4/7/11

Nguyễn Thị Hoàng - Bóng lá hồn hoa (2)

Bóng lá hồn hoa (tiếp theo)


Vừa mới vào đêm, sương đã xuống ướt hết những bờ cây bụi cỏ hai bên lối đi quanh quất xuống hồ. Tiếng côn trùng đệm nhạc vào khoảng tịch mịch buồn thiu và dâng lên trong tôi một chút buồn chưa bao giờ có. Tôi nói lời thứ nhất với nàng:

"Sao em lại tới đây? Tình cờ à?"

"Em gặp ông từ đầu không tình cờ thì không còn việc gì là tình cờ được cả. Em xin làm nô tì cho ông để được thấy ông, ông không bằng lòng, thì em đến làm đầy tớ nhà bà cô họ ông, chỉ cần được một năm, hay vài ba năm còn thấy ông tới đó một lần, thấy và được săn sóc cho ông còn hơn là bị nhìn lướt qua như nước đá mỗi khi thấy nhau giữa những bữa tiệc tùng, hội họp kia".

"Làm sao cô biết là tôi có bà cô họ?"

"Gì mà em không biết? Như em cũng biết là cô Quỳnh Mai đang yêu mê ông và nhà ấy sẵn sàng tậu cả cơ nghiệp cho ông. Có phải vì vậy mà ông tránh bỏ em hay không, em đã nói, em không dám đòi hỏi hay làm phiền gì hết, em chỉ xin được yêu ông, trong xa cách, và chỉ thỉnh thoảng được nhìn thấy ông, săn sóc cho ông thôi, rồi ông lấy ai, ăn ở hay yêu thương người nào cũng tùy ông. Việc đó, em xem như không liên can gì đến tình em và sự sống chết của em hết. Rồi em cũng sẽ thương yêu cô Quỳnh Mai, nếu như ngày kia ông yêu thương cô ấy, em yêu thương, quý mến và bằng lòng tất cả những gì liên hệ với ông. Bây giờ thì em sung sướng, vì bà cô rất thương yêu em, cũng không hiểu tại sao. Và như vậy là em có một nơi nương tựa êm đềm cho đời sống và tình em, để lâu lâu lại thấy ông một bận đi về…"

Giọng nàng chìm xuống, vừa thơ ngây hồn nhiên bùi ngùi, thứ giọng không chính mình nhận ra nỗi buồn của mình nhưng người nghe lại muốn khóc.

Nhưng lòng tôi chỉ gợn lên một thoảng ái ngại âm thầm, không đủ góp lửa để thắp lên một chút yêu thương mong manh cho nàng phút đó. Con đường đá sỏi mấp mô xuống bến. Gót giày nhọn và cao, hình như nàng bước chậm, khó khăn bên cạnh tôi, nhưng vẫn cố đi lùi lại, tránh khỏi tôi một quãng xa như sợ sự gần gũi sẽ làm phiền người bên cạnh.

Một lúc, nàng như lệch người đi và dừng lại.

"Em sao thế?"

Nàng rút đôi giày ra khỏi chân.

"Em không nên mang giày cao, mà em quên đi mất".

"Đau chân à?"

"Dạ không, việc khác".

Rồi nàng cầm giày trong tay, đi nhanh hơn, bóng chập chùng lẫn trong vòm tối của lá bến.

Chiếc thuyền nhỏ xình xịch nổ máy, xa dần bờ. Cơn gió lạnh phơ phất quật xuống mặt hồ như những sợi mưa lất phất. Ánh trăng xanh nhạt như từ địa ngục thắp lên le lói bên kia làn nước đen thẳm.

Tôi ngồi im. Tiếng nàng thở dài đè nén.

"Nếu… em nhảy xuống dưới này, có phiền ông không?"

"Không… à, tôi chưa nghĩ điều ấy, này nhưng em đừng nói nhảm".

"Em không nói nhảm đâu, nhưng lúc nào em cũng nghĩ làm cách nào để đừng phiền ông, em cứ nghĩ là khi nhớ tới em, dù một thoáng thôi, ông bực phiền vì em, em chỉ muốn chết đi để đền bù và chuộc lỗi".

Tôi cầm tay nàng. Những ngón tay nàng thơm mùi rượu gì không tên, kỳ lạ trong miệng tôi. Tôi cắn những ngón tay nàng và tự nghĩ sao không thể yêu được người này. Không, người đàn bà này như một que diêm. Chỉ đốt một lần là không còn gì nữa hết. Vang vang ý nghĩ đó trong tôi, tôi vừa sợ vừa lắng nghe tiếng nói mình trong im.

Nàng khóc, yên lặng một lúc. Rồi như chưa bao giờ buồn, chưa có việc gì xảy ra cả, nàng cười trong tối.

"Việc gì em phải vậy, việc gì…" Và bỗng dưng, nàng nằng nặc đòi trở lại bờ, đòi trở về nhà tức khắc.

Tôi hỏi, nàng chỉ nói là bị mệt bất ngờ.

Nhưng dù bóng tối, dù vô tâm, tôi vẫn đoán thấy một thay đổi quyết liệt nào đó trong ý nghĩ nàng.

Buổi tối quanh hồ trở nên lặng lờ, khô khan. Cơn mưa đã ngừng từ bao giờ. Chỉ còn lại nỗi bứt rứt nặng nề trong không khí.

Tôi cho quay thuyền lại, để mặc nàng về nhà bà cô một mình, rồi trở ra phía hồ, tôi qua bên kia những xóm vui chơi, theo tính lông bông quen thuộc của tôi.

Khi quyết định lấy Quỳnh Mai, con gái của ông chủ hãng phim, tôi không hề có một ý niệm rõ rệt nào về bổn phận và đời sống vợ chồng. Cũng không có chút tình yêu tình ghét nào đối với người con gái nổi tiếng với nhan sắc và tài nghệ đó. Tôi chỉ có một ý nghĩ tha thiết, làm thế nào để lên khỏi cái bẫy sập của đời sống tức thì, càng nhanh càng tốt, và phục hồi lại tất cả những gì đã mất.

Cùng lúc, từ bao giờ không biết, tôi thua sạch trong ván bài kỳ dị với đời, danh vọng, của cải, những thứ hào quang rạng rỡ quanh tôi. Một sáng thức dậy nhìn thấy mình tầm thường, trơ trụi, què quặt không còn chút tự tin hay ý chí để bắt đầu lại. Hình như tôi đã đi quá trớn, trong nghề nghiệp, trong ăn chơi, mọi thứ khác, và bây giờ tôi sạch túi.

Cũng không hiểu sao ông giám đốc lại lưu tâm đặc biệt tới tôi như vậy. Ông ta nói, với cuộc hôn nhân tốt đẹp, tôi mãi mãi sẽ là tài tử độc quyền ở hãng ông, và không còn đặt vấn đề gì khác hơn là tôi tự tạo lấy cơ nghiệp, diễn xuất, đạo diễn và sản xuất bằng vốn liếng nhà, bên cạnh Quỳnh Mai.

Tôi đòi riêng một điều kiện với Quỳnh Mai, nàng đừng níu kéo quá trong đời sống vợ chồng và làm mất tự do của tôi.

Nàng nói không những không chiếm đoạt mà còn khuyến khích cho tôi phát triển tự do của tôi, như thế mới có một đời sống đẹp, và tài tử diễn xuất hay, đẹp khi có đời sống hoàn toàn như thế. Đó là quan niệm của nàng. Đúng ra chỉ là cách biệt đãi của Mai dành cho tôi.

Tôi lại lang thang, sau lễ đính hôn, với người này người khác, và không một đám vui chơi nào thiếu mặt tôi.

Buổi tối, gần khuya một dạo tôi thường lui tới hộp đêm R. chỉ vì khung cảnh ở đó hợp mắt và nhạc vừa phải, không phải loại kích động giật gân, cũng không lả lướt cổ điển quá. Tôi tới đó hàng tháng, nhưng không lưu ý đến những cặp đùi phô bày trên sân khấu hay những thân thể mềm mại uốn lượn quanh các bàn khách mập mờ tối. Cho đến một bữa, một người khách nào say sưa kéo váy của một cô vũ nữ lại phía mình, mãi không chịu buông, ban quản lý nhà hàng phải bật đèn trắng lên can thiệp. Giữa đám người lô nhô cười cợt, tôi nhận ra Sơn Chi.

Trong khi những người khác chỉ mặc những mảnh áo lót nhỏ xíu, nàng mặc nguyên một chiếc váy rộng, dài thượt, chỉ mỏng phần trên ngực và từ bụng trở xuống, thắt lại thật gọn, kín bưng. Nàng nhợt nhạt trong ánh đèn sáng bất ngờ. Nhiều tiếng lao xao cãi cọ nhau phía đó, rồi không hiểu vì sao tôi nhận rõ là nàng nhìn thẳng về phía tôi một lúc lâu, đăm đăm, như nhận ra chỗ ngồi của tôi từ trước. Rồi nàng ngã ra, nằm dài, bất động giữa đất.

Tiếng xe hồng thập tự rít lên ngoài đường sau đó, và đáng lẽ, đi tìm nàng, hỏi mọi chuyện ra sao, tới đâu, tôi lại tiếp tục những cuộc chơi của tôi và trở về nhà.

Bà vú già cho biết là trong lúc đi vắng, nhà thương có gọi điện thoại và yêu cầu tôi liên lạc lại khi tôi về.

Thì ra là Sơn Chi gọi tôi.

"Em xin lỗi ông, có vậy thôi".

Nàng định ngắt, nhưng tôi tự nhiên muốn nói một cái gì với nàng, thay vì hỏi thăm, tôi gay gắt:

"Việc gì cô xin lỗi, cô cứ tung hoành mặc sức cô chứ. Xin lỗi cái gì?"

"Xin lỗi trong lúc ông đi chơi em đã vô ý để ông nhìn thấy cảnh không đẹp về em".

"Vậy không thấy cảnh đó, cô đẹp chắc?"

"Em không dám nghĩ vậy" - nàng nói, bình tĩnh và kiên nhẫn - "nhưng không gieo sự xấu xa và hổ nhục vào mắt nhìn của ông".

"Cô cũng biết đến xấu xa hổ nhục à?"

"Ông chửi rủa khinh miệt cái nghề em bây giờ chứ gì? Không phải là nghề đâu, em chỉ làm thế đó…"

Đàng kia, hình như có người muốn giật dây nói để nói gì đó với tôi, nhưng nàng gạt đi, và tôi cố đoán mà không hiểu người kia có ý gì.

Tôi hỏi, nàng chỉ nói có một người cần mượn điện thoại gọi việc gấp cho một phòng nào đó. Tôi, đến lúc ấy, linh cảm có cái gì không ổn cho nàng, cho liên hệ lờ mờ giữa nàng và tôi. Tôi nói:

"Bây giờ em ra sao?"

"Không sao cả, em sẽ khoẻ và đi về".

"Về chỗ nào vậy?"

"Em ở trên tầng thứ ba, khách sạn M. Còn phòng số mấy… hỏi làm gì vậy chứ?"

"Không chừng tôi sẽ thăm em".

"Ông thăm em, như một người khách, như những người khách khác vẫn đến thăm và tặng hoa em chứ gì?"

Giọng nàng kênh kiệu, trêu cợt, không còn vẻ dịu dàng e ấp như trước kia. Nàng đã nhiễm độc ánh sáng của thành phố. Tôi cảm thấy tức bực và lấy làm lạ vì tính tức bực không đâu đó. Người ta chỉ ganh hay ghen khi chiếm hữu thứ gì. Tôi không muốn chiếm nàng. Từ chối không để nàng thuộc về tôi. Nhưng nghe nói đến những đứa khác lui tới, tôi cảm thấy bị giẫm chân, xúc phạm. Nghĩ như vậy tôi đổi ý. Tôi nói nếu không nàng có thể lại đằng tôi, và chúng tôi sẽ thức nói chuyện.

Nàng không trả lời và cúp ngang điện thoại.

Buổi tối đó, buồn nản, mệt mỏi, tôi đi ngủ, không xem lại những đồ đạc ưa thích một lượt trước khi ngủ như mọi lần. Tôi chợt cảm thấy là mình đang chờ. Tôi chờ nàng tới, ngủ quên trong phòng sách. Tôi cũng không hiểu vì sao chờ, và chờ nàng tới để làm gì. Nhưng tôi vừa có cảm tưởng kỳ lạ là mọi điều đang khác đi và tôi muốn biết nàng bây giờ ra sao.

Một lúc không biết bao lâu, như trong mơ, có bàn tay nào kéo lệch vai tôi ra đàng sau. Tôi bàng hoàng mở mắt, Sơn Chi đứng ở góc phòng, chiếc áo đen rộng thùng thình xuống tận sàn nhà và phía trên chỉ buộc với cổ áo bằng một sợi dây nhỏ xíu, hở cổ và ngực thật rộng. Một chiếc áo khác áo buổi tối. Nàng nói đã về khách sạn thay áo khác trước khi đến đây. Nàng có vẻ khêu gợi, diêm dúa và lăn lóc thế nào với loại áo này. Tôi hỏi nàng đi bằng xe gì đến. Nàng nói tới đây bằng phương tiện của những đứa ăn chơi. Cả cách nói, nàng cũng đổi khác nữa. Đố tìm thấy chút dáng dấp Sơn Chi của những ngày cỏ xanh miền núi.

Tôi đã tỉnh hẳn, kéo tay nàng ngồi xuống ghế nệm dài. Nàng đòi uống. Tôi lấy chai rượu và hai cái cốc cùng bình nước đá. Nàng có vẻ thản nhiên thành thạo cách uống rượu và nâng ly. Trông nàng, một Sơn Chi khác hẳn trước, tôi vừa khinh vừa thích nàng. Đến lúc đó tôi mới cảm thấy trước kia, chưa bao giờ tôi thích nàng cách ấy.

Khi tôi táy máy gỡ múi dây áo trên gáy nàng, nàng đẩy tôi ra:

"Ông đừng như vậy nữa. Em đến nói chuyện thôi mà".

"Em sao thế?"

"Em không sao cả, nhưng một người đàn bà thì không lúc nào giống lúc nào cả. Ông đừng đối đãi với em giống như trước kia. Coi em là kẻ khác. Con Sơn Chi trước kia nó chết rồi".

"Em là ai cũng vậy, em cũng đã đến đây mà".

"Sơn Chi nó cũng đã đến đây, nhiều lần, nhưng bây giờ không là những lần trước kia".

"Em yêu một người nào à? Em bị ràng buộc à?"

Nàng làm ra vẻ như muốn nhổ toẹt xuống đất rồi cười khanh khách. Tiếng cười nàng trong khuya vắng làm tôi lo sợ và khó chịu. Nàng hỏi với hai tay khoanh trước ngực và nét mặt nghiêm:

"Ông sẽ làm như thế với một người đàn bà khác, khó gì. Còn em ư, ông sẽ không bao giờ làm được gì em nữa hết".

Nàng nói với một vẻ trịnh trọng khác thường: "Ông hiểu sao thì hiểu nhưng điều ấy có thật, những lúc đang nhảy múa trên sân khấu em nghĩ mãi tới điều đó, như em cảm thấy nỗi đau em lớn dần lên".

"Em nói gì vậy?"

Nàng để tay lên bụng.

"Nỗi đau của em đây này. Ông không thấy em mặc áo thụng à?"

Tôi không nghĩ gì sau câu nói.

"Em… mang thai đó à, sao lại nhảy?"

"Cách độc nhất có tiền nuôi nó. Em sắp nghỉ rồi. Không ai biết đâu, trừ ông. Xin ông đừng nói ra".

Tôi hỏi, thật tình không suy nghĩ gì hết.

"Hắn… ra sao?"

"Hắn nào?"

"Thì hắn?"

Nàng nhìn sững tôi một lúc, như người vừa ngủ mệt dậy ngó trân trối một hình thù nào quái dị. Rồi nàng im lặng, đứng lên đi lại phía cửa sổ, nhìn ra đêm sâu bất động.

Một lúc lâu, rồi nàng quay lại hỏi tôi, giọng run run như từ dưới hang hốc nào vọng lên:

"Ông… nhất định lấy Quỳnh Mai chứ?"

"Có lẽ. Không có gì đáng nghĩ ngợi về điều đó cả".

"Ông không, nhưng người khác nghĩ ngợi. Ông… có muốn có con không?"

"Có vợ thì có con chứ".

Nàng cười nhạt.

"Không chắc đâu. Em tưởng rằng ông sẽ không có con, không bao giờ".

Tôi không để ý đến nét mặt nàng khi nói câu ấy.

"Sao em biết?"

"Thường thường như thế, ông đã…"

Nàng im bặt. Một lúc nàng lại hỏi:

"Ông không… lưu ý đến truyền thống của ông à".

"Truyền thống gì?"

"Việc của ông cha".

"Việc gì, em nói gì vậy?"

"Em nghĩ rồi, ông cũng giống như ông cụ ngày trước. Cũng hay là ông cụ còn có ông, nhưng mà ông thì lại giống ông cụ, thành ra lẩn quẩn, chẳng đâu tới đâu cả".

"Làm sao em biết ông cụ tôi?"

"Em có quen cụ Hùng Sinh, cụ ấy cho nghe chuyện".

Hùng Sinh là một nhà cổ hoạ, có họ xa với tôi ở hàng bác. Tôi không lui tới ông cụ, vì ông chán ghét và thất vọng về những thứ mà tôi gọi là thành công. Ông thường than tiếc:

"Rồi cháu cũng đến vấp nạn như ba cháu mà thôi. Cứ ba hoa cho lắm đi".

Về thân thế tôi, mọi sự đều lờ mờ và chính tôi cũng không hiểu rõ. Đại khái, ông Hùng Sinh chỉ cho biết một vụ gì đó oan nghiệt đã xảy ra, và cha tôi đã làm chết oan một người đàn bà trẻ.

Nàng lắng nghe tiếng đồng hồ nhỏ giọt trên tường rồi mím môi hỏi tôi:

"Nếu như… em cũng biết ông trả lời ra sao rồi nhưng em vẫn hỏi lại, vì còn phải quyết định. Nếu như… ông lấy Quỳnh Mai, còn em thì… em bỏ hẳn nhưng xin ông cho được làm tôi tớ và được ở mãi dưới những phòng bếp bỏ không kia, có được không? Em sẽ hầu hạ ông và Quỳnh Mai, những đứa con nhỏ của ông, việc nhà của ông. Lần này không phải để được nhìn ông ra vào ăn ngủ như em đã nghĩ trước kia nữa. Em không nghĩ đến tình cảm nữa, chỉ là cần có chỗ để nuôi con em thôi. Gì cũng được, miễn là có chỗ, điều ấy quan trọng hơn tất cả".

"Thế còn hắn".

Mặt nàng nhợt ra dưới ánh đèn mờ và tôi có cảm tưởng như nàng muốn ngột hơi ngất đi khi nhắc tới hắn.

"Ông đừng nhắc nữa. Việc của em, em liệu một mình".

"Nhưng như thế… cũng bất tiện cho chúng tôi quá, thà rằng sau này…"

Nàng quay ngoắt lại, cười khan:

"Ông từ chối, có phải không? Em cám ơn ông lời từ chối dứt khoát của ông. Như vậy em dễ sắp xếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét