốt nát do vì một bệnh tật phát sinh lúc tôi còn bé, và điều này đã là một vấn đề lớn lao cho tôi trong suốt đời tôi. Làm sao tôi giải quyết nó đây?

K: Cả thảy các ngài đều quá đỗi lo toan tìm cho được những giải pháp, có phải thế không? Nhưng tôi lại không như vậy. Tôi rất tiếc. Ngay ở buổi đầu của những cuộc đàm đạo này, tôi đã nói rằng tôi không để tâm lo giải quyết những vấn đề gì của các ngài, cả của tôi nữa. Tôi không phải là người trợ giúp cho các ngài. Chính ngài là thầy của mình, là giới luật của mình. Các ngài đến đây để tìm học chứ không phải đến để nhờ ai chỉ cho các ngài phải làm thế này và đừng làm thế khác. Không phải đến đây để biết coi phải xử sự thế nào đối với trường hợp một người liệt bại, hay nghèo túng, hay dốt nát, đại loại như thế, đại loại như vậy. Các ngài đến đây để chính mình tự tìm học những vấn đề mà các ngài đang có, chứ không phải đến đây để được tôi dạy bảo… Vậy xin các ngài đừng đặt tôi sẽ thành là một đức thầy, một đạo sư, và tôi sẽ cộng thêm cái mớ ngu xuẩn trục lợi ấy vốn đã có trong thế gian này rồi. Vậy các ngài và tôi, chúng ta đến đây để tìm học, không phải để được ai dạy dỗ. Chúng ta tìm học không phải bằng việc nghiên cứu, bằng kinh nghiệm, mà bằng tỉnh thức, bằng cách hoàn toàn nhận thức chính bản thể mình. Thế thì những tương giao giữa chúng ta có khác hẳn với tương giao giữa sư và đệ. Người nói đây không phải đang dạy dỗ gì các ngài, cũng chẳng đang bảo các ngài những gì phải làm – nếu thế thì đủ là quá đỗi khờ dại non nớt.

H: Khi ta không thể nhận thấy được tất cả những gì hàm ngụ trong một vấn đề, thì làm sao ta vào tận gốc rễ và giải quyết nó?

K: Tất cả các ngài đều nôn nóng gấp rút muốn biết phải làm gì đến nỗi các ngài không cho tôi có thời giờ vào sâu đề tài. Xin các ngài hãy nghe trong đôi phút vậy. Đây tôi không bảo cho các ngài phải làm những gì về các vấn đề của các ngài, tôi đang dẫn giải phải tìm học cách nào, tìm học là gì, và rồi các ngài sẽ tìm thấy ra rằng khi nào có thể thâm nhập được vào việc học như vậy thì vấn đề tự chấm dứt. Nhưng nếu các ngài cứ đòi kẻ khác đưa cho các ngài một giải pháp, thì các ngài hoá ra như đứa trẻ vô trách nhiệm để cho người điều khiển, để rồi các ngài sẽ gặp xiết bao nỗi khó khăn thêm lên. Nói thế quá rõ ràng và giản dị rồi, vậy xin các ngài một lần này thôi, các ngài hãy ghi lấy cho minh bạch trong tâm trí. Chúng ta đến đây để mà tìm học, không phải để được phó thác cho ký ức những gì ta đã được nghe; nhưng với những lối nhái đi lặp lại ấy, ký ức không xuất khởi được sự giải trừ các vấn đề. Chỉ có sự trưởng thành may chăng là sự vận hành của việc tìm học đây thôi. Dùng cái sở tri, dùng sự ghi chép vào ký ức, để giải quyết những vấn đề của con người, xuất phát từ sự thiếu trưởng thành và chỉ khiến gia tăng thêm nhiều những vấn đề bằng cách tạo tác thêm những sự qui thuận công thức ước lệ mới khác.

Muốn giải quyết một vấn đề, đó chỉ là muốn lo trốn tránh nó thôi, có phải thế không? Tôi không thâm nhập nó, tôi không xem xét nó, không thăm dò thám hiểm nó, không hiểu được nó, tôi không nhận biết cái đẹp của nó hay cái xấu của nó, hay chỗ thâm sâu gì của nó cả. Mối bận bịu lo lắng duy nhất của tôi là giải quyết nó cho kỳ được, là dẹp nó qua một bên cho rồi đi. Cái ý muốn nôn nóng này khiến ta giải quyết một vấn đề nhưng đã không hiểu được nó, đích thị đó là một sự trốn tránh, và dĩ nhiên lại trở thành một vấn đề thêm nữa. Mọi trốn tránh đều kết liễu ra như thế hết.

Thí dụ như tôi có một vấn đề và tôi muốn hiểu được nó cho trọn vẹn. Tôi không muốn trốn tránh nó, tôi không muốn cứ bàn suông nói suông, tôi không cần phải đem ra nói với ai hết. Tôi chỉ muốn một việc độc nhất là hiểu được nó mà thôi. Tôi không cần hỏi ai để cho họ bảo tôi phải làm gì với vấn đề này. Tôi thấy rằng chẳng một ai bảo cho tôi được, và nếu có ai bảo tôi và tôi chấp nhận những lời họ dạy bảo, thì đó là một cách hành động ngu xuẩn và phi lý. Vậy tôi phải tìm học chẳng để ai dạy, và trong khi xem xét trường hợp hiện tiền này tôi cũng không lấy những gì tôi học được ở các vấn đề trước đem chen xen vào đấy. Ồ! Các ngài không nhận thấy cái đẹp trong sự việc ấy sao kìa!

Ngài biết thế nào là sống trong hiện tại không? Không. Tôi e rằng không. Sống trong hiện tại là tuyệt không có mảy may liên tục nào cả. Nhưng chúng ta sẽ nói điều này trong dịp khác.

Đây tôi có một vấn đề mà tôi muốn hiểu nó được tạo thành do những gì. Để tìm học vấn đề này, tôi không thể đem xen tạp vào đó những kỷ niệm của quá khứ để giải quyết nó vì ở đây tôi đứng đối diện trước một sự việc mới lạ, tôi phải xem xét nó một cách tươi nhuận chứ không phải bằng những ký ức chết cứng, ngu xuẩn. Sự việc đây vốn linh hoạt, vậy tôi phải xét nó trong chỗ hiện tiền linh động của nó, và yếu tố thời gian tất phải được gác dẹp đi hoàn toàn.

Tôi muốn biết coi những vấn đề tâm lý xuất hiện thế nào. Như tôi đã nói, tôi muốn hiểu được toàn cơ cấu bản nguyên của nó để do đó tôi thoát ly khỏi sự cấu tạo ấy, để mà tôi biết xử sự cách nào đối với tiền bạc, với vấn đề tính dục, với sự thù ghét, với tất cả những gì có liên hệ trong đời. Làm như thế, ý tôi muốn nói là bằng cách tìm thấy các vấn đề xuất hiện như thế nào chứ không phải bằng cách tìm cách giải quyết chúng, thì tôi sẽ không dấy tạo thêm những vấn đề tâm lý nữa. Ngài hiểu kịp ý tôi chứ? Không một ai bảo cho tôi biết những vấn đề xuất hiện thế nào: chính tôi phải tự hiểu lấy điều ấy.

Trong khi khai phá thâm nhập vào bên trong tâm tư, xin các ngài cũng thâm nhập vào tự tâm các ngài, chứ đừng chỉ nghe những danh từ của tôi. Nếu không nhìn xem ở tự tâm mình, và nếu các ngài không vượt qua lên trên những danh từ, tất những danh từ không trợ giúp chi cho các ngài được; chúng sẽ chỉ là một sự trừu tượng, chứ chẳng phải là một thực tại. Mà thực tại là chính cái cơ vận hành khám phá nội tại, chứ chẳng phải sự dẫn khởi ngôn từ dùng về cơ sở vận hành ấy. Điều này minh bạch chứ?

Theo tôi, như tôi đã nói, tự do là điều tối ư quan trọng. Nhưng nếu không thông minh ắt không hiểu được tự do, và sự thông minh chỉ có thể nảy sinh là khi ta đã hiểu được trọn vẹn nguyên lai, căn cội của các vấn đề. Tâm thức phải nhanh nhẹn, chú ý, tâm thức phải mẫm cảm tột độ, để giải trừ ngay khi vấn đề vừa phát sinh. Bằng chẳng vậy, hẳn không có tự tại đích thực, mà chỉ có cái tự do manh mún bề ngoài, không giá trị gì. Không khác gì như kẻ giàu kia tự cho là mình tự do. Trời đất ơi! Kẻ ấy chỉ là nô lệ cho rượu chè của hắn, cho dục tình của hắn, cho sự tiện nghi của hắn, cho cả tá sự vật. Và kẻ nghèo nói: "Tôi tự do vì tôi không có bạc tiền", thì lại có bao nhiêu vấn đề khác nữa. Vậy tự do, và việc duy trì sự tự do ấy, không thể chỉ là một sự việc trừu tượng được, cả hai tâm thái đều thiết yếu cho mỗi người ở chỗ mình là một con người vì chỉ khi ta tự do, ta mới có thể yêu thương. Làm sao có thể yêu thương gì được nếu ta tham vọng, thèm muốn, ganh đua, tranh chấp?

Xin các ngài chớ nên chấp thuận. Thế là các ngài chỉ giao cho một mình tôi làm hết mọi việc đấy thôi.

Tôi không biết gì với việc giải quyết một vấn đề, cũng không màng đi tìm kiếm ai khả dĩ giúp tôi giải quyết nó. Không một sách vở, một bậc tôn sư, một giáo hội, một linh mục hay một vị cứu thế nào có thể bày vẽ cho tôi cách thức gì để giải quyết vấn đề cả. Chúng ta đã từng chơi cái mửng ấy trong mấy nghìn năm rồi và chúng ta vẫn còn mang nặng đầy những vấn đề. Đi nhà thờ, đến xưng tội, lo cầu nguyện, những thứ ấy không hề giải quyết được các vấn đề gì cả. Các vấn đề sẽ cứ gia tăng, như ta đang nhận thấy hiện giờ. Vậy, hỏi chứ các vấn đề xuất hiện thế nào?

Như tôi đã nói, hễ ở tự tâm không còn mâu thuẫn, thì chẳng còn vấn đề. Mà cuộc mâu thuẫn nội tại tất hàm ý có cuộc xung chướng giữa các ý muốn, có phải thế không? Nhưng một ý muốn, tự nó, vốn chẳng bao giờ mâu thuẫn. Mà chính những món vật – đối tượng – của ý muốn mới dấy sinh mâu thuẫn với nhau. Do vì tôi họa được mấy bức tranh hay do vì tôi viết vài cuốn sách, hoặc do vì chút việc tầm phào nào tôi làm được, tôi phát sinh ý muốn được danh vọng, tiếng tăm. Rồi hễ không ai biết danh tôi, là tôi lâm vào trạng huống mâu thuẫn và lấy đó làm điều khổ sở. Tôi sợ sự chết chẳng hạn – cái chết mà tôi không hiểu nổi – rồi trong cái tôi gọi là tình thương lại phát sinh mâu thuẫn. Thế là tôi nhận thấy rằng thật ra các ý muốn là căn cội của những mâu thuẫn, nhưng không phải chúng, mà chính những đối tượng của chúng mới có tính cách mâu thuẫn. Nếu tôi cố gắng thay đổi hay gạt bỏ những đối tượng của các ý muốn của tôi bằng cách bám vào một đối tượng nào trong đó và loại trừ tất cả mọi đối tượng khác. Giải quyết như vậy lại trở thành một vấn đề nữa, vì tôi phải chống kháng, xây dựng lên bức tường ngăn cách đối lại mọi sự khác. Thế thì tôi không nên lo thay đổi hay giảm bớt những đối tượng của các ý muốn, mà phải nhận hiểu chính những ý muốn ấy.

Các ngài có thể tự hỏi rằng các ý muốn có những tương quan gì với các vấn đề tâm lý. Chúng ta vừa thấy rằng không phải chính những ý muốn, mà là những đối tượng của các ý muốn, hay những mục tiêu tương khắc của chúng đã dấy sinh ra những mâu thuẫn cùng những xung chướng nội tại, và có ra công cố gắng để chỉ muốn duy một điều thôi thì quả là vô ích. Ông linh mục kia có thể nghĩ rằng ông ta chỉ mong chứng đạt Thượng đế mà thôi, nhưng ông lại cưu mang vô số những thèm khát mà ông không ý thức. Vậy ta cần phải hiểu bản chất của các ý muốn chứ chẳng nên chỉ ưng lo kiểm soát hay phủ nhận chúng. Hết thảy các kinh điển tôn giáo đều bảo phải tận diệt chúng, đều bảo không nên có những ý muốn, điều ấy thực là ngô nghê. Ta phải hiểu các ý muốn xuất hiện ra sao và cái gì làm cho chúng được liên tục, chứ không phải tìm cách chấm dứt chúng. Thật sự nhận thấy các ý muốn xuất hiện ra sao, thì rõ là khá giản dị: trước tiên có nhận thức, tiếp xúc, cảm giác – dù không tiếp xúc cũng vẫn có cảm giác – rồi từ đó bắt đầu nẩy sinh ra ý muốn. Chẳng hạn tôi thấy một chiếc xe hơi: đường nét của chiếc xe, hình thể của nó, vẻ đẹp của nó lôi kéo hấp dẫn tôi, và tôi muốn được chiếc xe ấy. Tuy nhiên, huỷ diệt các ý muốn, tức là không còn ý thức cảm nhận được gì nữa cả. Chứ hễ tôi vừa ý thức cảm nhận thì tôi đã kẹt vào vòng tiến trình của ý muốn rồi. Tôi thấy một vật gì đẹp, một người đàn bà đẹp, hay những sự thể gì khác đại loại như thế, thì các ý muốn liền phát sinh; hoặc tôi thấy một người hết sức thông minh và chân chính, tôi muốn giống được như người ấy. Do nhận thức nảy sinh có cảm giác, và do cảm giác nảy sinh thành ý muốn. Sự kiện này này không có gì là rắc rối cả. Sự phức tạp bắt đầu là khi có tư tưởng xen vào: tôi tưởng nghĩ đến chiếc xe kia, đến người đàn bà nọ hay đến người mà tôi muốn mình được giống như thế, và do cái tưởng niệm này, ý muốn liền được liên tục vậy. Bằng không thì không có liên tục gì cả: tôi có thể nhìn chiếc xe hơi mà không muốn nó. Ngài hiểu điều tôi nói chứ? Nhưng hễ tôi vừa lưu tâm tưởng nghĩ chút gì đến chiếc xe ấy, là ý muốn liền được liên tục và sự mâu thuẫn liền dấy khởi lên.

H: Có ý muốn không đối tượng chăng?

K: Điều đó không có được; không có ý muốn trừu tượng.

H: Vậy thì ý muốn luôn luôn dính liền với một đối tượng chứ? Nhưng ban nãy ngài bảo rằng chúng ta cần phải tỏ hiểu cơ vi của chính ý muốn chứ đừng xem xét đối tượng của nó.

K: Thưa ngài, tôi đã trình bày ý muốn xuất hiện thế nào, và bày rõ là do tưởng niệm mà khiến cho ý muốn được liên tục.

Nhưng chúng ta phải tạm ngừng ở đây đi. Chúng ta sẽ tiếp tục trong những lần nói chuyện tới.

Ngày 14 tháng 7 năm 1964


Nguồn: Ý nghĩa sự chết, đau khổ và thời gian của Krishnamurti. Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa dịch. An Tiêm xuất bản lần thứ II. In tại ấn quán Thăng Long 220A, Trương Minh Giảng, Sài Gòn. K.D. số: 3697 ngày 31-12-1968.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét