29/1/14

Cho Đất nước một mùa xuân đích thực


30-01-2014

Cho Đất nước một mùa xuân đích thực

 Bùi Công Tự
Các bạn thân mến!

Đầu xuân khai bút, theo phong tục ngày tết cổ truyền, tôi xin gửi đến các bạn lời chúc  mừng tốt đẹp nhất cho năm mới Giáp Ngọ (2014) với niềm hi vọng “mã đáo thành công”.

Vẫn còn đây cho chúng ta một mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân của Trời Đất, rực rỡ sắc hoa, mơn mởn cành non lộc biếc, ngọn gió xuân thấm đẫm hương đồng.
Và trên cao kia bầy én xuân đang chao lượn những vòng xoay bất tận miên man. Cảm ơn thiên nhiên của mảnh đất này đã tạm quên đi thương tích đầy mình để đem đến cho chúng ta một mùa xuân vẫn nhiều hương sắc.

Và vẫn còn đây của chúng ta một quê hương ấm áp yêu thương. Ngày xuân này chính là dịp tốt nhất để bộc lộ, để chia sẻ, để kết nối tình yêu thương ấy. Chỉ có tình yêu thương mới đem lại cho con người mùa xuân cuộc đời. Chân lý giản dị đó không phải ai cũng thấu hiểu? Bởi có một thực tế là những năm qua tình người đang có chiều hướng như nhan đề một bài hát … “phôi pha”.

Có một câu hỏi mà ai đó đặt ra không vô lý chút nào: Mùa xuân có ý nghĩa gì?

Chắc hẳn mùa xuân có ý nghĩa đẹp lắm nên nó mới đi vào thi ca của nhân loại cả ngàn năm. Trong thánh kinh của các tôn giáo đều có nói đến mùa xuân. Đọc truyện Kiều chúng ta thấy cụ Nguyễn Du sáng tạo chữ “xuân” đến cả trăm lần. Còn trong thi ca hiện đại thì mùa xuân đắm say trong các tác phẩm của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, … Bỗng nhớ một câu tuyệt tác của “ông hoàng thơ tình Việt Nam”:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi ! (Xuân Diệu).

Thi nhân say đắm thế bởi mùa xuân đồng nghĩa với sự tươi đẹp, tình yêu và hạnh phúc; đồng nghĩa với niềm tin, ước mơ và hi vọng; đồng nghĩa với tuổi trẻ dồi dào năng lực sinh sôi. Có điều là lạ là mùa xuân bây giờ về vật chất chắc chắn gấp trăm ngàn lần mùa xuân của thời còn sống thằng đế quốc phong kiến. Thế mà thơ xuân bây giờ nhạt hơn nước ốc ao bèo. Tôi có quen nhiều nhà thơ, tuổi chưa cao lắm gặp nhau nhăn răng cười. Nhưng các thi nhân bảo đời buồn lắm, cười đấy nhưng lòng đau lắm. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh bảo rằng trong Hội nhà văn có đến 15 nhà văn nhà thơ ăn chay niệm phật, có ông còn vào ở hẳn trong chùa. Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm, từng ngồi ghế ủy viên Bộ chính trị, ngày xưa lạc quan cách mạng ghê mà bây giờ hồi hưu viết mấy bài thơ nghe buồn thấy thấu tim.

Hồi tôi học cấp 3, thày giáo ra một đề văn như sau: “ Bình luận nhận định: Nhà thơ là chiếc phong vũ biểu của thời đại”. Tôi thì tôi ví von đơn giản hơn : Nhà thơ là cái nhiệt kế đo sự ấm lạnh của bầu không khí xã hội.

Vậy thì thực trạng xã hội ta như thế nào để đến nỗi các nhà thơ rét run?

Xin thưa, đó là do sự suy thoái trì trệ trên mọi phương diện kéo dài nhiều năm. Một bầu không khí mùa đông u ám bao phủ bầu trời đất nước. Sống trong bầu không khí đó, không chỉ có các nhà thơ mà hầu hết mọi người đều cảm thấy bất lực, thiếu niềm tin, hoang mang, bơ vơ cao độ, báo động sự nguy hiểm nhất cho đất nước là không còn động lực phát triển.

Quan sát thế cuộc, có người ví von như đang xem một bộ phim hình sự hấp dẫn đầy kịch tính. Những mẫu thuẫn, những thủ đoạn, những tội ác man rợ, những cách câu kết làm ăn của nhóm lợi ích đang buộc phải phơi bày qua “ những vụ đại án”. Chúng ta thấy sự tham nhũng kinh khủng, tiền chia chác, hối lộ là đôla, đựng bằng vali, túi lớn, túi nhỏ. Sự quản lý vô cùng lỏng lẻo, người ta dẫm đạp lên pháp luật, mấy vụ đại án chỉ là cái mỏm nhô lên mặt nước của một lục địa ngầm.

Để đất nước ta đến nỗi này, thưa các vị lãnh đạo, các vị đang còn quyền, còn lực đấy nhưng liệu các vị có còn uy, còn tín trước nhân dân?

Dưới con mắt nhân dân các vị còn là công bộc hay tội đồ?

Thưa các bạn, chúng ta mong mỏi đất nước phát triển nhanh, giàu mạnh và bền vững. Nhìn từ bên ngoài, nhân loại đã bỏ chúng ta tụt lại đằng sau, tụt khá xa so với ngay các nước trong khu vực. Theo số liệu thì đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình nhưng sự phân phối thu nhập giữa các tầng lớp xã hội chênh lệch đến mức báo động. Đó là ngòi nổ của một quả bom.

Sự duy trì một hệ tư tưởng duy nhất, lại không phải là tư tưởng tiên tiến; thể chế toàn trị thiếu dân chủ, thiếu tự do tư tưởng; không có tam quyền phân lập nên không có cơ chế kiểm soát quyền lực, không có xã hội dân sự,… chính là nguyên nhân của những tình trạng nói trên.

Đòi hỏi thay đổi thể chế, thực hiện dân chủ mở rộng là đòi hỏi khách quan. Trong thông điệp đầu năm 2014 ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập hai nội dung trên. Dư luận đã cổ vũ, đã gửi gắm niềm tin vào lời hứa của ông. Nhưng liệu ông và các đồng chí cùng trong một Đảng của ông có…” nói zâậy mà không phải zâậy”?

Kính thưa các vị lãnh đạo đất nước!

Lịch sử 39 năm qua (kể từ 1975) đã chứng tỏ rằng các vị, đúng như nhận định khái quát của một chính trị gia ASEAN rằng : "Các vị có thể giành được chính quyền nhưng không biết cách xây dựng một đất nước".

Vì sao? Vì các vị đã đặt lợi ích của nhóm lợi ích lên trên lợi ích dân tộc, lo sự tồn vong của chế độ hơn sự tồn vong của đất nước.

Ai cũng biết rằng để xây dựng một đất nước giàu mạnh thì phải huy động được tinh hoa của toàn dân tộc. Trong khi đó việc tuyển dụng lãnh đạo chỉ chọn người của Đảng, mà Đảng viên chỉ là một số rất nhỏ trong cộng đồng dân tộc.

Chúng tôi không trách cứ gì các vị. Các vị cũng người trần, mắt thịt cả thôi. Và đất nước nào chẳng có lúc lâm vào bĩ cực? Chúng tôi chỉ mong các vị hãy lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của tầng lớp trí thức - bộ phận tinh hoa trong nhân dân. Lúc đó các vị sẽ biết cần phải làm gì?

Thưa các bạn!

Chúng ta là những công dân tự do, trước hết tự do trong tư tưởng và trong cảm xúc. Chúng ta có quyền ủng hộ cái gì, bác bỏ cái gì. Chúng ta có quyền yêu ai, ghét ai, thương ai, giận ai. Chúng ta có quyền nói to những điều thấy cần phải lên tiếng. Những điều đó theo tôi là:

     1, Yêu cầu thực hiện Nhà nước pháp quyền ( không có cái đuôi XHCN), giống như ở các quốc gia văn minh. Thực hiện tam quyền phân lập để có cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo sự minh bạch và tự chịu trách nhiệm cá nhân. Mở rộng dân chủ, bảo đảm cho nhân dân trên thực tế có mọi quyền như Hiến pháp 2013 đã ghi nhận: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được lập hội, quyền biểu tình, quyền bình đẳng trước pháp luật.

     2, Thực hiện xã hội dân sự để mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào công việc chung. Bằng những hoạt động hội đoàn  không phụ thuộc Nhà nước, người dân tự giúp đỡ nhau tạo dựng niềm tin, nhìn ra hướng đi, biết cách bảo vệ mình trong khuôn khổ pháp luật. Một số vụ việc xảy ra năm qua (như vụ bạo động của hơn ngàn công nhân xây dựng nhà máy Samsung Thái Nguyên) cho thấy số đông đang bị tổn thương nghiêm trọng, đang mất niềm tin và cô độc nên rất dễ bị kích động, sẵn sàng đánh đập, đốt phá, chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp này, xã hội dân sự sẽ giúp người dân nhận thức những quy tắc xã hội và cộng đồng, tìm cách bảo vệ mình có tổ chức.

      Chúng ta cần tham gia vào các tổ chức dân sự đã và đang được tự phát thành lập để hoạt động, ôn hòa nhưng thẳng thắn, quyết tâm cao. Đừng ngồi yên và phàn nàn.

Thực hiện được những mục tiêu trên chính là đem đến MỘT MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC cho Đất nước.

Năm mới, có đôi lời tâm sự xin gửi đến các bạn thay ly rượu hồng đào.
CHÚC SỨC KHỎE - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG.

Sài Gòn, Xuân Giáp Ngọ 2014

BÙI CÔNG TỰ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét