13/7/11

Lương Thư Trung - Lá thư văn nghệ gởi một người vừa mới quen

Lá thư văn nghệ gởi một người vừa mới quen
Lương Thư Trung
14.04.2010 .





Long Xuyên, ngày 08 tháng 4 năm 2010

Thưa anh Tô Thẩm Huy,

Trước hết, tôi xin cảm ơn anh cho tôi đọc bài thơ anh làm chúc thọ nhạc phụ của anh nhơn mừng sinh nhật lần thứ 82 của cụ vào năm 2002, cách nay đã tám năm rồi; và nay được biết cụ đang ở vào tuổi 90 mà sức khoẻ cùng tinh thần luôn minh mẫn, tráng kiện, tôi mừng vô cùng. Bài thơ năm chữ, dài 14 đoạn, tôi rất thích đoạn này:

Vườn xưa nơi An Hữu
Hương nhãn nồng tuổi thơ
Gió sông Tiền mát lạnh
Rửa hồn ta bụi nhơ

Nếu ai có lần đã qua vùng An Hữu nằm bên kia con sông Tiền Giang ngày xưa làm sao mà lòng không khỏi bồi hồi mỗi bận nhớ về một vùng vườn cây ăn trái mát rượi nơi này qua những mùa màng. An Hữu là nơi mà khách phương xa có lần đi ngang qua chuyến bắc Mỹ Thuận bên dòng nước Cửu Long vào những năm sáu, bảy mươi năm trước không ai mà không khỏi trầm trồ đây là một miền cây trái xanh tươi biết chừng nào! Nào là long nhãn, xoài cát, ổi xá lị, mận da người quằn nhánh, trĩu cành. Đối với dân quê như tụi tôi nghe anh kể “Gió sông Tiền mát lạnh, Rửa hồn ta bụi nhơ” nghe như chính mình trải qua bao mùa gió mưa mà lòng vẫn ấm, vẫn êm đềm, mát mẻ vì bao nhiêu bụi trần bay sạch hết rồi; chỉ còn lại gió từ bến sông mát rượi lùa vào vườn cây như bản nhạc tình vương vương mùi nhớ thiết tha và có thể nói thiên nhiên là một trong những gì quí báu mà tạo hoá đã ban tặng cho con người ý nghĩa nhất .

Thưa anh,

An Hữu vào những năm thập niên 50 dù có loạn lạc nhưng tương đối còn an bình, đến những năm 60, 70 đất nước đang chìm vào chiến tranh; khoảng đường dài từ Cai Lậy, Cái Bè, An Hữu, Giáo Đức trên quốc lộ 4 rồi chạy dài theo con đường tỉnh lộ đổ về hướng Cao Lãnh là cả một vùng chiến tranh bao phủ với những mô đất sáng sáng nằm chắn giữa đường, những dấu tích chiến tranh trên những tàn cây, ngọn dừa, cùng nhà cửa xác xơ rải rác khắp cùng… Thế mà người dân miệt vườn ở đó vẫn miệt mài lo vét mương lập vườn trở lại mỗi khi tiếng súng vừa ngừng nơi những bãi chiến trường. Nhờ họ mê một đời sống trồng cây lập vườn ngay giữa những mùa binh biến ấy mà khách qua đường mỗi bận có dịp ngồi xe đò đi ngang qua vùng An Hữu là thấy sức sống nơi những vườn tược xanh xanh trùng trùng quằn trái trĩu cành ấy một sức sống bền bĩ biết dường nào ! Và rồi từ những năm cuối thập niên 1950, rồi đầu những năm 1960 ấy cũng từ các vùng An Hữu, Hoà Lộc, Vĩnh Long, Bến Tre những giống cây trồng được ghép tháp như nhãn, xoài cát, cam sành, quit hồng, bưởi năm roi và nhiều giống cây ăn trái khác … bắt đầu lan toả ra khắp các vùng sông nước miền Tây, làm thành một thời lên liếp lập vườn nơi những vùng đất bị ngập lụt hằng năm thêm nhộn nhịp, góp phần cùng với các vùng Lấp Vò, Lai Vung (Sa Đéc), Bình Minh (Vĩnh Long), Long Sơn (Châu Đốc), Mỹ Hoà Hưng (An Giang), Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây thuộc Thốt Nốt, rồi Ô Môn, Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ) và các làng mạc nơi các cù lao nằm giữa sông Hậu Giang chạy dài ra cửa biển thuộc các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng… làm thành những vùng vườn cây ăn trái sầm uất bên cạnh những cánh đồng lúa bạt ngàn nơi xa xôi cuối đất Nam Việt này vậy!

Thưa anh,

Đặc tính của đời sống dân quê miền Tây Nam Phần nói chung và vùng An Hữu của cụ nói riêng, là nó luôn lấy cái nét bình dị làm nền, lấy cỏ cây làm bạn, lấy mây nước làm thú vui tao nhã và đối với họ công danh sự nghiệp chỉ là phù du, hư ảo. Vì thiệt tình ra, sống ở miền quê là sống với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên hiền hoà và tươi mát biết dường nào. Cái lòng yêu thiên nhiên bẩm sinh ấy của dân quê chính là do trời đất đặt để như vậy. Ở mỗi nơi chốn có một cái nền của nếp sống, nó khế hợp với những con người trong môi trường sống ấy, không làm sao cắt nghĩa nổi những đắm đuối của con người với đất- trời, cỏ-cây, mây-nước ấy. Một người chưa hề ngủ qua đêm trên những mái chòi, trại ruộng, bờ đìa , sân lúa vào những ngày cắt gặt, tát đìa, làm lóng vào tháng hai, tháng ba hoặc họ chưa bao giờ ngủ qua đêm nơi những cánh đồng nước ngập , hoặc một vài bến sông vào những lúc giăng lưới, giăng câu vào tháng tám, tháng chín, tháng mười thì họ không làm sao tưởng tượng được cái chốn chân quê ấy nó có sức quyến rủ gì mà cuốn quyện những con người sanh ra và lớn lên từ các làng quê ấy đến độ họ cho dù bao nhiêu tuổi đời, trải qua bao bận phế hưng mà vẫn mang mang trong lòng nỗi niềm tha thiết nhớ về những bến bờ thân ái ấy! Quả giống như câu thơ anh viết:

Ta sống đời bình dị
Lớn lên cùng cỏ cây
Công danh hề hư ảo
Vui thú cùng nước mây

Và rồi, đọc tiếp mấy đoạn sau của bài thơ chúc thọ, tôi mới thấy thấp thoáng trong thơ anh cái ý niệm về đời người nơi một cụ già miền quê vùng An Hữu, nó bao gồm cả một phong vị sống rất thanh tao mà nghiêm cẩn, rất giản ước mà phải dày công khổ luyện. Tất cả những tứ thơ trong những đoạn thơ bên dưới tôi xin ghi lại đây, nó hàm chứa cả một nhân cách của người nhà quê đã trải qua hơn tám mươi năm tuổi đời với biết bao bận bể dâu dời đổi mà nhân cách ấy vẫn không dời đổi chút nào, một nhân cách mà theo tôi, đó là nét đẹp của những hương đồng cỏ nội, của bông sen, bông súng, của hương cau, hương bưởi tỏa hương sắc ngọt ngào ở nơi những người nhà quê già nơi miền Tây nước Việt mình vậy!

Ta yêu ngày thanh thản,
Nuôi cá đá, trồng lan,
….
Ta giữ lòng ngay thẳng,
Không lừa dối gì ai,
….
Ta sống lâu trăm tuổi,
Hay sống đến nghìn năm,
Chuyện trên đời sống chết,
Há gì phải bận tâm.

Nhìn mấy lần dâu biển,
Trải mấy cuộc đổi thay,
Ta sống không ân hận,
Không oán sầu mảy may.

….

Ơn đời, ôi vô lượng.
Tạ ơn đời chắp tay.

Thật thế, thưa anh, qua những câu thơ mà tôi vừa trích, nó cho một kẻ hậu sinh như tôi có cùng sông nước với cụ nhận ra rằng ở nơi chốn vườn cây ruộng nương bát ngát ấy nó mới hun đúc nên được cái tâm hồn dạt dào nhân ái, bao dung, độ lượng với cuộc đời, với tha nhân chan chứa bằng chính những từng trải của mình. Dường như nơi nào cái nền lễ nghĩa còn thì nơi đó những nét tươi sáng trong con người vẫn còn, và nơi nào vật chất văn minh lấn át đời sống, nơi đó giá trị đạo đức cần phải được giáo dục mới có được; vì nghĩ cho cùng, cái văn minh thuộc về vật chất ấy nó luôn luôn hiển hiện và hấp dẫn nên ai cũng thấy, cũng biết, cũng dễ bị mê hoặc; còn cái đạo đức là phần tinh tuý của tâm hồn, nên nó nằm sâu trong tấm hồn mỗi con người, nên khó nhận biết nếu mình không có tấm lòng rộng mở. Phải có tấm lòng yêu cuộc đời, yêu tha nhân, yêu thiên nhiên mới mong đồng cảm với những bát ngát hương hoa của một người sống ngoài tám mươi, chín mươi như nhạc phụ của anh vậy!

Thêm vào đó, cái nền lễ nghĩa nơi các làng quê vào những năm xa xưa ấy một phần nữa nó còn được tô bồi bằng việc thờ phượng Thánh Thần, Trời Phật qua các đình miếu, chùa chiền, những nơi chốn trang nghiêm ấy là một trong những biểu tượng của sự kết hợp giữa các đấng thiêng liêng với con người một cách hài hoà; nó chẳng những phù hợp với đời sống tinh thần của dân quê mình vốn coi Trời Đất là trọng, mà còn là biểu hiện một quan niệm về đời sống thuận cùng Trời Đất và hợp Con Người lân láng vậy ! Tôi cũng xin được gợi nhớ ra đây những lời dạy từ các trang sách rầt cũ của các bậc thánh hiền như Minh Tâm Bửu Giám, Quốc Văn Giáo Khoa Thư; những trang sách rất cũ và thật là đơn sơ mà hàm súc ấy, nó rất thâm thuý mà gần với làng quê, nó rất cao siêu mà thiết thực trong đời sống thường ngày của cư dân nơi những miếng ruộng, mảnh vườn quanh năm xanh một màu xanh của thiên nhiên tươi mát ấy… Trải qua nhiều đời, từ ông Cố, ông Nội tôi, rồi đến đời Tía Má tôi, tôi còn giữ được mấy trang sách Minh Tâm Bửu Giám này được nẹp bằng hai thanh tre với chỉ gai kết lại là một trong những vật quí báu còn sót lại qua biết bao mùa binh biến, những trang sách có tuổi thọ nhiều hơn tuổi đời những người cùng thế hệ với tôi mà tôi đã được học từ những ngày còn nhỏ, cũng xin gởi kèm theo đây như một di tích về cái nền đạo nghĩa ở nhà quê vùng làng Tân Bình tôi qua gần trăm năm ấy đến bây giờ. Tất cả, đó có thể gọi là những tinh chất làm nền cho một phong vị sống đẹp của dân quê miệt vườn ruộng miền Tây Nam Phần từ những năm xa xưa ấy vậy.



Quyển Minh Tâm Bửu Giám đời xưa

Dịp này, tôi cũng xin ghi lại sáu bài kệ của cụ Bùi Xuân Hoà, một nhà Nho thuộc làng Cái Tàu Thượng, bên bờ con sông Tiền chảy ngang vùng Chợ Mới (An Giang) làm và được khắc trên bảo tháp hình lục giác của Ngài Yết Ma Trụ Trì chùa Tân Phước Tự làng Tân Bình (Lấp Vò) (1) cách nay gần trăm năm để anh xem qua ngõ hầu bổ khuyết thêm về nhân cách một bậc chân tu đắc quả cùng lòng ngưỡng vọng của các nhà Nho đời sau nghĩ về Ngài khi Ngài viên tịch. Sáu bài kệ lần lượt như dưới đây:

Bài thứ nhất:



Phiên âm:

Tảo ngộ luân hồi ấu xuất gia
Mang mang khổ hải thoát trùng ba
Thiên ban xảo kế hà trù hoạch
Nhứt cá chơn thành tự trát ma
Ngũ uẩn giai không ly hoả trạch
Lục trần bất nhiểm tựu ngưu xa
Danh trường lợi tẩu vô tâm luyến
Lâm mạng chung thời thượng bửu toà.

Bài thứ hai:


Phiên âm:

Khiêu xuất phàn lung mãnh tỉnh nhân
Kiền thành lễ Phật tự ân cần
Oai quyền lung lộc đô vi giả
Nhẫn nại từ bi nãi thị chân
Mỗi bả huệ đăng tầm giác lộ
Tương thừa bửu phiệt độ mê tân
Tam quy ngũ giới thừa tông chỉ
Tinh tấn nhứt sanh bất nhiễm trần.

Bài thứ ba:

Phiên âm:

Phú quý vinh hoa nhược mộng hồn
Trượng phu cứu kiến Phật vi tôn
Xả thân cầu đạo hành thiền hạnh
Tu kỷ lợi tha học phạm tông
Bối ngụy tùng chơn vi thiện đạo
Khử tà qui chánh nhập từ môn
Hữu vi chi pháp chung giai thoại
Nhứt điểm huyền quan vĩnh đắc tồn.

Bài thứ tư:


Phiên âm:

Chí tôn vô thượng Phật đàn tràng
Tham ngộ thiền tâm đắc tịnh an
Đoá tỵ mê đồ huy huệ cự
Viễn ly khổ hải phiếm từ hàng
Lục thông cụ hữu quy thiên trúc
Tứ tướng giai không xuất thế gian
Lao lục hồng trần hà đắc hữu
Tiêu diêu tự tại Phật liên ban.

Bài thứ năm:


Phiên âm:

Tu trì Phật đạo quý kiên tâm
Vô thượng vô biên hựu thậm thâm
Phần nhiệt đàn hương xưng địa tạng
Phi tuyên bối diệp niệm Quan âm
Pháp vương thùy huấn thông hà nhỉ
Giáo chủ lưu truyền quán cổ kim
Tịch diệt hư vô vô thống chữ
Tức tâm tức Phật đạo đương tầm.

Bài thứ sáu:


Phiên âm:

Thế gian tứ khổ kỷ nhơn tri
Đặc đạt phương năng hối ngộ chi
Lục độ ân cần vô thiểu giải
Tứ đề miễn lệ bất dung khuy
Kim cang bất hoại thiên thu tại
Bửu tháp trường tồn vạn cổ thùy
Viễn cận đàn na giai ngưỡng mộ
Bổn sư xuất thế dĩ tây quy.

Thưa anh,

Qua các trang MinhTâm Bửu Giám và sáu bài kệ nơi chù Tân Phước Tự làng Tân Bình (Lấp Vò) mà tôi vừa nhắc làm tôi sực nhớ lời Ngài Viên Chiếu trong cuộc đối thoại về Thánh và Phật:

Có tăng hỏi: Phật với Thánh, nghĩa nó thế nào?
Sư đáp:
Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh
(Cúc trùng dương dưới giậu.
Oanh thục khí đầu cành.) (2)

….

Theo giáo sư Lê Mạnh Thát trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam: ”Qua cuộc đối thoại này quan hệ giữa Phật và Thánh, tức giữa Phật giáo và Nho giáo được xác định dưới dạng một quan hệ tình thế, nghĩa là tùy theo từng tình thế cụ thể, mà Phật giáo hay Nho giáo có thể được vận dụng để đáp ứng lại nhu cầu của tình thế đó…. Cũng vậy, vận dụng Phật giáo và Nho giáo vào từng tình thế cụ thể của đời người thực không dễ dàng chút nào… Vì vậy, vận dụng Phật giáo và Nho giáo vào từng tình thế cụ thể của cuộc đời là cả một nghệ thuật, vừa là một khoa học. Là khoa học, vì nó đòi hỏi một sự tính toán chính xác. Nhưng đồng thời nó là một nghệ thuật, vì nó yêu cầu một sự tinh tế nhạy bén của tâm hồn từng cá nhân.”(3)

Nhưng, thưa anh, khi sống với thực tế nơi làng quê Tân Bình của riêng tôi và cũng có thể cả những làng quê các vùng khác thuộc miền Tây Nam phần dưới này nữa, sự kết hợp giữa Thánh và Phật trong đời sống của cư dân các làng quê là một hòa hợp tự nhiên, thân thiết giữa hai khía cạnh tu thân và học đạo như là một cách sống an vui bất tận của con người nơi các vùng quê heo hút từ thuở xa xưa ấy. Và cái nét đặc sắc ở đây là tôi muốn nhắc đến tính chất chơn chất của căn gốc nông dân khi biết phối hợp giữa Thánh và Phật trong đời sống là vì cái đẹp của cuộc đời chứ không mảy may nào về sự mê tín thường tình ở đời. Chính đó là nền của mọi đạo đức, lễ nghĩa và được tổ tiên truyền lại cho con cháu nhiều đời sau làm hành trang sống ở đời.

Thưa anh,

Về việc yêu thiên nhiên của dân quê mình, thiệt tình ra nó không lấy gì làm mới và cũng không lấy gì làm khó khi tìm kiếm qua phong cách nhà quê của họ. Chỉ có điều người ta mỗi khi nhắc đến dân quê ai ai cũng nghĩ rằng hạng người dốt ấy có gì cao siêu mà phải bận tâm nghĩ ngợi làm gì ! Chính vì cái ý niệm có sẵn trong các tầng lớp người khoa bảng nặng phần “lý tính” ấy mà họ đã đánh mất những “cảm tính” rất dễ thương của một con người vốn luôn luôn muốn chìm vào cái cõi thiên nhiên tươi mát của những làng quê ruộng đồng ấy. Thế nên, nhiều lúc tôi nghĩ khi một ai luôn đặt nặng phần “lý tính” trong cách nhìn, cách sống, cách hiểu về con người, về thiên nhiên, về mọi việc, người ấy vô tình hoặc cố ý chối bỏ cái chất lãng mạn làm người của mình trong thế gian này một cách oan uổng.

Ngược thời gian, xin mời anh thử nhìn một chút về các bậc tiền bối trong dòng văn học Việt Nam thời Nguyễn triều, có ai yêu thiên nhiên say đắm bằng cụ Nguyễn Khuyến. Chính vì cái lòng yêu thiên nhiên say đắm đó nó làm cho tình cảm con người gần gũi với cỏ cây, chim chóc, trời nước thênh thang rồi tràn ra thành những vần thơ bất hủ như các bài Thu Điếu, Thu Vịnh, Thu Ẩm mà người đời sau mấy trăm năm vẫn mãi hoài ngưỡng mộ. Ngưỡng vọng thiên nhiên giúp cho dân quê Nam Việt vui hưởng đời sống điền viên như một cách sống an bần lạc đạo vậy. Tức là sống với cảnh nghèo mà vẫn giàu cái thanh tao, an lạc; sống với cái chân quê mà chừng như thanh thoát cõi nào!

Là một người sanh ra nơi làng quê, sống với làng quê qua những mùa binh biến, rồi chạy loạn tản cư cũng chạy lên những cánh đồng lác hoang vu; đến khi lớn lên đi học, đi làm năm ba năm rồi cũng trở về làng quê làm ruộng cày bừa, giăng lưới, giăng câu sống cùng bà con chòm xóm quê mùa đằng đẵng mấy mươi năm, thì thử hỏi làm sao tôi có thể xoá bỏ cái chất nhà quê bùn phèn trong tôi được. Người ta sanh ra ở đâu sẽ hấp thụ cái tinh chất ở vùng đất đó cho tới già đời; đừng ai mong mình sẽ là tiên khi mình sinh ra nơi ruộng lúa bùn lầy, lung vũng. Cái chính là mình biết lấy cái lung vũng, bùn lầy ấy làm cái chất tinh tuý ngọt ngào bao la bát ngát của thiên nhiên nuôi sống mình lớn dậy. Đó chính là cái tinh chất làm nên nét đặc thù của mỗi con người, mà ai không dám nhận, hoặc chối bỏ nó thì là một lầm lẫn, một mất mát mà không cách gì tìm kiếm lại được ở kiếp này hay kiếp khác sau này…

Vì gốc gác là một nông dân nên tôi rất mê cái phong cách yêu thiên nhiên, thương người làm ruộng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ biết bao. Ngoài ra, tôi cũng đọc đi đọc lại bài thơ “Làm ruộng ở Vị Xuyên” của Vương Duy, đời Đường bên Trung Hoa mà lấy làm thích thú:

Vị Xuyên Điền Gia

Tà dương chiếu khư lạc,
Cùng hạng ngưu dương qui.
Dã lão niệm mục đồng,
Ỷ trượng hậu kinh phi.
Trĩ cấu mạch miêu tú,
Tàm miên tang diệp hi.
Điền phu hạ xừ lập,
Tương kiến ngữ y y.
Tức thử tiễn nhàn dật,
Trướng nhiên ngâm thức vi. (4)
Xin phép diễn nghĩa xuôi:

Làm ruộng ở Vị Xuyên

“Bóng chiều tắt nắng làng quê. Trâu dê lần lượt quay về nẻo xa. Cụ già chống gậy hàng ba. Ngóng mong bọn trẻ về qua, mục đồng. Trĩ kêu khi lúa đầy bông. Tằm kia ngủ hết lá dâu thưa dần. Bỏ cày, dân ruộng nghỉ chân. Chờ người qua lại chuyện gần chuyện xa. Cảnh nhàn thấp thoáng hiện ra. Ngâm câu ca cổ vui hòa “thức vi”.

Thêm vào đó, thưa anh, cùng với bài thơ trên, tôi cũng thích tám bài thơ làm ruộng của Tô Đông Pha, có tựa là “Tô Đông Pha bát thủ” không kém. Bởi có trải qua những năm tháng lưu đày vô vọng nơi đát ngập rừng hoang dài đằng đẵng bảy năm trời rồi khi trở lại làng quê làm ruộng trong cảnh bần hàn mình mới cảm được những nỗi niềm của Tô Đông Pha qua những ngày làm ruộng ở Hoàng Châu. Ngài Tuệ Sỹ khi bàn về tám bài thơ “Tô Đông Pha bát thủ” này có viết:

“Tám bài thơ thuật sự, nên chương pháp như một bài tản văn. Lời thơ và tình tự, chất phác và nồng nàn. Ở đây có thể thưởng thức tài làm thơ lão luyện của ông. Và cũng có thể nghe được đâu là tâm tình dịu ngọt của một nhà thơ. Ông nói tới những công lao cực nhọc của người làm ruộng, những lo lắng khi trời hạn hán. Tại đó ông có ba người bạn nông dân thân thiết, bác Phan, bác Quách và bác Cổ. Thú đồng quê cực nhọc mà tựa như nhàn. Hai câu kết trong bài thứ nhất là hứng thơ như mạch ngầm chảy suốt qua cả tám bài:

Vị nhiên thích lỗi thán
Ngã lẫm hà thời cao

Buông cày đứng than thở
Kho lúa bao giờ đầy ?” (5)

Nhắc đến Tô Đông Pha không thể không nhắc đến giai thoại sau đây khi ông bị đày đến đảo Hải Nam như để nhớ về một tư cách:

“Một hôm ông đội một quả dưa lớn vừa hát vừa đi từ ruộng về nhà. Một bà lão khoảng bảy chục tuổi, thấy ông, hỏi đùa: “Quan Hàn lâm, có thời ngài làm đại thần ở triều. Bây giờ ngài có thấy mọi sự như một giấc mộng xuân không ?” Từ đó hễ gặp bà ta, ông gọi là bà Mộng Xuân.” (6)

Và rồi, học giả Nguyễn Hiến Lê kết thúc quyển sách của ông qua lời kết: “Khổng Tử khen Bá Di, Thúc Tề là người hiền thời cổ, cầu nhân mà được nhân, không có gì ân hận. Đông Pha chính là hạng người đó. Chúng ta trọng tư cách của ông cũng bằng trọng văn thơ ông. Vì có tư cách đó thì mới có văn thơ đó được.” (7)

Thưa anh,

Để kết thúc lá thư này nhân đọc bài thơ của anh chúc thọ ông Ngoại của các cháu, tôi mãi nghĩ trong lòng về phong cách của cụ: phong cách của một bậc tiên sinh đạt đạo, rất đáng kính vậy.

Ta sống lâu trăm tuổi,
Hay sống đến nghìn năm,
Chuyện trên đời sống chết,
Há gì phải bận tâm.

Nhìn mấy lần dâu biển,
Trải mấy cuộc đổi thay,
Ta sống không ân hận,
Không oán sầu mảy may.

Theo thiển ý của tôi, nghĩ cho cùng, dù ngày xưa hay thời nay, cái “nhân cách” dù là “nhân cách nhà quê” đi chăng nữa cũng là điều đáng trân trọng trong mỗi con người sống trong kiếp người này. Phải thế không, thưa anh Tô Thẩm Huy?

Kính thư,

Lương Thư Trung





Phụ chú:

1/ Theo“Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” của Sơn Nam, do Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không thấy ghi năm, trang 115, ghi : ”Làng Tân Bình được lập từ đời Gia Long, theo địa bộ Minh Mạng thứ mười bảy, thôn Tân Bình, thuộc Tân Phú tổng, Đông Xuyên huyện, Tân Thành phủ, tức vùng lấp Vò, thuộc tỉnh An Giang, lúc bấy giờ tổng cộng các hạng điền thổ trong làng Tân Bình là 208 mẫu.”

2/ Theo “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam”của Lê Mạnh Thát, nhà xuất bản thành phố HCM, năm 2001, tập 2, trang 647.

3/Lịch sử Phật Giáo Việt Nam,(sđd), tập 2, trang 650

4/ Theo bản in trong sách “Vương Duy chân diện mục” của tác giả Vũ Thế Ngọc, do nhà xuất bản EastWest Institute Press, California, Hoa Kỳ, năm 1987, trang 172.

5/ Trích trong “Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng” của Tuệ Sỹ, Ca Dao xuất bản lần thứ nhất năm 1973, Sài Gòn, Việt Nam; Sông Thu, California, Hoa Kỳ tái bản năm 1991; trang 206.

6/ Trích trong “Tô Đông Pha” của Nguyễn Hiến Lê, lời Tựa, tác giả ghi “Sài Gòn, ngày 3-9-1969”, Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản không thấy ghi năm, trang 276.

7/ Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê,(sđd), trang 287.


Lương Thư Trung

Source : DA MAU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét