23/7/11

PHAN MỘNG HOÀN - THƯ VỀ HUẾ (Cho Tôn Nữ Như-Ngân )

PHAN MỘNG HOÀN



THƯ VỀ HUẾ

Cho Tôn Nữ Như-Ngân



Ngân ơi! Rứa là coi như mình lỗ vốn rồi, bởi vì trong thư gửi về Huế cho Ngân có lần nào mình quên ép vô đó biết mấy là nhớ thương! Và gần nửa năm nay mình đâu còn thong dong tháng ngày nữa để tỉ mỉ ngồi ghi chép những mẩu đời vụn vặt ở quê hương mới này. Đong cho vun rót cho đầy những trìu mến chắt lọc từ những sáng lạnh lùng hối hả đến College. Với những chiều mơ hồ trong sương mù lãng đãng quấn quýt theo bước chân âm thầm từ lớp bước ra. Thời gian từ dạo ấy đã kín bưng không cho mình tìm ra một khe hở để dòng thương nhớ tuôn trào về chốn quê hương dấu yêu...

Thư mùa hạ thứ nhất ở xứ người, mình đã kể cho Ngân chuyến du lịch về thủ đô người Việt tỵ nạn. Vì ai ở bên này mà không cho rằng Nam Cali là nơi quy tụ dân Việt Nam tha hương. Me con mình đã thực sự xoá mờ phần nào nỗi hằn học gây ra từ người chủ mới khó thương sau 75. Mấy me con đã sống hồn nhiên trong xứ thần tiên thơ trẻ. Nơi Disneyland ấy, đất trời mở ra thế giới cổ tích êm đềm. Những lâu đài cao ngất có nàng công chúa xinh tươi. Những phép mầu biến ảo. Những uốn lượn bồng bềnh. Đêm thăm thẳm và trời vút cao. Từ rừng sâu nghe âm vang tiếng trống, giọng khèn. Chênh vênh trên lưng ngựa, chàng dũng sĩ da đỏ, mắt u buồn trông ngóng về một vùng núi đá mờ khuất. Mình nhớ đã kể không sót một chút nào mấy ngày rong chơi thú vị ấy. Về buổi trưa đọng tiếng cười của bầy học trò Đồng Khánh, bọn mình hơn mươi đứa đã gặp gỡ nơi “Rendez-vous Huế”. Có đứa nào không say sưa dành nhau kể lể những nỗi đời da diết đã gặp phải từ lúc rời xa mái trường thân yêu. Những chuỗi cười dòn tan ấy đã khiến mình trở lui lại tuổi 16 thơ ngây...

Lại thêm một mùa đông giá lạnh, dù cơn gió Bắc từ San Francisco thổi về không còn làm mình khiếp sợ nữa. Mình đã mon men làm quen với hắn. Giữa tiết đông mà nắng trong veo rắc sáng đọt cây ở ngã tư đường. Mình thích dừng lại dưới tàng lá chanh vò cho nát mấy cái lá tươi để ngửi không biết chán mùi thơm của quê nội Phường Đúc. Nơi đó từng ngát hương cau hương bưởi, và thời khắc tính toán ơi sao mà lãng mạn “hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”. Mùa đông thứ nhất ấy, đi học ở trường dạy Anh ngữ gần nhà, mình vẫn thường tới lớp trễ chỉ vì cái tội ham để lòng trí lang thang mơ mộng.

Thiên nhiên rực rỡ quá đã làm mình mê mẩn quên cả trời đất. Có lần mình đã mất hồn sững sờ vì bắt gặp một vòm lá mùa thu còn sót lại. Vòm lá vàng nhạt viền hào quang sáng chói. Những trái nhỏ xanh non gắn lên những cành nâu mờ nhạt ngó vui mắt và dễ thương như trong một tấm thiệp Noel nào. Lá vàng kết thành một bức rèm châu long lanh cắt lên nền trời mùa đông xanh lơ một đường viền tinh xảo. Ngân không biết được đâu, lúc đó mình đã ước ao chết quách để được hoá thân làm sợi tơ trời mong manh khẽ bám lên bức rèm lá vàng mơ ấy; cho dù cơn gió lạnh từ núi xa kéo về cũng chỉ làm cho sợi tơ trời ấy lãng đãng quấn quýt hơn.

Đầu tháng hai, khi mùa xuân he hé mỉm cười với những nụ hồng phơn phơn sắc tím u uẩn, mình đã tập tễnh sống lại chuỗi đời sinh viên. Ở đâu loại người như mình lại không ưa tủi ưa hờn, cứ tưởng bị bỏ rơi, bởi quanh mình mọi người thân thuộc đều hối hả “đi cày” đi học. Mớ kiến thức của thời trẻ trung vun quén được ở quê nhà nhiều khi chỉ làm mình ngậm ngùi nuối tiếc. Kinh nghiệm của 10 năm vào đời làm một cô giáo trẻ và nhất là đoạn đời 15 năm chịu đựng trong lò luyện thép bất nhân của ai kia đã làm mình càng thêm thấy hụt hẩng khi trôi dạt tới xứ sở này.

Mình đã thử làm lại cuộc đời từ con số không. Mình đi học cho bỏ ghét khi chưa thể làm chi ngoài công việc lủi thủi vô ra nơi xó bếp. Dù có nhiều lúc tự an ủi, ví von một cách yêu đời rằng mình là một thứ nhạc trưởng tài hoa đang múa cây đũa thần giữa một giàn giao hưởng là nồi niêu soong chảo bóng loáng mà thịt thà, rau cỏ, trái cây ngập tràn trong tủ lạnh cũng chỉ làm tê cóng thêm nỗi buồn bị bỏ bê ở góc nhà mà thôi.

Và ở sân nhà ăn ngoài trời hôm ấy. Lần đầu tiên tới trường, mình đã nôn nao một cảm giác thơ trẻ, khi tự nhiên được trở lại làm cô sinh viên với nửa thế kỷ tuổi đời. Mình nhớ rõ đã viết về Huế một thư dài đến vô tận. Trong đó mình đã tỉ tê kể bao nhiêu ý tưởng vui lạ đã dồn dập kéo tới...Thế mà tức chưa, Ngân đã không nhận được, chỉ vì lá thư ấy do gửi người quen về thăm nhà, đã bị đánh cắp trên chuyến xe lửa Sàigòn-Huế. Số Ngân xui hay số mình đen đủi? Vì làm sao mình có thể moi óc nhớ lại những gì mình đã viết ra lúc xúc động!

Thư của Ngân vừa rồi nhắc nhở nhiều kỷ niệm thiệt dễ thương làm mình thấy nao nao, lại tưởng đến khúc phim quá khứ ấy “...mình nhớ từng góc sân cỏ, hoa tím bé xinh bị dẫm mỗi lần trống báo giờ chơi 15 phút, Tương Giang cứ xuýt xoa kêu van: ‘tụi bây tàn bạo quá! một bầy hoa nát bét dưới chân tụi bây tề, coi tau nì, tau đi tau tránh hắn...” và rứa là giờ chơi mô cả bầy Đồng Khánh cũng kéo đi vòng vòng trên các thảm cỏ trong trường...” Thư Ngân có đoạn kể “MH có biết tin tức chi về Đồng Khánh tổ chức 75 năm thành lập trường (1917-1992) không? Hôm đó các chị ĐK xưa từ Sàigòn-Hà Nội-Nha Trang...đều đổ về Huế! Ngân dù bận rộn việc nhà cũng có gắng góp phần trong “gợi giấc mơ xưa” với Hoàng Lan, Nhụ Hương, Sương, Đặng. Năm thế hệ mà lứa tụi mình thuộc thế hệ 54-60 ở Đồng Khánh và coi như “tra dứt” trong nhóm văn nghệ. Cả bầy còn hát “Tiếng sáo Thiên Thai’ với “Thương về xứ Huế” đó H! Có H chắc còn “quậy” hơn H hí!”...Đọc thư Ngân mà như thấy hiện ra cả trời Huế vào hè vì Ngân kể ‘phượng đã nhuộm đỏ vài nẻo đường trong Thành nội...’ Ngân còn kêu lên ‘Sáng ni trời nắng như thiêu đốt dù chỉ mới là đầu tháng 5!...”

Mình rất cảm động vì sự lo âu của bên nhà trước tin tức bạo động ở Los Angeles, động đất ở San Francisco. Ngân triết lý “Bạo động và động đất...động đất và bạo động...Thiên nhiên và con người cứ thay phiên nhau tạo ra bất an cho nhân loại. Coi TV mình thấy những đau thương đầy rẫy đó đây trên mặt địa cầu. Mong là VN đã vào hồi hòa bình, yên ổn xóm làng, thị thành không chao đảo trong bom đạn. Nhưng có cái kiếm sống răng mà tàn ác rứa? Tụi ăn cắp tài danh là tụi Fè, Fết và Fét thì sướng nhứt đời mới tức chớ, toàn những chuyện ‘thời lai đồ điếu thành công dị’ cả MH ơi!”

Có những lúc thời tiết ở đây trở chứng làm mình choáng ngợp một nỗi nhớ nhà. Như thử cái lúc Bắc Cali đổ mưa đó. Mưa chi mưa mãi mưa hoài. Suốt ngày không gian mịt mù mưa bay và gió thổi. Đi học, mình nhìn trước mặt núi xám một màu buồn ảm đạm. Xe băng đi giữa dòng xa lộ nghe rào rào vì bọt nước dưới lòng đường bắn lên. Mình ngồi sững nhìn thiên nhiên đổi màu ngoài cửa kính xe. Đứa con trai lao xe vùn vụt cho kịp giờ học. West Valley College mơ hồ hiện ra trong bụi mưa. Đàng sau lưng là vạt núi ủ dột. Ven đường những cây thông ướt át đứng trơ vơ. Khi quành tới ngã 3 quen thuộc để rẽ vào trường, mình vẫn thấy thảm cỏ lục biếc và hoa vàng thì rực rỡ hơn khi nào hết. West Valley College xinh đẹp hiện ra ở giữa một vùng đồi núi chập chùng.

Cỏ non mơn mởn viền quanh những con đường nhựa đen loang loáng nước mưa. Mặt đường tuôn chảy những dòng sông nhỏ của cơn mưa lạ lùng. Mình len theo lối đi nhỏ qua chiếc cầu xi măng có lối kiến trúc gập khúc cầu kỳ. Phía xa mình thấy dãy nhà gỗ màu nâu của khu vực các lớp khoa học. Mình thì rẽ xuống ngã kia nơi một cây cổ thụ nằm uốn éo gợi cảm. Thân cây sù sì mốc thếch, vươn dài cánh tay lực lưỡng vẽ thành một vòm cổng cao thâm u. Thoáng chốc mình tưởng lạc vào một quê hương hoang tưởng, chợt một màu xanh thẩm lóe lên vì cơn nắng trong veo đã tới tự trời cao. Mình nghe vang lên từ cuối hồn tiếng một con chim thả giọng ríu rít, nỗi xôn xao oà vỡ khi cơn mưa dứt và thinh không rộn ràng lời nắng.

Thư Ngân dạo trước đầu tháng 12 nhắc, “ Cái Văn khoa Huế hồi 62-77 của tụi mình văn vẻ như thế mà chừ là một dãy cư xá tập thể...heo ỉa ‘trên lầu cao ngất ngây’ xuống thấu lề đường Lê Lợi...” Mình lại xót xa thương cho Huế mỹ miều chừ bị lấm lem tội nghiệp. Ngó xứ người ta này, để mình lại kể cho Ngân nghe.

Mỗi lần đi học, cứ lúc nào vào tới thành phố Saratoga chừng dăm phút là đã đến ranh giới trường West Valley. Hai bên đường hoa vàng như mơ. Màu vàng ngã về xanh. Hoa vàng cợt đùa trong nắng sớm, rạt rào uốn lượn theo ngàn cỏ lau mềm oặt xanh rờn. Nắng trong vắt. Trời xanh và mây chùng chùng ánh bạc. Mình im lặng chìm đắm trong thiên nhiên đang bủa vây mình. Thung lũng đầy nhưng hoa dại. Những bông hoa tím nhỏ nhoi, dịu dành nép mình bên lối đi. Những cây khô trụi lá xương xẩu. Cành gầy guộc nhú lên nền trời xanh những nét chấm phá cong queo và khắc khổ. Đồi cao cỏ non mượt nhung. Những lối mòn nâu thẫm đổ dốc xuống khe sâu khô cạn, vì Cali hạn hán từ 6 năm qua. Hàng thông biếc xanh cao ngất chen chân bên những cổ thụ kềnh càng già e đến một, hai trăm năm tuổi...Rừng nguyên thủy lạc loài nơi cuối thế kỷ 20, mà tuổi trẻ đến trường miệt mài đèn sách, trong gang tấc có thể ru hồn mộng vào cõi tĩnh mịch êm đềm.

Khi lớp tan học, đêm Cali lạnh vô cùng, đám cỏ tím thẫm long lanh mấy hạt sương. Con đường nhỏ êm cong cong dẫn mình đi. Đêm có lúc lạnh xuống e 2 độ C, mình vừa đi vừa chạy cho bớt rét. Một mảnh trăng xanh mướt lạc loài giữa trời đen bao la. Mình không sao tìm thấy lung linh một ánh sao hôm vì hình như đêm giá lạnh đã xua tan tất cả và ngôi sao lẻ loi không dám nở trên cõi trời đêm âu sầu. Những ngọn đồi uốn lượn chập chùng trong mù sương đang dâng lên...



Chừ là cuối học kỳ Spring, ở đây mình viết thư cho Ngân tại thư viện trường. Chung quanh mình hằng trăm sinh viên đang cắm cúi ôn bài lần chót vì nội trong 1, 2 hôm nữa họ phải chấm dứt những giờ thi cuối mùa. Riêng mình đã hoàn tất những Unit tràn ứ bài vở, đã vượt qua êm thắm trong nỗi chộn rộn của thời đến lớp ngày xưa. Và thư viết về Huế cho Ngân vì thế mới ngổn ngang những mớ tình cảm của lúc yêu đời trở lại khi được sống đời sinh viên. Bởi vì cuộc đời nếu có đầy đau thương biến đổi, mình còn thấy có một ý nghĩa để tồn tại khi biết tìm đến nét tinh khôi sẵn chứa trong môi trường phải từng lúc phát hiện ra cái Chân-Thiện-Mỹ.



Ngân ơi, cho mình gửi lời thăm tất cả về Huế thân thương của mình



Phan Mộng Hoàn

Tại West Valley College tháng 5- 1992



.
Excerp from :
Hoàng hôn thôn Vỹ

Author : Phan Mộng Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét