15/6/11

Thanh Tâm Tuyền - Bếp lửa (3)

Thanh Tâm Tuyền
Bếp lửa
tiểu thuyết


4.

Ông Chính vắng nhà như thường lệ. Đại đọc sách bên cốc nước nóng, vẫn Crime et châtiment. Giá sách bày ra sự lục lọi, điều ấy tôi không ưa. Đại đứng lên nói:

“Cậu đã về.”

Tôi hỏi một câu:

“Ông Chính không có nhà?”

Tôi cởi áo khoác ngoài xoa tay cho ấm và uống một cốc nước. Tôi hỏi:

“Tại sao nhà lại có nước nóng giờ này?”

Đại mỉm cười:

“Cô Thịnh, con ông Chính mới về.”

Tôi ngạc nhiên bước lại xếp giá sách. Đại tiếp:

“Bây giờ cô ấy trông nom cơm nước.”

Tôi nhìn lại hai căn buồng nhỏ khít nhau, với hai cửa sổ, hai bộ phản và một cái đi-văng làm bằng những cái thùng. Cái mắc áo tỏ sự ngăn nắp của bàn tay đàn bà, tôi mang treo áo khoác lên đấy.

Một người đàn bà dưới bếp lên – đó là Thịnh - chị có tất cả nét của người đã sống nhiều năm ở vùng kháng chiến. Chị chưa đến ba mươi, quấn tóc và răng đen, mặc một cái áo cánh trắng và một cái áo len xanh màu mực.

Tôi nói:

“Chào chị.”

Đại thân mật:

“Đây là anh Tâm vửa ở Bắc Ninh về.”

Thịnh cười dễ dàng, tay cầm giá đi lại phía thùng dùng làm đi-văng mở lấy gạo. Chị nói:

“Vừa may anh về tôi mới lấy gạo. Anh đi đường có nguy hiểm không?”

Tôi im lặng không trả lời. Tôi muốn chị gọi tôi bằng chú hay cậu.

Khi Thịnh xuống bếp, tôi hỏi Đại:

“Cô Thanh cần gặp tôi?”

Đại gấp cuốn sách và gật đầu. Rồi Đại nói:

“Tôi đã gặp cô Thanh. Cô ấy có bề ngoài hiền và ngoan” - Đại ngừng một phút nhìn ra ngoài, tôi không trả lời. “Cô ấy có thể là người tốt, rất tốt. Nhưng tại sao cô lại chọn nghề hát? Anh có nghe biết điều gì không?” – Tôi vẫn không trả lời. “Cô bị nhiều điều tiếng, người ta đồn cô không đứng đắn.”

Tôi tháo bỏ cái ca-vát cho đỡ vướng cổ, tai tôi nóng bừng. Tôi rót một cốc nước và muốn bỏ ra phố, xong tôi nói:

“Tôi cảm ơn cậu đã cho biết điều đó” – Tôi ngừng lại đến một phút. “Nhưng tôi không hiểu cậu có những ý nghĩ gì về Thanh. Làm thế nào ở giữa một xã hội hư hỏng như thế này, bị tước đoạt hết khí giới, bị ném vào vũng bùn? Cậu thử nghĩ nếu tôi và cậu cũng là con gái, chúng ta sẽ làm gì?”

Tôi biết tôi sắp chảy nước mắt, tôi thường như thế mỗi khi bị xúc phạm.

Đại im, tôi nói tiếp:

“Cậu sẽ bảo tôi cậu bỏ ra ngoài ấy. Bỏ ra ngoài cũng là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình. Tôi không muốn nghe, không muốn nghe một lời nào. Lẽ ra cậu đừng nói với tôi mới phải.”

Đại giận lắm, hắn lắp bắp:

“Không, tôi định…”

Tôi lấy cái áo choàng trên mắc xuống và ra phố. Tôi lang thang đến chiều tối mới đến nhà Thanh. Minh đang thổi cơm bằng bếp cồn ngay trong buồng. Cái cặp tóc của Minh làm tôi dịu hẳn. Sau lưng tôi là gian phòng tối ngăn bằng những miếng vải, ngoài nữa là một cửa hàng da có tiếng máy may chạy. Minh quay lai reo mừng:

“Ô kìa anh Tâm. Lâu lắm anh mới gặp anh.”

Minh treo cho tôi cái áo vào thành ghế và bắt tôi uống nước cho ấm người và bảo:

“Anh đi dạy học xa phải không? Sao anh ít về Hà Nội thế? Hôm nay anh phải ở đây ăn cơm với em và chị Thanh…”

Tôi ngắt lời:

“Cô không để tôi hỏi cô điều gì cả?”

Minh đứng ngay ngắn:

“Xin tuân lệnh.”

Tôi vỗ vai Minh chỉ xuống ghế nói:

“Minh ngồi xuống. Chị Thanh không có nhà?”

“Thưa anh không?”

“Chị đi đâu?”

“Chị em hát ở đài.”

“Cô học hành có tấn tới không?”

“Rất tấn tới nhưng vẫn dốt món anh dạy.”

Minh đứng lên mở nắp soong, khói bồng lên ấm áp. Ghế cơm xong, Minh nói:

“Anh có nghe chị Thanh hát không?”

Minh mở máy thu thanh và với giọng nhỏ nhẻ:

“Chị Thanh hát hay nhưng em lại không thích nghe. Anh biết tại sao không?” – Tôi gật đầu. “Em muốn thôi học và chị ấy thôi hát, nhưng chị không bằng lòng.”

Làn sóng điện rõ dần và Thanh đang hát bài Trở về mái nhà xưa. Minh ngồi xuống, tôi đốt thuốc lá. Minh bỗng hỏi:

“Anh Đại là bạn thân của anh?”

Tôi đáp:

“Phải. Thì sao?”

Minh nói rất rõ ràng:

“Em không ưa anh ấy. em không ưa cái bộ mặt nghiêm trọng, cái cử chỉ làm cao thượng, cái giọng nói làm người trên… Anh ấy hay đến đây nói chuyện với chị Thanh, rủ em với chị Thanh đi phố nhưng em không thích đi cùng với anh ấy” – Minh tắt máy thu thanh. “Có phải thế không anh?”

Tôi im lặng hít một hơi dài thuốc lá rồi bảo:

“Em xem cơm coi chừng khê thì đen anh lắm.”

Tám giờ kém mười lăm Thanh về. Nàng phủi những giọt mưa trên vai áo và nói:

“Thiêng thật, đang hát mà em cảm ngay là ở nhà có khách. Em rẽ vào Hàng Mành mua chả cốm đây nhé.”

Minh dọn cơm bảo chị:

“Ban nãy em có mở cho anh Tâm nghe chị hát.”

Không khí gia đình ấm cúng suốt bữa cơm. Thanh đặt cái bếp cồn cạnh chỗ ngồi của nàng đun nước sôi pha cà phê. Tôi hỏi:

“Nhà ai uống cà phê mà có?”

Thanh đáp:

“Không, ăn cơm xong Minh sẽ đi mua cà phê chứ. Anh đỡ phải ra ngoài mưa lạnh.”

Tôi nhìn vào mắt Thanh. Chúng tôi nhắc đến những người thân đã khuất. Đã từ lâu chúng tôi mới họp mặt nhau. Minh ra phố mua cà phê. Thanh pha ấm nước sôi vào bình trà và đặt ấm nước thứ hai lên bếp đợi cà phê, tôi đốt điếu thuốc lá thứ ba.

Thanh nói sau khi bơm cho ngọn lửa đều:

“Có phải anh khuyên em nên nhận lời không?”

Tôi gõ tàn thuốc không trả lời cũng không biểu lộ cử chỉ nào khác. Mãi thấy Thanh không nói gì tôi mới hỏi:

“Sao?”

Thanh không ngước nói rất khẽ:

“Từ hôm đấy không thấy cô Nghĩa nhắc lại chuyện nữa. Chu có đến đây gặp em một lần.”

Thanh trầm ngâm. Thanh tìm cuốn len đan dở và xỏ lại những múi tuột. Nàng bắt đầu làm việc, tôi nói:

“Ngay hôm cô hỏi ý kiến tôi đã cảm giác là chuyện ấy khó thành, hôm nay tôi có thể nói thẳng như thế.”

Thanh ngừng mũi kim ngẩng lên hỏi:

“Tại sao vậy anh?”

“Tại vì… Tôi khó nói quá.”

“Em không xứng đáng chứ gì?” Thanh nói thẳng giọng chắc nịch. Tôi thấy tròng mắt nàng rưng rưng.

“Không, không phải thế. Tôi cho rằng những người như Chu không có quyền phán đoán chúng ta. Chu có dám sống như cô bao giờ đâu để mà dám phán đoán cô. Những người như thế…”

“Nhưng đôi khi… đôi khi chính mình cũng nhận thấy rằng…”

“Mình nhận thấy, phải. Mình là tội phạm và chỉ mình đủ tư cách là quan tòa xét xử mà thôi. Ngoài ra không ai được quyền cả, kẻ nào đã dám sống cái thân phận một người con gái không được che chở - mà phải che chở cho người khác – trong một hoàn cảnh xã hội như thế này. Những đứa con gái là lượt tưởng là đoan chính kia đáng lẽ cô có quyền khinh vào mặt họ, nhưng không, đừng để ý đến họ, coi như họ không có mặt giữa chúng ta… giữa cái xã hội đáng tởm này…”

Thanh ngồi lặng người, đầu cúi xuống.

Tôi châm một điếu thuốc khác.

Trấn tĩnh xong, Thanh hỏi:

“Còn Đại?”

Tôi im khá lâu:

"Hắn định bỏ ra ngoài."

Minh mua cà phê về, tự tay Thanh pha cho tôi. Tôi uống cà phê và nói chuyện với Minh. Thanh làm việc và lắng nghe. Mười giờ tôi từ giã hai chị em Thanh.

Tôi không về nhà mà thuê xe xuống nhà Bảo dưới Hàng Bột, gần Ô chợ Dừa.

Chiếc xích lô nhịp nhàng ra ngoại ô.

Đường vắng và bóng. Mọi căn nhà đã ngủ, trừ dãy nhà điếm quét vôi hồng mắc đèn đỏ chăng dây thép gai trên đầu tường. Những bóng người ra vào ở đây lẩn lút câm nín.

Xe dừng bên đuờng tàu điện. Tôi bước qua đường sắt vào ngõ. Nhà Bảo cũng không còn tiếng nói, ánh dèn dần hiu hắt trên bàn.

Tôi gõ cửa và nghe tiếng vợ Bảo.

“Ai đấy?”

Tôi chậm rãi trả lời:

“Tôi.”

Trong khi người đàn bà lệt xệt guốc trên nền đất ra phía cửa.

“Anh Tâm đi khuya thế?”

Tôi mang cả luồng gió vào gian nhà. Bảo đã vặn to ngọn đèn ở trên bàn. Tôi nói với Bảo:

“Hôm nay tôi xuống ngủ với anh.”

Bảo tươi cười hỏi:

“Anh mới về?”

Vợ Bảo thu xếp những hộp gỗ đựng hàng cho gọn cái phản lớn làm nơi ngủ của tôi và Bảo. Gia đình Bảo bán những thứ hàng vặt vãnh cần dùng cho mọi người trong xóm: gạo, nước mắm, củi, xà phòng… Chị Bảo giăng màn xong nói với chồng:

“Anh mời anh Tâm nằm nghỉ không mệt.”

Chị trở về chỗ nằm cũ. Chúng tôi vào màn.

Tôi thao thức rất lâu và cựa mình luôn

Gió trên mái nhà và sau nhà. Gần đấy một con chó thỉnh thoảng lại tru lên những tiếng kinh hãi. Chuột rúc trong có nhà. Có lẽ vợ Bảo đã ngủ yên, ôm con trong lòng, thằng bé chép miệng luôn.

Bảo chợt quay sang phía tôi hỏi:

“Tâm vẫn còn thức đấy hả?”

Tôi nói nhỏ:

“Làm sao?”

Bảo thì thầm:

“Thằng Ngọc xuống Hải Phòng rồi. Nó vừa viết thư cho tôi.”

“Thế à? Lâu lắm tôi không được gặp nó, dễ thường đến gần một năm.”

“Nó làm gì anh có biết không ? Phu khuân vác bến Sáu Kho.”

“Phu khuân vác?”

Nó viết thư cho tôi toàn khói nhà máy, khói tàu biển, thợ thuyền, bữa cơm đầu chợ. Nó chờ đợi một chuyến đi xa, đi không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu… Nó lãng mạn quá sức.’

Bảo nói đều đều vừa đủ nghe.

“Lãng mạn.” Tôi lặp lại.

“Nó không đủ điều kiên nhẫn khiến cho mình thêm rúng động. Còn phải sống như thế này đến bao giờ? Bao nhiêu năm nữa? Nó làm cho tôi sợ cái chuỗi ngày thường của tôi, có phải mình đang kiên nhẫn chịu đựng hay mình đang chết đi? Hay đã chết rồi? Nếu thật chết rồi thì cái hành động nổi loạn vô ý thức của nó có nghĩa hơn cái cuộc đời bên cái hàng tạp hoá và vợ con này của tôi. Tâm, cậu nghĩ xem nó kiên nhẫn hay mình đã chết rồi?”

Tôi không trả lời, gác một chân ra ngoài chăn. Bảo đã dự trong phong trào Ngũ Xã. Anh bị hư một chân, khi trải qua nhà tù Pháp và Việt Minh.

“Tâm, cậu nghĩ xem mình đang cố gìn giữ những hơi thở cách mạng hay mình đang thở hắt ra còn cố lấy vòng hoa cách mạng che mặt?”

Vợ Bảo trở mình ở bên giường. Con chó đâu đây lại tru lên từng hồi dữ tợn hơn. Lát sau tôi bảo:

"Nếu anh viết thư cho Ngọc, anh bảo nó liên lạc với tôi cho tôi được biết tin tức nó."



5.

Về Bắc Ninh tôi bị cảm khản tiếng mất một tuần phải nghỉ làm việc. Những buổi sáng mủa đông buồn rầu thêm. Tôi nằm lỳ trên giường không buồn trở dậy. Những tiếng ồn ào từ trong lớp học giờ làm việc, ngoài sân giờ ra chơi, bay lên qua một khoảng xa cách lắm, tôi đợi từng bước chân ngoài hành lang.

Mỗi bữa cơm ông già gác mang lại phòng cho tôi một bát cháo nóng - buổi trưa kèm theo một tờ báo hằng ngày. Tôi lười, thoái thác không xuống phòng ăn. Tôi đọc báo, nhìn cuộc đời bình thản qua như những cuộn mây xám thường ngoài cửa sổ buổi chiều. Và tôi ngủ những giấc ngủ đầy hơi thở nóng và mồ hôi cùng trống ngực.

Linh mục Tân đến thăm tôi hàng ngày khoảng 4 giờ chiều và ở phòng tôi chừng mười lăm phút. Nhiên săn sóc tôi vào buổi tối khi những tiếng chuông khoá lễ chiểu đã im. Nhiên thường ngồi nói chuyện. Anh kể về gia đình, về thời thơ ấu, và ơn trên đã kêu gọi anh để dâng mình cho Chúa, bằng giọng bình thản như đọc một đoạn sách thánh kinh. Bà nội anh muốn có một người con dâng mình cho Chúa, nhưng cha anh lại là con một. Tiếp theo Nhiên là đứa cháu độc nhất. Đứa cháu độc nhất ấy nghe ở linh hồn mình từ nhỏ âm vang lời kêu gọi của Thiên chúa và Nhiên mong rằng sẽ làm thoả mãn khát vọng của những người sinh thành. Trong những lúc ấy tôi nhó lên ngọn điện yếu mỏng chập chờn như muốn tắt.

Đại không sang, những thư từ của tôi được cho vào phong bì lớn dán kín gởi sang trường. Tôi nhận được thư của Francoise trách tôi lười viết, nàng hỏi tôi có nhận được thư của nàng không. Nàng cho biết hiện công tác vận động những gia đình có con em chiến đấu ở Đông Dương để làm kiến nghị yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở đây. Đồng thời cùng với một nhóm bạn hữu thanh niên nàng đã gặp Sartre, chất vấn về vấn đề cộng sản và cách mạng. Nàng bảo nàng hơi đen và gầy hơn nhưng cũng cao hơn. Nàng vừa kỷ niệm sinh nhật thứ mười chín của nàng.

"Pauvre Francoise!"

Hoà tả những trận mưa ở đồn điền dài ba trang giấy mỏng. Và Ngọc:

"Mày ơi!"

"Mày còn thì giờ để ý đến tao ư? Tao tưởng mày nghĩ đến thân phận mày cũng đáng đủ lắm rồi. Thằng Bảo cho tao lãng mạn và chắc rằng chúng mày cũng đồng ý với nhau. Nhưng hỡi ôi! Lãng mạn phải là chúng mày mới đúng. Đau khổ cho nhiều vào, đọc sách cho nhiều vào, xót thương mình chưa đủ rồi xót thương người…. để mơ mộng: cách mạng. Ôi chao cách mạng. Cách mạng để làm gì? Những con ngựa bị hành hạ đau quá thì lồng lên hất thằng dô kề ngã mà chạy. Chạy đi đâu? Thằng dô kề nó sẽ túm được, nó đánh đập tàn nhẫn hơn và lại xỏ cương trèo lên lưng.

Thế nào tao cũng bỏ đất này đi, tao can đảm thú thực như thế, chết ở chỗ khác yên thân hơn. Còn hơn chúng mày lòng tin đã mất mà không dám thú thực, mà vẫn cố gắng giả tin.

Bằng chứng là chúng mày có tự do đâu, thằng Bảo vợ cái be nước mắm, mày bỏ trường này rồi cũng đến trường khác. A-men, mày đang tìm đến với Chúa đấy.

Cầu Chúa che chở cho cái thằng sâu kiến lúc nào cũng tưởng mình lớn ngang đức Chúa. Làm dấu thánh giá và quỳ xuống."

Tôi quên lá thư của Ngọc. Ngọc mở ở bàn đêm đầu giường. Buổi chiều tôi ngủ chập chờn, khi mở mắt Nhiên ngồi cạnh và đã bật đèn. Nhiên hỏi:

"Anh không ăn cháo? Để tôi bổ cam anh xơi."

Tôi ngồi dậy nói:

"Cám ơn anh, tôi có thể làm lấy được."

Tôi bổ cam ở bàn, nhìn ra cửa sổ, gió khoan khoái một chút.

Nhiên hỏi:

"Anh cho là có Thượng Đế hay không?"

Tôi suy nghĩ rồi trả lời:

"Câu hỏi ấy chưa bao giờ làm tôi thắc mắc cả.’’

Tôi không nghĩ đến nó.

Nhiên lại hỏi:

"Anh có nhận rằng ở đời có một cái gọi là Thiện, một cái gọi là Ác, có công bằng, có tự do, có bác ái…"

Tôi trông thẳng vào mặt Nhiên đáp:

"Có chứ tại sao không?"

"Vậy mà anh lại không tin Thượng Đế thì lạ thật?"

"Tôi tưởng những ý niệm ấy họp nhau thành một ý niệm hoàn hảo hơn tất cả là Thượng Đế. Thường thường người ta nghĩ một vài ý niệm khó thoả hiệp được với nhau như bình đẳng và tự do, những đạt đến sự hoà hiệp chính là tìm về Thượng Đế rồi còn gì?"

Tôi bước vài bước đắn đo:

"Tôi nhắc lại với anh tôi không suy nghĩ về vấn đề ấy. Theo tôi có những lúc người ta giải quyết giữa người với người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy. Thượng Đế cần một hình ảnh tinh khiết. Có mặt khi không cần thiết, Thượng Đế sẽ bị nhơ nhuốc lây và có thể bị mất ngôi. Mà ngôi Thượng Đế có lẽ cần thiết lúc khác."

"Thượng Đế sẽ giải quyết những vấn đề của loài người nếu loài người biết tìm về đến Người."

"Không, tôi không tin như thế, Thượng Đế không sống cái sống xác thịt của nhân loại. Khi Thượng Đế nhập thể thành người như Chúa Jesus hay Phật tổ thì chính ở người ấy Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấm thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại…"

Những buổi tiếp theo, Nhiên thưa sang thăm tôi – tôi nằm nghe tiếng động ngoài hành lang và lòng mình.

Tôi trả lời Ngọc:

"Ngọc,

Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não, mày nhớ không? Đi đâu cũng vẫn chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất nước này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như đây. Không trốn được đâu, trừ khi mày trốn được lòng mày.

Nhưng thôi tao vẫn cầu chúc cho mày đi đi cho thoả dồn nén, để ngó thấy ở bất cứ một góc địa cầu nào những điều ghê tởm không muốn ngó, rồi mày sẽ trở lại. Tất nhiên chán chường hơn nữa, nhưng từ chỗ chán chường cuối cùng ấy tao còn mày hay mất mày vĩnh viễn.

Ngọc ơi! Mày còn nhảy xuống biển ngủ ở dưới ấy không? Con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não.

Trước khi đi hãy thư cho bạn mày: Tâm."

Lễ Chúa Giáng sinh đến gần với những ngày rét cóng hơn. Nhà trường vắng ngắt, những giáo sư ngoài như tôi đã về Hà Nội cả. Mặt sân cứng ướt hiu quạnh trơ trọi không cây cối, tôi bước trên sạn vụn theo một cửa ngách sang nhà thờ. Màu đá xám cao và lạnh lẽo thêm.

Những chiếc đèn màu hình ngôi sao, những dây hoa giấy sặc sỡ buồn cười.

Vòm nhà thờ sâu, ánh sáng mờ ảo.

Tôi đi bên những hàng ghế mộc, đến máng cỏ Chúa hài đồng. Tôi đứng cách xa ngắm những hình tượng được xếp đặt khéo léo. Vài người đàn bà nhà quê mình như ở chợ rẽ vào, quỳ gối kính cẩn.

Rồi tôi xuống Đáp Cầu cho đến hết buổi sáng.

Tôi vẫn chưa biết nên về Hà Nội hay nên giam mình một tuần lễ nữa trong chuỗi ngày rét mướt ở tỉnh lỵ. Con đường dốc, những sườn núi trơ đất và đá đỏ, gió và hơi nước quyến lấy nhau ở không trung làm thành khói đặc nặng nề, không một tiếng động ngoài một tiếng nổ của động cơ. Chiếc xe hàng đã đổ hết khách ở Bắc Ninh chỉ còn lại vài người. thị xã tiêu điều với những nhà méo lệch. Quán chợ lụp xụp nhớp nháp; chợ còn lại dẫy tường trắng loang lổ vết tích cũ.

Bữa cơm ăn với vợ chồng Long trong một gian buồng hẹp ấm. Mâm bằng gỗ.

Tôi trở về Bắc Ninh gần ba giờ chiều.

Tôi ngồi trong một quán nước ở bến xe trong sự náo nhiệt ấm áp của những người xuôi ngược và những người làm xe. Ở đây có những bát nước chè tươi nóng, điếu thuốc lào. Trời mưa bay. Bỗng tôi trông thấy Hạnh, nàng mặc tấm áo dài thâm đi ở ngoài. Nàng chào tôi và ghé vào quán.

Tôi hỏi:

“Cô đi Hà Nội?”

“Vâng”, Hạnh đáp.

Tôi mời nàng uống nước và chúng tôi uống những bát nước chè tươi xanh nóng rộp lưỡi. Hạnh hỏi tôi:

“Anh cũng về Hà Nội?”

Tôi chưa biết trả lời thế nào Hạnh đã tiếp:

“Nếu tiện anh đi xe của em cùng về.”

Nàng nói tự nhiên còn tôi lúng túng. Hạnh lại nói:

“Chỉ sợ anh đi xe chở hàng thôi.”

Hạnh đưa tôi ra xe, chiếc xe cam nhông chuyên chở hàng hoá. Sau xe trống, ngoài một thùng đựng ét xăng của nhà binh bỏ không và mấy tấm bao tải.

Tôi và Hạnh ngồi phía trên cùng người tài xế và người phụ xe ở đằng sau. Xe ra khỏi thị xã cùng với hạt mưa dầy hơn. Người tài xế đứng tuổi hai bàn tay khô khan gân guốc chụp trên đầu chiếc mũ cát két dạ. Anh phụ xe trẻ tuổi nói qua lỗ hổng lên với bác tài một câu gì. Hạnh ngồi sát vào tôi và tôi nhận hơi ấm của nàng.

Nhìn thấy ở ngực Hạnh đeo hình thánh giá, tôi hỏi:

“Em theo đạo?”

Hạnh gật đầu trả lời:

“Khi còn ở hậu phương, bây giờ thì thôi rồi.”

Một lát sau xe chạy đều tốc lực, màu trắng phủ những cánh đồng hai bên đường. Tôi hỏi Hạnh:

“Em còn nhớ anh xưa hay không?”

Hạnh ngước nhìn tôi rồi trả lời:

“Em nhớ những ngày nghỉ học anh thường hay đi theo em. Hồi ấy nhà em ở hai nơi, Thị Cầu và Đáp Cầu. Đi về em phải qua nhà anh. Em mặc áo trắng và cặp tóc và em đã được nghe anh nói là em đẹp nhất Thị Cầu.”

Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Hạnh để vào lòng tay tôi từ lúc nào, rất cảm động.

Hạnh nói tiếp:

“Một lần anh Long và một người bạn nữa đã thách anh đến vuốt tóc em và anh đã làm thật. Ở con đường ra đồng trước cửa nhà một người Pháp có nuôi một đàn ngỗng dữ và em đã về mách nhà anh cái tội trêu trọc em và tội đứng đó ăn cắp trứng ngỗng.”

Tôi nắm chặt hơn bàn tay Hạnh, có cảm giác hổ thẹn về những hành động ngây thơ táo bạo và tôi đáp:

“Nhưng em cũng biết là bà ngoại anh chẳng bao giờ trị tội anh cả.”

Hạnh gật đầu và cái búi tóc nghiêng xuống vai về phía tôi. Hạnh hỏi lại tôi:

“Học hết lớp nhất anh đi Sài Gòn? Anh làm gì?”

Tôi nói điềm nhiên và thành thật, ngoài ý muốn:

“Anh đã bán báo, làm thợ và học nghề chữa ô tô.”

Đến Hà Nội, mưa to lớn hơn. Chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau.

Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn.


6.

Tết đã qua. Mùa xuân kéo dài với những trận mưa phùn làm bẩn hè phố. Tôi không đặt chân về nhà nữa. Ngọc và tôi ăn Tết cùng gia đình Bảo.

Chiều mùng một, tôi lên đón hai chị em Thanh đi chơi. Thanh bày bàn thờ trên cái xích đông làm giá sách trước bàn học của Minh. Thanh bảo tôi lễ tổ tiên. Tôi chắp hai tay và lòng bâng khuâng. Mùng ba Ngọc trở xuống Hải Phòng. Chúng tôi uống rượu trước khi chia tay. Và Bảo đặt cái bánh chưng lên bàn và bảo với Ngọc:

“Anh ăn bánh chưng đi, biết đâu chẳng là miếng cuối cùng trước khi đi.”

“Vâng biết trước thế nào được”, Ngọc trả lời.

Ngoài ngõ những đứa bé nghèo nàn đang đánh đáo. Chúng tôi không đưa tiễn nhau. Mùng chín tôi trở sang Bắc Ninh. Cái Tết đi qua có lẽ đã quá vui khiến để lại cho thị trấn này vẻ trơ trẽn. Mưa bay ngoài cửa sổ và sự chuyển vận của chiến tranh mỗi lúc thêm hấp tấp.

Đại vẫn chưa bỏ ra hậu phương. Trước khi về trường tôi có ghé nhà thăm và chúc Tết ông Chính. Tình cờ tôi được biết Đại dan díu với Thịnh. Trong suốt mấy tháng tôi không nhận được một hàng chữ nào của bạn bè. Tôi cùng về Hà Nội với Hạnh vài lần. Những ngày ấy tôi dành riêng cho mình Hạnh. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương.

Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường. Hạnh ngượng ngùng. Một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng và hỏi:

“Anh có khinh em không?”

Lúc ấy tôi đau đớn tất cả thân thể. Trời chạng vạng với mưa bụi căm căm. Tôi thở dài trả lời:

“Em đừng hỏi và đừng bắt anh phải trả lời.”

Ở Đáp Cầu người ta phong phanh biết sự đi lại giữa Hạnh và tôi.

Một buổi sáng rét tháng ba tôi lặn lội xuống thăm Long. Tôi được ăn một bát bún riêu bỏng môi vì cay và nóng của chị Mùi và được chị cho biết tin là Hạnh không trở về nữa. Chị Mùi nói:

“Cô ấy ra ngoài đến nửa tháng nay không thấy về.”

Tôi hỏi chị:

“Có tin tức gì không chị?”

“Có lẽ bị giữ lại. Người ta nghi cô ấy…”

Long đi Hà Nội vắng. Vợ Long đang có mang. Tôi nghĩ không ở lại ăn cơm, trên đường về tôi nghĩ nhiều đến Hạnh. Nghĩ đến sự đam mê của Hạnh, tôi bồn chồn cả người. Tôi tin rằng chẳng có bao giờ gặp lại người con gái ấy nữa. Lễ Phục sinh tôi thăm Thanh gặp lúc nàng ốm nghỉ nằm nhà. Minh đi học vắng. Thanh gượng dậy tiếp tôi. Tôi khuyên nàng nằm nghỉ và tôi kê ghế ngồi cạnh giường. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ của Thanh tôi ngồi im và không biết nói chuyện gì. Tôi nhìn Thanh và mi mắt nàng hơi khép xuống nặng nặng. Nàng thở một cách đắn đo. Tôi đứng dậy để đốt thuốc lá, Thanh bảo:

"Anh cứ tự nhiên, em không sợ thuốc lá đâu."

Tôi ngồi xuống và thở khói nhè nhẹ. Thanh bỗng nói với tôi:

"Anh rót cho em xin cốc nước."

Tôi sửng sốt vì sự quá đáng của Thanh. Chưa bao giờ Thanh dám làm thế với tôi cả. Mặt tôi hơi sầm suống. Thanh lại nói tiếp như van lơn:

"Anh cho em xin cốc nước…"

Thanh định nói thêm điều gì lại thôi. Tôi miễn cưỡng làm theo lời Thanh. Uống xong nước, Thanh nói:

"Em có câu chuyện muốn nói với anh."

Thanh cố ý giừng lại. Tôi hít một hơi thuốc lá dài và thở khói um khiến Thanh phải sặc.

Nàng quay mặt đi bảo:

"Anh thổi khói vào mặt em."

Tôi thở nhẹ và khói tan dần. Mắt Thanh ướt ngấn nước và da mặt nàng hồng lên mệt nhọc. Thanh kéo chăn chấm nước mắt nói rất nhỏ:

"Anh Tâm, anh xem Minh đã có thể lấy chồng được chưa?"

Tôi ngạc nhiên không hiểu.

"Có người hỏi cưới Minh mà em phân vân quá."

Tôi gõ tàn thuốc lá đánh nhịp chân, hỏi:

"Minh năm nay bao nhiêu tuổi?"

"Mười tám."

Chúng tôi cùng im lặng, tôi thì nhìn khói thuốc. Tôi lại hỏi:

"Còn cô?"

"Hai mươi ba. Già rồi còn gì?”

“Ai bảo cô già?”

Thanh không trả lời và hình như mơ mộng điều gì. Một lát, Thanh hỏi:

“Anh biết người thế nào hỏi Minh không?”

“Ai?”

“Chu.”

Giọng nói của Thanh cố gắng bình thản và mắt Thanh mọng cộm lên. Tôi nhắc: Chu. Tôi cố gắng nói tự nhiên:

“Cô định sao? Đã hỏi ý kiến Minh chưa?”

“Em bằng lòng.”

Nghĩ hồi lâu, tôi trả lời buông xuống:

“Cũng được.”

Đám cưới Minh giản dị và mau chóng.

Chưa đầy một tháng sau câu chuyện giữa tôi và Thanh, Minh nghỉ học ở nhà. Trầu cau được chia cho vài chỗ quen biết thân.

Theo ý của Chu, hai bên nhà trai gái mở chung một tiệc khách sạn Phú Gia.

Khách khứa cũng không nhiều. Tôi phụ với Thanh thu xếp công việc vì nàng vẫn chưa được khoẻ hẳn. Bữa ăn vào buổi tối gồm chưa đến ba mươi người.

Mươi người họ hàng thân quyến của Chu, mươi người bạn cùng sở Chu; bên này có mặt cô Nghĩa, ông Chính, Bảo, Nga – cô thợ cả của Thanh – hai ba người bạn thợ của Thanh, mấy cô phù dâu và bạn bè của Minh.

Lâu không gặp tôi, cô Nghĩa nói đùa:

“Bao giờ thì anh lập gia đình?”

Thanh cũng đứng đấy cười trả lời thay:

“Dì không biết anh ấy lập gia đình rồi hay sao?”

Cô Nghĩa tưởng thật.

Chu đến. Lần thứ nhì tôi gặp lại Chu trong mấy năm về Hà Nội. Chu nói:

“Minh đang ngồi khóc ở nhà.”

Tôi bảo:

“Cô gái nào chẳng vậy” - rồi tôi kéo Chu ra ngoài.

“Tôi cần nói chuyện với anh một lát.”

Nhưng khi ra ngoài, gió hơi lạnh, nhìn sang hồ nước im lặng và thấp thoáng phản chiếu ánh đèn, tôi không biết tôi muốn nói gì với Chu.

Ông Chính gặp tôi hỏi:

“Sao anh ít về nhà?”

Tôi cho là ông quá tàn nhẫn khi đặt câu hỏi. Mà có lẽ ông đã quỵ luỵ chăng?

Tôi ấp úng. Tôi bắt tay Đại hững hờ.

Thanh giới thiệu tôi với Nga. Tôi nói:

“Chúng tôi đã gặp nhau một lần.”

Nga cúi đầu nhận. Thanh quên buổi tôi lại đón Thanh ở cửa hàng để lấy cái khăn quàng cho Đại. Đại quàng cái khăn ấy.


Nga hỏi câu mở đầu khiến tôi ngạc nhiên vô cùng:

“Ông viết văn?”

Tôi bị lúng túng và trả lời:

“Thưa cô, không. Tôi chưa bao giờ” - ngừng một giây nhỏ - “À! thời trước thì có. Cô nghĩ tuổi trẻ người nào đã chẳng từng viết đôi ba dòng. Làm một vài câu thơ. Bây giờ thì tôi chưa hề nghĩ đến.”

Nga nhìn ý tứ:

“Thế mà tôi vẫn đinh ninh ông viết văn.”

Tôi thấy được không khí thân mật và bạo dạn nói:

“Nếu thế có lẽ chính cô viết văn.”

Nga đáp thẳng thắn:

“Vâng tôi bắt đầu.”

Bảo bước vào với tất cả vẻ cũ kỹ ngô nghê ngày thường của anh: bộ quần áo kaki kiểu nhà binh. Tôi bảo với Nga khi Bảo còn ở đầu phòng:

“Cô có thể nói chuyện văn chương với ông bạn tôi.”

Đại cũng đi về phía chúng tôi. Tôi khó chịu về sự góp mặt của những người không ưa nhau, Bảo và Đại.

Bữa ăn chưa xong thì Đại kiếu từ ra về dù Thanh cố mời giữ. Thanh tiễn Đại ra ngoài.

Tiệc tan vào khoảng hơn mười giờ đêm. Tôi và Bảo đưa Thanh và Nga về nhà. Thanh giữ Nga về ngủ chung. Chúng tôi qua đường phố hiu quạnh. Mọi vật ấm lạnh se se, cây cối, vỉa hè, mặt nhà. Thanh và Nga đi sát nhau. Tôi và Bảo cách xa, Thanh nói:

“Có lẽ anh Đại không bằng lòng điều gì. Em đã xin lỗi với anh ấy mãi.”

Tôi muốn kêu lên: Hắn là một thằng hèn. Tôi biết hắn về tình tự với Thịnh. Bảo vẫn trầm ngâm.

Thanh nói, tiếng nói vang trên chòm cây xôn xao:

“Hôm nay không có chị Nga ngủ một mình đến khóc mất” – Không ai trả lời, chỉ những tiếng bước bâng quơ. “Con gái nào chẳng vậy phải không anh Tâm?”

Nga lên tiếng:

“Chị đã hứa về ở với tôi cơ mà.”

Tôi tiếp lời:

“Phải đấy cô về ở với cô Nga. Hai người một mình ở với nhau cho vui.”

“Không, còn mẹ tôi nữa.”

Tôi rùng mình gần như đứng lại vì lạnh.

Có lẽ lạnh, không phải vì câu nói bâng quơ ấy? Sắp sửa đến ngày giỗ mẹ.

Thanh hát nhỏ, rất nhỏ trong cổ họng, điệu quen thuộc, tôi đã nghe. Trở về mái nhà xưa.

Bảo bỗng nói với Thanh:

“Từ ngày cô hát trên đài chưa bao giờ tôi được nghe cô cả.”

“Thế thì không bao giờ anh được nghe nữa cả bởi vì tôi đã giải nghệ.”

Nga: “Giải nghệ?”

Thanh: “Chứ sao!”

Tôi đợi đến một ngã tư mới nói:

“Không, cô nên hát.”

Thanh nhại:

“Không, cô nên giải nghệ.”

Từ đấy không ai nói một lời.

Thanh cứ hát nhỏ như cho mọi người nghe lần cuối. Hàng phố bé lại trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát.

Khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga, tôi tôi còn nghe thấy tiếng hát ấy ở trên tay tôi. Trở về mái nhà.

Xưa.

Còn lại hai người đàn ông đi chân về ngoại ô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét