tư tưởng
Juarroz, Roberto
Những mảnh đoạn thẳng đứng [Gần như lý trí]
(Diễm Châu dịch)
GẦN NHƯ LÝ TRÍ
4
Ta không thể hoàn toàn biết sự suy tưởng, những gì ta là, là vì ta không thể hoàn toàn biết sự vô-suy tưởng, những gì không phải là ta.
6
Đôi khi tất cả quá đầy tồn sinh, khiến tôi hầu như không còn chỗ để tồn sinh. Có những khi khác tất cả lại quá trống vắng tồn sinh, khiến tồn sinh hầu như làm tôi hổ thẹn.
12
Tính cách hiện thực của thơ, khai mở tới vô tận, là điều ngược lại với tính cách hiện thực hẹp hòi và cố nhiên không thực, bộc lộ nơi những cuốn văn học sử. Và bởi đó, nó (tính cách hiện thực của thơ) là thứ hiện thực lớn nhất có thể được.
13
Chúng ta có cảm tưởng đã bỏ mất những ngôn ngữ xưa, những ngôn ngữ có những sự phong phú không thể nào thay thế được. Đôi khi ta tin rằng mình nhận ra những gì còn lại của chúng nơi ngôn ngữ của ta. Dù sao chăng nữa, việc tìm kiếm những ngôn ngữ đã bỏ mất bao giờ cũng sẽ thiết yếu cho thơ, một cái gì tựa như tìm kiếm vàng hãy còn bị những dòng nước sơ khai cuốn đi.
14
Cuộc chinh phục gian lao nhất: sự im lặng nội tâm. Chỉ từ đó mới mở ra thơ đích thực.
22
Có lẽ rằng mọi suy tưởng hay hình ảnh, nếu biến đổi sắc diện, đều có thể chuyển thành thơ.
32
Ái tình là một ngoại lệ của trống không. Nhưng trống không tập trung quanh ái tình.
35
Thơ hướng về điều bất khả hữu, nhưng nó khiến ta trở thành khả hữu.
37
Đấng Cứu thế nói với La-da-rô: Ngươi hãy đứng dậy mà bước đi. Có lẽ tốt hơn thì ngài nên nói với ông ta: Ngươi hãy đứng dậy mà nói.
52
Viết có thể là một lối tiêu khiển lâu dài và cả đến một lối tiêu khiển cẩn trọng. Nhưng khi nó (lối tiêu khiển) thôi là như thế,và tan vỡ và nhỉ máu, nó tự biến thành một cây cầu bấp bênh trên vực thẳm.
64
Hữu-thể và phi-thể tiếp sức với nhau trong cuộc đời. Trong bài thơ nữa. Nhưng từ bài thơ đôi khi chỗi dậy một sự hòa hợp dị kỳ, nơi hữu-thể và phi-thể hợp sức với nhau trong một thực tại đầy đặn hơn. Gặp gỡ thực tại này là dự tính của thơ. Và có lẽ của cả cuộc đời nữa.
70
Thơ là một cách thế thiết yếu để hủy bỏ sự trống không, nhưng nó lại tạo ra một sự trống không khác, để là thơ hơn nữa.
79
Diễn giải Heinrich Böll, có lẽ người ta có thể nói rằng nhà thơ không cần tới tự do: ông chính là tự do.
88
- Wittgenstein nói: Cái gì không thể nói ra, cần phải dằn xuống (le taire).
- Hay nói ra mà không nói, để nó thâm nhập những vết nứt và im lặng của bài thơ.
92
Những bài thơ, cũng tựa như những cái cây được yêu mến, khiến chúng ta cảm thấy mình sống động hơn dưới bóng chúng.
99
Cách thức duy nhất để đón tiếp một sáng tạo chính là lại sáng tạo nó một cách khác và có lẽ tự tái tạo ở đó cùng với nó.
112
Thơ, đó là sự thành thực mà những gì ta không hay biết. dùng để nói trong ta. Đường lối đích thực độc nhất của những gì củng cố lại sự không hay biết của ta.
116
Điều mà chúng ta kêu bằng "cuộc đời" thường khiến chúng ta thèm ngủ.
129
Sáng tạo thơ bao hàm một sự chuyển hoán (nó) lao vào đó cả cuộc đời, nhận thức về thực tại và ngôn ngữ. Khả năng nhận thức của nó đòi hỏi một cuộc chuyển hoán tương tự. Bước vào trong thơ là một sự biến đổi vĩnh viễn.
131
Thơ là nơi chạy chữa cuối cùng chống lại sự bất khả truyền thông, mà cũng là để đối phó với những sự thái quá và thiên lệch của truyền thông.
132
Cả đến sự hào hứng rõ rệt hay sự phong phú về ngôn từ thật hồn nhiên cũng không biện minh được cho sự đồi dào quá múc, sự dồn đống, sự sặc sỡ của các từ trong một văn bản. Khối lượng đè bẹp các thành phần của nó, kể cả những thành phần còn ở trên cao. Sự dè giữ và chọn lọc sẽ không bao giờ đủ trong mọi loại văn chương. Trong thơ, đó là những thứ đá thử vàng.
139
Cuộc đời và thơ là một chuỗi kế tục những sự sinh ra. Đạt tới chỗ mỗi một trong những lần sinh ấy lại thêm vào với những lần sinh trước là một công việc khó khăn. Có lẽ đây là một vấn đề cường độ và trung thực thiết yếu, ở bên kia những cách đoạn cố hữu nơi cuộc sống nội tâm của con người.
147
Quan niệm một thứ thơ phi siêu việt (sans transcendance), đó là đặt thơ ra ngoài thực tại, là rơi vào trừu tượng. Không có gì lại không thể đi quá bản thân mình. Những gì không vượt qua mình và chỉ tự giản lược vào bản thân mà thôi thì chỉ đi tới chỗ tiêu vong. Thơ là siêu việt ở mức độ cao nhất của thơ, khi tự phóng ra về mọi phía, và khiến cho tất cả, trong thị kiến của thơ, tự phóng tới một điều gì khác.
164
Suy nghĩ tới một điều gì đó thật sâu xa thời cũng là yêu mến nó. Ngoài một số hạn giới, suy tưởng và yêu mến gần như cũng là cùng một chuyện. Thơ biết thế và bày tỏ điều ấy.
173
Tôn giáo tối hậu có lẽ sẽ gồm bằng chuyện ngưng chất vấn quá nhiều cái ở trên cao và ngược lại ra sức níu lại một khoảnh khắc cái gì đương rơi, để ít ra hạn chế trong một khoảnh khắc sự cô quạnh của nó.
184
Thơ là đỉnh cao của cô quạnh. Của sự cô quạnh tự đi kèm chính mình.
191
Bài thơ là sự hiện diện và sự vắng mặt cùng một lúc, nội tại và siêu việt, thứ này và thứ kia, hữu-thể và phi-thể đồng thời.
198
Thơ khởi sự hầu như vào lúc chấm dứt của ngôn từ, nhưng không bao giờ rời bỏ ngôn từ. Tất cả những cách sử dụng khác của ngôn từ đều làm thế.
200
[...] Thơ tìm kiếm thực tại không biên giới, thực tại vô tận nơi từng sự vật và nơi tất cả. [...]
205
Thơ là một đường lối bất thường, "rối đạo", không chính thống của tri giác, hợp nhất nơi mình với thị kiến và tưởng tượng. Nó là một thứ siêu hình học tức thời, như Bachelard đã viết. Và đồng thời nó mở rộng mắt trước sự huyền bí, tức là điều, đối với Einstein, là một điều kiện chủ yếu. [...]
(trích Những mảnh đoạn thẳng đứng, 1994)
------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ROBERTO JUARROZ (1925-1995) là một nhà thơ Á-căn-đình, được thế giới biết tới nhiều, có lẽ chỉ sau Jorge Luis Borges, một người đồng hương của ông. Roberto Juarroz là tác giả của mười lăm tập thơ mang cùng một tựa đề, chỉ khác số thứ tự: Thơ thẳng đứng. Các bài trong mỗi tập cũng không có tựa, chỉ được ghi số ả-rập. Ngoài ra, ông còn viết một vài cuốn sách bằng văn xuôi, trong số đó đáng kể là Thơ và sáng tạo (1980); Thơ và thực tại (1987); Những mảnh đoạn thẳng đứng (1994); Trung thành với ánh chớp,..
Những mảnh đoạn thẳng đứng (José Corti, Paris, 1994) là “những hạt nhân thiết yếu của suy tưởng và thơ”. Tác giả của chúng “khước từ việc khai triển” và chúng ta có ba phần: gần như thơ gồm 106 đoạn; gần như lý trí gồm 205 đoạn và gần như giả tưởng gồm 124 đoạn. Những mảnh đoạn này gợi nhớ tới Những tiếng nói của Antonio Porchia, một người bạn thân thiết của Roberto Juarroz.
Trên đây là những “trích đoạn” trong sách được dịch theo bản Pháp văn của Silvia Baron Supervielle, như một món quà dành cho bạn đọc Tiền Vệ, trước khi chúng ta đề cập tới Thơ thẳng đứng của Roberto Juarroz. Các số ghi ở mỗi phần là số ghi trong nguyên tác.
source : Tiền Vệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét