13/7/11

Thái Kim Lan trả lời Đặng Hữu Phúc về đề tài Phật học

Thái Kim Lan trả lời Đặng Hữu Phúc về đề tài Phật học

31.05.2011 .

LTS( DA MAU) Tuy phản hồi của tác giả Thái Kim Lan đề cập đến phần góp ý của ông Đặng Hữu Phúc cho ba bài viết khác nhau trên Da Màu, nhưng đề tài của bài phản hồi đều liên hệ đến Phật học, BBT Da Màu xin tổng kết thành một bài nhận định trên Da Màu, để độc giả tiện việc tham khảo và đối chiếu.







I. Góp ý – Comment của ông Đặng Hữu Phúc về bài “Lý thuyết nhân quả trong Phật giáo và học thuyết siêu nghiệm của Immanuel Kant” của Thái Kim Lan:

Cám ơn ông Đặng Hữu Phúc (ĐHP) đã góp ý cho bài viết “Lý thuyết nhân quả trong Phật giáo và học thuyết siêu nghiệm của Immanuel Kant” của tôi, nhất là đã đưa ra lời dẫn mở đầu Trung Luận của Ngài Long Thọ. Lời tụng này làm sáng tỏ phần nào những điều mà bài viết đã đề cập về lý thuyết “Tính không” bao gồm Khổ, Vô ngã, Vô thường (lý thuyết duyên khởi), ba khái niệm chủ đạo của triết học Phật giáo đã đề cập trong bài viết.

Phản hồi của ĐHP cho thấy một vài điểm cần làm sáng tỏ:

1. Nhận xét của ĐHP cho rằng “Con đường tu tập của Ngài Long Thọ là con đường trí tuệ bát nhã” và loại ra ngoài “đạo đức” (tu tập) đã hạn hẹp nếu không nói là hiểu lầm hệ thống tư tưởng của Ngài Long Thọ, vì: “Trí tuệ bát nhã luôn bao gồm hành thâm bát nhã”, “bao gồm tri và hành nhất thể” “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa.”

Chính trong ý nghĩa này Long Thọ nói “Pháp của Phật dạy cho chúng ta hai điều là tránh việc không an lành và hướng về những điều an lành với thân, khẩu, ý” …” như đã dẫn trong bài viết của tôi.

2. Cũng chính câu nói này cho thấy nỗ lực của Ngài Long Thọ trong việc giải thích yếu tính lời dạy của Đức Phật, và tìm ra được sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng của Phật. Theo Ngài sợi chỉ đỏ ấy chính là khả thể của đạo đức nằm trong pháp (lý thuyết) của Phật, hay nói cách khác tính KHÔNG là điều kiện của sự tu chứng giác ngộ. Chính tính liên chủ thể của kinh nghiệm KHỔ về VÔ THƯỜNG VÀ VÔ NGÃ là cơ sở biện minh hành động tu chứng.

Mục đích của bài “Lý thuyết nhân quả trong Phật giáo và học thuyết siêu nghiệm của Immanuel Kant” nhằm nhấn mạnh tương quan giữa lý thuyết (lý thuyết nhân quả) và thực hành (hành động đạo đức), thử tìm lý giải vấn nạn mà triết học Đông hay Tây thường đặt ra: hành động đạo đức có thể được biện minh trên cơ sở lý thuyết nội tại không? Tại sao con người hành động đạo đức? Vì sợ thế lực (chính trị hay không chính trị) bên ngoài? Vì sợ bị thượng đế hay thần linh trừng phạt? Vì sợ kiếp sau? Đức Phật, Ngài Long Thọ và Kant đã đưa ra mô hình giải phóng (thoát), giác ngộ, “tự do,” “tự chủ” như cơ sở của đạo đức. Nhưng Phật bắt đầu bằng khổ đế, còn Kant thì từ mệnh lệnh tiên thiên.

Hi vọng nếu đọc kỹ, bài viết sẽ được hiểu đúng.

3. Trong tiến trình phân tích, phê phán các hệ thống tư tưởng (ngay cả trong hàng ngũ PG) Long Thọ đã vạch trần những ảo vọng, mê lầm, vô minh, bằng phương pháp phân tích hiện tượng ngữ nghĩa, văn phạm, ngôn từ, lý thuyết chỉ rõ tính vô thường vô ngã của sự vật, thế giới hiện tượng, đến nỗi Ngài thường được mệnh danh là kẻ phá huỷ mọi cấu trúc tư tưởng, là kẻ chủ trương hư vô. Nhưng khác với Nietzsche, J. Derrida, Ngài Long Thọ đã nương vào Đức Phật như điểm tham chiếu về đức hạnh đã được thực chứng và về khả thể viên tròn Phật tính của con người. Triết lý nói chung và hệ tư tưởng “trí tuệ bát nhã” mang đến chính kiến cho con người chính là để THAY ĐỔI, CẢI THIỆN cho TỐT HƠN, LÀNH HƠN, ngộ chân lý, đạt Niết Bàn. Đó là điểm có thể nói duy nhất mà Ngài Long Thọ hướng đến suốt cả hành trình lý giải Không luận. Ngài cũng biết ngã mạn ham lý thuyết thường coi khinh điểm thiết yếu trong việc tu tập là đạo đức, bởi lẽ đạo đức thuộc lãnh vực hành động. Nếu không sống, không trải nghiệm, gọi là thực chứng nỗi khổ và sửa đổi để thoát khổ thì lời dạy của Đức Phậtchỉ là lời nói suông, bỏ xa chân lý mà Đức Phật đã chứng ngộ và ngộ nhận mục đích thuyết pháp (sau một thời gian im lặng) của Đức Phật.. Những tác phẩm về đạo đức, về phương pháp tu chứng chứng tỏ Long Thọ không phải là người theo hư vô chủ nghĩa.

4. Khi Đạt Lai Lạt Ma nói về Từ Bi Hỉ Xả không đưa đến giác ngộ là Ngài đã muốn nhấn mạnh vai trò và điều kiện của trí tuệ mà chính bài viết TKL đã đưa ra. Chính Ngài Long Thọ đã nhấn mạnh Trí tuệ là mẹ của Từ Bi. Trí tuệ phát sanh TỪ BI. Đã nói là tương quan ME-CON, thì duy nhất đấy, còn nhầm vào đâu được? Một trong những đối tượng mà Phật bảo phải đoạn diệt trước hết là tham vọng thế lực của sự biết. Cho nên chỉ “TRÍ” không mà thôi thì không thể giác ngộ theo nghĩa của đạo Phật được. Tất cả hệ thống Thiền học (theo truyêng thống Long đều nằm ở nỗ lực rời ngôn từ, hội nhập thể tính, lên “ĐƯỜNG” (đạo). LÊN ĐƯỜNG (đạo) là tiến trình giải phóng, ĐỨC chính là thái độ sống của con người trên đường đi. Long Thọ sẽ không là Bồ Tát nếu ngài không đề cập đến các hạnh cần phải tu, trong đó có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn…đồng thời với sự thiết lập KHÔNG luận. TỪ BI HỈ XẢ là TỨ Vô Lượng Tâm mà người tu tập đồng thời phát huy để giác ngộ.

5. Theo truyền thuyết về Ngài Long Thọ viết bởi Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 344–413), miêu tả Long Thọ như một nhà luyện kim (alchimist) phù phép, một nhà ảo thuật đại tài, đã từng hoá thân thoát xác vượt qua các chướng ngại như chỗ không người. Đối thủ của Ngài cũng thường gọi ngài là tên phù thủy bởi vì khiếp sợ trí tuệ nhanh như điện chớp của Ngài trong các cuộc tranh luận.

Thuật ngữ “nhà ảo thuật tuyệt hảo của tư duy” do đó vừa dựa trên truyền thuyết về cá nhân Long Thọ vừa muốn biểu lộ sự ngưỡng mộ của kẻ hậu sinh – nhưng không thần thánh hoá. Trong tinh thần của Long Thọ, tôi nghĩ, Ngài sẽ cười khan về ngôn từ hí lộng, hay nói nôm na là “nộp rủa” (như nộp rủa “con yêu”) này, hơn là sự sùng bái rỗng tuếch. Cho nên “nhà ảo thuật tuyệt hảo của tư duy” không phải màu mè và sai lầm như ĐHP nhận định, mà có cơ sở lịch sử về nhân vật Long Thọ cách đây hai thiên niên kỷ đồng thời bày tỏ sự cảm thông tri ngộ và ngưỡng mộ của kẻ hậu sinh.

6. ĐHP viết, Ngài Long Thọ dạy đặc tướng “không hí luận” là thật tướng. Phương pháp biện chứng phủ định của Ngài thường mang vẻ hí lộng hầu vạch rõ hí luận không thể đứng vững nếu chân lý không được bảo vệ nghiêm túc và nhất là lý luận sẽ là hí luận nếu không có TỪ BI. Dùng “hí” để chữa trị “hí” là cách chữa trị “chấp kiến” nhẹ nhàng theo nguyên tắc “ahimsa”, không sát hại. Con người có thể trở nên vô nhân với tự do của chính mình nếu không có mẫn cảm, cảm thông đối với người khác. Hitler đã là mẫu người siêu nhân tự do của Nietzsche, khủng bố 9/11/2001 phải chăng là mặt trái của Hủy cấu trúc và Derrida đã không trả lời được vấn nạn đạo đức hậu hiện đại vì ông đã phá hỏng mọi khả thể biện minh đạo đức và cái ác vẫn hoành hành.

Chống lại mọi hữu niệm hoá của Ngài Long Thọ sẽ không có ý nghĩa nếu không có hành động cứu khổ, diệt khổ (xem bài viết). Chống ý niệm hoá không phải chỉ để…chống, mà để vạch rõ sự cần thiết lên đường hội nhập thể tính qua trãi nghiệm xương máu tử sinh.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi chiến thắng đối thủ trong tranh luận, Ngài Long Thọ đã dùng một cọng cỏ để tự vẫn vì lòng từ bi thương những kẻ đã bị ngài hang phục. Dù là truyền thuyết, nhưng câu chuyện cho thấy con người của Bồ Tát Long Thọ, có thừa đại trí tuệ nhưng sẵn sàng chết để chứng minh trí tuệ không là tất cả: TRÍ – BI, mẹ- con tuy hai mà một.

7. Cuốn Kinh “Phật nói danh hiệu Phật” (số 440 của Đại Tạng bản Đại chính, Thích Trí Quang dịch PL 2548) kể đến hơn 30 vạn danh hiệu Phật mà người đời xưng tụng, và có thể còn nhiều hơn thế nữa. Danh hiệu “Giác giả” ở Ấn độ cũng đúng mà “Đại tư tưởng” cũng không sai. Tranh nhau làm chi cái danh hiệu ấy? Phật không tranh, hà cớ chi chúng ta tranh ai đúng ai sai về một danh hiệu?

Vả chăng, tôi e ngay chính trong chúng ta lại không hiểu Phật bằng người Tây phương. Xin đơn của một vài ví dụ cho thấy Đức Phật đối với các nhà tư tưởng Tây phuơng không chỉ là nhà đại tư tưởng mà là một nhà đạo đức:

“Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Ðức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ.” (Albert Schweizer)

“Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của Đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại.” (Tiến Sĩ S. Radhakrisnan, "Ðức Phật Cồ Ðàm")

“Ðức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của Ngài thành hành động; không nơi nào Ngài buông thả cái yếu đuối của con người hay dục vọng thấp hèn. Luân lý, đạo đức căn bản của Đức Phật là toàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến.”(Giáo sư Max Miller, Học giả người Ðức)


“Ðiều đáng chú ý nhất nơi đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về Đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại. (Moni Bagghee,"Ðức Phật Của Chúng Ta")


Cuối cùng, một nhận định của một bộ óc Âu châu vĩ đại, Albert Einstein, mà Phật tử Á châu thường đưa ra như một tấm bảng trương thanh thế, trong lúc Đức Phật vẫn mỉm cười tự tại, chẳng cầu:


"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó." (Albert Einstein).

Bài viết này nhấn mạnh đến ý thức đạo lý trong khi quán tưởng về “tự do” như là nền tảng của thái độ đạo đức.

Tôi hi vọng có dịp được trình bày triết học bát nhã của Ngài Long Thọ trên Da Màu.



***

II. Góp ý – Comment của ông Đặng Hữu Phúc về bài hát “Giọt lệ thiên thu” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dưới bài phỏng vấn Tiêu Dao Bảo Cự: nhạc Trịnh chỉ khơi dậy tình tự dân tộc, nỗi buồn nhược tiểu, nỗi đau chiến tranh và bài Trịnh Vĩnh Trinh: người trông coi di sản Trịnh Công Sơn của Bùi Văn Phú trên Da Màu):

Nhân trả lời ý kiến của ông Đặng Hữu Phúc về một số vấn đề liên quan đến Phật pháp, tôi thấy cũng cần thiết phải công khai góp ý với ông ĐHP về comment của ông trong bài “Tiêu Dao Bảo Cự: nhạc Trịnh chỉ khơi dậy tình tự dân tộc, nỗi buồn nhược tiểu, nỗi đau chiến tranh” của Bùi Văn Phú trên Da Màu, mà một người bạn đã gửi đến cho tôi. Tôi đã trả lời người bạn. Thời gian ấy tôi đi xa nên không có dịp vào Da Màu.

Ông ĐHP trích dẫn ngang dọc khá nhiều về khái niệm “chân như”, “hư vô”, từ Từ điển Phật học từ Asanga cho đến Osho để phản bác câu “Khoác áo chân như, bước tới hư vô, long lanh giọt lệ thiên thu.”

Ông ĐHP cũng viết trong phần góp ý dưới bài phỏng vấn “Trịnh Vĩnh Trinh: người trông coi di sản Trịnh Công Sơn” của Bùi Văn Phú như sau:

Thứ đến, nhân Ông bạn của bạn Nguyen Nhu Son có nói sơ đến việc “TCS bày đặt ỡm ờ ngôn ngữ theo kiểu ta đây quay về với Hư Vô uyên mặc Đông Phương,” tôi thấy cần phải phát biểu (lần thứ nhì) để trình bày quan điểm Hư Vô của TCS chỉ đem lại những ác hạnh cho cõi đời này. Hư vô của TCS không phải là ngôn ngữ ỡm ờ mà là ngôn ngữ cổ vũ cho ác hạnh.

Chân Như không phải là “áo khoác” mà ai muốn “khoác áo chân như” thì khoác và muốn “khoác áo Chân như” cho ai thì khoác. Nghĩa là Chân như do tự mình thật chứng bằng tuệ tri chính mình. Không phải Chân như do một ai giảng dạy, trao cho mình.

Nguyên văn câu ấy trong ca khúc của TCS là: “Bước tới hư vô, khoác áo chân như, long lanh giọt lệ, long lanh giọt lệ, giọt lệ thiên thu.”

Dưới đây là toàn bài “Giọt Lệ Thiên Thu” của TCS:

Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non
Cuộc đời cho tôi cho tôi tiếng nói đôi khi vui tươi
Cuộc đời cho tôi cho tôi tiếng nói đôi khi ngậm ngùi

Gió núi bay qua lao xao bụi bờ lao xao bụi bờ lao xao bờm ngựa
Nắng quái yêu ma lung linh thành trì lung linh cửa nhà
Bước tới hư vô khoác áo chân như long lanh giọt lệ long lanh giọt lệ
Giot lệ thiên thu

Sống có đôi tay đôi tay thật dài ôm quanh tình người
Sống có đôi chân đôi chân mệt nhoài một đời tới lui
Cuộc đời cho thêm cho tôi trái cấm trên đôi môi em
Cuộc đời cho thêm cho em có cánh bay đi vội vàng

Núi đứng quanh năm đất muôn đời nằm riêng ta rộn ràng
Đứng giữa thiên nhiên thân ta nằng nặng thân chim nhẹ nhàng
Muốn nói đôi câu giữa chốn thương dau
Chim xanh bạc đầu cây xanh bạc đầu
Vội vàng tôi theo

Trích dẫn nhiều nhưng tiếc thay ông ĐHP lại quên một source quan trọng: Kinh Pháp Hoa!

Trịnh Công Sơn đã dùng ngôn từ của bài kệ Kinh Pháp Hoa làm cảm hứng cho bài hát nổi tiếng này. Nghe câu hát không thể không nghĩ đến mấy câu kệ thường được truyền tụng.

Kinh Pháp Hoa, phẩm 10, bài kệ 23 và 24 23, viết:

…vào nhà Như Lai
mặc áo Như Lai
ngồi chỗ Như Lai,

(24) Nhà của Như Lai
là đại từ bi,
áo của Như Lai
là đức nhẫn nhục,
chỗ của Như Lai
là các pháp Không.

(bản dịch Việt, Thích Trí Quang)

Trong bài hát, TCS đã đổi ba lần chữ “Như Lai” mà không phá ý nghĩa “Như Lai”, thật sáng tạo và chứng tỏ cảm nghiệm sâu sắc của anh về kinh Pháp Hoa cũng như triết lý đạo Phật, chứ không ỡm ờ giả vờ uyên thâm một chút nào. “Vào nhà Như Lai” đổi thành “bước tới hư vô. “Khoác áo Như Lai” thành “khoác áo chân như” và “đại từ bi” trở nên “long lanh giọt lệ.”

“Như Lai” là danh hiệu của Đức Phật, có nghĩa “người đến như thế,” tathagata, cũng là “bước chân như thế” hay “chân như.” Cho nên, vào căn nhà của tính Không, khoác áo chân như (của tính Không) mà “long lanh giọt lệ” mẫn cảm đại từ bi.

Ngồi chỗ ngồi Như Lai, mặc áo Như Lai (chân như, hư vô) mà: "đôi mắt long lanh giọt lệ thiên thu" có nghĩa THẤY RÕ CHÂN NHƯ của NGÃ TƯỚNG là VÔ, nhưng chính từ khởi điểm VÔ NGÃ ấy, mà mắt nhìn thấu muôn cõi thiên thu bằng giọt lệ TỪ BI của trái tim NHƯ LAI.

Đổi kinh thành thơ, thành nhạc, uyển chuyển và uyên áo, Trịnh Công Sơn quả thật tài tình, chúng ta phải công bằng mà nhìn nhận.

Thái Kim Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét