Phỏng vấn Dịch Giả/ Nhà Thơ Dương Tường – Trước Sau Như Một
Lưu Diệu Vân
Tác giả của ba tập thơ, Đàn, 36 Bài Tình và Mea Culpa, và dịch giả của hơn 50 tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, trò chuyện riêng với độc giả về cuộc sống, hiện tại, tương lai, kỷ niệm, thi ca, và đàn bà.
Về cuộc sống …
Dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà báo, ông có vẻ là một người đầy đam mê. Ông còn có những đam mê đời thường nào khác không dính dáng đến nghệ thuật?
Sinh thời, Trần Dần thường bảo tôi: “Mày đúng là cái thằng tuần chay nào cũng có nước mắt.” Câu này có hai nghĩa. Thứ nhất: hễ có vụ việc nào dính dáng đến “an ninh văn hóa” là thể nào cũng có tên tôi trong danh sách bị gọi lên thẩm vấn. Hai là mê đủ thứ: thơ, văn, nhạc, họa, phim ảnh và đương nhiên là đàn bà. Ngoài ra, còn cả bóng đá nữa. Ở tuổi 75, tôi vẫn có thể xem bóng đá suốt đêm trên…tivi. Tôi hầu như không bỏ trận cầu nào phát trực tiếp trên tivi, đặc biệt là bóng đá Anh. Dưới mắt các nhà đạo đức, tôi là kẻ dễ giao động trước những cám dỗ, khéo rồi một lúc nào đó sẽ rơi vào vòng tay Satan mất.
75 tuổi và vẫn còn rất năng động trong đời sống thường nhật cũng như trong công việc sáng tác và dịch thuật, ông đón nhận thời gian hiện tại bằng tấm lòng như thế nào?
Bạn tôi, nhà thơ quá cố Đặng Đình Hưng, có câu: “Không ai làm gì được quyển lịch”. Một thái độ khách quan mà bình thản đối với thời gian. Cái bloc lịch nằm đó, anh có treo nó lên hay xếp xó, dù anh không thèm bóc hay bóc xoẹt một lúc cả chục tờ, thì ngày tháng vẫn cứ trôi đi theo cái nhịp bất di bất dịch của nó. Inexorable. Irrevocable. Một người bạn khác của tôi, nhà văn Châu Diên, cùng tuổi với tôi, thì lúc nào cũng tất bật làm việc, hối hả chạy đua với thời gian, như thể ngày mai mình sẽ chết và không kịp hoàn thành nốt những việc đang làm dở. Hình như tôi ở đâu đó giữa hai ông bạn này. Tôi bằng lòng với lượng thời gian còn lại của mình, coi đó là một ân sủng của trời đất. Dù không biết chắc mình còn được sống bao lâu, tôi vẫn coi mình là tỷ phú thời gian và xin tạ ơn trời đất về điều đó.
Còn thời gian đã qua thì sao? Ông có luyến tiếc nhiều về quá khứ không?
Thực lòng, tôi không hề luyến tiếc thời gian đã qua. Thậm chí tôi còn thấy mình may mắn hơn nhiều người bạn thân thiết đã ra đi sớm. Lưu Diệu Vân biết đấy, lớp chúng tôi là một thế hệ lỡ dở. A lost generation, có thể nói vậy. Chúng tôi có nhiều lầm lỡ – ai mà chả có lầm lỡ? – nhưng nhìn lại quá khứ, chúng tôi có thể tự hào là đã sống trung thực với mình. Nếu như có một phép mầu nào đó cho phép tôi sống lại những thời qua, ắt tôi vẫn sống đúng với lòng mình nguyên vẹn như xưa. Vậy thì hà cớ gì phải luyến tiếc?
Ông đã có được những gì và đã phải đánh đổi những gì khi ông luôn là người đi trước thời đại trong phong cách sáng tác cũng như trong phương cách sống?
Trước hết, tôi được sự an tĩnh tâm hồn, không vướng bận những luyến tiếc vô bổ, bởi đã sống và làm việc đúng như cần phải thế (như tôi đã nói ở trên), nói cách khác là đã dám là mình bất chấp tất cả. Và đó là điều quan trọng. Thứ nữa, những gì tôi đã làm (tuy chưa được bao nhiêu) đã ít nhiều đánh thức và khuấy động tinh thần cách tân khai phá ở một số không nhỏ trong thế hệ kế tiếp mình cả trong lĩnh vực văn học lẫn nghệ thuật. Như tôi đã nói ở trên, tôi thuộc một thế hệ lỡ dở và trong nhiều lần trả lời phỏng vấn trước đây, tôi đã nhấn mạnh rằng tôi chỉ còn tốt cho việc lót đường cho lớp trẻ. Những gì tôi đã làm không nằm ngoài chức năng lót đường đó và tôi bằng lòng về điều này bởi đó là một trong những nhân tố đem lại cho tôi niềm an ủi tinh thần nói trên. Tôi đã phải đánh đổi gì ư? Tin tôi hay không tin, nhưng thực sự tôi không cho rằng mình phải đánh đổi gì cả. Bởi tôi nghĩ định phận của những kẻ tự nguyện làm pioneer đương nhiên là phải đón nhận những thử thách gian lao, những ngộ nhận hiểu lầm, những chống đối và thậm chí cả những trấn áp…
Tựa đề của tập thơ mới nhất Mea Culpa, tiếng Latin, có nghĩa là lỗi tại tôi. Ông đã phạm những lỗi lầm nào trong đời? Ông muốn riêng gởi lời xưng tội đến ai?
Như tôi đã nói, ai chẳng lỗi lầm trong đời. Khi đối mặt với lương tâm, nhất là vào lúc xế chiều, người ta không khỏi cảm thấy ăn năn về những lỗi lầm đó. Tôi không phải là ngoại lệ. Như câu của Trần Dần mà tôi lấy làm đề từ, “tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu.” Chẳng lẽ tín ngưỡng toàn vô vọng để rồi làm hỏng đời mình lại không phải là một trọng tội? Và lời xưng tội này, tôi gửi đến tất cả những ai rộng lòng nghe tôi, chứ không nhằm riêng một đối tượng cụ thể nào.
Tại sao ông tuyên bố rằng mình luôn “đứng về phe nước mắt”?
Vâng, bài thơ một câu Để ghi trên mộ chí sau này:
Tôi đứng về phe nước mắt
có thể coi như một tuyên ngôn của tôi. Đứng về phe những người bất hạnh, đơn côi, những người bị cuộc đời ruồng bỏ, đọa đầy, nói gọn lại, về phe những khổ đau của con người – đó là ứng xử suốt đời của tôi. My lifelong behavior. Tôi chưa bao giờ làm khác cả.
Về nghệ thuật sáng tác …
Ông từng phát biểu: “Nhà văn Việt Nam đương đại (…) ít chú ý luyện võ cho văn mình mà chủ yếu chỉ cốt lấy nội dung và tư tưởng chủ đề làm đầu….” Theo ông họ nên “luyện võ cho văn” bằng cách nào?
Bài “Luyện Võ Cho Văn” tôi viết đã gần hai mươi năm rồi, từ hồi “tiền-đổi mới”, khi mà không ít nhà văn Việt Nam còn sợ bị chụp cho cái mũ “hình thức chủ nghĩa”, chỉ chăm chăm phô diễn lập trường qua nội dung tư tưởng. Hồi đó, chưa xuất hiện những gương mặt đánh dấu bước ngoặt của văn học đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Từ đó đến nay, tình hình đã khác đi, khả quan hơn. Nhiều nhà văn đã có ý thức “luyện võ cho văn,” rèn tập bút pháp. Tuy nhiên, vẫn ít người có được chữ ký riêng hiển thị ở những cái mình viết ra, khiến cho người đọc chỉ lướt mắt qua đã nhận ra. Hiếm thấy ai có được hệ từ vựng (vocabulary) đặc trưng của mình (chẳng hạn, người ta nói chữ của Nguyễn Tuân). Nhà khoa học có phòng thí nghiệm. Nhà văn, người làm hóa học chữ (word chemistry), cũng cần có phòng thí nghiệm riêng để làm các thử nghiệm khác nhau với những con chữ của mình.
Giữa nội dung, bao gồm tư tưởng và xúc cảm, và nghệ thuật sắp đặt chữ nghĩa, cái nào quan trọng hơn trong một tác phẩm?
Nói chung, nội dung, bao gồm tư tưởng (tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị, tư tưởng tôn giáo…) và cảm xúc thường là cốt lõi của một tác phẩm. Song hình thức, hay nói như Lưu Diệu Vân, nghệ thuật sắp đặt chữ nghĩa để chuyển tải nội dung đó, cũng rất quan trong. Trong một cuộc luận bàn về nội dung và hình thức với một số đồng nghiệp, tôi có tếu táo đưa ra một thí dụ như sau: giả sử một bữa tiệc toàn những sơn hào hải vị tuyệt trần thuộc loại “tiến vua”, nhưng thay vì bát đĩa, người ta “xẹc-via” cho anh trong những bô vệ sinh (dù là mới tinh, vừa xuất xưởng, chưa dùng bao giờ), liệu anh có thể ăn ngon miệng được không? Riêng trường hợp James Joyce, đặc biệt ở Ulysses, ngôi “đại giáo đường văn xuôi” của ông, và Finnegan’s Wake, nghệ thuật thao tác ngôn ngữ mới chính là phần chính yếu, vượt lên cả nội dung, chí ít là theo nhận định cá nhân của tôi. Hai tượng đài văn học này đã đánh dấu một bước ngoặt của tiểu thuyết thế giới.
Ông tự cho mình là người tiên phong hay là một môn đồ của thể thơ tân hình thức?
Về một mặt nào đó, tôi nghĩ mình ở trong số những người đi trước dò đường. Môn đồ của thể thơ tân hình thức ư? Tôi không muốn là môn đồ của bất cứ một ism nào. Tôi không nghĩ cách tốt nhất để một nghệ sĩ bắt đầu một tác phẩm là khuôn định trước cho nó phải theo một ism nào đó. Cái gì tôi làm ra trước hết phải là chính nó với tư cách là thực thể sáng tạo, rồi sau đó, xếp nó vào loại gì là việc của các nhà lý luận. Những cái tên do các nhà lý luận đặt cho các trường phái hay trào lưu nghệ thuật bao giờ cũng đến sau kết quả sáng tạo của các nghệ sĩ. Phải một vài năm sau sự xuất hiện của Các cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) của Picasso và Khỏa thân đứng (Nu debout) của Braque, hai tác phẩm được coi là những bức tranh lập thể đầu tiên, nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxcelles mới bịa ra từ “cubisme” khi thấy bức Những ngôi nhà ở Estraque (Les maisons d’Estaque) của Braque,“ làm bằng những khối vuông nhỏ (fait de petits cubes)”. Cũng chính ông Vauxcelles này đã thốt lên câu: “Donatello giữa bầy dã thú! (Donatello parmi les fauves!)” khi đến xem các tác phẩm của Matisse, Derain, Vlaminck, Marquet, Kandinski… tại Salon mùa thu năm 1905, mà thành tên cho trường phái dã thú (fauvisme).
Thơ có phải cũng chỉ là một trò chơi chữ nghĩa của trái tim? Ông cảm thấy trò chơi này là một phẩm chất sống tối cần thiết hay chỉ là một thú tiêu khiển có thể bị quên lãng bất cứ lúc nào?
Nếu coi nó như trò chơi chữ nghĩa của trái tim thì vâng, đó là một trò chơi nghiêm túc mà người chơi, thi sĩ, phải đánh cược cả cuộc đời mình vào đó.
Trong bảy bộ môn nghệ thuật truyền thống, địa vị của thơ nằm ở đâu trong sự nhận định riêng của ông?
Ngôi vị tối thượng.
Phần đông người viết sáng tác để truy cầu hạnh phúc, để lấp đầy khoảng trống, còn ông thì sao?
Với tôi, đó là lý do tồn tại, raison d’être.
Về nàng thơ …
Nàng thơ của Dương Tường có những nét đặc thù nào?
Tháng 11/1995, trong một buổi đọc thơ tại một trường trung học tại Boston, bang Massachusetts, có người hỏi tôi tại sao lại làm thơ bằng tiếng Anh. Tôi trả lời: “Nàng thơ của tôi nói ba thứ tiếng: Việt Nam, Pháp và Anh. Và tính nàng vốn thất thường (tôi dùng chữ whimsical). Có lúc nàng khăng khăng chỉ nói một trong ba ngôn ngữ ấy (chẳng hạn như khi tôi viết những bài thơ này, nàng không nói ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh), nên tôi đành phải tuân theo thôi.” Vậy đặc tính thứ nhất của nàng là: thất thường, do đó rất khó chiều. Đặc tính thứ hai là không thích lặp lại những gì đã làm, mà chỉ một mực theo ý mình, làm mới và khác những cái cũ. Đôi khi nàng cũng hóa thân vào một người đàn bà cụ thể nhưng không nhất thiết là “phải biết chơi dương cầm hay phải biết rơi lệ.”
Ông sống sao trong những tháng ngày nàng vắng mặt?
Thì tôi lại lao vào những đam mê khác (mà tôi đã “thú nhận” từ đầu) để lấp đầy khoảng trống vắng ấy.
Ông vẫn ngóng đợi sự trở về của nàng hay ông luôn mong chờ sự xuất hiện của một nàng thơ khác?
Tôi không thích chờ một cách thụ động. Nếu như nàng không trở lại, đó có nghĩa là tôi không còn khả năng để làm mới và khác như nàng đòi hỏi và khi đó thì đã quá muộn để mong chờ sự xuất hiện của một nàng thơ khác. Giờ đây, tôi cảm thấy mình như một mạch nước đã cạn và – tôi muốn nhắc lại – chỉ còn tốt để lót đường cho các bạn trẻ. Với tôi, dồn sức vào việc dịch những tinh hoa của thế giới cũng nhằm mục đích ấy.
Đàn bà có bị biến dạng nguyên bản chính khi vào trong thơ của Dương Tường không?
Biến dạng? Tôi không nghĩ thế. Hình bóng người đàn bà trong thơ Dương Tường thường là tổng hòa những nét riêng của nhiều chủ thể nên có khi nhiều người khác nhau nhận ra mình trong cùng một hình tượng.
Về kỷ niệm những con số trong lời thơ …
Tại sao “cài then ngang con số 7”?
Số 7 là con số bản mệnh của Dương Tường. Còn tại sao lại cài then ngang? Nhiều khi, có những chữ đến từ vô thức rồi chốt lại đấy, ngoài ý muốn của người làm thơ. Thì hãy coi đây là một kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên. Một cậu học sinh 14 -15 đến nhà một cô bạn gái cùng tuổi, gặp lúc cô đang tắm và cửa phòng tắm chỉ khép hờ, không cài then. Rồi gì nữa… nhưng thôi, lại xin cài then ngang cái bí mật nho nhỏ này.
Và câu truyện của “24 phím cầm chiều”?
24 là một con số tròn trặn, đẹp và buồn. Hình như các nhà soạn nhạc có một predilection đối với con số này. 24 préludes. 24 études. 24 variations. Ở Tình khúc 24 của Dương Tường, nó mang đậm dấu ấn của kỷ niệm: người đàn bà là nguồn cảm hứng của bài thơ năm ấy 24 tuổi.
Còn kỷ niệm của “32 lối chân đưa”?
Rất đơn giản: đây là ly rượu tự chúc (hay tự thán?) nhân sinh nhật lần thứ 32 của tôi.
ba mươi hai năm
ba mươi hai lối chân đưa
lầm
lũi
Một ly nhiều phần đắng hơn là êm dịu.
Rồi còn khoảnh khắc “tím mộng Scheherazade đêm 1002”?
Mỗi con số đều mang tính tượng trưng. Với Scheherazade, đêm ngàn-lẻ-hai là sự giải thoát và thư giãn sau khi, qua một ngàn lẻ một đêm, bằng trí tuệ và những truyện kể hút hồn của mình, đã hóa giải được lòng thù hận đàn bà của nhà vua Ba Tư Schahriar, là sự chinh phục và cuối cùng là niềm an tĩnh tâm hồn, peace of mind. Câu “tím mộng Scheherazade” bật ra từ cảm giác lung linh khi tôi nghe bản Scheherazade của Rimsky-Korsakov.
Về tương lai …
Ai đó đã nói “cách tốt nhất để đoán định tương là sáng chế ra nó.” Ông nghĩ sao và ông sáng chế tương lai của mình bằng cách nào?
Đó là một ý kiến chí lý. Và điều đó dường như phù hợp với thái độ sống của chính tôi. Suốt cuộc đời không mấy “xuôi chiều mát mái” của mình, tôi đã không thụ động đón nhận tương lai. Và cả giờ đây nữa, ở cái tuổi xế chiều, tôi vẫn muốn tự mình làm ra tương lai. Bằng cách nào ư? Vẫn một ứng xử nhất quán: đi đến cùng con đường mình đã chọn, bất chấp mọi thách thức.
Ông muốn mọi người nhớ đến ông như thế nào? Một nhà thơ độc nhất vô nhị? Một dịch giả thanh thế? Hay một người đàn ông luôn phấn đấu để hơn mình thêm một ít?
Như một người trước sau như một luôn giữ đúng cốt cách của mình.
Ông có thể chia sẻ một vài dự án tương lai của ông? Sẽ có thêm tập thơ thứ tư và những tác phẩm dịch thuật nữa chứ?
Tôi có một nguyên tắc nghiêm ngặt là không bao giờ công bố những dự án tương lai của mình.
2007
Lưu Diệu Vân
Source : DA MAU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét