Thay đổi khi tưởng niệm xung đột với TQ?
Cập nhật: 17:25 GMT - thứ hai, 6 tháng 1, 2014
Việt Nam vẫn sẽ tổ chức tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa và 35 năm Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc nhưng "không nên khoét sâu và sách động các sự kiện làm ảnh hưởng quan hệ hai bên", theo một sử gia từ Việt Nam.
Cũng về hai đợt kỷ niệm một ý kiến khác từ Paris cho rằng mọi việc còn tùy vào sức nặng của phe phái trong nội bộ giới cầm quyền ở Việt Nam.
Hôm 06/1/2013, Giáo sư sử học Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương thuộc Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam, nói với BBC sẽ có các cuộc tưởng niệm.Vào thời điểm này, Việt Nam vẫn tiếp tục quan tâm đến điều một số giới gọi là 'đe dọa' an ninh từ Trung Quốc, trong khi ông Tập Cận Bình chưa thay đổi gì đáng kể về chính sách ở Biển Đông và khu vực.
"Bất luận sự kiến ấy diễn ra có lợi hay bất lợi cho ai, nhưng nó là sự kiện lịch sử, mà nhất là nó lại động chạm tới những cái theo tôi nghĩ là những tình cảm thiêng liêng, có tính chất dân tộc, thì đối với người Việt Nam, những năm được coi là chẵn, thì không thể bỏ qua"
GS Vũ Minh Giang
"Tôi nghĩ rằng chắc là phải có. Là bởi vì ít ra trong giới sử học của chúng tôi luôn có quan điểm là bất luận sự kiến ấy diễn ra có lợi hay bất lợi cho ai, nhưng nó là sự kiện lịch sử, mà nhất là nó lại động chạm tới những cái theo tôi nghĩ là những tình cảm thiêng liêng, có tính chất dân tộc, thì đối với người Việt Nam, những năm được coi là chẵn, thì không thể bỏ qua."
Theo ông Giang, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức đánh dấu sự kiện cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc 17/2/1979, để theo ông 'ít ra coi sự kiện ấy là một sự thật lịch sử mà không thể bỏ qua.'
Tuy nhiên, trong lúc khẳng định 'sự thực lịch sử' này trong quan hệ Việt - Trung, nhà sử học chỉ gọi tên sự kiện là một cuộc "tấn công" chứ không phải "chiến tranh xâm lược" như cách thức báo chí Việt Nam đã nói trong nhiều năm.
Ông nói:
"Sự thực lịch sử là ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc đã tấn công Việt Nam và quân và dân Việt Nam đã phải đứng lên để chống lại cuộc tấn công bằng quân sự ấy và coi đó là một lần đứng lên để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia."
'Bắc cầu ngăn cách'
Coi các sự kiện xung đột đất đai, biển đảo Trung - Việt trong thập niên 1970 là một 'hố ngăn cách', 'một vết hằn' trong quan hệ song phương, Giáo sư Vũ Minh Giang để xuất phương thức xử lý vấn đề theo một cách mà ông gọi là 'khoa học' và 'đúng đắn'.
Ông nói:
"Với tư cách của người làm khoa học, đấy được coi là một cái hố ngăn cách, một vết hằn trong lịch sử quan hệ Trung Quốc và Việt Nam,
"Xử lý một hố ngăn cách, một vết hằn như thế nào, cần phải có một thái độ tôi nghĩ là đúng mực và khoa học. Đúng mực là phải có những cái để nhìn nhận nó là sự thực lịch sử, nói một cách khác là không được lấp cái hố đó đi, cái hố đó đang có, thì không được lấp đi, vì lấp đi sẽ là che dấu lịch sử, và cái đó là không đúng,
"Thế nhưng ngược lại cũng không nên khoét rộng nó ra, tức là lại là xuyên tạc lịch sử, để mà gây hận thù rồi tạo ra những hiềm khích mới, thì theo tôi cũng là không nên."
Theo nhà sử học này cần phải áp dụng một biện pháp mà ông gọi là 'bắc cầu' để xử lý hố ngăn cách.
Ông nói:
"Dù sao Việt Nam và Trung Quốc cũng là hai nước giáp liền nhau thì xử lý hố ngăn cách đó là một sự thực lịch sử không lấy gì làm tốt đẹp mà nó cũng có những cái để lại, những ảnh hưởng không tốt trong quan hệ hai nước, thì... có lẽ chính phủ hai nước nên xử sự theo hướng bắc cầu qua hố ngăn cách ấy,
"Tức là cái hố như thế nào, thì nó đúng như thế, hay nói theo ngôn ngữ khoa học là tôn trọng sự thật lịch sử, không khoét rộng, không lấp đi, để rồi về mặt quan hệ thực tế, không bị cái đó trở lực, nhưng mà cũng không được quên nó."
Nhà sử học cũng nói về trận Hải chiến Hoàng Sa 17/1/1974:
"Không được lấp cái hố đó đi, cái hố đó đang có, thì không được lấp đi, vì lấp đi sẽ là che dấu lịch sử, và cái đó là không đúng. Thế nhưng ngược lại cũng không nên khoét rộng nó ra, tức là lại là xuyên tạc lịch sử, để mà gây hận thù rồi tạo ra những hiềm khích mới, thì theo tôi cũng là không nên"
GS Vũ Minh Giang
"Việc năm 1974, quân Trung Quốc cưỡng chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng là một sự kiện lịch sử, cũng là một sự thật lịch sử... Ở thời điểm năm 1974, rõ ràng là các lực lượng đồn trú ở trên các đảo đó đang thực thi chủ quyền là Quân lực của Việt Nam Cộng Hòa.
"Và quân Trung Quốc đã cưỡng chiếm các đảo đó từ tay của các binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa. Việc đó cũng là một sự thực lịch sử. Thế còn kỷ niệm đến mức độ nào, đến đâu, tôi cho đó cũng tùy thuộc vào thời tiết chính trị."
"Nói trong câu chuyện lịch sử, tôn trọng nó với lại việc kỷ niệm nó đến mức độ nào lại phụ thuộc rất nhiều những cái liên quan đến những vấn đề mà ta quen gọi là chính trị."
Khi được hỏi liệu nhân dịp 40 năm sự kiện trận Hải chiến Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam hiện nay có nên công nhận và tôn vinh các binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và hy sinh khi bảo vệ quần đảo trước cuộc tấn chiếm của hải quân Trung Quốc hay không, Giáo sư Vũ Minh Giang nêu quan điểm:
"Những người đã chiến đấu và bảo vệ cái đó thì theo tôi nghĩ, nhìn từ góc độ dân tộc, ở thời điểm ấy, ở sự kiện ấy, họ là những người, có những người đã hy sinh vì cương thổ của đất nước Việt Nam, thì những người ấy rất đáng trân trọng."
'Nên công nhận liệt sỹ?'
Tuy nhiên ông Giang cho rằng chính quyền Việt Nam sẽ gặp trở ngại về mặt 'chính sách' nếu thừa nhận và sử dụng danh hiệu "liệt sỹ" với những binh sỹ của chính quyền Sài Gòn đã hy sinh tại Hoàng Sa trong cuộc hải chiến.
Nhà sử học nói: "Thế còn có những danh hiệu gì hay vân vân, tôi nghĩ đó là câu chuyện có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác chẳng hạn như là cái chính sách, chính sách lại liên quan tới câu chuyện khác, còn trong con mắt của những người tôn trọng khách quan lịch sử, thì tôi cho rằng những người ấy rất đáng trân trọng,
"Những người đã hy sinh tính mạng của mình để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, theo tôi rất đáng trân trọng."
Cũng hôm 6/1/2014, Giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh, từng giảng về Đông Dương tại Khoa Lịch sử và Ngôn ngữ của Trường Ecoles Pratiques des Hautes Etudes ở Paris nói với BBC về khả năng Việt Nam nên tổ chức kỷ niệm các trận chiến năm 1974 và 1979.
"Việt Nam khó có thể né tránh cũng đồng thời nên kỷ niệm các sự kiện 40 năm Hải chiến Hoàng Sa và 35 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc với Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải cân nhắc làm sao để vừa tránh gây mếch lòng, gây căng thẳng với Trung Quốc mà lại đáp ứng được nhu cầu về kỷ niệm các sự kiện của người dân trong nước"
Giáo sư Nguyễn Thế Anh
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng việc tổ chức hay không, hoặc theo quy mô nào là tùy thuộc vào cán cân nghiêng về bên nào trong nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản và chính quyền bên Việt Nam.
"Vừa rồi họ đã tổ chức trọng thể các lễ kỷ niệm cuộc chiến tranh ở Biên giới Tây Nam và đặc biệt là cuộc can thiệp của quân đội Việt Nam vào Campuchia, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ diệt chủng của Pol Pot, hai lãnh đạo Campuchia là Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin đã qua Việt Nam bày tỏ tri ân.
"Việc này cho thấy Việt Nam khó có thể né tránh cũng đồng thời nên kỷ niệm các sự kiện 40 năm Hải chiến Hoàng Sa và 35 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc với Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải cân nhắc làm sao để vừa tránh gây mếch lòng, gây căng thẳng với Trung Quốc mà lại đáp ứng được nhu cầu về kỷ niệm các sự kiện của người dân trong nước..."
"Riêng về việc có nên phong những người đã hy sinh ở Hoàng Sa là liệt sỹ hay không, tôi nghĩ là nên, vì họ thực sự đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, và nhiều báo Việt Nam, như báo Thanh Niên vừa qua cũng đã nhắc tới công khai hơn về sự hy sinh của họ," cựu Giáo sư Nguyễn Thế Anh nói với BBC từ Pháp.
Source : BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét