PHAN MỘNG HOÀN
THƯ VỀ HUẾ
Gửi Cô Giáng-Châu
San Jose tháng 5- 1992
Sắp mùa Final
Cô Giáng Châu thương quý,
Em chợt quay quắt nhớ đến Huế của mình chỉ vì lá thư của cô.
Chiều hôm trước từ trường về em đang vui hớn hở, lòng phơi phới như đất trời mùa xuân ở đây - mây như trong hơn vì nắng vàng chói lọi, cỏ biếc hơn vì thiên nhiên như gấm dệt lộng lẫy những hoa đẹp đủ màu tươi xinh. Hơn nữa những bài vở của em đạt được bao nhiêu là điểm A. Thử hỏi tất cả những điều đó sao không khiến em yêu đời cho được. Xe băng đi trong dòng hối hả, vì lúc đó xa lộ ngập tràn, giờ tan sở mà! Em ngồi tỉ mỉ đếm dòng đường trôi đi không ngưng nghỉ. Những chiếc xe bóng lộn, kiêu kỳ màu trắng lấp lánh nắng chiều. Những xe Sport 2 cửa, trẻ trung. Những Truck kềnh càng. Em dòm kỹ chiếc Limousine dài ngoằn bay vút qua, cửa kính đen ngòm không cho mình soi thấu “hiện trường”của một “nội thất” di động. Thiên hạ nhiều tiền quá mà đời thì vắn vỏi nên họ cố tìm cách hưởng thụ cho hết. Lúc nào chạy xe trên Freeway người em cũng căng thẳng như sợi dây đàn, vì em tưởng chừng những xe đàng trước dâng lên và em sẽ lao vào chúng- bởi vì thưa cô, em không tự lái xe trên xa lộ. Qua đây hơn một năm rưỡi em vẫn chưa đậu được cái bằng lái. Cả nhà đổ vô cấm cản không cho em tự di chuyển. Họ quá rành rẽ về em, “tra” cái đầu nhưng khi nào cũng hăng tiết vịt như hồi còn trẻ dại 30 năm về trước.
Viết tới đây em giựt mình. Vì...làm sinh viên trở lại khi vừa bước vào nửa thế kỷ tuổi đời trên vai. Em bàng hoàng đọc thư cô. Xúc động vì những gợi nhớ của cô về quãng đời qua đi của em ở quê nhà. Em đã thưa với cô trong lá thư tìm lại thầy cũ, rằng quá khứ chỉ là một giấc mộng kê vàng, mà trong chớp mắt vinh nhục đời người thoáng qua tan biến. Có chăng chỉ còn lại một cánh bướm khẽ rung động trong ráng chiều hấp hối.
Ở trên trường West Valley, gần đây các cô cậu sinh viên rủ nhau ra các bãi cỏ mênh mông, quanh những lớp học, nằm ngồi phơi nắng trên ấy ngó bắt vui mắt. Em hay lén nhìn hai mái tóc vàng chụm lại rồi đỏ mặt khi biết rằng họ đang âu yếm nhau. Những nụ hôn tự nhiên như nắng, như gió, như mây trời, như cỏ thơm quanh đó. Tuổi trẻ ở đây hồn nhiên sống. Nhìn những người trẻ chạy nhảy, múa lượn trong buổi ăn Lunch ngoài trời, mà sân khấu lộ thiên rậm rật tiếng nhạc. Em bỗng xót xa nhớ tới bên nhà giờ này học sinh, sinh viên đang vất vả sống. Vì bao giờ dân mình lại không hiếu học- nên dù đói cơm, thiếu áo, hoàn cảnh chật vật khó khăn đến đâu cũng không chút sờn lòng. Thư thầy Phạm Kiêm Âu gửi cho em, kể là ở Huế, thầy sợ rằng ít lúc nữa số học sinh cấp 3 sẽ triệt tiêu. Lý do hiện tại con em nhân dân muốn vào cấp 1, cha mẹ phải kiếm cho ra trên 200 ngàn bạc nộp cho nhà trường. Trong lúc đó họ phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, vì có gập đôi xương sống vẫn không đào đâu ra chừng đó một lúc, số tiền quá lớn đối với họ. Huế vốn có truyền thống học, là quê hương nổi tiếng một nền văn học cao thế mà bây giờ dần tàn lụn vì một chế độ kỳ quái! Thôi, em không thèm nhắc chi tới Huế thời hậu 75. Vì viết có cạn trăm cây bút bic vẫn không hết chuyện đau thương về Huế của em.
Ngoài cửa kính sau vườn em thấy trên lầu gỗ lũ bồ câu trắng đủng đỉnh dạo, lười mổ thóc, lười bay lượn. Bầy chim sẻ to gấp đôi chim sẻ bên nhà. Mớ lông tơ trên chỏm đầu nhuộm đỏ như làm dáng, đang chí chóe cãi lộn và dành ăn. Bụi trúc lá xanh rung rinh vì làn gió bắc thổi về. Sáng nay nghe như trời trở lạnh. Thời tiết se se khi Tết về của Huế làm em mơ màng nhớ quá sức cô ơi.
Vì cô nhắc đến tấm ảnh kỷ niệm của ban giáo sư niên khoá 66-67 của Đồng Khánh, chừ được in lại lên tờ báo “Đồng khánh, Mái trường xưa” gửi từ Huế qua cho cô- trong đó có hình em ngồi trên cỏ ở hàng đầu. Cô đã làm em nao nức sống lại thời gian đó. Dạo ấy, em từ Đà Nẵng ra Huế để học cho xong chứng chỉ cuối của mảnh bằng Giáo khoa Việt Hán. Em lấy chồng 2 năm và theo chồng vào xứ Quảng nên không cách chi để học tiếp. Vì thế em phải bồng hai con nhỏ về Huế gửi bà ngoại chúng nuôi. Và từ đó em vừa làm sinh viên vừa làm cô giáo ở Đồng Khánh. Năm đó, cô là Hiệu trưởng cao vời xa cách em quá, bởi do em chứ đâu phải tự cô muốn cô hí.
Em tất bật làm con thoi dệt cửi: 8 đến 10 giờ sáng có giờ học ở Văn khoa, chứng chỉ Ngữ học Việt nam. 10 giờ kém 15 phải có mặt ở trường Đồng Khánh để dạy Quốc Văn Tứ B2 hoặc Tứ B3. Vì thế em trở thành một tay đua xe đạp có hạng từ lúc nào. Có bữa đạp bở hơi tai, áo ướt đẫm mồ hôi thế mà khi xuống xe vô cổng, em còn bị bác cai già làm khó dễ không cho vô trường. Bác cai còn lạ mặt em, bữa đó nhằm lúc em mặc áo màu xanh da trời nữa, nên bác cai trừng mắt, mặt lạnh lùng vì ‘học trò đi học đã trễ lại còn không chịu đồng phục nữa!’ May quá gặp lúc bà Giám học có việc đi đâu ra cổng. Em mừng muốn khóc, kêu “Cô ơi, họ không cho em vô cho kịp giờ tề!” Cô Doãn, vì bà Giám học chính là cô giáo dạy Lý Hoá năm em 2A1. Cô chúm chím cười vẫn uyển chuyển bước chớ không thèm vội vàng chi. Cô nói mấy lời về em, thế là em bết bát leo lên xe lại, rồi đạp như bay vô phía cột cờ ở dãy lớp tay mặt. Từ xa, em đã thấy một bầy áo trắng im lặng xếp hàng chờ em...Chết cha chưa! Cái kiểu bắt học sinh xếp hàng là để giáo sư lộ mặt bê bối, trễ nải trong tác phong dạy học, đã làm em vô cùng mắc cở hồi đó cô ơi! Em hất tay ra dấu, học sinh ngoan ngoãn vào lớp. Và em chỉ kịp ném xe cái ầm bên hàng hiên lớp để nhảy mấy bước, thở như bò rống lên thẳng bảng xanh cầm cục phấn trắng, hào hển giảng bài giảng mới!!!
Làm cô giáo ở ngay ngôi trường mình từng mài đũng quần nhiều khi em không biết đó là một hạnh phúc nữa kià. Phải đợi đến lúc em đi xa, bỏ trường hẳn không quay trở về Huế nữa, em mới ngẩn ngơ nuối tiếc vì đã thực sự đánh mất một quãng đời dễ thương nhất của mình.
Em làm sao quên được năm bị đúp lớp Nhị A. Gần như mỗi kỳ thi Tú tài bán thuở đó, lớp chỉ dính bảng vàng cỡ 5, 10 đứa và trọn hai kỳ tính giỏi lắm chưa đầy 1/3 lớp chuyển qua Quốc Học! Đó là trường công, học sinh đã được tuyển chọn, sàng lọc mà còn như thế. Năm 2A1 của em, Lý Hoá không do cô Nguyễn thị Như Huệ dạy nữa, vì có giáo sư mới từ Trưng Vương đổi về. Tụi em hồi hộp chờ cô giáo mới. Té ra sau thở phào, vì cô giáo này cũng dân Huế thân thuộc. Cô Doãn người cao e đến...2 thước, tụi em kháo nhau như thế. Thiệt tình là cô mảnh mai, đài các lắm. Tóc luôn vấn cao lên đỉnh đầu cứ như đệ nhất phu nhân. nhìn bề ngoài cô có vẻ “phong kiến” như rứa mà không phải rứa mô tề. Trái lại cô Lý Hoá đã làm tụi em mê tơi vì sự gần gũi học sinh của cô. Tụi em hay kêu cô là chị Doãn- đó là cái mốt của Đồng Khánh những năm 60. Các cô giáo trẻ măng, suýt soát hơn học sinh 5-7 tuổi chơ mấy, nên tụi học trò Đồng Khánh thích quen kêu họ bằng chị.
Ở Đồng Khánh thời điểm sôi nổi nhất là mùa thi Nhứt và Nhị Lục Cá Nguyệt. Nhà trường ban lệnh ác ôn, trong suốt tháng sắp thi học sinh không được nghỉ học bất cứ giờ nào. Muốn không bị trừ điểm thi những giờ nghỉ, phải có giấy bác sĩ chứng nhận. Vì luật lệ gắt gao đó nên tụi em phải ‘tranh thủ’ giờ ôn bài bằng cách ở lại trường buổi trưa, hoặc về trễ, để từng đôi một sẽ dò bài cho nhau. Còn nhớ năm ngồi 2A, em ở trong nhóm ngũ qủy, MH-Oanh Thôi-Bạch Tiết-Sơn-Bút. Có lần vào mùa thi Lục cá nguyệt, cả bầy ham chơi ngoài vườn hoa Khải Định bên bờ sông Hương đến trễ mất giờ vào học. Thế là tụi em phải trổ tài thần thông. Cùng với lũ xe đạp lỉnh kỉnh, học trò Đồng Khánh dịu dàng, khép nép của cô đã leo tường vượt bức thành cao 3 mét êm ái lọt vô trường an toàn!
Riêng em thì vẫn có biệt tài lang thang buổi trưa trong sân trường mà không phải giam mình mãi nơi lớp học chật chội, nóng nực, ồn ào. Đó là một bí mật mà em vẫn độc quyền giữ lấy không chịu chia chác cho ai. Em thường thủ sẵn một lô giấy nháp trong người, để lỡ đụng đầu một bà Giám thị nghiêm khắc, luôn luôn là kỷ luật thép, để xoay sở, biện bạch tại sao đã không chịu ở yên trong lớp. Bà Giám thị khẽ hất đầu ra ý hỏi lý do. Em lễ phép đứng lại, tay lôi tập giấy vừa vò viên vừa tái xanh mặt mày, ngụ ý: Thưa cô em đau bụng! Rứa là thoát nạn! Tất nhiên em phải khôn ngoan để lang thang một cách có ý tứ, tránh chạm trán hoài những vị cảnh sát nghiêm minh này. Vì vô lẽ trưa nào con bé ấy cũng lâm nạn Tào Tháo rượt?
Nếu ở lại buổi trưa, tụi em đã có quán cơm của bà cai Đệ, phía dưới préau lo. Trống tan trường chưa dứt hồi, căn phòng nhỏ đã nứt ra vì lũ học trò ồn ào chí chóe cười nói giỡn cợt nhau. Đâu có kiểu văn minh xếp hàng chờ tới phiên mình. Tụi em cứ xô đẩy, mạnh được yếu thua để tới trước mặt vợ bác Cai, chìa tô không ra cho bác gái múc đầy nước canh bún. Cay xè, đỏ thắm những lớp màu mỡ màng bồng bềnh trên mặt. Nước bún có rải rắc ít lát thịt bò gân nhai trẹo quai hàm, nhưng với lũ em hồi đó sao mà ngon thế không biết nữa. Em mua thêm 1 đồng cơm, bát cơm trắng dẻo thơm bốc hơi , chan nước lèo đầy ớt cay xé họng, thế là đủ sức nuôi ăn buổi trưa tuổi con gái mới lớn yêu đời vui học. Đứa nào cũng eo hẹp tài chánh nên chỉ dám ăn bữa trưa như vậy. Còn phải để dành mỗi đứa vài đồng bạc lẻ. Buổi chiều khoảng xế xế, học hai giờ đầu xong là cái bao tử bắt đầu réo gọi rất khó chịu. Cả bầy không hẹn mà “tái ngộ” ở nhà bác cai. Mỗi đứa chia nhau cái bánh bột lọc bắt kiểu quai vạc nhân tôm thịt, nhai một miếng, nước thịt ướp đậm đà ứa ra đầy mồm, ôi sao mà hạnh phúc. Phải nhớ cẩn thận chấm bánh vào chén nước mắm đầy những lát ớt xanh đỏ đã xắt mỏng, ăn như thế mới thập toàn khẩu vị. Nhắm xong giấc chiều, môi đứa nào cũng đỏ tươi như mấy cô ca sĩ hoá trang lên sân khấu. Nhiều lúc giờ ra chơi trễ nên ăn vội vàng mà không kịp tráng miệng chén chè nhỏ thơm đậu ván nước, hay đậu ván đặc hoặc ly chè bột lọc nhân dừa, nhân đậu phụng; là chắc chắn khi vào lớp cả một vùng bốc mùi mước mắm hôi rình! Cô giáo trên cao chỉ chúm chím cười thông cảm. Vì làm sao bắt tội lũ học trò, bởi trong thời quá khứ 75% các cô từng xuất thân từ hội con yêu bánh nậm ăn quà vặt như ranh kiểu chúng em, phải thế không thưa cô thương quý?
Cô ơi, cô nghe em nhắc nhở tuổi hồng của thời xỏa tóc mà có thương nhớ đám học trò cũ không cô? Do có nhiều kinh nghiệm của thời đi học, nên khi trở thành cô giáo em khá “rành 6 câu” về lũ tiểu yêu dưới trướng của em. Em không suồng sã dễ dãi với học trò đâu nhé, em chỉ chia xẻ cho học trò mình những điều gì nên và không nên làm, miễn sao điều ấy không phá hoại tư cách, đạo đức thực sự của con người. Dạo đó, em tiếc ghê cô ơi. Vì ham học ở Văn khoa để lấy cho xong cái chứng chỉ cuối mà em đã phân tán con người mình làm hai mảnh. Em đã không đủ thời gian để sinh hoạt tận tình với các em học sinh của mình, không cả những kỷ niệm nho nhỏ về quảng đời làm thầy người ta ở trường Đồng Khánh. Trừ một lần, vào dịp lễ Hai Bà Trưng, em được cô Giám học biểu lên đọc diễn từ. Hôm đó, em ngu ghê không biết mặc áo dài trắng như thông lệ. Vì hằng năm khi một giáo sư lên đọc diễn văn kể công ơn Hai Bà, ngày đó thường mặc áo trắng đơn sơ tỏ ra thầy trò đều nhỏ bé trong trắng như nhau trước anh linh các vị anh thư. Em đã cảm động và run như đuôi thằn lằn đứt khi được vinh hạnh đại diện cho toàn giới phụ nữ ở Huế ngày lễ lớn ấy.
Phòng Giám học đã xếp cho em dạy Quốc văn ở 3 lớp, 2 đệ tứ và một lớp đệ lục 6. Em rất biết ơn nhà trường đã khéo thu xếp giờ giấc cho em để không bị lấn cấn với việc học hành ở đại học. Dạo đó, các cô giáo Đồng Khánh tưng bừng trở lại làm sinh viên để học thêm mãi vì đại học Huế hầu như mở đầy đủ các lớp cho các bộ môn học.
Tinh thần hiếu học và trẻ trung của đời sống sinh viên đã làm em muốn hòa đồng nhịp sống ấy với lũ học trò của em. Em khuyến khích các em học sinh phát triển năng khiếu trong khả năng mình đang hướng dẫn. Trường ĐK năm đó sinh hoạt tưng bừng. Tết có tổ chức đóng trại trong trường với đủ các bộï môn văn hoá văn nghệ nô nức. Thầy trò các lớp em dạy văn, thức đêm làm báo lớp. Học sinh đua nhau sáng tác, viết văn, làm thơ vui ghê. Em ra sức sửa từng câu văn, nắn nót lại những vần thơ để khi in lên tờ báo phải chiếm giải. Anh Hà Thúc Hoan là giáo sư Trưởng ban báo chí toàn trường, đã khen thưởng cho cả hai lớp mình phụ trách. Tờ “Cỏ thơm” của Tứ 3 và “Bước đầu”của Tứ 2 đều in bằng máy quay ronéo. Thầy trò em sau đó dắt nhau đi chơi dịp nghỉ tết. Cô giáo trẻ là em kéo cả bầy Tứ 3 lên quê nội Phường Đúc cùng nhau tắm mát bến sông Hương sau nhà. Khúc sông mùa xuân năm ấy sóng nước rộn ràng reo vui như tiếng cười trong trẻo của chúng em. Với Tứ 2, em đưa các em nữ sinh vào thăm Đại nội. Hoàng thành lộng lẫy những lầu son gác tía. Khi dạo trên sân chầu mênh mông, cô giáo nhắc nhở cho học trò mình ngày xưa nơi đây vua tôi triều nhà Nguyễn từng trải qua bao thăng trầm, khi tổ quốc đang phải trăn trở đối phó với một nước Pháp giàu mạnh muốn xâm lấn chủ quyền. Nhớ lại ngày vui thuở ấy em bùi ngùi luyến tiếc. Cơ chi tiểu gia đình của mình lập nghiệp nơi chốn này, em sẽ có dịp “đem quách cả sở tồn làm sở dụng”, sẽ sống hết mình cho nghề “godautre” thương qúy mình đã chọn làm lý tưởng lúc vào đời. Nhớ lại những kỷ niệm dễ thương khi sinh hoạt với các em học sinh, em lại bâng khuâng buồn. Thời gian sao qua mau, em chưa làm được chi nhiều mà mộng ước “nghề nghiệp” thì lăm le quá đỗi! Từ giã Huế để vào Đà Nẵng thực sự làm “thầy”, là từ giã Đồng Khánh, ngôi trường dấu yêu của lúc mình thơ ngây sống hồn nhiên tuổi học trò, và cũng là ngôi trường cho mình tập sự làm cô giáo trẻ với trái tim sôi nổi nhưng trong thực tế còn lắm vụng về!
Cô còn nhớ không nhiều thế hệ ở trường mình đã thay đổi. Các nữ chủ nhân trẻ của trường Đồng Khánh thường vẫn là các cô giáo bước lên. Thời em học là chế độ của cô Tiết. Đầu năm Nhị A, mới được vài tháng cô bỏ không dạy Vạn vật lớp em vì cô bước lên ngôi nữ hoàng. Cô Hiệu trưởng nhỏ nhắn, mảnh mai lướt đi với mái đầu hất cao, tà áo khẽ lay động theo dáng người có vẻ cứng rắn như đức tính của cô. Bầy nữ sinh nép mình đứng im mỗi lần thoáng bóng cô từ xa. Nhưng đến thời kỳ của chị Tịnh Nhơn thì khác hẳn. Công chúa Nhật Bản của bao nhiêu trái tim học trò Đồng Khánh, dù khi làm Hiệu trưởng vẫn nhu mì hiền dịu như lúc dạy Quốc văn. Em không được học với chị Tịnh Nhơn vì mãi đầu năm đệ tam em mới vô ĐK. Nhưng em đã như lũ bạn mình, đứa nào cũng thương chị vô cùng. Em là tay Phóng viên nhiếp ảnh khối đệ tam- nhị, nên dịp nào sinh hoạt trường, em cũng xách cái máy ảnh Roleiflex tòn ten chạy đua với thầy Minh để săn hình, nên chi các giáo sư trong trường ai mà không nhớ mặt em. Những lần Đồng Khánh tổ chức cắm trại toàn trường ở đồi thông Thiên An, ở bãi biển Cửa Thuận...Ở đâu em cũng tha hồ bắt tội các cô giáo mình, em làm đạo diễn mà! Cô Tịnh Nhơn, cô Túy Đại, cô Mộng Hà, cô Như Nguyện, cô Tuyết Mai, cô Tảo, cô Tần...Cô giáo nào thì ra cũng nghịch phá ồn ào, cãi nhau chí chóe không khác chi bọn học trò ĐK cô ơi. Nhắc lại em muốn khóc...Vào năm 82 em đã cùng bạn Bùi Ấu Lăng cũng như hàng trăm nữ sinh Đồng Khánh khác đã để tang cô Tịnh Nhơn. Định mệnh rất vô lý khi ép uổng bắt cô giáo mà hầu như toàn thể học trò ĐK thương qúy nhất chịu đựng một đoạn đời cuối vô cùng đớn đau...Hôm tiễn chân chị Tịnh Nhơn về với lòng đất, gần như học trò Đồng Khánh sinh sống ở Sàigòn đã hội tụ về khóc đưa...cả một trời áo trắng!
Thói thường của học sinh lúc nào cũng coi trọng môn chính. Trước tiên là Toán, Lý hoá, Quốc Văn đến Sinh ngữ. Cuối cùng mới ngó tới Sử Địa, Công dân, Nữ công gia chánh, Dưỡng Nhi...Nhưng riêng em, em lại mê học Công dân. Không phải em muốn ủ ấp mộng Luật sư tranh cãi với đời hay để sau này làm một tay mồm loa mép dãi! Mà lý do vì em...thương thầm cô giáo phụ trách. Không ai biết điều ấy đâu bởi vì em đã giữ kín tận đáy tim mình. Cái tụi bạn em thương ai là lộ rõ ra nơi mặt liền, nhiều khi còn cường điệu cho đối tượng soi thấu! Giờ Công dân nào em cũng hiền lành ngồi im nghe giảng bài. Trên bục cao ngời ngời thần tượng của em. Mái tóc kiểu Jacky ôm kín khuôn mặt xương xương kiêu hảnh. Ánh mắt cô giáo vẫn đẹp lạ kỳ, em thương cả những vết sẹo nhỏ viền trên bờ mi của cô và ngơ ngẩn nhìn dáng cô bước đi; một chút gì trẻ trung nhí nhảnh nơi gót giày cao gót tung tăng ấy! Và vì có cảm tình đặc biệt môn Công dân, em đã thân luôn con bạn Huyền Tôn Nữ Mai Hương học bên Tam B, bởi hắn là em gái cô Công dân yêu dấu của em đó mà! Em nghe nói cô giáo Công dân hiện đang hoạt động cho nhóm Phượng Vỹ để trút nhớ thương trìu mến về Huế nghèo khổ. Thế là từ nhỏ em đã chọn đúng thần tượng cho mình.
Học Đồng Khánh có ai quên được những trò ma giáo xảy ra trong giờ Nữ công, gia chánh. Bà Bửu Tiếp xinh đẹp, giọng cao vút như tiếng chim, đường bệ ngồi tỉ mỉ chấm điểm. Mỗi lần có chừng 15 mẫu thêu sẽ lần lượt hoá phép ảo diệu bay lên lượn xuống cho 45 con yêu bánh nậm hoán chuyển. Ai trong bọn em cũng biết thêu thùa chứ nhưng thường là xấu, vụng về nên đứa nào cũng chỉ đem lên cho cô chấm điểm mẫu thêu tinh xảo của những tên bạn...sắp lấy chồng. Tụi hắn mà cầm đến kim chỉ là mê tơi luôn. Cho nên trong lớp chỉ có 2 loại điểm mà thôi! Tiết lộ bí mật xấu xa ấy cho vui thôi chứ thật ra nhờ những giờ Nữ công mà lũ chúng em vẫn coi thường đó. Về sau này khi ra đời, làm vợ làm mẹ, em đã có dịp trổ tài may vá. Khi rời trường Đồng Khánh, hồi lên làm sinh viên Văn khoa, có lần em đã tự phục mình lăn chiêng đổ đèn. Vì cô biết không, em đã can đảm mạng cả một đường dài vạt áo sau lưng, tà áo lụa óng ả của em đã bị vướng lúc qua cầu Trường Tiền đến gần như bị đứt lìa! Và mỗi lần mặc áo dài lụa ấy, em lại bồi hồi nhớ thuở học may vá với bà Bửu Tiếp, mẹ của cặp sinh đôi xinh tươi Mai Liên- Mai Tâm. Đáng kể nhất là đoạn đời “giải phóng” đổi đời mình đến chóng mặt. Vì từ sau tháng Tư 75, những kiểu vá góc, mạng tròn, mạng vuông đều được tận dụng tối đa, để giúp cho mình tiếp tục che dấu những thiếu thốn nghèo nàn mà chế độ mới đã cố tình gây nên.
Kể về Đồng Khánh thì nói hoài không hết những kỷ niệm buồn vui. Em tạm lướt để nhớ tới năm học đệ nhất, bước ngoặt gắt gao của tuổi học trò. Đó là giai đoạn phải làm thiếu nữ nết na dịu dàng. Bởi vì đâu còn được tung hoành phá phách như thờì ở Đồng Khánh nữa. Đậu Tú tài bán là bước qua Quốc Học rồi, là thực sự chấm dứt tuổi hồn nhiên nghịch ngợm. Má em sắm cho em loạt áo sống mới từ trong ra ngoài. Bởi bây giờ là học chung với người khác phái, em phải tỏ ra duyên dáng chớ không được lôi thôi lếch thếch ẩu tả như trước kia nữa. Từ lúc rụt rè đạp xe đạp thêm một đoạn ngắn để rẽ vào cổng trường sừng sững đề 2 chữ đáng nể: Quốc Học, em ít còn bị những cái đuôi theo sau. Hôm em và Tường Nhi xếp hàng đầu dẫn hai hàng lớp đệ nhất A1 tiến ra cột cờ chính giữa sân để làm lễ chào cờ đầu niên khoá vì lớp em là đệ Nhất lại là chữ A số 1, nên coi như đại diện toàn trường; cũng là lúc em tự giới thiệu mình cho mọi người ở Nước Con trai này. Và từ đó, một số kẻ từng làm đuôi hát bài “Em tan trường về anh theo Ngọ về...” đã cụt hứng không còn mất công rò rò theo sau em. Hình như một hôm đi học trễ, lúc chạy băng qua dãy hành lang khối lớp đệ tam, em “chộ” một số người vẫn hâm mộ mình. A, té ra tụi hắn là đàn em của mình! Cho đáng kiếp nhé!
Hai trường của em ngăn cách nhau chỉ bằng một con đường nhỏ chừng một gang tay nếu ngó từ lầu cao nơi lớp IA1 của em! Những giờ ra chơi bọn em kéo ra đứng nơi cửa sổ lớp để ngắm về trường xưa, nơi đó là hình ảnh dễ thương của mình. Đám con gái lao xao nói cười, từng cụm một xúm xít chuyện trò, những mái tóc đen mượt, những mắt sáng long lanh. Ôi Đồng Khánh dấu yên, hồn ta mãi mãi quấn quýt bên mi! Những cành phượng lá xanh mướt đong đưa những bông hoa đỏ chói nắng hè, rực rỡ xao xuyến một mùa thi, đã từng chứng kiến bao mối tình thơ ngây của học trò hai trường.
Cô ơi, thư em viết cho cô mà toàn kể lể những kỷ niệm thời đi học. Nhưng em tin là cô sẽ vui khi đọc những dòng nhớ thương này. Ở đây, mùa hè rực rỡ kéo về với cái nắng chói ngời. Sáng nay em được nghỉ không tới College nữa nên thơ thẩn ra cửa đứng chơi. Nhìn cây mận trước sân lá tím như mực viết học trò lấp lánh dưới làn nắng sớm. Màu lá tím của màu nhung nhớ, một chút gì đỏ sậm của loài hoa phượng vỹ ẩn trong sắc tím ấy xui cho em bâng khuâng tưởng đến một mùa thi ở quê nhà. Nghe gió rì rào trên mấy tầng lá khe khẽ ru êm. Nhìn nắng lộng lẫy rắc lên thiên nhiên tươi mát yên tĩnh, lòng em chợt lắng đọng một nỗi nhớ khôn nguôi về Huế, quê hương tuổi học trò lòng em mãi mãi ghi khắc. Hình ảnh Huế vào mùa thi, thành phố tươi tắn vì hoa phượng thắm đỏ. Dòng sông Hương mơ màng soi bóng sáu nhịp cầu Trường Tiền...Giờ đây tất cả Huế dù có lùi xa như dĩ vãng vẫn đời đời in đậm nơi lòng kẻ tha hương này.
Thôi em dừng cô nghe, hẹn thư tới em sẽ kể về chuyện Đồng Khánh của em...
Phan Mộng Hoàn
San Jose cuối mùa thi học kỳ Spring, tháng 5- 1992
-----------------------------------
SOURCE :
Hoàng hôn thôn Vỹ
Trang Phan Mộng Hoàn
art2all.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét