Tiền ảo Bitcoin: Quan tâm và tranh cãi


Tiền ảo Bitcoin được phát minh vào năm 2009.
Tiền ảo Bitcoin được phát minh vào năm 2009.
VOA    24.12.2013
Những người muốn mua hàng, thanh toán dịch vụ, hoặc chuyển tiền ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cần tới ngân hàng, thẻ tín dụng và dịch vụ tài chính khác, thậm chí cả chính phủ, đang sử dụng ngày một nhiều loại tiền ảo gọi là Bitcoin. Ðược phát minh vào năm 2009 bởi một kỹ sư phần mềm bí ẩn mà không ai biết tên thật là gì, loại tiền kỹ thuật số này đang tạo nên rất nhiều sự quan tâm...và tranh cãi.

Khoảng 1.700 doanh nghiệp khắp thế giới giờ đã chấp nhận Bitcoin. Loại tiền điện tử mã hóa này được mua, bán, và chuyển khoản như tiền tệ truyền thống thông qua các công ty giao dịch. Những giao dịch được thực hiện mà không có sự tham gia hoặc quản lý của bên thứ ba hay chính phủ.

Điều này làm Bitcoin trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới hoàn toàn phi tập trung hóa, theo lời nhà phân tích chính sách công nghệ Jerry Brito.

"Bitcoin về cơ bản giải quyết được vấn đề của khoa học máy tính, lần đầu tiên cho phép chỉ hai người giao dịch trực tuyến, vậy nên nó mang tính phi tập trung hóa. Không có công ty Bitcoin, không có chính phủ, nó giống như email vậy."

Loại tiền này có sức hấp dẫn đối với những tay tội phạm muốn bí mật chuyển tiền. Nhưng cơ quan thực thi luật pháp Mỹ gần đây đã đóng cửa một thị trường chợ đen trực tuyến sử dụng Bitcoin.

Ông Marco Santori, Chủ tịch Ủy ban Vấn đề Quản lý của tổ chức Bitcoin Foundation, chỉ ra rằng mọi giao dịch bằng Bitcoin có thể được nhìn thấy bởi tất cả những máy tính khác.

"Bitcoin thực ra được quản lý rất nghiêm ngặt. Những người đổi Bitcoin lấy những loại tiền tệ kỹ thuật số khác hoặc đổi Bitcoin lấy đô la được xem là thực thể kinh doanh chuyển tiền theo Luật Bảo mật Ngân hàng của Mỹ."

Độ tin cậy của hệ thống dựa trên cơ sở là số lượng bitcoin trong toàn bộ hệ thống luôn phải được kiểm kê. Máy tính của người sử dụng liên tục theo dõi và chấp thuận những giao dịch nhận thêm bitcoin mới, là cách mà ngân khoản bổ sung được thêm vào hệ thống, ông Brito nói.

"Mỗi mười phút có 25,5 bitcoin được đưa vào nền kinh tế và được đưa theo một cách thức ngẫu nhiên."

Mỹ, Đức, và chính phủ nhiều nước khác đã chấp thuận việc sử dụng loại tiền tệ kỹ thuật số này, mặc dù một số quan chức kêu gọi giám sát nhiều hơn. Trung Quốc mới đây đã cấm ngân hàng nhưng không cấm các doanh nghiệp của nước này giao dịch bằng Bitcoin.

Ông Santori nói giờ việc gửi tiền toàn cầu trở nên dễ dàng hơn và rẻ hơn.

"Giờ người ta không phải luôn luôn gửi đồng đô la hoặc một số phái sinh của đồng đô la. Họ có thể gửi Bitcoin."

Kể từ khi ra mắt vào năm 2009, giá trị của một Bitcoin dao động từ chỉ vài xu đến gần 1.000 đô la. Và khi ngày càng nhiều công ty chấp nhận nó cho hàng hóa và dịch vụ, và ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng nó, đồng tiền ảo này đang dần khẳng định vị thế trong khung cảnh tài chính toàn cầu.

Source : VOA