15/6/11

Bùi Giáng - Thi ca tư tưởng ( 4 )

Bùi Giáng
Thi ca tư tưởng

Hoài Thanh

Nếu cuốn sách của Hoài Thanh (Thi nhân Hiện đại) không ra đời, thì thi ca hiện đại Việt Nam ắt phải tang hoang tinh thể do sức tàn phá của cuốn sách Nhà văn Hiện đại Vũ Ngọc Phan. Trong thế hệ trước, ngoài Hoài Thanh ra, không còn một kẻ nào có thể ngờ ra thiên tài Huy Cận. Dẫu có ngờ ra ắt cũng không thể viết được như Hoài Thanh.

Hoài Thanh am hiểu thi ca Tây Phương, mà vẫn dám coi nhẹ Tây Phương trước thiên tài Huy Cận Nguyễn Du. Đó là điều hy hữu.

Hoài Thanh thừa biết rằng những thứ ta quen gọi là “chủ đề” trong thơ Huy Cận - những suy tư về thân phận con người, về cái chết, về tình yêu v.v… - những thứ đó chả có chi tân kỳ. Cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du chả có chi bí ẩn, nhưng thiên tài chính là kẻ làm “mới” lại những chủ đề cũ kỹ trong ngôn ngữ đơn giản của mình.

Thơ Xuân Diệu tràn lan những chất liệu thi ca Pháp. Nhiều phen ông nói toàn chuyện rỡm. Nhưng thiên tài của ông là ở chỗ: vì quá thâm hậu, nên đùa chơi suốt kiếp với chuyện rỡm.

Hoài Thanh cũng là kẻ riêng biệt âm thầm cảm thấy sự đó.


Huy Cận

A thân thể! một cái bình tội lỗi
Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy

Một ý tưởng chẳng có chi mới lạ. Nhưng câu thơ của Huy Cận lại tươi mát như bầu trời.

Và cổ đứng như mình cây vững chãi
Và vai ngang như mặt nước xuôi dài

Viết câu thơ lai rai như thế mới đích thật là thiên tài. (Còn như bài “Tràng Giang” của ông chính ông cũng lấy làm đắc ý lắm, thật ra còn vướng vướng, không có chi huyền ảo cả.)

Và cái câu:

Tôi đội tang đen và mũ trắng
Ra đi không hẹn ở trên đường

Ông viết hai câu thơ kỳ tuyệt như thế, thì thử hỏi: còn chi đáng kể nữa? Ông thừa sức xô ùa Đường Thi chạy mất hút. Toàn khối thi ca Trung Quốc, toàn khối thi ca Tây Phương, hầu như bị nổ bung lông lốc, vì trái lựu đạn đơn giản đó của ông tung ra.

Và đôi mắt ấy biết nhìn xa
Khi ngoảnh gần bên biết đậm đà
Nhưng cũng biết gieo buồn khía cạnh
Lạnh đồng tê giá nét thu ba

Tại hạ mấy mươi năm nay đọc cũng nhiều loại thi ca ngoại quốc, mà tuyệt nhiên chẳng thấy một vần nào dám ngang nhiên đứng vững trước mấy vần thất ngôn của Việt Nam nọ.

Ấy bởi vì? Bởi vì thơ Huy Cận vốn là sầu, nhưng đó là loại sầu thượng đẳng Như Lai, nên chi trong cái nỗi sầu có pha chất gay cấn chịu chơi. Thơ Homère, Sophocle, Shakespeare, Nietzsche cũng thường có chất đó. Trái lại, thơ hoằng viễn như không của Nerval, Hoelderlin, Eluard, lại dường như không có. (Ấy bởi vì họ chịu chơi theo lối từ bi khác).

Dù sao ta cũng có thể nói rằng thơ Huy Cận quả có như là cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương


Martin Heidegger

Ông nằm giữa mê cung triết học Âu Châu, ông rỡn rỡn đùa đùa với mọi con Minotaure trong đó. Ông độ lượng bao dong, dù biết nó ngoan cố ông vẫn chậm rãi dạy dỗ nó, kiên nhẫn với nụ cười của ông nội, ông ngoại. Ông biết rằng mình thừa thãi công lực thâm hậu, không bao giờ có thể bị nó ám hại đến nỗi phải lâm vào tình trạng tẩu hỏa nhập ma và bị nó vồ nuốt, nên ông thong dong đi sát bên nó mà gùn ghè, ông đú đỡn nhảy lui nhảy tới, thỉnh thoảng ông giả vờ như mình bị bế tắc đầu hàng, để có thể ngấm ngầm bày vẽ cho nó những thế võ mới để nó có thể kéo dài cuộc tranh chấp với ông, nhiếp dẫn nó tới cõi đốn ngộ cuối cùng. Cổ kim, Tây Phương chỉ có một mình ông thượng đạt tới tót vời như Khổng Tử.


Thượng Đế

Nếu Thượng Đế quả thật yêu thương loài người, thì Thượng Đế nên tạo ra nhiều nương tử khổng lồ. Ấy là cốt để làm gì? Ấy là cốt phòng khi nào bọn chán đời muốn lọt vào lòng mẹ trở lại thì có chỗ để lọt đầu chui vào. Và như vậy sẽ còn cơ hội được sinh ra đời lần khác, khởi sự làm trở lại một thằng bé sơ sinh tuyệt nhiên không biết sao gọi là chán đời.

Tuy nhiên vì trái đất nhỏ hẹp quá, nếu tạo ra Nương Tử khổng lồ thì các nàng sẽ không có chỗ trú. Vậy trước tiên, Thượng Đế nên thổi phồng trái đất to ra gấp mười lần, thì sự tình sẽ được dàn xếp viên mãn về sau.


Ông Trời xanh

Ông trời xanh đã bắt đầu có địa vị trong nền thi ca Việt Nam, kể từ ngày cái chất bê bối của ông đượn thiên tài Nguyễn Du dựng lên sừng sững khắp chốn trong Truyện Kiều.

Gẫm hay muôn sự tại trời

Mọi biến cố xảy ra trong tác phẩm huyền diệu nhất nhân gian, đều do ông Trời Xanh bài bố.


Gauguin

Gauguin bỏ Âu Châu, dứt khoát với mọi trường trại lố nhố Tây Phương, thẳng tới một hải đảo Thái Bình Dương dựng lên một trận hỏa hoạn vô tiền khoáng hậu. Ông dựng toàn khối thảm kịch nhân gian trong con mắt thơ ngây người gái đảo. Thảm họa chạy tràn lan, ngập khắp mùi hương cây cỏ giữa sa mạc đại dương.


René Crayssac

René Crayssac dịch Truyện Kiều ra Pháp Ngữ, vướng vào những lối sống sượng không thể tránh được.

Nhưng với tất cả những khuyết điểm khổng lồ kia, vì lẽ gì bản dịch của ông vẫn sừng sững nằm trong văn học Tây Phương như một tòa lâu đài Hy Lạp?

Qua cuốn sách của ông, người Tây Phương có thể nhìn thấy toàn khối văn minh Đông Phương lấp lánh trong sương mù.

Và người Đông Phương ngày mai sẽ nằm trong định mệnh: chỉ còn có thể nhìn ra thiên tài Nguyễn Du là qua bản dịch của Crayssac mà thôi.


Hồ Dzếnh

Phải quên mấy bài lục bát của ông Hồ Dzếnh thì mới còn can đảm làm thơ. Hoặc còn chịu khó đọc thơ Tây thơ Tàu.

Nhưng mỗi phen đang giữa cơn chịu khó liên trì mà chợt sực nhớ cái bài “Phút Linh Cầu” của Hồ Dzếnh, thì ối thôi! ối thôi! Chẳng còn thể nào tiếp tục công việc gì nữa cả. Linh hồn bỗng nhiên xô ùa máu me chạy tuột đi hướng khác, vô phương nắm cầm lại…

Khói trầm bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng rải qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam

Không còn một loại thơ kim cổ nào đứng nổi trước cái trận chiêm bao kỳ ảo kia. Tôi thách các bạn tìm bất cứ trong thi ca cổ kim một bài thơ nào đứng vững nổi trước mấy vần lục bát của ông bạn Minh Hương kia.

Hễ thong dong tự tại thả mình theo thơ đó, thì cảm thấy như mình biến làm thiên thần. Mà hễ hì hục cố bàn giải vào, thì bỗng nhiên tức thở, ngột hơi, cảm thấy mình là một con đười ươi lếu láo trơ trẽn, không biết xấu hổ là gì.

Lỡ viết ra đôi lời giải thích thì về sau sẽ ân hận, sẽ mòn mỏi máu me kịch liệt.

Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì.
Mọi thi sỹ ngày nay đều là kẻ bất hạnh. Bị đọa đày làm thi sỹ, trong khi cõi thơ không còn lối để bước. Mấy chục bài lục bát của Hồ Dzếnh là đại dương thi ca. Ta còn đem vài giọt nước rót vào đại dương làm gì?

Có lẽ Hồ Dzếnh cũng rõ điều ấy, và vì lòng từ bi, ông bèn làm thêm nhiều bài thất ngôn xoàng xoàng in xen lẩn vào. Cốt để che bớt cõi bao la của đại dương. Nếu không làm thế, thì mặc nhiên lên án tử hình hết mọi thi sỹ năm châu.

Ấy có nghĩa rằng: tập thơ Quê Ngoại của ông cho người đọc nhìn ra ẩn ngữ thơ mộng của mặt đất chỗ này: một tâm hồn nhỏ dại, quanh quẩn với những nhớ nhung nhõng nhẽo tâm tình bê tha, mỗi phút xuất thần kỳ ảo bỗng nhiên nhảy vọt một bước lên tột đỉnh thiên tài, không có gì giải thích được.


Tiêu Quỳnh

Lần này gặp lại tâm hồn của hai non nước Thừa Thiên Hà Tịnh giao thoa sương bóng.

Sương Bóng

Ngày qua tháng đưa năm về nguyệt
Tuyết rung rinh cự tuyệt thời gian
Đi qua hàng xóm xin hàng
Chữ trong nét bút đầu trang khuynh thành
Hẹn với nước màu xanh nguyên thủy
Góp chùm bông hương dị dị phai
Lời theo đẫm gió xuân dài
Đầu hôm cá biển cuối ngày chim non.


Mai Vân Thu

Tôi đọc lại nhiều lần mấy chục bài thơ của Mai Vân Thu, vẫn hồn hộn ngạc ngạc như lần đầu. Tuyệt nhiên không thể xác định được tinh thể điệu thơ của cô. Gắng hồi tưởng xem mình đã từng gặp điệu thơ ấy ở chân trời nào chưa, vẫn quả như là chưa hề gặp. Thơ của cô có vẻ như màu xanh nước biển quanh một vùng hải đảo nào tôi chưa có dịp tới. Hoặc như màu mây gió ở một hành tinh nào không giống như ở trái đất chúng ta. Xin trích ra đây một vài bài.

Chiêu hoa

Chiêu hoa mạch mạch hai dòng
Trổ xum xuê ngọn ngoài trong như vàng
Lục thành tam nguyệt vừa toan
Tấm thanh sam cũ chìm tan sương đồng
Tiểu nhi ý nguyện như hồn
Còn trong ý tứ khuôn tròn đong đưa
Một rằng thốt một rằng thưa
Bình minh trăng mọc ngọn dừa ngủ say

Tỳ tử hát

Tỳ tử hát tiếng ngang lời dọc
Cho yên vui màu tóc nữ vương
Một mai má đỏ môi hường
Rẽ sang bến khác còn mường tượng nghe
Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc giục sương mù
To son điểm phấn hư phù
Bước ra bờ cõi đất trù hoạch chi


Vui nhất và buồn nhất

Có lẽ thơ nói được cái buồn nhất. Nhưng làm sao nói được nỗi vui nhất? Nó như mây như khói, hay là như cái gì?

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Nhưng sao gọi là vui nhất? Có cái vui rộn ràng nhất. Nô nức nhất. Hồi hộp nhất. Xao xuyến nhất. Cuống quýt nhất. Thanh bình tự tại nhất.

Nhưng sao gọi là nhất?

Ví đem vào sổ nhất trường?
Thì treo giải một mà nhường cho hai?

Cực độ của vui nhất, rất có thể khiến người ta vỡ toang linh hồn, rồi chết mất. Thế thì trong bình sinh con người ta, không bao giờ có cái gì gọi là nhất hết cả? Có lẽ…


Hölderlin

Cây trong rừng lớn mạnh mỗi cây
Cọp trong hang mỗi hang mỗi cọp
Tỳ tử ngậm bóng sương huếch hoác
Nữ vương đùa toe toét miệng môi
Ra đi hết đứng lại ngồi
Khung trăng lữ thứ trong đời cõi ma
Tam bành nhị bội tăng gia
Hàng chân chữ bát bước qua giậu rào
Chùm nộ phóng lũy hào phồn thịnh
Lam phù dung núng nính lưng tôm
Môi son miệng mở đỏ lòm
Diotima ạ, ngó dòm cái chi?
Sinh đã biệt thì ly luôn tử
Rượu hư vô nốc thử ly này
Hai hàng tay chắp trong tay
Mnemosyne ạ sau này gặp nhau.
(“Thơ Vịnh”)


Hàn Mạc Tử

Làm sao nói gì về Hàn Mạc Tử? Ông gào kêu trong thơ thảm họa của đời ông. Mà đời ông là chỗ về tụ tập của mọi thảm họa nhân sinh.

Thơ ông là một tiếng thét và một lời than. Tiếng thét đầy máu, tiếng than tràn ngập hư vô. Lúc hãi hùng khiếp đảm, lúc quạnh quẽ lạc phách xiêu hồn.

Tôi không đọc thơ ông. Tôi đứng xa xa, người ta hỏi tôi về thơ ông thì tôi xin đánh trống lãng.

Thơ tôi làm, một lần tôi tặng ông trong Mưa Nguồn – ngoài ra mọi làn sóng bành bái trong mấy cuốn thơ của tôi chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Clavaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn,thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dong phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao:

Một hôm đếm một ra hai
Lộn là lạ lắm lai rai bốn lần
Trăng Châu Thổ rất mực gần
Mà ra tại hạ vô ngần chiêm bao


Đinh Hùng

Chúng ta khóc như một bầy thú dữ
Lòng dã man nghe trái đất tan tành

Câu thơ như thế đủ giúp mọi người bước vào cung cấm Mê Hồn Ca, chậm rãi đón nghe cái lời gì trong linh hồn vân thạch.

Tặng ông Đinh Hùng vài vần cảm khái:

Bị thường bách tân toan dự khổ
Ngọc vẫn hương tiêu tộ thử thân
Vẳng nghe hàng xóm lối gần
Chân đi gót bước cơ trần đa đoan
Hoàng hậu luống muộn màng công chúa
Nảy hoa xuân cùng múa lộn vòng
Ba thu càng lắc càng đong
Càng đầy tâm sự nỗi lòng càng vơi

Ngày ông còn sống, tôi gặp ông mấy lần. Câu chuyện cứ lạc lõng âm thanh. Ông đánh mất ông, tôi đánh mất tôi. Không hề gì, không hề gì.

Tặng ông một bài nữa:

Tam thiên thủ lạc thiên trường đoản
Tiểu viên hương vũ loạn mông lung
Cuồng ca túy hậu điệp trùng
Diệu từ tiền diện bách tùng tiểu tiên
Hà xứ khán minh niên minh nguyệt
Thử sinh hòa thử tuyết thử sương
Vô thanh ngân hán đoạn trường
Mộ vân thu tận vô thường vân tiêu.


Phổ Đức

Đọc thơ Phổ Đức nghe hân hoan như vào vườn cây đủ mọi thứ trái. Trái nào cũng muốn ăn chơi.

Đúng là như thế. Đọc thơ Tạ Ký, Hoài Khanh có cảm giác như uống rượu. Mà đọc thơ Phổ Đức thì quả thật là như ăn trái cây, như leo cây bẻ trái. Hoặc leo cây rồi nằm ngủ trên cây, không muốn tuột xuống đất.

Sài Gòn thành phố thân yêu
tặng Nga

Hỡi em yêu dấu!
mỗi lần về anh ghé thăm em
Sàigòn thành phố thân yêu
em ở đó làm sao xa được
Sàigòn là hơi thở của cơ thể anh
thành phố của áp phe
môi trường của văn học
anh ước ao được thất nghiệp ở Sàigòn
hơn làm có tiền ra tỉnh lẻ
tiền có làm gì khi thiếu em
và bạn bè thân thuộc
thiếu em là hồn anh mất điểm tựa
xa bạn bè là hết văn nghệ rồi em!
Sàigòn Quán Chùa có Toàn, có Mậu
Kim Sơn có Ly, Bô Đa có Sơn, có Ngọc, có An
và biết bao nhiêu người nữa
ở Đêm màu Hồng ở Mác-Xim
ở Quán Gió, Thằng Bờm, Bão, Thơ, Mai, Lú
Phấn Thông Vàng, Mai Hương, Thanh Bạch…
đang chờ anh từng phút từng ngày
gặp nhau dù chỉ để bắt tay
hay hỏi vay tiền cũng đều cần thiết
ngày vào lính anh xa thành phố
Sàigòn thân yêu nhìn rõ lòng người
bộ mặt đời đã tầm thường càng tầm thường hơn nữa
danh liệt rồi chỉ còn em hiểu anh thôi
anh từng xuôi ngược khắp Miền Nam
Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt
Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Long Xuyên
đâu cũng chẳng bằng Sàigòn thành phố thân yêu
quê hương mưa nắng hai mùa
anh đã trưởng thành ở đó
nên xa Sàigòn anh vô cùng khổ sở
bảy tháng rồi em
(hơn 210 ngày và hơn 5.040 giờ đúng 302.400 phút đúng 18.144.000 giây)
anh chờ lại Sàigòn
với bạn bè, thơ văn, sách báo
với những ngày lang thang
cơm bình dân, mì, bò kho, đầu đường, xó chợ
rồi chui vào rạp Rex ngủ trưa
đợi chiều đi dạy giết thời giờ
với những đêm thức trắng làm thơ
hay xoa mà chược
bảy tháng rồi em
ai đưa em đi xoa?
ai đón em đi ăn bánh cuốn Phan Đình Phùng
hẻm Casino Sàigòn, ngã tư Quốc tế cầu Tân Thuận
đợi Rex, Đại Nam, Eden, Vĩnh Lợi đổi phim
truyện Kim Dung đã xem hết chưa em?
đọc để an ủi cái bất hạnh của từng nhân vật
bè bạn mình chắc cũng có người cưới nhau
nhưng tin vui chỉ bằng 1/10 tin buồn, cáo phó
bây giờ xem báo
anh lật trang chót trước
đọc để chau mày, nhăn mặt, cúi đầu
lệ chảy nhiều nên khô cả thương đau
thân làm đĩ chai đá mòn ân ái
quê hương rách như đời mình hiện tại
dù muốn dù không em hãy tin định mệnh an bài
em yêu ơi!
anh sẽ về dù gió, mưa, bão, đạn
dù hết tiền xe, dù nhảy rào, dù bị cạo trọc đầu
anh quyết về với thành phố thân yêu
để nhìn thấy mặt em và bè bạn
để hơi thở được tự do
và nụ cười được cởi mở
cho những cuộc hẹn hò còn tiếp nối
để dựng lại đời trong đổ vỡ chông chênh
và nguyện sẽ chẳng bao giờ xa Sàigòn
như chẳng bao giờ anh xa em

Tuổi đời ba mốt

vào tuổi ba mươi mốt để thấy phần đời còn lại
để nhận rõ mình và hiểu người nhiều hơn
tuổi cay nghiệt nếu không muốn nói là định mệnh
đay nghiến hồn gần vỡ mặt - nát thân
ba mươi tuổi lẻ tôi biến thành chong chóng
xoay đủ chiều trong vũng cạn tối tăm
mặt đã lem tôi cố chùi thêm loang lổ
nên xua tay như chiếc lá giữa dòng
tôi rong ruổi đó đây từ năm 18 tuổi
13 năm sau người ta trói chân tôi
con số 13 – con số bất hạnh dù lật ngược nó
như tóc cạo nhẵn rồi – râu mọc dài thêm
tôi đã đổi dạng thay hình khi nhận tuổi 31
nên mọi người đều nhìn với dửng dưng
đời tôi lao như xe tuột dốc
phanh đứt lìa – bánh chạy mãi không dừng
em đã hiểu – tôi thầm cảm ơn Phật, Chúa
cho niềm tin đủ soi sáng đời mình
tâm hồn em là dòng sông lớn
tôi là thuyền chở mộng nổi lênh đênh
đúng mùa xuân em đầy hai mươi
tuổi của gần nhau hiểu chuyện đời
chiến tranh đã làm chúng mình xa cách
dù góc biển, chân trời – hãy nguyện cầu còn đủ chân tay
tôi chờ đây với những ngày dài nhất
nỗi chết không rời ám ảnh quanh tôi
buồn trùng điệp đến vây gần nghẹt thở
tôi như ếch giam đáy giếng trông trời
sáng đến chiều qua đêm đã hết
tôi đếm ngày tháng từng phút từng giây
niềm tin héo như cuộc tình đánh mất
sau mỗi lần yêu như canh bạc đen hoài
tôi treo võng đời trên dây kẽm gai
móc hồn gần rơi gió lay đưa mỏi
tôi muốn nhảy sợ thọt chân mù mắt
nên lờ im nằm thoi thóp đợi chờ
ba mươi mốt tuổi - nửa đời thất bại
những ngày về sau lại tối tăm thêm
tôi ngồi đây như thằng gù chờ mở số
vé bị cắp rồi cứ tưởng còn nguyên.
Phổ Đức (Giấu mặt)


Hoàng Trúc Ly

Một thứ rượu chua chát nhất ở thành phố.

Ở Sài Gòn

Soi gương lạ mặt bao giờ
Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi
Ở đây vụng dại với người
Nghiến răng nhai mãi nửa lời vô duyên

Cõi dấn thân

Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chắp cánh
Ngựa què rồi em cởi lưng anh
Tôi cứ yêu khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gãy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi?

Tạ Ký nói chuyện cay đắng, Tạ Ký còn can đảm kiên nhẫn viết ra một trang năm ba chục câu thơ. Đến như Hoàng Trúc Ly, ông chỉ viết bốn câu, sáu câu. Ấy bởi vì cái thứ rượu ông dọn ra là cái loại rượu quá chát. Kẻ tửu lượng thượng thừa, cũng chỉ nhấm vài giọt là choáng váng tối tăm mày mặt.


Nằm mộng thấy nữ sinh

Ta từ giấc mộng bước gần em
Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm
Ô hay con gái bay nhiều thế
Hai cánh tay mềm như hai cánh chim!
Như cuống của hoa như cội của cành
Em đến bao giờ là em của anh
Thôi đã vô cùng cô liêu bóng cả
Như chim xa rừng tội nghiệp rừng xanh
Tuyệt mù giấc mộng mỏng như sương
Vai áo hào hoa tê tê bụi đường
Ra đi ta đắp thêm sông núi
Trời rộng sông dài nỗi nhớ thương

Cõi dấn thân

Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chắp cánh
Ngựa què rồi em cởi lưng anh
Tôi cứ yêu khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gẫy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi?

Vĩnh biệt

Rồi mai khởi sự ra đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non

Ca sĩ

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau
Trời em tiếng hát lên từ
Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
Áo dài lùa nắng vào mây
Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương

Ở Sài Gòn

Soi gương lạ mặt bao giờ
Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi
Ở đây vụng dại với đời
Nghiến răng nhai mãi nửa lời vô duyên


Bích Yên

Cô nữ sỹ này làm thơ chân thành. Nếu cô đi tu, ắt sớm thành quan âm bồ tát.

Mưa tháng bảy mưa trôi vào quá khứ
Đứng che hồn nghe lạnh khắp châu thân
Vòng ân ái khép em vào tăm tối
Vì yêu anh em khổ biết bao lần

Khổ như thế, thì phí đi. Cô nên đem tình yêu kia trao gửi cho Như Lai ắt là hết khổ.

Nói như J. Leiba:

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá
Lệ lòng xin cạn chốn am Không
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Đi tu chơi vài năm, lúc bấy giờ cô sẽ nghĩ sao khi đọc lại những vần thơ trầm trọng ngày trước:

Niềm tin vỡ như nắng tan mặt biển
Kỷ niệm buồn chĩu nhánh khắp thân em
Đời con gái được mấy lần hò hẹn
Dĩ vãng còn đau xót làm sao quên!

Cô làm thơ như thế, đi tu chơi một trận, ắt sớm đắc quả A Na Hàm hơn cô Thúy Kiều.

Tại hạ nhân tiện chép tặng cô một câu kinh: “Như thị đại nguyện, thế giới vô tận, chúng sinh vô tận, nghiệp cập phiền não nhứt thiết vô tận, ngã nguyện vô tận”.

Nguồn: Bùi Giáng, Thi ca tư tưởng (Sổ đoạn trường - Tức Đi vào cõi thơ cuốn II), Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69, Sài Gòn - Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét