23/7/11

PHAN MỘNG HOÀN -BÔNG HỒNG CHO AI

PHAN MỘNG HOÀN



BÔNG HỒNG CHO AI

( Truyện ngắn trong HOÀNG HÔN THÔN VỸ )



Giữa tháng 11 dương lịch trời mát mẻ dễ chịu. Hàng phượng vỹ dọc theo bờ sông Hương xanh mướt. Những cây phượng cổ thụ đứng bên nhau trong kia sân trường Đồng Khánh, thân cong queo màu nâu sậm, cành mang đầy trái già khẽ đong đưa theo gió chiều dạt dào vừa xô lên từ mé sông. Quỳnh lang thang mãi, bước loanh quanh theo dãy tường rêu phong ủ dột, suy tưởng vu vơ. Lần nào về tới Huế là chi anh cũng tìm đến thăm trường xưa.

Hôm nay nhằm ngày Chuá nhật nên cổng lớn đóng im ỉm. Anh lách người qua cánh cửa phụ để vào. Sân trường vắng tanh. Quỳnh đi thẳng đến cột cờ giữa sân, ngồi xuống bậc thềm cao nhất. Anh ngó mông bao quát khắp nơi. Bụi mimosa mọc trước văn phòng Giám thị um tùm xanh đậm, không thấy đâu những nụ vàng tròn xinh. Có lẽ mùa thu nên hoa trốn biệt? Đám cỏ dại mọc cao quá đầu người ở cuối sân dãy lớp gần préau. Khuất xa hơn, thấy lấp ló những bông lau trắng ngã nghiêng. Hành lang rẽ lên nhà chơi buồn bã, Quỳnh nghĩ có lẽ vì vắng bóng học trò. Ngày xưa anh nhớ nơi ấy có treo cái trống đại. Có lần Quỳnh đã cùng mấy tên bạn rắn mắt thách nhau đánh trống sớm hơn giờ bãi học một khắc đồng hồ. Kết quả nhà trường phát giác trò tinh nghịch ấy nên cả bọn bị phạt cấm túc ngày cuối tuần. Quỳnh hồi tưởng và cười ra tiếng một mình. Thời niên thiếu hồn nhiên sao mà hạnh phúc!

Chiều xuống đậm, ngày mau tối, anh uể oải rời trường. Người gác cổng lầm lì khoá hai vòng khoá cánh cửa gỗ màu nâu bạc thếch và tiễn khách. Quỳnh tần ngần rời bước tưởng như vừa đánh mất cả thời tuổi trẻ mới tìm lại được. Ngày ấy, một nửa trường con gái dành cho bên Khải Định mượn học tạm dãy lớp tay phải nằm sát đường Nguyễn Trường Tộ. Đó là tên con đường tình sử phân chia hai ngôi trường nam nữ lớn nhất cố đô. Lớp Quỳnh gồm có mươi nữ sinh học chung. Các cô để tóc dài cặp gọn sau tấm lưng thon. Cô nào cũng xinh tươi. Riêng anh từ lâu để ý người thiếu nữ có khuôn mặt bầu bĩnh, lúm đồng tiền tròn hoay một bên má. Mắt cô đen lánh xênh xếch dáng thuyền. Nhất là miệng cười mím chỉ vì cố che chiếc răng khểnh. Gần 40 năm trôi qua...nay không biết đám bạn ngày xưa ai còn ai mất?

Về thăm Huế lần này, Quỳnh đã liên lạc được mấy người bạn thiết cốt, Nguyễn Minh Thế, Bảo Lâm và Trần Văn Triết. Các bạn gái thì chưa tìm ra ai. Anh định sẽ cùng các bạn họp mặt cuối tuần này.

Quỳnh nhận thấy bầy bạn cũ nay ai trông cũng khác xưa. Anh may nhờ ra nước ngoài nên trông còn gọn gàng trẻ trung, mái tóc muối tiêu thưa thớt nhưng khéo săn sóc ngó vẫn chững chạc. Lâm lí lắc ngày xưa thì gầy nhom, da co lại màu tái sậm trông giống hệt tên “Tôn Ngộ Không” già! Nguyễn Minh Thế thư sinh trắng trẻo thuở nào chừ vác cái bụng Đổng Trác, cặp kính lão gọng nhựa nâu to sù sụ che đôi mắt vẫn lim dim riễu cợt như thời trai trẻ. Triết gia của lớp B1 vẫn là anh chàng lơ đãng nhìn trời mây không khác chi ngày ấy. Họ nhâm nhi chai rượu mạnh Quỳnh đã chịu khó mang từ bên kia về. Cả bọn nhậu lai rai, chuyện vãn hồi chặp trưa cho tới chiều mà chưa thấy chán. Thời gian trôi chầm chậm. Bóng tối thập thò ngoài khuôn vườn ngôi Từ đường nhà Quỳnh. Khu vườn được rào kín bằng hàng rào chè tàu cắt xén cẩn thận. Thế lè nhè lên tiếng:

-Thúy Vân của thằng Quỳnh chừ ra răng rứa mi?

Anh ngẫng mặt ra và nghĩ thầm, không biết mỹ nhân B1 nay ở đâu kià? Cô nàng là hoa khôi của cả Khải Định, nên lớp Quỳnh hãnh diện ghê lắm vì cô nàng. Diệm Thúy tức Thúy Vân lớp Quỳnh, vì nàng có“khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” thêm dáng dấp ẻo lả thướt tha, đã khiến bao chàng trai hằm hè nhau chiếm đoạt tình cảm. Cuối cùng Quỳnh được lọt mắt xanh. Anh học giỏi, con nhà giàu lại đẹp trai, nên đã “ắt có và đủ” điều kiện để chiếm lĩnh trái tim người đẹp. Học cùng lớp từ lúc ngồi đệ tứ mà mãi năm sắp thi Tú tài Toàn phần hai người mới dám ra mặt cặp kè với thiên hạ. Những chiều xuân mát mẻ họ thường rủ nhau đạp xe lên ngắm mặt trời lặn trên Đồi Vọng Cảnh. Dòng sông Hương trải dài và uốn khúc mềm mại như một dải luạ óng ả. Làn nước trong xanh phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh, pha thành sắc tím biếc lung linh. Gió chiều lồng lộng, thổi tung mái tóc nàng thơm mùi chùm kết quẹt khẽ lên má anh. Quỳnh làm sao quên được kỷ niệm tuyệt vời ấy. Những trưa hè nóng nực đôi bạn lại tìm lên Lăng Tự Đức, vừa ôn bài vừa hóng mát. Trước Thủy tạ Khiêm Lăng, hoa sen nở trắng xóa, điểm xuyết những đoá sen hồng thắm, hương tỏa nồng nàn. Hương hoa tung lên thơm ngát khiến đôi bạn ngây ngất như tình yêu thắm thiết của họ. Mùa thi năm ấy Quỳnh chiếm bảng vàng, hạng ưu. Người yêu không may thi rớt. Luôn hai kỳ thi, tên Tôn Nữ Diệm Thúy vắng bặt. Về sau, Quỳnh từ giã Huế vào thủ đô học ngành Y khoa. Từ đó đôi bạn xa nhau.

Tại sao nhỉ? Tại sao hai đứa lại chia tay? Quỳnh nghĩ ngợi mông lung. Anh buột miệng hỏi trống không:

-Diệm Thúy bây giờ ở đâu?

Không một ai lên tiếng. Mãi mới nghe Thế chua chát trả lời;

-Nghe đâu người ta trôi dạt vào Tourane sau khi tên Sở Khanh mô đó xa chạy cao bay!

Quỳnh tái mặt. Anh hỏi bạn nhỏ giọng:

-Cô ấy bây giờ ra sao?

-Có trời đất biết!

Con khỉ già cay độc trả lời. Một khoảng im lặng kéo dài như bóng tối đang chiếm hẳn không gian u uẩn. Buổi họp mặt bỗng mất vui. Mấy người bạn cũ không hẹn cùng đứng lên từ giã ra về. Anh ngồi sửng và không dưng nuối tiếc. Một thoáng hối hận vương vào tim khiến anh ray rứt. Quỳnh nhớ rõ từng nét một ngày ấy...

Sáng hôm trường yết bảng kết quả kỳ thi Tú tài Toàn phần. Anh và đám bạn trai thân thiết xúm xít bên gốc phượng già chờ tin. Rồi loa phóng thanh dóng dã hô tên người trúng tuyển kèm với thứ hạng. Tên Nguyễn Thế Quỳnh vang lên, ưu hạng! Bảo Lâm-Bình thứ. Nguyễn Minh Thế- hạng Thứ, Triết -Thứ. Bốn chàng Ngự Lâm pháo thủ ôm choàng nhau la hét ồn ào. Và dù sau đó dù lắng tai, họ cũng không nghe loa đọc đến tên Hoa khôi trường Khải Định. Hôm đó, Quỳnh nhớ rõ bọn anh còn nán lại trường chờ xem danh sách thí sinh trúng tuyển dán lên bảng thông cáo rõ ràng mới rủ nhau đi khao thưởng.

Thoạt tiên ở quán Chè Ga mỗi tên một ly chè đậu xanh đánh ngọt bùi to tổ bố, do Tôn Ngộ Không bao, rồi hăng máu kéo về Thượng Tứ vô tiệm Lạc Thành kéo ghế, lần này là Quỳnh hào hoa đãi. Sau đó còn lang thang thêm vài quán nữa cả bọn mới chịu rả đám. Say men chiến thắng suốt cả tuần lễ, Quỳnh vẫn chần chừ không dám ghé nhà bạn gái. Anh tế nhị sợ chạm phải nỗi đau của người không may mắn. “Tiếu tợ thư sinh lạc đệ thì”, huống chi với người đẹp mau nước mắt của anh! Ngày thường chỉ cần sơ ý mếch lòng là nàng đã tấm tức khóc dỗ hoài không chịu nín! Cho nên anh ngán hết sức phải đối diện nàng. Mấy tuần lễ sau đó, Quỳnh phải vào Sài Gòn. Ba má anh muốn con trai qúy của mình chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi vào trường Y khoa, chắc chắn là nhiều cam go gấp bội phần so với lần thi Tú tài đôi. Thời gian trôi đi cùng với cảnh đời liên tiếp xảy ra với bao biến cố dồn dập. Và thế là họ xa nhau hẳn. Cho đến bây giờ quay lại cố hương sau gần 40 mươi năm chia biệt, Quỳnh ngậm ngùi tưởng đến người xưa, một thời anh từng yêu dấu.

Quỳnh ngập ngừng trước cổng nhà cố nhân. Ngôi nhà cổ kính giờ ủ dột buồn bã, ẩn sau tấm bình phong đồ sộ che chắn khuôn viên kín đáo ngày xưa có cô Tôn Nữ xinh đẹp. Anh nhìn cây cổ thụ dềnh dàng che bóng mát cả con đường chạy ngang trước nhà người yêu. Anh nhớ ngày ấy mỗi lần đến đây đón nàng, Diệm Thúy thường nhờ anh trèo lên cây Ngọc lan ấy hái cho cô mấy chùm hoa trắng muốt. Những cánh Ngọc lan thơm ngát e ấp, có lần anh đã dắt lên mái tóc nàng. Bông hoa trắng xinh nổi bật hơn trên nền đen huyền ảo mớ tóc nàng Tôn Nữ yêu kiều. Hồi ức ấy khiến tim Quỳnh nhói buốt. Anh ray rứt vì tuổi trẻ của anh sao hời hợt đến thế. Chút phù vinh của mảnh bằng nhỏ ngày ấy sao đã vội khiến tình họ chia lìa! Sao mình lại có thể tệ hại đến thế nhỉ? Anh âm thầm tự trách móc và càng chua xót nhớ đến thuở tóc xanh khờ dại đã không dưng đánh mất người bạn gái đáng yêu.

Một cậu con trai mặt mũi sáng sũa ra đón Quỳnh khi nghe tiếng chuông gọi cửa. Cậu bé trả lời anh, chủ nhân bây giờ là người từ ngoài Bắc vào và gia đình người chủ trước đây nghe nói đã dời đi tỉnh khác từ lâu, trước thời 75. Quỳnh dò hỏi thêm cũng không được chút tin tức gì. Qua mấy hôm sau, tình cờ anh gặp người bạn gái học cùng lớp khi dạo phố Trần Hưng Đạo. Uyển Chi là bạn thân của Diệm Thúy. Người bạn này giờ đã là một bà già thiệt sự, tóc muối tiêu búi thành búi tó sau ót. Chị cho biết Diệm Thúy về sau là giáo viên Tiểu học, đã lập gia đình muộn với một bạn đồng nghiệp cùng trường. Họ có hai con với nhau, gần đây lại nghe nói người chồng của bạn ấy đã qua đời vì bạo bệnh. Sau biến cố Mậu Thân cả nhà hoảng loạn dời vào Đà Nẵng, nhà cũ giao cho người bà con trông nom, cuối cùng thì bán đứt cho người bà con khác gốc gác lớn ngoài kia vào. Bà bạn già ân cần cho anh chi tiết, nhà của Diệm Thúy bây giờ nghe đâu ở gần Sân Vận động thành phố.

Quỳnh nấn ná vài hôm ở Huế. Một mình thuê chiếc xe đạp lang thang lên thăm Đồi Vọng Cảnh bát ngát trời mây. Thăm lại Khiêm Lăng nhiều kỷ niệm khó quên với cố nhân. Muà Thu trời xứ Huế thổn thức mưa rơi. Từng giọt mưa thánh thót thấm ướt mái tóc Quỳnh. Mưa ướt nhòe trên trán anh, làm mắt anh như hoen lệ. Hay là anh đã khóc nhớ tuổi xanh, thương tiếc mối tình thơ dại đã vuột mất từ ngày bảng vàng yết tên anh? Mưa lướt thướt bay trên sân chầu Đại nội, chốn Hoàng Cung thênh thang vắng người. Anh đã trầm ngâm ngồi ngắm mưa bay và tưởng tiếc quá khứ hồn nhiên tuổi học trò, có lẽ đẹp nhất một đời người. Mưa Huế đầu mùa nhẹ nhàng hôn lên môi má người xưa đã trở về. Mưa thì thầm an ủi anh, ngày đã qua đi, đời sẽ trôi theo năm tháng còn lại, tiếc nuối và thương nhớ không nguôi chẳng ích lợi gì.



Qua tuần lễ cuối còn ở lại quê hương, Quỳnh tìm vô xứ Quảng.

Cùng chiều tối ngày 20 tháng 11. Ở góc con đường rẽ vào sân vận động thành phố, hình như thấp thoáng bóng một người đàn bà luống tuổi, nhẫn nại ngồi bán những bông hồng đỏ thắm cuối cùng. Từ trưa, đám học trò nhỏ lau nhau thỉnh thoảng ghé qua đây mua một bông hồng đem tặng cô giáo. Bông hồng bọc kín trong giấy bóng trong trẻo, bông hồng tươi đẹp hơn, long lanh vì mấy giọt nước mưa tình cờ rớt xuống đọng lại, như khóc thương cho cô giáo cô đơn, nay đã về hưu, sống âm thầm bên dòng đời náo nức.



Không một bông hồng nào dành cho cô.





Phan Mộng Hoàn

Viết sau khi về thăm Huế mùa mưa tháng 11-năm 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét