12/6/11

Chân dung Nhất Linh (3 )

Chân dung Nhất Linh
(Tập hồi ký)
3

Thế Uyên
Người bác

Đôi khi, sau buổi chiều ôm một tấm ván bơi lang thang khắp hồ Tây tìm củ ấu nước, tôi ngồi nghỉ trên bờ cừ kể cho mẹ tôi cuộc phiêu lưu trong nước vừa qua, bà ngừng giặt áo, nói với giọng giản dị: “Các bác ngày xưa bằng tuổi mày, đâu có nghịch đến thế!”. Giọng của bà không có gì là trách móc nhưng tôi cũng giận dỗi nhảy tùm xuống hồ,và chỉ lên khi trông thấy ba tôi xuất hiện trên đường làng Yên Phụ. Đôi khi những ngày ngày-xưa được mẹ tôi nhắc đến qua những hình ảnh làm tôi thích thú nghe hơn: “Cây liễu này chú Sáu trồng khi mới tới ở đây. Du cùng tuổi với nó đấy”. Tôi nhìn cây cổ thụ thân nâu sần sùi nứt nẻ cành mềm rũ xuống mặt nước, cảm thấy một hãnh diện, một liên đới thân mật mơ hồ. Có sáng mùa đông, tôi lục tủ sách mang truyện ra, leo lên ngồi cạnh mẹ tôi đang khâu vá. Mẹ tôi nhìn qua cửa kính, vẻ mặt buồn, tôi nhìn bà, tiếng thuyền chài gõ trên nan tre qua cửa kính lọt vào phòng. “Chắc những ngày này bên Vân Nam có tuyết. Chẳng biết các bác có áo ấm không…”. Tôi vứt sách, nằm gối đầu lên đùi bà. Mẹ tôi mỗi lần nhắc tới các bác, giọng bao giờ cũng mang một nỗi buồn lo lắng làm tôi nghĩ đến những hiệp sĩ lâm nguy trong những truyện cổ tích. “Du cũng thích tuyết, bao giờ các bác về, me nhớ cho Du đi theo…”. Mẹ tôi cười, sang dĩ vãng khác: “Mùa lạnh hồi trước, những ngày như thế này, các bác các chú thể nào cũng về đây, đốt lò than để ngay giữa phòng, uống rượu với mực nướng, ngắm hồ và cây liễu”. Tôi ngồi dậy dí mũi vào cửa kính lạnh, tò mò nhìn cây liễu trụi lá, không hiểu nó có gì lạ để các bác phải ngồi ngắm.

Mùa hè, tôi và Lam suốt ngày bơi thuyền, lội dưới nước hái củ ấu, tìm hoa sen. Buổi chiều, ba tôi ở toà báo về, ba bố con vác cần ra câu cá cho mẹ tôi nấu canh buổi chiều. Mùa đông, hai đứa chạy trên những con đường lát ạch đỏ, vác gậy săn thằn lằn, leo cây đa cổ thụ để tưởng tượng mình đang làm thuyền trưởng trên tàu đi thám hiểm Bắc cực. Những khi thời tiết quá lạnh, bọn tôi ngoài giờ học, cạy tủ sách lớn lục đọc trộm những cuốn tiểu thuyết ba tôi chưa cho phép cầm tới. Vụ vi phạm này đến tai ba tôi, không biết hai ông bà quyết định ra sao, chỉ biết hậu quả là thỉnh thoảng tôi dắt hai đứa lên Hà Nội, đến toà báo, - thế giới thần tiên của tôi và Lam. Hai anh em đứng hàng giờ nhìn máy in chạy, táy máy lấy chữ xếp tên mình cho tới khi ba mẹ tôi từ phòng các bác xuống, dẫn bọn tôi ra Thuỷ Tạ. Hai ông bà ngồi uống rượu nóng pha chanh, hai anh em sốt ruột ngồi trước đĩa lạc: chồng tiểu thuyết ba tôi trao cho Lam ôm từ lúc rời toà báo đang nằm trên bàn chờ đợi. Tôi dùng thìa vớt những miếng chanh nóng, bỏ vào miệng ngậm, luôn luôn giục mẹ uống mau hết rượu. Sau đó gia đình tới một hiệu sách quen. Lam đặt chồng tiểu thuyết trên quầy, lúi húi biên những số tiền dài trên một tờ giấy. Tôi để mặc Lam, chạy đi chạy lại ngắm những tập Truyền bá, Tuổi thơ, những tập sách Pháp in hình Bạch Tuyết có đôi mắt to cắn quả táo đỏ bự. Khi Lam và chủ hiệu đã cộng xong những con số, hai anh em bắt đầu chọn sách. Ba tôi mang một số sách của Nhà xuất bản Đời Nay đến để bọn tôi đổi lấy những truyện nhi đồng. Tôi xếp một chồng cao trước mặt, mở trang đầu, truyện nào bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa…” mới chọn. Khi trở về làng, trời lạnh cóng, tôi nhìn thấy từ xa ánh điện lọt qua cửa sổ nhà, lòng đầy háo hức. Số truyện này đủ cho hai anh em bận bịu một vài tuần mùa đông khỏi chọc phá các em hay chui vào bụi săn thằn lằn. Đến khi số truyện nhi đồng đọc hết, khi Lam bắt đầu cạy tủ lớn tìm Hồn bướm mơ tiên, là mẹ tôi sửa soạn quần áo dẫn hai anh em tới toà báo. Bà lại lên gác gặp các bác, tôi và Lam lại đứng ngắm máy in. Lại những miếng chanh tẩm rượu nóng bỏng, hiệu sách và ban đêm trở về, mong ngóng từ xa ánh đèn cửa sổ nhà.

Ba mẹ tôi có một quan niệm đặc biệt về giáo dục con cái: không có một kiềm chế nào. Ba tôi làm quản lý báo Phong hoá, Đời Nay và Nhà xuất bản Đời Nay, suốt ngày ở toà soạn. Còn mẹ tôi, ngay từ lúc Lam chưa tới mười tuổi, đều coi hai con trai như đã lớn. Thỉnh thoảng, Lam được mẹ tôi sai về thăm bà nội ở làng Bằng Hà Đông. Chỉ có một chiếc xe đạp nên chỉ có một mình Lam được đi. Tôi ngơ ngẩn ngồi trên cây đa đầu làng, đợi Lam về. Chiếc xe đạp sau một chuyến đi xa, lúc về bao giờ cũng mang đầy những món quà đồng quê. Tôi nhận thấy mỗi lần Lam đi như vậy, mẹ tôi có vẻ bồn chồn lo lắng. Bà ngồi khâu trên bục gạch dưới bụi tre, chờ đợi. Tuy thế không bao giờ bà tìm cách cản bọn tôi trong một cuộc phiêu lưu dài ngắn mà óc tưởng tượng trẻ thơ của tôi và Lam có thể nghĩ ra được. Có lần hai anh em mượn canoé của nhà thuyền gần nhà, chèo sang thăm gia đình bác Long ở biệt thự làng Thuỵ Khê bên kia bờ hồ. Biệt thự bỏ không, chắc đã hết hạn thuê, tôi và Lam trở về không được. Sóng to và gió ngược chiều. Những cánh tay còn non của hai đứa không đủ sức chèo về, phải nằm lại đó tới chiều, ba tôi cùng bác cai thuyền sang kiếm. Gần tắt nắng mới về đến nhà. Từ giữa hồ, tôi đã thấy mẹ như một vệt trắng bất động dưới gốc cây liễu. Mắt bà đỏ hoe nhưng không nói gì cả, ôm tôi, - lúc đó mệt nhoài, vào nhà. Bà đã tưởng bọn tôi chìm thuyền ở đâu rồi. Sợ bị ba mắng, tuy ông cũng chẳng nói gì, bọn tôi chừa đi chơi xa được ba hôm. Đến hôm thứ tư, Lam mua hai súng cao-su, rủ tôi mượn thuyền đánh cá hàng xóm đi săn ven hồ, mẹ tôi lại cho đi.

Các bác các chú, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… chưa hề xuất hiện suốt thời thơ ấu của hai anh em trong làng nhỏ tứ bề nước bao quanh này. Các người đó, chỉ như những hình ảnh tương tự các nhân vật thần thoại. Các bác “làm báo”, viết văn, “làm cách mạng”… Những danh từ ấy chưa có nghĩa gì cả đối với tâm hồn còn đơn sơ của tôi. Trong thời kỳ tản cư sau 1946, gia đình tôi luôn luôn di chuyển. Mẹ tôi cắt nghĩa: “Tại các bác chống ông Hồ”. Tôi và Lam cũng không hiểu rõ gì hơn, chỉ thấy phục các chú và bác như phục các anh hùng trong truyện. Có vậy thôi, vì tới khi trưởng thành, hai anh em mới thực sự tiếp xúc và biết mặt những người bác thần thoại ấy – những người dám chống các “ông Tây” dám chống “bác Hồ”, những người làm thơ văn dưới gốc liễu và ngắm tuyết rơi bên Tàu.

Tới năm 1945, 1946, tôi mới bắt đầu trông thấy các bác các chú. Khoảng thời gian này ba tôi ít khi về nhà, hai ba ngày liền không rời toà báo. Lam và tôi không yêu bố nên không khó chịu. Đôi khi Lam có hỏi, mẹ tôi trả lời vắn tắt: “Ba bận làm việc với các bác”. Tuy nhận xét còn non nớt, nhưng tôi cũng nhận thấy dân làng giành cho gia đình tôi nhiều kính nể hơn mức thường. Tôi khoái trí vì leo vào vườn ông lý ăn trộm ổi không bị chủ thả chó ra đuổi, mượn thuyền đi chơi hồ dễ dàng. Một buổi sáng, tôi và Lam đang leo lên nóc nhà treo cờ đỏ sao vàng lớn kèm theo một chuỗi nhỏ cờ các quốc gia đồng minh, mẹ tôi gọi: “Về giúp mẹ, chiều nay bác Tam đến ăn cơm”. Tôi và Lam chờ đợi cả buổi trưa ở đầu làng người bác “làm cách mạng bên Tàu” mới về. Khi bác ngồi trong ghế uống trà ngắm hồ, tôi ôm cột nhà ngắm bác. Dưới cái nhìn trẻ thơ hồi ấy, người bác cao lớn mắt sáng không làm tôi thất vọng so với hình ảnh vẫn tưởng tượng. Tôi chỉ tiếc một điều sao mũi bác đỏ quá. Hiệp sĩ anh hùng tôi đọc trong truyện không ai có mũi đỏ bao giờ. Tôi đưa ý nghĩ ấy ra lời nói. Cả nhà cười và bác cắt nghĩa lý do tại sao mũi lại đỏ. Tôi không nhớ rõ những cắt nghĩa, chỉ nhớ hình ảnh bác ngồi trong ghế, ánh mắt nét mặt tươi sáng nhìn hồ Tây chiều hôm ấy. Cách một thời gian, một buổi chiều lạnh, gia đình tôi đi uống rượu rồi lang thang trên các vỉa hè Hà Nội. Một đoàn xe dừng lại trước một toà nhà lớn ngay chỗ gia đình tôi sắp đi qua. Bác Tam bước xuống, trông thấy chúng tôi. Bác lại gần bắt tay ba tôi, nói vài câu. Tôi đứng sững nhìn người bác cao lớn mặc áo blouson da đen bóng loáng. “Bác làm Bộ trưởng.” Trong ý thức trẻ con, tôi chỉ biết bác không kém gì bác Hồ tụi nhi đồng ca tụng hằng ngày. Còn ngoài ra, tôi không hiểu gì hơn. Đó là lần chót tôi gặp bác trong tuổi ấu thơ. Gần sáu năm sau, tôi mới gặp lại con người phiêu bạt ấy.

Vài tuần hay vài tháng sau, tôi không nhớ – đối với tuổi thơ thời gian chưa có nghĩa gì cả, chú Bách về thăm. Trong các bác các chú, chỉ có Chú Bách, em trai út mẹ tôi, là chúng tôi biết rõ nhất. Chú từng về ở với gia đình tôi mỗi vụ hè. Đêm chú học để đèn sáng. Nhiều lần tôi cương quyết thức cho tới khi tắt đèn. Nhưng mắt tôi bao giờ cũng cụp xuống rất nhanh, chưa lần nào đợi được để biết chú thức đến mấy giờ. “Chú học thuốc”, mẹ tôi nói vậy. Lũ chúng tôi, Lam, tôi, Lan và Liên rất yêu chú. Chú hay dẫn bọn cháu đi chơi xa, kể chuyện ma cho nghe. Những chuyện ma đại loại: “Ngày xưa có một con ma lưỡi dài 17km, chân dài 90km…” Tôi và Lam đã lớn không thích thú, nhưng Lam bao giờ cũng đứng bám vào thành ghế, nhìn chú, mắt tròn xoe nghĩ đến con ma “có lưỡi dài 17km” của ông chú trẻ tuổi. Chiều chiều, chú tổ chức chơi cá ngựa. Chú, Lam, Liên và tôi mỗi người một chuồng. Liên bé nhất, ngựa bao giờ cũng về bét, và bao giờ thấy thế cũng khóc nên chú đặt giải thưởng: về nhất ba hào, về nhì một hào, về bét hai hào. Giải thưởng kỳ cục như vậy có lý do: Lam và tôi bao giờ cũng tranh giải nhất và chú thì chỉ thích đá ngựa của tôi và Lam. Mỗi lần xúc xắc ra số phải đá ngựa Liên, chưa cầm quân, Liên đã rưng rưng nước mắt nên chú đặt thêm lệ: “Ai đá ngựa Liên phải bồi thường một hào!”. Bàn cá ngựa với những luật lệ kỳ khôi ấy làm bốn chú cháu say mê suốt những chiều hè. Hết hè, chú lên Hà Nội học tiếp. Thỉnh thoảng nhớ quá, Lam dắt tôi và Liên lên chơi. Đến chú là một phiêu lưu nhỏ. Có khi leo cầu thang, Liên đụng đầu với một con rùa to bự đang thò đầu ra nhìn Liên ngạc nhiên. Lần sau đến, thêm ba con rùa nhỏ xíu. Chú bảo: “Con rùa lớn đẻ ra đấy”. Chú vẫn vui tính, nhưng thôi không kể chuyện con ma “có lưỡi dài 17km” cho nghe nữa và cũng không đưa bọn tôi đi chơi phố. Chắc chú thấy lũ cháu không hấp dẫn bằng những cô gái chúng tôi gọi bằng chị mà mỗi lần tới, lại thấy một chị khác. Bẵng đi một thời gian lâu, đến hôm nay chú mới trở về làng trong một không khí, tuy còn ít tuổi tôi cũng nhận thấy, nhiều đe doạ. Chú đi với hai người hộ vệ. Khi thọc tay vào túi áo blouson để tìm kẹo, tôi lôi ra toàn đạn súng lục. Chú đưa tôi và Lam coi súng, tặng mỗi đứa một viên kẹo đặc biệt đó. Không biết chú nói gì, mẹ tôi im lặng nghe, vẻ mặt buồn bã. Khi chú về, Lam và tôi tiễn chú đến đầu làng, không thể ngờ có lẽ đó là lần chót chúng tôi gặp chú trên đời.

Chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, ít lâu sau, gia đình chúng tôi tản cư về vùng Hà Đông. Ba mẹ tôi không hề nhắc, và cũng cấm chúng tôi nhắc tới các bác các chú, và luôn luôn thay đổi chỗ ở. Một lần, mới đến một làng ít lâu, Lam, Liên và tôi được mời vào ban nhạc của huyện. Đêm liên hoan đang vui, bọn tôi vừa ca xong một bản, thì xướng ngôn viên giới thiệu màn hài kịch “Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu”. Tôi chưa có ý nghĩ nào, Lam đã lôi cả hai đứa về. Và ngày hôm sau gia đình gồng gánh đi làng khác.

Sau khi hồi cư, một buổi trưa ở Hải Phòng, nơi ba tôi đang làm việc, tôi nhận được thư Lam từ Hà Nội gởi về, báo tin bác Long đã chết ở trấn Thạch Long, Quảng Châu. Trong những bác chú, bác Long là người trước sau tôi chưa bao giờ gặp. Nhưng ba mẹ tôi luôn luôn nhắc tới, nhắc tới nhiều hơn bác Tam nữa. Do đó tôi hấp tấp leo cầu thang đánh thức mẹ tôi dậy: “Bác Long đã chết bên Tàu”. Mẹ tôi oà lên khóc. Ba tôi tỉnh dậy cầm thư đọc. Và ba tôi ngồi trên giường, tay cầm tờ thư, nước mắt giàn giụa. Tôi đã có lần thấy mẹ khóc, nhưng mắt chỉ đỏ chứ không như lần này. Còn ba tôi, thì chưa bao giờ. Trước cảnh ấy tôi sợ sệt bỏ xuống nhà. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi, cho tới bây giờ, tôi còn có thể nhớ lại được cả một khoảng nắng chiếu vào tờ thư trên tay ba tôi. Lớn hơn, tôi mới biết rõ trường hợp chết của bác: ông đi họp về một mình, tàu đang chạy, ông gục xuống chết vì bệnh tim. Trưởng tàu đưa xá xuống ga Thanh Long để đó. Ngày hôm sau chú Bách mới tới được nhận xác và chôn ngay tại đó. Lúc ấy vào mùa đông, tuyết rơi phủ miền Nam Trung Hoa.

Tôi nhớ ba tôi có nói với mẹ tôi: Anh Long chết, chắc anh Tam sẽ bỏ chính trị. Lời dự đoán đúng vì một hai năm sau, bác Tam trở về nước và tuyên bố từ bỏ chính trị. Tôi gặp lại bác một lần khi rủ Th., anh họ đi bơi ngoài sông Nhị giữa mùa nước lớn. Khi trở về phố hàng Bè, vưa leo lên gác, bác gái đã la: “Thằng Du lại rủ thằng Th. đi bơi sông phải không?”. Bọn tôi chùi vội phù sa còn bám đỏ trên mặt nhưng không ích gì. Bác Tam gái cùng gia đình ngồi trên xe hóng mát đã thấy bọn tôi chui từ lòng sông lên, mệt nhoài. Không biết bác Tam gái nói gì, chắc là kết tội tôi… “Cái thằng quỷ sứ ấy, cứ lôi thằng Th. đi suốt ngày, có phen chết cả hai”. Bác trai vào phòng, lúc ấy tôi đã 15 tuổi, đủ óc nhận xét để nhận thấy tuy ông nhìn tôi không nói gì, nhưng ánh mắt không có chút thiện cảm nào với đứa cháu “quỷ sứ nhất họ”.

Cuốn năm 1954, gia đình di cư vào Nam, bác Tam đã lên Đà Lạt và tôi bắt đầu vào tuổi trưởng thành. Tôi bắt đầu tìm hiểu các bác các chú qua ba mẹ tôi và qua sách vở. Lúc ấy tôi mới biết chú Sáu, người trồng cây liễu cổ thụ là nhà văn Thạch Lam, bác Long là Hoàng Đạo, bác Tam là Nhất Linh. Cũng đã lớn lắm tôi mới biết các bác các chú là anh em ruột của mẹ chứ không phải của ba tôi, sở dĩ xưng hô như vậy là vì ở nhà đã gọi bố mẹ là cậu mợ và ba tôi là người chót của dòng họ Cát làng Vân đình. Và cũng chỉ trên hai mươi, tôi mới bắt đầu thích thú khi biết ngoài dòng máu họ Nguyễn Tường, tôi còn thuộc một dòng họ Cát miền xa xôi nào đó. Niềm thích thú này làm ba tôi hãnh diện nhưng vì những lý do khác về sau, đi sâu vào quá khứ, tôi mới hiểu nguyên nhân.

Càng lớn dần, tôi càng hiểu rõ các bác các chú hơn. Tôi biết bác Tam là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trong chính phủ đầu tiên của Việt Nam sau Pháp thuộc, bác Long là Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ thứ hai, chú Bách phụ trách trong phong trào Thanh niên Ngũ xã chống Việt Minh năm 45, 46. Tôi cũng biết các bác làm báo Phong hoá lúc đầu ra sao, gặp những trở ngại gì, vai trò của ba tôi, của bà tôi.

Về con người công cộng, tôi biết bằng những tài liệu lịch sử và văn học (không bao giờ tôi thấy Nhất Linh nhắc tới quá khứ về bất cứ phương diện nào). Còn con người thực, con người khi sống với chính mình, với người thân của các bác chú, tôi biết qua mẹ tôi trong những buổi uống trà, những đêm canh bánh chưng ngày Tết, hay qua những sự việc giản dị hằng ngày. Giọng kể êm đềm của bà gợi lên những quá khứ kỳ ảo, khó khăn của những ngày ngày-xưa, những ngày bà còn là một cô gái bé sống giữa bốn ông anh và hai em trai ở phố huyện Cẩm Giàng nằm ven đường thiết lộ Hà Nội – Hải Phòng. Tôi lắng nghe những dĩ vãng ấy dần dần với năm tháng. Những kỷ niệm, những truyện xưa trở lại cách khoảng nhau hỗn độn mơ hồ làm tôi đôi khi muốn hồi tưởng, muốn tạo một mạch lạc, tôi vẫn gặp những khoảng trống chỉ dĩ vãng sâu kín của mẹ tôi lấp được.

Gia đình mẹ tôi xưa nghèo, và trở thành khốn quẫn sau khi ông mất bên Lào. Theo mẹ tôi, ông là một kẻ sĩ thanh bình, đứng đắn, đúng mực. Cái chí bất khuất và thái độ can đảm tinh thần với cuộc đời của các con sau này có lẽ thừa hưởng của người mẹ. Bà buôn bán tần tảo nuôi bầy con ở cái phố huyện buồn thiu, cái không gian sau này xuất hiện tràn đầy trong tác phẩm của Thạch Lam. Các anh em trai đi học, mẹ tôi là con gái độc nhất nên ở nhà thay mẹ lo việc nội trợ. Một người con gái giữa sáu người anh em trai, sự kiện này cắt nghĩa thái độ chịu đựng, khoan dung tài tình của mẹ tôi sau này đối với Lam và tôi, nhất là tôi, đứa tinh nghịch, hay gây rắc rối từ nhỏ. Mẹ tôi bảo tính nết các bác các chú lúc nhỏ ra sao, lớn vẫn thế. Chú Thạch Lam mơ mộng, tế nhị, đa cảm, thì thuở nhỏ đã thế. Bác T. anh cả, bác C. anh thứ hai đúng đắn đúng mực, lúc lớn và tới giờ vẫn giữ đúng cái đứng đắn đúng mực của những người thanh bình trong xã hội như ông ngày trước. Mẹ tôi thân với bác Tam hơn cả. Khi mẹ tôi ngồi giã vừng, bác thường đến làm giúp, rồi lấy cơm trộn vào vừng trong cối ăn luôn. Không biết tại bác giúp mẹ tôi, thấy vừng thơm trộn cơm ăn luôn hay là tại ý riêng, nhưng mỗi khi lấy vừng khỏi cối, mẹ tôi để lại một ít, lấy cơm nóng đổ vào cho bác. Lối ăn cơm này đã tạo cho bác cái biệt hiệu “Tam cối”. Bác mang biệt hiệu này cho tới khi lên Hà Nội học.

Bà tôi nhất định cho các con đi học, học thật cao. Kẻ cả mẹ tôi nữa nếu không cần người săn sóc các anh em trai thay bà. Bà tôi đi cân gạo. Nhân vật và Nhì mẹ Trinh và cả không gian miền quê trong tiểu thuyết Ngày mới của Thạch Lam đều xuất nguyên từ thời này. Có lúc buôn bán khó khăn, bà tôi vẫn nhất định cho các con tiếp tục học nên đã phải chịu nhiều vất vả nguy hiểm. Lúc đó, người Pháp giữ độc quyền bán thuốc phiện cho dân. Thuốc phiện bán chính thức này cũng như rượu Văn Điển, không được ngon nên người dân nấu lấy bán cạnh tranh. Dĩ nhiên cơ quan thuế Đoan hoạt động tìm bắt những kẻ đã dám “cạnh tranh bất chính” với chính quyền bảo hộ, trong số đó, vào một vài tháng, có bà tôi. Bà tôi lao vào nghề với mục đích kiếm nhiều lãi cho các con ăn học, nhưng các con lại coi đó như là một trò chơi kỳ thú, một hành động chống lại các “ông Tây”. Những kinh nghiệm đầu tiên chống Pháp có lẽ bắt đầu có vào thời gian này! Nấu thuốc phiện, dụng cụ không phải là dễ giấu. Do đó một hệ thống báo động được tổ chức chu đáo. Con đường hương lộ dẫn tới phố huyện Cẩm Giàng, thiết lộ mỗi khi tàu hoả đến đều được các bác thay phiên canh chừng mỗi khi bà tôi làm. Nhưng có một lần, tàu hoả đỗ ở ga vào phiên canh của Thạch Lam. Chú đứng ở sân ga ngó một lượt, không thấy Tây Đoan xuống, thì la chú yên trí lên đầu đoàn xe, nằm dài ra ngắm đầu tàu. Trong khi Tây Đoan xuống phía bên kia đoàn tàu từ từ theo đường tiến vào bổ vây, Thạch Lam còn ngẩn ngơ các cơ phận của đầu máy. Tuy vậy mọi sự vẫn ổn thoả vì hệ thống “ngăn chặn địch” được tổ chức chu đáo. Bác Tam xông ra hỏi tíu tít người Tây Đoan, trong khi bác C., anh thứ hai trong gia đình, bê tang vật chạy ra vườn giấu vào bụi tre. Kết quả phái đoàn quan thuế thất bại ra về, nhưng bà tôi cũng chấm dứt công cuộc buôn bán nguy hiểm này, trở về đi cân gạo. Dĩ nhiên vẫn nghèo và các con vẫn cứ tiếp tục đi học. Thời kỳ vất vả này cũng như không gian phố huyện miền trung du cùng các dân cư, về sau xuất hiện đầy đủ trong các truyện ngắn dài của các bác, nhất là trong những tác phẩm của Thạch Lam. Khi đã hồi cư, trở về Cẩm Giàng, tôi còn được mẹ tôi chỉ cho biết đây là nhà bác Lê, một bà cụ hay mua rượu của hai chị em Liên trong một truyện ngắn… Khung cảnh cũ không thay đổi là bao. Đứng bờ sông, chỗ bến Tiên, cũng thoáng tò mò muốn qua bên kia sông như Thạch Lam ngày trước để gặp một cô gái da trắng hồng trong một ngôi nhà tranh nào đó.

Trong thời kỳ nghèo khổ ấy, một tối hè nóng bức, bà tôi nói: “Sau này có tiền sẽ làm một cái nhà ở tít ngoài cánh đồng kia để hứng gió một mình!”. Nỗi bực tức này dễ hiểu vì những người trong phố huyện mong gia đình bà tôi sẽ suy sụp hẳn, các con phải trở về làm nông phu như các con cái họ. Sự cố gắng vượt lên làm họ ghen ghét khó chịu. Nhưng hai anh trai lớn lần lượt đi dạy học xa, kẻ Thái Bình, người Phú Thọ lấy tiền giúp mẹ và các em học tiếp. Rồi hai em trai đỗ, đi làm để hai anh dễ dàng học nữa. Cứ luân phiên làm việc và học như vậy. Sau cùng, chú Sáu vừa đỗ bằng tuyệt đối với Trung học phổ thông bây giờ, thấy các anh học cao hơn quá, bực mình nói với mà tôi mời ông lý trưởng một chầu rượu để đổi tên, đổi khai sinh tăng thêm tuổi thi nhảy Tú tài và đỗ năm 16 tuổi. Tuy thông minh nhất nhà, nhưng cũng lãng mạn nhất nên chú bỏ, không học cao hơn.

Dần dần nhờ các con lớn đỗ đạt, giúp đỡ và nhờ uy tín gia đình các con học cao, bà tôi giao thiệp dễ dàng hơn, buôn bán khá hơn. Khi vượt khỏi cảnh nghèo, bà tôi thực hiện ngay ước muốn một chiều nóng nực ngày xưa: bà mua ba mẫu ruộng cách xa phố huyện và làm nhà ở đó để “hứng gió một mình”. Dần dần, từ một căn nhà trơ vơ ngoài cánh đồng, với sự trợ giúp của các con, và kiên nhẫn thường nhật, bà tôi đã lập thành một cái trại xinh đẹp mà ai hay sử dụng thiết lộ Hà Nội – Hải Phòng thời tiền chiến cũng biết tới. Trại này đã giữ một vai trò quan trọng trong nếp sinh hoạt thông thường cũng như văn nghệ của Tự Lực Văn Đoàn và tập đoàn Phong hoá Ngày nay, căn trại đã được dùng làm bối cảnh cho một truyện trinh thám của Thế Lữ sau này.

Cái quá khứ nghèo khổ chật vật này, hầu như về sau không ai biết tới. Các nhà phê bình văn học thường hay cho rằng thái độ của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam đối với dân nghèo cùng đinh là thái độ của kẻ ở trên nhìn xuống, là thái độ của người trưởng giả sung túc đoái thương dân đói khổ. Đó là một ngộ nhận. Các bác các chú thực sự đã sống trong cảnh nghèo khốn thôn quê, và đã vượt lên khỏi là do sức mạnh tinh thần của người mẹ và tinh thần cầu tiến của các con. Nếu muốn cắt nghĩa bằng lý thuyết giai cấp, cũng chỉ có thể nói rằng các bác các chú thuộc giai tầng KẺ SĨ, truyền thống kẻ sĩ của Việt Nam. (Mọi phê phán phân tích của cộng sản và giai cấp tiểu tư sản đều không thể áp dụng cho tầng lớp kẻ sĩ này bởi vì một lý do giản dị: kẻ sĩ không phải là tiểu tư sản như họ gán ghép một cách máy móc theo quan điểm Tây phương). Ngộ nhận này chính tôi cũng đã có bởi vì từ lúc bắt đầu lớn đôi chút, tôi đã “thấy” bà tôi trong căn trại lớn, “thấy” các bác các chú trong những bộ âu phục, trong những căn nhà ở đủ tiện nghi, trong nhà in toà báo đồ sộ. Và tôi chắc cũng tiếp tục ngộ nhận như vậy mãi nếu không có tiếng nói về dĩ vãng của mẹ tôi. Giọng nói của bà đưa Lam và tôi trở về căn nhà tranh xơ xác phố huyện Cẩm Giàng, trở về những ngày túng thiếu lo tiền học, tiền ăn. Nhờ có bà, hai đứa chúng tôi mới tin chắc tình thương mến, sự liên đới của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam với đồng quê với những người nghèo bị áp bức không phải, và cũng không thể là một sự kẻ trên sung túc nhìn xuống đoái thương (như một bố thí).

Cũng nhiều người khác đã ngộ nhận về cả chủ trương của Tự lực Văn đoàn (trong cuốn văn học sử chính thức dùng trong các lớp trung học) là quá cực đoan với cái cũ, bất cứ cái gì cũ cũng đòi phá huỷ. Sự thực đối với tục lệ cũ, các bác các chú tôi không hề có thái độ cực đoan như vậy. Các ông đã chỉ làm một chọn lựa lại: xét lai tất cả các tục lệ bắt nguồn từ văn hoá cũ, chỉ đả phá những gì thực sự là hủ tục. Không những thế, trên thực tế còn đề cao, còn phục hồi những tục lệ thuần chất dân tộc. Thái độ đã được biểu lộ qua nếp sinh hoạt thường xuyên của căn trại nói trên. Bà tôi, khi các con đã lớn, lập gia đình riêng, lui về ở hẳn quê cũ coi sóc trại, đồng ruộng. Bà thuộc lớp người cũ, rất trọng ngày giỗ ngày tết. Nếu Nhất Linh đả phá cúng tế tại đình làng, thì đối với vấn đề thờ cúng tổ tiên, lại là người chu đáo nhất. Nếu giỗ tạp, để vợ con mang đồ cúng về. Nếu là giỗ cha, ông bà, các bác các chú đều về đủ mặt. Mẹ tôi không nói rõ các bác có lễ trước bàn thờ hay không nhưng nói bà tôi chưa bao giờ trách cứ các con về khía cạnh này. Các ông có tin ở hiện hữu của linh hồn hay không vào quãng chót của đời sống, tôi không được biết. Nhưng mẹ tôi kể rằng bao giờ bày mâm ngũ quả, mẹ tôi cũng thu xếp bày hai mặt nhiều như nhau. Bày phía trước đầy đủ dễ hiểu vì là lẽ thông thường. Còn bày phía sau như phía trước thì lý do “…để cho các bác lấy ăn mà bà không biết”, mẹ tôi nói vậy. Tôi không biết mẹ tôi nói đùa hay thật, nhưng tôi biết chắc một điều: tôi tin các ông coi việc thờ cúng tổ tiên chỉ có một biểu lộ cho lòng biết ơn và nhớ tới những người đã khuất. Còn ngày Tết Nguyên đán, có lẽ là Tự lực Văn đoàn lại ăn Tết với đủ tục lệ hơn ai hết. Ngoài thân thuộc, các ông mời cả ban biên tập Phong hoá, Ngày nay về trại. Kể từ 23 tháng chạp (ngày bọn cháu chúng tôi bắt đầu về) tới ngày mồng 3 hoá vàng, quản trị cái trại này là một công việc vất vả nhất cho bà tôi trong năm. Về đồ ăn, bà tôi, các bác gái muốn làm gì thì làm. Các ông chỉ đòi một khoản bất di bất dịch: bánh chưng. Dĩ nhiên không phải thích ăn mà thích sự kiện gói bánh và tụ họp quanh nồi bánh sôi sùng sục trong đêm cuối năm. Nếu chỗ mổ heo được bọn trẻ con chúng tôi chiếu cố nhất thì nơi gói bánh chưng tụ họp đông đảo nhất thành phần các ông. Sau này chúng tôi khó tưởng tượng một Thế Lữ hay Xuân Diệu ngồi bên phản gỗ dưới nhà ngang, cạnh những đống lá dong, những rổ gạo nếp. Nhưng trên thực tế, điều này đã xảy ra.

Lễ giao thừa được cử hành theo đúng tục lệ cổ truyền. Bao nhiêu năm tôi dặn mẹ đánh thức dậy dự lễ, nhưng trời lạnh và giường ổ rơm êm ấm làm tôi mở mắt không được. Đêm Giao thừa đầu tiên tôi thức dậy được cũng là giao thừa chót ở trại. Sau đó là chiến tranh, cách mạng và phân tán. Tôi mặc áo lên dày cộp, co ro chạy qua vườn lên nhà trên. Hình ảnh tôi còn nhớ được là toàn thể người lớn mặc quần áo trịnh trọng đứng trên thềm. Bàn thờ đặt ngoài hiên, bà tôi đứng trước cùng mẹ tôi. Nhất Linh cầm đồng hồ coi giờ. Cạnh đó là cái trống lớn và người cầm dùi là ba tôi, - ông đánh trống giao thừa hay có tiếng nên năm nào cũng đảm nhận việc này. Đúng 12 giờ, tiếng trống bắt đầu. Đứa bé là tôi đứng dưới thềm nhìn lên, tâm hồn đầy náo nức. Cây liễu ở sân đình đầy đèn xếp lập loè muôn màu, khói trầm nghi ngút, tiếng pháo nổ kế tiếp hồi trống trên xà mái hiên… Sáng mồng một, lũ chúng tôi bị lôi dậy từ sớm, rửa mặt với nước cây cỏ thơm hắc, quần áo trịnh trọng tập trung lên nhà trên. T.H. với tư cách cháu đích tôn, thay mặt tất cả họ chúc mừng bà tôi.

Giỗ tổ tiên, trọng banh chưng hơn các sơn hào hải vị, lễ giao thừa, chúc thọ bà tôi, tất cả những cái đó không có nghĩa gì hơn là một biểu lộ thái độ chọn lựa đối với những tục lệ, văn hoá cổ truyền. Các ông đã giữ lại cái cần giữ và đáng giữ. Sau này lớn lên, tôi và Lam bàn lại, mới biết tới giá trị của sự chọn lựa ấy. Gần đây, sau khi ba tôi chết rồi, Lam và tôi đồng ý là sau cuộc chiến tranh này, khi được giải ngũ, hai đứa sẽ chung tiền mua một khoảng đồi nhỏ ở Đà Lạt, làm nhà tranh, mời mẹ tôi lên ở lập “trại Cẩm Giàng” mới. Chúng tôi mỗi đứa một nơi, nhưng ngày giỗ, nhất là ngày Tết, toàn thể sẽ tập trung về đó. Sẽ tiếp tục canh bánh chưng, lễ Giao thừa, và các con chúng tôi sẽ có đứa nửa đêm trừ tịch cố mở mắt ngái ngủ chạy lên ngó bàn thờ khói hương, bịt tai nghe tiếng pháo. Bây giờ bà tôi, ba tôi, phần lớn các bác đã chết, chúng tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng chính trại Cẩm Giàng, với tất cả nền nếp sinh hoạt của nó, đã mang lại cho chúng tôi những khái niệm đầu tiên về gia đình, gia tộc, và từ đó phát khởi lòng yêu dân tộc và đất nước.

Ở tuổi trên dưới hai mươi, tôi là một anh chàng mới lớn, hăng hái hết chỗ nói với tất cả những gì thuộc địa hạt lý tưởng của đời sống, và cũng vụng về hết chỗ nói trong xử thế hằng ngày. Không khí truỵ lạc tại Sài Gòn, lòng hăng hái với lý tưởng của tuổi trẻ và ý thích muốn trở thành những người như các bác, dần dần đưa tôi đến những hoạt động chính trị đảng phái. Đảng phái tôi gia nhập dĩ nhiên chỉ có thể là Việt Nam Quốc dân Đảng. Tôi cùng B., một anh họ, tới nói với Nhất Linh. Ông giới thiệu chúng tôi tới giáo sư N.T.V. và T.B.S. Dưới sự chứng kiến của hai người này, tôi và B. làm lễ tuyên thệ. Nhưng ngay khi nhìn khẩu súng lục nhỏ han rỉ đặt trước di ảnh Nguyễn Thái Học và lá cờ sao trắng, tôi đã cảm thấy Việt Quốc không phải là môi trường hoạt động thích hợp với cá tính và lý tưởng riêng. Tuy thế tôi cũng đã hoạt động, sinh hoạt với Việt Quốc một thời gian với tất cả hăng hái của tuổi trẻ.

Những người chung quanh thường có thành kiến: các bác là những cách mạng gia, vậy chắc chắn khuyến khích dẫn dắt tất cả con cháu đi vào hoạt động cách mạng. Sự thực Nhất Linh trước sau không hề khuyên các con cháu lớn, dù lớp này đông trên hai mươi kẻ, đi vào cách mạng. Ông thường chỉ khuyên: “Lo học đi đã!”. Đối với tôi, B. và sau này thêm con trai Hoàng Đạo, vì thấy quá hăng hái, ông mới giới thiệu với Việt Quốc. Giới thiệu một cách bình thản như giới thiệu một bác sĩ quen chữa giỏi hay một nơi trọ tốt tại Đà Lạt. Khi tôi rời bỏ Việt Quốc, ông cũng không nói gì. Có thể nói suốt thời gian từ 1954 tới khi chết, chưa bao giờ Nhất Linh nói chuyện nhiều với tôi. Đối với B., Tường Hùng và Lam, ông không có thái độ tách biệt ấy. Hình như ông coi tôi như một đứa cháu ngoại khổ, có những tư tưởng cư xử hành động ông không thể chịu nổi, hiểu nổi. Có thể nói trong các cháu lớn thân cận, tôi là đứa Nhất Linh không ưa nhất.

Cũng nhiều người ngộ nhận cho rằng Nhất Linh hoạt động cách mạng liên tục cho tới khi chết. Đó là ngộ nhận lớn nhất về con người ông. Khi đổ xong cử nhân khoa học ở Pháp về, Nhất Linh chỉ chủ trương làm một cách mạng văn hoá trước đã. Tất cả nỗ lực trong thời kỳ 1930-1940 đều thu lại trong khuôn khổ này. Hoạt động cách mạng tới sau, có thể nói ngoài ý định nguyên thuỷ. Lối nhập thế của ông làm tôi liên tưởng đến một kẻ sĩ văn võ toàn tài, thấy thế nước nghiêng một nửa, dân tình cực khổ, không đành lòng nên phải vác gươm lên ngựa diệt tà khử bạo. Theo lời ba mẹ tôi, Nhất Linh không đi sâu vào cách mạng, và nhất là chính trị nếu không có Hoàng Đạo. Ba tôi nói rằng các anh em đồng chí trọng Nguyễn Tường Tam nhưng mến Nguyễn Tường Long hơn. Chính Nguyễn Tường Long mới là người có tài quy tụ người, khuyến khích, giữ vững tinh thần đồng chí những lúc hiểm nghèo. Đặc biệt là Hoàng Đạo mãi về sau mới gia nhập đảng phái. Theo lời ba tôi, Nhất Linh đứng với Hoàng Đạo ở gần cầu tiêu của toà báo, và Nhất Linh nói: “Chú gia nhập chứ?”. Hoàng Đạo gật đầu. “Chú tuyên thệ đi…”. Hoàng Đạo giơ tay tuyên thệ trước một vài người thân. Không nghi lễ, không đảng kỳ, không bàn thờ toàn quốc. Cũng theo ba tôi, Hoàng Đạo mới thực là linh hồn của đảng. Nhất Linh, với những khả năng đặc biệt của một thủ lãnh, chỉ là người chỉ huy tổng quát đôi khi quá cứng rắn. Bao nhiêu mưu lược, kế hoạch phần lớn phát xuất từ Hoàng Đạo. Một thứ Khổng Minh đối với Lưu Bị. Vì thế khi nhận được tin Hoàng Đạo chết, ba mẹ tôi nhất định tin rằng: “Anh Tam sẽ từ bỏ chính trị… Lời giải thích của ba mẹ tôi có thể đúng, có thể sai, nhưng thực tế đã chứng tỏ ông bà không lầm. Năm 1950, Nhất Linh rời Hồng Kông về Hà Nội, tuyên bố từ bỏ chính trị. Và ông đã từ bỏ thật tới gần 10 năm. Sau này suy nghĩ lại quá khứ, tôi cho rằng lối giải thích của ba mẹ tôi chỉ đúng một phần. Thực ra bản chất Nhất Linh là bản chất kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ, với lối nhập thế của một hiệp sĩ thời trung cổ Tây phương, chỉ cho phép ông làm cách mạng và chỉ có thể là nhà cách mạng thôi. Khi gia nhập trực tiếp chính trị, ông có Hoàng Đạo lo cho phần mưu lược, thủ đoạn chính trị, nhưng thâm tâm vẫn ghê sợ chính trị. Cái chết của Hoàng Đạo, người em thân nhất, cũng là bạn văn, đồng chí, người phụ tá mật thiết, chỉ là một cái cớ để Nhất Linh rút ra khỏi mọi hoạt động cách mạng lúc đó đã mang nhiều tính chất bẩn thỉu của chính trị. Mẹ tôi có thuật lại đã có lần Hoàng Đạo, Nhất Linh đã họp cùng các lãnh tụ lưu vong khác, trong đó có cả ông Nhu ông Diệm tại Hồng Kông. Mẹ tôi, nhất là ba tôi, còn luôn luôn tin rằng nếu Hoàng Đạo không chết năm 1947, chưa chắc Bảo Đại đã thành bù nhìn cho Pháp, và sau này chưa chắc hai anh em ông Diệm đã nắm được chính quyền tại Việt Nam. Dĩ nhiên đó chỉ là một giả thuyết cho quá khứ, nhưng một giả thuyết có tính cách khuyến khích nâng đỡ lũ cháu chúng tôi trong thời kỳ khó khăn nhất dưới thời Nhu - Diệm.

Suốt thời kỳ hoạt động với Việt Quốc, tôi chỉ nói chuyện chính trị với Nhất Linh một lần, - lần đầu và cũng là lần chót. Các đảng phái lúc đó phân tán, N.T.V. trao cho tôi nhiệm vụ lên Đà Lạt nói với Nhất Linh “hạ sơn”, trước hết để củng cố và thống nhất Việt Quốc, sau để tiến tới một liên hiệp các đảng phái quốc gia đối lập với chế độ Diệm đang bắt đầu tiến sâu vào độc tài. Đà Lạt là một thành phố đẹp, tôi nghe nói tới từ nhỏ nhưng chưa có dịp đến. Bởi vậy tôi thích thú lên đường, náo nức nh ìn cảnh rừng núi, còn thâm tâm tôi không hề tin tưởng là tôi có thể nói cho Nhất Linh nghe bất cứ điều gì, chứ đừng nói tới việc triệu thỉnh ông “hạ sơn”. Năm đó Đà Lạt còn nằm trong tình trạng của một thành phố mới ra khỏi chiến tranh, người ít, cỏ mọc lan trên bờ hè, những cây tùng ven hồ còn tự do cho gốc rễ lan xuống bờ nước. Không khí mát lạnh, chiếc xe ngựa cọc cạch leo dốc đồi, quán cà-phê Tùng nhỏ, sương mù lên sớm, ánh đèn mờ ảo, tất cả làm tâm hồn chìm đắm nên đêm khuya trở về cùng T., con trai thứ Nhất Linh, leo cầu thang tối đen, tôi quyết định chỉ thi hành “sứ mệnh” vào sáng hôm sau. Nhưng cửa phòng Nhất Linh còn đang mở, T. bảo tôi: “Du cần phải nói gì, vào nói luôn đi. Sáng mai chắc cậu tôi đi chơi sớm lắm”. Căn phòng tối, ánh điện nhiều đường hắt vào yếu, tôi chỉ trông thấy đốm lửa đỏ đầu điếu thuốc Nhất Linh hút dở. Tôi nói một mạch tất cả những điều N.T.V. dặn, rồi ngồi im. Nhất Linh trả lời giản dị: “Cháu về nói với các anh là bác đã suy nghĩ kỹ rồi… Cháu đã nói những điều các anh dặn rồi, bây giờ ở lại Đà Lạt vài hôm chơi cho vui”. Tất cả buổi hội kiến của “thuyết khách” và nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam chỉ có vậy. Chiều hôm sau, đứng ngoài bao lơn nhìn ũo đường, T. chỉ một cây thông cổ thụ phía bên kia đường: “Cậu tôi thích cây thông này nhất, có khi ngồi ngắm hàng giờ. Bảo nó có một vẻ đẹp tuyệt hảo”. Tôi tò mò ngắm nghía. Vỏ cây nâu sần sùi, cành gãy vươn lên cao trong vẻ cổ sơ giản dị của một bức tranh thuỷ mạc. Bầu trời chiều không nắng, không gió, lá cành đứng im như một khối chìm lắng từ dĩ vãng lại. Tôi nhìn cây thông rồi nhìn Nhất Linh ngồi trên ghế xích-đu bao lơn bên cạnh, và tôi liên tưởng đến một thời kỳ hoang đường có những đạo sĩ ngồi đánh cờ ven núi và những dòng suối như phát nguồn từ đỉnh non cao.

Những năm về sau, vì môn học và nghề nghiệp, tôi phải tham khảo sách vở tại thư viện. Qua tài liệu, nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long bắt đầu trở thành những nhân vật có công nghệ rõ rệt. Toàn bộ báo Phong hoá, Ngày nay làm tôi hiểu dĩ vãng, một thứ dĩ vãng thời bình có khiêu vũ, có hát quan họ, có hội làng Lim và cũng là dĩ vãng nhiều hoạt động cách mạng. Vào thời kỳ này tôi mới đọc hết sách của Tự Lực Văn Đoàn. Những cuốn Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên từng làm tôi say mê buổi thiếu thời, bây giờ đọc lại thấy nhạt nhẽo, vai đoạn kỳ dị vì quá cổ kính hoặc quá ngây thơ. Những cuốn nổi tiếng thời trước như Đoạn tuyệt bây giờ xa lạ như một mái tóc đuôi gà. Những cuốn lúc mới ra đời bị thờ ơ như Bướm trắng lại có giá trị hơn. Điều quan trọng tôi nhận thấy là Thạch Lam viết hay hơn cả trong Tự Lực Văn Đoàn. Tôi có nói nhận xét này với mẹ tôi và tôi chưng hửng khi nghe bà trả lời: “Bác Tam cũng nói thế từ lâu. Bác thường nói chính chú Sáu mới là nhà văn có tài nhất của Tự Lực Văn Đoàn dù sách in ra bán ế nhất!”. Và Thạch Lam cũng là người lười viết nhất trong tất cả, luôn luôn trễ hẹn đưa bài cho các toà báo. Một lần Nhất Linh tức, xuống căn nhà có cây liễu ở hồ Tây, thấy Thạch Lam ngồi trầm ngâm ngắm hồ. Hỏi: “Chú sao không viết?”. Đáp: “Chưa thể viết được!”. Nhất Linh tức giận bỏ về và quyết định cúp nguyệt cấp của Thạch Lam cho tới khi có bài. Thạch Lam tức, lại càng không cầm đến bút. Xích mích giữa hai anh em ngày càng trầm trọng, sau cùng mẹ tôi phải triệu thỉnh bà tôi ở trại lên mới dàn hoà nổi.

Tìm hiểu quá khứ văn nghệ của Nhất Linh, Hoàng Đạo tương đối dễ dàng. Tôi vất vả hơn khi tìm hiểu sự nghiệp chính trị và phải tìm mượn những cuốn sách ngoại ngữ không có bán ở Việt Nam. Càng hiểu rõ quá khứ, tôi càng thấy lòng kính trọng dành cho Nhất Linh gia tăng. Tôi bắt đầu thấy hãnh diện là cháu những người đó, và từ đấy đi tới tìm ở Nhất Linh hình dáng con người lý tưởng thích hợp cho tôi. Cũng trong thời kỳ này, tâm hồn thể xác tôi bị lôi cuốn vào nếp sống đô thị như trăm ngàn thanh niên khác cùng lứa. Đôi khi mệt mỏi ngồi trước chồng sách, tôi mơ màng nghĩ tới những điều sẽ làm sau này khi đã thành tài. Còn trên thực tế, tôi không làm một cái gì hơn là tán gái, yêu, học, dạy học, chơi gái và lang thang. Một buổi chiều, tôi nhận được thư T. gửi từ Đà Lạt xuống: “Du có nhớ Đà Lạt, lên chơi gấp. Cậu tôi đang chơi phong lan. Ông vào rừng kiếm lan suốt ngày. Những cuộc phiêu lưu ngắn, hẳn thích thú cho Du”. Đọc thư, tôi ngạc nhiên. Hình ảnh chót của tôi về Đà Lạt và Nhất Linh là bầu trời mưa ướt sũng, sương mù bao kín thung lũng, những ánh đèn mờ, tiếng sáo của T. buổi chiều trong biệt thự nằm khuất trên sườn đèo Prenn, và Nhất Linh nét mặt mỏi mệt, đau ốm thường xuyên, hầu như không ăn uống gì hơn một bát mì suông mỗi bữa và ngồi trầm ngâm như một bức tượng trên ghế… Bởi thế tôi khó tưởng tượng một Nhất Linh vượt rừng đi tìm lan. Và ngay cả việc chơi thứ hoa hiếm này cũng làm tôi khó hiểu. Tôi không ngạc nhiên khi biết ông ngồi ngoài sân ăm cơm trộn vừng trong cối, theo gánh hát vẽ phông kiếm tiền học, học mỹ thuật trước khi học khoa học, ở Pháp về đi đến đâu cũng chê người Việt ở bẩn, và khi ở Trung Hoa về, di đến đâu cũng khen người Việt sạch sẽ… Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi nghĩ tới hình ảnh người hùng Nguyễn Tường Tam ngồi vun xới chậu lan như một ông đồ già hay một ẩn sĩ thời xưa. Nhưng trên cư vượt đèo Blao, một cây thông trơ trọi làm tôi nhớ lại cây thông cổ thụ Nhất Linh từng ngồi ngắm hàng giờ, và từ lúc đó tôi bắt đầu chấp nhận được hình ảnh một Nhất Linh chơi lan nhưng không thể ngờ tới thái độ của ông với loài hoa rừng này, - một thái độ đam mê kỳ dị.

Tôi xách va-li tới đèo Prenn vào buổi chiều. Ngồi hút điếu thuốc đầu tiên với T. tôi ngắm những cây phong lan cành lá khác nhau dính trên các thân cây, vách tường. “Phong lan có hoa cậu tôi để trong vườn và trong phòng khách…”. Tôi từ nhỏ tới giờ chỉ biết phong lan qua vài truyện ngắn lãng mạn của Khái Hưng và Nhất Linh. Khi bước chân vào phòng khác, tôi không thất vọng vì trong thực tế, phong lan đẹp hơn trong truyện đã tả. T. dẫn tôi đến từng loại: “Nhất điểm hồng, nhất điểm hoàng, thứ này gọi là Phi điệp vì hoa đỏ như phượng lại chuyên môn ở trên những cành cao nhất… Cành cây khô mềm như liễu có những nụ xám xì này là Phi hạc. Khó tìm lắm vì lúc chư hoa, trông lẫn với cành khô. Nhưng khi nở, rồi Du sẽ biết. Cậu tôi dự đoán mai sẽ nở…”.

Buổi chiều, ngồi trên thành cửa sổ trên lầu ngắm sương mù bốc từ thung lũng lên, tôi nghe thấy tiếng hắc tiêu từ phòng khách phía dưới âm điệu buồn điệp khúc bản “Je vais à ton mariage”. “Cậu tôi thổi cho lan nghe đấy…”. Tôi ngồi ngớ ngẩn nghe âm thanh buồn như bắt nguồn từ một quá khứ nhiều đau đớn chán nản. Đêm khuya đi uống cà-phê về, từ phía ngoài đường lộ, tôi đã ngửi thấy một mùi hương phảng phất. T. cắt nghĩa: “Hương mặc lan đấy. Thứ lan hoa đen như mực cậu tôi tìm thấy ở các hốc đá ven thác. Hoa xấu xí nhưng mùi hoa ban đêm toả xa vô cùng…”. Tôi đi vào giấc ngủ đêm đó như một đứa trẻ lạc lõng vào một thế giới khác lạ, thế giới những vị tiên còn chung sống với người trần.

Đêm thức khuya, nắn chói mắt tôi mới thức dậy. Đang lười biếng kéo chăn lên tận cằm nằm ngắm những trái thông khô ướt sương dưới nắng, T. lên gọi tôi: “Xuống xem Phi hạc… Cậu tôi đoán đúng. Nở hết sáng nay”. Căn phòng khách chan hoà ánh nắn từ vách kính lớn vào. Nhất Linh ngồi trên ghế giữa hoa nói với tôi như với một người vẫn sống thường trực bên nhau: Cháu uống bia không?”. Nước bia làm tôi tỉnh ngủ, trên cao mây quang làm nắng tươi hẳn lên, tôi nhìn thấy cạnh ông, cành cây khô xám chiều hôm trước đã như có những con bướm cánh tím trong bám vào. Một thứ tím trong vắt, dịu như một giấc mơ đẹp không nhớ rõ. Tôi ngồi đó rất lâu, cạnh hoa, tâm hồn trống trải dần, chỉ còn niềm bâng khuâng và rung động nhè nhẹ. Tôi bắt đầu biết yêu hoa như người xưa.

Thời kỳ này tôi như tách biệt với không gian thường sinh hoạt “dưới kia”. Tôi say mê những phút sau khi mở to mắt, hếch mũi tìm xuất xứ một mùi hương lẩn khuất, ngẩng đầu nhìn ngọn cây đến sái cổ, tôi đụng đầu thật bất ngờ với chùm hoa ngay ngang mặt, tưởng như hoa mới hiện ra để đáp lại công tìm kiếm. Cái không khí huyền ảo này đã tạo ra tình yêu của tôi với Vương, một thiếu nữ có loại nhan sắc bình thường tôi không ưa. Nhưng tôi nhìn thấy nàng lần đầu ở ven suối Đa-mê với nụ cười trẻ thơ trong màu áo vàng nở ra trong khoảng nắng chiều, như một loài hoa hiếm. Tình yêu này bắt nguồn từ không gian huyền ảo của hoa rừng, của tiếng sáo, sương mù, nắng chiều nên tôi không ngạc nhiên khi thấy tan vỡ một năm sau trong bụi và nóng của Sài Gòn.

Tôi cũng không tiếc hận gì cả. Điều tất nhiên là phải như thế. Bây giờ, mỗi khi hồi tưởng thời kỳ này, tôi thường luyến tiếc vì đó là khoảng thời gian độc nhất trên đời tôi sống với phần tâm hồn mơ mộng và trong sáng nhất. Và tôi không khỏi muốn nói cám ơn Nhất Linh, người bác không những đã mang cả cuộc đời phác hoạ cho tôi một mẫu người lý tưởng mà còn làm tôi hiểu một phần nào nghệ thuật sống thuần tuý nhất, cao sạch nhất của con người Á Đông.

*

Một buổi chiều đi học về, Lam ngập pipe ngồi ngoài cửa, vui vẻ báo tin: “Bác sắp về Sài Gòn, ra báo”. Cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên về quyết định này. Ông rời bỏ Đà Lạt, rời bỏ những lan rừng tinh khiết xuống gia nhập cái thế giới đầy bụi của chúng tôi, hẳn phải do một cớ nào quan trọng. Óc suy luận phân tích của lớp trẻ hoạt động quá trớn nên cứ tìm những nguyên do rắc rối. Có lẽ Nhất Linh bỏ núi bỏ lan chỉ vì một lý do thật giản dị: ông không thể ngồi yên, bất động trước thời thế nữa. Tình hình lúc đó thật khó thở, do đó, dù có nhiều nhân vật của Thông tin hết sức giúp đỡ, bác tôi không sao xin được giấy phép một tạp chí. Sau cùng, ông đành chọn ra giai phẩm không định kỳ, làm xong số nào, đưa kiểm duyệt như một tiểu thuyết xin xuất bản. Làm văn nghệ báo chí kiểu này thực vất vả. Nhất Linh đặt toà soạn luôn ở căn phòng nhỏ xíu nằm phía sau biệt thự của người anh cả. Ăn, ngủ, làm việc, họp nhân viên biên tập đều tại đó. Và lối làm việc lần này khác hẳn với thời Phong hoá, Ngày nay. Trước kia ông là người đứng đầu, vạch đường lối, coi tổng quát, còn bài vở cũng rõ rệt. Với giai phẩm Văn hoá ngày nay, ông bao thầu tất cả mọi công việc, từ vẽ bìa, trình bày, trả lời thư độc giả cho tới sửa bản in thử. Ông làm Văn hoá ngày nay y như ông chơi lan vậy. Không muốn ai cáng đáng hộ việc gì dù lớp cháu chúng tôi đã lớn.

Nếu Nhất Linh không bao giờ để ý tới việc khuyến khích con cháu làm cách mạng, thì về văn nghệ, trái lại ông rất chú trọng. Năm 1953, Lam bắt đầu viết nhiều, thắc mắc không biết có đủ văn tài để đi vào văn nghệ hay không, nên gửi một truyện ngắn cho Nhất Linh (lúc đó ở Sài Gòn) đọc và yêu cầu: “Nếu bác thấy cháu có tai hãy khuyến khích. Còn nếu không, xin bác nói thẳng để cháu đi đường khác. Xin bác đừng khuyến khích kiểu “có mầm, nên cố gắng!”. Một tuần sau khi truyện gửi đi, Lam nhận được một bức điện tín của Nhất Linh, tôi còn nhớ nguyên văn: “Viết được lắm. Bác nhắc lại: chắc chắn viết được”. Sau Tết năm đó, Lam nhận được một bản viết tay trong đó Nhất Linh tuyên bố Đỗ Đức Thu gia nhập Tự Lực Văn Đoàn và Lam, Tường Hùng, Nguyễn Thị Vinh là nhân viên dự bị. Bản này Nhất Linh chép làm năm bản, một giữ lại, bốn gửi cho đương sự. Hầu hết mọi người không biết tới bản văn này nên đã ngạc nhiên khi thấy những sách của Đỗ Đức Thu thời tiền chiến, khi Phượng Giang tái bản đều ghi: Đỗ Đức Thu trong Tự lực Văn đoàn. Sự kiện này đã gây khó khăn và thắc mắc cho các nhà biên khảo văn học những năm về sau vì thủ tục gia nhập Tự Lực Văn Đoàn phức tạp và có nhiều điều kiện, và quyết định của mình Nhất Linh – người đứng đầu Văn Đoàn, không đủ để chính thức hoá. Dĩ nhiên Nhất Linh cũng đã nghĩ đến điều đó vì trong bản văn ông có ghi: vì nhiều người đã chết, nhiều người còn ở ngoài kia, nên sự gia nhập của Đỗ Đức Thu, cũng như trường hợp Duy Lam, Tường Hùng, Nguyễn Thị Vinh sẽ được hợp thức hoá theo đúng thủ tục của Văn Đoàn khi nào thuận tiện.

Khi họp ban biên tập trong căn phòng bé xíu đó trước khi phát hành Văn hoá ngày nay số 1, Nhất Linh dự đoán sẽ bán được năm ngàn số. Lam lạc quan hơn, đưa con số tám ngàn. Tất cả đều đoán sai. Tám ngàn là con số bán hết trong mấy ngày đầu, sau đó phải in đi in lại nhiều lần. Tôi lúc đó không biết viết văn là cái gì nên không có mặt trong buổi họp ấy để đưa một con số lớn hơn của Lam, vì dù sao đã đi dạy học rồi, tôi biết uy tín Nhất Linh tăng như thế nào trong quần chúng học sinh sinh viên kể từ khi chương trình Việt được áp dụng trong miền Nam từ đệ thất tới đệ nhất. Với mười lăm ngàn số báo bán được trung bình cho mỗi tập, tài chính tờ báo dĩ nhiên không gây bận tâm nào. Trái lại, có những phê bình chỉ trích kỳ cục làm Nhất Linh bực mình không ít. Thí dụ một ký giả nào đó trên một nhật báo (hay tuần báo in khổ như nhật báo, tôi không nhớ rõ), “phê bình văn nghệ” đại khái như sau: “Nhất Linh bịa nhiều refoulement! Nhân vật cô Mùi mới mười hai tuổi mà đã muốn được hôn!”. Sau đó ký giả mạt sát thậm tệ. Riêng chúng tôi, căn cứ kinh nghiệm các em gái chị gái và nhất là các bạn gái, biết chắc rằng con gái mười hai tuổi muốn được một chàng trai mình bắt đầu yêu hôn không phải là sự kiện lạ lùng. Cũng ký giả đó, căn cứ vào một đoạn văn khác tả nhân vật cậu Ấm mũi dính dầu lau súng, lừa h ôn vợ để dầu dính sang mũi vợ, kết luận là: Nhất Linh không biết hôn, chưa hôn môi ai bao giờ vì hôn môi mũi không bao giờ chạm nhau! Đọc bài báo đó, lũ cháu chúng tôi vừa tức cười vừa buồn cười vì thấy chính ký giả đó có lẽ mới là người chưa hôn bao giờ, đi xem chiếu bóng thấy các tài tử hôn không chạm mũi nên vội vã kết luận. Còn bọn chúng tôi mới lớn, bạn gái nhiều, đều biết rằng chỉ tài tử ciné điêu luyện trong nghệ thuật biểu diễn yêu đương, mới có thể “chính xác” trong khi hôn. Còn thông thường, vừa vụng về vừa xúc động, chúng tôi hôn nhầm lên mũi người yêu là chuyện rất thường, và hai mũi chạm nhau không phải là hiếm. Những phê bình loại này chỉ làm Nhất Linh bực mình thôi. Nhưng có một thứ phê bình làm ông suy nghĩ: “Nhất Linh không nên làm báo văn nghệ nữa. Nhất Linh đã có một địa vị lớn trong văn học sử, bây giờ làm Văn hoá ngày nay dở hơn Phong hoá, Ngày nay trước, chỉ thêm mất uy tín!”. Luận cứ này được rất nhiều người tán đồng, kể cả con cháu trong họ. Có thể nói chỉ còn Lam và tôi là tán đồng sự trở lại hoạt động văn nghệ của ông. Hai đứa cho rằng thái độ đó của ông đáng kính phục vì làm người không phải là tạo cho mình một danh vọng chức phận, để rồi yên trí thụ hưởng, gối lên cái danh cái phận đó như một cái gối êm ái cho quãng chót của đời sống. Có thể nói thứ can đảm hào hùng ấy của Nhất Linh lam hai đứa cháu ngoại chúng tôi phục hơn cả trong những đức tính của ông.

Tuy phục, nhưng chính trong thời kỳ này, hai đứa, về phương diện bài vở, lại chê trách người bác hơn cả. Cả hai đứa đều không chịu nổi những bài khảo luận linh tinh, những bức thư Nhất Linh viết trả lời độc giả. Đọc loạt bài này đôi khi thấy cũ kỹ và lẩm cẩm. Về văn, tuy vẫn phục nghệ thuật phân tích tâm lý, nghệ thuật trình bày nhân vật, nhưng tôi đã cảm thấy Nhất Linh không còn là nhà văn của thế hệ trẻ. Trường giang tiểu thuyết Xóm cầu Mới có những nhân vật đặt trong một không gian thật xa cách. Đọc, như thấy đi vào một dĩ vãng, trong khi những người trẻ đang mang một tâm trạng không khí lo âu khác, với cuộc đời đang ở trước mặt đòi hỏi phải chọn một thái độ thích ứng. Nhất Linh, với những tác phẩm sau không mang lại, không đáp lại một chút nào những khát vọng của thế hệ chúng tôi – thế hệ “nói sự thật bị coi như mạ lị, quân tử bị coi như gàn dở, anh hùng bị coi như ngu đần”. Về sau, nhóm Sáng Tạo có làm ầm ĩ (làm ầm ĩ, chứ không phải là phê bình) về Nhất Linh “tiền chiến”, Lam và tôi không đồng ý với họ về cái thái độ bắt đầu xây dựng văn nghiệp bằng cách phủ nhận tất cả quá khứ, nhưng hai đứa đồng ý với họ ở điểm: nhà văn Nhất Linh không còn là nhà văn của thế hệ trẻ hiện đại. Và điều đó cũng không quan trọng (ít nhất riêng cho Nhất Linh và văn học sử) vì không phải lúc nào thời nào cũng phải đáp đúng tâm trạng của thế hệ trẻ mới được là văn hào. Riêng hai đứa chúng tôi thán phục Nhất Linh tiền chiến và chấp nhận Nhất Linh hậu chiến. Có Nhất Linh, như một dĩ vãng đẹp, như một căn bản, chúng tôi vững tâm hơn đi vào tương lai.

Sau khi Văn hoá ngày nay số 8 phát hành, Nhất Linh tuyên bố với người thân: “Thôi, không làm nữa!”. Quyết định này đột ngột, y như trước đó mấy tháng, ông bỏ lan, bỏ Đà Lạt xuống Sài Gòn làm báo. Bạn bè xúm lại can. Nể người thân, ông chịu để Tường Hùng và Lam tiếp tục. Ra tiếp hai số, ông cương quyết kết liễu Văn hoá ngày nay. “Nó đã làm xong nhiệm vụ!”, ông giải thích vậy. Đình chỉ hoạt động văn nghệ, ông vẫn tiếp tục ở Sài Gòn, không lên Đà Lạt “tu tiên” như lũ cháu tưởng, và ông bắt đầu vào một thời kỳ đau ốm (đau dạ dày) và suy nhược thần kinh. Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trong nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhảm: “Lấy hết đi. Xin các ông lấy hết đi! Đừng áp chế tôi tội nghiệp!”. Các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi, sau một lần chứng kiến cơn loạn thần kinh, về nói riêng với tôi và Lam: “Bác điên khôn ghê! Chỉ thấy bác đưa, vứt giấy tờ lẩm cẩm. Chẳng thấy bác vứt tiền ra bao giờ cho mẹ con mình nhặt tiêu!”. Nhận xét bí mật này của mẹ tôi làm hai anh em đâm nghi ngờ “sự loạn trí của Nhất Linh”. Nhất là tôi, vì được mẹ tôi kể lại những thủ đoạn chống Pháp của ông thời trước: hoá trang làm ăn mày, ông già, người say rượu, mê thổi kèn để che giấu hoạt động cách mạng. Hoàng Đạo còn bị bắt giam, chớ Nhất Linh, suốt đời tranh đấu, chưa bao giờ để đối thủ bắt được. Pháp, sau đó Cộng sản, đều bó tay. Hơn nữa, chúng tôi để ý thấy mỗi lần nhắc tới chính quyền, ông không còn dùng câu: “Cái gì mục nát thì tự nó nó đổ!” (Câu ông thường hay dùng trước kia mỗi khi bị mời xuống núi). Căn cứ và sự kiện mơ hồ như vậy, chúng tôi bắt đầu chờ đợi… Trong thời kỳ này, Lam và tôi hay suy xét tìm hiểu về con người của Nguyễn Tường Tam. Căn cứ vào hoạt động cũ, tác phẩm và con người hằng tiếp xúc, chúng tôi đi đến kết luận: “Bác chỉ làm cách mạng, không thể làm chính trị”. Chế độ Nhu – Diệm đang vững vàng, nhưng không thể tồn tại lâu. Theo ý riêng của lũ cháu, sau Ngô Đình Diệm, vai trò lãnh đạo quốc gia sẽ là của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vì không ai đủ uy tín hơn. Lam nhiều lần đặt giả thuyết: “Nếu bác làm Tổng thống, mọi sự sẽ ra sao?”. Các con cháu có người đã hỏi thẳng, Nhất Linh không đáp. Điều độc nhất ông nói ra về vấn đề này, có lẽ vỏn vẹn có một câu nói với gia đình: “Nếu làm Tổng thống, tất cả gia đình sẽ ở ngoài dinh. Cấm không ai được vào. Khi nào nhớ gia đình, sẽ về thăm”. Sau mỗi lần bàn tới giả thuyết “Tổng thống Nguyễn Tường Tam”, chúng tôi thường đi đến kết luận nhiều lo ngại vì cho rằng với cá tính Nhất Linh, những người phụ tá giỏi đã chết, Nguyễn Tường Tam không thể làm một Tổng thống giỏi. Trên thực tế và trong lịch sử, chỉ có nhà văn Nhất Linh và nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam chứ không có Thủ tướng hay Tổng thống Nguyễn Tường Tam để lũ cháu chúng tôi có dịp biết rõ những lo ngại đó đúng hay sai.

Đêm 11-11-1960, binh chủng nhảy dù đảo chính. Lam và tôi lên chợ An Đông tìm gặp Nhất Linh. “Việc này chắc có bác quá!”, Lam đoán vậy. Trên căn gác nhìn xuống chợ, Nhất Linh quần áo chỉnh tề, sắp sửa cùng B. ra đi. B. nói: “Tiếp xúc lại các nhân sĩ để củng cố và hoạch định đường lối chung của Mặt trận”. Tuần trước lên thăm, Nhất Linh là một ông già đau ốm đầy vẻ suy tàn. Sáng hôm nay, ông mắt sáng quắc, cử động linh hoạt và nụ cười luôn luôn có trên môi. Tôi ngạc nhiên không thể ngờ khi lao đầu vào hoạt động quý tộc, ông bác cao tuổi này lại có được vẻ mạnh mẽ và sáng suốt như vậy. B. nói: “Đã chuẩn bị từ lâu vụ này, nhưng bên chính trị chỉ được biết trước có 24 giờ. Lý do bên quân sự đột nhiên làm gấp vì mụ Nhu sắp đi ngoại quốc”. Khi B. bảo tôi: “Du sang gặp anh N.T.V. đi. Đang cần Du đó”, Lam ngỏ ý cũng đi cùng, Nhất Linh im lặng có vẻ không bằng lòng. Sau này ông nói với Lam: “Phải biết tiết kiệm người. Đừng bao giờ lao đầu tất cả vào một vụ. Thua thì kẹt hết”. Tôi từ bỏ Việt Quốc đã lâu nhưng lúc đó không thể từ chối lời mời của B. Tại một trường tư bên Khánh Hội, ban chấp hành đặc biệt đang hoạt động dưới sự điều hành của N.T.V. Sau khi dự một buổi họp, Lam và tôi đều thất vọng vì mọi nhược điểm của các đảng quốc gia đều có đủ nơi đây. Tôi và Lam cố gắng làm việc với tất cả mọi khả năng dù cả hai đứa cũng chẳng có bao nhiêu kinh nghiệm về hoạt động cách mạng bạo động. Toàn chạy theo tình hình, không sao tạo được thế chủ động. Ngày hôm sau, quân ủng hộ ông Diệm Nhu tiến vào thành phố, buổi trưa, N.T.V., B., Lam và tôi ra chợ ăn cơm, nghe đài phát thanh bắt đầu mạt sát phe đảo chánh và dĩ nhiên suy tôn Ngô Tổng thống. Tôi đi bộ về, ngừng lại trước thành Cộng hoà, chứng kiến tiểu đoàn dù rút ra, trao trả thành cho Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ. Toán quân được giải thoát, cởi trần trùng trục, cầm súng chạy, la hét vang trời: “Hoan hô Ngô Tổng thống, cứu tinh dân tộc”. Đoàn nhảy dù tập trung trên xe ngoài đường, từ sĩ quan đến lính nét mặt rầu rĩ. Có lẽ đây là lần đầu tiên binh chủng kiêu hùng này nếm mùi thảm bại.

Hai ngày sau ở Câu lạc bộ Văn hoá, tôi được người cho biết đảng viên Cần Lao và phong trào Cách mạng Quốc gia đang định lợi dụng tình thế lộn xộn, cho người tìm giết Nhất Linh. Tôi đến tìm ông đang ở nhà bà ngoại. Trong căn phòng nhỏ giữa nhà, ánh sáng của ngọn đèn dầu chiếu sáng bà tôi và Nhất Linh đang ngồi trên chiếu trải dưới đất. Tôi báo tin, ông lầm lì rót thêm bia vào một ly, đưa tôi: “Cháu đến đây có ai theo không?”. Tôi trả lời: “Không có ai. Cháu đi cẩn thận, ngay quanh nhà cũng chưa có ai canh chừng cả”. Tôi châm thuốc hút, căn phòng im lặng đến độ tưởng như nghe được tiếng khói bay. Bà tôi, mặc cà-sa nâu, nét mặt gần như bình thản. Không biết đó là hiệu quả những năm tu hành, hay là bà tôi quá quen với những đứa con trai suốt đời làm cách mạng, tổ chức bí mật, thất bại và trốn tránh. “Bác cho cháu theo bác. Cháu khá nhanh nhẹn, có thể giúp ích khi cần…”. Nhất Linh im lặng hút thuốc. Tôi chờ đợi đợi. Ông đẩy ly bia về phía tôi: “Cháu uống hết đi rồi về. Cháu lo cho các bạn cháu đi. Còn bác, bác đã có cách”. Tôi uống hết bia, hút hết điếu thuốc, chào bà, chào bác rồi tới tìm Thi và bắt đầu sống một thời kỳ lẩn trốn như một con chuột thành phố. Có lẽ quá mệt mỏi vì lối sống này, tôi tới nhờ cha Cras, một thầy dạy và cũng là người thứ hai sau Nhất Linh, tôi kính mến trong đời, giúp cho vượt biên giới. Nhưng khi tới sát biên giới, tôi lại trở về. Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi sự kiện Nhất Linh sau khi rời bỏ chính trị năm 1950, có qua Paris ở với con cả một thời gian, nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi. Ông không thể ở lại, vì ông là một người dụ ngôn đích thực, sinh ra, sống và tranh đấu ở miền đất này, để rồi sẽ chết cũng tại đó.

Sau một thế gian im lặng, Nhất Linh tung ra một bộ tiểu thuyết gồm ba cuốn viết trong thời gian ẩn trốn. Dĩ nhiên là chúng tôi vội vã tìm đọc, và cũng thất vọng nhanh chóng. Bộ Dòng sông Thanh Thuỷ diễn tả cuộc đời làm cách mạng của một người mang vóc dáng Nhất Linh, nhưng không diễn đạt được. Nhân vật Ngọc thật xa cách với nhân vật chúng tôi kỳ vọng phải có. Lam cắt nghĩa: “Bác sẽ không thể viết được nữa. Quá khứ dầy đặc đã đè bẹp tâm hồn bác rồi…”. Tuy không hiểu rõ Lam định nói gì, nhưng nghe câu đó tự dưng tôi có cảm tưởng Nhất Linh sắp đi đến quãng chót của đời mình. Khi ông về căn gác trông xuống chợ An Đông, tôi hay đến thăm hơn xưa. Nhiều khi tôi tới, cúi chào, ông gật đầu rồi im lặng, tôi lục một cuốn sách ngồi đọc cho tới lúc muốn về. Vào thời kỳ này, tương đối ông có vẻ cảm tình với tôi hơn. Có lần gần ngày thi, chưa có tiền nộp lệ phí, ông bỏ tiền vào một cuốn sách, kín đáo đưa cho. Nhưng giữa hai bác cháu bao giờ cũng có một ngăn cách khó xác định. Một buổi sáng, cửa đóng kín che nắng, tiếng ồn ào của chợ họp phía dưới vang lên, tôi nhìn người bác già, thấy như đã thuộc vào dĩ vãng hay một thế giới khác. Cũng trong khoảng thời gian này, bà ngoại tôi mất. Lúc biết tin, bác đang đau, nhờ người vực tới, ngồi bên xác mẹ rồi trở về. Cái chết này, tôi tin đã làm ông chìm sâu hơn trong đau buồn. Từ lúc các con lập gia đình riêng, bà tôi thân và yêu Nhất Linh hơn cả. Và dù người già khó tính ghê gớm, trong các con, không kể mẹ tôi là gái, Nhất Linh cũng là người chịu đựng những trái tính của mẹ già tài hơn cả. Trên bàn thờ chính của họ Nguyễn Tường, còn để một bức minh hoạ bà tôi do Nhất Linh vẽ bằng bút chì, nét thật nhỏ và mờ.

Tôi đi dạy học xa, rồi bị động viên nên lâu lâu mới tới chợ An Đông một lần. Thường thường hai bác cháu cũng chẳng nhiều lời hơn. Có khi buổi viếng thăm thu gọn lại trong hai cái chào: khi tới và khi về. Một buổi sáng thứ sáu, tôi rời Sài Gòn đi đơn vị. Chiều thứ bảy đọc báo có tin Nguyễn Tường Tam sẽ bị đưa ra toà vào sáng thứ hai 7-7, ngày Song thất của Diệm, người tôi như căng ra vì chờ đợi một biến cố: không một quốc gia nào đưa một con người như Nhất Linh ra toà mà không xảy ra một biến cố nào. Tôi hình dung, tưởng tượng tới thái độ Nhất Linh sẽ có: ông sẽ im lặng hoàn toàn trước tất cả mọi câu hỏi, lời kết tội? Ông sẽ chỉ nói một câu nhận hết trách nhiệm cho các đồng chí cùng bị xử? Ông sẽ rút vào bóng tối, sẽ vượt biên giới? Tôi nghĩ tới đủ các giả thuyết, nhưng tôi không thể ngờ ông đã chọn cái chết phản kháng như vậy. Một người bạn nghe đài B.B.C. báo tin cho tôi biết. Ngồi bất động trong một quán tới trưa, tôi ra bưu điện gửi điện tín cho Thi: “Mai đi P.K. Em đưa đám bác hộ anh”. Rồi lang thang trong thị trấn tới khuya, chỉ trở về phòng trọ đủ thời giờ thu xếp quân trang. Đi chuyến xe đầu lên cao nguyên.

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chết, dĩ nhiên không thể đơn giản. Những nhân vật quan trọng trong chính quyền ùa tới, theo chỉ thị của ông Nhu, ép buộc đe doạ tang gia phải mai táng gấp. Lam ở Đà Lạt về và cùng Thi, luôn luôn có mặt ở căn nhà chợ An Đông cùng các con lo đối phó. Quyết định đầu tiên là đợi chủ nhật mới đưa đám, viện cớ con cả còn ở Pháp chưa về kịp, sự thực chỉ cốt để thực hiện cho tới mức chót ý muốn sau cùng của Nhất Linh: một phản kháng kiêu hùng và bi thảm. Mật vụ bổ vây kín dòng họ và chính tang gia sau cùng cũng không còn phân biệt được đâu là người đến viếng, đâu là mật vụ nữa. Chính sách của ông Nhu dùng khủng bố để đàn áp nên những người đến viếng gồm đàn bà nhiều hơn đàn ông, - đàn ông ở nhà tránh bắt bớ để còn “làm một cái gì cho cái chết của Nhất Linh khỏi trở thành vô ích”, một đồng chí lão thành một đảng kỳ cựu nói vậy. Chính quyền từ chối không cho mang quan tài đến chùa làm lễ cầu siêu, bắt đám tang phải đi theo một giờ nhất định và lộ trình nhất định. Tang gia dùng tiếng khóc cổ truyền của đàn bà Việt Nam làm lợi khí. Lan và Thi, ngoài việc dịch những câu phúng viếng, dịch cả ý nghĩa những tiếng khóc kể lể của các bà trong dòng họ cho thông tín viên, gây những xúc động cần thiết tại ngoại quốc. Sau cùng chính quyền chịu để đám tang ghé chùa Xá Lợi làm lễ cầu siêu nhưng không được mang quan tài vào. Ông Nhu đã nhượng bộ dù đã bực tức nói với các thuộc viên: “Hắn sống có đi lễ chùa bao giờ, bây giờ đòi cầu siêu!”. Đáng tiếc các thuộc viên này không đủ can đảm nói cho ông Nhu biết người thân sinh ra Nhất Linh đã là một cụ sư sau những năm tu hành cả quãng chót của cuộc đời, và dù chẳng mấy khi đến chùa, Nhất Linh chưa bao giờ tỏ vẻ coi thường bàn thờ Phật có thường trực trong nhà. Rồi đám tang cũng cử hành với sự hộ tống đầy đủ của Mật vụ và Cảnh sát chiến đấu. Chỉ có một vòng hoa đi đầu. Ảnh Nguyễn Thái Học, một người cháu mang đi trước, bức hình chụp lại chân dung Nhất Linh do Nguyễn Gia Trí vẽ, một người cháu cầm đi kế tiếp. Một đảng viên Việt Quốc, có nhiệm vụ mang đảng kỳ tới huyệt, sợ Mật vụ tịch thu, nên trao cho Thi mang hộ. Lá cờ sao trắng, lá cờ tôi đã rời bỏ bốn năm về trước, tôi không thể ngờ có ngày chính Thi lại là người mang tới huyệt, phủ lên quan tài người đã khuất. Thi đã làm đúng lời dặn, nàng đã thay tôi kẹt ở một ngọn đồi cỏ, đưa người bác kiêu hùng đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Một tháng sau, tôi xin được phép về Sài Gòn. Tôi cùng Thi xuống nghĩa trang Giác Minh thăm mộ bà tôi, ba tôi và người bác. Tàn hương ra về, tôi gặp Lam. Hai đứa nhìn nhau, mặt Lam sắt lại, răn cắn chặt lấy chiếc pipe. “Đã đến lúc phải làm mlọt cái gì!’. “Đã đến lúc phải làm một cái gì!”… câu nói ám ảnh các con cháu, và tới cả những người, khi Nhất Linh còn sống, không đồng ý hoàn toàn với cả đời sống của ông. Chiều 26 tháng 10, Lam từ Đà Lạt về và tôi từ Pleiku gặp nhau tại Sài Gòn. Ngồi trong khu vườn mía um tùm của mẹ tôi, Lam bàn về cuộc đảo chính đang chuẩn bị. Mật vụ bổ vây khắp nơi xiết chặt đến nỗi cả tôi lẫn Lam đều đồng ý: “Trong một tuần nữa không đảo chính, họ cho mình vào tù hết”. Chiều 28, an ninh cá nhân mỏng manh đến độ Lam quyết định: “Thôi, Du đi đi. Bác dặn phải tiết kiệm nhân lực. Để mình anh ở lại. Có thua, đến lượt Du lần sau”. Sáng sớm hôm sau, tôi lên đường trở về đơn vị, suốt ngày quanh quẩn quanh chiếc máy phát thanh. Hai ngày sau đảo chính, tôi nằm ôm máy phát than cho tới sáng. Bởi vì nếu lần này thất bại, hẳn trong nghĩa trang Giác Minh sẽ thêm mộ Lam. Và không hẳn chỉ thêm một mộ mà thôi. Đảo chính thành công và một cách mạng thành hình. Khi con thứ Nhất Linh bước vào phòng họp ở Tổng Tham mưu, Trung tướng Dương Văn Minh yêu cầu toàn thể Hội đồng Quân nhân Cách mạng đứng mặc niệm một phút nhà văn Nhất Linh và cách mạng gia Nguyễn Tường Tam. Và cuộc cách mạng chấm dứt sau phút ấy. Sau đó, chính trị bắt đầu, thứ chính trị mà chính người được mặc niệm đã bao lần chối bỏ trong đời.

*

Tường Hùng
Người chú

Roma yên lành, yêu đời, có trời xanh ngắt, đường phố thái bình, mọi người hình như chỉ vội vàng vui vẻ sống để hưởng hết cái đẹp của tỉnh đẹp này.

Buổi sáng hôm đó một người bạn tôi gọi dây nói và báo tin Nhất Linh mất. Tự tử. Tin đến dữ dội như sét đánh, rồi bỗng biến đi, yên lặng. Tôi vội vã đi xuống đường, lẫn vào đám đông, và trong cái tiếng xa lạ và quen thuộc này tôi dần dần thấy Nhất Linh.

Sau khi chính quyền Pháp bị lật đổ, Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam thì đúng hơn – trở về Hà Nội. Ông tới nhà chúng tôi. Rất hiên ngang, to lớn, mặc áo da phi công, chân đi giày ống, trên mép có hàm râu đen nhánh. Con người cách mạng, cương quyết, sau bao năm tranh đấu, trở về mang theo tất cả sự quyến rũ của cuộc đời hùng mạnh, như Dũng trong truyện Loan và Dũng.

Tôi còn nhớ đôi mắt nhìn thẳng dưới đôi lông mày rậm (điểm đặc biệt của gia đình chúng tôi), nụ cười rộng lượng phô hàm răng trắng, đều.

Rồi bao nhiêu biến đổi, Việt Minh cướp chính quyền. Tản cư. Loạn lạc. Khi tôi vào Sài Gòn tôi lại gặp Nhất Linh.

Đối với tôi, Nhất Linh bé nhỏ hẳn đi, tóc đã muối tiêu, đi đứng nhẹ nhàng, như một nhà ẩn dật, và giống một văn sĩ. Nhưng vẫn nụ cười ngày xưa rộng lượng và tha thứ tất cả mọi sự.

Có đôi mắt Nhất Linh làm tôi ngạc nhiên: đôi mắt trở thành màu xám đục. Cũng như mắt của bà tôi khi trở về già, đôi mắt không đen.

Và việc hoạt động cho văn nghệ bắt đầu. Nhất Linh vẫn thường nói văn hoá có sức mạnh thay đổi lâu bền hơn chính trị. Làm chính trị có ích trong một thời, làm văn hoá – nếu thành công – sẽ còn lại mãi mãi. Điểm này cũng giống như câu châm ngôn của báo Văn hoá ngày nay: “Văn chương vượt không gian và thời gian”.

Nhất Linh có sức làm việc phi thường. Làm việc cả ngày không mệt. Những hôm bận việc Nhất Linh chỉ ngủ hai ba tiếng đồng hồ. Khi làm báo có khi hàng tuần Nhất Linh làm việc như vậy. Vì đã tìm ra triết lý tuyệt hảo, Nhất Linh đã áp dụng triết lý này vào tất cả mọi việc trong đời Nhất Linh. Khi làm gì thì làm với tất cả tâm hồn, làm cho tới mức tuyệt hảo. Và Nhất Linh nói tới chuyện rửa bát ở bên Tàu. Nếu ta rửa bát một cách qua loa cho xong việc thì ta ngại rửa bát, nhưng nếu ta coi việc đó như một nghệ thuật cần phải làm tới cùng thì việc rửa bát tự nhiên trở nên hứng thú. Cuộc đời Nhất Linh hứng thú vì Nhất Linh sống cuộc đời của mình đến tận cùng.

Khi còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong căn nhà có vườn cỏ xanh bao bọc, phòng tôi ở ngay cạnh phòng của Nhất Linh. Nhiều đêm tỉnh giấc vào quãng ba bốn giờ sáng, tôi thấy bên phòng Nhất Linh còn đèn sáng. Tôi sang thăm và cảnh làm việc làm tôi sợ hãi.

Trong căn phòng đầy sách vở, giấy tờ, Nhất Linh cặm cụi soạn bài, sửa bài, vẽ, một mình làm gần hết tờ báo. Trong phòng khói thuốc trừ muỗi bay mờ mịt. Trên trần cái quạt quay nhanh, không khí lành lạnh làm tôi rùng mình nghĩ đến sức khoẻ của Nhất Linh.

“Chú không ngủ, nhỡ ốm thì ai làm Văn hoá ngày nay?”

Tay run run châm điếu thuốc, Nhất Linh nhìn tôi, mỉm cười:

“Cháu đang còn sức trai, cần phải ngủ nhiều.”

Những điểm gì đã làm Nhất Linh trội hơn nhiều người trong những phạm vi ông hoạt động? Tôi cho rằng đó là sự ham mê, hay nói một cách khác đi, triết lý tuyệt hảo. Ông có tài lôi cuốn nhiều người vào công việc làm của ông vì thế. Ngày xưa khi ông ở Hưng Yên, ông đã làm cả tỉnh hăng hái tập thể thao. Khi ở trên Đà Lạt, tôi thấy nhiều người chơi hoa lan theo Nhất Linh. Đó chỉ là một vài việc nhỏ, để chứng tỏ sức lôi cuốn đám đông của ông. Còn những việc to lớn hơn mà tôi không nói đến như chính trị văn hoá. Trong tất cả các hoạt động này Nhất Linh không kém ai, vì ông đã làm với tất cả tâm hồn của ông.

Và thêm vào đó – một điều rất quan trọng: Nhất Linh có một khối óc phi thường, luôn luôn có những ý kiến mạnh mẽ. Ông nhìn rất xa, bao trùm cả vấn đề, rồi giản dị hoá tất cả. Có thể nói Nhất Linh là một tâm hồn phức tạp – một người ưa hoạt động và thực tế.

Ông thường nói ông bị giằng xé nhiều năm bởi hai khuynh hướng đó. Ông đã hoạt động về xã hội làm nhà Ánh Sáng, về chính trị chống Pháp, chống cộng sản. Ông đã trở về tu tiên ở Đà Lạt để chỉ sáng tác văn nghệ. Việc mà đã điều hoà được cả hai khuynh hướng, đó làm báo làm báo. Và Nhất Linh đã làm những tờ báo nổi tiếng: Phong hoá, Ngày nay.

Trong các tiểu thuyết của Nhất Linh, người ta cũng thấy sự hiện diện của hai sức mạnh đó. Ngày trước, thời của các cuốn Đôi bạn, Đoạn tuyệt, tiểu thuyết của Nhất Linh là một phương tiện tranh đấu. Nghệ thuật chỉ đứng sau, nhưng cũng rất rõ rệt, đủ để chứng tỏ ông là một văn sĩ có tài. Và dần dần nghệ thuật trở nên quan trọng, trong Bướm trắng chẳng hạn.

Trong các tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh như Xóm cầu Mới, Cô Mùi, thì Nhất Linh trở nên hoàn toàn văn sĩ.

Nguyễn Du nói tạo hoá ghen ghét những người tài hoa. Nhưng làm gì có tạo hoá theo nghĩa của Nguyễn Du! Những người tài hoa đã tự lựa chọn cuộc đời của họ. Và vì nhân cách không giống tất cả mọi người, họ thường phải đối chọi với xã hội và chết một cách khác thường, nhiều khi vô lý. Tại sao Hemingway nhét khẩu súng vào mồm, bắn nổ tung óc, để tự tử? Tôi không bao giờ nghĩ rằng Nhất Linh tự tử, tự tử một cách giản dị như bước đi một bước, một bước sang thế giới bên kia. Giản dị và tự nhiên như câu thơ của Nhất Linh nhẹ nhàng: “Hạt muối tan trong bát nước lã”. Tôi chưa bao giờ được nghe Nhất Linh nói đến sự chết. Đôi khi Nhất Linh nói đến triết lý, một thứ triết lý thấm nhuần sự bình thản của đạo Phật, sự hoà hợp với thiên nhiên của đạo Lão. Nhất Linh viết về sự chết, để tả cái gì xảy ra sau khi chết: người ta sẽ “phiêu diêu” trong sự sung sướng, thân thể sẽ tan đi mất như trong một giấc mơ. Nhưng Nhất Linh tự tử!

Có lẽ người ta rất sung sướng khi được biết sự bí mật cuối cùng cuộc đời dành cho ta: SỰ CHẾT.

Ở Đà Lạt Nhất Linh thường ngâm câu thơ:

Người đi lâu chửa thấy về
Nhớ người lòng suối Đa-mê gợn buồn.

Tôi vẫn thường tự hỏi có phải Nhất Linh nhớ dòng suối Đa-mê thực hay không. Trời Đà Lạt lạnh, lòng suối trong suốt, nước cũng lạnh buốt nằm trơ giữa cỏ cây, cô đơn trong rừng núi, nếu thực suối có nhớ ai thì suối có khung cảnh ảm đạm, nỗi buồn của suối sẽ thấm thía. Bây giờ trở lại nơi cũ, cạnh dòng suối, người ta tìm hình bóng Nhất Linh trong chiếc võng treo giữa hai cái cây. Lan rừng vẫn tung hương cho gió, như những câu văn của Nhất Linh vẫn còn nằm trên giấy, vẫn nói bằng giọng nói của Nhất Linh. Tôi không khỏi xao xuyến khi giở tập truyện của Nhất Linh ra đọc. Hình như người vẫn còn lẩn quất đâu đây, gầy gò, thanh đạm chơi lan, cặm cụi viết văn và đôi khi mỉm cười rộng lượng tha thứ tất cả.

Nhất Linh đã mất nhưng tâm hồn của Nhất Linh còn mãi mãi. Và khi đọc cuốn trường thiên tiểu thuyết Xóm cầu Mới”, người ta sẽ thấy, qua cảnh khốn khổ nhưng khôi hài của một đám dân trong xóm nhỏ, người ta sẽ thấy Nhất Linh mỉm cười. Phải giấu lòng yêu nhân loại mới có nụ cười đó.


Một vài nét về chân dung Nhất Linh

Con người

Ít khi tôi gặp một người bình dân như Nhất Linh. Dù ông nói chuyện với một văn sĩ trứ danh, một anh bán phở, một lãnh tụ chính trị hay một cậu bé con, ông vẫn giữ thái độ giản dị, hoà nhã.
Hồi còn báo Văn hoá ngày nay, Nhất Linh bàn cãi với Duy Lam và tôi – chúng tôi rất trẻ tuổi – coi chúng tôi ngang hàng. Trong những buổi họp ở Trung tâm Bút Việt, Nhất Linh bảo tôi gọi ông bằng “anh”, bởi vì theo Nhất Linh cùng là văn sĩ thì không còn coi nhau như chú cháu nữa. Khi đi đến nhà báo hay đến nhà in, Nhất Linh thường ngồi đằng sau cái xe Lambretta của tôi. Ông không thích xe hơi, không thích lái.

Nhưng Nhất Linh rất ghét xã giao, ghét lạc vào một phòng khách nói những chuyện thù tiếp. Trong những bữa tiệc đông người, Nhất Linh thường chỉ yên lặng cười và uống rượu.

Bề ngoài Nhất Linh tuy rất bình thản, hoà nhã, nhưng bên trong – theo lời Nhất Linh – thì nhiều lúc chứa những bão táp ghê gớm, những tư tưởng mà chính Nhất Linh cũng không ngờ tại sao ông lại có. Có lẽ vì có một tâm hồn dễ xúc động quá mực thường nên đôi khi Nhất Linh nổi giận một cách khác thường.

Dễ xúc động cũng tùy lúc. Có lần Nhất Linh tự dưng ôm mặt khóc, vô cớ, như để thoả mãn một nỗi ấm ức không tên. Nhưng ở hội nghị Pháp - Việt tại Đà Lạt, khi Pháp ra những điều kiện gắt gao để bắt chẹt Việt Nam, khi hội nghị tan vỡ và viễn tượng chiến tranh hiện rõ, Nhất Linh đã nhỏ những giọt nước mắt yêu nước.

Một buổi trưa sau bữa cơm, hồi Nguyễn Tường Tam còn uống rượu, Nhất Linh đã trở vào buồng nằm, cửa đống. Lúc đó thì một bà mà chúng tôi vẫn gọi là cô vì thân với gia đình, đến chơi. Bà tính ồn ào, vui vẻ, lúc nào cũng cười nói. Sau khi tán chuyện với chúng tôi, bà hỏi:

“Anh Tam đâu rồi? Chắc lại vào buồng nằm.”

Nói rồi bà vào phòng Nhất Linh, không gõ cửa như lệ thường ở nước mình, đẩy cửa vào.

Một lúc sau chúng tôi nghe thấy tiếng quát tháo của Nhất Linh rồi tiếng chai bị ném vỡ trên sàn nhà.

Nhất Linh nổi giận vì cô chúng tôi vào không gõ cửa! Mọi khi vào phòng Nhất Linh có bao giờ chúng tôi gõ cửa đâu!

Nhưng Nhất Linh quên giận rất nhanh chóng.

Hờn dỗi là một tính cố hữu của một vài người trong họ chúng tôi. Tôi còn nhớ hồi nhỏ chơi đùa với Duy Lam, nếu lỡ làm Duy Lam giận thì chúng tôi lại mất công dỗ Duy Lam cả ngày. Nhất Linh tuy không tỏ ra hờn dỗi ai, nhưng trong truyện của Nhất Linh các nhân vật hay hờn dỗi nhau. Họ thường hờn dỗi nhau vì họ yêu nhau. Có bao nhiêu xen Trương dỗi Thu, Thu dỗi Trương trong truyện Bướm trắng. Ngay trong cuốn Xóm Cầu Mới (chưa in) có nhiều đoạn Mùi dỗi ông anh họ Siêu, rớm máu trên da và để lòng nhẹ đi. Ngay cả Triết, em Mùi, cũng dỗi Mùi. Chắc Nhất Linh cũng cảm thấy tình cảm đó một cách thấm thía nên mới hay nhắc lại trong truyện của ông.


Làm việc

William Faulkner đã nói về người viết văn: “Văn sĩ có tài cần phải có 90% tài, 90% kỷ luật và 90% làm việc… Không bao giờ hoàn toàn hài lòng về cái mình viết vì lúc nào mình cũng có thể viết hơn được. Bao giờ cũng nhìn lên cao. Không để ý đến phải hơn các văn sĩ khác cùng thời hay các văn sĩ ngày xưa, chỉ cần phải hơn mình là đủ. Một nghệ sĩ là một nhân vật bị lôi cuốn bởi một con quỷ…” – tôi thấy câu này thực hợp với Nhất Linh khi ông làm việc.

Một hôm trời đẹp Nhất Linh tươi cười đưa cho tôi một chồng bản thảo cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới. Những trang giấy trắng không kẻ hàng đóng thành từng tập dày, bìa đen, chứa đầy những dòng chữ nhỏ li ti, viết bằng mực xanh lá cây, xanh da trời, những chữ bị cắt thành từng gạch nhỏ, như ai đã cầm kéo cắt vụn và trải trên giấy, như đã bị những tư tưởng dồn dập và xao động đã đập tan, kéo dài thành những con đường chứa các hình ảnh, những băn khoăn muốn chạy mau về một nơi nào. Và những dòng chữ dó nhiều nơi bị dập xoá, viết chồng lên, nhiều đoạn được viết lại.

Cuốn truyện này Nhất Linh đã viết năm sáu lần, bản thảo đã có khi bị mất nên Nhất Linh phải nhớ lại và viết lại. Theo tôi biết đó là tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh. (Những lúc xa Nhất Linh tôi không được biết ông có sáng tác chuyện nào không).

Tôi yên chí đó là hình thức cuối cùng của cuốn truyện, tôi tưởng viết như thế là đã tới sự thăng bằng của tư tưởng, của văn, của chữ. Khi Nhất Linh trích những đoạn trong Xóm Cầu Mới để đăng thành truyện ngắn, tôi ngạc nhiên vì ông đã viết lại, thêm bớt, gọt dũa không biết bao nhiêu lần nữa. Và khi đã xếp chữ tại nhà in, Nhất Linh còn sửa đi sửa lại, cặp kính trắng hơi trễ trên mũi, tay run run cầm cái bút Parker 61, viết ngoằn ngoèo và nhanh. Ông thường khuyên tôi: “Chỉ cần thêm bớt một chút là truyện trở nên khác hẳn, nhưng cái khó là tìm ra phải thêm gì, phải bớt gì”. Tôi nghĩ có lẽ cũng như một bức tranh, một phong cảnh đẹp, nếu các phần tử hoà thuận với nhau, sẽ gây cho chúng ta những rung động. Văn sĩ dàn xếp các tiếng như một nhạc sĩ điều khiển âm thanh. Các tiếng, và cả các nhân vật nữa, khi gặp nhau sẽ có phản ứng, phản ứng mà văn sĩ đoán trước, nhưng không bao giờ biết trước được rõ ràng. Đó là một trong những cái bất ngờ thú vị khi viết văn.

Nhất Linh thường làm việc rất khuya, có khi đến rạng đông. Nhất Linh làm việc một cách say mê, gần như quên hết các việc khác, quên khung cảnh chung quanh. Nhưng ông cũng hay dậy sớm ngồi hút thuốc lá trên cái ghế vải, nhấm nháp chén trà tàu. Ông thích viết trên giấy trắng không kẽ hàng, nhưng dòng chữ của Nhất Linh vẫn chạy thẳng chứ không bay lên hay chúi xuống. Ít khi ông viết ở bàn viết, ông hay viết ngồi trong cái ghế vải.

Ông thường suy nghĩ rất nhiều về một truyện muốn viết, suy nghĩ một cách đại cương, về một vài xen, nhân vật. Rồi khi viết thì ông chỉ việc thả các nhân vật, đã được định rõ ràng, muốn sống ra sao thì sống, vì vậy có nhiều biến chuyển bất ngờ có khi đổi hẳn cốt truyện. Những điều này Nhất Linh đã viết thành sách để dựng một lý thuyết về cách viết văn.

Nhất Linh có những sáng kiến bất ngờ và những sáng kiến đó dồn dập đến. Một hôm bị giục gấp quá, tôi đưa cho Nhất Linh một mẩu mà tôi định làm thành truyện ngắn, mẩu đó không có đầu không có đuôi. Nhất Linh đọc xong, cầm bút viết thêm một chút để cho có kết cục, sửa vài đoạn để cho có mạch lạc, rồi đặt thành một mục mới cho Văn hoá ngày nay: mục “Chàng và Nàng”. Đó chỉ là một mục vui vui, nhưng sau nhờ tài hài hước của Duy Lam mục đó đã được nhiều nữ độc giả viết thư đến “chửi” lại bọn con trai chúng tôi.

Những sáng kiến của Nhất Linh giúp rất nhiều về các truyện mà Nhất Linh sữa. Chỉ vài câu đặt lại, vài đoạn cho lên cho xuống, truyện tự nhiên đổi khác hẳn đi, rõ ràng hẳn lên.

Thường Nhất Linh rất ghét các câu quá “Tây”, những câu bí hiểm đầy chữ khó hiểu, những câu sáo rỗng. Ông chủ trương một lối văn hoàn toàn Việt Nam và thực giản dị.


Vài tài nhỏ

Nhất Linh có tài leo núi, kiếm lan. Ông thấy leo lên thì dễ mà xuống thì khó. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông còn rất nhanh nhẹn, nhiều người trẻ tuổi không theo kịp ông. Ông có con mắt tỉnh, tuy phải đeo kính, tìm thấy những cụm lan đẹp một cách nhanh chóng.

Đem lan về ông còn bày hoa vào những chậu, cho hoa mọc trên những mảnh gỗ mà ông đã chọn mãi để có một hình đẹp. Rồi ông treo tất cả ở trong phòng. Chỗ thì có lan thấp nhỏ, chỗ thì lan mọc thành những dây dài lòng thòng xuống, tất cả họp lại thành một khung cảnh cảnh lan thực đẹp.

Nhất Linh vẽ cũng khá. Ông đã thi đỗ đầu vào Trường Mỹ thuật Hà Nội mà ông theo học một năm để đổi sang học về khoa học ở Pháp. (Ông đổ cử nhân khoa học sau một năm học nhờ trí thông minh và cũng nhờ một sự cho phép đặc biệt nhảy qua năm học. Nhưng Nhất Linh không dùng tài vẽ của ông để thành hoạ sĩ. Ông chỉ dùng trong báo chí. Tất cả bìa Văn hoá ngày nay đều do Nhất Linh vẽ. Cũng có lần nhờ tài vẽ để kiếm ăn: khi Nhất Linh lưu lạc ở Cao Miên và Sài Gòn, ông đi vẽ phông các rạp hát.

Nhất Linh có nói là Nhất Linh biết nấu mấy món ngon. Tôi chưa được Nhất Linh cho thưởng thức tài làm bếp của ông. Nhưng tôi có được biết tài rửa bát của Nhất Linh. Bát nào cũng sạch sẽ, khô ráo và sáng tinh.

Trí nhớ và sự khiêm tốn không cho tôi nói nhiều về một người chú mà tôi kính mến. Đáng lẽ tôi phải nói vài tật xấu để cho rõ chân dung Nhất Linh hơn, nhưng tôi xin thú thực sau bao nhiêu năm ở gần Nhất Linh tôi chưa được biết một tính xấu nào của Nhất Linh. Đã có một dạo cứ mỗi buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông uống rượu chỉ để cho dễ ngủ, và lúc say ông chỉ ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không có ánh sáng. Nhưng ông cũng bỏ được thói xấu đó và thay rượu bằng một buổi tập thể dục trước cửa sổ.

Thời gian sẽ xoá dần kỷ niệm con người Nhất Linh. Nhưng qua các tác phẩm của ông, qua các dòng chữ nói những câu quen thuộc, qua những nhân vật sống, yêu, ghét nhau, qua những tư tưởng trong các trang giấy, người ta sẽ biết một phần chính Nhất Linh, một phần mà tôi mong sẽ bền Meursault.


*

Tuyết Hương
Gieo hạt

Người ta bảo tôi may mắn, mới ra đời đã được người giúp cho nổi tiếng ngay. Cũng đúng, và cũng không đúng. Nếu ở đời này muốn thành công cần phải kiên nhẫn, thì muốn được người giúp cũng cần có kiên nhẫn vậy.

Thuở nhỏ, chả có gì tỏ ra tôi có khiếu về văn chương. Làm luận văn tôi có biệt tài về dùng những chữ thì, là. Câu nào cũng tìm được cách cho được một chữ vào. Bài luận văn dài chưa đầy một trang, cô giáo đếm được hơn một tá “thì”. Tôi còn nhớ một hôm phải làm đơn trình ông cò đêm qua nhà mất trộm. Cô giáo đã đọc câu: “Đang thiu thiu ngủ bỗng nghe tiếng động tôi vội chồm dậy”. Cả lớp cười. Người ta ngỡ tác giả là một chú khuyển. Người thì ngồi nhổm dậy, chứ ai lại “chồm dậy”!

Không có khiếu về văn chương, tôi lại mộng làm thi sĩ. Ấy thế mới tội! Trong khi các bạn nô đùa, chạy nhảy, tôi chỉ mãi dạo tha thẩn dưới gốc cây, trông mây bay nghe chim hót mà tìm vần. Tới khi thơ chép đã đầy cả mấy cuốn vở, đọc lên tự nghe đã… thấy hay, lại hàng ngày xem báo thấy thơ thẩn đăng nườm nượp, tôi nảy ra ý gửi đăng và chọn một bài gửi tới một tờ nhật báo. Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng mong giờ phát báo, mở vội ra xem có thấy thơ của mình. Đêm nào tôi cũng mơ màng thấy tên mình in đậm nét trên trang văn chương.

Chờ mãi, đợi hoài. Hồi hộp hy vọng chán cái mộng tên in trên báo đã thành sự thật. Nhưng người ta in tên tôi để nhắn rằng thơ dở lắm, không đăng được. Và thành thực khuyên tôi nên chọn một nghề gì thích hợp hơn. Đừng để mất thời giờ với thơ thẩn mà xao nhãng việc học.

Lần đầu tiên tôi hiểu thất vọng là thế nào. Trời như tối lại. Tôi muốn chui vào lòng trái đất nằm im lặng mà gậm nhấm cái sầu này. Tôi có cảm tưởng như lối tới tương lai của mình đã bị hai cánh cửa sắt đen ngòm khép kín, không bao giờ mở ra nữa.

May sao tuổi trẻ là tuổi dễ quên, là tuổi dồi dào sức quật khởi. Cho nên buồn chán rồi, một hôm tôi nghĩ:

“Không có khiếu về thơ, thì viết văn cần chi!”

Lần này có bao nhiêu tiền túi tôi đem hết ra mua báo. Tất cả các báo hiện phát hành: nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san… Tôi muốn xem tờ nào có cảm tình với hạng văn sĩ tập sự nhất để gửi gấm tác phẩm của mình.

Đã cẩn thận thế mà bài của tôi cũng bị từ chối. Có lẽ trái tim đã “dày dạn” vì lần thất vọng trước, lần này đã không buồn tôi lại nghĩ:

“Đã thế không thèm làm văn sĩ nữa!”

Trên đời này đâu phải chỉ có nghề viết văn. Thiếu gì thứ sĩ khác nhỉ!

Không may chưa được bao lâu tôi bị ốm nặng. Lần này tương lai coi bộ đen tối thật. Trong những ngày đen tối nhất, không thể làm gì khác, tôi lại tìm đến giấy bút. Tôi viết một truyện buồn, lấy nhan đề “Sống với đối với”. Đúng dịp tờ Văn hoá ngày nay ra đời. Và tôi đã gửi truyện ngắn này tới tờ báo quy tụ nhiều cây bút lão luyện nhất. Thật đúng là liều!

Gửi bài đi mà không mong được trả lời. Bị mấy lần thất vọng, tôi cũng yên trí mình không có khiếu về văn chương. Cứ tin chắc bài của mình lại vào sọt giấy, không chờ đợi nữa cho tâm trí yên ổn mà viết bài khác. Nhờ kinh nghiệm từng trải tôi đã trở nên “khôn ngoan” như vậy. Với lại làng báo hàng ngày còn phải nửa tháng mới biết bài không được đăng. Văn hoá ngày nay mỗi tháng ra có một kỳ, ít ra phải chờ sáu tháng.

Đã chắc như vậy nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi bài gửi đi chưa được hai ngày đã được trả lời. Lại thư riêng. Chính ông Nhất Linh viết! Thật quả tôi không ngờ hạng văn sĩ tập sự mà được cái vinh dự ấy.

Thú thật tôi không thể tưởng tượng văn của mình sẽ được khen, lại được khen “hay vô cùng”. Ông lại khuyên tôi rất nên viết nữa, viết thật nhiều. Chỉ có vài dòng thôi. Nhưng ông đã viết thêm rằng với văn của tôi ông cần gặp để nói chuyện nhiều. Ông đã mời tôi tới toà soạn.

Lẽ dĩ nhiên tôi không thể tới. Tuy tôi rất muốn gặp ông cho biết người, biết mặt. Trong thư phúc đáp tôi đã nói rõ lý do. Và tôi đã được ngay thư ông yêu cầu tôi nên yên trí tĩnh dưỡng, ông sẽ tới thăm. Vài hôm sau ông đã thân hành tới gặp tôi thật. Cuộc gặp gỡ chả có gì là đặc biệt. Hồi đó đã đang ốm, tôi lại hãy còn rất nhút nhát.

Sau khi hỏi thăm về bệnh tình, sức khoẻ của tôi, ông đã an ủi rằng ở thế kỷ XX, khoa học tiến bộ thế này, bệnh phổi chỉ như những bệnh tầm thường khác, chẳng có gì đáng bi quan. Chắc chắn tôi sẽ bình phục một ngày gần đây. Tới chuyện văn chương, ông cho biết vì sao bài của tôi được đọc trước những bài khác. Và ông mời tôi cộng tác, sẽ được trả nhuận bút cao nhất.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy giúp tôi lấy lại tin tưởng, trở nên vô cùng phấn khởi. Vừa hôm nào đây tôi còn tưởng mình là kẻ vô tài, chả có văn sĩ, thi sĩ nào thèm đếm xỉa tới. Làng văn đối với tôi như một thế giới bất khả xâm phạm. Thế mà hôm nay, một nhà văn kỳ cựu, lão thành, đã thân hành tới thăm, khen văn tôi, mời cộng tác. Tôi tưởng đâu mình mơ ngủ. Song sự thật rành rành. Mấy tập báo với hàng chữ đề tặng dưới ký tên, chính ông vừa đưa cho, còn để trên bàn kia.

Tiếc rằng tờ Văn hoá ngày nay cũng như ông Nhất Linh không được thọ. Song nếu tôi được biết tới, tên tôi được xuất hiện trên những báo khác, và nếu rồi đây tôi sẽ có một sự nghiệp văn chương, chính là nhờ ông vậy. Chứng cớ là những bài xưa kia bị từ chối nay lại được khen hay!

Phương ngôn ta có câu: “Uống nước nhớ nguồn”. Biết ơn là một trong những đặc tính thiên nhiên của con người. Song đối với người làm ơn không mong được trả, tôi chỉ biết tự hứa sẽ cố gắng mãi. Khi giúp tôi, chắc ông cũng như người gieo hạt. Người gieo hạt mong hạt mình gieo sau này sẽ trở nên cây tốt đẹp. Tôi tin rằng ông cũng mong tôi sẽ trau giồi cho văn tiến nữa, đẹp hơn.

Tài văn chương chắc không phải chỉ có một ông Nhất Linh. Song nếu những văn tài khác cũng thực tâm nâng đỡ bọn trẻ, tôi dám chắc sẽ còn tìm ra nhiều Tuyết Hương khác.


Nguồn: Chân dung Nhất Linh. Tập hồi ký của Bùi Khánh Đản, Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Tường Thiết, Thế Uyên, Tường Hùng và Tuyết Hương. Mẫu bìa của Văn Thanh. Do tập san Văn xuất bản lần thứ nhất. In xong tại nhà in riêng của nhà xuất bản ngày 25-6-1966.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét