31/3/14

MH370 : Malaysia có thể bị mất quyền kiểm soát trên cuộc điều tra

MH370 : Malaysia có thể bị mất quyền kiểm soát trên cuộc điều tra

Phi hành gia trên máy bay Úc Orion Air Force AP-3C xem bản đồ bay của chuyến MH370 Malaysia Airlines tại khu vực phía nam Ấn Độ Dương
Phi hành gia trên máy bay Úc Orion Air Force AP-3C xem bản đồ bay của chuyến MH370 Malaysia Airlines tại khu vực phía nam Ấn Độ Dương
REUTERS/Michael Martina

Trọng Nghĩa
Một chiếc Boeing của Mỹ bị rơi trên vùng biển quốc tế với đa số hành khách là người Trung Quốc, một chiến dịch tìm kiếm huy động phương tiện của khoảng 20 quốc gia, xác phi cơ đến nay vẫn biệt tăm… Tất cả các yếu tố trên đây gộp lại cho thấy là cuộc điều tra về chiếc máy bay bị mất tích của hãng Malaysia Airlines sẽ gặp nhiều khó khăn. Một trong những hệ quả là Malaysia, trên nguyên tắc phải là nước chỉ đạo công cuộc điều tra, có nguy cơ bị mất quyền chủ đạo trên cuộc điều tra.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 27/03/2014, ông Gerry Soejatman, một chuyên gia độc lập về hàng không, đã lưu ý : « Chúng ta đang phải đối mặt với một thảm họa hàng không phức tạp hơn nhiều so những vụ đã được ghi nhận từ trước đến nay, và Malaysia sẽ không kham nổi trách nhiệm nếu họ quyết định tiến hành điều tra một mình ».
Được đăng ký tại Malaysia, chiếc phi cơ Boeing 777 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, theo chính quyền Malaysia, đã rơi xuống vùng biển quốc tế phia nam Ấn Độ Dương. Theo luật lệ quốc tế, cuộc điều tra về tai nạn này thuộc thẩm quyền của Kuala Lumpur.
Thế nhưng, thực tế cho thấy là quốc gia Đông Nam Á này không đủ năng lực chuyên môn và phương tiện thích hợp để tiến hành cuộc điều tra từ đầu đến cuối, do vậy, khả năng Malaysia phải khoán một phần công việc cho nước khác là điều không thể tránh khỏi.
Hiện nay, có một số quốc gia hay định chế được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra. Trước hết là Úc, sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu vì lẽ rất đơn giản : Úc là nước gần nơi máy bay bị nạn nhất, trong lúc địa bàn tìm kiếm lại ở xa tít ngoài khơi. Công việc điều phối công cuộc tìm kiếm do đó phải được thực hiện từ thành phố Perth ở vùng Tây Úc, và các mảnh vỡ của chiếc phi cơ bị nạn, một khi được vớt, sẽ được chuyển về nơi này.
Có một vai trò quan trọng không kém là Cơ quan An toàn Giao thông Vận tải Mỹ NTSB, và Cơ quan Điều tra Tai nạn Hàng không Anh Quốc AAIB. Sự can dự của hai cơ quan chuyên môn này vào công cuộc điều tra là tất yếu vì chiếc phi cơ bị nạn do Tập đoàn Boeing của Mỹ sản xuất, và được trang bị động cơ của tập đoàn Anh Rolls-Royce.
Còn một nước khác là Trung Quốc, từ đầu đến nay, luôn luôn lớn tiếng chỉ trích các khuyết điểm của Malaysia trong việc điều tra, cũng đòi được trực tiếp tham gia. Yêu cầu của Bắc Kinh cũng có phần hợp lý vì có đến 153 công dân Trung Quốc, tức là 2/3 số hành khách – đi trên chiếc máy bay bị mất tích.
Đối với chuyên gia Soejatman, vấn đề đặt ra cho Malaysia là nước này rốt cuộc có thể bị biến thành khán giả đứng nhìn các nước khác tiến hành cuộc điều tra.
Đây sẽ là một điều nhức nhối cho Malaysia, vốn nổi tiếng là một nước có tinh thần dân tộc rất cao. Theo ông Soetatman, đòi hỏi của Trung Quốc có thể là điều miễn cưỡng nhất đối với Malaysia vì lẽ quan hệ song phương đã căng thẳng hẳn lên từ lúc xẩy ra vụ chiếc phi cơ bị mất tích. Bên cạnh đó, bang giao hai bên còn hàm chứa những căng thẳng tiềm tàng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, với việc hai lần Trung Quốc cho tàu chiến đến khiêu khích Malaysia tại khu vực bãi James Shoal đang tranh chấp giữa hai bên.
Một trong những nhược điểm của Malaysia, theo AFP, là tính chất thiếu minh bạch của chính quyền nước này trong việc quản lý các vấn đề công cộng. Kuala Lumpur bị tố cáo là cố tình bơm tiền để cứu hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines khỏi cảnh phá sản, do đó khó tránh khỏi bị mang tiếng là thiên vị trong cuộc điều tra về chuyến bay MH370.
Ngay cả kết luận của Malaysia là chiếc phi cơ đã bị rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi cạn kiệt nhiên liệu cũng bị hoài nghi vì chưa có bằng chứng cụ thể nào.

Source  :  RFI

29/3/14

Trật tự thế giới mới

Tháng 3 30, 2014
The Economist
Trật tự thế giới mới 
Phan Trinh dịch
Theo pro&contra
Trật tự thế giới hậu Xô-viết hẳn là không hoàn hảo, nhưng thứ trật tự Vladimir Putin đang muốn áp đặt rõ là tệ hơn nhiều.
Tuần rồi, Vladimir Putin bảo Quốc hội Nga rằng: “Trong tâm tư người dân, Krym mãi là một phần không thể tách rời Nga.” Và thế là Putin đã sáp nhập bán đảo Krym vào Nga với tốc độ và cách làm hiệu quả đến chóng mặt, với sự hậu thuẫn của đa số áp đảo qua trưng cầu dân ý. Putin gọi đó là thắng lợi của trật tự, của chính danh, và là một đòn đau đánh vào bàn tay thập thò can thiệp từ phương Tây.
Nhưng, coi vậy mà không phải vậy, Putin không đại diện cho trật tự mà đại diện cho bất ổn và đấu đá. Việc đầu tiên Putin làm để đặt nền móng cho trật tự mới là vẽ lại đường biên giới dựa trên những lý lẽ tuỳ tiện, những lý lẽ rất dễ bị lợi dụng để thổi bùng ngọn lửa tranh chấp lãnh thổ tại hàng chục nơi khác trên thế giới. Thêm nữa, dù hầu hết người Krym muốn theo Nga, cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi cũng chỉ là một trò hề. Hành xử của Nga gần đây thường được dư luận gán cho một cách phiến diện rằng đó là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ. Thực ra, hành xử đó đặt ra một đe doạ rộng lớn hơn, và là đe doạ cho bất cứ quốc gia nào ở bất cứ đâu, vì Putin vừa ngang nhiên lái xe tăng, cán bừa rồi ngồi chồm hổm trên trật tự thế giới hiện có.
Đất mẹ xiết vào lòng
Chính sách đối ngoại thường đi theo chu kỳ. Chế độ Xô-viết sụp đổ mở đường cho một thập niên thống trị vô đối của Mỹ và sự khẳng định rình rang những giá trị Mỹ. Nhưng thế giới “duy ngã độc tôn” này, được thổi phồng lên bằng sự ngạo mạn vô lối của George Bush, đã phải hụt hơi ngạt thở trong khói bụi từ cuộc chiến Iraq. Từ đó, Barack Obama đã tìm cách đưa ra một đường lối đa phương hơn, có người có ta hơn, xây dựng trên niềm tin rằng Mỹ có thể đứng chung chiến tuyến với các nước khác để đương đầu với những vấn nạn chung và để cùng nhau cô lập kẻ ác. Đường lối này thất bại thảm hại tại Syria, nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại Iran. Tuy ảnh hưởng đã giảm nhưng phải nói rằng chính uy thế của Mỹ đã giúp cho đường hàng hải thế giới vẫn còn thông thoáng, các biên giới còn được tôn trọng và luật pháp quốc tế hầu hết được tuân thủ. Xét ở mức độ đó thì trật tự hậu Xô-viết rõ là có ý nghĩa của nó.
Nhưng Putin đang phá huỷ trật tự này. Ông cố khoác cho việc sáp nhập Krym chiếc áo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như lập luận rằng việc loại bỏ chính quyền ở Kiev vừa qua khiến ông không còn bị trói buộc bởi thoả ước đảm bảo sự vẹn toàn lãnh thổ Ukraine, một thoả ước Nga đã ký năm 1994 khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng luật pháp quốc tế chỉ có nghĩa khi chính quyền đến sau thực thi những quyền hạn và trách nhiệm được chính quyền trước trao lại. Chưa hết, Putin còn viện dẫn nguyên lý rằng phải bảo vệ “đồng bào” mình – tức tất cả những ai ông tự tiện gọi là người Nga – bất chấp họ đang ở đâu. Chưa hết, chứng cớ một đường miệng lưỡi một nẻo, Putin còn chối bay chối biến rằng binh lính mang quân phục không phù hiệu nắm quyền kiểm soát tại Krym không phải là lính Nga. Sự kết hợp quái gở của hai vế, một bảo vệ và một dối trá, quả là thứ công thức phù thủy dễ dùng để can thiệp vào bất cứ quốc gia nào có sắc dân thiểu số cư ngụ, không cứ là người Nga.
Khi rêu rao những chuyện ngụy tạo trắng trợn về bọn phát xít ở Ukraine đe doạ Krym, Putin đã xem thường nguyên tắc rằng: sự can thiệp ở nước ngoài chỉ nên dùng như biện pháp cuối cùng trong trường hợp có đại họa. Putin biện minh bằng cách viện dẫn vụ NATO đánh bom Kosovo năm 1999 như tiền lệ. Nhưng cần biết rằng vụ NATO can thiệp vào Kosovo chỉ diễn ra sau khi có bạo động dữ dội và Liên Hiệp Quốc đã phải bó tay sau bao nhiêu nỗ lực bất thành – và bất thành cũng vì Nga cản trở. Ngay cả trong trường hợp này, Kosovo cũng không như Krym bị sáp nhập lập tức, Kosovo chín năm sau đó mới ly khai.
Trật tự mới kiểu Putin, tóm lại, được xây dựng trên chính sách thôn tính phục thù, sự trắng trợn xem thường sự thật, và việc bẻ cong luật pháp cho vừa vặn với những gì kẻ nắm quyền lực mong muốn. Trật tự kiểu đó có cũng như không.
Buồn thay, quá ít người hiểu điều này. Rất nhiều quốc gia bực bội với vị thế kẻ cả của Mỹ và với Châu Âu thích lên lớp dạy đời. Nhưng rồi họ sẽ thấy trật tự mới kiểu Putin còn tệ hại hơn nhiều. Các quốc gia nhỏ chỉ có thể phát triển tốt trong hệ thống luật lệ công khai minh bạch dù chưa hoàn hảo. Nếu giờ đây nguyên lý mạnh được yếu thua lên ngôi thì họ sẽ có rất nhiều điều phải sợ, nhất là khi phải đối phó với một cường quốc khu vực hay gây hấn bắt nạt. Trong khi đó, các quốc gia lớn hơn, đặc biệt là các cường quốc đang lên trong thế giới mới, tuy có ít nguy cơ bị bắt nạt, nhưng không phải vì thế mà một thế giới vô chính phủ trong đó không ai tin ai sẽ không có tác động xấu với họ. Vì nếu ý nghĩa của các thỏa ước quốc tế bị chà đạp, thì Ấn Độ chẳng hạn sẽ rất dễ bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc vì vùng đất tranh chấp Arunachal Pradesh hoặc Ladakh. Cũng vậy, nếu việc đơn phương ly khai được chấp nhận dễ dàng, thì Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn sẽ rất khó thuyết phục sắc dân Kurds trong nước mình rằng tương lai của họ sẽ tốt hơn khi họ chung tay xây dựng hòa bình. Tương tự, Ai Cập và Ả Rập Saudi cũng muốn tham vọng khu vực của Iran bị kiềm chế, chứ không phải được thổi bùng lên nhờ nguyên lý cho rằng người ngoài có thể can thiệp để cứu giúp sắc dân thiểu số Hồi giáo Shia sống khắp vùng Trung Đông.
Ngay Trung Quốc cũng cần nghĩ lại. Về mặt chiến thuật, có thể nói Krym đã đưa Trung Quốc vào tình thế khó ăn khó nói. Vì một tiền lệ về ly khai sẽ là lời nguyền rủa đen đủi, trong khi Trung Quốc hiện có Tây Tạng đang muốn ly khai; ngược lại, nguyên lý thống nhất đất nước lại là bất khả xâm phạm, trong khi Trung Quốc hiện có Đài Loan chưa thể thống nhất. Tuy vậy, về mặt chiến lược, quyền lợi của Trung Quốc rất rõ ràng. Nhiều thập niên qua, Trung Quốc tìm cách trỗi dậy trong hòa bình và lặng lẽ, tránh né một cuộc xung đột như nước Đức hung hăng đã kích hoạt chống lại nước Anh vào thế kỷ 19 để cuối cùng kết thúc trong chiến tranh. Nhưng, hoà bình trong thế giới của Putin lại là điều khó thành, vì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành cái cớ để động thủ, và bất cứ sự gây hấn tưởng tượng nào cũng có thể dẫn đến một màn phản công.
Hành động trước hay trả giá sau
Đối với Obama, đây là giờ phút quyết định: Obama phải thực sự lãnh đạo, thay vì chỉ hợp tác. Nhưng Krym không chỉ là việc của Mỹ, mà còn là của cả thế giới. Với những tai họa nhãn tiền, phản ứng của các nước đến nay nói chung đều yếu và manh mún. Trung Quốc và Ấn Độ hầu như chỉ đứng bên lề. Phương Tây thì áp đặt cấm vận visa và phong tỏa tài sản của một số phần tử Nga. Nhưng những phần tử bị nhắm tới thì lại coi đó là huy hiệu của danh dự.
Ít nhất, việc trừng phạt cũng cần bắt đầu cứng rắn hơn, vượt ngoài dự kiến hơn. Phong tỏa tài sản có thể tác động mạnh, vì như vụ cấm vận Iran trước đây cho thấy, giới tài chánh quốc tế rất sợ dính líu tới guồng máy luật lệ của Mỹ. Cũng vậy, các quan tham của Putin sẽ la lối ầm lên nếu nước Anh không cho London nhận đồng tiền có liên hệ với chế độ tại Nga. Pháp nên hoãn việc bán vũ khí cho Nga; và trong trường hợp phía đông Ukraine là nạn nhân kế tiếp của Nga, thì nước Đức nên sẵn sàng cấm vận xăng dầu và khí đốt Nga. Cần lên kế hoạch ngay bây giờ để giảm mức lệ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và để NATO mạnh hơn.
Trong ngắn hạn, Ukraine cần nhiều tiền để cứu vãn kinh tế khỏi sụp đổ, và cần nhiều cải cách dài hạn với giúp đỡ của IMF, cùng những tư vấn từ nước ngoài mà Ukraine có thể chấp nhận được. Để đi bước đầu tiên theo hướng này, Mỹ cần lập tức thanh toán các khoản nợ cho IMF, khoản thanh toán đã bị Quốc hội ngăn chặn nhiều tháng nay.
Tuy nhiên, dù cho phương Tây có sẵn sàng dùng những biện pháp cứng rắn chống Putin chăng nữa thì những cường quốc đang trỗi dậy vẫn có thể không mấy hứng thú trong việc lên án Putin. Nhưng, thay vì im hơi lặng tiếng trước vụ sáp nhập phi pháp Krym, những cường quốc đang trỗi dậy kia rất nên suy nghĩ xem họ đang muốn sống trong một trật tự thế giới như thế nào. Họ muốn một trật tự trong đó hầu hết các quốc gia tôn trọng những thỏa ước quốc tế và biên giới đã vạch? Hay là họ thích một trật tự trong đó cam kết bị bẻ cong, biên giới bị xâm phạm và thỏa ước cứ thích là xé?
Nguồn: “The new world order”, The Economist, số ra ngày 22/3/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra

Đối Phó Với Liên Bang Nga


Đối Phó Với Liên Bang Nga



Nguyễn-Xuân NghĩaViệt Báo Ngày 140328

Sau Vụ Ukraine, Hoa Kỳ Có Thể Làm Những Gì?

 * Barack Obama nhắm mắt trước bức danh họa "Gác Đêm" của Rembrandt * 


Sau khi đã thôn tính bán đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin còn ỡm ờ dàn trận, trong nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, để gây áp lực với Ukraine và mở rộng ảnh hưởng tại vùng biên vực giữa Liên bang Nga và Âu Châu. Với khả năng quân sự hiện nay, Liên bang Nga của Putin có thể dễ dàng xắn vào khu vực Đông Nam của lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ bị tiêu hao lực lượng khi chiếm đóng. Vì vậy, giả thuyết quân sự ấy có xác suất không cao.
 
Nhưng Putin vẫn có thể nghĩ đến nhiều cách khuynh đảo khác, vào nội tình Ukraine lẫn các quốc gia lân cận...

Gặp hoàn cảnh đó, là quốc gia lãnh đạo khối Tây phương, Hoa Kỳ có thể làm gì?

***
 
Dư luận Hoa Kỳ hiện còn tranh luận về sự ứng phó của Chính quyền Barack Obama sau năm năm quá tin vào Putin để cùng giải quyết nhiều vấn đề của thế giới (chuyện "reset" dớ dẩn và lới hứa "linh động" dại dột). Nếu nhìn xa hơn viễn cảnh của Obama, dù sao cũng sẽ về hưu sau năm 2016, người ta có thể nghĩ đến một hướng đối phó khác.

Trước hết, chuyện Crimea là "sự đã rồi". 

Số phận của Ukraine và 10 quốc gia vùng biên vực mà Putin muốn khuynh đảo để làm vùng trái độn cho Liên bang Nga mới là đáng kể. Đó là, từ Bắc xuống Nam, ba nước Cộng hòa Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), sáu nước Đông Âu là Ba Lan, Cộng hoà Tiệp, Slovakia, Hung, Romania và Bulgaria, qua đến Georgia nằm giữa Hắc hải và Biển Caspian. 

Với Crimea, lý luận đúng sai về pháp lý chỉ có tính cách ngoại giao và chính trị, tức là cần thiết mà không làm thay đổi được cục diện ít ra trong nhiều thập niên. Với các nước còn lại, ở khu vực chiến lược của Âu Châu, thì Hoa Kỳ và các nước Âu Châu phải suy nghĩ lại về đối sách. Suy nghĩ để chủ động đối phó, và tuyệt nhiên từ bỏ thái độ hiện nay là "chỉ phản ứng theo mỗi bước đi của Putin".

Việc chủ động đối phó phải khởi sự từ nỗ lực rà soát lại chiến lược phát triển - cả an ninh lẫn kinh tế - của Liên hiệp Âu châu, với sự hợp tác cũng an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ. 

Vì Liên Âu chủ hòa và chỉ mong phát triển kinh tế, kể cả qua hợp tác với Liên bang Nga, Hoa Kỳ luôn luôn bị động khi có chuyện xảy ra tại Âu Châu. Nhưng khi phải quyết định thì lại gặp sự bất nhất của các nước Âu Châu với nhau. Hoàn cảnh đó tạo cơ hội cho Putin gây ly gián trong quan hệ Âu-Mỹ.

Từ việc rà soát chiến lược và quan hệ Âu-Mỹ-Nga, Hoa Kỳ cần nhìn lại và khẳng định vai trò của Minh ước NATO. 

Kết quả sẽ phải dẫn tới việc cụ thể là thực hiện hệ thống phòng thủ chiến lược BMD (phi đạn chống hỏa tiễn đạn đạo) tại Đông Âu và Trung Âu. Nghĩa là xúc tiến dự án đã được Hoa Kỳ thời George W. Bush đề nghị cho Ba Lan và Tiệp mà lại bị Obama hủy bỏ. Cũng trong hệ thống bảo vệ của NATO, Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện, dù chỉ tượng trưng, tại khu vực Baltic. Điều này đã có thể bắt đầu.

Song song là nỗ lực vận động bốn nước trong "Nhóm Visegrad" là Ba Lan, Hung, Tiệp và Slovakia có lập trường thống nhất hơn trước mối nguy của Liên bang Nga. Nhóm này được lập ra từ năm 1991 cho nhu cầu phối hợp giữa các nước từng là nạn nhân của Đế quốc Nga và Liên bang Xô viết, để ứng phó với Liên bang Nga. Nhưng sau đó, nội tình lại thiếu thống nhất cũng vì quan hệ kinh tế với nước Nga, thí dụ như quan điểm ôn hòa của Tiệp và Hung trong vụ Ukraine - chỉ vì lý do kinh tế. Xứ nào cũng muốn bênh Ukraine mà lại sợ bị thiệt về kinh tế.

Tiếp theo, Hoa Kỳ phải là quốc gia thực sự lãnh đạo khi vận động toàn khối Âu Châu cùng thống nhất đối sách và nếu được NATO bảo vệ thì các nước Âu Châu cũng phải góp phần tối thiểu để giữ vững tấm khiên này.

Riêng với Liên bang Nga, Hoa Kỳ cần có lập trường cương quyết hơn, với lời hăm dọa là sẽ hủy bỏ hai hiệp ước New START và INF (võ khí hạch tâm tầm trung, Intermediate-Range Nuclear Force). Trong một kỳ khác, chúng ta sẽ trở lại hồ sơ này, được thành hình từ thời Barack Obama và có lợi cho Nga hơn cho Mỹ. Nếu đặt lại vấn đề về START và INF, Hoa Kỳ chẳng tốn kém gì hơn nhưng thực tế mở ra cuộc thi đua võ trang sẽ làm Liên bang Nga hụt hơi.

Ra khỏi lãnh vực an ninh chiến lược, một lãnh vực an ninh khác cũng phải được Liên Âu thực hiện, với sự hỗ trợ, thực tế là lãnh đạo của Hoa Kỳ. Đó là an ninh kinh tế. Chính vì quá lệ thuộc về kinh tế với Liên bang Nga (năng lượng và đầu tư), Liên Âu đã trao cho Putin sợi dây xiết cổ. 

Hoa Kỳ có thể tháo gỡ sợi dây đó bằng cách giúp Liên Âu tìm ra nguồn năng lượng thay thế, kể cả khí đốt của Hoa Kỳ, từ nay phải được phép xuất cảng. Đồng thời, Hoa Kỳ phải khuyến khích Âu Châu vượt nỗi lo về môi sinh mà phát triển kỹ thuật khai thác dầu và khí từ đá phiến (fracking). Muốn như vậy, lãnh đạo nước Mỹ cũng phải thay đổi chiến lược năng lượng của mình, từ khai thác, bảo vệ môi sinh, sản xuất đến xuất cảng, và tận dụng sức mạnh của dầu, khí và cả than đá. 

Một quốc gia triệt để hỗ trợ Ukraine và sát cánh với Âu Châu và Hoa Kỳ là Canada. Xứ này sẽ sốt sắng hơn khi nước Mỹ tăng cường hợp tác và phát triển kỹ thuật fracking. Trong kho võ khí năng lượng để phá vòng kiềm toả của Nga, nước Mỹ không thể quên năng lượng Canada, cho tới nay vẫn bị kẹt ở ngoài biên giới Hoa Kỳ với dự án Keystone XL chưa được thông qua vì áp lực của các nhóm bảo vệ môi sinh trong hệ thống chính trị Obama.

Ngoài năng lượng và trong kinh tế, Hoa Kỳ còn có một định chế quốc tế thuộc vòng ảnh hưởng của mình vì nước Mỹ góp tiền nhiều nhất, chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. 

Định chế này có quy cách viện trợ theo bài bản cổ điển, với điều kiện máy móc và lý tưởng khiến quốc gia cầu viện dễ bị khủng hoảng chính trị nếu phải áp dụng. Thí dụ như phải chấm dứt chế độ trợ giá xăng dầu để giảm bội cho và chóng quân bình ngân sách. Hoa Kỳ có thể can thiệp để tránh tình trạng "giải phẫu không thuốc mê" như vậy. 

Putin muốn gây áp lực mọi mặt để chính quyền lâm thời của Ukraine tại Kyiv có thể sụp đổ vì những lý do kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng thật ra, liều thuốc đắng của IMF có thể khiến con bệnh Ukraine bị đột quỵ trước khi Putin ra tay. Cho nên, việc IMF đồng ý viện trợ cấp cứu 18 tỷ đô la cho Ukraine cần được tiến hành theo tinh thần khác: không hành hạ xứ này vì những di hại của chế độ Viktor Yanukovych mà theo đà phục hồi sẽ từng bước cải thiện cơ chế kinh tế Ukraine cho tự do và lành mạnh hơn.

Sau cùng, quan trọng và cấp bách nhất, Hoa Kỳ phải cương quyết bày tỏ tinh thần liên đới và sát cánh với dân chúng Ukraine. Đây là lúc nước Mỹ cần chứng tỏ rằng mình là một đồng minh khả tín, một quốc gia có khả năng lãnh đạo và đáng tin. Thông điệp này có giá trị cho cả Âu Châu và toàn thế giới. 

Tuần qua, việc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đánh nhau về ngân sách liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ với IMF là một thông điệp bi hài. Nhìn rộng ra ngoài thì sự suy nhược về đối ngoại của nước Mỹ trong năm năm qua là một cám dỗ lớn cho Putin. Cho nên, việc điều chỉnh lại để cả khối Tây phương có một chiến lược đối phó tích cực và toàn diện hơn trong những năm tới sẽ phải bắt đầu từ nước Mỹ. 

Danh mục những điều cần làm ngay được tóm lược ở trên có thể là một lộ trình chuyển hướng....


Soure : dainamax tribune 

'Luân chuyển cán bộ, ai thắng cuộc?'

'Luân chuyển cán bộ, ai thắng cuộc?'

BBC      Cập nhật: 14:08 GMT - thứ bảy, 29 tháng 3, 2014
Ông Nguyễn Thanh Nghị
Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Dũng, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Sau một quyết định luân chuyển, 44 vụ trưởng, thứ trưởng... bỗng trở thành phó tỉnh(1).
Nhiều người trong đó sau Đại hội sẽ lại ra Hà Nội làm Bộ trưởng, vào Trung ương.

Chỗ trống
"Luân chuyển cán bộ" là một giải pháp được Hội nghị Trung ương Ba, khóa VIII (6-1997), đặt ra. Nhưng phải tới Hội nghị Trung ương Sáu (lần 2), khóa VIII (1998), mới bắt đầu được Tổng bí thư Lê Khả Phiêu áp dụng.
Nếu những nỗ lực đưa tuổi về hưu lên 65 không thành công, Đại hội sắp tới hứa hẹn sẽ có rất nhiều "chỗ trống". Tuổi để không "tái ứng cử" của ủy viên Trung ương hiện là 60, tức là những người sinh từ năm 1956 trở về trước sẽ phải ra đi. Có tới 81/154 ủy viên trung ương (không tính Ban bí thư, Bộ chính trị) có năm sinh từ 1951-1956. Trong số này có 11 bộ trưởng, 15 bí thư tỉnh ủy và hai vị chủ tịch 2 thành phố Hà Nội, Sài Gòn.
Hy vọng không phải hoàn toàn tắt hết cho 15 vị ủy viên Trung ương sinh năm 1956. Nhưng cũng phải nhớ là ở Đại hội XI chỉ có 4 vị sinh năm 1951 (tương đương 1956 ở đại hội XII) lọt vào Trung ương: Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Thường vụ Quốc hội Đào Trọng Thi, Bộ trưởng Giàng Seo Phử. Năm 2011, cũng có ba vị bộ trưởng khác "cố đấm" nhưng không "ăn được xôi": Lê Doãn Hợp (1951), Trần Đình Đàn (1951), Phạm Khôi Nguyên (1950).
"Nếu Đại hội XII tổ chức vào đầu năm 2016, ông Trương Tấn Sang có thể chạm vào giới hạn tuổi tác (ông sinh ngày 21-1-1949) nhưng lại có lợi thế là mới giữ chức Chủ tịch Nước một nhiệm kỳ. Ông Nguyễn Tấn Dũng đang còn mấy tháng tuổi (ông sinh 17-11-1949) nhưng chỉ có một con đường "đi lên" vì đã có hai nhiệm kỳ Thủ tướng "
Tuổi về hưu của ủy viên Bộ chính trị là 65. Có ít nhất 4 ủy viên Bộ chính trị chắc chắn sẽ bị vấn đề tuổi tác loại ra khỏi danh sách nhân sự Đại hội 12: Nguyễn Phú Trọng (1944), Nguyễn Sinh Hùng (1946), Ngô Văn Dụ và Tô Huy Rứa (cùng sinh năm 1947). Cũng có không nhiều cơ hội cho: Lê Hồng Anh (12-11-1949), Phùng Quang Thanh (2-2-1949), Phạm Quang Nghị (2-9-1949) và Lê Thanh Hải (20-2-1950).
Hai ủy viên Bộ chính trị, Phạm Gia Khiêm (6-8-1944) và Hồ Đức Việt (13-8-1947), đã bị đánh rớt tại Đại hội XI. Chỉ có một tiền lệ là trường hợp của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, ông được tái cử để đưa lên ghế Chủ tịch Quốc hội khi chỉ còn vài ngày là 65 tuổi (18-1-1946).
Quy định tuổi tác và giới hạn hai nhiệm kỳ cũng có tác dụng tích cực trong một nền chính trị cả nể như Việt Nam. Ông Phạm Văn Đồng từng làm Thủ tướng từ năm 1955 đến 1987. Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn đều giữ chức cho đến "hơi thở cuối cùng". Trước Đại hội VIII, Đỗ Mười đã 79 tuổi nhưng vẫn còn "bám trụ".

Bộ Tứ

Từ sau Đại hội IX, tuổi không tái ứng cử của "bộ tứ" được quy định là 67. Đại hội XI diễn ra vào tháng Giêng 2011, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vẫn còn 3 tháng... để trở thành Tổng bí thư (ông Trọng sinh ngày 14-4-1944).
Nếu Đại hội XII tổ chức vào đầu năm 2016, Ông Trương Tấn Sang có thể chạm vào giới hạn tuổi tác (ông sinh ngày 21-1-1949) nhưng lại có lợi thế là mới giữ chức Chủ tịch Nước một nhiệm kỳ. Ông Nguyễn Tấn Dũng đang còn mấy tháng tuổi (ông sinh 17-11-1949) nhưng chỉ có một con đường "đi lên" vì đã có hai nhiệm kỳ Thủ tướng (2).
Lãnh đạo Việt Nam
Dàn lãnh đạo Việt Nam được cử ở Đại hội Đảng trước có người ngấp nghé tuổi nghỉ hưu.
Tất cả các "Hồng y" đều muốn trở thành "Giáo hoàng" nhưng ai cũng phải giữ bề ngoài đạo mạo. Ai cũng cần người thay họ nói ra "tham vọng" đó (bằng cách đề cử trong những hội nghị trung ương cuối nhiệm kỳ). Trước Đại hội XI, cho dù uy tín của Nông Đức Mạnh thế nào, lời giới thiệu người kế vị của ông vẫn vô cùng quan trọng. Năm 2011, nếu không được Nông Đức Mạnh giới thiệu, Nguyễn Phú Trọng có thể chỉ là một ông già 67 tuổi về hưu.
Đề cử người kế vị của ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn vẫn có trọng lượng nhưng cách vận hành Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương giờ đây đã phức tạp hơn. Nó chịu chi phối rất nhiều của vấn đề "thế - lực".
Nguyễn Tấn Dũng là ủy viên dự khuyết từ tháng 12-1986. Trong khi tháng 1-1994 Nguyễn Phú Trọng mới được đặc cách vào Trung ương. Tuy vào Bộ chính trị gần như trong cùng một thời gian, mãi tới năm 2006 Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng mới có một vị trí có quyền lực ở tầm quốc gia. Trong khi từ năm 1996, Nguyễn Tấn Dũng đã được đưa vào nhóm năm người quyền lực nhất (Thường vụ Bộ chính trị) và lần lượt giữ những chức vụ mà các quyết định có thể "quy ra thóc", chi phối tới mọi ngóc ngách của hệ thống chính trị: Phó thủ tướng thường trực (1997); Thủ tướng (2006).
Người thắng cuộc là người có nhiều phiếu hơn. Người có nhiều phiếu hơn không hẳn vì uy tín lớn hơn mà còn có thể là người có nhiều "gót chân A-Sin" để sau khi bầu lên "đàn em" dễ dàng trục lợi.
Thành phần bỏ phiếu trong Đại hội không bị chi phối một cách trực tiếp bởi nguyên tắc lợi ích như trong Bộ chính trị, Trung ương, nhưng đại biểu lại thường là những người "phục tùng". Cho dù xác suất rất thấp, Đại hội vẫn có thể tạo ra bất ngờ nếu như các đại biểu hiểu là lá phiếu của họ có thể chỉ tập trung đặc quyền, đặc lợi cho một số người nhân danh "tập trung dân chủ".

Tại Sao Luân Chuyển?

"Luân chuyển", theo Nghị quyết Trung ương Ba, là để "giúp cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn". Nhưng, tại sao một ông phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao lại phải "rèn luyện" bằng cách về tỉnh làm phó bí thư; một ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi lại phải cần "thực tiễn" ở ủy ban nhân dân một tỉnh?
"Xuôi chèo mát mái thì đến hẹn họ mới đi cho. Đó là thời gian "nín thở qua sông" chứ không phải là "rèn luyện"
Ban Tổ chức Trung ương có bao giờ hỏi ông Nguyễn Văn Giàu, hai năm cách ly với chuyên môn ở Ninh Thuận (2004-2006) có giúp được gì cho ông khi làm Thống đốc. Bí thư tỉnh ủy là một nhà chính trị địa phương trong khi Thống đốc ngân hàng làm công việc của một nhà kỹ trị. Ban Tổ chức cũng có bao giờ hỏi ông Nguyễn Hòa Bình (luân chuyển về Quảng Ngãi 2010-2011), kinh nghiệm làm Bí thư có giúp gì để một ông tướng công an trở thành Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đứng đầu "viện công tố" mà học được cái lắt léo của "chính trị gia" thì liệu có còn "độc lập, chỉ tuân theo pháp luật".
Cũng có những cán bộ được quy hoạch để làm chính trị khi về địa phương, bị đặt trước thách thức phải tự "tìm chỗ trống có cơ cấu" như Thứ trưởng Trần Thế Ngọc (trước đương kim Bí thư Trần Thị Kim Cúc ở Tiền Giang hồi năm 2010); Phải phản công tự vệ như phó ban Tư tưởng Văn hóa Phạm Quang Nghị khi về làm Bí thư Hà Nam (1998-2001). "Đấu đá nội bộ" cũng có tác dụng trui rèn bản lĩnh nhưng không phải là con đường nhất định để trở thành chính trị gia.
Không thể coi luân chuyển là "thử thách" khi đó chỉ là quy trình một cán bộ được Ban bí thư xếp sẵn ghế rồi "ẵm" về địa phương. Chỉ có rất ít trường hợp thất bại như Vũ Trọng Kim (Quảng Trị 2001-2005). Luân chuyển chỉ là cơ hội để các bên cài đặt nhân sự của mình vào những vị trí có cơ cấu. Cả khách lẫn chủ đều biết chịu đựng nhau. Xuôi chèo mát mái thì đến hẹn họ mới đi cho. Đó là thời gian "nín thở qua sông" chứ không phải là "rèn luyện".
Cho dù Đảng kiểm soát tuyệt đối về công tác cán bộ nhưng không có nghĩa là cán bộ của Đảng thì có thể ngồi bất cứ chỗ nào. Có những bí thư tỉnh ủy có thể làm bộ trưởng. Nhưng không có nghĩa ai có "hàm bộ trưởng" là có thể phiên ngang. Chính trị địa phương không giống như chính trị quốc gia và điều quan trọng hơn, viên chức hành chánh, viên chức chính trị và chính khách là những vị trí không thể luân qua, chuyển lại.

Hành Chánh Chuyên Nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Anh (trái)
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) được bổ nhiệm ở địa bàn mà bố ông được cho có tầm ảnh hưởng.
Cho dù độc đảng hay đa đảng một quốc gia muốn ổn định đều cần phải thiết lập được một nền hành chánh công vụ chuyên nghiệp và độc lập. Các viên chức hành chánh, nếu muốn vẫn có thể "học tập đạo đức Hồ Chí Minh" và chính trị Marx - Lenin, nhưng điều họ bắt buộc phải học là chỉ được làm những gì pháp luật cho làm, tuân thủ các chuẩn mực hành chánh một cách chính xác và không cần sáng kiến.
Bộ máy hành chánh có thể hình thành từ trong các bộ, ngành, từ tỉnh, quận, huyện và phường xã. Đứng đầu các bộ máy hành chánh ở tất cả các cơ quan này là những người được đào tạo trong trường hành chánh. Họ là các chủ sự, các đốc sự và tham sự hành chánh. Họ có thể có hàm tương đương với thứ trưởng, phó tỉnh trưởng hay phó quận trưởng...
Các bộ trưởng, tỉnh trưởng có thể bị thay thế sau mỗi nhiệm kỳ, nhưng người đứng đầu bộ máy hành chánh thì chuyên nghiệp. Khi nào có bộ trưởng, tỉnh trưởng mới tới, họ lại giúp tập huấn để các chính trị gia biết giới hạn, thủ tục khi ứng xử các quyền hành chánh.
Viên chức hành chánh là một "ngạch" có thể chọn qua thi tuyển.

Viên chức chính trị bổ nhiệm (political appointee)

"Nếu họ đưa "em út" hay đưa những kẻ "chạy chức, chạy quyền" vào thì có thể sẽ bị phát hiện trong quá trình điều trần. Nếu người mà họ bổ nhiệm không được phê chuẩn thì họ sẽ rất có thể mất uy tín, phải từ chức hoặc chịu thất cử trong nhiệm kỳ kế tiếp"
Đây là một lực lượng hết sức hùng hậu, trung ương có các bộ trưởng, các thẩm phán (bao gồm cả chánh án), công tố viên (kiểm sát viên - bao gồm cả viện trưởng viên kiểm sát)...; địa phương có các giám đốc sở... Họ được bổ nhiệm bởi những chính trị gia được quốc hội hoặc các cuộc tổng tuyển cử bầu lên như thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh... và thường phải được phê chuẩn của quốc hội hay hội đồng nhân dân các cấp.
Quyền lựa chọn nhân sự cho các vị trí này thuộc về các chính trị gia. Nếu họ đưa "em út" hay đưa những kẻ "chạy chức, chạy quyền" vào thì có thể sẽ bị phát hiện trong quá trình điều trần. Nếu người mà họ bổ nhiệm không được phê chuẩn thì họ sẽ rất có thể mất uy tín, phải từ chức hoặc chịu thất cử trong nhiệm kỳ kế tiếp.
Tuy quyền lựa chọn là của cá nhân nhưng để có sự hậu thuẫn chính trị các chính trị gia buộc phải lựa chọn nhân sự từ nhiều nguồn khác nhau. Thay vì dựa vào "kho dự trữ cán bộ" của Bộ chính trị, Ban bí thư, Thủ tướng sẽ lựa chọn các bộ trưởng trong hàng các chính trị gia hoặc trong các nhà kỹ trị, các nhà văn hóa lớn; Chủ tịch nước sẽ chọn các thẩm phán không phải từ những người được quy hoạch mà có thể từ các luật sư nổi tiếng, giỏi nghề nghiệp và liêm chính.

Chính Trị Gia

Công tác cán bộ như hiện nay không thể làm xuất hiện chính trị gia cho dù vẫn có những chức danh được đặt vào thông qua bầu cử. Chính trị gia thực thụ phải là những người trưởng thành từ các hoạt động chính trị, xã hội... được công chúng biết đến và chọn lựa.
"Nếu đội ngũ kế cận chỉ gồm những người được cha chú "lôi từ trong túi áo ra" thì cho dù họ lên tới cấp nào cũng chỉ có thể hành xử như hàng thuộc hạ"
Nhà báo Huy Đức
Không phải tự nhiên, cho dù có học vấn cao hơn, phẩm chất chính trị gia của lãnh đạo càng ngày càng tụt xuống. Trước đây, các lãnh đạo địa phương được điều ra Trung ương thường nhờ thành tích "đổi mới" (như Võ Văn Kiệt, Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn Chính - Chín Cần...). Ngày nay, không ai biết thành tích ở địa phương của các bí thư tỉnh ủy được đưa lên là gì. Không có môi trường chính trị để những người trở thành lãnh đạo thực sự cao hơn các đồng chí của họ "một cái đầu", các nhà lãnh đạo đã chọn những kẻ kém mình "một cái đầu" cho dễ bảo.
Hiện tượng xuất hiện các nhà lãnh đạo dưới 40 tuổi có học vấn cao, được đào tạo ở Mỹ, ở Canada như Nguyễn Thanh Nghị (phó bí thư Kiên Giang), Nguyễn Xuân Anh (phó bí thư Đà Nẵng) lẽ ra phải được coi là tích cực. Nhưng họ lại đang trở thành đối tượng để dư luận "xì xào". Vấn đề là tại sao lại chỉ có hai vị ấy mà không phải là những người xuất sắc khác trong số hàng chục ngàn bạn trẻ vừa du học trở về.
Nếu không có một môi trường chính trị minh bạch thì những người tử tế rất khó có chỗ đứng trong giới cầm quyền. Nếu không có một môi trường tranh cử công khai thì người tài không thể xuất hiện và được thử thách. Nếu đội ngũ kế cận chỉ gồm những người được cha chú "lôi từ trong túi áo ra" thì cho dù họ lên tới cấp nào cũng chỉ có thể hành xử như hàng thuộc hạ.
(1) Trong 44 cán bộ được luân chuyển đợt này, có 2 ủy viên dự khuyết Trung ương, 19 thứ trưởng và tương đương; 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương; 3 cán bộ nữ. Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 25 người giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 19 người giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
(2) Theo Nghị quyết Trung ương Ba, Khóa VIII: “Cán bộ đứng đầu từ cấp huyện, quận trở lên không giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ”.
Bài viết gốc với tựa đề 'Luân Chuyển Cán Bộ và Nhân Sự Cho Đại Hội' đã được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của nhà báo, blogger Osin Huy Đức tại địa 
chỉ https://www.facebook.com/Osinhuyduc?fref=ts

Theo BBC

28/3/14

Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc”


Phạm Chí Dũng/RFA - HR. 4254: Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc”

Thứ Năm, ngày 27 tháng 3 năm 2014



Dân biểu Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện. - AP
Năm 2014, người Mỹ đối ngoại kiên định hơn so với thái độ không mấy bền vững vào những năm trước. Ngay sau khi đệ trình Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam với số hiệu HR. 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 14/3/2014, dân biểu Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện - bắt đầu một cuộc vận động không thể nói là vô vọng cho dự luật này. Thậm chí, thông tin bên lề còn cho biết xác suất để Hạ viện Hoa Kỳ thông qua HR. 4254 là rất cao.


HR. 1897: Nước “triệt buộc” đầu tiên

“Lộ trình Miến Điện” đang tái hiện những nút thắt cùng uy lực bọc đồng lẫn bọc đường của nó: từ lên án vi phạm nhân quyền đến chế tài những chủ thể sinh đẻ các vi phạm đó. Những tin tức lạnh lùng cho biết vào năm 2011, Mỹ và phương Tây đã phải tiến hành chế tài về nhập cảnh và phong tỏa tài sản đến 5.000 nhân vật chính khách, quân đội và công an ở Miến Điện - một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh đàn áp dân chúng và đối lập thật khó có thuốc chữa tại quốc gia đã từng dìm trong bể máu cuộc “cách mạng áo cà sa”.

Trên bàn cờ tương quan chính trị Mỹ - Việt hơn hai năm sau, thế “triệt buộc” đầu tiên thuộc về Dự luật nhân quyền Việt Nam - mang mã số HR. 1897, được Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua vào đầu tháng 8/2013 với tỷ lệ phiếu hoàn toàn áp đảo.

Điều có vẻ trái khoáy là HR. 1897 lại là khế ước đầu tiên hướng đến việc thực hiện “cơ chế hợp tác đối tác toàn diện” mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được qua cuộc gặp quá ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2013 với người đồng nhiệm ở bên kia bán cầu là Barak Obama.

Vào thời điểm đó và chỉ mới 3 tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được âm thầm nối lại tại Hà Nội, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn tiến triển đến mức chính quyền cho bắt một hơi ba blogger - những người chỉ thể hiện khẩu khí chống lại sự can thiệp của Trung Quốc và hành động mạo muội “xếp hạng lãnh đạo”. Cũng vào giữa năm 2013, hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền đã không giải quyết được một vấn đề kinh tế - xã hội thực chất nào, ngoài việc bổ sung hai ủy viên Bộ chính trị mà từ đó đã sinh ra vô số dư luận về câu chuyện kèn cựa phe phái. Và ngay cả xu hướng mang tính phe nhóm “ngả về phương Tây” cũng chỉ mới chập chững…

Ngay lập tức, câu trả lời đến từ Washington vào tháng 7/2013: không mấy quan tâm và có thể chẳng cần đến sự diễn giải của phái đoàn ông Sang về điều được xem là “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người”, người Mỹ hẳn chưa nhận ra hiện thực được gọi là “thành tâm chính trị” thể hiện rõ nét trong Bộ chính trị Việt Nam và các cấp thừa hành địa phương, và do vậy Washington tự cho mình quyền đẩy Hà Nội vào tình thế đánh đố nhiều hơn là gợi mở.

Với sự chất vấn đầy trắc trở của cái tương lai như thế, một thất vọng được lượng hóa rõ nhất là phái đoàn Việt Nam đã không thể có cơ hội tiếp cận bằng chính xúc giác của họ trong chuyến đi Washington. Từ TPP đến “đối tác chiến lược” và vũ khí sát thương, tất cả đều không hé lộ một triển vọng nhanh chóng nào. Thậm chí cho tới nay, tất cả vẫn còn nằm trên giấy theo đúng tinh thần bản “ghi nhớ” giữa hai nguyên thủ quốc gia. Cũng hơn hai chục vòng đàm phán đã trôi vào dĩ vãng nhưng vẫn chưa làm cho giới quan chức và các nhóm lợi ích ở Hà Nội ngộ ra một quy trình kết thúc có hậu nào của TPP ở thì hiện tại.

Cú đồng thuận gần như tuyệt đối của Hạ viện Mỹ đối với Dự luật nhân quyền Việt Nam chỉ ít ngày sau cuộc gặp Obama - Sang và trước thời hạn quy định hẳn mới chỉ là lời đánh đố mở màn. Hà Nội cần và ngay lập tức phải hiểu rằng họ đang ở vào năm 2013 chứ không còn là năm 2006 - thời điểm mà Nhà nước Việt Nam được “giải thoát” khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), để chuẩn bị cho cuộc tiến chiếm bàn tiệc WTO với tư cách là thành viên thứ 150.

Nhưng bản thân Hoa Kỳ cũng cần được giải thoát khỏi những tín điều cố hữu và kém thực tế. Bài học cốt tủy mà người Mỹ có lẽ đã không ít lần xào lại là kể từ khi không còn nằm trong danh sách CPC vào năm 2006, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại trở nên “tự do” đến mức mà giới quan sát phương Tây phải yêu cầu chính quyền Mỹ đóng luôn cánh cửa quan hệ với Hà Nội.

“Triệt buộc” thứ hai mang tên “HR. 4254”

Áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chính phủ Việt Nam “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” là tinh thần sắt son trong bản Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam mà những nghị sĩ cứng rắn như Ed Royce đang tiếp bước “Lộ trình Miến Điện”.

Theo thông cáo của dân biểu Ed Royce, HR. 4254 là một dự luật lưỡng đảng, nhắm mục tiêu vào những quan chức chính phủ, công an và những người khác vi phạm nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.

Cụ thể, những cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ.

Thực ra dự thảo đầu tiên của HR. 4254 đã xuất hiện trong Quốc hội Hoa Kỳ cách đây đúng một năm, vào tháng 3/2013, tức hai tháng sau chuyến “hành hương” của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Vatican. Khi đó và trong bầu không khí bị xem là “thụt lùi sâu sắc” về nhân quyền, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu:

“Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ”.

Và “Sau không quá 90 ngày từ ngày ban hành Đạo luật này, Tổng thống sẽ đệ trình lên những Ủy ban quốc hội thích hợp danh sách của các cá nhân, là công dân Việt Nam, mà Tổng thống xác định là dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền chống lại nhân dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ, bất kể việc những vụ vi phạm đó có xảy ra ở Việt Nam hay không… Danh sách được quy định trong đoạn (1) sẽ được công khai cho công chúng và được đăng trên các trang web của Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao”.

Không phải và chẳng bao giờ tự do là món quà trên trời rơi xuống. Cũng không hẳn chuyện đổ tiền sẽ làm nguội lạnh những cái đầu tham lam lẫn sắt máu. Dĩ nhiên Miến Điện được như ngày nay là nhờ cú đi roi song hành với tiến trình xóa nợ quốc gia.

Luật chơi của người Mỹ

Sau 39 năm từ thời điểm 1975, giai cấp cầm quyền ở Việt Nam đã lập kỷ lục về nợ công quốc gia: ít nhất 95% GDP, nếu không nói là còn hơn thế. Con số này là một trời một vực so với số báo cáo chỉ khoảng 55% GDP của Chính phủ. Mỗi đầu nông dân phải gánh đến ít nhất 1.500 USD tiền nợ, trong lúc vai và lưng họ đã oằn tím bởi hàng trăm thứ thuế cùng thói vô cảm của các “đày tớ”.

Nhưng vấn đề trầm trọng hơn nhiều là trong một xã hội có đến ít nhất 20% dân số lâm vào tình cảnh nghèo khổ - gấp 3 lần số báo cáo, nền kinh tế rơi vào cảnh suy sụp và thảm hại đến mức “không biết lấy tiền đâu để trả nợ nước ngoài” - như trần tình hiếm hoi của một quan chức nhà nước. Với đà như thế này, tình thế quá nan y chắc chắn sẽ đẩy đất nước đến hố bĩ cực, và sẽ chẳng hề kinh ngạc nếu nó dẫn đến vô số cơn động loạn xã hội khiến cho chân đứng chính thể có thể vụn vỡ vào bất cứ thời điểm nào.

Phải chăng đó là thế “tự triệt buộc” của giới lãnh đạo đương thời Việt Nam kéo theo các tầng lớp dân chúng khốn khổ của họ?

Còn với người Mỹ, một lần vội vàng là thêm một sai lầm. Giờ đây, dường như cách chơi bài của người Mỹ là kiểu cách với điếu xì gà trên miệng cùng những vòng khói tỏa ra từ lỗ mũi thâm sâu của người Trung Hoa. Bầu không khí ấy có vẻ không hứa hẹn một viễn cảnh được phác ra sớm sủa, mà có lẽ sẽ kéo dài theo một quy luật được sàng lọc từ dĩ vãng: độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội.

Thời gian đầu tiên của năm 2014  đang chứng kiến thái độ kiên định hơn của không chỉ khối nghị sĩ đảng Cộng hòa. Ngay cả Tổng thống Obama và ngoại trưởng của ông cũng chợt mạnh mẽ hẳn lên đối với bản Phúc trình nhân quyền Việt Nam năm 2013 và những điều kiện đặt lên bàn đàm phán TPP.

Cũng bất chấp mối đe dọa có thể xảy ra cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai, lần đầu tiên chính quyền Obama dám áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga và Ukraine. Ngay sau đó, cơ quan công tố Thụy Sĩ đã làm việc hết sức khẩn trương: hàng loạt ngân hàng ở quốc gia này, nơi cất giấy tài sản của thế giới quan chức đen đúa, đang bị bóc trần từng mảng lớn.

Lẽ nào tương lai của “một bộ phận không nhỏ” giới quan chức, công an Việt Nam cùng vợ con họ, những người đã có đủ thời gian để khiến Tổ quốc bị loang máu ngoại tệ sang tận Úc, Mỹ, Anh, Canada hay các nước Bắc Âu, những người nồng nàn tình yêu Tổ quốc đến mức sẵn sàng nhảy lên máy bay ra ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào xảy ra “biến cố”, cũng tự khép mình vào thế “triệt buộc” mất trắng tổ quốc như triều đại vừa lâm chung ở Ukraine?

Phạm Chí Dũng, TP.HCM 27-03-2014

26/3/14

Singapore là quốc gia 'bất hạnh'?

Singapore là quốc gia 'bất hạnh'?

BBC  .  Cập nhật: 16:29 GMT - thứ tư, 26 tháng 3, 2014
Singapore vẫn có tiếng giàu có, đầy khát vọng và công nghệ cao, thu hút được nhiều nhân tài từ nước ngoài. Vì sao quốc gia này vẫn bị coi là một trong những nước tiêu cực nhất thế giới?

“Xem này,” một người bạn đăng đường dẫn trên Facebook của tôi tới một khảo sát về 148 quốc gia, trong đó người Singapore được cho là thiếu lạc quan nhất thế giới.
Lúc đó là Giáng Sinh, tôi và chồng đang đợi lấy hành lý ở sảnh đến sáng bóng tại sân bay Changi. Tôi kiểm tra tin tức trên mạng, và thú thực là không có tin vui nào cả.
Họ đội sổ cùng với người Iraq, Armenia và Serbia. “Chúc may mắn ở thành phố bất hạnh này nhé!” anh ta viết.
Trong vài tháng tiếp đó, một chiến dịch hạnh phúc bắt đầu ở đây. Chính trị gia Singapore khẳng định cam kết về hạnh phúc và công ty cung cấp dịch vụ di động Starhub tung ra chương trình quảng cáo “hạnh phúc ở khắp nơi,” gồm đầy hình ảnh người Singapore tươi cười, nhảy múa theo nhịp guitar rộn ràng.
Mặt dù vậy trên internet, vẫn có nhiều người tỏ‎ ý đồng tình với bản khảo sát, vì nó trùng khớp cảm giác của họ về cuộc sống khó khăn hơn, đắt đỏ hơn cùng lúc khi Singapore giàu có hơn.
Tôi chọn cách làm ngơ sự phóng đại của tâm lý quần chúng và tập trung nhiều hơn vào những trải nghiệm cá nhân. Và chắc chắn là tôi đã có nhiều trải nghiệm hạnh phúc.
Chẳng hạn như ở khu cắm trại ngoài trời tại những công viên gọn gàng của Singapore, lúc nào cũng đầy các gia đình và nhóm bạn vui vẻ, thưởng ngoạn cái nóng của đêm nhiệt đới bên thùng bia lạnh.
Và bà lão hàng ngày vẫn bán dứa tươi ngon lành cho tôi ở quầy thực phẩm gần nhà, đã ở độ tuổi 70, lúc nào cũng cười tươi rói dù không còn răng.
Ăn tối với những người bạn Singapore của tôi, không thấy họ kêu ca nhiều hơn người Anh.
Họ cũng phải vật lộn với giá nhà đất cao ngất ngưởng và phải nỗ lực tiến thân cao hơn trong công ty. Với người đến từ London, những việc đó không có gì là quá xa lạ.
Chúng tôi cũng quen dần cuộc sống trên hòn đảo nhỏ bé này, nơi có những tòa nhà cộng đồng trông như thành phố đồ chơi, tội phạm hầu như không có, và với chưa đầy 3 đôla Mỹ là có một tô mỳ ngon miệng.
Nếu đây là thủ đô bất hạnh của thế giới thì rõ ràng là nó không ảnh hưởng nhiều hạnh phúc của chúng tôi.
Cho tới khi tôi mang bầu.
"Một buổi sáng, tôi chóng mặt kinh khủng ngay khi vừa bước vào toa tàu đông chật người. Sợ mình sẽ ngất lịm đi, tôi ngồi sụp xuống sàn, ôm lấy đầu. Và tôi cứ ngồi thế, hoàn toàn bị bỏ mặc trong suốt 15 phút cho tới khi đến bến cần xuống."
Mười tuần ốm nghén liên tục khiến việc đi lại hàng ngày của tôi trở thành một cuộc tra tấn dài 45 phút.
Một buổi sáng, tôi chóng mặt kinh khủng ngay khi vừa bước vào toa tàu đông chật người. Sợ mình sẽ ngất lịm đi, tôi ngồi sụp xuống sàn, ôm lấy đầu.
Và tôi cứ ngồi thế, hoàn toàn bị bỏ mặc trong suốt 15 phút cho tới khi đến bến cần xuống. Không một ai nhường ghế cho tôi hay hỏi han xem tôi có làm sao không.
Lần đầu tiên Singapore khiến tôi thấy buồn. Tôi thấy mình mong manh, hoàn toàn dựa vào lòng tốt của người lạ. Người Singapore làm tôi thất vọng.
Khi ngồi nghỉ ở sân ga, tôi tự hỏi liệu đây có phải là lý do đằng sau kết quả khảo sát tiêu cực của Gallup hay không.
Bấy giờ đã có bản cập nhật kết quả khảo sát Gallup, và theo số liệu này, Singapore đã vui lên rất nhiều.
Nhưng tất cả những gì tôi trải qua là khoảng trống khổng lồ về lòng trắc ẩn. Hay những người đi cùng toa tàu với tôi hôm đó bỗng nhiên vô cảm?
“Ôi không, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào,” một người bạn Singapore nói với tôi sau đó. “Chị tôi mang bầu bảy tháng và bị ngã trên bậc cầu thang cuốn hôm nọ, nhưng phải bò tới chỗ tay vịn gần nhất để đứng dậy. Không ai giúp cả.”
Một người bạn khác cũng chia sẻ cảm giác đó. “Năm trước tôi bị trượt xuống cống và bị thương ở chân,” cô nói. “Máu chảy rất nhiều nhưng không ai dừng lại để giúp. Có lẽ họ đều đang vội.”
Người bạn Marcus của tôi đưa ra lý giải sâu sắc hơn trong bữa trưa ở một quán cà phê hiện đại. Đó không phải là tên thật của cậu ấy. Trong một xã hội dân chủ nhưng hơi hướng chuyên quyền, người ta thường ngại đưa ra ‎ ý kiến tiêu cực về đất nước.
“Chúng tôi được lập trình để chỉ nghĩ cho bản thân,” Marcus nói. “Điều quan trọng duy nhất là tiền. Không ai quan tâm đến việc giúp đỡ người khác.”
Marcus là người Singapore gốc Trung Quốc nhưng đi học ở Canada. Sau 5 năm trở về, anh lại muốn ra đi, bởi Singapore khiến anh không hạnh phúc.
"Chúng tôi được lập trình để chỉ nghĩ cho bản thân. Điều quan trọng duy nhất là tiền. Không ai quan tâm đến việc giúp đỡ người khác."
Marcus
“Ở Canada mọi người đều rất thân thiện, giúp đỡ và tôn trọng nhau bất kể bạn là giám đốc hay người lái xe bus.
“Vấn đề là ở đây chúng tôi dùng đồng đôla để đo đếm mọi thứ, từ bản thân mình, lòng tự tôn, niềm vui, cho đến giá trị của bản thân. Nhưng chỉ có vài phần trăm người dân kiếm được rất nhiều tiền, những người còn lại đều cảm thấy vô giá trị và trở nên vô cảm.”
Chúng tôi tiếp tục bàn về các giả thuyết khác nhau như liệu có phải chủ nghĩa vật chất khiến người Singapore thấy bất hạnh và vô tâm, hay là do hệ thống giáo dục đầy cạnh tranh, đạo Khổng, hay là vì chính quyền quá coi trọng phát triển kinh tế hơn các yếu tố khác.
Cuộc tranh luận đó rõ ràng là vẫn còn nguyên giá trị, dù cho kết quả khảo sát tích cực hơn mới được công bố.
May mắn là tôi đã khỏe lại sau buổi sáng nọ. Nhưng dù giờ đây họ có thể dễ dàng biết được là tôi mang bầu, vẫn không ai nhường ghế cho tôi trên tàu điện ngầm nếu tôi không hỏi.
Tôi không biết là liệu tôi có hạnh phúc hơn nếu ở London hay không, nhưng trong cuộc sống xô đẩy ở đây, chắc chắn tôi chỉ biết dựa vào chính mình. Một kết luận bi quan từ một thành phố bất hạnh.
Sau bài viết này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có phản hồi trên Facebook của ông. Ông viết “không cần chấp nhận mọi điều” mà cô Ashton viết, nhưng nói bài báo “nhắc chúng ta nên tử tế và lịch sự hơn với nhau”.
Source : BBC