25/7/11
PHAN MỘNG HOÀN - NHỮNG DẶM ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
NHỮNG DẶM ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
Cuối tháng 5/ 94. Tôi đa mang quá đỗi. Hai cái vali lớn hết chỗ để nhốt kín những nhớ thương trìu mến. Bạn bè, chồng con ai cũng có một cái chi gửi gắm về bên nhà. Và cứ thế tôi quay về cố hương sau hơn 3 năm 6 tháng ở quê người.
Mồng 8 tháng 6/1994. Mưa từng giọt bay bay, tàu xình xịch trườn đi. Cỏ cây ướt đẫm, man mác. Màu xanh bỗng dịu xuống khi cơn mưa tới. Tôi thấy thương quá túp lều tranh đứng chơ vơ giữa cánh đồng đất đỏ, mái rạ xám màu nắng mưa. Mảnh ruộng non mơn mởn mỉm cười. Đất ướt mềm và mấy bông lau phất phơ trước gió. Không gian ngất ngây mây trắng và dải núi tím nhạt từ phía xa quét một nét mơ hồ trên nền trời buồn buồn.
Ga sông Pha - Đọc lên nghe âm hưởng một nốt nhạc thanh. Con tàu bương bả đã chậm dần khi tới sân ga nhỏ. Tôi nhìn ra khoảnh vườn con thấy bầy gà chíu chít dành ăn. Một cậu bé đứng tần ngần bên hiên cửa dòm theo con tàu đi. Đôi mắt đen láy hiền như buổi sớm và mùa hạ chợt dễ thương như thế khi mưa về. Tàu đi giữa khu rừng lá. Màu xanh khít rịt với những thân cây gầy đứng chen chân nhau. Vòm lá đan kín che sầm cả bầu trời đang gay gắt nắng. Từng lúc tôi mỗi rời xa, bỏ lại sau lưng chòm xóm yên phận. Mấy người đàn ông gân guốc tấm ngực trần, lơ đãng giữa ruộng xanh. Cảnh đời lam lũ chịu đựng nơi góc đời buồn hiu. Quê hương gầy guộc vì hằng trăm, hằng ngàn mẫu đất chưa được vỡ hoang.
Ga Mường Mán - Tôi tò mò theo dõi qua khung cửa sổ, dưới kia nơi sân lát đá nham nhở, khách đi tàu bu quanh một gánh cháo gà. Con gà luộc khô khan nằm chổng gọng trên mâm nhôm, thỉnh thoảng được lôi xuống rưới lên mặt lớp nước lèo vàng ngậy những mỡ. O bánh hàng lanh tay xé tơi những mớ thịt trắng bệch bạc rải lên mặt tô cháo đục lờ, không quên rắc thêm chút vụn hành ngò che chưa kín mấy lát thịt gà hiếm hoi... Tự dưng tôi hết thèm ăn dù bụng đang đói cồn cào. Thau nước váng mỡ, vuông thớt nhỏ tanh tao. Cả giang sơn nuôi sống một đời người thu gọn nơi gánh quà rong khiêm tốn. Còi tàu rúc một hồi dài mệt mỏi, tôi thở dài, buồn vô cớ từ giã sân ga quạnh hiu...
Khi tới ga Tháp Chàm tôi nghe vẳng tiếng loa phát thanh nhắc nhở khách phải hạ chấn song cửa sổ. Trẻ con ở ven đường sắt ưa ném đá thường gây tai nạn bể đầu sứt trán. Trong bóng hoàng hôn chập choạng dăm ngọn tháp sù sì khắc khổ nhô lên giữa trời chiều cô tịch.
Ga Nha Trang. Tàu đến đây lúc 9 giờ tối. Đèn điện thắp sáng choang hiện rõ cảnh bán buôn tấp nập. Một dãy cửa quán treo la liệt hàng tạp hóa nhập từ Trung Quốc. Tôi thấy mấy chàng du lịch Ba-lô tóc vàng mắt biếc đang khua tay mà cả. Ngất ngưởng sau lưng họ là túi hành trang cao xấp xỉ người họ. Những du khách trẻ trung từ các miền đất nước xa lạ càng lúc càng có khuynh hướng đổ xô về quê hương mình thời mở cửa. Với nền kinh tế trị trường, nhân dân nao nức kiếm ăn. Tôi chợt buồn hơn là vui, có một vẻ chi đó không ổn khó tả lắm.
Rồi tôi thiếp đi trong điệu ru êm ả của tiếng máy nổ đều đều. Nôi tàu lắc lư nhè nhẹ. Tôi mơ màng nhớ lại tuổi thơ nào xa ngun ngút thuở mẹ hiền hời hỡi đẩy đưa tôi giấc ngủ yên lành…
Mồng 9 tháng 6/94. Nhìn đồng hồ tôi thấy kim chỉ 3 giờ rưỡi. Trời còn nhá nhem giữa sáng và tối, đẩy ngày tới trong chuyếnh choáng bước tàu đi lặng lẽ. Ga Diêu Trì thoáng sạch. Vẵng trong đêm sâu tiếng cô hướng dẫn vang lên rành rọt. Âm hưởng làn hơi Hà Nội sau 75 khiến lòng tôi chùng lại chút cảm tình vưà ngùn ngụt dâng lên “Xin qúy khách khẩn trương lên tàu, vì trong chốc lát chuyến tàu Sàigon Thống Nhất sẽ chuyển bánh đến ga cuối cùng là ga Huế...” Khẩn trương-tranh thủ-bố trí là những trạng từ luôn luôn kêu réo con người hăm hở lao tới hòng dành dựt một vị trí để tồn tại.
5 giờ thiếu 15, tôi choàng tỉnh cơn ngủ ngầy ngật. Dạ dày chợt co thắt làm mình nôn nao khó chịu. Tôi nhai mẩu bánh mì để cố trấn an cái bao tử dễ ghét của mình. Vậy là tàu đã đi hơn 8 tiếng.
Từ xa cuối chân mây bầu trời lộng lẫy màu vàng cam. Mây lớp lớp sáng lòa, hớn hở đuổi theo dãy núi lam nhạt. Hàng cây ven quốc lộ chạy giật lùi, kéo chạy theo những trụ điện cao vênh váo, trên đỉnh có bầy chim trắng đứng chụm đầu ríu rít. Bầy chim ngửa cổ hót, và những sợi dây triền miên nối liền ánh điện xuyên suốt theo mình con tàu đi...
Ga Quảng Ngãi lúc 8 giờ sáng. Tôi lướt qua trên chiếc cầu đen thậm thượt dài. Dưới xa là bãi cát vàng mênh mông. Dăm chiếc thuyền nan gắn hững hờ trên sóng nước lăn tăn. Mấy đứa trẻ con mải mê ngụp lặn trong dòng nước xanh mát rười rượi, bên cạnh chúng có con trâu già. Người và thú hồn nhiên vui sống. Ơi dòng sông quê hương đã khiến tôi xao xuyến nỗi luyến thương tràn đầy.
Trưa đứng bóng, con tàu trôi chậm và dừng hẳn ở ga Đà Nẵng. Nỗi xúc động oà vỡ trong tôi, khi trước mắt là mươi cậu học trò bé bỏng ngày xưa, chừ vụt hoá thành người lớn. Họ đến ga đón cô giáo trẻ là tôi nay đã luống tuổi chợt quay về thăm thành phố cảng. Có lâu lắc chi, mới hơn 19 năm về trước đó là những chú bé nghịch tinh từng chọc ghẹo mình khi tôi vừa bắt đầu học đòi nghề làm thầy. Hết sức vụng dại là tôi. Ngỡ ngàng bên bảng xanh, rụt rè và nắn nót ghi lên dòng phấn trắng “Giao lại tuổi thơ” cho học trò lớp đệ ngũ “Em 15 tuổi, em tuổi 20 đừng để mất một cái gì mà không hưởng...” Một tuần lễ ở Đà Nẵng là thời gian ngắn ngủi và đầy ắp những thăm hỏi trìu mến. Cái nắng nung nấu thịt da của xứ Quảng đã làm con người tôi tưởng chừng bị đốt cháy.
12 tháng 6. Những đốm phượng hồng rung rinh đưa tôi lên thăm Cổ viện Chàm. Nét cổ tích đọng lại nơi tượng đá vô tri. Dáng vũ nữ uốn mềm cánh tay trần ủ ấp và môi cười lặng lẽ. Trưa hạ trắng, tôi âm thầm len lỏi giữa u uất triều đại nào hoang phế. Ngày ấy xe ngựa rộn rịp nay chỉ là vết mòn của tháng năm, ghi dấu ấn mơ hồ lên mặt đá đen xám u buồn. Tôi thấy vui khi bỗng nghe tiếng một con chim hót lảnh lót bên ngoài khuôn cửa sổ, âm thanh sáng loá, ngời theo đợt nắng long lanh đang kéo về.
Sắp từ giã Đà Nẵng. Buổi sớm rực lên vẻ sinh động của một thành phố chuyển mình. Xe cộ, người ngợm chỗ nào cũng đông đúc ồn ào. Tôi chóng mặt trước tất cả và chợt giận dỗi như thử lúc gặp lại Sàigòn sau đúng 3 năm rưỡi xa cách. Thủ đô nước VNCH thanh lịch với những kiến trúc hài hòa của nền văn hóa Tây phương. Vẫn còn đó những nẻo đường tráng nhựa đen bóng êm ả đổ về ngã Nhà thờ Đức Bà. Tượng Đức Mẹ trắng toát như mỉm cười âu yếm với thế nhân phần lớn vẫn còn khó nhọc lo kiếm miếng ăn từng ngày. Tôi không thích nói tới cái lối giàu có nhanh như một cú sút Mundial 94 của một cầu thủ mang số 10 nào đó vào khung thành địch. Sàigòn lối ấy tôi không ham. Bởi nó đã cố tình góp nét xấu xí cho thành phố tôi hằng yêu mến của năm 20 tuổi làm quen với hòn Ngọc Viễn Đông và gần đây với 11 năm ròng rã làm Mẹ Mốc chống chọi những con người thiếu trái tim. Sàigòn hỗn độn quá quắt. Thành phố bị phanh thây xẻ thịt. Khi để đối phó với nạn tăng tốc khủng khiếp về dân số, đã phải phóng đường (cào bỏ bớt nhà để tăng thêm đường mới), đã mở thêm hằng trăm con lộ rối rắm để may ra tạo huyết mạch cho người dân Sàigòn luân lưu. Có một lúc tôi đã điên cuồng muốn làm một Néron bạo tàn. Để giải thoát cơn cùng cực ấy cho Sàigòn, phải cần đến một mồi lửa thần tốc, đốt sạch tất cả và làm lại từ đầu!
Đà Nẵng nhu mì hơn, nhưng cũng trên đà hỗn loạn với nạn người xe ít lúc ngơi. Rất nhiều nhà cao tầng dồn dập mọc lên làm cho thành phố biến dạng. Đặc biệt của quê hương hôm nay là nét thanh nhàn cố ý bày ra nơi những khuôn mặt tuổi trẻ đăm chiêu. Từ 6 giờ sáng đến giữa trưa, họ đã tư lự trước tách cà phê đen đặc như nỗi buồn khó khuây giải. Ở đâu tôi cũng ngột ngạt và khó thở hít phải không khí quyện kín mùi Nicotin.
Khói thuốc, khói xe, rác rưởi bừa bãi... rồi người ngợm xe pháo quay cuồng. Hết thảy đã làm tôi ngậm ngùi xót xa thương khi nào hết đất nước mình!
15/6/94. Khi chiếc “xe con” bò thấu đỉnh đèo tôi đã muốn khóc vì thiên nhiên xinh đẹp dàn trải mênh mông trước mắt mình. Hải Vân quan cao ngất tưởng chạm tới trời xanh. Tôi mon men tìm lên thăm cổng thành xây bằng gạch đỏ, giờ đen sạm vì năm tháng. Gió tha hồ rủ mây bay về qua khoảng trống không đong đầy một màu xanh trong trẻo. Chênh vênh trên những gộp đá, tôi đắm nhìn vào cõi vô cùng. Thương hết sức những bông hoa xám nhạt ẩn hiện bên khe sâu. Xa xa dòng suối héo hắt bám trên vách đá dựng đứng. Những vệt dài mốc thếch vì nắng hạn vẽ chân rít lên mình đá u sầu. Đèo cao. Lũng sâu. Dưới kia là vết đường sắt vẫn chuyên chở những chuyến tàu xuyên Việt thanh bình đang lấp lánh dưới ánh nắng ban trưa rồi chìm khuất giữa cỏ cây một màu xanh mướt. Sóng nước từ xa khơi tung bọt trắng xóa dước cơn nắng gắt. Biển trời hội tụ quanh tôi và vây phủ bằng một màu xanh ngất ngây.
Khi xe quành xuống chỗ “cùi chỏ” gắt gao, nơi ngày xưa mỗi lần qua đó tôi thường lẩm nhẩm với linh hồn bạn Kim Trâm, người bạn học thân thiết cùng lớp những năm ở ĐK-QH. Bạn tôi đã bỏ mình cùng với chồng, một giáo sư trẻ đại học Huế, thuở Huế chạy loạn mùa hè Đỏ lửa 72. Ảo tưởng nào vẽ nên dáng dấp ẻo lả của người thiếu phụ xinh đẹp đã chết oan khuất nên hằng nuối tiếc cõi tục lụy.
Bây giờ xe đổ đèo ở khúc quành đẹp nhất. Bãi cát vàng óng ánh dưới kia, tháp chuông Nhà thờ Lăng Cô đen thẫm và vươn cao thanh thoát nổi bật giữa một xóm chài hiền hoà. Rải rác vài chiếc ghe thả lưới ngoài khơi. Mảnh lưới hình như lấp lánh vì những con cá vẩy bạc đang oằn oại quẫy mình... Xe tiếp tục băng mình về Huế giữa buổi xế trưa chang chang nắng và ngọn gió Lào thổi rát mặt. Lúc ngang qua khu vườn xanh um bóng dừa, xe tạm dừng bánh cho tôi có dịp thưởng thức hương vị ngọt thanh của ly nước dừa tươi. Hai cô chủ quán trẻ, tóc uốn cao đỉnh đầu. gọn nhẹ trong bộ váy áo hoa giản dị tôi không thấy họ chướng mắt chút nào mặc dù tự thâm tâm tôi thầm tiếc rẻ hình ảnh những cô thiếu nữ ngày ấy mái tóc đen mun xỏa mềm xuống bờ vai áo lụa tròn trĩnh. Theo cơn lốc thời gian, những cô gái nhỏ dịu dàng cũng biến hình trẻ trung với thời đại.
Ôi chao! nắng không trong veo như xưa mà trắng đục một màu xám buồn. Hôm nay bụi đường đã nhuộm nắng khác đi cho Huế nét chi ủ dột. Hình như ở đâu tôi cũng gặp những con người hốc hác đầy vẻ chịu đựng ngó buồn quá sức. Nhất là lúc xe đi hết con đường gập ghềnh đầy những sỏi đá lỗ chỗ từ dốc cầu An Cựu. Lòng đã quặn thắt khi thấy trước mắt mình ngổn ngang từng đống gạch vữa cao có ngọn nơi lối lên cầu Trường Tiền. Và từ thân cầu mới nhìn chếch về hướng Đập Đá tôi xót xa thấy thương vô cùng 6 vài cầu trắng bạc. Thuở mình xỏa tóc đó là chiếc nhẫn quý sáng lấp lánh khi ngày tới nắng lên. Cây cầu xinh đẹp nằm vắt ngang dòng sông Hương xanh trong mỹ miều... Hình ảnh thơ mộng ấy nay biến mất chỉ trơ lại mấy nhịp cầu đỏ quạch xám xịt với bộ xương sắt đâm chỉa trên nền trời đùng đục đến thảm hại.
Duy mỗi con đường Lê Lợi chìm trong bóng cây xanh phần nào dịu xuống nỗi hằn học khi mình mới đến Huế. Lúc đưa mắt lùng kiếm Văn khoa, tôi đã thất vọng não nề. Dãy lầu Morin thanh lịch ấy chừ là cư xá tập thể. Tường vôi loang lổ mốc thếch, những sợi dây kẽm phơi phóng hàng tá áo quần tơi tả... Cả một khối nhớp nhúa và rầu rĩ như muốn thách thức với nét thanh nhã kiều mị chốn đế đô! Tim tôi đã nhói buốt khi nhìn trên cao, nơi hành lang hẹp ngày xưa tôi thường ra đó mơ mộng... Gió từ Hương Giang tạt về vuốt ve làn tóc mềm thuở ấy, chừ có chăng chỉ một khung cửa hẹp đen đủi xô lệch mà thôi!
Đang là mùa hạ nên không còn thấy hàng soan ven lối đi dẫn lên trường Đồng Khánh nở những chùm hoa tim tím dễ thương. Nhưng nếu có nhằm mùa mưa chắc chắn tôi sẽ không bao giờ còn gặp nữa con đường xưa của kỷ niệm, với hoa soan tím ngát. Bởi qua bao mùa mưa bão tàn khốc, thiên nhiên hung ác đã làm gãy gục hàng cây của tuổi hồng thiếu nữ mất rồi!
Đêm đầu tiên ở Huế sau những năm dài xa cách tôi đã xúc động. Quanh tôi dâng lên lời dế nỉ non. Bóng tối huyền hoặc dấu kín nỗi thê lương trong xó vườn mà cỏ cây và tiếng côn trùng ôm choàng lấy nhau khắng khít.
Đêm yên tĩnh nên tôi dễ dàng nghe rõ âm thanh của đất mẹ. Ngoài sân lâu lâu vẳng lên tiếng chó sủa rời rạc và gió thì xào xạc dưới kia hồ sen, nghe như có tiếng thở dài giữa những tàng lá tỏa rộng. Tôi mường tượng những nụ hồng đang chúm chím mỉm cười. Hương sen thoang thoảng đâu đây. Tôi hít thật sâu vào lồng ngực mùi thơm thanh khiết ấy. Hồi xế trưa những đoá sen hồng duyên dáng nghiêng đầu chào tôi, người khách du từ xa thật xa đến nửa vòng quả địa cầu trở về đây để thăm chốn cũ.
Tôi chao đảo hồn trí không phải vì say bụi nắng dặm dài mà vì màu xanh lục biếc của vòm cỏ cây quanh quất đã làm tôi choáng ngợp. Dưới bờ hồ đất lở sụt xuống, màu nâu nhạt sẽ đậm hơn vì luỹ tre rậm bóng mát viền quanh khu vườn. Thân tre mềm oặt cao vút đong đưa những tàng lá xanh. Ngàn lá tre thuôn dài xênh xếch như mắt thiếu nữ Trung Hoa đang chúi xuống dịu dàng làm duyên. Tôi đã dạo một vòng để thăm hỏi tất cả. Mấy cây ổi lớn vụt lên cành trĩu nặng những trái tròn xinh căng mọng hứa hẹn âm thanh dòn tan khi cắn tới. Tôi đi cứ chực vấp ngã. Hai con Mực, Vá cứ quấn quýt theo chân mình mãi. Gần 4 năm rồi mà chúng còn quyến luyến người thân vừa đi xa về. Cây sabôchê đầy những trái có màu càphê nhạt lồng cẩn thận trong túi nylông. Gần bên là mấy gốc vú sữa lá dày đậm nhạt khác nhau. Hàng rào chè tàu được cắt xén vuông vức ngăn cách với nhà láng giềng mà những dây tơ hồng vương vít hoài trên ấy không chịu rời xa. Vài luống đất nhấp nhô bụi sả thơm lừng, đám rau lang bò rạp mình gần đó... Hết thảy đều xanh mởn mơ dù nắng hạ càng lúc càng như thiêu đốt xứ Huế nhỏ bé nghèo nàn này!
18 tháng 6. Tôi mệt nhoài sau mấy ngày liền tham lam công tác. Bạn bè ở thiệt xa bên ấy, giao phó cho tôi thay họ đem chút tình mật ngọt đến những người thương yêu bên nhà. Đứa cháu gái mảnh mai chở tôi bằng chiếc Honda đi khắp nơi. Ở đâu tôi cũng trân trọng lắng nghe những nhắn nhủ trìu mến đáp lễ người thân bên ấy. Tôi không ngăn nổi sự xúc động trước những giọt nước mắt ứa ra khi nhận được món quà gói trọn tình cảm ấy. Đến hôm nay vẫn còn quá nhiều ruột thịt của chúng tôi nhọc nhằn với nếp đời an phận. Mấy mẹ con T.C sống hẩm hút trong khu vườn trồng đầy cây ăn trái nhưng có lẽ thu hoạch không bao lăm. Ngày xưa những cô Tôn Nữ xinh tươi ấy khi đại gia đình còn sum họp đã khúc khích cười sau đám cây lá xanh ngần chắc là vui biết mấy... đâu có ngờ ngày mai đời họ tan tác... Nhìn vẻ khắc khổ in hằn lên những nếp nhăn ở cuối mắt và khóe môi mình như xót xa hơn hoàn cảnh của T.C. May mắn bạn tôi vẫn tồn tại nhờ tình thương đều đặn đổ về từ người chị dâu ở mãi bên trời Texas. KT đã tiện tặn tiêu pha, đã vui vẻ “cày” thêm ngày cuối tuần. Bạn KT của tôi quyết chí nuôi bầy cháu ăn học tới cùng. Cô muốn thay thế người cha lũ trẻ tưởng chừng như đã biến mất trên cõi đời này.
Ngồi trên nền nhà lát ximăng mát rượi chúng tôi tâm sự mãi. Thêm ngụm nước chè tươi trong như hổ phách với hương vị gừng cay cay đã tức khắc hạ cơn khát cứ mỗi lúc một tăng cường độ. Tôi không muốn buông rời tay bạn. Bàn tay nổi gân vì lao nhọc. Giã từ ngôi nhà thô thiển chìm khuất trong rẻo vườn đầy màu xanh tôi đã tự ghét mình. Hồi nãy tôi đã luôn miệng kêu rên nóng nực. Mới non 4 năm ở xứ người chưa chi tôi đã kệch cỡm hoá nên giống kẻ xa lạ nơi chính quê hương mình!
Nắng táp, gió Nồm và đời sống im lìm tủi nhục sau hàng cây xanh ngắt... Khoảnh đời khép kín ấy khiến cho trái tim tôi chìm xuống một nỗi rầu rĩ khôn nguôi.
19 tháng 6. Miệt vườn ngã lên Kim Long… tôi một phen bị xóc dữ dội trên yên sau chiếc xe gắn máy. Hôm nay đưá cháu trai kêu tôi bằng cô thay phiên đèo mình tiếp tục nhiệm vụ. Hắn chạy xe thiệt vững. Hai bánh xe chồm lên hung hăng vượt quãng đường đầy đất đá nhọn hoắt. Cuối cùng cũng tới nơi. Nhà người bà con sui gia ở tận ngóc ngách nơi mảnh đất nên thơ. Ông lão mới ngoài 60 mà đã móm xọm vì hết răng. Rè rè giọng nói cho chiếc máy ghi âm nhỏ xíu của tôi uống những lời tâm sự. Ông già tỉ tê kể chuyện với người em trai đang lập nghiệp ở San Diego. Dù tuổi đã về hưu nhưng ông vẫn ham chạy xe thồ. Hàng ngày phải cúi khom tấm thân gầy gò mải miết đạp chiếc xe cọc cạch từ Văn Thánh xuống chợ Đông Ba để may ra kiếm tiền nuôi mấy đứa cháu nội. Bởi cha chúng đang mắc chứng sạn thận không thể lao động nặng. Từ nửa năm nay anh bị nghỉ việc. Vì thế gánh gia đình đành trút xuống vai người cha già tôi nghiệp. Tôi lơ đãng ngồi nghe mẫu độc thoại da diết vừa đưa mắt ngắm mấy giò phong lan treo lủng lẳng nơi giàn mướp. Những cánh hoa trắng ngần cụp lại, khô héo vì thời tiết hạn hán. May thay vẫn còn những cành lá xanh xao rũ xuống yểu điệu...
Tôi nhìn ông lão xúng xính trong bộ pyjama kẻ sọc còn nguyên lằn xếp phẳng phiu. Chắc hẳn ông diện hắn chiều nay để đón khách phương xa sẽ đem niềm vui tới cho gia đình. Sau đó cả nhà lăng xăng quay ra xếp hàng chụp một lô bóng kỷ niệm cho tôi mang về bên ấy. Một giây phút chạnh lòng khi cô dâu trẻ níu lấy tôi nhờ nhắn nhủ với ông chú xin thương các cháu. Đó là những cháu ngoan bác Hồ học hành xuất sắc vượt chúng. Đáng lẽ chúng được lãnh phần học bổng từ trên ban xuống. Nhưng vì lý lịch lỡ có ông chú ở đế quốc Mỹ nên đành vuột mất.
Chiều xuống dần. Vài tia nắng èo uột rọi lên gộp đá gập ghềnh của hòn non bộ xinh xắn. Những cây tùng nhỏ xíu. Ông Lã Vọng ngồi trầm tư câu cá. Đàn cá đủ màu rực rỡ bơi lội tung tăng dưới làn nước trong leo lẻo của chiếc bể cạn bề thế. Tôi vui thú ngắm nhìn có khi quên mất cảnh đời buồn khổ trước mắt.
Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau trong nỗi ngậm ngùi. Mươi hôm nữa tôi lại quay về với đời sống tiện nghi nơi một xứ sở thặng dư nhiều thứ. Rồi sẽ dần quên đi đời sống xác xơ nơi tít sâu miệt vườn Kim Long này.
20 tháng 6. Thêm một buổi quay trở lên gần ngả về Linh Mụ. Tôi còn phải giao cho xong món quà khá đậm đà của hội Thương Huế ở Bắc Cali và của mấy người bạn đàn chị gửi về cứu giúp một bệnh xá từ thiện. Cổng tu viện mở rộng ân cần đón tôi như từng đón hằng trăm bệnh nhân nghèo khổ từ các làng xã xa xôi hẻo lánh kéo về. Tôi ôm chầm lấy bạn, hai đứa reo hò ầm ĩ vui như lúc còn làm học trò trường Mai Khôi. Chừ bạn tôi là nữ tu bác sĩ đang trông coi cơ sở bác ái này. Mỗi tuần vào những ngày ba, năm, bảy các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sẽ chẩn bệnh, phát thuốc hoàn toàn miễn phí. Bạn tôi đã kêu gọi được vài vị bác sĩ trẻ tuổi mới ra trường tới phụ giúp. Họ là những thiên thần bằng xương bằng thịt đã ra sức chữa lành những con bệnh khốn khổ. Gần đây họ mới được phép hành nghề và đã âm thầm làm việc. Tất cả phương tiện thuốc men chỉ biết trông cậy vào Đấng Nhân Lành sẽ dẫn dắt những kẻ đầy lòng nhân ái đến với họ mà thôí.
Chúng tôi rủ nhau chụp chung một tấm hình ghi lại sinh hoạt có thực của viện tình thương. Có như thế lần sau “Cái bang tôi” mới mong xin thêm tiền cho cô bạn ma soeur tiếp tục làm việc thiện. Hai đứa tạm từ giã nhau, vì tôi còn hẹn trở lui ăn một bữa cơm thân mật mừng lễ bổn mạng soeur bề trên. Đó là soeur Cephas, cô giáo Pháp văn dạy mình năm học đệ tứ. Ngoài 60 tuổi người nữ tu ấy vẫn còn trẻ măng như ngày nào. Tôi bỗng cảm nhận hạnh phúc rằng tôi còn bé bỏng như lúc 15 tuổi làm học trò một trường tư thục Công giáo ở vùng Gia Hội.
21 tháng 6. Về đến Huế non tuần lễ mà tôi chưa thèm ghé thăm ngôi trường màu hồng của mình. Nhưng lần nào đi ngang qua đó tôi cũng mỏi cổ vì cứ ham ngoái đầu nhìn lui mãi hàng phượng tươi cười nở hoa đỏ thắm. Những lớp học thân yêu ngày xưa giờ im lìm. Cành phượng mềm mại lá xanh mướt sà xuống trước những khung cửa lớp của dãy lầu hai. Bây giờ mặt tiền của lầu đã bị sửa đổi. Với tôi thiệt là khó thương. Tôi bực tức không muốn nhìn tới hắn. Từ lâu tôi đã biết trước qua loạt hình bạn bè gửi về bên nầy. Nỗi giận hờn chỉ chực dâng lên như thử mình vừa bị tước đoạt một cái gì qúy báu nhất. Tên trường đổi thay đã làm tôi nhức nhối khó chịu, héo hon chút tình cảm vẫn dạt dào trong tim. Tôi ghét lây luôn danh tánh hai vị nữ anh hùng dân tộc một cách phi lý. Chỉ vì họ đã trám lên danh hiệu Đồng Khánh dấu yêu của tôi.
Buổi tối ở Huế tôi không đi đâu, thường ngồi nhà tiếp truyện mấy người bạn trẻ. Những chàng trai Huế hiền lành ít át. Cứ kêu tôi kể hoài về bạn gái họ chừ đang sống cách xa vời vợi. Khi nghe tôi trở về quê hương, các cô bạn nhỏ bên ấy đã gửi bao nhiêu là quà và những lá thư dày cộm gói ghém cả trời thương nhớ! Tôi lẩn thẩn nói gì đâu những nét sinh hoạt thường ngày của đời sống sinh viên xứ người. Thế mà, lạ chưa người nghe cứ bắt tôi nói mãi, kể tỉ mỉ những lúc đổi giờ học, chúng tôi phải chạy đua với cây kim đồng hồ để bắt kịp giáo sư cũng tất bật không kém chi mình... Giờ ăn chiều phải cố mà nuốt cho trôi lũ Hamburger chán ngấy để còn đủ sức vào lớp tối nữa. Đời sống sinh viên không dám mơ mộng. Bạn họ phải luôn tỉnh táo. Di chuyển ào ào. 8 giờ cày xong ở hãng là bết bát lao xe tới trường ngốn thêm có khi 8 tiếng đồng hồ. Con người lúc nào cũng căng thẳng như sợi dây đàn.
Rồi tôi chăm chú lắng nghe tâm tình của kẻ ở lại. Thì ra ở đâu thế hệ trẻ cũng phải nỗ lực học hành và làm việc kiếm sống. Để may ra dành lấy một tương lai sáng sủa cho bản thân. Ước mong đất nước hồi sinh cho những người trẻ thân thiết phải xa lìa nhau sớm có ngày hội ngộ.
Trưa 21 tháng 6. Chiều nay tôi tạm từ giã Huế tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc. Tôi sẽ thăm Hà Nội mà nhóm Tự Lực Văn đoàn hằng ca ngợi. Tôi lo không biết mình có đủ can đảm để nhìn thấy một dãy phố phường hoang tàn là di tích của rộn rịp mùa xưa. Tôi có tìm ra dáng dấp u nhã của cây cầu Thê Húc cong cong dẫn lên đền Ngọc Sơn? Hồn thiêng đất nước có còn vẳng trên sóng nước Hồ Gươm. Hàng liễu còn êm đềm rũ bóng và Văn Miếu vẫn uy nghi với bia đá ghi khắc danh tiến sĩ?
Mà thôi, hãy cứ ra đi thử tìm lại niềm tin yêu từ lâu đã rạn nứt. Tôi chỉ gượng vui khi sống lại phần nào kỷ niệm ngày cũ. Huế của tôi chừ bốc lửa vì nắng hạ trắng, cỏ cây vẫn tươi xanh nhưng hồn xưa đã héo gầy. Buổi sớm tinh sương sân nhà vướng bóng một ông lão mình hạc xác ve. Mình ông đăm chiêu kiếm sống. Nhìn vai áo bạc màu của người ăn xin già cỗi, tôi đã ứa nước mắt khóc thương kiếp người cô đơn đến cùng cực trong tuổi chiều bóng xế...
Cuối tháng 6/94. Chưa đầy tuần lễ ở Hà Nội mà sao tôi thấy mình đã phí phạm thời gian đến thế. Rồi tôi vội vã quay trở lại Huế bằng chuyến tàu nhanh. Giã từ thủ đô của một nước Việt Nam Mới mãi mãi xa lạ với mình. Mặc dù trái tim chai cứng và trí óc thiển cận còn đủ sáng suốt ghi nhận một điều: đây là thành phố đẹp nhất nước! Với màu xanh tràn lan khắp nơi. Và mênh mông những mặt hồ lặng sóng. Dáng liễu mềm thướt tha đứng xỏa tóc soi bóng ven hồ lối vào chùa Trấn Quốc... Nhưng sao tôi thấy dửng dưng trước tất cả những kiến trúc cổ kính của Thăng Long một thời vang bóng ấy. Tim thì nhức nhối vì hình ảnh Chùa Một Cột phải nép mình tội nghiệp nơi một góc Ba Đình đồ sộ. Mộ bia nào của kẻ chết từ lâu sao cứ tồn tại trêu ngươi!?
Tôi rời bỏ Hà Nội không chút nuối tiếc. Chỉ thấy bàng hoàng nhớ lại nếp sống quay cuồng của giới trẻ. Họ ăn nói văng mạnh và mê mải kiếm đô la càng nhiều càng tốt. Quanh thủ đô chưa tới mươi cây số, hàng ngàn cao ốc ngất ngưởng mọc lên san sát. Kiểu cọ thiệt “hiện đại” nhiều lúc ngó bắt chướng mắt. Tôi có cảm tưởng thiên hạ đang hốt hoảng ra sức níu kéo lại khoảng thời gian gần 30 năm bị đánh cắp!
Tôi thở phào sung sướng khi tàu dừng lại thả mình xuống sân ga thoáng và sạch. Huế đây rồi, tôi ôm lấy không gian chan chứa mến thương tưởng chừng đã xa cách hằng thế kỷ...
Cuối tháng 6. Trời tự nhiên mưa, thêm những đợt gió từ miệt núi xa kéo về làm cỏ cây run rẩy và lòng tôi choáng ngợp một nỗi vui bất ngờ. Những sợi mưa đan mau như muốn xóa nhòa hết vẻ nghèo nàn của Huế. Tôi vội vàng ra phố dạo mưa như thuở nào còn xỏa tóc. Con đường Trần Hưng Đạo không còn nhếch nhác nữa vì thiên hạ rủ nhau núp mưa hết trơn. Nhưng trong tôi sống lại mãnh liệt tuổi học trò ngày ấy... Những chiều thứ bảy, con phố bỗng trở nên là điểm hẹn cho bao nhiêu người trẻ vừa đến tuổi mơ mộng. Những tà áo lụa óng ả hơn và nón bài thơ nghiêng nghiêng làm dáng. Mắt em dáng thuyền khiến lòng ai thêm chao đảo.
Mồng 2 tháng 7. Tôi “tranh thủ” thời gian. Muốn thăm viếng tất cả danh lam thắng cảnh chốn Cố đô yêu quý. Vài hôm nữa thôi đã phải lên đường trở về tổ ấm của mình nơi Quê người. Đang giữa mùa hè nhưng thời tiết choáng ngợp hơi thu. Có lẽ ảnh hưởng từ cơn bão rớt từ Vịnh Hạ Long kéo tới nên thinh không bát ngát mây trắng bay.
Bến đò Than buổi sớm vắng khách sang ngang. Tôi đã tìm qua thăm Điện Hòn Chén mãi hoài một màu xanh ngất ngây. Sóng nước sông Hương miệt nguồn xao xuyến quá
Và chiều hôm trước tôi đã lên thăm lăng Tự Đức. Ngồi đếm thời gian trôi chảy nơi gộp đá dẫn xuống khe suối nhỏ. Nhìn nắng chiều lên phơi phới và nhạc thông reo vi vu... Tôi chợt ao ước hòa tan vào không gian, hoá thân làm giọt nắng long lanh hay tiếng côn trùng ri rỉ lời ca ngợi chốn quê hương muôn đời xinh đẹp này.
Tôi quyến luyến không muốn rời chân vì hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh huy hoàng quá đã chiếu dọi dãy núi Kim Phụng lồng lộng xuống dòng Hương Giang mênh mông và đằm thắm.
Ơi Huế dấu yêu, trước sau chi thì tôi cũng xa lìa đất mẹ. Nhưng trái tim tôi nghiệp của tôi mãi mãi nhịp thổn thức vì Huế...
Viết tại Huế trước ngày 11 tháng 7-1994
Source :
Hoàng hôn thôn Vỹ
Trang Phan Mộng Hoàn
art2all.net
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét