Shinzo Abe - Ngựa Chiến Giáp Ngọ
Võ Thành Văn - Việt Báo Xuân Giáp Ngọ
Tam Hoá Liên Châu Của Một Con Ngựa Chiến
* Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản *
Hình như là quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại hơi kỵ tuổi Giáp Ngọ. Vào năm Giáp Ngọ 1894, Trung Quốc bị Nhật đánh cho đại bại và mất ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên. Năm Giáp Ngọ lần này có thể lại là một năm thư hùng giữa hai nước, với một Thủ tướng Nhật tuổi Giáp Ngọ....
Nói về hệ thống quyền lực chính trị Trung Quốc, người ta cứ nhắc tới loại lãnh tụ xuất thân con ông cháu cha mà họ gọi là "Thái tử đảng". Lãnh tụ số một của Trung Quốc hiện nay thuộc vào phái đó vì Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Cũng theo lý luận ấy, người ta có thể nghĩ Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh tụ thuộc loại "Thái tử đảng" của Nhật Bản.
Nhưng nghĩ vậy là sai!
Thái tử đảng của Bắc Kinh chỉ là lớp "Thái tử đỏ" mới xuất hiện sau khi quyền lực được tập trung vào một đảng độc tài từ năm 1949. Ông Shinzo Abe có xuất xứ truyền thống hơn nhiều.
Về ngôn từ, do cách đọc của Nhật, họ Abe đọc là Abê. Nếu viết theo từ Hán-Việt thì đấy là họ An Bội, còn tên Shinzo thì dịch là Tấn Tam, nhưng xin cứ dùng tên theo cách phiên âm của dân Nhật. Sinh vào năm Giáp Ngọ, Tháng Chín 1954, Shinzo Abe thuộc loại ba đời chính khách, lại sinh ra từ ba dòng họ nổi tiếng trong hơn trăm năm qua, là các dòng họ Abe, Sato và Kishi.
Xuất phát từ tỉnh Yamaguchi, một khu vực được canh tân và kỹ nghệ hóa sớm nhất thời Minh Trị, ba gia đình này còn kết thông gia hoặc nhận con nuôi của nhau, cho nên Shinzo Abe là loại tinh hoa gần như chỉ thấy dưới thời các Tướng quân Shogun chia nhau cai trị nước Nhật cho đến cuối thế kỷ 19.
Nói về huyết thống, họ Abe có truyền thống kinh doanh về rượu, đến thế kỷ 20 thì nổi danh về chính trị. Shinzo là cháu nội của lãnh tụ chính trị Kan Abe thời Tiền chiến, con trai của Shintaro Abe là Ngoại trưởng lâu đời nhất của Nhật thời Hậu chiến. Thân mẫu của ông lại là con gái nhà Kishi nên ông là cháu ngoại của Thủ tướng Nobosuke Kishi thời Hậu chiến. Hãy có vài hàng về ông Kishi này.
Về sự nghiệp, ông Kishi từng là Bộ trưởng trong Nội các Chiến tranh và đang bị Hoa Kỳ cầm tù thì được trả tự do từ năm 1948 vì lập trường chống cộng, rồi hai lần làm Thủ tướng và sáng lập ra đảng Tự Do Dân Chủ đang cầm quyền ngày nay (đảng LDP hay Tự Dân đảng). Ông Kishi mở ra kỷ nguyên hợp tác Mỹ-Nhật thời Chiến tranh lạnh và có ảnh hưởng lớn với các nước Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Nobosuke Kishi giữa Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Foster Dulles của Mỹ
Về huyết thống, Kishi thực ra là con trai của gia đình Sato, được cho làm con nuôi của gia đình Kishi và còn có người em ruột là Eisaku Sato, cũng từng là Thủ tướng và đoạt Giải Nobel Hoà Bình năm 1974. Shinzo Abe gọi Thủ tướng Sato này là ông chú. Ngày nay, em trai của ông cũng lại được cho gia đình Kishi làm con nuôi, là Nobuo Kishi, một chính khách tại Yamaguchi.
Shinzo Abe còn là cháu họ xa của Ngoại trưởng Yōsuke Matsuoka thời chiến, chết trong tù năm 1946, nhưng từ năm 1979, linh vị được thờ trong đền Tĩnh Quốc Thần Xã (Yasukuni Jinja) cùng 13 nhân vật của Chiến trường Thái Bình Dương, những tội phạm hạng nặng vào thời chiến được coi là liệt sĩ đã hy sinh cho Thiên Hoàng. Thời ấy, một người vận động việc khôi phục thanh danh cho các nhân vật đã lãnh đạo cuộc chiến chính là Thủ tướng Kishi. Chúng ta nên chú ý đến ngôi đền Yasukuni, thiêng liêng về tinh thần mà tai tiếng về ngoại giao, vì anh hùng của dân Nhật có thể là tội phạm chiến tranh ở xứ khác. Hôm 26 Tháng 12 2013, ông Shinzo Abe đã mặc lễ phục đến ngôi đền Yasukuni, lần này với tư cách Thủ tướng, để viếng các tử sĩ Nhật Bản và lập tức bị Trung Quốc la ó!
Với huyết thống gia đình, Shinzo Abe thuộc loại quý tộc chính trị xuất thân từ đất Yamaguchi, nhưng đưa tên tuổi lên hạng toàn quốc và sẽ là toàn cầu.
Ra đời từ Yamaguchi, Shinzo Abe sống và đi học tại Thủ đô Tokyo, tốt nghiệp Chính trị học tại Đại học Seikei, một trường đại học tư thục ra đời từ năm 1906 và đào tạo ra nhiều nhân tài thuộc tầng lớp doanh gia và quý tộc. Sau đó, ông du học Hoa Kỳ về Chánh sách Công quyền tại Đại học USC ở miền Nam California. Về nước, ông làm việc trong tổ hợp thép Kobe Steel rồi mới bước vào chính trường từ năm 1982.
Shinzo Abe lần lượt làm bí thư cho thân phụ là Ngoại trưởng Shintaro Abe và cho Tổng thư ký đảng Tự Do Dân Chủ, đến năm 1993 thì ra tranh cử ghế dân biểu tại Yamaguchi. Khi đó, Nhật Bản đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đảng Tự Dân LDP lần đầu tiên kể từ 1955 đến 1993 bị mất đa số.
Qua 20 năm, việc cải cách quốc gia và chấn chỉnh nội bộ đảng Tự Dân là những chuyển động lớn trên chính trường Nhật, với các Thủ tướng lên xuống như đèn kéo quân. Duy nhất có ông Junichiro Koizumi làm Thủ tướng được một nhiệm kỳ năm năm với nhiều cố gắng đáng kể, mà chưa đủ.
Từ quỹ đạo của Koizumi bước ra, Shinzo Abe lên kế vị vào năm 2006 ở tuổi 52, Thủ tướng trẻ nhất kể từ năm 1941. Việc cải cách cũng không thành, chính trường lại khủng hoảng nên đúng một năm sau thì Shinzo Abe bất ngờ từ chức, trở về nghiền ngẫm sự thất bại.
Trong sự đình trệ kinh tế của khối công nghiệp hóa là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, nước Nhật thêm suy yếu trên bình diện quốc tế trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Năm 2010, kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản lên hàng thứ nhì toàn cầu sau nước Mỹ và Bắc Kinh càng có thái độ hung hăng ngang ngược, với vụ tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Qua năm sau thì trận động đất và sóng thần tại khu vực Đông Bắc Tohoku vào Tháng Ba còn làm tê liệt hệ thống năng lượng nguyên tử của Nhật, một quốc gia không có tài nguyên về dầu khí.
Kể từ khi lãnh bom nguyên tử của Mỹ và bị giải giới, có lẽ chưa khi nào dân Nhật lại thấy mình rơi vào cảnh "mã cùng đồ" như vậy.
Đấy là lúc con ngựa chiến Shinzo Abe chuẩn bị trở về....
Ông Shinzo Abe mở ra cuộc vận động từ bên trong để lên lãnh đạo đảng Tự Dân vào Tháng Chín năm 2012, với một chương trình hành động mới về cả an ninh lẫn kinh tế. Chủ trương cải cách kinh tế táo bạo đến độ liều lĩnh và lập trường quốc gia triệt để của ông được đa số ủng hộ nên đảng Tự Dân đại thắng ở Hạ viện và cuối năm 2012, Shinzo Abe trở về làm Thủ tướng, lần thứ nhì. Giữa năm 2013, đảng Tự Dân lại thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện và có đủ vốn liếng chính trị cho một cuộc phục hưng, ít ra cho đến kỳ bầu cử tới, vào năm 2016.
Gần như cùng lúc đó, Đại hội khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Hoa cũng đưa lên một lớp lãnh đạo mới. Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư rồi Chủ tịch Nhà nước và đang thâu tóm lại quyền lực để cũng lại cải cách vì kinh tế có triệu chứng sa sút chẳng khác gì Nhật Bản hơn 20 năm trước. Nghĩa là cuối năm 2013, lãnh đạo hai cường quốc Á Châu gặp cùng một cảnh ngộ là phải chuyển hướng để tránh khủng hoảng ở bên trong. Việc chuyển hướng đó dẫn tới những mâu thuẫn và có khi xung đột ở bên ngoài. Với nhau.
Vì vậy, năm Giáp Ngọ sẽ là năm thư hùng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, với một Thủ tướng Nhật sinh năm Giáp Ngọ.
Khi lên lãnh đạo, Shinzo Abe nói đến ba mũi tên của việc cải cách kinh tế. Thật ra, toàn bộ chiến lược hành động của ông cũng có thể được gọi là ba mũi chuyển hóa nhắm vào ba hướng. "Tam hóa liên châu" là như vậy.
Trước hết, về kinh tế, ông Abe đề nghị kế hoạch kích thích và chỉnh đốn bất thường, được các thị trường tài chánh quốc tế gọi là "Abenomics". Ông tiến hành việc đó qua ba bước là kích thích tiền tệ, cải tổ thuế khóa và nhất là giải tỏa cơ chế kinh tế để tăng cường sức cạnh tranh của Nhật. Xuất phát từ kế hoạch này, năm Giáp Ngọ sẽ chứng kiến nhiều biến động kinh tế bên trong và bên ngoài nước Nhật khi ông Abe giải toả cơ chế và đánh bung các thế lực kinh tế và chính trị đã thống lĩnh xã hội Nhật từ thời Hậu chiến.
Thứ hai, về đối ngoại, ông Abe chủ trương tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi và uy tín Nhật Bản. Bị Mỹ giải giới với điều chín của Hiến pháp không cho phép có quân đội, Nhật chỉ có lực lượng tự vệ. Qua sáu thập niên, Nhật góp sức và chung tiền cùng các nước ổn định tình hình thế giới mà không được có quân đội. Shinzo Abe sẽ vận động để tu chỉnh điều chín, có khi chỉ bằng đa số tương đối tại Quốc hội. Đấy chỉ là phần ôn nhu để hợp thức hóa một yêu cầu tất yếu về võ lực dù sẽ gây tranh luận trong năm Giáp Ngọ.
Phần võ, mũi tên thứ ba, là về an ninh. Shinzo Abe lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia, tương tự Hoa Kỳ, để thống nhất hành động về an ninh, quân sự và cả kinh tế nhằm tái cân bằng tương quan lực lượng tại Đông Á. Tương quan đó dĩ nhiên là tương quan Nhật-Hoa, trước sự chứng kiến, ủng hộ hay lo ngại, của các nước lân bang, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á qua tới Ấn Độ dương và Úc Đại Lợi.
Đằng sau và ở xa thì có Hoa Kỳ, đứng ngoài giám trận nhưng với lực lượng rất gần là Đệ thất Hạm đội, tiếng là Hạm đội Thái Bình dương mà thật ra có trách nhiệm mở rộng đến Ấn Độ dương, qua vùng biển Đông Nam Á.
Khi ấy, chúng ta mới chú ý đến vài sự kiện trong năm 2013.
Mẫu hạm Nhật Bản, như một tầu dầu....
Chủ thuyết Monroe kiểu Nhật
Loại sự kiện thứ nhất, cũng về văn, Tháng Chín năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe là nhân vật duy nhất ngoài nước Mỹ được Viện Hudson trao giải Herman Kahn tại thủ đô Hoa Kỳ. Herman Kahn là nhà vị lai học (futurologist) đã tiên đoán sức bật của Nhật từ hơn nửa thế kỷ trước và đề cao thế liên kết Mỹ-Nhật từ các năm 1970, chẳng khác gì Thủ tướng Nobosuke Kishi.
Việc Thủ tướng Abe lãnh giải Herman Kahn còn khiến các sử gia nhớ đến chủ trương của Tổng thống Theodore Roosevelt trăm năm về trước, còn trước Thế chiến II và cuộc chiến Mỹ-Nhật trên biển Thái Bình. Đó là sự lớn mạnh của Nhật Bản tại Đông Á phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ. Đấy là chủ thuyết Monroe được hiện đại hóa. (Xin đọc lại bài về Chiến tranh Hoa-Nhật năm Giáp Ngọ 1894).
Cần nhắc lại rằng vào đầu Thế kỷ 19, Hoa Kỳ có "Chủ thuyết Monroe": Tây bán cầu – khu vực Trung Nam Mỹ - là đất cấm của Mỹ chứ không thể là vùng tự do bành trướng của Âu Châu. Trăm năm sau, cường quốc hải dương Nhật Bản cũng có "Chủ thuyết Đại Đông Á" nhằm mở rộng quỹ đạo bằng quân sự. Kết quả thì bị Hoa Kỳ giải giới và phải mở rộng ảnh hưởng bằng kinh tế trong mấy chục năm liền, cho đến khi tranh chấp với cường quốc mới nổi là Trung Quốc.
Sau Hoa Kỳ và Nhật Bản, lãnh đạo Bắc Kinh muốn tinh vi hóa chủ thuyết Đại Đông Á với màu sắc Trung Hoa của mình: Châu Á là của người Á, không của Hoa Kỳ, và việc Mỹ đòi "chuyển trục" là không chấp nhận được. Nhưng chưa chắc là "người Á" theo định nghĩa của Bắc Kinh lại chịu thần phục Trung Quốc. Trong năm Ngọ, thế giới sẽ chứng kiến nhiều chuyện lạ tại Đông Á với "Chủ thuyết Monroe" được hiện đại hóa - đúng hơn, Nhật Bản hóa - nhờ lực đẩy của Shinzo Abe.
Loại sự kiện thứ hai, thuộc về võ, là Nhật Bản dưới thời Shinzo Abe đã khai triển sức mạnh kinh tế và thực lực kỹ thuật của mình qua lãnh vực quân sự.
Sau khi là cường quốc hải dương bị Hoa Kỳ tước võ khí, Nhật trở thành cường quốc kinh tế có tiến bộ vượt bậc về kỹ nghệ, kể cả hàng hải, cơ khí và điện tử. Nhật đã từng dẫn đầu thế giới về kỹ nghệ hàng hải với loại tầu dầu vĩ đại trước khi nhường lãnh vực đó cho Đại Hàn.
Đến khi hữu sự là trong năm qua, người ta mới thấy nhiều loại mẫu hạm tân kỳ của Nhật lại có cái dạng của... tầu dầu. Mặt phẳng ở trên là nơi trực thăng hạ cánh, ruột gan ở dưới là kho quân vận. Không chỉ có vậy, từ chiến đấu cơ đến kỹ nghệ không gian và tiềm thủy đĩnh hay hoả tiễn, nhiều loại chiến cụ cho thời hiện đại đều nằm sẵn trong bộ nhớ lẫn bộ máy sản xuất của Nhật. Cho nên, năm Giáp Ngọ là khi ta thấy Shinzo Abe nói và làm.
Mà hơi khác với Tập Cận Bình, sẽ làm được những điều đã nói.
Lúc đó, người ta mới để ý tới bóng hồng ở đằng sau Thủ tướng Nhật, Đệ nhất Phu nhân Akie Abe, nhũ danh Akie Matsuzaki. Phía bên kia là một bà tướng.
Hai bà đệ nhất, Akie Abe và Bành Lệ Viên
Sinh năm 1962, học trường đạo Thánh Tâm từ bé đến lớn, bà Akie Abe là khuôn mặt phụ nữ độc lập, giỏi võ, có cá tánh riêng và làm việc trong một công ty quảng cáo. Rồi trở thành người dẫn nhạc, "disk jockey", rất nổi tiếng trên đài phát thanh. Nổi tiếng nhất, nàng "Akkie" của giới trẻ Nhật Bản lại là người thân thiết với văn hóa và dân chúng Đại Hàn. Nàng hâm mộ các nghệ sĩ trẻ của Nam Hàn và là nhịp cầu Hàn-Nhật trong giới thanh niên. Ở nhà, đấy là một phụ nữ hiền thục nhưng dám nói không với ông chồng khi có bất đồng quan điểm!
Nàng Akie Abe giỏi đánh thương, có đường thủ rất kín.
Khi Nhật chuẩn bị tái võ trang, Đại Hàn Dân quốc ở bên kia biển Nhật Bản bỗng giật mình nhớ lại chuyện xưa.
Bán đảo Triều Tiên bị quân Nhật tấn công năm 1910 là bàn đạp tiến vào Mãn Châu rồi từ đó đi vào Hoa lục từ năm 1937. Sau Thế chiến II, Nhật bị khuất phục, nhưng Đại Hàn bị chiến tranh và chia hai. Bắc Hàn học theo Liên Xô và Trung Quốc, Nam Hàn học theo Nhật Bản và Hoa Kỳ, với kết quả ngày nay đã rõ....
Ngày nay, khi con ngựa chiến Shinzo Abe xuất chiêu, Nam Hàn tất nhiên là e ngại. Nhưng có người đã rỉ tai nữ Tổng thống Nam Hàn Phác Cận Huệ, rằng cái nghề DJ của dick jockey Akie Abe cũng được gọi là 'kỵ sư", chuyên về cưỡi ngựa. Nam Hàn sẽ được trấn an rằng con ngựa chiến Abe đã có người đẹp lèo lái!
Chẳng hóa là ngoài những chiến cụ tinh vi của Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe còn có một võ khí hạng nặng về giao tế, chính là Đệ nhất Phu nhân Akie Abe. Khi so sánh với người đẹp của Chủ tịch Tập Cận Bình là nàng Bành Lệ Viên, người ta cũng thấy vài điểm khác giữa hai "Đệ nhất Phu nhân" Hoa Nhật.
Thiếu tướng Bành Lệ Viên của Tập Cận Bình
Cũng sinh năm 1962 như Akie Abe, nàng họ Bành là ca sĩ loại nhạc phổ thông, đăng lính và là binh nhì ở tuổi 18, nàng nổi tiếng từ khi ca hát cho quân đội sau vụ tấn công Việt Nam vào năm 1979. Mười năm sau, nàng còn nổi tiếng hơn nữa khi cổ động các đơn vị đã ra tay trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Với chiến công đó, nàng được lên lon và ngày nay đeo quân hàm Thiếu Tướng!
Báo chí khắp nơi đã từng một thời tiên đoán Bành Lệ Viên sẽ trở thành tay trợ lực đáng nể cho Tập Cận Bình, nhưng khi họ Tập đến Mỹ hội đàm tay đôi với Barack Obama thì cũng chẳng thấy Đệ nhất Phu nhân Mỹ gặp bà Bành. Có khi nàng chỉ là sản phẩm cho thị trường nội địa. Riêng trong thế trận Á Châu, rõ ràng là Akie Abe đã tới rất nhiều nơi mà Bành Lệ Viên còn vướng và chưa thể tới được, từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia tới Cam Bốt. Hình ảnh bình dị của Akie khi đi tranh cử cho chồng, ngồi giữa các phu nhân ASEAN như một nữ sinh, hoặc uý lạo các tiểu ni cô trong một ngôi chùa Miên là những ấn tượng khó phai trong khung cảnh Giáp Ngọ....
Source : Việt Báo Xuân Giáp Ngọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét