Nguyễn Đức Sơn
Xóm chuồng ngựa
(tập truyện ngắn)
Đêm tiệc trần gian
Nằm suốt cả buổi xế trên võng ngủ rồi thức dậy ngâm cổ thi, lão Phụng thấy hơi chán. Nhưng lão cũng sung sướng có được một ngày nghỉ hoàn toàn mà đáng lẽ ra nghề nghiệp và công việc của lão không cho phép như đối với phần đông những người khác, những kẻ cơ hàn khốn khổ nhất trong xã hội cùng làm một nghề với lão. Lão đưa mắt nhìn về phía chiếc mùng lớn của lũ con mụ Đại. Lão bực mình thấy chiếc mùng vẫn còn bỏ rũ xuống mặc dù lũ con chưa lên ngủ. Nhưng mắt lão đã mờ cho nên lão lầm. Khi lão mới vừa bỏ chiếc võng, mở một chiếc nem và bẻ một miếng bánh mì đi về phía cửa sổ đằng sau gác, lão giật mình thấy thằng Hùng, thằng Bình, con Liên, thằng Lộc chui ra khỏi mùng mắt hướng về phía lão, im lặng, uể oải. Thằng Hùng – đứa con trai lớn của ông chủ nhà – thình lình bật lên khóc.
"Cái gì?" Lão Phụng bực trí gắt lên.
"Dạ tụi con đói quá.“ Thằng Hùng trả lời, lễ phép.
"Lúc trưa không ăn cơm sao?"
"Dạ mẹ con chưa về.”
"Biết rồi, mẹ tụi bây đi ở cữ, nhưng còn mụ Thận đâu? Sao không thổi cơm cho tụi bây ăn?"
"Dạ bà Thận đi đâu từ hôm qua chưa về.”
"Vậy từ hôm qua tụi bây ăn cơm ở đâu?"
"Dạ ở bên nhà bác Lâm.”
Lão Phụng không biết hỏi gì thêm. Cùng lúc đó cả bốn đứa con ông Đại đều òa lên khóc như bị ai thình lình đánh. Tiếng con Liên cao ré lên. Tiếng thằng Bình trầm xuống. Tiếng thằng Lộc bãi nhãi, dây dưa. Tiếng thằng con lớn chừng mười tuổi – thằng Hùng – thì nặng nề, ngột ngạt, ấm ức, tức tưởi như có ai chận ở cổ. Bây giờ thì lão Phụng không phân biệt được nữa. Tất cả những tiếng khóc kia đều hòa chung thành một âm thanh hỗn loạn khó tả. Nó giống như tiếng kêu của một vài thứ cá khá lớn ở trong cùng một mẻ lưới khi người ta mới vừa kéo lên ghe ở ngoài khơi. Hồi ở biển còn là một ngư phủ, lão Phụng phân biệt được tiếng kêu của nhiều loại cá khác nhau. Thế nhưng khi cùng nằm trong khoang thuyền hay ở trong đáy rọ lưới, chúng chỉ phát ra một âm thanh hỗn độn, ột ột, oạt oạt, lào xào khiến không ai dù nhiều kinh nghiệm đến đâu có thể phân biệt được chắn chắn những loại cá nào nếu không được dòm đến. Tiếng khóc của lũ trẻ con tự nhiên làm lão nhớ đến biển, đến một vùng biển đặc biệt ở một hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, nơi lão sinh ra đời. Lão còn nhớ rõ ngày lão phiêu bạt vào đất Sài Gòn, khoảng 1945, hồi Pháp và Nhật đánh nhau những năm đầu lão gần như ngạt thở vì lão không chịu được cuộc sống tù đày, ngột ngạt trên đất liền. Lão thèm khát vùng biển mặn bao la, càng thèm khát khi cuộc sống cơ hàn đẩy lão vào những ngõ hẻm tối tăm của thành phố và xã hội. Niềm tin tưởng và hy vọng độc nhất của lão Phụng: kiếm được một số tiền khá, giữ bí mật đừng cho ai biết để một ngày kia – ôi, cái ngày hạnh phúc – có phương tiện đóng được một chiếc thuyền gỗ nhỏ nhưng vững, chắc, có thể dùng được khoảng trên dưới hai mươi năm (lão hy vọng và tin tưởng có thể sống đến khoảng tám chín mươi năm) cho đến hết đời. Với chiếc thuyền đó lão sẽ tự túc sống một mình, cô đơn ở ngoài xã hội.
Lão Phụng mở chiếc nem thứ hai và nốc hết ly rượu thứ ba thì trời cũng đã chiều sẫm. Khoảng thời gian này ngày và đêm tối thường gần như không có biên giới. Màu đen của đêm sẽ từ từ chiếm đoạt lấy hết cả ánh sáng hay ánh sáng tự rút lui cũng thế. Lão Phụng bước đến cửa sổ đằng sau, tỳ một tay lên thành cửa, nhìn xuống cái vịnh phía dưới cùng với những nhà sàn, nhà gác, thấp, hẹp, tối tăm, nghèo cực, khốn đốn. Lão chờ đợi với lo âu từ mấy hôm nay một thứ mùi hôi sẽ xuất phát từ nơi đó. Nhưng tại sao chưa nghe? hay không bao giờ nghe thấy nữa? Lão mừng thầm. Lão nhìn lại phía mùng, nói với thằng Hùng:
"Hùng, tao bảo dẫn lũ em mày đi qua nhà bà Lâm, bà liên gia trưởng đó ăn cơm đi. Xong về ngủ im tất cả. Động đậy là ăn đòn. Nghe chưa?"
"Dạ.”
Thằng Hùng thưa xong, dẫn cả lũ em đi xuống thang gác. Đứa con trai mười tuổi dẫn mấy đứa em lóc nhóc leo nheo gần như vô tri vô giác. Có điều những sinh vật gần như vô tri vô giác đó cũng biết phản ứng, những phản ứng vô tri vô giác giống những xung động. Lão Phụng buồn cười thấy thằng Hùng và lũ em nó nghe lời ông phăng phắc, không dám cãi lại như khi còn cha mẹ nó ở nhà. Nhất là thằng Hùng, đứa con nít mười tuổi đó cũng biết đóng kịch nữa dù quá lộ liễu. Nó giả cái bộ mặt tuân phục, ít nói, lễ phép, hiền lành trái hẳn với lúc thường bởi nó biết chắc chắn rằng hiện giờ nó không có ai bênh vực che chở hết. Những đứa con nít trong những gia đình cơ hàn, cùng khổ hay nhưng gia đình khá giả nhưng cha mẹ thất học hoặc có đỗ đạt cao nhưng quá quê mùa, hạ trí thường thường được bẩm sinh một bản tính khôn ranh vặt vãnh đó, và được thụ hưởng rất sớm có khi mới chừng bốn, năm tuổi.
Khi đưa mấy đứa em xuống dưới thang gác, thằng Hùng lại òa lên khóc. Tiếng khóc tức tưởi, ấm ức nhưng gần như vô giác.
"Lại khóc. Có im đi không." Lão Phụng gắt.
"Mẹ lâu về quá." Thằng Hùng nói.
"Cũng gần về rồi! Mày có biết nhà hộ sinh bên Đa Kao chưa? Mụ Thận không dẫn tụi bây đi thăm em sao?"
Nghe tiếng em, đứa con mới đẻ, thằng Hùng thình lình ngưng khóc. Một nguồn vui vô tri tràn chiếm lấy tâm hồn trẻ thơ của nó. Nó nói chuyện một cách bình tĩnh, đôi mắt sáng lên. Mấy đứa em của nó cũng lây cái nguồn hạnh phúc vô tri kia quên hẳn cơn đói, nhịn lão Phụng, mắt sáng ngời như anh nó.
"Thưa ông, bao giờ em về?"
"Tao làm sao biết được. Nhưng gần rồi."
Nói đến đó. Lão giật mình vì biết ngày trở về của bà Đại đã gần kề. Ngày mai, ngày mốt... Lão tính nhẩm biết bà Đại đã đi ở cữ cách đây một tuần. Và cách đây mấy hôm, khi lão đi mua ve chai về, lão Phụng làm nghề mua bán ve chai, lão đã nghe biết được ngày về đích xác của mụ Đại. Đó là chiều thứ Bảy. Ông Đại ở quân trường Thủ Đức sẽ đến ngay nhà hộ sinh, đưa vợ về nhà luôn. Những người vợ trong những gia đình nghèo khổ lam lũ thường nằm đẻ rất mau. Tội nghiệp. Kế cận giờ sinh họ mới được đưa đến nhà hộ sinh và khi sinh xong, khỏi có việc nghỉ dưỡng sức, họ chạy về nhà ngay. Mà nghỉ dưỡng sức thế nào ở những cái nhà hộ sinh nghèo nàn, hôi hám, u ám, tối tăm với tiền viện phí rẻ mạt! Sở dĩ mụ Đại nằm đến hơn một tuần là vì ông Đại vắng nhà, bất tiện, thế thôi.
Nghĩ một chốc, lão Phụng nói với thằng Hùng:
"Ngày mốt, thứ Bảy, mẹ mày sẽ về, cùng với cha mày ở Thủ Đức và mấy người bạn của cha mày ở trong trường sỹ quan, ôi khối vui con ạ!"
"Mốt là còn hai ngày nữa phải không?"
"Ừ, hai ngày nữa thôi! Thôi, đi ăn đi, xong về ngủ im tất cả nghe không? Bà Lâm đang ăn cơm đó, đi ngay cho kịp!"
Đêm khuya. Cái xóm Cỏ nghèo nàn ở vùng Thị Nghè nầy gần như biệt lập với xung quanh. Người ta chỉ nghe thấy những tiếng người nói xôn xao lúc chiều. Bây giờ thì gần như yên lặng hoàn toàn. Người ta tiết kiệm dầu nên khắp nơi đều tối om.
Lão Phụng vẫn tỳ tay nơi cửa sổ. Lão đoán chắc lũ trẻ đã ngủ luôn ở nhà bà liên gia trưởng Lâm. Nhà bà Lâm rộng rãi nhất xóm và có một bề ngoài khá đặc biệt. Khi vào xóm nhìn thấy nhà bà, người ta biết ngay đó phải là nhà của một người có có cái chức sắc gì đó trong tổ chức làng xã ở thôn xóm. Trong xóm, bà Lâm là chỗ thân tình nhất của gia đình ông Đại. Mà thật ra trong xóm này chỉ có hai cái gia đình đó là có thể thân mật với nhau. Lý do: cả hai bên đều mặc nhận có một địa vị đáng kể nào đó trong xóm, bà Lâm tạm gọi là khá giả; ông Đại đỗ bậy bạ đâu được cái tú tài toàn phần và làm thư ký một tư sở khi chưa vào trường sỹ quan trừ bị Thủ Đức và chưa thất nghiệp. Phải kể thêm một yếu tố danh dự về phía bà Lâm. Bà, tuy góa chồng, sống hạnh phúc với hai đứa con gái và một đứa con trai. Một trong hai đứa con gái cũng đỗ được cái tú tài nhưng rủi thay vì tình duyên oan trái gì đó đã tự ý từ giã cõi đời. Đứa con trai thì không muốn thế chút nào nhưng đã mắc bệnh ban cua chết cách đây mới chừng hơn một tháng. Đứa con gái còn lại, rủi thay, là đứa con tệ nhất trong nhà. Bản tính nó im lặng, ủ rũ. Im lặng, ủ rũ đến độ làm cho bà Lâm phát sợ. Nhất là ban đêm, nó lại mê sảng nói những lời lẽ kỳ cục, quái dị. Bà Lâm muốn phát điên vì nguồn hy vọng cuối cùng của bà cũng đang bị hăm dọa. "Nó bị ma ám, hồn quỷ đã nhập vào nó!" Mọi người đều nói với bà như vậy. Bà tin lắm, càng ngày càng tin nhưng bà chưa tìm ra lý do thôi. Bà hứa với bất cứ thầy lang nào nếu cứu khỏi sẽ cúng cho một số tiền rất hậu. Nhưng chưa có ai...
Lão Phụng nhìn xuống vịnh nước dưới cửa. Đêm nay nước ở sông Thị Nghè lên khá lớn nên vịnh này cũng chịu ảnh hưởng. Đó là một cái vịnh nhỏ, bị tắt cụt ở phía trong, ăn thông với một nhánh sông nhỏ của sông Thị Nghè. Như tất cả cái vịnh con của những con sông nhỏ ở đây, nó dơ nhớp chưa từng thấy. Xung quanh vịnh chỉ có một loài thảo mộc độc nhất: loài cây mái chèo lá to bản. Cây mái chèo mọc quanh vịnh hay lác đác đó đây dưới chân những cột nhà nhớp nhúa. Lão nhìn bên phía nhà bà Lâm. Chỉ còn một ngọn đèn dầu leo lét đến cái độ gần muốn tắt. "Hay mụ Lâm đang rình ta, dò xét ta?" lão Phụng tự nghĩ, "mà dò xét cái cóc khô gì... hôm nay là ngày thứ Tư, không thấy cái mùi hôi , tức là, tức là..." lão nhớ lại mấy hôm nay nước sông thường lên lớn và nửa đêm nước rút hết ra sông. Chỉ có những xác súc vật chết thối nhiều ngày trôi vào đây thì mới bị kẹt lại còn tất cả mọi thứ đều theo con nước trôi luôn ra sông lớn. Lão bóc một cái nem khác. Mùi nem thịt phảng phất một chút mùi hôi lão đang tưởng tượng với sự lo lắng. Lúc đó một đôi chuột cống to tướng lăn từ mái lá xuống làm lão đánh thót trong ngực. Một con nhanh chân bắt nhanh qua mái tôn thấp vụt chạy về phía nhà bà Lâm. Con kia rủi ro đánh lọt xuống nước một cái bõm nhưng thừa sức lội lướt trên nước qua bên kia bờ, chui vào một ống cống xi măng bỏ hoang gần mấy đám cây mái chèo. Chuột cống là sinh vật độc nhất có một sinh hoạt náo động nhất của cái vịnh này. Chúng làm việc ban đêm, cả ban ngày ở dưới chân cừ những nhà sàn. Chúng lở lói trông không quen sẽ ói ngay. Chúng gần nước, sinh trưởng ở đó nên chúng gần như biến tích. Chúng lợi dụng mặt nước làm môi trường sinh hoạt, làm đất sống của chúng. Không những chỉ lội qua mặt nước trong những trường hợp bất đắc dĩ, chúng còn ăn, giỡn trên mặt nước. Một buổi trưa, khi mới đến xóm này, đang ngồi sắp xếp mấy cái chai, tỉn mới thu được, lão bắt gặp một con vật to bằng con chồn mướp ở trong đống củi bị động lội thẳng một hơi qua bên kia bờ. Lúc đầu lão tưởng đó là con rái cá. Bởi ở đây thỉnh thoảng cũng có loại động vật này ở sông lớn lên chơi. Nhưng sau lão không thể nào bị lầm nữa. Đó chính là loại chuột cống, loại sinh vật ươn hèn, dơ nhớp, hạ trí nhất mặc dù sự tinh khôn vặt vãnh của chúng. Chính vì chúng mà cả xóm nghèo này trở nên điêu đứng một phần nào. Chúng gây ra không biết bao nhiêu thứ bệnh, nhất là bệnh dịch. Mấy con heo của ông Đại tháng trước đua nhau đi chầu trời cũng tại chúng. Thế nhưng vợ chồng ông Đại chưa muốn tin theo lời một số người trong xóm đổ thừa tại con chó Ki Ki, con chó già khốn đốn hay tru lên trong những đêm khuya khoắt. Thật ra con Ki Ki có cắn lộn với con heo nái bà Đại một lần. Lần đó, khi bà Đại đi chợ, đói từ mấy hôm, con Ki Ki không ngại tấn công con vật già ngu xuẩn đần độn là con heo nái để tranh lấy phần cháo heo mới nấu khi sáng. Rủi thay lúc đó bà Đại bỏ quên cái gì lại trở về nhà. Bà im lặng, rình, lấy củi thước phang ngay đầu con Ki Ki nhưng may mắn gậy chỉ đập trúng vào bả vai nó. Đau điếng người, con vật khốn đốn tung chuồng lội thẳng qua vịnh nước đi mất. Lão Phụng thừa biết con vật già phải lấy hết sức bình sinh mới lội qua khỏi vịnh được. Thế nhưng hai ngày sau, không kiếm đâu được miếng ăn, nó quay đầu trở về. "Sao hèn thế hở con, sao không đi luôn đi! Cái thứ già mày là thứ bỏ đi tìm đâu ra được miếng cơm mà không trở về!" Lần đó vào buổi trưa có mặt lão Phụng ở nhà nên lão nghe rõ mồn một lời mụ Đại nói với con vật như thể nói với người vậy. Mụ còn nhiếc con chó: "Cứ giỏi tối nay tru lên nữa đi coi... hay là hồn quỷ nhập vào mày... coi chừng tao trụng nước sôi đó.“ Mấy ngày sau đó, con Liên - đứa con gái năm tuổi của mụ - té sông. Nó suýt chết. Rồi tiếp theo đó một cái nhà lá của một tên đàn ông Bắc di cư ở phía đầu xóm phát cháy do sự bất cẩn của hắn trong mùa nắng gắt. Thế mà người ta cũng đỗ thừa tại tiếng tru của con Ki Ki. Lúc này ông Đại, bà vợ và bà Lâm cũng chống trả vơi dư luận khá kịch liệt. Nhưng sau khi đứa con gái rồi đứa con trai mụ Lâm chết, sau tai nạn của con Liên và những chuyện phiền bực khác trong gia đình ông Đại, hai gia đình này cũng đâm ra thù ghét con Ki Ki và có khuynh hướng đồng ý với dư luận. "Phải giết nó đi, nếu không nó sẽ mang tai họa đến cho cả xóm.” Tên đàn ông thuộc giống người Bắc di cư chủ gia đình ở đầu xóm suýt gây hỏa hoạn cho cả xóm đến thẳng nhà ông Đại nói như vậy. Rồi sợ ông Đại không tin lắm, tên đàn ông đó tiếp: "Bác Đại à, bác là người có học hơn tất cả chúng tôi trong xóm nhỏ này, bác có đọc nhiều sách vở nhưng có những chuyện huyền vi của tạo hóa bác không làm sao hiểu nổi... Này, bác nên giết quách nó đi... Thứ chó tru đêm đó là hiện hình của quỷ sứ đó bác ạ. Bác có trông thấy đôi mắt đỏ ngầu của nó không? Nó sắp điên đến nơi nữa rồi đó... Rồi lại cắn phải người khác... Rồi bác phải tốn tiền đưa họ đến viện Pasteur Saigon. Rồi cảnh sát đến bắt... ối là khối phiền phức... đó là chưa kể đến những tai họa ác hiểm hơn..." Tên đàn ông thuộc giống người vốn ghiền "nai đồng quê" đó còn nói quyết liệt hơn. Lão Phụng nghe hết và lão chỉ biết cười. Bởi con Ki Ki không phải là con chó dại, có triệu chứng điên. Nó chỉ có một cái bệnh độc nhất: đói, cũng như hầu hết con cái của mấy gia đình tạo thành cái xóm Cỏ biệt lập này. Đói đã làm cho nó còm cõi. Đói đã làm cho nó hung dữ. Thế thôi. Và có lẽ nó tru cũng tại bởi đói; cái bệnh đói biến chứng, bởi lẽ người ta chỉ thường gặp những con chó ghẻ khốn đốn còm cõi ở những gia đình khốn khổ phần nhiều ở nhà quê và các miền giặc giã mới biết tru. Những con chó sống đầy đủ gần như không bao giờ biết đến nhu cầu đó. Và đôi mắt của con Ki Ki đâu có đỏ ngầu như người ta nói. Trái lại nó vẫn đen, Lão Phụng tin chắc rằng nếu con Ki Ki được nuôi trong một gia đình nào khác, đặt cho nó một cái tên hay hơn, cho ăn đầy đủ hơn, con Ki Ki bây giờ ắt hẳn phải thuộc vào loại khá hơn nhiều lắm. Phần lớn súc vật và người ta hơn thua nhau chỉ tại hoàn cảnh thôi. Nhưng trường hợp bà Lâm thì không phải. Bà thường khoe với mọi người trong xóm nhỏ này là trước kia, hồi chưa di cư, bà đích thực là người ở tỉnh không phải là dân ruộng. Bà rất giàu và có không biết bao nhiêu mẫu lúa ở ngoài Bắc. Nhưng cứ vào nhà bà, liếc một cái từ nhà bếp vào phòng khách, người ta quả quyết không sai là bà Lâm phải thuộc vào hạng quê mùa thô kệch dù trước kia thực sự bà giàu có. Những người thuộc gia đình đích thực khá giả, có học, có giáo dục, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng còn giữ được những nét đặc biệt. Những nét đặc biệt đó hiện hình trong những cử chỉ, hành động, dù là cử chỉ, hành động du côn, ác hiểm, tàn bạo. Đến một ngày kia, tên Hai Độn - thợ quét vôi - ở cuối xóm bị ngã hộc máu khi đang xây cất một ngôi nhà ở Chợ Lớn, nằm bệnh trở về cũng đổ thừa tai nạn của mình cho tiếng tru con Ki Ki. Nhưng cứ nhìn cái cử chỉ loay hoay thường nhật của hắn ai cũng tin chắc thế nào hắn cũng bị té ngã và những tai nạn hiểm nghèo như vậy vốn vẫn là cái nghiệp thân yêu luôn luôn chờ đợi hắn.
Vậy mà hắn cứ đổ thừa cho con vật khốn đốn kia.
Con vật khốn đốn chỉ có một người bạn độc nhất là lão Phụng. Không phải lão chỉ có cảm tình đặc biệt đối với con Ki Ki. Lão còn có cảm tình đặc biệt với bất cứ con Ki Ki nào khác. Ngay khi đến đây, biết được hoàn cảnh khốn đốn của con chó già, lão có ý định giết nó. Lão thuộc loại người hết sức nhân đạo nên có thể bị ngộ nhận là dị thường. Và tình cảm nhân đạo của lão rất mạnh. Nhiều buổi trưa đi trên con đường vắng thấy một con chó già nằm thoi thóp thở, lão thấy xây xẩm cả mặt mày. Phải ở trong hoàn cảnh khốn đốn nghèo cực như lão mới biết cái tình cảm kia mạnh biết chừng nào. Và mỗi lần như thế, thế nào lão cũng bỏ tiền ra mua ít đồng bạc thịt kèm vào bánh mì hẳn hoi, nhưng trời ạ! trong đó còn có cả thuốc độc nữa, đem đến cho con chó ăn. Và buổi chiều ngày đó nếu ai để ý thế nào cũng gặp lão Phụng đi ngang qua đó, im lặng một phút rồi cúi đầu đi luôn. Nếu tính ra thì trong đời lão đã giết ít nhất là một ngàn con trong trường hợp đó rồi! Con số có thể nói là kinh khủng cho người nghe phải tin. Và mỗi lần giết được một con lão có thói quen về ghi một nét trong sổ con có đề ngày hẳn hoi.
Từ ngày lão Phụng đến thuê căn gác, con Ki Ki cứ xoắn xuýt bên lão. Phải nói thêm là lão Phụng ở chung một nửa căn gác thấp và hẹp của ông Đại với giá 150 đồng một tháng. Nửa căn gác ở phía trước là giang sơn ông Phụng, lão bán ve chai giang hồ, gồm có những đồ đạc độc nhất sau đây: một cái võng thượng hạng giăng vừa đủ chiều ngang căn gác, một cái rương cũ đựng một ít áo quần và một vò rượu. Ban đầu lão sống cùng cực với cái nghề này. Sau nhờ quen mối và kinh nghiệm lão sống đã khá. Mỗi tháng sau khi đi giao chai, tỉn cho tên chủ người Trung Hoa ở Chợ Lớn, lão nghỉ hẳn được một ngày, uống rượu ngâm thơ, sống phong nhã hơn hẳn những người khác cũng làm nghề này. Mỗi buổi chiều về lão Phụng có thói quen mua cho con Ki Ki một đồng huyết heo lão dấu kỹ trong gánh. Lão thường chỉ trở về buổi chiều, để tránh nghe những tiếng động, tiếng chửi bới ồn ào. Lão sợ nhất là cái âm thanh hỗn độn dị loại tạo thành bởi tiếng bầy heo đói kêu lên cùng với tiếng của lũ trẻ, tiếng quát tháo của bà Đại. Bà Đại nhiều lúc bận rộn cho heo ăn, quên cả đàn con. Ở trong cái xóm Cỏ nghèo khổ gồm mấy cái nhà, nhà nào bà Đại cũng đặt một cái hũ nước cơm đễ lấy đồ ăn thừa thãi về nuôi đàn heo. Nhưng gần cả xóm đều quá nghèo nên ít khi họ có đồ thừa thãi. Nhiều khi đến bốn năm ngày bà Đại mới đi thu một lần năm sáu cái hũ nhưng dồn chung lại thì chỉ được hơn nửa hũ cơm rau thừa, còn chỉ là nước lõng bõng sình thúi chắc chắn không thể có một thực dưỡng nào trong đó, nếu không muốn nói chỉ gồm toàn thuốc độc. Thế nên có ngày, dù khôn khéo tài ba đến đâu, mụ Đại cũng phải phát khóc lên. Bà phải lo một lúc hai bầy động vật có xương sống. Bầy thứ nhất là đàn con bà đẻ ra. Bầy thứ nhì là đàn heo con, dĩ nhiên do con heo nái đẻ ra chứ không phải bà. Thế nhưng con heo nái thì không phải nuôi con, đều này phải nói dù kể ra nó cũng kỳ cục thực. Bà Đại phải chạy ăn cho cả hai bầy. Bầy thứ nhất thì quan trọng hơn, nhưng cũng tùy thuộc vào bầy thứ nhì. Nếu một con trong bầy thứ nhất bị bệnh bà Đại có khóc được thì đối với một con trong bầy thứ hai – nói rõ ra là một con heo con – khi lâm bệnh bà Đại cũng ăn ngủ không yên và buồn bực đến khóc được. Có những buổi trưa nóng nực, lão Phụng đi xuống thang gác trông thấy cảnh con heo nái nằm nghiêng một bên, vú thừ ra bị một đàn heo con tranh nhau bú và khi lão quảy gánh ra đi, lúc qua phòng bà Đại, lão cũng trông thấy cảnh tượng tương tự: người đàn bà đó đang nằm thiu ngủ, hai vú xề ra, một vú đang được thằng con nhỏ sau cùng – thằng bé Lộc – ngậm kín và vú kia cũng đang được con Liên – em bé lên bốn – ngậm kín luôn. Con Liên không biết vì quá đói ăn hay vì một chứng tật tâm sinh lý nào mà đến bốn tuổi hãy còn nương vú mẹ. Đó là chưa kể một đứa con còn nằm trong bụng nữa. Những lúc đó, lão Phụng đưa mắt nhìn thật lâu. Đôi mắt cứ đăm đăm về phía bụng và vú mụ Đại. Nếu có ai bắt gặp, thế nào người ta cũng nghi ngờ lão Phụng có ý tà dâm. Thật ra, dù đã hơn sáu mươi tuổi, lão Phụng vẫn còn thoáng thấy một tình cảm ước ao dục vọng. Những tình cảm này chỉ đến sau, hoàn toàn đến sau. Lúc nhìn bà Đại, lão đã bị thúc đẩy hay thu hút bởi một tình cảm khác, hoàn toàn khác dù không ai tin. Lão chú ý từng vệt mồ hôi nhễ nhại chảy từ tóc tai, từ thân, từ cổ xuống ướt sũng cả áo và ván gỗ chiếc đi-văng. Lão sống trong một tình cảm vừa thương hại đau khổ vừa giận dữ uất nghẹn vô biên. Hai thứ tình cảm dị loại này nhiều lúc chỉ là một. Nó có hai mặt đó thôi. Cho nên, dù Nietzsche có nguyền rủa đạo Phật, Nietzsche cũng đã là một vị Phật hay ít ra cũng đã là một vị Bồ tát đúng nghĩa. Và phải tin dù Phật có sống thời Karl Marx và nguyền rủa Marx, Phật cũng phải hành động tương tự như Marx thì mới sáng danh đấng Chí Tôn đó thôi. Nhìn mãi, lão thấy gớm tởm và đến một lúc nào đó, tự nhiên lão thấy tức chết được nếu còn trông thấy cảnh tượng đó. Chỉ có những lúc lão mới nhận thấy sự hy sinh cao cả cùng sự tối tăm, ngu đần của một người mẹ, một cái máy đẻ có tình cảm. Khổ sở như vậy sao lại còn nuôi thêm con Ki Ki cho nó mệt? Lúc đầu lão Phụng tưởng ông Đại nuôi con Ki Ki cũng như một số người thấy cần thiết phải nuôi một con vật để vỗ về lúc buồn vui. Còn gì thú cho bằng lúc thảnh thơi được vuốt ve một con chó, con thỏ hay con gà con. Và lúc đó chắc chắn người ta không liên nghĩ gì thịt chó thịt thỏ hay thịt gà. Vậy, ban đầu lão Phụng cứ tưởng ông Đại nuôi con Ki Ki cũng vì lý do vô tư lợi kia (nhưng khi ngay cả ông nuôi con Ki Ki vì lý do để vỗ về thân mến ông cũng không thể được gọi là vô tư lợi được. Có cái quái gì ở trần gian này mà không bị thúc đẩy bởi một thứ tư lợi! Có cái quái gì vô tư ở trần gian này!) Sau lão Phụng mới biết rõ vợ chồng ông Đại nuôi con Ki Ki - và nuôi đã gần mười năm nay - chỉ vì lý do chính yếu: canh gác chuồng heo nái và bầy heo con ban đêm và ban ngày. Bây giờ nó bệnh tật, già yếu, giết là phải, nhất là khi nó tru lên từng cơn dài quái gở lúc canh khuya.
Lão Phụng nhớ mãi, mấy lúc gần đây, khuya nào nó cũng tru, đầu ngẩng lên một cõi nào vô danh xa vắng. Một tối thứ Bảy cách đây được hai tuần, khi bà Đại chưa đi ở cữ, thì ông Đại ở Thủ Đức về cùng mấy người bạn đồng khóa. Ông Đại – người đàn ông trạc chừng ba mươi nhưng tâm hồn đã héo úa bên đàn con nheo nhóc – bây giờ thấy vui hơn. Có lẽ đời sống quân trường đã gây cho ông một thứ trách nhiệm đầy ảo giác với kẻ đồng đội, với người xung quanh và ông thấy tầm vóc cuộc đời rộng lớn hơn nhiều. Ông lại còn sung sướng mỗi tháng tiết kiệm được khoảng tám trăm bạc về giao hết cho gia đình. Tám trăm bạc với gia đình ông Đại, cũng nghĩa lý lắm. Gì chứ cũng hơn lúc thất nghiệp ở Sai Gòn, chạy ăn từng bữa. Đêm đó cả gia đình ông Đại, bà Lâm, tên Hai Độn và tất cả mấy người đàn ông trong xóm đều tụ tập lại nhà ông Đại để mừng ông và cũng để nghe ông kể chuyện. Ông Đại kể thao thao bất tuyệt. Và khi ông mệt thì một trong những người bạn đồng khóa lại tiếp lời. Mọi người đều ngồi ở ngoài sân giữa trăng trong và gió mát. Bà Đại là người sung sướng nhất bởi có người chồng có chức vị như vậy. Thế rồi, lúc về khuya – lúc đó khoảng 1 giờ sáng – khi cuộc nói chuyện gần tàn, mọi người tan cuộc vui sắp sửa chia tay thì con Ki Ki lại bình tĩnh tru lên thấu trời xanh. Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn đến con vật khốn khổ đó. Nó ngồi một mình, bình tĩnh, hai chân trước dựng xuống đàng hoàng, mõm chỏng lên trời mà tru. Mọi người bắt đầu nói sang chuyện con chó. Lão Phụng nằm trên gác lắng nghe hết. Mọi người đều đồng ý giết con chó sau khi có lời đề nghị của bà Lâm và nhất là tên Hai Độn và tên đàn ông người Bắc di cư suýt làm cháy cả xóm. Bây giờ mọi người mới đua nhau kể lại những cảnh khốn đón, những tai họa mà họ phải chịu trong khoảng một năm nay từ khi con Ki Ki bắt đầu tru, mà tai họa mở màn là cái chết của cô con gái mụ Lâm (dù cô ta đã tự tử vì tình duyên ở dưới trần này bị tan vỡ, một chuyện không ăn nhập gì với con chó cả). "Phải giết quách nó, lấy mật và tim đốt đi chôn kỹ hai năm sẽ hết tai họa", tiếng một người đàn ông khàn khàn vọng lên một mình và trịnh trọng. Bây giờ mọi người chú ý đến ông Lịch, một ông lang hạng nhỏ kiêm thầy rùa ma giáo có một cái quán bán thuốc Nam ở giữa xóm. Chính ông Lịch đã ãn tiền mụ Lâm rất nhiều nhưng không tài nào chứa nỗi đứa con gái ủ rũ sầu bi như bị ma ám. Người ta không hiểu nổi cái phương sách đuổi tà và trị bệnh của ông lang Lịch. Hình như mỗi ông thầy thuốc ta thường có một bài thuốc riêng, thường thường bí truyền và mờ ám đến nỗi những người cùng nghề khó lòng biết được. Đôi khi nó cũng được liên kết với tà thuật đầy ám muội như trường hợp lão lang Lịch. (Và chính vì vậy mà phương pháp trị liệu rực rỡ này của dân tộc đã từng bị ngộ nhận và chôn vùi). Sau khi đồng ý chắc chắn phải thịt con Ki Ki, người ta chia nhau công việc.
"Tôi thân hành nấu nước sôi!" Tên đàn ông Bắc kỳ di cư suýt làm cháy cả xóm nói trước hết.
"Tôi sẽ phụ với bà Lâm.” Mụ Thận – mụ ở cho ông Đại – cũng xen vào làm như thể ngang hàng với mấy người kia, nghĩa là những người không phải dù sao sống lệ thuộc như mụ. Bây giờ tên Hai Độn mới có ý kiến:
"Tôi sẽ ra công dọn dẹp bàn ghế đâu ra đó.”
"Đồng ý! Đồng ý!"
"Đồng ý.”
"Tôi sẽ chịu tất cả tiền la de!"
"Hoan hô! Hoan hô!"
"Đồng ý!"
"Hoan hô!..."
Người ta không còn phân biệt được tiếng ai nói nữa. Nhưng người ta cũng không rõ ông Đại hay một trong những người bạn đồng khóa nào đã hảo hớn chịu chơi bao khoản tiền la de cho cả xóm. Chỉ biết mọi người đều hân hoan sung sướng. Những người tham dự cuộc nói chuyện ở nhà ông Đại có thể chia làm ba loại. Loại thứ nhất gồm vợ chồng ông Đại và có lẽ những người bạn đồng khóa của ông Đại, là những người không thích thịt chó lắm nhưng phần nhiều ham vui và bị thúc đẩy bởi mê tín dị đoan (ông Đại dù sao cũng là người có học, ông không tin dị đoan nhưng thật ra ông cũng ngán đến một quyền lực siêu linh nào lắm!) Loại thứ nhì: loại đói khổ và rất thích thịt chó. Có thể kể vào loại này những tên như mụ Thận, Hai Độn, và nhất là tên đàn ông Bắc di cư suýt làm cháy nhà cả xóm, (những người này thật ra có tin dị đoan hay không chúng ta không cần biết đến). Loại thứ ba là những người không thích thịt chó, có lẽ chưa bao giờ ăn thử cũng nên nhưng rất dị đoan, khoái cúng tế ma chay vớ vẩn: Những người đàn bà trong xóm mà đại diện tiêu biểu là bà Lâm, người góa phụ hiện làm liên gia trưởng. Còn phải kể đến một loại... dị loại là lão lang Lịch ma giáo này quyết không thuộc vào hạng nào trong ba hạng vừa kể. Người tinh mắt một chút sẽ nhận thấy ngay ông bị thúc đẩy bởi một thứ bản năng bảo vệ một thứ quyền lợi và danh dự đê hạ (vâng, có một thứ danh dự đê hạ lan tràn trên thế gian hình sắc này): ông đã có kế hoãn binh cho cái bất tài của ông khi trị bệnh cho đứa con gái như bị ma ám của bà Lâm. Và nếu có một tòa án tối cao phân minh ở một thế giới nào khác kết tội những người có liên quan dính líu đến việc hành quyết con chó Ki Ki trong những ngày sắp đến thì tên lang Lịch phải chịu một hình phạt nặng nhất. Lão Phụng ở trên gác nghe thấy hết. Đêm đó lão uống rất nhiều rượu say túy tóa. Lão như người ở trên cao nhìn thấy tất cả những lớp mặt thật sau cái mặt nạ đeo ở ngoài của tuồng đời. Lão trông thấy tất cả múa may, hát xiệc, làm trò trống và lão cười một mình. Lão không biết lão đã nói gì trong lúc say khuya đó. Hình như lão có nói: "Ki Ki tao sẽ giết mày. Nhưng tao sẽ giết một cách êm thấm, không kéo dài đau đớn gì lâu con ạ! Rồi con sẽ về cái cõi hằng đêm con vọng ngưỡng nếu cõi đó có. Còn không con cũng sẽ yên thân. Rồi xác con sẽ trôi ra sông, ra sông lớn rồi ra biển. Ta cầu mong lắm. Ta đã từng ở biển. Ta đã gặp nhiều que xương trắng xóa của đồng đội con bị nước mặn ăn sạch, nhiều khi còn nguyên cả bộ nằm phơi trên bờ đảo... khi ta còn... ở tận nơi xa kia... nơi trở về của tất cả. Ta sẽ giúp con..." Sáng ra lão Phụng kiểm soát lại trí nhớ mới biết rằng mình đã có nói những lời tương tự như vậy, nhưng biết mình có nói to đủ cho những người ở dưới đang bàn tính bữa nhậu giả cầy nghe được hay không. Nhớ lại đêm đó, lão cười sặc sụa. Nhất là lời mụ Lâm nói với bà Đại khi chỉ cái thai:
"Mau đi nhé! Bà xổ bầu rồi mọi người mới định rõ được ngày! Tất cả đều tùy thuộc ở bà đó. »
Tất cả cười. Bà Đại cũng cười, không một chút thắc mắc đau đớn gì, nhất là khi mụ đàn bà nghĩ về số phận con vật khốn đốn, con vật đã sống với mình khoảng mười năm trời rồi. Có một số người đông đảo hình như không có một chút tình cảm nhân đạo. Họ dửng dưng. Không phải cái dửng dưng của một triết gia đầu bạc hay cái dửng dưng của một thằng khùng. Cái dửng dưng của họ là cái dửng dưng hạ trí, hay do cái hạ trí sinh ra. Bà Đại thuộc loại đó. Và lão Phụng không hiểu vì sao mụ có thể khóc được trong những trường hợp này hay trong những trường hợp khác.
Lão Phụng vẫn tỳ tay ở thành cửa sổ, thỉnh thoảng lão lại bóc thêm một chiếc nem. Lão dòm xuống vùng vịnh nước tối om. Lão nghi ngờ bà Lâm đang rình lão. "Nhưng làm được gì ta, ta sẽ đòi bằng chứng nếu họ quyết tâm..." Lão Phụng nghĩ một mình. Còn hai ngày nữa ông Đại ở Thủ Đức sẽ về, cùng với mấy người bạn. "Không hiểu bà Lâm đã biết số phận con chó chưa?" Lão Phụng vẫn còn nghi ngờ. Có điều lão khoái chí khi chiều hôm qua và mới sáng nay thôi mụ có qua tìm con Ki Ki vì ngày hành quyết đã đến gần. Tìm mãi không thấy, mụ hỏi lão Phụng khi gặp lão đang rửa mặt. "Ông có thấy con Ki Ki đâu không?" "Mới thấy đâu đó", lão Phụng nói gạt. Thế mà mụ Lâm yên trí là con vật vẫn còn lẩn quẩn đâu đó thật. Rồi mới hồi trưa, tên đàn ông Bắc di cư suýt làm cháy nhà – người sẽ ra tay dìm con chó xuống nước trong bao bố hay đập đầu nó và trụng nước sôi – và tên thợ quét nước vôi mang tục danh Hai Độn có qua tìm con chó. Cùng lúc đó mụ Lâm cũng qua theo mang đến một thùng chai la de lớn và mấy chai rượu đế. "Còn nữa", mụ ta nói "một người bạn ông Đại đã gởi tiền về nhờ tôi lo trước mọi việc!" Tên Hai Độn đắc chí. Đến khi tìm con chó không thấy, họ lại mới hỏi lão Phụng. Lão vẫn điềm tĩnh: "Mới đó, nó mới về đó mà, nó đói nên lẩn quẩn đâu đó!" Tất cả đều cả tin và trở về nhà. Vậy mà bây giờ lão Phụng vẫn còn nghi ngờ...
Vừa lúc thằng Hùng lại trở về leo lên thang gác, lão Phụng hỏi:
"Sao về trễ vậy? Mấy em đâu?"
"Dạ ngủ ở nhà bà Lâm!"
"Sao mày không ngủ bên đó luôn.”
"Dạ, bà Lâm bảo về coi nhà.”
"Được, lên ngủ đi, ngày mốt mẹ mày về!"
"Dạ bà Lâm có nói như ông.”
"Bà còn nói gì nữa không?"
"Dạ coi chừng con Ki Ki.”
"Sao nữa?"
"Dạ, bà nói hễ thấy nó về là đóng cửa nhà trên nhà dưới lại, bà sẽ đem cơm qua cho nó ăn.”
"Nó mới về đó.”
Thật ra mấy đêm nay người ta không nghe thấy tiếng tru của nó ở trong xóm này. Mà nó cũng sẽ không còn tru ở đâu trên mặt đất này nữa. Lão Phụng trở về võng. Lão nghĩ thầm: "Mấy đêm nay nước lớn chắc hẳn xác con vật đã trôi ra sông lớn rồi trôi luôn ra biển. Mát thân rồi phải không con? Tự nhiên đêm nay ta nhớ tiếng tru của con và nhớ vô cùng", lão nói thầm một mình như vậy. Lão sung sướng đã đánh lừa được cả bọn người trong xóm, những người tự nhận là khôn ngoan hơn lão và không bao giờ thèm chào hỏi lão dù lão lớn tuổi nhất trong xóm và với phép lịch sự tối thiểu cần có, lão đáng ra phải được cái hân hạnh đó. Lão sung sướng nghĩ đến cái đêm tiệc trần gian kia không bao giờ có nữa. Nhưng lão vẫn thắc mắc lo âu. Niềm khắc khoải này đã thức dậy trong suốt đời lão. Lão lấy sổ ra đếm số những con vật đã bị lão giết bằng cách đầu độc hay vừa đầu độc vừa dìm xuống nước như trường hợp con Ki Ki. "Một nghìn lẻ ba con... cộng thêm với con Ki Ki mới đây là một nghìn lẻ bốn con... Ta có nên tiếp tục? Và nếu cộng lại tiền phí tổn mua bánh mì thịt cho hơn một ngàn con kia chắc hẳn bây giờ ta đã thừa tiền đóng một chiếc thuyền con lênh đênh trên hải đảo... Ta đã ý thức việc này khi bắt đầu con thứ nhất... khi ta hãy còn trẻ... Ta có nên tiếp tục?" Lão thầm nghĩ trong trí và trong một phút suy tưởng sâu xa, lão bỗng thấy một hình ảnh kỳ dị hiện ra trong trí: Một đàn chó ghẻ lở lói già nua kéo nhau chạy dài đến vô định trong số có cả con Ki Ki lủi thủi theo sau. Tự nhiên lão thấy bất lực và muốn chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét