4/12/13

Người vô hình ở xứ sở Bạch Dương

Người vô hình ở xứ sở Bạch Dương

Tác giả: Hồng Nga (BBC – 28/11/2013)
Moscow, Liên bang Nga

Tôi gọi họ là Những người vô hình vì đi trên đường phố hay xuống các trạm metro ở Moscow, ít thấy người Việt.
Đáng ngạc nhiên, vì con số người Việt làm ăn sinh sống ở Nga, theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại đây, lên tới khoảng 100.000.
Vậy thì họ đi đâu?

Hãy tới các khu chợ bán sỉ ở Moscow, những cái tên mà người Việt nào ở Nga cũng thuộc, như chợ Liublino, hay chợ Sadovod, còn gọi là chợ Chim. Ngay từ cổng chợ, đã có thể thấy nhiều người Việt đi lại, quần áo sẫm màu, dáng vẻ tất bật, vất vả như những người Việt khác ở trong nước. Bên trong các chợ, mà quy mô lớn gấp chục lần chợ Đồng Xuân, hay chợ Bến Thành, lớp lớp người Việt bận rộn chở hàng, bán hàng, ăn uống, trò chuyện, cãi cọ… như một bầy kiến.

Người Việt nhập cư trái phép thì tập trung ở các xưởng may chui, mà người Việt gọi là xưởng may “đen”. Thông thường các xưởng may này được đặt ở các cơ sở sản xuất cũ của người địa phương nằm ngoài ngoại ô, nay bỏ hoang được cải tạo lại và bao bọc kín cổng cao tường. Công nhân ở đây gần như chỉ ra ngoài khi trời tối. Mất nhiều tiếng đồng hồ, tôi mới nói chuyện được với một người như vậy.

Nguyễn Thị Xuân, 27 tuổi, là người Phú Thọ. Xuân không phải là tên thật, và chị cũng chỉ đồng ý nói chuyện với tôi với điều kiện giấu mặt và giấu cả giọng. Câu chuyện của Xuân chắc là cũng giống như chuyện của hàng nghìn người Việt khác đang trôi nổi ở xứ sở Bạch Dương.

Nhà nghèo, vay nợ, Xuân vay tiếp hơn 2.000 đôla để công ty dịch vụ bố trí cho sang Nga qua đường du lịch. Visa du lịch dĩ nhiên đã quá hạn từ lâu. Sang đây rồ, chị làm công nhân may, kiếm tiền trả nợ và tiết kiệm để gửi về cho gia đình. Xuân và hơn 10 công nhân khác sống ngay tại xưởng. Máy may phía dưới, người ở phía trên, trai gái cùng chung một phòng không có cửa.Ngủ giường tầng, số giường ít hơn số thợ, đơn giản là vì làm việc theo ca, người này nghỉ thì người kia thức. Mỗi ngày chủ bảo đảm hai bữa cơm, nếu đói thì ăn mì gói.

‘Quen vất vả’

Báo chí Nga và cả Việt đã nhiều lần có bài về cuộc sống cực khổ của lao động nhập cư bất hợp pháp người Việt ở Nga, mà một số bài báo ví với ‘nô lệ thời hiện đại’. Năm ngoái, sau khi BBC đăng tải tố cáo của một số lao động Việt, Cục Di trú Liên bang Nga đã tổ chức tập kích một xưởng may “đen” và chứng kiến cảnh tượng hãi hùng bên trong nơi ở của các công nhân. Những người này được giải cứu và sau đó được hồi hương về Việt Nam.Thế nhưng hàng chục nghìn người khác vẫn còn ở lại.

Câu hỏi đặt ra là tại sao sau những câu chuyện kinh hoàng như vậy, người lao động “chui” vẫn không muốn về và người mới vẫn tiếp tục sang từ Việt Nam? Rất đơn giản: để kiếm tiền.

Xuân cười khi nghe hỏi về cuộc sống cực nhọc ở xưởng may: “Em quen vất vả rồi chị ạ. Ở Việt Nam làm gì ra tiền, tháng nào hết tháng ấy, còn phải vay nợ thêm”. “Ở đây, mỗi tháng tiết kiệm cũng còn được 400-500 đô. Mà em lại chẳng có chỗ nào mà đi vì sợ công an bắt, nên không phí tiền vào việc gì khác.” Để kiếm được ngần ấy tiền, các lao động may như Xuân phải làm việc tới 10 tiếng đồng hồ/ngày, thậm chí 14 tiếng. Giấy tờ không có, tiếng Nga không biết, đúng là họ chẳng biết đi đâu.

Có những người tiếng là ở Nga mấy năm mà chưa từng lai vãng tới những địa danh nổi tiếng ở thủ đô như Quảng trường Đỏ. Số người Việt Nam đang sống và làm việc trái phép ở Nga là bao nhiêu, có lẽ không ai biết chắc. Những người sống ở Nga lâu năm ước tính khoảng 30% tổng số người Việt ở đây không có giấy tờ hợp lệ.

Các công ty Việt Nam hoạt động ở Nga, về nguyên tắc, có thể thuê người Việt làm công. Tuy nhiên con số lao động bị quy định bởi hạn ngạch mà chính phủ Nga cấp định kỳ. Cơ chế hạn ngạch, mà giới chức Nga sử dụng để kiểm soát lao động nhập cư, đang bị chỉ trích là không có hiệu quả. Chính phủ Nga đang phải chịu áp lực nặng nề từ người dân về tình trạng người nhập cư lậu, mà con số theo ước tính có thể lên tới 4-6 triệu người. Thậm chí có nguồn đánh giá là số người nước ngoài, chủ yếu từ các nước cộng hòa Liên bang Xô viết cũ, đang sinh sống và làm ăn bất hợp pháp ở Nga là 10 triệu người.

Điều luật ân xá

Số người Việt làm “chui” trong tương quan này không lớn, nhưng người Việt Nam lại trở thành “hình mẫu” bất đắc dĩ trong các tường thuật của báo chí cũng như trong dư luận khi nói về tình trạng nhập cư trái phép. Một trong các lý do là vì hiện diện hàng chục năm nay của lao động Việt Nam ở Nga.

Công nhân Việt Nam bắt đầu ồ ạt vào Nga từ những năm 1980, sau khi Hà Nội ký với Moscow Hiệp định về xuất khẩu lao động, mà chủ yếu là để giúp cho nền kinh tế Việt Nam quá ọp ẹp sau những năm tháng chiến tranh.

Trong chưa đến một thập niên, hơn 100.000 lao động Việt có mặt tại Liên Xô lúc đó. Đa phần họ tới từ các địa phương nghèo miền Bắc, và điều này giải thích tại sao Nga là thị trường truyền thống của lao động miền Bắc Việt Nam. Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều người ở lại, tiếp tục tổ chức cho người khác từ Việt Nam sang làm ăn. Con số người Việt ở Nga không ít đi, nhưng số người bất hợp pháp trong đó thì tăng lên và tiếng nói của cộng đồng Việt Nam ở đất nước này bị cho là ngày càng giảm trọng lượng.

“Thực ra người Việt nói chung không mắc vào các tội trạng hình sự, ngoài trốn thuế và vi phạm bản quyền [khi gia công hàng may mặc],” một người hoạt động cộng đồng ở Nga, đề nghị giấu tên, nhận xét.

Theo ông, để kiểm soát tốt hơn hoạt động của các lao động này, đồng thời để bảo vệ họ trước sự bóc lột, ngược đãi của chủ thuê, cũng như trước các nhóm dân tộc chủ nghĩa đang hình thành ở nước Nga, chính phủ nên cân nhắc một điều luật ân xá, hợp pháp hóa người lao động Việt giống như kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

Cục Di trú Liên bang Nga (FMS) thừa nhận họ đã nhận được đề xuất này và đang cân nhắc, nhưng chưa biết có thực hiện được hay không. Ông Vladimir Masyuk, cố vấn cao cấp của FMS, nói: “Ý kiến về việc này vẫn còn đang chia rẽ sâu sắc, liệu làm như vậy sẽ tốt hơn hay xấu hơn cho nước Nga?” “Có người ủng hộ nhưng cũng nhiều người chống. Hiện chưa rõ quyết định sẽ như thế nào.”

Trong lúc chờ đợi, hàng nghìn người Việt không giấy tờ vẫn đang sống trong chui lủi và sợ hãi.
Một số người, như Kiên (không phải tên thật), 22 tuổi, quyết định quay lại Việt Nam. Sang Nga du lịch rồi ở lại làm xây dựng, đi chợ, rồi chuyển sang may, Kiên nói cuộc sống đối với anh quá vất vả. “Em định làm giấy tờ trục xuất, rồi về Việt Nam xin đi làm công ty,” Kiên thổ lộ.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét