PHAN MỘNG HOÀN
HOÀNG HÔN THÔN VỸ
Huyên vẫy tay chào tạm biệt mấy mẹ con Trâm, thủng thẳng bước vô hành lang dẫn vào lòng chiếc phản lực cơ Korea Airline. Anh đã lấy một tháng nghỉ phép thường niên về thăm cha mẹ già. Năm nay các cụ vừa tròn 80. Vợ chồng anh sẽ về Huế để tổ chức mừng lễ thượng thọ Bát tuần cho song thân. Chuyến đi dự định từ lâu nhưng phút chót anh đi một mình vì vợ anh bận lo việc con gái lớn của họ sẽ sinh con so nay mai, nên bà ngoại Trâm phải ở lại săn sóc cho yên tâm. Gia đình Huyên định cư ở Cali từ mười mấy năm qua, đời sống đã vào khuôn nếp. Con cái họ đều thành đạt, vợ chồng Huyên sống hạnh phúc.
Một mình trên chuyến bay đường dài trở về quê hương, Huyên mơ màng tưởng đến phút giây gặp lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình đã lớn lên, trở thành chàng học sinh Quốc Học nhiều mộng tưởng. Huyên lơ mơ nghĩ tới thời tuổi trẻ của mình, với những mối tình lãng mạn thoáng qua. Anh mỉm cười nhớ lại lúc tóc còn xanh và lòng nao nao tưởng đến tình yêu đầu đời với Uyển Nhi, hoa khôi thôn Vỹ ngày ấy. Biết bao trái tim đã thổn thức vì nàng nhưng có lẽ Huyên là người duy nhất lọt vào mắt xanh mỹ nhân. Thiếu nữ với cái tên họ dài lê thê của dòng họ Hoàng phái, Công Tằng Tôn Nữ Uyển Nhi. Nàng có đôi mắt xênh xếch đen láy, đôi lông mày cong như khéo vẽ, nét mũi thanh tú dọc dừa và nhất là miệng cười e ấp.
Uyển Nhi không dám cười lớn vì muốn dấu chiếc răng khểnh mọc cời tinh nghịch nơi khóe miệng tươi... Có lẽ mình sẽ ghé tạt về Vỹ Dạ:
...Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền...
Làm chi mình cũng ghé qua nhà nàng. Nơi có khóm tre xanh mát mà cơn gió hè khẽ ru êm cành mềm oặt làm đổ xuống những giọt nắng lung linh thêu hoa trên con đường nhựa đen êm ả. Anh nhớ nhà nàng với cái cổng gạch đồ sộ có khắc chạm những hình long ly kiểu cách hóa rất mỹ thuật. Rồi nhớ đến hai vòng tường cao chạy dài bao quanh ngôi phủ cổ kính. Giờ đây trải qua bao năm tháng hẳn đã rêu phong? Huyên làm sao quên được cây hoa giấy nép cuối tường đông, nở đầy những bông tím rưng rức mà cành ẻo lả vươn lên như muốn chồm ra khỏi khuôn tường vời vợi ngăn cách khuê phòng các nàng Tôn Nữ với thế giới bên ngoài. Huyên nhớ mỗi lần tới đó, gió hè thoang thoảng đưa hương cau tinh khiết cuối vườn đã làm ngây ngất lòng trí anh. Huyên mường tượng thấy lại dàn tre lênh khênh che rợp những ngọn trầu cay lá dày. Gần đó là vồng đất sum xuê trồng rau lang bò sát đất với những dải lá xanh mởn mơ. Huyên sẽ sống lại thời lui tới ngôi nhà từ đường cổ kính ấy. Bao nhiêu kỷ niệm trở về khiến anh chìm đắm vào giấc mơ hồi hương đầy hạnh ngộ.
Chuyến bay kéo dài tưởng vô tận cuối cùng phải ngưng, thả Huyên xuống phi trường Tân Sơn Nhất giữa khuya đèn mờ leo lét và không khí oi bức ngột ngạt. Sáng sớm hôm sau anh vội vã chuyển qua đường bay thẳng ra miền Trung. Huyên muốn tận dụng từng thời khắc để sống với nơi chốn thân thương thời trai trẻ. Phi trường Phú Bài đang được tân trang nên máy bay nội địa thả anh xuống Ðà Nẵng. Từ đó anh theo xe ca vượt đèo Hải Vân thẳng ra Huế. Sương sớm mát lạnh và mây trắng la đà trên đèo cao làm dịu tình cảm nôn nóng của người xa xứ nay quay về chốn cũ. Bờ biển xa xa sóng đuà bọt tung trắng xóa. Tháp nhà thờ xóm đạo Lăng Cô xam xám vươn cao giữa chốn cây cỏ xanh mơ.
Huyên cảm thấy thời gian như ngưng đọng, anh vẫn là chàng trai Huế với trái tim bồng bột nhịp đập si mê. Thuở ấy anh phải vào học tận Sài Gòn, vì Huế chưa mở trường Ðại học. Ngày lễ lại ngong ngóng quay về thăm nhà. Quốc lộ số 1 kéo dài quanh co qua những thôn làng nhỏ bé hiền hòa. Bây giờ bụi đường bốc cao mù mịt, bôi xóa mọi cảnh vật không cho Huyên thấy cảnh trí dọc ven lộ chỉ là những xóm nghèo xơ xác. Anh lim dim nhớ tiếc tuổi trẻ khờ khạo, với mộng tưởng chất ngất nên nhiều khi đã làm anh sống xa rời thực tế. Cho nên đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình họ không bền. Hai người tha thiết yêu nhau, tuy không thề non hẹn biển, người con gái hiền lành ấy luôn tin tưởng vào người yêu nhưng đâu dám hối thúc chuyện cưới xin. Chàng trai trẻ thì ham công danh cũng coi nhẹ việc hôn nhân ràng buộc.
Thế rồi, họ xa nhau. Con gái Huế vốn sống nhiều lý trí và ưa nghĩ ngợi xa xôi. Uyển Nhi chờ đợi mãi vẫn không thấy người yêu mở lời đòi hỏi cưới xin gì mình. Trong khi gia đình cô nhiều chị em gái, cha mẹ muốn cô mở hàng mau mắn để bầy em êm dầm mát mái thành gia thất tốt đẹp. Uyển Nhi im lìm không bằng lòng một ai. Cô quyết chờ đợi chàng. Về sau không biết vì lý do chi đã khiến họ xa nhau. Các em đều có gia đình êm ấm, riêng cô vẫn nhẫn nhục cảnh phòng đơn gối chiếc. Trong lúc ở Sàigòn, Huyên sống đời sinh viên xa nhà, bạn gái rủ rê hời hợt. Tin ấy bay về Huế khiến Uyển Nhi phiền muộn. Cô khép lại cõi lòng chỉ dành riêng cho một người. Những cánh thư dần thưa thớt cho họ có cớ chia tay. Nhưng đường đời muôn nẻo, Huyên lấy vợ. Cô gái là một sinh viên Văn khoa xinh tươi, người miền Nam tính tình xuề xòa dễ chịu, đã cho anh đàn con ngoan, gia đình anh coi như êm đềm hạnh phúc. Thời gian qua với bao dâu biển. Cuối cùng Huyên cùng gia đình trôi dạt đến Hoa Kỳ. Anh vượt biên trước rồi bảo lãnh cho vợ con. Cảnh đời họ yên ổn. Phần Uyển Nhi sống âm thầm hiếu thảo với cha mẹ, quên mình, chỉ biết nhớ nhung người xưa cùng kỷ niệm cũ. Huế trải qua lắm tang thương, cô héo hon trong hoàng hôn cuộc đời. Cho tới khi miền Nam mất vì quê hương thống nhất, tin tức về cố nhân càng mịt mờ, nhưng mãi lòng cô vẫn chôn chặt cuối hồn hình ảnh người yêu một đời.
Khi về tới Kim Long, quê nội của anh, Huyên vui mừng vì thấy song thân vẫn khang kiện. Nhà vườn nguyên vẹn, cây trái vẫn tốt tươi. Mặc dầu các cụ cũng đã trôi qua lắm nỗi lo âu từ hồi đất nước bị giải phóng. Nhưng nhờ con cái lưu lạc nước ngoài đã thường xuyên tìm hết mọi cách liên lạc để đền đáp công đức sinh thành nên hai cụ vẫn sống vững chãi giữa một Huế ngày càng nghèo khó.
Huyên đã vạch định chương trình mừng lễ Thượng Thọ trong vòng gia tộc. Nhưng anh không thực hiện được dự định vì song thân anh không muốn bị chính quyền dòm ngó rầy rà và các cụ cũng không vui chi khi thấy xóm làng quanh quất, dân chúng vẫn sống cảnh thiếu thốn cùng cực. Sau khi lo xong việc trên đầu trên cổ cùng chu đáo chuyện sưả sang mồ mả tổ tiên; hết tuần lễ thứ hai khi về với quê hương, Huyên mới lang thang đạp xe đạp đi thăm Huế của riêng mình lúc còn tuổi học trò.
Huế mùa hè, nắng chang chang, nhạc ve ra rả gợi anh nhớ tuổi học trò nao nức vào mùa thi. Huyên một mình tìm thăm các ngỏ ngách thuở đi học. Hàng phượng ven sông Hương lá xanh mướt đong đưa những cành mềm mại nặng trĩu những bông hoa đỏ thắm, vui như nắng hạ. Anh tìm tới sân trường Quốc Học vắng vẻ, nhìn đâu đâu Huyên cũng thấy ghi đầy vết tích của tuổi hồn nhiên, khi tóc xanh ngày hai buổi đến trường. Trên lầu cao, những khuôn cửa lớp đóng im lìm. Gió lao xao và tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói nâu buồn, khiến lòng Huyên ngẩn ngơ nhớ tiếc mông lung. Anh lửng thửng tìm qua thăm trường hàng xóm. Ngôi trường con gái tường quét vôi hồng thoáng sắc tím nhạt ấy...Ngày xưa biết bao lần Huyên đến đó đợi chờ người yêu bãi học về. Dù anh chỉ dám lẻo đẻo theo sau nàng xa xa mà sao không thấy chán. Lối về thôn Vỹ, bánh xe anh lăn mòn qua bao mùa nắng mưa không hề mỏi mệt. Bây giờ về lại Huế, nơi nơi đều gợi nhớ những hình ảnh dễ thương của ngày mới yêu lần đầu.
Qua hôm sau, Huyên ngập ngừng đạp xe đạp hướng về Vỹ Dạ. Ngang qua Ðập Ðá mát rượi vì hơi nước tỏa lên từ Hương Giang mênh mông. Anh ngắm những con đò xuôi ngược qua lại trên mặt nước gờn gợn sóng. Bên kia bờ ấy, phố xá nhộn nhịp bán buôn. Nhưng như anh đã thấy hôm trở lại Huế ngày đầu tiên, đại lộ Trần Hưng Ðạo sao buồn hiu trơ trụi. Anh nghĩ có lẽ vì thiếu bóng cây xanh. Hàng quán trông nghèo nàn thảm hại. Huyên không tìm đâu ra cảnh tươi vui của thời mình làm học trò. Hay có lẽ vì qua bao năm tháng chiến tranh đã làm cho Huế thanh lịch hóa nên bơ phờ. Nhất là sau 75, người dân Cố đô càng thêm trầm mặc. Hình như những người cũ cùng thế hệ của Huyên đã bỏ Huế mà đi xa. Chẳng thế, những lần bên ấy tổ chức ngày Hội Huế, anh đã gặp khá nhiều bạn bè, bà con cùng thế hệ. Cho nên khi quay trở về đây Huyên chưa hề chạm mặt ai gọi là quen biết.
Ðường xa, trưa buồn lóa nắng. Huyên hoảng hốt tưởng mình đã lạc lối bởi vì hai bên đường trống trơn. Anh tìm mãi vẫn không thấy đâu bụi tre cao ngất đan kín những cành lá xanh đậm. Anh ngậm ngùi nhấn pédale ngơ ngác kiếm tìm hình bóng cũ:
...Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo ai trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh...
Con đường lạ hoắc và gập ghềnh sỏi đá, ven lộ thì lở lói đến xót xa. Trơ ra trước mắt anh, những khuôn nhà trơ trẻn, không cho Huyên mường tượng nụ cười xinh e ấp các cô tôn nữ sau hàng chè tàu xanh um. Tất cả phơi bày lộ liễu cảnh tàn phai đang cố vá víu bằng những mái nhà lợp ngói đỏ đơn điệu cùng mấy mảng tường vôi thấp xủn, nhếch nhác nghèo nàn. Vỹ Dạ nên thơ đã biến mất tăm dạng. Huyên buồn rầu trước cảnh trí đổi thay đến tàn nhẫn ấy. Chân anh rời rạc quay mải miết những vòng pédale chán nản và lòng anh tái tê một nỗi mất mát không tên.
Như ngày xưa Huyên chỉ cần khoảng chừng mươi lăm phút đạp xe từ Ðập Ðá về là đã tới nhà Uyển Nhi. Nhưng nay dù đã qua gần nửa tiếng đồng hồ rồi, Huyên cố tìm kiếm vẫn không thấy đâu. Anh làm sao quên được cổng Tam quan của ngôi phủ nhà nàng, sừng sững nằm ven lộ với lối kiến trúc cầu kỳ. Mãi khi xe Huyên lạc xuống gần tới chợ Hương Mỹ, anh mới giật mình, ghé lại chiếc quán nước bên đường hỏi thăm người chủ quán trọng tuổi. Ông cụ cho hay ngôi phủ đó khách đã đi qua hơn cây số rồi. Ông ta nói, cổng xưa ấy nay phần lớn đã hư hao vì thời Huế bị bên kia pháo kích trước 75, nếu khách không thật chú ý sẽ khó lòng nhận ra.
Hơn tiếng đồng hồ sau Huyên ngỡ ngàng tìm ra được nhà cố nhân. Trưa đã xế bóng nên cái oi bức nơi đây đã giảm đi nhiều. Cổng Tam quan đồ sộ ngày xưa ấy nay chỉ còn trơ lại một mảng gạch đá rêu phong. Còn dãy tường cao nối tiếp bao quanh ngôi phủ thì biến đâu mất. Tít trên cao ngoằn ngoèo hàng trăm chiếc rể đa xám nâu đang bò xuống lượn quanh mấy viên gạch nằm lồi lõm cheo leo. Ðứng ngắm nghiá hồi lâu, Huyên quyết chắc đây là dấu tích cũ. Rồi anh dắt xe đạp men theo con đường đất đỏ len lỏi giưã hai hàng chè tàu mọc cao quá đầu người. Và mãi phía trong xa giữa khu vườn rậm rạp những luống rau đậu xanh um, anh thấy thấp thoáng một ngôi nhà nhỏ lợp tôn, xây bằng táp lô xám bẩn. Ngoài ra, cơ ngơi lộng lẫy của tòa phủ đệ nguy nga thuở ấy thì Huyên không sao tìm ra dấu vết. Bỗng từ trong ngách cửa một chú Vện xồ ra đón khách. Con chó uể oải suả mấy tiếng cho có lệ rồi ngoe nguẩy đuôi rảo cẳng theo sau khách lạ. Anh cong ngón tay gõ lên liếp cửa đóng sơ sài bằng mấy mảnh gỗ tạp và chờ đợi. Chặp sau có tiếng chân ai chạy ra. Cửa mở, anh thấy một thiếu nữ chừng mười lăm, mười sáu tuổi hiện ra ngơ ngác nhìn khách. Cô bé có nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy xênh xếch sao anh cảm thấy quen quen như đã từng gặp thấy đâu rồi. Cô gái nhỏ nhìn khách chăm chăm một lúc mới lên tiếng, giọng cô bé trong trẻo:
-Thưa chú, chú muốn hỏi ai?
Huyên nói:
-Cháu có biết gia đình bà Uyển Nhi trước ở đây, chừ có còn hay đã dọn đi đâu rồi không?
Thiếu nữ lắc đầu tỏ ý không biết. Cô ta ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
-Có lẽ cô của cháu biết. Chú chờ đây một chút đợi cháu vào hỏi.
Cô gái quay lưng đi chứ không lịch sự mời khách vào nhà. Chặp sau Huyên lại nghe tiếng cô ta chạy trở ra. Lần này cô bé mở rộng cả hai cánh cửa ọp ẹp và mời Huyên:
-Cô của cháu mời chú vô nhà uống nước ạ.
Giữa trưa mà phòng khách tối mờ mờ. Một tấm màn vải in hoa đã cũ nhưng sạch sẻ ngăn hai căn nhà. Huyên đứng tần ngần bên chiếc trường kỷ bóng lộn kê cạnh cái bàn gỗ vuông đóng thô sơ. Anh nhìn quanh, ngắm hàng cột đen mun chống mái rường có khắc chạm công phu nhiều họa tiết diễn tả về bốn muà xuân hạ thu đông. Anh nhận thấy như cột chống và rui mèn lấy từ chỗ khác lắp vào ngôi nhà mái tôn và tường trát vôi thô ráp này. Rồi Huyên chợt bàng hoàng khi nghe vang lên một giọng nói êm ái, âm thanh trong trẻo ấy anh làm sao có thể quên được:
-Hạ Huyền, cháu vô bắt ấm nước sôi pha trà đi!
Huyên như muốn lảo đảo vì tưởng mình đang sống lại ngày xa xưa. Uyển Nhi xinh tươi của anh sẽ hiện ra trong giây lát. Anh hồi hộp quá sức nên đã quay đầu hướng ra ngoài sân. Nắng ngoài ấy lấp lánh reo vui. Tiếng chim ríu rít trên mái nhà rộn ràng như tiếng trái tim Huyên lúc đó. Và anh nghe tiếng nàng dịu dàng hỏi:
-Dạ xin vô phép hỏi, thưa ông là ai? Và quen biết như thế nào với bà Uyển Nhi?
Huyên quay lại và tim anh nhói buốt. Có phải đây là người xưa anh hằng tưởng nhớ? Người đàn bà luống tuổi gầy yếu, mái tóc búi lỏng sau gáy màu xám bạc và khuôn mặt khắc khổ in đậm nét thời gian. Dáng dấp đài các anh đã từng gặp trong quá khứ, vô lẽ là người này sao?! Thấy khách im lặng, bà già lại ân cần lên tiếng:
-Dạ thưa...cháu Huyền vào nói là ông muốn biết tin tức về bà Uyển Nhi phải không ạ?
Huyên sững sờ trước thực tế phũ phàng. Bà cụ là người ấy, là em đó sao? Là Uyển Nhi mơ mộng của hơn ba mươi năm về trước mà tôi hằng thương nhớ? Tôi không tin đâu. Anh bật hỏi ngu ngơ:
-Thưa tôi từ xa về thăm Huế, và tôi muốn gặp lại Uyển Nhi. Chúng tôi ngày xưa là bạn bè thân thiết.
Bà già có vẻ hoảng hốt, lùi lại sau một bước, một tay đưa lên trước ngực áo. Chiếc áo màu lam buồn như tuổi già của bà.
-Dạ, mấy năm trước Uyển Nhi còn ở đây. Nhưng...lâu rồi, bà ta đã chuyển đi tỉnh khác ở với gia đình người cháu.
Chủ nhân nghe như có tiếng thở ra nhẹ nhàng của ông khách. Thật vậy, Huyên tươi tỉnh hẵn người sau khi nghe bà già phá tan bầu không khí ảm đạm vì anh đã dám ngộ nhận bà ta là cố nhân của mình. Huyên lại mơ mộng về người thương nhất đời của anh. Huyên hỏi, giọng chìm xuống như một lời tâm sự:
-Ngày xưa, cô Uyển Nhi với tôi rất thân. Về sau chúng tôi chia tay vì cô ấy hiểu lầm tôi. Có một thời chúng tôi sống xa cách nhau quá. Còn xứ Huế này thì ưa gây chuyện bất hạnh cho những người còn quá trẻ như chúng tôi thuở đó... Thưa bà, bà có thể cho tôi xin địa chỉ của Uyển Nhi?
Huyên ngừng lại rồi nói thêm:
-Xin bà tha lỗi, tôi quen nết gọi tên cô ấy. Dạ thưa, còn về bà Uyển Nhi, gia đình bây giờ chắc hẵn cũng con cháu nội ngoại đầy đàn?
Cô cháu gái dễ thương vừa lúc ấy từ phiá sau bếp bưng ra một khay trà thơm ngát hương sen. Bà cô ra dấu cho cháu đặt khay lên chiếc bàn gỗ ngăn cách giữa chủ và khách. Bà cẩn thận sưả lại ấm chén, rót trà vào hai tách sứ men xinh xinh rồi nhỏ nhẹ mời Huyên:
-Huế mùa hè oi bức, gia đình chúng tôi neo đơn nên chỉ có tách trà mời ông giải khát.
Khách đang mải ngắm nghía quanh quất nên lơ đãng cám ơn bà ta. Huyên cầm tách trà khẻ hớp giọng rồi đứng lên đi dãn chân. Năm nay anh cũng đã suýt soát lục tuần, mặc dầu trông bề ngoài dáng dấp Huyên tưởng chừng khoảng năm mươi trở lại. Anh đi đứng tự nhiên như người thân trong gia đình. Rồi anh chợt thầm thì như chỉ nói cho một mình mình nghe:
-Ngày xưa ở đây vui lắm, cảnh đẹp người đông mà nhất là ai cũng xinh tươi. Phủ này nổi tiếng vì có cô tiểu thư hoa khôi một thời!
Bà chủ lớn tuổi có vẻ tôn trọng sự hồi tưởng của khách nên chỉ lắng nghe mà không hề lên tiếng. Huyên im lặng trầm ngâm bên chén trà thơm. Anh đăm đăm ngó ra ngoài vườn như thử cố tìm lại cảnh xưa. Ngoài ấy nắng reo vui đuổi gió trưa hè chập chờn trong bụi miá trồng cuối sân. Huyên mường tượng âm thanh tiếng ai cười nói lao xao làm trái tim anh tràn ngập nỗi nhớ thương...
-Dạ thưa ông, ông có phải là... ông Tường Huyên?
Anh giật mình quay ngoắt lại nhìn sững vào mặt chủ nhân, hỏi:
-Vâng, Huyên là tôi, nhưng thưa tại sao bà lại biết?
Rồi Huyên chăm chú vào người đối diện. Anh xúc động vì trong phút giây, lớp khói sương mơ hồ của thời hiện tại chợt tan biến đi và trước mắt Huyên là chân dung của nàng hiển hiện. Người đàn bà mà mái tóc điểm bạc thoạt tiên hóa trang thành luống tuổi, nay ánh mắt dịu dàng long lanh niềm hạnh ngộ. Thoáng chút sắc hồng ửng lên gò má và làn môi khắc khổ chợt nhạt nhòa để hiện ra nét cười bẻn lẻn. Huyên thảng thốt kêu lên:
-Uyển Nhi! Phải là Uyển Nhi của Huyên đó không?
Người đàn bà nhè nhẹ gật đầu:
-Dạ, chắc là anh đã thất vọng vì tôi quá đổi thay, phải rưá không anh Huyên?
Giọng cô ấy vẫn thanh thoát, âm thanh nao nức dễ thương như ngày nào hai người còn là của nhau. Huyên đứng lên bước gần tới người xưa, vươn hai tay ra nắm chặt lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn của Uyển Nhi. Ðôi tay nàng tuy vẫn còn mềm mại và mát rượi, nhưng làn da mất hết vẻ mịn màng. Nhưng Huyên không để ý tới vì lòng anh đang ngất ngây niềm thương yêu ngày trước.
Hai người ngồi trân ra nhìn nhau. Thời gian như lắng đọng. Ba mươi năm họ mất nhau nay tìm lại được. Mải Huyên mới lên tiếng trước:
-Lâu quá rồi xa Huế-e tới hơn ba chục năm?
Uyển Nhi sửa lại:
-Ba mươi năm và sáu tháng lẻ mười ngày Huyên đã rời Huế và bỏ đi!
Huyên nhìn sững vào mắt nàng. Anh thẫn thờ vì cô đã đếm từng tháng đợi năm chờ. Trong khi ấy anh mải vui đường xa xứ lạ. Có nhớ người xưa chỉ là một nỗi nhớ mơ màng trong tâm tưởng. Huyên hỏi bạn:
-Cũng tại vì mình về sau không hề được thư Huế gửi vào. Hồi đó bạn đã giận tôi vì nghe lời người ta bày đặt thêm bớt đủ điều. Còn tôi thì mô có làm chi nên tội. Suốt một đời tôi chỉ thương nhớ một người. Uyển Nhi, bạn có tin lời tôi nói không?
Huyên nghe tiếng cô ấy thở dài. Hai người lại im lặng nhìn nhau. Anh cảm thương, ngắm dáng vẻ ưu tư của nàng. Nhìn mái tóc ngày xưa êm mơ như suối huyền nay đổi ra màu hoa râm. Nhưng trừ mái tóc ra đã khiến cho nàng chịu ảnh hưởng rõ rệt của thời gian, anh nhận thấy bạn mình không đến nổi tàn tạ. Duy làn da hơi xanh, và đôi môi nhạt có lẽ vì không tha thiết gì đến việc điểm tô. Riêng ánh mắt nàng thì vẫn trong sáng khi nhìn lại anh.
Huyên liên tưởng đến những người cùng trang lưá với anh bên ấy. Nhất là phía nữ. Các bà các cô tha hồ mượn màu son phấn đánh lưà thời gian. Thật vậy, nhiều bà ngoài sáu mươi thoạt trông qua cứ ngỡ là tứ tuần. Lắm bà mất công tới thẫm mỹ viện tân trang lại mặt mũi theo một kiểu diễm kiều nào đó. Cho nên trong một sớm một chiều, từ chiếc mũi Á đông khiêm tốn hoá ra mũi dọc dưà thanh tú. Mắt sụp mí vì tuổi đời bỗng trở nên sâu thẳm với bóng mi đậm huyền hoặc tưởng làm say đắm lòng người. Có bà mon men bảy mươi còn vui vẻ lên xe hoa, mà chàng rể tóc vàng mắt biếc kém nàng mươi tuổi vẫn hào hứng đưa người đẹp ngao du khắp các danh lam thắng cảnh xứ người. Huyên ngậm ngùi thương bạn. Anh tự nhiên sinh ra ngạo đời, sinh ra triết lý vụn từ lúc nào. Rồi anh thấy hình như cái đẹp tâm hồn mới là cái đáng trân qúy nhất. Từ suy nghĩ ấy dù cho cố nhân có tàn phai nhan sắc anh vẫn tìm thấy nơi nàng những dáng dấp thân thương ngày cũ. Trước mắt Huyên cô ấy hiển hiện một Uyển Nhi hiền thục và duyên dáng, thuở nào từng làm tim anh bồi hồi rung cảm. Hai người hàn huyên tâm sự cho tới lúc nắng đã tắt hẵn ngoài kia, Huyên mới bịn rịn đứng lên từ giã bạn. Anh hẹn hôm sau sẽ trở lại. Còn người đẹp thôn Vỹ ân cần dặn dò anh, nhớ nhịn bụng để cho cô được mời anh cùng ăn bửa cơm hội ngộ. Uyển Nhi nói:
-Chúng ta vẫn coi nhau là bạn thân phải không? Anh Huyên, anh chịu khó tạm xa một ngày phù hoa của đời sống Mỹ nghe! Vì mình sẽ cho bạn thưởng thức hương vị đơn sơ của quê nghèo.
Khi chia tay nhau, tối hôm đó cả hai người bạn cũ đều thao thức và trăn trở vì nhớ lại một thời êm đẹp đã qua từ thuở nào xa lăng lắc.
Khi Huyên tới, vườn xưa còn đẫm sương mai, cỏ cây trong vườn tươi mát.Anh thủng thẳng dạo bước quanh sân, ngắm trời mây mà lòng lâng lâng vui thú. Chủ nhân và cô cháu gái hình như không có nhà và con Vện bữa ni thân thiện nguẫy đuôi ra đón anh.
Từ lúc mờ sáng anh đã rời nhà ở Kim Long. Và như một người rảnh rổi nhất ở bên kia Ðại dương, Huyên diện bộ đồ ngắn gọn vào, chân đi đôi addidas cũ quen mang, rồi cao hứng chạy bộ một vòng thăm thú Huế khi ngày mới lên. Anh chạy nhẹ nhàng. Chân nhịp đều đặn qua cầu Bạch Hổ, rồi nóng máy xuôi về dọc Hữu ngạn sông Hương, rẽ qua cầu Trường Tiền.
Trong buổi sáng tỉnh lặng của Huế hiền hòa, mấy o gánh gánh bún kĩu kịt tò mò lén nhìn Huyên tủm tỉm cười. Anh nhớ ngày xưa mẹ anh thường kêu gánh bún bò An Cựu vào cho cả nhà điểm tâm. Hồi đó nhà cha mẹ Huyên còn ở phiá trong Thành nội, nhà ông bà nội Huyên thì ở tuốt trên Kim Long như bây giờ. Anh nhớ bún bò nấu kiểu An Cựu khi nào cũng có thêm miếng huyết heo luộc chín. Tô bún thơm cay và giá thiệt bình dân ngày ấy, cho chàng trai mới lớn ăn no nê tận tình. Rau sống xắt rối ăn kèm theo bún là bắp chuối sứ chát chát ngọt ngọt nhưng ăn hoài sao không thấy chán. Bữa ni ăn, ngày mai vắng đã thấy thèm. Vưà nhớ kỷ niệm xưa, chân Huyên dẻo dai chạy rẽ về hướng chợ Ðông Ba.
Huyên dừng lại nơi dãy hàng hoa, lựa mua một bó hoa khổng lồ đủ loại. Thược dược tím thẫm, hoa cúc màu vàng anh, mồng gà tươi thắm thêm mấy bông hồng cánh còn e ấp hàm tiếu và long lanh những hạt sương. Mùa hè nên hoa sen tươi đẹp, thơm ngát. Anh nhờ cô bán hàng lựa cho anh những đóa sen hồng và sen trắng đẹp nhất. Cô hàng hớn hở vì được ông khách Việt kiều rộng rãi mở hàng. Bao nhiêu là hoa nên Huyên không cách chi ôm cho xuễ. Anh dặn người xích lô trẻ chờ đó vì anh còn mua sắm nưã.Chú chàng sẽ bao thầu chở giúp anh tất cả về nhà Kim Long. Huyên ghé vào sạp vải phiá trong chợ chọn mua tặng bạn mấy xấp luạ ngoại quốc óng ả màu sắc trang nhã. Anh không quên quà cho cô cháu nhỏ Hạ Huyền một lô trâm cài lượt dắt xinh xinh. Toàn những món mấy cô con gái cưng của anh bên ấy vẫn ưa dùng. Thì ra bây giờ bên ni hàng của Mỹ bày bán ê hề, đâu có thua chi bên nớ. Cô hàng hoa tế nhị khi anh trở ra đã từ lúc nào mua dùm ông khách sộp hai cái độc bình bằng gốm Biên Hòa trông thật mỹ thuật. Cô ta góp ý:
-Cháu tính hoa nhiều như ri sợ nhà người quen của chú không đủ bình để cặm.
Huyên gục gặt đầu cám ơn cô bé đã chu đáo lo giúp mình. Huyên dặn cô hàng gói riêng mấy chục hoa sen vào trong lá sen, vì anh sẽ nhờ bạn đem hoa sen lên chùa cúng Phật.
Sáng sớm mát trời bà con đang còn rảnh rổi việc mua bán nên xúm quanh chuyện trò thân mật với người khách Việt kiều bình dân vui tính. Huyên đãi cà phê cho cả chục chàng trai bạn chú xích lô đợi chở hoa của mình. Anh còn hào phóng mua mấy gói thuốc lá ngoại cho họ đưa thơm, chia vui niềm hạnh phúc hồi hương của anh. Riêng cô hàng hoa và mấy bà bán hàng quanh đó Huyên không quên mời họ cùng ăn với anh làm sao cho sạch bách gánh bún bò An Cựu. Bởi vì o gánh bún hồi nãy anh gặp trên cầu đang dừng chân dòm anh tỏ ý được anh mở hàng may xưa
Một buổi sáng ngập tràn hạnh phúc cho Huyên khi trở về với Huế thân yêu.
Huyên đi lui đi tới trong vườn ngắm nghiá mấy vồng rau đậu xanh tươi được trồng ngay ngắn lớp lang. Anh săm soi dòm những cây ổi rậm lá, thấy thấp thoáng giữa đám lá cành đã có những trái ổi xá lị trắng bóng sắp hái ăn được. Huyên không ngờ ngôi phủ ngày nay tuy vắng lầu các phòng ốc với tòa ngang dãy dọc, nhưng thay vào đó là vườn cây trái chăm nom cẩn thận. Giưã lúc ấy thì hai cô cháu Uyển Nhi trở về. Hai người hai chiếc xe đạp chở đầy giỏ trước giỏ sau ăm ắp đồ đoàn. Một mệ gà mái tơ đang thò cổ ra khỏi giỏ mây ngơ ngác dòm Huyên. Anh nghĩ, tội nghiệp vì chàng mà trưa nay nó được hóa kiếp. Chủ khách chào nhau thân thiết như họ chưa hề xa nhau ngày nào.
Huyên nhìn bạn, hôm nay trẻ trung hẵn ra. Trong chiếc áo ngắn màu dâu hồng nhạt mặc trên chiếc quần lụa đen, bạn anh tươi tắn chứ không ủ ê như ngày hôm qua. Chiếc nón lá che khuất mái tóc điểm bạc và nắng ban mai lồng qua lớp lá mỏng đã khéo làm ửng hồng hai má nàng. Huyên chợt thấy rộn ràng lòng thương mến.
Chú xích lô đem vô bao nhiêu là hoa tươi làm chủ nhà phải ngạc nhiên. Huyên đã đưa địa chỉ ở đây và hẹn chú ta chở thẳng hoa tới nhà Vỹ Dạ, còn anh đạp xe đạp tới nhà Uyển Nhi. Anh cám ơn và thưởng cho người xích lô trẻ hai trăm ngàn đồng, tức chưa tới 20 đô la. Chú tài xế xe ba bánh có vẻ thư sinh ấy mừng rỡ, với một cuốc xe nhẹ nhàng như sáng nay, chú đã kiếm được gần cả tháng lao động. Bởi vì ở cái xứ Huế nghèo nàn này, dân chúng quen tiết kiệm nên hiếm ai đi xích lô, để khỏi lãng phí tiền bạc vốn càng lúc càng khó kiếm.
Trong lúc Uyển Nhi lo làm cơm đãi khách trong bếp, Huyên ra vườn phụ cô cháu nhỏ kiếm củi. Hạ Huyền ôm mấy ôm bẹ dưà đã phơi khô từ lâu vô cho bác Huyên chẻ ra thành từng thanh nhỏ. Nhà nghèo muốn khỏi tốn tiền mua củi, dân chúng thường tận dụng cành khô lá khô lượm trong vườn rồi chất để dành sẵn mà chụm bếp quanh năm. Hai bác cháu vưà làm việc vưà trò chuyện tương đắc. Huyên kể cho cô cháu nghe về tình bạn thân của chàng với người cô của Hạ Huyền. Cô bé cho anh hay cha của cô ta là em trai út trong gia đình. Ông là cựu sĩ quan ngụy nhưng tù chưa tới ba năm nên không được đi Mỹ theo diện H.O. Hiện nay ông vào làm phụ thợ hồ trong Ðà Nẵng, còn mẹ cô cũng theo vào trong đó với hai đứa em nhỏ. Cô bé chép miệng than:
-Ði tù về cực bắt chết mà ba mẹ cháu còn ưng sinh thêm hai em bé nữa đó bác!
Huyên cười an ủi:
-Lo chi cháu, trời sinh voi trời sinh cỏ. Mọi sự rồi cũng tốt đẹp cả thôi.
Chàng hỏi thêm:
-Rưá là cô Uyển Nhi nuôi cháu ngoài ni. Hai cô cháu sinh sống bằng cách chi?
Hạ Huyền thủng thẳng kể, vì người cô trước đây là cán sự điều dưỡng Nhà nước ngụy, nên sau 75 Cách mạng sa thải không cho làm công chức, bà phải làm y tá chui ở nhà.
Ðang nói cô bé chợt cao hứng vô chi tiết thú vị:
-Họ là Bác sĩ mà lạ ghê, mổ ai chết nấy bác ơi! Bà con quanh xóm mỗi lần đau ốm đều tìm tới cô bác sĩ vườn của con thầu láng!
Nói xong cô bé cười trun mũi ngó thiệt dễ thương. Huyên lại hỏi:
-Còn cháu, khi mô thì lấy chồng đây?
Thiếu nữ trợn tròn mắt nhìn ông bác;
-Không bao giờ! Cháu ghét chuyện nớ lắm...
Rồi cô bé ghé sát tai Huyên thì thầm có vẻ bí mật:
-Cháu noi gương cô Uyển Nhi thù đàn ông đó bác ơi!
Cô ta cười phá lên làm Huyên đang nghe nghiêm trang cũng phải tức cười theo. Chàng lại hỏi:
-Răng cháu biết cô của cháu thù đàn ông?
Hạ Huyền ngó thẳng mặt ông bác và láu lỉnh trả lời gọn một câu:
-Dạ, là do ảnh hưởng của ông Tường Huyên ạ!
Huyên im lặng, chàng thẫn thờ nhìn về phiá ngôi nhà nhỏ giờ này chợt thấy một cụm khói đang tỏa lên ẻo lả từ ống khói nhà bếp. Lát sau Huyên thở dài đứng lên nói với cháu:
-Củi chừng nớ chắc đủ dùng rồi cháu hí?
-Dạ, bác lao động tốt như ri, cả tháng sau nhà ni củi dư sức xài!
Hai bác cháu sau đó ôm một mớ củi vào cho nhà bếp. Người cô đang lui cui nấu nướng. Hai má đỏ bừng vì bếp lưã. Huyên ngó thấy và sững sờ. Hình ảnh sao quá thân thương của một mái ấm gia đình hạnh phúc. Sau hơn ba mươi năm rời Huế mà đi biền biệt, trái tim Huyên nhói buốt vì mình đã dại dột đánh mất một quãng đời vô cùng trân qúy.
Ba người ngồi quanh chiếc bàn gỗ tạp đựng đầy thức ăn nóng sốt. Bình hoa rực rỡ bày chính giưã bàn nên ra vẻ một bữa tiệc sang trọng. Huyên vưà hít hà vưà ngắm nghiá những đĩa tô đựng bao nhiêu là món ăn chàng biết trước sẽ rất ngon lành. Bạn anh lên tiếng mời:
-Bác Huyên cầm đũa dùng cho cô cháu tui ăn theo kẻo nguội lạnh.
Khách ngẫng đầu nhìn bạn rồi trịnh trọng nói:
-Cám ơn bạn, đã cho mình bữa cơm hội ngộ này. Sau hơn ba mươi năm chia tay, tạ ơn Trời Phật chúng ta vẫn còn sống an lành để chừ gặp lại nhau...
Cô gái nhỏ ngước mắt nhìn quanh. Ông khách nói nửa chừng thì ngưng có lẽ vì nghẹn ngào. Còn người cô đang quay mặt ra đằng sau. Cô bé thấy bà chớp mắt nhiều lần, chắc để ngăn mấy giọt lệ mừng tủi?
Hạ Huyền phá tan bầu không khí cảm động, lên tiếng:
-Cháu mời bác Huyên, mời cô thời cơm, cho cháu thời theo vì cháu đói quá rồi đây nì!
Uyển Nhi vờ trừng mắt như muốn mắng đưá cháu vô phép. Bà co ngón tay gõ nhẹ lên đầu con bé:
-Thì ăn đi, con gái con gung chi mà hư quá!
Thiếu nữ nhìn bác khách mời lần nưã:
-Bác ăn đĩa gỏi ni trước, gỏi ngó sen Tịnh Tâm chua chua ngọt ngọt. Tiếp theo là gà tơ xé phay, thịt mềm thơm vị rau răm cay; tiếp nữa là canh mướp đắng, đặc biệt cô con mừng bác nếm vị cay đắng cuộc đời nì...Bánh cuốn quê hương nhân ngũ vị.
-Thôi đủ rồi bé, mi lắc xắc quá!
Người cô cắt ngang lời rao hàng của đưá cháu gái xí xọn. Bà nhẹ nhàng nói với bạn:
-Anh Huyên dùng thử coi có vưà miệng không. Bạn đi xa tới xứ văn minh giàu có nhứt thế giới, sợ ăn món ăn Huế quê mùa không còn hợp vị.
Huyên buồn bã không nhìn ai đáp:
-Mình cảm thấy no nê, vì không ngờ còn trở lại Huế như hôm ni...Thôi, mọi người cùng ăn một lần đi!
Khách cầm đũa gắp miếng bánh cuốn trắng trong, ở trên mặt là một con tôm chua xinh xẻo ướt rượt màu cam hồng, bên dưới lát ba chỉ mỏng dính, lấp ló cọng rau muống xanh, dúm bún trắng, mẫu khoai lang vàng ngậy. Anh cẩn thận chấm miếng bánh vào chén nước tương sánh nâu óng vàng có rãi đậu phụng bùi, chưa ăn Huyên đã ngây say hương vị đậm đà. Huyên nói:
-Nội cái bánh cuốn đơn sơ ni đủ cô đọng cả trời xứ Huế trong đó.
Hạ Huyền nhìn bác có ý thắc mắc. Huyên nghiêng đầu trả lời cô bé:
-Theo bác, người Huế mình tham lam lắm. Rau muống xanh nhiều chất đạm, hiền, khoai lang dẻo bùi nhiều bột. Thịt ba chỉ xắt thiệt mỏng, dân Huế đi xa nói, chỉ về đây mình mới thưởng thức miếng thịt heo không ngán. Heo cỏ nên da mỏng, mỡ béo chỉ bám chút xíu làm duyên, còn mùi vị thì thơm thơm quyện với sợi bún nhỏ rí. Như rưá có phải miếng bánh cuốn ni bao gồm vưà hương sắc thiên nhiên vưà đầy đủ chất bổ. Cháu nghe bác lý sự như rưá có đúng không nà?
Hạ Huyền ngẩn ngơ vì lời giải thích của ông bác có lý ghê. Cô săm soi ngắm nghiá miếng bánh vừa gục gặc đầu tỏ ý khâm phục lời của người khách Việt kiều. Mới trưa hôm qua ông ta còn xa lạ mà nay cô thấy thân thuộc như thuở mô tới chừ. Cô lén nghĩ thầm, hèn chi cô hai mình không tương tư một đời ông bác! Cô liếc qua người cô, Uyển Nhi không nói không rằng, mặt mũi vẫn lạnh tanh. Cô bé bắt chước khách cũng phân tích thầm trong bụng. Bà cô mình đang sóng gió nổi lên trong lòng mà bên ngoài là hỏa diệm sơn thời lắng đọng. Con gái Huế mà! Thiếu nữ mới qua tuổi trăng rằm nhưng đã được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh trầm mặc. Núi sông ấy un đúc từ khi nào con người Huế thâm trầm.
Ba người ăn uống mãi cả tiếng đồng hồ vẫn chưa xong. Trong lúc hai bác cháu thành một cặp tri kỷ đối thoại tương đắc về ẩm thực; Uyển Nhi chỉ lắng nghe tưởng như lơ đãng mà thật ra tự thâm tâm xao động những buồn vui khó tả.
Mãi đến xế trưa họ mới dùng qua món tráng miệng. Trái cây Huế chín tới, nhà vườn mới hái xuống đem bán, nên mua về ăn ngọt hết sức. Muà hè nên Huyên được nếm nhãn lồng Nguyệt Biều, hột nhỏ rức mà cơm dày nhai dòn tan. Anh còn được ăn mãng cầu gai nữa. Lâu quá rồi Huyên toàn ăn loại mãng cầu dai trong Nam, múi nhiều hột ít nhưng làm sao bì được với mãng cầu gai của Huế. Trái lớn vì được ‘dú’ trên cành, đợi cho gai nở toàn diện nhà vườn mới hái xuống. Mãng cầu gai chín, vỏ ửng hồng xen giữa sắc lục non, cầm trong tay thấy nặng và mềm. Mỗi trái to có khi cầm tràn lòng bàn tay người lớn.
Ăn uống xong xuôi, Huyên dành phần rửa chén, nhưng hai cô cháu Hạ Huyền đều bất bình. Vì làm sao họ lại chịu để cho người đàn ông làm công việc bếp núc nhỏ nhen như thế, mặc dầu khách nói bên Mỹ là bình đẳng, anh chuyên giữ công tác nhẹ nhàng này, vì nấu nướng là phần của mẹ con Trâm cáng đáng rồi!
Buổi chiều nắng dịu xuống, Huyên theo chân bé Hạ Huyền ra bến sông sau vườn chơi. Thiếu nữ lo rửa chén bát, còn khách thì ngắm cảnh. Huyên chợt thấy lòng xao xuyến vì trước mắt anh lau lách đìu hiu ven sông nào khác chi thuở ấy. Cách một dòng nước lặng lờ, bên kia là cồn đất đỏ, rợp rờn những bụi miá có thân đỏ au, xa xa hàng bắp đã trổ cờ trắng xóa đang phất phơ theo gió...Anh nhớ thuở đó có lần đã bơi qua bên kia cồn với người anh Uyển Nhi. Hai người hái trộm bắp đem về nhà luộc ăn tươi. Bắp vưà hái xuống ăn liền nên ngon ơi là ngon. Mẹ của nàng còn mua thêm bắp non về xát mỏng nấu chè cho cả bầy trẻ háu ăn. Nhớ lại những kỷ niệm ấy khiến lòng anh ngậm ngùi. Anh định bụng thế nào cũng rũ cô ấy đi thăm mộ những người thân đã nằm xuống vĩnh viễn.
Huyên quay về nhà tìm bạn để chuyện trò thêm vì anh chưa hỏi chi nhiều về Huế. Vưà lúc anh thấy Uyển Nhi đang đứng trong lùm mía gần nhà nàng, có lẽ cô muốn đốn mía vào đãi khách. Huyên bước vào rồi dành lấy cây rựa trên tay nàng. Huyên nói:
-Ăn mía bữa ni lại nhớ đến lần uống nước mía ép trên quán nhà ga. Nhi còn nhớ không? Hôm đó hai đưá mình đều không ai đem tiền theo mà vì khát quá nên cứ vào uống rồi tính sau...
Nhi cười khúc khích tiếp nối kỷ niệm:
-May mà quán họ cho tụi mình uống thiếu tiền, nhưng cũng không lạ chi vì anh là dân quen ăn chịu mà!
Hai người hồn nhiên nói cười, vui vẻ như ngày nào cuộc đời chưa hề xảy ra sóng gió. Thuở vẫn hẹn hò nhau, chàng chở nàng khắp nơi khắp chốn, như thử một lời đính ước, một sự bạch hóa với cả xứ Huế khó tánh ngày đó.
Hai người đốn luôn chục cây mía, vưà ăn vưà để dành bán cho bạn hàng quen tới tận nhà mua về róc vỏ đem đi bán lẻ. Từ nhiều năm nay, bạn của anh đã kiếm thêm tiền chợ bằng cách trồng rau đậu trái trăng trong vườn. Nhờ Uyển Nhi lam lũ chịu khó tưới bón hôm sớm nên hoa màu tốt tươi, cọng với tiền hành nghề bác sĩ vườn-chui nên hai cô cháu nàng cũng đủ sống đạm bạc rau cháo qua ngày.
Huyên giúp bạn quét dọn lại sân vườn, sau khi họ đã đốn hết phần tư bụi mía. Có một lúc anh ngẫng đầu lên, chợt nhìn thấy Uyển Nhi hai má đỏ bừng vì lao động tốt, nên trông đáng yêu quá. Huyên thấy vài cọng lá khô bám trên vai áo nàng, anh bước tới gần và đưa tay phủi cho sạch. Uyển Nhi khẽ rùng mình vì sự đụng chạm ấy. Huyên cũng xúc động và không cưỡng được tình cảm trào dâng, anh ôm vai Uyển Nhi vào sát ngực áo mình, khẽ hôn một bên gò má nóng bỏng của nàng. Nụ hôn nhẹ như gió thoảng nhưng tưởng chừng muốn đốt cháy cả người cô. Uyển Nhi run lẩy bẩy và hai tay tự nhiên níu chặt lấy vai áo Huyên. Trái tim cô đập rộn ràng không khác chi ngày ấy cách nay hơn ba mươi mấy năm, lần đầu tiên được người yêu tỏ tình và tiếp theo là nụ hôn vụng về lên má lên môi như hôm nay.
Bỗng từ phiá sau nương vang vang giọng hát tươi trẻ của Hạ Huyền. Uyển Nhi như bừng tỉnh, vội vùng ra khỏi vòng tay xiết chặt của chàng rồi cô bỏ chạy vô nhà khiến Huyên ngơ ngác nhìn với theo. Lát sau anh cũng theo vào. Nhi đang im lặng thu xếp vào tủ chè mớ chén bát Hạ Huyền vưà rửa xong đem lên từ bến sông sau nhà. Huyên bứt rứt, anh cảm thấy có lỗi vì mình đã khuấy động cuộc sống yên tỉnh của cố nhân. Nhìn nét mặt dàu dàu của bạn, anh hối hận vô cùng. Huyên đã tự dặn lòng mình, khi tới đây phải giữ cho tình cảm họ được trong sáng. Anh rất quý trọng Uyển Nhi, người bạn gái một đời vì anh mà giữ gìn trinh trắng. Vậy mà nay anh đã mềm lòng lôi cuốn nàng vào sóng gió. Vẫn biết đó chỉ là một nụ hôn nhẹ, một vòng tay ôm chưa thiệt sự khít khao. Phần anh, Huyên không một chút mặc cảm tội lỗi với Trâm. Bên ấy, bạn bè nam nữ lâu ngày gặp nhau, ôm nhau, hôn nhẹ mừng rỡ là chuyện thường. Nhưng mà về phiá nàng, chắc chắn Uyển Nhi xao động ghê lắm.
Hai người lại ngồi đối diện nơi bàn tròn nhưng không ai nói lời nào. Mãi Huyên lên tiếng trước:
-Xin lỗi bạn... suốt đời Huyên, Nhi là người Huyên thương quý nhất nên...
Uyển Nhi ngắt lời anh:
-Thôi anh, anh đừng nói chi hết. Do lỗi tôi, vì anh là đàn ông tình cảm khi mô cũng rộng rãi. Nhưng còn gia đình anh, chị Trâm và các cháu ngoan bên ấy. Tôi nghĩ chúng mình nên dừng lại. Kiếp này vô duyên, xin hẹn kiếp sau.
Huyên nhìn thẳng vào khuôn mặt tái xanh của Uyển Nhi, xúc động nói:
-Cám ơn Nhi, Huyên sẽ nghe theo lời bạn.
Vưà lúc đó Hạ Huyền bước ra xin phép cô và bác khách, được tới chơi nhà bạn chặp tối mới về. Huyên nhân dịp chào từ giã cháu gái dễ thương, tặng gói quà xinh xinh làm kỷ niệm cho Hạ Huyền. Huyên nói lớn:
-Cháu ở lại mạnh giỏi nghe. Ngày mai bác trở vô Sàigòn để về Mỹ, không biết tới khi mô thì gặp lại cháu.
Thiếu nữ đứng sững giữa nhà, la lên:
-Răng lạ rưá bác? Còn chuyện cả nhà mình sẽ đi núi thăm mộ ông bà nội, thăm lăng tẩm, thăm chùa... như bác đã hưá rồi mà!
Huyên không nhìn ai, chàng nói như phân bua:
-A, tại vì chừ bác sực nhớ ra đã lỡ có một cái hẹn business quan trọng trong Sàigòn, nên phải bay vô gấp để giải quyết với người ta. Thôi cháu à, quả đất tròn, bác cháu mình chi cũng còn lúc tái ngộ mà!
Nói xong Huyên đứng lên dang rộng hai cánh tay ôm cô cháu bé bỏng vào lòng. Chàng hôn lên mái tóc đen mượt thơm mùi bồ kết của Hạ Huyền. Anh chợt nhớ tới mấy đưá con gái cưng của mình, nước mắt Huyên bỗng rưng rưng tưởng chừng như mình sắp phải xa lià nó, cũng là đưá con ruột thịt của mình, mãi mãi. Thiếu nữ cũng mủi lòng. Hạ Huyền đỏ hoe hai mắt, cô rúc mãi vào lòng bác. Cô mới quen với ông bác, vưà thấy thân thương ghê lắm, thì nay bắt phải chia tay biểu sao không buồn. Cô ngước lên nhìn bác vưà tấm tức nói:
-Cháu biết bác về bên nớ là quên hết bên ni ngay mà!
Huyên trả lời cô bé nưả đùa nửa thật:
-Không bao giờ! Bác sẽ trở lại sống với Huế, mươi năm nưã khi về hưu. Nhưng cháu có nuôi bác già khi nớ không nà?
Thiếu nữ nước mắt lưng tròng nhưng miệng cười toe, nó hí hửng:
-Cháu hưá, sẽ cố sức học cho thiệt giỏi, nay mai đất nước giàu có, Huế hết nghèo khổ, bác về, cháu sẽ phụng dưỡng bác. Ô kê!?
Hai bác cháu cùng phá ra cười làm không khí trở nên vui tươi. Và họ cảm thấy cuộc đời sao vẫn còn hạnh phúc. Trong lúc đó, người cô cố làm vẻ tươi tỉnh nhìn hai bác cháu nói:
-Thôi bé đi mô thì nhớ mau về kẻo tối. Còn bác Huyên cũng sửa soạn thôi, đường từ đây lên Kim Long còn xa lắm...
Hạ Huyền ái ngại nhìn cô nó, thiếu nữ cảm thương người cô hết sức. Thế là mai bà sẽ giã biệt cố nhân, trở lại cảnh đời cô đơn như trước. Nó nghĩ thầm, mình là cô, chắc mình chết mất. Nhưng coi bộ cô vẫn tỉnh khô vô sự rứa hè?! Không lẽ khi người ta già rồi người ta trở nên khô khan tình cảm? Thiếu nữ đưa mắt tò mò lén quan sát hai người lớn. Ông bác đang dòm quanh nhà, chắc là để ghi khắc cảnh cũ người xưa vào trong tim. Cô bé còn thoáng bắt gặp nét nhìn đăm đắm của người cô theo dõi người bạn cũ. Hạ Huyền trầm ngâm thương cảm họ ghê. Nó lắc đầu rồi buộc miệng, răng đời chi mà lắm khổ lụy!
Trời sụp tối lúc nào không hay. Huyên bịn rịn đứng lên chào từ giã bạn lần nưã để lên đường. Giữa nhà một bóng đèn điện vàng vọt không đủ xua tan ánh chiều chập choạng tím sẫm đang lan tràn cả không gian một khối buồn sầu đến muốn khóc. Tối ám và câm nín như cuộc đời hiu hắt của Uyển Nhi. Hai người bắt tay nhau lần cuối. Bàn tay người đàn bà nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Huyên vội vàng lên xe, cúi đầu đạp nhanh ra khỏi con ngõ hẹp. Uyển Nhi thẫn thờ quay bước trở vào căn nhà nhỏ quen thuộc, đưa tay khép chặt hai cánh cửa ọp ẹp.
Về đêm trời mát dịu, ngọn gió từ mé sông sau vườn xô lên thổi xào xạc đám tóc lá bụi mía trồng gần nhà. Người đàn bà cô đơn nghiêng vai quay hướng về phiá xôn xao cỏ cây ấy. Bà khẽ đưa bàn tay cô đơn sờ lên má lên môi mình... Hình như môi má bà còn ấm vì một nụ hôn.
San Jose, chớm lạnh mùa Halloween 1997
________________
*Ghi chú: Nơi chốn, tên tuổi trong truyện chỉ là giả tưởng-
Mọi sự trùng hợp xin xem là ngẫu nhiên
Excerpt from :
Hoàng hôn thôn Vỹ
Author : Phan Mộng Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét