Kenzaburo Oe
Nuôi thù
Diễm Châu dịch
SÁNG HÔM SAU CHA LẲNG LẶNG ĐÁNH thức tôi dậy. Bấy giờ mới hồng đông. Một thứ nắng gắt pha lẫn với màu xám nhờ nhờ len qua từng kẽ hở ở những tấm vách ván căn nhà chứa đồ. Lúc nuốt vội bữa ăn sáng lạnh tanh tôi hãy còn ngái ngủ. Cha, súng trên vai, cái gói cơm trưa thắt ngang hông, nhìn tôi ăn với đôi mắt một màu vàng đục thiếu ngủ. Chợt tôi nhận thấy kẹp giữa hai đầu gối của người có một bó chặt những da lông chồn quấn trong một cái sắc gai rách. Tôi nín thở — thế ra người sắp ra tỉnh. Thế nào người cũng trình sở chuyện thằng mọi đen.
Bao nhiêu câu hỏi xoắn xít cuốn lên cổ họng tôi không khéo dám làm tôi chậm bữa. Cứ trông cái cằm bành bạnh ra của người đưa đi đưa lại dưới lớp râu rậm và cứng tôi cũng biết bữa nay người bẳn tính và thần kinh căng thẳng vì thiếu ngủ. Tối hôm trước, cơm nước xong người thay đạn mới rồi đi gác đêm.
Em tôi hãy còn nằm thiêm thiếp, đầu rúc vào cái chăn bốc mùi cỏ mốc. Tôi kéo cái áo thung màu lá cây đậm nặng nề xuống lồng ngực trần, xỏ đôi giày bố mà tôi đã để dành cho những dịp đặc biệt. Rồi tôi khoác bó lông chồn của Cha lên vai, chạy xuống cầu thang.
Sương lan thấp dọc con đường ẩm ướt, và toàn thể khu làng ngủ vùi trong lớp mù nhẹ bốc. Mấy con gà đã lặng gáy và không một tiếng chó sủa. Tôi thấy có một người lớn tuổi đương đứng dựa trên thân cây mơ bên cạnh căn nhà chứa đồ, tay lăm lăm khẩu súng. Cha nói mấy câu với người đứng gác. Tôi kinh sợ liếc nhìn về phía ấy, chỗ khung cửa trổ trên hầm mở ra, đen như một vết thương, nửa như e ngại cánh tay của người da đen có thể thò ra mà tóm lấy tôi. Tôi muốn ra khỏi làng ngay tức khắc. Khi chúng tôi lặng lẽ lên đường, thận trọng từng bước cho khỏi trượt chân trên làn đá, mặt trời đã xuyên qua lớp sương dầy, tỏa ánh sáng chan hòa ấm áp xuống.
«Thầy ra tỉnh trình việc thằng mọi đen phỏng?» tôi hướng về tấm lưng mạnh mẽ của Cha hỏi.
«Hử?» Cha lầm bầm. «Ừ.»
«Liệu có người cảnh sát nào ngoài tỉnh tới không thầy?»
«Tao chưa biết ra làm sao cả», Cha lầu bầu. «Phải đợi đến khi tờ trình lên tới văn phòng tỉnh đã.»
«Tại sao mình cứ giữ nó ở trong làng lại không được hở thầy?» tôi nói. «Nó có nguy hiểm lắm không?»
Cha lặng thinh không đáp. Một lần nữa tôi lại thấy bốc lên trong người cái kinh ngạc và sợ hãi đã cảm thấy đêm trước, lúc họ đem tên phi công da đen về làng. Không hiểu bây giờ nó đang làm gì dưới hầm? Tôi dám chắc nó sẽ trốn thoát, sẽ giết hết mọi người, giết luôn cả lũ chó săn và phóng lửa đốt nhà nữa. Tôi thấy sợ run lên được, tôi không muốn nghĩ tới chuyện đó. Vượt qua Cha, tôi hổn hển chạy xuống sườn đồi dài dặc.
Khi chúng tôi ra tới tỉnh, tôi ép sát vai vào đùi Cha bước thẳng tới trước mặt, lờ đi hết mọi sự khiêu khích của lũ trẻ ngoài phố. Nếu không có Cha đi cùng chắc chúng đã cười nhạo tôi và ném đá. Tôi tởm gớm và khinh bỉ lũ trẻ con ngoài tỉnh như thể chúng là một thứ ròi bọ với hình thù mà mình không bao giờ có thể cảm thấy gần gũi được. Những đứa trẻ gầy guộc trong nắng trưa chan hòa với những đôi con mắt phản trắc không thể nào tin cậy được. Hãy cất đi những con mắt người lớn nhìn chúng tôi từ phía sau những cửa tiệm tối đen thời tôi dám chắc là tôi có thể ưa thích bất cứ đứa nào trong bọn chúng.
Tại văn phòng ngoài tỉnh lúc ấy đã tới giờ cơm trưa. Chúng tôi uống nước ở chỗ vòi nước ngoài công viên ngay trước mặt văn phòng, rồi ngồi chờ một lúc lâu trên chiếc ghế dài kê ở gần một khung cửa sổ mà những tia nắng bỏng cháy đương chiếu xuyên qua. Cuối cùng một ông công chức già xong bữa bước ra và thì thầm nói với cha tôi, rồi cả hai lẳng lặng mất hút trong văn phòng ông đầu tỉnh. Tôi đem mấy bộ lông chồn tới chỗ cái quầy có mấy cái cân nhỏ. Ở đây người ta đếm số lông chồn và ghi vào sổ cùng với tên Cha. Tôi cẩn thận trông chừng một bà cận thị đeo kính dầy viết số lông chồn vào quyển sổ.
Xong, tôi không còn việc gì làm nữa. Tôi đợi Cha một lúc lâu, không thấy người ra. Vì thế, tay xách giày, hai chân không lạch bạch trên nền hành lang như hai chân bằng cao-su của thợ lặn, tôi bỏ đi tìm người quen biết duy nhất của tôi ngoài tỉnh, đó là người thường đem tin tới làng. Ông ta có một cái chân giả, và ở làng, người lớn cũng như trẻ con đều gọi ông là «ông Ký», mặc dầu ông cũng còn là một thứ phụ tá cho bác sĩ mỗi khi chúng tôi có khám bệnh ở trường.
«A, Nhái! Mày cũng ra đây hả?» ông đứng dậy từ phía bên kia tấm vách ngăn kêu lên. Tôi hơi bực mình nhưng vẫn bước tới bàn ông Ký. Trẻ con trong làng kêu ông bằng «Ký», bởi thế chúng tôi khó lòng kêu ca gì được khi ông gọi chúng tôi là «Nhái». Tôi mừng vì đã tìm được ông.
«Thế là làng bay bắt được một tên da đen, phải thế không, Nhái?» Ông lạch cạch cái chân giả dưới gầm bàn.
«Dạ», tôi đặt hai lòng bàn tay lên bàn ông Ký đáp. Trên bàn ông có khẩu phần cơm trưa của ông quấn trong miếng giấy báo lấm chấm ố vàng.
«Giỏi quá há?» ông nói.
Nhìn đôi môi nhợt nhạt của ông Ký, tôi nghiêm nghị gật đầu theo kiểu người lớn. Tôi muốn kể cho ông nghe về tên da đen, nhưng tôi không sao tìm ra chữ để mô tả thằng da đen to lớn mà họ đã đem về làng lúc xẩm tối.
«Thằng mọi đen — liệu họ có giết nó không?» tôi hỏi.
«Không rõ», ông Ký hất hàm về phía văn phòng ông tỉnh trưởng đáp. «Tao hy vọng họ sẽ quyết định việc đó bây giờ.»
«Không hiểu họ có đưa nó ra tỉnh không», tôi nói.
«Tao cuộc là chú mày được nghỉ học thú lắm», ông tránh câu hỏi quan trọng đáp. «Mụ thầy chó lười ấy, lúc nào cũng kêu ca, nhưng không thấy mụ ấy tìm cách đi khỏi. Mụ bảo trẻ con trong làng sao mà dơ dáy và hôi hám...»
Tôi cảm thấy xấu hổ vì cái ngấn cáu ghét quanh cổ, nhưng tôi bướng bỉnh lắc đầu và cười to. Từ chỗ nó chòi ra dưới gầm bàn, cái chân giả của ông Ký vặn vẹo. Tôi thích nhìn ông Ký mỗi khi ông lò cò nhảy tới trên con đường đồi núi với cái chân thật, chân giả và một cái nạng duy nhất, thế nhưng khi ông ngồi trên ghế thời cái chân của ông nó gớm ghiếc và phản trắc y như lũ trẻ ngoài tỉnh.
Cha tôi ló ra từ văn phòng ông tỉnh trưởng, khẽ gọi tôi. Ông Ký vỗ lên vai tôi, vì thế tôi vỗ lại vào cánh tay ông và chạy ra khỏi phòng.
«Đừng để cho thằng tù xổng mất nghe, Nhái», ông gọi với theo tôi.
«Thầy với mấy ông quyết định làm gì nó?» Tôi hỏi Cha khi chúng tôi qua tỉnh trở về trong nắng chói.
«Lúc nào cũng cố trốn việc, quân khốn», người giận dữ đáp như thể lỗi ấy chính tại tôi. Bị chặn họng vì sự bẳn gắt này tôi nín thinh và chúng tôi lẳng lặng bước qua bóng râm của hàng cây còi kĩnh, xấu xí trên đường phố. Ngay cả đến cây cối ở tỉnh cũng phản trắc và thù nghịch như lũ trẻ ở đó.
Khi chúng tôi tới cây cầu ở ngoại ô, Cha ngồi xuống phía dưới thành cầu lặng lẽ mở gói cơm. Cố nén không hỏi một câu, tôi thò một bàn tay lem luốc ra phía gói cơm để trên đùi Cha. Chúng tôi ăn mấy nắm cơm không nói với nhau một lời.
Khi chúng tôi ăn gần xong bữa cơm trưa thì có một cô con gái, cái cổ tươi mát trắng trẻo như cổ chim, khởi sự qua cầu. Tôi vội soát lại áo quần và xem xét lại hình dạng. Tôi cho là tôi dễ coi hơn, xét chung khá hơn bất cứ đứa trẻ nào ở tỉnh. Tôi đưa hai bàn chân đi giầy ra trước mặt chờ cô gái đi qua. Hai tai ù ù máu nóng. Trong một lúc ngắn ngủi kỳ cục cô gái chau mày nhìn tôi rồi bỏ chạy. Đột nhiên tôi hết muốn ăn. Tôi cảm thấy mình khốn khổ và rách rưới quá.
Sau cùng, hai bắp chân đau rần và mặt mũi nhầy mỡ và bụi bặm, chúng tôi rời lối mòn trên đỉnh đồi, đi qua những cánh rừng ẩn tiết xuống lối vào làng. Ánh tà dương lúc này đã bao phủ khắp thung lũng nhưng hơi nóng mặt trời vẫn còn nấn ná trong thân thể chúng tôi và chúng tôi rất khoan khoái vì lớp sương mù dầy đặc đương thổi tới.
Cha đi trình việc ở nhà ông đầu làng. Tôi bỏ Cha, leo lên lầu nhì căn nhà chứa đồ. Em tôi đương ngồi trên giường thiu thiu ngủ. Tôi vươn cánh tay ra lay nó, thấy rõ khúc xương vai mỏng mảnh ngay dưới tay tôi. Lớp da bên dưới lòng bàn tay ắm áp của tôi hơi co lại, và mệt mỏi cũng như sợ hãi trút ra từ đôi con mắt nó lúc này đột ngột mở lớn.
«Nó thế nào?» tôi hỏi.
«Đương ngủ dưới hầm», em tôi đáp.
«Mày ở một mình có sợ không?» tôi dịu dàng hỏi. Nó lắc đầu, đôi mắt có vẻ nghiêm nghị.
Tôi mở hé cánh cửa ra vào và đứng trong khung cửa sổ đái xuống. Sương mù lan xuống như một vật sống động và bò vào mũi tôi mau chóng. Vọt ra thành một hình cầu vồng dài, nước tiểu của tôi tung tóe trên những tảng đá lót đường rồi rớt vào cái mái gỗ chòi ra từ tầng dưới và bắn ngược trở lại tôi, thấm vào hai bắp vế nổi da gà và đầu gối tôi âm ấm. Em tôi thò đầu ra ở bên hông tôi như một con thú con và nhìn xuống chỗ nước tiểu của tôi. Chúng tôi đứng như thế trong một phút. Những cái ngáp nho nhỏ thoát ra từ cổ họng nhỏ bé của chúng tôi; mỗi lần chúng tôi rùng mình nước mắt lại ứa ra, trong suốt và vô nghĩa.
«Thằng Sứt Môi đã trông thấy nó chưa?» tôi hỏi.
«Bao nhiêu trẻ con tới gần hầm đều bị họ la hét đuổi đi hết», nó tiếc rẻ nói. «Mấy ông ngoài tỉnh có tới đem nó đi không anh?»
«Tao không biết», tôi đáp.
Cha và người đàn bà bên tiệm thực phẩm bước tới dưới chân thang, chuyện trò to tiếng. Người đàn bà cứ nhất định rằng mình không thể đem đồ ăn xuống hầm cho thằng tây đen được. Bà ta là đàn bà, bà ta không thể...; tại sao Cha lại không bảo con đem xuống? Tôi đương cúi xuống cởi giầy, nhưng liền rướn thẳng người dậy. Bàn tay mềm mại của em tôi ấn lên lưng tôi. Tôi cắn môi đợi Cha lên tiếng. «Ê, xuống đây!» tôi thấy người la lên, liền quăng đôi giầy vào gầm giường và lao mình xuống cầu thang.
Cha lấy báng súng trỏ cái rổ thức ăn mà người đàn bà bỏ trên nền đất. Tôi gật đầu đáp lại và nắm chặt lấy cái rổ nhấc lên. Không nói một lời, chúng tôi ra khỏi căn nhà chứa đồ và bước qua đám sương mù lạnh lẽo bên ngoài. Những tảng đá lót đường dưới gan bàn chân chúng tôi còn phảng phất hơi ấm lúc ban ngày. Không có một người lớn nào đứng canh bên căn nhà ấy khi tôi nhìn thấy màu ánh sáng nhạt tỏa ra từ khung cửa nhỏ trổ trên nóc hầm. Tôi cảm thấy một nỗi mệt mỏi như chất độc lan khắp toàn thân. Tuy nhiên, dịp đầu tiên được thấy thằng da đen thật gần khiến tôi xúc động đến nỗi hàm răng đánh lập cập.
Cha mở cái khóa tròn nặng nề ở cửa hầm, nhòm vào bên trong và bắt đầu thận trọng trèo xuống một mình, tay súng hờm sẵn. Không khí ban đêm hòa lẫn với lớp sương mờ quấn lấy cổ tôi trong lúc tôi ngồi chờ đợi. Hai bắp chân nâu mạnh mẽ của tôi run lẩy bẩy, khiến tôi thấy hổ thẹn trước vô số những cặp mắt mà tôi có thể cảm thấy là đương theo rõi tôi ở phía sau.
«Xuống đây!» tiếng Cha gọi nghẹn tắc.
Tôi bước xuống mấy bậc thang, tay ôm sát cái rổ vào ngực. Đằng kia, in hình trong ánh sáng của một bóng điện yếu ớt, tên tù binh ngồi co quắp. Không tài nào cưỡng nổi, hai con mắt tôi bị hút về phía cái xích lớn bẫy heo rừng xích cái chân đen của nó vào cột. Hai đầu gối thu lại dưới cằm, nó ngẩng lên nhìn tôi với hai con mắt đỏ ngầu, cái nhìn thách thức và giễu cợt. Tất cả máu trong người tôi dồn lên hai tai và đập mạnh qua mặt tôi như những lớp sóng đỏ tía. Tôi quay đi và nhìn Cha đương đứng dựa tường, cây súng chĩa vào tên phi công da đen. Người đưa cằm ra hiệu cho tôi. Hai mắt hầu như nhắm nghiền lại, tôi tiến lên, đặt cái rổ thức ăn trước mặt thằng da đen. Khi tôi lùi lại, một nỗi sợ bất ngờ khiến ruột tôi đau thắt, và tôi đã phải nén cơn buồn nôn đương dâng lên như một lớp sóng. Tên phi công da đen trừng mắt nhìn, cha tôi trừng mắt nhìn, tôi cũng trừng mắt nhìn cái rổ thức ăn. Xa xa một con chó sủa. Bên ngoài khung cửa trổ ở phía trên, khoảng sân làng âm u lặng tờ.
Bỗng dưng tôi thấy mình chú ý tới cái rổ đựng thức ăn để trước mặt tên da đen. Lúc này tôi nhìn cái rổ ấy với cặp mắt đói khát của nó. Một vài nắm cơm lớn, một ít cá khô mỡ màng chảy tràn ra, đủ thứ rau lẫn lộn và sữa dê đựng trong một cái chai cổ rụt bằng thủy tinh chạm mờ. Nó ngồi nguyên như lúc tôi mới vào, trừng mắt nhìn cái rổ thức ăn lúc lâu, cho tới khi chính cái dạ dầy trống trơn của tôi cũng bắt đầu ta thán. Lẽ cố nhiên là tên da đen chê bữa cơm nghèo khổ mà chúng tôi dọn cho nó, tôi nghĩ thế, và khinh bỉ chúng tôi nữa mà không động tới thức ăn. Tôi cảm thấy xấu hổ. Nếu tên da đen không chịu tỏ ý muốn bắt đầu bữa ăn thì nỗi xấu hổ của tôi hẳn sẽ lây sang Cha. Mà Cha phải chịu nỗi xấu hổ của người lớn thì không khéo người sẽ khùng lên mất, và chỉ trong phút chốc thôi cả làng sẽ tràn ngập cái hung bạo của mấy người lớn, mặt tái đi vì hổ thẹn. Ai đã có thể có cái ý tưởng kỳ quặc là đem đồ ăn cho tên da đen ấy?
Nhưng, đột nhiên tên da đen vươn ra một cánh tay dài không thế nào tin được, nhấc cái chai lên bằng mấy ngón tay lông lá xù xì đen đủi, và kéo lại gần, ngửi ngửi. Thế rồi cái chai được dộng ngược, đôi môi dầy, như cao-su của thằng da đen toác ra để lộ hai hàng răng trắng lớn đều đặn như những bộ phận ở bên trong một cái máy, và tôi thấy sữa đổ ừng ực xuống cái miệng rộng lấp loáng hồng của nó. Từ cổ họng thằng da đen đưa lên tiếng động của bọt nước chảy xuống một lòng cống, và sữa chảy tràn ra cả ở hai khóe môi nó — đôi môi hầu như sưng phù lên đau đớn tựa một trái chín bị xiết vòng quanh bằng một sợi dây thật căng. Sữa chảy xuống cổ họng trần của nó, thấm ướt cánh áo sơ-mi mở phanh ra, đổ xuống lồng ngực và tụ lại trên làn da dầy đen nháy ở đây thành những giọt nhỏ nhấp nhánh như giọt dầu. Đôi môi khô đi vì xúc động, lần đầu tiên trên đời tôi nhận thấy sữa dê quả là một thứ chất lỏng tuyệt đẹp.
Thằng da đen ném cái chai vào rổ nghe đánh rắc. Bây giờ cử động của nó không còn cái ngập ngừng lúc ban đầu nữa. Những nắm cơm khum khum trong lòng hai bàn tay to lớn của nó trông như mấy viên kẹo nhỏ nhít. Miếng cá khô bị nghiền nát luôn cả đầu giữa hai hàm răng lấp lánh của nó nghe rau ráu. Đứng dựa tường bên cạnh Cha, tôi kinh ngạc ngó chừng đôi hàm răng mạnh mẽ của tên phi công da đen đương hoạt động. Nó quá mải ăn nên không để ý tới chúng tôi; bởi thế mà trong lúc cố nén cơn đói của chính mình tôi mới có thể có đủ bình tĩnh để xem xét kỹ lưỡng cái món tuyệt vời mà Cha và mấy người lớn bắt được. Quả thật nó là một món tuyệt vời.
Mớ tóc ngắn xoắn tít trên cái đầu tròn trịa của thằng da đen tạo thành những lọn tóc thật nhỏ, thật chặt bồng lên như những ngọn lửa muội đen trên hai vành tai vểnh ngược như tai chó sói. Lớp da ở họng và ở ngực nó như cuộn lại bên trong một ánh lửa âm u màu trái nho. Cái cổ to nhầy mỡ của nó cuốn hút đôi mắt tôi mỗi lần vặn vẹo tạo thành những nếp gấp thô bạo trên làn da. Và cái mùi thân thể nó, dai dẳng và tràn lan tựa cái nôn nao ghê gớm trào lên cổ họng, rỉ ra như một thứ chất độc soi mòn hết mọi sự chung quanh, làm cho đôi má tôi đỏ bừng lên và gọi dậy những cảm xúc hầu như điên dại.
Đôi mắt mờ nóng bỏng, tôi nhìn thằng da đen ngốn ngấu đồ ăn, và trong đôi mắt mờ nóng bỏng của tôi, những vật thực xoàng xĩnh kia đã biến thành cả một bữa tiệc thịnh soạn đầy hương vị lạ. Giả như lúc tôi mang cái rổ đi mà còn lại đôi chút đồ ăn nào thì hẳn tôi, với mấy đầu ngón tay run run vì thích thú ngấm ngầm, đã bốc vội lấy mà nuốt chửng. Nhưng tên lính da đen đã ăn hết mọi tí, lại vét sạch cả đĩa cháo.
Cha thúc vào cạnh sườn tôi. Hổ thẹn và giận dữ lẫn lộn như mình đã chiều theo những mơ màng bậy bạ, tôi bước tới chỗ thằng da đen và lấy cái rổ. Dưới mũi súng của Cha bảo vệ, tôi quay lưng lại nó và bắt đầu bước lên mấy bậc thang. Đúng lúc đó thì tôi nghe một tiếng ho khan trầm trầm từ phía thằng da đen. Bước chân tôi chuệnh choạng và toàn thân tôi hoảng hốt rụng rời.
Ngay trên đầu cầu thang ở từng thứ nhì căn nhà chứa đồ, một tấm gương méo mó mờ tối chao đi chao lại trong lỗ hổng của một cây cột. Khi tôi trèo lên, trong ánh sáng lờ mờ hiện ra khuôn mặt của một đứa bé Nhật Bản — một đứa bé có đôi má giật mạnh đuơng bặm đôi môi nhợt nhạt không còn lấy một hột máu, một hình ảnh vô thực hoàn toàn của một đứa bé. Hai cánh tay nặng nề buông thõng, xúc động mạnh đến ứa nước mắt ra, tôi mở cánh cửa buồng.
Em tôi đương ngồi trên giường; đôi mắt nó lừ sáng, nóng bỏng hồi hộp và hơi đờ đẫn vì sợ hãi.
«Mày đóng cửa phỏng?» tôi làm vẻ mặt hống hách để che giấu đôi vành môi lẩy bẩy.
«Dạ.» Em tôi cúi mặt hổ thẹn vì hèn nhát. «Thằng mọi đen, trông nó ra làm sao hở anh?»
Một nỗi mệt mỏi dâng lên mãi bao trùm lấy tôi. «Ồi, có gì đâu, nó hôi rì à», tôi đáp.
*
SÁNG HÔM SAU TÔI DẬY MUỘN, NGHE thấy tiếng lao xao từ khoảng sân trống đằng trước nhà. Cả em tôi lẫn Cha đều không có trong buồng. Tôi mở đôi mu mắt hầm hập ra nhìn lên tường. Đúng như tôi đã nghi, khẩu súng của Cha không còn đó. Lắng nghe tiếng rì rầm ở bên ngoài và nhìn giá để súng trống không tôi thấy trống ngực nện thình thịch. Tôi nhẩy ra khỏi giường và vớ lấy cái áo sơ-mi, chạy xuống cầu thang.
Mấy người lớn tụ lại thành một nhóm. Lũ trẻ trong đám ngước mắt nhìn họ, khuôn mặt nhỏ bé lem luốc của chúng ngây ra vì hồi hộp lo sợ. Cách đấy một chút em tôi và Sứt Môi đương cúi lom khom bên khung cửa nhỏ trổ ở phía bên trên hầm. «Chúng đương nhòm vào!» tôi tức giận nghĩ và đã toan chạy lại phía chúng thì thấy ông Ký chống nạng, đầu cúi xuống, ló ra từ trong hầm. Một cảm giác mệt mỏi đen tối mãnh liệt và tuyệt vọng trùm lên người tôi như một lớp sóng. Nhưng ngay sau lưng ông Ký không phải là một đám rước mang xác thằng phi công da đen mà là Cha tôi đương nói chuyện gì nho nhỏ với ông đầu làng, khẩu súng vác trên vai còn y nguyên trong bọc. Tôi buông một tiếng thở dài và mồ hôi ứa ra từ hai bên nách và háng. «Lại đây coi!» Sứt Môi la hét gọi tôi lúc tôi còn đương đứng đó. «Lại coi!»
Tôi nằm sấp trên những tảng đá nóng bỏng và nhòm vào qua khung cửa hẹp trổ ngay phía bên trên mặt đất. Dưới đáy sâu thăm thẳm tối thui, tên phi công da đen nằm lăn trên nền, thân hình gập lại rã rời như một con vật bị đánh gục. Tôi chống hai bàn tay đứng dậy.
«Họ đánh nó phải không?» tôi hỏi Sứt Môi, gịong run run vì giận dữ. «Có phải họ xích hai chân nó lại mà đánh cho nó không chạy được không?»
«Làm gì có!» Sứt Môi nói giọng tiếc rẻ.
«Họ chỉ vào nhìn nó có một tí. Chỉ có nhìn thôi mà thằng mọi đen như thế đó.»
Nỗi căm giận của tôi tan biến. Tôi lắc đầu một cách mơ hồ. Em tôi chằm chặp nhìn tôi. «Không sao», tôi bảo nó.
Một đứa trẻ trong làng cố chen với tôi để nhìn qua khung cửa bị Sứt Môi đá vào cạnh sườn khóc ré lên. Sứt Môi đã giành độc quyền coi thằng da đen qua khung cửa; hắn đâu chịu cho bất cứ đứa nào vi phạm cái quyền ấy.
Tôi bỏ Sứt Môi và mấy đứa khác lại đó, bước tới chỗ ông Ký đứng nói chuyện với mấy người lớn đương bao quanh ông. Ông Ký cứ tiếp tục nói, lờ hẳn tôi đi y như mấy đứa trẻ tầm thường trong làng mũi rãi khô quánh trên mép, khiến cho tôi bị chạm tự ái và hại lây đến cả cái cảm tình của tôi đối với ông. Nhưng bây giờ không phải là lúc bận tâm đến chuyện sĩ diện hay tự ái; lách qua đám chân người lớn, tôi thò đầu vào nghe ngóng những gì ông Ký và ông đầu làng đương nói.
Cả văn phòng lẫn cảnh sát ngoài tỉnh — ông Ký nói — không đâu biết làm gì ngay về việc đưa thằng phi công da đen bị bắt đi. Họ sẽ phúc trình vụ này lên vùng, nhưng từ nay cho đến lúc nhận được lời phúc đáp thì phải săn sóc cho nó, và đây là trách nhiệm của dân làng. Ông đầu làng phản đối. Ông nhắc lại rằng dân làng không được vũ trang để canh giữ tù binh. Ông lại nói thêm rằng việc áp giải một thằng da đen cực kỳ nguy hiểm qua một đoạn đường đồi núi xa như vậy cho đàng hoàng sẽ nhiêu khê lắm. Mùa mưa dài dặc và lụt lội đã khiến cho mọi việc đâm ra phức tạp và khó khăn.
Nhưng đến khi ông Ký bắt đầu dùng một cái giọng hách dịch, cái giọng quá trịnh trọng của một viên công chức quèn, thì mấy người lớn đều chịu thua dần. Ngay khi biết được là thằng da đen sẽ ở lại trong làng cho đến khi ở trên vùng người ta quyết định làm gì, tôi liền rời mấy người lớn, mặt mũi còn đờ ra đấy vì bực bội và bối rối, và chạy lại chỗ em tôi với Sứt Môi đương giữ độc quyền khung cửa sổ. Trong lòng tôi tràn đầy giải thoát, trông đợi, và một niềm day dứt khó chịu mà người lớn đã lây sang tôi.
«Ờ, họ không giết nó mà, đúng không?» Sứt Môi hớn hở nói. «Ta đã bảo mà, mọi đen đâu có phải quân địch.»
«Giết nó thì uổng quá», em tôi nói.
Ba đứa chúng tôi chụm đầu vào nhau nhòm vào khung cửa và thở dài khoan khoái khi thấy thằng da đen vẫn còn nằm xoài dưới hầm, cái ngực đưa lên đưa xuống theo nhịp thở. Có tiếng rì rầm khó chịu của mấy đứa trẻ đã bò tới ngay chỗ chúng tôi doãi chân trên mặt đất, lòng bàn chân ngửa lên phơi ngoài nắng. Sứt Môi vội nhỏm dậy la hét, và bọn chúng kêu ré lên bỏ chạy.
Cuối cùng, nhìn mãi thằng da đen nằm xoài nguyên một chỗ chúng tôi cũng mệt nhưng chúng tôi không chịu từ bỏ cái vị trí đặc quyền. Sứt Môi cho phép mấy đứa trẻ khác được ngó qua khung cửa một tí nhưng để bù lại, hắn bắt mỗi đứa phải nộp một vật gì đó — chẳng hạn mấy quả táo, mấy quả mơ, quả vả hoặc quả thị. Mấy đứa thường nhòm vào, đỏ mặt tía tai vì ngạc nhiên và khoái trá, rồi chúng đứng dậy đưa lòng bàn tay lên phủi bụi trên cằm. Trong lúc đứng dựa lưng vào tường căn nhà chứa đồ, ngắm mấy đứa trẻ phơi những đôi mông bé bỏng ngoài nắng, — bất kể tới việc Sứt Môi bóc lột — chú tâm đến cái kinh nghiệm lớn đầu tiên trong đời chúng đến như vậy, tôi cảm thấy một sự thỏa mãn và đầy đủ lạ lùng, một nỗi niềm hứng khởi vui sướng. Một con chó săn tách rời đám người lớn chạy lại phía chúng tôi. Sứt Môi đặt nó lên hai đầu gối mình bắt rận. Hắn lấy mấy đầu móng tay vàng vàng xiết mấy con rận tanh tách trong lúc vừa quát tháo ra lệnh cho lũ trẻ vừa xấc xược mắng chửi.
Sau khi mấy người lớn đã bỏ lên con đường mòn ở lưng đồi để tiễn chân ông Ký, chúng tôi vẫn tiếp tục cái trò chơi kỳ lạ ấy. Đôi khi lờ cả những giọng nói tức tối ở sau lưng, chính chúng tôi cũng ngó vào hầm thật lâu và thật chăm chú. Thằng phi công da đen vẫn nằm dài ra đó, chẳng có dấu hiệu động đậy gì cả, như thể chỉ nguyên một việc mấy người lớn nhìn nó cũng đã đủ gây thương tích cho nó.
Đêm hôm ấy, có Cha xách súng đi kèm và mang một cái nồi sắt nặng đựng món cháo và rau hầm xoàng xĩnh, tôi lại xuống hầm. Thằng da đen nhìn chúng tôi với hai con mắt dỉ vàng đóng ngấn lại, rồi thọc ngay mấy ngón tay lông lá vào nồi cháo nóng và bắt đầu ăn ngon lành. Tôi tha hồ ngắm nghía nó trong lúc Cha đứng dựa tường vẻ chán ngán, không buồn chĩa súng vào thằng da đen nữa. Nhìn xuống những đường gân to ở cổ thằng da đen run run, những bắp thịt của nó lúc căng lúc dãn bất thần, tôi bắt đầu cảm thấy là nó ngoan ngoãn, dễ bảo như một con vật dễ thương. Tôi ngó lên Sứt Môi và em tôi lúc đó đương nín hơi nhòm vào và phóng cho những cặp mắt lù mù lấp loáng của chúng một nụ cười mau lẹ, láu lỉnh. Tôi đã bắt đầu quen với thằng da đen; việc này đã gieo vào lòng tôi và nuôi dưỡng những hạt mầm hãnh diện vô cùng khoan khoái. Tuy nhiên mỗi lần thằng da đen cử động, nghiêng cái bẫy heo rừng và sợi dây xích khua loảng xoảng, nỗi kinh hoàng lúc trước của tôi lại ào tới, và ùa vào các mạch máu cho tới khi tôi cảm thấy khắp mình nổi da gà.
Từ bữa ấy trở đi, tôi được đậc quyền đem đồ ăn cho thằng lính da đen, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Cha vẫn đi theo nhưng người không còn đưa khẩu súng trên vai xuống chĩa vào thằng da đen nữa. Sáng sớm ra và vào lúc nhá nhem tối, khi tôi xuất hiện cùng với Cha bên căn nhà chứa đồ, tay mang cái rổ đựng thức ăn, bọn trẻ đã mỏi mắt trông chờ từ trước trên khoảng đất trống lại trút ra một tiếng thở dài lớn, tiếng thở dài bốc lên cao như một đám mây. Cau mày, tôi bước qua khoảng sân trống không buồn ngó đến lũ trẻ, như một kẻ thành thạo đã mất hết hứng thú trong công việc nhưng vẫn chăm chỉ thi hành tỉ mỉ. Em tôi với Sứt Môi hẳn là phải hài lòng khi cùng đi với tôi, mỗi đứa sát một bên, mãi tới lối vào hầm. Cha và tôi vừa bước xuống, hai đứa liền chạy vội qua khung cửa để nhòm vào. Dẫu cho có phải mệt mỏi vì công việc mang đồ ăn cho thằng da đen, chắc tôi cũng vẫn tiếp tục làm công việc ấy chỉ vì cái thú được nghe thấy những tiếng thở dài ghen tuông — gần như oán hận — mà lũ trẻ, kể cả Sứt Môi nữa, thường trút vào phía sau lưng tôi trong lúc tôi bước đi.
Tôi đã xin được với Cha đặc biệt cho phép Sứt Môi xuống hầm mỗi buổi chiều một lần để giúp tôi làm một công việc xét ra quá nặng đối với một mình tôi. Ở dưới hầm có đặt một cái thùng gỗ nhỏ, cũ kỹ sau một cây cột để cho thằng da đen dùng. Chiều chiều Sứt Môi và tôi thường cẩn thận khiêng nó lên mấy bậc thang, mỗi đứa một bên, bằng một đoạn giây thừng lớn xỏ qua hai cái tay quai, và đem tới đống phân trong làng để đổ cái chất sền sệt, thối hoắc, đánh lóp bóp lóp bóp trong lúc chúng tôi bước đi kia. Sứt Môi biểu lộ một sự hào hứng thái quá đối với công việc này; thỉnh thoảng, trước khi khiêng tới chỗ cái thùng lớn bên cạnh đống phân, hắn lại lấy một cái que ngoáy ngoáy, và giải thích tình trạng tiêu hóa của thằng da đen, đặc biệt là căn bệnh tháo dạ của nó mà hắn quả quyết là do những hột ngô lẫn trong cháo gây ra. Đôi khi cùng đi với Cha xuống lấy cái thùng, chúng tôi thấy thằng da đen tụt quần ngồi chồm hổm trên cái thùng nhỏ, hai cái mông đen bóng chổng lên như một con chó đương đi tơ. Chúng tôi thường phải chờ một lúc ở phía sau thằng da đen, và Sứt Môi hết sức kinh ngạc, đôi mắt xuất thần, thường bấu chặt lấy cánh tay tôi trong lúc chúng tôi lắng nghe tiếng khua động loáng thoáng của chiếc bẫy heo rừng xích hai chân thằng da đen ở hai bên cái thùng gỗ.
Trẻ con chúng tôi không còn quan tâm tới một sự gì khác hơn là thằng da đen, thằng da đen đã lấp đầy mọi xó xỉnh cuộc đời chúng tôi, tràn lan như một căn bệnh truyền nhiễm. Nhưng người lớn có công ăn việc làm của họ, không dễ gì lây những thứ bệnh truyền nhiễm của trẻ con. Người lớn không thể ngồi chơi chờ cho tòa tỉnh ra chỉ thị. Kịp đến khi Cha tôi — người có phận sự canh gác thằng da đen — cũng bắt đầu bỏ đi săn thì thằng da đen ở dưới hầm chỉ còn lại đó vì một mục đích duy nhất là để thỏa mãn những nhu cầu hằng ngày của lũ trẻ mà thôi.
Em tôi, Sứt Môi và tôi đâm quen thói đóng kín cửa ở dưới hầm với thằng da đen trong lúc ban ngày. Ban đầu chúng tôi còn cảm thấy cái tiếng trống ngực đập thình thình thật quyến rũ, cái thứ tiếng luôn luôn đi theo kèm mỗi khi mình phá bỏ luật lệ. Nhưng rồi chẳng bao lâu chúng tôi cũng quen đi và đâm tự mãn, làm như thể việc canh gác thằng da đen là một phận sự thiêng liêng mà người lớn đã trao phó cho chúng tôi trong lúc lên đồi hoặc xuống thung vắng. Khung cửa nhỏ để nhìn vào mà em tôi và Sứt Môi đã bỏ, giờ trở thành khu vực hoạt động của trẻ con trong làng. Dán sát bụng trên nền đất bụi bặm nóng bỏng, chúng thay phiên nhau ganh tị nhìn vào ba đứa chúng tôi đương ngồi quanh thằng da đen. Lâu lâu có đứa thèm quá chịu không nổi, cố tìm mọi cách theo chân chúng tôi xuống hầm để rồi bị Sứt Môi hạ quay lơ, hộc cả máu mũi vì tội ương ngạnh.
Vào lúc này chúng tôi chỉ còn mang cái thùng của thằng da đen lên tới đầu mấy bậc thang dẫn xuống hầm. Phần việc hôi hám đem ra đống phân công cộng dưới ánh nắng gay gắt, chúng tôi trao cho những đứa trẻ nào chúng tôi đặc biệt chiếu cố mà chỉ định công tác cho. Những đứa được chỉ định, hai gò má đỏ lên vì sung sướng, thường đưa cái thùng đi thật ngay ngắn, cố không để rớt ra ngoài một giọt cái chất lỏng vàng vàng đụng đục có vẻ hết sức quý báu đối với bọn chúng kia. Và sáng sáng, toàn thể bọn trẻ, kể cả chúng tôi, đều ngước lên lối mòn từ con đường trên đỉnh đồi đổ xuống qua cánh rừng mà cầu mong cho ông Ký đừng đi xuống với cái lệnh ghê gớm.
Cổ chân thằng da đen, nơi cái bẫy heo rừng ngoạm chặt, bị trầy da và sưng đỏ lên, và máu từ chỗ đó bết lại trên mu bàn chân nó như những lá cỏ héo khô. Chỗ da thịt bị trầy với vết thương đỏ hồng đó là mối lo thường trực của chúng tôi. Mỗi khi doạng chân ngồi trên cái thùng gỗ, thằng da đen thường nhe răng ra để dằn nỗi đau đớn, giống như một đứa bé toác miệng ra cười. Sau nhiều lần đưa mắt dò hỏi nhau và hỏi thăm ý kiến lâu lắc, chúng tôi quyết định tháo cái bẫy ở hai cổ chân cho nó. Thằng da đen chỉ ngồi im lặng dưới hầm như một con vật đen đủi, đần độn nào đó, hai tay bó gối, đôi mắt bao phủ một cái màng sền sệt có lẽ là nước mắt, cũng có lẽ là dỉ mắt đùn ra. Nó có thể làm gì hại đến chúng tôi được? Nghĩ cho cùng, nó cũng chỉ là một thằng mọi đen.
Tay nắm chặt cái chìa khóa mà tôi đã lấy ở trong hộp đựng dụng cụ của Cha, Sứt Môi cúi xuống tháo cái bẫy, vai hắn hầu như chạm vào đầu gối thằng da đen. Lập tức thằng da đen đứng dậy, thoát ra một tiếng gì như rên rỉ và nó lúc lắc hai ống chân. Sứt Môi vứt cái bẫy vào tường và bỏ chạy lên mấy bậc thang, nước mắt chảy ra vì khiếp đảm; em tôi với tôi chỉ biết bấu chặt lấy nhau không sao đứng dậy nổi, như bị một nỗi sợ mới đối với thằng da đen làm tê liệt hẳn. Nhưng thằng da đen không nhào xuống hai anh em chúng tôi như một con diều hâu: thay vì thế, nó lại ngồi xuống, hai bàn tay ôm lấy đầu gối và, đôi ngươi ẩm ướt nước mắt và dỉ mịt mờ, nó nhìn cắm vào cái bẫy rơi sát tường. Lúc Sứt Môi cúi đầu hổ thẹn trở lại hầm, em tôi với tôi mỉm cười dịu dàng đón hắn. Thằng da đen hiền như bất cứ một con vật nào nuôi trong nhà...
Mãi khuya đêm hôm đó, lúc Cha tôi khóa cái khóa tròn lớn ở cửa hầm, người nhìn vào hai cổ chân đã tháo bẫy của tên lính. Tôi lo sợ đến nghẹn thở, nhưng người không mắng mỏ gì như tôi tưởng. Thằng da đen hiền như một con vật đã thuần thục — vào khoảng này cái ý ấy đã lọt vào đầu óc của mọi người trong làng, trẻ con cũng như người lớn.
Sáng hôm sau, lúc cả ba đứa chúng tôi đem cơm sáng lại cho nó chúng tôi thấy thằng da đen đương loay hoay với cái bẫy heo rừng mà nó để trên lòng. Bộ phận sập xuống khi động bẫy đã bị gẫy nát lúc Sứt Môi ném vào tường, và thằng da đen đương coi lại với một vẻ chắc chắn, lành nghề như người thợ sửa bẫy vẫn tới làng vào mùa Xuân. Đột nhiên nó ngước cái trán đen bóng lên mà nhìn tôi và làm cử chỉ ra hiệu cho tôi biết nó muốn cái gì. Sứt Môi và tôi nhìn nhau, không sao dẹp nổi sự vui sướng đương xoa mềm hai gò má căng thẳng. Thằng da đen nói với chúng tôi, nói với chúng tôi cũng một cách y như loài vật nói với chúng tôi vậy...
Chúng tôi chạy tới nhà ông đầu làng và khiêng cái hộp dụng cụ của chung cả làng ra đem xuống hầm. Mặc dầu cái hộp đó có đựng những đồ có thể dùng làm khí giới, nhưng chúng tôi không ngần ngại trao nó cho tên lính da đen. Đối với chúng tôi, cái ý tưởng là thằng da đen, thằng da đen giống hệt như một con vật nuôi trong nhà này, từng là một người lính chiến đấu không sao tin được. Nó thách đố mọi sự tưởng tượng.
Thằng da đen trừng mắt nhìn cái hộp dụng cụ, rồi nhìn vào mắt chúng tôi. Chúng tôi ngắm nghía nó mà rùng mình thích thú; và lúc Sứt Môi ghé vào tai tôi thì thào «Thằng chả hệt như người ta!» tôi chọc vào mông em tôi và cất tiếng cười đến đau ruột, tôi cảm thấy hết sức sung sướng và hãnh diện. Qua khung cửa, tiếng thở dài trầm trồ của lũ trẻ ngồi ngoài bay vào như hơi sương.
Chúng tôi mang cái rổ đựng bữa ăn sáng đi. Khi chúng tôi quay trở lại hầm thì thằng da đen đã lấy từ trong hộp dụng cụ ra một cái mỏ-lết và một cái búa nhỏ và đặt tất cả gọn gàng trên một cái túi vải trải dưới đất. Nó nhìn chúng tôi khi chúng tôi tới ngồi bên cạnh nó. Bỗng dưng, hàm răng lớn đương vàng ra mau chóng của nó nhe ra, và hai má nó chùng xuống thành nhiều vết nhăn; lần đầu tiên chúng tôi hơi giật mình nhận ra là thằng lình da đen mỉm cười. Và chúng tôi thấy rằng chúng tôi được ràng buộc chặt chẽ với nó bằng một thứ liên kết thật sâu xa, thật mạnh mẽ gần như của «con người» với nhau vậy.
Chiều muộn. Sứt Môi đã bị người đàn bà ở nhà ông thợ rèn lôi về giữa tiếng chửi mắng thậm tệ, và đôi mông chúng tôi ngồi mãi ngay trên nền đất không cũng đã bắt đầu thấy đau, thế mà thằng da đen vẫn còn loay hoay với công việc, nó cố làm cho hai cái hàm bẫy ăn ngàm với nhau thật khít. Mấy ngón tay nó dính nhem lớp mỡ nhờn bụi bám lâu ngày ở cái bẫy và nó kỳ cạch sửa.
Tôi mê mải ngắm cái cách mảng thịt hồng, mềm mại ở hai lòng bàn tay nó bị cái lưỡi phập ở bẫy ấn trĩu xuống và cái ngấn dơ nhờn ghét trên cổ nó vặn vẹo thành một đường đen thui trong lúc nó động đậy. Tự nhiên cái đó gợi dậy trong tôi một sự nôn nao không phải là không thú vị, một cảm giác đột ngột có vướng vất nỗi thèm muốn. Thằng da đen chăm chú với công việc, phùng đôi má nung núc thịt như thể đương hát thầm trong cái miệng rộng lớn cho mình mình nghe. Em tôi tựa vào đầu gối tôi, ngắm những ngón tay nó hoạt động với hai con mắt sáng lên vì thán phục. Ruồi nhặng bu đầy chung quanh, tiếng cánh vù vù cùng với hơi nóng cuốn sâu mãi vào hai lỗ tai chúng tôi.
Với một âm thanh mỗi lúc một mạnh hơn, ngắn hơn và sắc hơn, cái bẫy cắn vào sợi thừng bằng rơm thô kệch để ở giữa cho đến lúc cuối cùng thằng da đen cẩn thận đặt xuống đất, nhìn chúng tôi với đôi mắt lờ đờ, ướt át, tươi cười. Những giọt mồ hôi long lanh chảy xuống cái trán đen bóng của nó. Em tôi với tôi mỉm cười đáp lại. Vẫn mỉm cười, chúng tôi nhìn thật lâu vào đôi mắt dịu dàng của nó, y như chúng tôi đã nhìn mấy con dê hay mấy con chó săn. Trời nóng nực. Người ướt sũng trong hơi nóng, chúng tôi mỉm cười với nhau, như thể cái nóng kia là một cái gì khoan khoái hai anh em cùng chia sẻ với thằng da đen, đã buộc chặt ba đứa chúng tôi lại với nhau.
Một buổi sáng, người ta đưa ông Ký về, bùn đất lắm lem và ở cằm có máu chảy. Ông bị ngã ở trong rừng, lộn nhào xuống một triền dốc ngắn và nằm chỏng chơ ở đó mãi cho tới khi người lớn trong làng lên đồi làm việc thấy ông mà đỡ dậy. Cái khúc chỗ da dầy và cứng ở cái chân giả của ông nối vào bằng một vòng sắt bị cong lại, và không chịu ăn khớp nữa. Ông Ký nhìn vào đó bối rối trong lúc ông đầu làng chữa chạy cho ông. Ông cũng không buồn thông báo những chỉ thị ở tỉnh nữa. Mấy người lớn đâm bực bội, trong lúc trẻ con chúng tôi lại nghĩ rằng, nếu như ông tới để bắt thằng da đen đi, thì thà ông chết đói ở dưới đáy cái dốc kia còn tốt hơn. Nhưng thật ra ông Ký tới là để giải thích rằng chưa có chỉ thị nào của các nhà chức trách ở trên vùng xuống. Chúng tôi sung sướng và lấy lại được thiện cảm với ông Ký rất mau. Chúng tôi xách cái chân giả của ông và hộp dụng cụ xuống hầm.
Thằng da đen nằm xoài trên nền đất ẩm ướt, cất giọng trầm ấm ca một bài ca sống động lạ lùng khiến chúng tôi như bị thôi miên, một bài ca trong đó nỗi phiền muộn và niềm vui sướng đã hờm sẵn để chồm tới chúng tôi bất cứ lúc nào. Chúng tôi đưa cho nó coi cái chân giả bị hư. Nó đứng dậy, trừng mắt nhìn cái chân giả một lúc, rồi bắt tay vào việc không chậm trễ. Một tiếng kêu khoái trá lọt vào qua khung cửa trổ trên nóc hầm từ đám trẻ con đương ngó xuống. Sứt Môi, em tôi và tôi lớn tiếng cười cho đến khi nghẹt thở.
Đến chiều, khi ông Ký xuống hầm thì cái chân giả lại tốt như mới. Ông buộc cái chân giả vào khúc chân cụt ngắn ngủn và đứng dậy cùng với tiếng kêu mừng rỡ của lũ trẻ. Ông nhẩy lên mấy bậc thang và bước ra khoảng đất trống bên ngoài xem cái chân đi đứng ra sao. Hai tay níu kéo thằng da đen, chúng tôi dựng nó dậy và không chút ngập ngừng, như một thói quen đã có từ lâu, chúng tôi đưa nó ra ngoài cùng với chúng tôi.
Hai lỗ mũi rộng lớn của nó phồng ra trong lúc nó hít lấy hít để cái không khí mát dịu của buổi chiều hè — cái không khí đầu tiên trên mặt đất mà nó hút thở kể từ khi trở thành tù binh. Rất chăm chú, nó ngắm những bước đi thử của ông Ký. Mọi sự đều hoàn hảo. Ông Ký chạy lại và lôi từ trong túi ra một điếu thuốc mà ông vấn lấy bằng lá rau nghé. Thứ thuốc này vấn rất thô, hơi khói xông vào mắt làm nhức nhối và khiến ta nhớ tới một đám cháy rừng. Ông Ký châm điếu thuốc rồi đưa cho thằng da đen cao lớn. Thằng da đen từ từ rít một hơi, rồi rít mau hơn, bàn tay nắm lấy cổ họng ho sặc sụa. Ông Ký bối rối phác một nụ cười ân hận, nhưng lũ trẻ con chúng tôi thì cười ầm lên. Thằng da đen ngay người lại đưa bàn tay to lớn lên chùi nước mắt, rồi rút từ trong cái quần vải bó sát lấy đôi mông tròn lẳn ra một cái ống vố đen bóng và đưa cho ông Ký.
Ông Ký nhận món quà tặng, thằng da đen gật đầu hài lòng; một vạt nắng đổ xuống, rủ trên người họ những bóng tối tím thẫm của buổi chiều. Chúng tôi vây quanh họ, la hét tới đau cả cổ họng và cười lên như điên dại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét